Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tùy
Bút
Chủ đề:
Nhà văn Văn Quang
Tác giả:
Vương Trùng Dương
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Nhà văn Văn Quang, đã qua đời lúc 10 giờ 20 phút, Thứ Ba, 15
tháng 3 năm 2022, tại tư gia, đường Nguyễn Thiện Thuật, thành phố
Sài Gòn, Hưởng thọ 90 tuổi.
Trong bài viết Nguyễn Thị Thụy Vũ, giữa
dòng đời nghiệt ngã của tôi vào tháng 5 năm 2000, sau này đăng
trong quyển Văn Nhân & Tình Sử, ấn hành năm 2015 (trang 325–347).
Nay trích những dòng liên quan đến nhà
văn Văn Quang:
Tháng Tư năm 2000, tôi đọc bài viết
“Người Con Gái 27 Năm Với Đời Sống Thực Vật” của nhà văn Văn
Quang từ trong nước viết về hình ảnh quá thương tâm của cháu Khôi
Thụy (con của Tô Thùy Yên và Nguyễn Thị Thụy Vũ): “Trong căn
phòng nhỏ hẹp, trên chiếc giường lạt tre thưa thớt, một thân hình
con gái trắng nhễ nhại với chiếc quần cụt, chiếc áo thun ngắn tay
nằm ngay đơ trên chiếu chỉ trải có nửa giường. Bởi nơi đó là nơi
cháu vừa ăn ở, vừa đi vệ sinh, vừa làm chỗ tắm. Cháu không thể
nằm nệm vì chẳng có thứ nệm nào chịu cho nổi. Phải nằm nửa giường
lạch tre thưa để tiện cho mọi công việc ăn uống, tắm rửa. Hơi thở
thoi thóp, cái thân hình con gái căng đầy, cặp chân nhỏ xíu chẳng
cân xứng chút nào với thân hình. Cháu không hề biết mình sống hay
chết, không biết đói no, không biết gì hết ngoài hơi thở là của
con người. Cho ăn thì ăn, ăn bất cứ thứ gì được mẹ hay các cô dì,
bạn của mẹ đưa vào miệng. Không cho ăn, cháu cũng chẳng đòi.
Thỉnh thoảng cháu hú lên không phải vì đói mà vì một lẽ gì đó
không ai biết. Tiếng hú như tiếng kêu của một oan hồn hơn là một
con thú hoang...”.
Đây là bài viết đầu tiên về NTTV, khi
đọc rất xúc động. Trước năm 1975, tôi chưa gặp NTTV nhưng những
người thân trong gia đình chị và tôi có quen biết nhau... Lúc tôi
vào Sài Gòn học đại học Văn Khoa, ở trọ trong dãy nhà của chị
Phương Đài nằm trong khuôn viên thánh thất Từ Vân, đường Nguyễn
Huệ, Phú Nhuận. Dãy nhà này của chị Phương Đài và Xuân Hoàng, con
nữ sĩ Song Thu (Phạm Xuân Chi, cháu nội cụ Phạm Phú Thứ, dòng dõi
nho sĩ ở Quảng Nam). Nhà văn Mặc Khải là anh cùng cha khác mẹ với
hai chị em Phương Đài và Xuân Hoàng. Ông là thân phụ của Nguyễn
Thị Thụy Vũ (Nguyễn Băng Lĩnh) và Hồ Trường An (Nguyễn Viết
Quang)...
Vì
sự thân tình đó nên tôi tôi viết bài “Nguyễn Thị Thụy Vũ, giữa
dòng đời nghiệt ngã” vào tháng 5 năm 2000. Bài viết đăng trên vài
tờ báo ở California và trên trang web Quán Gió ở Úc Châu. Qua hai
bài viết, một số độc giả và thân hữu có lòng từ tâm hỗ trợ số
tiền qua anh Văn Quang để chị NTTV ổn định cuộc sống để nuôi cháu
Khôi Thụy...
Năm 2005 tôi thực hiện tờ báo và trang web Cali Weekly. Được biết
anh Văn Quang cùng khóa 4 Thủ Đức, cùng Trung Đội với anh Hoàng
Tích Thông (Đại Tá trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, thông
gia với tôi), vì vậy anh và tôi (chưa gặp nhau lần nào) nhưng
thân tình và liên lạc thường xuyên.
Mỗi tuần anh Văn Quang với mục “Viết Từ
Sài Gòn”, mục này rất lôi cuốn độc giả. Anh Nguyễn Gia Quyết (Đại
úy TQLC) sau thời gian ở lao tù ngoài Bắc, khi chuyển về trại tù
Z 30 Hàm Tân, ở chung với anh Văn Quang. Khi định cư tại Texas,
anh ra tờ báo Việt Houston nên mục “Viết Từ Sài Gòn” đăng trên tờ
báo của anh vào năm 2008.
Mục này đăng thường trực trên tờ Thời
Luận của anh Đỗ Tiến Đức ở Los Angeles. Tại Little Saigon chưa có
báo nào đăng nên tôi giới thiệu với anh Tống Hoằng, chủ nhiệm
nhật báo Viễn Đông, tiền nhuận bút trả đều đặn (mỗi kỳ 50 mỹ kim)
với điều kiện chỉ đăng ở Viễn Đông tại Nam California, còn các
nơi khác thì tùy ý tác giả. Hai tháng gởi tiền nhuận bút về anh
Văn Quang ở cơ sở Anh Minh (tôi đều nhận được email của anh Văn
Quang).
Hàng
tuần với một bài viết cho các tờ báo ở hải ngoại cũng ổn định
được cuộc sống ở quê nhà... Khi anh Tống Hoằng lâm trọng bệnh thì
nhật báo Viễn Đông không còn mục “Viết Từ Sài Gòn”: Lẩm Cẩm Sài
Gòn Thiên Hạ Sự...
... Nhà văn Văn Quang, tác giả nhiều
tác phẩm xuất hiện vào thập niên 50–70 như:
Tiếng Tơ Lòng (1953),
Hoàng Hoa Thám: Bài Học Xương Máu Của 25 Năm Đấu Tranh (1957),
Thùy Dương Trang (Tiểu thuyết 1957),
Những Lá Thư Màu Xanh (Tiểu thuyết 1963),
Tiếng Hát Học Trò (Tiểu thuyết 1963),
Nghìn Năm Mây Bay (Tiểu thuyết 1963),
Tâm Sự Người Yêu (Tiểu thuyết 1963),
Nguyệt Áo Đỏ (Tiểu thuyết 1963),
Đời
Chưa Trang Điểm (Tiểu thuyết 1964),
Từ
Biệt Bóng Đêm (Tiểu thuyết 1964),
Nét
Môi Cuồng Vọng (Tiểu thuyết 1964),
Chân
Trời Tím (Tiểu thuyết 1964),
Những Tâm
Hồn Nổi Loạn (Tiểu thuyết 1964),
Những
Người Con Gái Đáng Yêu (Tiểu thuyết 1964),
Tâm Sự Người Yêu (Tiểu thuyết 1964),
Vì
Sao Cô Độc (Tiểu thuyết 1965),
Những Kẻ
Ngoại Tình (Tiểu thuyết 1965),
Người Yêu
Của Lính (Tiểu thuyết 1965),
Đường Vào
Bến Mê (Tiểu thuyết 1966),
Những Bước Đi
Hoang (Tiểu thuyết 1966),
Tiếng Cười
Thiếu Phụ (Tiểu thuyết 1966),
Tiếng Gọi
Của Đêm Tối (Tiểu thuyết 1966),
Người
Lính Hào Hoa (Tiểu thuyết 1966),
Quê
Hương Rã Rời (Tập Truyện 1969),
Những
Ngày Hoa Mộng (Phóng sự tiểu thuyết 1970),
Sài Gòn Tốc (Phóng sự tiểu thuyết 1970),
Trong Cơn Mê Này (Tiểu thuyết 1970)...
Trong vài tác phẩm này đã dựng thành
phim: Chân Trời Tím, Nghìn Năm Mây Bay, Đời Chưa Trang Điểm,
Tiếng Hát Học Trò... Tác phẩm Chân Trời Tím đã đăng nhiều kỳ trên
nhật báo Người Việt năm 1990.
Sau khi đi tù về, anh viết các tác
phẩm:
Soi Bóng
Cuộc Tình (Tiểu thuyết 1992),
Sài Gòn
Cali 25 Năm Gặp Lại (Ký sự 2000),
Ngã Tư
Hoàng Hôn (Phóng sự tiểu thuyết, việt từ năm 1990, ấn hành 2001),
Lên Đời Tập 1 (Phóng sự tiểu thuyết 2001),
Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự (Ký sự 2002),
Lên Đời Tập 2 (Phóng sự tiểu thuyết 2005).
Tác phẩm Một Người Đàn Bà, Nhiều Người
Đàn Ông (1998), đăng trên nhật báo Người Việt vào đầu năm 2000
với chương cuối: “Trên đây là một truyện có thật trăm phần
trăm... vào đầu tháng 12 năm 1997, tôi gặp một người đàn bà phúc
hậu, đoan trang, tuổi tác cập kè sáu mươi nhưng không giấu được
vẻ đẹp và cái nhìn còn sắc như dao bổ cau. Cái nét mặt ấy tôi nhớ
mang máng là rất quen. Nhưng tôi lại quen với nếp sống ‘phó
thường dân’ của mình hơn nên thường không muốn hỏi ai trước.
Chúng tôi nhìn nhau giữa một cửa tiệm thuốc tây. Kim Yến reo lên
như gặp lại cố nhân. Chị gọi tên tôi thân tình như buổi tối nào
chúng tôi ngồi với nhau riêng biệt trong căn phòng khách rộng.
Chị ôm choàng lấy cái thân hình ‘lực sĩ’ vừa đủ 32 kí của
tôi...”.
(Văn
Quang – Sài Gòn tháng 1–1998)
Bài viết về Câu chuyện về con gái của
nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ: Người Con Gái 27 Năm Sống Với Đời
Sống Thực Vật của Văn Quang đã gây xúc động nhiều người...
Trích bài viết của Văn Quang:
“Rời Sài Gòn trên chuyến xe đò cuối
cùng vào 5 giờ chiều một ngày đầu mùa mưa cuối tháng 4/2000,
chúng tôi (Văn Quang và chị Ngân) đến thị trấn An Lộc vào lúc gần
8 giờ tối. Thành phố nhỏ, heo hút ánh đèn vàng, hai bên đường
trùng điệp những vườn tiêu, vườn cây ngút ngàn nhấp nhô trên
những sườn đồi dưới ánh trăng mười sáu mờ đục. Chiếc xe đò thả
hai chúng tôi xuống trước trụ sở của Hạt Kiểm Lâm An Lộc. Nhà chị
Thụy Vũ ở bên kia con dốc, sát bên Quốc lộ 13...
Chị đứng chờ sẵn ngoài hiên, khom mình
dưới tấm rèm cũ, nheo mắt nhìn hai chúng tôi bước vào sân và chị
nhận ngay ra chúng tôi. Nét vui mừng hiện rất rõ trên khuôn mặt
gầy guộc của chị...
Thụy Vũ đưa chúng tôi vào căn phòng
khách nhỏ đã dăng sẵn cái mùng trên tấm nệm mút mỏng dính. Có lẽ
ở những nơi xa xôi như thế này người ta có thói quen đi ngủ sớm.
Chị đãi chúng tôi bữa cháo. Đang cơn đói, không cần đợi chị mời,
tôi ăn uống ngon lành. Bỗng tai tôi chói lên vì một tiếng hú.
Tiếng hú của một con thú nào đó từ rừng hoang vọng lại nhưng rất
gần, sát bên chỗ chúng tôi đang ngồi...
Ngân cho biết
– Không phải bại liệt mà cháu sống như
cây cỏ từ 27 năm nay rồi. Cháu nằm đó mà không hề hay biết gì
hết. Năm nay cháu 29 tuổi. Em đã từng chăm sóc cháu ngay từ khi
cháu còn nhỏ. Lúc đó thì còn có thể bồng bế cháu dễ dàng, đưa lên
xe lăn, đẩy cho cháu ra ngoài chơi. Nhưng bây giờ thì cháu lớn
quá rồi, không ai trong nhà này bế nổi cháu lên xe nữa, đành chịu
vậy thôi. Mỗi lần đi đâu, em nhớ và thương nó không thể xa nó lâu
được...
Tôi
hỏi đến nguyên nhân có phải là thứ bệnh bẩm sinh không. Ngân lắc
đầu:
– Hồi
nhỏ, cháu rất xinh đẹp. Đến năm 2 tuổi, cháu đã biết đòi nghe
nhạc, rất duyên dáng. Có lẽ là do một chị người làm trông nom đã
làm cháu ngã, đầu va vào góc thành giường nên từ đó cháu nằm liệt
luôn và không biết gì nữa. Chị Vũ nuôi cháu trong một hoàn cảnh
rất cơ cực. Sau năm 1975, còn sống ở làng Báo Chí Thủ Đức, không
có cả bo bo mà ăn. Chúng em đã buôn thúng bán bưng đủ các thứ
nghề để nuôi cháu. Chị Vũ làm lơ xe buýt đường Sài Gòn – Thủ Đức,
suốt ngày chỉ đứng có một chân trên 10 chuyến xe như thế cho đến
tối mịt mới về đến nhà. Mệt quá lăn ra ngủ, bữa đói bữa no. Con
cái nhốt lại cho đứa lớn coi đứa nhỏ. Sau một thời gian chịu
không nổi, chẳng biết sống bằng gì, chị Vũ đưa ba đứa con về đây
sống với mẹ. Căn nhà này là của bà mẹ chị để lại, bà cụ mới mất
cách đây vài năm...
... Cháu không thể nằm nệm vì chẳng có
thứ nệm nào chịu cho nổi. Phải nằm nửa giường lạch tre thưa để
tiện cho mọi công việc ăn uống, tắm rửa. Hơi thở thoi thóp, cái
thân hình con gái căng đầy, cặp chân nhỏ xíu chẳng cân xứng chút
nào với thân hình. Cháu không hề biết mình sống hay chết, không
biết đói no, không biết gì hết ngoài hơi thở là của con người.
Cho ăn thì ăn, ăn bất cứ thứ gì được mẹ hay các cô dì, bạn của mẹ
đưa vào miệng. Không cho ăn, cháu cũng chẳng đòi. Thỉnh thoảng
cháu hú lên không phải vì đói mà vì một lẽ gì đó không ai biết.
Tiếng hú như tiếng kêu của một oan hồn hơn là một con thú hoang.
Nghe tiếng hú, tay tôi cầm chiếc máy hình run lên, nước mắt tôi
bỗng trào ra, nhòe nhoẹt ống ngắm. Tôi chẳng nhìn thấy gì ngoài
cái tiếng kêu ấy. Biết đâu cháu chẳng có một chút tri thức nhỏ
nhoi nào đó còn sót lại trong cái đời sống thực vật kia. Biết đâu
chẳng phải là tiếng nói nghẹn lại trong nỗi ẩn ức vô cùng không
thể diễn tả thành lời...
Cứ nghĩ như thế tôi lùi dần ra ngoài
cánh cửa gỗ mùi hôi nồng tanh tưởi còn đọng lại mặc dù căn phòng
được lau rửa hàng ngày. Những người quanh cháu đã quen với cái
thứ mùi này rồi nên không để ý, nhưng người mới tới lần đầu là
thấy ngay. Ngân phải cầm máy hình, chụp giúp tôi vài tấm. Thú
thật là ngay lúc đó tôi chưa biết phải làm gì với mấy tấm hình
đó...
... Tôi
buột miệng hỏi:
– Còn cha nó? Có thăm nom gì không?
– Cha nó ở bên Mỹ, nhưng từ ngày ra đi,
ông đã quên mẹ con chị Vũ rồi. Mặc dù bạn bè ai cũng biết, mấy mẹ
con chị sống khổ cực cay đắng đến như thế nào 25 năm qua, cho đến
bây giờ đời sống vẫn vậy. Không đủ tiền cho con ăn, lấy tiền đâu
uống thuốc? Sống hôm nay biết hôm nay, ngày mai nói chuyện sau...
Và đêm đó tôi lại nghe tiếng hú của
cháu vang lên trong đêm dài giữa núi rừng An Lộc lộng gió. Cái
bóng âm thầm của chị Thụy Vũ vọt dậy, lặng lẽ đến với đứa con,
tiếng hát ru nhè nhẹ của chị sợ làm kinh động giấc ngủ của khách
và nhà hàng xóm. Tôi làm sao mà ngủ lại được! Ngày hôm sau, chị
Vũ đưa hai chúng tôi ra trước cửa trụ sở của Hạt Kiểm Lâm đứng
đón xe đò trở về Sài Gòn. Chiếc xe chuyển bánh, người đàn bà gầy
gò đứng chơ vơ trên sườn đồi đất đỏ. Chị cúi đầu trở lại với công
việc làm cỏ khu vườn tiêu và với đứa con bệnh tật cùng với cuộc
sống vô cùng thiếu thốn cô đơn của chị. Cái hình ảnh ấy khiến tôi
ngồi dại đi. Ngân cũng chẳng hơn gì tôi, mặc dầu với tôi đây là
lần đầu tiên tôi đến thăm Thụy Vũ, nhưng với Ngân đây là lần tạm
chia tay với mẹ con Thụy Vũ không biết là lần thứ bao nhiêu rồi.
Tôi biết rằng tôi phải làm một cái gì đó. Một lát sau, tôi nói
với Ngân:
–
Anh phải viết một bài về chị Thụy Vũ và cháu Khôi Thụy. Nhưng
không biết có chạm đến lòng tự ái của chị Thụy Vũ hay không. Bởi
chị là người không hề than thở với ai điều gì bao giờ, chị luôn
luôn tìm tiếng cười trong cuộc đời vô cùng bất hạnh của chính
mình.
Ngân suy
nghĩ một chút rồi nói:
– Nếu anh hỏi ý kiến thì chị Vũ có thể
sẽ từ chối đấy. Nhưng anh hãy làm cái gì mà anh thấy cần làm. Em
sẽ nói với chị ấy sau. Anh tin vào tình thân của em với chị Vũ
thì cứ làm...
... Tôi đã hỏi ý kiến của bạn bè thân ở Sài Gòn và ở nước ngoài,
hầu hết anh em thân thuộc đều cho phép tôi được viết bài này. Tôi
hy vọng sẽ có rất nhiều bạn đọc có tấm lòng sẵn sàng giúp đỡ và
để khỏi phải qua một trung gian nào, xin liên lạc thẳng với chị
Thụy Vũ theo địa chỉ sau:
Nguyễn Thị Băng Lĩnh,
Hộp Thư 08 – Bưu điện Lộc Ninh
Tỉnh Bình
Phước.”
(Văn
Quang)
Khi đọc
bài viết của anh Văn Quang rất xúc động nên tôi viết “Nguyễn Thị
Thụy Vũ, giữa dòng đời nghiệt ngã” được phổ biến trên nhiều tờ
báo và các website ở hải ngoại. Qua hai bài viết được bạn đọc cảm
nhận với tấm lòng nhân ái đã giúp đỡ nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ
nuôi dưỡng cháu Khôi Thụy. Khi Văn Quang đi tù về, sống với Dạ
Lan rồi chia tay và người bạn đời Kim Ngân (Cai Thị Lộc) để an ủi
cho nhau. Người vợ đầu và tám người con (năm trai, ba gái) đi Mỹ
khi anh ở trong trại tù nên thuộc diện “con bà soeur”. Loạt bài
Trò Chuyện Với Nhà văn Văn Quang trước đây đề cập đến nhiều chi
tiết từ cuộc sống đến tác phẩm.
*
Năm 2002, Văn Quang lên vùng quê Lộc
Ninh sinh sống. Trong cuộc phỏng vấn của Lê Thị Huệ vào năm 2007,
phổ biến trên trang web Gió O, nhà văn Văn Quang chia sẻ:
“Trước khi quyết định chọn một nơi nào
đó làm chỗ sinh sống, chắc chắn người nào cũng phải cân nhắc xem
nơi đó có những điều kiện gì, có thích hợp với cuộc sống và công
việc của mình không. Tôi cũng phải làm như thế. Khi tôi đến Lộc
Ninh, được dẫn vào một khu nhà vườn cách thị trấn 3 cây số, ở đây
đã có điện, nước, có đường truyền internet rồi. Đó là 3 điều kiện
đáp ứng được nhu cầu của tôi. Thứ đến là điều kiện an ninh như
thế nào. Sau cùng là khung cảnh yên tĩnh, bởi nơi này một nửa là
thôn ấp, một nửa là vùng đồi núi. Song, tất cả lại phải tùy thuộc
vào giá cả. Vậy nên nó trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu. Tôi
đã đi xem đất ở một số thị trấn như Long Khánh, Chơn Thành...
cuối cùng kết luận là không nơi nào có giá đất vườn rẻ hơn Lộc
Ninh.
Ở ngay
thị trấn Lộc Ninh, giá đất khá cao, tôi lui vào xã Lộc Thái, một
nơi ‘nhà không số, phố không tên’. Tuy nhiên đã có sẵn con đường
làng, trải nhựa, dẫn vào tận nhà, có đèn đường, có điện, xài nước
giếng khoan. Đường truyền internet hồi đó là dial up chạy tành
tạch, chậm, nhưng vẫn có thể làm việc được. Cách đây một năm mới
có đường dây ADSL khá nhanh, nhưng có lẽ chỉ mắc đến xã của tôi ở
là xa nhất so với khu trung tâm thị trấn.
Căn nhà vườn này của người chủ cũ,
trồng tiêu lâu ngày, nay con cái lớn nên muốn về Sài Gòn cho con
đi học. Vả lại trồng tiêu cũng không còn có lời như xưa nữa nên
họ bán lại toàn bộ diện tích nhà vườn với 5,400m². Trong đó có
sẵn một số cây ăn trái, một cái nhà gỗ, dụng cụ làm vườn, bơm
nước... Nếu mua có thể ở và khai thác ngay. Giá cả lại rất rẻ.
Tất cả 165 triệu đồng VN (10 ngàn USD vào thời điểm đó)...
... Có 2 lý do chính tôi chọn Lộc Ninh:
Thứ nhất: Ngoài yếu tố tất nhiên là giá
đất rất rẻ như tôi đã nói ở trên. Với số tuổi của tôi, không còn
thích hợp với đời sống ở thành phố nữa. Cái chung cư tôi ở Sài
Gòn, như cái tổ chim, suốt ngày ồn ào, ngột ngạt, ô nhiễm năng
nề. Làm việc chừng vài tiếng đã thấy mỏi mệt, rã rời, đầu nhức,
mắt hoa. Thuốc nhức đầu, cảm cúm như cơm bữa đối với tôi. Do đó
tôi quyết định phải chọn một vùng quê yên tĩnh cho cuối đời. Cái
khúc quanh này trong cuộc sống quả là có khó khăn, quyết định
thực hiện được với mỗi người không dễ dàng. Song tôi vẫn phải cố
gắng vượt qua nó như đã từng vượt qua những khó khăn hơn thế. Lần
này thì dễ dàng hơn vì nhà chỉ có 2 người, bàn bạc với nhau là
xong. Tôi cũng xin nói thêm là nhờ bạn bè giúp đỡ khá nhiều, con
cháu tôi cũng góp phần cho tôi có đủ điều kiện thực hiện ước
muốn. ‘Rách’ như ông Hoàng Ngọc Liên hồi đó cũng ‘khuyến khích’
tôi bằng 1000 USD, bố con ông Tạ Quang Khôi, Vũ Đức Vinh, Hà Túc
Đạo, Nhất Giang, Vi Túy, Hồ Ông, Lê Thị Kim, Bạch Quyên, Hồng
Oanh cũng góp phần không nhỏ cho tôi ‘về nhà mới’. Hầu như tất cả
những tiện nghi trong nhà tôi ở đây đều do bạn bè tặng.
Thứ hai: Tôi vẫn nghĩ: một nhà văn, nhà
báo, phải biết ‘làm mới mình’. Ở thành phố mãi, đề tài quen thuộc
sẽ cùn dần. Quay đi quay lại ‘nó vẫn thế’. Về nhà quê, có lẽ là
cách tốt nhất để ‘làm mới’ mình. Nơi này từ năm 1972, người dân
Lộc Ninh đã sống trong vùng được gọi là ‘giải phóng’, nói thẳng
ra là họ sống trong vùng của miền Bắc kiểm soát nhiều hơn, dưới
cái tên ‘Mặt trận Giải Phóng miền Nam’. Bên cạnh đó là chiến
trường đẫm máu An Lộc, Bình Long năm 75 và những vùng nghèo khó,
giáp ranh biên giới Campuchia... Tôi có thể tìm hiểu được thực
chất đời sống cùng tâm tư của họ. Người dân quê đã mất gì, được
gì, từ năm 1975 đến nay? Đích thực họ nghĩ gì, làm gì, hy vọng
gì? Những biến chuyển sâu sắc nhất trong từng gia đình như thế
nào? Từ đó so sánh với cuộc sống ở những thành phố, từ đó tìm
biết được những mảnh đời khác với những gì tôi đã biết. Từ đó cho
tôi một cái nhìn sâu hơn, xa hơn, thật hơn, về toàn bộ những gì
dân tộc mình qua những triều đại mà tôi đã sống.
Còn nói về sự cô đơn. Phải thú nhận
rằng đôi khi cũng cảm thấy thiếu trò giải trí chứ chưa hẳn là cô
đơn... Hàng xóm toàn là những ông già, chất phác, chân thật, năm
thì mười họa mới sang nhà nhau một lần. Đôi khi gặp nhau trong
một đám hiếu hỷ, chuyện trò rôm rả, nhưng toàn là thứ chuyện mình
mù tịt. Ngồi im mà học cách họ chăm bón cây ăn trái, mỗi cây có
một cách chăm sóc riêng. Muốn có một cây đu đủ đực thì phải làm
thế nào. Muốn dừa ngọt thì phải làm gì... Đại khái như thế.
Tuy nhiên, đôi khi lại thấy thích thú
vì sự cô đơn ấy. Được ‘tự do’ suy nghĩ cả buổi mà không ai thèm
nói với mình câu nào. Và để làm dịu bớt cô đơn, nhớ bạn bè hoặc
có bạn bè, con cái từ nước ngoài về thăm, tặng quà cho anh em TPB
VNCH thì lại lên xe đò về Sài Gòn một vài ngày, hoặc nếu muốn, có
thể sáng đi chiều về cũng chẳng sao. Ở đây có loại xe đưa đón tận
nhà, giá chỉ có 50 ngàn đồng VN một lượt...”.
Về vấn đề giúp đỡ Thương Phế Binh VNCH,
qua email liên lạc với nhau, tôi biết số tiền ân nhân ở hải ngoại
gởi về, cô Nguyễn Thị Hàm Anh (con gái nhà báo Thượng Sĩ) ở Sài
Gòn lên tận Lộc Ninh và các nơi lân cận để chuyển tận tay số tiền
đến TPB.
Nhà
văn Văn Quang (Nguyễn Quang Tuyến) từng là Chủ Nhiệm báo Chiến Sĩ
Cộng Hòa và chức vụ sau cùng là Trung tá Quản Đốc Đài Phát Thanh
Quân Đội ở Sài Gòn (1969–1975). Từ năm 1957, Văn Quang chuyển
sang ngành Tâm Lý Chiến với chức vụ Trưởng Phòng Báo Chí Quân Đội
thuộc Cục Tâm Lý Chiến, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị QLVNCH và
là Trưởng Ban Biên Tập của các tờ báo Quân Đội VNCH thời đó.
Anh bị tù hơn 12 năm (1975–9/1987)
nhưng sau đó đi theo diện H.O. Theo lời anh:
“Tôi vẫn cho rằng những người bạn tôi
đi định cư hầu hết vì lo cho tương lai của con cái, cho cuộc sống
gia đình hơn lo cho chính bản thân mình. Họ có lý do chính đáng
để ra đi. Còn tôi, hầu như chẳng có lý do gì cả. Khi tôi ở trại
tù ra, các con tôi đều đã định cư ở Mỹ, đi theo ‘diện vượt biên’
và đi học ở Mỹ trước năm 75. Chỉ còn lại mình tôi. Đời sống kinh
tế cũng lại bắt đầu ổn định, bằng việc học computer rồi ra ‘hành
nghề’ đánh vi tính thuê và làm lay–out cho các tiệm sách báo...
Cái may mắn của tôi là ngay khi ở trại tù ra, tôi đã tò mò đi học
khóa computer đầu tiên vào những năm 1989–90–91. Kể về chuyện đi
học computer của tôi chẳng qua cũng là chuyện ‘bất đắc dĩ’ và khá
dài dòng, cười ra nước mắt. Sau khi học xong vài khóa, tôi đã
được các cháu ở Mỹ yểm trợ cho mấy cái computer và máy in laser
để hành nghề. Công việc kiếm ăn khá phát đạt. Vì thế tôi thấy
không cần phải đi đâu nữa cả. Hơn thế, bà xã của tôi và các cháu
cũng đã ‘yên bề gia thất’ nên tôi không muốn khuấy động cuộc sống
của gia đình mình, gây thêm những thắc mắc vướng bận cho những
người thân...
Mặt khác, tôi nghĩ anh em ra đi nhiều rồi, tôi muốn ở lại để
chứng kiến cho hết, cho đầy đủ những đổi thay. Đời sống lúc đó ở
đây bấp bênh, rồi chao đảo vì Liên Xô tan rã, vì Đông Âu lập
lờ... Cuộc sống ‘lên voi, xuống chó’ quay quắt, nếu nhìn như một
kẻ ngoài cuộc, nó sinh động hơn một sân khấu với đầy đủ bi hài
kịch thú vị. Có quá nhiều đề tài mới lạ cho mình ghi nhận. Làm
một nhân chứng sống có lẽ hay hơn. Và cũng vì sự ‘gậm nhấm’ của
tôi về ‘người bạn đồng minh’ nên tôi quyết định ở lại...”.
Thế nhưng, khi Văn Quang sinh sống ở
Lộc Ninh để yên thân nhưng không ngờ tai họa xảy ra. Anh có hai
người bạn lối xóm bị đột qụy nhưng ở Lộc Ninh không có bệnh viện
chữa trị nên qua đời. Và, tình trạng bệnh tật của bản thân anh
cũng nguy hiểm cho tính mạng. Hơn nữa, công an địa phương biết
nhà văn gởi bài viết ra hải ngoại phổ biến nên lui tới “thăm hỏi,
răn đe” nên cảm thấy bất an, đành bán căn nhà để trở về căn nhà
trên chung cư cũ ở đường Nguyễn Thiện Thuật, Phú Nhuận may mà còn
giữ lại chưa bán.
Sống ở Sài Gòn, tháng 6/2009, anh viết
Chuyện “Văn Nghệ & Phú Lít” vào thời Tây gọi là phú lít bắt nhầm
một anh nghệ sĩ chuyên đóng kịch, đêm cuối năm hết tiền bèn đóng
cửa nằm nhà. Buồn tình anh nghệ sĩ giả tiếng năm người ngồi đánh
phé, một canh phé trong tưởng tượng rất lớn, ăn thua cả trăm
triệu đồng...
Anh cho biết: “Sau khi tôi viết bài này một ông trung tá quân đội
biệt phái sang cảnh sát đem trình với sếp lớn. Ông cảnh sát
trưởng tức tốc cho đàn em đến bắt tôi lên gặp. Ông hỏi lung tung
cố tình hành hạ tôi suốt một tuần lễ liền, sáng 8 giờ lên phòng
làm việc của cảnh sát Quận 3, 12 giờ về, 2 giờ chiều lại lên. Anh
phó trưởng phòng đích thân hỏi tội tôi. Gán cho tôi đủ thứ tội.
Nhưng cuối cùng chẳng kiếm ra tội gì phạm pháp luật. Tôi cũng nói
ngay ‘Tôi làm cái gì mà pháp luật không cấm, có thế thôi. Nhiệm
vụ của các anh là tô sen vẽ hồng cho chế độ, còn tôi có ăn lương
nhà nước đâu, tôi làm cho báo trả lương tôi viết cái gì cần viết
và phải viết’. Anh phó phòng cay cú nhưng cũng chẳng làm gì được.
Nhưng anh ta vẫn phê vào biên bản ‘Phạm tội vi phạm internet –
Phạt 1 triệu đồng’...
Từ đó tôi bị theo dõi sát nút, bài vở
thư từ qua internet cũng bị ‘phòng đặc biệt’ của sở Cảnh Sát
chuyên về vi tính chi nhận đầy đủ. Tôi không biết nên cứ phây
phây làm việc của mình. Thế nên một lần khác tôi lại bị tóm.
... Khoảng 8 giờ sáng, bỗng một toán
cảnh sát vài chục anh kéo đến xông vào nhà tôi trên chúng cư tôi
đang ở. Họ hùng hổ như đi bắt cướp. Kéo nhau vào sục sạo khắp
nhà, từ cái ngăn kéo tủ đến gầm giường. Có cái máy móc nào họ lôi
ra hết, đóng vào thùng khuân xuống xe kể cả mấy cái máy computer,
máy chụp hình, điện thoại. Cả xóm kéo nhau ra xem, họ tưởng tôi
là tội phạm nặng lắm. Họ bắt tôi mang ra xe. May mà không còng
tay, chỉ có hai cậu lực lưỡng ngồi sát hai bên đề phòng tôi nhảy
xuống trốn.
Về
đến ty cảnh sát, họ tống tôi vào một căn phòng hẹp vắng hoe. Một
lát sau một anh khệnh khạng cầm tập hồ sơ vào. Anh ta bắt đầu
cuộc hỏi cung. Lôi ra một đống bài tôi viết. Một anh chuyên viên
lôi máy computer của tôi ra lục lọi tìm mọi thứ kể cả hình ảnh và
thư riêng. Sau đó anh in ra từng bài và bắt tôi ký tên xác nhận
bài đó là của tôi. Tôi nhìn lướt qua rồi ký thì ký. Tôi vẫn tin
là mình làm đúng pháp luật không cấm.
Đến 12 giờ trưa họ cho tôi về, chiều
lại đến. Cứ như thế suốt một tuần, họ thay nhau hỏi cung, lúc nhẹ
nhàng cười cợt, lúc kết tội rất căng. Đó là kiểu khủng bố tinh
thần để làm mất tinh thần đối thủ...
... Cuối cùng, cảnh Sát yêu cầu tôi
ngưng viết bài ra nước ngoài. Thật ra lúc đó có muốn viết cũng
không viết được, mất hết computer và cắt hết internet lấy gì mà
viết. Bạn bè tôi ở nước ngoài hỏi thăm và sẵn sàng yểm trợ. Nhưng
còn đường internet lúc đó tôi thuê của VNN và hãng này cho tôi
biết họ được lệnh không cho tôi thuê đường dây nữa. Với biết bao
trở ngại, tôi đành thúc thủ suốt gần một năm, không viết lách gì
được. Anh công an gộc bảo tôi có viết thì viết báo trong nước,
anh ta sẵn sàng giới thiệu, báo nào cũng được. Tôi thẳng thắn trả
lời ‘Tôi chỉ đá một chân, không thể viết báo trong nước được.
Viết kiểu của tôi chẳng báo nào trong nước dám đăng đâu. Xin
miễn’. Cho đến bây giờ cứ thấy tên tôi trong bất kỳ bài nào của
ai, báo VN cũng gạch bỏ liền. Quả thật điều này không làm tôi
phật ý mà ngược lại tôi còn khoái vì sao họ sợ mình đến thế?...
... Nhưng tôi cũng ‘uống thuốc liều
rồi’ cứ viết tới đâu thì tới. Già rồi nếu bị bắt bị nhốt chắc chỉ
vài tháng là chết, tôi không sợ. Chắc họ cũng hiểu điều đó và nếu
bắt tôi họ sẽ mang tiếng ‘đàn áp’ bịt miệng những nhà văn nhà báo
độc lập...”.
Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự
Với loạt bài hàng tuần với chủ đề này,
nhà văn Văn Quang chia sẻ:
“Lẩm cẩm” là một lối viết có tính thời
sự. Bởi tính cách “đặc thù” của thời hiện tại nơi tôi đang sống,
nên buộc phải viết theo một cách nào đó để không bị gây phiền
lụy. Tôi “xông” vào những đề tài xã hội “nóng” nhất, có tính điển
hình nhất mà người dân đang chú ý. Một nhu cầu khác nữa là hướng
đến độc giả hải ngoại, đang quan tâm tới điều gì? Nói cho rõ hơn,
Việt kiều của chúng ta đang muốn biết điều gì đang xảy ra tại quê
hương mình. Chắc ai cũng muốn có những thông tin chính xác, không
bị vo tròn bóp méo bởi bất cứ lý do nào, đôi khi chỉ là sự “tam
sao thất bản” nên thông tin thiếu độ trung thực. Tôi chọn lọc
những sự kiện ấy, tìm kiếm thông tin chi tiết và làm thế nào càng
chính xác được càng tốt. Nó không phải là một bản tin thuần túy
mà đưa vào những nhận định, quan điểm của riêng mình như một lời
bàn bạc, nói chuyện với độc giả một cách bình thường chứ không là
lý luận. Từ đó bạn đọc có thể hiểu rõ vấn đề hơn và có thể suy
luận, nhận định riêng. Do đó, người ở xa quê hương, vẫn có thể
biết rõ những sự việc xảy ra tại quê nhà.
Tuy nhiên “Lẩm Cẩm Sài Gòn” không chỉ
là những chuyện lẩm cẩm. Nó có cả những mặt trái, mặt phải của xã
hội, chuyện khôi hài và chuyện đau thương, những bản tường trình
thẳng thắn vượt qua mọi áp lực. Miễn là chuyện xảy ra có thật.
Cái nhìn xoáy về phía sau những sự việc đã và đang xảy ra chứ
không phải chỉ có “bề mặt” sự việc, tôi nghĩ đó mới thực sự cần
thiết cho bạn đọc ở nước ngoài vốn không có nhiều thì giờ theo
dõi.
Tóm lại,
“Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự”, nếu tổng kết lại, nó sẽ là một bức
tranh toàn cảnh của xã hội tôi đang sống. Nó phản ảnh được trung
thực mọi vấn đề ở bề mặt đời sống của người dân thuộc đủ mọi tầng
lớp xã hội. Từ một anh nông dân “lừa được cả nước” đến một đại
gia lương thiện và bất luơng, từ lớp thanh niên đến các quan
chức, từ cô gái tỉnh lẻ đến các cô gái chân dài thành thị. Từ nỗi
đau thương cơ cực của “những người bị bỏ quên” như anh em Thương
Phế Binh VNCH đến những cảnh trác táng cùng cực, hoang phí vô
cùng của lớp người ăn trên ngồi trước... Cái khoảng cách giữa
thành thị và nông thôn, những điều phi lý bất công, những điều
cần nói mà người dân không nói được...
Tất nhiên, trong hoàn cảnh của tôi, có
những hạn chế mà ai cũng hiểu được. Cho nên viết và “lách” vẫn là
điều phải nghĩ tới. Tôi làm cái gì mà luật không cho phép cũng
không cấm. Tôi làm với lương tâm của một người cầm bút... Tôi chỉ
biết cầm bút, độc lập và hành xử theo tiếng gọi của lương tri...
*
Sài Gòn Người Muôn Năm Cũ
Nhà xuất bản Tiếng Quê Hương ấn hành
Sài Gòn Người Muôn Năm Cũ, Tâm Bút Của Văn Quang vào cuối năm
2020.
Tác phẩm
Sài Gòn Người Muôn Năm Cũ tập hợp một số bài chọn lọc trong hơn
500 bài mà tác giả đặt tựa chung là Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự
viết từ năm 2000 đến năm 2016. Các bài này đều được báo chí Việt
ngữ hải ngoại từ Canada, Úc, Hoa Kỳ...
Sài Gòn Người Muôn Năm Cũ dày 576
trang, hầu hết các bài về văn nghệ sĩ ở Sài Gòn đã từng quen biết
nhau như Phi Thoàn, Nhật Bằng, Tạ Tỵ, Trần Thiện Thanh, Phạm
Huấn, Huy Quang, Thái Tuấn, Hoàng Anh Tuấn, Thanh Nam, Thái Tủy,
Tô Kiều Ngân, Nguyễn Xuân Hoàng, Phan Lạc Phúc...
Khi nhận được tác phẩm này vào tháng
1/2021, tôi định viết về nhà văn Văn Quang như đã viết trong loạt
bài Người Lính & Chiến Hữu Văn Nghệ nhưng lúc đó tình thế chính
trị ở Mỹ gây xôn xao và dịch Covid–19 ám ảnh nỗi đau của mọi
người nên tôi nghĩ viết về văn nghệ như “đàn lạc dây”!
Tháng 3 năm 2022, tình hình chiến trận
sôi động ở Ukraine khi Putin xua quân Nga xâm lăng, tin tức hàng
đầu trên thế giới. Và, cũng vào thời điểm này 47 năm trước với sự
xâm lược của Cộng quân ở miền Nam Việt Nam đã gây tang thương,
chết chóc, kinh hoàng và phẫn uất với quân, dân miền Nam Việt
Nam. Chiến tranh xảy ra ở Ukraine được các quốc gia trên thế giới
nhiệt tình hỗ trợ trước bạo lực của Nga, còn miền Nam Việt Nam
khi bị “đồng minh tháo chạy” thì hoàn toàn đơn độc để đối đầu với
quân xâm lược! Khi đất nước rơi vào tay kẻ thù thì thì trại tù
mọc lên khắp nơi từ Nam ra Bắc như “Quần Đảo Ngục Tù, Quần Đảo
Gulag – The Gulag Archipelago” của nhà văn Nga Alexander
Solzhenitsyn. Đại úy Solzhenitsyn bị bắt giam qua các trại tù khổ
sai, và từ đó ông đã viết lên những tác phẩm phơi bày sự dã man,
tàn bạo các trại tù của CS Liên Xô... đoạt giải Nobel Văn Chương
năm 1970.
Vài
hình ảnh trong trại tù do Văn Quang viết như Cái Muỗng, Tết Trong
Trại Tù... Khi ra tù, anh viết nhiều với hình ảnh “Bức tranh vân
cẩu, vẽ người tang thương” (Nguyễn Gia Thiều) trong xã hội quê
nhà với bạn đọc nơi hải ngoại.
Sài Gòn ngày 21 tháng 6/2017, nhà văn
Văn Quang viết Thư Từ Giã Bạn Đọc
“Đây là bài sau cùng tôi viết hàng tuần
cho các báo ở nước ngoài. Tôi sẽ ngưng viết loạt bài này vì lý do
sức khỏe, không vì bất cứ lý do nào khác.
Hơn 60 năm cầm bút, tôi không có gì
đáng tự hào bởi chỉ như người lính trên đường trường hành quân
không biết mình đã bắn được bao nhiêu viên đạn. Tất cả chỉ vì ba
lời thề ‘Tổ Quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm’ mà tôi đã thề trước khi
trở thành người lính của Quân Đội VNCH. Tôi còn thua cả những
đồng đội của tôi đã vĩnh viễn ra đi hoặc bỏ lại một phần thân thể
mình trên chiến trường, trở về với cuộc sống vất vưởng nơi quê
nhà.
Trong lá
thư ngắn hôm nay, trước khi ngừng viết, tôi xin gửi lời cảm tạ
đến tất cả bạn bè, các bạn đọc của các báo và các khán thính giả
và các cơ quan truyền thông, các đài phát thanh truyền hình đã
từng có thời gian dành cho tôi những tình cảm đặc biệt. Bây giờ
đầu óc tôi không còn được minh mẫn nữa, khi nhớ khi quên... đã
đến lúc phải biết mình nên dừng lại ở đâu.
Tôi chắc chắn trong những bài viết của
tôi có nhiều khiếm khuyết, mong được sự bao dung thông cảm của
các bạn”.
(Văn
Quang)
Trước
sự mất mát của nhà văn hơn hai mươi năm trong đời binh nghiệp của
QLVNCH và hơn mười hai năm trong lao tù CS, tôi viết những dòng
này để tưởng nhớ và cầu mong anh gặp lại thân hữu năm xưa nơi cõi
vĩnh hằng.
Little Saigon, March 17, 2022
Vương Trùng Dương
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by MĐ Trịnh Tường Vân chuyển
Đăng ngày Thứ Bảy, March 19,
2022
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang