Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tản
mạn về Ngày Lễ Giáng Sinh
Chủ đề:
Mùa Giáng Sinh
Tác giả:
Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Hàng
năm cứ vào ngày 25 tháng 12 là chúng ta mừng Lễ Giáng Sinh, ngày
Chúa Giê–su ra đời, nhưng ít ai để ý thắc mắc Chúa có thực sự
sinh ra vào ngày này không hay lễ này có từ bao giờ.
Kinh Thánh không thấy có chỗ nào nói
đến các môn đệ của Chúa Giê–su mừng Sinh nhật của Chúa. Vậy thì
ngày lễ nghỉ này ở đâu mà ra, và Kinh Thánh có đồng ý hoặc chấp
nhận ngày lễ này không? Những câu hỏi như vậy có ý nghĩa gì khi
mà mục đích của chúng ta là vinh danh mừng Chúa ra đời và đem
các gia đình lại gần với nhau, chúc cho nhau được bình an và đất
nước có hòa bình, dân tộc yêu thương.
Diễn viên hài hước nổi tiếng của Hoa
Kỳ Drew Carey trong một cuộc phỏng vấn do Talk Show The View
trên truyền hình thực hiện đã làm cho khán thính giả ngỡ ngàng
khi ông khuyên mọi người phải nói sự thật về nhân vật Ông Già
Noel/Santa Claus.
–“Tôi nghĩ rằng –ông nói– cha mẹ và
người lớn không nên nói cho trẻ nít là có ông già Noel/Santa
Claus thực sự. Đây quả là lời nói dối đầu tiên mà quý vị đã nói
với con cháu quý vị.” Ông khuyên mọi người hãy nói thật cho
chúng biết là “ông già Noel chỉ là nhân vật chúng ta tạo ra để
có cớ mừng mùa lễ nghỉ mà thôi”.
–“Khi chúng lên 5 tuổi –ông nói thêm–
chúng sẽ nhận ra là cha mẹ chúng đã nói láo với chúng suốt cả
đời chúng.”
Trước đó trong cùng một năm, đài truyền hình The Arts &
Entertainment đã đưa ra một chương trình về Lễ Giáng Sinh gọi là
Christmas Unwrapped: The History of Christmas. Người trình diễn
đã nêu câu hỏi:
–“Trên khắp thế giới người ta mừng lễ
Chúa Ky–tô ra đời vào ngày 25 tháng 12, nhưng tại sao Chúa Giáng
Sinh lại đi đôi với việc tặng quà, và Chúa có thực sự giáng trần
vào ngày tháng đó hay không? Cây Giáng Sinh/Christmas Tree ở đâu
mà ra?”
Ngược
dòng lịch sử để tìm hiểu nguồn gốc các ngày lễ nghỉ truyền thống
của Tây Phương, thì thấy rằng Lễ Giáng Sinh có nguồn gốc từ
những ngày lễ hội của dân ngoại là lễ mừng thần Saturn của người
La Mã được phổ biến từ năm 217 BC. Khởi đầu họ ăn mừng vào dịp
Đông Chí, từ ngày 17 đến 23 tháng 12.
Như vậy cả ông già Noel/Santa Claus
lẫn lễ Giáng Sinh thực ra chẳng có ý nghĩa gì đặc biệt. Santa
Claus chỉ là nhân vật giả tưởng và Lễ Giáng Sinh cùng với những
trang trí của nó là do từ những ngày lễ hội của dân ngoại La Mã
mà ra.
Phải
chăng đó chỉ là những tập tục truyền thống cổ xưa chứ chẳng phải
là những gì thực tiễn chúng ta có thể nhìn thấy được? Nếu cứ
tiếp tục tham dự những lễ hội đó thì có hữu ích gì không?
LỄ
THẦN MẶT TRỜI
Nói là lễ Giáng Sinh có từ trước thời
Chúa Giê–su sinh ra thì có vẻ kỳ lạ và vô lý. Nhưng Lễ Giáng
Sinh/Christmas quả thực lại có liên hệ đến thời đại trước Chúa
Giê–su Ky–tô rất nhiều.
Những chi tiết mừng lễ Giáng Sinh đều
có vết tích của thời cổ Ai Cập, Babylon và La Mã. Sự kiện này
thực ra cũng chẳng làm tổn thương gì danh chúa Giê–su, nhưng nó
đặt thành nghi vấn về sự hiểu biết và khôn ngoan của những người
mà, từ cả ngàn năm rồi, vẫn còn cho rằng cái ngày lễ hội của dân
ngoại là vĩnh cửu và đang được lan truyền trên khắp thế giới là
ngày lễ Chúa Giáng Sinh.
Giáo Hội sơ khai chắc cũng rất ngạc
nhiên khi thấy những tập tục xưa cổ của họ bị chúng ta ngày nay
đem nhập vào lễ Giáng Sinh mừng ngày Chúa ra đời. Việc gán ghép
danh Chúa Ky–tô với ngày lễ nghỉ của dân La Mã không phải chỉ có
từ nhiều thế kỷ nay đâu. Alexander Hislop đã viết trong sách của
ông The Two Babylons: “Nhiều nhà văn nổi tiếng và uyên bác thuộc
nhiều hệ phái khác nhau cũng công nhận rằng ‘Ngày Chúa sinh ra
vẫn không thể xác định được’, và trong Giáo Hội Ky–tô giáo, ngày
lễ gọi là Lễ Giáng Sinh cũng chưa bao giờ nghe nói đến cho tới
thế kỷ thứ 3, và cũng không phải tới thế kỷ thứ 4 người ta mới
giữ ngày lễ này đâu.” (1959, pp.92–93).
Còn về ngày 25 tháng 12 trở thành ngày
Lễ Giáng Sinh thì thực ra các sách viết về lịch sử các ngày lễ
nghỉ cho biết đó là ngày đế quốc La Mã mừng Sinh nhật thần mặt
trời. Lý do chọn ngày 25/12 là ngày sinh nhật chúa Giê–su thì
sách 4000 Years of Christmas ghi: “Vì ngày đó là ngày thánh,
không phải chỉ đối với dân ngoại La Mã mà cả một tôn giáo lớn ở
Ba Tư/Persia tức Iran bây giờ, mà hồi đó là một trong những tôn
giáo đối thủ mạnh nhất của Ky–tô giáo. Đạo này thờ thần Mithra
gọi là Mithraism [1],
tức thờ mặt trời, ăn mừng ngày mặt trời mọc trở lại, thêm sức
mạnh cho họ.” (Earl and Alice Count, 1997, p.37).
Không phải chỉ có ngày 25/12 là ngày
vinh danh sinh nhật mặt trời, mà còn là ngày lễ hội mà các quốc
gia dân ngoại vẫn giữ từ lâu để mừng những ngày sáng sủa được
kéo dài ra sau thời kỳ Đông Chí là những ngày ngắn nhất trong
năm. Trước Lễ Giáng Sinh lúc đó còn có ngày lễ hội thờ ngẫu
tượng vào giữa mùa đông có đặc điểm là ăn uống bừa phứa và mặc
sức trụy lạc, đánh dấu thời kỳ Tiền Ky–tô Giáo từ nhiều thế kỷ
trước.
MỘT KẾT HỢP NHỮNG TẬP TỤC TIỀN KY–TÔ GIÁO
Lễ hội xưa cổ này với thời gian đã có
nhiều danh hiệu khác nhau qua nhiều nền văn hóa khác nhau. Tại
Roma, người ta gọi là lễ Saturnalia để vinh danh thần Saturn,
một thần nông nghiệp của người La Mã. Lễ này đã xâm nhập vào
giáo hội Roma sơ khai và được đặt tên là Christ (“Christ mass”
hay là Christmas) để thâu nhận những người tân tòng mà họ không
muốn bỏ tập tục này của họ đi, đồng thời để nâng cao con số giáo
dân của Ky–tô giáo.
Những vị lãnh đạo Công Giáo ở thế kỷ 3
họ có khuynh hướng muốn tiếp cận với dân ngoại, nhưng đã bị
Tertullian, một nhà thần học công giáo lúc bấy giờ phê phán một
cách khá chua chát. Năm 230 khi nói về sự bất nhất của người
Ky–tô giáo, ông đã nói lên cái tương phản giữa người công giáo
và dân ngoại trong việc hành đạo; người công giáo dùng chính
sách co dãn mưu mẹo trong khi dân ngoại họ vẫn triệt để trung
thành với niềm tin của họ. Ông viết:
–“Đối với chúng ta là những người xa
lạ với ngày hưu lễ Sabbaths, và cả những ngày trăng rằm lẫn ngày
lễ hội mà có lúc đã được chấp nhận dành cho Chúa (coi Cựu Ước
Sách Levi 23: Nghi thức các lễ hội trong năm, hiện giờ không còn
giữ nữa) như lễ Saturnalia, những ngày lễ tháng Giêng, lễ
Brumalia và lễ Matronalia thì bây giờ lại đem ra thực hành; quà
tặng được trao qua lại cho nhau, những tặng vật ngày đầu năm
được thực hiện rất nhộn nhịp, những cuộc vui chơi thể thao và
tiệc tùng được tổ chức tưng bừng. Nhưng trái lại,những người
theo tà giáo lại trung thành nhiều hơn với tín ngưỡng của họ mà
chẳng thèm để ý đến những lễ lạc của người Ky–tô giáo” (Hislop,
p.93).
Thất
bại trong việc cải giáo dân ngoại, những vị lãnh đạo Giáo Hội La
Mã bắt đầu điều đình để đưa những hình ảnh tập tục tà đạo lên y
phục của Ky–tô giáo. Nhưng thay vì biến cải niềm tin của họ về
với giáo hội, giáo hội lại bị biến đổi, hội nhập vào những tập
tục không phải là Ky–tô giáo ngay chính trong việc hành đạo của
mình.
Mặc dù
lúc đầu Giáo Hội Công Giáo sơ khai đã kiểm duyệt, muốn bãi bỏ
việc mừng lễ này, nhưng “nó đã xâm nhập quá sâu rộng trong dân
chúng khó lòng xóa bỏ đi được. Cuối cùng Giáo Hội đành phải chấp
nhận, vì nghĩ rằng nếu không thể hủy bỏ được thì phải biến nó
thành lễ ‘Giáng Sinh’ tôn vinh Chúa Ky–tô. Một khi được gắn cho
cái nhãn hiệu nền tảng là Ky–tô giáo thì ngày lễ hội trở thành
chính thức ở Âu Châu với rất nhiều dấu vết của dân ngoại mà
chẳng ai còn thắc mắc nữa”. (Man, Myth & Magic: The Illustrated
Encyclopedia of Mythology,Religion, and the Unknown, Richard
Cavendish, editor 1983, Vol.2,p.480, “Christmas”)
ĐÃ QUYẾT ĐỊNH THÌ CỨ LÀM
Một số người đã thẳng thắn phản đối
việc làm như vậy vì cho rằng có hại về mặt thiêng liêng. “Những
vị đó đã cố gắng ngăn cản sóng thủy triều, nhưng dù có biết bao
cố gắng để ngăn chặn, việc làm đó vẫn cứ tiếp tục, cho đến khi
Giáo Hội hoàn toàn bị tràn ngập bởi những tập tục dị đoan của
dân ngoại. Đó là Lễ Giáng Sinh nguyên thủy, ngày lễ của dân
ngoại, nó đã trở thành hiện thực không chối cãi được. Ngày tháng
trong năm và những nghi lễ mà hiện vẫn còn cử hành đã nói lên
nguồn gốc của nó” (Hislop p.93).
Nhà thần học Tertulian nói trên đã
tách ra khỏi giáo hội Roma vì bất đồng chính kiến. Ông không
phải là người duy nhất bất đồng với ý tưởng đó. “Vào cuối năm
245, Origen, trong bài giảng thứ 8 về sách Levi, đã khước từ ý
tưởng giữ ngày sinh nhật của Chúa Ky–tô như là một ông vua
Pharaoh”. (The Encyclopaedia Britannica, 11th edition, Vol 6,
p.293, “Christmas”).
Lễ Giáng Sinh chỉ được công nhận là
ngày lễ nghỉ của La Mã vào năm 534 (ibid). Như vậy phải mất 300
năm cái tên mới cùng với những biểu tượng của Lễ Giáng Sinh mới
thay thế những tên cũ và ý nghĩa của ngày lễ hội giữa mùa đông,
một ngày lễ hội của dân ngoại có từ nhiều thế kỷ trước.
NGUỒN GỐC ÔNG GIÀ NOEL/SANTA
CLAUS
Làm sao ông già Noel/Santa Claus lại
xuất hiện với đầu tóc bạc phơ và bộ râu dài lê thê tới rốn? Tại
sao hình ảnh thần thoại này lại được gắn liền với Lễ Giáng Sinh?
“Santa Claus” nghĩa là sự suy đồi của
Mỹ Châu, từ tiếng Đức mà ra là Sinterklaas, chữ viết ngắn lại
của Sint Nikolaas, một hình ảnh do một người di dân Đức hồi sơ
khai mang qua Mỹ Châu. Danh xưng này, sau được đổi lại thành St.
Nicholas, tên một vị giám mục ở thị trấn Myra ở Nam Tiểu Á, một
vị thánh công giáo tử vì đạo mà người Hy Lạp và Latin tôn kính
vào ngày 6 tháng 12.
Thánh Nicholas là giám mục thành Myra
sống vào thời hoàng đế La Mã Diocletian trị vì. Ông bị hành
quyết vì niềm tin công giáo, bị tra tấn, hành hạ và bỏ ngục, cầm
tù cho tới triều đại Constantine là thời kỳ tương đối dễ dãi
hơn. (The Encyclopaedia Britannica, 11th edition, Vol.19, p.649,
“Nicholas, St.”). Còn nhiều chuyện nữa mà người ta cho rằng có
liên quan tới Christmas và St. Nicholas, tất cả những việc phải
làm như là tặng quà cho nhau vào ngày trước lễ thánh Nicholas,
sau này được chuyển qua là lễ Giáng Sinh (ibid). Đó phải chăng
là lý do của tập tục tặng quà nhau trong dịp Giáng Sinh?
Đến đây, chúng ta có thể đặt nghi vấn,
làm sao một giám mục từ miền bờ biển Địa Trung Hải nắng ấm của
Thổ Nhĩ Kỳ lại có thể liên quan tới một ông già sống ở miền cực
Bắc ngồi trên chiếc xe trượt tuyết kéo bởi những con nai bay
lướt ở trên trời?
Đành rằng chúng ta đã biết là Lễ Giáng
Sinh nguồn gốc từ trước thời đại Ky–tô Giáo, chúng ta cũng không
ngạc nhiên thấy rằng Santa Claus chẳng là gì cả ngoài những hình
ảnh được sao chép lại từ niềm tin tôn giáo của dân ngoại thời cổ
xa xưa.
Những
hình ảnh tưởng tượng có tính phỉnh gạt liên quan tới ông già
Santa Claus với bộ quần áo màu đỏ, mũ đỏ, có viền lông trắng, xe
trượt tuyết và nai bay trên trời cũng cho thấy nguồn gốc từ miền
giá lạnh xa vời ở cực Bắc. Cũng có những nguồn tin cho rằng
Santa Claus có dấu vết liên hệ đến các vị thần Odin (hay Woden)
và Thor ở Bắc Âu/Na–uy cổ xưa (Count, pp.56–64). Thần Odin được
hình dung với bộ râu dài trắng toát, mà tục truyền rằng đã bay
trên trời bằng con ngựa 8 chân Sleipnir.
Một vết tích khác, mặc dù rất xa xưa,
là Santa Claus có liên hệ tới thần Mặt Trời Saturn của La Mã và
thần Silenus của Hy Lạp, bạn đồng hành và là giám hộ của thần
rượu Dionysus (William Wash, The Story of Santa Claus,
pp.70–71).
CÓ PHẢI CHÚA GIÊ–SU SINH RA VÀO THÁNG 12 KHÔNG?
Những học giả kinh thánh uy tín nghiên
cứu về ngày sinh của Chúa Giê–su đã đi đến kết luận là chẳng có
một dữ kiện căn bản nào cho thấy chúa sinh ra vào khoảng ngày 25
tháng 12. Alexander Hislop nêu rõ là:
–“Không có một chữ nào trong Kinh
Thánh nói rõ ràng ngày giờ sinh tháng đẻ của Chúa cả. Những điều
đã ghi chép lại cũng chẳng ám chỉ là Chúa sinh ra vào ngày
25/12”.
–“Lúc
mà các thiên thần báo tin Chúa sinh ra cho các trẻ chăn chiên ở
Bethlehem là lúc chúng đang cho chiên bò ăn ở giữa cánh đồng
trống lúc đêm tối. Khí hậu ở Palestine từ tháng 12 đến tháng 2
là thời gian lạnh buốt ghê gớm, và theo tục lệ thì thời gian đó
không phải là thời gian các mục đồng ở xứ Judea canh chừng súc
vật của chúng ở ngoài đồng trống, mà thực sự chậm lắm là chỉ tới
cuối tháng 10 thôi” (p.91, emphasis in original).
Ông tiếp tục cắt nghĩa là mưa thu bắt
đầu rơi vào tháng 9 hoặc tháng 10 ở Judea có nghĩa là những biến
cố xảy ra chung quanh ngày Chúa ra đời được ghi trong Kinh Thánh
không thể xảy ra sau trung tuần tháng 10. Vậy ngày Chúa sinh ra
có thể là vào khoảng đầu thu (p.92).
Một sự kiện nữa yểm trợ cho ý kiến
Chúa Giê–su sinh vào mùa Thu là người La Mã rất khôn ngoan và
thông minh, họ sẽ không định thời gian kiểm tra dân số vào chính
giữa mùa đông, lúc khí hậu rất khắc nghiệt, mà phải vào thời
gian với những điều kiện thời tiết dễ chịu hơn nhiều.
Ông Giu–se là dân Bethlehem nên phải
di chuyển gia đình từ Nazareth, xứ Galilee về Bethlehem cùng với
vợ là Mary đang có thai sắp đến ngày sanh. Do đó không có lý do
gì mà ông cùng với Mary lại làm một cuộc hành trình dài vào mùa
đông giá lạnh như vầy. Theo Tin Mừng Phúc Âm thánh Luca thì Mary
hạ sanh chúa Giê–su vào đúng thời gian hoàng đế La Mã là
Augustine cho kiểm tra dân số trên cả nước, mà theo sự khôn
ngoan chẳng ai lại lên chương trình này vào tháng 12 giá lạnh
cả.
KẾT CỤC: CÓ GÌ KHÁC BIỆT KHÔNG?
Kinh Thánh
thì chẳng đưa ra lý do gì –và chắc chắn cũng không có một chỉ
dẫn nào– để yểm trợ cho câu chuyện Lễ Giáng Sinh và Ông già
Noel/Santa Claus. Nhưng lễ Giáng Sinh với ông già Noel/Santa
Claus thì vẫn là một sự thực, một tập tục, một thói quen đã được
chấp nhận và trở thành hiển nhiên chẳng ai thắc mắc.
Christmas/Lễ Giáng Sinh là lễ kỷ niệm ngày chúa Giê–su sinh ra
để cứu chuộc nhân loại. Ông già Santa Claus thì là một nhân vật
thần thoại giả tưởng làm chuyện vui cho trẻ nít, câu chuyện luân
lý để dạy trẻ nít biết vâng lời bố mẹ, ngoan ngoãn. Người lớn
thì có dịp nghỉ thư dãn, tặng quà, kỷ vật cho nhau, gia đình xum
họp trong cảnh thanh bình ấm cúng thương yêu. Ngoài những sinh
hoạt êm ấm trong gia đình còn có những sinh hoạt ồn ào bên ngoài
như hội hè, tụ họp ăn uống, nhậu nhẹt, nhảy đầm vui chơi....
Lễ Giáng Sinh đã trở thành phổ quát
trong dân gian trên khắp các nẻo đường thế giới, không riêng gì
cho người Công Giáo/Ky–tô Giáo mà cho cả những người thuộc các
tôn giáo khác hoặc vô thần... Những người không phải công giáo
thì coi Lễ Giáng Sinh là dịp lễ hội, nghỉ thư dãn, vui chơi, ăn
nhậu thả dàn. Ở Sài Gòn trước 1975 (tôi không biết bây giờ dưới
chế độ XHCN thì thế nào), đêm Giáng Sinh, trong khi ở trong các
thánh đường, giáo dân tụ tập lại, chăm chú dâng lễ, đọc kinh,
hát những bài thánh ca mừng Chúa ra đời, thì ngoài đường phố
thiện nam tín nữ áo quần bảnh bao chen chúc nhau dạo phố, xe cộ
và người qua lại như trẩy hội. Tôi không hiểu họ đi đâu? Để làm
gì? Cứ đi, cứ đi... theo dòng người đi như nước chảy. Xem đèn
ông sao? Xem phố phường? Xem người? Xem xe cộ chạy? Ai mà biết
nhỉ? Ở hải ngoại Hoa Kỳ, sau những ngày mệt mỏi shopping để tiêu
tiền, mua quà tặng, sửa soạn giáng sinh, trang hoàng trong nhà
ngoài ngõ, đêm Giáng Sinh người ta vui hưởng cảnh ấm cúng gia
đình trong nhà nhiều hơn. Dĩ nhiên cũng có những hội họp chè
chén nhậu nhẹt ngoài quán rượu, tiệm ăn.
Giáng Sinh đã phổ quát đến độ nó không
còn giới hạn trong phạm vi tôn giáo nữa. Họ chúc nhau một mùa
nghỉ vui tươi đầm ấm và hạnh phúc. Ngày nay có những phong
trào/tư tưởng không gọi ngày lễ này là Lễ Giáng Sinh mà gọi là
Mùa Lễ Nghỉ. Holidays Season. Người ta ăn chơi hưởng thụ, làm
bất cứ cái gì họ muốn trong khi trong các thánh đường đèn nến
sáng trưng, vẫn vang vọng tiếng hát mừng Chúa ra đời:
Vinh danh Thiên Chúa
trên trời
Bình an dưới thế cho người
thiện tâm
Lễ Giáng Sinh hiển nhiên vẫn là biểu
hiệu của Bình An và Hòa Bình của Chúa Cứu Thế. Đâu có gì phải
chê trách, có chăng là tâm con người vẫn không có hòa bình và
tình yêu thương.
Fleming Island, Florida
9/12/2011
NTC
Tác giả ghi chú:
[1]
A pagan religion consisting mainly
of the cult of the ancient Indo–Iranian Sun–god Mithra. It
entered Europe from Asia Minor after Alexander’s conquest,
spread rapidly over the whole Roman Empire at the beginning of
our era, reached its zenith during the third century, and
vanished under the repressive regulations of Theodosius at the
end of the fourth century. Of late the researches of Cumont have
brought it into prominence mainly because of its supposed
similarity to Christianity.
(Catholic Encyclopedia: Mithraism)
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
|
Hình nền: Ngàn Ánh Sao Đêm. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: bkt sưu tầm
Đăng ngày Chúa Nhật, December 1, 2019
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang