Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Biên
Khảo
Chủ đề:
họ tộc vn
Tác giả:
Phạm Đình Lân
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Nói
về họ của người Việt Nam chúng ta tạm tóm tắt một vài đặc điểm
chính như sau:
Tất cả các họ ở Việt Nam đều được tìm
thấy ở Trung Hoa.
Những họ cổ xưa như họ:
Âu,
Chu hay
Châu,
Cù,
Đoàn,
Dương,
Lạc,
Lữ,
Nông,
Nùng,
Phụng,
Triệu,
Trưng,
Vương, v.v.
được tìm thấy ở miền trung du, thượng
du Bắc Bộ, và ở Quảng Đông (Guangdong), Quảng Tây (Guangxi), Vân
Nam (Yunnan), Chiết Giang (Zhejiang), trên đảo Hải Nam (Hainan)
xưa là Hợp Phố.
Những họ mà người Việt hiện mang chưa hẳn là họ gốc. Điều dễ hiểu
là Việt Nam là quốc gia có nhiều chinh chiến, nội chiến, nổi loạn
nên rất khó gìn giữ họ gốc của mình vì một lý do đặc biệt nào đó.
Trong quá trình Nam Tiến có nhiều người Việt Nam mang họ Chế, họ
Trà... của người Chăm hay họ Sơn, họ Thạch... của người Khmer. Lê
Văn Khôi, dưỡng tử của tổng trấn Lê Văn Duyệt, gốc người Cao
Bằng, tên thật là Bế Văn Khôi. Chắc chắn hậu duệ của Nguyễn Trãi
và Cao Bá Quát thay tên, đổi họ sau khi có bản án tru di tam tộc
năm 1442 và 1855 để được an thân.
Ngày xưa tỷ lệ người biết chữ Hán để
viết gia phả rất nhỏ nên chỉ có gia đình các nho gia, quan lại
mới có gia phả. Con cái sinh ra được ghi chép họ, tên, ngày,
tháng, năm, và giờ sinh kỹ lưỡng để xem tử vi. Số người này rất
nhỏ. Chinh chiến làm cho gia phả bị thất lạc. Có người phải thay
tên đổi họ và thay đổi nơi cư trú để bảo toàn an ninh và tánh
mạng. Giấy tờ chữ Hán không khả tín 100% khi chữ quốc ngữ và
tiếng Pháp thịnh hành trong nước từ hậu bán thế kỷ XIX đến giữa
thế kỷ XX vì khó minh định thời gian, loại giấy dùng, và cách
hành văn trong văn kiện để xác nhận đó là thật hay giả, bản chánh
hay bản mới viết, v.v.
2. Xã hội Việt Nam ngày xưa là xã hội
đa thê
Chỉ có
con của chánh thất mang họ cha mà thôi. Các con dòng thứ không
được giữ họ cha nghĩa là đương nhiên bị loại ra khỏi quyền phân
chia gia tài khi người cha mất. Đó là trường hợp cùng cha nhưng
lại mang hai họ khác nhau, phức tạp pháp lý của chế độ đa thê.
Dưới thời Pháp thuộc chỉ có các công chức mới chú trọng đến việc
lập hôn thú và khai sinh cho con để lãnh lương và lo giấy tờ cho
con cái học hành. Ngoài xã hội vẫn có nhiều cặp vợ chồng chung
sống
[với] nhau nhưng không có hôn thú. Khi sinh con đứa trẻ
mang họ cha miễn là được cha nhìn nhận. Luật gia đình ban hành
năm 1959 qui định con của những cặp vợ chồng không có hôn thú
không được mang họ của cha. Nhiều trường hợp bất thường xảy ra
trong những gia đình không có hôn thú: trong cùng gia đình, cùng
cha, cùng mẹ nhưng những người con sinh trước 1959 mang họ cha và
những người con sinh sau 1959 mang họ mẹ. Tình trạng này chấm
dứt sau năm 1963. Việc mang họ cha quan trọng đối với những gia
đình giàu có và quyền tước. Về phương diện vật chất mang họ cha
để được quyền dự phần vào việc phân chia gia tài. Về mặt tinh
thần đó là danh dự của người xuất thân từ những vọng tộc.
*****
Các họ thường thấy ở Việt Nam là họ của
các vương triều trong lịch sử.
Ngô Quyền là người sáng lập ra triều
Ngô sau khi đánh bại quân Nam Hán đem lại độc lập cho nước nhà
(938). Họ NGÔ ở nước ta cũng không nhiều vì vương triều nhà Ngô
tương đối ngắn ngủi (939–944 rồi 950–965). Ở Trung Hoa nhiều
người mang họ Ngô của Wu Fu Cha (Ngô Phù Sai). Người Việt gốc Hoa
ở Việt Nam mang họ Ngô liên hệ với Wu Fu Cha hơn là với Ngô Quyền
gốc ở Sơn Tây.
Họ DƯƠNG ở nước ta là họ của Tiết Độ Sứ
Dương Diên Nghệ, chủ tướng và nhạc phụ của Ngô Quyền. Khi Ngô
Quyền mất, Dương Tam Kha, con của Dương Diên Nghệ, làm nhiếp
chánh. Ông soán ngôi nhà Ngô và xưng vương từ năm 945 đến 950.
Họ ĐINH được tìm thấy nhiều trong cộng
đồng người Mường ở Ninh Bình, Hoà Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà
Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Đó là họ của Đinh Bộ Lĩnh, người
sáng lập ra nhà Đinh, gốc ở Ninh Bình, sau khi đánh dẹp 12 sứ
quân năm 968. Nhà Đinh chỉ kéo dài 12 năm (968–980) trong lịch sử
nên họ Đinh không đông đảo khắp nước.
*****
Số người mang họ LÊ ở Việt Nam rất
đông. Họ Lê hiện hữu ở Việt Nam dưới ba triều Lê khác nhau tổng
cộng 383 năm:
– Nhà Tiền Lê khai sáng bởi Lê Hoàn tức vua Lê Đại Hành vào năm
980 và chấm dứt năm 1009.
– Nhà Hậu Lê do Lê Lợi tức Lê Thái Tổ
khai sáng sau khi đánh đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi. Nhà Hậu Lê
kéo dài từ năm 1428 đến 1527. Lê Lợi lên ngôi sau khi Trần Cao
tức Hồ Ông, một tôn thất của nhà Trần, bị giết chết. Các bô lão
gởi kiến nghị cho nhà Minh để xin Minh đế sắc phong An Nam Quốc
Vương cho Lê Lợi vì con cháu nhà Trần không còn ai nữa. Trong
hàng ngũ kháng chiến chống quân Minh có hai công thần, một văn,
một võ là con cháu của nhà Trần: Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn.
Cả hai là cháu của Trần Nguyên Đán. Nhà Hậu Lê đã nhổ hai cây gai
này bằng một bản án tru di tam tộc dành cho Nguyễn Trãi năm 1442
và cái chết ám muội dưới sông nước của tướng Trần Nguyên Hãn
(1429) để tránh tội nói dối với nhà Minh.
– Nhà Lê Trung Hưng kéo dài từ 1533 đến
1788. Đây là thời kỳ các vua Lê vô quyền trước chúa Trịnh. Vào
thế kỷ XIX, dưới triều Nguyễn, có hai tôn thất nhà Lê Trung Hưng
nổi lên chống triều Nguyễn. Đó là Lê Duy Lương nổi dậy vào năm
1833 dưới triều vua Minh Mạng. Ông oán ghét triều Nguyễn vì năm
1817 vua Gia Long ra lịnh xử tử cha ông là Lê Duy Hoàn cùng với
con trai của Đô Thống Nguyễn Văn Thành là Nguyễn Văn Thuyên. Vua
Minh Mạng có ác cảm với họ Lê vì ghét tổng trấn Gia Định Thành là
Lê Văn Duyệt
(1), tổng trấn Bắc Thành, Lê Chất
(2), và dư đảng
nhà Lê ở miền Bắc. Hai vị tổng trấn này bị xử án dưới triều vua
Minh Mạng sau khi chết. Mộ của hai vị ấy bị san phẳng. Dưỡng tử
của Lê Văn Duyệt là Lê Văn Khôi nổi dậy ở Nam Kỳ năm 1833. Cuộc
nổi loạn thất bại. 1800 người trong thành Gia Định bị giết sạch
chôn trong ngôi mộ tập thể gọi là mả ngụy (1835). Nhiều người
mang họ Lê khiếp sợ đổi sang họ khác, đặc biệt là họ Nguyễn. Năm
1854, dưới triều vua Tự Đức, một tôn thất khác của nhà Lê là Lê
Duy Cự nổi lên chống triều Nguyễn. Cao Bá Quát tham gia cuộc nổi
dậy được gọi là Giặc Châu Chấu
(3)
nên bị "tru di tam tộc". Một
số tôn thất nhà Lê bị đày vào Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Năm 1861 một người không rõ nguồn gốc theo đạo Thiên Chúa tự nhận
là tôn thất nhà Lê dưới tên Pierre Lê Duy Minh hay Lê Duy Phụng
hay Tạ Văn Phụng, nổi lên chống triều đình. Đó là lý do tại sao
vua Minh Mạng, Thiệu Trị, và Tự Đức không có thiện cảm với họ Lê.
*****
Họ TRỊNH được biết đến ở Việt Nam từ
thời Nam Bắc Triều (Bắc Triều: nhà Mạc. Nam Triều: nhà Lê Trung
Hưng với sự trợ giúp của Trịnh Kiểm). Tổ tiên của các chúa Trịnh
là Trịnh Kiểm gốc ở Thanh Hoá. Ông sinh ra trong một gia đình
nghèo sớm mồ côi cha. Nhờ có năng khiếu chỉ huy quân sự thiên phú
ông được Nguyễn Kim cho phép ông cưới con gái của ông là Ngọc
Bảo. Họ Trịnh không làm vua nhưng làm chúa. Chúa lấn quyền vua.
Họ Trịnh quyết định việc phế lập các vua Lê. Thậm chí có khi còn
giết vua nữa. Họ Trịnh nắm quyền ở Nam Triều từ năm 1545 đến 1590
và ở Bắc Hà từ 1591 đến 1786 tổng cộng 240 năm.
Người Trung Hoa có nhiều người mang họ
Trịnh gọi là Zheng (Quan Thoại). Họ Trịnh của người Việt gốc Hoa
không liên hệ gì đến họ Trịnh gốc Thanh Hóa cả.
*****
Họ LÝ ở Việt Nam do Lý Công Uẩn đại
diện. Ông gốc ở Bắc Ninh, được nhà sư Lý Khánh Vân nuôi dưỡng và
dạy dỗ trong chùa. Năm 1009 vua Lê Long Đỉnh mất. Các tướng lãnh
và sư Vạn Hạnh ủng hộ ông lên ngôi. Đó là vua Lý Thái Tổ, người
khai sáng ra nhà Lý (1010–1225).
Trước Lý Thái Tổ có Lý Bôn đánh đuổi
quân nhà Lương (Liang) và xưng vương. Đó là Lý Nam Đế, đặt tên
nước là Vạn Xuân. Tổ tiên của Lý Nam Đế là người Hán lánh nạn ở
Giao Châu khi Trung Hoa có loạn Wang Mang (Vương Mãng).
Lý Nam Đế (vua: 544–548) là người sáng
lập ra nhà Tiền Lý. Nhà Tiền Lý kéo dài từ năm 544 đến 602 không
liên tục vì có một thời gian dài Triệu Quang Phục tức Triệu Việt
Vương đảm nhận trọng trách lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân
xâm lăng từ phương Bắc (548–571).
Họ Lý là họ của Lý Đàm (Li Dan 571–471
trước Tây Lịch) tức Lão Tử (Laozi) hay Thái Thượng Lão Quân, tác
giả Đạo Đức Kinh, nền tảng của Đạo Giáo (Taoism). Họ Lý cũng là
họ của người khai sáng ra nhà Đường (Tang) (618–907) là Li Yuan
(Lý Uyên) ở Trung Hoa. Ở Trung Hoa họ Lưu và họ Lý rất đông. Đó
là hai họ khai sáng ra nhà Hán và nhà Đường.
Nhà Lý suy vi dưới triều vua Lý Huệ
Tôn. Năm 1225 vương quyền từ trong tay Lý Chiêu Hoàng rơi vào tay
người chồng 08 tuổi, Trần Cảnh, theo kế hoạch của Trần Thủ Độ.
Trần Thủ Độ hù doạ khiến vua Lý Huệ Tôn khiếp sợ phải tự tử chết
mặc dù không còn tại vị và đã sống trong một ngôi chùa ở Thăng
Long. Trần Thủ Độ ra lịnh chôn sống các tôn thất nhà Lý ở thôn
Thái Đường, Bắc Ninh, năm 1232. Nhiều người họ Lý đổi ra họ
Nguyễn.
Dưới
triều Lý, Ngô Tuấn (tên thật của Lý Thường Kiệt) được ban quốc
tính nhờ có nhiều chiến công nên được mang họ Lý của vua. Đó là
danh tướng Lý Thường Kiệt (1019–1105).
Ngày nay họ Lý được tìm thấy phần lớn
trong cộng đồng người Việt gốc Hoa. Họ Lý này khác với họ Lý gốc
ở Bắc Ninh.
*****
Tổ tiên
của nhà TRẦN là Trần Lý:
Một ngư phủ giàu có và có uy tín ở Nam
Định. Ông là nhạc phụ của vua Lý Huệ Tôn, vị vua cuối cùng của
nhà Lý. Ông là cha của Trần Thừa. Trần Thừa có hai người con là
Trần Liễu và Trần Cảnh. Cả hai đều là rể của vua Lý Huệ Tôn. Trần
Liễu cưới công chúa Thuận Thiên. Trần Cảnh cưới công chúa Chiêu
Thánh tức Lý Chiêu Hoàng. Do sự sắp xếp của Trần Thủ Độ, cả hai
đều có vợ không đầy 10 tuổi! Nếu Lý Huệ Tôn chọn công chúa Thuận
Thiên nối ngôi thì Trần Liễu có triển vọng làm vua. Lý Huệ Tôn
chọn Chiêu Thánh lên ngôi tức Lý Chiêu Hoàng khi mới lên 07 tuổi.
Trần Thủ Độ tìm cách buộc Lý Chiêu Hoàng trao ngôi báu cho chồng
là Trần Cảnh khi ông mới lên 08 tuổi! Nhà Trần không có Trần Thái
Tổ. Trần Cảnh lên ngôi tức là vua Trần Thái Tôn. Ở tuổi này ông
không thể tự nhiên ngồi trên ngai vàng với tư cách vì vua đầu
tiên của nhà Trần nếu không có một Trần Thủ Độ quyết đoán, mưu
lược, và đầy thủ đoạn tàn độc hậu thuẫn. Triều Trần kéo dài 175
năm (1225–1400).
Dưới triều Trần có Tiến sĩ Nguyễn
Thuyên làm bài Văn Tế Cá Sấu khiến con sấu rời khỏi sông Phú
Lương. Vua Trần Nhân Tôn thấy công việc này giống như Hàn Dũ đã
làm năm 830 nên cho phép ông đổi họ Nguyễn sang họ Hàn. Nguyễn
Thuyên trở thành Hàn Thuyên (1282). Như đã biết Trần Thủ Độ diệt
các tôn thất của nhà Lý trong cuộc thảm sát ở thôn Thái Đường,
dùng lời đe dọa khiến Lý Huệ Tôn phải treo cổ mà chết. Ông tư
tình với hoàng hậu Trần Thị Dung, bà con cùng dòng máu họ Trần
với ông, và chung sống với bà sau khi vua Lý Huệ Tôn thoái vị và
tu trong chùa. Ông buộc vua Trần Thái Tôn chung sống với chị dâu,
công chúa Thuận Thiên, vợ của Trần Liễu, anh ruột của nhà vua,
đang có thai.
Từ năm 1390 đến 1400 nhà Trần suy vi. Những gì Trần Thủ Độ gây ra
cho nhà Lý được Lê Quí Ly (sau này là Hồ Quí Ly) lặp lại cho nhà
Trần.
Nhà Lý
suy yếu khi thái tử Sảm tức vua Lý Huệ Tôn sau này chạy loạn đến
Hải Ấp và sống trong nhà của Trần Lý. Thái tử Sảm yêu con gái của
Trần Lý là Trần Thị Dung. Khi lên ngôi vua Lý Huệ Tôn phong cho
Trần Thị Dung làm hoàng hậu. Bao quanh nhà vua là những thành
viên của gia đình hoàng hậu. Vua Lý Huệ Tôn và hoàng hậu Trần Thị
Dung không có con trai mà chỉ có hai người con gái. Đó là công
chúa Thuận Thiên và Chiêu Thánh tức Lý Chiêu Hoàng.
Lê Quí Ly được vào triều đình nhà Trần
vì có hai người cô là ái phi của vua Trần Minh Tôn. Một người là
mẹ của vua Trần Nghệ Tôn (vua: 1370–1372) và một người là mẹ của
vua Trần Duệ Tôn (vua: 1372–1377). Năm 1372 vua Trần Nghệ Tôn
nhường ngôi cho em là Trần Duệ Tôn để lên làm Thái Thượng Hoàng.
Một người em họ của Lê Quí Ly là hoàng hậu của vua Trần Duệ Tôn.
Uy thế của Lê Quí Ly càng lên cao vì Thái Thượng Hoàng Trần Nghệ
Tôn rất tín nhiệm ông. Năm 1377 vua Trần Duệ Tôn tử trận khi
chinh phạt Chiêm Thành. Thái Thượng Hoàng Trần Nghệ Tôn đưa thái
tử Hiển, con vua Trần Duệ Tôn, lên ngôi tức vua Trần Phế Đế (vua:
1377–1388)
Lê
Quí Ly chuyên quyền xúi giục Thái Thượng Hoàng Trần Nghệ Tôn thắt
cổ vua Trần Phế Đế vì vua âm mưu chống lại ông (1388). Thái tử
Trần Ngung, người con út của Thái Thượng Hoàng Trần Nghệ Tôn,
được đưa lên ngôi tức vua Trần Thuận Tôn (vua: 1388–1398). Hồ
Thành Ngâu, con gái của Lê Quí Ly, là hoàng hậu của vua Trần
Thuận Tôn. Năm 1396 Lê Quí Ly bắt vua Trần Thuận Tôn dời đô về
Tây Đô ở động Yên Tôn, Thanh Hoá, và buộc vua phải thoái vị để đi
tu tiên (1398). Ngôi báu rơi vào thái tử Án, 03 tuổi! Đó là Trần
Thiếu Đế, cháu ngoại của Lê Quí Ly. Phụ chính đại thần là Lê Quí
Ly. Cựu vương Trần Thuận Tôn bị Lê Quí Ly cho người giết chết dù
đã thoái vị và tu Tiên theo Đạo Giáo (Taoism). Các tôn thất nhà
Trần như Trần Khát Chân, Trần Nguyên Hãn tìm cách giết Lê Quí Ly.
Âm mưu bất thành, 370 tôn thất nhà Trần bị giết chết ngoại trừ
gia đình Trần Nguyên Đán, thông gia với Lê Quí Ly. Năm 1400 Lê
Quí Ly cướp ngôi nhà Trần và lập ra nhà Hồ (1400–1407). Một số
người họ Trần hoảng sợ đổi sang họ Hồ hay họ khác. Một số khác
tìm cách trốn tránh Hồ Quí Ly.
*****
Tổ tiên Lê Quí Ly vốn họ HỒ gốc ở Chiết
Giang (Zhejiang) và sống qua nhiều đời ở Nghệ An. Về sau họ Hồ sa
sút và được sự giúp đỡ của ông Lê Huấn, một người giàu có và
quyền thế ở Nghệ An. Từ đó dòng họ Hồ được cải sang họ Lê. Khi
lên ngôi Lê Quí Ly cải họ Lê của ông thành họ Hồ. Để ghi nhớ
nguồn gốc Chiết Giang (Zhejiang) của tổ tiên Lê Quí Ly đổi thành
Hồ Quí Ly. Như vậy gia đình ông đã đổi họ từ Hồ sang Lê rồi từ Lê
sang Hồ.
Hồ
Phi Phúc, thân phụ của Hồ Thơm tức Nguyễn Huệ, nữ sĩ Hồ Xuân
Hương, nhà cách mạng Hồ Học Lãm là những nhân vật danh tiếng họ
Hồ gốc ở Nghệ An không biết có liên hệ huyết thống gì với Hồ Quí
Ly không?
Tổ
tiên của ông Hồ Phi Phúc được đưa vào Qui Nhơn vào thế kỷ XVII
khi quân họ Nguyễn vượt qua sông Gianh mở cuộc Bắc tiến tấn công
vào Nghệ An.
Hồ Học Lãm là một nhà cách mạng có uy tín hoạt động ở Trung Hoa.
Ông là đại tá trong quân đội của Tưởng Giới Thạch (Chiang
Kaishek). Ông thành lập Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội (gọi tắt
là Việt Minh) năm 1936 tại Nam Kinh (Nanjing). Bí danh Hồ Chí
Minh là bí danh của Đại tá Hồ Học Lãm. Ông là người yêu nước dùng
uy tín cá nhân trong quân đội Trung Hoa Quốc Dân Đảng để giúp đỡ
cho các nhà cách mạng Việt Nam hoạt động trên lãnh thổ Trung Hoa
bất luận thuộc khuynh hướng chánh trị nào (Đông Dương Cộng sản
Đảng, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội).
Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi là người
Việt Nam mang họ MẠC đầu tiên được biết đến trong lịch sử. Ông
gốc ở Hải Dương, đậu trạng nguyên năm 1304.
Người khai sáng ra nhà Mạc là Mạc Đăng
Dung, một người đánh cá gốc ở Hải Dương được chấm đậu Đô Lực Sĩ.
Lợi dụng sự suy vi của nhà Hậu Lê với nhiều loạn lạc trong nước
ông soán ngôi nhà Hậu Lê và lập ra nhà Mạc năm 1527. Họ Mạc có
nhiều thù địch với họ Lê, họ Nguyễn, và họ Trịnh. Sự kình chống
giữa ba họ Lê–Nguyễn–Trịnh như là kình chống giữa hai trục Hải
Dương và Thanh Hoá.
Hải Dương là sinh quán của họ Mạc.
Thanh Hoá là sinh quán của họ Lê, Nguyễn, và Trịnh.
Sau khi rời khỏi Đông Đô năm 1591
(Thăng Long–Hà Nội) họ Mạc chạy lên Cao Bằng và được nhà Minh
(Ming) ủng hộ nên còn tồn tại ở đó đến năm 1677. Nhà Thanh (Qing)
không ủng hộ họ Mạc vì họ Mạc ngả theo Wu San Gui (Ngô Tam Quế).
Chúa Trịnh sát phạt họ Mạc. Để tránh sự theo dõi và trừng phạt
đẫm máu của họ Trịnh, nhiều người mang họ Mạc phải đổi sang họ
Phạm. Ở Hải Dương, tỉnh sinh quán của họ Mạc, có hai nhân vật
lịch sử họ Phạm được danh thơm là danh tướng Phạm Ngũ Lão vào thế
kỷ XIII đời nhà Trần và Tiến sĩ Phạm Đình Trọng vào thế kỷ XVIII
thời vua Lê Chúa Trịnh. Do chiến công oanh liệt và danh thơm của
Phạm Ngũ Lão, một công dân Hải Dương, mà họ Mạc được đổi thành họ
Phạm chăng?
*****
Nhân vật
lịch sử họ NGUYỄN đầu tiên là tướng Nguyễn Bặc đời nhà Đinh (thế
kỷ X). Tiếp theo là các tướng Nguyễn Hoằng Dụ và Nguyễn Kim (thế
kỷ XVI). Họ Nguyễn thực sự nổi bật trong lịch sử khi Nguyễn
Hoàng, con của Nguyễn Kim, và một số người Thanh Hoá vượt Hoành
Sơn thành lập một giang san độc lập với nhà Lê. Nguyễn Hoàng được
gọi là Chúa Tiên (1600–1613). Chúa Nguyễn ở Đàng Trong hay Nam Hà
gồm 10 vị:
1.
Nguyễn Hoàng tức Chúa Tiên (1600–1613)
2. Nguyễn Phúc Nguyên tức Chúa Sãi (1613–1635)
3. Nguyễn Phúc Lan tức Chúa Thượng (1635–1648)
4. Nguyễn Phúc Tần tức Chúa Hiền (1648–1687)
5. Nguyễn Phúc Trăn tức Chúa Nghĩa (1687–1691)
6. Nguyễn Phúc Chu tức Quốc Chúa (1691–1725)
7. Nguyễn Phúc Trú tức Chúa Ninh Vương (1725–1738)
8. Nguyễn Phúc Khoát tức Chúa Võ Vương (1738–1765)
9. Nguyễn Phúc Thuần tức Chúa Định
Vương (1765–1777) – Tây Sơn khởi nghĩa năm 1771.
10. Nguyễn Phúc Ánh (1777–1801) (chỉ có
ảnh hưởng trên đồng bằng sông Đồng Nai và Cửu Long mà thôi.)
Mười vị chúa Nguyễn đứng đầu trong
guồng máy chánh trị ở Đàng Trong 201 năm (1600–1801) bị đứt quãng
từ năm 1771 đến 1801 (30 năm nội chiến với nhà Tây Sơn).
Năm 1802 Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi tức
là vua Gia Long. Triều Nguyễn có 13 đời vua:
1. Gia Long (1802–1820),
2. Minh Mạng (1820–1840),
3. Thiệu Trị
(1841–1848),
4. Tự Đức (1848–1883),
5. Đức Dục (1883),
6. Hiệp Hòa (1883),
7. Kiến Phúc (1884),
8. Hàm Nghi
(1884–1885),
9. Đồng Khánh (1885–1889),
10. Thành Thái (1889–1907),
11. Duy Tân
(1907–1916),
12. Khải Định (1916–1925),
13. Bảo Đại (1925–1945).
Ngự trị trên một Việt Nam thống nhất
trong 143 năm. Thực tế chỉ có vua Gia Long, Minh Mạng, và Thiệu
Trị ngự trị trên một lãnh thổ thống nhất rộng 330,000km². Dưới
triều vua Tự Đức, Nam Kỳ mất vào tay người Pháp vào năm 1862 rồi
1867. Vương quyền nhà Nguyễn không còn ở Nam Kỳ từ đó. Năm 1884
Trung Kỳ và Bắc Kỳ trở thành đất bảo hộ (protectorat). Các vua
nhà Nguyễn vẫn còn trên đất bảo hộ nhưng thực tế vô quyền.
Họ Nguyễn có vai trò quan trọng trên
sân khấu chánh trị Việt Nam được 344 năm. Họ Nguyễn rất đông ở
Việt Nam nhất là vùng đất chạy dài từ Quảng Bình vào đồng bằng
sông Đồng Nai và sông Cửu Long vì:
– Họ Nguyễn có công khai thác và nới
rộng 60% diện tích nước ta.
– Các Chúa Nguyễn đều đắc nhân tâm nên
được dân chúng yêu mến. Đàng Trong trở thành vùng đất Tự Do trọng
dụng người có thực tài chớ không nặng về giai cấp xã hội. Trường
hợp Đào Duy Từ là một điển hình. Trước khi khởi nghĩa ba anh em
nhà Tây Sơn đổi họ Hồ của cha ra họ Nguyễn của mẹ, bà Nguyễn Thị
Đồng, ý thức rằng dân chúng rất mến các Chúa Nguyễn. Vì vậy
Nguyễn Nhạc không dám đả động đến họ Nguyễn mà chỉ nhắm vào sự
lộng quyền và thối nát của quốc phó Trương Phúc Loan. Nếu Chúa
Nguyễn không đắc nhân tâm thì với một vùng đất mới, tổ chức quốc
phòng lỏng lẻo, rời rạc làm thế nào chống cự lại quân họ Trịnh?
Chánh sách đắc nhân tâm cống hiến cho Đàng Trong nhiều tướng lãnh
giỏi như Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật, và quân sư hữu tài hữu
đức như Đào Duy Từ. Nhân dân đoàn kết một lòng nên họ Nguyễn
chẳng những cầm cự họ Trịnh hữu hiệu mà còn mở những cuộc hành
quân vượt sông Gianh tấn công vào Nghệ An. Tổ tiên họ Hồ của ba
anh em Tây Sơn được đưa từ Nghệ An vào Qui Nhơn sau cuộc hành
quân này (1755).
– Ở miền Bắc ảnh hưởng của vua Lê, Chúa
Trịnh vẫn còn quan trọng. Số người mang họ Nguyễn không đông bằng
số người theo họ Nguyễn từ vĩ tuyến 18 trở vào Nam. Các Chúa
Nguyễn rất đắc nhân tâm. Nhân dân no ấm; cuộc sống ổn định nên
nhiều người muốn mang họ Nguyễn vì yêu mến các vị lãnh đạo của
mình. Các vua nhà Nguyễn, sau 30 năm nội chiến đẫm máu với nhà
Tây Sơn, trở nên nghiêm khắc, bảo thủ, và đa nghi nên thường dùng
hình phạt đẫm máu để răn đe dân chúng. Vua Gia Long chẳng những
không rộng lượng với kẻ thù như Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, và
con gái mà còn tỏ ra thiếu khoan dung đối với các công thần như
Nguyễn Văn Thành (về bài thơ ngông nghênh của con là Nguyễn Văn
Thuyên), Đặng Trần Thường. Sự đối xử của vua Minh Mạng đối với
công thần như Lê Văn Duyệt, Lê Chất bằng những bản án phân xử
người chết làm cho người bàng quan suy nghĩ ít nhiều về sự thiếu
rộng lượng của người lãnh đạo.
Việc hủy sạch thành Gia Định và giết
sạch những người theo Lê Văn Khôi nổi loạn năm 1835, việc giết
đạo dưới triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, những cuộc đàn áp
đẫm máu những cuộc nổi loạn của Lê Duy Lương thời Minh Mạng, Lê
Duy Cự, bản án tru di tam tộc của Cao Bá Quát thời Tự Đức làm cho
những người họ Lê hay họ khác khiếp sợ phải nghĩ đến việc đổi
sang họ Nguyễn như một phương cách tìm đường sống. Khác với thời
Chúa Nguyễn, lần này nhiều người chuyển sang họ Nguyễn vì sợ vua
chớ không phải vì yêu mến.
Dưới mắt
người Tây Phương, NGUYỄN ám chỉ người Việt Nam. Các nhà lãnh đạo
Việt Nam thời cận đại phần lớn mang họ Nguyễn: Bảo Đại tức Nguyễn
Phúc Vĩnh Thụy, Hồ Chí Minh tức Nguyễn Sinh Cung hay Nguyễn Tất
Thành, và Nguyễn Văn Thiệu.
****
Việc thay đổi họ, tên vẫn thường xảy ra
trong những hoàn cảnh đặc biệt nào đó. Ngoài việc đổi tên họ, các
văn thi sĩ còn có bút hiệu. Các nhà cách mạng hoạt động bí mật có
bí danh. Người ta biết Nhất Linh mà không biết Nguyễn Tường Tam
hay biết Bình Nguyên Lộc mà không biết Tô Văn Tuấn.
Trong xã hội Khổng Giáo, để tôn kính
một danh nhân, người ta không gọi tên vị ấy mà gọi biệt hiệu như
cụ Sào Nam tức Phan Bội Châu (do câu: Việt điểu Sào Nam chi); cụ
Tây Hồ tức Phan Châu Trinh, v.v. Ở Trung Hoa người ta tránh gọi
tên Quốc Phụ Sun Yatsen (Tôn Dật Tiên) mà gọi ông là Sun
Zhongshan (Tôn Trung Sơn. Zhongshan.<.Trung Sơn.>. là làng sinh
quán của Sun Yatsen chớ không phải là tên hay biệt hiệu). Người
Việt Nam gọi nhà khoa bảng Nguyễn Khuyến là Tam Nguyên Yên Đổ
(Yên Đổ, xã sinh quán của ông trong tỉnh Hà Nam. Tam Nguyên: thủ
khoa thi Hương, thi Hội, và thi Đình).
Trên lãnh vực chánh trị người ta biết
Trường Chinh mà không biết Đặng Xuân Khu. Henry Kissinger thương
thuyết mật với Lê Đức Thọ. Ông biết Lê Đức Thọ nhưng không biết
Phan Đình Khải, v.v. Các vị ấy dùng và duy trì bí danh như tên
thật của mình và quần chúng bên ngoài chỉ biết các bí danh ấy chớ
không biết tên thật của các vị ấy. Lê Hữu Trọng được cải sang họ
Lý. Sau này người ta biết Lý Tự Trọng chớ không biết tên gốc Lê
Hữu Trọng (1914–1931). Họ Lý ở đây là họ của Lý Thụy, bí danh của
Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh sau này) khi hoạt động ở Quảng Châu
(Guangzhou) năm 1925 bên cạnh Borodin.
Phần kết luận này củng cố những
nhận xét trên trang đầu của bài viết:
(1) Vì Lê Văn Duyệt
không ủng hộ việc lên ngôi của Thái tử Đảm tức vua Minh Mạng sau
này, và vì chém đầu Huỳnh Công Lý, thân phụ của một ái phi của
nhà vua!
(2) Vì là một quân
nhân hữu công giữ chức vụ quan trọng ở Bắc Thành, địa bàn cai trị
của vua Lê chúa Trịnh trước kia, ông dễ bị nghi ngờ phản lại
triều đình. Sự nghi ngờ dựa vào: 1. quá khứ của ông: ông là tướng
lãnh của Tây Sơn đầu hàng theo Nguyễn Ánh; 2. sự thân thiện giữa
hai tổng trấn Lê Chất và Lê Văn Duyệt.
(3) Giặc Châu
Chấu: Gọi như thế vì lúc ấy châu chấu tàn phá mùa màng
trên bình nguyên sông Hồng.
PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.
nguồn:
blog tuần báo trực tuyến sài gòn
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by tkd sưu tầm
Đăng ngày Thứ Hai, February 3, 2025
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang