Bắc đẩu tinh

 

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Trang Lịch sử Nước Nam
Chủ đề: Quang Trung Đại Đế
Tác giả: Vĩnh Trường

CHIẾN THẮNG ĐẦU TIÊN CỦA NGUYỄN HUỆ –
TRẬN PHÚ YÊN


 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

Đất nước Phú Yên

Phú Yên nằm ở miền Trung Việt Nam, phía Bắc giáp tỉnh Bình Định, phía Nam giáp Khánh Hòa, phía Tây giáp Đak Lak và Gia Lai, phía Đông giáp Biển Đông. Tỉnh lỵ là thành phố Tuy Hòa, cách Hà Nội 1,160km về phía Bắc và cách Sài Gòn 560km về phía Nam theo đường Quốc lộ 1A. Diện tích 5,045km², chiều dài bờ biển: 189km.

Phú Yên có 3 mặt là núi, phía Bắc có Đèo Cù Mông, phía Nam là Đèo Cả, phía Tây là mạn Đông của dãy Trường Sơn, và phía Đông là biển Đông. Phú Yên có đồng bằng Tuy Hòa, được xem là vựa lúa của miền Trung.

Năm 1578, Chúa Nguyễn Hoàng sai Tướng Lương Văn Chánh tấn công vào thành Hồ, thủ phủ của người Chăm tại Ayaru, thành Hồ thất thủ. Từ đây, theo chính sách của chúa Nguyễn, Lương Văn Chánh phụng mệnh đưa dân vùng Thanh Nghệ Thuận Quảng vào khai hoang lập ấp và mở mang đất Phú Yên ngày nay. Giữa năm 1611, Nguyễn Hoàng sáp nhập vùng Ayaru vào lãnh thổ Đàng Trong với tên gọi Phú Yên và giao cho Văn Phong cai quản vùng đất mới này. Văn Phong đã lập cơ quan hành chính và quân sự, lập ra huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa thuộc phủ Trấn Biên. Tới năm 1629 Văn Phong đã nổi lên làm phản, tiến đánh xuống phía Nam với ý đồ lập vương quốc riêng. Tuy nhiên, ý định này không thành vì chúa Nguyễn Phước Nguyên cử tướng Nguyễn Phúc Vinh xuống dẹp loạn. Sau khi dẹp được loạn Văn Phong chúa Nguyễn thành lập dinh Trấn Biên tại Phú Yên, giao cho Phúc Vinh cai quản.

Nhà Nguyễn đã đặt một trạm giao dịch tại xã Thạch Thành, phía Tây huyện Tuy Hòa có trường giao dịch và Thủ Sở ở đây. Sông Ba chảy qua phía Nam huyện lỵ đổ ra trấn Đà Diễn, Thạch Bàn là cửa ngõ thông thương với Thủy Xá, Hỏa Xá và cũng là nơi buôn bán các hàng hóa quý hiếm giữa miền xuôi và miền ngược.

Phía Tây Phú Yên có dãy La Hiên tiếp giáp với An Khê, là nơi Tây Sơn dựng nghiệp, người dân ở đấy tham gia rất đông, nhất là người Bana ở Thồ Lồ, Y Thông và Ma Khương người Ê–đê ở Hà Duy.

Tây Sơn khởi nghiệp:

Vào cuối Thế Kỷ 18, ở Đàng Trong, Chúa Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát lúc lớn tuổi ngày càng đam mê tửu sắc, không còn quan tâm đến việc nước, giao hết mọi việc cho quyền thần Trương Phúc Loan.

Năm 1765, Vũ Vương qua đời, Trương Phúc Loan thao túng mọi việc triều chính, tự xưng là “Quốc phó”, giết Nguyễn Phúc Luân (cha của Nguyễn Phúc Ánh) và lập Nguyễn Phúc Thuần, lúc đó mới 12 tuổi lên ngôi, tức là Định Vương.

Trương Phúc Loan thâu tóm mọi quyền lực về chính trị và kinh tế. Loan nổi tiếng là tham lam, thường vơ vét của công để làm của riêng. Cả nhà họ Trương chia nhau nắm giữ mọi chức vụ chủ chốt. Người bấy giờ gọi y là Trương Tần Cối.

Họ Trương ngày càng ra sức lộng hành: bán quan tước, ăn tiền tha tội, hình phạt nhiễu nhương, thuế má nặng nề, nhân dân cực khổ. Những người có tài đều bị Loan tìm cách hãm hại. Tài chính vô cùng kiệt quệ. Cơ nghiệp Chúa Nguyễn đến đây là suy vong, nhiều cuộc nổi dậy cuả dân chúng bắt đầu diễn ra khắp nơi, lòng dân trở nên chán ghét chúa Nguyễn. Đó chính là thời cơ để ba anh em Tây Sơn bắt đầu khởi nghĩa chống lại triều đình.

Bằng những biện pháp rất khôn khéo, anh em Tây Sơn đã tạo ra được sự đồng lòng trong các cộng đồng dân tộc ở vùng Tây Sơn Thượng, người thiểu số tin rằng Nhạc là vị vua Trời. Từ đấy, ông ta đi đến đâu, họ theo đến đấy. Các Già làng bảo nhau giúp ông ta voi ngựa. Trai tráng các buôn, bản sắm lao, làm ná, mang gươm tới đầu quân, dựng cờ, đắp lũy, xây dựng chiến khu, chuẩn bị về xuôi để sát cánh cùng quân của Nhạc chống lại triều đình nhà Nguyễn.

Từ Tây Sơn, anh em Nguyễn Nhạc chiêu tập anh hùng hào kiệt khắp nơi. Chỉ trong một thời gian rất ngắn đã quy tụ được hàng ngàn người tham gia phong trào.

Để phân hóa kẻ thù, Nguyễn Nhạc đã đưa ra chủ trương: “Đánh đổ quyền thần Trương Phúc Loan, ủng hộ hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương là cháu đích tôn của Vũ vương Nguyễn Phúc Khoát”. Và để tập hợp lực lượng, Ông đã nêu cao khẩu hiệu “lấy của nhà giầu chia cho người nghèo”. Một giáo sĩ phương Tây có mặt ở nước ta lúc bấy giờ là Diego de Jumilla đã gọi Tây Sơn là “giặc nhân đức với người nghèo”.

Nếu khẩu hiệu phân hóa kẻ thù là sách lược tạm thời, thì tập hợp lực lượng là khẩu hiệu chiến lược và xuyên suốt quá trình phát triển của phong trào Tây Sơn. Nhờ sách lược khôn khéo đó, nghĩa quân Tây Sơn đã thu hút sự ủng hộ và hưởng ứng của nhiều tầng lớp dân chúng. Rất nhiều thổ hào trong vùng như Huyền Khê, Nguyễn Thông... cũng đã tham gia phong trào, bỏ tiền của ra chu cấp ủng hộ. Ấp Tây Sơn và miền núi rừng Qui Nhơn nhanh chóng trở thành căn cứ của cuộc kháng chiến. Lá cờ mầu đỏ tiêu biểu cho ý chí chiến đấu được chọn làm cờ khởi nghĩa.

Năm 1771, Nguyễn Nhạc đã phát lệnh khởi nghĩa. Từ căn cứ Tây Sơn, nghĩa quân tỏa ra chiếm cứ các xã Kiên Thành, Thạch Thành, Tuy Viễn, Bồng Sơn, Phù Ly, trừng trị bọn tham quan, tịch thu các giấy tờ sổ sách đem đốt hết, tuyên bố bãi bỏ mọi thứ thuế, giải phóng tù nhân... rồi chia quân cướp của bọn cường hào ác bá, quan lại trong các huyện vừa chiếm được lấy thóc gạo chia cho dân, nên người nghèo theo phục rất đông, chỉ trong một năm quân số đã lên đến vạn người. Binh của huyện quan sở tại không làm sao chống nổi, đành phải bỏ huyện lỵ chạy vào trong thành Qui Nhơn.

Quân ngũ Tây Sơn lúc này phát triển rất nhanh có khoảng 150,000 người được chia thành 12 đơn vị, trong đó có 2 đơn vị là người Thượng. Đây là đội quân tiên phong, dũng mãnh dưới sự huấn luyện và chỉ huy của Nguyễn Huệ (mới 19 tuổi). Kỵ binh có hơn 2,000 chiến mã, tượng binh có hơn 100 thớt voi trận.

Tháng 8 năm Quý Tỵ (1773), nghĩa quân Tây Sơn chiếm được phần lớn các quận huyện quanh phủ Qui Nhơn... Nguyễn Nhạc lập đàn tế cáo Trời Ðất, hợp thức hóa danh vị của chúa tôi rồi tự xưng là Đệ Nhất Trại Chủ chỉ huy hai huyện Phù Ly và Bồng Sơn, cử Phạm Thung làm Đệ Nhị Trại Chủ chỉ huy huyện Tuy Viễn và Huyền Khê làm Đệ Tam Trại Chủ phụ trách quân lương. Đồng thời củng cố lực lượng, giao cho Nguyễn Huệ huấn luyện quân ngũ.

Tháng 9 năm Quý Tỵ (1773), quân Tây Sơn bao vây thành Qui Nhơn rồi dùng mưu đánh chiếm được thành. Tuần phủ Nguyễn Khắc Tuyên và toàn bộ binh lính bỏ thành Qui Nhơn chạy trốn. Thừa thắng Nguyễn Nhạc tiến quân lên phía Bắc đánh chiếm các kho thóc ở Kiến Dương và Đạm Thủy. Đốc trưng Đằng chạy trốn nhưng bị Nhạc đuổi theo giết được. Tiếp đó, nghĩa quân tiến ra Quảng Ngãi, Quảng Nam. Đi đến đâu nghĩa quân Tây Sơn cũng được dân chúng nhiệt liệt hưởng ứng. Lúc bấy giờ có hai thương nhân người Hoa ở Quảng Nam là Tập Đình và Lý Tài tự lập ra các đội “Trung nghĩa quân” và “Hòa nghĩa quân” rồi đem toàn bộ lực lượng gia nhập Tây Sơn.

Chiếm xong mặt Bắc, quân Tây Sơn không quên mặt Nam. Nhạc liền cử Ngô Văn Sở làm Chinh Nam Ðại Tướng Quân, cùng Nguyễn Văn Lộc, Lê Văn Hưng vào đánh chiếm ba phủ Phú Yên, Diên Khánh và Bình Thuận.

Mặt phía Tây được hai Vua Thủy Xá và Hỏa Xá yểm trợ, Quân Tây Sơn cứ thẳng tiến vào Nam. Ði tới đâu được hoan nghênh tới đó, và chiếm lấy ba thành dễ dàng. Ðại thắng, Ngô Văn Sở kéo binh về, để Nguyễn Văn Lộc và Lê Văn Hưng ở lại trấn giữ các nơi vừa chiếm được.

Quân Trịnh tham chiến

Tháng 5 năm 1774, chúa Trịnh Sâm, sau 100 năm giữ hòa bình với chúa Nguyễn, nay thấy tình thế Đàng Trong rối loạn bèn sai Việp Quận Công Hoàng Ngũ Phúc, một viên tướng lão luyện, mang 4 vạn quân vào Nam vượt sông Gianh tấn công thành Phú Xuân (Huế), cũng lấy danh nghĩa trừng phạt Trương Phúc Loan.

Tháng 12/1774, Quân Nguyễn không chống nổi, quân Trịnh chiếm được thành Phú Xuân, buộc chúa Nguyễn Phúc Thuần phải bỏ chạy theo đường biển về Quảng Nam và phong Hoàng tôn Dương làm Thái Tử trấn thủ đất Quảng Nam.

Nhân lúc quân Nguyễn ở Thuận Hóa bị quân Trịnh đánh bại dồn dập, Nguyễn Nhạc sai Tập Đình đem quân theo đường biển vào cửa Đại Chiêm, còn Nguyễn Nhạc đem bộ binh từ sông Thu Bồn đổ xuống tấn công ra Quảng Nam. Bị đánh cả hai mặt, quân Nguyễn bại trận, chúa Nguyễn Phúc Thuần cùng thuộc hạ vượt biển trốn vào Gia Định (tức Sài Gòn).

Tháng 4/1775, Nguyễn Nhạc chia quân ba đường tiến đánh quân Nguyễn, vây bắt được Hoàng tôn Dương đem về Hội An.

Quân Trịnh tiếp tục vượt đèo Hải Vân và đụng độ với quân Tây Sơn ở Quảng Nam. Quân Tây Sơn thua trận. Tập Ðình chạy về Tàu. Nguyễn Nhạc cùng Lý Tài rút hết quân về Qui Nhơn, đem hoàng tôn Dương theo, trong tình thế lưỡng đầu thọ địch.

Hoà với Chúa Trịnh.

Tháng 5 năm 1775, tại Gia Định Thành, Chúa Nguyễn sai Lưu Thủ Long Hồ Dinh là Tống Phưóc Hiệp thống lãnh tướng sĩ ba dinh Long Hồ, Phiên Trấn và Trấn Biên cả thảy hai vạn quân quân chia làm hai đạo tiến đánh Bình Thuận và viết hịch loan truyền khắp nơi, chiêu nạp thêm binh sĩ để chống lại quân Tây Sơn.

Tống Phước Hiệp là người ở huyện Tống Sơn (nay là Hà Trung), phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Thủy tổ là Tống Phước Trị (từng làm Trấn thủ Thuận Hóa, tước Luân Quận công). Nội ông là Tống Phước Đạo (từng làm Nội tả Chưởng dinh, tước Quảng Tài hầu); và cha ông là Tống Phước An (không rõ thân thế).

Không biết Tống Phước Hiệp gia nhập quân đội của chúa Nguyễn khi nào, chỉ biết vào đời chúa Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (1714–1765), ông được cử làm Lưu thủ Long Hồ Dinh (Vĩnh Long), và đã được tiếng là người tận tụy với chức vụ, mưu lợi cho dân chúng, việc trị an được tốt đẹp.

Lúc ấy, Tống Phước Hiệp đã ngoài 60 tuổi được chúa Định Vương phong làm Tiết chế Bình Tây Đại Tướng Quân, tước Kinh Quận Công thống lãnh 2 vạn dân quân cùng các con Tống Phước Khương, Tống Phước Lương, Tống Viết Phước và Tống Viết Nghĩa ào ạt xua quân ra Bình Thuận. Quân Nguyễn đi đến đâu, quân Tây Sơn chỉ tháo lui mà không đánh. Nên trong vòng 2 tháng Tống Phước Hiệp đã đánh lấy lại được ba phủ Bình Thuận, Diên Khánh và Bình Khang, rồi thừa thắng tiến binh ra đánh chiếm luôn đất Phú Yên.

Quân Nguyễn trải dài liên tiếp từ Bình Thuận đến Phú Yên. Tại Bình Thuận, Hiệp để Nguyễn Khoa Toàn trấn giữ, còn Bình Khang giao cho Bùi Công Kế và Diên Khánh giao cho Tống Văn Khôi. Tống Phước Hiệp cho đóng đại bản doanh chỉ huy ở thành cổ Phú Yên gần Hội Phú, bên bờ sông Cái, trên cửa biển Tiên Châu và hai cứ điểm phòng vệ bên ngoài cách thành Phú Yên khoảng 4km: Cánh quân bộ đóng ở Xuân Đài do Nguyễn Văn Hiền chỉ huy, cánh quân thuỷ đóng ở Vũng Lấm do Nguyễn Khoa Kiên chỉ huy mỗi nơi độ một ngàn quân, dựa vào nhau tạo thế ỷ dốc với ý đồ vượt đèo Cù Mông tấn công Qui Nhơn khi tình thế cho phép. Một đồn nhỏ tiền tiêu đóng xa hơn tại La Hai, án ngữ con đường từ Qui Nhơn vào và kiểm soát đường thuỷ sông Cái đến Tiên Châu.

Nguyễn Nhạc mất Phú Yên, chỉ còn giữ Qui Nhơn và Quảng Ngãi. Ở phía Bắc thì có quân Trịnh đóng ở Quảng Nam. Trước tình thế “lưỡng đầu thọ địch” Nguyễn Nhạc liệu thế chống không nổi, bèn sai Phan Văn Tuế đem thư và vàng lụa ra nói với Hoàng Ngũ Phúc xin nộp đất Quảng Ngãi, Qui Nhơn, Phú Yên và xin làm tiên phong đi đánh chúa Nguyễn ở Gia Định.

Hoàng Ngũ Phúc cũng muốn dùng Nguyễn Nhạc để đánh đất Gia Định, bèn làm biểu xin chúa Trịnh cho Nguyễn Nhạc làm tiên phong tướng quân Tây Sơn Hiệu Trưởng.

Nguyễn Nhạc hòa với quân Trịnh, trên danh nghĩa đầu hàng nhà Lê, xin làm tiên phong đi đánh chúa Nguyễn ở phương Nam. Chúa Trịnh bằng lòng và phong chức Tây Sơn Hiệu Trưởng hiệu Tráng Tiết Tướng Quân cho Nguyễn Nhạc.

Hoàng Ngũ Phúc đang đóng quân trong thành Quảng Nam ngày kia nhận được chiếu chỉ của Trịnh Sâm, bèn hội các tướng nói:

– Ta vừa nhận được lệnh chúa phong Nguyễn Nhạc làm Tây Sơn Hiệu Trưởng, trấn thủ Qui Nhơn, Quảng Ngãi. Vậy ai có thể mang ấn kiếm vào Qui Nhơn? Trước là thừa lệnh chúa phong quan cho Nguyễn Nhạc, sau là dò xét tình hình quân Tây Sơn mạnh yếu thế nào?

Nguyễn Hữu Chỉnh đứng lên nói:

– Tôi xin lãnh mệnh vào Qui Nhơn làm sứ giả!

Phúc cả mừng nói:

– Nguyễn Hữu Chỉnh thông kim bác cổ, ứng đối như lưu, lại có tài dụng binh. Nay tướng quân lãnh trọng trách này, thật ta chẳng lo gì nữa.

Nói xong rót rượu tiễn Nguyễn Hữu Chỉnh.

 

* * *

 

Hôm ấy Nguyễn Nhạc ở Qui Nhơn nghe quân vào bảo:

– Tâu Chúa công, có sứ giả của chúa Trịnh là Nguyễn Hữu Chỉnh đến, mời Chúa công ra tiếp chiếu. Nhạc cả mừng liền cùng các Tướng ra tiếp kiến sứ giả và quỳ nghe chiếu, Chỉnh đọc: “Nước Đại Việt niên hiệu Cảnh Hưng thứ ba mươi sáu. Tĩnh Đô Vương hạ chiếu:

Nay sắc phong cho Nguyễn Nhạc làm Tây Sơn Hiệu Trưởng trấn thủ hai phủ Qui Nhơn, Quảng Ngãi, lệnh cho Tây Sơn hiệu trưởng đem quân hai phủ tiến đánh giặc Nguyễn ở phương Nam, đem non sông gom về một mối. Tiếp được chiếu này lập tức thi hành chớ phụ lòng mong đợi của quả nhân. Nay chiếu.”

Nhạc nghe xong lạy ba lạy nhận ấn kiếm của Chỉnh trao cho, rồi truyền quân bày yến tiệc đãi Sứ. Chỉnh nhập tiệc rồi hỏi:

– Đã nhận sắc phong rồi, vậy Hiệu Trưởng định bao giờ xuất quân đánh Nguyễn?

Nguyễn Huệ liền đứng lên đỡ lời Nhạc:

– Xin ngài về thưa cùng chúa, đại huynh tôi hẹn trong mười ngày sẽ đánh tan hai vạn quân của Tống Phước Hiệp chiếm lấy Phú Yên.

Chỉnh thấy Huệ còn rất trẻ mới đắn đo rằng:

– Hay lắm! Nhưng việc quân thắng bại là lẽ thường, Tướng Quân sao đã vội định ngày? Vả lại Tống Phước Hiệp là một lão tướng của Nguyễn Định Vương, Tướng Quân đừng nên khinh địch mà chuốc lấy bại vong đó.

Nói rồi vòng tay cáo biệt ra về. Nhạc quở trách Huệ:

– Trước mặt Hữu Chỉnh em đã vội hứa trong mười ngày phá xong địch chiếm Phú Yên. Ngộ nhỡ trong mười ngày mà việc không xong hoá ra ta nói khoác với họ thì còn mặt mũi nào?

Huệ thưa:

– Xin đại huynh chớ lo, trận này em xin lãnh binh phá địch, nếu trong mười ngày không thắng xin chịu mất đầu theo tướng lệnh.

Huệ vừa nói xong bỗng có một người xồng xộc bước vào nói lớn:

– Nguyễn Nhạc sao dám lừa dối ta. Ông hứa đánh Trịnh chiếm lại Phú Xuân tôn phò ta lên ngôi chúa, mà nay đi nhận sắc phong của họ Trịnh là nghĩa làm sao?

Mọi người nhìn lại hoá ra là Đông cung Nguyễn Phúc Dương. Nguyễn Huệ thấy Đông cung Dương bước vào liền khế ứng cơ mưu đáp rằng:

– Xin Đông cung Thế tử chớ khá hiểu lầm. Đại huynh tôi buộc phải giả hoà với quân Trịnh để làm kế hoãn binh, vì không thể đem hết toàn quân ra Quảng Nam đánh Trịnh. Bởi ở Phú Yên Tống Phước Hiệp đã đem đại binh hai vạn lăm le đánh chiếm Qui Nhơn, Đông cung Thế tử đã biết chưa?

Nguyễn Phúc Dương đáp:

– Việc này ta có biết.

Huệ lại nói:

– Giờ xin Thế tử hãy viết một bức thư nói rõ ý tôn phò của đại huynh tôi cho Tống Phước Hiệp được biết, yêu cầu ông ấy lui bình. Nếu Tống Phước Hiệp chỉ nghe lệnh Định Vương Nguyễn Phúc Thuần mà không nghe lệnh Thế tử thì quân Tây Sơn ta phải đánh Tống Phước Hiệp trước, sau đó sẽ dốc toàn lực quay sang đánh Trịnh, mới có cơ thu phục được kinh thành đưa Thế tử lên ngôi chúa. Chẳng hay ý Thế tử thế nào?

Nguyễn Phúc Dương còn nhỏ tuổi thật thà, nghe Huệ nói thế tỏ ý ăn năn đáp:

– Ta thật là hồ đồ, chút nữa đã hiểu lầm tấm lòng trung nghĩa của các vị tướng quân. Để ta viết thư cho Tống Phước Hiệp xem thử ý ông ấy thế nào?

Nguyễn Phúc Dương viết xong, Nhạc bèn sai Nguyễn Thung đem thư sang Phú Yên cho Tống Phước Hiệp.

 

* * *

 

Khỏi phải dồn lực lượng để ứng chiến với quân Trịnh ở mặt Bắc, Nhạc bắt đầu nghĩ đến kế hoạch đánh phủ Phú Yên. Ông đích thân xuống Cù Mông thảo luận kế hoạch với Nguyễn Huệ.

Nhạc phải kinh ngạc trước một đội quân ngũ hăng hái và trật tự. Quá quen với đạo quân liều mạng hỗn độn của Tập Đình, Lý Tài, Nhạc ngỡ ngàng khi thấy cách tổ chức chặt chẽ, kỷ luật nghiêm minh, phong thái tự tin và trầm tĩnh của hầu hết Tướng Sĩ dưới quyền Huệ. Nhạc hỏi em đã giao vai trò mũi xung kích cho toán quân nào? Huệ chỉ toán quân của Sở, lúc ấy đang tập sử dụng hỏa hổ trước bản doanh. Nhạc thấy họ trẻ tuổi và hiền lành quá, lo lắng hỏi:

– Liệu có kham nổi không? Trước đây bao giờ anh cũng giao mũi này cho quân hai ông Tập Đình, Lý Tài. Lần này nếu em cần, có thể dùng số Hòa nghĩa quân còn lại trên phủ. Họ được rỗi lâu quá rồi, suốt ngày chỉ uống rượu.

Huệ vội từ chối: Em không cần đến bọn ấy. Em tin tưởng hoàn toàn vào toán xung kích của anh Sở. Kế hoạch của em thế này, anh xem thử có được không?

Hai anh em bàn thật kỹ về từng điểm nhỏ, với sự hăng hái có cơ sở, sự liều lĩnh có tính toán của Huệ cuối cùng thuyết phục được Nhạc. Nhạc vỗ vai em bảo:

– Thôi, tùy ý chú. Nên nhớ trận này cũng quan hệ đến chúng ta như trận Bích Khê. Nếu thua nữa, ta còn mặt mũi nào mà nhìn tướng sĩ! Gần suốt một năm nay chỉ có thua!

Nói xong, Nhạc lên ngựa xuống đèo Cù Mông trở về phủ Qui Nhơn, tất cả mọi việc chuẩn bị đánh phủ Phú Yên đã hoàn tất.

Tại Phú Yên, sau khi bố trí trận địa xong, Tống Phước Hiệp đích thân cưỡi ngựa đến ải Cù Mông xem xét. Thấy núi non trùng điệp đá dựng hiểm trở, chỉ có một con đường độc đạo lên đến đỉnh đèo, Hiệp nói với các con:

– Ải Cù Mông hình thế hiểm trở, quân Tây Sơn lại đóng ở trên đỉnh đèo có lợi thế từ cao đánh xuống. Dù ta có thiên binh vạn mã cũng khó có thể vượt qua ải này. Các con hãy chia quân đóng giữ các nơi hiểm yếu, cho binh sĩ nghỉ ngơi dưỡng sức rồi ta sẽ tính kế sau.

Người con nhỏ của Hiệp là Viết Nghĩa hỏi:

– Thưa cha ải này không cao và hiểm trở bằng ải Vân Phong (đèo Cả). Ải Vân Phong ta còn lấy được dễ dàng thì ải Cù Mông này sao cha lại ngại?

Tống Phước Hiệp vuốt râu cười:

– Ải Vân Phong tuy rằng hiểm trở nhưng giặc Tây Sơn chỉ lui mà không đánh nên ta mới chiếm được dễ dàng. Còn ải Cù Mông này con hãy nhìn xem trên sườn núi dọc theo đường đèo lều trại san sát, mỗi một khúc quanh, đá đều gom thành đống, chứng tỏ chúng phòng bị rất kỹ càng, không thể nào đánh được.

Nói xong liền quay ngựa về doanh trại. Vừa đến nơi có quân canh vào bảo:

– Thưa đại tướng quân, có sứ giả quân Tây Sơn xin vào yết kiến.

Phước Hiệp cho vào. Đến trước án, Nguyễn Thung thi lễ nói:

– Tôi là sứ giả của Tây Sơn xin được ra mắt tướng quán.

Hiệp vênh mặt hỏi:

– Tây Sơn các người đánh nhau với ta thua quá bỏ luôn ba dinh Bình Thuận, Diên Khánh, Phú Yên mà chạy về Qui Nhơn. Nay cùng đường Nguyễn Nhạc sai ngươi đến cầu hoà phải chăng?

Thung ung dung đáp:

– Chủ tướng tôi bỏ ba dinh lui về Qui Nhơn không phải vì thua quân, mà vì chủ tướng tôi với tướng quân đều là tôi trong một nước nên không muốn chém giết lẫn nhau đó thôi!

Hiệp vỗ bàn quát:

– Láo xược! Nguyễn Nhạc khởi loạn ở Tây Sơn kéo ra đánh Quảng Nam đuổi chúa ta chạy vào Gia Định sao dám bảo ta với hắn là tôi trong một nước? Nhà ngươi nói không ra lẽ, ta giết chết không tha.

Không chút sợ hãi, Thung đáp rằng:

– Chủ tướng tôi khởi binh ở Tây Sơn đánh đổ Quốc phó Trương Phúc Loan chuyên quyền làm lắm điều tàn bạo, tôn phò Đông cung Nguyễn Phúc Dương vốn dòng chính thống bị Phúc Loan truất phế. Nay Đông cung sai chủ tướng tôi đem quân Bắc tiến thu phục kinh thành Phú Xuân về chỗ chúa Nguyễn. Ấy chẳng phải chủ tướng tôi là tôi của chúa Nguyễn rồi ư?

Hiệp suy nghĩ giây lát rồi bảo:

– Điều ngươi vừa nói nghe ra hợp lý, nhưng việc Nguyễn Nhạc tôn phò Đông cung lấy gì để làm bằng? Thung lấy thư trong ngực ra dâng Phước Hiệp rồi nói:

– Đây là thư của Đông cung gửi cho tướng quân. Xin tướng quân xem lấy làm bằng.

Tống Phước Hiệp tiếp thư đọc xong nói:

– Trong thư Đông cung bảo ta phải lui binh, để Nguyễn Nhạc tin tưởng dồn toàn lực ra Quảng Ngãi đánh Trịnh. Nhưng nếu ta lui binh thì các người thừa cơ chiếm lại Phú Yên thì làm sao?

Thung ngạc nhiên hỏi:

– Trong thư có dấu ấn của Đông cung, tướng quân vẫn chưa tin ư?

Hiệp vuốt râu cười đáp:

– Ngộ nhỡ các ngươi dùng vũ lực ép Thế tử viết thư để lừa ta, bảo ta tin sao được? Nếu thật lòng người về thưa cùng Đông cung, chờ ta sai người ra Qui Nhơn diện kiến, nếu đúng là ý của Đông cung ta lập tức lui binh.

Nguyễn Thung cáo biệt ra về. Ngày sứ giả của Tống Phước Hiệp đến, Nguyễn Nhạc, mời Nguyễn Phúc Dương ngồi giữa, Nhạc và các Tướng đứng hầu hai bên, rồi truyền cho sứ giả vào. Sứ giả vào đến trông thấy Nguyễn Phúc Dương liền sụp lạy tung hô:

– Kính chúc Thế tử sức khoẻ an khang!

Nguyễn Phúc Dương ân cần nói:

– Tống Phước Hiệp không tin thư ấy là của ta, nên mới sai người đến xem hư thực thế nào có phải vậy chăng?

Sứ giả đáp:

– Đúng là như vậy, dám hỏi Thế tử sự thể thế nào?

Nguyễn Phúc Dương bảo:

– Tống tướng quân cẩn thận vậy là đúng! Ngươi hãy về thưa cùng Tống tướng quân đem đại binh quay về Gia Định truất phế Định Vương Nguyễn Phúc Thuần thì ta mới yên tâm đem toàn quân ra Quảng Nam đánh Trịnh. Có như thế sau khi đuổi Trịnh ra khỏi sông Linh Giang, thu phục kinh thành Phú Xuân, tất cơ đồ nguyên vẹn như xưa, nghĩa cương thường gom về một mối, thì công của Tống tướng quân rất lớn. Ta đã viết sẵn một phong thư, ngươi hãy kíp mang về tâu lại cùng Tống tướng quân.

Sứ giả vâng lệnh quay về dâng thư của Phúc Dương cho Tống Phước Hiệp. Hiệp xem thư xong cười rằng:

– Đông cung tuổi còn nhỏ chưa trải việc đời, nên mới bị Nhạc dối gạt. Ta chưa có kế gì đánh chúng thì chúng tự đem thân nộp mạng cho ta.

Mấy người con Tống Phước Hiệp cũng thưa:

– Cha nói vậy là nghĩa gì, chúng con không hiểu?

Hiệp đáp:

– Ta đã sai người dò xét tình hình quân địch. Chờ cho thám mã về báo, các con khắc rõ.

Vừa nói xong quân thám mã về báo:

– Thưa đại tướng quân, giặc Tây Sơn đang chuẩn bị binh sĩ mà định ngày tiến đánh quân ta.

Hiệp vuốt râu bảo:

– Đúng như điều ta dự đoán, Nguyễn Nhạc mượn tiếng tôn phò Đông cung, giả danh đánh Trịnh để ta không đề phòng rồi bất ngờ tiến đánh. Chúng tưởng ta cũng khờ khạo như Đông cung sao?

Nói xong cười lớn. Tống Viết Nghĩa hỏi:

– Thưa cha vậy ta nên liệu tính thế nào?

Hiệp đáp:

– Ta tương kế tựu kế đánh cho chúng một trận không còn manh giáp.

Nói rồi liền viết thư sai một tên quân đem sang ải Cù Mông báo cho quân Tây Sơn hẹn trong năm ngày sẽ rút quân về. Hiệp bảo Viết Nghĩa rằng:

– Tống Viết Nghĩa và Tống Viết Phước hai con lãnh một vạn tinh binh ra phía Bắc thành mai phục. quân Tây Sơn từ ải Cù Mông tiến vào thì cứ để cho chúng đi qua, đợi khi nào quân ta mở cổng thành giao chiến, hai con lập tức đánh vào sau lưng giặc.

Tống Viết Phước và Tống Viết Nghĩa lãnh lệnh lui ra. Tống Phước Hiệp xuống lệnh:

– Tống Phước Khương lãnh năm ngàn quân ra canh phòng ở cửa bể đề phòng chúng đánh ta bằng thuỷ binh. Tống Phước Lương ngày đêm cho quân canh phòng cẩn mật ở mặt Bắc thành, chúng chỉ có thể đánh ta bằng hai con đường ấy mà thôi.

Chiến thắng đầu tiên của Nguyễn Huệ:

Nguyễn Nhạc ở Qui Nhơn nhận được thư của Tống Phước Hiệp mở ra xem nói:

– Tống Phước Hiệp hẹn trong năm ngày sẽ kéo quân về Gia Định truất phế Định Vương Nguyễn Phúc Thuần. Vậy nhân lúc chúng không đề phòng ta bất ngờ tiến đánh ắt là toàn thắng.

Nguyễn Huệ can rằng:

– Xin đại huynh hãy khoan. Nếu ta đem quân qua ải Cù Mông theo đường đại lộ đánh Phú Yên nhất định sẽ gặp quân mai phục của Tống Phước Hiệp.



Huệ vừa dứt lời quân thám mã về báo:

– Tâu Chúa công, Tống Phước Hiệp sai con là Tống Viết Nghĩa đem một vạn quân mai phục ở phía Bắc thành Phú Yên chờ quân ta đến thì đổ ra đánh. Tống Phước Khương đem năm ngàn quân canh phòng mặt bể.

Nghe xong Nhạc giật mình hỏi Huệ:

– Sao em biết rằng Tống Phước Hiệp nhất định cho quân mai phục?

Huệ đáp:

– Tống Phước Hiệp là một lão tướng đa mưu túc trí. Hắn biết ta giả hoà để bất ngờ tiến đánh, nên tương kế tựu kế cho quân mai phục chờ ta tiến đánh rồi hai mặt giáp công.

Lý Tài bước ra cười hỏi:

– Nếu Tướng quân đã biết, thế thì sao còn giả kế giảng hoà, để quân Nguyễn càng cẩn mật đề phòng thì quân ta càng khó bề thủ thắng?

Huệ cũng cười bảo:

– Nhưng Tống Phước Hiệp chỉ đề phòng phía trước mặt mà không che chắn ở sau lưng. Tôi làm thế để chia quân của địch ra mai phục ở mặt Bắc ta thừa cơ đem binh tiến đánh phía sau lưng.

Nhạc ngạc nhiên hỏi:

– Em làm cách nào mà đánh được ở sau lưng quân Nguyễn?

– Thưa đại huynh, ở phía Nam thành Qui Nhơn có một con đường mòn trên núi của các bộ tộc người Thượng thông thương với nhau. Con đường này đi vòng qua phía Tây ải Cù Mông vào đến thành Phú Yên. Nay ta bí mật theo đường này đánh lấy Phú Yên, chặn đường rút của một vạn quân Tống Viết Nghĩa mai phục. Khi ấy không những chiếm được Phú Yên mà con tiêu diệt được 2 vạn quân Nguyễn đang uy hiếp ta ở mặt Nam. Ấy là kế giương Đông kích Tây, xin đại huynh xuống lệnh xuất quân.

Lý Tài cười hỏi:

– Nếu là giương Đông kích Tây, thì ta làm kế nghi bình ở ải Cù Mông, rồi theo đường này mà đánh việc gì phải mất công cho Đông cung làm kế giả hoà?

Huệ ung dung đáp:

– Lúc Tống Phước Hiệp đánh lấy Bình Thuận, Diên Khánh và Phú Yên của ta, hắn cho thuỷ binh làm kế nghi binh nói phao rằng sẽ đem thuỷ binh đánh vào các cửa bể, khiến ta sợ quân mình lâm vào thế lưỡng đầu thọ địch nên phải lui quân về giữ ải Cù Mông, bỏ ba dinh cho quân Nguyễn, chứng tỏ Tống Phước Hiệp không phải là kẻ vô mưu. Nếu chỉ dùng kế nghi binh thường tình như Lý tướng quân nói làm sao lừa được Tống Phước Hiệp.

Lý Tài lại cãi:

– Nếu chỉ dùng kế nghi binh như tôi vừa nói, mà hắn không biết có con đường núi kia thì ắt chẳng đề phòng. Còn bây giờ dù có cho Đông cung Thế tử làm kẻ giả hoà mà hắn biết có con đường núi ấy tất hắn lại càng đề phòng hơn nữa!

Nguyễn Huệ cười lớn đáp:

– Ta làm kế giả hoà để cho hắn đề phòng. Nay hắn đem một vạn quân mai phục ở mặt Bắc, để 5 ngàn quân phòng thủ ở mặt Đông, trong thành còn lại 5 ngàn quân. Chứng tỏ hắn không biết rằng ở phía Tây có con đường núi bí mật này. Ấy chẳng phải là biết người biết ta trăm trận trăm thắng đó sao?

Lý Tài nghe xong không còn bắt bẻ vào đâu nữa. Nguyễn Thung bước ra nói:

– Mưu của Nguyễn Huệ thật là diệu kế thập toàn. Xin Chúa công đề cử Nguyễn Huệ điều binh khiển tướng đánh trận này mới mong đập tan lực lượng của địch quân.

Nguyễn Nhạc y lời nói:

– Nay trước đông đủ các Tướng, ta phong Nguyễn Huệ làm Chánh Tướng điều binh khiển tướng. Có ai không phục chăng? Các tướng vui vẻ đồng thanh nói:

– Chúng tôi đều phục!

Chỉ có Lý Tài là chẳng nói gì. Nguyễn Huệ dõng dạc bước lên nhận gươm lệnh của Nhạc trao cho rồi quay lại lấy trong mình một phong thư gọi một tên quân đến bảo:

– Ngươi lập tức đến ải Cù Mông trao cho Nguyễn Lữ, cứ y như trong thư ta dặn mà làm.

Tên quân lãnh lệnh đi ngay.

Kế hoạch điều quân:

Chỉ huy quân Tây Sơn trong trận chiến Phú Yên đối đầu với một tướng lãnh lão luyện đã được giao cho Nguyễn Huệ, lúc đó mới 23 tuổi. Dĩ nhiên nhờ là em ruột của trại chủ, lại am tường tình hình chiến trường phía Nam, nhất là nhờ ánh mắt lạc quan tự tin nổi bật trong giai đoạn xáo trộn u ám vừa qua, Huệ được mọi người mặc nhiên công nhận như một vị chỉ huy trẻ tuổi bản lãnh.

Từ Cù Mông đến thành Phú Yên chỉ cách nửa ngày đường. Cho nên Huệ cho toán xung kích giả dạng làm người bán củi, hoặc người buôn quế xuống Sông Cầu trước, hẹn nhau sẽ tập trung lại ở một điểm tập kích gần dinh.

Huệ chủ trương đánh thật mau thật mạnh để chiếm dinh Phú Yên, và khi thành phủ đã mất, các đồn trại của địch còn lại đang hoang mang, thì mới cho quân tỏa ra để thanh toán nốt. Huệ thấy trận Cẩm Sa vừa rồi ở Quảng Nam sở dĩ Quân Tây Sơn bị thua là vì Nhạc đã cho dàn lực lượng đối mặt với quân Trịnh, lại kéo dài chiến trận quá lâu, nên quân địch tận dụng được sở trường về ưu thế vũ khí và chiến thuật của một quân đội chính qui, trong khi nghĩa quân bỏ mất sở trường là lối yểm kích. Những điều này Huệ có đem ra thảo luận với anh, và Nhạc phải nhận em nghĩ đúng.

Để tạo yếu tố bất ngờ và chiến thắng nhanh, Nguyễn Huệ đã làm cho Tống Phước Hiệp chủ quan, sơ hở với con bài Đông Cung Dương. Cuộc thương lượng còn đang tiếp diễn, Nguyễn Huệ cũng đã bí mật đưa hai ngàn quân từ Qui Nhơn vào Phú Yên do Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng hướng dẫn theo đường núi đến đóng ở Ma Thiên động, miền núi La Hiên là một căn cứ bí mật của Tây Sơn ở Phú Yên. Nghĩa quân tại chỗ được gọi là lực lượng Tây Sơn hữu đạo mà Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Công Lang, Võ Văn Cao... đã mất nhiều công sức xây dựng.

Ở căn cứ La Hiên lúc này có đội kỵ binh do Nguyễn Quang Sáng và Lương Văn Trực chỉ huy cùng với lực lượng thuỷ quân do Trần Văn Nhâm và Lưu Quốc Hưng điều khiển. Ngoài ra Bà Thị Hoà, nữ chúa người Chăm ở Thạch Thành (tây nam Phú Yên) cũng hỗ trợ một đội Tượng Binh gồm hơn hai mươi thớt voi trận.

Hơn hai ngàn quân tinh nhuệ từ Qui Nhơn vào hợp cùng với lực lượng hùng hậu tại La Hiên và một lực lượng ứng chiến đồn trú tại ải Cù Mông do Nguyễn Lữ chỉ huy nâng tổng số quân Tây Sơn tham chiến lên đến 5,000 người dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ đã lập nên chiến công xuất sắc.

Đạo quân Tây Sơn gồm cả bộ binh, kỵ binh và tượng binh từ núi La Hiên, ngựa cất lạt người ngậm tăm, lặng lẽ theo đường núi tiến vào Phú Yên. Cả cánh quân đều không dàn trận theo hàng ngang, mà dồn hết lực lượng làm một mũi chủ công, khi có lệnh thì đánh thẳng đến mục tiêu, bỏ qua những đồn trại quân Nguyễn ở hai bên sườn. Trên đường tiến quân nhanh chóng diệt gọn đồn tiền tiêu của quân Nguyễn ở La Hai do Đội Lăng chỉ huy. Một số tàn quân sống sót định chạy về bản doanh ở Hội Phú nhưng khi đến vùng An Thổ thì bị phục binh của Tây Sơn chặn đường ở Mỹ Dự, Mỹ Lương, Gò Tượng tiêu diệt sạch nên quân Nguyễn ở Hội Phú, Xuân Đài và Vũng Lấm không hay biết gì.

Chờ đến nửa đêm Nguyễn Huệ cho quân áp sát thành, quân Nguyễn vẫn không hề hay biết. Bố trận xong, Huệ hạ lệnh tấn công. Quân Tây Sơn đặt đại bác nhằm cổng thành phía Tây mà bắn. Cổng thành vỡ, Huệ cho bộ binh tràn vào tung hoả hổ đốt phá trại địch trong thành.

 

* * *

 

Tống Phước Lương đang chia quân canh phòng cổng Bắc, bỗng nghe phía Tây thành đại bác nổ ầm ầm, rồi thì lửa cháy rực trời, quân hò reo vang dậy, trống trận dập dồn. Lương thất kinh hồn vía chạy vào thủ phủ tìm cha. Đến nơi thấy Tống Phước Hiệp vừa mặc giáp xong đang cầm thương lên ngựa. Hiệp lo âu hỏi:

– Giặc từ đâu đến thế?

Lương hớt hải đáp:

– Phía Bắc thành không nghe động tĩnh. Con vừa nghe súng nổ ở phía Tây thành vội chạy đến tìm cha ngay.

Hiệp liền bảo:

– Mau về phía ấy xem sao!

Nói rồi ra roi thúc ngựa về phía Tây thành. Đến nơi thấy quân Tây Sơn đã tràn vào như thác lũ, còn quân mình bàng hoàng vừa tỉnh cơn mê, không biết đường nào chống đỡ hỗn loạn mà chạy, bị quân Tây Sơn chém giết rất nhiều.

Cha con Tống Phước Hiệp liệu bề không chống lại nổi bèn quay ngựa nhắm cổng Nam thành mà chạy.

Nữ Tướng Tây Sơn là Bùi Thị Xuân đầu vấn khăn lụa, mình mặc áo bà ba, ngồi trên lưng voi một ngà trông thấy hét lớn: Tống Phước Hiệp chạy đâu cho thoát!

Hét xong giương cung lắp tên bắn một phát trúng tay trái Tống Phước Hiệp. Hiệp nghiến răng nhổ tên, nằm mọp trên lưng ngựa chạy dài.

Trần Quang Diệu thúc ngựa xua quân đuổi theo. Hai tướng Nguyễn là Nguyễn Văn Hiền và Nguyễn Khoa Kiên vừa chạy tới trợ chiến, khua đao chận đánh Trần Quang Diệu để cho Tống Phước Lương phò tá Hiệp chạy trước.

Nguyễn Văn Hiền bị Trần Quang Diệu vung đại đao chém một phát, đầu Hiền rơi xuống đất, Nguyễn Huệ lướt trận trờ tới bắt sống Nguyễn Khoa Kiên.

Ra khỏi thành chỉ chừng trăm tên quân theo cha con Tống Phước Hiệp chạy về gần đến ải Vân Phong bỗng thấy một đạo quân từ trong đường hẻm kéo ra, Tống Phước Lương giật mình nhìn lại, thì ra anh mình là Tống Phước Khương. Khương chạy đến ôm Hiệp khóc, quỳ tạ tội rằng:

– Cha bị nguy con không cứu kịp, đến nơi cha bị trọng thương, tội con đáng chết!

Nói rồi hai anh em đỡ cha xuống ngựa nằm nghỉ dưới gốc cây vệ đường. Hiệp hỏi Khương:

– Sao con về được đến đây?

Khương đáp:

– Con thấy lửa cháy ngút trời lại nghe súng nổ ầm ầm ở thành Phú Yên, biết có biến vội kéo quân về tiếp viện. Mới đến nửa đường gặp tàn quân của ta chạy đến nói Cha đã bỏ thành chạy về ải Vân Phong nên con bèn đi đường tắt đến đây. Chẳng hay Viết Phúc và Viết Nghĩa đâu không thấy?

Lương đỡ lời cha đáp:

– Thưa đại ca, hai em ta đã đem một vạn quân mai phục ở phía Bắc thành. Nay quân Tây Sơn đã chiếm mất thành, tất hai em ta không còn đường lui, nếu giặc từ ải Cù Mông đánh ra e rằng hai em ta nguy mất!

Tống Phước Khương liền nói với Tống Phước Lương:

– Nhị đệ mau dìu cha về cố thủ ải Vân Phong, để ta đem năm ngàn quân đánh cứu hai em.

Tống Phước Hiệp lúc ấy tuổi đã già lại đang bị trọng thương máu ra nhiều sức đã kiệt, gắng gượng hỏi:

– Tướng Tây Sơn điều khiển đánh trận này là ai?

Khương đáp:

– Thưa cha, nghe nói là Nguyễn Huệ em của Nguyễn Nhạc mời vừa hai mươi hai tuổi.

Hiệp nghe xong bảo:

– Hai con hãy mau cho vài mươi người thân tín ở đường bể lẻn ra Qui Nhơn phao tin lên rằng quân Trịnh sắp đem quân vào đánh Quảng Ngãi. Nguyễn Nhạc tất gọi Nguyễn Huệ đem quân về đề phòng mặt Bắc.

Tống Phước Khương y lời gọi quân đến dặn dò. Quân đi xong, Khương nói:

– Xin cha cho con đem quân giải cứu hai em!

Hiệp bảo:

– Sau khi cha chết đi hai con lập tức đem tàn quân về giữ ải Vân Phong, không được liều lĩnh đánh nhau cùng Nguyễn Huệ. Các con không phải là đối thủ của nó. Còn hai em con sống chết đành phó thác cho trời không còn cách nào khác đâu!

Nói rồi Hiệp than:

– Ta đã hơn ba mươi năm làm tướng, nay đã quá tuổi lục tuần mà phải thua mưu của một thằng con nít miệng con hơi sữa, để đến nỗi bị một đứa con gái đuổi theo bắn trọng thương. Nhục nhã thay!

Than xong lại khóc:

– Hai con ơi! Biết con đang nguy khốn mà đành bó tay không cứu được, lòng cha đau xót lắm thay!

Nói rồi vừa đau thương vừa uất ức, Tống Phước Hiệp thổ huyết mà chết.

Tống Phước Khương, Tống Phước Lương khóc rống một hồi, rồi đưa thi hài Tống Phước Hiệp và lui quân về ải Văn Phong.

Trong lúc Nguyễn Huệ đem quân theo đường núi chuẩn bị đánh thành Phú Yên, thì Tống Viết Nghĩa và Tống Viết Phước mai phục ở phía Bắc thành, bỗng thấy quân Tây Sơn ở trên ải Cù Mông đánh trống dập dồn, đốt đuốc sáng rực. Tống Viết Nghĩa nói với Tống Viết Phước:

– Cha của ta thật là thần cơ diệu toán, quân Tây Sơn quả nhiên trúng kế...

Nói chưa dứt lời, bỗng nghe ở phía thành Phú Yên súng nổ ầm ầm rung chuyển trời đất. Ngoảnh lại nhìn thấy lửa cháy sáng rực mây trời. Tống Viết Phước la lên:

– Nguy rồi, ta đã trúng kế giương đông kích tây của giặc rồi. Anh em ta mau kéo binh về cứu cha.

Viết Nghĩa nói:

– Em đem năm ngàn quân đi trước, anh đem năm ngàn quân đi sau đoạn hậu đề phòng giặc ở Cù Mông đánh ra.

Nói rồi liền quay ngựa hối hả dẫn quân quay lại thành Phú Yên. Trời vừa hừng sáng, Viết Nghĩa đến nơi thì cửa thành đã mở toang, trong thành một đạo quân áo đỏ xông ra, đi đầu là ba viên dũng tướng, một viên tướng tuổi còn rất trẻ diện mạo khôi ngô quát lớn:

– Có ta là Đại tướng Đặng Văn Long ở đây, sao các ngươi còn chưa xuống ngựa quy hàng?

Tống Viết Nghĩa thất kinh than:

– Thành đã mất về tay giặc rồi. Chẳng biết cha và anh ta sống chết ra sao! Chúng đánh bằng cách nào mà nhanh thế!

Nói xong liều chết vung đao hò quân giáp chiến. Đặng Văn Long lướt ngựa khua kích rượt đánh. Quân Tây Sơn càng đánh càng hăng. Quân Nguyễn lòng đã hoang mang không còn tinh thần chiến đấu bị Tây Sơn giết chết vô số. Tống Viết Nghĩa đánh được mươi hiệp bị Đặng Văn Long vung kích đâm chết. Quân Nguyễn vỡ tan bỏ chạy, tiếng khóc la vang trời dậy đất. Đặng Xuân Bảo và Đặng Xuân Phong thừa thắng xua quân đuổi theo. Văn Long ngăn lại nói:

– Hai em đừng nên truy sát làm chi, để chúng chạy ra sẽ gặp nhị sư huynh Nguyễn Lữ từ Cù Mông kéo đến. Chúng cùng đường ắt phải xin đầu hàng.

Nói rồi lệnh cho ba quân: địch chạy đến đâu đuổi theo đến đấy, không được giết hại.

Tống Viết Phước đi sau đoạn hậu, bỗng thấy tiền quân mình rối loạn, có một tên quân hớt hải chạy đến bảo:

– Thưa tướng quân, tướng quân Tống Viết Nghĩa đã tử trận. Hiện giặc đang đuổi theo truy sát.

Phước thất kinh hồn vía bảo quân sĩ:

– Phía Bắc có một vùng núi non hiểm trở, chạy đến đấy mau!

Phước dẫn quân chạy đến chân núi đã thấy quân Tây Sơn chặn đường. Tướng Tây Sơn là Nguyễn Lữ thét to:

– Các ngươi không còn đường thoát thân, sao ngoan cố chưa chịu quy hàng.

Tống Viết Phước hét lên rằng:

– Ta dù bại binh cũng quyết sống mái một trận đời nào lại đi hàng lũ giặc các ngươi.

Phan Văn Lân đang ở sau lưng Nguyễn Lữ nghe Phước gọi quân mình là giặc nổi giận vung thương thúc ngựa xông ra đánh nhau với Tống Viết Phước. Đánh mới vài hiệp Tống Viết Phước vã mồ hôi hột. Thêm mặt Nam Tướng Đặng Văn Long đem quân đuổi đến dồn quân Nguyễn vào giữa vòng vậy.

Trong cơn nguy khốn bỗng thấy từ trong núi một đạo binh trương cờ đề bốn chữ “Lương Sơn tá quốc”, cầm đầu là bốn viên dũng tướng hùng hổ đánh vào sau lưng quân Tây Sơn. Vòng vây được mở, Tống Viết Phước liền thúc ngựa chạy về phía ấy. Phan Văn Lân thúc ngựa đuổi theo. Một viên tướng trong đạo quân Lương Sơn xông ra hét lớn:

– Giặc Tây Sơn kia chớ giết hại binh triều, có ta là Châu Đoan Hãn đến đây!

Hét xong hắn vung đao đón đánh Phan Văn Lân. Nhờ vậy Tống Viết Phước và vài trăm quân chạy thoát được về phía quân Lương Sơn. Châu Văn Tiếp bảo:

– Phạm Văn Sĩ mau đưa Tống tướng quân lui về doanh trại, anh em ta ở lại chặn đánh giặc Tây Sơn.

Nói vừa dứt lời ngoảnh lại đã thấy Châu Đoan Hãn bị Phan Văn Lân đâm một thương ngã nhào xuống ngựa. Châu Văn Tiếp hét lên một tiếng cùng em là Châu Đoan Chân lướt ngựa đến vây đánh Phan Văn Lân. Nguyễn Lữ trông thấy liền sai Ngô Văn Sở vác đại đao xông ra trợ chiến. Quân Tây Sơn ồ ạt tiến lên. Châu Văn Tiếp liệu bề không chống nổi đành rút quân về sào huyệt trong núi Trà Lang. Quân Tây Sơn toàn thắng bắt được hàng binh và vũ khí rất nhiều.

Sau khi chiếm thành Phú Yên, Nguyễn Huệ liền xua quân đánh sau lưng quân phòng ngự của Tống Phước Hiệp. Huệ sai hai Tướng Lê Văn Hưng và Nguyễn Văn Lộc chia hai ngã tiến đánh hai đạo Thủy quân ở Vũng Lắm cách Phú Yên khoảng 10km, Quân bộ ở Xuân Đài cách Vũng Lắm 4km. Bị đánh úp bất ngờ, lực lượng phòng ngự cả thủy lẫn bộ đều bị tiêu diệt.

Được tin Tống Phước Hiệp bại trận, thành Phú Yên thất thủ, trấn thủ Bình Khang là Bùi Công Kế liền đem quân theo đường núi ra tiếp cứu. Huệ cho quân Tây Sơn mai phục sẵn, đánh bất ngờ phải tháo chạy tan tác. Bùi Công Kế bị bắt sống.

Sau đó Tống Văn Khôi lại đem quân từ Diên Khánh ra cứu viện. bị quân của Nguyễn Huệ phục kích đánh tan ở Ba Ngòi gần đèo Cả, Tống Văn Khôi tử trận. Trong vòng không đầy mười ngày, Huệ đã chiếm lại toàn phủ Phú Yên. Chiến công lẫy lừng đó lần đầu tiên làm chấn động trong Nam ngoài Bắc, xác nhận tài năng của một viên tướng Tây Sơn trẻ tuổi vừa mới hai mươi ba. Những viên tướng Tây Sơn từng vào sinh ra tử ở mặt trận phía Bắc như Tập Đình, Lý Tài, Nguyễn Thung, Phong, Hãn chỉ còn là những bóng mờ. Ngôi sao Nguyễn Huệ bắt đầu chói sáng suốt chiều dài lịch sử từ năm Ất Mùi cho đến lúc băng hà.

Nguyễn Huệ chiếm được Phú Yên bèn hạ lệnh chiêu an bá tánh kêu gọi quân Nguyễn còn đang lẩn trốn ra đầu thú, giao việc phòng thủ Phú Yên cho Lê Văn Hưng và Nguyễn Văn Lộc rồi kéo binh về Qui Nhơn.

Chiến thắng Phú Yên năm 1775 của Nguyễn Huệ có ý nghĩa hết sức to lớn và có tác dụng rất quan trọng, làm thay đổi hẳn cục diện tình hình, hoàn toàn có lợi cho phong trào Tây Sơn; làm cho nghĩa quân thoát khỏi thế bị kẹp trong hai gọng kềm nguy hiểm của hai thế lực Trịnh – Nguyễn, vĩnh viễn ngăn chặn bước tiến vào Nam của quân Trịnh, làm suy yếu hẳn lực lượng của quân Nguyễn, mở rộng vùng căn cứ địa và mở đường cho sự phát triển rộng lớn ra toàn quốc của Tây Sơn. Từ đây, Nguyễn Huệ một vị Tướng tài giỏi trở thành linh hồn của phong trào Tây Sơn.

Tham Khảo:

1. Tỉnh Phú Yên Bách khoa toàn thư
2. Nhà Tây Sơn – Quách Tấn Quách Giao
3. Tây Sơn Bi Hùng Truyện – Lê Đình Danh
4. Sông Côn Mùa Lũ – Nguyễn Mộng Giác
5. Hoàng Lê Nhất Thống Chí của Ngô Gia văn phái

Trích từ Tuyển Tập Đất Phật Trà Vang của Vĩnh Trường

Tiểu Sử:

Vĩnh Trường tên thật là Võ Trung Tín. Sinh ngày 30 tháng 4 năm 1943 tại Hòa Thuận, Trà Vinh. Theo học tại các Trường Trung Học Trần Trung Tiên (Trà Vinh 1957–1961), Tống Phước Hiệp (Vĩnh Long 1962) Tân Dân (Kiến Hòa 1963) và Hoàng Diệu (Ba Xuyên 1964).

Tháng 10 năm 1965, tình nguyện nhập ngũ khóa 21 Trường Bộ Binh Thủ Đức, giai đoạn 2 theo học tại Trường Truyền Tin QLVNCH tại Vũng Tàu. Mãn khóa vào tháng 7 năm 1966 về phục vụ tại Phòng Truyền Tin Sư Đoàn 2 Bộ Binh tại Quảng Ngãi.

Tháng 8 năm 1968, tình nguyện về Tiểu Đoàn Truyền Tin Sư Đoàn Nhảy Dù, đảm nhận các chức vụ: Sĩ Quan Truyền Tin Trung [tâm] Hành Quân Sư Đoàn, Sĩ Quan Khai Thác Phòng Truyền Tin Sư Đoàn, Trung Tâm Trưởng Trung Tâm Truyền Tin và Đại Đội Trưởng Đại Đội Khai Thác Hành Quân/Tiểu Đoàn Truyền Tin.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 khi CS xâm lăng VNCH, di tản và tỵ nạn tại Hương Cảng đến ngày 27/10/1975 vào được Hoa Kỳ đến tạm cư tại Kansas City Missouri và theo học tại Học viện Electronics Institute.

Tháng 7 năm 1977 ra trường và di chuyển về định cư tại Orange County, Nam California cho đến ngày nay.

Vĩnh Trường

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet eMail by Vĩnh Trường chuyển

 

Đăng ngày Thứ Năm, May 27, 2021
Ban kỹ thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang