Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Lịch sử – KQVNCH
Chủ đề: Hồi
ký Chiến trường
Tác giả: nhiều tác giả
BKT sưu tầm
1. Lời giới thiệu
2. Những Phi Công đã ra đi cùng Skyraider
3. Tưởng Niệm Vị Anh Hùng Khu Trục: Thiếu tá Nguyễn Gia Tập
4. Phi vụ Bắc phạt Ngày 28/2/1965 (nhìn từ Đài Kiểm Báo Panama)
5. 7 Vị Anh hùng Bắc Phạt
Hồi ký về Biệt Đoàn 83 Thần Phong
6. Phi vụ Bắc phạt đầu tiên (theo lời kể của những người trong cuộc)
7. Mặt trận Kontum
8. Những ngày cuối đời Trần Thế Vinh
9. Lam Sơn 719, Vùng Hạ Lào 2–1971
10. Phi vụ “Cò Trắng” và những nấm mồ còn lại
Hồi ký về Phi Đoàn Trực Thăng 211 Thần Chùy
11. Những cánh chim lìa đàn
12. Người Chiến sĩ VNCH ngày cuối cùng của cuộc chiến
Lời giới thiệu: “ĐI MÂY VỀ GIÓ” là tựa đề của bài viết do Ban Kỹ Thuật đặt ra cho trang điện tử này nhân việc sưu tầm bộ Huy hiệu Quân chủng KQVNCH. Bài viết này là tổng hợp những câu chuyện kể về chiến trường trong thời chiến tranh Việt Nam1945–1975 do các cựu Chiến sĩ thuộc Quân chủng Không Quân QLVNCH viết và đăng trên trang điện tử Thái Dương – Jupiters 530 (link không còn). Đây là những đoạn hồi ký chiến trường tình tiết ngắn gọn của nhiều tác giả KQ nói về những vui buồn và mất mát của người chiến binh trên không trung trong thời chiến. Kính mời quý vị theo dõi. –BKT
Bài ca Vinh thăng một loài chim [MP3:
Size: 6.1MB]
Những
Phi Công đã ra đi cùng Skyraider
Tác giả: ViQuocVongThân
Chủ đề: 2. Chiến Trường Quảng Trị Trong Mùa Hè Đỏ Lửa Với Phi Đoàn Khu Trục 518
Tác giả: lanhnguyen
Lời người viết: Ðể tưởng niệm 37 năm ra đi của hai phi công Trần Thế Vinh và Phan Quang Tuấn thuộc PЖ518 ở Quảng Trị trong Mùa Hè Ðỏ Lửa, tháng 4 năm 1972. Ðể chia xẻ với thân nhân những người đã bỏ mình sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 mà bọn CS cho họ là những người mang “nợ máu”. –lanhnguyen
Ðã ba mươi bảy năm rồi mà tôi khó quên đi
hai người bạn Trần Thế Vinh và Phan Quang Tuấn trong cùng đơn vị đã
nêu cao gương anh
dũng,
không lùi bước trước phòng không địch và hy sinh cho Tổ Quốc. Các
anh tô đậm màu cờ, làm rạng rỡ sắc áo và xứng đáng là những người
trai hùng. Các anh đã đóng góp cho cuộc chiến thắng ở Quảng Trị và
ra đi cho mọi người được tiếp tục cuộc sống tự do.
PЖ518 với danh hiệu
Phi Long thuộc Sư Đoàn III–KQ (SĐIIIKQ) ở Biên Hòa, được
trang bị loại phi cơ cánh quạt
Skyraiders có khả năng chở 4000 cân (lbs) bom, hỏa tiễn
và 800 viên đại bác 20ly. Hầu hết các phi vụ là yểm trợ tiếp cận cho
quân bạn do sự chính xác, khả dụng trong thời tiết xấu và thời gian
ở lâu trên vùng làm việc.
Vào đầu tháng tư năm 1972, nếu tôi
nhớ không nhầm đó là ngày 4/4/1972. Mọi sinh hoạt của phi đoàn được
coi là bình thường cho đến 9:30giờ sáng, tiếng gọi họp khẩn cấp của
vị Phi đoàn Trưởng (PĐT), Thiếu tá Hùng, còn gọi là “Hùng râu” được
loan đi. Cái không khí ồn ào, hoang mang lẫn nghiêm trọng bắt đầu
đến trong phòng hành quân của phi đoàn. Những người hiện diện bắt
đầu liên lạc người vắng mặt, kể cả các phi công nghỉ trong ngày. Tất
cả các phi công có mặt tập họp ở phòng họp của phi đoàn ngay sau đó.
Buổi họp chỉ kéo dài năm phút. Thiếu tá Hùng tiếp: PЖ518 được lệnh
đem phi cơ và tăng phái cho Ðà Nẵng một tuần. Tất cả Phi Long có hai
tiếng đồng hồ để chuẩn bị.
Thiếu tá T, PÐ Phó (PĐP), sắp xếp
các phi tuần bay ra Ðà Nẵng. Phi đoàn chia làm năm phi tuần và mỗi
phi tuần bốn chiếc khu trục.
Tất cả rời phòng họp. Tôi phóng
nhanh để liên lạc người em vợ trong căn cứ và nhờ nó chuyển tin đi
biệt phái về nhà tôi. Tôi trở về phòng để lấy những gì cần thiết cho
bảy ngày tăng phái, rồi ghé qua câu lạc bộ và ăn vội một dĩa cơm
trưa truớc khi trở lại phi đoàn. Tất cả phi công có mặt lần lượt ra
phi cơ và cất cánh đi Ðà Nẵng.
Ðây là lần đầu cả phi đoàn
được biệt phái xa. Không ai biết cái nguyên nhân của chuyến đi.
Nhưng mọi người đều liên tưởng đến cái nhu cầu khẩn thiết về hỏa lực
hùng hậu của phi đoàn và khả năng tác chiến của phi công và phi cơ.
Tôi thoáng nghĩ rồi đây người dân lành vô tội phải trả một giá khá
đắt cho cuộc chiến mà CS gọi là “giải phóng miền Nam.” Chúng không
ngần ngại chui trốn trong dân, dùng dân làm bia đỡ đạn và rồi tuyên
truyền những gì bất lợi cho phía Quốc gia. CS đến đâu gieo tang tóc
đến đó!
Cái không khí mát mẻ trên một cao độ bình phi xoa dịu
cái nóng chói chang trên bãi đậu phi cơ và làm khô đi cái lưng tẩm
ướt mồ hôi. Những áng mây trắng bồng bềnh dưới đôi cánh nhẹ nhàng
trôi qua trên nền xanh biếc của biển Ðông. Dãy trường sơn Tây im lìm
nhấp nhô núi đồi. Ôi, miền Nam tươi đẹp!
Phi tuần bắt đầu giảm cao độ, hợp đoàn sát
cánh của bốn chiếc khu trục trông thật hùng hồn như được đơn vị địa
đầu giới tuyến chào mừng. Sau ba tiếng rưỡi, tất cả phi cơ đến nơi
an toàn vào lúc 4:00giờ chiều. Chúng tôi được chuyển đến hai căn nhà
di động (trailers) gần bãi đậu phi cơ, đó là chỗ tạm trú cho phi
đoàn trong mấy ngày tới.
Hai chiếc pick–up trucks màu xanh
chở chúng tôi đến một nhà ăn trong căn cứ cho bữa cơm chiều lúc
6:00giờ. Ðây là bữa cơm vui nhộn nhất từ trước đến giờ với sự họp
mặt của tất cả các Phi Long. Không ai nghĩ đến chuyện không may sẽ
xảy đến, nhưng rồi đây một vài người trong chúng tôi sẽ ra đi vĩnh
viễn trong mấy ngày tới. Trong khi chờ đợi thức ăn chúng tôi thưởng
thức những ly trà đá sau một ngày thiếu nước. Kẻ nói người nghe
trong bầu không khí ồn ào của nhà ăn. Vinh hay đùa để trấn an đồng
đội trước những phi vụ nguy hiểm với câu: “Nghĩ đến đạn bắn lên làm
gì? Chưa chi đã rét thì còn đánh đấm thế quái nào được?”
Sau
bữa cơm chiều, chúng tôi họp tại phòng hành quân để nghe thuyết
trình về tình hình chiến sự, thời tiết và địa thế vào lúc 8:00giờ
tối. Ðây là mùa thời tiết xấu trong năm mà CSBV dùng nó để mở đầu
cho cuộc Tổng Tấn Công nhằm mục đích chiếm trọn vùng I. Bọn chúng
vượt vĩ tuyến 17 với nhiều chiến xa T–54, PT–76 và quân xa, cùng
nhiều Sư Đoàn chính huy đánh chiếm các căn cứ ở phía Bắc và Tây–Bắc
Thị xã Đông Hà (phía Tây–Bắc Quảng Trị) trong mấy ngày qua. Ðoàn
chiến xa đang hướng về Ðông Hà trên Quốc lộ 1 như chỗ không người.
Sư Ðoàn I/KQ (SĐIKQ) không thể sử dụng phi cơ phản lực A–37 vì thời
tiết xấu. Buổi họp kết thúc lúc 9:00giờ tối, một ngày tăng phái trôi
qua.
Ngày thứ hai đã làm cho CSBV biết thế nào là hỏa lực của
KQ/PЖ518. Bọn chúng không còn được ưu đãi với thời tiết xấu như mấy
ngày qua, hay định mệnh đã an bài cho kẻ xâm lăng. Vào lúc ba giờ
chiều thời tiết bắt đầu tốt từ Ðà Nẵng đến Ðông Hà. Những đám mây
trắng nhỏ ở cao độ năm ngàn bộ. Tất cả phi cơ A–1 được điều động cất
cánh. Phi tuần do tôi hướng dẫn là phi tuần thứ nhất trên mục tiêu
với hai chiếc AD–6, được trang bị 12 trái 500 cân(lbs). Sau khi liên
lạc phi cơ quan sát (L–19) trên vùng để nhận tin về mục tiêu, phi
tuần cách thị xã Ðông Hà năm dặm. Ðông Hà nằm về hướng Bắc sông Miêu
Giang. Một chiếc cầu đúc bắt qua sông Miêu Giang trên quốc lộ 1
hướng về Quảng Trị. Tôi nhận ngay mục tiêu là một đoàn xe hơn 100
chiếc nối sát nhau dài khoảng 3 cây số về phía Tây Bắc Ðông Hà.
Chiếc T–54 dẫn đầu cách đầu cầu 300 thước. Tôi quẹo trái về hướng
Tây để điều chỉnh vòng đánh theo trục Tây Bắc–Ðông Nam dọc theo Quốc
lộ 1 và quẹo trái sau khi thả bom. Tôi đánh 10 chiếc xe tăng đầu
trong khi phi cơ số hai đánh những chiếc tăng kế tiếp. Sau lần thả
thứ hai, đang lúc kéo phi cơ lên, một tiếng nổ long trời, chiếc phi
cơ của tôi bị nảy lên. Tôi hốt hoảng không biết chuyện gì, nhưng
nghĩ ngay là chiếc cầu Ðông Hà đã được quân bạn cho mìn nổ sập. Tôi
thấy phòng không từ đoàn xe và những cụm khói đen của 37ly trên bầu
trời. Chúng tôi thả hết bom lên đoạn đầu của đoàn xe và rời mục tiêu
để bảy phi tuần A–1 kế tiếp vào đánh suốt buổi chiều hôm đó. Chiến
xa BV tìm đường tẩu thoát ra hai bên quốc lộ một cách chậm chạp và
khó khăn do sự cản trở lưu thông, phía Ðông và Tây của quốc lộ hầu
hết là ruộng lúa, trừ đoạn đầu của đoàn xe. Tất cả các phi công đã
hoàn tất nhiệm vụ giao phó trong tinh thần hăng say, bất chấp phòng
không và trở về đáp an toàn.
Ngày Ngày thứ ba 6/4/72, thời tiết trên vùng rất
tốt. Sau một đêm CSBV mất hết tinh thần và cố tìm đường tránh không
tập, các chiến xa ẩn núp dưới những tàng cây to, nhưng không che dấu
được cặp mắt của phi công quan sát. Phi tuần của tôi có mặt trên mục
tiêu vào lúc 8:30giờ sáng cho hai mục tiêu gồm bốn chiến xa dưới một
tàng cây gần bờ sông ở hướng Ðông Quốc lộ 1, và một chiến xa ở hướng
Tây. Phi tuần phá hủy hai mục tiêu dễ dàng. Phi cơ tôi bị trúng một
viên phòng không 12.7ly ở phần che bánh đáp bên phải được tìm thấy
lúc vào bãi đậu. Nhiều phi tuần kế tiếp thanh toán các chiến xa ở
hướng Tây và Tây Bắc Ðông Hà. Thiếu tá Hùng oanh kích nhiều chiến xa
ở 6 cây số về phía Tây Bắc Ðông Hà. Phi cơ của anh bị trúng đạn
phòng không, anh cố lái phi cơ ra khỏi mục tiêu, phi cơ mất dần cao
độ và cuối cùng bị cháy. Anh nhảy dù và lái chiếc dù về phía Nam
Ðông Hà. CS bắn theo chiếc dù nhưng may cho anh và cuối cùng anh
được quân bạn tiếp cứu.
Ngày thứ tư 7/4/72 CSBV tiếp tục di
chuyển về hướng Tây Ðông Hà trong rừng cây cao để tìm đường vào mạn
Nam sông Miêu Giang. Các phi tuần khu trục tiếp tục truy kích địch
về hướng Tây Ðông Hà. Đại úy Phan Quang Tuấn sau khi hạ nhiều chiến
xa và không may cho anh, chiếc phi cơ bị phòng không địch bắn rớt,
không bóng dáng của chiếc dù, không một lời giã biệt, anh đã ra đi
và để lại bao thương tiếc. Tôi được lệnh đi lấy một chiếc khu trục
đáp khẩn cấp ở Quảng Ngãi vì lý do kỹ thuật nên mất một phi vụ hành
quân.
Thời tiết bắt đầu xấu trở lại, không một phi vụ nào
được thực hiện trong ngày 8/4/72. Sáng ngày 9/4/72, các chiến xa đã
di chuyển xuống hướng Nam sông Miêu Giang gần chân núi và tiến về
hướng Ðông, đồng thời uy hiếp một căn cứ QLVNCH nằm về hướng Tây Nam
của Ðông Hà khoảng 7 cây số. Phi tuần của tôi gồm hai chiếc A–1 được
trang bị 12 trái 500 cân(bls) cũng là phi tuần đầu tiên được điều
động cất cánh lúc 9:00giờ sáng. Thời tiết rất xấu bắt đầu từ Huế,
phi tuần hạ dần cao độ và bay dọc theo bờ biển với cao độ thật thấp
vừa đủ thấy bờ biển trong lúc xuyên qua một đám mưa. Thật nguy hiểm!
Thông thường phi vụ này phải được hủy bỏ vì thời tiết, nhưng vì nhu
cầu khẩn thiết của quân bạn, sự nhiệt tâm của phi công, tôi tiếp tục
hướng về mục tiêu. Sau ba phút phi tuần ra khỏi mưa, tôi lấy cao độ
và sắp đến Ðông Hà. Tôi liên lạc phi cơ quan sát và nhận rõ mục tiêu
là 20 chiến xa đang dàn hàng ngang về hướng Tây và cách căn cứ 200
thước. Trần mây dầy đặc ở cao độ 1900 bộ(ft) đã làm cho vũ khí mang
theo không mấy thích ứng với mục tiêu vì phi tuần cần có một độ cao
tối thiểu để thả bom cho chính xác, nếu được trang bị hỏa tiễn
(rocket) chống chiến xa thì tốt hơn. Phi tuần vừa đến mục tiêu thì
các chiến xa xả khói đen chạy về hướng Tây. Chúng tôi vào thả hết
bom ngay tức khắc trước khi chúng chạy vào bìa rừng, phi tuần xuyên
qua một màn lưới phòng không của địch. Khi kéo phi cơ lên, cả hai
chúng tôi đều bị chui vào mây nhưng đã gỡ ra được. Phi tuần kế tiếp
do Đại úy C hướng dẫn cũng báo cáo phòng không của địch bắn lên rất
mạnh. Anh nói chưa bao giờ thấy phòng không bắn nhiều như vậy trong
cuộc đời bay bổng của anh và tưởng sẽ bị rớt trong phi vụ này. Phi
tuần thứ ba do Đại úy Trần Thế Vinh dẫn, tiếp tục thanh toán mục
tiêu, sau khi đánh hết bom anh còn dùng đến đại bác 20ly. Không may
cho anh, đây là Phi Vụ Cuối Cùng trong nghiệp bay của anh. Phi đoàn
mất thêm một Phi Long tài ba lỗi lạc trong chuyến tăng phái này.
Ngày Ngày mai là ngày đổi phi hành đoàn, PÐ Khu
truc cánh quạt 514 từ Biên Hòa ra thay chúng tôi, đây cũng là lần
tăng phái cuối cùng. Tôi cũng được biết một số anh em trong PЖ514
kể lại là CSBV rất lo sợ mỗi khi có phi cơ khu trục đến mục tiêu.
Một phái đoàn Mỹ từ hạm đội đến thăm viếng PÐ Khu trục, họ rất ngạc
nhiên trước những phi vụ mà phi công A–1 đã thực hiện trong thời
tiết rất xấu và gọi các phi công là những người làm xiệc trên không.
Lực lượng xâm lăng của CSBV đã bị QLVNCH dập nát và không còn khả
năng chiếm vùng I trong cuộc Tổng tấn công. Do bản thống kê của
phòng Quân báo, Đại úy Trần Thế Vinh hạ 21 chiến xa, tôi, Đại úy L
hạ 17 chiến xa, và Đại úy Trương Phùng hạ 16 chiến xa... (Trương
Phùng đã hy sinh cho Tổ Quốc rạng sáng 29/4/75 tại phi trường Tân
Sơn Nhất). Tôi được chọn và đại diện cho KQ để tham dự lễ chiến
thắng tại Sài Gòn.
Về phía ta BTL/KQ đã quyết định đúng lúc
và kịp thời gởi hai PÐ Khu trục để tăng cường hỏa lực cho vùng địa
đầu giới tuyến và đối phó với thời tiết xấu trên mục tiêu vì phản
lực cơ A–37 ở Ðà Nẵng không thể sử dụng được. Với kinh nghiệm của
phi công và tầm chính xác của Khu trục cơ A–1 đã gây thiệt hại nặng
nề cho CSBV. Một khuyết điểm nhỏ là vũ khí mang đến mục tiêu đôi khi
không thích ứng với thời tiết trên mục tiêu. PЖ518 thực hiện 52 phi
xuất và thả 78 tấn bom trong chuyến tăng phái. Hai phi công của
PЖ518 đã hy sinh cho Tổ Quốc và ba chiếc A–1 bị bắn rớt.
Về
phía CSBV họ đã thua trận, hàng chục chiến xa bị đánh tan nát hoặc
hư hại, cùng với sự thiệt hại nặng nề về nhân mạng. Họ trốn chạy khi
thấy phi cơ xuất hiện, điều này cho thấy tinh thần chiến đấu của họ
bị sa sút. Vị tướng chỉ huy của họ không có kế hoạch an toàn cho
đoàn xe hơn trăm chiếc khi thời tiết bắt đầu tốt, dĩ nhiên là đoàn
xe đã bị một trận mưa bom trong ngày đầu ở gần Ðông Hà. Tôi có cảm
tưởng như trận Trân Châu Cảng khi quân Nhật đánh bom vào hạm đội Mỹ
ở Hạ Uy Di. CS thiếu khả năng và yếu kém về chiến thuật để làm vô
hiệu việc đặt mìn và phá sập cầu Ðông Hà của quân ta, trong khi CS
cần chiếc cầu này để đoàn xe đi qua. Với chiến thuật “rừng” của các
tướng lãnh đã đưa CSBV đi vào chỗ chết và thảm bại.
Tuy thời
gian trôi qua theo năm tháng nhưng lòng tôi không quên sự chiến đấu
oai hùng, dũng cảm và hy sinh của người lính Cộng Hòa để bảo vệ tự
do và an lành cho người dân miền Nam. Chúng ta xin thắp nến hương
lòng và nguyện cầu cho hương linh người quá cố sớm siêu thoát. Người
lính Không quân cho dù mai một bao giờ cũng thể hiện tinh thần
“không bỏ anh em, không bỏ bạn bè”.
Phi Long 31
Xuân 2009
* Cựu PÐ Trưởng Trung tá L.Q.
Hùng hiện ở Hawaii sau hơn 13 năm tù cải tạo.
* Cựu PÐ Phó và 21
Phi Long hiện sống rải rác trên các tiểu bang Hoa Kỳ.
oOo
Vinh thăng một Loài Chim
Anh đã ngủ yên trên Quê Hương: link không còn hoạt động
Chủ đề: 3. Tưởng Niệm Vị Anh Hùng Khu Trục: Thiếu tá Nguyễn Gia Tập
Tác giả: khongquan2
Buổi Phong Thần…
Nhân ngày Quốc Hận! Xin thắp một nén nhang lòng, cúi đầu tưởng
niệm đến những Chiến sĩ anh hùng của QLVNCH đã hy sinh cho lý tưởng
tự do của dân tộc, và xin nghiêng mình chiêm ngưỡng cái chết bi
tráng của Thiếu tá KQ Nguyễn Gia Tập, Phi công khu trục A1. Trong
giây phút vô cùng tuyệt vọng của đất nước, anh đã hiên ngang mỉm
cười, lấy máu mình hòa cùng với những dòng máu bất khuất khác để
gỉải oan, và rửa hờn cho Quân Lực oai hùng của miền Nam Việt Nam. Tổ
Quốc tri ân các anh!
– Trần
Ngọc Nguyên Vũ
Tôi vẫn nợ anh một lời trăn trối
Buổi
chia ly cạnh vũng máu bên đường
Anh kiêu bạc vẫy tay chào vĩnh
biệt
Nhắn nhủ ngày về giải thoát quê hương.
Anh lính
chiến những anh hùng bất tử
Đã bao lần nối gót bước tiền nhân
Cơn quốc biến hy sinh cho đại cuộc
Để ngàn sau chiêm ngưỡng buổi
phong thần. (*)
Nơi anh nghỉ có Hồn Thiêng Sông Núi
Cùng cỏ cây ru mãi khúc tình ca
Ôi thương quá bản tình ca dân tộc
Mấy mùa đau theo vận nước nhạt nhòa.
Trong hiu quạnh ngậm
ngùi cho thế sự
Trên hoang tàn đổ nát cuộc tang thương
Đêm
buông xuống vành khăn sô quằn quại
Nấm mồ hoang ai nhỏ lệ canh
trường.
Anh lính chiến tên anh còn vọng mãi
Trên từng
trang quân sử thật bi hùng
Dòng huyết sử tuôn trào như thác đổ
Khóc anh hùng phiêu dạt cõi mông lung.
Anh lính chiến
nghe chăng lời tâm nguyện
Rồi một ngày khi đất nước an hòa
Xin
được đến qùy chân bên mộ chí
Lễ giải oan hồn Tử sĩ thăng hoa.
Trần Ngọc Nguyên Vũ
(Tháng Tư oan nghiệt!)
Chú Thích: (*) Ngày 30/4/1975, trong khi tân TT Dương Văn Minh lo sửa soạn tiếp đón đoàn quân rừng rú của Cộng sản tràn vào dinh Độc Lập để tước quyền TT của ông, thì tại Bộ Tư Lệnh Không Quân trong Tân Sơn Nhất, Thiếu Tá Nguyễn Gia Tập, Phi Công Khu Trục A1 cũng đang sửa sọan cho buổi lễ phong thần của mình. Anh thức dậy rất sớm, tắm gội sạch sẽ, nói lời từ biệt với gia đình, rồi mặc bộ quân phục Đại Lễ của KQ, bộ đồ biểu tượng cho lời thề: “Tổ Quốc Danh Dự và Trách Nhiệm” của người lính chiến, đứng nghiêm trang truớc tiền đình BTL, giơ tay chào lá cờ vàng ba sọc đỏ đang phần phật tung bay trong gió, như để tiễn đưa người tráng sĩ vượt dòng sông định mệnh. Anh bình tĩnh giơ khẩu súng kề bên màng tang rồi bóp cò. Thân xác anh đổ xuống như một cây thông cổ thụ bị tróc gốc trước cơn cuồng nộ tiếc thương của đất trời. Dòng máu kiêu hùng của người trai thời loạn tuôn trào xối xả, hòa cùng với những dòng máu bất khuất của Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Phạm Văn Phú, Trần Văn Hai, Lê Nguyên Vỹ, Hồ Ngọc Cẩn, Phi Hổ Nguyễn Mạnh Dũng, và những Chiến sĩ Anh Hùng Vô Danh khác để rửa sạnh những nỗi oan khuất, oán hờn cho một quân lực oai hùng bị bức tử.
Trên bầu trời vần vũ đám mây tang, văng vẳng những lời thơ cổ tấu lên như một bi khúc phong thần:
“Hồn Tử sĩ
gió ù ù thổi
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi
Chinh phu Tử sĩ
mấy người
Nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn…”
Chung
quanh anh, giờ này không còn ai ở lại
để vuốt mắt cho người anh hùng một lòng trung kiên với tổ quốc.
Nhưng hồn anh đã thoát khỏi xác thân phàm, theo luồng âm phong cuồn
cuộn nổi lên đưa anh về cho kịp buổi lễ phong thần nơi cõi vĩnh hằng
cao diệu vợi.
(Danh sách ghi trong Tập ‘Skyraider và Không
Quân VNCH, được các thân hữu bổ sung, riêng trường hợp hy sinh của
các phi công thuộc Phi đoàn 520 đã được NT Nguyễn Thiện Ân ghi lại..
(phần in chữ nghiêng)
Danh sách được xếp theo thứ tự ABC của
tên.
– Thiếu tá Nguyễn Thế Anh: tử nạn trên
một A–1G (bay chung với Thiếu tá Nguyễn văn Long) bay thử phi cơ từ
Tân Sơn Nhất về Biên Hòa, phi cơ bị hỏng thắng, rời phi đạo và lật
úp xuống vũng nước, ngập xình. Phi công chết vị ngộp.
– Chuẩn
úy Phạm Gia Anh (PĐ–514): hy sinh trong một phi vụ
tiền oanh kích (P/S) ở Cà Mâu. Anh bay chiếc số 2, phi tuần trưởng
là Trung úy Quách Thanh Dần. Chuẩn úy Anh bị trúng đạn xuyên cổ khi
thả napalm.
– Thiếu úy Dương Ngọc Bích
(PĐ–520): hy sinh trong khi bay yểm trợ hành quân tại Thác lác
(tháng 2–1967), trong phi vụ bay đêm này anh bị “vertigo” (chóng
mặt), phi cơ đâm thẳng xuống ruộng, tạo một lỗ sâu chừng 8m.
– Thiếu úy Nguyễn Huy Bổng (PĐ–524)
– Trung úy
Cấn Thanh Cát (PĐ–530)
– Thiếu tá Trần
Sĩ Công: hy sinh tại Phan Rang ngày 16/4/1975 trong phi vụ
từ SĐIIIKQ tăng phái cho chiến trận Phan Rang.
– Trung úy
Tô Minh Chánh (PĐ–514): hy sinh năm 1961 tại Hạ Lào
–
Thiếu úy Nguyễn Đức Châu (PĐ–518)
– Đại úy
Trần Công Chấn (Chỉ huy trưởng PĐ–518).
– Đại úy
Nguyễn Hữu Chẩn: hy sinh tại Đồng Hới (xem các phi
vụ Bắc phạt).
– Thiếu úy Cao Minh Dõng (PĐ–516)
– (?) Mạc Kính Dung (PĐ–514)
–
Thiếu úy Nguyễn Hoàng Dự (PĐ–524)
– Thiếu úy
Lưu Thanh Điền (PĐ–524)
– Trung úy Lê
văn Độ (PĐ–530)
– Trung úy Bùi Đại Giang:
hy sinh tại Hố Bò ngày 7 tháng 3 năm 1966
– Thiếu úy Lê
Nguyên Hải (Biệt đội 516)
– Thiếu úy Trần Như
Hoành PĐ–514
– Trung úy Vũ Khắc Huề
(PĐ–516): tại Đồng Hới (Xem các Phi vụ Bắc phạt).
– Chuẩn úy
(?) Hồng (PĐ–514): hy sinh năm 1961 trong một phi
vụ oanh kích tại Tân Hiệp (Định Tường).
– Đại úy Cao
Bá Hùng (PĐ–518): hy sinh tại Tân Khai ngày 20 tháng 5 năm
1972.
– Trung úy Nguyễn Ngọc Hùng (PĐ–530): tử
nạn tại đồi Chu Pao ngày 24 tháng 5 năm 1972.
– Đại úy
Nguyễn Quan Huy (PĐ–514): tử nạn tại Bắc Biên Hòa
1963, trong khi cố xuyên sương mù để đáp.
– Thiếu úy
Mai Nguyên Hưng (PĐ–514): tại Bà Rá (Phước Long0 sau phi vụ
Bắc phạt.
– Thiếu úy Phan Khôi (Biệt Đoàn 83)
– Thiếu úy Nguyễn Duy Khoa Khôi (PĐ–520)
– Thiếu
úy Trần Đăng Khuê (PĐ–520)
– Trung úy
Dương Huỳnh Kỳ (PĐ–530): hy sinh tại Căn cứ Charlie
6 giờ chiều ngày 12 tháng 4 năm 1972 (vài giờ sau khi Trung Tá
Nguyễn Đình Bảo TĐ11ND hy sinh).
– Chuẩn úy Phạm Hy
Kỳ (PĐ–514): hy sinh trong phi vụ hành quân (1962) tại Mộc
Hóa (Kiến Tường).
– Trung úy Lê văn Lâm
(PĐ–518)
– Thiếu tá Nguyễn văn Long (PĐ–514): tử
nạn chung với Thiếu tá Nguyễn Thế Anh.
– Chuẩn úy
Nguyễn Thành Long (tự Long chà) (PĐ–514): hy sinh trong phi
vụ hành quân (1965) tại Bình Long.
– Đại úy Nguyễn
văn Lớn (PĐ–520): Trưởng Phòng Hành quân, hy sinh trong phi
vụ bay huấn luyện đêm cho 2 khóa sinh phi tuần phó: Số 2 Trung úy Lê
Hữu Quan và số 3 Trung úy Huỳng Công Đăng: “Đêm
hôm đó, sau khi cất cánh khoảng 30 phút, được Đài kiểm soát không
lưu thông báo thời tiết xấu, anh dẫn phi tuần trở về đáp. Lúc này
trời bắt đầu đổ mưa, loại mưa rào ở vùng đồng bằng sông Cửu Long,
anh quyết định cho chiếc số 3 đáp trước, nhưng không may, sau khi
chạm bánh, số 3 chạy ra cỏ. Anh bèn dẫn số 2 rời vòng phi đạo và chờ
cho tạnh mưa. Khoảng 10 phút sau, đài kiểm báo mất liên lạc với phi
tuần của anh. Một trực thăng cấp cứu được lệnh cất cánh và cuối cùng
tìm thấy 2 phi cơ bị crash gần phi trường. Khi tìm thấy, anh đã tử
nạn và vẫn còn ngồi trong phòng lái. Chiếc số 2: Trung úy Quan bị
văng ra ngoài và được cứu sống. –
(Theo KQ Nguyễn Thiện Ân)”.
– Thiếu úy Cao văn Lũy (PĐ–524)
– Trung úy
Lê kim Luyện (PĐ–516)
– Trung úy Bảo
Minh: hy sinh tại Cà mâu tháng 12 năm 1967, trúng đạn khi
thả napalm.
– Trung úy Nguyễn Bình Nam (PĐ–518):
hy sinh năm 1972
– Thiếu úy Nguyễn Thành Nam
(PĐ–522): tử nạn khi đáp tại Mộc Hóa
– Đại úy Chế văn
Nghĩa (Chỉ huy trưởng PĐ–514)
– Trung úy Nguyễn
văn Nghĩa (PĐ–518): hy sinh 1972
– Thiếu úy
Nguyễn Vĩnh Ninh (PĐ–524)
– Trung úy Nguyễn văn
Phú (PĐ–516)
– Thiếu tá Trương Phùng:
hy sinh trên không phận Sài Gòn 7:00giờ sáng ngày 29/4/1975.
–
Đại úy Võ Thanh Quang (Chỉ huy phó PĐ–518)
–
Thiếu úy Nguyễn Nhật Quang (PĐ–518)
– Thiếu úy
Nguyễn Đình Quý (Biệt Đoàn 83)
– Trung tá
Phạm Phú Quốc: hy sinh tại Hà Tĩnh (xem các phi vụ
Bắc phạt)
– Thiếu tá Nguyễn Tấn Sĩ (PĐ–516
Không đoàn phó KĐ74CT). “Khoảng tháng
4–1968, một buổi tại Câu lạc bộ Sĩ quan (lúc đó có Trung tá Nguyễn
Huy Ánh, Thiếu tá Sĩ KĐP, Trung úy Bùi Công Uẩn, Trung úy Nguyễn
Trực và tôi –Nguyễn Thiện Ân–), có tin VC vào gần vòng đai phi
trường. Thiếu tá Sĩ tình nguyện thi hành phi vụ và gọi Trung úy Trực
cùng bay ở vị trí số 2 (không có FAC). Khi đến mục tiêu, sau khi số
1 vào thả bom, nhưng số 2 không thả được vì không theo kịp nhịp độ
vào vòng bắn của số 1 nên đã làm drive pass. Lúc thả hết bom, để chỉ
mục tiêu cho phi tuần viên của mình, ông đã dùng đại bác 20ly để bắn
xuống mục tiêu và vì phi cơ xuống quá thấp nên bị crash, cày một
rãnh sâu và dài trên ruộng. Ông đã hy sinh.”
–
Chuẩn úy Nguyễn Sơn (PĐ–520): cất cánh ra cỏ, đụng
vào một C–130 đang đậu ở Phi trường Đà Nẵng.
– Thiếu úy
Liêu văn Tám (PĐ–520): cất cánh tại phi đạo Biên
Hòa, vào bánh đáp lúc phi cơ chưa rời khỏi phi đạo, phi cơ bị crash
trên phi đạo với trang bị napalm nên bị nổ cháy (một nhân viên cứu
hỏa của KQHK đã tử nạn trong lúc cố cứu anh ra khỏi phi cơ).
– Trung úy Nguyễn văn Tám (PĐ–520) (tự Tám gồng):
“Anh có nick name là Tám gồng không phải vì Anh học võ Miên, nhưng
thật ra mỗi lần phi trường bị VC pháo kich, anh phải gồng mình lên
cho đỡ sợ. Trong phi vụ hành quân vào đêm mồng1 rạng mồng 2 Tết Mậu
Thân (1968), sau khi oanh kích tại khu vực Gò vấp (thuộc vòng đai
phi trường Tân Sơn Nhất), trở về đáp. Anh bay chiếc số 1 (có Trung
úy Nguyễn văn Trân ngồi ghế phải trên chiếc AD5) trong tình trạng
nhiên liệu khẩn cấp, anh đã làm vòng bay khác: kết quả phi cơ bị
crash và cả hai cùng tử nạn.”
– Trung úy Phan Thiện
Tâm (PĐ–514): hy sinh tại Hạ Lào 1961
– Thiếu úy
Nguyễn Thế Tế: hy sinh tại Đồng Hới trong một phi
vụ Bắc phạt (Xem các phi vụ Bắc phạt)
– Thiếu tá Vũ
văn Thanh (PĐ–518): hy sinh năm 1972
– Thiếu tá
Phạm văn Thặng (PĐ–530): hy sinh tại Kontum ngày 26 tháng 5
năm 1972.
– Chuẩn úy Trần văn Thiện: tử nạn
trong một phi vụ huấn luyện tại Phú Bài (Huế) năm 1962
–
Trung úy Trần Đình Thiệt (PĐ–516)
– Chuẩn úy
Nguyễn Tấn Thoạt (PĐ–520) : hy sinh trong một phi
vụ hành quân đêm.
– Thiếu úy Nguyễn Ngọc Thống
(PĐ–520)
– Trung úy Lâm văn Thới (PĐ–516)
– Trung úy Nguyễn văn Trận (PĐ–520): Tử nạn
cùng với Trung úy Nguyễn văn Tám (xem trên)
– Trung úy
Nguyễn văn Trương (PĐ–514)
– Thiếu úy
Phan Quang Tuấn (PĐ–514)
– (?) Trịnh Đức Tự
(PĐ–516): tử nạn tại Nam Đà Nẵng trong một phi vụ hành quân, đụng
với máy bay trinh sát. Phi cơ rơi tại chân núi Đá đen ở Tây Nam Hội
An.
– Đại úy Trần Thế Vinh (PĐ–518): hy sinh
tại Quảng Trị ngày 9/4/1972 sau khi đã bắn hạ 21 chiến xa của CSBV.
Trong phần “Các phi công VN đã ra
đi trên Skyraider khi bay với tư cách tháp tùng”.
– Trường hợp của Trung úy Flynn được NT Nguyễn Thiện Ân bổ túc
như sau: Ngày 23/9/1964, Trung úy George Flynn bay chung với Chuẩn
úy Trần Quốc Tuấn. Trong phi vụ yểm trợ một đồn quân bạn ở Rạch giá
vào ban đêm, phi cơ bị bắn cháy. Trung úy Flynn ra lệnh cho Tuấn
nhảy dù trước. Sau khi nhảy dù Flynn bị VC bắt, còn Tuấn cố trốn xa
nơi dù đáp xuống, dùng tay đào lỗ để nấp, anh nghe tiếng nói chuyện
của đám VC đang đi tìm anh, nhưng rất may là chúng không tìm thấy;
trong khi đó Đai úy May (34th TAC) bay chung với Chuẩn úy Huỳnh Bá
Phúc, lái chiếc AD5 nhào xuống yểm trợ thì cũng bị bắn trúng và
crash. Theo Đại úy May ông đã giao cây rouleau cho Phúc, còn ông giữ
cây AR–15, sau đó Phúc chạy vào làng và bị VC bắt. Sáng hôm sau Đại
úy May và Chuẩn úy Tuấn được trực thăng rescue và đưa về căn cứ Biên
Hòa. Trung úy Flynn sau đó chết trong trại giam VC (không có chi
tiết thêm về Chuẩn úy Phúc) .
Trần Lý
oOo
Tác giả:
PhượngTìmHoàng
Còn thiếu rất nhiều tên các phi công đã tử
nạn với chiếc “Thiên Kích” này,tạm nhớ như sau:
Trung úy
Nguyễn Duy Vinh (PĐ–518): hy sinh tại chiến trường
Cam Bốt năm 1971.
Thiếu úy Nguyễn Minh Hoàng
(PĐ–514): hy sinh tại Dầu Tiếng.
Thiếu úy Lưu Kim Thanh
(PĐ–514 )
Thiếu úy Đỗ Tín: người đầu tiên tử
nạn với chiếc ghế “jettision seat” chưa được hoàn chỉnh, tại Biên
hòa năm 1967
Thiếu úy Đàm Chí Dzũng
(PĐ–514): tại Bình Thủy năm 67 (em ruột Thiên Ưng 01 ĐTV)
Trung
úy Nguyễn Văn Ninh (PĐ–518)
Trung úy
Nguyễn Long Đăng (PĐ–518)
Trung úy Tăng Tấn Tài
(PĐ–518)
Thiếu úy Bùi Văn Tài (PĐ–524)
Thiếu
úy Đinh Quang Cứ (PĐ–524)
Trung úy
Nguyễn Điền Phong (PĐ–516): Mậu Thân 1968 tại Huế.
Đại
úy Nguyễn Du (PĐ–516) (có biệt danh “VC killer “.)
Đại úy Võ Văn Trương (Phi Đoàn Phó) (PĐ–514)
Thiếu úy Hà Xường: tử nạn phi vụ bay đêm tại
Hurlburt Field, Florida.
Xin sửa lại các tên sau đây cho
đúng:
Thiếu úy VÕ Nhật Quang, không phải họ
Nguyễn.
Thiếu úy CAO Đức Châu, không phải họ
Nguyễn.
Đại úy NGUYỄN Cao Hùng, không phải họ
Cạo
Tác giả: nthai
Trong danh sách “Ra đi cùng Skyraider” này tôi cũng thấy
thiếu hai người bạn mà khi xưa chúng tôi cùng học chung khóa T–28
tại Keesler, MI. Sau này cả hai anh đều bay A–1 ở PĐ–518 và đã hy
sinh. Xin được bổ túc thêm:
1 – Thiếu úy Nguyễn Quang
Hùng (Ở đường Lê Văn Duyệt, Hòa Hưng): tử nạn khoảng 6–1972
khi đáp xuống Biên Hòa
2 – Thiếu úy Trương Hòa Thành:
bị bắn rơi ở Gò Dầu Hạ khoảng tháng 3–1973
NThai
Tác giả: herky482
Tôi đọc trong danh sách này thấy có thiếu 1 người anh quen biết
từ hồi nhỏ:
Thiếu úy Nguyễn Đạo Lý. “Tại
căn cứ KQ Bình Thủy có tên con đường Nguyễn Đạo Lý. Vì không thấy
tên và nhớ rất ít về anh Lý lúc hy sinh nên cách đây 1 giờ tôi đã
gọi phone cho chị Lý hiện đang sinh sống tại Seatle. Chị cho biết
anh Lý hy sinh trong 1 phi vụ tại Ba Xuyên đêm 1/6/1965. Anh đi KQ
Khóa 61. Đường Nguyễn Đạo Lý được đặt tên tại Bình Thủy lý do là anh
đang ở PĐ–514 tại Biên Hòa sắp sửa chính thức thuyên chuyển về
PĐ–520 tại Cần Thơ lúc đang thi hành phi vụ. Anh đã crash vào thửa
ruộng, phi cơ còn nguyên vẹn không bốc cháy, trực thăng thả hỏa châu
không tìm thấy xác phi cơ lý do là du kích quân trét bùn trên toàn
thân phi cơ, đến sáng ngày hôm sau khi trực thăng bay thấp thấy được
cái đuôi của chiếc AD–6 nên toán cấp cứu đã đến được xác phi cơ, mở
Canopy kéo xác anh Lý ra. Các Bác sĩ sau này cho biết anh Lý chết
khoảng 5:00giờ sáng. Nếu Trực thăng phát hiện ra chiếc AD–6 hồi tối
thì anh Lý chắc đã được cứu sống? Lúc anh Lý hy sinh chị Lý đang có
thai đứa con gái đầu được 5 tháng. Hiện nay cháu gái Nguyễn Thị
Quỳnh Dao đang sinh sống tại Nam Cali. Cháu mới sang Mỹ được hai năm
nay.” – PQK
Tác giả: HvT.514
Thưa anh TRAN LY.
Những thời gian để nhớ lại và cập nhật về
danh sách của những anh hùng HoaTiêu Khu Trục của KLVNCH đã hy sinh
trong nhiều giai đoạn và trên khắp các chiến trường của cuộc chiến
trước 1975! Thật là một việc làm đáng quý, nhưng thưa với anh, em có
xem qua danh sách của anh Phạm đình Khuông đã ghi về khóa SVSQ Hoa
tiêu Khóa 65 (tổng cộng 74 Hoa tiêu, đã hy sinh mất 25 rồi) trong đó
PĐ–514 là có con số hoa tiêu hy sinh nhiều nhất về Skyraider. Vấn đề
này em nhờ anh BUU DAN bổ túc dùm, và trong đó cũng có người anh của
em là cố Đại úy Huỳnh văn Tưởng đã hy sinh vào cuối mùa đông 1974
trên chiến trường Đức Hòa Đức Huệ, chắc anh còn nhớ.
Tác giả:
MTMind
Kính quí Bác,
Cháu xin phép được hỏi/ bổ sung thêm
vào list bác Đặng Minh Triết (chạy chiếc Vespa Super xanh da trời
nhạt, nhà đối diện nhà Thiếu tá Trương Phùng trong cư xá Huỳnh Hữu
Bạc, Biên Hòa) cũng ra đi cùng A1 nhưng cháu không nhớ rõ bác Triết
thuộc phi đoàn 518 hay 514.
Mặc dù đã mấy chục năm, nhưng
hình ảnh và cảm giác vẫn in đậm trong trí nhớ....vành khăn tang trên
đôi mắt thơ dại của mấy đứa bạn con của bác Đoàn Toại (chạy chiếc
pick up xanh đậm) nhà ngay đầu ngõ có bụi tre cao. Rồi chẳng bao lâu
đến nhà bác Triết, rồi chẳng bao lâu lại đứng trước nhà nhìn vào bác
Vĩnh Anh bị SA7 nằm trên giường, chân tay bị cháy loang lỗ từng
mảng, (đến bây giờ ăn lạp xưỡng vẫn bị liên tưởng đến). Không ngờ
bác Trương Phùng (chạy chiếc Pergoet trắng) cũng đã gẫy cánh giờ 25.
Khu cư xá chỉ có khoảng 10 gia đình mà hết 5 bị rớt (3 chết, 2 nhảy
dù).
Đa tạ,
MTMind
oOo
Chủ đề:
4.
Phi vụ Bắc phạt Ngày 28/2/1965
(nhìn từ Đài Kiểm Báo Panama)
Tác giả: TRANLY
Mục tiêu của Phi vụ này là những doanh trại
của CSBV bên ngoài Đồng Hới, cách Đà Nẵng khoảng 1 giờ 15 phút bay.
Phi vụ được đặt dưới sự hướng dẫn của Thiếu tá Dương thiệu Hùng, Tư
lệnh Không đoàn 41 (KĐ41), do có sự tham dự của các phi cơ thuộc
KĐ62 (Pleiku), nên Tư lệnh KĐ62CT, Trung tá Trần văn Minh cũng đến
Đà Nẵng để theo dõi cuộc hành quân. Phi vụ bắt đầu lúc 2:00giờ chiều
ngày 28–2 với sự tham dự của 6 phi tuần A–1H (3 của PĐ–524 Thiên
lôi/ KĐ62CT và 3 của PĐ–516 Phi Hổ/KĐ41CT do Trung úy Ôn văn Tài
hướng dẫn.)
“Trên đường bay đi, máy bay của ta đã tìm thấy
nhiều PT boat của Cộng sản ngoài duyên hải từ Khu Phi Quân sự trở ra
và khi đến mục tiêu các phi cơ của KQVN đã gặp phải hỏa lực dầy đặc
của địch, đủ loại đại liên, cao xạ 37 ly. Ngay đợt oanh tạc của Phi
tuần thứ nhất, Phi hổ 1 (hay Flying Tiger 1, danh hiệu của Thiếu Tá
Hùng) đã bị trúng đạn Đại liên 50 và động cơ bị chảy dầu. Sau khi
thả hết bom, Flying Tiger 1 hướng ra biển, cố gắng lấy cao độ để có
thể bay về đến bên này Vĩ tuyến 17, để được cấp cứu. Wingman Flying
Tiger 2 là Thiếu úy Vũ khắc Huề đã báo cáo với Panama để xin rescue
cho Flying Tiger 1. Tôi và Trung tá Minh đến bên scope của Thiếu úy
Phước quan sát cuộc điều động cứu cấp. Trung tá Minh hỏi: “Radar có
bắt được tín hiệu của phi cơ Thiếu tá Hùng lái không?” Tôi nói:
“được, nếu phi cơ bay ở cao độ 3000 bộ và ‘squawk emergency”. Tôi
bảo Thiếu úy Phước báo cho ASOC 1 và Phòng Hành quân Chiến cuộc
KĐ41CT biết tin Flying Tiger bị bắn và xin xe cứu hỏa, xe cứu thương
túc trực chờ ngoài phi đạo, đồng thời xin 2 trực thăng H–34 của
PĐ–214 bay sẵn, chờ cấp cứu trong trường hợp Thiếu tá Hùng phải bỏ
phi cơ nhảy dù cho an toàn. Thiếu úy Phước cũng nhờ đối tác
(counterpart) Mỹ (USAF) xin trợ giúp trong việc cứu nạn Flying Tiger
1 đang trên đường bay về căn cứ. Khoảng gần 4:00giờ chiều, Panama có
tiếp xúc được với FT 1 ở cao độ 5000 bộ, phía Nam DMZ chừng 30
miles. Đại úy Knight (USAF) cho biết có sẵn 1 trực thăng CH–54 của
US Navy đang bay theo FT–1 và sẵn sàng rescue. 20 phút sau đó, FT–1
gọi “mayday, báo cáo động cơ bốc khói dữ dội, có thể phát hỏa, và
phi cơ đang mất dần cao độ.” Đến 4:45giờ, Thiếu tá Hùng gọi:
– Panama Control, FT–1 gọi, over
– FT–1, Panama nghe bạn 5/5
– Panama, tôi còn cách Đà Nẵng khoảng 20 miles, cao độ 3500 bộ,
tôi sẽ phải bỏ phi cơ nhảy dù, vì động cơ bắt đầu cháy.
10
phút sau, Đại úy Knight cho biết VNAF, FT–1 đã crashed ở 25 miles
off shore, Phi công nhảy dù xuống biển đã được CH–54 của Navy rescue
và đang trên đường bay về Quân Y viện Duy Tân tại Đà Nẵng.
Sau phi vụ này Thiếu tá Hùng được nghỉ dưỡng sức 15 ngày và sau đó
trở lại tiếp tục chỉ huy KĐ41CT và điều hành các phi vụ Bắc phạt cho
đến tháng 5–1965.
(Theo Trung tá Trần đình Giao, bài đăng
trên Website bgkq)
Phi vụ
Bắc phạt Ngày 19/4/1965
Phi vụ này nằm trong
khuôn khổ các cuộc Hành quân Rolling Thunder 11–14 (kéo dài từ
17/4/1965 đến 12–5–1965).
Phi vụ gồm 6 phi tuần A–1H và A–1G
do Trung tá Phạm Phú Quốc, Tư lệnh KĐ23CT chỉ huy và hướng dẫn. Mục
tiêu là oanh kích các kho đạn và Trung tâm Tiếp liệu của CSBV tại Hà
Tĩnh.
Sau đây là diễn tiến Phi vụ nhìn từ Đài Panama:
Sĩ quan chỉ đạo tại đài Panama là Thiếu úy Hoàng Bá Mỹ, Phụ tá là
Thiếu úy Phạm quốc Tiến. Sĩ quan trực hành quân là Trung úy Hoạt.
Hai H–34 rescue của KQVN trực tại Đông Hà với danh hiệu Butterfly 1
và Butterfly 2.
Như thường lệ, trong nhiệm vụ theo dõi diễn
tiến phi hành và cứu nạn 2 toán radar hành quân Việt–Mỹ đã làm việc
kết hợp khá chặt chẽ. Các thiết bị radar, scope trong tình trạng
toàn hảo. Hệ thống canh gác trên không và cứu nạn giữa Panama, và
các đài Yankee, Pretty Girl… được phối hợp rất chặt.
Các phi
tuần của KQVN, 18 phi cơ, cất cánh lúc 1:00giờ chiều, danh hiệu là
Tiger Red. Danh hiệu của Trung tá Quốc là Tiger Red 1. Panama đã
hướng dẫn Tiger Red đến mục tiêu oanh tạc và trở về gần như an toàn,
mặc dù gặp phải hỏa lực phòng không của địch bắn lên rất dữ dội. Khi
các phi tuần bay trở về, đến gần đảo Hòn Cọp (Tiger Island), một đảo
nhỏ ở ngoài khơi phía Bắc DMZ khoảng 5 miles, thì bỗng thấy Tiger
Red báo cáo có súng dưới đất bắn lên. Một lát sau, Panama nghe Tiger
Red 2 báo cáo: Tiger Red bị bắn rơi! Và đã crashed xuống đất gần bãi
biển! TR 2 cho biết tiếp: Red 1 bị bắn, quay lại định thanh toán ổ
phòng không thì bị hạ! Tôi và Thiếu úy Mỹ cùng giật bắn người lên.
Mỹ báo tin TR 1 crashed cho Trung úy Hoạt ở Phòng Hành quân biết,
Hoạt cũng bấn lên và yêu cầu Panama nhờ Hoa Kỳ giúp rescue Trung tá
Quốc. Cả Phòng Hành quân đều lo âu. Hai chiếc trực thăng cấp cứu ở
Đông Hà được lệnh cất cánh, một lát sau Butterfly báo cáo là mưa gió
kéo đến, trần mây rất thấp không thể bay xa hơn được và xin trở lại
Đông Hà. Thiếu úy Mỹ hỏi Trung úy Peoples(USAF): Có chiếc A–1H của
VNAF bị hạ ở tọa độ gần Tiger Island, các anh có chiếc rescue nào
gần đó không? Peoples cho biết USAF cũng có một chiếc F–100 bị bắn
rơi và đang làm rescue!
Khoảng 3:00giờ chiều, Trung úy Hoạt
từ Phòng Hành quân gọi Panama cho biết: Lệnh của Tư lệnh KQ là phải
rescue Trung tá Quốc bằng mọi giá! Thấy tình hình nghiêm trọng, tôi
vội chạy lên lầu 3 gặp Đại tá Champlin (TACC/ North Sector) nhờ liên
lạc với Hạm đội để xin yểm trợ cứu nạn. Một lát sau, Tướng Kỳ đích
thân điện thoại nói chuyện với Đại úy Tiếp (Trưởng đài Panama) để
tìm hiểu việc rescue.
Trong khi đó, Peoples cho biết: “Chúng
tôi còn 1 CH–54, tôi đang dẫn vào vùng phi cơ crashed, dưới sự cover
của 2 F–4C, yêu cầu xác định lại tọa độ.” Mỹ kêu Tiến đo lại tọa độ
và trao cho Peoples. Một lát sau Peoples cho biết 2 F–4C đã nhận ra
nơi Trung tá Quốc rơi, nhưng dưới đất có rất đông người, có lẽ dân
làng, đang chạy về phía phi cơ rơi. Tiếp theo là chiếc CH–54 cũng
báo cáo là mưa to, gió lớn, lại có thêm mấy chiếc PT boat từ bờ chạy
ra, có súng bắn lên từ dưới nên không thể bay vào rescue được. Các
phi cơ rescue bay quần thảo trên vùng phi cơ rơi một lát rồi đành
quay về. Chúng tôi nhìn nhau, lắc đầu thất vọng. Đại tá Champlin:
sorry vì rescue kể như thất bại! Peoples sau đó cho biết: trước đó
hơn 1 tiếng USAF cũng có 2 F–100 bị hạ nên việc rescue Trung tá Quốc
bị chậm trễ.
(Theo Trung tá Trần đình Giao (De Couteau) viết
trên Website bgkq)
Ghi chú: Theo các tài liệu
chính xác thì phi cơ của Trung tá Quốc bị bắn hạ gần Hà Tĩnh.
Phi công Trần Mạnh Khôi (một trong 6 phi công tham dự phi vụ
này) đã ghi lại như sau:
Nhiệm vụ phi vụ tuần thám võ trang
do Trung tá Quốc huớng dẫn là bay dọc Quốc lộ 1 từ Hà Tĩnh vào Nam
nếu gặp những quân xa, trại lính thì cứ việc tấn công tiêu diệt chứ
không có những mục tiêu nhất định.
Phi vụ bay ra Bắc ngày
19/4/1965 do Trung tá Quốc dẫn là phi vụ tuần thám võ trang đầu tiên
của KQVNCH và cũng là phi vụ Bắc phạt chính thức và cuối cùng của
KQVN, tuy nhiên sau đó các phi công của Biệt Đoàn 83 vẫn thi hành
những phi vụ bay ra Bắc.
Hôm đó bay từ Biên Hòa ra Đà Nẵng
gồm có 6 phi cơ A–1H. Sau khi đáp tại Đà Nẵng, ông Quốc cho chúng
tôi ra Câu lạc bộ ở Phi cảng Đà Nẵng ăn cơm, còn ông thì về nhà ăn
cơm trưa với bà Cụ. Khoảng 1 giờ trưa thì ông lái xe vào đón chúng
tôi về Phòng Quân báo/ KĐ41CT để nghe thuyết trình. 6 phi cơ đã được
chia ra như sau:
Phi tuần nặng được trang bị bằng bom nổ,
rocket, đại bác 20ly:
1– Trung tá Phạm Phú Quốc: quyền Tư
lệnh KĐ23CT
2– Thiếu úy Nguyễn Đức Chương, PĐ–518
3– Đại úy
Đặng Thanh Danh, Chỉ huy phó PĐ–518
4– Thiếu úy Trịnh Bửu Quang,
PĐ–518
Phi tuần hộ tống được trang bị rocket và đại bác 20ly:
1– Đại úy Chế văn Nghĩa, Chỉ huy trưởng PĐ–514
2– Thiếu úy
Trần Mạnh Khôi, PĐ–518
Sau khi cất cánh và vừa tập họp để
check lẫn nhau là tới Mỹ Khê, thế là ông Quốc ra lệnh xuống thấp,
chúng tôi đã bay sát mặt nước, dọc theo bờ biển, đến phía Nam Hà
Tĩnh thì lấy hướng Tây bay vào đất liền, rồi bay dọc theo Quốc lộ 1
xuôi Nam. Cả 2 phi tuần đều bay ở vị thế chiến đấu và bay rất thấp
(khoảng 50 feet trên mặt đất) để tránh radar.
Khoảng chừng 5
phút sau thì Quang la lên là số 4 bị bắn, thế là ông Quốc vừa múc
lên quay lại 180 độ và bắn rockets xuống địch quân, thì lúc đó Số 1
trúng đạn phòng không nổ và cháy trên cao độ khoảng hơn 1000 feet
(đây là lời của Nguyễn đức Chương, tôi không thấy vì lúc đó phi tuần
hộ tống còn ở xa và kinh nghiệm chưa có nên cứ mải bay theo leader
và nhìn quanh). Mọi người trong phi tuần la lên là Số 1 bị bắn rơi,
lúc đó Anh Nghĩa ra lệnh cho Anh Danh dẫn Số 2 và 4 ra biển, tất cả
phi cơ jettison bom và rockets ở ngoài biển và hướng về Nam. Lúc đó
Anh Nghĩa dẫn tôi bay gần vào check phi cơ của Quang: phi cơ trúng
đạn khá nặng, đầu wing tip của cánh phải bị bắn văng mất tiêu, có
một lỗ khá to gần sát aileron. Tôi còn nhớ là Quang bay nghiêng qua
nghiêng lại thì Anh Nghĩa bảo là phải bay cẩn thận, quẹo (bank) từ
từ thôi, đừng quẹo gắt nguy hiểm!
(Theo e–mail trả lời người
viết ngày 9/9/2005 của KQ Trần Mạnh Khôi)
Những phi vụ Bắc phạt của Phi
công Lý ngọc An:
Đại úy Lý ngọc An, một phi
công kỳ cựu thuộc Biệt đoàn 83, kể lại một số chi tiết vể các phi vụ
Bắc phạt của Ông trong bài “Đi không ai tìm xác rơi” đăng trong
“Không Quân ngoại truyện” Quyển thứ nhất.
“… Phi vụ Bắc phạt
đầu tiên của tôi, tuy đã được briefing rất kỹ và xem không ảnh về
phòng không của địch, lòng tôi vẫn còn run sợ vì nghe những phi công
đi trước dọa rằng ‘phòng không của Bắc Việt rất ư là khủng khiếp’,
nhưng sau một vài phi vụ liên tiếp tôi đã cảm thấy vững bụng và tự
tin hơn. Phi vụ thứ 11 có hai phi tuần, đánh chiếc cầu phía Nam của
Vinh. Chúng tôi đã được chỉ thị là khi vào đến mục tiêu thì salvo
hết bom đạn, rồi rời mục tiêu vì rút kinh nghiệm những phi vụ trước,
ở trên mục tiêu lâu chỉ làm mồi cho phòng không BV, ngoài ra trước
khi đi, cũng được briefing là sau khi đánh xong mục tiêu thì tập họp
ngoài biển để điểm danh trước khi bay về. Nhưng khi kiểm danh thì số
4 của phi tuần tôi không trả lời. Sau khi được biết phi công số 4
trong phi tuần là Nguyễn Thế Tế, một phi công trẻ mới ra trường từ
Mỹ về bị mất tích, tôi quyết định ở lại với số 2 của tôi là cố vấn
HK, số phi cơ còn lại bay về đơn vị dưới sự hướng dẫn của phi tuần
trưởng phi tuần 2. Sở dĩ tôi dùng cố vấn Mỹ bay số 2 cho tôi là để
nhờ anh liên lạc với những phi tuần phản lực của HK bay ở phía Bắc
mục tiêu của chúng tôi, xem họ có thấy chiếc A–1H nào bay về hướng
Bắc không? Nếu không thấy thì yêu cầu họ phụ giúp với chúng tôi
trong việc tìm kiếm chiếc phi cơ lâm nạn. Chúng tôi ở lại tìm kiếm
quanh mục tiêu trên 2 tiếng đồng hồ nhưng không thấy một vết tích gì
trên mặt đất hay trên mặt những hồ nhỏ rải rác quanh mục tiêu cả.
Trong khi tìm kiếm thì chúng tôi cũng thấy những F–100, F–4 của HK
bay thật thấp để giúp tìm chiếc phi cơ của Anh Tế. Bay cho đến khi
gần hết xăng chúng tôi phải trở về Đà Nẵng đổ xăng rồi trở lại mục
tiêu tiếp tục cuộc tìm kiếm. Trở lại mục tiêu lần thứ hai, thì trời
đã xẩm tối nên mỗi khi chúng tôi vào gần mục tiêu thì thấy rõ những
lằn đạn phòng không từ dưới bắn lên. Màn đêm đã bắt đầu phủ xuống,
chúng tôi đành phải bãi bỏ cuộc tìm kiếm để trở về Đà Nẵng.
Phi vụ Bắc phạt thứ 12, vào Ngày 28–7–1965 đã chấm dứt cuộc đời phi
hành của tôi. Cũng như những lần Bắc phạt trước, buổi sáng sau khi
được Phòng Quân báo Bộ TLKQ thuyết trình về mục tiêu, chúng tôi ăn
cơm trưa tại Hội quán Lê văn Lộc rồi về Biệt đoàn chuẩn bị cất cánh
ra Đà Nẵng để hôm sau thi hành Phi vụ.
Tôi trở lại Biệt đoàn,
vào phòng lấy dù. Nón bay và các dụng cụ cần thiết để đi bay. Chúng
tôi gồm 2 phi tuần: tôi dẫn phi tuần đầu gồm 4 chiếc AD6 và Anh
Nguyễn Quốc Phiên hướng dẫn phi tuần thứ 2. Tám chiếc AD6 mở máy,
kiểm soát vô tuyến và liên lạc với nhau trên những tần số thường lệ
xong chúng tôi xin đài kiểm soát di chuyển ra đầu phi đạo để cất
cánh. Tôi cất cánh đầu tiên, phi cơ của tôi vừa lên được khoảng 800
bộ thì bị cháy, tôi trông thấy ngọn lửa đỏ rực ở hai bên thân phi
cơ, lúc đó đài kiểm soát và các phi tuần viên cũng báo cho tôi biết
là phi cơ của tôi bị cháy và tôi cũng nghe thấy vài phi tuần viên
của tôi nhắc nhở tôi phải nhảy dù. Phản ứng tự nhiên của tôi là đẩy
tay ga cho phi cơ lên nhanh hơn để có đủ cao độ nhảy dù, nhưng tay
ga không còn hiệu lực, phi cơ của tôi không thể lên cao hơn nữa. Ở
cao độ thấp này không thể nhảy dù được, tôi đành quyết định quay lại
để đáp chứ không còn cách nào khác hơn. Tôi biết phi cơ có thể nổ
tung bất cứ lúc nào nên làm đủ phương thức để hạ cánh thật nhanh.
Mọi thủ tục sửa soạn cho phi cơ hạ cánh không gặp gì trở ngại, chiếc
phi cơ của tôi quẹo vòng chót và cận tiến như thường lệ nhưng khi
xuống đến khoảng 300 bộ thì bị khói đen ở đầu máy tuôn vào buồng
lái. Ngửi hơi thán khí, tôi bị ngất đi, và phi cơ, không người điều
khiển đã nghiêng sang bên trái và đâm xuống đầu phi đạo của phi
trường Tân Sơn Nhất! Cái sức mạnh như trời giáng của chiếc phi cơ
khi đâm xuống đã làm cho tôi tỉnh dậy sau khi bị ngất đi khoảng 20
giây, tôi vẫn còn nhớ sau khi cởi khóa an toàn dây nịt, nhảy ra khỏi
phi cơ đang cháy lớn, mang cả chiếc dù đít lòng thòng và nặng trĩu,
bước ra cánh phi cơ rồi nhảy xuống đất để chạy thật xa. Nhưng khi
nhảy xuống thì tôi bị hẫng một cái vì cánh phi cơ đã nằm sát mặt đất
rồi (cái cảm giác đó đã làm tôi nhớ mãi.) Chạy khỏi đống lửa, nhìn
lại phi cơ đang cháy như bó đuốc và thấy bàn tay mặt của mình lủng
lẳng, tôi biết là tay đã bị gẫy. Tôi tiếp tục cố gắng chạy thật
nhanh dù chiếc dù gây lấn cấn khó chạy. Thế mà tôi vẫn chạy như bay,
sau này mới biết khi gặp hoạn nạn, thập tử nhất sinh, vì bản năng
sinh tồn, con người lúc đó có được sức mạnh phi thường! Chạy được
một quãng xa, tôi cảm thấy khá an toàn, nằm xuống và nghe thấy mấy
chiếc AD6 đang bay trên đầu. Có một điều rất lạ là sau cái tai nạn
đó, người tôi thì bị cháy gần hết, tay thì bị dập nát cả mà tôi đã
không cảm thấy một chút đau đớn nào cả, chỉ ngửi thấy mùi khét của
chiếc áo bay và găng da.”
(theo Phi công Lý ngọc An trong
Không Quân Ngoại Truyện, quyển thứ nhất)
Phi vụ Bắc phạt của Đại úy Vũ
khắc Huế
(Đại úy Vũ khắc Huề hy sinh trong
một Phi vụ Bắc phạt, sau đây là lời kể của Trung tá Phạm Bình An cựu
Phi đoàn trưởng PĐ–516, trong “KQ Ngoại truyện”, quyển thứ nhất..)
Hôm đó là ngày tôi làm sĩ quan trực PĐ. Vào khoảng 8:00giờ sáng,
nhìn ra sân thấy thằng John đang ngồi ngoài nắng say mê viết thư.
Lần đầu tiên nó được đi đánh Bắc và Phi tuần trưởng sẽ là Đại úy
Huề. Nó có vẻ rất khích động khi nhìn thấy tên nó trên bảng đi đánh
Bắc, cả buổi sáng nó cứ đi ra đi vô hay đứng ở chỗ bản đồ hành quân
để đo đạc, check đường đi, nước bước. Phi tuần có 2 chiếc, cất cánh
lúc 11:00giờ và sau 1:00giờ trưa khi tôi sửa soạn đi ăn thì được tin
mình bị rơi một chiếc bên kia Bến hải. Tôi chạy vội lên Phòng Hành
quân KĐ thì đã thấy đầy đủ văn võ bá quan. Tôi thấy KĐ Trưởng ngồi
ngay giữa phòng, hai tay để trên đùi, nhìn thẳng vào giàn máy phía
trước nghe báo cáo trực tiếp từ các đơn vị cứu nạn. Tiếng của John
nghe thật rõ, báo cáo về tình trạng Số 1: Máy bay bị bắn cháy ở cao
độ thấp, hoa tiêu nhảy dù và không biết dù có kịp mở không? John nói
tiếp: Phi vụ đã thi hành xong, trên đường về, Số 1 ra lệnh tấn công
một chiếc tầu và không ngờ tầu đã dùng súng phòng không cỡ nặng bắn
lại nên Số 1 bị bắn cháy ngay trên không.
Trực thăng cấp cứu
được điều động từ Mẫu hạm còn PĐ cũng cho một phi tuần nhẹ cất cánh
để yểm trợ cho trực thăng. Phi tuần này do Đại úy Nguyễn Tấn Sĩ và
Trung úy Vượng lái. Trực thăng báo cáo đã tới mục tiêu, rồi thất
thanh la lên: Chiếc Số 2 bị bắn trúng, nổ tung trên trời, không thấy
hoa tiêu nhảy dù ra, còn Số 1 thì chưa tìm thấy! Tiếng Đại úy Sĩ
trên tần số xin được tấn công chiếc tàu. Ông lập đi lập lại lần thứ
ba, mới được Trung tá Không Đoàn Trưởng trả lời: “Không! Mang phi
tuần về đáp!”. Đại úy Sĩ vẫn cố nài nỉ trên tần số, xin đánh để trả
thù cho bạn, nhưng KĐT vẫn nhất định giữ nguyên lệnh. Mọi người
chung quanh đều ngạc nhiên và bất mãn. Sau này KĐT mới cho biết tầu
này là tầu ngụy trang, có đầy đủ phòng không cỡ nặng, nếu mình tấn
công thì chỉ thiệt hại thêm. Tôi đã mất 2 chiếc rồi, không muốn mất
hơn nữa!
Phi vụ Bắc phạt
đặc biệt nhất của Phi công Nguyễn Quốc Đạt
(Thiếu úy Nguyễn Quốc Đạt là Phi công duy nhất của KQVN bị bắn hạ
trong các Phi vụ Bắc phạt, mà bị bắt làm tù binh, giam chung với các
Phi công Mỹ tại Nhà giam Hỏa lò). Thiếu úy Đạt kể lại phi vụ này như
sau:
Tôi thuộc PĐ–516, đóng tại Đà Nẵng. Từ năm 1966, đây là
Phi đoàn duy nhất còn nhận trách nhiệm “Phạt Bắc”. Bốn phi công đã
bị bắn rơi, và tôi là phi công duy nhất sống sót. Tôi bị giam tại
Nhà tù Hỏa lò mà các phi công tù binh Mỹ gọi là “Hanoi Hilton”.
Tôi bị bắn rơi Ngày 14–5–1966 khi đang bay tìm mục tiêu oanh
kích trên đường mòn HCM. Đây là phi vụ Bắc phạt thứ 26 của tôi. Tôi
bị trúng đạn phòng không và nhìn thấy rõ một lỗ hổng to nơi cánh bên
trái. Tôi còn chừng 400 viên 20ly, và chúng bắt đầu nổ như pháo
bông. Ống dẫn dầu bị bể, gây thêm đám cháy. Một vụ nổ lớn khá mạnh
khiến phi cơ của tôi gần như lộn nhào.
Tôi cố bay thật nhanh
về Khu Phi quân sự, cao độ quá thấp để có thể nhảy dù. Nhìn thấy một
cánh ruộng nhỏ, tôi quyết định đáp khẩn cấp bằng bụng, trước khi
chạm đất tôi còn kịp nhìn kim tốc độ đang chỉ 230 knots. “Quá nhanh”
tôi tự nghĩ, nhưng không còn cách nào khác. Đây là lần đầu tiên tôi
“crash…” nhưng lại tuyệt hảo! Tôi nghĩ mình khó sống nhưng chiếc A–1
thật vững chắc. Tôi trèo ra khỏi máy bay không một vết trầy. Tôi cởi
bỏ chiếc áo bay màu đen, tính trà trộn vào dân làng. Nhưng khi nhìn
lại thấy mình đang mặc quần lót hiệu “Jockey” của Mỹ, tôi tự nhủ
“Không xong rồi”, ngoài ra tôi cũng sợ trực thăng cứu nạn từ Đà Nẵng
sẽ không nhận ra mình! Tôi ở bên bờ ruộng khoảng 1 tiếng đồng hồ đến
khi bị bắt! Tôi là phi tuần trưởng, và 2 phi tuần viên của tôi vừa
tốt nghiệp từ Trường bay, bị “sốc” và mất định hướng khi tôi bị hạ,
khiến việc cấp cứu bị chậm trễ!
Tôi dùng danh hiệu “Max”
trong suốt 7 năm bị giam tại BV, và được trao đổi tù binh năm 1973
trong Chiến dịch “Operation Homecoming”
(Theo The A–1
Skyraider in VN của W.Mutza trang 142–143)
Trần Lý
oOo
Chủ đề:
5.
7 Vị Anh hùng Bắc Phạt
Tác giả: togia9
Phượcg Hoàng Trắng:
cố Đại tá Phạm Phú Quốc
Sinh ngày 29/8/1935 Tại Quảng Nam
Gia nhập không quân 15/6/1954.
Du học tại Pháp Khóa khu trục đầu tiên. Sau khi tốt nghiệp trở về
phục vụ tại Biên Hòa.
6/6/1959: Không kích vùng Tân Phú (Kiến
Phong). Gây thiệt hại nặng cho đối phương
1960: Chỉ huy
trưởng Phi Hổ PĐ–516 Biên Hòa. Tư lệnh KĐ23CT
28/3/1961: Tại
Cao Lãnh tiêu diệt hoàn toàn các cứ điểm địch.
9/62: Ném bom
dinh Độc Lập với Trung úy Nguyễn Văn Cử. Bị bắn rơi tại bến Bạch
Đằng.
Nguyễn Văn Cử bay qua Miên xin tỵ nạn.
9/63: Thay
đổi chế độ. Anh được phục chức cũ.
Ngày 19/4/1965: Gẫy cánh
trong phi vụ Bắc Phạt cách Vinh về phía Đông Nam 10 km lúc15 giờ
04 phút tại Hà Tĩnh.
6 vị anh hùng Bắc Phạt sau đây lần lượt
hy sinh:
Cố Đại úy Vũ Khắc Huề
Cố Đại úy Nguyễn Tấn Sĩ
Cố Đại úy Nguyễn Hữu Chẩn
Cố Trung úy Nguyễn Đình Quý
Cố Trung
úy Nguyễn Thế Tế
Và Thiếu úy Nguyễn Quốc Đạt bị bắt làm tù binh.
Khi nhảy dù ra khỏi phi cơ (Không biết hiện giờ anh ở đâu, có
còn sống hay đã hy sinh)
Anh hùng thay
Cảm phục thay
Nhất Liên Tử
oOo
HỒI KÝ VỀ BIỆT ĐOÀN 83 THẦN PHONG
6.
Phi vụ
Bắc phạt đầu tiên (theo lời kể của những người trong cuộc)
Trung Tá Nguyễn Huy Cương
(Tạp chí VIETNAM February 1994)
Sau cuộc tấn công của Việt cộng vào Trại
Holloway gần PleiKu vào ngày 7/2/1965, Tổng thống Lyndon B. Johnson
tuyên bố: “Chúng ta đã treo súng trên giá, và giữ đạn trong ngăn kéo
tủ quá lâu. Tôi không thể yêu cầu các Chiến sĩ Hoa Kỳ tiếp tục chiến
đấu tại Việt Nam bằng một tay, còn tay kia thì bị buộc sau lưng. Tôi
muốn 3 điều: tôi muốn [cuộc trả đũa] phải ngay lập tức, phải thích
đáng, và tôi muốn cuộc tấn công phải được phối hợp giữa các phi cơ
Việt–Mỹ”.
TT Johnson nghĩ rằng một cuộc tấn công phối hợp
giữa hai Không lực Mỹ–Việt sẽ chứng tỏ cho Hà Nội thấy rằng cuộc trả
đũa không chỉ là một đáp ứng của Hoa Kỳ đối với cuộc đột kích của VC
nhưng cũng liên hệ đến các hoạt động khác đang gia tăng của Cộng
quân. Tại Sài Gòn, Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Tư lệnh Không Quân Việt Nam
(KQVN) tuyên bố với báo chí: “Chúng tôi đã sẵn sàng, chúng tôi có
thể tấn công ngay chiều nay, Tôi không thể đoan chắc rằng toàn thể
Bắc Việt sẽ bị phá hủy nhưng Hà Nội chắc chắn sẽ bị hủy hoại”.
Trên thực tế, KQVN chúng tôi đã sẵn sàng từ đầu năm 1964. Chúng
tôi, gồm 10 người, tất cả đều tình nguyện và là những phi tuần
trưởng, được lựa chọn trong số những phi công ưu tú của KQVN, để lập
thành Biệt Đoàn 83 KQVN.
Biệt đoàn được đặt tên là
Thần Phong, theo tên của
Phi đoàn cảm tử Kamikaze Nhật trong
Thế chiến thứ 2.
Dưới sự điều khiển trực tiếp của
Tướng Kỳ, nhiệm vụ của Biệt Đoàn 83 là tấn công sâu vào lãnh thổ Bắc
Việt. Một thời gian ngắn ngay sau khi Đơn vị được thành lập, một
toán 3 quân nhân cố vấn thuộc Hải quân Hoa Kỳ đã đến Biên Hòa để
giúp huấn luyện và yểm trợ tiếp vận. Các phi cơ Skyraider của chúng
tôi, không mang dấu hiệu, đã thực tập ngày đêm, thả bom ở cao độ
thấp và tấn công các vị trí Cộng quân dọc duyên hải vào lúc hoàng
hôn.
Sau cùng, Ngày 7/2/1965, lý do giải thích cho những ngày
tháng tập luyện khổ nhọc đã được hé mở. Tôi được lệnh hướng dẫn một
phi tuần 10 chiếc A–1 bay về phía Bắc, đến điểm tập trung tại Đà
Nẵng. Trong phi vụ Bắc phạt này, tôi được chỉ định làm phi công phụ
cùng bay với Tướng Kỳ trên một chiếc Skyraider A–1E, nhưng vì tôi
chưa bao giờ bay kiểu máy bay này, nên Thiếu tá Tường đã thay thế
tôi (Tôi bay trong Phi tuần số 2). Trên những ghế sau của chiếc A–1E
là Đại úy Nguyễn văn Lịch và một cận vệ của Tướng Kỳ. Bay ở ví trí
số 2 trong phi tuần của Tướng Kỳ là Thiếu tá Nguyễn văn Long.
Phi vụ được dự trù sẽ diễn ra vào Ngày 7/2/1965, nhưng bị bãi bỏ
vì lý do thời tiết. Cuộc đột kích được dời lại vào Ngày 8/2/1965.
Mục tiêu được chỉ định là một căn cứ quân sự tại Chấp Lệ, ngay trên
vùng Phi quân sự giữa 2 miền Nam và Bắc Việt Nam. Tin tình báo do
không ảnh ghi nhận căn cứ này được bảo vệ khá kỹ lưỡng bằng ít nhất
là 12 giàn đại bác phòng không, từ cỡ 12.7ly đến 57ly.
Chúng
tôi được thuyết trình trong 1 giờ, bao gồm mọi chi tiết cần thiết
cho cuộc không tập, điều kiện thời tiết, bố phòng của địch quân trên
đường bay đến mục tiêu và quanh khu vực oanh kích.
Một câu
hỏi quan trọng nhất đã được đặt ra là liệu chúng tôi sẽ bay thật cao
để tránh đạn từ dưới đất hay bay thấp tránh bị radar phát hiện để
đạt được yếu tố bất ngờ? Phi công phụ của Tướng Kỳ, Thiếu tá Tường,
thuyết trình đầu tiên. Ông đề nghị bay thấp để tránh radar, nhưng
không phải ai cũng đồng ý.
Vì đã có nhiều phi tuần F–100
Super Sabre của KQHK bay yểm trợ diệt các vị trí cao xạ và bảo vệ
chống các MiG của Bắc Việt, nên không cần thiết phải bay thấp để có
thể bị trúng đạn từ dưới đất. Nhiều người trong chúng tôi muốn chọn
phương án bay cao để tránh cao xạ của địch quân, và nếu gặp trở ngại
thì có thể đáp xuống biển hơn là đáp trên mặt đất, nhảy dù ngoài
biển hơn là trong đất liền để tránh bị bắt. Nhưng với những lý do
riêng, các Thiếu tá Tường và Long nhất định giữ phương án bay thấp
trong nội địa. Chúng tôi không có sự lựa chọn, chỉ biết tuân theo.
Chúng tôi đến Phòng tiếp liệu để sửa soạn các trang bị cần
thiết: mỗi người đều có áo mưu sinh trang bị máy vô tuyến hai chiều,
hỏa châu, la bàn, kính chiếu hiệu, bộ cấp cứu. Chúng tôi đều mang
theo súng lục tùy thân. Với dù đeo trên lưng, chúng tôi mỗi người
mang theo hơn 35 kg thiết bị.
Các Skyraider đậu thành hàng,
lần đầu tiên trong cuộc chiến, được trang bị bom đạn ở mức tối đa:
mỗi chiếc đem theo 2 quả bom 500 pound loại Mark–82, 12 quả bom 250
pound Mark–81, 800 viên đạn đại bác dành cho 4 khẩu đại bác 20ly ở 2
bên cánh.
Các phi cơ lần lượt cất cánh: một chiếc A–1E và 25
chiếc A–1H đã hợp thành những phi tuần dự trù cho Phi vụ Bắc phạt.
Tôi dẫn đầu một phi tuần 4 chiếc bay ngay sau phi tuần số 1 của
Tướng Kỳ. Trong phi tuần của tôi: Thiếu tá Lưu Kim Cương bay vị trí
số 2, Đại úy Trần Bá Hợi bay số 3 và Đại úy Nguyễn quốc Phiên ở vị
trí số 4. Tiếp theo sau đó là 5 phi tuần, mỗi phi tuần 4 chiếc, do
các phi công từ các Phi đoàn 514, 516, 518 và 520 điều khiển. Phi
tuần sau cùng do Trung tá Dương thiệu Hùng hướng dẫn.
Sau hơn
một giờ bay, chúng tôi đến Vùng Phi Quân sự, và vượt qua sông Bến
Hải. Ngay bên bờ phía Bắc, tôi thấy ngay một lá cờ đỏ thật lớn với
ngôi sao vàng chính giữa: chúng tôi đã vào không phận Bắc Việt.
Chúng tôi bay gần đến Vĩnh Linh, thành phố đầu tiên của Bắc
Việt: trước đây đã từng là một căn cứ của Pháp nhưng nay là Bộ Chỉ
huy của một trung đoàn phòng không BV, đồng thời cũng là một địa
điểm tập trung quân của BV. Tôi thấy căng thẳng và hơi lo khi bay
ngang căn cứ này, và biết chắc sẽ gặp đạn phòng không dầy đặc của
Cộng quân, vì chúng tôi bay rất thấp, sát ngọn cây nên rất có thể bị
bắn hạ bằng súng cá nhân. Tôi không cần phải chờ đợi lâu: tia lửa
của đạn phòng không đã bắt đầu bắn lên, đường đạn đan chéo trên bầu
trời. Bất ngờ, tôi thấy chiếc phi cơ dẫn đầu bay vụt lên và bom từ
cánh rơi xuống.
Bẻ sang phải, tôi gia tăng tốc độ, bay vụt
lên cao để tránh miểng bom. “Phượng hoàng 1 vẫy cánh, tất cả các
Phượng hoàng theo tôi”. Tôi gọi trong máy, nhưng lúc này mọi tần số
vô tuyến liên lạc đều bị nhiễu loạn khiến việc liên lạc gặp trở
ngại, khó khăn, không một phi tuần viên nào của tôi có thể bay theo
tôi. Cuộc không kích được triển khai nhanh chóng, lực lượng oanh
kích đã bắt đầu dội bom Vĩnh Linh. Nhưng Chấp Lệ, mục tiêu của chúng
tôi còn cách Vĩnh linh đến 5 phút bay nữa, và trong lúc này các
F–100 Super Sabre của KQHK đang oanh kích các vị trí phòng không
quanh Chấp Lệ, gây những cột khói trên bầu trời. Ở vị trí 12 giờ
trên cao, 4 phi cơ F–100 khác đang bay quanh vùng trời để bảo vệ
chống MiG. Các phi cơ đang bay trên Chấp Lệ chú ý, tôi gọi trên máy,
“đây là Phượng hoàng 1, mục tiêu cách 2 phút bay. Over”. Tôi bấm
sang nút “tác xạ” và nút thả bom “mũi và đuôi”. Bay về hướng Bắc, về
phía các cột khói tôi bắt đầu vào vùng mục tiêu, chúi xuống từ 1500
feet, nhắm vào các doanh trại qua ống nhắm. Tôi nhấn nút thả bom,
rồi sau đó 6 lần để thả các quả bom bên 2 cánh.
Tiếng nổ gần
như cùng một lượt của 2 quả bom 500 pound và 12 quả 250 gây rung
động cả chiếc Skyraider. Các quả bom có vẻ như rơi và nổ ngay giữa
khu doanh trại, nhưng tôi cũng không quay lại để nhìn sự công phá,
điều lo nghĩ của tôi lúc này là mau bay khỏi khu vực này vì súng
phòng không đang bắn lên từ mọi phía.
Đột nhiên, tôi cảm thấy
một rung chuyển mạnh: một sưc mạnh vô hình nâng chiếc máy bay lên
cao vài trăm feet, kim chỉ xăng quay xuống số 0 và đèn báo xăng bật
đỏ. “Mayday, mayday”, tôi gọi trên tần số 243.0 tần số báo động, và
bay hướng ra biển, nhưng các xạ thủ BV chưa chịu buông tha, đạn tiếp
tục đuổi theo khi tôi xuống sát mặt biển. Khi bay ra biển khơi, tôi
cố nhìn quanh tìm các chiến hạm nhưng không thấy một con tàu nào cả.
Tôi mở nắp phòng lái, tháo nút dù và sửa soạn cho chuyện không
thể tránh. Một luồng gió mát thổi vào mặt tôi, và cảm thấy gió đang
thổi vảo chiếc áo bay màu đen đang ướt đẫm mồ hôi. Nón bay trên đầu
tôi, không tiếng động, ngoại trừ tiếng nổ đều của động cơ 3000 sức
ngựa của chiếc Skyraider. Bay sát mặt biển, tôi rất ngạc nhiên khi
thấy sóng cao tuy biển rất lặng. Tôi lưỡng lự không quyết định được
có nên bỏ máy bay không? Các đèn báo về mức dầu và áp suất máy đều ở
trong khoảng xanh, đó là những dấu hiệu tốt cho thấy động cơ vẫn
hoạt động bình thường. Tôi đóng nắp buồng lái lại và tăng tốc độ máy
lên tối đa. Tôi lấy cao độ lên 3000 feet, chuyển sang dùng bình xăng
phụ, bay về phía Nam, hướng về căn cứ.
Tuy đã về chiều, nhưng
trời vẫn còn sáng và ánh mặt trời chiếu sáng mặt biển. Có những cụm
mây ở cao độ 5000 feet. Tôi đảo mắt nhìn quanh để mong tìm các phi
cơ bạn, và nhận ra không khó chiếc máy bay của Tướng Kỳ: nắp phòng
lái màu xanh xậm của chiếc A–1E nổi rõ trên nền trời. Tôi bay theo
để về căn cứ.
Sau khi đáp xuống, tôi kiểm soát chiếc phi cơ,
và tìm thấy ít nhất là hàng chục viên đạn bắn trúng đuôi và thân
tầu. Một viên đạn xuyên qua bình xăng và phá hỏng van nổi, gây ra
những tín hiệu báo động không chính xác nơi phòng lái. Tôi chạy ra
nơi hàng phi cơ đã đáp để gặp Tướng Kỳ, tại phi cơ của ông và thấy
rằng phi cơ cũng trúng đạn: 4 viên bắn thủng phi cơ: 1 viên trúng
đồng hồ kiểm soát cao độ và văng vào tay ông. Tất cả các phi cơ tham
dự cuộc không kích đều trúng đạn phòng không. Hai phi công đã phải
nhảy dù xuống biển: Trung tá Dương thiệu Hùng và Trung úy Nguyễn văn
Thuyết đã được các chiến hạm cúa HQ HK vớt.
Tướng Kỳ đã tuyên
bố với báo chí: “Đây là ngày tươi đẹp nhất trong đời tôi”.
(Con số phi cơ tham dự Phi vụ Bắc phạt thứ 1 này theo tài liệu
của KQHK, là 24 chiếc. Trung tá Nguyễn huy Cương, có biệt danh là
Cương “Khào”, là 1 trong 3 Sinh viên Sĩ quan KQVN đầu tiên được gửi
sang Hoa Kỳ thụ huấn theo quy chế Huấn luyện Sĩ quan Hoa tiêu của
KQHK. Trong 18 năm quân ngũ ông bay đủ loại phi cơ từ Bearcat,
Skyraider, T–28 đến A–37 và F–5, phục vụ tại các Phi đoàn 516, 518,
522 và Biệt Đoàn 83. Ông mất tại Texas tháng 8 năm 1999. Ngoài ra có
tài liệu ghi là khi các phi cơ VNCH vượt tuyến Bắc phạt thì được hộ
tống bởi các F–105 và các F–105 này còn có các F–4 bay bao vùng để
bảo vệ).
Thiếu tướng
Nguyễn cao Kỳ:
(trích trong Buddha’s child
trang 121–125)
Ngày 7/2/1965, Cộng quân tấn công một doanh
trại của quân đội HK tại Pleiku, gây thiệt mạng cho 8 quân nhân, 126
bị thương và hủy hoại 10 phi cơ. TT Johnson thấy đã quá đủ để phản
ứng. Vài ngày sau đó, ông chấp thuận cho HQHK ném bom một căn cứ
huấn luyện của CSBV tại Đồng Hới. Tôi nghĩ rằng việc KQVN đóng một
vai trò trong cuộc không kích sẽ nâng cao tinh thần của Quân và Dân
VNCH, và HK đã đồng ý. Chúng tôi đã chuẩn bị cho cuộc không kích Bắc
phạt đầu tiên này của KQVN: tôi đã tổ chức một đơn vị ưu tú: Phi
Đoàn Thần Phong. Tất cả các phi công của Phi đoàn đều tình nguyện
tham gia phi vụ: tôi phải bắt thăm để chọn. Và cũng như tôi đã từng
nhận bay những phi vụ đầu tiên thâm nhập Bắc Việt, tôi quyết định
tôi sẽ làm gương bằng cách dẫn đầu phi vụ Bắc phạt đầu tiên này.
Hôm trước ngày oanh kích, chúng tôi bay ra Đà Nẵng và nhận được
một cú điện thoại từ Tướng Tư lệnh Vùng 1: “Dân chúng Huế muốn gặp
Anh và các phi công của Anh trước phi vụ oanh kích ngày mai”. Nếu
phi vụ của chúng tôi cần bí mật thì chắc là yếu tố này không còn
nữa. Khi chúng tôi đáp xuống Huế, chúng tôi được đưa đến một đại
giảng đường có hàng ngàn sinh viên nam nữ chờ sẵn. Trong bộ áo bay,
chúng tôi lên sân khấu để nói chuyện: “Ngày mai, chúng tôi sẽ vượt
biên giới, và có thể không ai trong chúng sẽ trở về…”.
Sáng
hôm sau, trước khi bay hướng về mục tiêu, chúng tôi bay trên Thành
phố Huế, 24 chiếc Skyraider bay hàng một thật thấp trên Thành phố.
Từ trên máy bay tôi nhìn xuống, dân chúng đang vẫy chào.
Một
giờ sau đó, vẫn bay hàng một, chúng tôi đến gần Đồng hới, nơi tôi đã
chọn mục tiêu cho Phi đoàn. Vẫn ở cao độ tuần tra, tôi thấy hàng
chục chiếc máy bay của HQHK đang thả bom và bắn phá mục tiêu của
chúng tôi. Sau đó tôi được biết là, vì lo cho sự an toàn của tôi,
nguời Mỹ đã quyết định tìm cách diệt những ổ phòng không quanh mục
tiêu, giúp chúng tôi dễ thả bom hơn. (Tôi chỉ biết điều này khi về
đến căn cứ).
Bay gần Đồng hới, vận tốc 350 miles/giờ, nhìn
bầu trời đầy đường đạn phòng không đan chéo, tôi nghĩ rằng người Mỹ
đã oanh kích nhầm và do ở mục tiêu dự trù ban đầu đang bị tấn công,
tôi nhìn quanh để tìm một mục tiêu khác: bất ngờ tôi thấy một tòa
nhà lớn trang bị hàng chục khẩu phòng không, tôi nghĩ rằng đây có lẽ
là một vị trí rất quan trọng. Tấn công! (sau này tôi mới biết đó là
Bộ Chỉ huy của một Sư đoàn Phòng không Bắc Việt).
Tôi đẩy cần
lái tới trước và chúi xuống với sức máy tối đa. Ở khoảng 2000 feet,
đạn phòng không bắn lên như mưa bao phủ toàn bộ chiếc máy bay. Chiếc
Skyraider rung chuyển và chao đảo từng đợt. Một viên đạn bay thẳng
về phía tôi, tôi lấy tay trái che mắt ngay lúc kính phòng lái rạn
vỡ. Phản ứng đầu tiên của tôi là bay vọt lên cao và quay về phía
Biển Đông, vì tôi không biết mức độ hư hại của chiếc máy bay, và
chưa biết là tôi có bị thương hay không? Và nếu tôi phải đáp khẩn
cấp hay nhảy dù, thì cơ may về được căn cứ an toàn là đến được vùng
người Mỹ đang kiểm soát không và hải phận.
Do đó tôi bay về
hướng Đông. Tuy có luồng gió mạnh thổi vào phòng lái qua ô kính đã
bị vỡ, tôi biết rõ mình chưa bị thương, và chiếc máy bay vẫn hoạt
động, tôi tìm cách ra lệnh cho các phi công tiếp tục oanh kích,
nhưng liên lạc vô tuyến giữa chúng tôi bị gián đoạn, không ai nghe
được tôi. Nhìn về phía sau tôi thấy là khi tôi bỏ mục tiêu quay về,
tất cả đều bay theo tôi: trong các phi vụ oanh kích, các phi tuần
viên thường bay theo phi tuần trưởng.
Một phút sau đó, khi
mọi người thấy rằng tôi vẫn đang kiểm soát được con tàu, các liên
lạc bàn tán êm bặt. Trên hệ thống vô tuyến, tôi ra lệnh tập trung
vào mục tiêu, bay theo tôi và tiếp tục cuộc oanh tạc. Có vài người
cho rằng có quá nhiều súng phòng không, mục tiêu được bảo vệ quá kỹ,
nên chọn mục tiêu khác!
Tôi trả lời: “Không” và “Tiếp tục”,
và khi tôi trở lại mục tiêu, tất cả đều theo tôi. Lần này tôi bay
thấp vào mục tiêu, nhưng cần phải lấy cao độ để thả bom. Cộng quân
đã chờ sẵn: và khi tôi bay lên cao, đạn chờ sẵn: thêm 2, 3 viên bắn
trúng cánh, thời gian trôi như một cuốn phim quay chậm, đạn phòng
không nổ quanh mọi phía. Tôi nhấn nút thả bom, kéo ngược cần lái,
bay vọt vào mây. Theo sau tôi, các phi công, từng người lần lượt,
làm theo.
Khi chúng tôi tập họp lại, tôi đếm đủ 24 chiếc máy
bay. Tất cả đều trúng đạn. 2 phi công báo cáo là các A–1 của họ bị
hư hại nặng, không thể đáp và bẻ lái rất khó khăn. Chúng tôi cùng
bay đến khi thấy Đà Nẵng trước mắt, và tôi gọi trực thăng cứu nạn,
ra lệnh cho các phi công không thể đáp, nhảy dù xuống biển, và khi
toàn bộ phi đoàn đã đáp xuống Đà Nẵng thì cả hai đều đã được vớt an
toàn.
Trước khi tiếp tục bay lại, tôi yêu cầu các thợ máy tìm
giùm viên đạn đã bắn vỡ kính phòng lái. Họ tìm được 1 đầu đạn 12.7ly
ghim sau ghế tôi ngồi; khi tôi ngồi thử lại vào ghế, lỗ thủng nơi
ghế gần ngay giữa lưng tôi, và khi tôi giơ tay trái lên cao, tôi
thấy chiếc áo bay màu đen của tôi bị cháy trắng dài ngay dưới vùng
cánh tay, tôi bóc lớp vải cháy và thấy những vết bầm trên cánh tay
ngay nơi áo bị cháy. Có lẽ là khi tôi đưa tay che mắt, viên đạn đồng
nặng khoảng 250 gram, bay với vận tốc 2400 feet/giây bị cánh quạt
máy bay quay 1000 vòng/phút đưa vào vùng hẹp giữa tay và ngực của
tôi.
(Tướng Kỳ kể lại hơi khác trong tập sách How We lost the
Vietnam War hay Twenty years and Twenty Days trang 56–57: Ông thấy
49 máy bay của HQHK oanh kích mục tiêu dành cho KQVN, để tránh bị
đụng, ông hướng dẫn Phi đoàn tiến đánh một mục tiêu khác ở vùng Vĩnh
Linh. Phi cơ của Ông bị trúng 4 viên phòng không. Sự khó khăn của
phi vụ đầu tiên này không làm các phi công chùn bước: họ tiếp tục
tình nguyện thi hành các phi vụ kế tiếp).
Nhìn từ Đài Kiểm Báo:
(Trích trong Hồi Ký của Trung Tá Trần Đình Giao trên Web site
Bạn Già KQ)
Trong những Phi vụ Bắc Phạt, ngoài những phi công
trực tiếp bay trên những Skyraider thực hiện các phi vụ oanh kích,
còn có sự đóng góp âm thần nhưng tối cần thiết của các quân nhân
KQVN làm việc tại Đài Kiểm Báo Panama (đặt tại Sơn Chà, Đà Nẵng):
“Trở về đài, Đại úy Đặng văn Tiếp (Chỉ huy trưởng Đài) triệu tập
một cuộc họp hành quân, chỉ thị cho Thiếu úy Kế (Phòng Kỹ thuật)
phải check tất cả các máy radar dò phương hướng, đo cao độ, máy
truyền tin và radar scope, trong tình trạng khả dụng 100%. Riêng
Phòng Hành quân, các Sĩ quan chỉ đạo trưởng phải đích thân điều
khiển những Hạ sĩ quan radar operator nhiều kinh nghiệm để làm
‘flight following’ cho phi vụ quan trọng này vì đây là Phi vụ Bắc
phạt đầu tiên của KQVN và do chính ông Tư lệnh KQVN hướng dẫn.”
Đúng giờ G, khoảng 1 giờ trưa, Panama nghe danh hiệu “Tiger
Crystal 1” gọi trên tần số UHF: Phi vụ Bắc phạt bắt đầu khởi sự.
Thiếu úy Hoàng bá Mỹ, Sĩ quan chỉ đạo, Trưởng toán C và Thiếu úy
Bàn, Sĩ quan phụ tá, ngồi trước một radar scope dưới sự quan sát của
Đại úy Tiếp và tôi. Sau khi Tiger Crystal liên lạc với Panama, tất
cả đều im lặng vô tuyến. Chúng tôi bắt đầu hồi hộp theo dõi trên màn
ảnh radar và tần số trực hành quân. Theo ước tính thì thời gian từ
giờ G cho đến TOT (Time over Target) vào khoảng 45 phút. Tôi coi
đồng hồ và bảo Mỹ: còn 5 phút nữa, khi họ lấy cao độ vào mục tiêu
mình sẽ có radar contact. Tôi tiếp tục nhìn giờ và “count down” ngầm
trong bụng, rồi ở những giây cuối cùng trên tần số, chúng tôi nghe
rõ giọng (Đại úy Tường): “2, 3,4,5,6,7,8. 1 gọi: tất cả lấy cao độ,
chuẩn bị vào mục tiêu.” Tiếp theo là những tiếng microphone bấm:
“bụp, bụp”, mấy phút sau trên màn ành radar bắt đầu thấy các chấm
lân tinh di chuyển theo hướng mục tiêu đã kẻ sẵn. Rồi thình lình
nghe trên tần số tiếng la “Một in, rồi 2 in, 3 in cho đến 8 in”. Các
operator chăm chú theo dõi, đếm đủ 8 chấm biểu hiệu 8 phi tuần trên
scope đang di chuyển theo hướng ngược ra khơi, lấy hướng Nam để về
căn cứ. 10 phút sau nghe Tiger Crystal 1: Một gọi Panama, Tiger
Crystal 1 gọi, over. Thiếu úy Mỹ trả lời: Tiger Crystal 1, Panama
nghe bạn 5/5. Tiger Crystal 1 báo cáo: “Phi vụ hoàn tất, mọi người
vô sự, chúng tôi trở về căn cứ, over”. “Roger Tiger Crystal1,
Congratulations, over”. “Thank you, Panama”. Trên đường về Tiger
Crystal cho biết có phòng không địch bắn lên lẻ tẻ. Sau đó Panama
chuyển giao Tiger Crystal sang tần số đài GCA hướng dẫn về đáp xuống
Phi trường Đà Nẵng.
Trần Lý
oOo
Chủ đề:
Chuyến bay tử thần vào đồi 31 Hạ
Lào, Lam Sơn 719
Tác giả: GiacLai69
Tình cờ mới mò được bài này, post cho bà con
xem:
ChuyenbayTuthanVaoDoi31HaLao_2013JUN19.htm
....
Tháng 11 năm 2002
Bùi Tá Khánh
oOo
Chủ đề:
7. Mặt trận Kontum
Tác giả: togia9
Tại vùng 2 CT, khi CSBV mở cuộc tấn công
nhằm Kontum, Pleiku. Phi đoàn 530 Thái Dương, đặt căn cứ tại Pleiku,
là nổ lực chính yểm trợ bộ binh chống lại cuộc tấn công này.
Ngày 28/4/1972: CQ dùng 2 Sư Đoàn BB và 1 Trung đoàn thiết giáp tấn
công Bộ chỉ huy SĐ22BB VNCH.
Ngày 29/4/72.Trong đêm các
Skyraiders của PĐ–530 đã được kêu cứu và KQ Lê Xuân Nhị đã ghi lại
trong bài Hai Mươi bảy năm trong Đặc San Không Quân Bắc California
số tháng 10–1999 như sau:
1:00giờ sáng ngày 29/4/1972, Đại úy
phi công khu trục Hai Còi của PĐ–530 đang ngủ thì điện thoại gọi anh
lên cất cánh. Phòng hành quân cho biết Bộ Tư Lệnh SĐ22BB ở Tân Cảnh
bị tấn công, xe tăng VC đã tới phía ngoài tuyến, cần mấy khu trục
lên yểm trợ gấp. Một giờ sáng là cái giờ tối hù và buồn ngủ, và điều
quan trọng ở đây là phi cơ Skyraider A–1 không phải là loại phi cơ
có khả năng để đánh đêm. Nhưng viễn ảnh bộ tư lệnh SĐ22BB bị tràn
ngập là một viễn ảnh không thể chấp nhận được. Hai Còi chụp lấy nón
bay,cùng mấy người bạn ra tàu. Mấy chiếc A–1 ra so hàng ở phi đạo
rồi từng chiếc một cất cánh lên, biến mất trong màn đêm.
Hai
Còi tâm sự: “Trời tối và thời tiết xấu quá nên không bay hợp đoàn
được. Mỗi người xách một chiếc bay cất cánh lên, đâm thủng bức tường
mây, bay tới mục tiêu nhưng phải trở về. Mục tiêu bị mây phủ kín, có
thấy gì đâu mà đánh. Trở về nhưng một lát sau lại cất cánh lên trở
lại. Trần mây lúc này lên được một ngàn bộ. Quân trú phòng đã cầm cự
anh dũng dù tăng VC vẫn tiếp tục tới gần hơn nữa. Bây giờ thì khu
trục VN cất cánh ào ào. Một trong những người đó là Thiếu úy Nguyễn
Tài Cơ (Khóa 69–A). Cơ là một phi công trẻ mới ra trường, bay rất
hay và thả bom rất chính xác. Trần mây rất thấp 1 ngàn bộ có nghĩa
là không thể thả bom được vì bom cần một độ cao tối thiểu 1500 bộ
thì mới đủ sức ép để làm nổ ngòi nổ kích hỏa gây bom nổ, bay trên
1000 bộ là bay trong mây, thấy gì mà thả! Phi cơ chỉ mang bom nổ và
Napalm, không mang rocket chống tăng. Thiếu úy Cơ xuống thấp để thả
Napalm và tàu bay trúng đạn phòng không, cánh trái bị bắn rách
aileron, phi cơ không theo điều khiển nữa, anh đành nhảy dù, và điểm
đặc biệt nhất là Thiếu úy Cơ đã được trực thăng riêng của Cố Vấn
Trưởng Vùng 2, John Paul Vann cứu thoát. Nay Thiếu úy Cơ sống tại
California. Chúc mừng bạn.
oOo
Vài dòng “8.
Những
ngày cuối đời Trần Thế Vinh”
PhicongNhan
MỘT CHÚT ĐỂ NHỚ, NHỮNG NGÀY CUỐI ĐỜI
“TRẦN THẾ VINH”
Lại một buổi sáng, ngồi đây một mình
sau vườn nhà, thời tiết nam California vừa chớm lập đông. Ừ nhỉ, hôm
nay, kỷ niêm ngày lần đầu tiên ta đặt chân đến Hoa Kỳ, Travis AFB
SanFrancisco. Thấm thoát đã 40 năm, ngồi đây hồi tưởng lại những thế
sự thăng trầm trôi qua gần nửa thế kỷ.
Vậy thì, vào Cánh Thép
tìm lại những người bạn thuở nào. Bất chợt, tìm thấy nhiều bài viết
về phi công khu trục Trần thế Vinh. Thôi thì, hạ bút viết vài hàng
về một người em hiếm có này.
Viết về Trần Thế Vinh thì nhiều
lắm rồi. Nhưng, hôm nay chợt nhớ đến một người em đáng quý, xin mạn
phép được viết thêm vài dòng.
Trần thế Vinh là một trong số
bốn (4) người phi công thời chiến mà dòng họ chúng tôi đã gửi gấm
cho Không Quân Việt Nam Cộng Hòa ngày nào.
Một lần ngày đó,
vào khoảng cuối năm 1971, ngẫu nhiên nhưng lại trùng phùng, cậu em,
Trần Thế Vinh từ Biên Hòa, PĐ–518 ra biệt phái cho ASOC. Ông anh,
Minh “L”, phi công A–37 từ PĐ–524 Nha Trang và PĐ–534 Phù Cát cũng
đang biệt phái ở Pleiku. Trong một phi vụ oanh tạc ngã ba biên giới
Việt–Miên–Lào, Vinh rủ hai ông anh đi bay chơi. Vinh bay cùng với
anh Minh, còn phi công về già này may mắn được bay với ngài “Ninh
DeGaule”. Bốn tên lững thững bước ra phi cơ, ngài “Vinh nghệt” thổi
cho một câu.
– T.T., nhớ mang mấy ông anh cậu về an lành nha
cậu. Chưa thấy bao giờ ba anh em cùng bay trong cùng một phi vụ.
Nghịch gì, mà nghịch dữ vậy cậu.
– Có sao. Nhờ cậu tí.
Tối hôm đó, ba anh em có dip hàn huyên với nhau qua một màn chén
chú chén anh ở một ngõ hẻm của phố Pleiku. Tha hồ tán ngẫu.
–
Vinh vừa đậu thêm chứng chỉ Luật đấy à.
– Vâng, may mắn ấy mà
anh
– “Kinh thế. Ngày nào, tôi từ Petrus Ký, còn Nh. từ Chu
Văn An. Lúc trước, học ngày, học đêm vẫn thua Vinh. Vinh học đệ ngũ,
cậu đậu trung học. Cậu đậu Tú tài I lúc đang học đệ tam. Tròn 16
tuổi, vào Không Quân. Về nước, bay bổng ngày đêm, sau cậu đậu Tú tài
II. Bây giờ lại đậu Luật nữa”. Tôi không hiểu sao Vinh làm được.
– Đâu có gì, anh. Chuyện nhỏ nhặt, ấy mà.
– Nghe nói ông
cụ mới lấy số tử vi cho Vinh à.
– Bác nói em ngắn số và nhiều
người biết đến. Ngoài ra bác không nói gì thêm.
– Còn ông cụ
tôi. Mỗi lần ông già la mắng tôi, lúc nào cũng lấy Vinh ra làm đề
tài.
– “Con phải lấy Vinh làm gương”.
– Thì em cũng
thế. “Con phải lấy Vinh làm gương”. Nào là, “Vinh nó đẹp trai này,
học giỏi này, điềm đạm này, tư cách này. Nó không hút thuốc, không
uống rượu, không trai gái”.
“Lạy chúa trên trời! Chỉ có Chúa,
Chúa mới biết hết nỗi oan ức cho anh Minh và con”.
– Thôi,
khi về Sài Gòn nghỉ phép, ba anh em đi nhậu tiếp.
Đầu tháng
tư 1972, đúng như đã hứa, ba (3) anh em lại có dịp cùng nhau, có dịp
chén chú chén anh ở Sài Gòn. Và, đến “Hầm Gió” nghe Khánh Ly, Lê
Uyên Phương hát. Nhắc đi nhắc lại chuyện đau xót, người anh lớn, anh
Dũng, Sĩ quan hành quân Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù (TĐ11ND), xuất thân từ
khóa 20 VBQGVN, vừa tử trận năm trước ở Dambe, xứ chùa tháp.
– Nguyễn Đình Bảo đến nhà thăm ông bà cụ. Anh Bảo buồn lắm, khi mất
anh Dũng.
– Ngài Bảo và anh Dũng một lần vào Bắc Tiến tìm em
đi làm một chầu ở Hố Nai. Mấy bác này uống dữ.
– Cũng còn
thua một người.
– Ai anh.
– Hỏi là trả lời.
Quay đi quay lại. Cả ba anh em đều bay yểm trợ cho TĐ11ND của anh
Bảo trên khắp vùng trời nhỏ bé VN.
– Anh Hùng bao giờ từ Mỹ
về anh, bay loại phi cơ gì vậy.
– Hùng đang ở Sheppard hay ở
Eglin gì đó. Hùng đang học F5. Chắc khi cậu về nước, không Biên Hòa
thì lại Đà Nẵng.
– Vinh à. Thế anh gì cùng khóa 65–A với
Vinh. Qua biệt kích. Sau trở lại Không Quân và thành phi công. Ngài
này, rất tư cách. Đâu rồi.
– À, bác ấy đang ở cùng phòng với
em ở trại Bắc Tiến.
– Cậu vừa rớt ở Tam Biên à.
–
Vâng, chút nữa là đi tầu suốt đấy anh.
– Em thì bị bắn rách
lưng ở Mộc Hóa. Xuống Napalm, vừa kéo lên, nó nạp em liền. Mấy chú
“vẹm” hỗn thật.
– Tuần trước, một wingman của anh vừa gẫy
cánh ở Chu–Pao. Mình mới vào xong pass đầu. Sửa soạn vào pass thứ
nhì, đã nghe thấy cậu em kêu “May day” rồi. Không hiểu sao cậu em
này không nhảy ra, lại kêu “May day”. Tôi thấy máy bay nó đâm thẳng
vào Chu–Pao, bốc khói. Tôi tặng mấy chú “vẹm” một màn Salvo. Wingman
này mới về phi đoàn. Tôi mới huấn luyện cậu này xong. Chết quá trẻ.
– Đời phi công là thế. Có gì đâu.
– Thế Cao Hùng và Quang
Tuấn dạo này ra sao.
– Sáng mai, Tuấn và em đi biệt phái Đà
Nẵng. Nghe nói Quảng Trị rất “HOT”. Chán thật. Trận chiến này kéo
dài quá lâu. Ước sao, anh em mình “ỤC” mấy bác “vẹm đỏ” này một trận
chổng gọng, vài màn “chả chìa” mấy chú vẹm, vài ly “ông già chống
gậy” cho nó xong hết cuộc chiến lê thê này.
Và, không ngờ, đó
là lời cuối cùng của Vinh đã hàn huyên cùng hai người anh cùng chung
mộng đời.
Và, bây giờ, có khác gì đâu, anh Minh cũng đã ngắn
số như người em Trần Thế Vinh ngày nào.
Ước mong, bên đời
kia, hai cánh chim thời chiến, người anh và người em tôi, đang an
nghỉ trong vòng tay yêu thương của Chúa.
Một chút gì để nhớ
trong mùa giáng sinh gần kề. Chắc hẳn, thế nào cũng có sự lẩm cẩm
của người viết. Viết từ một cánh chim về chiều, khi trí nhớ phải cần
xét lại.
Trần Thế Vinh thường đùa. “NHỜ CẬU TÍ”. Thì cánh
chim về già này, “Nhờ bác tí” khi viết những dòng này.
PCN, Giáng Sinh 2007
oOo
SINH NHẬT
BUỒN
Năm xưa ấy... Đúng vào ngày hai bảy
Nắng thu vàng
trải nhẹ khắp trời mây
Hương ngạt ngào bởi hoa lá cỏ cây
Cùng
bừng dậy đón chào ngày anh đến.
Rồi anh khóc chào đời
trong trìu mến
Cha mẹ vui, nhà vang rộn tiếng cười!
Xuân chợt
về khi thu lá vẫn rơi
Thoảng đâu đó... Nhạc vang trong ngày mới.
Trong nắng gió, cùng Quê Hương anh lớn
Ngọn nến hồng
bừng sáng mỗi tháng năm
Mẹ nuôi anh theo từng bước thăng trầm!
Anh khôn lớn trưởng thành theo năm tháng.
Làm trai sống
thời quê hương ly loạn
Xếp bút nghiên anh chọn nghiệp đao binh
Cánh Đại bàng anh lướt gió quên mình
Với mộng ước yên bình cho
đất nước.
Mẹ thương nhớ dõi theo anh từng bước
Người
yêu buồn gạt nước mắt phân ly
Dấu tình riêng anh mạnh dạn bước đi
Lòng thầm hẹn ngày thanh bình trở lại.
Mùa hè lửa giặc
tràn qua Bến Hải
Anh hiên ngang đạp gió lướt ngàn mây
Xác giặc
thù từng lớp lớp phơi đầy
Chiến xa địch tan hoang thành sắt vụn.
Tin chiến thắng nở hoa đầu ngọn súng
Bỗng Đại Bàng gẫy
cánh giữa không trung
Mang theo anh, thân xác một người hùng
Xa trần thế nghẹn ngào bao tiếng nấc.
Đền nợ nước hồn
thiêng anh bay vút
Bao chiến công quà tặng của non sông
Dâng
quê hương chí cả nợ tang bồng
Từ tạ Mẹ một lời chưa kịp nói.
Anh ra đi cánh chim chưa biết mỏi
Dòng máu hồng anh tô
điểm giang sang
Cánh đại bàng chưa thỏa mộng dọc ngang
Anh ngã
xuống biết bao người thương tiếc.
Anh ra đi xứng danh
người trai Việt
Trang sử vàng ghi đậm nét son anh
TRẦN THẾ
VINH sống mãi giữa trời xanh
Gương anh viết nên khúc ca hùng
tráng.
Tôi cung kính và biết ơn vô hạn...
Bố Mẹ anh,
người là đấng sinh thành!
Đã cho đời, người có ích như anh!
(Trao cho đời người con đã thành danh)
Mẹ mãn nguyện, mỉm
cười trong di ảnh...
Hôm nay đây cũng vào ngày hai bảy,
Nắng
thu vàng vẫn ươm đậm trời mây...
Nén hương lòng tôi thắp tặng anh
đây
Cảm ơn Mẹ đã sinh ra người ấy.
Nắng Vàng
oOo
9.
Lam Sơn
719
Vùng Hạ Lào 2–1971
P. Thông, Cựu Cơ Phi PĐ–239, KĐ51CT/SĐIKQ, Đà Nẵng
Cuối năm 1970, tôi tốt nghiệp từ Trung Tâm
Huấn Luyện KQ Nha Trang ngành Cơ khí viên Phi hành trực thăng (gọi
tắt là Cơ Phi) chỉ số 43.150PH và được cha mẹ “chạy piston” một phát
ra ngay phi đoàn trực thăng mới thành lập là PĐ–233 phi trường Đà
Nẵng –Xa xôi diệu vợi–
Từ giã Sài Gòn mà lòng muốn khóc.
Khi ra trình diện đơn vị thì mới biết Phi Đoàn của mình chưa có
cơ sở hay văn phòng gì cả, nên tạm thời anh em Cơ phi chúng tôi được
đặc phái cho một trong những phi đoàn trực thăng kỳ cựu của KQ là
PĐ–213 Song Chùy. Mấy tháng đầu, chúng tôi được cắt đi bay vùng nam
Đà Nẵng, quận Đại Lộc và tham dự các trận đổ quân chung quanh đồi 55
(Hill 55) của Trung Đoàn 51 Biệt Lập.
Hai tháng đi bay này là
kinh nghiệm rất quí báu đối với chúng tôi để học hỏi trong khi mặt
trận chưa có gì sôi động. Vùng I chiến thuật vẫn còn yên tĩnh một
phần cũng nhờ các căn cứ hỏa lực của BB và TQLC Hoa Kỳ giữ gìn an
ninh, Sư Đoàn Americal trấn thủ vùng Chu Lai, Quảng Ngãi cùng với
SĐ2BB. Chung quanh Đà Nẵng thì TQLC Hoa Kỳ (USMC). Vùng Huế, Thừa
Thiên là SĐ101 Airborne và SĐ1BB của VN.
Khoảng đầu tháng
2–1971, sau khi ăn một cái Tết đầu tiên ở miền Trung thì thời tiết
Đà Nẵng bắt đầu lạnh giá đối với những người trong Nam mới ra, chúng
tôi được tin từ phi đoàn là sẽ có một cuộc hành quân rất lớn gần
vùng phi quân sự (DMZ) hay là Khe Sanh gì đó và PĐ–213 sẽ được biệt
phái ra Đông Hà để yểm trợ cho quân bạn. Chiều ngày 10/2/1971, tôi
nghe được tin từ PĐ là cơ phi Nguyễn Hoàng Ánh (cùng khóa với tôi)
và Đệ (nhân viên của PĐ–213) đã mất tích và coi như là tử trận, vì
hai chiếc trực thăng đó đã bị phòng không bắn nổ trên vùng trời Hạ
Lào, trong một phi vụ chở bộ tham mưu QĐI và bốn phóng viên ngoại
quốc đi căn cứ hỏa lực BĐQ Bắc (Rangers North) và BĐQ Nam (Rangers
South). Nếu quí vị muốn biết thêm chi tiết về phi vụ đinh mệnh này
xin tìm đọc cuốn “Lost Over Laos”, của tác giả Richard Pyle (cựu
phóng viên AP ở Sài Gòn). Cơ phi Ánh và Đệ cùng cư ngụ chung cư xá
với tôi, cả hai còn rất trẻ và dễ thương như những cậu học trò,
thường kể chuyện tiếu lâm và cười đùa với anh em. Anh Đệ người hơi
nhỏ con và hay mặc bộ đồ bay Nomex của US Army, vì đã ra trường lâu
hơn và có nhiều kinh nghiệm nên thường chỉ bảo những gì anh biết.
Hai tuần sau thì tới phiên tôi được biệt phái ra Đông Hà để tham
dự Lam Sơn 719 bên Hạ Lào. Vì mới ra trường nên tôi chưa biết lạnh
cẳng là gì, đã không lấy làm sợ mà còn thấy kích thích, còn muốn đi
hành quân nguy hiểm. Tôi sinh trưởng ở Sài Gòn nên chưa bao giờ được
biết mùi lạnh lẽo là gì, nhưng sau khi ngủ một đêm đầu tiên ở Đông
Hà, thì trời ơi, lạnh gì mà ghê gớm đến teo cả chim đi!
Ngày
26/2/1971, sáng sớm ra tàu để làm tiền phi tôi thấy hơi thở của mình
phun ra như khói thuốc thì mới hay độ lạnh đã dưới 5°C. Anh xạ thủ
răng đánh lạch cạch vì lạnh đang coi lại hai cây M60 và nạp đạn sẵn
sàng. Còn tôi và ông hoa tiêu phó làm tiền phi (pre–flight check)
chiếc tàu. Chúng tôi nghe phong thanh là tình hình gần biên giới Lào
rất nóng bỏng vì các phi vụ ngày hôm trước đều bị bắn tơi bời cả.
Mấy phút sau, ông trưởng phi cơ Cao Mạnh Hùng đã ra tới. Anh hỏi vài
câu về máy bay và vũ khí rồi kêu anh em chuẩn bị để quay máy, bay
vào Khe Sanh túc trực cho QĐI tiền phương hay gọi là Hàm Nghi.
Trên đường vào Khe Sanh, cả hợp đoàn bay thấp dọc theo QL số 9,
qua Cam Lộ, Mai Lộc với những trảng tranh và đồi sim bạt ngàn, thì
rừng núi bắt đầu cao chớn chở, những vạt mây giăng ngang sườn núi và
gió rất lạnh thổi lồng lộng trong con tàu không đóng cửa. Ngoại trừ
anh Hùng mặc áo blouson da anh mang từ Mỹ về dầy cộp rất ấm, ai nấy
cũng đều phải khoác thêm một áo lạnh của bộ binh vì cái jacket của
KQ cung cấp, không đủ sức để chống cái lạnh tàn khốc của miền đèo
heo hút gió này. Để có thêm hơi ấm, thuốc lá được thay phiên phì
phèo liên miên trong tàu. Khoảng 30 phút sau thì cả hợp đoàn đáp ở
phi trường Khe Sanh, đổ đầy xăng rồi bay tới Hàm Nghi để đợi lệnh
hành quân từ Quân Đoàn I Tiền Phương.
Hồi Tết Mậu Thân 1968,
tôi còn đi học ở trường TH Lê Bảo Tịnh, thì đã từng nghe nói về Khe
Sanh hầu như mỗi ngày trên TV và báo chí, vì TQLC Mỹ bị quân Bắc
Việt bao vây cả tháng trời, cho tới nay tôi mới được hân hạnh nhìn
thấy và đặt chân đến một vùng mà chỉ nghe nói cũng đủ nổi da gà.
Thật ra vùng Khe Sanh rất đẹp và hơi giống Đà Lạt về rừng rậm và cây
cối, nhưng Đà Lạt không có nhiều hố bom B52 như Khe Sanh. Những đồn
điền cà phê có từ thời Pháp thuộc nay bị bỏ hoang, thân cây cao lớn,
trái chín đỏ đầy cành cũng không có người lính nào thèm hái xuống
rang uống chơi, khi mà chiến trận còn đang khói lửa mịt mù. Ở đây
còn những vạt chuối rừng mọc dài theo ven suối, trái chín vàng nhưng
ăn tệ lắm, đã lạt nhách mà ở trong còn đầy hột như chuối chát ở dưới
miền xuôi.
Khi đang chờ đợi ở Hàm Nghi, tôi và anh xạ thủ
check lại tàu và vũ khí lần nữa cho chắc ăn, đâu đó cũng có những
Phi Hành Đoàn móc bài ra binh xập xám “chay” cho qua thời giờ. Chẳng
bao lâu thì thấy anh SQKQ liên lạc của QĐI gọi tất cả trưởng phi cơ
vào họp trong trung tâm hành quân TOC (Tactical Operating Center).
Vài phút trôi qua thì anh Hùng trở ra cho biết phi vụ này sẽ chở các
phóng viên ngoại quốc. Nghe vậy tôi khoái quá vì nghĩ là phi vụ này
cũng nhẹ nhàng. Chốc lát sau có khoảng 4 hay 5 phóng viên đeo máy
lỉnh kỉnh, đồ đạc lùm đùm chạy lúp xúp ra tàu, trong số đó có một bà
phóng viên Mỹ làm cho tuần báo Time ngồi kề bên tôi. Đi chiến trường
Khe Sanh chắc lâu ngày không tắm rửa gì nên bà hôi nách thấy mồ tổ,
gió trực thăng mạnh như thế mà tôi còn muốn ngạt thở! Bà thấy tôi
nhăn nhó như con khỉ ăn mắm tôm nên móc ra gói Salem mời cả Phi Hành
Đoàn hút (cũng đỡ vã).
Hầu hết phóng viên chiến trường đều
mặc đồ ngụy trang nhìn giống như biệt kích. Phi vụ này được hai
chiếc Gunship Cobra của Lục quân Mỹ hộ tống. Hợp đoàn ba chiếc giữ
cao độ chừng 5 tới 6 ngàn bộ bay về hướng Tchepone (Sepone) dọc theo
QL9 và sông Tchepone.
Tôi vốn thích cảnh núi đồi hùng vĩ, thì
được ngay dịp này mà ngắm cho bằng thích. Chưa vào tới nơi, mọi
người nhìn về phía nam thì thấy từng cây số, khói lửa bừng lên trên
màu xanh thẫm của núi rừng –B52 đang trải thảm– Được gãi trúng chỗ
ngứa, các phóng viên click camera lia lịa. Thế nhưng chúng tôi nhận
được lệnh phải quay 180 độ trở lại Hàm Nghi vì đại bác phòng không
chào đón, nổ đầy trời như những cục bông gòn. Thứ này là khắc tinh
của Trực Thăng vì tốc độ chậm như vậy sẽ làm mồi ngon cho các đồng
chí.
Về tới Khe Sanh bỏ các phóng viên xuống, vừa bay đi đổ
đầy xăng thì tàu tôi nhận được lệnh đi tải thương cho SĐ Dù ở gần
đồi 31. Anh Hùng dặn dò anh em cẩn thận trong phi vụ này, bởi vì
nguyên một Lữ Đoàn Dù ở đồi 31 (Hill 31) đã bị tràn ngập (over–run)
đêm vừa qua và họ đang chạy về hướng đồi 30. Tôi nghe thấy cũng hơi
sợ, vì biết rằng trực thăng của Ánh và Đệ cũng bị bắn nổ tung trong
vùng đồi 31 này, và L–19 còn cho biết là quân Bắc Việt keo này chơi
toàn là súng lớn từ 12ly trở lên tới 57ly, điều chỉnh bằng radar.
Phi vụ này có hai Gunship của PĐ–213 bay hộ tống cho chắc ăn hơn các
anh Cobra của Mỹ. Vô gần tới địa điểm thì anh Hùng và hai Gunship
bay thật thấp để tránh phòng không nên rất khó tìm thấy LZ. Quân Dù
ở dưới đất gọi máy cho biết họ bị địch bám rất sát, nên không thể sử
dụng được khói màu, nên phải trải panel vải màu cam để nhận diện bãi
đáp.
Bay hai ba vòng chung quanh các ngọn đồi cây cao dầy
đặc, như phơi bụng phệ cho chúng bắn thì tôi mới thấy tấm vải màu
cam, trải ra trên một sườn đồi mà cây rừng mới được đốn hạ.
LandingZone nhỏ quá lại trên thế đất slope, gốc cây chĩa lên như một
bãi chông coi ghê quá! Tôi nói với anh Hùng trên intercom “Tôi thấy
Panel màu cam ở hướng 3 giờ”. Anh Hùng liền bay đảo lại và gọi:
“Song Chùy 2 thấy bạn rồi, xin cho mật mã”. Dù: “Song Chùy 2
nhận 5 trên 5. Đây là Quang Trung 1, mặt trời mọc”.
Biết là
đúng đơn vị bạn (ngay cả phi công Mỹ cũng đôi khi bị VC lừa, bởi vì
địch cũng nói được tiếng Anh để dụ trực thăng Mỹ đáp rồi phóng B40).
Anh Hùng nói trên intercom: “Cơ Phi và Xạ Thủ coi chừng hai bên,
clear bãi đáp”.
Cả hai nhận lệnh và tôi đã sẵn sàng chong cây
M60 lên, Vẹm mà có ào ra là sẽ “Sinh Bắc tử Nam” ngay. Tàu vừa xuống
thấp và tốc lực khoảng 30 knots rồi chậm dần để vào final approach
thì tôi nhận thấy bãi đáp trước mặt rất ngặt nghèo, nó nhỏ có chút
xíu và bao bọc xung quanh là cây rừng cao lớn.
Thường thì
Trực Thăng của VNAF mình, trưởng phi cơ sẽ ngồi ghế phải và Cơ phi
cũng ngồi bên phải, nhưng vì chiều gió và sườn đồi không thuận nên
anh Hùng phải cho tàu đáp về bên trái. Vì lý do đó cho nên anh không
thấy bãi đáp trọn vẹn như phía bên hoa tiêu phó. Một phần nữa là anh
em Dù di tản và chiến đấu cả đêm qua, đã quá mệt mỏi cho nên đâu còn
sức mà đốn cây cho rộng, trong khi VC cứ nghe tiếng động đốn cây là
pháo kích liền.
Anh Hùng, một tay hoa tiêu từng tốt nghiệp
khóa Mèo Đen (BlackCats) của Mỹ ở Non Nước, Đà Nẵng nên tay lái rất
vững vàng, nhưng vì sức gió trên đồi rất mạnh, “hover” rất khó khăn,
anh đặt được một skid trên bãi đáp lởm chởm, giọng của anh xạ thủ
nói lớn trên intercom: “Clear Left”.
Anh Hùng mặc dù trở ngại
vì không thấy phía bên trái nhiều, nhưng ráng giữ hover cho các anh
em Dù đẩy được một số thương binh và hai poncho xác chết lên sàn
tàu. Tôi nghe tiếng AK lóc cóc từ triền cây phía dưới và bên phải
bắn vào tàu. Tôi nói trên intercom: “Có AK bắn hướng bên phải”, rồi
nhoài người ra bắn trả được hai tràng dài thì kẹt đạn. Mẹ cha nó,
lúc này mà kẹt đạn thì có tức không? Nhưng có lẽ cũng không cần
thiết phải bắn nữa, vì lúc đó tôi thấy địch quân lô nhô dưới chân
đồi bắt đầu chạy tán loạn, hai ông nội Gunship nhào xuống bắn
minigun như bò rống và rocket phụt ra từ hai bên xối xả.
Trong lúc tàu vừa nhốm lên cất cánh, sức nặng của thương binh cùng
với sức gió đã làm con tàu chao nghiêng về phía trái, trong tích tắc
cánh quạt lớn đã chém vào ngọn cây rừng kêu một tiếng “đùng” rất lớn
như đạn pháo kích. Hoa tiêu phó la lên “Tàu chém cây rồi!”, thân tàu
rung lên bần bật, tôi suýt té đái trong quần. Anh Hùng báo cáo cho
Gunship: “Tao chém cây, có thể thiệt hại, nhưng ráng cất cánh”. Vừa
nói xong anh nhấc tàu lên cao, quẹo về hướng phải, chúi mũi để lấy
tốc độ, rồi lên cao dần. Lúc đạt được khoảng 60 knots thì tàu bị
rung và nhảy nhổm kỳ cục như là cưỡi ngựa.
Anh Hùng gọi:
“Lead Guns, Song Chùy 2 bị thiệt hại phải bay chậm, yêu cầu cover
cho về tới Kilo Siera”. Lead Gunship: “Okay, an tâm, tao đang đi sau
mày đây”.
Chúng tôi về đến Khe Sanh lúc trời đã về chiều,
từng làn bụi đỏ bay lên ào ạt theo gió cánh quạt. Đã qua một ngày
khói lửa, tiếng đề ba của dàn trọng pháo 175 ì ầm bắn về hướng núi.
Đài Tiếng Nói Tự Do đang phát ra trên tần số FM radio của máy bay,
bản nhạc Bên Cầu Biên Giới qua giọng hát Lệ Thu. Ngồi đây nhìn xuống
dòng sông chảy ngoằn ngoèo xuyên qua chân núi phía dưới xa kia, cũng
có chiếc cầu nơi vùng biên giới thơ mộng, nhưng đâu còn vẻ yên bình
như trong bài hát tiền chiến đó.
Ở miền xuôi nơi phố chợ hay
đô thành, người ta vẫn ăn, vẫn chơi, vẫn đêm đêm nhảy nhót trong ánh
đèn màu. Cha mẹ, anh em tôi, người em gái bé nhỏ còn áo trắng đến
trường vẫn thản nhiên trong cuộc sống, họ đâu biết chúng tôi vừa
thoát chết trở về.
RỚT Ở HẠ LÀO
Ngày
xa xưa đó, KQ có rất nhiều ngành được cho đi du học, nhưng cái ngành
Cơ Phi của tôi thì có nằm mơ cũng không được xuất ngoại. Ai cũng ham
đi, vì không những được biết đó biết đây, mà sau một thời gian ngắn,
khi về nước ít nhất cũng có tí tiền còm sắm được chiếc Honda hay cái
Lam–Brét–Tuýt chở đào vi vút. Ấy vậy mà sau cùng số trời đã định,
tôi cũng được “xuất dương”!! Cho dù là đi qua Lào... và bị bắn rớt
bên đó mà chẳng được ăn cái giải rút gì.
Ngày
28/2/1971
Hôm nay là ngày thứ ba tôi được đặc phái
bay cho Biệt Đội Tiền Phương đóng tại Đông Hà, yểm trợ Hành Quân Lam
Sơn 719 và cắt bay với phi hành đoàn mới, Trung úy Đạt, Trưởng Phi
Cơ, Thiếu úy Bi, Co–pilot, và anh xạ thủ tên Thuận mới thuyên chuyển
từ Bộ Binh qua, anh khá lớn tuổi so với đám cơ phi trẻ măng như tôi.
Hai chiếc trực thăng danh hiệu Kingstar 4 và 5, lead bởi Thiếu
úy Phúc của PĐ–213, trên đường bay vào Khe Sanh phải đáp ở Tà Lu (LZ
Vandergrift) để đổ thêm xăng. Chúng tôi được lệnh stand–by cho
SĐ1BB, nên xúm vô “binh xập xám” cho qua thời giờ, đứa nào không còn
tiền mà cũng không muốn chầu rìa thì giăng võng nằm ngủ hoặc đọc
sách báo. Khoảng 10 giờ sáng trời bỗng bớt sương mù và Thiếu úy Phúc
(lead slick) nhận được lệnh bay vào Căn Cứ Hỏa Lực Hồng Hà 2 để tiếp
tế và tải thương cho Trung Đoàn 3/SĐ1BB.
Căn Cứ Hỏa Lực Hồng
Hà 2 được chiếm giữ và phòng thủ bởi Trung Đoàn 3. Đó chỉ là một
ngọn núi nhỏ vô danh với cao độ dưới 2000 bộ nằm bên đất Lào, về
phía Nam của Lao Bảo và QL9. Mặc dù không tên tuổi trên bản đồ nhưng
nó đã trở thành một căn cứ chiến lược trong cuộc hành quân Lam Sơn
719, bởi vì nằm chặn ngay yết hầu của đường mòn HCM, cho nên con
cháu Bác dù bất cứ giá nào cũng phải “Bứt gọn, diệt gọn”.
HH2
có hai bãi đáp, một bãi nhỏ dành cho UH–1 nằm kế bên Bộ Chỉ Huy
Trung Đoàn, và chừng 50 thước về hướng Nam là một bãi đáp rất rộng
dành cho trực thăng lớn như CH–47 hay CH–53 dùng di chuyển Đại Pháo
155 ly. SĐ1BB cho PHĐ biết là tình hình nguy hiểm nhưng không đến
nỗi tệ. Sau này tôi mới biết là nhiều tin tức tình báo, quân báo đã
bị che dấu vì họ sợ anh em KQ từ chối phi vụ. Bởi vì sự thật rất là
phũ phàng, HH2 đã bị bao vây nguy ngập cả mấy ngày nay và nhiều trực
thăng HK đã bị bắn rớt, cho nên họ đã không đảm nhận những phi vụ
mới vào bãi đáp này nữa và gọi là “Hot LZ”. Thiếu úy Phúc biết là
phi vụ này rất nguy hiểm cho nên anh ra lệnh cho tất cả anh em hãy
chuẩn bị sẵn sàng như Kinh Kha sang Tần, có người còn thủ theo cây
M16, bình đông nước và gạo xấy, nhất là mấy anh xạ thủ đã từng ở BB
nên kinh nghiệm về vụ này lắm, lỡ có rớt còn có cây súng hộ thân và
đồ ăn nước uống để cầm cự chờ được cứu.
Hai chiếc UH–1H nặng
nề đồ tiếp liệu, thực phẩm và đạn dược vun vút quay máy rồi theo
nhau cất cánh, bay rà trên ngọn cây hướng về phía tây nam đèo Lao
Bảo, qua khỏi Làng Vei, vượt biên giới Việt–Lào dọc theo QL9, thì
hợp đoàn “rendezvous” với hai AH–1 Cobra Gunship của Air Calvary HK
bay hộ tống. Cả hợp đoàn bốc lên cao độ 5000 ft rồi bay về hướng Nam
của QL9.
Trên đường vào mục tiêu thì thời tiết tốt, chỉ có ít
sương mù rải rác khắp nơi phía dưới tàu. Phía bên trái là dãy núi Co
Rọc của vùng A–Lưới âm u kỳ bí. Tôi nhìn thấy đường mòn HCM chạy dài
từ Bắc xuống Nam với màu đất đỏ quạch giữa chốn núi rừng xanh thẫm,
rồi la thầm: “Cái này mà gọi là đường mòn mẹ gì? Rộng thênh thang
như xa lộ Biên Hòa, mà có tới mấy đường chớ không phải một”. Nhìn về
hướng trước mặt, tôi thấy B52 mới vừa trải thảm xong gần chung quanh
LZ, khói của hàng trăm quả bom còn đang ngùn ngụt, cho nên chúng tôi
cảm thấy an lòng hơn, chắc là con cháu bác Hồ đã bị bom lửa nướng
chín như heo quay rồi. Đoàn tàu giảm cao độ để sửa soạn vào LZ thì
đại pháo phòng không BV đủ loại từ nhiều cao điểm chung quanh bắn
lên như hoa đăng trên bầu trời, tôi nghĩ thầm: “Mẹ kiếp! không khác
gì phim Twelve O’Clock High trong đài TV Mỹ”. Trong khi đó hai anh
AH–1 Cobra Mỹ bắt đầu tách khỏi hợp đoàn VNAF để xuống thấp ‘prep’
các vị trí phòng không của địch bằng cách phóng rocket chống biển
người với làn khói màu hồng.
Đây là lần đầu tiên tôi thấy
loại hỏa tiễn này. Mãi về sau KQVN mới có thứ đặc biệt đó, ban Vũ
Khí Dưới Đất mở đầu đạn ra thì nó chứa hàng ngàn cây đinh, nhìn
giống như mũi tên xanh lè màu thép và nhỏ chỉ bằng cây tăm mà thôi,
đầu nó nhọn như mũi đinh đóng guốc, nhưng đuôi xoè ra bốn cánh như
đuôi bom. Thứ này khi trúng vào người thì vết thương bít lại làm
địch quân rất dễ chết, cho dù không thấy chảy máu gì hết.
Những trái đạn đại bác phòng không bắn lên nổ từng đám khói như tụm
bông gòn càng lúc càng nhiều. Trong tần số VHF, mấy anh Cobra la
chói lói “Ground Fire! Ground Fire!”, chỉ một lát sau hai anh Cobra
đã chuồn đâu mất tiêu chỉ còn lại hai chiếc Huey của VNAF mình giống
như gà tồ vào làm mồi cho chó sói. Thế là mấy cây M60 của chúng tôi
bắt đầu bắn rải hai phía bên hông. Thiếu úy Phúc đã vào bãi đáp
trước, nhưng ông bị một viên AK bắn bể đầu gối, thân tàu cũng bị bắn
trúng nhiều chỗ, đèn báo nguy màu đỏ nổi lên quá nhiều nên Copilot
phải tắt máy khi vừa chạm mặt đất. Cả PHĐ chạy xuống giao thông hào
ẩn trú với hy vọng chiếc trail sẽ nhào xuống pick up, nhưng khi
slick #2 vào final approach thì bãi đáp đang bị pháo kích tơi bời.
Tôi nhìn qua LZ kế bên dùng cho pháo binh thì thấy xác trực thăng Mỹ
nằm ngổn ngang, có cả chiếc trực thăng khổng lồ CH–53 Sea Stallion
của TQLC Mỹ nằm kề một chiếc OH–6 (Loach), mấy chiếc này đã bị bắn
rơi mấy ngày trước đây khi ráng di tản mấy khẩu 155ly.
Trung
úy Đạt muốn cứu PHĐ nên cũng ào vô hover kế bên cạnh chiếc lead
slick đã tắt máy. Lúc đó pháo kích quá dữ dội cho nên PHĐ chiếc kia
không thế nào nhào lên chiếc trail của mình. Trong tích tắc, cơ phi,
xạ thủ và một anh SĐ1BB đi theo đã đẩy thực phẩm và đạn duợc supply
ra khỏi tàu. Nhìn ra ngoài, tôi thấy ‘in–coming’ nổ gần LZ không
ngừng, tiếng anh xạ thủ thét trong Intercom “Tôi bị thương rồi”.
Lúc này mà còn chần chờ là chết, ông Đạt hét trong mike “Clear
to take off”, rồi dùng hết sức kéo collective stick, đẩy cần cyclic
stick ra phía trước để cất cánh, tôi nghĩ chắc là tàu sẽ bị
over–torque với sức kéo mãnh liệt này. Tàu đã nhấc skid chúi mũi cất
cánh về hướng Nam của đồi, để lấy thêm sức nâng và tăng thêm tốc độ.
Những người từng bay vùng núi rừng Đà Nẵng hay Pleiku đều biết
qua cái cảm giác lạnh cẳng khi đáp hay cất cánh từ những Hot LZ. Lúc
đó tốc lực của chiếc trực thăng rất chậm nên thường trở thành một
cái bia lớn cho các đồng chí con cháu Bác thực tập tác xạ. Một trong
những cách để tránh né phòng không của ‘HOT LZ’ là dùng phương pháp
lá vàng rơi “High overhead auto–rotation” giảm cao độ thật nhanh từ
mút trên không để đáp xuống LZ cho được an toàn, nhưng pilot phải là
những tay đầy bản lãnh và kinh nghiệm mới “thảy lỗ” được. Cũng nên
biết phòng không VC vùng Hạ Lào là những Tiểu đoàn kinh nghiệm từ
miền Bắc đưa vào, họ từng bắn rớt nhiều phản lực của HK trong những
cuộc không tập Linebacker I & II ngoài đó. Theo tin tình báo của HK
cho biết có hơn sáu Tiểu đoàn đã được thuyên chuyển về vùng Hạ Lào
để đương đầu với không lực HK & VN. Pilot của KQ HK đều công nhận là
hệ thống AAA (Anti–Aircraft–Artilery) ở vùng Hạ Lào không thua gì
ngoài BV. Kết quả là trên 300 trực thăng đủ loại đã bị bắn rơi sau
khi cuộc Hành Quân LS 719 chấm dứt.
Để tiếp tục câu chuyện,
Kingstar 5 lúc này đã đạt tốc độ 50 knot, nhiều cục lửa bay về hướng
tàu không ngừng, một trong những viên đạn này (Tôi đoán cỡ 37ly) lao
vào tàu trúng ngay hộp số rồi nổ tung phía sau lưng tôi. Lửa và khói
bộc phát mãnh liệt, tôi nghĩ thầm: “Thôi thế là đời mình chấm dứt ở
đây, đành bỏ xác ở nơi xứ lạ quê người rồi”. Tất cả đèn phi cụ đều
bật đỏ, ông Đạt hét lên trên tần số Guard: “May day! May day!”.
Tất cả phi cơ HK hay VN tham dự Lam Sơn 719 luôn luôn để tần số
khẩn cấp Guard đề phòng khi bị bắn rơi thì những phi cơ đang bay
trong vùng sẽ nghe để cấp cứu.
Trung úy Đạt liền Autorotation
xuống thung lũng trước mặt, ông biết chần chờ là tàu có thể nổ tung.
Tôi thấy rừng cây càng lúc càng gần, trong tích tắc tàu rơi trúng
ngay một khoảng rừng cây nhỏ cái ầm, tàu không bị lật nhưng càng đáp
(skid) đã xụm bà chè. Tôi liếc nhìn chung quanh thì thấy anh xạ thủ
đã bị thương, liền nhào qua phụ với người lính BB của SĐI kéo ảnh ra
khỏi tàu. Trung úy Đạt và Thiếu úy Bi cũng đã giật jettison mà nhảy
ra khỏi cửa. Chúng tôi chạy ra khỏi tàu chừng 15 thước thì lửa đã
tràn tới bình xăng nên con tàu đã biến thành một vòm lửa vĩ đại,
khói đen bốc lên trời ngùn ngụt.
Dân phi hành khi rớt xuống
đất cũng giống như cá ra khỏi nước nên ai cũng lo lắng, chúng tôi
đều rút súng ru–lô P38 ra cầm tay, anh Bộ Binh thì thủ cây M16 đề
phòng mấy anh Vẹm thế nào cũng lò mò tới.
Chúng tôi biết là
mình rớt không xa HH2 lắm, nhưng chỗ này nằm trong một lòng thung
lũng nên nhìn chung quanh chỉ thấy rừng cây và đồi núi trùng điệp.
Vẹt bờ bụi gai góc mà đi một lúc lâu, chúng tôi đã thoáng thấy HH2,
phần lớn là vì nhờ thấy khói đạn pháo kích bốc lên từ căn cứ này.
Tuy đã xa chỗ tàu rớt hơn nửa cây số mà quay lại vẫn còn thấy khói
bốc lên đen cả một khoảnh rừng.
Cây cối đã cao lớn, mà cỏ voi
rậm rạp cũng cao lút đầu người nên chúng tôi như mấy con gà con chui
vào ruộng lúa. Những tràng AK bắn hú họa lẫn tiếng hét: “Bắt lấy
chúng nó, mấy thằng giặc lái máy bay lên thẳng”.
Trung úy Đạt
dẫn đầu, tôi và anh BB thay phiên dìu anh Thuận và Thiếu úy Bi thì
đi đoạn hậu, cả toán lếch thếch hướng về HH2. Mặc dầu không mở miệng
nhưng trong bụng thì ai cũng lo rằng mấy anh Vẹm đang đuổi theo sát
nút và sẵn sàng làm thịt hết cả đám, vì có tiếng động của nhiều
người di chuyển và nói giọng Bắc rặt. Thế là PHĐ (Phi Hành Đoàn)
chúng tôi âm thầm đi thật nhanh về hướng đỉnh đồi hy vọng sẽ thoát
khỏi vòng vây đang xiết chặt.
Rớt máy bay trong rừng rậm mà
không mất mạng là một điều hy hữu, sau đó được sống sót rồi lội rừng
đi tìm quân bạn thì chỉ nhờ may mắn và ơn trên mà thôi chứ không
phải là tài giỏi hay kinh nghiệm gì. Đây đúng là dịp để chúng tôi
học Mưu Sinh Thoát Hiểm, nghe tiếng tụi nó là mình phải nằm im re.
Trời lúc này đã quá trưa nên rất nóng, chúng tôi vừa mệt vừa khát
nước nhưng vẫn phải tiếp tục leo trèo trên những mỏm đá đầy gai nhọn
và giây rừng chằng chịt, cả toán cứ thế mà đi theo trưởng toán là
Trung úy Đạt.
Hơn hai tiếng đồng hồ sau, chúng tôi đã leo
được khoảng 2/3 ngọn đồi thì ngửi thấy mùi hôi thúi kinh khủng từ
xác chết của VC trải khắp triền đồi, họ đã bị các đồng chí thân yêu
bỏ lại khi tấn công biển người mấy ngày nay. Thân thể họ bị bom mìn
băm nát, AK47, B40 nằm lẫn lộn với xác người. Khi trèo lên gần tới
vòng đai kẽm gai chằng chịt, ông Đạt ra hiệu dừng lại vì biết mìn
Claymore và lựu đạn đầy dẫy trong đó. Lính gác và Bộ Chỉ Huy Trung
đoàn 3 đang dùng ống nhòm nhìn xuống nên họ la lên “Dừng lại! Chúng
tôi sẽ gởi người xuống hướng dẫn các anh lên”. Giây lát sau, một anh
BB cẩn thận đi xuống tránh từng quả mìn rồi dẫn chúng tôi đi ngược
về trên đỉnh đồi nơi có BCH Trung Đoàn. Đây là một cái hầm kiên cố
làm bằng bao cát chất lên rất dầy có lẽ đến hơn 10 thước, lối vào
hầm là một giao thông hào hình chữ chi có nhiều bao cát tấn hai bên.
Lúc đó khoảng 3:00giờ chiều, khi vào tới hầm Bộ Chỉ Huy thì cả
hai PHĐ gặp nhau. Thiếu úy Phúc cho biết đã liên lạc được với Hàm
Nghi (Khe Sanh) và họ sẽ tìm cách cho trực thăng tới để rescue.
Chúng tôi người nào cũng hốc hác và lo sợ bởi vì nếu PĐ–213 không
vào cứu, mà đêm nay còn ở đây thì chỉ có nước đi đái mà thôi. Chính
ông Trung Đoàn Trưởng tiên đoán là căn cứ sẽ bị over–run tối nay,
lính tráng và cả Bộ Chỉ Huy đã cạn thực phẩm, nước uống và đạn dược
nên không còn cách nào khác là chờ đêm tối sẽ rút lui ra khỏi HH2,
mà di tản như vậy làm sao ông có thể bảo vệ chu toàn được cho PHĐ.
Ông Đạt liền mượn máy FM gọi về Hàm Nghi và liên lạc được với Đại úy
Kỳ, Trưởng Phòng Hành Quân PĐ–213, ông cho biết sẽ đích thân vô cứu
và ra lệnh cho anh em phải ra sát bãi đáp kể cả người bị thương.
Lúc này cả căn cứ oằn mình chịu những loạt pháo kích nặng nề,
mặc dầu lúc đó về hướng Đông Nam, một phi tuần F4 Phantom đang được
FAC (Forward Air Control) hướng dẫn dội bom. Tôi thấy rõ ràng khi
nhìn qua công sự: Một chiếc F4 nhào xuống thả một trái bom 500lb vào
ngay chỗ chiếc trực thăng của tôi vừa mới rớt, và khi nó ngóc lên,
thì cao xạ bắn lên đầy trời, chiếc F4 bị trúng đạn và khói phun ra
dưới cánh nhưng nó không rớt, mà ráng tiếp tục bay về hướng Tây.
Năm 2003 vừa qua tôi có vào một Web Site của cựu pilot OV–10
Bronco của KQHK, chúng tôi trao đổi email thì một trong những hoa
tiêu đã từng bay Lam Sơn 719 cho biết là ngày đó trong lúc chiếc
trail slick của tôi bị bắn rớt, ông đang bao vùng và đã được chứng
kiến cảnh ngộ hy hữu này. Trước tiên, ông nghĩ là cả PHĐ bị chết hết
vì tàu đã bốc cháy lúc còn ở trên không, nhưng một lát sau, quan sát
viên là SQ/VN nhìn ống nhòm thì thấy cả PHĐ đều sống sót nên họ đã
gọi về Hàm Nghi xin phi vụ F4 để yểm trợ nếu có trực thăng đi cứu.
Khoảng một tiếng đồng hồ sau, thì một phi tuần Phantom bay tới trên
không phận của HH2, nhưng đợi hoài không thấy t/t rescue nên FAC ra
lệnh hai chiếc F4 dội bom xuống ngay địa điểm chiếc t/t rớt để giết
bọn VC đang bao vây chung quanh. Nhưng thật chẳng may, một trong hai
chiếc F4 bị trúng đạn nên họ phải kè nhau ráng bay về căn cứ ở Thái
Lan.
Mãi tới 2g chiều, Trung úy Đạt nhận được tin từ Hàm Nghi
là sẽ có t/t vào rescue, anh ra lệnh 2 PHĐ phải chuẩn bị sẵn sàng và
dìu các anh em bị thương tới thật gần bãi đáp. Lúc này, chắc là các
cháu ngoan của Bác đang ăn cơm hay đánh giấc ngủ trưa mà pháo kích
ngưng hẳn. Trời về chiều nóng như thiêu đốt (đúng là xứ Lèo, đêm thì
lạnh ngày thì nóng) chúng tôi khát nước nên quên cả đói, thì cả bọn
mừng như điên khi nghe thấy tiếng phạch phạch quen thuộc từ hướng
Đông Bắc đi tới. Bãi đáp đã nhỏ thì chớ lại bị chiếc lead slick nằm
choáng chỗ chỉ còn một miếng sân nhỏ như cái dạng háng, rất khó để
thảy lỗ. Chỉ ít giây sau thì Đại úy Kỳ vào không phận HH2, ông
overhead–autorotate từ trên cao như một con đại bàng xà xuống bắt
mồi, nhưng thật không may ông lại đáp lộn bãi, nơi đó rất xa nơi anh
em chúng tôi đang ẩn trú. Hovering khá lâu mà không thấy ai chạy ra,
ông đoán là mình đáp lộn chỗ hoặc đã xảy ra sự gì cho PHĐ rồi vì lúc
này đạn pháo kích nổ bời bời, ông bèn cất cánh về hướng Tây Bắc đi
sát ngọn cây mà ra khỏi HH2 với một con tàu trống rỗng!
Bay
ra khỏi HH2 chừng 5 phút, ông Kỳ lại liên lạc với Trung Đoàn 3 lần
nữa và xin nói chuyện với PHĐ, ông đã hỏi Trung úy Đạt nhiều chi
tiết để biết chắc là chúng tôi đang ở chỗ nào. Thế rồi ông quay mũi
tàu 180 độ ngược trở lại và đi ride–smooth sát đọt cây mà trở lại
LZ, đại pháo phòng không còn làm gì được nữa nên tụi VC nổ AK như
bắp rang với hy vọng sẽ bắn rơi chiếc máy bay lên thẳng đơn côi này.
Phải tài ba lắm nên với tốc độ như thế mà không cần đảo vòng, ông Kỳ
đã hover sát giao thông hào của tụi tôi, chúng tôi đẩy được thương
binh lên tàu rồi 6 anh em còn lại phóng vào thân tàu nhanh như sóc,
việc xảy ra rất lẹ nhưng cũng có ít nhất 4 hay 5 Binh sĩ núp gần đó
nhảy lên trốn ra khỏi căn cứ này. Trọng pháo 130ly và hỏa tiễn 122ly
giã tới tấp vào HH2 không ngừng, vì đề–lô Vẹm biết là tt cấp cứu
đang trên bãi đáp. Khi biết là anh em lên được đầy đủ, ông Kỳ cất
cánh rất khó khăn vì tàu chở quá nặng lại gió xuôi, ông cho tàu chúi
mũi ra phía thung lũng trước mắt để lấy tốc độ và từ đó ride–smooth
đi ra khỏi HH2.
Mấy anh Vẹm dưới chân đồi đồng loạt tiễn đưa
bằng những tràng AK dòn như pháo Tết, nhiều viên trúng ngay thân tàu
nhưng cũng may không nhằm chỗ quan trọng. Chúng tôi nửa mừng nửa sợ:
Mừng vì đang ra khỏi chỗ đầy nguy hiểm, sợ là vì tt có thể trúng đạn
và mình lại rớt xuống lần nữa. Trong tàu chật cứng đầy người như hộp
cá mòi sardine, tôi chỉ biết nhắm mắt cầu trời cho qua giây phút
hiểm nghèo này.
Hết nghe tiếng đạn bắn, ông Kỳ biết là đã an
toàn nên kéo tàu lên cao và đổi hướng bay về Khe Sanh. Khoảng 15
phút bay, tàu đã tới biên giới vùng QL9/Lao Bảo, cả PHĐ ai cũng mừng
rỡ vì biết là mình lại được sống thêm một ngày nữa, còn tôi cảm thấy
như mình vừa mới hồi sinh. Với tuổi trẻ như tôi (20 tuổi) mà đã phải
va chạm với tử thần mấy lần trong một tuần lễ thì quả là cuộc đời
mình đen như mõm chó. Tôi tự an ủi: Ai cũng có số phần cả, lo lắng
mà làm quái gì.
Tàu vừa đặt càng skid xuống bãi đáp Hàm Nghi,
thì từ Trung Tâm Hành Quân nhiều phóng viên trong và ngoài nuớc đã
đổ xô ra chụp hình và phỏng vấn Phi Hành Đoàn, tôi lủi thủi đến bên
cạnh anh lính BB đang đứng gác, gật đầu chào rồi tháo nắp bình tông
của anh ta mà ngửa cổ uống vội vàng đến nỗi nước tràn đầy lên mặt.
Lời Cuối Bài:
Cuối năm 2003, tôi có điện
thoại cho cựu Trung tá Kỳ đang ở Virginia để vấn an thăm hỏi, khi đề
cập đến phi vụ ngày ấy, thì được ông cho biết thêm chi tiết này:
– Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm (Tư Lệnh HQ LAMSON 719) khi hay tin
hai chiếc VNAF t/t bị bắn rơi, đã ra lệnh không được gởi t/t vào cấp
cứu nữa vì quá nguy hiểm, chỉ thí thêm máy bay mà thôi. Ông Kỳ đã
không tuân lệnh trên, âm thầm để Cơ Phi, Xạ thủ và Co–pilot ở lại
Khe Sanh, một mình cất cánh bay vào HH2 mà chẳng có Gunship, hay
Cobra nào đi hộ tống cả.
Nhờ tài năng, sự hy sinh và can đảm
của ông, mà mấy anh em chúng tôi còn sống cho tới ngày hôm nay. Anh
Đạt hiện nay cư ngụ ở Cali, anh Phúc (được giải ngũ năm 71 vì ‘inap’
bể đầu gối) cư ngụ tại Arizona. Thiếu úy Bi của PĐ–233 đã tử trận ở
Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi năm 1972.
Tôi xin cảm ơn những cấp
trên: KQ Đạt, KQ Phúc, và KQ Kỳ đã giúp nhiều chi tiết để đóng góp
cho hồi ký này được thêm phần đầy đủ và chính xác.
Cựu Cơ Phi T/T Thông,
SĐ1KQ/KĐ51CT/PĐ–239
oOo
Chủ đề:
10. Phi vụ “Cò Trắng” và những nấm mồ
còn lại
Tác giả: comay
LTS: Vào năm 1961, Không Quân Việt Nam có hai chiếc C–47
sử dụng
riêng cho những phi vụ đặc biệt...
Phi Vụ CÒ TRẮNG & Những Nấm Mồ Còn Lại...
oOo
HỒI KÝ VỀ PHI ĐOÀN TRỰC THĂNG 211 THẦN CHÙY
oOo
Chủ đề:
11.
Những cánh chim lìa đàn
Tác giả: xavuong12
Năm 1972, bọn Cộng sản (CS) mở những trận
đánh lớn trên vùng đất thân yêu Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), từ Vùng I
cho đến Vùng IV Chiến Thuật, CS đánh phá khắp nơi hầu chiếm đất
giành dân. Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) với những đơn vị
thiện chiến như Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, các Sư
Đoàn Bộ Binh, Địa Phương Quân, và Nghĩa Quân đã anh dũng chống trả,
và chiến thắng những trận tấn công khốc liệt của bọn CS tại những
chiến trường mà bọn chúng đã chọn lựa.
Vùng IV chiến thuật
với những trận đánh lớn tại các địa danh như Cai Lậy, Mỹ Thiện, Mỹ
An, Mộc Hóa, Chương Thiện, Cà Mau, Năm Căn, Đầm Dơi. Tất cả quân
binh chủng Quân đoàn IV được lệnh cấm trại,ứng chiến 100%, phép
thường niên đều bị hủy bỏ. Chỉ riêng Không Quân, Chuẩn tướng Nguyễn
huy Ánh, Sư Đoàn trưởng Sư Đoàn IV Không Quân (SĐIVKQ), đã bảo đảm
với tướng tư lệnh Quân đoàn IV Ngô quang Trưởng, “Không Quân sẽ cung
ứng đầy đủ những phi vụ yểm trợ cho Quân đoàn khi yêu cầu”. Vì vậy
anh em trực thăng đi bay liên tục năm ngày, được nghỉ ba ngày và có
trực thăng đưa đón từ Cần Thơ về Sài Gòn. Lúc bấy giờ tinh thần
chiến đấu của anh em trực thăng lên rất cao, chúng tôi không từ chối
một phi vụ nào mà quân bạn (bộ binh) yêu cầu để không phụ lòng vị
chỉ huy tài ba Nguyễn huy Ánh, con chim đầu đàn ngành trực thăng, đã
ưu ái chăm sóc từ tinh thần đến nếp sống anh em SĐIVKQ nói chung và
anh em trực thăng nói riêng.
Thời gian này tôi đang phục vụ
PĐ–211, Thần Chùy, một phi đoàn kỳ cựu trong ngành trực
thăng với những hoa tiêu dày dặn kinh nghiệm chiến trường với hàng
ngàn giờ bay trên H–34 và UH–1H. Chúng tôi (PĐ–211) cùng với các phi
đoàn bạn 217, 225, và 227 đã thay phiên nhau đổ quân, tải thương, và
tiếp tế cho các Sư Đoàn Bộ Binh 7, 9, 21, và Biệt động quân (BĐQ)
ngày đêm đánh đuổi bọn CS đem an lành cho dân chúng miền Tây. Lúc
bấy giờ, bọn CS dùng đất Cao Miên làm bàn đạp tiến về phía Nam để uy
hiếp quận Mỹ Thiện, Mỹ An, và sau đó sẽ chiếm quận Cai Lậy hầu cắt
ngang Quốc lộ 4 con đường huyết mạch từ Sài Gòn xuống Cần Thơ.
Biết được ý đồ của bọn CS, Quân đoàn IV đã cho thiết lập căn cứ
hỏa lực Vĩnh Nhi nằm cận Quốc lộ 4 giữa quận Cái Bè và Cai Lậy. Đồng
thời căn cứ này cũng là bộ chỉ huy tiền phương của một Liên đoàn
Biệt động Quân và Trung tá Hòa là Liên đoàn trưởng. Chiến trường tại
Vùng IV rất sôi động, hàng ngày có hai phi đoàn trực thăng làm việc
với các đơn vị bộ binh. Một tại chiến trường Mộc Hóa, Cai Lậy, hay
Mỹ Tho, thuộc vùng trách nhiệm của hai Sư Đoàn 7 và 9 Bộ binh. Phi
đoàn còn lại thì chịu mặt trận Chương Thiện, Cà Mau, Rạch Giá, hoặc
Hà Tiên vùng trách nhiệm Sư Đoàn 21, và Biệt khu 44. Hai phi đoàn
còn lại làm việc cho các tỉnh,quận lo việc tiếp tế, tải thương....
Sau khi trở về từ Sài Gòn, PĐ–211 nhận lệnh yểm trợ liên đoàn
BĐQ hành quân giải tỏa áp lực CS đang uy hiếp chung quanh quận Mỹ
Thiện, và phi đội chúng tôi được giao phó trọng trách này. Hợp đoàn
hành quân gồm một C&C, ba trực thăng võ trang (Gunship), và năm trực
thăng đổ quân (slick). Phi hành đoàn như sau:
– C&C: Thiếu tá
Lộc + Thiếu úy Hồng
– Gun 1: Trung úy Hùng 1 + Thiếu úy Hùng 4
– Gun 2: Thiếu úy Xuân + Thiếu úy Chừng + Tư + Tuấn
– Lead slick:
Trung úy Thanh + Thiếu úy Trung
Sau khi nghe quân bạn thuyết
trình tình hình chiến sự nơi bãi đổ quân, chúng tôi được biết bọn CS
đang chuẩn bị đánh quận Mỹ Thiện, và nhiệm vụ của chúng tôi là đổ
BĐQ ngoài vòng đai quận Mỹ Thiện theo trục Nam–Bắc giải vây áp lực
địch. Tôi còn nhớ trên đường ra phi cơ, Trung tá Hòa, BĐQ, có nói
với Thiếu tá Lộc (C&C):
“Theo tin tình báo cho biết,tình hình
tại nơi đổ quân rất yên ổn. Dân chúng đang làm ruộng, anh và tôi bay
vào đó quan sát trước”.
Hợp đoàn trực thăng quay máy và chờ
lệnh C&C. C&C ra lệnh như sau:
“Gunships theo C&C vào vùng
hành quân, slicks bay đến địa điểm bốc quân”. Chúng tôi, hai
gunships, cất cánh theo C&C vào nơi đổ quân để quan sát, dọn bãi đáp
an toàn trước khi đưa slicks vào bãi đổ quân. Trên tàu C&C có Trung
tá Hòa, LĐTBĐQ, Trung tá cố vấn Hoa Kỳ, Sĩ quan pháo binh (đề–lô),
và vài anh em BĐQ.
Trên đường bay từ căn cứ Vĩnh Nhi vào quận
Mỹ Thiện với cao độ khoảng 500 bộ, chúng tôi (Gunships) thấy đàn
ông, đàn bà đang lui cui đào đất làm ruộng không khí rất thanh bình,
không thấy dấu vết khả nghi có cuộc chuyển quân hay phục kích của
CS, tuy nhiên chúng tôi vẫn trong tư thế chiến đấu, các khẩu
miniguns sẵn sàng nhả đạn. Tất cả vô tuyến đều im lặng. Chợt chúng
tôi nghe C&C qua tần số nội bộ:
“Tôi đã bay vào quận Mỹ Thiện
và trên đường trở ra, dân chúng đang làm ruộng, Gunships coi chừng
bắn lầm”.
Chúng tôi theo dõi, và thấy tàu C&C bay trở ra từ
quận Mỹ Thiện thì đột nhiên chúng tôi nghe trên tần số nội bộ: “Súng
bên trái, bên phải bắn đi, Ơi ới cứu tôi với!”. Đó là tiếng kêu cứu
của Thiếu tá Lộc trên tần số. Chúng tôi gun2 đã thấy tàu C&C mất cao
độ, đầu phi cơ bốc ngất lên cao cho biết tàu đã giảm tốc độ
(airspeed), cánh quạt đuôi chạm đất trước, và sau đó nguyên thân tàu
rớt xuống đất như hòn đá rơi. Bụi mù bay tứ phía, chúng tôi liền bay
thẳng đến nơi phi cơ rớt để yểm trợ và đồng thời cứu phi hành đoàn
C&C. Vì bay cao độ thấp khoảng 5–10 bộ nên chúng tôi không thể bắn
rockets được, chỉ dùng miniguns yểm trợ mà thôi. Chúng tôi bay vòng
tròn trên đầu C&C, và hai anh Tư, Tuấn đã xử dụng hai khẩu miniguns
bắn vòng quanh yểm trợ chờ quân tiếp viện. Trong khi đó gun1 liên
lạc với lead slick chở quân đến nơi phi cơ rớt để tiếp cứu. Trên
đường bay vào để tiếp cứu, lead slick bị 12.7ly bắn trực xạ, tàu
trúng đạn nơi bình xăng, xăng bay tứ tung. Trung úy Thanh trúng mảnh
đạn dưới càm nên không thể tiếp tục phi vụ. Đoàn slicks vẫn tiếp tục
phi vụ chở lính BĐQ vào nơi tàu C&C rớt để tiếp cứu, nhưng vì bị bắn
rát quá nên phải quay trở ra không vào bãi đáp để tiếp cứu được.
Gun2 tiếp tục bay vòng tròn trên đầu C&C, hai súng miniguns nhả
đạn như điên, tôi thấy máu của bọn CS bị bắn văng lên và chạm phía
ngoài phần plastic trắng (bubble) dày đặc, chứng tỏ bọn CS đã nằm
chờ để phục kích quân bạn. Chúng tôi vẫn bay, súng cứ bắn, và chờ
đợi quân bạn vào phụ giúp chúng tôi tiếp cứu phi hành đoàn C&C.
Không nghe súng bên phải bắn, tôi quay lại phía sau (lúc đó Thiếu úy
Xuân đang bay), thấy anh Tuấn nhảy vào giữa phi cơ, bàn tay trái nắm
lấy bàn tay phải tôi vội hỏi: “Tuấn bị sao đó?”.
“Em bị bắn
mất lóng tay rồi”, Anh bình tĩnh trả lời.
Bay trên đầu bọn CS
đang nằm phục kích, chúng tôi nhờ vào hai khẩu miniguns để bảo vệ
cho mình, bây giờ mất đi một tay súng thì khó được an toàn. Quân
tiếp viện đâu không thấy, gun1 đang bận liên lạc với slicks và báo
cáo tình hình về Sư Đoàn, chúng tôi không tự bảo vệ cho mình được
nữa. Sau khi được biết quân bạn không thể vào tiếp cứu phi hành đoàn
C&C được, chúng tôi chỉ còn xử dụng khẩu súng bên trái mà thôi nên
khó mà kéo dài cuộc chiến, thêm vào đó Tuấn đang bị thương nên tôi
đã nói với Thiếu úy Xuân: “Tuấn bị thương, chúng ta rời vùng sẽ trở
lại sau”. Chúng tôi rời vùng sau chót, và về đáp tại căn cứ Vĩnh
Nhị. Tại bãi đáp, anh em y tá bộ binh đang băng bó vết thương cho
các thương binh trong đó có Trung úy Thanh.
Tại căn cứ Vĩnh
Nhi, có hợp đoàn trực thăng Hoa Kỳ gồm bốn Cobras, và hai OH–6 đang
nằm chờ để vào yểm trợ giải cứu anh cố vấn Mỹ. Các pilots Mỹ đến tàu
chúng tôi để hỏi thăm tình hình và một trong những anh bạn Hoa Kỳ
này đã tìm thấy “lóng tay” của anh Tuấn vướng trên khẩu súng.
Trong khi nằm chờ tại Vĩnh Nhi, chúng tôi được biết phi hành
đoàn đều tử trận, chỉ trừ anh Sĩ quan đề lô còn sống, anh này đã
chạy bộ vào quận Mỹ Thiện và báo cáo tin tức này. Thật là mầu nhiệm.
Trực thăng “rescue” từ Sư Đoàn IV được gởi đến, Thiếu tá Lâm, phi
đoàn phó bay đến phụ lo việc tiếp cứu, và sau cùng Thiếu tá Cảnh,
phi đoàn trưởng cũng đến an ủi anh em và cùng lo việc tiếp cứu phi
hành đoàn C&C.
Hợp đoàn trực thăng Hoa Kỳ cất cánh, chúng tôi
thấy chiếc trực thăng Rescue của Hoa Kỳ đang trên vùng. Một lúc sau
hợp đoàn trực thăng Hoa Kỳ trở về, và cho biết họ bị phòng không
12.7ly bắn tứ phía nên không thể yểm trợ hữu hiệu cho việc rescue,
và họ rời vùng.
Chúng tôi nằm chờ tại căn cứ Vĩnh Nhi cho đến
chiều, hy vọng tình hình khả quan hơn, chúng tôi sẽ vào để tìm kiếm
và bốc xác các bạn đồng đội. Buổi sáng trời trong xanh, đến chiều
những áng mây đen từ đâu kéo về, cơn mưa trút xuống như khóc thương
cho những Chiến sĩ VNCH nói chung, và anh em Không Quân nói riêng đã
hiến mình cho tổ quốc. Sau cùng hợp đoàn hành quân đành phải rời căn
cứ Vĩnh Nhi trở về đơn vị bỏ lại sau lưng “những cánh chim lìa đàn”,
và tiếp tục nhiệm vụ của người lính Không quân “Bảo Quốc Trấn
Không”.
“Quảng Trị
kiêu hùng,
Kontum vùng dậy,
Cai Lậy ứ hơi,
Đầm Dơi ngã ngửa.”
Bài thơ này, xin kính tặng các Chiến sĩ VNCH
đã anh dũng hy sinh trên những chiến trường khốc liệt, đầy máu và
nước mắt.
*TB: Tôi được biết
quân bạn đã vào nơi phi cơ rớt, thu hồi tất cả thi hài của phi hành
đoàn, chỉ riêng Thiếu úy Hồng thì chỉ tìm được chiếc áo bay mà thôi?
oOo
Chủ đề:
12.
Người Chiến sĩ VNCH ngày cuối
cùng của cuộc chiến
Tác giả: hopp
Vào ngày cuối cùng của cuộc chiến, khi mà
mọi giới đều hiểu rằng không còn gì có thể cứu vãn được nữa thì
người Chiến sĩ VNCH vẫn chiến đấu dũng cảm. Một vài tài liệu sau đây
cho chúng ta khẳng định như thế:
1/ Tài liệu của Không Lực
Hoa Kỳ – chương trình di tản “Frequent Wind” có viết rằng: Trong khi
phi trường bị tấn công thì 2 chiếc Al (Skyraider chiến đấu có cánh
quạt của Không lực VNCH) đã bay lượn trên không phận Sài Gòn để truy
lùng các vị trí pháo kích của địch. Một trong hai chiếc bị hỏa tiễn
SA–7 bắn hạ. Trong khi đó, nhiều người đã không e sợ, đổ xô ra ngoài
để nhìn một chiếc phi cơ “Rồng lửa” AC–119 đang nhào lộn và xả súng
(đại liên 6 nồng Gatling) bắn một vị trí của bộ đội Bắc Việt ở ngay
gần cuối hướng đông Tân Sơn Nhất. Vào khoảng 7:00giờ sáng 29/4/1975,
chiếc phi cơ anh dũng của VNCH đã bị trúng hỏa tiễn SA–7 của địch và
bốc cháy rồi đâm nhào xuống mặt đất.
Trong một bức thư của
một phi công VNCH gửi cho Clyde Bay ở Trung Tâm Di Tản Nha Trang, kể
lại chuyện những phi công của Không Lực VNCH vào sáng ngày
29/4/1975, vẫn tiếp tục thực hiện các phi vụ tấn công vào các đoàn
xe tăng địch, khi chúng tiến về phía thủ đô Sài Gòn. Theo lời của
Trung úy Coleman “ít nhất những người này đã là những Chiến sĩ đã
chiến đấu một cách anh dũng và hy sinh đến giọt máu cuối cùng của
cuộc đời binh nghiệp, trong một trận chiến biết chắc là thua, nhưng
vẫn sẵn sàng hy sinh”.
2/ Tài liệu trích trong cuốn Việt Nam
và Chiến Lược Domino của Bạch Long (từ trang 312 đến 314) Nhưng sự
bất ngờ cho Cộng sản đã xảy ra ngay tại cửa ngõ vào Sài Gòn. Khoảng
gần một ngàn Chiến sĩ của Chiến đoàn 3 Biệt Kích Dù và một số biệt
kích, Nhảy Dù và quân nhân khác, có nhiệm vụ bảo vệ bộ Tổng Tham Mưu
từ ngày 26/4/1975, đã sẵn sàng chờ “đón” quân Cộng sản. Trong ngày
29/4/1975, tướng Lâm Văn Phát đã có can đảm đứng ra nhận chức tư
lệnh Biệt Khu Thủ Đô với mục đích cầm quân chiến đấu bảo vệ Sài Gòn.
Tướng Phát đã ra lệnh cho các cánh quân Nhảy dù, Biệt Cách, Biệt
Động Quân, Thủy Quân Lục Chiến... phải ngăn chận quân Cộng sản kéo
vào Sài Gòn từ hai ngả tư Bảy Hiền và Hàng Xanh. Tướng Phát kể lại
rằng ông chỉ còn vỏn vẹn 60 xe tăng M–41 và M–48 với những đơn vị lẻ
tẻ để đối đầu với 16 Sư Đoàn Bắc Việt và 3 Sư Đoàn Việt cộng với
hàng ngàn xe tăng, đại pháo và tấn công từ hai ngả vào Sài Gòn.
Nhưng dù ở trong tình thế tuyệt vọng như vậy, tướng Phát và những
người đầu hàng. Họ vẫn phải chiến đấu đến cùng! (Cần phải nói rằng
các đơn vị lớn Thủy Quân Lục Chiến cực kỳ anh dũng và đã bị tan rã
gần hết trước ngày 30/4/1975, ở vùng I và vùng II, và trong những
trận rút bỏ khác.) Những người lính chiến đấu này không có radio! Họ
không cần biết rằng quân Cộng sản đang thắng thế. Họ không cần biết
tổng thống tạm thời Dương Văn Minh đang sửa soạn đầu hàng, dâng miền
Nam cho Cộng sản. Họ không cần biết rằng tình hình đã hoàn toàn
tuyệt vọng, không còn một chút hy vọng ngăn chân quân đội Bắc Việt.
Họ chỉ biết chiến đấu chống Cộng và tiêu diệt quân Cộng sản, và hình
như họ chưa bao giờ có tư tưởng bỏ chạy hay đầu hàng! Họ hờm súng
đợi quân thù Cộng sản và sẵn sàng nhả đạn. Các xe tăng Cộng sản hứng
những loạt đạn đầu tiên và bất ngờ. Trong thành phố đang hỗn loạn
tinh thần, tiếng đạn nổ như mưa bão xen lẫn với tiếng súng lớn, đã
làm cho sự hỗn loạn gia tăng. Trong thời gian thật ngắn khoảng hơn 1
giờ đồng hồ, 17 xe tăng Cộng sản bị trúng đạn cháy đen nằm rải rác
từ Ngả tư Bảy Hiền đến cổng trại Phi Long và đến đường Cách Mạng.
Pháo tháp xe tăng T–55 bằng thép dầy 12inches (30 phân tây) bị bắn
thủng như bằng bột, chứ không phải bằng thép! Lỗ đạn không lớn lắm.
Hình như vào giờ chót người Mỹ viện trợ cho một loại súng bắn xe
tăng đặc biệt, loại 106ly (?), để bắn xe tăng. Đạn xuyên phá qua
thép dầy nhất và lực cản của thép đã làm cho nhiệt độ gia tăng tới
gần 3000 độ C, nướng chín quân lính Cộng sản ở trong xe tăng.
Cánh quân Cộng sản từ Long Khánh kéo về Sài Gòn qua Hàng Xanh,
Thị Nghè bọc xuống trước Sở Thú để tiến vào dinh Độc Lập thì bị quân
Nhảy Dù án ngữ. Quân Nhảy Dù bị dồn về bảo vệ vòng đai Sài Gòn. Họ
không còn việc gì khác hơn là chiến đấu đến cùng từ đường vòng đai
xa lộ Đại Hàn đến ngã tư Hàng Sanh về đến đại lộ Thống Nhất, nhà thờ
Đức Bà. Hầu như những cánh quân Cộng sản đầu tiên tiến vào Sài Gòn
theo ngả này đều bị Nhảy Dù tiêu tiệt hết. Tổng cộng trong khoảng từ
7:00giờ sáng đến 10:15giờ ngày 30/4/1975, khi Dương Văn Minh tuyên
bố đầu hàng, hơn 20,000 quân Bắc Việt, 32 xe tăng và gần 30 quân xa
(Molotova) chở đầy lính Cộng sản bị bắn cháy, chết hết, trong phạm
vi thành phố Sài Gòn. Tất cả hai cánh quân Việt cộng đều khựng lại.
Bộ chỉ huy Cộng sản cuống cuồng vội giục Dương Văn Minh phải
đích thân ra lệnh cho tướng Lâm Văn Phát, thiếu tá Tài để ra lệnh
cho Biệt Cách Dù và quân Nhảy Dù ngưng chiến đấu. Tất cả những người
lính chiến đấu can trường nhất của VNCH lúc đó mới hiểu rằng miền
Nam đã bị kẹt vào cái thế phải thua. Họ ném bỏ súng đạn trút bỏ quần
áo trận và lẫn lộn vào dân chúng, tìm đường về nhà.
Một câu
chuyện khác do tướng Lâm Văn Phát kể lại là sau khi Dương Văn Minh
điện thoại cho ông phải ra lệnh ngưng bắn thì ông xuống dưới nhà.
Dưới chân cầu thang, một người Quân Cảnh đã đứng nghiêm chào ông và
nói: “Vĩnh biệt thiếu tướng”, rồi rút súng bắn vào đầu tự tử. Khi vị
tư lệnh cuối cùng của Biệt Khu Thủ Đô đến Tổng Tham Mưu thì thấy
chung quanh cột cờ lớn có khoảng hơn 300 Binh sĩ Biệt Cách và Sĩ
quan chỉ huy họ đang đứng thành vòng tròn và hờm súng vào... lưng
nhau, sẵn sàng nhả đạn tự tử tập thể. Tướng Phát phải nói với họ
trong nước mắt rằng quân đội VNCH đứng vững cho đến giờ chót là nhờ
tinh thần kỷ luật. Vậy lúc này đã có lệnh buông súng thì anh em ai
về nhà nấy mà lo cho gia đình. Tự tử không có ích lợi gì cho mình
cả. Các quân nhân nghe lời, chỉ có một vài Sĩ quan trẻ tuổi đã tự
tử. Đến 1 giờ trưa, tướng Phát bàn giao Biệt Khu Thủ Đô cho tướng
Việt cộng Ba Hồng. Sau đó tướng Ba Hồng mời tướng Phát đến Tổng Tham
Mưu. Tại đây, khoảng 500 chiến xa T–55 của Cộng quân nằm kín chung
quanh cột cờ. Đáng lẽ những chiến xa này đã đi thẳng sang Tây Ninh
theo đường vòng đai Sài Gòn. Nhưng sự đầu hàng của Dương Văn Minh đã
thay đổi hết kế hoạch tiến đánh Thái Lan của Cộng sản (tướng Lâm Văn
Phát đã từ trần trong tuổi già tại Santa Ana, California ngày
30–10–1998)
Nhưng hai trận đánh trên đây cũng chưa phải là
trận đánh cuối cùng trong ngày 30/4/1975. Trường Thiếu Sinh Quân
Vũng Tàu đã chiến đấu mãnh liệt từ trong khuôn viên trường cho đến
khoảng 2:00giờ trưa. Lúc này, Cộng sản đã cầm chắc cái thắng trong
tay nên chúng không muốn chết thêm nữa. Chúng ngưng bắn và điều đình
với các em. Các em đòi chúng phải ngưng bắn và rút ra xa để các em
tự giải tán. Khoảng 3:00giờ chiều, các em hát bài quốc ca, làm lễ hạ
cờ. Xong rồi bỏ đồng phục, mặc quần áo thường và từ từ ra khỏi trại,
nước mắt ràn rụa trên má.
3/ Tài liệu: báo Wall Street
Journal số ngày 2–5–1975, bài bình luận của ký giả Peter Kahn, từng
đoạt giải Pulitzer, có tựa đề “Truy Điệu Nam Việt Nam” “Nam Việt Nam
đã chống cự hữu hiệu trong 25 năm, và họ đã không phải luôn luôn
được người Mỹ giúp. Tôi nghĩ ít có xã hội nào bền bỉ chịu đựng được
một cuộc chiến đấu lâu dài như vậy. Quân lực VNCH đã chiến đấu can
đảm và vững mạnh trong một số trận đánh mà chúng ta còn nhớ, thí dụ
như trận An Lộc. Quân đội ấy đã chiến đấu giỏi và can đảm ở nhiều
trận đánh khác mà chúng ta không còn nhớ địa danh. Quân lực ấy đã
can đảm và chiến đấu trong hàng ngàn trận đánh nhỏ, và giữ vững hàng
ngàn tiền đồn hẻo lánh ở những nơi mà cái tên nghe rất xa lạ với
người Mỹ. Hàng trăm ngàn người của quân lực ấy đã tử trận. Hơn nửa
triệu người của quân lực ấy đã bị thương. Và trong những tuần lễ
chót, khi mà người Mỹ nào cũng biết là cuộc chiến đấu đã thua rồi
thì vẫn còn những đơn vị của quân lực ấy tiếp tục chiến đấu, thí dụ
tại Xuân Lộc. Nhờ có những sự chiến đấu ấy mà người Mỹ và một số
người Việt lựa chọn mới an toàn thoát đi được. Rốt cuộc, quân lực ấy
đã tài giỏi hơn sự ước lượng của người ta. Phía mạnh hơn chưa chắc
đã là phía tốt hơn”
4/ Tài liệu của ký giả người Pháp Jean
Larteguy, đã chứng kiến những giờ phút cuối cùng ở Sài Gòn ngày 29
và 30/4/1975. Thứ Hai 28/4/1975 Sài Gòn sáng nay yên tĩnh. Các đơn
vị của một Lữ đoàn Dù chiếm đóng vị trí của họ trong thành phố, sau
bức tường, trong những khu vườn. Họ không buồn rầu và không tuyệt
vọng. Họ điều động như thể đang dự một một thao dượt. Đôi lúc họ còn
cười với nhau và liệng cho nhau những chai Coca Cola. Họ không nuôi
một ảo tưởng về số phận của họ, về kết quả của trận đánh tối hậu
này. Nhưng tôi có cảm tưởng là họ nhất định chiến đấu tới cùng, và
sẽ tự chôn mình trong những đổ nát của Sài Gòn. “Và những Binh sĩ
tuyệt vời này vẫn còn có được các cấp chỉ huy ở bên họ. Một trong
các cấp ấy là một Đại tá. Tôi hỏi ông ta xem tình hình ra sao? Ông
trả lời: “Chúng tôi sẽ chiến đấu, và chúng tôi sẽ là những người
lính cuối cùng chiến đấu. Hãy nói cho mọi người biết rằng chúng tôi
chết không phải vì Thiệu, vì Hương hay vì Minh.”
Sau khi
Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng. Larteguy lại được chứng kiến
tận mắt trận đánh cuối cùng của các đơn vị VNCH tại Sài Gòn, và ghi
lại như sau: “Gần Lăng Cha Cả, quân Dù đánh trận chót. Họ chiến đấu
tới 11:30giờ trưa, cho tới khi các cấp chỉ huy của họ từ dinh Tổng
Thống trở về sau cuộc gặp gỡ bi thảm với tướng Minh. Các Sĩ quan này
khuyên họ nên ngưng chiến đấu. Họ vừa hạ được 5 xe tăng T–54. Những
xe ấy còn đang cháy ngùn ngụt. Một chiếc nổ tung vì đạn trong xe.
Quân Dù không để lại trên trận địa một thứ gì, dầu là vũ khí, đồ
trang bị, người bị thương hoặc người chết.” Larteguy cũng được thấy
tận mắt các sinh viên trường Võ Bị Đà Lạt, lực lượng trừ bị chót của
QLVNCH, tiến ra trận địa. “… Và trong những bộ đồng phục mới, giầy
chùi xi bóng láng, các sinh viên anh dũng của Trường Võ Bị Đà Lạt đã
đi vào chỗ chết. Họ ra đi thật hào hùng, đi như diễn binh, chỉ thiếu
có cái mũ diễn hành và đôi bao tay trắng.”
Một đồng nghiệp
của Larteguy là Raoul Coutard đã thu được cảnh xuất quân bi tráng
ngay vào máy quay phim và cố nén xúc động để hỏi các Sinh viên Sĩ
quan: “Các anh có biết là sắp bị giết chết không?” Một Thiếu úy trả
lời: “Chúng tôi biết chứ!” Vì sao? Tại vì chúng tôi không chấp nhận
Chủ Nghĩa Cộng sản! “...Các xe tăng đầu tiên của Cộng sản vào Sài
Gòn từ phía đông, qua tỉnh lộ Thủ Đức và Biên Hòa...”
Bộ binh
thì tiến từ phía Bến Cát và Tây Ninh. Tuy vậy, bọn này chỉ tới được
trung tâm Sài Gòn vào lúc 5:00giờ chiều. Từ ngày hôm trước các đơn
vị cộng quân này đã bị chận tại gần Hóc Môn, gần nơi có Trung Tâm
Huấn Luyện Nhảy Dù do Lữ Đoàn 4 của Sư Đoàn Dù trấn giữ dưới sự chỉ
huy của Đại tá Vinh, Sĩ quan to con, mặt phong trần, nhất định bất
chấp lệnh ngưng bắn. Các đơn vị Cộng quân bị thiệt hại nhiều. Sau đó
chúng còn phải giao tranh 2 lần trên đường phố Sài Gòn. Một lần
trước trụ sở Cảnh sát Công Lộ, nơi đây chừng 100 cảnh sát viên chiến
đấu oanh liệt trong hơn một giờ, trước khi bị xe tăng Cộng sản đề
bẹp. Lần thứ hai ở ngã tư Hồng Thập Tự và Lê Văn Duyệt, là nơi chỉ
có 4 người lính Dù võ trang đại liên và Bazzoka mà chiến đấu được
trong 50 phút. Đến khi hết đạn, họ đi ra ngoài, nắm vai nhau, lập
thành vòng tròn rồi cho nổ một tràng lựu đạn tự sát. “Đến chiều tối
400 Chiến sĩ Mũ Đỏ (Dù) được gom từ trận Hốc Môn và từ phi trường,
tụ lại quanh Đại tá Vinh, và còn chiến đấu gần chợ chính và các nơi
có ruộng lúa của tỉnh Chợ Lớn. Đến 10 giờ đêm, Đại tá Vinh cho lệnh
các Binh sĩ chia thành toán nhỏ, lợi dụng bóng đem để rút về đồng
bằng...” Darcourt cho biết Đại tá Vinh đã ở lại vị trí và tự sát.
Nguyên Huy
Thai Duong 530 Fighter Squadron, A–1 Skyraiders, Cu Hanh, Pleiku
Air Base, Vietnam
Nguồn:
bkt
sưu tầm
Chú thích về những chữ viết
tắt trong bài:
CT: Chiến Thuật
KĐ: Không Đoàn
KL:
Không Lực
KQ: Không Quân
KT: Khu Trục cơ (gồm Skyraider, Phản
lực cơ A–37, và Phản lực cơ F5)
PĐ: Phi Đoàn
PĐT: Phi Đoàn
Trưởng
PĐP: Phi Đoàn Phó
PHĐ: Phi Hành Đoàn
TT: Trực Thăng
(gồm H–34, UH–1, và CH–47 Chinook)
VT: Vận Tải
BKT
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
|
Hình nền: Phong cảnh thiên nhiên vùng Bắc Mỹ Châu. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: bkt sưu tầm, trình bày & ấn loát
Đăng ngày Thứ Hai, July 11, 2016
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang