Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Sưu tầm
Chủ đề: Rượu đế Cognac
Tác giả: Ái Văn
Bài 1
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Lời giới thiệu: nói đến “rượu đế”, tiếng Anh gọi là “liquor”, thì không nơi nào trên thế giới cất (nấu) rượu đế ngon cho bằng xứ Phú-lang-sa (nước Pháp). Rượu là loại nước giải khát chứa chất cồn hay alcohol và chỉ được gọi là “rượu đế” khi có nồng độ “cồn” hơn 35%. Đại đa số “lính ta” thích rượu Tây vì mấy cụ “hũ chìm” này cho rằng uống rượu Tây không bị “nhức đầu”... Kính mời Quý vị theo dõi bài phân tích sau đây của tác giả “Ái Văn”, một đấng “hũ chìm” thượng thặng. Trân trọng. --bkt
Tôi
có hẹn là sẽ viết một bài nói về Trà, về Rượu mà không dám lạm
bàn đến... đến... lãnh vực mình luôn “mù tịt”, cho dù mỗi ngày
mình đều phải đương đầu. Nay xin giới hạn rõ ràng là chỉ xin lạm
bàn về Trà và Rượu mà thôi, để dành cái phần kia cho quý vị Đàn
Anh, quý vị Đàn Em hào hoa hoặc các bậc Trưởng Thượng tha hồ mạn
đàm. “Em” xin lắng nghe lời chỉ giáo của quý vị.
Nói về cái gì mà “thiên hạ” ghét trước,
hãy bàn về Rượu.
Thuở nhỏ, tôi hay đọc văn thơ lặt vặt -
sở dĩ dùng chữ lặt vặt vì lúc nhỏ tôi nhát học văn chương lắm,
cho dù tên tôi là Văn - nên đọc được câu thơ nào thấy thú vị hay
hạp với mình thì cứ nhớ mãi, cho dù đã bao nhiêu năm về sau. Xin
trích đây mấy câu chữ Hán cho ra cái điều ta đây cũng “Háng”
rộng, với lại để cho đúng với chữ của cổ nhân: “Xấu hay làm tốt,
dốt hay nói chữ”. (Xin đừng bày đặt hiểu bạy hiểu bạ để xuyên tạc
là tôi nói móc lò mấy ai cứ đem tiền ra cho các Thẩm mỹ viện tiêu
giùm).
“Nam
vô tửu như kỳ vô phong” hoặc
“Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi”
(hai câu sau cũng rất hay nhưng
không muốn trích vì không thấy dính tới Rượu).
Rồi thơ Việt như:
“Đất
say đất cũng lăn quay
Trời say Trời cũng
đỏ gay ai cười...”
Hay tới chuyện viết trong sách Giáo
Khoa Thư lớp Đồng Ấu hay lớp Dự Bị. (Ôi chao ơi, nếu tôi học được
và hành được những gì Thầy Cô đã dạy cho học trò lớp Đồng Ấu
thôi, ví dụ như đừng có nói dối, đừng làm những gì mình không
muốn người khác làm cho mình, v.v. thì tôi đã “thành nhơn” rồi
chứ không còn bạy bạ như thằng tôi đang viết những dòng này).
Truyện kể rằng có một chàng kia vì một
lý do gì đó đã bị một ông thần bắt buộc chàng phải về nhà giết
cha, hay giết mẹ: Chàng dĩ nhiên từ chối không làm chuyện đó, rồi
ông thần cho chàng một giải pháp khác là nếu như vậy nhà ngươi
phải uống rượu. Chàng kia thấy giải quyết như vậy có vẻ OK, vì
mình chỉ uống rượu mà thôi. Ai dè khi chàng uống rượu say lướt
khướt rồi thì đâu còn biết gì nữa đâu: chàng giết luôn cả cha lẫn
mẹ!
Đó thấy
không? Rượu là hại lắm lắm, nhất là mấy quý vị Phật tử thì lại
càng nên lưu tâm cẩn thận hơn vì trong ngũ giới, giới Tửu là một
giới phải giữ. Ủa vậy chớ hại như rứa mà chú mầy lại bày đặt viết
về rượu có phải là muốn hại nhau không?
Ai cha, như đã trình bày ở trên, nếu ai
ai cũng đàng hoàng, ai ai cũng ngoan ngoãn theo lời Thầy Cô dạy
từ nhỏ thì đâu có chuyện, đâu có cõi tùm lum, tà la này, đâu còn
thiên hạ sự, đâu còn chuyện để nói nữa! Thái bình thịnh trị.
(Ê, Thầy Cô dạy, nghe được thì nghe
theo, chớ đừng bắt chước những gì Thầy Cô làm, bởi vì nói thì nói
vậy thôi chớ Thầy Cô là ai nếu không phải là chúng ta đang mặc áo
mô phạm, mà Ta thì đâu đã thánh thiện, đâu đã đạt đạo!)
Vì Ta chưa thánh thiện nên ta hay dòm
dòm ngó ngó xem thiên hạ làm gì... để... bắt chước. Bởi vậy mới
sinh chuyện! Dòm tới dòm lui, dòm qua dòm lại, thấy có nhiều đạo
cho uống rượu, như đạo Thiên Chúa cho con chiên rượu lễ chẳng
hạn, v.v. rứa là ta có cớ để hủ hóa, để hư, để bày chuyện!
Quý bạn đọc sẽ đọc sau đây những chi
tiết về rượu không có tính cách “hàn lâm” như là có bao nhiêu thứ
rượu, làm bằng vật liệu gì, làm ra sao, uống có công dụng gì,
v.v. mà chỉ đưa ra một vài cảm nhận lúc uống rượu cùng một ý kiến
của riêng tôi về cách uống rượu.
Nói phét là như vậy, nhưng làm sao mà
có thể nói cho hết những loại rượu đang bán trên thị trường, nên
đành giới hạn ở nơi bài này chỉ nói về một thứ rượu mà phe ta hay
dùng: rượu Cognac.
Hũ chìm
Trước đây ở Việt Nam tôi thường được
các cao thủ võ lâm trong làng Công Chánh dạy cho cách uống rượu
Cognac, đó là các anh TND (nay đã quá cố), HĐL (đang sống hùng
mạnh ở San Jose), v.v. dẫn dắt vào con đường “rượu chè”. Nhớ
những lần TND, HĐL vào công tác Sài Gòn là thế nào tôi cũng được
đi lẽo đẽo theo các đàn anh để hầu rượu (nói cho khéo, chớ thiệt
là để uống keù?). Những tên được nhắc đến trong các buổi nhậu
nhẹt tôi học vỡ lòng về rượu nho từ TND: nào là Martel Trois
Étoiles, nắp mở bằng nút xoắn, nào là Cordon Bleu, rồi là Cordon
D’argent, v.v. nghe nói không cũng thấy “đã” rồi, trong khi mình
đang được uống Martel “chùa”, và đang phá “mồi” (có nghĩa là “ăn”
nhiều hơn “uống”). Các đàn anh cứ phán, đàn em đang lắng nghe và
đàn em “đớp” đều đều. Tôi vẫn còn nhớ như hôm qua TND với ĐST
cùng HĐL đạp xe đạp chạy theo tôi vào Chợ Lớn “đổi” rượu để đi
nhậu. Số là như vầy: Mấy đàn anh sau biến cố 1975 thì khá kẹt
tiền vì đâu có ai làm ra tiền nữa, nên đâu còn vung vít như ngày
xưa thân ái. Nhưng “ăn quen mà nhịn chẳng quen”. Qua những buổi
bàn bạc với nhau, chúng tôi mới biết là vì ít uống rượu mà bạn bè
lại mới biếu Tết nhiều chai rượu nên anh ĐST đang có nhiều chai
Martel nằm yên trong tủ. Làm sao mà nói mấy chị cho mấy anh chút
chút đi nhậu cho cam? Bèn thở dài thở vắn, nhớ tới “thời oanh
liệt nay còn đâu”. Tôi mới bàn với anh em như sau: Mình lấy hai
chai Martel, đi vào Chợ Lớn, chỗ tôi có quen biết để “mại” một
chai, lấy tiền để nhậu chai thứ hai với nhau. Vậy là xong: vẫn
ngon lành như xưa, cũng đủ món đồ nhậu trong Chợ Cũ, mà cũng còn
dư để đi ăn thêm Phở hôm sau. Vui quá phải không anh T, anh L?
Qua đây có dịp và có nhiều phương tiện,
tôi tiếp tục sự nghiệp uống Cognac. Nếu nói Cognac mà không đưa
ra một vài chi tiết thì thấy không được, nên phải viết ra một ít
để quý bạn dễ theo dõi con đường “say sưa”.
Trước hết xin nói rõ Cognac là một loại
rượu cất từ nho, gọi chung tên là Brandy. Tuy vậy, chỉ Brandy làm
từ vùng Cognac ở Pháp mới được gọi là Cognac. Còn nếu Brandy làm
từ chỗ khác thì không được dùng tên gọi Cognac, ví dụ làm từ
Armagnac hay ở California chẳng hạn.
Thị trấn Cognac ở Pháp nằm ở phía Tây
Nam thành phố Paris khoảng 200 miles trên bờ sông Charentes, và
bao gồm sáu districts [quận/hạt]: Grande Champagne, Petite
Champagne, Fin Bois, Bois Ordinaire và Borderies. Xin phân biệt
Champagne ở đây là một district của thị trấn Cognac, chớ không
phải là Champagne ở Đông Bắc Paris gồm có Reims, Epernay, v.v.
sản xuất rượu bọt (vin mousseux) nổi tiếng Champagne.
Vườn Nho ở quận Cognac - Phú-lang-sa
Nho dùng trong Cognac là loại
Ugni blanc, Colombard với Folle blanche. Còn nho
dùng trong các rượu vang khác thường là Cabernet Sauvignon,
Merlot Chardonnay, Pinot Noir, Syrah, hoặc là Riesling.
Chỉ khi nào dùng 100% nho trồng ở
district Grande Champagne thì Cognac mới đề ngoài nhãn là “Grande
Champagne”, còn Fine Champagne thường thấy đề ở một số rượu như
Remy Martin chẳng hạn thì chỉ có khoảng 50% nho của Grande
Champagne, phần còn lại là nho ở Petite Champagne. Vậy chớ hai
district này có gì đặc biệt mà cứ mãi nói về chúng hoài: Tất cả
là do cái bouquet [hương thơm] của nho trồng ở hai nơi đó. Mà
trong chúng ta ai cũng đều biết là ăn hay uống, có bạn lại thêm
là cả con người cũng vậy) ta thường đánh giá trên ba điểm chính:
Sắc, Vị, Hương. Hương là khó nhất. Các hãng nước hoa là một thí
dụ điển hình: chỉ cần một mùi hương là đã kéo lại cho chúng ta
một “bầu trời thương nhớ cũ”. Thôi, không bàn lang bang sợ lại
không viết được nhiều cho chủ đề chính là Cognac.
Cognac phải được cất hai lần trong các
lò cất bằng đồng đốt trực tiếp bằng lửa ngọn. Sản phẩm do lần cất
thứ nhất cho khoảng 30% alchohol [ăng-côn]. Sau lần thứ nhì, ta
được KHOẢNG 70% alchohol. Mỗi lần cất như vậy lâu vào khoảng 12
giờ. Phần đầu và phần cuối của các sản phẩm này đều không được
dùng, chỉ phần giữa là được giữ lại để ủ trong các thùng chứa
bằng gỗ sồi (oak) lấy trong rừng thiên nhiên Limousin hay vùng
rừng nhân tạo Troncais. Xin lưu ý ở đây là Cognac ngon hay không
ngon cũng là nhờ giai đoạn ủ trong các thùng này, không được dùng
đinh hay keo để làm thành thùng tonneau, gồm các mảnh gỗ sồi phải
được chẻ bằng tay chớ không dùng cưa để xẻ và được bó chặt với
nhau bằng các đai kim loại. Cognac đựng trong các thùng này, tuy
rất kín, vẫn bị mất khoảng 3% do bay hơi mà dân Pháp gọi là phần
rượu của Thiên Thần (part des Anges). Chính trong khi ủ trong
thùng bằng gỗ sồi này mà Cognac hấp thụ cả màu sắc lẫn hương
thơm.
Hầm chứa rượu
Các hãng sản xuất rượu Cognac thường
được bày bán trên thị trường ta có thể kể: Martel, Hennessy, Remy
Martin, Courvoisier, Delamain, Hine, Camus, Otard, Pierre
Ferrand, v.v.
Về phân loại hạng cấp đi từ dưới lên
trên: bắt đầu là V.S. (Very Superior), muốn được ghi là VS,
Cognac phải được ủ trong các thùng sồi ít nhất là 2 năm rưỡi tính
theo luật lệ rượu của Pháp, tuy vậy Cognac VS thường được ủ
khoảng 4 hay 5 năm; kế là V.S.O.P. (Very Superior Old Pale, mà ở
Việt Nam, các bậc đàn anh kháo với tôi là Verser Sans Oublier
Personne), tính theo luật thì chỉ cần 4 hay 5 năm nằm thùng,
nhưng thường thì họ cho ngâm lâu hơn, có khi 5 năm hay cho đến cả
chục năm. Tiếp đến là Napoleon (xin nhớ đây là hạng cấp Napoleon
chớ không phải rượu tên là Napoleon thường bày bán để dân không
rành uống rượu mua nhầm. Ta có Courvoisier Napoleon, Remy Martin
Napoleon, còn Martel thì không đề Napoleon mà dùng chữ Cordon
Bleu). Thứ đến là X.O. (Extra Old), và trên hết là Extra. Các
loại trên này thì theo luật phải nằm thùng từ sáu năm trở lên,
nhưng các hãng Cognac thường cho nằm trên chục năm cho đến cả
trăm năm tùy theo hãng sản xuất và sản phẩm đặc biệt nói ở dưới
đây. Nói về Cognac Extra thì rất là nhiều loại đặc biệt.
Ví dụ nói riêng về Công ty Courvoisier
chẳng hạn: nhiều loại Extra như Chateau
Limoges ở trong bình bằng Porcelain, VOC ở trong bình bằng pha lê
(crystal) của hãng Baccarat, rồi có một series đặc biệt gọi là
Series Erté - Erté là tên hiệu của một họa sĩ người Nga, ông này
vẽ cho các hộp đêm sang trọng của Paris như Folies Bergères -
Series Erté đặc biệt ở chỗ là chỉ sản xuất bảy (7) chai, mỗi năm
một chai đánh số 1 tới số 7. Mỗi chai có một tên riêng: Vignes,
Vendange, Distillation, Vieillissement, Degustation, Part des
Anges, l’Esprit du Cognac, và chỉ sản xuất 12,000 chai, có đánh
số từng chai. Chai số 1 vào năm 1989 và chai số 7 vào năm 1995.
Sau đó vì còn một ít rượu nên Courvoisier sản xuất thêm một chai
cuối gọi là Inedit, chỉ sản xuất được 4,000, thay vì 12,000 như
những chai trước. Rượu đựng ở trong các chai này được lấy từ
những thùng rượu rất là lâu đời, có rượu ủ trong thùng từ năm
1897 (là năm sinh của Erté nên mới có tên cho series này). Tại
Little Sài Gòn, có chợ Việt Nam Đồng Hương bày bán một bộ từ chai
số 1 đến chai số 7 (không có chai thêm sau cùng Inedit), chỉ biết
nguyên bộ đó bị đánh cắp. Quý bạn ở Nam Cali cũng có thể xem các
chai này đang bày bán ở chợ Hawaii trên vùng Alhambra/Monterey
Park hoặc chợ Asahi tại Little Saigon.
Còn về các Công ty như Remy Martin,
Việt Nam hay biết tới là chai Louis XIII
đựng trong bình pha lê do Baccarat làm, hoặc Hennessy Paradis.
Đại để là nói tới Extra thì rất là nhiều, bàn không hết được, chỉ
biết “để mà biết chứ không phải để mà uống”. Xin quý bạn đừng chê
kẻ hèn này, tội nghiệp. Vì “có mà không xài cũng coi là không
có”. (Câu tôi đã viết về thi P.E. cách đây hơn hai mươi năm: Có
mà không xài còn hơn là không có. Vậy mới biết câu “trước sau như
một” là như vậy). Đây là nói về rượu, chứ nếu đổi chữ rượu ra chữ
tiền thì cũng giống y chang: Bạn có rất nhiều tiền để ở trong nhà
băng mà không xài thì cũng như là không có. Bạn chỉ hơn người
khác có vài số zero ở trong compte thôi. Khổ một cái là nếu tiêu
thì hết. Bởi vậy cho nên không tiêu, và giống như Catch 22, vì sợ
tiêu hết nên không dám tiêu cho nên coi như có cũng như không.
Đúng là “Sắc bất dị không, Không bất dị sắc; Sắc tức là không,
Không tức là sắc”. (Đây là tôi nhập tâm tầm bạy nên vụt miệng đọc
đại câu kinh hay đọc trong Bát Nhã Tâm Kinh. Xin đừng chấp. Vì
Chấp Có còn đỡ hơn là Chấp Không. Huống hồ là chấp thằng Văn khi
nó nói Tầm Phải).
Đến đây tôi lại nhớ lời của một nhân
viên an toàn của công ty Aramco ở Saudi Arabia đã dặn rõ cho tất
cả nhân viên mới tới vùng này làm việc là hãy coi chừng những lỗi
lầm ngu xuẩn như sau: Tất cả những người lạc trong sa mạc thì
khát mà chết, nhưng khôi hài là bên cạnh những xác chết đó vẫn
còn gần đầy bình nước dự trữ mang theo. Họ mang nước theo, nhưng
không dám uống, sợ hết nước thì chết và họ đã chết trước khi hết
nước. Bà con ơi, có ai trong chúng ta có tiền mà không dám tiêu,
vì sợ lỡ tiêu hết thì không còn nữa, nguy quá, cho nên cho đến
chết cũng còn quá nhiều tiền, trong khi lúc sống không dám hưởng.
“Tiền chỉ có giá trị khi được tiêu đi.” Tiền không tiêu chỉ là
con số, nằm ỏng a ỏng oảnh trong ngân hàng, không khác gì tờ giấy
lộn. Vậy anh em ơi, “Hãy tiêu đi, hãy tiêu đi.” Các bạn không tin
thì hãy thử: Không tiêu làm sao biết cái sướng của sự tiêu. Enjoy
đi, không sao đâu!
Tuy nhiên nếu có ai hỏi, xin cứ mạnh
dạn đổ thừa là nghe theo lời Ái Văn đó. Chỉ xin anh em đừng cho
vợ tôi biết tôi cổ động chuyện tiêu pha này nhé. Được vậy là tôi
cảm ơn bạn ngút ngàn rồi.
Xin trở lại với rượu và trà.
Chắc quý vị cũng muốn nghe bàn về cách
uống rượu như thế nào để xem thử thằng Văn này nói ra răng?
Như đã thưa trước, xin viết ra
đây một vài cách uống Cognac.
Theo kiểu Việt Nam hay Tàu thì thường
uống Cognac pha với nước Soda hay nước
suối có sủi bọt như Perrier hòa chung với nước đá cục, và uống
như rượu vang trắng. Đấy là cách tôi học được lúc mới “mở mắt”
bài học Cognac. Có lẽ tại Việt Nam nóng nên thường uống pha với
nước đá, cũng giống như mình uống cà phê sữa đá vậy. (Ê, chú mày
nói vậy chớ bộ tụi Tây, tụi Mỹ uống trà đá Lipton thì sao? Áy-Ya,
uống kiểu đó là uống theo kiểu tụi Tây, tụi Mỹ, còn đây là bàn
cho TA là Việt Nam thì nên uống theo kiểu, kiểu... kiểu... cà
lăm, vì chẳng là kiểu gì hết. Thôi thì chịu khó đọc tiếp cái đã).
Xin nói thêm là nhiều nơi, ngay cả ở Pháp họ cũng uống “à l’eau”,
pha với nước lạnh và bên Ăng-Lê họ uống Cognac chung với
Coca-Cola. Uống thế nào mình thấy hợp khẩu vị là được rồi. Nhưng
để xem dân Pháp chính gốc họ uống ra răng đã. Sau đây là phần tôi
đọc trong mấy cuốn sách nói về Cognac và trên Website, xin tóm
lại đây hầu quý vị.
Thú uống Cognac nguyên chất (không pha
thêm nước chi hết, cũng không có nước đá) - uống Cognac rót lên
nước đá cục gọi là “on the rock” cũng được, nếu dùng loại VS,
VSOP hay Napoléon thôi, chứ XO hay Extra mà pha như vậy e uổng
phí mất cả phần hương, bớt mất vị, mà ngay cả phần sắc nữa, nhưng
như đã viết ở trên “uống thế nào mà ta thấy ngon” là được rồi -
là rót rượu vào ly, xin chớ rót quá 1/3 ly nhé (nên dùng ly vừa
tầm tay của mình, để humaniser rượu bằng lòng bàn tay cho ấm),
nhìn màu rượu óng ánh trong ly (nếu có ly crystal thì đẹp mắt
hơn: quý vị đang NHÌN em để thấy sắc diện em), bạn cầm ly xoay
quanh để nước lóng lánh khắp ly cốt là để cho hương của Cognac
bốc lên, bạn dùng khứu giác nhưng đừng để mũi bạn quá sát vào ly
sợ e mùi hương quá nồng làm mất đi cái mùi hương (bạn đang thưởng
thức MÙI của em, thích nhé) - viết đến đây bỗng nhớ đến truyện
của Kim Dung nói về mùi hương của đàn bà, của con gái trong
truyện Lục Mạch Thần Kiếm khi Đoàn Dự tả về Mộc Uyển Thanh với
lại Vương ngọc Yến cùng với hương trà của Vương phu nhân, chắc
quý bạn lại nghĩ là sau khi cho khứu giác thưởng thức rồi, thì
chắc là sẽ “uống” chăng? CHƯA, đúng ra là KHOAN đã (đó, quý bạn
vẫn có thói quen mà bị la mãi vẫn không nhớ: cứ từ từ, đi đâu mà
vội mà vàng, cứ quýnh quýnh, quáng quáng, lụp cha lụp chụp.)
Trong sách Pháp về Cognac nói rằng: sau khi đã thưởng thức mùi
của em (Cognac) xong thì để ly rượu xuống để NÓI về Cognac, BÀN
về Cognac.
Đấy
mới là điểm chính: cốt tủy của uống rượu không phải là “uống” mà
là “nói”,
nói về chuyện tùm lum, tà la, ba hoa thiên địa vì TA gặp được
nhau là chính, chẳng lẽ không ăn, không uống, nên phải có cho
chứ, chứ chính là “gặp nhau”. Chắc quý bạn cũng đồng ý với Lâm
Ngữ Đường viết trong cuốn The Importance of Living xuất bản năm
1937 (Ái hữu lão thành Nguyễn Hiến Lê đã dịch ra từ bản dịch
tiếng Pháp là Một Nếp Sống Đẹp thì phải) là người xưa đã trèo
non, lặn suối, để đi đến nhà bạn, thăm nhau và uống với nhau một
tách trà, hay một ly rượu để đàm đạo, rồi lại lội suối hay đội
mưa trở về. Đây là một cái thú của cuộc đời.
Sau khi nói đã rồi mới uống. Xin bàn
một tí về cách uống ở đây. Bạn chỉ nên uống một cụm nhỏ vừa đủ để
đầy một phần miệng, ngậm trong miệng một chút, lấy lưỡi quay
quanh để rượu có thể đến đầy ắp tất cả các vành trong và nướu
răng, rồi uống ực một cái thật mạnh: hương rượu sẽ hừng hực bốc
lên trên mũi để cho khứu giác một lần nữa được hưởng EM. Phần sau
còn sót lại trong vị giác gọi là dư vị (after taste), tùy theo
rượu ngon hay không là ở điểm hương và dư vị này, vì loại nào đi
nữa thì nồng độ rượu vẫn chỉ là 40% cả. Rượu ngon thì cho ta cảm
giác là nó nhẹ, dịu ngọt (cũng như đàn bà vậy: bà nào bà nấy cũng
dịu dàng, cũng dễ thương, cũng ngọt ngào cho đến..., cho đến...,
cho đến lúc mấy bà DỮ: Eo ôi, mèo nằm êm trên tay ta nũng nịu với
ta hôm qua, nay biến thành hình Sư Tử đang gào thét và đang nhe
răng sắp ăn sống nuốt chửng ta đây. Ôi trước sau gì cũng chết,
thôi đành chết trong miệng mấy bà Sư Tử cho nó oai chứ không lẽ
chết trong miệng mấy mèo con!).
Ảnh Quảng cáo
Nói về loại rượu nào nên uống nếu quý
vị chưa có thói quen uống: Xin đề nghị quý bạn bắt đầu từ loại rẻ
nhất (VS), hãy uống pha với Perrier chứ đừng dùng Club Soda hơi
đắng, hay pha với nước cũng được, rồi leo lần lên bằng cách uống
các loại đắt hơn một chút: (VSOP), cũng pha với Perrier, sau đó
hãy thử uống không pha chi hết với nước đá on the rock mà thôi.
Rồi thử uống nguyên chất với loại Napoleon hay XO. Sau đó quý bạn
biết sẽ uống như thế nào là hợp với khẩu vị của mình. Xin nhắc là
MÌNH uống cho MÌNH chứ không phải mình uống cho ai cả nên loại
nào cũng NGON cả. Quên nói là mua rượu ở đâu rẻ: Nếu là vùng Nam
Cali thì cứ vào mấy siêu thị Việt Nam hay Tàu thì mua các hiệu
như Martel, Hennessy, Courvoisier, Remy Martin rất rẻ so với
Liquor Store khác, nhất là vào các dịp Tết Tây, Tết Ta. Nhưng các
bạn muốn mua các loại đặc biệt NGON mà RẺ, nhưng phe TA ít biết
tới vì cũng lại là thói quen chỉ hay uống bốn hãng trên mà thôi,
như Delamain XO chẳng hạn, thì xin giới thiệu quý bạn mấy chỗ như
Hi-Times Cellars ở Costa Mesa, hay Wine Exchange ở Anaheim.
Quên nói là
uống Cognac lúc nào thì thích hợp nhất: Nếu uống với Perrier thì
uống thay cho rượu vang trắng từ đầu tới mãn táng cuộc vui cũng
quá đủ. Nhưng nếu uống nguyên chất thì sau bữa ăn, sau khi uống
Port (fortified wine, rất độc đáo vì nó vừa ngọt lại vừa ngon),
sau khi uống TRÀ hay CÀ-PHÊ xong, sau khi đã uống liqueurs như
Cointreau hay Grand Marnier, ta mới uống Cognac ngon để đi ra về
(quên, uống là phải nói phét rồi mới về). Còn lại chủ nhà phải lo
dọn dẹp thì tôi đề nghị: Xin khoan rửa các ly dùng để uống
Cognac, hãy để các ly đó đến ngày hôm sau, lúc đó mùi hương
Cognac vẫn còn đó. Mùi HƯƠNG vẫn còn, và đó là một mùi rất dịu và
làm ta lại nhớ đến em (Cognac). “Để tưởng nhớ mùi hương - Truyện
dài của Mai Thảo.”
Bài này đã quá dài sợ viết thêm nữa e
có bạn sẽ chán đọc nên xin hẹn sẽ viết bài về Trà cho nhẹ nhàng
hơn để hầu quý bạn.
Ái Văn
Tái bút:
Này, Chú mày đang uống gì đó? Dạ em đang uống Perrier sec (nghĩa
là nước suối nguyên chất. Còn tiền của chú mày thì sao? Dạ em nào
có account ngân hàng đâu, chỉ có nhà em có account mà thôi. And
that is “HER” business.
(Đừng nghe những gì... hãy nhìn
kỹ...) vẫn còn đúng ở Thiên Niên Kỷ này!
Phụ lục - Cognac Courvoisier Serie Erte
Tủ rượu Cognac của Ái Văn
Phụ lục - Martel
Bản đồ Thành phố Cognac-Pháp
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Những
bài liên quan
Bài 1:
Thưởng thức rượu đế cà-nhắc
(Cognac)
Bài 2:
Rượu Cognac - Brandy
Tản mạn về BIA
THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: Bộ Huy hiệu Sư Đoàn Nhảy Dù QLVNCH. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet E-mail by ddcb chuyển
Đăng ngày Thứ Bảy, February 25, 2017
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang