|
Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Bút
Ký mùa NOEL 2022
Chủ đề:
BCND
& Chiếc Béret Xanh
Tác giả:
Phan Văn Huấn
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Lời giới thiệu: Bài viết của Đại tá Phan Văn Huấn liên quan đến sự thành lập binh chủng LLÐB và BCND. –nkt.
Mỗi quân nhân đều tự hào với màu cờ sắc áo
của đơn vị mình. Binh chủng Nhảy Dù (ND) với chiếc Mũ Ðỏ, Thủy
Quân Lục Chiến (TQLC) Mũ Xanh màu nước biển, Biệt Ðộng Quân (BÐQ)
Mũ Nâu, Thiết Giáp (TG) Mũ Ðen, và Lực Lượng Ðặc Biệt (LLÐB) hãnh
diện với chiếc Mũ Xanh màu lá cây rừng (green beret), v.v. Ðối
với các đơn vị tác chiến, nhất là các đơn vị tổng trừ bị thì niềm
kiêu hãnh này đã là chất xúc tác mạnh mẽ nâng cao tinh thần chiến
đấu của đơn vị. Sau đây là câu chuyện của chiếc mũ mầu Xanh lá
cây rừng (The Green Beret) LLÐBVN.
Ngày 22/4/1957, tôi
vào trình diện BTTM để nhận lệnh mới thì được đưa đến tạm trú tại
dãy nhà ở đường Hiền Vương, gần câu lạc bộ sĩ quan An Ðông, Chợ
Lớn để đợi lệnh. Sau hơn một tháng chờ đợi, hơn 20 anh em mới
được đưa ra Vũng Tàu để học lớp truyền tin đặc biệt, Đại úy Bùi
Thế Minh được chỉ định làm trưởng lớp, Đại úy Tống Hồ Hàm làm
phó. Một buổi sáng nọ, được nghỉ học để nghe thượng cấp nói
chuyện, chúng tôi lên xe ra thẳng bãi sau Vũng Tàu, nơi đây đã
được cảnh sát canh gác cẩn thận, không một người dân nào được lai
vãng gần nơi đó. Trên một bàn dài kê sẵn, thượng cấp gồm có Thiếu
tướng Trần Văn Ðôn, Trung tá Lê Quang Tung, và vài ba vị cố vấn
Mỹ. Tôi nhớ lời Trung tá Tung nói: “Các anh là nòng cốt của một
binh chủng mới, đó là Lực Lượng Ðặc Biệt (LLÐB). Sau 3 tháng học
lớp truyền tin xong, các anh sẽ học nhảy dù rồi học lớp LLÐB. Sau
lớp LLÐB các anh sẽ chính thức hành quân đặc biệt là nhảy vào hậu
phương địch để hoạt động, các anh nhớ là khi nhảy dù xuống hậu
phương địch thì đã có người của mình đón tiếp và giúp các anh
hoàn thành công tác giao phó”.
Sau một tháng học nhảy dù,
chúng tôi di chuyển ra Nha Trang, học lớp LLÐB tại trường Biệt
Ðộng Ðội ở Ðồng Ðế do một toán LLÐB Mỹ từ Okinawa đến huấn luyện.
Ðại úy Cramer là trưởng toán, lớp học được hơn một tháng thì
trong một cuộc thực tập phục kích gần đèo Rù Rì, Đại úy Cramer,
một thượng sĩ cố vấn và Trung úy Phan Thanh Ðàn tử thương vì sơ ý
trong việc sử dụng chất nổ! Lớp học vẫn tiếp tục trong sự luyến
tiếc những người đã nằm xuống và sự ngờ vực của người Mỹ. Một
toán điều tra của Mỹ từ Sài Gòn ra tìm hiểu sự thật một thời gian
ngắn và kết luận là cố vấn Mỹ chết vì tai nạn chứ không phải vì
một âm mưu phá hoại nào. Mặc dù đã được xác định như thế nhưng
chúng tôi đi thực tập, chỉ được mang súng, không được mang đạn
dược và chất nổ theo.
Sau 4 tháng gian khổ học tập, khóa
A đầu tiên của binh chủng LLÐB mãn khóa vào tháng 12/1957. Các
khóa B, C, D sau đó vẫn tiếp tục huấn luyện tại trường Biệt Ðộng
Ðội Ðồng Ðế Nha Trang và huấn luyện viên của các khóa sau này đều
do khóa A đảm trách. Vì tính cách quan trọng của việc thành lập
binh chủng LLÐB. Ðại úy Phạm Văn Phú (thiếu tướng) và Trung úy
Trần Hữu Tác (trung tá) là khóa sinh khóa B cũng như nhiều khóa
sinh ưu tú khác nhập học. Sau khóa D mãn khóa thì có cuộc hành
quân thực tập, nhảy dù xuống vùng Xuyên Mộc Ðất Ðỏ thuộc tỉnh
Bình Tuy chừng 2 tuần, cuộc hành quân này gồm nhiều toán A, mỗi
toán 15 người, toán tôi thì có Trung úy Lê Tất Biên toán phó,
Thượng sĩ Kalani làm cố vấn. Toán tôi đóng quân trong mật khu
Lang Ma của cộng sản. Tại đây, một kỷ niệm mà tôi còn nhớ mãi là
khi Trung úy Biên cùng 2 người nữa mang súng garant đi sâu vào
rừng (Trung úy Biên thích đi săn lắm), hôm đó Trung úy Biên đội
đèn trên đầu tay cầm súng carbine. Một giờ sau, thì tiếng súng nổ
ran như đang giao tranh với Việt cộng. Tôi vội vã tập họp toán
lại để đi tiếp cứu thì thấy toán Trung úy Biên hổn hển chạy về!
Trung úy Biên nói “Tôi đang đi theo đường xe be giữa rừng cây um
tùm thì hết thấy lối đi nhưng chiếu đèn trên cao, đột nhiên thấy
nhiều con mắt của thú rừng như sao trên trời! Nhìn kỹ thì đó là
những đôi mắt của một đàn voi đang chắn lối đi! Thế là cả 3 người
đồng loạt nổ súng và chạy lui.” Ðàn voi bị tấn công bất ngờ, chạy
tán loạn. Ðêm đó chúng hú gọi nhau vang cả khu rừng làm anh em
chúng tôi không dám ngủ, sẵn sàng tư thế chống trả.
Sau
khi khóa A mãn khóa thì được mang danh hiệu là Liên Ðội Quan Sát
Số 1 (LÐQSS1), Đại úy Bùi Thế Minh làm chỉ huy trưởng và Đại úy
Tống Hồ Hàm chỉ huy phó. Nhưng đến khóa B thì Thiếu tá Ðàm Văn
Quý thay thế làm chỉ huy trưởng và được đội Mũ Ðỏ như Nhảy Dù.
Ðến ngày 11 tháng 11 năm 1960, Liên Ðoàn Nhảy Dù do Đại tá Nguyễn
Chánh Thi, Trung tá Vương Văn Ðông, và Trung tá Nguyễn Triệu Hồng
chỉ huy làm cuộc đảo chánh Tổng thống Ngô Ðình Diệm nhưng bất
thành, phải bỏ trốn sang Campuchia. LÐQSS1 tức tốc vào Sài Gòn
cứu giá, đoàn xe GMC chở LÐQSS1 đi lên Ban Mê Thuột rồi thẳng về
Ðồng Xoài, Bình Dương và vượt sông Sài Gòn bằng phà ở Thủ Thiêm
để đến dinh Ðộc Lập (vì cầu Bình Lợi đã bị phá sập). LÐQSS1 chưa
đến dinh Ðộc Lập thì trật tự đã được vãn hồi trước đó hai hôm! Dù
toàn bộ LÐQSS1 chưa vào đến Sài Gòn nhưng đã có một toán 12 người
của LÐQSS1 do Trung úy Nguyễn Lộc chỉ huy đã từ Sở Liên Lạc tiến
lên đến ngã tư Hồng Thập Tự và Bà Huyện Thanh Quan thì đụng phải
Thiếu tá Phan Trọng Chinh (thiếu tướng) và Nhảy Dù đang bao vây
dinh, cuộc chạm súng ngắn ngủi đã xảy ra, bên LÐQSS1 có Trung úy
Trần Khắc Nghiêm bị thương ở đầu. Trung úy Nguyễn Lộc là người
đầu tiên của LÐQSS1 được vinh thăng đại úy sau cuộc chạm súng
thập phần nguy hiểm đó.
Sau chính biến, toàn bộ LÐQSS1 di
chuyển vào đóng quân ở trại Hùng Vương, cạnh trường đua ngựa Phú
Thọ. Thiếu tá Ðàm Văn Quí được lệnh về làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu
đoàn 3 nhảy dù đóng ở ngã tư Bảy Hiền và Đại úy Tống Hồ Hàm làm
Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 6 nhảy dù đóng ở Vũng Tàu, và một lần nữa
Thiếu tá Phạm Văn Phú về làm chỉ huy trưởng Liên Ðoàn 77.
LÐQSS1 đổi danh thành Liên Ðoàn 77 do nghị định số 1183/QP/NÐ của
Bộ Quốc Phòng ngày 3/10/1961, rồi LÐ77 đổi danh thành LĐ301 do
nghị định 1409/QP/NÐ ngày 24/7/1964, và giải tán do nghị định
284/QP/NÐ ngày 9/6/1965. Liên Ðoàn 31 do Đại úy Phạm Duy Tất làm
chỉ huy trưởng, không rõ Liên Ðoàn 31 thành lập năm nào, có lẽ
năm 1962, nhưng chỉ biết LÐ31 đổi danh thành LÐ111 do nghị định
số 1409/QP/NÐ ngày 24/7/1964 và giải tán do nghị định số
0284/QP/NÐ ngày 19/6/1965. Quân số 2 Liên Ðoàn 301 và 111 giải
tán để sắp xếp lại và chính thức gọi là binh chủng LLÐB vào tháng
4/1963, gồm có một Bộ Tư Lệnh, một Đại đội Tổng Hành Dinh, một
trung tâm huấn luyện, và 4 bộ chỉ huy C ở 4 vùng chiến thuật, mỗi
C có một số B và mỗi B có một số toán A tùy theo tình hình địa
phương, mỗi toán A quân số vào khoảng 12 người, tổng cộng quân số
LLÐB vào khoảng trên dưới 5,000 cho đến khi giải tán vào năm
1970.
Từ năm 1961, LLÐB bắt đầu kế hoạch mở các trại Biệt
Kích Biên Phòng (BKBP) (CIDG) dọc theo biên giới Việt–Miên–Lào để
ngăn chặn việt cộng xâm nhập vào lãnh thổ VNCH, tùy theo tình
hình, mỗi trại quân số BKBP có từ một tiểu đoàn hoặc nhiều hơn.
Cho đến ngày BKBP đổi danh thành Biệt Ðộng Quân Biên Phòng khi
LLÐB giải tán vào năm 1970 thì quân số đã lên đến trên 50 ngàn
quân với gần 50 trại. Cũng từ năm 1961 thì LLÐB bắt đầu thành lập
các đại đội Biệt Cách Nhảy Dù (BCND) biệt lập rồi đến năm 1964
thì sáp nhập lại thành lập Tiểu đoàn 91 BCND, Thiếu tá Trần Minh
Huy làm Tiểu đoàn trưởng đầu tiên, đến ngày 1/4/1968 đổi danh
thành Tiểu đoàn 81/BCND. Cũng trong năm 1964 này thì LLÐB lập
thêm một đơn vị nữa, lấy tên là Trung Tâm Huấn Luyện Hành Quân
Delta (TTHL/HQ/Delta) gồm có 12 toán Thám Sát, mỗi toán 6 người,
và 12 toán Thám Kích Tiền Phong (TKTP) là Biệt Kích Quân lấy từ
các trại do Mỹ trả lương. Ðại úy Nguyễn Văn Khách là chỉ huy
trưởng Delta đầu tiên. Bộ Tư Lệnh LLÐB chính thức thành lập vào
tháng 4/1963 do Đại tá Lê Quang Tung làm tư lệnh, lần này Mũ Ðỏ
lại đổi thành Mũ Ðen của binh chủng LLÐB cho đến đầu năm 1964 di
chuyển ra Nha Trang vẫn còn đội Mũ Ðen, rồi chẳng bao lâu sau, Mũ
Ðen đổi thành Mũ Xanh cho đến khi LLÐB giải tán vào tháng 8/1970.
Ðại tá Lê Quang Tung kể như làm tư lệnh LLÐB từ ngày
thành lập cho đến ngày 1/11/1963 thì bị thảm sát. Trung tướng Lê
Văn Nghiêm từ 1963 đến 1964. Chuẩn tướng Lam Sơn từ 1964 đến cuối
1964. Chuẩn tướng Ðoàn Văn Quảng từ 1964 đến 1969, sau đó Chuẩn
tướng Lam Sơn trở lại năm 1969, Thiếu tướng Phạm Văn Phú năm
1970, và cuối cùng là Đại tá Hồ Tiêu.
LLÐB là binh chủng
đầu tiên thi hành những nhiệm vụ vô cùng bí mật đó là thả các
toán Biệt Kích ra Bắc hoạt động. Khởi đầu thả vào năm 1961 và
chuyển giao nhiệm vụ này cho Nha Kỹ Thuật vào năm 1964 để từ đó
LLÐB chỉ lo hoạt động ở nội địa mà thôi.
LLÐB đã tham dự
các trận đánh quyết liệt từ Khe Sanh, Lao Bảo, Làng Vei, Ashau, A
Lưới, Tà Bạt, Dapek, Dakto, Ben Het, Pleime, Ðức Cơ, Vũng Rô, Ðức
Phong, Ðồng Xoài, Bình Long, An Lộc, Tống Lê Chân, Thiện Ngôn,
Trại Bí, Ðức Hòa, Ðức Huệ, Ðôn Phục, Cái Cái, cho đến Biệt Khu
Hải Yến, Cô–tô, v.v. Ða số các trận đánh này đều nằm dọc theo
biên giới Việt–Miên–Lào để ngăn chặn việt cộng xâm nhập vào lãnh
thổ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). (Vì thiếu tài liệu tham khảo, chỉ
kể theo trí nhớ của tôi và nhiều bạn khác, nếu có điều gì cần bổ
khuyết thì xin được các bạn chỉ giáo cho).
Không có cái
buồn nào bằng cái buồn binh chủng LLÐB bị giải tán vào tháng
8/1970! Anh em LLÐB phân tán đi nhiều binh chủng nhưng đa số là
chuyển qua BÐQ và NKT; một số ít qua bộ binh, hoặc các trung tâm
huấn luyện, nha sở, v.v. Duy chỉ có TTHL/HQ/Delta và Tiểu đoàn
81/BCND là không giải tán mà sáp nhập lại để lập nên Liên Ðoàn
81/BCND (LÐ81/BCND) do tôi làm chỉ huy trưởng, Trung tá Trần
Phương Quế làm chỉ huy phó, Đại úy Nguyễn Văn Lân làm sĩ quan phụ
tá đặc trách về huấn luyện. LÐ81/BCND trở thành lực lượng tổng
trừ bị trực thuộc Bộ Tổng Tham Mưu (BTTM). LÐ81/BCND phải đau xót
cắt bớt 2 đại đội cho Sư Đoàn Nhảy Dù để trở thành 2 đại đội
trinh sát của Sư Đoàn Mũ Ðỏ! Vì vậy quân số của LÐ81/BCND đáng lý
ra là 1,200 quân, nhưng nay bị cắt mất 2 đại đội, nên chỉ còn
chưa đến 900, nghĩa là chỉ bằng một tiểu đoàn. Nhiều anh em hỏi
tôi là tại sao khi Thiếu tướng Phạm Văn Phú đi họp tại BTTM bàn
về việc giải tán LLÐB mà lại không chịu tranh đấu cho anh em mũ
Xanh? Điều này thì chắc chỉ có cố thiếu tướng biết mà thôi vì
tình hình lúc đó rất là khó khăn và phức tạp.
Ngày
25/12/1970, toàn bộ LÐ81/BCND di chuyển vào đóng quân tại trại
Bắc Tiến, cạnh trung tâm huấn luyện Quang Trung. Sau khi đã ổn
định nơi đồn trú, tôi được lệnh lên trình diện Đại tướng Cao Văn
Viên, Tổng tham mưu trưởng QLVNCH. Trước khi vào trình diện đại
tướng, tôi đi thăm các phòng của Bộ Tổng Tham Mưu để tìm hiểu xem
ý kiến của BTTM đối với Liên Ðoàn mình như thế nào. Ý tôi muốn cứ
giữ nguyên MÀU CỜ SẮC ÁO của binh chủng Lực Lượng Ðặc Biệt nhưng
khi đề cập đến vấn đề đó thì tất cả sĩ quan cao cấp của BTTM đều
cho biết là khó thể đại tướng chấp nhận yêu cầu này. Cái lý do
rất dễ hiểu là LLÐB đã giải tán nghĩa là trong Quân Lực Việt Nam
Cộng Hòa không còn có binh chủng LLÐB nữa, Liên Ðoàn 81 làm sao
có thể xin giữ nguyên MÀU CỜ SẮC ÁO của binh chủng LLÐB được?
Liên Ðoàn sẽ có phù hiệu riêng, còn mũ thì tất cả các đơn vị có
NHẢY DÙ đều đội MŨ ÐỎ để cho quân đội được ÐỒNG NHẤT như Sư Ðoàn
Nhảy Dù, Nha Kỹ Thuật, và Ðại Ðội Gấp Dù của Quân Nhu.
Sau khi nghe ý kiến chung của đại đa số sĩ quan cao cấp thuộc
BTTM, tôi buồn bã
nghĩ đến chiếc Mũ Xanh và phù hiệu cọp bay của
LLÐB sẽ biến mất trong nay mai. Ôi cái Mũ Xanh và phù hiệu LLÐB
là niềm hãnh diện của anh em chúng ta nay không còn nữa! Không,
nhất định tôi phải tranh đấu cho chiếc Mũ Xanh và phù hiệu LLÐB
được duy trì trong QLVNCH. Biết bao nhiêu xương máu của anh em
chúng ta đã đổ ra dưới màu cờ sắc áo này, nay phải thay đổi thì
làm sao mà không buồn được! Với quyết tâm đó, cho nên khi vào
trình diện đại tướng, tôi đã có sẵn những lý do vững chắc để xin
giữ lấy chiếc Mũ Xanh và phù hiệu LLÐB. Sau những lời hỏi han về
tình hình quân số, nơi ăn chốn ở, tinh thần quân sĩ của liên
đoàn, cuối cùng đại tướng liền hỏi tôi có đề nghị gì không? Ðây
là lúc tôi phải đem hết tài hùng biện ra để xin đại tướng cho
Liên Ðoàn được duy trì chiếc Mũ Xanh và phù hiệu LLÐB như cũ. Tôi
nói:
“Kính thưa đại tướng, tinh thần chiến đấu của bất
cứ đơn vị nào phần lớn đều dựa
vào sự tự hào trên MÀU CỜ SẮC ÁO, như Sư Đoàn Nhảy Dù với chiếc
Mũ Ðỏ, Thủy Quân Lục Chiến thì có mũ Xanh, Biệt Ðộng Quân có Mũ
Nâu, và anh em LLÐB thì hãnh diện với chiếc Mũ Xanh màu lá cây
rừng. Anh em chúng tôi qua bao gian khổ đã tạo được nhiều chiến
công ở chiến trường, một phần lớn cũng nhờ niềm kiêu hãnh đó. Nay
LLÐB không còn nữa, nếu anh em chúng tôi không còn tiếp tục được
đội chiếc Mũ Xanh và mang phù hiệu LLÐB thì không rõ tôi có đủ
khả năng để duy trì tinh thần chiến đấu như cũ được không? Kính
xin đại tướng minh xét cho điều lo lắng của tôi”.
Ðại tướng Viên ngồi yên lặng một
lúc rồi nhìn tôi và nói:
– “Ðược rồi, để giữ vững tinh thần
chiến đấu như khi còn LLÐB, tạm cho phép Liên Ðoàn được đội Mũ
Xanh và mang phù hiệu LLÐB cho đến khi có lệnh mới”.
Ðây là lần đầu tiên được đối diện với đại tướng, nên tôi không
dám nói gì nhiều, không dám phàn nàn về việc bị cắt mất 2 đại đội
để đưa sang ND, việc Ðại tướng chấp thuận cho được tiếp tục duy
trì chiếc Mũ Xanh và phù hiệu LLÐB đã là mừng lắm rồi, mặc dù đó
chỉ là tạm thời, nhưng tôi không dám mong mỏi gì hơn lúc này mà
chỉ biết cám ơn Ðại tướng và ra về.
Trở về Liên Ðoàn, lòng
buồn lo lẫn lộn, tôi không biết lệnh tạm thời này sẽ chấm dứt lúc
nào để LÐ lại phải tuân lệnh cấp trên đội chiếc Mũ Ðỏ cho QLVNCH
được đồng nhất. Tôi tự nghĩ, nếu những ngày sắp đến, LÐ81 không
tạo nên được những chiến thắng đáng kể thì chắc chắn lệnh tạm
thời kia sẽ chấm dứt! Không còn cách gì có thể duy trì chiếc Mũ
Xanh và phù hiệu LLÐB mà anh em mình đã từng hãnh diện mang nó từ
nhiều năm nay. Sau khi tiếp xúc với nhiều giới chức ở BTTM và
Trung tướng Dư Quốc Ðống, Tư lệnh Sư Đoàn ND thì được biết như
sau: BTTM giao LÐ81 cho ND thì Trung tướng Ðống không nhận mà chỉ
xin lấy 2 đại đội làm 2 Đại đội Trinh sát cho Sư Đoàn mà thôi.
Bất đắc dĩ, BTTM phải tạm thời duy trì LÐ làm đơn vị tổng trừ bị,
dù với quân số chỉ bằng một tiểu đoàn để xem tinh thần chiến đấu
của LÐ81 có đáng được duy trì hay không rồi sẽ tính sau. Khi biết
được tin này, tôi thật chán nản và muốn từ chức. Tôi là một sĩ
quan của chiến trường, đã được nhiều vị tư lệnh biết đến, tôi rất
nhiều hy vọng nhận được chức vụ xứng đáng ở đơn vị mới nhưng nghĩ
lại, nếu tôi từ chức thì chắc chắn LÐ81 sẽ sáp nhập vào Sư Đoàn
ND, rồi sẽ bị phân tán và bổ sung quân số cho các tiểu đoàn đang
thiếu hụt. Sở dĩ Trung tướng Ðống không nhận LÐ81 vì không biết
xử sự với tôi như thế nào, chả lẽ đưa tôi về làm tiểu đoàn trưởng
hoặc thay thế một lữ đoàn nào đó, nay tôi từ chức thì việc sáp
nhập vào ND để Sư Đoàn ND có được thêm quân số thì không gì quí
bằng. Nghĩ vậy nên tôi nhất quyết ở lại với anh em, quyết tâm
cùng anh em tạo nên những chiến thắng đáng kể dù cho tính mạng
của tôi có bị hy sinh cũng chấp nhận, đó là lý do mà hễ các anh
em đồng đội có chạm súng với địch thì tôi đã có mặt trên trời để
điều động và yểm trợ, và nếu cần, tôi vẫn cho trực thăng chỉ huy
đáp xuống để cứu toán hoặc đại đội như tôi đã làm. Tôi chưa bao
giờ vắng mặt trong bất cứ một trận đánh lớn nhỏ nào kể cả chiến
trường An Lộc. Tôi chấp nhận hy sinh, đã nhiều lần bò sát đến
từng vị trí phòng thủ để an ủi khuyến khích anh em chứ không chịu
ngồi dưới hầm sâu để ra lệnh, do đó tôi nghĩ vì thế mà tinh thần
chiến đấu của LÐ81 mỗi ngày mỗi lên cao.
Tôi rất hãnh
diện được chỉ huy một đơn vị mà ở mặt trận nào, LÐ81 cũng làm
rạng danh những người chiến sĩ QLVNCH, đặc biệt nhất là ở chiến
trường An Lộc năm 1972, với 2 câu thơ cảm đề của cô giáo Pha đã
lưu truyền tiếng tăm của BCD đến cho mọi người:
“An
lộc địa sử ghi chiến tích,
Biệt Cách Dù vị quốc vong thân.”
Quân dân ở An Lộc gọi chúng tôi là Biệt Cách Dù Cọp Bay (vì
chúng tôi được mang phù hiệu BCD ở tay trái và LLÐB ở tay phải)
nhưng đa số gọi chúng tôi là Biệt Cách Dù Lực Lượng Ðặc Biệt
(BCDLLÐB).
Sau trận An Lộc, tôi được đại tướng gọi lên
trình diện, đại tướng thật vồn vã, niềm nở, không nghiêm nghị như
lần trình diện đầu tiên, đại tướng nói:
– “Từ nay
LÐ81 chính thức được phép đội Mũ Xanh và mang phù hiệu LLÐB. LÐ81
xứng đáng được hưởng những huy chương mà trước đây LLÐB đã nhận
lãnh.”
Tôi rất đỗi vui mừng và thấy đây là lúc nêu
lên vấn đề quân số của LÐ81 và 4 chữ BIỆT CÁCH NHẢY DÙ đã bị BTTM
cắt mất khi ban hành bảng cấp số cho LÐ81. Ðại tướng cũng chấp
thuận cho phục hồi lại 4 chữ BCND và sau này LÐ81 đã có bảng cấp
số mới, quân số lên đến 3,000 gồm có một Bộ Chỉ Huy Liên Ðoàn, 1
Ðại Ðội Chỉ Huy Yểm Trợ và 3 Bộ Chỉ Huy Chiến Thuật (BCH/CT), mỗi
BCH/CT có 4 Biệt Ðội (BÐ), mỗi BÐ có 200 quân. Ðiều may mắn nhất
là LÐ81 được hưởng các huy chương của LLÐB để đủ số huy chương ấn
định cho việc mang dây biểu chương màu đỏ BẢO QUỐC HUÂN CHƯƠNG,
nếu không được số huy chương của LLÐB thì LÐ81 còn phải nhiều năm
và phải tốn biết bao nhiêu xương máu nữa mới đạt được dù rằng số
huy chương của LLÐB cũng do công đóng góp của BCD và Delta không
nhỏ.
Sau cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân năm 1968, Việt
cộng bị thảm hại nặng nề, nên chúng tạm ngưng hoạt động để chỉnh
đốn lại hàng ngũ. Trong thời gian này, toàn lãnh thổ VNCH kể như
được tạm thời lắng dịu, ít có những trận đánh lớn mà chỉ có những
trận đánh nhỏ của các đơn vị du kích địa phương mà thôi. Rồi đến
“Mùa Hè Ðỏ Lửa” năm 1972, nghĩa là sau 4 năm chỉnh đốn lại hàng
ngũ, Việt cộng đồng loạt mở các cuộc tổng tấn công vào 3 thành
phố lớn của VNCH đó là An Lộc, Kontum, và Quảng Trị với cấp quân
số lên đến cỡ Quân Ðoàn. Lại một lần nữa Việt cộng bị đánh cho
tan nát khắp nơi mặc dầu chúng đã đưa vào những vũ khí mới tối
tân hơn lần đầu tiên được đem ra sử dụng tại chiến trường miền
Nam như chiến xa T54, T59, PT76, AT3 chống chiến xa, SA7 cầm tay
chống phi cơ, cao xạ phòng không 37ly và 75ly, v.v. Ngoài ra,
Việt cộng còn dùng chiến thuật đặc công, chỉ dùng một số ít quân
số, mang súng nhỏ, còn phần lớn đều trang bị kềm cắt dây kẽm gai
và chất nổ, lợi dụng đêm tối, đặc công cắt hàng rào đột nhập vào
vị trí đóng quân của ta tấn công bằng chất nổ đã gây nhiều tổn
thất nặng nề cho ta. Ngoài chiến thuật đặc công quỷ quái này,
chúng còn áp dụng chiến thuật đóng chốt và đóng kiềng cũng không
kém phần nguy hiểm! Chỉ với quân số cấp trung đoàn mà địch đã
đóng chốt cầm chân cả Sư Đoàn 21 Bộ Binh và lực lượng Dù của ta
trên quốc lộ 13 ở suối Tàu Ô khi tiến vào giải tỏa An Lộc cả gần
một tháng trời vẫn không vượt qua được! Lúc này LÐ81 đang tử thủ
trong thành phố An Lộc nên đã không được cùng các đơn vị bạn “nhổ
chốt, phá kiềng” cho VC nể mặt. Cho nên năm 1973 khi chúng vào
đóng chốt ở Bến Thế thuộc tỉnh Bình Dương, Sư Đoàn 5 đưa lực
lượng đến giải tỏa nhiều ngày không được, nên LÐ81 đang hành quân
ở chiến khu D (sau khi tham dự hành quân tái chiếm Quảng Trị trở
về) liền được lệnh thay thế Sư Đoàn 5 để “phá chốt” ở Bến Thế.
Chỉ sau hai đêm hành quân đã lấy lại Bến Thế mà không cần đến
pháo binh hoặc không quân yểm trợ, Quân đoàn III thấy LÐ81 nhổ
chốt phá kiềng dễ dàng quá nên hễ nơi nào đơn vị bạn gặp khó khăn
thì LÐ81 được ưu ái gọi đến. Hết Bến Thế lại đến Trảng Bàng, đặc
biệt là tại Tha La xóm đạo sau ngày đã ký kết hiệp định đình
chiến vào đúng tết năm 1973, khi Tiểu khu Hậu Nghĩa cho 1 tiểu
đoàn Ðịa Phương Quân đến giải tỏa nhiều ngày không được thì LÐ81
lại được gởi đến, tại đây cũng chỉ cần 2 đêm hành quân, không cần
đến pháo binh hoặc không quân yểm trợ đã tái chiếm lại được Tha
La xóm đạo với rất ít tổn thất nhưng nhà cửa và tài sản của dân
chúng không bị hư hao. Hết Bến Thế, Tha La xóm đạo, rồi năm 1974
tại Tân Phú Trung thuộc quận Củ Chi, chỉ cách Sài Gòn không bao
xa, Việt cộng vào đóng chốt tại đây, ngăn chận lưu thông trên
quốc lộ 1 từ Tây Ninh về Sài Gòn! Tất cả xe hàng từ Tây Ninh muốn
chạy về Sài Gòn phải chạy vòng lên Bình Dương mới về Sài Gòn
được. Sư Đoàn 25 gặp vài khó khăn để bứng VC ra khỏi những “chốt
kiềng” vì chúng đã đưa tiểu đoàn 9, tinh nhuệ nhất của trung đoàn
172 thuộc Sư đoàn 7 Việt cộng đến đóng chốt tại đây. Chốt này
thật quá kiên cố, cộng sản đã đưa đến cả súng cối 82ly và một hệ
thống điện thoại chằng chịt qua nhiều chốt nhỏ khắp xã Tân Phú
Trung, nên LÐ81 đã được gửi tới và dù “chốt kiềng” của địch vững
chắc như thế nhưng chỉ với 1 ngày và 2 đêm giao chiến ác liệt,
không cần cả đến sự yểm trợ của pháo binh hay không quân để tránh
gây thiệt hại cho dân chúng cũng như dùng chiến thuật du kích
chiến để “gậy ông lại đập lưng ông” mà nhổ chốt với một số tổn
thất của ta tương đối chấp nhận được.
Qua những chiến
thuật mà LÐ81 đã áp dụng để tạo nên những kỳ công, BTTM đã lấy
những chiến thắng của LÐ81 làm tài liệu phổ biến Kinh Nghiệm
Chiến Trường gởi đến cho QLVCNCH để rút kinh nghiệm. Qua nhiều
lần gặp mặt Đại tướng Viên và nhiều giới chức có thẩm quyền ở
BTTM thì được biết tất cả nhận thấy LÐ81 có 3 cái khả năng đáng
kể mà ít có đơn vị nào có được, đó là:
* Có thể tách ra
thành từng toán nhỏ để thả sâu vào hoạt động nhiều ngày ở hậu
tuyến địch.
* Có thể đánh đêm bằng du kích chiến được.
* Có thể tập trung lại để đánh trận địa chiến như các đơn vị
khác được.
Nếu không có ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì chắc
chắn LÐ81 sẽ còn lớn mạnh hơn nữa nhưng than ôi Liên Ðoàn đã phải
uất hận cùng toàn thể quân lực miền Nam buông súng vào giờ phút
cuối của cuộc chiến để rồi nhiều chiến hữu đã phải trải qua bao
nhục nhã đắng cay trong các nhà tù cải tạo của cộng sản. Tuy thất
trận, nhưng LÐ81 cũng đã làm cho cộng sản phải nể phục với tinh
thần kỷ luật của một đơn vị anh hùng trong hàng ngũ chỉnh tề cho
đến giây phút cuối cùng khi buông súng.
Trại tù Nam Hà có
gần 1,000 tù cải tạo vào năm 1978, trong số đó có vài trăm cấp
đại tá không đi lao động suốt nhiều tháng, được nghỉ ở trại để
viết về đề tài “CUỘC ÐỜI TÔI”, nghĩa là kê khai tất cả chi tiết
từ nhiều đời, đến khi vào quân đội cho đến ngày 30/4/1975. Suốt
ngày ngồi viết dưới sự trông coi của cán bộ, chiều đến thì nạp
bài để đêm đến họ kiểm soát lại xem mình có viết đúng như họ
hướng dẫn không. Sáng hôm sau thì họ kêu những người không viết
theo hướng dẫn lên để xỉ vả! Cán bộ thì ngồi trên ghế, người bị
kêu lên ngồi dưới đất để nghe những lời hạch hỏi thiếu văn hóa
của kẻ thắng trận. Tôi nhìn cảnh đó quá uất hận, rồi nghĩ nếu
chẳng may đến lượt mình thì có chịu đựng được không? Nhất là khi
danh dự của chiếc Mũ Xanh bị tổn thương, lúc đó chắc tôi khó mà
kềm chế được sự tức giận để rồi sự thể có ra sao cũng đành cam
chịu. Ðiều bất hạnh là tôi bị kêu lên thật, tên Trung úy Quốc là
cán bộ văn hóa của trại với dọng nói cục cằn đã xỉ vã tôi “Anh
viết tắt thế này (tôi viết tắt chữ Biệt Cách Nhảy Dù thành BCND),
thì khi gởi thư, bố mẹ anh làm sao đọc được?” Không kềm chế được!
Máu uất nổi lên, tôi đứng phắt dậy, dằn mạnh tập giấy đang viết
xuống bàn và la lên cốt cho tất cả mọi người cùng nghe “Nếu tôi
có tội thì cứ giết tôi, còn cha mẹ tôi không có tội, cán bộ đừng
đụng đến cha mẹ tôi.” Bị tôi phản ứng bất ngờ, Tên Quốc giận tím
mặt, ngồi yên lặng một lúc rồi đứng dậy đến bắt tay tôi và xin
lỗi. Tôi liếc nhìn anh em đại tá đang ngồi, thấy anh em hoảng
hốt, sợ tánh mạng tôi sẽ bị nguy hại vì sự nóng giận đó, sau đó
mới thấy tôi tuy quá uất hận nhưng cũng rất khôn ngoan đã lợi
dụng cái lỗi của nó đụng chạm đến cha mẹ tôi để làm lớn chuyện mà
tên Quốc không làm gì tôi được lúc đó nhưng tôi biết chắc chắn
tôi sẽ bị trả đũa sau này. Từ sau ngày đó, Ô tôi thấy bọn chúng
bớt hống hách hơn với anh em đại tá.
Viết xong “CUỘC ÐỜI
TÔI” thì tiếp đến viết về đề tài “CÁC TƯỚNG NGỤY”, viết tất cả
những tướng nào mà mình biết, tôi chỉ viết các tướng tư lệnh LLÐB
đã chỉ huy trực tiếp tôi mà thôi, tôi vẫn lập luận là cấp tướng
thì đương nhiên phải giỏi hơn tôi, tôi làm sao giỏi hơn để phê
bình họ được? Tôi chỉ nói sơ lược cách hành xử của các tướng tư
lệnh mà không một phê bình nào về đúng hay sai nên cán bộ bực tôi
lắm! Cũng thành thực mà nói trong số mấy trăm đại tá cũng có một
hai người phê bình cấp tướng chỉ huy của mình, anh em nói nhỏ với
nhau là tên đó không được ông tướng chỉ huy nâng đỡ nên bây giờ
là có dịp để trả thù! Một buổi sáng nọ, tất cả lên hội trường để
nghe cán bộ ở bộ nội vụ về nói chuyện, khi đã ngồi yên vị, cán bộ
liền nói “Hôm nay là buổi họp mặt để phê bình những khai báo của
các anh trong mấy tháng qua, có 3 anh đáng được đưa ra để anh em
phê bình xây dựng, đó là anh Phan Văn Huấn, anh Tạ Thành Long, và
anh Lý Văn Minh đã có những tư tưởng không tốt như anh Huấn chẳng
hạn, anh Huấn viết là: ‘Tôi chưa bao giờ nói dối với các con tôi,
ngày đi trình diện học tập cải tạo, tôi đã nói chính phủ cách
mạng chỉ bắt đi học tập cải tạo một tháng rồi ba sẽ trở về với
các con, nay đã 3 năm rồi không thấy về nhưng tôi không biết giải
thích với các con tôi như thế nào, vậy xin cán bộ chỉ giùm cho,
các anh cho biết những thắc mắc của anh Huấn như thế có đúng
không?’” Cán bộ nói xong liền cho anh em nghỉ 10 phút để suy nghĩ
và góp ý phê bình. Trong thời gian đó, tôi thấy nhiều cán bộ gọi
nhiều người ngồi riêng để nói chuyện nhỏ to gì đó, tôi biết chắc
là cán bộ khuyên dụ anh em phải phê bình tôi không biết ơn cách
mạng đã tha tội chết cho mà còn đặt những câu hỏi làm mất uy tín
cách mạng. Ðến giờ vào họp lại thì lần lượt các anh Cao Văn Ủy,
Phạm Bá Hoa, Phan Thông Tràng, và nhiều anh em khác lần lượt đứng
lên phát biểu ý kiến, tôi biết chắc một điều là cộng sản chỉ cần
một anh phê bình tôi là lập tức tôi bị cùm và dẫn đi kiên giam ở
một nơi khác để dằn mặt các đại tá. Như Thiếu tá Hàng, trưởng ty
cảnh sát tỉnh Quảng Tín vì chủ mưu trong việc mua radio của một
cán bộ để nghe lén đài BBC nên bị đưa đi kiên giam, chỉ hôm sau
là đã thấy tù hình sự khiêng xác đi chôn, Trung tá Nguyễn văn An,
LLÐB trốn trại hai lần bị bắt lại liền bị đưa ra trại Mễ kiên
giam, ít lâu sau thì cũng khiêng xác ra nghĩa địa! Ðội 20 lao
động chống đối lao động liền bị đưa đi giam ở trại Mễ, chỉ ít lâu
sau thì có sáu bảy người nó nghi là sách động cũng đều bị khiêng
xác ra nghĩa địa. Bây giờ số phận tôi nằm trong danh dự của các
anh em đại tá, thôi ta chấp nhận chết, đây cũng như là tử trận ở
chiến trường mà ta đã chấp nhận từ lâu. Ðiều hãnh diện hết sức là
anh em cứ nói vòng vo tam quốc, không đâu vào đâu hết khiến cho
các cán bộ bực tức mà chẳng biết làm gì hơn được.
Năm 1988, tôi và một số lớn tù được tha về vào
mấy ngày trước Tết, về tới nhà tôi rất đau lòng khi thấy vợ và 7
con đang sống trong cảnh nghèo nàn xơ xác, nhưng tôi cũng tự an
ủi là mình còn may mắn hơn nhiều anh em khác, khi về đến nhà thì
không còn đủ vợ con. Ngày 18/3/1993 vợ chồng tôi và 3 con được ra
đi đến định cư tại California theo diện nhân đạo HO, tại đây đã
có hội Thân Hữu Lực Lượng Ðặc Biệt thành lập từ năm 1987 và đang
ngưng hoạt động, do đó anh em đã đề nghị tôi đứng ra thành lập
hội Gia Ðình 81BCND/LLÐB để đại diện đầy đủ hơn cho các chiến hữu
của cả hai binh chủng BCD, LLÐB cũng như anh em Delta, và hội đã
được thành lập ngày 04 tháng 7 năm 1993.
Kể từ ngày thành
lập đến nay GÐ81/BCD/LLÐB đã liên lạc được trên 500 anh em Delta
(kể cả BKQ), BCD và LLÐB, đã gây quỹ TÌNH THƯƠNG để tương trợ cho
các gia đình thương binh tử sĩ và anh em BCD/LLÐB nghèo khổ ở quê
nhà, số tiền tương trợ đã lên tới trên 50,000 và đã được báo cáo
chi tiết trên 28 bản tin nội bộ. Tuy GÐ81 là một hội riêng nhưng
công việc làm đều được thực hiện dưới danh nghĩa chung cho cả hai
đơn vị BCND và LLÐB vì DANH DỰ của “mầu cờ sắc áo”, và của chiếc
nón mầu Xanh lá cây rừng DŨNG CẢM.
Phan Văn Huấn
Nguồn:
https://hoinkt.blogspot.com/2022/12/luc-luong-at-biet-hop-mat-2022-nam.html
Đại Đội 3 – TĐ 81 Biệt Cách Nhảy Dù LLĐB
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
|
Hình nền: Đêm Thánh với muôn muôn vàn vì tinh tú... Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by HL Phạm Hòa chuyển
Đăng ngày Thứ Năm, December 8, 2022
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang