Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Bút
ký
Chủ đề:
Bài Quốc Ca VNCH
Tác giả:
Cố GS Nguyễn Ngọc
Huy
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Lời giới thiệu:
Thưa quý Niên trưởng và quý Chiến hữu,
Xin chuyển lại
lời giải thích của cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy về diễn tiến gốc
gác bài Quốc Ca Việt Nam Cộng Hoà, mà trước đây có một vài người
“khó chịu” cho rằng QUỐC CA VIỆT NAM CỘNG HOÀ của Lưu Hưu Phước,
tên cộng sản, viết, tại sao phải dùng để làm quốc ca VNCH?
Năm 1966–1967, phía Bắc Việt cũng lên đài phát thanh Hà nội
ong ỏng đòi bản quyền tác giả, rồi xuyên tạc chính phủ VNCH.
Chính phủ VNCH đã phản bác rằng, “bài hát Sinh viên Hành khúc,
Tiếng gọi Sinh Viên không ai phủ nhận của tác giả là Lưu Hữu
Phước. Nhưng Lưu Hữu Phước sáng tác lúc còn là một học sinh
Petrus Ký Sài gòn với lòng yêu nước của học sinh, sinh viên chống
Pháp thời đó (1941), trước khi Phước là sinh viên học tại Hà nội
năm 1942. Bài hát này thuộc sở hữu chung của học sinh, sinh viên,
thanh niên và của toàn dân.”
Năm 1941, 1942 cộng sản, hay
Việt Minh chưa lòi mặt ra, chưa có tiếng nói thì làm gì có quyền
đòi sở hữu bài hát này?
VNCH đã dùng nhạc “Sinh viên Hành
khúc” là tài sản chung của toàn dân, chuyển đổi lời cho phù hợp
thời cuộc tranh đấu cho dân tộc độc lập, thành “Tiếng gọi Công
dân”. Tiếng gọi công dân do một công dân VN chưa phải là cộng sản
sáng tác, làm bài quốc ca của VNCH thì không có gì gọi là chiếm
đoạt bản quyền của cộng sản? Phía Hà nội im re như ngậm cám!
Nhưng giặc cộng vẫn ra rả kích động, xúi giục, xuyên tạc và
tìm cách vô hiệu hoá nó khỏi lòng người dân VNCH dù ở trong nước
hay ở hải ngoại. Hiện nay Việt cộng có nhiều tiền do chúng ta gởi
về nuôi chúng nhiều hình thức, nên chúng dùng tiền đó tung ra
đánh lại cộng đồng Việt ở hải ngoại cho tan rã. Chúng dùng mọi
thủ đoạn để triệt tiêu bài quốc ca Tiếng Gọi Công Dân này và
Quốc
kỳ VNCH.
Chúng ta hãy cảnh giác đừng mắc mưu “vì khó chịu”
mà tiếp tay giặc đánh phá lại chúng ta.
Lê Đình Thọ
A. SỰ XUẤT HIỆN
CỦA Ý NIỆM QUỐC CA TRONG LỊCH SỬ NHƠN LOẠI
Ý niệm quốc ca đã từng xuất hiện một
lượt với ý niệm quốc kỳ. Từ ngàn xưa, loài người đã có dùng những
bản nhạc hay bài ca để đánh dấu sự có mặt của một nhơn vật lãnh
đạo. Nhưng thời trước, với chế độ quân chủ, các bản nhạc hay bài
hát loại này được xem là biểu tượng riêng của cá nhơn nhà vua,
nhà quí tộc hoặc nhà đại diện cho các cự tộc cầm đầu cộng đồng.
Về nội dung, nó có thể là một bài để cho nhơn vật lãnh đạo này
cầu nguyện trời hay thần linh phù hộ ông, một bài chúc tụng ông,
đề cao công nghiệp của ông hay của gia tộc ông, hay một bài mô tả
cảnh thái bình thạnh trị, hoặc sự cường thạnh của cộng đồng mà
ông là chủ nhơn.
Chỉ với cuộc Cách Mạng Pháp năm 1789,
khi quốc gia được xem là sở hữu của toàn thể mọi người sống trong
cộng đồng mới có bài hát được dùng làm biểu tượng chung cho toàn
thể quốc dân. Người Pháp đã dùng từ ngữ hymne national để chỉ
loại bài hát này. Quan niệm của người Pháp lần lần được người
nước khác chấp nhận và người thuộc các dân tộc nói tiếng Anh đã
dùng từ ngữ national anthem khi nói đến bài hát tiêu biểu cho
nước mình. Hymne national của Pháp hay national anthem theo tiếng
Anh đã được người Việt Nam chúng ta dịch là quốc thiều nếu nhấn
mạnh trên phần âm nhạc, hay quốc ca khi nhấn mạnh trên phần lời
nói.
Về phần
thực hiện cụ thể thì bản quốc ca đầu tiên trên thế giới là bài
Marseillaise của Pháp. Bài này do một đại úy công binh Pháp tên
Rouget de Lisle làm năm 1792 với tên là Chiến Ca Của Lộ Quân Sông
Rhin (Chant De Guerre Pour l’Armée Du Rhin). Nhưng sau đó, nó
được nổi tiếng khi được một tiểu đoàn chí nguyện quân gồm người
gốc ở thị xã Marseille hát trong lúc kéo từ Marseille lên thủ đô
Paris nên có tục danh là bài Marseillaise. Bài hát này đã được
phổ biến rộng rãi ở Pháp từ năm 1792 và đến năm 1795, nó đã được
chánh thức chọn làm quốc ca của Pháp.
Sau khi người Pháp tung ra ý niệm quốc
ca, nhiều nước khác đã chấp nhận ý niệm này và đều có quốc ca. Có
khi quốc ca được chọn là một bài đã được dùng để đánh dấu sự hiện
diện của nhà vua. Ðó là trường hợp bài God Save The King (Trời
Phù Hộ Ðức Vua) hay God Save The Queen (Trời Phù Hộ Nữ Hoàng) nếu
quốc trưởng là một nữ hoàng. Bài này đã được dùng ở Anh từ trước
Cách Mạng Pháp, nhưng đến năm 1825 mới được chánh thức xem là
quốc ca của nước Anh.
B. CÁC BẢN NHẠC ÐÃ XUẤT HIỆN Ở VIỆT NAM
VỚI TƯ CÁCH LÀ QUỐC THIỀU VÀ QUỐC CA
1. Quốc ca xuất hiện đầu tiên: Bản
Ðăng
Ðàn Cung của Hoàng Ðế Bảo Ðại
Ở Việt Nam trước đây, cũng như ở các
nước quân chủ cổ thời khác, có những bản nhạc và bài hát được
dùng trong các lễ long trọng để đánh dấu sự hiện diện của nhà
vua. Về ý niệm quốc thiều hay quốc ca, nó chỉ xuất hiện ở nước ta
khi dân tộc ta bị lọt vào ách thực dân Pháp.
Tuy nhiên, trong gần suốt thời kỳ Pháp
thuộc, dân Việt Nam vẫn chưa có quốc thiều và quốc ca. Nam Kỳ lúc
ấy là thuộc địa Pháp và khi có các cuộc lễ lớn thì bản nhạc được
dùng là bài Marseillaise của người Pháp. Ở Huế thì triều đình nhà
Nguyễn có một số bản nhạc được dùng khi có sự hiện diện của nhà
vua. Nhưng các bản nhạc trên đây không phải là quốc thiều hay
quốc ca theo đúng nghĩa kim thời của nó.
Ðến thời Thế Chiến II, Hoàng Ðế Bảo Ðại
mới ấn định quốc thiều và quốc ca một lượt với
quốc kỳ. Bản quốc
thiều và quốc ca này là bản Ðăng Ðàn Cung. Ðó là một bản nhạc cổ
điển của Việt Nam và được triều đình Huế dùng khi nhà vua ngự đến
đài Nam Giao để đại diện cho tất cả thần dân làm lễ tế trời. Lễ
này ba năm cử hành một lần và được xem là cuộc lễ quan trọng hơn
hết của triều đình. Do đó, bản Ðăng Ðàn Cung được xem là bản nhạc
trang nghiêm nhứt. Vì vậy, Hoàng Ðế Bảo Ðại đã dùng nó làm
quốc
thiều và quốc ca trong khi
cờ long tinh được chọn làm quốc kỳ.
Cũng như cờ long tinh, bản Ðăng Ðàn Cung chỉ được dùng trên lãnh
thổ Ðại Nam tức là Trung Kỳ và Bắc Kỳ, còn ở Nam Kỳ bị xem là
lãnh thổ Pháp thì bản Marseillaise vẫn phải được dùng.
2. Quốc ca thứ nhì:
Bản
Việt Nam Minh Châu Trời Ðông thời
chánh phủ Trần Trọng Kim
Sau khi Nhựt đảo chánh Pháp và Việt Nam
tuyên bố độc lập, chánh phủ Trần Trọng Kim đã ban bố một chương
trình hưng quốc ngày 8 tháng 5 năm 1945, trong đó bản
Việt Nam
Minh Châu Trời Ðông của Nhạc sĩ Hùng Lân được chọn làm quốc ca.
Lời ca của bản nhạc này như sau:
Việt Nam, minh châu trời Ðông!
Việt Nam, nước thiêng Tiên Rồng!
Non
sông như gấm hoa uy linh một phương,
Xây
vinh quang ngất cao bên Thái Bình Dương.
Từ ngàn xưa tài danh lừng lẫy khắp nơi.
Tiếng anh hùng tạc ghi núi sông muôn đời.
Máu ai còn vương cỏ hoa
Giục đem tấm
thân sẻ với sơn hà.
Giơ tay cương quyết
Ta ôn lời thề ước.
Hy sinh tâm huyết
Ta báo đền ơn nước.
Dầu thân này nát tan
tành gói da ngựa cũng cam,
Thề trọn niềm
trung thành với sơn hà nước Nam.
Bản quốc ca này được dùng chung với cờ
quẻ Ly ở Bắc và Trung Việt, nhưng không được dùng ở Nam Việt vì
Nam Việt đã bị người Nhựt thay người Pháp điều khiển một cách
trực tiếp và chỉ được trả cho triều đình Huế lúc Hoàng Ðế Bảo Ðại
đã sắp thoái vị rồi. Vậy, trong thời kỳ từ khi người Nhựt đảo
chánh Pháp cho đến khi Mặt Trận Việt Minh củng cố được chánh
quyền của nó ở Nam Việt, cả lãnh thổ này không có quốc ca.
Bài hát được người quốc gia ở Nam Việt
dùng khi đứng lên tranh đấu cho nền độc lập của Việt Nam thời đó
là bài
Thanh Niên Hành Khúc hay
Tiếng Gọi Thanh Niên của Thanh
Niên Tiền Phong, chung với cờ vàng sao đỏ cũng của tổ chức này.
Như chúng tôi sẽ trình bày sau đây, bản
nhạc của bài Thanh Niên Hành Khúc hay Tiếng Gọi Thanh Niên này
chính là bản nhạc của bài quốc ca mà chúng ta đang dùng.
3. Quốc ca thứ ba: bản Tiến Quân Ca của
tập đoàn CSVN
Khi cướp được chánh quyền, tập đoàn CSVN đã dùng làm quốc ca bản
Tiến Quân Ca của Nhạc sĩ Văn Cao. Bản nhạc này đã được họ bắt đầu
dùng khi tổ chức các đơn vị võ trang đầu tiên và cho đến nay, vẫn
được họ dùng làm quốc ca.
4. Quốc ca của Nam Kỳ Cộng Hòa Quốc
Khi Nam Kỳ Cộng Hòa Quốc thành lập năm
1946, những người cầm đầu phong trào Nam Kỳ Tự Trị đã dùng làm
quốc ca một bản phổ nhạc của mấy câu thơ đầu trong Chinh Phụ Ngâm
Khúc mà tác giả là Giáo sư Võ Văn Lúa, một giáo sư trung học thời
Pháp thuộc. Sau đó, Nam Kỳ Cộng Hòa Quốc lại dùng một bản nhạc
khác cũng của vị giáo sư này làm quốc ca, nhưng về nhạc và lời,
bản sau này cũng chẳng hơn gì bản trước. Các bản quốc ca quái đản
trên đây thật xứng với lá cờ sốt rét dùng làm quốc kỳ cho Nam Kỳ
Cộng Hòa Quốc. Nó đã là một đề tài chế giễu của người dân Nam
Việt lúc đó và ngày nay nhắc lại nó, chúng tôi không biết nên
cười hay nên khóc vì tuy hết sức lố bịch, nó đã được dùng làm
biểu tượng cho một tổ chức chống lại nền thống nhứt của Việt Nam
và đã gây nhiều đau khổ chết chóc cho những người tranh đấu cho
nền thống nhứt này.
5. Quốc ca của chúng ta ngày nay
Bản quốc ca của chúng ta hiện nay có
một lịch sử đặc biệt. Người sáng tác bản nhạc là Lưu Hữu Phước,
một cựu học sinh trường Trung học Pétrus Ký và sau là cựu sinh
viên Viện Ðại Học Hà Nội. Nếu tôi không lầm thì bản nhạc này đã
được soạn ra lúc Lưu Hữu Phước còn học ở trường Pétrus Ký năm
1941, trước khi ra Hà nội. Năm 1942, anh ta là sinh viên của Viện
Ðại Học Hà Nội. Thời Thế Chiến II, Viện Ðại Học này là Viện Ðại
Học duy nhứt của các nước Ðông Dương. Nó có khoảng 800 sinh viên
trong đó phân nửa là người Việt Nam, còn lại là người Khmer,
người Lào, người Pháp, và ngay cả người một số nước láng giềng như
Trung Hoa và các nước Ðông Nam Á Châu.
Vì là Viện Ðại Học duy nhứt của Ðông
Dương nên Viện Ðại Học Hà Nội đã tập họp tất cả sinh viên Việt
Nam thời đó. Các sinh viên ái quốc gia nhập các chánh đảng cách
mạng tranh đấu cho nền độc lập của Việt Nam đã tổ chức những tổ
bí mật tại đó. Ðặc biệt Ðại Việt Quốc Dân Ðảng có đảng trưởng là
Trương Tử Anh và một cán bộ nòng cốt là Anh Nguyễn Tôn Hoàn học
tại Viện Ðại Học Hà Nội thời Thế Chiến II. Anh Nguyễn Tôn Hoàn là
người giỏi về nhạc nên được bầu làm Trưởng Ban Âm Nhạc của Tổng
Hội Sinh Viên Ðông Dương (Association Générale des Étudiants
Indochinois) và anh đã lãnh nhiệm vụ bí mật hướng dẫn các sinh
viên hoạt động về văn hóa theo chiều hướng tranh đấu chống thực
dân.
Chiều
ngày 15 tháng 3 năm 1942, Tổng Hội Sinh Viên Ðông Dương (THSVÐD)
đã tổ chức tại Ðại Giảng Ðường của Viện Ðại Học Hà Nội một buổi
hát để lấy tiền giúp các bịnh nhơn nghèo của các bịnh viện được
dùng làm nơi thực tập cho các sinh viên Khoa Y Dược. Các sinh
viên Việt Nam đóng vai tuồng chủ động trong Tổng Hội đã quyết
định nhơn cơ hội này tung ra một bản nhạc đặc biệt là
Sinh Viên
Hành Khúc, tên Pháp là Marche des Étudiants. Anh Nguyễn Tôn Hoàn
được ủy nhiệm chọn bản nhạc dùng vào công việc đó. Lúc ấy, Lưu
Hữu Phước đã đưa cho anh một số bài nhạc do anh ta soạn. Anh
Nguyễn Tôn Hoàn nhận thấy rằng trong tất cả các dự thảo của Lưu
Hữu Phước, bản nhạc mà chúng ta hiện dùng làm quốc thiều có tánh
cách khích động tinh thần tranh đấu hơn hết, nên đã chọn nó làm
nhạc cho Sinh Viên Hành Khúc. Sau đó, một ủy ban soạn lời ca cho
bản nhạc này đã được thành lập với Ðặng Ngọc Tốt, Mai Văn Bộ,
Huỳnh Văn Tiểng, Phan Thanh Hòa, Hoàng Xuân Nhị. Lời ca này gồm
ba đoạn với một điệp khúc chung:
I. Này sinh viên ơi! Ðứng lên đáp lời
sông núi!
Ðồng lòng cùng đi, đi, mở
đường khai lối.
Vì non sông nước xưa,
truyền muôn năm chớ quên,
Nào anh em Bắc–Nam! Cùng nhau ta kết đoàn!
Hồn thanh
xuân như gương trong sáng,
Ðừng tiếc máu
nóng, tài xin rán!
Thời khó, thế khó,
khó làm yếu ta,
Dầu muôn chông gai vững
lòng chi sá.
Ðường mới kíp phóng mắt
nhìn xa bốn phương,
Tung cánh hồn thiếu
niên ai đó can trường.
(Ðiệp khúc)
Sinh viên ơi! Ta quyết đi đến cùng!
Sinh viên ơi! Ta thề đem hết lòng!
Tiến
lên đồng tiến! Vẻ vang đời sống!
Chớ
quên rằng ta là giống Lạc Hồng!
II. Này sinh viên ơi! Dấu xưa vết còn
chưa xoá
Hùng cường trời Nam, ghi trên
bảng vàng bia đá
Lùa quân Chiêm nát tan,
thành công Nam tiến luôn,
Bình bao phen
Tống Nguyên, từng ca câu khải hoàn.
Hồ
Tây tranh phong oai son phấn,
Lừng tiếng
Sát Thát Trần Quốc Tuấn.
Mài kiếm cứu
nước nhớ người núi Lam,
Trừ Thanh, Quang
Trung giết hằng bao đám.
Nòi giống có
khí phách từ xưa chớ quên,
Mong đến ngày
vẻ vang, ta thắp hương nguyền.
(Trở lại điệp khúc)
III. Này sinh viên ơi! Muốn đi đến ngày
tươi sáng,
Hành trình còn xa, chúng ta
phải cùng nhau gắng!
Ngày xưa ai biết
đem tài cao cho núi sông,
Ngày nay ta
cũng đem lòng son cho giống giòng.
Là
sinh viên vun cây văn hoá,
Từ trước sẵn
có nhiều hoa lá.
Ðời mới kiến thiết đáp
lòng những ai
Hằng mong ta ra vững cầm
tay lái.
Bền chí quyết cố gắng làm cho
khắp nơi
Vang tiếng người nước Nam cho
đến muôn đời!
(Trở lại điệp khúc)
Các lời ca tiếng Việt như trên đây được
dùng cho sinh viên Việt Nam và có mục đích thúc đẩy người Việt
Nam tranh đấu cho đất nước Việt Nam. Nhưng vì như trên đã nói,
Viện Ðại Học Hà Nội lúc ấy còn có nhiều sinh viên không phải Việt
Nam nên ngoài lời ca tiếng Việt, lại còn có lời ca tiếng Pháp để
mọi sinh viên của Viện đều có thể dùng nó được. Lời ca tiếng Pháp
này dĩ nhiên là không thể nói riêng về Việt Nam mà phải nói đến
cả Ðông Dương để cho phù hợp với tên THSVÐD. Lời ca tiếng Pháp
cũng do ủy ban nói trên đây soạn ra:
Étudiants! Du sol l’appel tenacPressant
et fort, retentit dans l’espace.
Des
côtes d’Annam aux ruines d’Angkor,
À
travers les monts, du sud jusqu’au nord,
Une voix monte ravie:
Servir la chère
Patrie!
Toujours sans reproche et sans
peur
Pour rendre l’avenir meilleur.
La joie, la ferveur, la jeunesse
Sont
pleines de fermes promesses.
(Ðiệp khúc)
Te servir, chère Indochine,
Avec coeur et discipline,
C’est notre
but, c’est notre loi
Et rien n’ébranle
notre foi!
Buổi hát chiều ngày 15 tháng 3 năm 1942 đã đưa đến những kết quả
mỹ mãn và bản
Sinh Viên Hành Khúc tên Pháp là
Marche des
Étudiants đã được chánh thức công nhận là bản nhạc của THSVÐD.
Mùa hè năm đó, Tổng Hội này lại tổ chức một buổi lễ mãn khoá tại
Nhà Hát Lớn Hà Nội. Lần này, có Toàn Quyền Ðông Dương và nhiều
viên chức cao cấp Pháp khác đến dự. Bản Sinh Viên Hành Khúc được
giàn nhạc của Hải Quân Pháp trình tấu. Âm điệu hùng hồn của nó đã
làm mọi người khích động và khi nó được trổi lên, tất cả mọi
người tham dự lễ mãn khoá năm 1942 của Viện Ðại Học Hà Nội, kể cả
các viên chức cao cấp Pháp, đều đã nghiêm chỉnh đứng dậy để chào
nó.
Sau đó, nó
được phổ biến khắp nơi. Các sinh viên Pháp, Khmer và Lào dĩ nhiên
là theo lời ca Pháp. Về phía Việt Nam thì các sinh viên chỉ lo đi
học chớ không có nhiệt tâm tranh đấu chánh trị cũng chỉ biết có
lời ca Pháp. Phần các sinh viên Việt Nam có nhiệt tâm tranh đấu
cho nền độc lập của dân tộc thì đem ra phổ biến ở khắp cả ba kỳ,
trong kỳ nghỉ hè năm đó với lời ca tiếng Việt, nhứt là đoạn I nói
trên đây. Vì thế, từ năm 1943, bài Sinh Viên Hành Khúc đã được
người Việt Nam ở cả ba kỳ
[Bắc–Trung–Nam kỳ] biết.
Năm 1945, sau khi Nhựt đảo chánh Pháp,
Thanh Niên Tiền Phong được thành lập ở Nam Việt và lấy bản nhạc
trên đây làm đoàn ca. Tên bản nhạc được đặt lại là Thanh Niên
Hành Khúc hay Tiếng Gọi Thanh Niên. Về lời thì hai chữ sinh viên
được thay bằng hai chữ thanh niên. Lúc người Pháp trở lại chiếm
Nam Việt cuối năm 1945, Thanh Niên Tiền Phong đã huy động người
ái quốc Việt Nam ở Nam Việt đứng lên chống lại họ dưới lá cờ vàng
sao đỏ và bản Thanh Niên Hành Khúc hay Tiếng Gọi Thanh Niên.
Năm 1948, trong phiên họp lịch sử ở
Hongkong giữa Cựu Hoàng Bảo Ðại và một số thân hào nhơn sĩ cùng
đại diện các đoàn thể chánh trị và tôn giáo ở Việt Nam, Anh
Nguyễn Tôn Hoàn đã đề nghị lấy bản nhạc của Thanh Niên Hành Khúc
làm quốc thiều cho Quốc Gia Việt Nam. Hội nghị đã đồng ý và tên
bản nhạc được đặt lại là Quốc Dân Hành Khúc hay Tiếng Gọi Công
Dân. Về lời ca, đoạn I của bài Thanh Niên Hành Khúc nói trên đây
đã được dùng, với hai chữ công dân thay cho hai chữ thanh niên.
Ngày 2 tháng 6 năm 1948, chánh phủ lâm
thời Việt Nam được thành lập với Tướng Nguyễn Văn Xuân làm Thủ
tướng và Quốc Dân Hành Khúc hay Tiếng Gọi Công Dân được chánh
thức dùng làm quốc ca.
Lúc Ông Ngô Ðình Diệm lật đổ Quốc
Trưởng Bảo Ðại để thành lập chế độ cộng hoà, Quốc Hội Lập Hiến
được bầu năm 1956 đã có đặt vấn đề chọn một bài quốc ca khác. Tuy
nhiên, lúc đó, phần lớn các bản nhạc được đề nghị dùng làm quốc
ca đều không đủ tiêu chuẩn để được chấp nhận. Bài duy nhứt được
xem là xứng đáng làm quốc ca chính là bài Việt Nam Minh Châu Trời
Ðông của Nhạc sĩ Hùng Lân đã được chánh phủ Trần Trọng Kim chọn
làm quốc ca năm 1945. Tuy nhiên, hai Ông Ngô Ðình Diệm và Ngô
Ðình Nhu cuối cùng đã không chấp nhận việc dùng bản Việt Nam Minh
Châu Trời Ðông làm quốc ca vì một lý do đặc biệt là:
Năm 1945, hai Ðảng Việt Nam Quốc Dân
Ðảng (VNQDÐ) và Ðại Việt Quốc Dân Ðảng (ÐVQDÐ) đã sáp nhập lại
làm một với tên chung là Quốc Dân Ðảng và Ðảng này đã lấy bài
Việt Nam Minh Châu Trời Ðông làm đảng ca. Sau đó, VNQDÐ và ÐVQDÐ
lại tách nhau ra, nhưng cả hai đều giữ đảng ca Việt Nam Minh Châu
Trời Ðông. Vì biết được việc này nên hai anh em Ông Diệm đã không
chấp nhận bản nhạc này làm quốc ca.
Rốt cuộc, Quốc Hội Lập Hiến năm 1956 đã
quyết định giữ lại bản
Quốc Dân Hành Khúc hay
Tiếng Gọi Công Dân
làm quốc ca, nhưng đổi lời lại như sau:
Này công dân ơi! Quốc gia đến ngày giải
phóng.
Ðồng lòng cùng đi, hy sinh tiếc
gì thân sống.
Vì tương lai quốc dân,
cùng xông pha khói tên,
Làm sao cho núi
sông từ nay luôn vững bền.
Dầu cho thây
phơi trên gươm giáo,
Thù nước lấy máu
đào đem báo.
Nòi giống lúc biến phải cần
giải nguy.
Người công dân luôn vững bền
tâm trí
Hùng tráng quyết chiến đấu làm
cho khắp nơi
Vang tiếng người nước Nam
cho đến muôn đời!
(Ðiệp khúc)
Công dân ơi! Mau hiến thân dưới cờ!
Công dân ơi! Mau làm cho cõi bờ
Thoát
cơn tàn phá, vẻ vang đời sống
Xứng danh
ngàn năm dòng giống Lạc Hồng.
Bản nhạc và lời ca này đã được dùng
suốt thời Ðệ Nhứt và Ðệ Nhị Cộng Hòa cho đến ngày nay.
C. VẤN ÐỀ THAY ÐỔI QUỐC CA
Nói tóm lại, trừ các bản nhạc vô duyên
đã được Nam Kỳ Cộng Hòa Quốc dùng làm quốc ca, nhưng thật sự
không thể xem là quốc ca được, dân tộc Việt Nam có cả thảy bốn
bản nhạc xứng đáng với danh nghĩa quốc ca là
Ðăng Ðàn Cung,
Việt
Nam Minh Châu Trời Ðông,
Tiến Quân Ca, và
Quốc Dân Hành Khúc hay
Tiếng Gọi Công Dân. Bốn bản quốc ca này đã được dùng song song
với bốn lá quốc kỳ: bản Ðăng Ðàn Cung với cờ long tinh, bản
Việt
Nam Minh Châu Trời Ðông với cờ Quẻ Ly, bản
Tiến Quân Ca với cờ đỏ
sao vàng, và bản Quốc Dân Hành Khúc hay
Tiếng Gọi Công Dân với
cờ
vàng ba sọc đỏ.
1. So sánh các bản quốc ca với nhau
Bản Ðăng Ðàn Cung là bản nhạc cổ điển
Việt Nam thuộc loại nhã nhạc. Loại nhạc này có tánh cách nghiêm
trang và ôn hòa, trái với dâm nhạc là loại nhạc biểu lộ tình cảm
một cách nồng nhiệt và chỉ được dùng trong việc giải trí hay hội
họp vui chơi.
Bản Ðăng Ðàn Cung là một bài nhã nhạc dùng trong lễ tế Nam Giao
của nhà vua. Do đó, nó có tánh cách trang trọng, nhưng không hùng
hồn và không khích động được tinh thần người nghe.
Bản Việt Nam Minh Châu Trời Ðông là một
bản tân nhạc có tánh cách khích động hơn bản Ðăng Ðàn Cung, nhưng
cái hùng của nó là loại trầm hùng nên không khích động tinh thần
người nghe bằng bản Quốc Dân Hành Khúc hay Tiếng Gọi Công Dân. Vì
là một hành khúc, bản quốc ca hiện nay của chúng ta khích động
tinh thần người nghe một cách mạnh mẽ hơn. Mặt khác nữa, hoàn
cảnh lịch sử đã làm cho nó đóng một vai tuồng tích cực trong cuộc
tranh đấu cho nền độc lập và tự do của dân tộc Việt Nam.
Thời Thế Chiến II, với tên là Sinh Viên
Hành Khúc, nó đã được dùng để đánh thức tinh thần tranh đấu của
nhơn dân Việt Nam. Ðến lúc người Pháp đem binh đến để tái chiếm
Nam Việt, dưới tên Thanh Niên Hành Khúc hay Tiếng Gọi Thanh Niên,
nó đã được dùng để thúc đẩy các chiến sĩ cầm tầm vông vạt nhọn
đứng lên tranh đấu với Quân Ðội Viễn Chinh Pháp. Khi nước Pháp
chánh thức nhìn nhận nền độc lập và thống nhứt của Việt Nam, nó
đã thành bản quốc ca với tên là Quốc Dân Hành Khúc hay
Tiếng Gọi
Công Dân.
Bản
Tiến Quân Ca của CSVN cũng có tánh cách khích động tinh thần
người nghe như bản quốc ca của chúng ta. Nhưng về lời ca thì từ
hình thức Sinh Viên Hành Khúc qua Thanh Niên Hành Khúc đến
Quốc
Dân Hành Khúc, bản quốc ca của chúng ta nhiều lắm là nói đến “thù
nước lấy máu đào đem báo” còn
Tiến Quân Ca với lời “thề phanh
thây uống máu quân thù” rõ là sắt máu quá và có thể làm cho thế
giới xem dân tộc Việt Nam là dã man.
Về mặt chánh trị, bản Thanh Niên Hành
Khúc đã được dùng để thúc đẩy các thanh niên ái quốc Nam Việt cầm
tầm vông vạt nhọn chống lại Quân Ðội Viễn Chinh Pháp, trong khi
bản
Tiến Quân Ca
đã được trổi lên để chào đón Quân Ðội này (Pháp)
lúc họ đổ bộ ra Bắc Việt theo sự thoả thuận với Hồ Chí Minh trong
Sơ Ước ngày 6 tháng 3 năm 1946 (còn gọi là Hiệp định Sơ Bộ).
Sau
đó, nó đã được dùng khi bộ đội Việt Minh cùng với bộ đội Pháp hợp
tác nhau trong Ban Liên Kiểm Việt–Pháp để tiến đánh các chiến khu
của Ðại Việt Quốc Dân Ðảng, Việt Nam Quốc Dân Ðảng, và Việt Nam
Cách Mạng Ðồng Minh Hội.
2. Lý luận của những người muốn đổi
quốc ca
Những
người muốn đổi quốc ca đã đưa ra nhiều lý luận khác nhau. Trong
các lý luận được đưa ra, chỉ có một cái đáng cho chúng ta lưu ý.
Lý luận này đặt nền tảng trên chỗ tác giả bản nhạc được chúng ta
dùng làm quốc ca là Lưu Hữu Phước, hiện là một cán bộ cộng sản,
và Lưu Hữu Phước đã lên tiếng “sỉ vả người quốc gia Việt Nam là
vô liêm sỉ” khi lấy bản nhạc của anh ta và đặt lại lời ca để
dùng. Một số người quốc gia Việt Nam đã tỏ ra khó chịu về việc
này, và những người muốn thay đổi quốc ca đã dựa vào đó để kêu
gọi mọi người bỏ bản quốc ca hiện tại.
a. Nhận định về cá nhơn Lưu Hữu Phước
Vì lý luận trên đây dựa vào cá nhơn Lưu
Hữu Phước nên chúng ta cần phải biết về cá nhơn này trước khi
phán đoán. Thời Thế Chiến II, Lưu Hữu Phước là một sinh viên có
tinh thần quốc gia và cũng như nhiều sinh viên khác của Viện Ðại
Học Hà Nội, chỉ có chủ trương giành độc lập cho Việt Nam mà không
gia nhập đoàn thể chánh trị nào. Lúc CSVN chưa cướp được chánh
quyền, Lưu Hữu Phước đã hoạt động với Anh Nguyễn Tôn Hoàn là một
cán bộ của Ðại Việt Quốc Dân Ðảng tại Viện Ðại Học Hà Nội.
Lúc CSVN cướp được chánh quyền, Lưu Hữu
Phước và một số sinh viên khác gia nhập Ðảng Tân Dân Chủ, một
chánh đảng hợp tác với CSVN trong Mặt Trận Việt Minh, nhưng lúc
đầu phân biệt với Ðảng CSVN và nhiều khi cạnh tranh lại đảng này.
Tuy nhiên, bằng cách vừa mua chuộc, vừa lấn ép, CSVN đã lôi kéo
phần lớn các đảng viên Tân Dân Chủ vào Ðảng CS và chỉ còn dùng
tên Ðảng Tân Dân Chủ làm một nhãn hiệu để làm cho người ta lầm
tưởng rằng chế độ họ xây dựng lên không phải là chế độ độc đảng.
Lưu Hữu Phước thuộc thành phần đảng
viên Tân Dân Chủ bị lôi kéo vào Ðảng CS. Anh ta không đủ khí
phách để chống lại việc đó và bị loại ra khỏi trường chánh trị
như Ðặng Ngọc Tốt, cũng không đủ tinh thần sắt máu để được CSVN
tin dùng như Huỳnh Tấn Phát, Huỳnh Văn Tiểng, Trần Bửu Kiếm. Mặt
khác, anh ta không có một khả năng đặc biệt về chánh trị mà CSVN
có thể khai thác được như Mai Văn Bộ. Trước sau, Lưu Hữu Phước
chỉ là một nhạc sĩ. Do đó, CSVN đã dùng anh ta như một văn công,
sản xuất nhạc theo lịnh Ðảng và lên tiếng về các vấn đề khác
những khi Ðảng thấy cần. Nói tóm lại, Lưu Hữu Phước đã sáng tác
bản nhạc của Quốc Dân Hành Khúc hay Tiếng Gọi Công Dân lúc còn là
một học sinh Petrus Ký (SG), lên sinh viên có tinh thần quốc gia.
Ngày nay, anh ta là một văn công của CSVN và mọi lời phát biểu
của anh ta chỉ là do Ðảng CSVN mớm cho.
b. Quan niệm chung của người các nơi
trên thế giới về quốc ca
Nhưng dẫu cho lúc sáng tác bản nhạc của
Quốc Dân Hành Khúc, Lưu Hữu Phước đã là một đảng viên cộng sản
rồi, và chỉ trích chúng ta dùng bản nhạc đó là do ý anh ta, chúng
ta cũng không phải bận tâm về vấn đề này; vì theo quan niệm chung
của người các nơi trên thế giới về quốc ca thì khi một bản nhạc
đã được quốc dân nhận làm quốc ca, nó không còn của riêng ai nữa
mà là của toàn dân. Do đó, cá nhơn người sáng tác bản nhạc cũng
như người chọn bản nhạc làm quốc ca không thành một vấn đề đem ra
thảo luận.
Chúng ta có một tiền lệ đáng lưu ý về việc này.
Ðó là trường hợp bản Marseillaise được
dùng làm quốc ca Pháp. Bản quốc ca này được một nhà quí tộc Pháp
là Rouget de Lisle sáng tác năm 1792. Lúc ấy, Vua Louis thứ XVI
còn trị vì và Rouget de Lisle là một sĩ quan trong Quân Ðội Pháp.
Năm 1793, Vua Louis thứ XVI bị xử tử và Rouget de Lisle bị bắt vì
là người quí tộc theo phe bảo hoàng chống lại Cách Mạng. Lúc ấy,
Ông Lazare Carnot, Ủy Viên Quốc Phòng của Hội Ðồng Cách Mạng vì
muốn cứu một sĩ quan cùng binh chủng với mình, lại là tác giả bản
Marseillaise, đã đề nghị Rouget de Lisle tuyên thệ trung thành
với Cách Mạng thì sẽ được tha, nhưng Rouget de Lisle từ chối vì
không chịu phủ nhận lý tưởng bảo hoàng của mình. Cuối cùng, ông
ta chỉ thoát chết vì chánh phủ cách mạng chủ trương Ðại Khủng Bố
do Robespierre cầm đầu đã bị lật đổ trước khi bản án tử hình của
ông ta được đem ra thi hành. Nhưng mặc dầu sau năm 1793, Rouget
de Lisle đã trở thành người chống lại Cách Mạng, chánh quyền cách
mạng Pháp vẫn tiếp tục dùng bản Marseillaise do ông sáng tác, và
năm 1795 đã chánh thức quyết định lấy nó làm quốc ca.
D. Trường hợp bản Tiến Quân Ca
được tập đoàn CSVN dùng làm quốc ca
Bản
Tiến Quân Ca
được tập đoàn
CSVN dùng làm quốc ca vốn do Nhạc sĩ Văn Cao sáng tác
trong thời kỳ CSVN chưa cướp được chánh quyền ở Việt Nam. Không
rõ lúc ông sáng tác bản nhạc này, Văn Cao đã là một đảng viên
cộng sản hay chưa. Nhưng chắc chắn là về sau, ông đã vào Ðảng
CSVN. Tuy nhiên, cũng như nhiều văn nghệ sĩ có nhiệt tâm yêu nước
thời đó, Văn Cao đã lần lần nhận chân được bộ mặt thật của Cộng
sản. Ðiều đáng quí là ông đã can đảm hơn nhiều người khác như Lưu
Hữu Phước chẳng hạn, và đã dám nói lên sự bất mãn và chống đối
của mình. Ông đã tham dự phong trào Nhân Văn Giai Phẩm hồi năm
1956, ông đã dứt khoát chống lại Ðảng CSVN. Trong con mắt của
CSVN hiện nay, Văn Cao là một phần tử phản Ðảng, phản động, phản
cách mạng.
Với
chủ trương độc tài sắt máu và lòng tự hào là Ðảng mình lúc nào
cũng hành động hợp với chánh nghĩa, CSVN rất xấu hổ về chỗ bản
quốc ca họ dùng là sáng tác của một nhạc sĩ phản Ðảng, phản động
và phản cách mạng. Bởi đó, họ không chịu theo quan niệm thông
thường bắt đầu với lịch sử bản Marseillaise của Pháp, nghĩa là
bất chấp lập trường chánh trị về sau của tác giả bản quốc ca. Họ
đã treo một giải thưởng lớn cho người sáng tác được một bản nhạc
đáng làm quốc ca mới. Nhưng trong nhiều trăm bản nhạc gởi đến dự
thi, họ đã không chọn được bản nào ra hồn. Cuối cùng, cộng sản
phải hậm hực giữ bản Tiến Quân Ca làm quốc ca.
Người quốc gia Việt Nam chúng ta theo
quan niệm thông thường trên thế giới về quốc ca nên không có gì
phải hậm hực vì tác giả bản quốc ca chúng ta đang dùng hiện đã
trở thành một văn công của CSVN. Và nếu có người nào đem việc Lưu
Hữu Phước sỉ vả chúng ta về chỗ đã lấy bản nhạc do anh ta sáng
tác làm quốc ca, thì chúng ta có thể bảo họ nên dùng các lời sỉ
vả đó đặt trong miệng Văn Cao để gởi cho tập đoàn CSVN.
Nhiệm vụ của người quốc gia Việt Nam
đối với bản quốc ca
Quốc Dân Hành Khúc hay
Tiếng Gọi Công Dân.
Người quốc gia Việt Nam may mắn có một
bản quốc ca hùng hồn được dùng để thúc đẩy người ái quốc tranh
đấu cho nền độc lập và sự tự do của dân tộc.
Bản quốc ca này rất
xứng đáng với lá quốc kỳ nền vàng
ba sọc đỏ. Với giá trị nội tại
của chính nó, thêm vào vai tuồng lịch sử mà nó đã đóng góp, nó
lúc nào cũng gây sự xúc động mạnh mẽ trong tâm trí người Việt Nam
ái quốc. Từ khi được chánh thức dùng làm quốc ca của nước Việt
Nam độc lập, nó đã được nhiều quốc gia trên thế giới biết đến.
Tại Việt Nam, nó đã cùng với quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ làm yếu
tố hội tập nhiều triệu chiến sĩ quân nhơn cũng như dân sự tranh
đấu cho sự tự do của dân tộc Việt Nam. Nó đã là bản nhạc tiễn đưa
ra nghĩa trang nhiều trăm ngàn người đã chết vì Tổ Quốc Việt Nam.
Như vậy, nó cũng là một bảo vật thiêng liêng của chúng ta y như
quốc kỳ.
Hiện
nay, bản Quốc Dân Hành Khúc hay Tiếng Gọi Công Dân không còn được
chánh thức dùng bên trong nước Việt Nam, nhưng như mọi người Việt
Nam ở quốc nội đều biết rằng đó là bản nhạc của người quốc gia
chống lại Cộng sản. Bên ngoài Việt Nam, nó cũng được người ngoại
quốc xem là bản nhạc biểu tượng cho người quốc gia chống cộng.
Không bản nhạc nào khác có thể thay thế Quốc Dân Hành Khúc hay
Tiếng Gọi Công Dân về mặt này. Vậy, việc tôn trọng bản quốc ca đó
và tiếp tục dùng nó chung với quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ một cách
rộng rãi ở mọi nơi là một công cuộc đóng góp vào việc giải phóng
Việt Nam khỏi ách Cộng sản. Nếu mọi người Việt Nam ở hải ngoại
đều đồng tâm nhứt trí để tranh đấu chung nhau thì một ngày không
xa lắm, bản Quốc Dân Hành Khúc hay Tiếng Gọi Công Dân sẽ được hát
lên ở khắp các nẻo đường đất nước Việt Nam từ mũi Cà Mau đến ải
Nam Quan. Chúng tôi nghĩ rằng lúc ấy, chắc chắn không có bài khải
hoàn ca nào hay hơn nó được.
Nguyễn Ngọc Huy
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by Happy Nguyen chuyển
Đăng ngày Chúa Nhật, August 20,
2023
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang