|
Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Trang
Tin Lành
Chủ đề:
Mùa NOEL–2022
Tác giả:
MS Huỳnh Quốc Bình
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Tổ chức kỷ niệm ngày Đức Chúa Jesus giáng sinh là ý
của con người. Rao truyền sự chết và sự sống lại của Chúa Cứu Thế
mới là ý Chúa.
***
Các sách Phúc Âm trong Kinh Thánh không
hề có một chỗ nào nói rằng Đức Chúa Jesus tức là Chúa Cứu Thế
giáng sinh vào ngày 25 Tháng Mười Hai. Kinh Thánh cũng không đề
cập đến việc con dân Chúa phải tổ chức kỷ niệm ngày Đức Chúa
Jesus giáng trần. Trái lại, Kinh thánh khuyến cáo con dân Chúa
phải tưởng niệm sự chết của Ngài và căn dặn là hãy làm điều đó để
nhớ đến Chúa và rao truyền sự chết của Chúa cho tới khi Ngài trở
lại thế gian để phán xét những kẻ có tội.
Hằng năm, người viết và gia đình cũng
tham dự những buổi Kỷ Niệm Chúa Giáng Sinh như bao nhiêu người
khác. Chúng tôi không chống việc tổ chức ngày này. Tuy nhiên,
chúng tôi không ủng hộ việc tổ chức quá rình rang ngày này, nhưng
lại xem nhẹ việc rao truyền sự chết và sự sống lại của Chúa.
Theo lời khuyến cáo của Kinh Thánh,
việc rao truyền sự chết và sự sống lại của Chúa mới là quan
trọng, và đó mới là ý Chúa. Tổ chức kỷ niệm Mừng Chúa Giáng Sinh
vào ngày 25 Tháng Mười Hai, hay bất cứ ngày nào cũng đều không
phải ý Chúa mà do con người tạo ra. Không phải ai cũng biết điều
này, nhưng cho dù có biết cũng không ai “dại” để nói ngược lại
giáo quyền, hay đám đông. Thực tế, không phải lúc nào giáo quyền
cũng đúng và không phải đám đông lúc nào cũng phải. Chỉ có chân
lý của Chúa mới là đúng, và chỉ có chân lý mới là bất diệt.
Nếu tổ chức ngày Đức Chúa Jesus giáng
sinh để vinh danh Đức Chúa Trời là việc làm tốt, nhưng chớ nên
làm lu mờ mạng lệnh Chúa giao phó. Mạng lệnh đó là rao truyền sự
chết và sự sống lại của Đức Chúa Jesus, như đã nói.
Nếu lời tâm tình và giải thích của
chúng tôi về ngày này vẫn chưa đủ thuyết phục những ai xem việc
tổ chức kỷ niệm Chúa giáng trần là quan trọng hơn là rao truyền
sự phục sinh của Đức Chúa Jesus, chúng tôi xin trân trọng mời
người đó nên đọc lại Kinh Thánh Sách 1 Cô–rinh–tô 11, nhất là đọc
từ câu 23–26.
Căn cứ vào các dữ kiện trong Kinh Thánh, các nhà bình giải Thánh
Kinh, và các sử gia tôn giáo đều đồng ý rằng: Các Hội Thánh Cơ
Đốc, trong hơn 300 năm đầu tiên của lịch sử Cơ Đốc Giáo và Công
Giáo La–Mã không hề giữ lễ Sinh Nhật Đấng Cứu Thế.
Trong tài liệu, “The Meanings of
Christmas” (Ý Nghĩa Lễ Christ Giáng Sinh) do Cụ Trần Văn Can,
Oklahoma City, OK, biên soạn
(1). Trong bài viết có một đoạn như
sau: Ngày 25 tháng 12, Kinh Thánh Lược Khảo Halley viết rằng,
ngày nay người ta kỷ niệm sanh nhật Đấng Christ vào ngày 25 tháng
12. Kinh Tân Ước không có một lời nào nói về Sinh Nhật này. Lễ
Sinh Nhật Đấng Christ khởi xướng trong Thế Kỷ Thứ Tư: Những Hội
Thánh ở Miền Tây giữ lễ ngày 25 tháng 12; những Hội Thánh ở Miền
Đông giữ lễ ngày 6 tháng Giêng. (Hết trích)
Sự tích Đức Chúa Jesus giáng trần đã
ghi lại một biến cố trọng đại của nhân loại. Đó là thời điểm bắt
đầu có Tây Lịch và kéo dài đến ngày nay. Cho dù Đức Chúa Jesus
giáng sinh vào ngày 25 Tháng Mười Hai hay ngày nào đi nữa, dứt
khoát, biểu tượng hay ý nghĩa của “Lễ Giáng Sinh” không phải là
mấy cây thông, các gói quà, những lời chúc tụng suông trên các
tấm thiệp với lời lẽ được in sẵn. Ngày này không thể chỉ là hình
ông già Nô–en, những bài viết, bài giảng luận thật hùng hồn về
“yêu thương” nhưng lại thiếu tình yêu thương đích thực. Nói
chung, người ta không thể mừng Chúa giáng sinh bằng thái độ vô
cảm trước những trường hợp cần được cảm thông và giúp đỡ.
Người đời thường nói, “Chữ có nghĩa của
nó”. Vậy thì, hai chữ “yêu thương” dứt khoát phải là yêu thương
đích thực, và là sự cảm thông cho hoàn cảnh của nhau. Những điều
này bắt nguồn từ sự rung động của con tim mà Đức Chúa Trời nhân
từ đã ban cho con người. Ai không còn cảm thấy lòng mình rung
động trước nỗi khổ đau của người khác, cho phép người ta nghi ngờ
các loại “yêu thương” mình đang cổ võ hay giảng dạy cho người
khác. Tình yêu thương đích thực phải là tình yêu thương vô bờ bến
của bà mẹ ruột đối với con cái, chứ không phải loại “yêu thương”
của mẹ mìn (2).
Tây Lịch mà con người sử dụng ngày hôm
nay khởi đầu từ thời điểm Hài Nhi Jesus lọt khỏi lòng mẹ phần
xác. Theo lời Kinh Thánh, Đức Chúa Jesus là Con Trời, là Ngôi Hai
trong Chúa Ba Ngôi. Ngài đã giáng trần qua mẹ phần xác là Nữ Đồng
Trinh Ma–ri, người nữ được Đức Chúa Trời chọn để thụ thai Đức
Chúa Jesus bởi Đức Thánh Linh. Chúa Ngôi Hai được sanh ra như bao
nhiêu hài nhi khác. Ngài lớn lên, chịu nhục hình trên thập tự
giá, và Ngài đã chết. Ngài được chôn trong mộ. Sau ba ngày, Ngài
đã sống lại và thăng thiên. Kinh Thánh cho biết, Ngài chết vì tội
của nhân loại.
Ý nghĩa của Lễ Giáng Sinh không phải là
những tấm thiệp, cây thông, gói quà, và ông già Nô–en, như đã
nói. Người ta không thể mừng ngày Đức Chúa Jesus giáng sinh trong
thái độ dửng dưng trước nỗi khổ đau của người khác. Số người thật
sự tổ chức kỷ niệm mừng ngày Đức Chúa Jesus giáng trần song song
với việc bày tỏ tình yêu thương với nhau một cách chân thành vẫn
là con số đáng cho người khác bận tâm. Người ta căn cứ vào cung
cách đối xử quá tệ bạc của một số người nhận mình là “Con dân
Chúa” dành cho nhau hay cho người khác, để người ta có nhận xét
đó. Điều đáng mừng và thật khích lệ bởi vì có nhiều con dân Chúa
đã công khai hoặc âm thầm xả thân để cứu giúp những người bị xã
hội ruồng bỏ, những người bị hà hiếp, và những người cần sự giúp
đỡ của người khác.
Tại các nước độc tài, đặc biệt là tại
Việt Nam ngày nay, Cơ Đốc Nhân chân chính không thể ung dung tự
tại và thoả hiệp với kẻ mạnh, hay nói theo bọn gian ác để được an
thân. Cơ Đốc Nhân có tình yêu thương không thể quên những anh chị
em trong Chúa của mình bị kẻ ác giam cầm trong tù hay bị đàn áp
bằng nhiều hình thức.
Tại các quốc gia tự do, Cơ Đốc Nhân
chân chính không thể chỉ vì muốn chứng tỏ với mọi người rằng mình
là người có đạo, cần mừng Chúa giáng sinh một cách long trọng, để
rồi những tốn kém về vật chất trở thành gánh nặng thay vì phước
hạnh. Cơ Đốc Nhân có tình yêu thương đích thực không thể tặng
nhau những món quà không cần thiết, mà lại vô tình trước sự đói
rách của những người không nhà và lê la trên các đường phố trong
mùa đông giá buốt.
Mừng ngày quan trọng này còn có nghĩa
là phải góp phần rao giảng ơn cứu rỗi của Chúa đến với những ai
chưa biết về lẽ đạo của Ngài. Đừng vô tình làm cho người khác
hiểu sai rằng, ngày Giáng Sinh là ngày của chưng diện, tặng quà,
giăng đèn, dựng cây thông, và tiệc tùng vui chơi.
Lúc Đức Chúa Jesus còn ở trần gian,
Ngài lập các môn đồ. Ngài giảng về Nước Trời, dạy các môn đồ về
tình yêu thương, và dạy họ làm giống Ngài. Đức Chúa Jesus bị đóng
đinh trên cây thập tự, Chúa chết, và Chúa đã sống lại rồi thăng
thiên. Đó là những dữ kiện phải được nhắc đi nhắc lại nhiều lần
cho mọi người biết.
Đạo của Chúa là đạo yêu thương. Ai
giảng về sự yêu thương, người đó phải sống yêu thương. Người ta
không thể vừa đối xử tệ bạc với nhau, mà lại dạy người khác tin
vào những gì gọi là “tình yêu thương” mình đang giảng dạy. Nếu ai
không có tình yêu thương một cách thật sự, có tâm địa gian ác,
thích giở những thủ đoạn đê tiện để hãm hại người; dứt khoát,
người đó không thể có năng quyền của Chúa để lãnh đạo tinh thần
cho người khác tại những nơi gọi là Hội Thánh Chúa. Người như thế
không thể làm “cha” làm “sư” hay làm “thầy” thiên hạ.
Kinh Thánh đã khuyến cáo rằng: “Dầu tôi
được ơn nói tiên tri, cùng biết đủ các sự mầu nhiệm, và mọi sự
hay biết; dầu tôi có cả đức tin đến nỗi dời núi được, nhưng không
có tình yêu thương, thì tôi chẳng ra gì. Dầu tôi phân phát gia
tài để nuôi kẻ nghèo khó, lại bỏ thân mình để chịu đốt, song
không có tình yêu thương, thì điều đó chẳng ích chi cho tôi”
(1Cô–rinh–tô 13:2–3).
Kết luận
Con dân Chúa phải luôn bày tỏ tình yêu
thương đích thực đối với mọi người. Kinh Thánh dạy, “Hãy
nhớ những ai mắc vòng xiềng xích, như mình cùng phải xiềng xích
với họ, lại cũng hãy nhớ những người bị ngược đãi, vì mình cũng
có thân thể giống như họ”
(Hê–bơ–rơ 13: 2).
Kỷ niệm ngày Đức Chúa Jesus giáng sinh
phải trong tinh thần tạ ơn Đức Chúa Trời. Ngoài việc giảng về
Nước Trời, giảng về sự giáng trần của Chúa, dứt khoát con dân
Chúa phải nói rõ về sự chết và sự sống lại của Đức Chúa Jesus.
Không phải chúng ta chỉ nói một lần trong mùa Giáng Sinh hay mùa
Phục Sinh mà phải nhắc đi nhắc lại thường xuyên và liên tục nhắc
về điều quan trọng này.
Huỳnh Quốc Bình
Mùa Lễ Mừng Chúa Giáng Sinh 2022
Nguồn:
https://huynhquocbinh.net/2022/12/16/nhac-ve-su-chet-cua-chua-trong-mua-giang-sinh
Ghi chú:
[1]
Nếu Cụ Trần Văn Can còn sống,
Cụ đã ngoài trăm tuổi. Cụ Can là một học giả, là tác giả của
những bài viết, tác phẩm nhỏ, giá trị bằng Anh ngữ và Việt ngữ.
[2]
Danh từ “mẹ mìn” bắt đầu được nhắc đến nhiều nhất vào đầu
thập niên 70 để ám chỉ người đàn bà ác độc chuyên dụ dỗ, lừa
phỉnh, và bắt cóc trẻ con đem đi bán.
Bài liên quan
Lễ Giáng Sinh có từ bao giờ
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
|
Hình nền: Đêm Thánh với muôn muôn vàn vì tinh tú... Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by Happy Nguyen chuyển
Đăng ngày Chúa Nhật, December 18, 2022
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang