Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Lịch sử VNCH
Chủ đề: Đệ I VNCH
Tác giả: người lính già oregon

NGÔ ĐÌNH DIỆM:
TRÊN NỬA THẾ KỶ OAN KHIÊN


Chí Sĩ Ngô Đình Diệm: Tổng Thống Dân cử
đầu tiên của Nước Việt Nam


 

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

 

Tôi không muốn bàn về Thích Quảng Đức, Nhất Linh và âm mưu quỷ quyệt của Việt Cộng trong nước và Việt Gian hải ngoại (1) liên quan đến việc tổ chức rầm rộ lễ tưởng niệm và vinh danh họ –một cách công khai cho Thích Quảng Đức tại các chùa, hoặc kín đáo cho Nhất Linh qua một cuộc hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn do báo Người Việt, CA, tổ chức nhằm đúng ngày 7/7/2013, là ngày ông tự tử, cách đây 50 năm. Bởi vì nhiều người đã viết, đã nói, đã bày tỏ ý kiến, đã tranh luận sôi nổi. Nhưng sau khi nghe và đọc những lời đao to búa lớn kết tội Ngô Đình Diệm –mặc dù ông đã bị thảm sát một cách quá dã man bởi đám phản tướng đã trên nửa thế kỷ rồi– trong các buổi lễ ở hải ngoại tưởng niệm Thích Quảng Đức “tự” thiêu (2), sau khi đọc bài “Sự thật về cái chết của Nhất Linh” của Nguyễn Tường Thiết phản bác bài do nhà biên khảo Nguyễn Văn Lục (3) viết về cha của ông, trong đó ông Thiết đã bôi nhọ, vu khống ông Diệm một cách vô trách nhiệm, vô căn cứ, tôi thấy không thể im lặng được. Làm công việc “đấu tố” ông như thế, những kẻ này đã vô tình hay hữu ý tiếp tay với Việt Cộng trong mưu đồ bịa ra những “tội ác” tưởng tượng của Ngô Đình Diệm và đệ Nhất Cộng Hòa để làm cho dân chúng, quốc nội và hải ngoại, quên đi những tội ác tày trời, ghê tởm có thực của bọn Việt Cộng trong hiện tại cũng như quá khứ, đặc biệt việc bán nước cho Tàu Cộng.

Nói riêng về cuộc Hội thảo TLVĐ 2013. Để chứng minh việc phối hợp chuẩn bị nhịp nhàng giữa VC trong nước và tờ Người Việt hải ngoại, trên báo Tiền Phong của VC, ngày 16/9/2012, có đăng bài “Sắp công bố toàn bộ báo Phong Hóa-Ngày Nay của Tự Lực Văn Đoàn” bởi Văn Giá, trong đó tác giả tiết lộ như sau: “Từ đó, nhóm liên hệ với nhiều người để cùng chung sức tìm giúp. Ở bên hải ngoại có anh Đỗ Tuấn Khanh; trong nước có nhà văn Vu Gia –người đã công bố một số chuyên luận về Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Hoàng Đạo, Thế Lữ... Đặc biệt, anh Nguyễn Tường Thiết, con trai của nhà văn Nhất Linh, đã chia sẻ một tư liệu vô cùng quý giá: Di cảo viết tay ‘Đời làm báo’ của Nhất Linh.” [NLGO nhấn mạnh]. Ngoài Nguyễn Tường Thiết, bài báo còn nêu tên nhà nghiên cứu Phạm Thảo Nguyên, con dâu của Thế Lữ, và nhiếp ảnh gia Nguyễn Trọng Hiền, con trai của họa sĩ Cát Tường Lemur. Cả ba đều là khách mời quan trọng trong buổi hội thảo nói trên
(4).

Cũng xin có đôi lời phi lộ. NLGO tôi và gia đình chưa hề gặp mặt tổng thống Ngô Đình Diệm hay bất cứ viên chức chính quyền nào, chưa hề hưởng một ơn mưa móc nào của chế độ, dù nhỏ, không phải là Cần Lao, hay gốc Bắc di cư. Nhưng khi nghe tin ông bị sát hại, cha tôi đã rơi nước mắt, bảo cả nhà, trong buổi kinh tối, đọc thêm kinh cầu nguyện cho linh hồn ông và bào đệ Ngô Đình Nhu. Lúc ấy, tôi còn nhớ, cha tôi nói “kính thương cụ Diệm bởi cụ là người công chính, đạo đức, nhân hậu, liêm khiết, yêu nước, và công lao của cụ rất to lớn đối với Miền Nam”. Càng lớn hơn và già thêm, tôi càng thấy lời cha tôi thật quá đúng. Mới đây có dịp làm việc trên bản thảo hồi ký dở dang bằng Pháp ngữ của bà Ngô Đình Nhu, đọc những sách hoặc bài của nhiều tác giả có uy tín, những tài liệu Mỹ đã được giải mật, những bài rải rác đó đây của những nhân chứng đã chết hay còn sống
(5), tôi thấy ông là một nhà lãnh đạo tài ba và nhân đức, tuyệt vời. Và, trái lại, đọc những bài viết, như của Nguyễn Tường Thiết nói là bênh cha –nhưng kỳ thực đấu tố Ngô Đình Diệm một cách lải nhải, dữ dằn, tôi không sao khỏi thấy bất bình. Như sau:

Nguyễn Tường Thiết viết:

1. “Mấy năm sau ngày chấp chánh của chế độ nhà Ngô sự bất mãn của dân chúng gia tăng với sự độc tài gia đình trị của gia đình này
[những đoạn tô màu, ở đây cũng như phía dưới, là do NLGO]:

- Nguyễn Tường Thiết buông những lời hận thù không che giấu đối với Ngô Đình Diệm –những lời người ta đã nghe quá quen từ những năm trước 1963 cho đến hôm nay. Trong bài, có chỗ ông chê tác giả Nguyễn Văn Lục viết không có bằng cớ. Nhưng chính ông, ở đây, cũng lặp lại, thiếu chứng minh, những gì đã nghe, đã học từ phe cuồng tín.

- Nhất Linh, cha ông, tham gia đảo chánh hụt, bị bắt, tự tử chết. Là xong, là hết. Chưa hề có một bằng cớ nào cho thấy ông Diệm hay dòng họ Ngô Đình đối đãi tệ bạc, bất kính đối với nhà văn Nhất Linh, hay nhà chính trị Nguyễn Tường Tam. Trái lại thế. NLGO tôi cố gắng, qua bài viết, chứng minh điều đó, đồng thời phản bác luận điệu sai trái của những kẻ có cái thú bệnh hoạn kinh niên, hễ mở mồm ra là ra rả chửi rủa Ngô Đình Diệm, mặc dù cá nhân hay gia đình họ, hay cả đất nước, không hề bị thiệt hại điều gì.

2. “Tôi không phải là một nhà nghiên cứu, cũng không có tham vọng viết lịch sử, tôi chỉ nêu lên ở đây tiếng nói của một người con. Nếu tiếng nói đó có góp phần soi sáng thêm cho sự thật của lịch sử thì tôi nghĩ rằng đó là việc tôi phải làm vì bổn phận đối với cha tôi”.

Một người con viết sách bênh vực cha mình, thiết tưởng không có gì sai trái, và, tôi nghĩ thêm nữa, đó là “bổn phận” đương nhiên. Nhưng lấy cớ bênh đỡ cha mình, “soi sáng thêm cho sự thật của lịch sử” để đi vu khống, phỉ báng, đổ tội cho đối phương với những luận cứ hàm hồ, thì đó là một việc không đúng mà người quân tử không bao giờ làm.

3. Ông tự vẫn để “cảnh cáo những người chà đạp lên mọi thứ tự do,” như ông đã viết ra trên giấy trắng mực đen. [...] Nguyên nhân và động lực đưa đến cái chết của Nhất Linh đã được ông viết ra bằng 71 chữ rất minh bạch và đầy đủ: Ðời tôi để lịch sử xử, tôi không chịu để ai xử tôi cả. Sự bắt bớ và xử tội tất cả các phần tử đối lập quốc gia là một tội nặng sẽ làm cho nước mất về tay cộng sản. Tôi chống đối sự đó và tự hủy mình cũng như Hòa Thượng Thích Quảng Ðức tự thiêu để cảnh cáo những người chà đạp mọi thứ tự do. 7 tháng 7, 1963. Nhất Linh Nguyễn Tường Tam.

a- Cũng như những “nhà cách mạng” khác, Nhất Linh đã tham gia vào vụ đảo chánh năm 1960 lật đổ và mưu sát tổng thống hợp pháp Ngô Đình Diệm. Nếu thành công thì chắc chắn ông sẽ làm lớn, không chừng có thể là thủ tướng, hay bộ trưởng ngoại giao –như đã từng là trong “chính phủ liên hiệp”, gồm Việt Minh và Việt Nam Quốc Dân đảng, do Hồ Chí Minh, tên đại bịp quốc tế, làm chủ tịch, tháng 3 năm 1946. Đảo chánh thất bại thì bị bắt, bị đưa ra tòa. Đó là lẽ đương nhiên, có chi lạ? Đó cũng là luật chơi chính trị công bằng (fair) muôn thuở, ngay tại những nước nổi tiếng tự do, dân chủ. Ngoài ra, trong quãng đời làm lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng chống Việt Minh cộng sản, Nguyễn Tường Tam đã hơn một lần thất bại, phải chạy qua Tàu trốn. So what?

Theo Minh Võ, “nhà văn Nhất Linh khi thấy cuộc đảo chính thất bại đã chạy vào tòa đại sứ Trung Hoa Dân Quốc xin tỵ nạn”
(6). Chi tiết này, Nguyễn Tường Thiết không hề nhắc tới, vì có thể không biết (trong khi ông biết quá nhiều chuyện khác), hoặc có thể lờ đi để chạy tội cho cha, nghĩa là, theo ông, Nhất Linh vì đã giã từ chính trị nên chỉ bị “liên lụy”, chứ không chủ động làm điều gì. Nhưng nếu chỉ vô tình “liên lụy” thôi, việc gì phải sợ, phải chạy vào một tòa đại sứ để lánh nạn?

b- Tác giả Lê Nguyên Phu, cựu Trung tá thẩm phán tại Tòa án Quân sự Đặc biệt thời đệ Nhất Cộng Hòa, trong quyển Trong Bóng Tối Lịch Sử
(7), viết rằng, sau khi đảo chánh thất bại, Nguyễn Tường Tam vẫn không bị giam giữ ngày nào, khác với những người khác: “Nguyễn Tường Tam sau khi bị điều tra sơ khởi tại Nha Cảnh sát, Nha An Ninh Quân Đội và thẩm vấn sau cùng tại Tòa án Quân Sự Đặc Biệt, đã được Đại tá Lê Văn Khoa ủy viên chính phủ phóng thích ngay, không bị giam giữ một ngày nào.” Như vậy, nếu không có lệnh và tấm lòng quý mến của Tổng thống Diệm đối với Nhất Linh, ông Tòa nào dám cho ông Tam được tự do? Điều này, vô tình Nguyễn Tường Thiết cũng đã xác nhận: “Mấy tháng sau [NLGO: sau khi Nhất Linh trốn tại tòa đại sứ Trung Hoa Dân Quốc hay một nơi nào] chúng tôi ngạc nhiên thấy cha tôi trở về. Anh tôi hỏi thì ông cụ trả lời giản dị ‘Cậu được vô can’ và không tiết lộ điều gì hơn.” Vô can, vì cũng theo Lê Nguyên Phu: “Trong biên bản do chính Đại tá Lê Văn Khoa thẩm vấn, Nguyễn Tường Tam khai thực sự không biết gì nội vụ, không có tổ chức căng biểu ngữ, rải truyền đơn chống chính phủ trước Dinh Độc Lập. Những sự việc này hoàn toàn do đám em út của ông (Trương Bảo Sơn, Nguyễn Thành Vinh, Vĩnh Lợi, Trần Tương v.v.) tự động làm ra [NLGO nhấn mạnh] ông ngăn không nổi [sic]. Ông thỉnh cầu Đại tá Lê Văn Khoa đừng đem ông đối chất với đám thuộc hạ”. Tôi tin điều Lê Nguyên Phu tiết lộ là có thực (ông Phu còn sống tại Montréal, và dĩ nhiên, phải chịu trách nhiệm về những gì ông đã viết ra), vì có như thế mới cắt nghĩa được sự “ngạc nhiên” của Nguyễn Tường Thiết khi thấy cha mình bình yên trở về và câu trả lời của “ông cụ” (“cậu được vô can”). Muốn tha bổng một người trong khi lại giam giữ những tội phạm khác, dù có chỉ thị của Tổng thống, ông Tòa nào cũng phải dựa vào một cái cớ, không thể thả về khơi khơi, sẽ bị mang tiếng thiên vị. Đối với Nguyễn Tường Tam, cái cớ ở đây là ông “không biết gì nội vụ”, tất cả do “đám đàn em của ông”, và bởi thế mới xin Tòa khỏi phải đối chất với họ. Trong khi ấy, Nguyễn Tường Thiết nói cha ông không bị giam giữ vì tòa không tìm ra bằng cớ. Không có bằng cớ thì cứ bình chân như vại, chờ ngày ra tòa xét xử, tại sao phải chạy trốn, và sau cùng tự tử? Ông Thiết viết: “Cuộc đảo chính thất bại. Tôi nghe nói là bố tôi sau đó đã lẩn trốn ở nhiều nơi trong thành phố. Sau này tôi nghe nói ông phải đi trốn vì ông có tên trong một tờ truyền đơn chống chính phủ được rải ra trong thành phố vào buổi sáng ngày đảo chánh. [...] Tôi thắc mắc tại sao ông cụ lại vô can được khi ông biết trước vụ đảo chánh xẩy ra lại có tên ông trong tờ truyền đơn, trong khi hầu hết những người có tên trong tờ truyền đơn bị bắt hết? Sau này được tiếp xúc với Giáo Sư Nguyễn Thành Vinh, một đàn em cũng là đồng chí của ông cụ, anh Vinh xác nhận với tôi: ‘Anh Tam đã tuyên bố không làm chính trị, vì vậy anh đứng ngoài, anh chỉ ủng hộ ngầm việc làm của các anh em mà thôi. Tất cả các buổi họp quan trọng trước ngày đảo chánh đều không có mặt anh Tam. Tuy nhiên anh được thông báo mọi diễn tiến. Vì vậy anh Tam biết trước có vụ đảo chánh xẩy ra.’ Từ những sự kiện trên và là người con gần gũi và thấu hiểu ông cụ tôi nhất, tôi suy luận thế này: Một mặt cha tôi bất mãn với chế độ nhà Ngô về sự độc tài của chế độ này. Mặt khác vì lời tuyên bố không làm chính trị của ông năm 1950, lại là người rất trọng danh dự, ông cụ tôi hết sức tránh mọi hành vi đi ngược lại lời tuyên bố của ông. Giữa hai động lực tương phản ấy cha tôi khôn ngoan chọn thái độ đứng giữa nó có thể giúp ông một lúc đạt cả hai mục tiêu: đó là ngầm tán trợ các hoạt động của anh em đồng chí của ông, nhưng riêng ông đứng ngoài. Sự kiện ông cụ tôi không bị bắt có thể vì người ta không tìm ra bằng cớ. Thứ nhất là ông cụ tôi không bao giờ đi họp [...] Thứ hai là có tên trong trong tờ truyền đơn cũng không hẳn là bằng cớ rõ ràng để bắt vì có gì chứng minh ngược lại là người khác để tên ông cụ tôi vào?” [những chỗ in đậm là do tôi].

- Qua lời ông Thiết, ta có thể đi đến một kết luận, ngoài ý muốn của ông: Ngô Đình Diệm không độc tài. Nghĩa là, nếu muốn bắt người vô tội, một chế độ độc tài có thể ngụy tạo ra bao nhiêu bằng cớ mà chẳng được, như ngụy quyền Việt Cộng bây giờ đã và đang làm đối với người dân trong nước?

- Một điều nữa: những đàn em của ông Nguyễn Tường Tam bây giờ muốn tán hươu tán vượn về ông sao cũng được, không ai cấm, không bị bỏ tù hay đóng thuế về tội nói dóc. Nhưng những lời khai của họ trước tòa sau lúc bị bắt mới có giá trị
(8). Khi ông Tam tuyên bố không làm chính trị nữa, không đi họp, không tiếp xúc, nghĩa là “đứng ngoài [...] chỉ ủng hộ ngầm”, mà vẫn được đồng đảng “thông báo mọi diễn tiến và biết trước có vụ đảo chánh xẩy ra” thì quả thực tôi không hiểu ý thức bảo mật của họ cao đến cỡ nào, nếu họ có ý thức bảo mật.

- Sau cùng, ông Thiết viết: “có tên trong tờ truyền đơn cũng không hẳn là bằng cớ rõ ràng để bị bắt vì có gì chứng minh ngược lại là người khác đề tên ông cụ tôi vào?” Thật sao? Ông Thiết thường trích những lời đàn em của Nhất Linh nếu thấy có lợi, nhưng lờ đi nếu thấy bất lợi hoặc có hại. Ở đây, cũng thế. Này nhé, ông Thiết: Trương Bảo Sơn, trong bài “Những kỷ niệm riêng với Nhất Linh Nguyễn Tường Tam” in trong Nhất Linh, người chiến sĩ - người nghệ sĩ, Thế kỷ 21 xuất bản, 2004, đã viết câu này –do nhà văn Nhật Tiến trích dẫn giùm: “Khi thảo truyền đơn, trong danh sách những người ký tên, chúng tôi đã để tên Nguyễn Tường Tam lên đầu, rồi mới tới tên các cụ Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương, Trần Văn Văn, Nguyễn Xuân Chữ v.v. Ông Tam đã sửa lại để tên ông sau tên ông Chữ[NLGO nhấn mạnh]. Trước sự ngạc nhiên của tôi, ông giải thích: ‘Ông đừng quên người ta vẫn nói miền Nam của người Nam, mình là người Bắc di cư, phải lưu tâm và tôn trọng điều đó.’”
(9)

Việc sửa đổi truyền đơn chứng minh Nguyễn Tường Tam, một người mà ông con mô tả “rất trọng danh dự”, tôi suy luận, đã không giữ đúng lời hứa của mình, nghĩa là đã đồng ý xuống núi “Langbian” tham gia đảo chánh, dù là để ăn ké. Ngoài ra, theo Wikipedia, năm 1960, Nguyễn Tường Tam về Sài Gòn thành lập Mặt Trận Quốc Dân Đoàn Kết. Ngoài ra nữa, chính ông con cũng (vô ý, hay lơ đãng) tự tố cáo cái xạo, cái mâu thuẫn, câu nọ chửi bố câu kia, trong bài của mình: “Nhưng ‘tu tiên’ [NLGO: tại Đà Lạt] không được vì những biến chuyển chính trị ở Sài Gòn khiến cha tôi không thể ngồi yên.”

Hơn nữa, nếu cha ông thực sự có tham gia đảo chánh thì đó là điều nên hãnh diện chứ, việc gì Nguyễn Tường Thiết lại phải chối bai chối bải như thế? Thật lạ lùng! Hay vì:

*ông muốn chứng minh và bênh vực thái độ mà ông cho “khôn ngoan chọn thái độ đứng giữa” của cha mình? Khôn ngoan, hay khôn lỏi, cốt lừa đồng chí, chạy tội, khi thất bại?

*ông muốn cho thế giới thấy cha ông vô tội, nhưng chế độ “độc tài” Ngô Đình Diệm cứ theo trù ẻo, đến nỗi “ông cụ” phải quyên sinh? Dám lắm.

c- Tự tử cũng là một cách tự xử, đó là cung cách và truyền thống cao đẹp, đáng ngưỡng mộ của những hiền nhân quân tử. Tuy nhiên, khi Nguyễn Tường Tam viết rằng bằng cách tự tử ông muốn “cảnh cáo” Ngô Đình Diệm đã “chà đạp lên mọi thứ tự do” ông đã vô tình làm hoen ố hành động tự xử can đảm ấy. Ở đây ông lấy cái chết để xử tội người khác. Nghe rất phi lý. Đi theo nhóm quân sự đảo chánh bằng súng đạn còn không ăn cái giải gì thì tự tử để “cảnh cáo” có ích lợi chi, nếu Ngô Đình Diệm là một nhà độc tài thực sự, như ông đã kết án.

- Trái lại, theo lời của Minh Võ, thì khi nghe tin Nhất Linh chết, “ông Diệm rất buồn rầu, phải lên Đà Lạt tĩnh dưỡng mấy ngày”
(10). Điều này, nếu đúng, chứng tỏ tấm lòng nhân ái của Ngô Đình Diệm và sự kính nể của ông đối với Nguyễn Tường Tam, và ông Tam sẽ chỉ có lý nếu chữ “cảnh cáo” được hiểu trong cảnh huống (context) của một Ngô Đình Diệm nhân hậu –điều mà ông (Nguyễn Tường Tam) và gia đình không bao giờ công nhận. Ý tôi muốn nói: không một nhà chính trị sáng suốt nào đã dùng cái chết của mình để “cảnh cáo” một cách có hiệu quả một lãnh tụ gian ác, ví dụ Staline, Hitler, Pol Pot, Hồ Chí Minh hay bọn VC bây giờ. Vô ích. Ngược lại, dưới chế độ cộng sản độc tài, tàn bạo hiện nay tại Việt Nam, mọi hình thức tự thiêu, tự hủy, tự đâm, tuyệt thực... (11)), mặc dù per se (tự nó) cao cả, phi thường, giống như cái chết của Nguyễn Tường Tam, VC đều coi như pha, và nước Mỹ của Obama và thế giới đồng lõa cũng coi như pha.

- Còn việc “chà đạp mọi thứ tự do”? Nguyễn Tường Thiết hoặc bất cứ ai, hãy nêu ra, thay cho Nguyễn Tường Tam, chỉ một bằng chứng cụ thể, hợp lý, dù nhỏ. Lần giở những trang sử cũ nay đã phơi bày lồ lộ dưới ánh sáng của thời gian và chân lý, ai cũng biết vụ Phật giáo đã bị Mỹ, đúng ra chính phủ Kennedy và CIA, lợi dụng như thế nào qua một sự kiện không đúng thời điểm gây ra bởi những kẻ hăng say dưới quyền của tổng thống Ngô Đình Diệm (bắt cờ Phật giáo phải nhỏ hơn cờ quốc gia trong ngày lễ Phật đản tại Huế, chứ không phải cấm treo cờ, như đám cuồng tín bị Việt Cộng giật dây vẫn rêu rao
(12). Quả vậy, người ta còn nhớ, lúc ấy, John F Kennedy muốn đưa quân Mỹ vào Việt Nam chiến đấu, cốt để “vuốt mặt” sau vụ thất bại ở Vịnh Con Heo, năm 1961, và nhân trận Ấp Bắc, tỉnh Tiền Giang, 2/1/1963, chê quân lực VNCH thiếu khả năng chiến đấu (thực ra trong trận này VC chết và bị bắt khá nhiều). Nhưng dự định ấy (đưa quân Mỹ vào VN) của Kennedy bị Ngô Đình Diệm nhất quyết từ chối, và vì vậy bất cứ giá nào –kể cả tung tin ông Diệm đi đêm với Hồ Chí Minh và ra tối hậu thư phải loại bỏ vợ chồng bào đệ Ngô Đình Nhu– Kennedy phải triệt hạ ông, và vụ Phật giáo là dịp may hiếm có (13). Những gì xảy ra tiếp theo, những người Việt Nam thành niên và có đầu óc bình thường vào thời gian ấy đều biết quá rõ: Kennedy đã mượn tay nhóm phản tướng tham tiền để giết Ngô Đình Diệm. Period. Không có gì phải huênh hoang. Tôi sẽ dẫn thêm tài liệu trong một bài khác, nếu cần, về việc này.

- Ngoài ra, trong di chúc của Nguyễn Tường Tam, người ta đọc: “Sự bắt bớ và xử tội tất cả các phần tử đối lập quốc gia là một tội nặng sẽ làm cho nước mất về tay cộng sản.” Sai quá. Ngô Đình Diệm bắt và xử tội họ không phải vì họ là những thành phần đối lập, nhưng vì họ đã tham gia đảo chánh, lật đổ ông, mưu giết ông. Bằng cớ, chỉ sau vụ đảo chánh hụt, người ta mới nghe nói đến “nhóm Caravelle” –gồm những chính khách, có cả những cựu cộng sự viên của ông Diệm bị cho nghỉ việc, hoặc ở vào cái thế phải tự nghỉ việc, đâm ra bất mãn– nghĩa là thời gian trước đó họ vẫn tự do nhâm nhi cà-phê, nốc rượu mạnh tại khách sạn, tự do hội họp, tự do bày mưu tính kế.

- Rồi nước mất, vào ngày 30/4/1975, không phải do “độc tài” Ngô Đình Diệm, mà do đám phản tướng, theo lệnh quan thầy Mỹ, đã sát hại ông, để chia nhau từng đồng tiền thưởng của CIA (xem hồi ký của Trần Văn Đôn), tranh giành ghế ngồi, nhưng vì bất tài vô tướng (xin hiểu theo nghĩa “tâm sinh tướng”), tham lợi danh (tài liệu đầy dẫy), đã gây ra bao nhiêu rối loạn về:

* quân sự: phá bỏ ấp chiến lược, thả hết tù Việt Cộng

* chính trị: sau khi ông Diệm chết, Phật giáo bị Thích Trí Quang và Việt Cộng xách động tiếp tục biểu tình, chống đối các chính phủ Trần Văn Hương và Nguyễn Cao Kỳ, tự thiêu, đem cả bàn thờ Phật xuống đường, tại sao? Tôi còn nhớ phản ứng của thủ tướng Trần Văn Hương, một Phật tử, một người trên cương vị lãnh đạo không thể không thấy âm mưu phá hoại trắng trợn của Việt Cộng và tay sai, đã buộc phải tuyên bố trên đài phát thanh, năm 1964, gọi những cuộc biểu tình ấy là “những trò khỉ” –một câu rất nặng nề (tôi chỉ trích ra một nửa) mà không thấy Phật tử bây giờ và báo chí Mỹ lúc ấy thắc mắc, khác với trường hợp bà Ngô Đình Nhu
(14).

* xã hội: nhảy đầm thả giàn, đĩ điếm, trụy lạc, tham nhũng, buôn lậu... những tệ đoan làm băng hoại Miền Nam và giảm sút tinh thần chiến đấu của quân sĩ, tất cả chỉ làm lợi cho Việt Cộng. Ấy là chưa kể thái độ chống Cộng thụ động của dân chúng, cộng với sự phản bội trắng trợn của “đồng minh” Mỹ, nói toạc ra là hai chuyên viên lừa đảo, xảo quyệt Nixon và Kissinger, cộng với quyết định từ chức, đào tẩu, không dám chết theo thành của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu... ngần ấy nguyên nhân, sự kiện đã gây nên và dẫn tới sự sụp đổ của Miền Nam vào tay cộng sản 12 năm sau. Ngô Đình Diệm bị giết, Hồ Chí Minh tuyên bố phần chiến thắng từ nay sẽ thuộc về y ta
(15).

d- Phải chăng uống thuốc độc tự tử là một phương cách đã ám ảnh Nhất Linh qua quyển Giòng sông Thanh Thủy, 1960-61, một trong những tác phẩm cuối cùng của ông? Theo truyện, không có nhân vật nào tự tử, nhưng các thành viên Việt Quốc thủ tiêu những phần tử gián điệp Việt Minh toàn bằng thuốc độc, hoặc tiêm hoặc trộn với cà-phê
(16). Biết đâu, và đây chỉ là một giả thuyết, tác giả Nhất Linh, trong một cơn khủng hoảng, muốn đóng vai trò của những nhân vật khi tưởng tượng (“bệnh tâm thần”, theo Nguyễn Văn Lục?) mình là nạn nhân bị thủ tiêu (thực ra là “tự thủ tiêu”) bởi Ngô Đình Diệm bằng cách uống ly rượu pha độc dược? Ngoài câu nói nổi tiếng của Flaubert, “Madame Bovary (vừa tên tác phẩm vừa tên nhân vật), c’est moi.” –bộc lộ ảo giác của một người muốn trở thành giống như điều mình mong ước và nuôi những giấc mơ không thể với nắm được– những ví dụ về việc tác giả đồng hóa với những nhân vật của mình có nhiều trong văn học sử thế giới (17).

e- Trong khi hăng say kết tội Ngô Đình Diệm, Nguyễn Tường Thiết, Huỳnh Tấn Lê, Vũ Ánh, Đào Văn Bình và bọn Việt Gian ăn có –nhan nhản tại hải ngoại, những đứa ngày xưa miệng ngậm đầy cơm quốc gia bây giờ lộ tênh hênh chân tướng phản bội hèn hạ với những bài phát biểu điên cuồng chống Ngô Đình Diệm– đã quên những tội ác của Hồ Chí Minh, Việt Minh và Việt Cộng từ 1945: lừa phỉnh và tiêu diệt các đảng phái lớn nhỏ, trong đó có Việt Nam Quốc Dân Đảng của Nguyễn Tường Tam, giết hại bao nhiêu thành viên. Họ đã quên, như trong buổi hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn, ngày 7/7 vừa qua, diễn giả Trần Khánh Triệu, con nuôi của Khái Hưng (tức Nguyễn Tường Triệu, con ruột của Nhất Linh), khi phát biểu, đã chỉ nhắc những kỷ niệm vớ vẩn, không cần thiết về “papa” nuôi, cố ý làm khán thính giả cười một cách gượng gạo, mà không nói lấy nửa lời về sự nghiệp và giá trị văn chương sáng ngời của Khái Hưng và mãi đến sau chót mới kể chuyện ông bị Công an dẫn đi biệt, nhưng cử tọa không hề nghe ông diễn giả con nuôi kết tội Việt Cộng đã thủ tiêu ông nhà văn bố nuôi của mình. Tại sao? Sợ, hay có lệnh của ai?
(18) Giá như Khái Hưng chết bởi tay Ngô Đình Diệm thì chắc chắn 100% Trần Khánh Triệu và Ban điều hành Người Việt đã tức thời mang ông Diệm ra pháp trường cát.

4. Đâu là tội ác của Ngô Đình Diệm? Những câu sau đây của Nguyễn Tường Thiết có phải là một trong những bằng cớ?

“Cha tôi chơi lan, hòa nhạc tại gia vào cuối tuần. Thỉnh thoảng ba chúng tôi (cha tôi, chị Thoa và tôi) đi picnic trên núi Langbian hoặc ở Suối Vàng. [...] Lâu lâu bạn bè của cha tôi từ Sài Gòn lên Ðà Lạt ghé thăm cha tôi. Bạn của cha tôi nhiều lắm và đủ loại: bạn thân, bạn văn, bạn đồng chí và cả các chính khách nữa [...] nhưng tôi đoán thế nào họ chẳng bàn chuyện thời sự và chính trị. [...] Cha tôi nói: ‘Việc dẹp loạn Bình Xuyên là đúng, nhưng coi chừng, nó có thể mở đầu dẫn đến độc tài
.’”

a- Như thế là thế nào? Được chơi lan, hòa nhạc, đi picnic, gặp và nói chuyện, kể cả về chính trị và thời sự, với bạn bè, đồng chí... đó là sinh hoạt sặc mùi trưởng giả của một người luôn kêu rêu là bị đối thủ “độc tài gia đình trị” theo dõi, rình mò, kềm kẹp ư?

b- Còn nữa: tại sao dẹp được loạn Bình Xuyên, năm 1954, Ngô Đình Diệm sẽ trở thành độc tài? Lời “tiên tri” kỳ quặc ấy, Nhất Linh, hay con ông, Nguyễn Tường Thiết, không giải thích, hoặc giải thích bằng tiềm thức của những sự việc đã xảy ra vào năm 1960 và về sau, trong khi hoặc sau khi ông Tam tham gia vụ đảo chánh hụt, chứ không phải vào thời Ngô Đình Diệm dẹp loạn Bình Xuyên năm 1954.

Thực vậy, khi trở về chấp chánh, ngày 7/7/1954, Ngô Đình Diệm đã gặp biết bao khó khăn gây ra bởi thù trong giặc ngoài, từ Thực dân Pháp, cộng sản Việt, và sau này đế quốc Mỹ, luôn phá bỉnh, đến những tướng lãnh theo Tây như Nguyễn Văn Hinh, Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Văn Vỹ, bất phục tùng, tìm dịp nổi loạn, đến Bảo Đại và đàn em Bảy Viễn, Lại Văn Sang, Lại Văn Tài, đến các giáo phái ly khai võ trang Cao Đài, Hòa Hảo chống lại chính quyền còn non trẻ... Chưa kể việc lo thực hiện công cuộc di cư và định cư vĩ đại cho gần một triệu người dân từ Miền Bắc, cải tổ quân đội, ổn định đời sống an ninh và xã hội cho người dân Miền Nam. Chưa kể sự đánh phá của Việt Cộng lợi dụng thời cơ xâm nhập vào những cơ sở hạ tầng. Bao nhiêu công việc ấy đòi hỏi một khả năng xuất chúng, một nghị lực vô song, và, dĩ nhiên, một biểu lộ quyền uy tối thượng, mà những kẻ chống đối gọi là “độc tài”. Tiếc rằng Nguyễn Tường Tam, người có nhiều kinh nghiệm xương máu với Việt Minh cộng sản từ 1945, không còn sống để chứng kiến những gì xảy ra dưới những chế độ quân phiệt sau khi Ngô Đình Diệm bị giết và tội ác của Việt Cộng và bộ hạ của Hồ Chí Minh từ 1975 đến nay như thế nào.

5. Thị xã Ðà Lạt tràn đầy băng rôn biểu ngữ chống cộng sản. Trong các dịp lễ tết thế nào cũng có màn kịch tố cộng với những anh hề “cán ngố” áo đen nón cối nhẩy vũ điệu tập thể “son mì son mì son đố mì.” Nhưng song song với phong trào tố cộng một phong trào khác cũng rầm rộ không kém. Ðó là phong trào “suy tôn Ngô Tổng Thống.” [...]

Hai điều cần phải ghi nhận từ đoạn văn này của Nguyễn Tường Thiết:

a- Chế giễu phong trào tố cộng một cách khéo léo. Tôi không chụp nón cối trên đầu ông đâu. Xin quý vị đọc lại, và để ý đến giọng văn mỉa mai, đến những chữ “tràn đầy”, “thế nào cũng có”, “tố Cộng”, “anh hề”, và nguyên văn câu hát, không cần thiết nêu ra, “son mì son mì son đố mì”. Nếu không cố tình lố bịch hóa phong trào chống Cộng, nhà văn tài ba Nguyễn Tường Thiết có dư khả năng để viết một cách khác, đứng đắn và vô tư hơn.

b- Phong trào “suy tôn Ngô Tổng Thống”: Bài hát “suy tôn” đã do hai nghệ sĩ Ngọc Bích và Thanh Nam sáng tác, được hát sau bài quốc ca trong các buổi lễ thượng kỳ, kể cả khi xem chiếu bóng, từ 1956. Cả hai tác giả đã chết, nên không ai biết vì họ tự động, cảm khái trước công lao to lớn của ông Diệm đối với Miền Nam lúc ấy hay vì nhận “đơn đặt hàng” từ chính quyền. Dù trong trường hợp nào, Ngô Đình Diệm cũng đã để yên, và những kẻ chống đối cho đó là một trong những khía cạnh “độc tài” của ông.

c- Có nhiều bài tranh luận về vấn đề suy tôn này, kẻ bênh người chống. Chẳng hạn, tác giả Trần Văn Tích nêu ra, một cách hữu lý, trường hợp chính phủ Vichy của thống chế Pétain (công hay tội, chưa nói tới) đã tung ra bài hát rất thịnh hành “Maréchal, nous voilà” [...] của André Montagnard, năm 1941, và trường hợp bản quốc ca của nước Anh từ trước đến nay vẫn là “God save the Queen / The King”, mà người dân Anh –đâu phải ngu xuẩn, lạc hậu gì– vẫn vui vẻ chấp nhận. Ý kiến của Trần Văn Tích không được tác giả Trần Lâm tán đồng
(19). Đó là hai ví dụ suy tôn một cá nhân lãnh đạo, được xem là biểu tượng của uy quyền quốc gia. Trường hợp Ngô Đình Diệm cũng không khác chi.

d- Theo thiển ý, lãnh tụ nào trên thế giới, trong thâm tâm hoặc công khai, cũng muốn được tôn vinh. Nếu được làm tổng thống như Ngô Đình Diệm, khi được nhân dân suy tôn như thế, Nguyễn Tường Tam sẽ phản ứng ra sao? Sẽ bảo, thôi thôi, dẹp đi, hay cứ để mặc? Dân suy tôn, nhưng miễn mình xứng đáng, vào một thời điểm nào đó, có sao đâu? Lúc ấy Miền Nam được hưởng một thời kỳ thái hòa, thịnh vượng, tất cả là do công lao của Ngô Đình Diệm, công lao mà dù ghét ông cách mấy, người ta cũng không thể phủ nhận. Ấy là chưa kể nhu cầu củng cố uy thế –điều mà lãnh tụ nào cũng phải nhờ đến
(20). So sánh với vô vàn hình thức sùng bái lãnh tụ trong chế độ Đức Quốc Xã, hay cộng sản, đặc biệt tại Việt Nam (ví dụ những bài thơ con cóc, ăn cắp, của Hố Chí Minh được bộ hạ bần cố nông hít hà khen lấy khen để, ví dụ tượng Hồ Chí Minh được bọn răng đen mã tấu công kênh đưa lên bàn thờ ngồi ngang với Phật, Chúa), thì bài hát “suy tôn Ngô tổng thống” có phải là một chuyện quan trọng, bất thường, hay không?

e- Trở lại việc “suy tôn Ngô Tổng Thống”. Một chuyện nhỏ, nhưng Nguyễn Tường Tam, vốn là nhân chứng và nạn nhân của chế độ Việt Minh cộng sản tham tàn lúc nào cũng tung hê “Bác Hồ vĩ đại”, Bác thế này, Bác thế kia, vẫn cho là chuyện lớn đến độ con ông phải viết “Ðây là một trong những điều khiến cha tôi bất mãn với chế độ nhà Ngô”. Bất mãn vì bài hát đó, hay vì không được nhà Ngô mời, hay trọng dụng? Nguyễn Tường Thiết viết thêm: “Hãy tưởng tượng ông cụ tôi, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, bị buộc phải đứng dậy (không phải để chào cờ) để suy tôn ông Ngô Đình Diệm. Khoe gì mà dữ thế, hả ông?” Quả thực, lúc ấy “ông cụ” của ông, về thành quả chính trị, bất quá cũng chỉ là hào quang tàn lụn của một quá khứ chống Việt Minh và cộng sản, nhưng thất bại, phải chạy sang Tàu và cuối cùng vào Nam. Nếu không có tham vọng chính trị, không mặc cảm, thì khi nghe bài hát suy tôn người ta cũng sẽ chỉ nhún vai, hoặc lắc đầu, không ai “bất mãn” như thế để đến nỗi phải bỏ cao nguyên xuống Sài Gòn tham gia đảo chánh.

6. “Năm 1958 cha tôi ra tờ báo Văn Hóa Ngày Nay.[...] Sau này dọ hỏi hai người trong ban biên tập của báo VHNN là ông Nguyễn Thành Vinh và ông Trương Bảo Sơn thì tôi càng kinh ngạc hơn nữa: báo không ra nổi vì lỗ vốn. Trong cuốn sách ‘Nhất Linh, Người Nghệ Sĩ-Người Chiến Sĩ’ do Thế Kỷ xuất bản năm 2004, trang 78, ông Trương Bảo Sơn viết: ‘Tờ Văn Hóa Ngày Nay ra được 11 số thì đình bản, mặc dù được độc giả khắp nơi hoan nghênh. Ôi, chỉ vì nó được hoan nghênh quá xá mà chết non. Nguyên nhân thế này: ‘Trước hết tập Văn Hóa Ngày Nay không được chế độ Ngô Ðình Diệm cho phép xuất bản như một tạp chí mà chỉ là một giai phẩm phát hành không có định kỳ. Vì không có định kỳ nên Bộ Thông Tin kiểm duyệt cố tình để lâu mới trả lại bản thảo để in. Ông Hoàng Nguyên, chủ sự phòng kiểm duyệt đã nói với tôi rằng tuy có nhiều cảm tình với chúng tôi, nhưng không thể làm trái lệnh cấp trên là cản trở tờ Văn Hóa Ngày Nay ra đúng kỳ hạn (tỷ dụ như đúng ngày mồng 1 mỗi tháng) để đọc giả nhớ ngày mua báo. Hơn nữa bài vở phải kiểm duyệt kỹ, nhất là bài của Nhất Linh và Bảo Sơn.’

‘Sau nữa, ngoài chế độ kiểm duyệt, phản quyền tự do ngôn luận này ra, chế độ Ngô Ðình Diệm còn có một thủ đoạn hiểm độc nữa là nhà nước giữ độc quyền phát hành báo chí, kể cả giai phẩm. Ngô Ðình Diệm đã có sáng kiến đặt ra Nhà Phát Hành Thống Nhất, bắt tất cả các báo chí phải đưa cho công ty này phân phối. Tập Văn Hóa Ngày Nay bán chạy như tôm tươi mấy số đầu, đã bị ế đi. Nhà phát hành độc quyền của chính phủ đã thi hành độc kế không gửi đủ số báo cho các tiệm sách đã đặt mua. Chúng tôi khi buộc báo thành từng bó đã cố ý đánh dấu riêng, khi nhận báo từ nhà phát hành trả về, thấy những dấu ấy vẫn còn y nguyên, tức là nhà phát hành đã không làm đúng nhiệm vụ, đã giữ báo của chúng tôi trong kho, không phân phối đi. Có những tiệm sách đến điều đình mua thẳng báo với chúng tôi để có đủ báo bán, nhưng chúng tôi phải từ chối vì sợ chính quyền gài bẫy. Ðã nghèo lại bị thua lỗ, chúng tôi đành đình bản tờ Văn Hóa Ngày Nay
.’”

Tôi cố tình trích hết đoạn văn dài này để quý vị thấy sự ngụy tín (mauvaise foi = ý gian) của Nguyễn Tường Thiết và Trương Bảo Sơn (chồng của Nguyễn Thị Vinh, người coi Nhất Linh như thần tượng), một Trương Bảo Sơn lật lọng mà tác giả Lê Nguyên Phu đã nhắc đến tên trong sách của ông
(21). Vì sao? Làm báo (giấy) thua lỗ là chuyện thường, kể cả thời nay, bởi kỹ thuật vi tính tân tiến. Làm báo, trừ vài trường hợp hãn hữu, có nghĩa là từ chết đến bị thương. Người ta thường nói đùa, muốn cho ai sạt nghiệp, cứ xúi họ làm báo. Ngay cả bưu điện Mỹ cũng than ế ẩm, vì người ta thường viết thư qua email. Vô lẽ đổ thừa cho những người phát minh ra máy vi tính là “độc tài”, là dùng “độc kế”? Sự thực, Nhất Linh chỉ than “vì lỗ vốn” –là điều có thật. Nhưng con ông và Trương Bảo Sơn thì ngụy tạo thêm một “độc kế” gắn lên đầu Ngô Đình Diệm và chế độ. Sự ngụy tạo ấy quá vụng về, đến nỗi người ta phải đánh dấu hỏi về khả năng suy luận và mức độ lương thiện của hai đương sự đã quá coi thường trí tuệ của độc giả. Đây này:

a- Tờ Văn Hóa Ngày Nay ra được 11 số thì “tự đình bản”. Ra được 11 số như vậy là giỏi lắm rồi. Ra dưới dạng “tạp chí” hay “giai phẩm”, hay cả nhật báo, tuần báo, cũng đều do người chủ xướng tự chọn, mắc mớ chi đến chính quyền cho phép hay không cho phép? Nguyễn Tường Thiết quên một điều: người Việt Nam ta, thời nào cũng vậy, ít khi bỏ tiền mua báo, và lúc ấy, hay ngay bây giờ, tại Việt Nam chưa có báo chợ, báo lượm. Để tiết kiệm, một người mua, nhưng cả chục người đọc ké. Làm sao báo sống được?

b- Ngoài Văn Hóa Ngày Nay, còn có nhiều tờ báo khác, ví dụ Sáng Tạo, Bách Khoa, Thế kỷ 20...
(22) cũng rất bề thế, làm sao khỏi có sự cạnh tranh, làm sao độc giả khỏi có sự chọn lựa, vì tiền bạc eo hẹp đã không thể mua khuân hết về mà đọc. Quả thực, Văn Hóa Ngày Nay khi mới ra lò đã thu hút một số lớn độc giả tò mò, trong đó có thân phụ tôi. Nhưng rồi, theo thời gian, nếu tôi nhớ không lầm, thấy không có gì mới lạ nữa, ngoài mục thư tín do Nhất Linh phụ trách chiếm quá nhiều trang, đăng những bài điểm sách Tự Lực Văn Đoàn, chỉ cách trồng và thưởng thức lan, và trường thiên tiểu thuyết mới dài lê thê của Nhất Linh, như Xóm Cầu Mới hay Giòng Sông Thanh Thủy, hay một số truyện giá trị trung bình của những tác giả khác... nên người ta chán.

c- Văn Hóa Ngày Nay, như thế, hoàn toàn thiên về văn chương, văn học, giống như những tờ báo khác, thì lấy lý do gì chính quyền Ngô Đình Diệm phải dùng “trì hoãn kế” để giết chết nó? Mà nếu muốn giết chết nó, Ngô Đình Diệm –luôn luôn bị xem là một nhà “độc tài gia đình trị” bởi hai cha con ông Nhất Linh– còn sợ gì mà không cho lính mang súng đến niêm phong tòa soạn, đóng cửa cái rột, thay vì “cản trở [nó] ra đúng kỳ hạn” làm chi cho lôi thôi, mất thì giờ? Ngay tại xứ Mỹ tự do, tờ Thế Giới Ngày Nay của ông Lê Hồng Long, Kansas, ít khi ra đúng hạn kỳ, mà chủ nhiệm hay độc giả có bao giờ than vãn là do chính quyền Mỹ cản trở?

Rồi nữa, chính phủ Ngô Đình Diệm ưu ái (Miền Bắc cộng sản có làm như vậy không?) cho in lại và đưa vào chương trình học những tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn, mà Nhất Linh là chủ soái, thì có lý do gì lại làm khó dễ, cấm cản “giai phẩm” thuần túy văn chương của ông?

Và nếu “nhà nước giữ độc quyền phát hành báo chí, kể cả giai phẩm” thì điều này cũng phải được áp dụng cho các tờ báo khác chứ, mà nếu có, sao không nghe những chủ nhiệm khác kêu ca về chuyện ấy?

d- Trương Bảo Sơn viết rằng chế độ Ngô Đình Diệm “kiểm duyệt báo chí, phản quyền tự do ngôn luận”. Cũng như Nguyễn Tường Thiết, trong đoạn sau, phụ họa bằng câu: “Những điều nêu trên là sự thực xung quanh vụ đình bản của tờ Văn Hóa Ngày Nay. Nó nói lên sự mà cha tôi là nạn nhân trực tiếp. Cũng như tất cả những nhà văn, nhà báo khác khi họ bị tước đoạt quyền tự do ngôn luận, cố nhiên là Nhất Linh rất bất mãn về chuyện này.”

Nguyễn Tường Thiết hãy kể ra một tên trong số “những nhà văn, nhà báo khác [...] bị tước đoạt quyền tự do ngôn luận” thử nghe coi! Ông cũng đừng quên là báo Phong Hóa-Ngày Nay (tiền thân Văn Hóa Ngày Nay?) của cha ông đã bị Sở Liêm Phóng đóng cửa vào năm 1943. Trừ những nước Âu Châu thực sự tự do dân chủ, trừ những nước cộng sản độc tài, bạo ngược, có cả Việt Cộng hiện nay, xin hai ông Sơn và Thiết cho biết nước nào trong lúc chiến tranh mà không kiểm duyệt báo chí, nhiều hay ít?

Nói gì thì nói, Trương Bảo Sơn và Nguyễn Tường Thiết khi viết những điều trên không biết rằng Nhật Tiến, sau này thuộc Nhóm TLVĐ và trở thành người thân của Nhất Linh, đã phổ biến một bài mới toanh, ngày 20/5/2013, có tựa đề “Sinh hoạt văn hóa của Nhất Linh giai đoạn cuối đời”, trong đó ông nêu nguyên nhân, rất đơn giản, và theo tôi, rất trung thực, vì sao VHNN đình bản: “Một số báo như thế báo hiệu sự sa sút rõ rệt về mặt nội dung, càng là lý do để ta có thể đánh giá mức độ đón nhận của độc giả đối với tờ VHNN ra sao”
(23). Nghĩa là báo VHNN xuống dốc, mất độc giả, nên lỗ vốn, phải tự đình bản, thế thôi!

7. “Nhưng không bắt bớ không có nghĩa là để cho ông cụ tôi được hoàn toàn tự do. Trong cuốn “Nhất Linh Cha Tôi” trang 36 tôi ghi lại lời của cha tôi nói với tôi buổi sáng ngày 7 tháng 7, 1963: ‘Cậu chẳng sợ kết quả (ra tòa) ngày mai ra sao vì ở nhà hay ở tù thì cũng mất tự do như nhau.’

Ngoại trừ những người trong gia đình tôi rất ít người biết rằng trong hai năm sau cùng của đời ông cha tôi bị giam lỏng tại gia như thế nào. Công an mật vụ canh chừng đến nỗi chúng tôi nhận diện được từng người mỗi khi từ trên lầu căn gác chung cư chợ An Ðông (nơi chúng tôi trú ngụ) nhìn xuống. Trang 40 cuốn hồi ký tôi tả một đoạn khi cha tôi và tôi rời khỏi nhà: ‘Trên chiếc tắc-xi rời chợ An-Ðông hướng về phía Sài Gòn, tôi thấy cha tôi cứ chốc chốc lại ngoái về phía sau. Ông bảo tôi: ‘Con xem có xe nào theo không? Lúc nẫy cậu thấy có mấy người lạ đứng bên kia đường nhìn vào nhà mình’. Tôi ra hiệu cho tài xế quặt sang đường Trần Bình Trọng, chiếc xe hơi duy nhất chạy phía sau vẫn tiến thẳng đại lộ Thành Thái. Tôi đáp: ‘Không! Không có xe nào theo mình cả
!’”

“Ở nhà hay ở tù cũng mất tự do ngang nhau”: Không thấy Nguyễn Tường Thiết nêu lên một bằng cớ cho biết “ông cụ” không “hoàn toàn tự do”. Không cho biết là vì không có bằng cớ. Còn nhìn thấy ai cũng là “công an mật vụ” có thể là do triệu chứng “có tật giật mình”, “con chim bị đạn” –mà trong bệnh lý tâm thần gọi là paranoia, lúc nào cũng sợ hãi, tưởng mình bị theo dõi, bị bắt. Và câu ông con trả lời cho ông cha: “Không! Không có xe nào theo mình cả!” chứng minh hùng hồn triệu chứng tâm thần ấy, chưa kể câu đó mặc nhiên đạp đổ luận điệu hàm hồ ở đoạn trước của chính Nguyễn Tường Thiết khi cho rằng ông cụ “ở nhà hay ở tù cũng mất tự do ngang nhau”.

8. “Ông cụ rất ít ra khỏi nhà. Những tin tức ông biết được bên ngoài là do báo chí (cha tôi sai tôi đi mua báo Tự Do hàng ngày và ông chỉ đọc tờ báo này thôi), ngoài ra có hai người bạn thân của ông thường xuyên lui tới. Ðó là Bác Sĩ Nguyễn Hữu Phiếm và ông Lê Văn Kiểm. Ông Kiểm (mà chúng tôi gọi là chú Kiểm vì chú nhỏ tuổi hơn ông cụ tôi) thường đến hầu như hàng ngày tường trình diễn tiến của vụ Phật Giáo. Ngày 11 tháng 6, 1963 khi chú Kiểm đến báo tin Hòa Thượng Thích Quảng Ðức tự thiêu ở ngã tư Lê Văn Duyệt & Phan Ðình Phùng thì cha tôi sững sờ”.

Ông cụ “rất ít ra khỏi nhà” là tự ý ông cụ, chứ không phải “bị giam lỏng tại gia”, và chưa có văn thư nào của nhà “độc tài” Ngô Đình Diệm cấm cản (nếu có, chắc chắn Nguyễn Tường Thiết đã cho in ra nguyên con). Bị “công an mật vụ” túc trực canh chừng mà Nguyễn Tường Tam vẫn mua và đọc báo (lại chọn tờ Tự Do!), vẫn được bạn bè đến thăm tại nhà “hầu như hàng ngày tường trình diễn tiến của vụ Phật Giáo”, thì hoặc “công an mật vụ” của Ngô Đình Diệm bị mù và điếc hết, hoặc đầu óc tác giả Nguyễn Tường Thiết có vấn đề.

9. “Ngoài ra để nói về vụ binh biến 1960, ông Lê Nguyên Phu đã viết sai là “vụ binh biến 11/11/1963” (trang 193). Nếu Ông Lê Nguyên Phu cứ nhớ sai chuyện này, viết sai chuyện kia thì làm sao ông ấy có thể nhớ đúng lời khai của bị cáo Nguyễn Tường Tam và các bị cáo khác?”

In sách, đánh máy sai là sự thường, nhưng Nguyễn Tường Thiết muốn nó trở thành big deal, nên suy diễn trật lất. Tuy nhiên, tôi đang có trong tay quyển sách (không tái bản) của Lê Nguyên Phu. Ở trang 193, có tựa đề nguyên văn: Nhận định V – Phiên xử vụ Binh Biến ngày 11-11-1960 trước Tòa Án Quân Sự Đặc Biệt. Như vậy Nguyễn Tường Thiết hoàn toàn sai. Như vậy những điều ông suy luận để phê phán về trí nhớ của ông Lê Nguyên Phu cũng hoàn toàn sai nốt
(24).

10. “Có lẽ ông Lục cho đây là một bằng chứng rõ rệt nhất ‘không chối cãi’ được trong phần bàn luận về ‘bằng cớ pháp lý’ của ông. Tôi xin nói ngay, đây là một giả thuyết thiếu thông minh của ông Lê Nguyên Phu. Khi ngồi viết truyện này, có lẽ ông LN Phu đã nghĩ tới cái quyền đánh đập, bạo hành, tra tấn bị cáo ở trong nhà tù mà chính quyền ông phục vụ vẫn áp dụng. Hay có lẽ ông hình dung bị cáo Nhất Linh dáng thiểu não run sợ trước quan tòa khi nghe ông LN Phu ‘đóng kịch’ quát tháo, mạt sát, áp đảo tinh thần thì Nhất Linh sẽ phải sợ ngay, răm rắp làm theo lệnh tòa, răm rắp phải đối chất”.

Khách quan nhận xét, ông Nguyễn Tường Thiết, trong đoạn văn này, nói năng lung tung quá, độc giả không hiểu ông ám chỉ cái gì, đoạn văn nào và của ai. Ngoại trừ việc lên án sự “tàn bạo” của chế độ Ngô Đình Diệm, thì rất hùng hồn, rõ ràng, như thường lệ.

11. “Nhất Linh đã có quyết định rồi. Nếu phải ra tòa ông sẽ chọn sự im lặng”.

Đó sẽ là một quyết định sáng suốt. Nhưng cuối cùng, Nguyễn Tường Tam đã chọn cách tự tử mà ông nghĩ có lẽ tốt hơn. Và cách ấy sẽ làm cho ông trở thành một anh hùng vô cùng cao cả nếu trong chúc thư ông không kèm theo những lời kết tội, thực ra là vu khống, chế độ Ngô Đình Diệm, và nếu qua bài viết, người con ông, Nguyễn Tường Thiết, không phụ họa theo để lên án ông Diệm một cách vô căn cứ. Nguyễn Tường Tam không muốn bị tòa án Ngô Đình Diệm xét xử. Nhưng qua những điều ông đã viết về Ngô Đình Diệm trong “chúc thư 71 chữ” của ông, tòa án Lịch Sử, luôn luôn công minh, thực sự đã xét xử ông rồi, chưa kể tại Phòng Dự Thẩm Tòa Án Quân sự Đặc Biệt, nơi ông bị buộc khai hết sự việc (Lê Nguyên Phu, sđd, tr. 191).

Phải chăng Lịch Sử, cho đến hôm nay, mặc dù chưa đạt mức thời gian chín muồi cần thiết, để người ta có thể đưa ra một lời phán xét tuyệt đối công minh, nhưng cũng tạm đủ cho phép thấy Nguyễn Tường Tam không phải là một nhà chính trị –chưa nói một lãnh tụ– bình thường và lỗi lạc? Phải chăng ông đã không dám hiên ngang chấp nhận mọi trách nhiệm và hậu quả do hành động của mình? Phải chăng trước khi tự tử vì một lý do thầm kín quan trọng (mà Lê Nguyên Phu và vài tác giả khác đã tiết lộ nhưng bị phản bác bởi gia đình ông Tam), ông vẫn nuôi hận thù, kết án vị nguyên thủ đã tỏ lòng kính nể và ưu ái đối với cá nhân ông, điều mà gia đình Nguyễn Tường phủ nhận, dĩ nhiên, nhưng không ai có thể cấm Sự Thật là Sự Thật?

Cái quan luận định. Nắp quan tài đã đóng trên Ngô Đình Diệm và chế độ của ông. Nhưng nỗi oan khiên ngút trời đã theo ông quá lâu, trên nửa thế kỷ rồi. Những điều dối trá bịa ra, lải nhải để kết án ông một cách hồ đồ, vô nghĩa như lời của những “người điên trong thành phố”, cần phải chấm dứt, nếu không ai muốn bị xét xử sau này bởi tòa án Lương Tâm và Lịch Sử.

Bài viết của tôi sẽ không có nếu Việt Cộng trong nước và Việt Gian ngoài nước để yên những người đã chết, Thích Quảng Đức, Nguyễn Tường Tam, Ngô Đình Diệm, không vực xác họ dậy bởi mưu đồ cá nhân đen tối. Hoặc nếu, ít ra, trong khi tưởng niệm, vinh danh Thích Quảng Đức và Nguyễn Tường Tam, hay ai mặc kệ, họ để yên Ngô Đình Diệm trong giấc ngủ cô đơn, tức tưởi, và nếu họ biết nghe lời Phật, hay Chúa, dạy, không lớn họng thóa mạ ông, không lấy lưỡi lê băm nát thân xác ông một lần nữa, như đám phản tướng đã cho bộ hạ làm sáng ngày 2/11/1963 trên chiếc xe bọc sắt. Những người ái mộ Ngô Đình Diệm hằng năm vẫn tổ chức lễ cầu hồn cho ông, nhưng họ không bao giờ có sự xúi giục, tiếp tay đồng lõa của Việt Cộng và không bao giờ có một ai phát biểu lời nhục mạ Thích Quảng Đức hay Nhất Linh hay Phật giáo nói chung.

Sau hết, khi viết bài này, tôi vẫn nghe văng vẳng bên tai lời của Edmund Burke, chính trị gia người Anh thế kỷ XVIII: “Điều duy nhất cần thiết cho chiến thắng của Sự Ác là sự bất động của những người công chính” (The only thing necessary for the triumph of Evil is for good men to do nothing).

Trước luận điệu xằng bậy của lũ Ma vương, quốc nội cũng như hải ngoại, tôi tớ của Sự Ác, mọi thái độ bất động hay im lặng cũng đều tai hại, nếu không nói hèn nhát, ngang nhau. Cho nên, cuối cùng, trước âm mưu thâm độc của Việt Cộng lợi dụng cái chết của Thích Quảng Đức và Nguyễn Tường Tam để chia rẽ những người Việt quốc gia tại các cộng động hải ngoại, làm người ta quên vô số tội ác tày đình của chúng, để che giấu dã tâm bán nước cho quan thầy Tàu Cộng, những người quốc gia chính tâm, ái quốc, bất luận tôn giáo, giai cấp, tuổi tác, đang can đảm đứng lên nhập cuộc, cất cao tiếng nói bảo vệ Chân Lý và Lẽ Phải. Và tất cả tin tưởng rằng, cuối cùng, Chân Lý và Lẽ Phải sẽ thắng.

Portland, 20/7/2013
người lính già oregon

 

CHÚ THÍCH

 

(1) Khi dùng chữ Việt Gian, tôi muốn nói đến bọn ăn có hải ngoại lợi dụng dịp lễ tưởng niệm để thóa mạ Ngô Đình Diệm và chế độ VNCH một cách bừa bãi, vô căn cứ, với giọng điệu hàm hồ không thua lũ VC trong nước –đã bị tác giả “Thư gửi đồng môn tiến sĩ, cư sĩ HTL [Huỳnh Tấn Lê]”, phổ biến trên mạng ngày 6/29/2013, phản bác kịch liệt bằng những luận cứ vững chắc và hữu lý. Tôi không ám chỉ những đồng hương Phật tử thuần thành hay những bậc chân tu, một mặt kể lại sự thật của ông về việc “tự” thiêu của Thích Quảng Đức, mặt khác khuyên bảo tín đồ không được nuôi dưỡng hận thù đối với “chế độ Ngô Đình hay Thiên Chúa Giáo”, mà chỉ nên đoàn kết, dồn hết quan tâm và nỗ lực cho vận mệnh của đất nước trước sự xâm lăng của Trung Cộng (cf bài thuyết giảng trên Youtube, của Hòa thượng Thích Tâm Châu, do diễn đàn Vườn Lam phổ biến, ngày 11/7/2013).

(2) Để viết bài này, tôi đã đọc một số tài liệu liên quan do bạn bè chuyển đến, trên internet, các diễn đàn, của những tác giả mà đa số tôi không hề quen biết. Ví dụ bài của Lữ Giang, ngày 20/6/2013, trong đó tác giả phân tích sự toa rập giữa Việt Cộng và Nhóm Giao Điểm trong việc tổ chức “một cuộc hội thảo mang tên là ‘50 năm phong trào Phật Giáo ở miền Nam (1963 – 2013)’ tại Khu Du lịch Phương Nam ở Bình Dương. [...] Nhưng để thực hiện công tác ‘phục vụ cho việc tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta’ như Bộ Công An đã giới thiệu, nhóm Giao Điểm có góp phần bằng cách cho phổ biến ‘Tuyển Tập Chế Độ Ngô Đình Diệm 50 Năm Nhìn Lại 1963 - 2013’ gồm đa số là những ‘đồ cổ giả’ được đem ra nhai lại”.

- Hoặc bức thư của cựu Thiếu tá Chỉ huy trưởng Cảnh Sát Thừa Thiên, Liên Thành, cũng là một Phật tử, cháu ruột của Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, ngày 13/7/2013, từ Orange County, gửi Hòa thượng Thích Tâm Châu, phản bác lời ông tuyên bố, mà Liên Thành cho là sai trái, về “nguyên nhân của vụ tranh đấu Phật Giáo vào năm 1963 và vụ ông Lâm văn Tức/Thích Quảng Đức tự thiêu.” Đồng thời ông chứng minh, bằng những hình ảnh lấy từ báo chí ngoại quốc, rằng Thích Quảng Đức “bị thiêu”, chứ không phải “tự thiêu”. Điều này, Minh Võ, trong Ngô Đình Diệm và chính nghĩa dân tộc, Nguyệt San Diễn Đàn Giáo Dân, 2009, trang 103, chú thích 72, cũng có nhắc, dựa trên sách, Vietnam, A History của Stanley Karnow, một người chống Diệm. Ngoài ra, ngày 16/7/2013, Liên Thành còn gửi thư cho Hòa thượng Thích Tâm Châu, thách đố tranh luận với ông về những điều trên.

- Bài “Nhật ký của một người biết quá nhiều”, ngày 5/5/2013 của Phạm Hải, trong đó tác giả phổ biến lý lịch của Huỳnh Tấn Lê và tiết lộ rằng Nhất Linh tự tử vì sợ phải đối chất với đàn em về vai trò của ông trong vụ đảo chánh hụt, đồng thời Nhất Linh đã “lãnh lương” của Trần Kim Tuyến, Giám đốc Phòng Nghiên Cứu Chính Trị, để thủ vai trò “đối lập cuội” che mắt thế gian. Chưa thấy ông Nguyễn Tường Thiết viết bài trả lời Phạm Hải về điều sau.

- Bài “Tổng thống Ngô Đình Diệm là một tín hữu Công giáo” ngày 31/5/2013 của Liên Nguyễn, Sydney. Tác giả đã phản bác từng điểm một những cáo buộc vô lý của phe chống Diệm.

- Bài “Xung quanh cái chết của Nhất Linh” của Khúc Hà Linh, hay bài của một tác giả nặc danh kể chuyện Đại úy phi công Huỳnh Minh Đường được lệnh ném bom chiến hạm chở tù nhân chính trị ra Côn Đảo... Hai bài này, dĩ nhiên, theo phe chống Ngô Đình Diệm.

- Bài mới nhất của Nguyễn Văn Lục, “Gánh nặng lịch sử của Nguyễn Tường Tam - nhà văn và nhà chính trị - ai là người có thể gánh vác nổi”, trên Đàn Chim Việt online, 18-7-2013, trong đó tác giả vừa tường thuật buổi hội thảo về TLVĐ tại tòa soạn báo Người Việt vừa nhận định phê bình các diễn giả vừa trả lời bài trả lời của Nguyễn Tường Thiết về Nhất Linh.

- Bài “Nhất Linh khôn mà không ngoan” của TS Hồng Lĩnh, 2/7/2013, trên DĐ Chính Nghĩa, trong đó tác giả nêu lý do tại sao Nhất Linh không cần phải tự tử.

(3) Nguyễn Tường Thiết, “Sự thật về cái chết của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam (đăng trên tờ Người Việt online). Nguyễn Văn Lục, “Chúc thư văn học của Nhất Linh: Một cái chết định sẵn”, 17/3/2008, trích từ tác phẩm Một thời để nhớ (mà tôi chưa được đọc).

(4)

-Nguyễn Huy & Hà Giang, “Tự Lực Văn Đoàn: 80 năm ảnh hưởng không ngừng”: tường thuật và khen ngợi buổi hội thảo thành công.

-Chương trình hội thảo về TLVĐ trong hai ngày, 6 và 7 Tháng Bảy năm 2013, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt.

(5)

-Minh Võ, Ngô Đình Diệm, chính nghĩa dân tộc, Nguyệt San Diễn Đàn Giáo Dân, 2009,

-Minh Võ, Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm và cuộc chiến Quốc-Cộng, Nguyệt San Diễn Đàn Giáo Dân, 2011. Những sách của Minh Võ có giá trị nghiên cứu và nhận định rất cao qua vô số tài liệu với những dẫn chứng khó chối cãi.

-Suzanne Labin, Vietnam, An Eye-Witness Account, Crestwood Books, VA, 1964. Bằng những chứng liệu rõ ràng, thuyết phục, Labin đã phản bác những điều mà người ta ngụy tạo về “tội ác”, “độc tài” và “chính sách kỳ thị Phật giáo”, giữa những điều khác, của Ngô Đình Diệm.

-Mai Thạch Lê Nguyên Phu, Trong bóng tối lịch sử, Montréal, 2008. Sách được viết bởi một cựu thẩm phán Tòa Án Đặc Biệt xét xử Nguyễn Tường Tam và những can phạm khác trong vụ đảo chánh hụt 1960 với nhiều chi tiết nhậy cảm, chưa ai biết, về một số người và việc đã xảy ra. Ông không thiên vị, lúc nào cũng có thái độ ung dung tự tại của một người biết nhiều, tự tin.

-Livido, phim tài liệu, Tổng thống Ngô Đình Diệm, 2011

-Trọng Đạt, Những tác phẩm cuối cùng của Nhất Linh, Đại Nam, 2003

-Năm mươi năm nhìn lại, 1963-2013, tuyển tập 106 bài viết của 86 tác giả về chế độ Ngô Đình Diệm, phổ biến trên Mạng, trong số gồm đa số những kẻ cực kỳ chống Diệm như Đỗ Mậu, Vũ Văn Mẫu, Nguyễn Mạnh Quang, Trần Chung Ngọc, Chính Đạo, Cao Huy Thuần, v.v.

-Nguyễn Văn Minh, Dòng họ Ngô Đình, Giấc mơ chưa đạt, Hoàng Nguyên, CA, 2003. Cuốn sách hữu ích, giúp độc giả biết rõ hơn ông Diệm và gia đình họ Ngô.

-Phạm Quang Trình, “Trường hợp Nhất Linh Nguyễn Tường Tam”, trích trong “Những nhân vật dân sự...” cf Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng (trên 40 trang) chưa phổ biến.

(6) Ngô Đình Diệm và chính nghĩa dân tộc, sách đã dẫn, trang 89, chú thích 62

(7) Trong bóng tối lịch sử, sđd. trang 188

(8) Trong bóng tối lịch sử, sđd, trang188: “Ông [Nguyễn Tường Tam] thỉnh cầu Đại Tá Lê Văn Khoa đừng đem ông đối chất với đám thuộc hạ. Sự thỉnh cầu này được ghi rõ ở đoạn cuối biên bản thẩm vấn. Đại Tá Lê Văn Khoa chấp nhận lời thỉnh cầu, nên trong hồ sơ không có biên bản đối chất, mặc dầu các thuộc hạ của ông khai ngược lại là đã hành động theo lệnh của ông. Các thuộc hạ của Nguyễn Tường Tam đều bị Đại Tá Lê Văn Khoa tống giam, chỉ một mình Nguyễn Tường Tam được tại ngoại hầu tra. Do đó, các thuộc hạ của ông đều tỏ ra bất bình và bất mãn đối với ông, nhất là Trương Bảo Sơn vừa cay đắng vừa oán hận, cho rằng chính ông đã đổ hết tội lỗi lên đầu của họ. Từ trong khám Chí Hòa, Trương Bảo Sơn viết thư ra cho bà vợ mới chấp nối là bà Nguyễn Thị Vinh chỉ trích Nguyễn Tường Tam đủ điều, nào là phản bội anh em, nào là thiếu tư cách lãnh tụ v.v... Lá thư được giám đốc khám đường Chí Hòa đệ trình Tòa Đặc Biệt và được lưu giữ lại trong hồ sơ [...]”; trang 191: “Vụ tự tử của Nguyễn Tường Tam về sau có nhiều người khai thác, dựa vào đó để làm nấc thang danh vọng, kể cả những người từng oán hận ông như Trương Bảo Sơn. Sau vụ đảo chánh 1-11-1963, họ được trả tự do, vội vàng tổ chức lễ truy điệu Nguyễn Tường Tam rất trọng thể tại vườn Tao Đàn, để rồi sau đó mỗi người được chính quyền quân phiệt tưởng thưởng một số tiền lớn có thể mua nhà cửa, phố xá, mở tiệm buôn, tiệm thuốc tây v.v... Có người còn được gia nhập chính quyền, học ăn học nói ở thượng, hạ nghị viện. Tôi muốn hỏi những đàn em của Nguyễn Tường Tam lúc họ đọc diễn từ truy điệu Nguyễn Tường Tam họ có bao giờ nghĩ rằng Nguyễn Tường Tam chết cũng vì những lời bài xích xa gần của họ.” [NLGO tô màu nhấn mạnh)

(9) Nhật Tiến, “Sinh hoạt văn hóa của Nhất Linh: Giai đoạn cuối đời với Hội Bút Việt và Giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay”, Garden Grove, California ngày 20 tháng 5 năm 2013. Bài viết này, theo lời tác giả, dự trù sẽ đọc trong buổi hội thảo, nhưng sau đó Nhật Tiến từ khước lời mời tham dự.

(10) Minh Võ, Ngô Đình Diệm và chính nghĩa dân tộc, sđd, trang 89, chú thích 62.

(11) Gần đây nhất, Bà Đặng Thị Kim Liêng, mẹ của nhà tranh đấu Tạ Phong Tần, tự thiêu tại Bặc Liêu ngày 30/7/2012. Hơn hai tháng sau, 4/10, cô Tạ Phong Tần bị kết án mười năm tù. Cư sĩ Võ Thanh Liêm, đạo Hòa Hảo, tự đâm vào bụng ngày 25/6/2013 tại huyện Chợ Mới, An Giang. Tù nhân Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực trong tù v.v.

(12) Liên Thành, bài đã dẫn. Trong đó ông nhấn mạnh không có một bằng cớ nào cho thấy Ngô Đình Diệm cấm treo cờ, mà chỉ bắt cờ các tôn giáo phải nhỏ hơn cờ Quốc gia.

(13) Trong bản thảo hồi ký dang dở, Bà Ngô Đình Nhu có nhắc vụ Vịnh Con Heo và trận Ấp Bắc cùng với mưu đồ của Kennedy, nhưng không có một lời nào về việc Ngô Đình Diệm muốn bắt tay với Hồ Chí Minh. Tôi nghĩ, đó chỉ là một sự bịa đặt của Mỹ để tạo cớ cho bọn phản tướng lật đổ ông. Trong Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm và Cuộc Chiến Quốc-Cộng, sđd, tr. 53, Minh Võ cũng trích lời của Tiến sĩ Sử học Phạm Văn Lưu ở Úc rằng ông Lưu đã tìm thấy một tài liệu của Hội đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ chỉ thị cho CIA từ tháng 8, 1963, “ngụy tạo những tài liệu liên kết Nhu với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa làm cho Nhu mất tín nhiệm với các tướng lãnh” (tài liệu tìm thấy trong Thư viện John F Kennedy). Gần đây, ông Cao Xuân Vỹ, một nhân vật thân tín của chế độ, trong một cuộc phỏng vấn, không hiểu sao, cũng hùa theo bịa ra chuyện ông Nhu tiếp xúc với Phạm Hùng nhân cuộc giả đi săn, có ông (Vỹ) theo cùng, tại rừng Tánh Linh. NLGO đã phân tích và phản bác một số chi tiết rất phi lý, khó tin, trong bài của ông Vỹ.

(14) Chính tai tôi nghe Thủ tướng Trần Văn Hương đã nói câu này trên đài phát thanh, và báo chí thời đó đã tường thuật lại. Muốn lục lại những số báo VNCH cũ, có thể lên Thư viện Quốc Hội Hoa Kỳ. Ít người còn nhớ câu nói của Thủ tướng Trần Văn Hương, mà chỉ đặt nặng câu “nướng thầy tu” (barbecue de bonze) của Bà Ngô Đình Nhu, mặc dù bà không giữ chức vụ gì chính thức, và đã thanh minh bà chỉ lặp lại câu của một ký giả Mỹ.

(15) Cf Liên Nguyễn, bđd (ở chú thích 2):

-1 Cựu Hoàng Bảo Đại viết trong cuốn Con Rồng Việt Nam (Le Dragon d’Annam) như sau: “Ông Diệm và Nhu là người công giáo, các nhà sư bị cộng sản giật giây và mật vụ Mỹ tiếp tay, liền bắt đầu hành động. Chính quyền phải đối phó lại, vô hình chung đem đến cảm giác kỳ thị tôn giáo. Ai đã xúi giục họ gây loạn, ai? Họ ở đâu tới? Làm sao biết được họ từ Hà Nội vào hay từ Bắc Kinh tới?”

-2 Phái đoàn điều tra Liên Hiệp Quốc xác nhận không hề có đàn áp Tôn giáo, Phật giáo gì cả, ông Abdul Rahman Pazhwak là trưởng phái đoàn.

-3 Tổng Thống Mỹ Nixon nói: “Cái gọi là đàn áp Phật giáo chỉ là điều bịa đặt” [...] Chính quyền Kennedy đã làm cho người ta oán giận TT Diệm qua việc xách động và yểm trợ cuộc đảo chánh lật đổ chính phủ của Ông ta”.

-4 Tổng Thống LB Johnson mô tả về các tướng lãnh Việt Nam đã nhúng tay vào việc hạ sát Tổng Thống Diệm “Chúng chỉ là một đám du côn, được chúng ta thuê để giết mướn”.

-5 Khi được tin ông Diệm bị lật đổ, Hồ Chí Minh nói với ký giả cộng sản danh tiếng, Wilfrid Burchett: “Tôi không thể ngờ tụi Mỹ ngu đến thế. Lúc nãy người ta báo cho Bác biết là Ông Diệm vừa bị lật đổ, Ông Diệm là kẻ địch thủ ghê gớm nhứt của Bác. Nay Ông đã bị loại rồi, thì chiến thắng chắc chắn sẽ về ta rồi”.

(16) Trọng Đạt, sđd (chú thích 5), tr. 41, 44, 49, 54-59.

(17) Riêng trường hợp Flaubert, hiện tượng này được gọi là “bovarysme”, tức là sự không thỏa mãn điều gì dẫn đến những cơn mơ hão huyền –được xem như bù đắp cho một hiện tại phũ phàng. Ví dụ khác trong văn chương không ít. Phải chăng Nguyễn Du cũng tự hóa thân là một Từ Hải vẫy vùng dọc ngang? Phải chăng trong đoạn kết For whom the bell tolls, 1943, khi nhân vật chính Robert cho phép mình bị giết chết trong cuộc phi ngựa đào thoát trước họng súng của quân đội Franco, Ernest Hemingway cũng đã cho phép mình tự bắn một viên đạn vào miệng, 18 năm sau (1961)? Với Hemingway, cuộc đời ông nằm hết trong truyện và vì thế những nhân vật của ông không khác ông bao nhiêu: tính đàn ông (masculinity) và tính phải chết (mortality). Ấy là chưa nói, tài liệu bây giờ cho thấy, Hemingway tự tử vì tâm bệnh paranoia (cuồng ám) khi biết mình bị CIA theo dõi và chán nản (depressed) thấy mình mất dần khả năng sáng tác. Voltaire, thế kỷ XVIII Pháp, đã bắt chước nhân vật Candide trong tiểu truyện của mình, từ bỏ mọi tham vọng viễn vông, về nhà vui thú điền viên: “Il faut cultiver notre jardin”. Mỗi người tự tử có một duyên cớ riêng: Một Nguyễn Tường Tam phải khác với một Nguyễn Khoa Nam, hay một sĩ quan cải tạo tự vẫn trong tù, hay xa hơn cả với Camus trong định nghĩa khó khăn về chữ suicide, tự tử, trong Le Mythe de Sisyphe, trước sự phi lý (l’absurde) của cuộc đời. Vân vân...

(18) Chắc chắn nội dung những bài phát biểu phải được thông qua trước bởi những người tổ chức, hoặc tất cả đã nhận chỉ thị về “lề” nào (phải, trái) mà buổi hội thảo phải đi theo. Cho nên người ta không hề nghe nói đến những vụ Việt Cộng thủ tiêu Phạm Quỳnh, Khái Hưng hoặc bắt bớ, giam cầm những nhà văn trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm... dù ít dù nhiều liên quan đến những giai đoạn quan trọng của văn học sử Việt Nam, trong đó TLVĐ là một. Xin lên youtube nghe bài thuyết trình của Trần Khánh Triệu trong buổi hội thảo http://youtu.be/Xc37aRfIMRA. Hoặc đọc bài tường thuật của Nguyễn Văn Lục, đã dẫn, trên Đàn Chim Việt online (chú thích 2), trong đó tác giả, ngoài ra, cũng trích dẫn câu nói của Phê Bình Gia Nguyễn Hưng Quốc khi bơm TLVĐ: “Tất cả chúng ta những người cầm bút, dù thích hay không thích TLVĐ, thì cũng đã được nuôi dưỡng bằng dòng sữa của TLVĐ. [...] Tất cả những ai cầm bút thời nay đều phải mang nợ.” Một câu tuyên bố lộng ngôn, mà tôi mong có dịp trở lại.

(19) Cf Trần Lâm, “Kiêu dân Công giáo thời Ngô Đình Diệm”, trên Diễn đàn Nam Giao.

(20) Minh Võ, trong Ngô Đình Diệm và chính nghĩa dân tộc, sđd, tr. 129, đã trích dẫn lời của William Colby, giám đốc CIA, nếu vì “nhu cầu toàn quyền” Ngô Đình Diệm đi đến “xu hướng độc tài”, Ngô Đình Diệm là một “nhà độc tài nhân từ” (A benevolent dictator, cf Honorable Men – My Life in The CIA, nxb Simon and Schuster, NY, 1978, tr. 145). Phải chăng kiểu độc tài này, Voltaire, thế kỷ XVIII Pháp, cũng đã muốn thấy ở một “despote éclairé” (ông vua độc tài sáng suốt) trong quyển Siècle de Louis XIV, biết làm cho dân giàu nước mạnh?

(21) Cf Lê Nguyên Phu, chú thích 8 (của NLGO) 22. Nguyễn Văn Lục, “Sự lũng đoạn của cộng sản đối với một số báo chí miền Nam từ 1954-1975”, trên diễn đàn namkyluctinh.org/a-lichsu/nvluc-baochimiennam[54-75].htm: “Bên cạnh đó, có một số tạp chí ra đời như Sáng Tạo của Mai Thảo, tháng 10-1956, tạp chí Bách Khoa với Huỳnh Văn Lang, 15-2-1957. Tiếp theo là Hiện Đại của Nguyên Sa 1960. Tạp chí Quê Hương với giáo sư Nguyễn Cao Hách, Văn Hóa Á Châu với Nguyễn Đăng Thục, Luận Đàm với Nghiêm Toản, Xã Hội Mới với Vương Quan, Thế kỷ 20 với Nguyễn Khắc Hoạch, Những vấn đề của chúng ta với Thái Lăng Nghiêm”. Tác giả không nói đến Văn Hóa Ngày Nay.

(23) Cf Nhật Tiến, bài đã dẫn (chú thích 9 của NLGO): “Nói thế không phải tôi phủ nhận quan điểm làm báo của VHNN. Thế giới chữ nghĩa là cả một rừng hoa với nhiều mầu sắc. Văn Hóa Ngày Nay đương nhiên là một tạp chí tô điểm thêm cho sinh hoạt báo chí thời đó vốn đã vô cùng sôi nổi với nhiều tờ báo danh tiếng khác như Đời Mới, Vấn Đề, Sáng Tạo, Bách Khoa, Văn Hóa Á Châu, Quê Hương... v..v... Tuy nhiên, sau vài số đã phát hành, có vẻ như Văn Hóa Ngày Nay đã hiện diện như một bông hoa tuy nhiều hương sắc nhưng lại có vẻ như lạc lõng giữa dòng đời đang trôi đi hối hả. Đọc những trang chính Nhất Linh trả lời thư độc giả ở những số đầu, ta thấy hầu như Ông chưa nhận ra được sự lạc lõng này. Ông vẫn bộc lộ sự chủ quan qua những lời lẽ như nhận mình là con voi nằm thù lù trong sở thú, hay trách độc giả sao bắt ông làm việc quá nhiều trong khi ông cũng chỉ có 24 giờ như mọi người... [...] Một nội dung như thế, có thể gây đôi chút cảm giác ngỡ ngàng cho người đọc sau những ngày chờ đợi. Gọi là ngỡ ngàng vì Giai phẩm VHNN hầu như không đáp ứng được nhu cầu đọc sách của độc giả lúc đương thời. Hàng triệu con người vừa di cư vào Nam, trước cuộc sống mới vô vàn khó khăn, bỡ ngỡ, với biết bao nhiêu nhu cầu đặt ra trước mắt và biết bao nhiêu vấn đề phải đối phó, tất nhiên nội tâm của họ phải sôi động, tâm tình phải gắn bó với cuộc sống đang dồn dập thay đổi xẩy ra từng ngày, từng giờ ở chung quanh. Sống trong một hiện trạng xã hội như thế, hẳn độc giả rất muốn được nghe tiếng lòng của Ông, hoặc nghe ông kể về những kinh nghiệm dầy dạn trong sinh hoạt cả về Văn Chương lẫn Chính trị khi họ tuyên xưng Ông vừa là một Văn gia, lại cũng vừa là một Chính trị gia lão thành.

Vậy mà trong những trang sáng tác mới, những nhân vật vượt không gian và thời gian của Ông như Cô Mùi, như Ông Năm Bụng, như Bà mẹ Lê ..v..v.. tuy vẫn là những hình tượng vĩnh cửu, nhưng lại thiếu ngọn lửa hừng hực của cuộc sống đương thời và đó không phải là những nhu cầu mà người đọc đã nôn nóng chờ đợi như khi vừa nghe tin ‘nhà văn Nhất Linh xuống núi, ra báo trở lại’“.

Cảm nhận này không chỉ ở phía đa số độc giả mà ở ngay cả những người trong nhà, lại là những người cũng đã trở thành nhà văn sau này. Tôi muốn nói đến hai nhà văn Thế Uyên và Duy Lam, những người có họ hàng ruột thịt với Nhất Linh và cũng đã tiếp cận với ông khi VHNN đang được chuẩn bị ra số đầu. [...] Trong tập ‘Chân Dung Nhất Linh’ do tạp chí Văn ấn hành, Thế Uyên đã viết trong bài ‘Người Bác’ như sau: “Cả hai đứa đều không chịu nổi những bài khảo luận linh tinh, những bức thư Nhất Linh viết trả lời độc giả. Đọc loạt bài này đôi khi thấy cũ kỹ và lẩm cẩm. Về văn, tuy vẫn phục nghệ thuật phân tích tâm lý, nghệ thuật trình bày nhân vật, nhưng tôi đã cảm thấy Nhất Linh không còn là nhà văn của thế hệ trẻ. Trường giang tiểu thuyết Xóm Cầu Mới có những nhân vật đặt trong một không gian thật xa cách.” Điều này hầu như cũng là nguyên do khiến cho chỉ sau vài số, số lượng báo VHNN bán ra đã sút giảm dần. [...] Dù tờ báo có bị chính quyền cấm cản bằng những thủ đoạn nào thì cũng không thể bỏ qua yếu tố độc giả, là những người cũng đã ít nhiều trực tiếp tham dự vào sự sống còn của một tờ báo. Sau vài số báo, có chăng sự kiện độc giả không còn hứng thú theo dõi VHNN như trước nữa nên báo ế và nhà phát hành có thể đã kìm hãm những cọc báo không gửi đi các tỉnh cho đỡ tiền cước phí? Dẫu sao thì sự sút giảm độc giả hẳn cũng làm nản lòng người chủ trương VHNN. Cũng trong bài ‘Người Bác’ nói trên, nhà văn Thế Uyên còn cho biết: “Sau khi Văn Hóa Ngày Nay số 8 phát hành, Nhất Linh tuyên bố với người thân: ‘Thôi, không làm nữa!’. Bạn bè xúm lại can. Nể người thân, ông chịu để Tường Hùng và Duy Lam tiếp tục. Ra tiếp hai số, ông cương quyết kết liễu Văn Hóa Ngày Nay. ‘Nó đã làm xong nhiệm vụ!’. Nếu sự thể đã xảy ra đúng như vậy thì số báo cuối cùng do Tường Hùng và Duy Lam thực hiện chỉ còn 98 trang kể cả 8 trang quảng cáo, so với số đầu dầy tới 180 trang, tức là về hình thức đã sa sút gần một nửa.

Trong ngót 100 trang của số 11, tức số cuối cùng này, truyện dài Cô Mùi của Nhất Linh chiếm tới 25 trang, tức hơn ¼ số báo, một điều khá kỵ trong kỹ thuật làm báo. Cũng như vậy, truyện ngắn Ả Hầu của Đỗ Tốn cũng bị chia cắt thành 3 kỳ (khởi đăng từ số 9), cũng làm độc giả bớt hứng thú theo dõi. Cũng trong số này, nhà thơ Bùi Khánh Đản chiếm tới 7 trang Thơ, cũng là một sự thiên vị bất thường. Và theo thông lệ, ngòi bút Duy Lam vẫn giữ vai trò chủ lực. Ông có tới 5 bài, 2 bài bình luận: một về Văn, một về Hội Họa, 3 bài còn lại là văn vui. Tường Hùng chỉ có một bài duy nhất ‘Kiểu mẫu Thanh Niên’, cũng là văn vui. [...] Một số báo như thế báo hiệu sự sa sút rõ rệt về mặt nội dung, càng là lý do để ta có thể đánh giá mức độ đón nhận của độc giả đối với tờ VHNN ra sao.”

(24) Tôi không dám mạo hiểm đi sâu vào lãnh vực tâm thần liên quan đến Nguyễn Tường Tam, vì không có tài liệu và khả năng chuyên môn. Tôi chỉ nhận xét qua những biểu hiện do Nguyễn Tường Thiết kể lại trong đoạn văn, phù hợp với định nghĩa y khoa của chữ paranoia (bệnh cuồng ám, cf Thanh Nghị) gồm có một trong những triệu chứng mà tôi cho quan trọng nhất đối với trường hợp Nhất Linh, nhưng không kết luận ông bị bệnh ấy: “A chronic psychotic entity characterized by fixed but ever-expanding systematized delusions of persecution (= ảo tưởng bị bắt bớ)” (Taber’s Cyclopedic Medical Dictionary) [...]” Tuy nhiên tôi không thắc mắc, nghi ngờ gì về giả thuyết tâm bệnh “trầm cảm” của Nguyễn Tường Tam do Nguyễn Văn Lục đưa ra, nhưng bị Nguyễn Tường Thiết phản bác. Bởi vì tâm trạng của người tự tử lúc ấy khác thường, nghĩa là không giống bất cứ ai, và tâm trạng ấy đã được cấu thành bởi nhiều nguyên do trước đó. Điều này chắc tác giả Nguyễn Văn Lục sẽ có câu trả lời xác đáng cho ông Nguyễn Tường Thiết.

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

Những Bài liên hệ

 


Sydney: Thánh lễ Tưởng Niệm Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm
NGÔ ĐÌNH DIỆM: Trên nửa Thế kỷ Oan khiên
Tổng Thống Ngô Đình Diệm: Người Anh Hùng Vị Quốc Vong Thân
Tinh Thần NGÔ ĐÌNH DIỆM Bất diệt
Viết Về Bà Ngô Đình Nhu
Nền Đệ Nhất Cộng Hòa Sụp Đổ: Miền Nam Tự Do Sụp Đổ
Thánh Lễ Tưởng niệm 54 năm Chí Sĩ Ngô Đình Diệm và Bào Đệ tử nạn
Ngày Quốc Khánh VNCH - 26 THÁNG 10 NĂM 1956
Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa


















 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 Chiều Thu trên Biển Hồ Hallstätter,
thuộc tỉnh
Salzkammergut, nước Áo, Âu châu.
Hồ nằm trên tọa độ 47°34′43″N 13°39′38″E.
Mặt nước hồ rộng khoảng 8.55km², sâu 125m.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: Mùa Thu Áo Quốc. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet E-mail by ddcb chuyển

 

Đăng ngày Thứ Năm, November 9, 2017
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang