Bắc đẩu tinh

 

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Trang Lịch sử
Chủ đề: Mùa Quốc Hận 46
Tác giả: BKT

TƯỞNG NIỆM 46 NĂM NGÀY QUỐC HẬN – 2021
30/4/1975–30/4/2021
Nghìn Thu Thương Tiếc ANH HÙNG VỊ QUỐC VONG THÂN!

 

Mục Lục

Mùa QH46 - Tưởng niệm Chiến Sĩ Trận Vong QLVNCH

Tiểu sử các vị ANH HÙNG QLVNCH
đã tuẫn tiết vào Ngày 30/4/1075


01. Nguyễn Khoa Nam
02. Phạm Văn Phú
03. Lê Văn Hưng
04. Trần Văn Hai
05. Lê Nguyên Vỹ
06. Hồ Ngọc Cẩn
07. Nguyễn Văn Long



Nhạc Chiêu Hồn TỬ SĨ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


01
Tiểu sử NGUYỄN KHOA NAM

 


Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư Lệnh Quân Đoàn IV/Quân Khu IV, sinh ngày 23 tháng 9 năm 1927 tại Đà Nẵng trong một gia đình nền nếp, khoa bảng. Ông là cựu học sinh trường Khải Định, tốt nghiệp Khóa Hành Chánh ở Huế, giữ chức Chủ Sự Tài Chánh từ năm 1951 đến năm 1953 thì nhập ngũ Khóa 3 Thủ Đức. Khi ra trường, ông tình nguyện phục vụ trong Binh Chủng Nhảy Dù và thuyên chuyển ra chiến đấu ở ngoài Bắc.

Sau Hiệp Định Genève 20/7/1954, đơn vị của ông được đưa về Miền Nam, lúc đó ông đang mang cấp bậc trung úy. Đến năm 1955, ông giữ chức Đại đội trưởng thuộc TĐ7ND, về tham dự cuộc hành quân tảo thanh nhóm Bình Xuyên của Bảy Viễn ở Sài Gòn. Sau đó ông được thăng cấp đại úy rồi đi du học chuyên nghiệp tại Pau, ở Pháp. Ông mang cấp bậc đại úy từ năm 1955 đến năm 1964 thì lên thiếu tá, giữ chức Tiểu đoàn trưởng TĐ5ND. Qua năm 1967, ông được thăng trung tá với chức Lữ đoàn trưởng LĐ3ND, nổi danh ở trận đánh Đồi Ngok Van, Kontum. Cuối năm 1967 lại được vinh thăng đại tá với Đệ tam đẳng Bảo Quốc Huân Chương. Trong trận Mậu Thân 1968, Bộ Tổng Tham Mưu điều động đơn vị ông về Sài Gòn để tảo thanh Việt Cộng ở vùng ven đô, gây nhiều thiệt hại cho chúng. Qua năm 1969, ông nắm chức Tư Lệnh SĐ7BB kiêm Tư Lệnh Khu Chiến Thuật Tiền Giang. Tháng 11/1969, ông lại được vinh thăng chuẩn tướng nhiệm chức tại mặt trận cho đến tháng 11/1971 thì thăng chuẩn tướng thực thụ. Tới năm 1972, Chuẩn tướng Nguyễn Khoa Nam được thăng thiếu tướng nhiệm chức rồi mang thiếu tướng thực thụ vào tháng 10/1973, đến tháng 11/1974 được bổ nhiệm giữ chức Tư Lệnh Quân Đoàn IV/Quân Khu IV.

Tướng Nguyễn Khoa Nam sống một cuộc sống rất giản dị, không vợ con, không xa hoa, không nhu cầu vật chất. Ông cũng mang tâm hồn nghệ sĩ, say mê hội họa và âm nhạc, giỏi về nhạc lý. Ông còn là một Phật tử thuần thành, ăn chay mỗi tháng 15 ngày, thường nghiền ngẫm kinh Phật và sách Nho giáo. Ông là người trầm lặng, ít nói, sống nhiều về nội tâm, được tiếng phúc hậu, đạo đức, lấy Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín làm phương châm ở đời. Trong quân đội, ông là một vị tướng mẫu mực, một cấp chỉ huy tài giỏi, thương lính yêu dân nên được binh sĩ dưới quyền cũng như đồng bào kính mến.

Là Tư Lệnh Vùng, mỗi lần đi thanh tra hay thăm viếng các Tiểu Khu hoặc các đơn vị, Tướng Nam không bao giờ để cho các Tiểu khu trưởng, các đơn vị trưởng tiếp đón ông bằng tiệc tùng. Mỗi lần đi như vậy, ông chỉ mang theo khúc bánh mì thịt hay món ăn đơn giản, thanh đạm. Còn nếu gặp ngày ăn chay thì ông mang theo mấy trái bắp nấu hoặc vài củ khoai luộc. Nói đến Tướng Nguyễn Khoa Nam là phải nói đến “cái nón sắt”. Đầu ông luôn đội nón sắt và ông luôn luôn nhắc nhở các sĩ quan, binh sĩ phải đội nón sắt cho an toàn. Sĩ quan và binh sĩ dưới quyền có nhiều giai thoại về “cái nón sắt” với Tướng Nam. Nhắc đến chuyện thương lính, trước khi tuẫn tiết, Tướng Nam đã một mình tự lái xe Jeep vào Quân Y Viện Phan Thanh Giản để thăm các chiến hữu của ông bị thương đang điều trị tại đây. Lần thăm viếng này nói lên sự vĩnh biệt thầm kín của ông với thuộc cấp. Khi lệnh buông súng đầu hàng được ban ra vào lúc 10:00g sáng ngày 30/4/1975 thì rạng sáng ngày 01/05/1975, Tướng Nguyễn Khoa Nam đã dùng khẩu Browning bắn vào màng tang tuẫn tiết tại dinh Tư Lệnh nằm trên bờ sông Cái Khế ở Cần Thơ. Tướng Nam đã hào hùng chọn cái chết chứ không chịu đầu hàng nhục nhã. Khi tuẫn tiết, ông mặc lễ phục trắng với đầy đủ Dây Biểu Chương và Huân Chương các loại mà ông được ban thưởng, trên bàn viết còn để lại một vài vật dụng cá nhân và một món tiền $40,000.00, nhờ vị sĩ quan tùy viên đem về trao lại cho gia đình ông. Bốn mươi ngàn đồng vào thời điểm 30/4/1975 là món tiền quá nhỏ, nói lên đức tính liêm khiết của viên Tướng Tư Lệnh Vùng thuộc tập thể Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Chính vì vậy mà Tướng Nguyễn Khoa Nam được tiếng là người thanh liêm, chưa hề bị tai tiếng về tham nhũng hay bè phái. Trung tá Bác sĩ Hoàng Như Tùng, Giám đốc Quân Y Viện Phan Thanh Giản cùng một số sĩ quan, binh sĩ của Quân Đoàn IV đã đứng ra mai táng Tướng Nam tại Nghĩa Trang Quân Đội Cần Thơ.

Vào năm 1984, gia đình Tướng Nam bốc mộ, hỏa thiêu hài cốt ông rồi đem về thờ tại Chùa Già Lam ở Gia Định. Trên đường về, khi qua bắc Cần Thơ và bắc Mỹ Thuận, thân nhân đã rắc một phần tro cốt của ông xuống sông Tiền Giang cùng sông Hậu Giang, nơi mà ông đã chiến đấu và chết cho đồng bằng Sông Cửu Long. Tro cốt của Tướng Nguyễn Khoa Nam đã hòa với làn nước phù sa Cửu Long Giang để bón từng bụi lúa, từng cọng rau tấc đất của quê hương cho thêm mầu mỡ.

Phần tro cốt còn lại được đem về thờ tại Chùa Già Lam ở Bình Hòa, Gia Định. Hòa Thượng Thích Trí Thủ, trụ trì Chùa Già Lam đã đứng ra làm lễ cầu siêu cho Tướng Nguyễn Khoa Nam vào ngày 18/03/1984. Buổi lễ cầu siêu được tổ chức rất trọng thể, nghiêm trang, mặc dù gia đình giữ kín để tránh phiền phức với công an Việt Cộng nhưng bà con và thân hữu, đặc biệt là nhiều sĩ quan, binh sĩ VNCH đến tham dự đông đảo ngoài sự tưởng tượng của gia đình và nhà chùa. Sài Gòn Tưởng Niệm Tướng Quân NGUYỄN KHOA NAM tại chùa Già Lam.


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


02
Tiểu sử PHẠM VĂN PHÚ

 

Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Đoàn II/Quân Khu II, sinh năm 1929 tại Hà Đông, Bắc Việt, xuất thân từ Khóa 8 Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Sau khi tốt nghiệp, ông tình nguyện phục vụ trong Binh Chủng Nhảy Dù. Khoảng tháng 3/1954, tình hình mặt trận Điện Biên Phủ đang ở cường độ sôi động cho nên TĐ5ND mà Trung úy Phú giữ chức Đại đội trưởng được huy động nhảy dù vào tiếp ứng cho mặt trận này. Vừa vào vùng, Trung úy Phú đã chỉ huy binh sĩ dưới quyền mở các cuộc phản công đẫm máu trước các đợt xung phong điên cuồng bằng biển người của địch. Mặt trận tiếp diễn ngày một thêm khốc liệt thì qua ngày 15/4/1954, Đại tá De Castries, Chỉ huy trưởng cứ điểm Điện Biên Phủ được thăng thiếu tướng, hai Trung tá Langlais và Ladande thăng lên đại tá cùng 10 sĩ quan khác, mỗi người được thăng một cấp, trong đó có Trung úy Phạm Văn Phú. Đến ngày 26/4/1954, Đại úy Phú được cử giữ chức Tiểu đoàn phó TĐ5ND, qua những trận đánh ác liệt, chẳng may ông bị thương và bị Việt Minh bắt khi Điện Biên Phủ thất thủ vào ngày 7 tháng 5, năm 1954. Sau Hiệp Định Genève, ông được trao trả về Miền Nam và tiếp tục phục vụ trong Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa.

Năm 1960, Đại úy Phạm Văn Phú được tuyển chọn phục vụ trong Lực Lượng Đặc Biệt do Đại tá Lê Quang Tung làm Tư Lệnh. Cuối năm 1962, ông lên thiếu tá, đảm nhận chức Liên đoàn trưởng Liên Đoàn Quan Sát 77 của LLĐB. Vào giữa năm 1964, ông chỉ huy Liên Đoàn này đánh tan Trung Đoàn 765 của cộng sản Bắc Việt ở Suối Đá thuộc tỉnh Tây Ninh. Sau trận này, ông được đặc cách thăng trung tá với chức vụ Tham mưu trưởng LLĐB, một năm sau ông lại được thăng đại tá nhiệm chức. Qua đầu năm 1966, giữ chức Phụ tá Tư Lệnh SĐ2BB cho đến giữa năm 1966 được bổ nhiệm chức Tư Lệnh Phó và Xử Lý Thường Vụ Sư đoàn này vì Thiếu tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư Lệnh sư đoàn được bổ nhiệm vào chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn I/Quân Khu I. Cuối năm 1966, ông được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Phó SĐ1BB cho đến giữa năm 1968 lại được cử vào chức vụ Tư Lệnh Biệt Khu 44, trách nhiệm về các tỉnh biên giới Miền Tây Nam Phần thuộc Quân Khu IV. Năm 1969 được vinh thăng chuẩn tướng tại mặt trận cho đến đầu năm 1970, Chuẩn tướng Phú được cử thay thế Thiếu tướng Đào Văn Quảng trong chức vụ Tư Lệnh LLĐB.

Cuối tháng 8/1970, Tướng Phú được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bổ nhiệm vào chức vụ Tư Lệnh SĐ1BB thay thế Thiếu tướng Ngô Quang Trưởng đảm nhận chức Tư Lệnh Quân Đoàn IV. Tháng 3/1971, Chuẩn tướng Phú được vinh thăng thiếu tướng tại mặt trận sau cuộc Hành quân Lam Sơn 719 ở Hạ Lào. Trong mùa hè đỏ lửa 1972, khi cộng sản Bắc Việt phóng ra các trận đánh lớn, Tướng Phú đã điều động, phối trí các trung đoàn của SĐ1BB một cách tài ba cho nên các phòng tuyến của ta ở Tây Nam Huế không bị chọc thủng bởi các cuộc tiến công của địch. Phải nói, SĐ1BB là một Sư đoàn mà khả năng tác chiến có thể xếp ngang hàng Sư Đoàn Nhảy Dù và Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, có trách nhiệm bảo vệ vùng địa đầu giới tuyến gồm Quảng Trị, Thừa Thiên và cố đô Huế, từng được chỉ huy bởi các vị Tư lệnh Sư đoàn tài giỏi như Tướng Đỗ Cao Trí, Tướng Ngô Quang Trưởng, Tướng Phạm Văn Phú, Tướng Lê Văn Thân. Đến tháng 9/1972, Tướng Phú được điều động về Quân Đoàn III, làm Chỉ huy trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, một quân trường lớn nhất ở Việt Nam.

Vào tháng 11/1974, thể theo đề nghị của Thủ tướng Trần Thiện Khiêm và Phó Tổng thống Trần Văn Hương, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã ký sắc lệnh bổ nhiệm Thiếu tướng Phạm Văn Phú vào chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn II/Quân Khu II, thay thế Trung tướng Nguyễn Văn Toàn về làm Chỉ Huy Trưởng Binh Chủng Thiết Giáp. Đến ngày 10/3/1975, CSBV huy động 3 sư đoàn, gồm SĐ10, SĐ320 và SĐ316 tấn công vào tỉnh lỵ Ban Mê Thuột và Ban Mê Thuột bị thất thủ trước sức tấn công của 3 sư đoàn cộng quân. Trong khi Tướng Phú đang lập kế hoạch phản công tái chiếm Ban Mê Thuột thì Tổng thống Thiệu ra lệnh cho Tướng Phú rút bỏ cao nguyên về tái phối trí vùng đồng bằng Bình Định, Nha Trang. Tướng Phú đã nhiều lần yêu cầu Tổng thống Thiệu và Bộ Tổng Tham Mưu để ông tử thủ cao nguyên nhưng không được chấp thuận khiến ông thất vọng, chán nản. Rồi cuộc triệt thoái khỏi cao nguyên thất bại, gây hỗn loạn, kéo theo sự sụp đổ cả Miền Nam đã làm cho Tướng Phú khổ tâm hơn nên ngã bệnh phải vào điều trị ở Tổng Y Viện Cộng Hòa.

Đến ngày 30/4/1975, Tướng Biên Khu Phạm Văn Phú đã dùng độc dược tuẫn tiết nêu cao tiết tháo “tướng chết theo thành”. Lại một vì sao sáng đã tắt trên bầu trời Miền Nam trong ngày u buồn của trang Hùng Sử!


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


03
Tiểu sử LÊ VĂN HƯNG

 

Chuẩn tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Phó Quân Đoàn IV/Quân Khu IV, sinh năm 1933, xuất thân từ Khóa 5 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Ông phục vụ tại SĐ21BB từ Đại đội trưởng đến Trung đoàn trưởng, đã từng đảm nhiệm chức Tiểu khu trưởng Phong Dinh. Ông là một sĩ quan can trường, khả năng tác chiến cao, giỏi về lãnh đạo chỉ huy và rất thương yêu binh sĩ dưới quyền. Các cấp bậc của ông từ đại úy trở lên đều được đặc cách vinh thăng tại mặt trận. Từ Đại tá Trung đoàn trưởng Trung đoàn 31 thuộc SĐ21BB, ông được cử giữ chức Tư Lệnh SĐ5BB ở Quân Khu III. Sau đó được vinh thăng chuẩn tướng chỉ vài tháng trước khi cộng quân mở cuộc bao vây và công hãm thị xã An Lộc vào mùa hè đỏ lửa 1972. Trong suốt thời gian vây hãm, 4 sư đoàn địch đã mở những cuộc tấn công hung hãn bằng bộ binh, xe tăng và những cuộc mưa pháo khốc liệt, như ngày 11/5/1972, thành phố nhỏ bé An Lộc đã gồng mình hứng khoảng 8,000 quả pháo binh đủ loại của Bắc quân.

Trong trận An Lộc lịch sử này, Tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh SĐ5BB, chỉ huy toàn bộ các lực lượng tử thủ, đầu đội nón sắt, mặc áo thun bên trong, áo giáp bên ngoài, quần đùi, tay cầm M16, tay cầm ống liên hợp, lựu đạn cài quanh mình, chiến đấu gần như 24/24 giờ nêu cao truyền thống anh dũng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa qua câu: “Ngày nào tôi còn, An Lộc còn”. Trong suốt thời gian bị vây hãm, Tướng Hưng và những người lính tử thủ của ông có bao đêm ngủ được những giấc ngủ bình an trên những chiếc giường ngay ngắn như những người bình thường ở hậu phương? Sau 68 ngày bị vây hãm trong hỏa ngục máu và lửa, An Lộc vẫn đứng vững nhờ sự chiến đấu oanh liệt, dũng cảm của lực lượng tử thủ. Khi An Lộc được giải tỏa, Tướng Lê Văn Hưng được báo chí cũng như đồng bào Miền Nam tặng cho danh hiệu “Anh Hùng An Lộc”.

Tính đến 7:30g sáng ngày 30/4/1975, tình hình 16 tỉnh thuộc Quân Đoàn IV vẫn yên tĩnh, VC chỉ cắt một đoạn quốc lộ 4 từ Sài Gòn xuống Long An và Chuẩn tướng Hoàng Văn Lạc, Tư Lệnh SĐ9BB đang bay trực thăng chỉ huy cuộc giải tỏa đoạn quốc lộ này. Ngoài ra, VC cũng chỉ mở được cuộc tấn công vào tỉnh lỵ Chương Thiện mà Đại tá Hồ Ngọc Cẩn, Tiểu khu trưởng đang cố thủ, chỉ huy các cuộc phản công (chính vì sự anh dũng cố thủ này mà sau ngày 30/4/1975, VC đã đem Đại tá Hồ Ngọc Cẩn ra xử bắn tại sân vận động Cần Thơ).

Đến 10:00g sáng ngày 30/4/1975, lệnh buông súng đầu hàng được ban ra trên đài phát thanh khiến mọi người từ quan cho đến lính ai nấy cũng đều sững sờ. Một vị đại tá thuộc Quân Đoàn IV, khi nghe lệnh đầu hàng đã khóc sướt mướt, vừa khóc, vừa nói với thuộc cấp: “Đầu hàng rồi tụi bây ơi! Nhục ơi là nhục!”. Ở một nơi xa khác, Chuẩn tướng Hồ Trung Hậu đang theo dõi bản đồ hành quân, khi nghe ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, Tướng Hậu đã ném tung tấm bản đồ, tức tối thốt nên mấy tiếng: “Đồ chó đẻ!” Riêng tại văn phòng Tư Lệnh Phó Quân Đoàn IV, khi nghe lệnh đầu hàng, gương mặt Tướng Hưng mang đầy vẻ thất vọng, mắt ông chùng xuống.... Đến 8:45g tối ngày 30/4/1975, Tướng Lê Văn Hưng đã dùng khẩu Colt 45 bắn vào ngực tuẫn tiết, viên đạn xuyên qua tim, máu thấm ướt cả bộ quân phục. Tướng Hưng đã trút hơi thở cuối cùng nhưng đôi mắt vẫn còn mở dường như biểu lộ sự uất hận. Phu nhân Tướng Hưng, bà Phạm Thị Kim Hoàng, đã vuốt mắt cho chồng, thay quần áo cho ông, một số sĩ quan và binh sĩ phụ bà lo việc tẩn liệm. Khi tẩn liệm, bà Hưng đã cẩn thận xếp ngay ngắn lá quốc kỳ màu vàng ba sọc đỏ đặt lên ngực ông, lá cờ biểu tượng Miền Nam Tự Do mà chồng bà và những người lính Cộng Hòa đã đổ nhiều xương máu để bảo vệ biểu tượng thiêng liêng này. Trong khi đang tẩn liệm thì Thiếu tá Lành, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3/33 nghe tin Tướng Hưng tuẫn tiết đã tông cửa chạy ùa vào, ôm quan tài Tướng Hưng gào khóc thảm thiết: “Trời ơi!... ông thầy... ơi!” khiến ai nấy cũng đều bùi ngùi rơi lệ.

Sau khi tẩn liệm, mọi người hối hả, vội vã lo chôn cất Tướng Hưng vì sợ VC vào gây nhiều khó khăn, rắc rối. Sau đó, do sự sắp xếp của vài vị sĩ quan và binh sĩ, phu nhân Tướng Hưng được đưa vào tá túc tại một ngôi chùa để tránh phiền phức với VC. Về sau, cũng chính các vị sư của ngôi chùa này đã giúp xây mộ cho Tướng Lê Văn Hưng đàng hoàng.


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


04
Tiểu sử TRẦN VĂN HAI

 

Chuẩn tướng Trần Văn Hai, Tư Lệnh SĐ7BB, sinh năm 1929 tại Cần Thơ, theo học Khóa 7 Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, sau khi tốt nghiệp ông tình nguyện ra chiến đấu ở các chiến trường Bắc Việt. Đến năm 1954, khi đất nước bị chia đôi, đơn vị của ông được đưa về Miền Nam và ông được thăng cấp đại úy, giữ chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 81 Địa Phương ở Phan Thiết.

Năm 1961, sau khi tốt nghiệp Khóa Chỉ Huy Và Tham Mưu Cao Cấp ở Hoa Kỳ về thì được bổ nhiệm làm huấn luyện viên Trường Huấn Luyện Biệt Động Quân Dục Mỹ. Ông là người đề xướng ra các khóa huấn luyện Rừng Núi Sình Lầy và Mưu Sinh Thoát Hiểm. Năm 1963, ông được vinh thăng thiếu tá, đảm nhận chức Chỉ huy trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Dục Mỹ ở Nha Trang. Qua năm 1965, ông giữ chức Tiểu khu trưởng Phú Yên, sau đó về làm Chỉ huy trưởng Biệt Động Quân. Trong trận Mậu Thân 1968, ông chỉ huy các đơn vị Biệt Động Quân dưới quyền phản công Việt Cộng ngay từ giờ phút đầu tại Thị Nghè, Hàng Xanh, Phú Thọ và ở Chợ Lớn. Trong các trận đánh này, Biệt Động Quân đã dùng chiến thuật “đục tường” đánh với VC gây cho chúng nhiều thiệt hại và đẩy lui chúng ra khỏi thành phố.

Tháng 5/1968, ông được bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc Cảnh Sát Quốc Gia. Qua năm 1970 được vinh thăng chuẩn tướng với chức vụ Tư Lệnh Biệt Khu 44 thuộc Quân Khu IV. Đến năm 1971 ông trở về nắm chức vụ Chỉ huy trưởng Biệt Động Quân cho đến năm 1972 được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Phó Hành quân của Quân Khu II, sau đó giữ chức Chỉ huy trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Lam Sơn kiêm Chỉ huy trưởng Huấn khu Lam Sơn ở Dục Mỹ. Đến tháng 11/1974, ông được bổ nhiệm làm Tư Lệnh SĐ7BB kiêm Chỉ huy trưởng căn cứ Đồng Tâm khi Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam về đảm nhận chức Tư Lệnh Quân Đoàn IV.

Chuẩn tướng Trần Văn Hai cũng là một vị tướng rất thanh liêm, không tham, sân, si... chỉ hết lòng phụng sự tổ quốc. Khi rời chức vụ Tiểu khu trưởng Phú Yên để đáo nhậm nhiệm sở mới, hành trang của ông chỉ vỏn vẹn trong một cái túi vải nhỏ và ông đã nói lời từ biệt với thuộc cấp như sau: “Tôi cám ơn các anh chị đã tận tình làm việc với tôi trong thời gian qua, có thể người ta cho rằng mình là những đứa dại, chỉ biết làm việc mà không biết đục khoét. Nhưng tôi tin là mình đã làm đúng...”. Còn khi về làm Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia, người ta không thấy ông dùng xe dân sự lộng lẫy mang số ẩn tế mà ông chỉ dùng chiếc xe Jeep nhà binh cũ kỹ ông mang theo khi còn làm Chỉ huy trưởng Biệt Động Quân. Ngoài liêm khiết, Tướng Hai còn là con người thẳng thắn, bộc trực, không luồn cúi. Có thể nói ông thuộc mẫu người “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”.

Tướng Trần Văn Hai đã dùng độc dược tuẫn tiết vào khoảng 6:00g chiều ngày 30/4/1975 tại văn phòng Tư Lệnh SĐ7BB trong căn cứ Đồng Tâm. Trước khi tuẫn tiết, Tướng Hai có trao cho vị sĩ quan tùy viên một gói đồ trong đó gồm bảy mươi ngàn đồng tiền Việt Nam được gói trong một tờ giấy báo cũ nhờ trao lại cho mẹ ông, nói rằng quà của ông tặng cho mẹ và nói với bà đừng lo lắng gì cho ông cả!

Những tướng tá bỏ chạy ra hải ngoại chưa chắc đã là hèn nhưng 5 vị tướng can trường quyết tâm ở lại với các chiến hữu cho đến giờ phút lịch sử sang trang và chọn sự tuẫn tiết để biểu lộ cung cách mã thượng của những người trượng phu quân tử chắc chắn là những đấng anh hùng. Cái chết cao cả, đáng kính của họ là niềm hãnh diện cho QLVNCH nói riêng, cho nhân dân Miền Nam nói chung. Những sự tuẫn tiết anh dũng này đã khiến cho một viên cán bộ cao cấp của CSBV phải thốt nên lời thán phục bằng câu: “Làm tướng như vậy mới xứng đáng làm tướng!”.

Khi còn sinh tiền, các tuẫn tướng đã chiến đấu dũng cảm, gót chân chiến binh của họ đã giẵm lên khắp nẻo đường đất nước từ Lạng Sơn, Cao Bằng, Điện Biên hay Ashau, A Lưới, Dakto, Tân Cảnh, Khe Sanh, Tam Biên, Hạ Lào của cao nguyên Trường Sơn ngút ngàn cho đến Đồng Tháp Mười, Thất Sơn Bảy Núi, U Minh, Lưỡi Câu, Mỏ Vẹt của vùng sình lầy Miền Tây Nam Phần. Đời chiến binh của họ ngày đêm cọ sát với tử thần trong các chiến trường bốc lửa khắp 4 Vùng Chiến Thuật để ngăn chận làn sóng xâm lăng của CSBV hầu chu toàn trách nhiệm bảo quốc, an dân. Nói làm sao cho hết các chiến công hiển hách, những nét kiêu hùng mà ngũ hổ tướng Miền Nam đã góp công tô điểm cho Pho Quân Sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thêm sáng ngời!

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


05
Tiểu sử LÊ NGUYÊN VỸ

 

Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ, Tư Lệnh SĐ5BB, sinh năm 1933 tại Sơn Tây, Bắc Việt trong một gia đình Nho học. Ông gia nhập quân đội và theo học Khóa 1951 Trường Sĩ Quan Đập Đá ở Huế, tốt nghiệp với cấp bậc chuẩn úy, được thuyên chuyển về Tiểu đoàn 19 do Đại úy Đỗ Cao Trí (Sau này lên trung tướng và bị tử nạn phi cơ trực thăng trong một cuộc hành quân) làm Tiểu đoàn trưởng. Lúc mang cấp bậc đại úy, ông đuợc cử giữ chức Quận trưởng Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương rồi lên dần cho đến chức Trung đoàn trưởng Trung đoàn 8 thuộc SĐ5BB do Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu làm Tư Lệnh Sư Đoàn. Ông đã nổi tiếng là một Trung đoàn trưởng có khả năng tác chiến cao và đánh giăc rất gan dạ cho nên ông được các binh sĩ tặng cho danh hiệu “Nhất Vỹ, Nhì Gia”, “Nhì Gia” là Trung tá Hà Văn Gia, cũng khét tiếng gan dạ. Đồng bào ở quanh vùng Lái Thiêu, Bến Cát, Lai Khê, Bình Dương, Bình Long, Phước Long đều biết tiếng Tướng Lê Nguyên Vỹ.

Vào mùa hè đỏ lửa năm 1972, khi VC bao vây và tấn công An Lộc, Đại tá Lê Nguyên Vỹ, Tư Lệnh Phó SĐ5BB cùng với Chuẩn tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Sư Đoàn đã điều động các đơn vị tử thủ đẩy lui nhiều đợt tấn công vũ bão của địch. Ở vào cao điểm khốc liệt nhất, địch mở những trận mưa pháo cực kỳ khủng khiếp, đồng thời tung chiến xa và quân bộ chiến mở những cuộc tấn công dứt điểm An Lộc, chính Đại tá Vỹ đã nhào ra chiến hào, ôm M72 bắn hạ chiến xa địch. Ông là người đầu tiên lập thành tích bắn hạ chiến xa cộng quân tại mặt trận An Lộc khiến các chiến sĩ ta lên tinh thần bắn hạ thêm nhiều chiếc khác, xác nằm ngổn ngang trên đường phố. Ông đã bị thương vì tai nạn trực thăng trong một cuộc hành quân khi còn là Tư Lệnh Phó SĐ21BB, chân đi khập khiễng, phải chống gậy. Sau khi học xong Khóa Chỉ huy Và Tham mưu cao cấp ở Hoa Kỳ về, ông được bổ nhiệm giữ chức Tư Lệnh SĐ5BB vào tháng 6/1973. Tướng Vỹ cũng là một vị tướng thanh liêm, rất tích cực trong việc bài trừ tham nhũng. Ông đánh giặc gan dạ, chỉ huy tài giỏi, làm việc không kể giờ giấc, thanh liêm, hết lòng phụng sự tổ quốc nhưng có tật nóng tính. Tính ông nóng như Trương Phi trong truyện Tàu.

Khi lệnh đầu hàng được ban ra, Tướng Vỹ đã triệu tập một phiên họp tại Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn, trong phiên họp ông đã nói: “Lệnh bắt chúng ta buông súng để bàn giao cho địch, nói thẳng ra là lệnh bắt chúng ta đầu hàng. Vì tôi là một vị tướng chỉ huy mặt trận tôi không thể thi hành lệnh này. Tôi nghĩ thân làm tướng là phần nào đã hưởng danh dự và ân huệ của quốc gia hơn các anh em nên tôi phải chọn lấy con đường đi riêng cho tôi...”. Sau phiên họp, ông cho thuộc cấp trở về nhà, còn riêng ông, ông ra trước kỳ đài Bộ Tư Lệnh, nghiêm trang chào lá quốc kỳ màu vàng ba sọc đỏ lần cuối rồi dùng khẩu súng lục tự bắn từ dưới cằm, viên đạn trổ lên đỉnh đầu. Ông đã tuẫn tiết bằng chính khẩu súng chỉ huy của mình. Con đường mà Tướng Vỹ chọn ngày hôm nay đã có Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, Phan Thanh Giản và nhiều vị anh hùng khác đã lựa chọn ngày trước.

Một số sĩ quan và binh sĩ trong Bộ Tư Lệnh SĐ5BB đã lo chôn cất ông vào ngày 30/4/1975. Nhìn chiếc quan tài đơn sơ của dũng tướng Lê Nguyên Vỹ nằm sâu trong lòng đất lạnh mọi người đều ngậm ngùi, nuối tiếc! Nhưng hề gì, đã có hồn thiêng sông núi ấp ủ ông trong lòng Đất Mẹ.


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


06
Tiểu sử HỒ NGỌC CẨN

 

Đại tá Hồ Ngọc Cẩn sinh ngày 24 tháng 3 năm 1938. Xuất thân thiếu sinh quân Gia Định rồi nhập ngũ và lên cấp trung sĩ huấn luyện viên vũ khí tại trường bộ binh. Sau khi lập gia đình có 1 con thì anh trung sĩ tìm cách tiến thân xin vào học lớp sĩ quan đặc biệt tại Đồng Đế. Từ anh sinh viên sĩ quan Đồng Đế 1960 cho đến 15 năm sau Hồ Ngọc Cẩn trở thành đại tá Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Chương Thiện, hầu hết cấp bậc đều lên tại mặt trận. Ông đã từng mang mầu áo của Biệt động quân và các sư đoàn bộ binh. Huy chương và chiến công nhiều vô kể. Suốt một đời chinh chiến từ Trung đội trưởng lên đến Trung đoàn trưởng, Hồ ngọc Cẩn tung hoành khắp Hậu giang và Tiền giang. Năm 1972 ông Thiệu cho lệnh toàn thể Sư Đoàn 21 từ miền Tây lên tiếp tay cho Quân đoàn 3 giải tỏa An Lộc. Lại cho lệnh tăng cường thêm 1 Trung đoàn của Sư Đoàn 9. Tư lệnh quân khu, ông Trưởng nói với ông Lạc Sư Đoàn 9 đưa 1 Trung đoàn nào coi cho được. Trung tá Hồ ngọc Cẩn dẫn Trung đoàn 15 lên đường. Trung đoàn ông Cẩn phối hợp cùng Nhảy Dù đánh dọc đường 13 tiến vào An Lộc. Anh Đại úy Đại đội trưởng của Trung đoàn suốt mấy tuần dằng co với địch trước phòng tuyến của Tướng Hưng tư lệnh An Lộc, nhưng chưa vào được. Lính hai bên chết đều chôn tại chỗ. Thiết vận xa M113 của ta còn phải lui lại phía sau. Chỉ có bộ binh của Trung đoàn 15 nằm chịu trận ở tiền tuyến. Anh sĩ quan kể lại, chợt thấy có một M113 của ta gầm gừ đi tới. A, tay này ngon. Chợt thấy một ông sếp từ thiết vận xa bước ra, phóng tới phòng tuyến của đại đội. Nhìn ra ông Trung đoàn trưởng Hồ Ngọc Cẩn. Ông quan sát trận địa rồi hô quân tiến vào. Cùng với tiền đạo của Nhảy Dù, Trung đoàn 15 bắt tay với lính phòng thủ An Lộc.

Sau khi Bình Long trở thành Bình Long Anh Dũng, ông Thiệu hứa cho mỗi người lên 1 cấp. Trung tá Hồ Ngọc Cẩn ngoài 30 tuổi đeo lon đại tá trở về trong vinh quang tại bản doanh Sa Đéc. Rồi ông được đưa về làm Tiểu khu trưởng Chương Thiện. Vùng đất này là sinh quán của ông ngày xưa. Cho đến 30 tháng 4/1975 Sài Gòn đã đầu hàng, nhưng Chương Thiện chưa nhận được lệnh Cần Thơ nên Chương Thiện chưa chịu hàng. Chiều 29 sang 30 tháng 4, Tiểu khu trưởng vẫn còn bay trực thăng chỉ huy. Khi radio Sài Gòn tiếp vận về tin buông súng, các đơn vị bên ta rã ngũ. Lính tráng từ tiểu khu và dinh tỉnh trưởng tan hàng, Đại tá Tiểu khu trưởng Hồ Ngọc Cẩn bị lính cộng sản vây quanh khi còn ngồi trên xe Jeep với vũ khí, quân phục cấp bậc đầy đủ. Câu chuyện về giờ phút cuối cùng của người chồng, đã được người vợ kể lại cho chúng tôi. Thực là một kỷ niệm hết sức bi thảm.


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


07
Tiểu sử NGUYỄN VĂN LONG

 


Trung tá Nguyễn Văn Long, ... Bà Tâm, người con gái thứ ba bắt đầu kể về những ngày cuối cùng. Lúc đó vào cuối tháng 3/1975 ở Đà Nẵng. Ba vẫn làm việc trong trại, không về nhà. Hai cậu em không quân, một ở Đà Nẵng, một ở Biên Hòa. Một cậu đưa cả nhà vào sân bay Đà Nẵng chờ di tản. Nhưng rồi cũng không đi được. Vào ngày cuối người cha về nhà không thấy gia đình. Ông nghĩ rằng vợ con có thể đã đi thoát trong phi trường. Ông xuống bãi và ra đi bằng tàu. Vào đến Sài Gòn đã có cô con gái lớn đón cha về ở tạm. Lúc đó mới biết vợ con còn kẹt ở Đà Nẵng. Ông Long lại vào trình diện Tổng nha Cảnh sát để làm việc. Trưa 30 tháng 4/1975 khi radio phát thanh lời tổng thống đầu hàng thì 1 phát súng đơn độc nổ ngay thái dương, Trung tá Long ngã xuống. Ông buông cây súng nhỏ theo lệnh tổng thống. Cây súng tùy thân Trung tá vẫn mang theo từ Huế, Đà Nẵng vào đến Sài Gòn.

Một lần nữa, xin ghi lại. Có thể đây chính là người đầu tiên thi hành lệnh đầu hàng của vị tổng thống sau cùng. Lẫm liệt và công khai.

Hình ảnh trên youtube do người vô danh đưa lên có cảnh những người dân khiêng xác vị anh hùng lên xe. Đó là hình ảnh cuối cùng. Không một tin tức nào loan báo trên báo chí cộng sản trong nước. Dân Việt từ Huế vào Sài Gòn không ai biết tin. Nhưng cả thế giới đều biết qua hình ảnh.


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 





Hồn Tử sĩ:  MP3[Size: 3.16MB]; Nhạc bản (PDF)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.

 

Nguồn: BKT sưu tầm, trình bày & ấn loát

 

Đăng ngày Chúa Nhật, April 18, 2021
bkt Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang