Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tùy
Bút
Chủ đề:
biệt chính đoàn/cb xdnt vnch
Tác giả:
Mường Giang
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Viết tặng ACE Cán bộ Xây Dựng
Nông Thôn Bình Thuận
Riêng Lê Ngọc Lan (Quận Đoàn
Trưởng/XDNT/BT)
Xem quyển Album XDNT VNCH...
Trước năm 1970, nhìn trên
bản đồ hành quân cuả tỉnh Bình Thuận và đếm từng cái ô vuông được
tô các màu xanh vàng đỏ, chúng ta có thể biết phần nào các căn cứ
của Việt cộng. Từ đó có thể phân loại ra từng khu vực A có an
ninh, B là vùng xôi đậu, và C khu vực mất an ninh hoàn toàn, do
địch kiểm soát nên còn được gọi là vùng oanh kích tự do hay Free
Strike. Hành quân trong vùng đồi cát hoang vu của mật khu Lê hồng
Phong hay miền rừng núi chập chùng hiểm trở tại các căn cứ Nam
Sơn, Mây Tào, trong lòng chảo sông Quao, La Ngà, hoặc các vùng
đồng bằng, cao nguyên tại Tà Dôn, Tà Cú, Ba Hòn, Tam Giác có
Kinh, Thượng, Chàm, Nùng sống lẫn lộn, thật sự người lính Quốc
Gia không biết ai là địch hay bạn. Ngay trong các vùng được gọi
là A tại thị xã Phan Thiết hay vùng B ven biên như Bình Lâm, Chí
Công, Thiện Khánh, Chợ Lầu, Phú Khánh, Đại Tài, Đức Long, cách
trường học, trạm phát thuốc, trụ sở ấp, và đồn Dân Vệ không xa là
mấy, bên con đường ngăn hai thôn xóm, trên con rạch nhỏ, giữa
cảnh nghèo xơ xác dưới mái tranh hay túp lều lụp sụp, đã là những
vùng xôi đậu. Trong hiểm họa chiến tranh, thêm vào sự thiệt thòi
khi nhận lãnh viện trợ Mỹ hay của chính phủ VNCH trước đây, do sự
tắc trách của cán bộ, nên đã tiếp tay đẩy đồng bào về với Việt
cộng. Lửa đạn đã biến người dân nông thôn thành kẻ du mục, bỏ
vườn ruộng nhà cửa và mồ mả tổ tiên, đi tìm những chốn yên lành,
để tránh VC tàn ác dã man và bom đạn của phe chính phủ, cũng một
phần lớn biến nông thôn thành vùng xôi đậu không biết đâu mà mò.
Từ tháng 11/1969 Đại tá Ngô tấn Nghĩa,
Trưởng phòng 2/QĐ2 về thay Đại tá Đàng Thiện Ngôn làm Tỉnh
trưởng Bình Thuận. Nhờ kinh nghiệm và nhiệt tâm, cộng với các
chiến thuật, hữu hiệu như khai quang Quốc lộ, củng cố đồn bót, cơ
sở hoạt động cùng thực hiện kế hoạch, dùng mìn Clymore, làm hàng
rào phòng thủ tự động các ấp chiến lược ban đêm, ngăn sự xâm nhập
và tiếp tế cho cán binh VC. Chiến thuật thần sầu trên, lần đầu
tiên đã được giao cho Đại Đội 238 Địa Phương Quân cơ hữu của quận
Hòa Đa, lúc đó do Đại úy Dụng văn Đối làm Chi khu trưởng, trắc
nghiệm thi hành nhưng đã thành công mỹ mãn. Cũng tại Chi khu Hòa
Đa từ 1969–1975, ngoài các Đại Đội Dân Sự Chiến Đấu thuộc Trại
Lực Lượng Đặc Biệt ở Lương Sơn, Sông Lũy thiện chiến, còn có
nhiều đơn vị ĐPQ hiển hách như:
– ĐĐ238/ĐPQ hoạt động tại Liêm Bình,
Long Lễ, Thoại Thủy, Minh Mỵ, Hậu Quách do Trung úy Lê văn Mùi
làm ĐĐT và Trung úy Ngô trúc Khánh, ĐĐP.
– Đại đội 119/ĐPQ của Trung úy Thanh
hoạt động tại Lâm Lộc, Phan Rí Cửa.
– ĐĐ296/ĐPQ của Trung úy Phan thế Trung
tại địa bàn Liêm Bình, Long Lễ.
– ĐĐ730/ĐPQ của Trung úy Nguyễn văn
Thứ tại Ngã Ba Hội Tâm Duồng (Thượng Văn).
– ĐĐ948/ĐPQ của Đại úy Mai xuân Cúc ở
Chợ Lầu, Hiệp Hòa, Tịnh Mỹ.
Nhưng cái yếu tố quan trọng nhất của sự
thành công, đem lại an ninh và hạnh phúc cho đồng bào Bình Thuận
từ thị xã Phan Thiết tới khắp các vùng nông thôn, vào những năm
cuối cùng 1970–1975, chính là sự điều hợp Quân, Cán Chính hữu
hiệu trong vùng xôi đậu của Bình Thuận. Đây cũng chính là các căn
cứ cũ của Việt Minh, đã có từ chín năm kháng chiến chống Pháp,
được gọi là Carte Rougeole.
Tại VNCH, từ thời Tổng thống Ngô Đình
Diệm, những người chiến sĩ áo đen qua danh xưng CÔNG DÂN VỤ đã
chính thức hoạt động đơn độc trong vùng địch chiếm hay tạm đóng.
Theo thời gian và tình hình chính trị, quân sự, người Công Dân Vụ
đổi tên nhưng không đổi màu áo và vùng. Họ là Biệt Chính Đoàn,
Bình Định Phát triển, rồi Xây Dựng Nông Thôn. Nhưng dù được khoác
một cái tên nào đó, các chiến sĩ áo đen cũng vẫn có nhiệm vụ bất
biến: Đó là sống hòa nhập với dân chúng nông thôn, biến họ từ thù
thành bạn, tạo niềm tin vào chính nghĩa nhân ái của quốc dân VN.
Đây là một tổ chức bán quân sự, tương tự như các đoàn GAMO, tức
là các đoàn Hành Chánh quân thứ lưu động ở Bắc Việt nhưng có cái
khác biệt là Gamo chỉ hoạt động trong vùng an ninh hay đã bình
định, còn Người Chiến Sĩ Áo Đen VNCH thì sống ngay trong lòng
địch hoặc xôi đậu với may rủi là do số mạng. Sống độc lập, đánh
chớp nhoáng, tuỳ cơ ứng biến, khôn khéo mua chuộc và lòng thương
của đồng bào, chính là cái phao cứu mạng. Lấy máu làm mực để cùng
với mọi người viết lên những trang chiến sử, sinh, và nằm xuống
trên quê hương mình, họ đáng để cho đời vinh danh dù chỉ bằng
máu, hoa, và nước mắt của người Việt đang sống lưu vong buồn
thảm. Năm nay một mùa hạ lại đang qua, với những sợi mưa mây lất
phất. Thời học trò đã mất, tuổi lính cũng không còn nhưng tiếng
ve sầu và cánh phượng đỏ chói suốt đời đeo đẳng vấn vương. Trong
nỗi buồn của mấy chục năm rồi, tháng tư năm nay sao mà thay đổi
kỳ lạ. Thì ra dâu bể cuộc đời tưởng sẽ làm quên tất cả nhưng thật
ra ta đã không quên bất kỳ một điều gì của Phan Thiết–Bình Thuận.
Nắng chiều buông xuống mặt biển cô quạnh, trong cái vắng lặng nơi
chốn quê xa, lúc này mới thật thấm thía về lời ca tiếng nhạc của
người ca sĩ, qua bản “Chiến Sĩ Vô Danh” của Phạm Duy:
“Mờ trong bóng chiều,
Một đoàn quân thấp thoáng
Núi cây rừng,
lắng tiếng nghe hình dáng
Của người anh
hùng”.
Hai
mươi năm chinh chiến, đâu đâu cũng có mặt những chiến sĩ hào hùng
của QLVNCH như Dù, TQLC, BĐQ, LLĐB, TG, BB, kể cả ĐPQ, NQ. Cũng
vậy, tại những tuyến lửa cực kỳ nguy hiểm không thua kém gì các
chiến trường lửa đạn. Những người lính áo đen âm thầm hoạt động
bên những thần tượng của Quân lực, tiếp cận, thông tin, và mở
rộng vòng tay đón đồng bào ra vùng mê lụy, chết chóc. Họ là những
chiến sĩ vô danh của QLVNCH, đã có mặt khắp nước cũng như tại
Bình Thuận từ 1955–1975, đã chết, bị tù đày hành hạ dã man như
bất cứ một người lính nào của miền nam, sau ngày 30/4/1975. Chỉ
riêng việc Hà Nội ra giá “Một cán bộ XDNT đổi năm lính Dù” đủ để
chúng ta nhắc nhớ và ái mộ những người một thời xả thân vì đại
nghĩa dân tộc.
1. BÌNH THUẬN VÙNG XÔI ĐẬU
Tháng 4/1954 quân Pháp tại Điện Biên
Phủ đầu hàng lực lượng Việt Minh kháng chiến. Ngày 20/7/1954,
hiệp định đình chiến Genève chia đôi VN được Pháp, Anh, Liên Xô,
và Trung cộng dàn dựng ký kết. Lần nữa cộng sản quốc tế Hà Nội
qua đồng bọn là Nga Tàu, đã cướp công thắng giặc của toàn dân
trong chín năm đấu tranh, ngập tràn máu lệ như chúng đã từng cướp
chính quyền vào mùa thu năm 1945. Đất nước thân yêu lại phân hai
tại dòng sông Bến Hải dù Hoa Kỳ và Chính phủ Quốc Gia VN lúc đó
do Quốc Trưởng Bảo Đại lãnh đạo, không chấp nhận, nên không ký
kết bản hiệp ước. Cũng kể từ đó biến động triền miên, người của
hai miền thảm thê gục ngã trước đạn súng và chủ thuyết ngoại
bang. Với quyết tâm dùng bạo lực cưỡng chiếm nửa phần đất còn
lại của quốc dân, cộng sản quốc tế Hà Nội chơi trò bổn cũ soạn
lại, lập mặt trận Ma Giải Phóng Miền Nam, gọi nôm na là Việt
cộng. Đây là cái bình phong để Hà Nội công khai tiếp tục quậy phá
dân lành VNCH, qua cái đám nằm vùng, gài người sau khi vũ khí
được chôn giấu kỹ để tập kết cuội.
Thay Pháp tại Đông Dương từ 1955–1975,
người Mỹ với chiến thuật lúc đó là chỉ cần có mặt cắm dùi, chứ
không tạo chiến thắng với phe cộng sản. Trong khi sau lưng Hồ và
Hà Nội cả một băng đảng Mác–Lê giúp rập từ Trung cộng, Liên Xô,
Đông Âu, Cu Ba cho tới các đảng cộng sản Tây phương tại Pháp, Ý,
và ngay cả Hoa Kỳ. Ngày nay nhân loại dễ nào quên câu nói bất hủ
của Jean Paul Sartre “Chỉ là Chó mới chống cộng” trong tác phẩm
của Y thị “Le Communisme est aussi un humanisme (chủ nghĩa cộng
sản cũng là chủ nghĩa nhân bản)”. Nay thì ai cũng thấy kể cả
những người mù, một phần là do VC trân tráo tuyên bố, phần khác
dựa vào các văn khố quốc tế và bia miệng bia đời. Theo đó, VC ở
miền Nam trong cuộc chiến 1955–1975, không phải là một đảng khác,
mà là đoàn quân viễn chinh của Bắc bộ Phủ, hoạt động hợp pháp tại
miền Nam, do Hà Nội điều khiển chỉ huy trực tiếp bởi VC dưới
quyền Hồ như Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, Trần văn Trà, Trần Độ.
Còn Nguyễn hữu Thọ là bù nhìn, Nguyễn thị Bình, Nguyễn thị Định
thân phận không hơn một nữ hộ lý.
Tóm lại suốt cuộc chiến, qua sự giả vờ
ngây thơ cụ cuả chính phủ Hoa Kỳ, ít nhất về hình thức VC đã
thành công đánh lạc hướng nhiều nước Tây phương xác nhận, chúng
là một thực thể quân sự, chính trị, độc lập với miền Bắc. Một tổ
chức tự phát địa phương chống lại VNCH. Cũng từ người Mỹ giả bộ
khi nói tới MTGPMN, để có một cái cớ hợp thức hóa giùm vai trò bù
nhìn của Thọ, Phát, Bình dù rằng cái đám lục bình này từ đầu đến
cuối, có bao giờ được Hà Nội cho dự quyết định chính trị. Song
song sự tung hô Mặt Trận, người Mỹ còn đểu cáng vẽ lên huyền
thoại Cục R, đầu não của Mặt Trận, bảo nó ở trong một khu rừng
già nào đó, bởi vậy đánh hoài R vẫn là R cho tới năm 1976, R mới
bị Hà Nội bắt tan hàng, giải thể vì hết nhiệm vụ. Tóm lại Cục R
chỉ là một địa điểm di động, có không không có, khi cần thì có,
tức là lúc Bắc bộ Phủ có nhu cầu về học tập, ban hành chỉ thị của
đảng, xong việc tan hàng. Bởi vậy khắp miền Nam, đâu cũng là Cục
R, ngay cả thủ đô Sài Gòn khi Phạm Hùng tới làm việc ở một căn
nhà trên đường Trần Khát Chân, Quận 1 hoặc trong một khu rừng già
mịt mù nào đó sát biên giới Việt–Miên, tại Tây Ninh hay Hậu
Nghĩa. Chính giới báo chí Sài Gòn năm xưa, qua tài liệu Mỹ và các
cán viết Bắc Việt nằm vùng như Lữ Phương, Vũ Hạnh, Phong Đạm,
Trần hiếu Minh (Nguyễn văn Bổng) dưới sự chỉ đạo của Trần Bạch
Đằng, tức Tư Méo hay Trương gia Triều, anh em thúc bá của Trúc
Viên Trương gia Kỳ Sanh, dân biểu Bình Thuận 1967–1971. Thêm vào
đó là trí tưởng tượng tuyệt luân của Chu Tử trong Sóng Thần, đã
tạo nên một huyền thoại mờ mờ ảo ảo về Mặt Trận và Cục R, đánh
động sự tò mò của đồng bào và giới trí thức miền Nam, nhằm mục
đích lung lạc và dụ dỗ mọi người theo VC, chống lại chính phủ
VNCH.
Tại Bình
Thuận từ lúc chính thức bàn giao lại cho Chính Phủ Quốc Gia VN
năm 1952 tới tháng 4/1975, có tất cả 19 vị tỉnh trưởng dân sự
cũng như quân đội. Ngoại trừ Trung tá Đinh văn Đệ, nguyên là bạn
của Nguyễn cao Kỳ và Trần văn Đôn, nghe nói thuộc khóa 1 SQTB Nam
Định, làm tỉnh trưởng Bình Thuận từ tháng 3/1965 tới đầu năm
1967, là một Điệp Viên Bắc Việt nằm vùng, đã giữ nhiều chức vụ
quan trong kể cả Trưởng khối An Ninh Tình Báo tại Hạ Viện. Chính
Y là người đã dàn dựng những bức tranh vân cẩu tại PT
[Phan
Thiết], xuống đường, rạch ngực lấy máu chống Mỹ Ngụy, từ
1965–1967. Sau tháng 4/1975, Y đã chính thức mang quân hàm Thiếu
tá Công An ở Sài Gòn. Riêng Đại tá Ngô tấn Nghĩa là người tại
chức lâu nhất (1969–1975), cũng là người có công rất lớn, trong
việc bình định và xây dựng an ninh, hạnh phúc cho dân chúng toàn
tỉnh.
Sống
trong vùng xội đậu, nạn nhân lãnh đủ vẫn là dân chúng chịu cảnh
trên dao dưới thớt, một cổ đôi ba tròng. Trong cái địa ngục này,
tất cả đều chực chờ thần chết từ mọi phía, những giáo làng, các
em học sinh tới người dân bình thường, không ai có quyền lựa chọn
vì theo Quốc Gia cũng khổ, hàng Việt cộng lại càng thê thảm hơn
cho nên cách duy nhất để giữ mạng là tuỳ cơ ứng biến, đó là quy
luật sống trong vùng xôi đậu. Giờ này viết lại vẫn thấy chua xót
đau lòng, qua những ngày hành quân tại những thôn làng mà dân
chúng đã hoàn toàn theo du kích. Thái độ của họ thật là bất nhẫn,
mua không bán, xin chẳng cho, công khai tìm đủ mọi cách liên lạc
với VC qua nhiều ám hiệu như giả bộ mang quần áo ra sân phơi,
quét dọn nhà cửa vườn tược để gây nên những tiếng động hay dùng
đèn báo hiệu ban đêm. Chính những điều nhỏ nhặt này, mới thấy
được sự quan trọng của chiến tranh tâm lý và trên hết là nỗi khó
khăn cùng hiểm nguy cực kỳ cuả các cán bộ dân vận, khi tới công
tác trong vùng xôi đậu. Lính tới rồi đi lại có đầy đủ phương
tiện, súng đạn để đối phó với mọi bất trắc. Trong khi các Đoàn
BĐPT [Biệt Đoàn Phan Thiết]
với quân số ít ỏi, vũ khí thô sơ
nhưng nhiệm vụ thì quá nặng nề. Cũng nhờ các chiến công vô hình
này, về sau ta đã hầu như gần nắm vững được tình hình bạn đích
khắp vùng. Từ năm 1970 về sau, nhờ sự cải thiện chiến thuật,
chiến lược, trên bản đồ hành quân của Tỉnh, màu đỏ màu vàng lần
lượt biến mất, ngoại trừ vùng núi non rừng rậm không có người ở.
2. BÌNH THUẬN TRONG BIỂN LỬA CHÍNH TRỊ
(1960–1975)
So
với các tỉnh khác tại miền Nam, Lực lượng võ trang cuả VC ở đây
không mạnh dù chúng có nhiều mật khu tốt để dung thân, có tiếp tế
dồi dào vì nằm ngay trên đường giao liên chiến lược nhưng thiếu
sự ủng hộ của quần chúng, ngoại trừ thân nhân và những nạn nhân
bị áp buộc. Sự việc Bình Thuận không có các Sư Đoàn Bộ Binh trấn
đóng hay suốt cuộc chiến vắng bóng Dù, TQLC, BĐQ, và trên hết là
sự thảm bại của VC trong ba lần tấn công Phan Thiết vào Tết Mậu
Thân 1968, đủ chứng minh sự nhận xét của các nhà viết sử hôm nay.
Nhưng tại sao trên báo chí, sách vở do
đảng biên soạn, lại luôn ca tụng chiến thắng và lúc nào cũng kéo
bè học sinh, phật tử vào chung xuồng. Thật sự cho ta biết từ đầu
năm 1955, VC nằm vùng đã có vài cơ sở hoạt động nội thành, trà
trộn trong các hội đoàn, chùa chiền và ngay cả trong các trường
Trung học Bạch Vân, Phan Bội Châu nhưng đó cũng chỉ là chút muối
bỏ biển, vì dân chúng ai cũng thích cảnh sống êm đềm hạnh phúc
nơi chốn rừng tiền biển bạc, nhà nhà sung túc, người người ấm no
trong suốt những năm 1955–1960. Nhưng máu đã bắt đầu đổ lại khi
Hà Nội ban hành nghị quyết 15 lập Đảng bộ miền Nam hay MA mặt
trận tức Việt cộng. Tiệc máu được mở màn tại Bến Tre cũng như ở
xã Bắc Ruộng, quận Tánh Linh, Bình Tuy. Từ đó VC trong ngoài
nhân danh Mặt Trận chống phá chính quyền Quốc Gia tận tuyệt. Bên
trong nội thành, cán bộ nằm vùng hợp pháp như Nguyễn thị hằng Nga
(GS/PBC), Nguyễn quý Đôn, Nguyễn Như, Năm Trà công khai rỉ tai,
sách động, lập băng, lập đảng. Bên ngoài thì du kích của Song Mã,
Hồ ngọc Lầu đánh phá khắp các ấp chiến lược, khu dân cư, và ngay
trong thị xã, tạo nên hoạt cảnh chiến tranh khiến cho mọi người
lo sợ, tưởng tượng như VC sắp cướp được chính quyền.
Cuộc chính biến 1/11/1963 rồi ba năm
xáo trộn 1963–1967 đã không mang đến cho mọi người ấm no hạnh
phúc, mà còn tạo cớ cho VC phỉ loạn, các thế lực quốc tế trong đó
De Galle của Pháp tha hồ tác quái. Nhưng trên hết Hà Nội đã thành
công khi thả hỏa mù, chơi trò đánh lận, tung hô cuộc tranh đấu
cuả Phật Giáo VN như là một tổ chức ngoại vi cộng sản, vừa làm
mất chính nghĩa đấu tranh lý tưởng, vừa tạo chia rẽ chết người
giữa các tôn giáo trong nước và vô hình trung khiến Phật Giáo
đương nhiên trở thành lực lượng công khai đối đầu với luật pháp
quốc gia. Dù Phật tử hay không Phật tử, mọi người đều biết nhân
sinh quan của nhà Phật rất gần gũi với quan niệm xã hội của cộng
sản, cùng phát xuất từ đói nghèo trên thế gian. Do trên, VC đã
tráo bài để mọi người cứ tưởng Phật Giáo là thân cộng. Nhưng
không có lửa làm sao có khói, để mọi điều tưởng như thật, VC gài
cán bộ vào trong mọi tổ chức và chính những tên này mới là thủ
phạm. Nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng cũng không làm sao xóa mờ nhân
ảnh của một thời kỳ loạn lạc u mê trong dòng sử Việt. Ngày nay
khi đọc lại những câu thơ của Trần quang Long như “dùng chính
trái tim mình làm trái phá” hay nhớ tới các tên sát nhân của Huế
như Hoàng phủ Ngọc Tường, Hoàng phủ ngọc Phan, Nguyễn đắc Xuân
cũng đã cảm thấy rợn người về ý nghĩa cuộc tranh đấu. Thật vậy,
ta cứ nghe bản tuyên ngôn lúc đó của phong trào: “con sẽ vót nhọn
thơ thành chông xuyên vào gan lũ giặc, con sẽ mài thơ như kiếm
sắt chặt đầu văn nghệ tay sai”, cho nêu đâu lạ gì cảnh một số
Sinh Viên Học Sinh tạo sự nghiệp trong học đường bằng tranh đấu,
quậy phá, ném lựu đạn giết người, ở tù để có tiếng.
Theo Hoàng phủ ngọc Tường trong “Hành
lang của người và gió” và bài viết mới đây trên tạp chí Cửa Việt
tháng 5/1997 cho biết Nằm Vùng VC trong các Đại Học và Tôn giáo
nhất là tại Huế, quyết chọn năm 1966 để mở chiến dịch tổng phản
công trên đường phố bằng Sinh Viên Học Sinh và Giáo đồ. Do trên,
VC đã lập Đội võ trang quyết tử tại Huế, giao cho Hoàng phủ Ngọc
Tường, Ngọc Phan, Nguyễn đắc Xuân, Phan duy Nhân, Lê thanh Xuân,
Trần quan Long, Lê minh Trương, Trần vàng Sao chỉ huy. Riêng Giáo
Sư tại Đại Học Huế là Ngô Kha thì chỉ huy đoàn quyết tử Nguyễn
đại Thức, chận đánh QLVNCH và Hoa Kỳ trên đèo Hải Vân. Rốt cục
tất cả đều hiện nguyên hình là cán binh, lấy chùa, trường học làm
chốn nương thân hoạt động. Những Huỳnh tấn Mẫm, Lê văn Nuôi, Bửu
Tôn, Hoàng phủ ngọc Tường đều là cán thật, thứ bậc còn hơn Bùi
tường Huân, Lê khắc Quyến, Lê Tuyên, Nguyễn văn Trung hợp đoàn bẻ
cong sự thật, khiến cho các vị chân tu tôn giáo đã lầm lạc khi
nhận định chủ quan về đường lối chính sách của Hà Nội. Sau tháng
5/1975, VC qua lời tuyên bố của Nguyễn văn Hiếu, rằng là Phật
Giáo tại VNCH là phản động, nên đảng phải giúp giải phóng, để trở
thành Phật Giáo cách mạng. Dậu đổ thì bìm leo, Bình Thuận cũng
lao đao lận đận suốt mùa pháp nạn. Rồi thì thảm trạng nhà tan cửa
nát Tết Mậu Thân nhưng may hơn Huế vì VC bị đánh đuổi về rừng,
nên không ai bị đập đầu, chôn sống hay cột đá quăng xuống biển.
Năm 1971 bầu cử Quốc Hội và Tổng thống
VNCH. Trong lúc hằng chục ngàn QLVNCH chết banh thây tại Hạ Lào,
thì ở hậu phương tiếp tục quậy nát đất nước, qua cái trò Ủy Ban
Chống Gian Lận Bầu Cử. Dòm qua, dòm lại, dòm tới dòm lui cũng chỉ
có Phan khắc Từ, Huỳnh Liên, Nguyễn ngọc Lan, Hồng sơn Đông, Lý
chánh Trung, Ngô công Đức, Trương gia Kỳ Sanh, Hồ ngọc Cứ, Trần
ngọc Liễn, Bà Ngô bá Thành, Nguyễn hữu Thái tất cả đều là phe ta
muốn Dương văn Minh lên làm tông tông thay Nguyễn văn Thiệu, để
mau đầu hàng Hà Nội. Tại Phan Thiết, Bình Thuận, theo ông Phạm
ngọc Cửu, lúc đó là Phó tỉnh trưởng kiêm chủ tịch Ủy Ban Bầu cử
TT và QH/VNCH kỳ 2 ngày 3/10/1971 tại Bình Thuận, cho biết tình
hình trong tỉnh cũng rối loạn như các nơi khác. Một mặt VC rải
truyền đơn bắt dân chúng bỏ phiếu cho 4 con gà nhà với chủ
trương: “Thiệu phải từ chức, Mỹ rút, chấm dứt chiến tranh, và hòa
hợp HG với VC”, nếu không sẽ phá nát bầu cử bằng bom đạn. Nhưng
cuối cùng 4 con gà cồ đều về áp chót và các ứng cử viên như GS
Nguyễn Quốc Biền (Công Giáo), Y sĩ Đại úy Đinh Xuân Dũng (Phật
Giáo), ThT Lượng (Chàm), và ThT Lý sáng Cóng (Nùng), đắc cử. Cựu
dân biểu Trương gia Kỳ Sanh, tức Trúc Viên về sau bốn người trên,
nên phải chờ nhiệm kỳ khác. Từ đó, Bình Thuận sống yên vui vì VC
đã bị ĐPQ/NQ cùng các Toán Xây Dựng Nông Thôn đẩy lui tận rừng
sâu, núi cao. Mật khu Lê Hồng Phong trở thành khu săn bắn của
Tổng thống Nguyễn văn Thiệu khi ra thăm Phan Thiết, Phan Rang.
Đường Quốc Lộ số 1 cũng như các tỉnh lộ khai thông, công xa di
chuyển không cần hộ tống. Thị xã Phan Thiết nhờ mưa thuận gió
hòa, dân biển ruộng trúng mùa, lại được an ninh tuyệt đối, nên
tha hồ ăn nhậu, vui hưởng hạnh phúc như buổi thanh bình thời
1955–1960. Nhưng đó là đối với dân, còn những người đứng mũi chịu
sào thì thảm thê cùng khốn. VC không thắng ta về quân sự, nhưng
ta đã mất nước vì phe ta. Để triệt hạ những người có công với
nước, ta chơi ta bằng cách bịa ra trò đánh tham nhũng trên báo
chí, đánh đêm ngày, đánh cho tới ngày 30/4/1975, VNCH bị cưỡng
chiếm mới hết đánh vì báo chí Sài Gòn trong đó có tờ Sóng Thần,
Điện Tín không còn và các nhà báo đánh phe ta cũng bị VC vắt
chanh bỏ vỏ, phải vượt biên ra hải ngoại để có báo trả thù người
Quốc Gia tiếp cho tới khi đạt được thắng lợi cuối cùng.
3. BIỆT CHÍNH ĐOÀN hay XÂY DỰNG NÔNG
THÔN TRONG VÙNG XÔI ĐẬU BÌNH THUẬN
Quốc sách Bình Định Phát Triển Xây Dựng
Nông Thôn Miền Nam VN, đã có từ thời Tổng thống Ngô Đình Diệm,
gắn liền với Ấp Chiến Lược, rồi Ấp Tân Sinh (thời Dương văn
Minh) và trở lại Ấp Chiến Lược khi Nguyễn Khánh nắm quyền cho tới
tháng 4/1975. Từ ngày 1/6/1966 để đáp ứng tình hình chiến sự càng
lúc gia tăng tại chiến trường, bẻ gãy âm mưu dùng nông thôn bao
vây thành thị của VC, chính phủ cho thành lập cơ cấu Xây Dựng
Nông Thôn, một hình thức chuyển hóa sự hoạt động của các Biệt
Chính Đoàn, cho phù hợp với kế hoạch chiến tranh của Hoa Kỳ lúc
đó là TÌM và DIỆT. Đứng dầu tổ chức này là Tổng Bộ Xây Dựng Nông
Thôn do Thiếu tướng Nguyễn Đức Thắng chỉ huy. Ngoài ra còn có
Nha Quản Trị Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn, trực thuộc Tổng Bộ Xây
Dựng Nông Thôn, do Đại tá Nguyễn Tài Lâm, khóa 1 SQ Thủ Đức làm
Giám Đốc. Một Trung Tâm Huấn Luyện Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn được
thiết lập tại rừng Chí Linh, đồi Hồng Lĩnh, đất Lam Sơn thuộc thị
xã Vũng Tàu, do Đại tá Nguyễn Bé, bút hiệu Tường Vân làm Chỉ Huy
Trưởng. Về nhân sự, cán bộ Xây Dựng Nông Thôn ngoài một số tân
tuyển, phần lớn được cải tuyển từ Biệt Chính Tiền Phong, Biệt
Chính Nhân Dân, Cán Bộ Công Dân Vụ, Cán Bộ Hành Chánh Lưu Động,
Cán Bộ Ấp Tân Sinh, Cán Bộ Chính Trị Nông Thôn...
Từ năm 1966–1968, giai đoạn xây dựng
các Ấp Đời Mới kiểu mẫu tại nông thôn với sự phối trí hoạt động
của Đoàn BĐPT gồm 59 cán bộ, nên còn gọi là ĐOÀN 59 gồm 1 Ban Chỉ
huy, 1 Liên toán Xây Dựng, và 1 Liên toán Dân Quân. Các Đoàn 59
do tỉnh trưởng kiêm Chủ tịch HĐXDNT chỉ huy trực tiếp, thi hành
theo chính sách của trung ương đề ra gồm 4 tư tưởng chỉ đạo, 5 kỹ
thuật căn bản, 11 mục tiêu, và 98 công tác dân vận. Đinh văn Đệ
lúc đó là tỉnh trưởng, Điệp viên nằm vùng của VC, nên đã tạo
cho an ninh toàn tỉnh Bình Thuận kể cả Phan Thiét, tồi tệ đến mức
gần như là lãnh thổ của VC, mặc dù tại đây đã có Lữ Đoàn 605 Dù
của Hoa Kỳ đóng trên Căng. Cũng vì tình hình quá nguy hiểm nên
trung ương đã phải lượng giá lại các xã ấp trong tỉnh lúc đó gồm
7 quận, 53 xã, và 173 ấp theo bản đồ quân sự chia vùng A, B, C.
Nhiệm vụ của các Đoàn BĐPT tại Vùng B
xôi đậu, ban ngày là của ta, ban đêm thuộc địch nên vô cùng nguy
hiểm. Nói chung trong giai đoạn này, hầu hết các quận đều được
phối trí các Đoàn công tác 59. Tại quận Hàm Thuận có 6 Đoàn:
– Đoàn 1 tại liên xã Mương Mán, Văn
Phong;
– Đoàn 2 tại xã Phú Hưng;
– Đoàn 3 liên Ấp Gò Bồi, Thuận Nghĩa;
–
Đoàn 4 Ấp Phú Khánh, Phú Lâm;
– Đoàn 5
liên Ấp Phú Nhang, Phú Mỹ thuộc xã Phú Hội, và
– Đoàn 6 hoạt động tại ấp Xuân Phong.
Tại Thiện Giáo gồm nhiều Đoàn hoạt động
tại Vùng B như xã Tùy Hòa, Phú Long, Lại An, Bình An, Bình Mỹ
Thuận, và Ma Lâm. Tại Hải Long, các xã Thanh Hải, Khánh Thiện, và
Thạch Long thuộc loại A, nên chỉ có 4 Đoàn hoạt động tại Bàu Me
xã Thiện Nghiệp, Rạng xã Thiện Khánh, Phước Thiện Xuân, và Liên
Ấp Ngọc Hải, Ngoại Hải thuộc xã An Hải. Tại quận Hoà Đa có 6
Đoàn, 2 Đoàn hoạt động tại xã Phan Rí–Cửa ở các ấp Hội Tâm, Lâm
Lộc, Phú Ninh, và Phú Hải. Xã Thượng Văn có 1 Đoàn hoạt động tại
Ấp Thanh Lương. Tại xã Chợ Lầu có 1 Đoàn đóng tại Liên Ấp Hòa An,
Hòa Hiệp. Xã Phan Rí–Thành có 1 Đoàn tại Ấp Long Lễ và 1 Đoàn ở
xã Lương Sơn. Quận Hải Ninh có 2 Đoàn tại Sông Mao và Sông Lũy.
Quận Phan Lý Chàm chỉ có 1 Đoàn phối trí hoạt động chung. Quận
Tuy Phong có 2 Đoàn được phối trí 1 Đoàn tại La Gàn, Bình Thạnh.
Riêng Đoàn 2 bao vùng từ Liên Hương tới xã Phước Thể, Vĩnh Hảo
Đông, Vĩnh Hảo Tây, và Tuy Tịnh Việt.
Ngoài ra còn 1 Đoàn hoạt động ngoài hải
đảo Phú Quý tại 3 Ấp Long Hải, Tam Thanh, và Ngũ Phụng. Trong
thời gian Bình Định Phát Triển này, các Đoàn 59 thường bị VC tấn
công, dù trong lúc công tác có ĐĐ/ĐPQ hay Trung Đội NQ yểm trợ.
Nhờ sự hoạt động hữu hiệu tại nông thôn, giai đoạn này các cơ sở
hạ tầng VC bị phá vỡ rất nhiều, thêm vào đó là sự hồi chánh của
cán binh, nên VC quyết tâm phá hoại. Cũng trong năm 1966 khi Đinh
văn Đệ còn làm tỉnh trưởng, một cuộc tấn công táo bạo của 1
TĐ/VC ngay tại Ấp Đại Tài, ngoại ô Phan Thiết, khiến gần hết 1
ĐĐ/ĐPQ cuả Trung úy Huỳnh Đức, người Mũi Né, Cựu học sinh PBC
1955–1962 tan hàng cùng với Đoàn 59 của Đoàn trưởng Phạm Cường.
Tỉnh Đoàn BĐPT/Bình Thuận được chính
thức thành lập vào tháng 6/1966. Thời gian này văn phòng liên lạc
đóng tạm tại Hội trường Diên Hồng, kế Ty Thanh Niên do Thiếu úy
Phạm Nhật Hưng làm Tỉnh đoàn trưởng. Thời gian này Tỉnh chỉ có 2
Đoàn tân tuyển, đã thụ huấn khóa 1/1966 tại Vũng Tàu về hoạt
động. Những năm kế tiếp do nhu cầu và tình hình an ninh, số Đoàn
và Cán bộ BĐPT đã tăng lên gần 2000 người, nên có doanh trại tại
Trại Quang Trung. Từ năm 1966–1975, Tỉnh Đoàn BĐPT hay XDNT/Bình
Thuận được chỉ huy bởi Thiếu úy Phan Nhật Hưng (Tỉnh đoàn trưởng
1966–1968), Trung tá Nguyễn hữu Định (TĐT 1968–1969), Trung tá Lê
Chí Hảo (TĐT 1969–1972), và Lê Minh Giang (TĐT 1972–1975).
Sau trận tổng công kích Tết Mậu Thân–68
của VC, tình hình an ninh tại Miền Nam gần như được vãn hồi. Do
trên, người Mỹ cũng đã thay đổi kế hoạch chiến tranh từ “Tìm &
Diệt” tới mưu tìm hòa bình, chấm dứt chiến tranh. Trong chiều
hướng trên, từ năm 1969, danh xưng Bình Định Phát Triển cũng đổi
thành Xây Dựng Nông Thôn và Đoàn Cán Bộ 59 người cũng tái phối
trí thành Đoàn 30 người, gồm 1 Ban Chỉ Huy và 3 Toán công tác. Từ
năm 1970, để phù hợp với các biến chuyển chính trị trong và ngoài
nước, cũng như trước tình hình an ninh khả quan tại nông thôn,
Tổng Bộ Xây Dựng Nông Thôn đã được đổi thành Bộ Phát Triển Nông
Thôn và danh xưng Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn cũng được đồng nhất
thành Cán Bộ Phát triển Nông Thôn với nhiệm vụ Phát Triển Nông
Thôn trong thời bình. Nhiều dự án do ngân sách của Chính Phủ tài
trợ, giúp Ấp Xã xây cất thêm trường học, chợ búa, phát triển thêm
nhiều tổ hợp chăn nuôi heo giống, trồng lúa ngắn hạn và hành nghề
chài lưới...
Từ đầu năm 1971, trước sự kiện Hoa Kỳ đang tiến hành giải pháp
thương thuyết bí mật với Hà Nội để giải quyết chiến tranh, Chính
Phủ VNCH cũng đã thay đổi kế hoạch để chống lại âm mưu chiếm đất
giành dân của VC. Do trên, Đoàn 30 Cán Bộ lại được cải biến thành
Đoàn 10, gồm 1 đoàn trưởng và 9 cán bộ chuyên môn, với nhiệm vụ
tận Ấp Xã. Riêng số cán bộ thặng dư được chuyển ngành sang Cảnh
Sát, Điền Địa, và Các Viên Chức Xã Ấp. Cuối cùng đầu năm 1972,
chấm dứt nhiệm vụ của Đoàn 10 Cán Bộ Phát Triển Nông Thôn. Từ đó
Đoàn 10 chính thức là Xã Đoàn Cán Bộ Phát Triển Nông thôn, trực
thuộc cơ cấu hành chánh xã nhưng đồng thời cũng nằm trong hệ
thống chỉ huy của Tỉnh Đoàn, Quận Đoàn. Đầu năm 1974, nhằm cải tổ
hành chánh cho hợp với tình hình chính trị và ngân sách, Bộ Phát
triển Nông Thôn bị giải thể, Nha Cán Bộ trở thành Tổng Nha Cán Bộ
Nông Thôn, trực thuộc Bộ Nội Vụ, và Cán Bộ Phát Triển Nông thôn
trở thành Cán Bộ Nông Thôn cho tới ngày 30/4/1975.
Một thời lịch sử đã khép lại, bao chục
năm buồn thảm đến đi trong thiên đường xã nghĩa nhưng vẫn không
ngăn nổi phế hưng cuộc đời, trong đó thời gian đã làm sống lại
những gương anh hùng liệt nữ của VNCH thuở nào đã nằm xuống vì
đại nghĩa dân tộc từ 1955–1975. Và như thế viết lại những trang
sử này cho dù không thể nói hết vì Những người Cán Bộ Áo Đen
chiến đấu đơn độc trong vùng xôi đậu khắp nước hay tại Bình
Thuận, là những chiến sĩ vô danh thênh thang một cõi đi về. Thực
tế qua các tài liệu còn lưu trữ, ta biết được trong hai mươi năm
chinh chiến, số cán bộ công dân vụ, biệt chính đoàn, và sau này
là xây dựng nông thôn, đã nằm xuống ở đây không phải là ít ỏi,
nhất là trong thời gian 1963–1969, là thời kỳ hỗn loạn trộn trấu
xô bồ nhất tại Bình Thuận. Năm 1966, ngay tại cổng Ấp chiến lược
Đại Tài ngoại ô Phan thiết, qua sự dàn dựng của Đinh văn Đệ,
khiến cho gần một ĐĐ/ĐPQ của Trung úy Huỳnh Đức và Đoàn 59 Cán
Bộ PTNT của Đoàn Trưởng Phạm Cường cùng Đoàn Phó Dân Quân Nguyễn
Đề thương vong. Năm 1970 tại xã Tuỳ Hòa, Đoàn trưởng Nguyễn
Phương trong lúc đang hướng dẫn Đại tá Tỉnh trưởng Ngô Tấn
Nghĩa tham quan Ấp Tân Sinh, thì bị tử thương tại chỗ. Trong trận
chiến Tết Mậu Thân 1968, VC pháo kích Trại Quang Trung nơi có
Tỉnh Đoàn PTNT, làm tử thương Cán Bộ Nguyễn Hưng Thắng và khiến
cho nữ Cán Bộ Nguyễn thị Lam Tiên bị đứt lìa cả hai chân. Đây chỉ
là trong ngàn muôn cái chết của những anh chị em cán bộ, đã ngã
xuống khi dấn thân vào lòng đất địch.
Những ngày mất nước từ tháng 5/1975,
Đoàn trưởng Dương Đàng cùng với Đại úy Lê Văn Trò, ĐĐT/ĐĐ 206
Thám Kích Tỉnh, bị VC phanh thây trước vườn hoa Phan Thiết. Nhiều
người chết ngay trong tù khắp tỉnh từ Hàm Tân, Huy Khiêm, Tà Lon,
Cà Tót, Sông Mao, Sông Cái. Một số lớn mãn tù về chết tại nhà như
Tỉnh đoàn phó Lê Minh Hải, Quận đoàn trưởng Phùng Bửu Hưng, Xã
đoàn trưởng Đỗ văn Quế, Nguyễn ngọc Oanh Xã trưởng xã Bình An,
Nguyễn Thông Chủ tịch xã Phú Long, Nguyễn văn Đồng Ấp Trưởng Ấp
Hải Tân Phan Rí–Cửa, Trung úy Tăng văn Đồng Trưởng Ban 5 Hòa Đa,
Nguyễn văn Bường CS Hải Long, Trung úy Đoàn hữu Bính, Trưởng
phòng NDTV Hàm Thuận... nhiều quá làm sao kể hết?
Năm nay tháng Tư lại qua như hăm tám
năm về trước nhưng là tháng Tư náo nức rưng rưng của người lính
già, được đứng trước tượng đài vinh danh người Chiến Sĩ VNCH,
được tận mắt nhìn lại những hàng cờ thân thương của Quốc Dân VN
màu vàng ba sọc đỏ, chạy dài trên phố thị Tiểu Sài Gòn (Little
Saigon). Nhưng niềm vui nhất có lẽ là sự đoàn kết đầy ý nghĩa của
Quân, Dân trong Ủy Ban Quân Cán Chính VNCH Hải Ngoại, càng ngày
càng lớn mạnh và càng làm cho kẻ thù Cộng sản run sợ. Chợt nhớ
tới hai câu thơ:
“Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời
Mỗi số phận chứa một phần lịch sử”.
Lịch sử do con người tạo nên và sao
chép lại để lưu danh. Trong đó ai cũng có phần, cho nên đừng
tưởng rằng thời gian rồi sẽ quên tất cả. Cho dù người sống có
khoan dung nhưng có ai ngăn nổi những oan hồn tử sĩ VNCH đang đội
mồ sống lại, để đòi danh dự và nợ máu oan khiên từ đảng cộng sản
bán nước và đám phản tặc Việt gian đang lẩn quẩn trong dòng người
Việt hải ngoại?
Mường Giang
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: lũy tre làng. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by tqh chuyển
Đăng ngày Thứ Hai, January 20,
2025
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang