Bắc đẩu tinh

 


Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tùy Bút
Chủ đề:
Tuổi học trò & lính
Tác giả: Lưu Hoàng Kỳ

THẰNG TRƯƠNG BẠN TÔI
(Trích hồi ký: Ngày Không Có Mặt Trời)

 

Bấm vào đây để in ra giấy(Print PDF)

 

Năm học đệ tam tôi và thằng Trương trở thành bạn thân bởi hai lý do: thứ nhất nó học cùng lớp, thứ hai bọn tôi ở trọ gần nhau, nên ngoài giờ đến trường thì tập trung tại nhà trọ của thằng Tuấn Anh chơi.

Nhóm có 5 đứa: Tuấn Anh, Trương và tôi cùng học đệ tam Trần Quốc Tuấn Quảng Ngãi, nhưng Tuấn Anh khác lớp, Võ Mai Hoàng, Nguyễn Đủ học đệ tam Bồ Đề. 4 đứa đều 17 tuổi, chỉ có thằng Trương 16.

Mỗi lần tập trung ngoài chuyện bài vở thì nói chuyện con gái, bé này đẹp, bé kia xấu. Nói như tả cảnh mây trời bay lang thang vậy thôi, chứ có thằng nào “cua” được bé nào đâu, mà biết mùi yêu đương thế nào? Chuyện con gái, chuyện tình yêu tuổi mới lớn bọn tôi vẫn là ẩn số của một Phượng trình trong giai đoạn suy tìm, nên mang tâm trạng háo hức pha chút lãng mạn. Mặt thằng nào cũng đầy mụn trứng cá, ria mép lún phún, bản lãnh nhút nhát vì các nàng cứ chí choé như chim chích chòe. Bọn tôi nhìn lén rồi thả hồn bay theo mây trời chỉ dám nói sau lưng, đến khi “người ta” xuất hiện thì lúng túng như chó ăn vụng.

Tuổi mới lớn bọn tôi thằng nào cũng thích con gái, bất kể trắng đen cao lùn không chê ai. Cứ nghĩ bọn con gái như người “cõi trên”, không có những chuyện bình thường “trần tục” như con trai bọn tôi. Thiệt tình lúc đó sao mà “dại gái” dữ vậy không biết nữa!

Thời gian sau quen dần bọn tôi trêu chọc gọi tên: “Cúc ơi! Hà ơi! Thanh ơi! Có bé thì cứ nghiêm như muốn nói: ‘Đừng có mơ’. Có bé ném cho cái nguýt sắc hơn ‘ỷ thiên kiếm’ của Cô Gái Đồ Long, còn lằm bằm: ‘đồ quỉ sứ’. Bọn tôi ngoác miệng cười: ‘Người ta dễ thương, đẹp trai thế này mà bảo quỉ sứ với yêu tinh là sao hả trời?’”

Phía sau nhà Tuấn Anh cách một khoảnh vườn là nhà của bé Ngọc, lúc ấy Ngọc chừng 13 hay 14 tuổi, đang học Đệ Lục trường Nữ, nhìn cũng dễ thương, nhưng mắc tội lùn. Vậy mà không đứa nào chê cứ khen đẹp, bố của nàng là đại úy nhà luôn có xe jeep đậu trước sân, mấy anh lính đi ra đi vào oai ghê lắm!

Dạo đó tuổi 16–17 của bọn tôi, lại con nhà dân dã từ nhà quê ra tỉnh học xem cô nàng là loại “lá ngọc cành vàng”. Mỗi lần Ngọc xuất hiện quét sân hay phơi quần áo, là khung cửa sổ vách sau nhà Tuấn Anh trở nên quá hẹp, không đủ để 5 thằng chen nhau giành chỗ nhìn.

Một hôm thằng Đủ gọi: “Ngọc dễ thương quá hà!”. Cô nàng liếc mắt “bắt quả tang” trong cửa sổ 5 thằng con trai đang nhe răng cười. Cả bọn bị một cái nguýt dài kênh kiệu miệng lằm bằm. Nhưng bọn tôi thì cười bảo nhau: “Tiểu thư nói tụi mình dễ thương”.

Hôm sau thằng Chính (có em gái chơi với Ngọc) cho bọn tôi hay: “Con Ngọc nó nói bọn bây ‘khùng’ đừng có mơ, không có chỗ cho mấy thằng ‘khùng’ đâu!”. Nói bọn này “khùng” nhưng Ngọc lại hay xuất hiện nhiều hơn, nhìn mây nhìn trời, thỉnh thoảng liếc vào cửa sổ nơi có mấy thằng “khùng” luôn ứng chiến.

Thời gian trôi qua. 5 năm sau bất ngờ tôi gặp lại Ngọc ở nhà Phượng bạn gái của Lê Xuân Cường, hôm hai đứa đi chơi trong kỳ nghỉ phép mãn khóa, khi học xong căn bản sĩ quan pháo binh ở Dục Mỹ về. Vừa bước vào tôi nhận ra cô gái lùn lùn bên cạnh bồ thằng Cường là Ngọc, cô nàng có lớn hơn nhưng chẳng khác xưa là mấy. Tôi làm như không quen, chỉ cười chào rồi nhìn lên tấm bản đồ trên tường ra vẻ ta “cóc thèm” để ý. Nhưng Ngọc thì vui vẻ đến trước mặt tôi cười:

– Anh Tiến... bộ không nhận ra Ngọc hả?

Bất ngờ, hồi nào nói bọn này “khùng” không có chỗ, mà bữa nay gọi người ta bằng anh làm như thân thiện từ đời nào vậy trời? Đã lỡ làm mặt lạ, tôi giả vờ suy nghĩ:

– Ngọc?... xin lỗi... không nhớ!

“Tiểu thư” nguýt:

– Thôi đi ông tướng giả bộ hoài, bộ quên thiệt hả? Ngọc ở chỗ nhà Tuấn Anh, hồi mấy ông hay tập trung lại đàn ca hát xướng ầm ĩ suốt ngày đó.

– À... nhớ rồi, bây giờ lớn quá nhìn không ra. Tôi giả vờ ngạc nhiên.

– Mới mấy năm mà quên? Giả vờ quên thì có, mà anh mặc đồ lính “beau” trai quá à nha! Lớn nữa. “Tiểu thư” cười làm duyên.

– “Beau” từ lâu rồi đâu phải bây giờ mới “beau”? tại người ta không để ý đó thôi! Tôi cười.

– Tiến cùng khóa với anh Cường hả? Ngọc với Phượng thân lắm! Trời ơi đâu ngờ gặp lại anh ở đây.

Ngồi cạnh thằng Cường, Phượng nhìn Ngọc nháy mắt cười:

– Vậy là gặp người quen rồi, nhờ tao nha Ngọc.

– Ô, hồi đó mấy ông tướng này nghịch lắm, láu táu như thứ gì...!

– Vậy mới bị “họ” gọi là mấy thằng “khùng”. Tôi cười.

– Ai biểu tại hồi đó mấy ông cứ trêu chọc “người ta” hoài chi chớ bộ.

– Trêu chọc người ta hoài, mà người ta có thích không, cái đó mới quan trọng?

– Miệng lưỡi quá trời, bây giờ còn “quá” hơn hồi đó, hai người này đi với nhau là coi chừng đó Phượng.

Nhìn Cường tôi cười:

– Vậy mà cả hai thằng có ma nào thèm ngó tới đâu!

Ngọc nguýt:

– Thôi đi ông, xạo vừa thôi... mấy ông ghê lắm ở đó mà không có... ủa... ông Hoàng đi lính gì anh Tiến?

– Hải Quân, đang học ở Nha Trang.

– Ông Trương?

– Thiết giáp, còn học ở Thủ Đức.

– Ông Đủ?

– Đi lính biệt kích.

– Còn anh Tuấn Anh?

– Tuấn Anh lâu quá không có liên lạc... Ủa mà sao biết tên hết trơn vậy ta? Cứ tưởng mấy thằng “khùng” không ai thèm biết tên chớ?

– Sao lại không biết, lạ gì mấy ông hồi đó nghịch quá trời!

– Hồi đó bọn này hiền khô có gì đâu mà quá trời?

– Ở đó mà hiền, láu táu thấy phát ghét à.

Tôi nheo mắt cười:

– Ghét thì ghét... mà thích thì cũng thích có đúng không?

– Thôi đi... sợ mấy ông luôn!

Ngọc cười, thì ra dạo đó cũng khoái bọn này gần chết mà làm bộ nói người ta “khùng”. Cho nên con gái nói vậy mà không phải vậy. Buổi sáng hôm đó hai đứa tôi được chăm sóc tận tình: chè, chuối, bánh trái đầy bụng.

Thằng Cường đánh đàn guitar, Phượng ca bài: Một Lần Xa Bến và Tạ Từ Trong Đêm. Tuy đã được Cường cho biết dạo còn trong trường Pháo Binh về năng khiếu ca hát của Phượng, nhưng tôi cũng bất ngờ vì Phượng có giọng ca hay, điêu luyện như ca sĩ chuyên nghiệp không phải tiếng hát học trò.

Rồi đến “tiểu thư” hát bài: “Thu Sầu” và “Con Thuyền không Bến” Có đoạn không cần nhịp phách gì hết còn làm duyên nữa mới ghê! Thằng Cường vừa đàn khều khều chân tôi dưới gầm bàn, tôi không dám cười. Nhưng mỗi khi hết bài hai thằng cứ phải khen hay.

Ngọc rủ chiều đến nhà nàng chơi, nhưng bọn tôi từ chối vì chiều đó thằng Cường đi chơi với Phượng, còn tôi cũng “có nơi” để đến rồi, nên chỉ hứa.

Khi chia tay Ngọc hẹn lần sau về phép đi Phú Thọ chơi, hai thằng tôi đã nhận lời, nhưng không bao giờ có ngày đó vì ra đơn vị bọn tôi lao vào trận mạc và Thằng Cường đã không trở về, nó nằm lại chiến trường Duy Xuyên, hai đứa không còn gặp nhau để đi chơi, thực hiện lời hứa hôm đó.

*****

Trở lại chuyện 5 thằng nhóc bọn tôi.

Nhóm con gái đi ngang qua nhà Tuấn Anh bọn tôi biết tên gần hết, nhà trọ ở đâu? Bé nào đã có bồ? Mà chỉ biết vậy thôi chứ có làm nên trò trống gì đâu!

Cuối năm đệ Tam thằng Trương “tán” bé Huệ cùng lớp với thằng Hoàng nhà trọ ở cuối đường. Tôi bày nó viết thư nhờ thằng Hoàng lên lớp trao dùm. Vậy là lá thư được hoàn tất bằng tờ plur xanh với nét chữ đẹp, đá lên đá xuống lả lướt như mây trời của thằng Trương, lời tỏ tình nặng mùi thơ Xuân Diệu. Tôi còn nhớ cuối thư nó “chơi” hai câu thơ nghe lãng mạn hết biết luôn:

Nhớ em tím cả mây chiều
Giật mình chẳng biết mình yêu bao giờ!
”.

Nhưng thằng Hoàng từ chối làm chim xanh, nó lắc đầu: “Thôi, thằng Hải bạn tao cũng đang ‘cua’ con Huệ, léng phéng nó đập què giò thì chết tao à”.

Thế là lá thư tình đầu tiên của thằng Trương không đến được địa chỉ, uổng công thằng nhỏ ngồi cắn bút tìm lời hay ý đẹp, viết rồi xé, mất hàng chục tờ plur và lâu cả tuần lễ mới xong chứ có ít gì đâu! Tôi làm quân sư xúi “tấn công” trực tiếp, hơi suy nghĩ nó cười cười:

– Lỡ nó chửi cho thì chết mẹ!

– Được con trai “cua” nó khoái bắt chết ở đó mà chửi, mầy không tỏ tình trước, bộ biểu người ta là con gái đi “tán” mầy trước hả? Tôi nói.

– Mầy xúi dại lỡ nó chửi, cho tụi mầy chọc quê tao hả?

– Làm gì có, tụi mình con trai với nhau mà chọc cái gì?

Nghe tôi nói thằng Trương xiêu lòng. Suốt mấy tuần lễ hai đứa cứ rập rình ngoài đầu đường đón Huệ đi học về, nhưng lúc nào các nàng cũng đi cả tốp cười nói líu lo làm tôi và thằng Trương cứ giả vờ nghiêm như “ông cụ” khi chạm mặt.

Rồi sự kiên trì của bọn tôi cơ hội cũng đến. Hôm đó Huệ đi về một mình, quanh vào đường bên hông nhà máy đèn, tay xách cặp áo dài trắng tung bay. Tôi mừng:

– Đúng con Huệ rồi! mày ra đi, tao vô ngõ thằng Tùng.

– Ừ, mày đi đi.

Tôi nói với theo:

– Mạnh dạn lên nghen mày.

Tôi rẽ vào ngõ hẻm nhìn theo hồi hộp. Thằng Trương đi ra, lấy hết can đảm nó chào bằng nụ cười thật tươi:

– Đi học về hả Huệ?

Cô bé cứ nhìn thẳng, chẳng thèm liếc mắt thử “ông kẹ” nào ân cần có lòng tốt hỏi thăm. Anh chàng bước theo lặp lại:

– Đi học về hả Huệ?

Cô nàng tiết kiệm lời nói không thèm mở miệng, mà cũng không liếc thử anh chàng nào mặt ngang mặt dọc, đẹp hay xấu cao hay lùn da trắng hay da đen để thằng nhỏ bớt quê. Chẳng còn hy vọng thằng Trương đành dừng lại.

Đứng trong hẻm thấy con Huệ đi qua, tôi biết là trớt quớt “tình như mây khói rồi”! Vừa thấy tôi thằng Trương cười: “Nó không thèm trả lời một tiếng mầy ơi!”. Tôi không dám cười sợ nó “quê” tội nghiệp, chuyện chỉ hai thằng biết. Từ hôm đó thằng Trương lơ luôn, không còn khen con Huệ dễ thương, cũng hết nói: “để tao ‘tán’ con Huệ” như lâu nay nữa.

Lên Đệ Nhị bọn tôi thay đổi chỗ trọ, tứ tán không còn tập trung nữa, Võ Mai Hoàng, Nguyễn Đủ ở đường Trần Cao Vân. Phạm Ngọc Trương xuống đường Trần Hưng Đạo vào hẻm trước nhà thờ, tôi ra đường Trần Thúc Nhẫn, còn Tuấn Anh vẫn chỗ cũ thỉnh thoảng mới gặp nhau.

Trong nhóm Nguyễn Đủ và Tuấn Anh bị rớt tú tài bán phần. Tôi và Phạm Ngọc Trương cùng vào lớp Đệ Nhất A2, Võ Mai Hoàng vào Đệ Nhất B3. Nên ngày hai buổi gặp nhau ở lớp, tôi còn đến nhà trọ chở thằng Trương đi chơi.

Năm Đệ Nhất bọn tôi đã lớn, dạo đó Trường Nữ Trung Học không có lớp Đệ Nhất, các nàng qua Trần Quốc Tuấn học chung với con trai. Bọn tôi ra thanh niên đi giày tây quần xanh áo trắng thẳng nếp. Bên “phái đẹp” áo dài trắng giày cao gót, dù xanh dù vàng. Bọn tôi trưởng thành không còn lấc cấc nữa.

Lên Đệ Nhất thằng Trương rất chăm và học khá, Toán, Lý, Hóa, Vạn Vật lúc nào điểm nó cũng 14, 15, không phải như tôi dốt toán thấy bà cố luôn.

Vậy mà sau này khi nhập ngũ vào trường bộ binh Thủ Đức không biết Cục Quân Huấn chấm điểm trắc nghiệm toán thế nào mà tôi lại lọt vào Pháo Binh, xếp hàng đầu trong 4 binh chủng được gọi là thông thái:
nhất Pháo (pháo binh) nhì Công (Công Binh) tam Không (Không Quân) tứ Hải (Hải quân).

Cho nên khi vào Trường Pháo Binh học đến môn Tác Xạ Đại Cương và Địa Hình là hai môn áp dụng toán học, cứ sin với cosin, tan với cotan, rồi căn số bậc hai bậc ba, rồi lũy thừa với tam thừa, lại còn thêm cái bệnh ham chơi nên gần ngày thi ra trường tôi học đến hụt hơi thức trắng con mắt mới đủ điểm đậu.

Năm lên đệ Nhất thằng Trương lo học dữ lắm. Thỉnh thoảng tôi và nó chở nhau đến nhà mấy đứa bạn cùng lớp, xuống Tư Bình chơi với Nguyễn Công Hoanh học bên Nhất A1. Trong nhóm bạn, Hoanh lớn tuổi đã có vợ nên quanh quẩn ở nhà ít lang thang la cà như bọn tôi.

Có khi xuống nhà Vũ dưới bến Tam Thương chơi, Vũ học Đệ Nhị trường Bồ Đề, hát hay như ca sĩ chuyên nghiệp. Bọn tôi quen, rồi thân trong dịp học sinh làm văn nghệ giúp vui cho mấy khóa huấn luyện Nhân Dân Tự Vệ ở sân bay Quảng Ngãi.

Một hôm Vũ rủ tôi và Trương ra bến Tam Thương tắm, lần đó Trương suýt chết đuối bởi anh chàng không biết bơi. Chuyện tắm sông thì tôi mê số một từ tuổi thơ. Trước nhà tôi ở quê có một con sông nên bơi lội là “nghề của chàng”. Khi thằng Vũ đề nghị tôi ô kê ngay, còn thằng Trương thì lắc đầu:

– Tao không biết bơi.

– Thì mầy ở trong cạn có sao đâu. Tôi xúi thằng Trương.

Bến Tam Thương sâu lại đang mùa mưa nước chảy mạnh, tôi và Vũ bơi ra giữa sông, “cu cậu” cứ quanh quẩn gần bờ. Từ ngoài xa tôi vẫy thằng Trương: “bơi ra đây có tao với thằng Vũ không sao đâu”. Nó lắc đầu cười.

Hai đứa tôi vùng vẫy hụp lặn, không để ý thằng Trương. Khi nhìn lại thằng Trương mất tiêu bị cuốn ra xa, chỉ còn cánh tay cố ngoi lên và trôi theo dòng chảy. Bọn tôi hốt hoảng sải nhanh về phía nó nhưng thằng Trương đã chìm lỉm. Khi tiếp cận được là cả vấn đề, may có hai anh thanh niên trong làng từ đâu xuất hiện tiếp tay, khó khăn lắm mới đưa được vào bờ thì Trương đã mê man mềm nhũn như sợi bún, uống một bụng đầy nước, nó không còn thở, mắt nhắm nghiền mặt trắng bệch. Không biết trong khi mất bình tĩnh, hai đứa tôi chụp kéo thế nào mà cái quần đùi của thằng Trương tuột mất lúc nào không hay. Nhưng trong cơn kinh hoàng bấn loạn chúng tôi không còn quan tâm chuyện nó trần truồng.

Người dân trong xóm vây quanh rất đông gọi nhau í ới. Mấy bác luân phiên vác thằng Trương lên vai chạy tới chạy lui đầu chúi xuống đất, nước trong bụng tuôn ra. Người ta làm hô hấp sau đó nó được lau khô, kẻ bôi dầu người hơ lửa mà thằng nhỏ thì cứ nằm ngay đơ. Tôi chết điếng chỉ biết đứng nhìn. Nếu nó chết thì tôi cũng tiêu đời. Vậy rồi thằng Trương sống lại. Nhưng hôm sau nó cười cười phàn nàn:

– Bọn bây làm kiểu gì mà tuột mất quần của tao, lúc đó con gái nhiều không mầy?

Hiểu ý nó tôi cười chọc quê:

– Đông dữ lắm... không chết là may còn mắc cỡ cái gì!

Nó cười:

– Tự nhiên lộ hết, chắc không dám đi chơi dưới đó nữa đâu!

Nói vậy rồi bọn tôi vẫn xuống bến Tam Thương chơi nhưng không dám tắm nữa. Sau đó mấy tháng Vũ chết do Việt cộng ném lựu đạn vào nhà một viên chức địa Phượng vào ban đêm khi mò về hoạt động. Vụ khủng bố 3 người chết trong đó có Vũ, nó chết khi mới 18 tuổi và đang học lớp Đệ Nhị. Tôi với Trương đã tiễn đưa bạn ra nghĩa trang vào một chiều đông buồn.

Chuyện tình yêu của bọn tôi lúc đó như ngắm trăng nói chuyện cùng chị Hằng vậy thôi, tán tỉnh thì có nhưng chả đi đến đâu.

Sau khi có kết quả Tú Tài toàn phần bạn bè tứ tán mỗi đứa một Phượng, đứa vào y khoa, đứa vào trường Luật, đứa Cán sự Y Tế, đứa vào Võ Bị Đà Lạt. Đa số bạn lớp tôi vào sư phạm Qui Nhơn. Tôi và Trương vào Sài Gòn học ngành báo chí. Tôi ở nhà ông bác ruột khu Nguyễn Thiện Thuật quận 3. Trương ở với bạn bên Chợ Cá Trần Quốc Toản.

Đầu tháng 9 tôi và Nguyễn Công Hoanh có lệnh gọi nhập ngũ, vậy là đơn xin hoãn dịch không được chấp thuận vì sinh năm 1949. Thằng Trương sinh 1950 nên còn đi học. Nó tiễn tôi ở sân bay Tân Sơn Nhứt, ngồi trong quán nước đợi giờ tàu cất cánh, buồn vô cùng cuộc đời sắp qua một ngã rẽ.

Cộng sản Bắc Việt mở rộng chiến tranh, thi hành kế hoạch nhuộm đỏ toàn cầu của cộng sản Quốc Tế. Cảnh thanh bình Miền Nam không còn nữa. Cuộc chiến ngày càng khốc liệt, chết chóc lan tràn khắp thôn làng phố thị, lớp lớp thanh niên đã ngã gục ngoài chiến trường. Khối cộng sản quốc tế: Nga, Tàu ồ ạt viện trợ hàng triệu tấn vũ khí tối tân cho Bắc Việt. Hà Nội đã lùa cả triệu thanh niên vào miền nam.

Tôi làm bổn phận thanh niên thời loạn, đáp lời sông núi bảo vệ phần đất tự do, nền dân chủ vừa mới khai sinh mà thế hệ chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng vào sự phục hưng của đất nước sau gần 100 năm bị đô hộ. Nhưng chiến tranh đã cướp đi ước mơ của tuổi trẻ ở thế hệ chúng tôi.

Về Quảng Ngãi tôi và Hoanh sống những ngày chờ đợi, Hoanh đã có vợ nên quanh quẩn ở nhà. Tôi thì lang thang đến bạn bè đốt khoảng thời gian tự do còn lại.

Tôi lên nhà Huỳnh Lê trên Ngã Năm nghe nó kể chuyện quân trường, Huỳnh Lê là bạn học luyện thi Đệ Thất với tôi cùng là học trò thầy Khiêm ở Tư Duy. Ngày đó Lê nổi tiếng học giỏi, đặc biệt là môn Quốc Văn, bài luận nào cũng được thầy Khiêm đọc cho cả lớp nghe. Lê viết chữ đẹp, giỏi nhạc lý, chơi đàn hay, nó còn sáng tác nhạc. Ra Trần Quốc Tuấn Lê học Anh Văn tôi Pháp Văn, năm Đệ Ngũ và Đệ Tứ bọn tôi ở ngụ gần nhau nên chơi thân.

Huỳnh Lê nhập ngũ khóa 6/69 vừa mãn khóa ở Thủ Đức còn đang nghỉ phép chờ trình diện Tiểu Khu Quảng ngãi. Nghe nó kể những sinh hoạt và kỷ luật trong quân trường giai đoạn huấn nhục ở Thủ Đức làm tôi lo quá chừng, Huỳnh Lê nói: “Mọi chuyện rồi cũng qua, cố gắng thôi mày ơi!”

Tôi và Hoanh trình diện tại phòng nhập ngũ Quảng Ngãi, chuyển ra Trung Tâm 1 ở Đà Nẵng rồi vào Quang Trung. Trong suốt thời gian quân trường hai đứa ở cùng tiểu đội nằm cạnh nhau.

Một buổi chiều sau khi ăn cơm xong buồn nhớ nhà, định rủ Hoanh lên Câu Lạc Bộ thì thằng Trương xuất hiện bất ngờ. Nó nhập ngũ khóa 6/70 vào Quang Trung sau tôi 2 tháng. Đang nhớ nhà, cuộc sống ở quân trường căn thẳng mà gặp bạn vui không tả được. Bọn tôi kéo nhau vào Câu Lạc Bộ ngồi hỏi tin tức bạn bè.

Trương cũng mang tâm trạng nhớ nhà như tôi, nó nói nhìn bên kia bờ rào kẽm gai cảnh tự do của đời sống dân sự buồn quá, ước gì được sống lại như ngày còn cắp sách đến trường tâm trạng chung của bọn tôi ngày mới vào lính. Hôm sau lại gặp Võ Mai Hoàng nó cho biết vào Quang Trung học căn bản 3 tháng quân sự trước khi về trường Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang. Cuối cùng bạn bè tôi kẻ trước người sau đều “đoàn tụ” ở quân trường.

Từ đó tối nào 4 đứa cũng lang thang trên những con đường dưới tàn bả đậu rồi vào câu lạc bộ ngồi hàng giờ nghe Lệ Thu giọng sang trọng quí phái: “Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo... em nhớ cho mùa thu đã chết rồi...” hay: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi... để một mai xay mòn thành đá cụi...” giọng khàn khàn của Khánh Ly. Những bài hát quen thuộc làm nhớ nhà, nhớ những ngày tháng cũ da diết. Bọn tôi ngồi cho đến lúc chia tay về phòng tập họp trước giờ ngủ.

Hết 3 tháng ở Quang Trung, khóa 5/70 của tôi lên Thủ Đức trước khóa 6 của thằng Trương chừng vài tháng. Bọn tôi chia tay hẹn thằng Trương ở Thủ Đức, còn Võ Mai Hoàng sẽ ra Nha Trang về trường Hải Quân.

Khi đoàn xe rẽ vào đồi Tăng Nhơn Phú vừa dừng ở Vũ Đình Trường, bọn tôi ba lô lên vai. Dù đã chuẩn bị tinh thần, trống ngực vẫn đập liên hồi khi các Huynh Trưởng xuất hiện như hung thần quần áo giày map láng coóng mặt lạnh lùng lúc nào cũng hò hét.

Tôi bám sát Hoanh mồ hôi ướt áo, tiếng còi tiếng ra lệnh của huynh trưởng. “Hoét, hoét, hoét... Các bạn chú ý, 30 giây xuống xe nhanh lên bạn nào chậm chạp quờ quạng là ‘thác’ với huynh trưởng nghe chưa”? Bọn tôi nháo nhào náo loạn cả Vũ Đình Trường.

“Hoét, hoét, hoét”. Nơi này: “đại đội tập họp”, nơi kia hét lên: “đại đội tập họp, đại đội theo lệnh tôi: Trái làm chuẩn, đại đội 10 hàng dọc 20 hàng ngang. Thao diễn nghỉ, nghiêm. Thao diễn nghỉ, nghiêm, bên phải quây... bên trái quay”. Chỉ có tiếng còi tiếng ra lệnh của huynh trưởng: “Ông kia sao quờ quạng vậy ông? Ông có nghe huynh trưởng nói không? Biết nhìn trái không?”. Bọn tôi như những hình nộm biết cử động răm rắp phản xạ theo lệnh.

Huynh trưởng chào đón đàn em bằng màn chạy quanh Vũ Đình Trường. 1,2,3,4; 1,2,3,4. Cả khối người chạy theo tiếng đếm nhịp của huynh trưởng, rồi 5 vòng, 10 vòng bắt đầu ngã, xỉu ngất la liệt.

Lên Thủ Đức tôi và Hoanh ở trung đội 3, đại đội 12, tiểu đoàn 1, vị trí tiểu đoàn nằm ở cuối Vũ Đình Trường thuộc khu tiền chế, tách riêng các tiểu đoàn 2, 3, 4 nằm bên tay phải từ ngõ chính đi vào.

Thời gian huấn nhục bọn tôi rã rời đứa nào cũng xác xơ như những thây ma, ra khỏi cửa phòng là chạy chỉ có chạy và chạy. Không chỉ khổ cực khi tập luyện học hành mà chuyện ăn uống ngủ nghỉ cũng trong vòng kỷ luật thép, tinh thần căng thẳng suốt ngày đêm.

Cả ngày bị quần thảo bơ phờ, buổi tối vừa “tan hàng cố gắng” lên giường là hồn lìa khỏi xác. 4 giờ sáng còn đang mê man thì tiếng còi: “hoét, hoét, hoét. Đại đội tập họp, 30 giây đại đội tập họp”. Tiếng thét của huynh trưởng: “Tôi đếm từ 1 đến 10 bạn nào ra sau đứng qua một bên... 1... 2... 3.... 4...”

Bọn tôi bung dậy như lò xo, mắt nhắm mắt mở xếp mùng màn chiếu gối, tay làm chân chạy mà hồn vía còn bay bổng nơi nào chưa nhập xác. Trạng thái đó trong suốt 8 tuần huấn nhục, hình phạt có thể đến bất cứ lúc nào. Cả quân trường vang dậy tiếng hát:

Đây khúc ca vang nơi quân trường đầy hào hùng
Vai ghé vai ta thi tài trong tình quân ngũ.


Nơi kia thì:

Khắp bốn Phượng trời từng đoàn người trai về đây
Dưới mái quân trường hăng say gắng sức đua tài.


Rồi việc gì cũng qua, khóa 5/70 bọn tôi gắn alpha thì khóa 6 của thằng Trương nhập trường, nó về Tiểu Đoàn 2 vị trí cách tiểu đoàn 1 của tôi hai đầu của Vũ Đình Trường. Biết tin thằng Trương vào, Hoanh rủ tôi lên tìm nhưng không dám, vì khu vực đó còn mấy khóa huynh trưởng đàn anh mà tôi thì sợ phạt nên không dám ra khỏi sân đại đội.

Một Chúa Nhật không đi phép Trương xuống tìm tôi, “cu cậu” mới vào sân đại đội bị Huynh Trưởng Uẩn chận lại phạt tơi bời hoa lá: hít đất, nhảy xổm, pháo kích nhảy xuống giao thông hào, “hành hạ thằng bé” te tua.

Bọn tôi đang lau súng trong phòng, nghe tiếng hét trình diện ngoài sân nghĩ chuyện bình thường, đến khi Hoanh phát hiện thằng Trương bị phạt thì tôi mới tá hỏa, Hoanh ra bảo lãnh dẫn nó vào. Nhìn “thằng bé” bơ phờ tả tơi, áo quần ướt nhèm đất cát tôi thương nó nhưng chỉ biết cười trừ. Trương xuống Đại Đội 12 tìm tôi mấy lần, nhưng lần này xui gặp huynh trưởng Uẩn “hắc ám”. Uẩn nổi tiếng phạt đàn em khi đi làm hướng dẫn.

Tôi ra Dục Mỹ học Pháo Binh, 2 tháng sau thì Trương mãn khóa rồi tiếp tục học căn bản Thiết Giáp ở Thủ Đức. Vài tuần tôi nhận thư nó một lần, có mấy tấm hình Trương đội kết đen ngồi trên thiết giáp M113, và chiến xa M48.

Tôi cũng gởi cho nó mấy tấm hình bên cạnh khẩu Đại Bác 105ly và lúc ở Đài Quan Sát thực tập điều chỉnh tác xạ. Trong thư Trương nói sẽ chọn về Thiết Đoàn 4 của Sư Đoàn 2 để gần bạn bè. Nhưng ước mơ không toại, nó về Thiết Giáp Quân Đoàn 4.

Rồi thư từ vẫn đều khi tôi về tiểu đoàn 20 pháo binh. Có lần nó khoe: “Tao uống bia khá rồi mày! Đời lính nay còn mai mất phải nếm cho đủ mùi ‘trần tục’ mầy ơi!” Vậy là Trương thay đổi nhiều, không thuốc lá, không rượu bia, hiền nhất trong nhóm bọn tôi, nó còn hẹn: “Ngày mãn khóa tao về uống một bữa cho say nghe mày”!

Và tôi đã lỗi hẹn. Nó mãn khóa Thiết Giáp về phép thì tôi đang đi đề lô cho Biệt Động Quân lội rừng ở Tiên Phước. Hôm hành quân chấm dứt tôi trở về Tiểu Đoàn 20 nhận được thư Trương, lá thư viết từ Vĩnh Long, trong thư nó than buồn về phép mà không gặp tôi, bạn bè cũng không có đứa nào, thằng trên cao nguyên đứa tận vùng giới tuyến, mỗi đứa một phương. Nó nói ngày mang ba lô lên đường vào Nam trình diện đơn vị mới buồn quá!

Đó là lá thư đầu tiên gởi cho tôi khi Trương ra đơn vị, và cũng là lá thư cuối cùng vì thư tôi hồi âm bị trả về bởi không có người nhận. Từ đó không còn biết tin nhau.

4 tháng sau thư cho tôi từ Pleiku Hoanh báo tin thằng Trương đã tử trận ở Vĩnh Long. Tôi nhận hung tin khi về hậu cứ tiểu đoàn 20 pháo binh sau một cuộc hành quân nhảy toán với Trinh Sát 2 ngoài Hương An trở về.

Đọc thư của Hoanh tôi buồn quá. Trước mặt là biển Chu Lai, những con sóng dâng cao ùa vào triền cát bị nhạt nhòa qua màn nước mắt. Gió biển lùa vào mặt, tiếng thông reo, tất cả đều quen thuộc nhưng hôm nay có cảm giác mình lạc đến nơi nào xa lạ, nghe cô đơn như chưa từng bao giờ cô đơn đến thế! Tôi rã rời vào phòng buông mình nằm ngửa xuống giường nhìn lên trần nhà, nước mắt lăn dài xuống thái dương. Một trời kỷ niệm với thằng Trương ùa về như một cuộn phim từ khi bọn tôi còn là những thằng con trai 15, 16 tuổi đùa phá nghịch ngợm. Tôi chưa bao giờ nhớ nó như lúc này!

Bạn bè lần lượt ra đi không trở về, ngày còn trong trường Pháo Binh nhận tin Huỳnh Lê tử trận, thấy tôi buồn thằng Cường nói: “Chiến tranh mà, cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi. Bọn mình cũng thế thôi”.

Rồi mới đây chỉ mấy tháng thằng Cường cũng nằm lại ở Duy Xuyên trong một lần nhảy toán với Trinh Sát 5. Nỗi buồn chưa nguôi thì bây giờ tin Trương tử trận, những thằng bạn thân lần lượt ra đi, còn tôi ở lại, tiếp tục ba lô lên vai tăng phái hết đơn vị này đến đơn vị khác đánh đấm tưng bừng suốt gần 2 năm đi đề lô ngoài chiến trường, Thường Đức, Quế Sơn, đến Ba Tơ, Đức Phổ, Sa Huỳnh, v.v.

Tôi đã bị Việt cộng vây hãm ở căn cứ ROS, đội mưa pháo và tấn công biển người dồn dập 3 ngày liền khi đi đề lô cho chi đoàn 1/4 chiến xa với Đại úy Nghĩa. Hỏa tiễn 122ly, cối 82ly, đại bác 130ly nòng dài, hỏa tiễn tầm nhiệt SA7 của Nga Sô, Trung cộng trang bị cho Việt cộng cày nát ngọn đồi, căn cứ cháy đen hoang tàn. Tôi đã gọi pháo binh bắn tiêu hủy phủ đầu khi phòng tuyến bị địch tràn ngập, một trận cận chiến ngay trong giao thông hào. Tôi đi vào cửa chết để tìm ra đường sống và mở đường máu rút khỏi căn cứ ROS. Tôi thoát ra với Thiếu tá Phan Văn Tươi tiểu đoàn trưởng 22 pháo binh, Đại úy Nghĩa chi đoàn trưởng 1/4 chiến xa nhưng khi xuống khỏi ngọn đồi chỉ còn mình tôi sống sót.

Vừa thoát bàn tay tử thần, tôi cầm Sự Vụ Lệnh trình diện Thiếu tá Thuần Tiểu đoàn 77/BĐQ trở lại quần thảo cả tháng trời với Việt cộng để tái chiếm căn cứ ROS. Lá quốc kỳ vừa tung bay ở Chi Khu Quế Sơn, tiểu đoàn 20 Pháo binh lại gọi tôi về ném sang Tiểu đoàn 66/BĐQ, trình diện Thiếu tá Lương Bá Duân nhảy vào tiếp cứu chi khu Ba Tơ bị Việt cộng vây hãm.

2 tháng lội rừng đội pháo, những đêm cận chiến giành từng mét giao thông hào để kiểm soát cao điểm trên đỉnh núi Cao Muôn. Quanh tôi bao nhiêu người lính Biệt Động Quân gục ngã, bao nhiêu người đã nằm lại giao thông hào. Vậy mà tôi vẫn sống, hình hài còn nguyên vẹn lúc trở về.

Tôi chấm dứt đề lô khi rời Tiểu Đoàn 20 pháo binh vào giữa năm 1973 thuyên chuyển về Pháo binh Tiểu Khu Quảng Ngãi làm Trung Đội Trưởng 109/PB Diện Địa thay cho Thiếu úy Võ Hoàng khóa 6/69. Hoàng cũng là bạn học cùng lớp với tôi ở Trần Quốc Tuấn.

Về trung đội tác xạ trong vai trò yểm trợ hỏa lực, tôi đã làm hết trách nhiệm để giúp quân bạn ngoài chiến trường, trong sứ mệnh bảo vệ miền nam tự do trước mưu đồ nhuộm đỏ thế giới của cộng sản Quốc Tế. Nhưng định mệnh oan nghiệt, số phận của đất nước được định đoạt trên bàn cờ bởi các đại cường đã vượt ngoài tầm với của thế hệ chúng tôi.

Trong khi cộng sản Bắc Việt được Nga Sô, Trung Cộng viện trợ không giới hạn, hàng triệu tấn vũ khí tối tân ồ ạt đưa vào miền nam. Hàng ngàn kilomets hệ thống dẫn dầu xuyên trường sơn cung ứng cho chiến trường. Thì người “bạn đồng minh” Hoa Kỳ, bọn “phù thủy chính trị” ở Washington lại trói tay chúng tôi bằng cách cắt hoàn toàn quân viện cho VNCH theo tinh thần của cái gọi là Hiệp định Paris.

Từ trung tuần năm 1974 đạn tồn kho cạn kiệt, xuống dưới mức an toàn, đại bác quá đời tác xạ. Hàng chục công điện khẩn xin tiếp tế đạn dược, yêu cầu quân cụ thay nòng tôi gởi đi đều được trả lời: “Đợi”.

Tôi được lệnh hạn chế tác xạ tối đa, chỉ được bắn 1 đến 2 quả cho một lần quân bạn chạm địch. Những nhu cầu quân sự khác cũng chung số phận, quân trang quân dụng thiếu hụt. Máy PRC25 không còn pin để trực tác xạ, quân xa, phi cơ, thiết giáp nằm ụ vì không có nhiên liệu xử dụng. Người lính bộ binh, các tiểu đoàn Địa Phượng Quân chỉ còn nhận một nửa cấp số đạn dược khi hành quân, lựu đạn khan hiếm không đủ phát cho mỗi quân nhân.

Tình hình tiếp liệu quân đội bi đát đến mức băng cá nhân không đủ dùng cho thương binh. Tinh thần binh sĩ xuống thấp, kế hoạch bức tử Việt Nam Cộng Hòa của bọn “phù thủy chính trị” ở Washington đã có kết quả, cán cân quân sự ngoài chiến trường đã nghiêng về phía cộng sản Bắc Việt.

Đầu năm 1975 Chiến trường Quảng Ngãi sôi động với những cuộc tấn công liên tục của Việt cộng, các đơn vị bộ binh chiến đấu cô đơn ngoài chiến trường trong hoàn cảnh đạn dược thiếu thốn. Trên bản đồ tình hình địch bạn những điểm đỏ ngày càng nhiều và tiến gần hơn. Rồi tin Huế bỏ ngỏ, Tam kỳ bị tràn ngập.

Để chuẩn bị cho một trận đánh sau cùng, tất cả đạn còn lại trong kho tôi cho binh sĩ chuẩn bị trong tư thế sẵn sàng tác xạ, đầu nổ cao, đầu nổ CVT, đạn chống biển người, đạn hoa cải, đạn hơi ngạt, đều bóc trần trong tư thế sẵn sàng tác xạ. Quanh vị trí, hàng chục tọa độ cận phòng tôi cho tác xạ trắc nghiệm lấy hỏa tập tiên liệu.

Tôi sống trong tâm trạng lo âu, đất nước rơi vào tay cộng sản với tôi là một nỗi kinh hoàng, điều mà tôi không dám nghĩ tới. Và cái ngày định mệnh đó đã đến.

Lúc 17:30g chiều ngày 24 tháng 3 năm 1975 tôi nhận một công điện khẩn từ Đại úy Tùng chỉ huy phó Pháo binh tiểu khu, trung đội 109 bắn yểm trợ cho cuộc di tản của Tiểu khu Quảng Ngãi và tiêu hủy đại bác, kho đạn khi có lệnh.

Sau đó nhiều tiền sát viên vào hệ thống tác xạ. Tôi cho lệnh bắn tối đa, không hạn chế, trung đội 109PB LT đã thi hành lệnh tác xạ sau cùng.

Từ trong vị trí tôi thấy một biển người di tản trên quốc lộ, đạp lên nhau trốn chạy cộng sản, tình hình vô cùng hỗn loạn. Đến 12:00g khuya hệ thống vô tuyến mất liên lạc với BCH Pháo Binh Tiểu Khu Quảng Ngãi, tôi sang tần số của Pháo Binh Sư Đoàn 2 không ai có thẩm quyền ban lệnh gì cho tôi. Tôi cho ngưng tác xạ và thi hành lệnh tiêu hủy đại bác, kho đạn bốc cháy. Tôi lên xe cùng binh sĩ nhập vào dòng người di tản.

Ra khỏi cầu Bình Sơn lúc 1:00g khuya bị Việt cộng chận đánh, hỏa tiễn, đạn cối, B40, súng cá nhân... bắn xối xả vào biển người, máu thịt tung tóe, kẻ sống giẵm lên xác người chết mà chạy.

Tôi cho binh sĩ xuống xe, mọi việc diễn ra ngoài tầm kiểm soát. Không ai có thể điều quân trong một biển người dân và lính hỗn độn, dày xéo đạp lên nhau trong khi cộng quân bám sát tác xạ tự do. Trung đội 109 pháo binh thất lạc và tan rã từ giờ phút đó.

Quốc lộ bị chận, người ta tỏa ra tìm đường đi Chu Lai thì tôi không nỡ bỏ anh em đồng đội cứ tìm người này người kia, trời tối đen như mực nên bị bỏ rơi lại, cuối cùng chỉ còn Nguyễn Lòng tài xế và Huỳnh Đạm nhân viên kế toán tác xạ bên cạnh.

Trời sáng 3 thầy trò ẩn vào ruộng mía chờ đêm xuống sẽ tiếp tục đi, đến nửa đêm hôm sau khi chuẩn bị vượt sông thì hướng Chu Lai bốc cháy và đạn nổ long trời. Tôi ngã qụy vì tuyệt vọng, bộ tư lệnh sư đoàn đã di tản.

Sáng hôm sau 3 thầy trò bị vây bắt. Tôi không còn bình tĩnh để biết những gì xảy ra. Thần kinh tôi tê liệt chỉ biết Việt cộng rất đông. Tôi bị đánh tơi tả tối tăm mặt mày bằng báng súng vào đầu vào lưng, những cú đá thốc thừa chết thiếu sống... ự... ự... bộp bộp ự... ự... Tôi ngã xuống lại bị nắm tóc xách dậy đánh tiếp. Cảm giác đầu bị vỡ ra, mắt hoa lên, tôi cảm nhận mùi tanh của máu, máu từ đầu, miệng mũi chảy xuống áo quần, trong khoảnh khắc thấy cái chết thật gần, tôi gục xuống mặc cho số phận.

Tiếng Việt cộng gọi nhau í ới, tôi nhắm mắt chấp nhận cái chết. Có bàn tay nắm tóc lôi dậy, tôi đứng không vững ngã chúi về phía trước. Dù cố gắng nhưng hai mắt không mở ra được, đưa tay lên sờ mặt mới biết nó biến dạng phình to như một quả banh nhầy nhụa máu. Hai tay tôi bị trói quặt sau lưng dính chùm với 2 người lính, chao đảo lê lết bước đi trong đau đớn rã rời từ thể xác đến tâm hồn.

Tôi lăn lóc qua những trại tù với bao khổ nhục trong nhiều năm, xem như mình đã chết. Bao nhiêu ước mơ đổ vỡ, bao nhiêu hoài bão còn dở dang! Ra khỏi nhà tù dù đang độ thanh niên nhưng cánh cửa tương lai đã khép, trước mặt tôi một tương lai mịt mù vô định.

Thời gian như bóng câu qua mành, mới đó đã gần nửa thế kỷ. Nhóm bạn thân ngày xưa giờ chỉ còn mình tôi sống sót. Năm ba đứa nằm lại cao nguyên, vài ba đứa gục ngã ở Quảng Trị, Trần Quang Hiệp bỏ mình ngoài biển đông trên đường tìm tự do. Tuấn Anh không có thông tin, Nguyễn Đủ, Huỳnh Lê, Lê Xuân Cường, Phạm Ngọc Trương nằm lại ngoài chiến trường; Võ Mai Hoàng là lính biển lại chết vì nước lũ cuốn trôi khi vớt củi trên sông Trà Bồng lúc mới ra khỏi nhà tù được mấy tháng. Nguyễn Công Hoanh xông pha trận mạc khắp miền cao nguyên vẫn bình an, nhưng khi vào nhà tù lại mang bệnh hiểm nghèo không thuốc chữa, về quê lam lũ với cuốc cày, làm thêm nghề đạp xe thồ nuôi đàn con dại cũng đã qua đời bỏ lại vợ yếu con thơ.

Trong 40 năm lang bạt mưu sinh sống nốt đoạn đời còn lại tôi vẫn chưa về thăm mộ thằng Trương như lời nguyền.

Trương ơi! Viết những dòng này thay cho nén nhang gởi đến mày, gần nữa thế kỷ rồi, với tao mầy vẫn là thằng Trương như ngày nào, ngày bọn mình ở tuổi mới lớn chưa tới đôi mươi đùa phá nghịch ngợm.

Hơn 40 năm chưa thăm mày một lần, tha lỗi cho tao còn nợ mày một lời nguyền Trương ơi!


Phước Tuy: cuối năm 2010
Lưu Hoàng Kỳ



Bấm vào đây để in ra giấy(Print PDF)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: Đêm Thánh với muôn muôn vàn vì tinh tú... Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet eMail by CATHY chuyển

 

Đăng ngày Thứ Sáu, December 15, 2023
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang