Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tùy
Bút
Chủ đề:
đoàn cb xdnt vnch
Tác giả:
Nguyễn Nhơn
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
May mắn ở Lương Sơn có một
Ấp chiến lược tốt và dưới sự chỉ huy tài ba và can trường của xã
Dược nên VC không đột nhập được, nhưng những cán bộ xã ấp XDNT,
cảnh sát phải chiến đấu kiên cường để bảo vệ mảnh đất quê hương
thân yêu và bản thân cùng gia đình họ. Thật là một sự hy sinh to
lớn đáng vinh danh, thường thì mọi người cứ nghĩ đến những chiến
sĩ can trường đấu tranh giữa trận tuyến với địch mới là những
người con kiêu hùng, và thường hay quên đi số phận hẩm hiu của
những chiến sĩ thầm lặng nhưng đầy can trường này. Chính họ đã
giữ vững an lành cho hậu phương để cho tiền tuyến an tâm đánh
giặc.
Qua bao
nhiêu năm rồi vinh danh họ có muộn màng không? Thưa có như vậy,
nhưng chúng ta phải tri ân họ vì chính họ mới là những anh hùng
thật sự trên trận tuyến chống Cộng sản xâm lược. Chiến tích của
họ thật thầm lặng nhưng không kém phần quan trọng trong cuộc
chiến. Xin đốt nén nhang nghiêng mình trước những chiến sĩ thầm
lặng đã nằm xuống, và xin tri ân những người còn sống sót sau
cuộc chiến. Dù đang ở một phương trời nào cũng xin nhận nơi đây
lòng biết ơn sâu sắc.
–(Xuân An. Cao H Sơn)
Họ là những anh hùng không tên tuổi
Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông,
Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh,
Nhưng can đảm và tận tình giúp nước.
–(Đằng Phương)
Ở đâu có tình hình khẩn cấp, ở đó có
mặt hai lực lượng ÁO ĐEN:
Một Phòng vệ: Dân vệ (sau này là Nghĩa
Quân) và Nhân dân Tự vệ.
Một Xây dựng: Chiến sĩ áo đen Xây dựng
Nông thôn.
1965: khi tình hình gay go, để giữ vững vùng Bình Trị, sát rừng
Cù Mi căn cứ việt cộng, Quận Dĩ An đưa vào ngay tại quê nhà tỉnh
ủy vc Năm Trang một đoàn Xây dựng Nông thôn. Những ngày đầu chưa
phòng thủ vững vàng, đoàn bị vc đột kích, thiệt hại khá nặng, có
cả tử vong. Rốt cuộc vẫn bình định được cả hai xã Tân Hiệp và
Bình Trị.
1972: Tiếp đón và Điều hành Trung tâm Khẩn hoang Lập ấp Thái
Thiện, Long Thành dành cho 15 ngàn đồng bào Miền Trung và 5 ngàn
người thuộc gia đình cựu quân nhân Sài Gòn là Toàn bộ Tỉnh đoàn
Xây dựng Nông thôn Biên Hòa.
1975: Công tác lớn lao và có ý nghĩa
của chính sách Bình định – Xây dựng – Phát triển Nông thôn vừa
hoàn thành phần an cư. Tỉnh đoàn được rút về chưa được nghỉ ngơi
thì biến cố “chiến dịch hồ” tràn tới: Cả trăm ngàn nạn nhân chiến
cuộc từ Miền Trung kéo vào Biên Hòa. Tỉnh lại phái Tỉnh Đoàn kéo
róc xuống Làng Cô Nhi Long Thành lo tiếp nhận và bố trí nơi tạm
cư cho 80 ngàn đồng bào tị nạn.
Vậy đó, công lao đóng góp của người cán
bộ áo đen Xây dựng Nông thôn là như vậy đó!
Nay nhân đọc bài viết dẫn trên với câu
hỏi: “Chính họ đã giữ vững an lành cho hậu phương để cho tiền
tuyến an tâm đánh giặc. Qua bao nhiêu năm rồi vinh danh họ có
muộn màng không?”
Tôi mạo muội đáp lời, mỗi khi tôi viết
về “lực lượng áo đen” Dân vệ và Xây dựng Nông thôn, tôi viết với
tấm lòng trang trọng “tình chiến hữu” không cần phải “vinh danh
biết ơn” vì họ là anh em của tôi.
NƯỚC MẮT TRẺ THƠ Và NHỮNG NGƯỜI ĐÃI
NGỌC
Viết nhân
ngày kỷ niệm Hai Bà Trưng và 20 năm mất nước.
Dẫn: Để ghi nhớ Một thời Những Chàng
Trai Hành Chánh sát cánh cùng Đoàn Cán Bộ Áo Đen XDNT cùng nhau
dựng Ấp, xây Làng.
Chương trình văn nghệ nhân ngày kỷ niệm
Hai Bà Trưng năm nay do Hội Phụ Nữ Hải Ngoại tổ chức được khởi
đầu bằng bài hát Làng tôi do cháu gái 7 tuổi trình diễn:
Làng tôi có cây đa cao ngất tầng xanh
Có sông sâu lơ lửng vờn quanh...
Nhìn cánh chim non lạc đàn, run rẩy
chim chíp tiếng kêu thương nhớ Làng, nhớ Tổ đã khó kìm nước mắt.
Kịp khi vừa dứt bài ca, cháu bé oà khóc, kêu lên vì cháu nhớ
Ngoại, thì cũng đành khóc oà cùng với cháu bé. Khóc không phải vì
nhớ Ngoại, vì Ngoại của người viết đã mất từ lâu, mà khóc thương
cho cháu bé, vì đâu nên nỗi? Phải chi người lớn đều ngu hèn cả lũ
như gần đây người ta muốn khơi gợi lại những lỗi lầm xưa cũ thì
cũng đã đành. Đàng này còn có hàng vạn người âm thầm đãi ngọc
ngày trước, sao không lý tới. Tôi muốn nói về những người bền bỉ
giữ làng, dựng ấp: Các chiến sĩ áo đen Xây Dựng Nông Thôn.
Họ vốn là những người trai làng chất
phác, học vấn tuy ít ỏi, nhưng đức tính cần cù, nhẫn nại, lòng
ngay thật có thừa, cho nên được giao cho công việc truy tầm lại
dấu tích đẹp đẽ của cha ông ngày trước.
Hương Ước: Một cố gắng tái hiện truyền
thống Dân tộc “Phép vua thua lệ làng”.
Sau khi cùng với dân làng đổ mồ hôi,
nước mắt, kể cả nhiều khi đổ máu nữa, để cùng nhau dựng nên hàng
rào phòng thủ Ấp, người cán bộ áo đen liền xúc tiến việc tổ chức
đội ngũ Nhân dân tự vệ để giữ làng, giữ ấp, chống lại sự xâm
nhập, quấy phá của du kích VC. Hai công tác này làm xong thì coi
như đã hoàn thành mục tiêu “Tự Phòng”. Bây giờ là lúc tiến hành
mục tiêu “Tự Quản” trong đó công tác xây dựng “Hương Ước” là chủ
yếu. Nước có Hiến Pháp, Làng có Hương Ước. Hiến pháp là luật pháp
tối cao của Quốc Gia. Hương Ước là giềng mối của đời sống dân
làng. Đó là bản văn ghi lại những nghĩa vụ và quyền lợi, những mỹ
tục lâu đời, những điều cấm kỵ đặc trưng của địa phương, do dân
làng long trọng kết ước với nhau. Việc làm tuy chưa đuợc hoàn mỹ,
vẫn là một cố gắng thể hiện lại một nét đẹp của truyền thống thôn
làng Việt Nam: Truyền thống địa phương phân quyền theo đạo lý
riêng của Việt tộc.
Trung tâm Cộng đồng hay Nhà họp dân:
Trở về với Truyền thống “Cái Đình”.
Ngày xưa Đình làng là nơi để cho Kỳ mục
và dân làng họp bàn việc làng, việc nước. Cũng là nơi hội hè,
đình đám vui chơi trong những ngày lễ hội truyền thống. Về sau,
lênh đênh theo vận nước nổi trôi, hết thực dân rồi chiến tranh,
Đình làng chỉ còn là nơi thờ tự, Xuân Thu nhị kỳ tế lễ. Để bổ
sung phần mất mát trọng yếu đó, chương trình Xây Dựng Nông Thôn
đề ra công tác xây dựng Trung tâm cộng đồng mà dân làng gọi bằng
cái tên rất Việt Nam là Nhà Họp Dân. Người viết có một kinh
nghiệm lý thú về sự kết hợp hài hoà giữa hai kiến trúc cũ mới đó
khi đồng ý để cho đoàn cán bộ áo đen thỏa thuận với Ban Hội Hương
dùng vật liệu và ngân khoản của chương trình XDNT thực hiện dự án
mở rộng tiền đình của Đình làng thành Nhà Họp Dân. Sự kết hợp hài
hoà đó đã đem lại đầy đủ công năng, tính chất dân chủ truyền
thống của triết thuyết “Cái Đình” cổ truyền. Mô hình tốt đẹp đó
chưa kịp mở rộng ra thì lũ giặc Cộng tràn về, xua đuổi dân làng
ra khỏi nơi họp hành, thờ tự, để rồi biến chỗ biểu tượng truyền
thống thôn làng đó thành nơi sản xuất hàng hoá: Đó mới là tội ác
lớn lao, hủy hoại truyền thống Dân Tộc.
Khẩn hoang, lập ấp: Tái hiện mô thức
“Tỉnh điền”.
Nếu hiểu rằng Tỉnh điền là phương cách thực hiện nguyên lý quân
phân tài sản thuở xưa, thì trong hiện đại, đó là chủ trương hữu
sản hóa đại chúng. Đệ Nhất Cộng Hòa có chương trình hữu sản hoá
tài xế xe Taxi, tức là chương trình bán trả góp xe taxi cho người
lái xe thuê. Đệ Nhị Cộng hòa có chương trình “người cày có
ruộng”, tức là hữu sản hoá nông dân cày thuê bằng cách truất hữu
điền chủ lớn, chia cho nông dân mỗi gia đình 3 mẫu. Khẩn hoang,
lập ấp là kế hoạch nối tiếp của chương trình người cày có ruộng,
nhằm tái định cư và hữu sản hoá người dân nghèo ở những vùng
thiếu đất canh tác, ví dụ như các Tỉnh miền Trung.
Hồi đó, mấy “ông nhỏ” phụ trách thiết
kế chúng tôi đều là giới trẻ tân học nên chẳng có “vị” nào tận
mắt thấy cái đồ hình “Tỉnh điền” xưa. Vậy mà khi bắt tay vào
việc, chẳng biết mày mò thế nào mà vẽ ra được bản đồ án gần đúng
với mô hình Tỉnh điền, mà về sau này, khi ở tù VC ra, có dịp đọc
bộ Triết lý Việt nho của Giáo sư Kim Định mới so sánh nhận ra
được. Về hình thức thì mô hình đó cũng đơn giản thôi, chủ yếu là
cứ 50 hộ dân cư qui lại thành một khu gia cư, giữa khu cho đào
một giếng nước công cộng. Kế hoạch đơn giản có vậy thôi, nhưng
khi thực hiện là gian nan lắm. Từ khi khảo sát địa điểm đã có
nguy cơ lãnh đạn bắn sẻ của du kích VC rồi. Đến khi bắt đầu ủi
hoang lập khu gia cư, thì chỉ riêng một khu định cư Thái Thiện,
Long Thành thôi, VC đột kích bắn cháy liền một lúc 6 chiếc xe ủi
đất. Tiểu khu liền thảy vào nguyên một Tiểu đoàn Địa phương quân
mở đường ủi tiếp. Mặt quân sự đã vậy, công việc quản trị dân sự
cũng gay go không kém. Lớp lo đối phó với những hoang mang giao
động của người dân khẩn hoang, lớp lo trấn an những nghi ngại về
đất đai đối với người dân sở tại. Hồi đó hầu như phải tập trung
cả Tỉnh đoàn cán bộ XDNT về khu này công tác. May nhờ sự tận tụy
của đoàn cán bộ áo đen, mọi việc được tiến hành êm ả. Đời sống
của người dân khẩn hoang vừa mới ổn định, nhà cửa xây dựng khang
trang, sắp khởi đầu canh tác vụ mùa đầu tiên, thì giặc cướp tràn
đến, phá sập hết nhà cửa, đuổi gần 2 vạn dân trở về nguyên quán
Miền Trung, tiếp tục sống đói nghèo cho mãn kiếp.
Trên đây là những mảnh ngọc truyền
thống xưa do công khó của những người chiến sĩ áo đen đãi lọc.
Khốn nỗi chất ngọc thì ít, mà chất bẩn vẩn tạp, sỏi cát trộn lẫn
thì nhiều, nên chưa kịp trưng ra vẻ đẹp ngọc ngà, thì cơn cuồng
phong quỷ Đỏ đã ập tới, cuốn phăng tất cả vừa người, vừa ngọc.
Người đãi ngọc lầm than tù đày, rồi về sống âm thầm tủi nhục nơi
quê cũ. Ngọc thì lại thêm một phen thất tán, tiêu trầm.
Nhân ngày lễ giỗ Hai Bà, lấy chút nước
mắt trẻ thơ hòa cùng dòng dư lệ của lớp già, rửa qua lớp bụi thời
gian, để cho sắc ngọc xưa chiếu lấp lánh một lúc trong lòng người
tỵ nạn tha hương. Mong rằng những ai hiện nay đang đôn đáo tìm
cầu loài ngọc giả phù hoa, khi còn khi mất, bình tâm nghĩ lại.
Vẫn biết rằng công cuộc giật sập căn nhà Mát–xít duy vật hiện nay
là khó lắm, nhưng xin ai đó chớ thối chí chạy quanh, toan tìm
đường thoả hiệp với giặc cướp. Cho dù chúng có để yên cho quý vị
về Nước, dựng lại Nhà, thì căn nhà được xây trên nền móng “nửa
Mát–xít duy vật, nửa tư bản vụ lợi” đó, chỉ có thể xông lên độc
khí hại người, chứ không thể nào là Ngôi nhà Việt Nam sáng sủa và
thoáng đãng được. Nếu quý vị cứ quyết ý làm thế, thì chắc chắn sẽ
có ngày thế hệ kế tiếp cháu bé 7 tuổi kể trên, sẽ một lần nữa cất
tiếng khóc than vì nhớ “Bà cụ cố” thôi. Chi bằng chúng ta, muôn
người như một, đồng lòng quyết ý, xúm nhau vừa gây áp lực ở hải
ngoại, vừa cổ võ tinh thần tranh đấu đòi Dân sinh, Dân chủ của
đồng bào trong nước. Nếu cứ trì chí, nhẫn nại như vậy cho đến khi
bọn giặc cướp vì tranh ăn, cấu xé lẫn nhau, thì chúng ta cũng có
cơ hội phá sập một lần căn nhà “Xã nghĩa” ma quỷ đó, để cùng nhau
xây dựng “Ngôi Thái Thất” tráng lệ của giống dòng Lạc Việt. Chỉ
như vậy mới mong có ngày được nghe lại tiếng hoan ca của đàn trẻ
thơ đồng vọng trên Quê Việt mến yêu:
Tết Trung thu đốt đèn đi chơi
Em đốt đèn đi khắp phố phường
Đèn ông
Sao với đèn Cá chép
Đèn Thiên nga với
đèn Bươm bướm
Em đốt đèn này dưới trăng
Rằm.
Mong lắm
vậy thay!
3/1995
NHỮNG NGÀY CUỐI TRÊN ĐẤT ĐỒNG NAI
Sáng ngày 26 tháng tư, 1975, như đã hẹn
trước với ông Hampton, Đại diện Tổng lãnh sự Mỹ tại tỉnh Biên
Hòa, tôi đưa ông xuống thăm đồng bào tị nạn chiến cuộc tại Làng
Cô nhi Long Thành, để ông khoản đãi bia cho toán khoan giếng vì
đã khoan giếng xong trước thời hạn dự liệu.
Tiễn ông về, tôi di chuyển thẳng xuống
khu khẩn hoang, lập ấp Thái Thiện, Long Thành để xem xét việc
tiếp nhận và phân phối gạo cho hai vạn đồng bào di dân tại nơi
đây. Vì trên danh nghĩa, tôi là chỉ huy trưởng Khu Khẩn Hoang,
Lập Ấp này nên Thiếu tá Lợi, Liên đoàn trưởng LĐ Địa phương quân,
chịu trách nhiệm yếu điểm quân sự nơi đây trình bày: Liên đoàn
hiện nay đóng cheo leo nơi đây. Nếu VC đánh bứt ngang Quận Long
Thành thì 2 tiểu đoàn của ông đứt mất đường về. Vì vậy, ông nhờ
tôi trình với Đại tá Tỉnh trưởng cho LĐ rút về tăng cường bảo vệ
Quận lỵ Long Thành phải hơn.
Tôi nghe ông nói là hiểu liền, có điều
có hai điều nan giải:
Một là, nếu Liên đoàn mà rút đi, bọn du
kích địa phương tràn vô tàn phá, sát hại dồng bào thì làm thế
nào?
Hai là,
nếu LĐ mà rút thì 20 ngàn đồng bào sẽ kéo theo, sự thể sẽ giống
như Lưu Bị rút binh khỏi thành Tân Dã, vừa rút quân vừa đèo theo
hai vạn dân, lếch thếch tràn vào quận lỵ Long Thành hiện cũng đã
tràn ngập đồng bào tị nạn thì nơi đó chắc chắn sẽ hỗn loạn.
Cho nên tôi cũng ừ ào cho ông bạn Lợi
yên lòng, chớ trong bụng thì cũng đành coi hai tiểu đoàn của ông
giống như tình trạng chiếc đồn côi Dân vệ ngày trước ở tỉnh
Chương Thiện, tự lực cánh sinh khi đêm bị VC tấn công, ngoài tầm
pháo cũng không phi yểm!
Về sau, đúng y như vậy, ngày 30 tháng
tư, hai tiểu đoàn dựa lưng, giá súng tan hàng!
Xế chiều, nhìn lực lượng Dù từ phía Bà
Rịa lũ lượt kéo pháo rút về, thấy lời nói của Thiếu tá Lợi càng
thêm xác đáng.
Về tới nhà, cơm nước vừa xong, chưa
được nghỉ ngơi thì điện thoại lại reo. Tin báo, một số đồng bào
tị nạn từ Trảng Bôm mới kéo về tới trụ sở xã Bình Trước. Lại phải
ra tới nơi lo thu xếp. Vừa về tới nhà đã nghe điện thoại reo inh
ỏi. Trung tâm hành quân Tiểu khu báo: Xe tăng VC đã vào Quận lỵ
Long Thành.
Tỉnh trưởng triệu tập phiên họp khẩn cấp, ban hành lệnh thiết
quân luật 24/24, rồi ông đi bay để lo giải cứu Quận lỵ Long Thành
đang bị xe tăng cs tràn ngập. Kéo hai ông cựu quận trưởng Công
Thanh, lúc này là Tham mưu phó Tiểu khu và Đại úy Trưởng Ty NDTV
qua nhà ngồi nhấm nháp chút thức ăn vừa bàn bạc tình hình. Hỏi:
Liệu xe tăng cs xông vào được tỉnh lỵ không? TMP đáp: TK đã bố
trí rào cản và commando car tại các yếu điểm, bọn nó có vào cũng
phải đổ máu.
Sáng 27/4, ông Tỉnh trưởng gọi qua, bảo: Quận trưởng Long Thành
và toán nghĩa quân cố thủ Dinh quận, dùng ống phóng M72 mà hạ
được 5 chiến xa VC, rồi bị thương, rút vào căn cứ ĐPQ cầm cự. Ông
đã cho trực thăng bốc được mấy thầy trò bị thương về Tổng Y Viện
Cộng Hòa rồi. Bây giờ ông yêu cầu tôi cho xuất quỹ ứng trước 500
ngàn để lo công việc và ra thông cáo bãi bỏ lệnh thiết quân luật
cũng như kêu gọi công chức đi làm việc bình thường vào sáng thứ
hai 28/4/1975.
Mọi chuyện tưởng im xuôi, nào ngờ chập
tối ngày 27/4 lại có chuyện. Phòng viễn thông gọi báo: Tỉnh đoàn
cán bộ XDNT phụ trách cứu trợ đồng bào tị nạn chiến cuộc ở Làng
Cô nhi Long Thành kêu cứu. Tôi vẫn đặt chiếc máy truyền tin TR20
trên xe nên mở liên lạc trực tiếp. Tỉnh đoàn phó tường trình: Đại
úy Tỉnh đoàn trưởng lái xe ra bên ngoài quan sát, bị chiến xa VC
ủi lật bên đường không biết tình trạng ra sao? Lực lương Dù đóng
chặn ở ngã ba cầu Nước Trong đã rút đi. Bây giờ Tỉnh đoàn nằm chơ
vơ không ai bảo vệ, lại thêm xe tăng VC chạy ào ào bên ngoài vòng
rào.
Tỉnh đoàn
gồm trên 150 cán bộ, trước tình cảnh như vậy, tôi quyết đoán
không kịp chờ xin lịnh tỉnh trưởng: Lệnh cho tỉnh đoàn cuốn súng,
tuần tự len lỏi vào đám đông đồng bào tị nạn rút về tỉnh. Để
tránh ngộ nhận lại phải phái một toán cảnh sát dã chiến và xe cộ
ra ngã ba Vũng Tàu đón nhận, tập họp đoàn cán bộ di chuyển về
tỉnh.
Mười giờ
đêm hôm ấy, toàn bộ tỉnh đoàn cán bộ XDNT về tới trụ sở còn
nguyên vẹn!
Mười một giờ đêm, vừa về đến nhà đã nghe điện thoại reo. Phòng
viễn thông báo: Trung đội Nghĩa quân xã Phước Tân lại kêu cứu.
Tôi ngạc nhiên hỏi: Sao anh em đó không gọi chi khu Đức Tu. Đáp:
Không liên lạc được chi khu.
Tôi gọi trung tâm hành quân Tiểu khu,
yêu cầu liên lạc, xin lịnh Tiểu khu trưởng thì nơi đây cũng không
liên lạc được. Lại gọi Tham mưu trưởng Tiểu khu thì ông này vừa
rên khừ khừ vừa bảo ông bịnh quá rồi, lại không dám quyết định
việc gì. Trước sự thể như vậy, vì sinh mạng của trên ba chục
Nghĩa quân, tôi cắn răng làm liều, mở máy liên lạc thẳng, hỏi:
Tình trạng các cậu bây giờ ra sao rồi? Đáp: Xe tăng T54 VC đang
chạy rì rầm trên đầu dốc 47. Nó mà đổ xuống thì tụi em tiêu, xin
thẩm quyền cứu giúp! Tôi từ tốn bảo: Được rồi, bây giờ nghe tôi
nói cho rõ đây. Gỡ máy truyền tin, cho trung đội di chuyển cặp
theo quốc lộ, nhưng không quá gần đám đông đồng bào tị nạn đang
kéo đi trên mặt lộ. Ra tới ngã ba Bến Gỗ phải quẹo vô đồn An Hòa
Hưng tạm trú. Tuyệt đối không được đi thẳng ra ngã ba Vũng Tàu.
Lực lượng Dù ngộ nhận bắn chết đó. Nghe rõ chưa? Đáp nhận rõ.
Rồi, thi hành đi!
Sáng ngày 28/4, từ văn phòng nhìn về
phía núi Châu Thới, chiếc trực thăng đang quần thảo, phóng rocket
ì ầm, yểm trợ lực lượng Dù đánh dẹp chốt đặc công VC ở chân núi.
Xế trưa, chợt thấy anh Phụ tá hành chánh, hớt ha, hớt hải bước
vô, chẳng nói, chẳng rằng, lấy bloc note viết: Đại tá bảo ông Phó
đi gấp qua Dĩ An, xe tăng VC đã vượt qua phòng tuyến Trảng Bôm
rồi! Tôi lặng lẽ lên xe rời khỏi nhiệm sở, đâu biết rằng đây là
lần cuối cùng bước ra khỏi chỗ làm việc từ hai năm qua.
Đêm qua, vừa ký cái thông cáo gọi công
chức đi làm việc, bây giờ lại lặng lẽ ra đi nên không đành dạ,
đành một lần nữa làm liều: Gọi máy lệnh cho công chức các Ty sở
trở về nhà “chờ lệnh mới?!”
Đường ra xa lộ kẹt cứng vì đồng bào tị
nạn kéo đi lũ lượt về phía tỉnh lỵ, lại thêm pháo VC nổ ì ầm về
phía văn phòng Quận Đức Tu. Mãi mới ra tới ngã ba Vũng Tàu. Nhìn
về Bộ chỉ huy vùng 3 sông ngòi ở bên dưới cầu Đồng Nai, pháo VC
đang nổ dập tưng bừng. Hỏi anh em quân cảnh đang làm nút chặn ở
ngã ba Vũng Tàu thì được biết: Từ nửa đêm tới giờ VC tiền pháo,
hậu xung hai, ba bận mà BCH vùng 3 sông ngòi vẫn còn giữ vững
được. Đang phân vân chưa biết tính sao để vượt qua cầu thì may
sao một chiếc M113 ở phía Trảng Bôm đang chạy tới, bèn cho xe dọt
kè theo qua cầu. Từ trên cầu Đông Nai nhìn xuống: Trên nóc bằng
văn phòng VP/BCH/V3SN, một anh lính hải quân, đầu không nón sắt,
mình không áo giáp, không công sự che chắn, không người tiếp đạn,
một mình đơn côi, ghìm khẩu đại liên 12.7ly, mắt đăm đăm nhìn về
phía quân thù trong khi đạn pháo địch nổ tung gạch ngói trước
mặt. Trông anh lẫm liệt, quyết ý đem dây đạn cuối cùng đổi mạng
với quân thù, bảo vệ danh dự người lính QLVNCH thế thôi!
Về tới Quận Dĩ An đã quá trưa, nhờ Chi
khu gọi máy liên lạc Tỉnh trưởng mãi mà không được. Đợi đến xế
chiều đành ra xã Bình An, định bụng đánh liều quay về tỉnh xem
sao?
Ra tới
nơi, thấy Trung úy cuộc trưởng, cuộc cảnh sát Bình An đang đứng
bên rào cản, chận xe dừng lại, báo: Chốt đặc công VC mới được đơn
vị Dù càn quét còn chưa xong, ông Phó một mình đi qua thật nguy
hiểm. Xin chờ xem xét kỹ rồi sẽ liệu.
Đứng trên đầu dốc Châu Thới, nhìn về
phía phi trường Biên Hòa, pháo VC nỗ ùng oằn, khói lửa tuôn cuồn
cuộn! Nhìn về phía tỉnh lỵ, ánh nắng chiều tà thoi thóp trên
thành phố thân yêu bên kia sông Đồng Nai đang trong cơn hấp hối,
thật não lòng!
Mười một năm về trước, khi đến xứ này
là một thanh niên 27 tuổi, hăm hở với ước mơ góp phần xây dựng
nơi đây là một vùng đất vốn trù phú và thịnh vượng, ngày càng
thêm thịnh vượng. Ngày nay, ở tuổi trung niên, chịu trách nhiệm
điều hành công việc hành chánh trong vùng, đành bất lực nhìn về
tỉnh lỵ đang chìm dần vào tăm tối.
Lần này, quay lưng đi là bỏ lại đàng
sau bao nhiêu mộng ước chưa thành! Lòng buồn bã mường tượng tình
cảnh ngày xưa, giặc Pháp đánh chiếm ba tỉnh Miền Đông:
“Bến Nghé, của tiền tan bọt nước
Đồng Nai, tranh, ngói nhuộm màu mây”
Nguyễn Nhơn
(Tháng Tư, nhớ Quê hương Biên Hòa, thời
lập nghiệp)
Nguồn:
https://hon-viet.co.uk/NguyenNhon_NguoiCanBoXayDungNongThon.htm
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: lũy tre làng. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by tkd đọc báo
Đăng ngày Thứ Hai, June 17,
2024
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang