Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Trang Phật giáo
Chủ đề: Kiên Nhẫn
Tác giả: Thích Huệ Quang, cựu SVSQ Khóa An Lộc/4-71/SQTB/TĐ-QLVNCH

Sự Kiên Trì


 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

 

Hơn tuần nay, tôi nhận được rất nhiều điện thư từ những người tôi không quen biết, đến từ khắp nơi trên thế giới, Úc, Việt nam, Belgique..., chia sẻ về một bài viết cũ về tôi mà họ đã đọc được trên một trang web của binh chủng nhảy dù tại Hoa Thịnh Đốn, Mỹ quốc (http://nhayduwdc.org).

Thay vì trả lời thư riêng, tôi viết bài này như một lời tâm sự với độc giả.

Kỷ nguyên Internet thật đáng sợ. Không biết do một nhân duyên nào mà bài viết về tôi từ Canada gửi sang Mỹ đã bay sang Úc, đến Belgique, rồi về Việt Nam. Có người gửi thư cho tôi từ cố đô Huế, nói cho tôi biết về ngôi chùa Thiên Minh, vì trong bài viết tôi có nhắc lại ngôi chùa nhỏ bé thân thương ngày xưa. Chị nói “ngôi chùa không còn nghèo như xưa đâu thầy ạ.” Thật ra tôi đã biết điều này. Năm 2006, nhân một chuyến công tác tại Việt Nam, tôi có ghé Huế, về thăm lại chùa xưa. Tôi đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác khi không còn nhận ra ngôi chùa mà mình đã từng làm điệu ngày xưa. Cổng tam quan đồ sộ. Chung quanh sân chùa bóng dáng các vị sư với áo vàng lộng lẫy nhưng gương mặt thì chẳng một chút nghiêm trang, vị nào vị nấy mắt láo liên, thiếu nét từ bi của các vị chân tu. Tôi đảo mắt nhìn chung quanh mong tìm lại được mấy trụ gỗ đen xì cũ kỹ chống đỡ mái nhà của phòng khách, nhưng tất cả hầu như đều xa lạ với tôi. Tôi bước vào chánh điện, lạy Phật, rồi đi vòng ra phía sau nơi thờ hương linh. Tôi thấy hình Thầy tôi trên bàn thờ. Tôi thắp nhang cho Thầy, đứng đó, thầm lặng khóc...

Những năm là sĩ quan toán trưởng thuộc đại đội thám sát của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, nhiệm vụ của tôi là nhảy vào vùng địch, lúc thì để bắt cóc tù binh, lúc thì nghe lén các đường dây điện thoại của Việt cộng, lúc thì dò xét quân số của Việt cộng đang đóng gần thủ đô, v.v. Có lần lúc toán tôi vừa xâm nhập vùng địch, trực thăng thả toán vừa rời vùng thì toán bị lộ. Trong sự im lặng của núi rừng tôi nghe rõ giọng bắc “em thấy chúng nhảy xuống mà, khoảng năm thằng.” Cả toán ngồi im, ngón tay đặt vào cò súng M15, sẵn sàng nhả đạn. Đêm hôm ấy, cả toán ẩn núp trong bụi rậm, những toán viên thay phiên nhau chợp mắt, giữa đêm, mệt lả tôi lim dim ngủ thì thấy thầy đứng trước mặt. Thầy mặc áo nhật bình màu nâu, đeo cặp mắt kính nâu nhạt, cũng cặp mắt kính thầy hay đeo lúc sinh thời, hai tay chắp sau lưng. Thầy nhìn tôi, cặp mắt đầy lòng nhân ái. Thầy không nói lời nào, chỉ cho tôi hướng đi. Tôi choàng thức giấc và đánh thức toán, không suy nghĩ cứ dẫn toán đi theo hướng mà tôi nhớ thầy đã chỉ. Tờ mờ sáng mới biết mình đã tránh xa vùng của Việt cộng. Câu chuyện gặp lại thầy trong giấc mơ vào một chuyến nhảy tại Chơn Thành, Lai Khê tưởng chừng như mới ngày hôm qua...

Nhiều thư gửi cho tôi với những câu hỏi, khi đọc mới cảm được lòng bực dọc, có thể nói là ấm ức của người gửi. Nhưng tựu trung mang một tâm tư trách móc và khủng hoảng về niềm tin. Một độc giả hỏi, tại sao ngày xưa Phật sống trong rừng mà bây giờ các thầy lại mang Phật vào chùa xây tốn cả bạc triệu. Tôi chọn cách trả lời với một tâm chân thật, không biện luận cũng không chỉ trích. Tôi trả lời chỉ vì các thầy tu không đúng, không nghe và không theo gương của Phật. Chúng ta phải nhìn nhận một điều là, từ khi Việt cộng đánh chiếm miền Nam, chế độ Việt Cộng đã đưa đất nước Việt Nam nói chung, và Phật giáo nói riêng vào con đường mất đạo đức nhất trong lịch sử. Lúc còn làm điệu, tôi nhớ, đám chú tiểu chúng tôi sống khổ lắm, may là chúng tôi đang tu học tại chùa tỉnh hội, chứ tu học ở những chùa làng thì còn khổ hơn nhiều. Chúng tôi phải hái bất cứ rau gì mọc chung quanh chùa để luộc, chấm với tương ớt vào buổi cơm chiều. Những bộ áo vạt hò chúng tôi mặc đến rách bươm mới được cho bộ khác. Hôm nào chú điệu nào làm nhiệm vụ hầu thầy mà thầy ốm không ăn được hết miếng đậu hũ duy nhất, thì chú điệu ấy cười rú lên vì sung sướng. Nhưng phải bỏ vào mồm thật nhanh và nuốt tươi chứ chậm một tí là có chú điệu khác phỏng tay trên ngay. Có những lúc đói quá, chuối cúng Phật chưa đến ngày hạ xuống cho tăng chúng dùng chung thì một trái trong nải đã bị một bàn tay bí mật của các chú điệu chúng tôi bẻ đớp gọn. Những lần như thế, tôi là người hay bị kêu ra hỏi cung trước. Tôi còn nhớ lúc đi lính có về thăm quê ở Phan Thiết, mẹ tôi đưa tôi sang thăm sư bà chùa Bình Quang, một ni sư thấy tôi rất vui mừng, bà kể lại rằng lúc tôi còn là một chú điệu, mỗi lần tôi sang thăm sư bà thì cô ấy không còn tâm trí nào để tụng kinh nữa, vì cô biết chắc tôi đang lẩn trốn ở một nơi nào đó trong chánh điện chờ cho cô lạy xuống sẽ trộm trái cây trên bàn Phật ngay. Cô rất tức vì đã đề phòng mà thỉnh thoảng mấy trái mãng cầu hay sam- bô-chê vẫn không cánh mà bay.

Đó là ngày xưa. Thời nay khi thấy các thầy tu trong chùa, tôi chỉ lắc đầu, mỗi người một phòng, mỗi phòng một cái TV, rồi điện thoại bàn, điện thoại di động không thiếu thứ gì. Tôi về thăm lại chùa cũ khoảng năm 2000. Một thầy đã cùng một thời làm điệu với tôi, nay nào là vườn thanh long, nào là xe hơi, nào là nhà có garage. Chế độ đã làm cho thầy ra con người hoàn toàn khác, chỉ toàn là vật chất. Vào một ngày Tết thầy tiếp đãi khách, chung quanh thầy toàn là công an, cán bộ việt cộng, thầy tiếp khách mà tôi nhìn như một kẻ nô lệ đang phục vụ cho chủ. Nếu người lãnh đạo như thế thì làm sao có thể lãnh đạo cho phật tử được, làm sao phật tử không mất niềm tin cho được? Mặc dù tôi có một thời gian rất lâu không sinh hoạt trong chùa, nhưng tôi vẫn theo dõi sinh hoạt của giới tu sĩ Phật giáo trong cũng như ngoài nước. Tôi có thể nói mà không sợ quá quyết đoán, rằng đa số giới tu sĩ hiện nay đã xem việc đi tu như một cái nghề sinh sống, hơn là tu để truyền bá đạo pháp hay giúp đỡ chúng sanh. Buồn, nhưng mình không thể làm gì hơn được. Tôi nguyện sẽ sống không hổ thẹn với chính mình và khi có cơ hội sẽ giúp cho những ai quan tâm và muốn học hỏi về đạo Phật, có một cái nhìn chánh kiến như đức Phật đã dạy cho chúng ta ngày xưa.

Tôi muốn đính kèm cho độc giả xem những tấm ảnh về lớp học Phật pháp trường đại học Carleton đang mở để dạy cho những người làm việc trong chánh phủ liên bang Canada nay đã về hưu. Số người ghi danh theo học ở lứa tuổi về hưu cho thấy người Tây phương rất quan tâm và muốn tìm hiểu về đạo Phật rất đông. Chúng ta không thể giảng cho họ về một đạo Phật mê tín được, chúng ta phải cho họ thấy mục đích học và thực tập về đạo Phật có thể mang đến cho họ lợi ích ngay trong cuộc sống này, họ không cần phải chờ cho đến khi chết để được một vị Phật quyền uy nào đó mang họ vào cực lạc, tịnh độ. Họ có thể nếm được sự an lạc, niềm hạnh phúc, hương vị giải thoát ngay trong khi còn sống. Tôi cho họ biết, nếu bây giờ đang còn đôi tay, đôi chân và bộ óc mà còn không chịu bước vô niết bàn hay tịnh độ thì làm sao chết quý vị có thể bước vào được.

 



Quang cảnh Thầy Huệ Quang đang dạy lớp Phật pháp
cho công dân Canada về hưu muốn tìm hiểu về đạo Phật


 

Đạo Phật đơn giản. Đức Phật dạy chúng ta những điều đơn giản. Mục đích của đức Phật là cứu vớt chúng sanh vượt thoát đau khổ thì làm sao ngài lại có thể dạy chúng ta những điều phức tạp được. Ngài chỉ cho chúng ta con đường để đi đến giải thoát rất hợp lý và có thể thực hiện được . Ngài nói, muốn thoát khổ thì thực tập tám con đường chân chánh, trong đó có thiền định (chánh niệm, chánh định). Chỉ có một điều ngài không thể cho ai được, đó là sự kiên trì, lòng kham nhẫn, sự tinh tấn khi thực tập. Chúng ta phải tự trau dồi sự siêng năng, cần mẫn ấy. Các bạn nghĩ lại xem, phần đông phật tử chúng ta đều biết tứ diệu đế và tám con đường chân chánh để đi đến an lạc. Nhưng bao nhiêu người trong chúng ta có đủ kiên trì, siêng năng để ngồi thiền định. Yếu tố duy nhất là sự kiên trì đã làm cho chúng ta khác nhau, và rất ít người nếm được hương vị giải thoát ngay trong cuộc sống này, chính chúng ta đánh mất nó, chứ không ai bên ngoài lấy đi của chúng ta được.

Nhiều người khi trao đổi với tôi về con đường tu tập, họ nói huyên thuyên, kiến thức thì khỏi nói. Phải nói rằng họ nói tuyệt hay. Trước khi chia tay tôi nói với họ “anh biết quá đủ rồi, anh hãy ngồi xuống, mỗi ngày hai lần, mỗi lần một giờ thôi, anh sẽ thấy an lạc và nếm được hương vị giải thoát.” Khi gặp lại nhau anh cho biết anh chưa có thì giờ để ngồi như tôi khuyên vì bận quá, có thử vài lần nhưng đau chân quá, và khó tập trung quá. Theo tôi, anh đã phí cả đời để đọc về đạo Phật mà không chịu nếm nó. Nếm và nuốt viên thuốc mới làm anh hết nhức đầu. Đọc toa ngày này sang ngày khác chỉ làm anh thuộc lòng cái toa nhưng bệnh thì vẫn còn đó.

Hẹn độc giả thư sau và chúc độc giả thân tâm an lạc.

Huệ Quang (Ngô nhựt Tân)

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

 

 

Những bài Liên hệ

 

Ngô Nhựt Tân: Hai hình ảnh tương phản trong một cuộc đời: Phần 1 Phần 2 

Sự Kiên Trì

Bản Ngã

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: Đức Quan Thế Âm. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet Email by Thích Huệ Quang chuyển

 

Đăng ngày Thứ Năm, March 15, 2018
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang