Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tạp ghi
Chủ đề:
Văn học Nghệ thuật
Tác giả: Vương Trùng Dương

THANH TÂM TUYỀN,
GIỮA LÒNG CUỘC ĐỜI


 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

Nhà thơ Quách Thoại (1930–1957) với thi phẩm Giữa Lòng Cuộc Đời và Thanh Tâm Tuyền rất thân nhau. Tập thơ duy nhất từng in của Quách Thoại, được Thanh Tâm Tuyền viết tặng: “Xin trao thi sĩ vòng hoa tặng. Chúng ta đã thắng giữa cuộc đời”. Hai câu này ở trong tập Tôi Không Còn Cô Độc, còn trong Liên, Đêm Mặt Trời Tìm Thấy và cũng có bài thơ Thanh Tâm Tuyền tặng Quách Thoại, trong đó có câu “Người thi sĩ bay vào miền đất lạ”.

Bài ai điếu tưởng niệm – khóc bạn của Thanh Tâm Tuyền:

Thoại ơi! Thoại ơi! Không biết khóc
... Ngày tôi gặp Thoại, chúng tôi – Doãn quốc Sỹ, Nguyễn Sỹ Tế, Trần Thanh Hiệp và tôi – đang làm những số Người Việt đầu tiên. Thoại trao cho tôi tập thơ dày của Thoại để tôi giới thiệu trên báo.

... Cái chết của Thoại không những chỉ làm đau đớn bằng hữu của chàng là chúng tôi mà còn là một cái tang lớn cho văn học trong mười năm trở lại đây
!”

Thanh Tâm Tuyền có bài thơ Gửi Quách Thoại với cả chân tình. Quách Thoại ra đi đã để lại Giữa Lòng Cuộc Đời. TTT cũng đã ra đi để lại tình bạn cao quý. Bài viết mang tựa đề này với hình ảnh đẹp trong lòng mọi người với sự ngưỡng mộ và quý mến. Bài viết này nhân ngày giỗ thứ 12 của TTT.
–VTrD.

Thanh Tâm Tuyền qua đời vào sáng Thứ Tư, 22 tháng 3 năm 2006 tại thành phó Saint Paul, tiểu bang Minnesota, thọ 71 tuổi. Định mệnh nhà thơ trong chu kỳ đặc biệt, sinh tháng 3 năm 1936 (?) và mất cũng vào tháng 3 năm 2006.

Để tưởng niệm nhà thơ quá cố, các thân hữu nhà văn nhà thơ nhà báo cùng thời với Thanh Tâm Tuyền tổ chức Lễ Tưởng Niệm vào tối Thứ Năm 22/3/2007 là ngày giỗ đầu của nhà thơ Thanh Tâm Tuyền (1936–2006) tại hội trường nhật báo Việt Báo, TP Westminster.

Nhiều văn hữu và thân hữu đã đóng góp vào chương trình tưởng niệm đã chia sẻ với những kỷ niệm, những “giai thoại” về Thanh Tâm Tuyền thể hiện sự thân mật và ngưỡng phục.

Trong những dòng chia sẻ đó, nhà văn Đỗ Quý Toàn, cùng Thanh Tâm Tuyền với tạp chí Sáng Tạo thời ấy tiết lộ: “Chuyện đã xưa nhắc lại, xin chị Tuyền cho phép. Vì sao có bút hiệu là Thanh Tâm Tuyền? Vâng, chả là hồi niên thiếu nhà thơ có yêu một người con gái tên Thanh Tuyền và chàng thì tên Tâm, nên ghép lại để những tưởng...”

Tên thật là Dzư Văn Tâm, sinh ngày 13 tháng 3 năm 1936 tại Vinh. Thân phụ Thanh Tâm Tuyền, dạy học và viết báo La Volonté Indochinoise, qua đời lúc ông mới 5 tuổi. Thanh Tâm Tuyền rất thông minh. Năm 16 tuổi (1952) phải xin miễn tuổi và đỗ Tú tài I, dạy học ở trường Minh Tân, Hà Đông, đăng truyện ngắn trên tạp chí Thanh Niên, Hà Nội. Năm 17 tuổi, truyện ngắn Viên Đạn Cuối Cùng của TTT đã đoạt giải nhất trong cuộc thi do báo Thần Chung tổ chức.

Năm 18 tuổi, TTT cùng các bạn chủ trương tạp chí Lửa Việt, hoạt động trong Tổng Hội Sinh Viên. Năm 1954, di cư vào Nam và bước vào con đường văn nghệ với dòng thơ tự do.

Vừa mới di cư vào Nam, TTT cùng họa sĩ Ngọc Dũng dạy học ở tư thục Nguyễn Trãi tại Bình Dương. Kiệt Tấn viết rằng nơi đây thầy giáo gặp người đẹp ở miệt Búng, trở thành người bạn đời. Nhưng theo Du Tử Lê “Thưa ông Kiệt Tấn, người bạn cũ năm ngoái từ Paris sang đây chơi, chúng ta không có dịp nào nhắc đến TTT; không biết ông dựa vào nguồn tin nào mà ông nói bà TTT là người ở Búng. Theo chỗ tôi được biết, ông thân với Cung Tiến, gần với Nguyên Sa mà khá xa với TTT. Bà TTT, không phải ‘người đẹp Bình Dương’ mà là ‘tiểu thư Hậu Giang’ lên Sài Gòn học, tôi không còn nhớ tại trường Nguyễn Bá Tòng hay Trường Sơn. Nhưng đã là học trò ông TTT thì theo như ông Võ Kỳ Điền (học trò của TTT ở Bình Dương), từ sự cảm phục chuyển sang sự say mê là một chuyện rất gần. Vả chăng bà TTT luôn luôn có một sự trân trọng đối với nghề dạy học. Tôi còn nghe kể bà chọn trường cho cậu con trai lớn Dzư Minh Trí khi Trí vừa học xong trung học lúc TTT chưa được tha về. ‘Bây giờ con học cái gì hở mẹ?’ – ‘Ngày xưa ông nội con làm nghề dạy học, bố con cũng thế thì bây giờ con vào trường Cao đẳng Sư phạm đi’ (Sở dĩ phải vào Cao đẳng mà không vào Đại học vì ‘con ngụy’ lý lịch kém không được vô đại học)...”.

Ninh Hạ Nguyễn Ðức Tâm trong bài viết Thanh Tâm Tuyền – Những Điều Nhớ cho biết:

“Chị Thanh Tâm Tuyền, tục danh là Cao Thị Mai Hoa, người gốc Cần Thơ theo gia đình lên Sài Gòn. Chưa ở Bình Dương ngày nào. Học trường Tây Michelet. Ông Diệm dẹp trường Tây. Chị vào trung học Nguyễn Bá Tòng, học đệ tứ chương trình Việt. Gặp thầy dạy Việt văn Dzư Văn Tâm. Bị thầy đì vì không rành văn chữ Việt. Ý thì có mà chính tả quá bết. Lúc đó cô nữ sinh Mai Hoa mới tròn trăng mười sáu. Thầy hơn trò đến mười tuổi. Với tuổi đó và trình độ Việt ngữ như thế, chắc không cách nào mê được thơ đếm số cửa sổ ‘Một cửa sổ, hai cửa sổ...’ (Tôi Không Còn Cô Độc) của thầy Tâm. Sau đó thầy dần dần mê trò. Câu chuyện tình đẹp này, đầu đuôi có một người biết rất rõ: nhạc sĩ Cung Tiến.

Liên, Đêm, Mặt Trời Tìm Thấy, tác phẩm xuất bản đánh dấu ngày vui này. Có người quyết đoán Liên là tên một người yêu của nhà thơ. Theo Thanh Tâm Tuyền giải thích, Liên chỉ có nghĩa là liên khúc của thơ và thơ xuôi trong tác phẩm. Ngày cưới vợ mà lấy tên người yêu cũ đặt cho quà cưới của mình thì có nước... đi thăm Bùi Giáng. Theo chị Mai Hoa, anh là mẫu người chồng, người cha lý tưởng. Dạy con rất nghiêm. Không nịnh vợ. Ðúng sai rõ ràng. Ðiều này chắc chúng ta, những ông chồng, khẩu phục, tâm phục! Như bao nhiêu gia đình khác, anh cũng mất một đứa con trai trên đường vượt biên...”

Tập thơ đầu tay là Tôi Không Còn Cô Độc vào năm 1955 đến năm 1964 mới xuất hiện thi phẩm Liên, Đêm Mặt Trời Tìm Thấy và Thơ Ở Đâu Xa được ấn hành năm 1990 tại Hoa Kỳ.

Về văn, Thanh Tâm Tuyền có nhiều tác phẩm như Bếp Lửa (1957), Khuôn Mặt (1964), Dọc Đường (1966), Ba Chị Em (Kịch, 1967), Cát Lầy (1967), Mù Khơi (1970), Tiếng Động (1970), Tạp Ghi (1970)...

Thanh Tâm Tuyền được nổi tiếng về thơ hơn văn vì ông là người làm sống lại thơ tự do được hình thành từ những thập niên về trước và mang làn gió gió mới trong thi ca Việt Nam hiện đại.

Ông dạy Việt Văn tại trường trung học Trường Sơn (Nguyễn Sỹ Tế, Hiệu Trưởng), năm 1962 nhập ngũ Khóa 14 Sĩ Quan Thủ Đức. Ông được thuyên chuyển về trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, phụ trách tờ Đa Hiệu và sau đó phụ trách nguyệt san Quốc Phòng.

Bắt đầu con đường văn nghệ khá sớm, cùng bạn Doãn Quốc Sỹ, Trần Thanh Hiệp... chủ trương nguyệt san Lửa Việt năm 1954. Một trong những cây bút nòng cốt của nhóm Sáng Tạo từ năm 1956 đến năm 1960. Nhập ngũ năm 62, giải ngũ năm 66, rồi tái ngũ năm 68. Sau 75 bị bắt đi tù “cải tạo” ở Việt Bắc.

Sau năm 1975, ông trải qua 7 năm tù. Được định cư tại Minnesota, Hoa Kỳ trong suốt mười mấy năm qua.

Tháng 4 năm 1990, định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO, lúc đầu ở tiểu bang Louisiana, sau định cư ở Roseville, tiểu bang Minnesota. Theo học Điện Toán và làm việc tại St. Paul Technical College đến khi về hưu năm 2001. TTT sống như người ẩn dật, viết rất ít, chỉ khi nào thật sự cần thiết mới viết, như dịp tưởng niệm các bạn ông: Mai Thảo, Ngọc Dũng, tuyên dương Doãn Quốc Sỹ... Theo lời người bạn thân Trần Thanh Hiệp, TTT cho rằng “Nếu không tìm được gì thật mới thì sẽ thôi hẳn không viết nữa”.

Bài viết Nhìn Lại Một Thời của nhà văn Doãn Quốc Sỹ vào tháng 5 năm 2005, đề cập đến giai đoạn hình thành của nhóm Sáng Tạo và sự hiện diện của Thanh Tâm Tuyền:

“Năm 1954 hai vợ chồng tôi cùng hai đứa con gái đầu lòng và cô em gái – năm người cả thảy – ra phi trường di cư vô Nam. Danh từ thời thượng mệnh danh là Bắc Cờ Năm Mươi Tư.

Thuở đó tôi còn là sinh viên, gặp Trần Thanh Hiệp – sinh viên Luật Khoa – chúng tôi bèn thành lập đoàn thể Đoàn Sinh Viên Hà Nội Di Cư, Trần Thanh Hiệp đứng ra làm chủ tịch.

Để giới thiệu ĐSVHNDC nhân dịp chào mừng mùa Xuân năm đó, chúng tôi cho in tập Xuân Chuyển Hướng. Tôi còn nhớ trước 1954 – thuở còn ở ngoài Bắc – tôi sớm có khuynh hướng viết văn, hoàn tất được một truyện ngắn đầu tay dưới dạng một truyện cổ tích mang tên là ‘Sợ Lửa’. Di cư vô Nam năm 1954, may sao tôi có mang theo bản thảo Sợ Lửa và cho đăng vào tập Xuân Chuyển Hướng này! Thế là như lửa gặp gió, tôi tiếp tục... tiếp tục sáng tác để chính thức đi vào nghiệp cầm bút của nhà văn bên cạnh sự nghiệp cầm phấn của nhà giáo sau này.

... Vào năm 1956 – cách đây đúng nửa thế kỷ – khi tập truyện cổ tích Sợ Lửa của tôi ấn hành lần đầu, ông bạn Nguyễn Sỹ Tế của tôi viết Tựa và Thanh Tâm Tuyền viết Bạt. Với tinh thần tri âm tri kỷ, ông bạn Thanh Tâm Tuyền qua bài thơ mang tên ‘Nhịp Ba’ đã nêu lên lòng ước muốn thường xuyên nóng bỏng trong tâm tư thầm kín của tôi: đó là ước muốn sao cho đất nước sớm được thống nhất tự do!...

... Thanh Tâm Tuyền suốt thời kỳ 1954–1975 vẫn trung thành với sự đề xướng lúc đầu: thơ tự do. Nhưng sau 1975, trong cảnh lao tù ông có nhiều bài thơ hay viết theo các thể truyền thống... Thanh Tâm Tuyền là người đề xướng thơ tự do. Bênh vực chủ trương của mình, ông cho rằng nhịp điệu trong thơ cũ ‘đơn giản’, ‘nghèo nàn’; nhịp điệu trong thơ tự do là ‘một thứ nhịp điệu rộng rãi phức tạp, ở một trình độ nghệ thuật cao’. Ông bảo thơ tự do ‘không gieo vần lối đồng âm đồng thanh, vần của nó là vần ẩn dấu cách xa (có thể đi tới khác âm, nghịch thanh), nhịp điệu của nó là sự phối hợp của một toàn thể không khuôn trong một số câu nhất định khiến cho hơi thơ tự do dễ kéo dài hơn các câu thơ khác’. Trong thơ tự do, ông lại còn tìm thấy một thứ nhịp điệu gọi là ‘nhịp điệu của hình ảnh’, rồi ông lại tìm đến một thứ nhịp điệu của lý tưởng, cả hai thứ ‘là sự thể hiện của nhịp điệu của ý thức’.

Trong tập thơ Liên, Đêm Mặt Trời Tìm Thấy, TTT cho rằng: ‘Tôi không ngợi ca tình yêu, tôi nguyền rủa tình yêu.... Trong thơ tôi không hề có tình yêu, cái báu vật mà tôi mơ ước và tưởng rằng cùng với tự do là những hy vọng cuối của đời tôi... Thơ hôm nay không cần đến tình ái và khi tình ái đến với thơ hôm nay cùng với vẻ tiều tụy khốn khổ chịu đựng hất hủi như cả một cuộc đời... Trong thơ hôm nay hoặc là thiên nhiên không được nhắc đến nhường chỗ cho những vỉa hè, cột đèn, gạch ngói, khối sắt khối thép, da thịt, tay chân, mắt mũi hoặc là hiện ra thản nhiên lạnh lùng khó chịu nếu không muốn nhập một với ý thức’.

Theo TTT: ‘Bởi vậy tôi rắp toan bày ra một lối thơ mới này ra. Vì nó chưa thành thực nên chưa có thể đặt tên kêu là lối gì được song có thể cử cái đại ý của lối thơ mới này ra, là: Đem ý thật có trong tâm khảm minh tả ra bằng những câu, có vần mà không bó buộc bởi những niêm luật gì hết...

... Thơ tự do chỉ là một phần nhỏ trong thơ mới. Phong trào thơ mới trước hết là một cuộc thí ngiệm táo bạo để định lại giá trị những khuôn phép xưa...’...”

Bài viết của Thụy Khuê vào năm 2006: Thanh Tâm Tuyền (1936–2006) với đoạn kết:

“Thanh Tâm Tuyền là nhà thơ toàn diện, total, chữ của Curtius. Chỉ những nghệ sĩ toàn diện mới có khả năng nhấc dân tộc ra khỏi sự độc tôn, kỳ thị. Thanh Tâm Tuyền đi từ nỗi đau cá nhân để đạt đến nỗi đau nhân loại. Bằng cái đau nhỏ cấu xé giữa anh em trong nhà, đau chia đôi đất nước ‘nói thầm với nhau, dù vỹ tuyến’ (bài Vỹ Tuyến), bằng giọt lệ khóc chung các dân tộc bị xiềng xích ‘Hãy cho anh khóc bằng mắt em những cuộc tình duyên Budapest’, để đến với cái đau lớn: đau mầu da, đau thân phận nhược tiểu của con người:

Một người da đen một khúc hát đen
Bầu trời đen sâu không cùng
Những dòng nước mắt
Xé nát thân thể bằng tiếng kèn đồng
...’

... Nỗi đau đen không chỉ là nỗi đau của người nghệ sĩ kèn đồng đêm ấy, nó là nỗi đau của nhân loại, tiết ra từ xương, từ tủy, từ dòng máu đen khốn nạn trong mỗi chúng ta với những ác tâm, kỳ thị, phân biệt chủng tộc. Chính dòng máu đen ghê gớm ấy đã xé nát thân thể, đã cào cấu huyết mạch những tâm hồn không được quyền chọn mầu da của mình. Dòng máu đen ‘vô tội’ của mỗi người được giấu kín trong tiềm thức, giả đò quên đi trong vô thức, nhưng luôn luôn chảy ngầm trong huyết quản mà chỉ những nghệ sĩ đích thực mới cả gan đào sâu, cắt mạch cho nó tóe ra trong địa ngục con người. Họ là tự do. Họ là sự thật...”.

Ngày 1/11/1956, 3000 xe tăng Liên Xô vượt biên giới tiến vào Hung Gia Lợi cùng với 11 sư đoàn. Ngày 4/11, đại pháo Xô Viết khai hỏa và xe tăng Liên Xô ào ạt xông vào thủ đô Budapest.

Nhân dân Hung Gia Lợi vô cùng dũng cảm chiến đấu chống lại cuộc xâm lược của Hồng Quân Liên Xô. Nhưng lực lượng hai bên quá chênh lệch nên chỉ sau ba ngày quyết tử cho tự do, dân chủ, độc lập dân tộc, thủ đô Budapest bị dìm trong máu lửa và chết chóc.

Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền đã phẫn nộ, đau đớn, mong được khóc la, được run giận... bằng chính thể xác của những cặp uyên ương trong thành phố Budapest để thông cảm đến tận cùng những nỗi thống khổ vô biên của họ:

Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest
Anh một trái tim em một trái tim
Chúng kéo đầy đường chiến xa đại bác
... Hãy cho anh la bằng cổ em
Trời mai bay rực rỡ
Chúng nó say giết người như gạch ngói
Như lòng chúng ta thèm khát tương lai
... Hãy cho anh chết bằng da em
Trong dây xích chiến xa tội nghiệp
Anh sẽ sống bằng hơi thở em
Hỡi những người kế tiếp


(Hãy cho anh khóc bằng mắt em những cuộc tình duyên Budapest)

Bài thơ này ra đời tháng 12/1956, “Lời thơ giản dị nhưng cách diễn tả mới lạ, vần điệu biến mất chỉ còn là hình ảnh, những câu thơ dài ngắn khác nhau hầu như được sắp xếp theo những ảnh tượng và cảm xúc trào dâng trong tâm hồn tác giả mà tác giả cho đó là loại nhịp điệu của ý tưởng, của hình ảnh. Đây là bài thơ tự do thật hay, gây xúc động mạnh và được nhiều người yêu thơ thời đó truyền tụng, đọc thuộc”.

Theo Nguyễn Xuân Hoàng viết trên báo Văn: “Riêng với Thanh Tâm Tuyền, bài thơ Budapest mà tôi đọc được, đã trụ lại trong tôi suốt từ bấy đến nay. Biến cố bi thảm ở Budapest năm 1956 mà truyền thông khắp thế giới đã nói đến rất nhiều bằng những từ ngữ rất mạnh mẽ, thì nhà thơ của chúng ta đã chỉ dùng hình ảnh của đôi trẻ để mô tả cuộc đàn áp dã man tàn nhẫn đó”.

Trong bài viết của Đặng Tiến về TTT: “Mười lăm năm sau, tháng 11/1973, khi sự nghiệp thơ văn Thanh Tâm Tuyền đã an vị, báo Văn đã ra một số đặc biệt về đề tài này, ngày nay là tư liệu hiếm quý. Trên báo này, Lê Huy Oanh, nhà biên khảo chuyên về thơ, đã có hai bài: một bài kể lại quá trình tiếp xúc thơ Thanh Tâm Tuyền, từ chỗ ghét bỏ đến yêu thích; một bài giải thích ‘lối thơ Thanh Tâm Tuyền’ qua bài Phục Sinh nổi tiếng trong sự khen chê, với những câu: Tôi buồn khóc như buồn nôn... Tôi buồn chết như buồn ngủ...

... Bếp Lửa là một truyện vừa, vừa một trăm trang. Thanh Tâm Tuyền viết liền mạch, rất nhanh, trong vài tháng, xong tháng 10/1956, đưa đi kiểm duyệt và xuất bản ngay. Không có độ lùi để sửa chữa. Sau này, khi tái bản, ông muốn sửa chữa, nhưng không làm được và viện dẫn Malraux: người ta không viết lại được một cuốn sách. Nhưng có một truyện ngắn Đại Lộ, nội dung na ná, in lại trong tập truyện Khuôn Mặt, 1964.

... Tuy nhiên Bếp Lửa không phải là tự truyện, đại khái như tác phẩm Kẻ Dưng, L’ Etranger, 1942 của Albert Camus, bắt đầu bằng câu nổi tiếng: hôm nay mẹ tôi mất, nhưng chính bà mẹ Camus lại sống lâu hơn tác giả. Trong Bếp Lửa, Tâm mồ côi bố từ nhỏ, sau đó mồ côi mẹ, trong khi bà cụ tên thật là Thạch Thị Kim, ngày nay còn sống, ở Long Khánh. Tính cách mồ côi ở đây là một ẩn dụ, như ở Kẻ Dưng hay Cũng Đành của Dương Nghiễm Mậu sau này.

Không phải là tự truyện, nhưng Bếp Lửa phản ánh tâm trạng tác giả, và một số thanh niên đồng lứa vào thời điểm trước hiệp định Genève, 1954, tại Hà Nội, và vùng phụ cận dưới sự kiểm soát của Pháp. Chủ yếu là những nét chấm phá nhẹ nhàng, nhưng rất sắc về tâm thức chính trị của con người lúc đó qua những nhân vật: ông Chính, đảng viên Quốc Dân Đảng, còn hoạt động; Bảo có tham dự phong trào Ngũ Xã nhưng nay đã tuyệt vọng; Đại say đắm chủ nghĩa mác xít và chuẩn bị ra khu; Hòa nhân viên phòng nhì; Ngọc hoàn toàn hư vô và chối từ tổ quốc... Giữa họ là những nhân vật nữ, hiền lành, vô tội, như chị em Thanh và Minh, em họ Tâm; Hạnh; Thịnh vào ra giữa hai vùng... Còn Tâm? anh xê dịch giữa đám người đó, không thân không sơ, và nói như Meursault, nhân vật Kẻ Dưng: không biết rõ mình muốn gì, nhưng biết rõ những điều mình không muốn. Khi Tâm bị ông hiệu trưởng cho thôi việc, ngạc nhiên một chút rồi rửng rưng ngay. Tôi không hỏi vì cớ gì ông muốn tôi nghỉ việc cũng như ông đã quên không nói cho tôi biết... Tôi cũng chẳng buồn quan tâm. Tôi nhẹ nhõm vô cùng và ngủ một giấc rất say”

*

Thanh Tâm Tuyền – Người Tù.
Ninh Hạ Nguyễn Ðức Tâm ghi lại hình ảnh người bạn tù với TTT
:

“Tôi gần anh, chơi thân với anh. Một con người bình dị, chí tình trước hơn một thi sĩ, văn sĩ... Nhờ cơ duyên, gia đình tôi được gần gũi các anh chị giới cầm bút, ngoài và trong Sáng Tạo. Các anh chị trưởng thượng như Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Sỹ Tế, Thái Tuấn... thì coi tôi như người em. Riêng Thanh Tâm Tuyền trẻ tuổi hơn quý vị kia, sau này gần gũi trong lao tù và sau lao tù, cho đến những ngày trên đất Mỹ, hiểu được nhau, tôi được anh xem như người bạn trẻ tuổi hơn, rất thân thiết.

... Miền Nam sụp đổ. Tôi với Thanh Tâm Tuyền đi tù cùng ngày, cùng chỗ. Nhà tôi, nhà anh gần nhau. Ði bộ năm mười phút. Tôi ở hàng Keo, gần trường Mỹ Thuật. Anh ở xóm Gia, ở gần bệnh viện Ung Thư Gia Định.

Năm đầu cùng chung trại Long Giao. Anh lán 9. Tôi lán 6. Lán là nhà mái tôn dài, trại lính cũ. Gặp tôi, anh mừng rỡ. Năm đầu ở đây, chưa phải lao động nhiều nên có thì giờ nhàn rỗi. Tôi thường đến chơi với anh và nói mọi thứ chuyện.

... Năm 1976, tù cải tạo chuyển ra vùng thâm sơn Việt Bắc. Anh bị đày ải Yên Báy, Lào Cay. Tôi bị đẩy lên vùng Sơn La nước độc. Năm 1979, Trung Quốc vượt biên giới đánh người anh em một thời môi hở, răng lạnh. Các trại tù dọc biên giới Hoa–Việt chuyển về Vĩnh Phú. Trong thung lũng hẹp, trại được phân phối thành năm phân trại.

Tôi ở K5 với Mai Trung Tĩnh. Một sáng mùa xuân nắng đẹp. Tôi theo xe trâu lên K2 nhận đường mía. K2 là trại trồng nhiều mía. Trên đường làng sỏi đá. Vượt qua suối cạn. Sau khoảng hai giờ thì đến nơi. Một toán anh em đói mệt rã rời, áo đẫm mồ hôi, trên đường về, sắp vào trại. Trong đoàn người đó, tôi chợt nhận ra anh. Với dáng người và dáng đi đó, không thể ai khác. Quá mừng không kìm hãm. Nhảy vội xuống xe trâu. Chạy nhanh về phía anh. Gọi lớn. Anh Thanh Tâm Tuyền. Mọi người quay đầu nhìn tôi. Anh mừng nhận ngay ra. Chú Tâm. Anh cười. Chú đang ở đâu? Em ở K5. Chỉ bấy nhiêu lời. Anh qua khỏi cổng giam còn cười mừng ngoái nhìn trở lại.

Hai năm sau, Thanh Tâm Tuyền chuyển về K5 cùng trại với tôi. Có khi lại được ở chung buồng giam. Khác đội. Ngày lao động đói lả. Tối ngồi chầu kiểm điểm. Tố mình và tố người. Cũng ít có khi rỗi rảnh chuyện trò. Ăn cơm chung với nhau trưa Chúa nhật. Sau này anh cười nói. Tớ khai là Dzư Văn Tâm, đại úy bộ binh. Chú lại la toáng lên Thanh Tâm Tuyền. Từ đó tớ bị lộ tẩy!

Một chiều mùa đông lạnh. Tôi đang ở đội nhà bếp. Anh nhắn ra gặp. Tớ mới được quà, đem chú ít dầu bơ, bồi dưỡng lấy sức. Anh đưa tôi lon gô đựng đầy. Cần cho anh hơn. Giúi vào tay tôi, anh nói. Tôi còn nhiều. Chưa kịp cám ơn, anh quay đi. Ai đã qua tù đày của cộng sản, đã qua cái đói dai dẳng hành hạ năm–năm–tháng–tháng–ngày–ngày, mới cảm được cái to lớn của miếng ăn. Chờ cơm bụng lép đo giường. Cái đói đã đưa con người trở về với bản năng sinh tồn của muông thú. Vì miếng ăn có người lừng lẫy, nhân cách một thời đã trở thành ti tiện. Rất đáng thương và thông cảm. Ðừng chê trách. Trong hoàn cảnh đó, Thanh Tâm Tuyền, với một gô dầu bơ vàng sệt hấp dẫn, thơm rực, chia cho tôi trong một chiều âm u lạnh đói. Nghẹn ngào. Nhớ mãi.

Tết 1981. ‘... Nguyên đán bước ngây ngây vất vưởng. Ngoài tường, ngọn ngô đồng trơ trọc. Lắng buốt tiếng gặm mòn thịt xương. Lây xót xa núi rừng điêu đứng (‘Nhớ Xuân’). Hẹn với anh cùng ăn trưa đầu năm. Bữa cơm ngày Tết hiếm có quanh năm, có thịt trâu và canh, xào ‘... Nhồi như nhồi vịt, nước mắt rơi. Giao thừa tối câm gió ỉ ôi. Ta vẳng nghe chú bỡn cợt. Tết ngày ăn, Xuân mùa vui chơi...’. Tôi quá bận ở nhà bếp, xong việc thì đã quá trưa. Xuống buồng giam của anh, một số anh em đã trùm chăn ngủ cho quên ngày tháng hay khóc thầm nhớ vợ con. Anh vừa ăn xong. Chúc anh sức khỏe. Anh thường nói. Vợ dại con thơ. Bằng cách nào, cố sống mà về. Dù ngày về mù tịt. Tôi nhìn trước sau, len lén đưa cho anh một chai nhỏ. Gì thế? Thuốc ho. Xuống giọng rầm rì. Chú liều thế. Tết tù mà như thế này là nhất! Ở tù khó nhất là đem rượu vào trại. Bị bắt thì cùm ngay... Quí ông anh, biết ông anh xưa vốn nòi Lệnh Hồ Xung, ngày Tết lén cắp rượu đem vô. Tôi chia cho TTT một nửa. Anh không uống được nhiều rượu. Một hai chung như thế cũng đủ cho thi sĩ của chúng ta có hứng khởi làm những câu thơ về xuân về Tết trong tù tuyệt vời. ‘... Trời có mấy độ xuân? Ðất bao nhiêu miền lạ? Chưa ngấy tiệc trần gian. Hồn run xanh búp lá.’ Tôi bị hớp hồn về ý và từ thơ xao xuyến ‘Hồn run xanh búp lá’. Một câu thơ xuân khác kỳ lạ không kém. Ðơn giản mà âm vang đến sững sờ.

‘...
Vang vang trời vào xuân. Ta bật kêu mừng rỡ...’

Ở tù khổ sai mà làm thơ sảng khoái như thế, đúng là thứ thiệt.

Ghiền nặng thuốc lá. Vào trại anh là đệ tử của thần thuốc lào. ‘Bạn tù ơi lửa châm rồi. Rít cho ròng rã mê tơi cõi lòng. Tựa lưng nhả khói thong dong. Tít say lú lấp cả mong với chờ...’. Anh làm cỏ sắn ở gần nhà bếp đội chăn nuôi. Giờ nghỉ mệt, theo bạn lén vào bếp hút vố thuốc lào. Nhà bếp, nơi nấu cám heo là nơi cấm. Sợ tù đói kinh niên vào đây ăn vụng cám lợn. Nghe kể lại, Thanh Tâm Tuyền đang phê thuốc, không kịp đi ra đã bị tay đội trưởng HÐÐ bợp tai. Tin này truyền nhanh vào trại. Tôi lấy cớ đi lấy củi đốt cho nhà bếp. Ðánh xe trâu ra tận nơi. Không gặp HÐÐ ở đó. May cho hắn mà cũng hên tôi.

Suốt những năm tháng tù đày, anh là một người tù bình thản đến lạ lùng. Không chống đối, than trách. Không tham gia hợp tác văn nghệ, văn gừng. Mùa xuân trước khi được tha, tay Bích tù hình sự làm trật tự, uy quyền trấn áp, buộc anh đưa thơ đăng bích báo Tết. Chẳng thể chối từ anh đưa bài ‘Ngày xuân trên cánh đồng mua’. Bài thơ có những câu tuyệt. Bích không đăng, cho là anh chửi xéo. Với những câu: ‘Trên cánh đồng nhàm mắt ngày tháng’ hay ‘Ngày tẻ lạnh đìu hiu nhớ nắng’.

... Một ngày trước khi tha, tôi và Thanh Tâm Tuyền cùng một người bạn trẻ rất khí khái, vốn là học trò, có bữa ăn đạm bạc chia tay. TTT lại giao thêm cho tôi một trách vụ hiểm nghèo khác là đem ra những bài thơ của anh sáng tác trong thời gian ở tù, viết trên những dung giấy nhỏ (TTT trước ngày đọc lệnh tha hoàn toàn không biết có tên mình nên mới nhờ tôi lén mang những bài thơ về). Nhiều bài thơ này đến với những người hâm mộ trong thi tập Thơ ở Đâu Xa đã được cơ sở Văn xuất bản tại Mỹ năm 1999. Ðem lén cả hàng chục lá thư gửi về gia đình lại thêm thơ lậu của TTT, qua mặt cán bộ ra khỏi trại là một ‘điệp vụ’ căng thẳng. Có kẻ lén báo, cán bộ nhân lực, tức là an ninh trại, chặn xét tại cổng nhưng tôi đã chuyển giao cho anh bạn trẻ Phan Cảnh Phùng trước đó không lâu. Thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc.

Lúc ngồi với nhau, Thanh Tâm Tuyền cười nói. ‘Biết đâu ngày mai không phải là chú mà là tôi’. Không phải Nguyễn Ðức Tâm mà là Dzư Văn Tâm. Lời nói ỡm ờ này không ngờ lại đúng một phần. Nếu đúng thật thì quá tội cho tôi. Lúc đọc lệnh tha, cả hai Tâm đều trúng số và thêm Nguyễn Thiệu Hùng, Mai Trung Tĩnh.

Một buổi sáng cuối năm lạnh nhẹ và sương mù, bên bờ nhánh sông Thương hiền hòa, chúng tôi, có cả Mai Trung Tĩnh và Thanh Tâm Tuyền, ngồi tụm hút thuốc. Uống chia nhau gô trà mộc nóng đậm. Ôi tuyệt vời những giây phút đầu tiên, tạm gọi là tự do, sau bao nhiêu năm tù đày. Chúng tôi ngồi chờ ca nô xuôi sông Thương, vượt sông Hồng chở về trại chuyển tiếp Ấm Thượng, xóm nhỏ bên bờ sông Hồng. Ðể sáng hôm sau đáp tàu hỏa xuôi về Hà Nội. Ngày mai ra sao? Dẹp qua một bên. ‘Sung sướng quá giờ cuối cùng đã hết’ (‘Xuân Tâm’).

Mấy toa tàu cũ kỹ lắc lư chở hơn bốn mươi người được tha từ ga Ấm Thượng về đến ga Hàng Cỏ, Hà Nội. Tất cả được lùa nhốt trong nhà đợi. Ði tiêu tiểu phải xin phép. Chuyến tàu thống nhất tám giờ tối nay sẽ trả chúng tôi về miền Nam yêu dấu nay đã đổi chủ thay ngôi. ‘Hương âm vô cải mấn mao thôi’. Ngày về tóc đã bạc phai mái đầu. Tôi được giao nhiệm vụ sắp hàng anh em, điểm số.

... Thanh Tâm Tuyền hóa xác. Thường ngày thong thả chậm chạp, giờ đi như chạy. Ðường phố dường như quá quen thân cho dẫu bao tang thương biến đổi. Ông bươn bả đi trước, tôi chạy theo. Không nói với nhau nhưng tôi biết ông đang xúc động khi trở về nơi chốn cũ. Tấp vào một quán phở bên kia đường để thưởng thức tô phở Bắc chính hiệu. Gọi mỗi đứa một cốc cà phê. Thế là nhất. Mấy năm đói khát thèm ăn, tô phở làm chúng tôi thất vọng đã đành mà ông chủ quán, thuộc loại bộ đội giải ngũ, trong bộ đồ lính cũ, lại càng làm cho tôi phát ngấy. ‘Phở ở đây mới là phở. Trong Nam các anh nàm sao sánh được’. Tô phở phất phơ hai lát thịt nhỏ, mỏng dính. Nước dùng bột ngọt đậm chát. ‘Phét. Chúng mày lấy đâu ra thịt. Bố khỉ!’ Tôi chửi thầm. ‘Ông đói dài mấy năm còn chả thấy ngon huống hồ...!’. ‘Các bác được Đảng khoan hồng nhớ về lao động...’ Tôi nói đểu: ‘Thôi nhờ ông anh tốp lại! Mấy năm nghe chán rồi. Biết rồi khổ lắm nói mãi! Vào đây đớp phở mì chính (bột ngọt) chứ không phải nghe ông lên lớp. Tính tiền!’. Ông Thanh Tâm Tuyền thấy tôi sửng cồ vội vàng đứng dậy ra khỏi quán. Bác Nguyễn Tuân ơi! Chúng bán phở Bắc như thế này là chúng nó làm nhục bác rồi!

Chúng tôi, những thằng tù khổ sai biệt xứ mới được thả, đi giữa đường phố Hà Nội trong túi cũng xu hào rủng rỉnh. Ðã gần mười năm toàn thắng, thế mà những bộ đồ lính, tấm vải dù làm võng của chúng tôi đem theo từ ngày Sài Gòn thất thủ vẫn còn là món đồ đắt giá hợp thời trang. Dân Hà Nội chen lấn qua song cửa nhà ga tranh nhau mua. So với tô phở giá năm đồng, chiếc áo lạnh áo jacket nhà binh tôi bán bảy trăm. Miếng vải dù tưởng vất đi cũng có người mua đến chín chục.

Ông TTT dẫn tôi đi như chạy trên Phố Thuốc Bắc rực mùi cao đơn hoàn tán, lần đến ngôi nhà cũ nát tường vôi loang lổ. Căn phố hẹp tối tăm, nhiều gia đình cùng ở, ngăn chia nhau bởi những tấm màn vải nhàu bẩn. Người cô già mù lòa vẫn nhận ra tiếng nói của đứa cháu sau bao năm trời chia cách. Ôm chầm. Cô khóc, cháu sụt sùi. Và tôi, người chứng kiến những giây phút cảm động nhất của một cuộc kỳ ngộ, bước ra hàng hiên lau vội nước mắt...”.

Cùng bạn văn, bạn tù với nhau, Thảo Trường nhắc đến hình ảnh TTT: “Mấy năm sau ở Vĩnh Phú, nhưng mỗi người mỗi trại giam khác nhau, chỉ thỉnh thoảng có tin tức nhau qua những bạn tù. Tôi nhận được mấy câu thơ của Thanh Tâm Tuyền vịnh củ sắn sống. Thời gian này tù binh bị bỏ đói sức tàn lực kiệt, nhiều anh em đã bị chết, chôn kín cả sườn đồi gần trại, cho nên có khi kiếm được củ sắn sống tù binh cũng giấu đi ăn cho dạ dày bớt thèm thuồng.

Lạ lắm, củ sắn bóc vỏ ngoài để lộ ra một thân hình tròn lẳn, trắng tinh, trắng nuốt, trắng như không có gì trắng thế, mịn như không có gì mịn thế, xinh đẹp như không có gì xinh đẹp thế, gợi cảm như không có gì gợi cảm thế, hấp dẫn như không có gì hấp dẫn thế... Nhưng sắn sống có nhiều độc tố, bập vào là say. Trắng trẻo, xinh đẹp, nõn nà... dễ làm cho anh hùng gục ngã! Loại sắn vỏ màu hồng nhạt (gọi là sắn tầu) thì còn có thể nhưng phải ngâm nước rồi luộc kỹ thải chất độc ra mới có thể ăn được, nhưng loại sắn kỹ nghệ vỏ trắng (chắc là sắn... Mỹ) thì tuyệt đối không ăn được.

Say sắn cũng lắm chuyện kinh hoàng. Ăn vào chỉ một phút sau là ói mửa ra ‘mật xanh mật vàng’, tiêu chảy, người sẽ gầy ruộc đi, mắt sâu hoắm. Cũng không đến nỗi chết ngay, nhưng từ đó mất sức dễ bị những chứng bệnh hiểm nghèo. Tôi đã thấy một ông trung tá liên đoàn trưởng biệt động quân, cùng khoá 6 sĩ quan trừ bị với tôi đã bỏ mình vì say sắn ở K1 Vĩnh Phú.

Núi rừng Việt Bắc còn có nấm độc, trái vải guốc, cũng gây ngộ độc chết người. Ăn nhầm mấy thứ này người ta thường vặt một nắm lá nhớt như lá khoai lang bỏ miệng nhai nuốt tí nước cho buồn nôn tống ra hết những thứ trong dạ dày để giảm thiểu chất độc trong người.

Củ sắn ghê gớm. Nó bao vây trùng trùng điệp điệp các trại tù. Nó chất chứa trong các kho nhà bếp dưới dạng sắn sống, sắn khô (còn gọi là sắn nút chai, sắn ‘dui’ (không rõ ý nghĩa tên này). Nó bám trụ trong bao tử, trong cơ thể tù binh. Không ăn thì nó đói, nuốt nó vào thực quản nóng ran và dưới hai màng tang mỗi tù binh nổi lên hai cục trông như hai cái bứu nhỏ, hai cái bứu này chỉ mất đi khi cả tháng không ăn sắn nữa. Hàng triệu tù binh miền nam, kẻ nào lỡ sống sót sau tù đày, ít ra cũng phải hội nhập chung vào với cả một thế hệ còi cọc miền bắc, để công cuộc thống nhất đất nước mang trọn vẹn ý nghĩa của nó! Trước cái đói ngơ ngác chết người đang đe doạ và hình tượng củ sắn chiến lược xã hội chủ nghĩa ‘vĩ mô’ như thế, nhưng thi sĩ của chúng ta vẫn bình thản mô tả nó một cách lạnh lùng, có pha chút lãng mạng bỡn cợt:

Thoát xiêm y, trắng nõn nà,
Lửa lòng bốc cháy ai mà chẳng say
’...

... Tôi nghĩ chế độ cộng sản chỉ giam giữ và bỏ đói đươc ông đại úy Dzư Văn Tâm, họ không, và không bao giờ, bỏ tù được thi sĩ Thanh Tâm Tuyền. Thi sĩ đã nhìn củ sắn độc trồng lền khên khắp núi đồi xung quanh trại giam bằng cái nhìn của ca dao, bằng cái nhìn của thi ca, bằng cái nhìn riêng của thi sĩ, mà không anh cai tù cộng sản nào nhìn thấy được. Cộng sản ở Liên Xô, cộng sản ở Budapest, cộng sản ở Âu Lâu – Vĩnh Phú, hay cộng sản ở bộ chính trị... chẳng thể làm gì được thi sĩ. Họ cũng không được phép xách dép cho nhà thơ tự do”.

Họa sĩ Nguyễn Thuyên – người bạn thân cùng khóa với tôi – vẽ phác họa trong trại tù về Thảo Trường, khi gặp tôi ở Cali TTT cho biết rất thích bức vẽ này để in vào sách và trong tang lễ của ông cũng chân dung này.

NT viết về TTT kèm theo chân dung của TTT: “Anh không phải là người đàn ông đẹp trai, nhưng đầy nam tính, dù mảnh khảnh yếu ớt, và đôi mắt anh, không thể quên được. Hàng mi rợp bóng và cái nhìn, lúc nào cũng xa xăm, đầy hoài cảm, tôi cho rằng đó là đôi mắt thi sĩ nhất trong các người làm thơ. Nhưng điều tốt đẹp nhất ở anh là phẩm cách, anh thẳng thắn, không thể bị khuất phục bởi cái ác, và anh không thỏa hiệp. Có lần khoảng năm 1983, anh đạp xe đi chơi cùng mấy người bạn trên đường Duy Tân (‘cây dài bóng mát’ như lời bài Trả Lại Em Yêu, tôi không thích dùng tên mới của con đường này) họ rẽ vào con hẻm của một nhạc sĩ nổi tiếng mà anh không biết là nhà ai, nhưng khi thấy người này mừng rỡ ra đón, anh quày xe bỏ đi. Người này la lên: ‘Anh Tâm! Tôi có làm gì anh đâu mà anh làm vậy?’ Anh vẫn lặng lẽ bỏ đi.

Bên nhau, tôi đã vẽ anh khoảng bốn chục bức, đa số bằng chì trên tập vở, vì hồi đó chỉ có vậy. Sau này được ba bức bằng sơn dầu và acrylic là có màu thì: một bức hiện treo ở nhà anh, chị và cháu Trinh Thảo giữ, một bức treo ở nhà thầy Nguyễn Ngọc Diễm (thầy Pháp văn của tôi) bạn thân của anh, là một trong vài người khiêng quan tài anh, và bức cuối cùng (đăng trong bài viết này), tôi giữ. Nhưng tôi vẫn tiếc nuối những bức vẽ ở Yên Báy và Lào Kay vì chúng nắm bắt được anh qua nhiều tâm trạng. Lần cuối gặp lại năm 2005 ở Hoa Kỳ khi được hỏi những tranh ấy hiện ở đâu, anh bảo: ‘Do một người thân giữ, tôi đã dặn chỉ công bố sau khi tôi chết’. Cho đến bây giờ vẫn không biết ai giữ.

Sau bao nước chảy qua cầu, tôi hiểu rằng muốn giữ tâm được trong sáng, phải gột bỏ quá khứ đi, nhưng đến ngày giỗ anh, cũng không thể không nao lòng” (NT, 22/3/2018).

Ngô Thế Vinh phác họa hình ảnh TTT sau khi ra tù: “Năm 1982, khi mới ra tù, không sao quên được hình ảnh một TTT tiều tụy, trông anh già đi, da sậm đen sắc diện của một người bị bệnh sốt rét kinh niên. Khó có thể tưởng tượng với vóc dáng mảnh mai ấy anh sống sót qua suốt bảy năm tù đày ngày nào cũng đói lạnh nơi những vùng sơn lam chướng khí ấy ở các trại giam Miền Bắc. Bảy năm đốn tre trẩy gỗ trên ngàn, bị tre nứa đâm xuyên đùi không giải phẫu thuốc men nhưng anh vẫn sống sót, trong tù chống rét anh tập hút thuốc lào, không giấy bút anh vẫn làm thơ qua trí nhớ...”.

Qua những dòng trích dẫn ở trên thể hiện nhân cách, ngoài tài hoa... Thanh Tâm Tuyền.

*

Kinh Nghiệm Sáng Tác Trong Tù.
Thanh Tâm Tuyền


Ở lại, tôi chấp nhận số phận dành cho kẻ bại. Không chút tiếc rẻ quãng đời cũ, cũng không ảo tưởng về những ngày sắp tới với mình.

Năm 74, trả lời một người bạn đã ra khỏi nước viết thư về hỏi thăm “cớ sao hạ sơn?”, tôi viết cho anh:

...
Ta nhớ rằng ta không nhớ nữa
Như cây trút lá mùa hưu miên.
... Như thân gỗ nặng thả theo nước
Bập bềnh trôi nổi ta về xuôi.
Như lau lách mọc bên bờ bãi,
Phất phơ tóc trắng lả theo trời
.

Trước cái hỗn độn mờ mịt mở ra sau 73, tôi kể như mình đã sống hết đời mình, những ngày còn lại thừa dư không đáng bận tâm. Tôi vô vọng hoàn toàn. Bởi thế sau 75, đi cải tạo, tôi lại cùng những kẻ “đồng hội đồng thuyền” từ miền xuôi lên mạn ngược, phần nào thản nhiên rửng rưng – không tuyệt vọng cũng không hy vọng.

Tôi nghĩ trong chuyến đi này tôi sẽ “mất hút” không trở lại như từng ao ước, không như lần “tiền cải tạo” đi rồi về vì thấy “đâu ngọn núi nào của riêng ta?” Lần này đi “tự nhiên” hơn, không kênh kiệu lớn lối, chỉ như “rác rưởi bị cuốn trong dòng lũ của lịch sử”.

Nhưng đã không như tôi tưởng.

Khi ra Bắc, đến những vùng rừng núi hẻo lánh cách biệt thế giới bên ngoài, và trong khi còn được thả lang thang “chém tre đẵn gỗ trên ngàn” miễn đạt chỉ tiêu trong ngày, tôi đã “leo núi” rồi “tuột núi” không biết bao lần, và vẫn tìm đường về trại giam.

Cái gì gọi tôi về?

Có phải “L’espoir pour rien” như lời của René Char, “Nous touchons au temps du suprême désespoir et de l’espoir pour rien, au temps indescriptible”. Có phải đến lúc ấy tôi mới quả thật là “vô vọng” như lời Héraclite, “L’homme qui ne s’abandonne pas à l’espoir n’atteindra jamais l’inespéré, qui est impénétrable et inaccessible.” Có đúng là tôi đã tuyệt vọng đến cực điểm, đã đánh đắm mình trong “hy vọng như không” và tới được chốn “bất khả xâm nhập”, “bất khả giao tiếp”?

Thú thật, tôi không rõ.

Chỉ biết tôi thấy mình “phục sinh”, nghĩa là tôi thấy mình làm thơ và “sung sướng” cùng “mắc cở” khi làm xong một bài, giống hệt lúc trẻ – khi làm được những bài thơ đầu tiên, giấu giếm không dám khoe, kể cả với bạn.

Khi anh sống buông trôi qua ngày, không màng tưởng tương lai, không đoái hoài quá khứ, không đếm xỉa hiện tại, thì anh còn gì? Còn. Anh còn những cái anh có, ở trong anh, và cái “ở đấy”, ở ngoài anh.

Để đi qua những ngày đêm, nắng mưa, nóng lạnh, gió bão, xuân hạ thu đông... tôi tìm “sinh thú” ở những “cái ở đấy” và ở những gì mang theo trong mình.

Trong tôi bấy giờ có gì? Gia đình, bè bạn, thơ đã đọc và nhập tâm. Lúc cần bắt tâm trí bận rộn, tôi lục ký ức ôn lại những gì nằm lòng, đọc cho riêng mình lắng nghe. Ôn nhớ thơ yêu thích là một kinh nghiệm mà người làm thơ nên từng trải – nếu chưa. Anh có thể bắt gặp thứ ánh sáng lạ lùng của thời gian tích đọng trong thơ, đúng như ý kiến của Borges: Thời gian hủy hoại cung điện đền đài nhưng lại bồi đắp cho những câu thơ.

Đầm mình trong cái thời gian “không lịch sử” – “sử ngoại” đúng hơn – ngày tháng tự nhiên theo cuộc xoay vần không đi đâu chẳng về đâu, trong một đời sống trần trụi đến độ kỳ cùng với một số nhu cầu sơ đẳng của sự sống, tôi nghĩ tôi hiểu được cái nền minh triết (la sagesse) của cổ nhân – với “vô vi” và những cái “vô” khác. Điều mà phương Tây gọi là “vô vọng”, Trung Hoa và Việt Nam coi là “tự tại” – “Thực tại”, không phải “hiện tại”, là cái tự nhiên có, không cần chỗ bấu víu, hay nơi nương tựa, để tồn tại. “Thực tại” đời sống là “tự tại”, đến và đi theo lẽ tự nhiên ngoài “vọng tưởng” của người ta – “hy” hay “tuyệt” cũng thế thôi.

Và tôi bỗng thấm thía cái khí vị đặc biệt của những bài Đường Thi sực nhớ. Bằng một ngôn ngữ đơn giản, từ vựng giới hạn (người ta có thể học chữ Hán qua Đường Thi và chỉ để đọc Đường Thi), mỗi bài thơ là sự hiển hiện của một thời gian khép kín, tách lìa “dòng” thời gian. Phải chăng đó là một vài biểu hiện của thứ “méta–langage” mà thơ Đường đạt được? Buổi sáng mưa bụi, quán rượu bên đường và cuộc chia tay của hai người bạn. Đêm mưa núi trút như thác, chong đèn ngồi bên cửa sổ nghe mưa, nhớ bạn. Thời gian trong bàng hoàng lặng lẽ ngưng tụ từ bao giờ chẳng cần tiếng kêu gọi của người: Oh Temps, suspends ton vol!

(Trong thơ Pháp thời hậu chiến, thỉnh thoảng anh cũng gặp được cái khí vị “lạ lùng như không” ấy, tỷ như hai câu của Yves Bonnefoy:

Elle a pris la lampe et ouvre la porte.
Que faire d’ une lampe. Le jour se lève. Il pleut


Làm thơ ở trại cải tạo là sự trở về với truyền thống thơ dân gian. Sống dưới chế độ lao động ngày tám tiếng, kể cả Thứ Bảy (thường khi luôn sáng Chủ Nhật, lao động XHCN) giang sơn của mỗi người là một khoảnh chiếu rộng 50–60cm trên một mặt sạp (hai tầng) trong một gian lán lúc nhúc hằng trăm nhân mạng, anh không thể viết văn, giả như anh có muốn. Việc viết lách đòi hỏi anh một số điều kiện tối thiểu: một chỗ để ngồi, thì giờ để viết.

Đầu tắt mặt tối ngày này sang ngày khác, có khi “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, được lúc nghỉ ngơi thì bị cái đói ám ảnh hành hạ, thử hỏi anh “bụng dạ” nào tưởng nghĩ đến chuyện “sáng tác”. Ấy là chưa kể những khó khăn trở ngại khác, ở anh và nhất là ở ngoài, dù tài thánh cũng không “khắc phục” nổi.

Làm thơ không đòi hỏi anh thì giờ viết lách (trong tiếng Việt, người ta nói “làm thơ”, không ai nói “viết” thơ). Anh có thể làm thơ bất cứ chỗ nào, lúc nào, bất kỳ trong tư thế nào của cơ thể: đi đứng, nằm, ngồi, thức, ngủ... Thơ đến với anh không hẹn chỗ, không hẹn ngày, không hẹn giờ. Anh không thể tìm nó bởi cũng chẳng biết đâu mà tìm. Công việc của anh giản dị chỉ là chuẩn bị đón tiếp nó, trò chuyện với nó, nó chỉ cần anh là người còn giữ được thuần khiết tiếng nói sinh thành ra anh và là sinh mệnh của nó. Nó đến lặng lẽ, lúc từ cửa trước vào lúc từ lối sau đột nhập, nên anh cần có lỗ tai thật thính. Nó lại thường thích cải trang, giả dạng, nên nếu ký ức của anh “tồi” anh có thể không nhìn ra nó.

Thơ đến bất chợt, ngoài đồng, trên rừng, đang lúc “lao động” khiến anh ngừng tay, mặt trông trời và làm thơ. Thơ gọi anh ra khỏi cái thời gian máy móc điều động anh mỗi ngày, nhấc bổng anh tới chốn “tự tại”, nơi công việc còn là một sinh thú bởi người ta không thể “ở không”. Và khi anh quay về với cái thời gian anh vừa đào thoát, anh thấy nó đã bị hoán cải theo nhịp tiết của những câu thơ anh làm. Có khi tay anh vẫn làm việc hằng ngày và tai anh vẫn theo đuổi lời thơ, nhịp tiết và vần điệu của câu thơ trở thành sự điều hòa cần thiết cho công việc đang làm cũng như cho ký ức lưu trữ.

Sự khiếm khuyết lớn nhất của việc làm thơ trong cải tạo là không thể thực hiện giai đoạn chót trong quá trình hình thành thơ không văn tự: cất lên thành tiếng, chia xẻ với người xung quanh cái lạc thú “thốt được thành lời” của anh. Thơ, nhất là thơ không ghi chép, cần được đọc (đọc thành tiếng) và cần được nghe để hoàn tất sinh mệnh của nó cũng là sinh mệnh của một tiếng nói. Trong ký ức của nhiều người.

Khi được thả, trở về nhà, việc làm đầu tiên của tôi là ngồi ghi chép những bài thơ làm trong trại. Tôi là một kẻ may mắn sống sót nhưng đã không còn muốn làm nhà văn nữa như từng tự nhủ trước kia.

Trong quyển sổ tay mang thoát từ trại cải tạo về, có một câu tự nhủ khác: Viết như thể không có gì xảy ra. Không có gì đáng kể.

Nay thì tôi hỏi mình: Chừng nào tôi đạt nổi điều ấy? Để viết.

St. Paul 21/2/1993 – TTT

Bài thơ Ngã Trên Núi Việt Hồng Yên Báy Khi Đi Lấy Nứa của TTT là một trong những bài thơ được phổ biến nhiều nhất.

Tuột dốc té nhào trên hẻm núi
Chết điếng toàn thân trong giây lâu
Mưa rơi đều hạt mưa phơi phới
Ngày đang tàn hiu quạnh rừng sâu

Duỗi soải chân tay gối trên nứa
Ngó trời nhá nhem nghe mưa mau
Tưởng chừng thi thể ai thối rữa
Hồn viển vông chẳng chút oán sầu

Mưa giăng tấm lưới trắng dầy khít
Làng xóm dưới núi ở phương nào?
Gió lạnh tái tê bó liệm chặt
Lả thiếp người quên bẵng sướt đau

Ðầm mình trong hạnh ngộ ẩn mật
Mắt hoen nhòa hứng giọt thiên thâu
Dò dẫm lối về đêm tối mịt
Sông xa núi thẳm quê nhà đâu?


(TTT – Yên Báy, 9/1979)

Mười hai năm trôi qua, vào facebook của Thuyên Nguyễn (người bạn cùng khóa) với chân dung Thanh Tâm Tuyền cùng với những dòng ghi nhận, tôi sực nhớ đến ngày giỗ của Thanh Tâm Tuyền. Viết những dòng này như nén hương lòng tưởng nhớ đến người thiên cổ. Trong cõi trần đầy oan nghiệt, khi về cõi vĩnh hằng, cầu mong “Thanh Tâm Tuyền... an lạc”.


Little Saigon, March 22, 2018
Vương Trùng Dương


Ghi chú:

Bài viết này gởi đến cháu Trinh Thảo (ái nữ TTT) đúng vào ngày giỗ và được cháu email cho biết: “Mười hai năm nhanh quá cứ tưởng là hôm qua. Năm nào các bác và các chú còn sống cũng gọi điện thoại hỏi thăm mẹ cháu ngày giỗ bố... Nỗi đau nào cũng nguôi ngoai, nhưng với mẹ cháu dường như khó quên. Thời gian chỉ làm cho nỗi nhớ lắng đọng và đậm đà hơn nhưng còn da diết hơn trong những ngày tưởng niệm... Trong 3 năm đầu sau ngày bố mất, mẹ cháu ra mộ bố mỗi ngày, không thiếu một ngày...”. Dù sống nơi xứ người nhưng chị TTT là một trong những hình ảnh đáng quý, giữ được truyền thống của ông bà, giữ đúng đại tang 3 năm.

BS Bích Liên, Hội Ung Thư Việt–Mỹ và cũng là ca sĩ, có nhã ý gởi tặng những bài thơ TTT viết trong lao tù được nhạc sĩ Cung Tiến phổ nhạc.

Trước năm 1975, tuyển tập Ca Khúc Cung Tiến gồm 9 tình khúc như Thu Vàng, Hoài đang nổi tiếng.

Năm 2010, hai tuyển tập Hoàng Hạc Lâu và Vang Vang Trời Vào Xuân của nhạc sĩ Cung Tiến, do nhà Kim Lũ xuất bản, được ra mắt tại Little Saigon.

Tuyển tập Vang Vang Trời Vào Xuân dày 88 trang, gồm 10 ca khúc ngắn trong liên ca khúc Vang Vang Trời Vào Xuân. Trong tuyển tập này còn có các nhạc phẩm soạn cho hợp ca như Mùa Hoa Nở, Đêm Hoa Đăng và Đường Hoa.

TTT chỉ làm thơ ngay trên mảnh đất quê hương nên khi ra hải ngoại không còn sáng tác.




Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet eMail by Bat Khuat Nguyen chuyển

 

Đăng ngày Thứ  Sáu, June 9, 2023
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang