Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tùy
Bút
Chủ đề:
Giáng Sinh
Tác giả:
Nguyễn Văn Thông
Bấm vào đây để in ra giấy(Print PDF)
Đứa con
gái tóc vàng khoảng 9 tuổi xách cái hộp đàn theo bố nó đi về phía
ca đoàn trong nhà thờ. Hàng ghế dành cho ban nhạc ở sát chiếc
Piano lớn, sau đó mới tới các hàng ghế cho ca đoàn. Trong khi ông
bố mở hộp, ráp các phần của chiếc Saxo Alto thì đứa con gái ngồi
xuống ghế bên cạnh cầm sẵn các bộ phận cây kèn đưa cho bố nó.
Đang lúc đó thì một ông già cũng mang nhạc khí tới. Ông ấy già cỡ
ông nội của đứa con gái với bộ râu tóc bạc trắng. Bố đứa con gái
nói gì với nó nhưng nó lắc đầu. Ông già đứng chờ đứa con gái trả
chỗ cho ông ta nhưng nó vẫn giữ khuôn mặt xinh tỉnh bơ không chịu
đứng lên. Hai bên nhìn nhau rất lịch sự, có vẻ còn hơi tươi cười
nhưng nhất định không chịu hiểu nhau. Sau chừng năm phút ông già
phải nhường, đi vòng ngồi vào chiếc ghế ở đầu hàng bên kia của
ban nhạc. Thánh lễ vào tuần thứ hai Mùa Vọng đã đậm màu Giáng
Sinh, rộn ràng mặc dù chủ đề các bài kinh và bài hát đang chú
trọng về sự sám hối.
Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng, cây nến hồng
được thắp lên. Niềm vui Giáng Sinh đến gần, nhà thờ đông hơn.
Cộng đoàn Mỹ có thói quen nói chuyện thăm hỏi nhau khi đã ngồi
vào hàng ghế nhưng chỉ ở mức độ rào rào êm nhẹ, không rõ tiếng
của ai cả. Mọi người nhất là con nít ríu rít trong những bộ quần
áo đẹp được mẹ sửa soạn cho. Tóc con gái được bện và buộc nơ, con
trai được chải gọn gàng trông như người lớn. Ông già tóc trắng
trong ban nhạc có mặt sớm đã ngồi vào ghế. Hai bố con con bé tóc
vàng đến sau ngập ngừng vì thiếu ghế. Thế là người lớn phải
chuyển chỗ nhường ghế cho con bé ngồi cạnh bố nó. Nó có phải là
nhạc sĩ đâu nhưng mặc váy dài như người lớn, xách hộp đàn cho bố,
đóng, mở và xếp vào một góc gọn gàng như cô nhạc sĩ chơi chiếc
Oboe Bass ngồi gần. Tiếng rì rầm của cộng đoàn nhỏ lại và chìm đi
rất nhanh khi cô hướng dẫn phụng vụ bước lên bục chào cộng đoàn,
giới thiệu chủ tế và ban phụ tế rồi xin mọi người lắng đọng vài
phút trước khi tiếng nhạc rộn ràng trổi lên bài nhập lễ.
Hình ảnh vừa dễ ghét lẫn dễ thương của
hai bố con đọng trong tôi. Một hình ảnh khác rất cũ trong tôi
hiện về. Hồi ấy giáo xứ làng quê của tôi cũng chuẩn bị Lễ Giáng
Sinh. Một xứ đạo nhỏ ở vùng quê hẻo lánh của bà con di cư 1954
đơn sơ nghèo nàn bên Quốc lộ 13. Cha xứ đã già, ca đoàn thì chỉ
có khoảng chục người. Chú Nghị họ nhà tôi tập hát cho ca đoàn với
chiếc Mandolin. Các đốt ngón tay của chú nổi cục vì chú là thợ
mộc đóng bàn ghế, giường tủ nhưng tiếng đàn của chú réo rắt. Chỉ
khi nào ca đoàn hát ở nhà thờ thì Chú Đoá mới đánh đàn Harmonium.
Tiếng phong cầm nghe trang trọng nhưng tôi thích tiếng Mandolin
rộn rã hơn. Giá hồi ấy các chú hoà chung với nhau thì tuyệt.
Nhưng thời trước Công Đồng Vaticano II các loại đàn dây chắc chưa
được phép.
Ca
đoàn chỉ khoảng chục người mà bố con tôi đã là ba thành viên rồi.
Dĩ nhiên chị tôi hát bè “thanh”, bố tôi bè “trầm”, còn tôi đứng
cạnh bố nên có thể hát cả hai bè, không nhớ lắm. Tôi chỉ nhớ mình
rất thích đi tập hát, thấy nhiều bài hay, có khi cảm động mủi
lòng. Những bài hát Giáng Sinh thời ấy chỉ có ít nhưng ý nghĩa
sâu sắc, càng hát càng thấm. Buổi tối ra về trên đường làng, bố
con tôi còn ngân nga hát lại. Thỉnh thoảng có con chó nhà bên
đường sủa theo. Ở nhà, tôi thường hát nghêu ngao một mình.
Trẻ con thường giỏi tưởng tượng. Vừa
ngân nga bài Hang Be–lem, tôi vừa vẽ lên trong trí một cánh đồng
mênh mông hơn cánh đồng đầu làng nơi chúng tôi thả diều, bắt dế.
Và nơi ấy có một hang đá – là cái lò than bỏ không – làm chỗ cho
bò lừa trú ẩn khi trời mưa và giông bão. Con bò thì tôi đã biết
nhưng con lừa và con chiên thì mới chỉ được nhìn trong hình. Mà
Chúa sinh ra ở đấy, chúng nó thật hạnh phúc. Và khi các thiên
thần trên trời hát thì tôi nghe bài Cao Cung Lên vang réo rắt.
Ôi, ca đoàn của các thiên thần hát mới hay làm sao, khi dồn dập,
khi thoang thoảng như mây bay gió thổi. Và bầu trời rực sáng lấp
lánh ngàn vì sao cùng lúc các thiên thần vang hát bằng tiếng
La–tinh: Gloria in excelsis Deo...
Hang đá Chúa Giáng Sinh ở nhà thờ cao
và to bằng một bên cung thánh. Các chú bác làm đá bằng giấy nom
như thật. Chiếc đèn măng xông treo giữa nhà thờ sáng chóa nhưng
không đủ soi đến hang đá. Chỉ có nến và đèn dầu toả bóng chập
chờn làm các tượng như sống động. Mặt Chúa hài đồng dễ thương với
đôi mắt nhìn âu yếm. Tôi muốn bồng Chúa em bé và “thơm” Chúa một
cái vào cái má tròn xinh của Chúa quá!
Năm tháng qua mau, cuộc sống chìm nổi,
bao mùa Giáng Sinh đi qua, trên quê hương ít hơn ở hải ngoại,
nhưng nhớ nhất, dư âm nhất, “đẹp” nhất vẫn là những Giáng Sinh
đơn giản nghèo nàn trên quê hương. Cây Noel lấp lánh sặc sỡ với
hàng đống quà dưới gốc, nhạc Giáng Sinh nghệ thuật rộn ràng có,
thanh thoát có, và đường phố rực rỡ nơi đây cũng mang giá trị
riêng của mùa lễ nhưng mau đến mau đi, dư âm nhanh phai tàn.
Tuy vậy, có một lễ Giáng Sinh khi các
con chúng tôi chưa rời mái ấm gia đình thì chưa phai. Nhà có bốn
người thì ba người rưỡi sinh hoạt ca đoàn. Cái phần “rưỡi” là
thằng con trai chỉ tham gia khi bố giao công việc vào những dịp
lễ hoặc khi cần. Nó chơi trống cho Jazz Band trong trường. Trong
vài dịp, một mình nó khua Snare Drum cho bản quốc ca Mỹ và Việt.
Trong bầu khí trang nghiêm, tiếng trống con rền vang thúc giục,
mời gọi. Một lần xem con chơi bộ trống ba chiếc Timpani cho một
bản hợp ca ngày đại lễ ở trường, tôi nảy ra ý định bảo cháu chơi
cho mấy bản hợp ca Giáng Sinh. Chúng tôi phải thuyết phục để nó
bằng lòng vì nó ngại ngùng sợ không hay khi chơi cho ca đoàn của
chúng tôi. Thằng con bây giờ điệu đàng không giống tôi ngày xưa,
nhưng nó cũng làm tôi nhớ về ông nội của nó vô hạn.
Để chuẩn bị cho ngày lễ Giáng Sinh, nhà
tôi ai cũng bận. Vợ tôi phải tính toán xem ăn gì, uống gì. Chuyện
ăn uống dầu vậy vẫn nhỏ hơn nhiều so với việc mua quà. Ngoài các
con cháu còn các con đỡ đầu Rửa Tội, Thêm Sức, người thân, và bạn
bè. Con gái chúng tôi chơi đàn cho ca đoàn. Để cho hay, nó phải
sửa soạn những câu dạo, những phần đệm cho các bài hát. Và nó
cũng bận rộn với những món quà ở lớp tuổi của nó. Cả hai đứa lãnh
nhiệm vụ trang hoàng cây Noel và giúp bố giăng đèn quanh nhà.
Vùng Bắc Mỹ, tháng 12 trời nhá nhem tối
lúc 4 giờ chiều. Thánh lễ Giáng Sinh lúc 6 giờ gọi là lễ đêm cũng
được lắm khi nhà nhà và đường phố giăng hàng ngàn dây đèn sáng
lấp lánh li ti đủ màu sắc. Chúng tôi đã quần áo chỉnh tề, và đầy
đủ các đồ phụ tùng cho ca đoàn. Tôi chờ vợ con còn đang trang
điểm nên gọi phone nhắc các người trách nhiệm sách hát và âm
thanh, nhất là cần đến sớm một chút. Đã tới giờ phải đi mà ba mẹ
con vẫn chưa xong. Mình có trách nhiệm mà tới muộn đâu có được.
Tôi sốt ruột đi gõ cửa từng phòng nhưng dặn lòng không nóng nảy
với vợ con làm hư bầu khí ngày lễ.
Lên xe, không ai nói tiếng nào. Cảm ơn
đài nhạc Giáng Sinh hoà tấu du dương trên xe xoa dịu lòng mọi
người. Đi được nửa đường, tôi tắt nhạc, uốn giọng nhẹ nhàng để
làm bổn phận của ông bố: “Hôm nay ngày lễ trọng đại, Chúa từ trời
sinh xuống trần. Nghĩa là... Thế cho nên... vì... bởi... do...
Chúng ta nhớ... nên... cần... phải... đừng...”
Hết bài diễn thuyết dài năm phút, thằng
con lên tiếng:
Wow, Ba giảng hay hơn cha giảng nhà
thờ!
Tiếng
cười của mọi người làm bầu khí nhẹ nhàng. Xuống xe ai nấy nhanh
nhẹn làm phần việc của mình.
Thánh lễ trang trọng, tiếng hát du
dương, có vài chỗ hát không hay bằng lúc tổng dợt vì đáng ra cần
êm nhẹ hơn nhưng không đến nỗi, và có chỗ hay hơn. Tiếng đàn đã
thánh thót rộn ràng mà tiếng ba chiếc Timpani còn đẩy tiếng hát
lên cao đến nức lòng. Tuyệt vời không chê vào đâu được, hay ít ra
nói thế vì ông bố thấy các con chơi với hết cả tấm lòng dâng lên
Chúa Giáng Sinh.
Khi mọi công tác đã hoàn tất, quỳ bên
Máng Cỏ với các con, chúng tôi im lặng ngắm nhìn Chúa Giê–su em
bé. Em bé này là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa xuống thế làm
người. Thiên Chúa tự hạ vì yêu thương con người. Ngài không chọn
sinh ra trong cung điện mà chọn nơi máng cỏ, hang hèn. Ngài xuống
thế để cứu chuộc và đồng hành dìu dắt con người trở về với Thiên
Chúa Cha sau khi con người sa ngã trong tội. Ôi, tình yêu cao
vời, tình yêu trọn hảo!
Chương trình cứu độ ấy của Thiên Chúa
dù tuyệt vời và trọn hảo từ phía Thiên Chúa nhưng không thể hoàn
tất trọn hảo nếu không có sự tiếp nhận và cộng tác từ phía con
người. Đó là hệ quả của món quà tự do cao quí mà Thiên Chúa tặng
riêng cho con người giữa các tạo vật.
Để được trọn hảo, con người phải cộng
tác. Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và muôn vật, và đặt con người làm
chủ. Với trí thông minh và sự tự do, con người có thể tìm kiếm và
lựa chọn trong muôn sản phẩm phong phú Chúa đã chuẩn bị sẵn cho
con người để hành động. Thiên Chúa mời gọi con người tiếp tay vào
chương trình tạo dựng và cứu chuộc để làm các chương trình ấy nên
trọn hảo. Ơn bình an của trời cao cho người thiện tâm đến từ sự
tiếp nhận và cộng tác vào chương trình Giáng Sinh này. Món quà
bình an không phải là những hộp quà gói sẵn từ trời rơi xuống như
cho các em bé mà là những chuẩn bị tâm hồn, dọn lòng, mở trái tim
yêu thương, san sẻ, tạo nên và mang đến cho nhau, cho người khác,
và cho cả người lạ.
Nhìn khuôn mặt Mẹ Maria và Thánh Giu–se
tôi thầm nghĩ, các ngài phải là người tiếp nhận ơn Giáng Sinh
trọn hảo nhất bởi vì các ngài là người cộng tác nhất trong chương
trình Giáng Sinh Cứu Chuộc của Thiên Chúa. Nhưng những khó khăn
trở ngại từ ngày Mẹ nhận lời Truyền Tin, từ khi Bố Giu–se đính
hôn, được báo mộng; sự vất vả của cuộc giong ruổi về quê kiểm tra
dân số, sự thiếu thốn nghèo nàn và bị từ chối chỗ trọ cho ngày
sinh Con Thiên Chúa... có ý nghĩa gì? Còn nỗi gian truân nào hơn
cho đôi vợ chồng mang trọng trách làm bố mẹ của con Thiên Chúa
trời đất? Đôi vợ chồng ấy làm được điều gì trọn hảo?
Bố Mẹ của Chúa không làm trọn hảo trọng
trách của mình bằng cách đổi con lừa thành cỗ xe song mã, tân
trang hang bò lừa thành một nhà nghỉ tiện nghi... nhưng các ngài
đã trọn hảo trong ý nghĩ, tâm tình, nguyện gẫm, việc làm và phó
thác vào Thiên Chúa.
Thiên Chúa sinh xuống trần làm người bé
nhỏ không biến hang bò lừa thành cung điện, cũng không hóa phép
biến các mục đồng đến chiêm bái Ngài thành các người giàu sang.
Thiên Chúa của vũ trụ và muôn vật chỉ biến mình thành con người
để yêu thương mời gọi con người đi con đường trở về với Thiên
Chúa.
Cảm ơn
vợ và các con của tôi đã vượt qua những bôn ba của cuộc sống để
chuẩn bị đóng góp cho ngày lễ. Cảm ơn các ca viên với đủ mọi thứ
bôn ba trong hoàn cảnh của mỗi người để đóng góp. Mọi hành vi
tiếp nhận, cộng tác đều làm nên trọn hảo. Chấp nhận, khiêm tốn,
kiên nhẫn, lịch sự, ý nghĩ và hành động tích cực đều làm nên sự
trọn hảo. Cảm ơn bố mang chị em tôi đi tập hát, cảm ơn mẹ chịu
nghe chúng tôi nghêu ngao. Cảm ơn các chú đánh đàn hồi xưa, con
bé tóc vàng thời nay, và ông già tóc trắng. Tất cả chúng ta cộng
tác bằng khả năng, giới hạn và cả khuyết điểm của mình để làm nên
một Giáng Sinh trọn hảo. Đây là bước đầu của công trình Cứu
Chuộc. Tạ ơn Thiên Chúa!
December 21, 2023
Nguyễn Văn Thông
Bấm vào đây để in ra giấy(Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: Đêm Thánh với muôn muôn vàn vì tinh tú... Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by Nguyễn Văn Thông chuyển
Đăng ngày Thứ Năm, December 21, 2023
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang