Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Trang
Ẩm Thực
Chủ đề:
Các loại Thịt
Tác giả:
Phạm Đình Lân,
F.A.B.I.
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Thịt là chất dinh dưỡng quan trọng trong các bữa ăn hàng ngày
của loài người. Người ăn chay trường không ăn thịt. Người già
tiêu hóa bất thông ăn ít thịt mà ăn nhiều rau cải.
Sự khám phá ra cách tạo lửa giúp loài
người vượt qua cảnh ăn tươi nuốt sống thịt thú vật vào thời tiền
sử ăn lông ở lỗ.
Thịt mang lại cho loài người protein,
khoáng chất và các loại sinh tố khác nhau. Nguồn thịt mà loài
người ăn để sống xuất phát từ:
1. Các động vật có vú, có xương sống,
có máu đỏ và sinh con như bò, trâu, heo, dê, trừu, ngựa, lạc đà,
chó, thỏ, kangaroo, v.v. Các loài động vật có vú, máu đỏ và sinh
con hoang dã như voi, tê giác, trâu nước (hà mã), cọp, beo, chó
sói, ngựa rằn, hươu cao cổ, nai, mễn, chồn, cáo, heo rừng... cho
một nguồn thịt to lớn nhưng ít khi thấy các loại thịt trên bán
trong cộng đồng thị dân ở các nước Âu Châu, Mỹ Châu, Á Châu và
Đại Dương Châu.
2. Các loài cầm vũ: gà, vịt, ngỗng, gà
tây, đà điểu.
3. Các loài chim: chim sẻ, bồ câu, mỏ nhác, cút.
4. Các loài thủy sản: cá nước ngọt, cá
nước mặn, tôm, cua, sò ốc, v.v.
5. Các loài bò sát sống nửa đất nửa
nước (lưỡng thê/lưỡng cư) cá sấu, rùa, ếch, nhái.
6. Các loài côn trùng: ve, dế, cào cào,
v.v.
THỊT ĐỘNG
VẬT CÓ VÚ
Thịt
Bò
Thịt bò là
một loại thịt bổ dưỡng được nhân loại ưa thích ngoại trừ những
tín đồ Ấn Giáo (Hinduism), những người xem bò là vật thiêng. Thịt
bò có 19% protein, ngoài ra còn có nhiều khoáng chất như Fe, Cu,
Zn, K, Se (Selenium), Mg, pantothenate tức sinh tố B5 C9H17NO5,
sinh tố B6, sinh tố B12. Người Ấn Giáo không ăn thịt bò nhưng Ấn
Độ là nước có nhiều bò nhất thế giới (301 triệu con). Ở Ấn Độ bò
được dùng trong việc đồng áng, chuyên chở nông sản. Bò cái cung
cấp sữa, nước tiểu (Gomuka được dùng như thuốc chữa bịnh) và
phân.
Trên thế
giới hiện nay có trên 1 tỷ con bò. Sau Ấn Độ, Brazil có 220 triệu
con bò; Trung Hoa: 10 triệu; Hoa Kỳ: 92 triệu, v.v. Ở Bắc Mỹ có
thịt bò Bison. Số bò Bison ngày nay chỉ còn lối 400,000–500,000
con mà thôi.
Thịt bò đắt tiền nhất thế giới hiện nay là thịt bò Kobe, thịt của
một loài bò đen Tajima–gyu (Phù Tang Hắc Ngưu) nuôi ở Kobe. Giá
bán cao nhất của thịt bò Kobe là $300.00USD/pound, tức 453 grams.
Người Âu Mỹ thích ăn món bò steak
(beefsteak), súp thịt bò, thịt bò hộp. Người Việt Nam dùng thịt
bò để nấu phở, bò kho, bò lúc lắc, bê thui tương gừng, v.v. Nhân
loại không hẹn vẫn gặp nhau khi ăn món steak nửa sống nửa chín
hay ăn món bò tái chanh và món bê thui không được nấu chín như
nấu thịt heo.
Bò cái được người Âu Mỹ trân quí vì cung cấp sữa và sinh bò con.
Thịt Trâu
Thịt trâu gác
bếp
Trên thế
giới có 208 triệu con Trâu. 98% số này được tìm thấy ở Á Châu. 2%
còn lại được tìm thấy ở Bắc Phi, nhất là Ai Cập và Nam Mỹ. Ngoài
ra còn lối 3,500 con trâu hoang ở Á Châu (1% con số này tìm thấy
trong vùng Assam của Ấn Độ). Người Ấn Độ không ăn thịt bò nhưng
ăn thịt trâu và uống sữa trâu. Một số người Việt Nam theo Phật
Giáo, thờ Quan Công, các thầy bùa, thầy ngải không ăn thịt trâu.
Vào thế kỷ XI dưới triều nhà Lý việc giết trâu bị cấm chỉ vì giết
trâu là tự phá hủy công cụ đồng áng. Trâu khoẻ hơn bò trong việc
kéo xe, kéo cày, kéo bừa dưới ruộng sình lầy. Giết trâu tức phá
hủy nông cụ sản xuất. Ở Việt Nam người thiểu số sống trên cao
nguyên Nam Trung Bộ hay miền núi vùng thượng du và trung du Bắc
Bộ thường ăn thịt trâu vào những ngày lễ hội linh đình. Trong
truyện Tàu người ta mổ trâu làm tiệc khi có những biến cố lớn.
Bò và trâu đều ăn cỏ. Thịt trâu được
xem là hàn vì trâu thích ngâm mình dưới nước và các vùng nước
sình. Thịt bò nhiệt. Bò thích môi trường khô chớ không thích nước
như trâu. Bò năng động. Trâu có vẻ thụ động và hiền lành. Thịt và
sữa trâu cũng bổ như thịt bò và sữa bò. Thịt trâu có nhiều
protein hơn thịt bò. Ngoài ra thịt trâu có nhiều sinh tố B12
C63H88CoN14O14P lợi cho tế bào máu, B6 C8H11NO3 lợi cho não, trí
nhớ, niacin tức sinh tố B3 C6H5NO2, riboflavin tức sinh tố B2
C17H20N4O6, Fe, Cu, K, Zn, v.v.
Trong thời đại cơ giới ngày nay vai trò
của trâu trong việc đồng áng giảm thiểu rất nhiều. Ngày nay người
ta nghĩ đến việc chăn nuôi trâu để lấy thịt, sữa, sừng và da.
Thịt Heo
Thịt heo được các dân tộc trên thế giới
dùng ngoại trừ tín đồ Do Thái Giáo và Hồi Giáo. Tín đồ Do Thái
Giáo và Hồi Giáo tập trung ở Trung Đông, Trung Á và Bắc Phi. Đó
là những vùng khô hạn thiếu nước. Khác với dê, trừu, lạc đà, heo
không ăn cỏ mà ăn tạp. Heo không thể di chuyển như dê trừu hay
lạc đà trên những vùng đất khô cằn chỉ có cỏ úa, cây gai và cát
sỏi. Chăn nuôi heo cần phải có chuồng và có nhiều nước để rửa
sạch chuồng vì phân heo rất hôi thối và dễ nhiễm trùng. Trong Cựu
Ước Kinh heo được xem là con vật không thanh sạch nên không được
ăn thịt.
Người
Trung Hoa tiêu thụ nhiều thịt heo nhất thế giới. Họ thích ăn thịt
heo quay, heo sữa quay. Họ dùng thịt heo làm nhân bánh bao, làm
xíu mại, xá–xíu, lạp xưởng, v.v. Vì heo là động vật ăn tạp như
loài người, từ đó nảy sinh ra ý niệm ăn gì bổ nấy. Khi ăn tiết
canh heo, gan heo, bao tử heo, óc heo với hy vọng được bổ máu, bổ
gan, bổ bao tử, bổ óc, v.v. Từ thịt heo có jambon, sausage,
bacon, pork rib, ra–gu (ragoût), sườn heo (cotelette), tai heo và
thịt đầu heo ngâm giấm, cháo lòng, bì bún, nem, tré, chả lụa,
thịt đông, giò heo hầm măng tươi, giò heo trong bún bò Huế, bánh
canh giò heo Trảng Bàng, v.v.
Năm 2022 có 784 triệu con heo trên thế
giới. Trung Hoa chiếm 450 triệu (57%), Liên Âu: 134 triệu, Hoa
Kỳ: 74 triệu. Việc chăn nuôi heo và tiêu thụ nhiều thịt heo được
tìm thấy ở một quốc gia có quá khứ nông nghiệp lâu đời như Trung
Hoa, Việt Nam, v.v. Khác với người Ấn Độ, người Trung Hoa không
kiêng cữ việc sát sinh hay ăn một con vật gì.
Chúng ta không có thống kê chính xác về
số heo rừng trên thế giới. Heo rừng cung cấp một nguồn thịt đáng
kể cho một số thợ săn ở Hoa Kỳ nơi số heo rừng được ước lượng lối
9 triệu con. Thịt heo rừng ít mỡ hơn heo nuôi ở nhà. Trong thời
kỳ chiến tranh Việt Nam II nanh heo rừng có giá cao. Người ta tin
rằng mang nanh heo rừng trong người thì không sợ bị trúng đạn vì
nanh heo rừng kỵ lửa!
Thịt Dê và Trừu
Trái: Thịt
dê. Phải: Thịt trừu
Thịt, sữa dê và trừu là nguồn dinh
dưỡng quan trọng ở Trung Đông, Trung Á, Nam Á, Bắc Phi và Nam Âu.
Đó là vùng cư trú của những dân tộc phần đông theo đạo Hồi, Ấn
Giáo và Thiên Chúa Giáo hay Chính Thống Giáo. Thịt dê được tiêu
thụ nhiều ở Nam Á như Ấn Độ (Ấn Giáo), Pakistan (đạo Hồi). Ở Việt
Nam dê được nuôi ở các nơi có nhiều người Ấn hay người Chàm sinh
sống. Trừu được nuôi nhiều ở các nước Âu–Mỹ, các quốc gia ven Địa
Trung Hải, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, Nam Phi để lấy thịt, sữa và
len (laine – wool).
Giống như bò và trâu, dê năng động,
hiếu chiến trong khi trừu thụ động và nhịn chịu. Loài người thích
ăn thịt bò hơn thịt trâu. Họ thích ăn thịt dê hầm thuốc Bắc, thịt
dê nấu cà ri để được bổ dưỡng hơn là thịt trừu trong món gyro.
Sữa dê và trừu rất bổ. Lông dê và trừu
được dùng trong kỹ nghệ dệt.
Hiện nay trên thế giới có lối 1.2 tỷ
con dê. 40% con số này do Trung Hoa nắm giữ. Tỷ lệ còn lại thuộc
lục địa Phi Châu.
Số trừu trên thế giới ngang hàng với số
dê: 1.2 tỷ đơn vị. Trung Hoa là nước nuôi nhiều trừu nhất thế
giới: 175 triệu con. Hoa Kỳ chỉ có 5.2 triệu con. Trung Hoa tiêu
thụ 30% tổng số lượng thịt dê và trừu trên thế giới.
Thịt Nai
Thịt nai cũng
bổ dưỡng như thịt bò, thịt heo. Giá thịt nai cao hơn thịt bò vì
phần lớn thịt nai do các nhà săn bắn cung cấp. Trên thế giới có 4
triệu con nai. Phần Lan có nhiều nai nhất thế giới với 110,000
con. Tân Tây Lan có trại chăn nuôi nai. Đó cũng là quốc gia xuất
cảng thịt nai quan trọng nhất thế giới.
Người Hoa Kỳ dè dặt trong việc ăn thịt
nai (Venison) vì sợ chứng bịnh suy nhược kinh niên (CWD: Chronic
Wasting Disease) tựa như chứng bịnh não của bò điên (Mad Cow
Disease).
Ở
vùng hàn đới Bắc Bán Cầu người Esquimos ăn thịt và uống sữa tuần
lộc. Tuần lộc tập trung trong vùng Tây Bá Lợi Á, Alaska, Canada,
Greenland, Bắc Âu với khoảng 7.5 triệu con. Tuần Lộc cung cấp
thịt, da, huyết, sữa, sừng và phương tiện chuyên chở cho dân
chúng vùng khí hậu hàn đới và bán hàn đới. Tuần lộc cho nhiều
thịt và sữa. Sữa được dùng để uống và làm phô–mai (cheese –
fromage). Trọng lượng trung bình của một tuần lộc xê dịch từ
100kg đến 150kg.
Hươu là một thân thuộc gần của nai mang
tên khoa học Cervus nippon, gia đình Cervidae (Cervus nippon: Nai
Nhật Bản) cho sừng non gọi là NHUNG, một trong 4 vị thuốc bổ
trong Đông Y: Sâm, Nhung, Quế, Phụ (Sâm: củ sâm; Nhung: Lộc
nhung; Quế: Cinnamon; Phụ: rễ ô đầu Aconitum fortunei, gia đình
Ranunculaceae).
Thịt Ngựa
Thịt (bắp)
ngựa
Ngựa là
loài động vật hữu ích cho loài người. Ở Âu–Mỹ người ta xem ngựa
như thú vật nuôi trong nhà như chó, mèo vậy. Ngựa dùng để cày
bừa, kéo xe, chuyên chở hàng hoá, đánh trận (kỵ binh), diễn binh
trong những ngày lễ lớn, giúp cảnh sát bảo vệ an ninh trong thành
phố, v.v. Cỡi ngựa, đua ngựa là những môn thể thao và giải trí
được giới thượng lưu ở các nước Âu–Mỹ ưa chuộng. Do đó thịt ngựa
ít thấy trên các thớt thịt quốc tế.
Thịt ngựa rất hiếm ở Việt Nam, nơi
người ta dùng ngựa để kéo xe. Đó là xe ngựa hay xe thổ mộ. Cách
đây 3/4 thế kỷ người ta luôn truyền tụng rằng thịt ngựa “rất độc”
vì có nhiều “phong”.
Người Mông Cổ giỏi về thuật cỡi ngựa.
Ngoài việc ăn thịt dê, thịt trừu, tuần lộc, lạc đà, họ ăn thịt
ngựa và uống sữa ngựa thay nước!
Với những tiến bộ nhanh chóng của khoa
học kỹ thuật sự quan trọng của ngựa trong xã hội loài người sụt
giảm rõ rệt. Chiếc Lambretta ba bánh hay xe đò thay thế xe ngựa.
Máy cày thay thế ngựa trong việc đồng áng ở các nước Âu–Mỹ ôn
đới. Xe tăng, xe thiết giáp thay thế ngựa trong lực lượng kỵ binh
(cavalry), v.v. Ngựa chỉ còn được dùng trong thể thao và giải
trí. Ngựa đua già không còn sức chạy đua hưu trí ở đâu? Câu trả
lời chắc chắn không khó lắm nhưng người trả lời ngượng ngập lắm.
Trên thế giới hiện nay có 60 triệu con
ngựa.
Hoa Kỳ
chiếm 1/6 tổng số này tức 10 triệu con. Sự bổ dưỡng của thịt ngựa
(caballo; chevaline) dần dần được các nước Âu–Mỹ công nhận để
hiện diện song song với thịt bò, thịt heo, thịt dê, thịt trừu.
Người Trung Hoa tiêu thụ nhiều thịt ngựa nhất thế giới. Huyết
thanh của ngựa được dùng chế thuốc trị chứng bạch hầu
(diphtheria), phong đòn gánh, tẩy độc, kháng trùng Meningococcus
gây ra chứng đau màng óc (meningitis).
Có 53 triệu con lừa trên thế giới.
Ethiopia, Trung Hoa, Pakistan là ba quốc gia có nhiều lừa nhất
thế giới. Việc ăn thịt ngựa và lừa bị cấm chỉ ở các quốc gia Hồi
Giáo. Việc ăn thịt lừa rất quen thuộc ở Trung Hoa và các nước Nam
Mỹ.
Trung Hoa
nhập cảng nhiều lừa để lấy da nấu keo da lừa được biết dưới tên
keo A giao (Ejiao). Nguồn gốc của tên gọi này phát xuất từ truyền
thuyết nấu da lừa bằng nước giếng ở huyện Đông A, Shandong (Sơn
Đông) mới có a giao thượng phẩm. A giao có nghĩa là keo huyện A
(Đông A) trong tỉnh Shandong. A giao được dùng làm thuốc trị các
chứng phong độc, bịnh về máu như huyết tiện, tiêu ra máu, kinh
nguyệt không điều hòa, ho ra máu, máu cam, v.v.
Từ năm 2015 Trung Hoa mua nhiều lừa từ
các nước Phi Châu khiến giá lừa lên cao. Hiện nay nhiều nước Phi
Châu cấm bán lừa cho Trung Hoa để lấy da nấu a giao.
Trong rừng và thảo dã Phi Châu có nhiều
ngựa rằn (Zebras). Không giống như ngựa thường, ngựa rằn khó
thuần hóa. Người ta săn ngựa rằn để ăn thịt và lấy da rằn để bán.
Thịt ngựa rằn cũng ngon như thịt bò. Phi Châu là địa bàn sinh
sống của ngựa rằn, hươu cao cổ, voi, tê giác, hà mã, sư tử, chó
sói, v.v. Đó là những động vật to lớn cho nhiều thịt nhưng thịt
các động vật này không được hưởng ứng trên thế giới. Voi bị giết
vì có ngà. Tê giác bị giết vì có sừng quí. Hà mã bị giết vì có
răng quí.
Thịt
Lạc Đà
Lạc đà là động vật to lớn trong các
vùng khô hạn, sa mạc Phi Châu, Trung Đông và các quốc gia Trung Á
và Nam Á. Lạc đà cân nặng từ 300 đến 500 kí–lô. Đó là phương tiện
chuyên chở hàng hoá xuyên sa mạc quan trọng vì lạc đà có thể nhịn
ăn, nhịn uống nước trong nhiều ngày. Mỗi con lạc đà có thể chở
trên lưng số lượng hàng hoá tương đương với trọng lượng của nó.
Lạc đà cung cấp một nguồn thịt to lớn.
Trên thế giới có 35 triệu con lạc đà (một bướu hay hai bướu).
Somalia là quốc gia có nhiều lạc đà nhất thế giới: 6 triệu con
tức 17%. Hàng năm có đến 113,000 tấn thịt lạc đà được tiêu thụ
trên thế giới. Saudi Arabia tiêu thụ 61% tổng số lượng thịt lạc
đà ghi trên. Tín đồ Hồi Giáo ăn thịt lạc đà nhưng người Do Thái
không ăn.
Ngày
nay sữa lạc đà được đặc biệt lưu ý đến. Sữa lạc đà vừa bổ dưỡng
(có nhiều proteins) vừa có tính năng trị liệu. Sữa lạc đà có
bioactive peptides, lactoferrum C35H53N9O12, Zn, mono &
polysaturated fatty acids (CnH2(n–2)O2 và CnH2(n–2)xO2, có thể
dùng để trị bịnh lao <TB>, suyễn, hoàng đản <jaundice>, bịnh dạ
dày và đường ruột).
Thịt Chó
Lịch sử cho thấy nguyên thủy loài người
khắp năm châu đều ăn thịt chó. Vào năm 1871, thời Công Xã Paris,
Paris bị vây hãm, người ta phải giết chó để bán và ăn thịt. Tình
trạng tương tự xảy ra ở Bỉ và Đức trong đệ nhất thế chiến. Vào
đầu thế kỷ XX người Mỹ tiêu thụ cẩu nhục khi thịt khan hiếm trong
nước và giá thịt cao. Ngày nay người Âu–Mỹ tỏ ra ghê rợn đối với
người ăn thịt chó. Ở Á Châu người ta cho rằng chỉ có người nghèo
cùng đinh mới ăn thịt chó. Trung Hoa, Triều Tiên và Việt Nam tiêu
thụ nhiều thịt chó nhất thế giới. Người ta ăn thịt chó vì mục
đích “khó nói” chớ không phải vì nghèo cần ăn thịt chó để có sức
khỏe sống qua ngày.
Ở Âu Châu người Thụy Sĩ ăn thịt chó
nhưng không được bán thịt chó. Ở Canada việc ăn và bán thịt chó
không có gì là bất hợp pháp cả! Ở Trung Hoa ăn và bán thịt chó
được xem là hợp pháp
(1).
Ấn Độ hợp thức hóa việc bán cẩu nhục
ngoại trừ vài tiểu bang. Triều Tiên và Việt Nam không nói năng
nhì nhằng gì cả nhưng các quán Cây Còn (Con Cầy), Cờ Tây (Cầy
Tơ), Sống Trên Đời
(2) mọc lên nhan nhản ở các thành phố lớn
trong nước.
Thịt chó có: protein (19%), sinh tố A, B1, B2, B3 và sinh tố C,
Ca, Fe, P, K, Na, cholesterol, v.v.
Số chó trên thế giới được ước lượng lối
900 triệu con. 52% số này là chó được nuôi trong nhà.
(1) Ngoại trừ thành phố Macau.
(2) Do câu thơ:
Sống trên đời ăn miếng dồi chó
Chết xuống âm phủ biết có hay không?
Thịt Kangaroo
Kangaroo là động vật độc quyền của Úc
Đại Lợi. Quốc gia này hiện có lối 50 triệu con Kangaroo. Tùy theo
giống Kangaroo, trọng lượng của động vật này xê dịch từ 10–90kg.
Như vậy Kangaroo cung cấp một nguồn thịt quan trọng cho Úc Đại
Lợi. Thịt Kangaroo có nhiều proteins, ít mỡ và nhiều linoleic
acid C18H32O2. Nhưng thịt Kangaroo là thịt rừng dung chứa ký sinh
trùng. Thịt Kangaroo được bán ngoài thị trường và được dùng để
làm thức ăn cho thú vật. Nga chấm dứt việc nhập cảng thịt
Kangaroo sau khi phát hiện trùng Escherichia coli.
Thịt Thỏ
Số thỏ rừng và thỏ nhà trên thế giới
ước độ 1 tỷ con. Thỏ nuôi chiếm 709 triệu và thỏ rừng trên 200
triệu con. Úc Đại Lợi có 200 triệu con thỏ rừng sống trên diện
tích rộng trên 5 triệu km²!
Mức sản xuất thịt thỏ trên thế giới ước
lượng lối 1.5 triệu tấn. Trung Hoa tiêu thụ 62% tổng số này tức
925,000 tấn. Quốc gia tiêu thịt thỏ sau Trung Hoa là Bắc Hàn với
154,000 tấn.
Thịt thỏ có 20% proteins, sinh tố B3, B12, oleic acid C18H34O2,
linoleic acid C18H32O2, P, K, Mg, Se (Selenium). Các sinh tố
trong thịt thỏ tốt cho sự tăng trưởng, da, tóc, gân mạch và bắp
thịt.
Người Âu
Châu thích ăn thịt thỏ. Người Pháp có Civet de lapin (Rabbit stew
– Rabbit Ragout) nấu thịt thỏ với rượu nho đỏ, bơ, hành, ngò,
cà–rốt, nấm, đường, v.v.). Người Ý có món Coniglio alla
cacciatora nấu thịt thỏ với rượu nho theo cách nấu của các bà vợ
thợ săn, có nghĩa là cách nấu dân dã ở nông thôn Ý. Đó là món
thịt thỏ nấu với rượu nho (như civet de lapin của Pháp) với nấm,
củ hành, ớt, khoai tây. Người Tây Ban Nha có món Conejo al ajillo
xào thịt thỏ bằng dầu ô–liu với tỏi và giấm nêm ít muối và đường.
THỊT GÀ, VỊT, NGỖNG, GÀ TÂY, ĐÀ ĐIỂU
Loài người trên thế giới đều ăn thịt
các loại cầm vũ như gà, vịt, ngỗng, gà tây, đà điểu. Tín đồ Kỳ Na
Giáo (Jainism) ở Ấn Độ không ăn trứng, thịt của bất cứ loài động
vật nào trên trái đất.
Thịt Gà
Khắp thế giới
đều có trại chăn nuôi các loài cầm vũ nói trên để có thịt và
trứng. Theo Tổ Chức Lương Nông (FAO), năm 2023 thế giới có 34.5
tỷ con gà. Trung Hoa chiếm 5.1 tỷ (gần 15% tổng số gà trên thế
giới). Hoa Kỳ đứng đầu về kỹ nghệ sản xuất thịt gà. Trung Hoa
được xếp hạng nhì và Brazil hạng ba. Hoa Kỳ nổi tiếng với
Kentucky Fried Chicken (KFC). Pháp nổi tiếng với gà rô–ti. Trung
Hoa nổi tiếng với gà xối mỡ, gà rút xương, gà hấp xôi với nhiều
loại hột vừa ngon vừa có dược tính. Người Việt Nam ăn thịt gà
bằng những cách nấu nướng khá phong phú như gà xé phay, gà hấp
muối, gà nấu canh lá giang, gà đắp đất sét nung chín. Gà được các
nhà nấu bếp gọi là phượng hoàng. Gà rô–ti nằm trên đủ loại rau
cải thái nhuyễn như rơm với vài quả trứng được gọi là phượng
hoàng ấp trứng. Thịt gà được xem là nhiệt nên thường được ăn với
rau răm, rau quế, chuối cây trong khi thịt vịt hàn nên ăn với ngò
om và gừng, nước mắm gừng. Đó là cách tạo thăng bằng âm–dương,
hàn–nhiệt trong thức ăn.
Thịt Vịt
Trên thế giới có lối 1.1 tỷ con vịt.
Trung Hoa, Việt Nam và Bangladesh là ba nước nuôi nhiều vịt trên
thế giới. Vịt ăn nhiều nhưng chậm lớn. Việc nuôi vịt không gọn
ghẽ như nuôi gà. Ở Việt Nam người ta cho vịt ăn lúa sót trên các
cánh đồng sau mùa gặt. Đôi khi người ta lùa vịt đi từ vùng này
sang vùng khác trên một đoạn đường dài hàng chục cây số. Vịt ta,
vịt Lữ Tống (Luzon) đẻ trứng nhưng không ấp trứng. Việc ấp trứng
do loài người phụ trách. Chỉ có vịt Xiêm Carina moschata mà người
Anh gọi là Muscovy duck (Musco: rêu – La Tinh), đẻ nhiều trứng và
ấp trứng để có vịt con. Vịt Xiêm to lớn và cho nhiều thịt hơn các
loại vịt khác. Xiêm La (Thái Lan bây giờ) không phải là gốc gác
của vịt Muscovy. Nhưng người Việt Nam gọi nó là vịt Xiêm vì lấy
giống vịt này từ Xiêm La
(1) về vào cuối thế kỷ XVIII.
Người Tây Phương ăn thịt và trứng vịt
ít hơn người Đông Phương như Trung Hoa và Việt Nam. Món thịt vịt
ưa thích của họ là món vịt nấu cam. Người Trung Hoa nổi tiếng với
món vịt quay, vịt tiềm, vịt tiềm Bắc Kinh, vịt hấp xôi với các
loại hột. Người Việt Nam ăn vịt quay, vịt nấu cháo + khoai môn +
rau muống, vịt tiềm và vịt luộc ăn với nước mắm gừng, ngò om và
củ cải trắng thái mỏng.
Các dân tộc vùng Đông Nam Á trong đó có
Việt Nam và Phi Luật Tân thích ăn hột vịt lộn với rau răm và muối
tiêu.
(1)
Xiêm
La: Tiêm + La Học (Tiêm La Học: Siam tức nước Thái Lan <Thailand>
bây giờ)
Thịt
Ngỗng
Số ngỗng
hoang và ngỗng nuôi (rất ít) ước chừng 39 triệu con trên toàn thế
giới. Hầu hết các đàn ngỗng hoang đều được tìm thấy ở Bắc Bán
Cầu. Ở Hoa Kỳ đa số ngỗng hoang đều từ Canada đến. Con số này ước
lối 10 triệu con.
Ở Việt Nam người ta nuôi ngỗng để thay
chó giữ nhà hơn là để ăn thịt. Ngỗng có những đặc điểm hoàn toàn
khác với gà, vịt.
Thứ nhất: ngỗng rất chung thủy.
Thứ hai: ngỗng chỉ ăn rong, cỏ chớ
không ăn trùn, dế hay sinh vật nhỏ khác.
Thứ ba: ngỗng có thị giác và thính giác
bén nhạy nên người ta nuôi ngỗng để giữ nhà rất tốt. Do những đặc
điểm trên người ta cho rằng ăn thịt ngỗng bị xui xẻo! Phụ nữ khó
sinh hay khó nuôi con thường ăn trứng ngỗng để dễ sinh sản và dễ
nuôi con.
Thiên Nga
Thịt thiên nga
Thiên nga đẹp
đẽ, duyên dáng và thanh cao hơn cả ngỗng. Trên thế giới có từ 1
đến 1.5 triệu con thiên nga (ngỗng Trời) ở các xứ lạnh như Nga,
Alaska, Canada, bắc Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản, Tân Tây Lan,
Anh, v.v. Hiếm khi nghe việc ăn thịt thiên nga. Nhiều quốc gia
ban hành luật bảo vệ thiên nga bằng cách cấm săn bắn và ăn thịt
thiên nga. Thiên nga là loài cầm vũ thanh cao vùng khí hậu hàn
đới và bán hàn đới. Việc chủng giống giữa thiên nga + ngỗng hay
thiên nga + vịt hoàn toàn thất bại.
Thịt Gà Tây
Loại trừ số gà tây rừng, hiện nay trên
thế giới có 300 triệu con gà tây nuôi trong các trại chăn nuôi ở
Âu Châu, Mỹ Châu và Đại Dương Châu (Úc và Tân Tây Lan). Hoa Kỳ
nuôi gần 50 triệu con gà tây ở các tiểu bang North Carolina,
Arkansas, Virginia, Indiana, Ohio, Missouri, Minnesota. Hoa Kỳ là
nước sản xuất nhiều thịt gà tây: 2.7 triệu tấn; Brazil: 613,000
tấn; Đức: 470,000 tấn. Gà tây được tiêu thụ nhiều trong các ngày
lễ Tạ Ơn (Thanksgivings) và lễ Giáng Sinh (Noël – Christmas) ở
các quốc gia Thiên Chúa Giáo, Chính Thống Giáo, Tin Lành Giáo
trên thế giới.
Thịt Đà Điểu
Đà điểu là loại cầm vũ nặng cân nhất
còn sót trên thế giới.
Đà điểu trống cân nặng trung bình từ
100–130kg.
Đà
điểu mái cân nặng trung bình từ 90–110kg.
Đó là loại cầm vũ khổng lồ chỉ chạy mà
không bay được. Đà điểu cho một số lượng thịt, da, lông đáng kể.
Trong trạng thái hoang dã số đà điểu
hoang sống trong sa mạc lối 150,000 con. Hoa Kỳ và Nam Phi là hai
quốc gia nuôi nhiều đà điểu để lấy thịt, lông và da.
Mức sản xuất thịt đà điểu xê dịch từ
12,000 tấn đến 15,000 tấn. Ngày nay nhiều người Việt Nam giàu có
bắt đầu thích ăn thịt đà điểu có nhiều protein, Fe, Mg, Fe, Zn,
sinh tố B6, B12 và ít cholesterol.
THỊT CÁC LOÀI CHIM NHỎ
Thịt Chim Sẻ
Thịt chim sẻ
nướng
Chim sẻ
là một loại chim nhỏ mang tên khoa học Passer domesticus, gia
đình Passeridae. Chim sẻ được tìm thấy khắp nơi trên địa cầu.
Hiện nay trên thế giới có lối 1.6 tỷ chim sẻ. Đó là một nguồn
thịt ngon, bổ và hiếm.
Ở Sài Gòn, Tokyo... người ta ăn chim sẻ
rô–ti. Ở Tokyo (Nhật Bản), Ann Arbor, tiểu bang Michigan–Hoa Kỳ,
có tiệm bán thịt chim sẻ.
Ở Việt Nam và Trung Hoa tước nhục (thịt
chim sẻ), tước huyết (huyết chim sẻ) và tước noãn (trứng chim sẻ)
được xem là bổ dưỡng dùng để trị chứng liệt dương.
Thịt Chim Mỏ Nhác
Chim mỏ nhác có cổ dài, chân dài và mỏ
dài như mỏ cò. Lông mỏ nhác tựa như lông cút, đuôi màu đen. Mỏ
nhác tương đối xa lạ với người Việt Nam. Nó được tìm thấy rải rác
từ Iceland lạnh giá sang Trung Á xuống tận Úc Đại Lợi ở Nam Bán
Cầu. Trên thế giới có từ 600,000 đến 800,000 con mỏ nhác.
Thời tiền chiến người Hoa ở Sài Gòn–Chợ
Lớn quay và bán mỏ nhác do nông dân trên châu thổ sông Cửu Long
cung cấp mỏ nhác sống. Từ cuộc chiến tranh Việt Nam II về sau
không còn thấy người Hoa bán mỏ nhác quay ở Sài Gòn–Chợ Lớn.
Tên khoa học của mỏ nhác là Limosa
limosa
(1) thuộc gia đình Scolopacidae. Tên gọi thông thường:
(1)
Limosa limosa: do chữ Limus của
tiếng La Tinh có nghĩa là bùn, sình. Chim mỏ nhác sống ở vùng bùn
sình ẩm ướt.
(2) Black–tailed godwit. Black–tailed vì có đuôi đen; godwit:
good creature: sinh vật tốt. Có lẽ vì người Anh rất thích ăn thịt
mỏ nhác trong quá khứ nên mới có tên gọi godwit như vậy.
Thịt Chim Cút
Cút là loài chim không có đuôi, không
bay được mà chỉ biết chạy. Trong một khúc hát của người Việt Nam
có câu: Cút cụt đuôi ai nuôi mày lớn?
Chim cút được tìm thấy khắp các lục địa
ở Bắc Bán Cầu lẫn Nam Bán Cầu.
Trước năm 1968 người Việt Nam rất xa lạ
với loài chim này. Trước đó họ có khái niệm mơ hồ rằng không thể
nuôi cút được vì cút nuôi trong chuồng không sinh sản. Nhưng
người ta quên rằng nếu cút không sinh sản, các tiệm thực phẩm lấy
trứng cút ở đâu để vô hộp?
Phong trào nuôi cút để bán trứng cút và
cút con bùng phát rầm rộ ở miền Nam Việt Nam. Giá trứng cút ngang
hàng với giá vàng! Việc nuôi cút để làm giàu bắt đầu từ đầu năm
1970 dẫn đến sự phá sản của nhiều gia đình ở miền Nam Việt Nam và
sự giàu có của một thiểu số người bán cút và trứng cút giống!
Trên thế giới số chim cút ước lượng từ
15 triệu đến 35 triệu con. Thịt chim cút có giá cao. Đó là thức
ăn ngon được bán ở các nhà hàng lớn trong các thành phố lớn ở
Hồng Kông và các nước Đông Nam Á.
Thịt Bồ Câu
Thịt chim bồ
câu
Bồ câu là
một loài chim sống ở thành phố. Bồ câu là loài chim đẹp, dễ
thương, biểu tượng của hòa bình. Thịt bồ câu được các nhà hàng
người Hoa ở Đông Nam Á trân quí. Nhìn chung nhiều dân tộc trên
lục địa Á Châu, Phi Châu ăn thịt bồ câu. Người Hoa Kỳ dè dặt
trong việc ăn thịt bồ câu vì thịt có màu không hấp dẫn và vì bồ
câu sống trong các thành phố đầy ô nhiễm. Chúng ăn thức ăn ô
nhiễm không tốt cho sức khỏe của người ăn thịt chúng.
Ở Ấn Độ ăn thịt bồ câu là bất hợp pháp.
Trên thế giới có từ 260 triệu đến 400
triệu bồ câu bao gồm bồ câu nuôi và bồ câu sống hoang dã. Các
thành phố lớn trên thế giới như New York, Hồng Kông, Roma, Paris,
Cairo có nhiều bồ câu. Bồ câu được chánh quyền thành phố và du
khách cho ăn đầy đủ và được bảo vệ nghiêm ngặt. Ở vài quốc gia
Âu–Mỹ luật pháp nghiêm phạt người bắn giết bồ câu để ăn thịt.
***
Chúng tôi xin tạm dừng bài viết ở đây.
Phần còn lại của bài viết này sẽ được tiếp nối ở Phần 2.
Xin gởi lời chào hỏi chân thành đến
người ăn thịt, người không có thịt ăn, người không ăn thịt vì lý
do tôn giáo và người không ăn thịt vì lý do bịnh tật.
Phạm Đình Lân, F.A.B.I.
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by Vui Nguyen chuyển
Đăng ngày Thứ Sáu, November 10,
2023
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang