Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tản văn
Chủ đề:
Tiếng Việt
Tác giả: Phạm Quang Trình

NÓI VÀ VIẾT TIẾNG VIỆT
(vài suy nghĩ vụn vặt)

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

Thời gian qua, (khoảng tháng 11/2017) có cuộc tranh luận trên diễn đàn về hai lối viết “Sử dụng và xử dụng” đã đưa đến cho bạn đọc nhiều thích thú.

Qua các email trao đổi và tranh luận nhẹ nhàng đó, có vị nêu ra vấn đề Việt Nam ta cần phải có Hàn Lâm Viện. Nếu có thì cũng tốt thôi. Nhưng thiển nghĩ mình chưa có Hàn Lâm Viện thì có ai cấm mình tranh luận để tìm ra những cái hay cái mới đâu. Thời các Giáo sĩ Tây phương (Bồ Đào Nha, Pháp) sáng chế ra lối viết Chữ Quốc Ngữ bằng mẫu tự La Tinh cũng đâu có Hàn Lâm Viện mà công trình của họ thật vĩ đại chưa từng thấy. Rồi sau đó qua thời gian với những sửa đổi cho hoàn chỉnh thì ngày nay mình đã có lối viết chữ Quốc Ngữ tiến bộ nhiều so với mấy trăm năm về trước thời Linh mục Alexandre de Rhodes. Cho nên trong khi chờ có Hàn Lâm Viện, thiết tưởng ta cứ tiếp tục bàn thảo, trao đổi miễn là trong tinh thần xây dựng. Chỉ xin đừng như cái ông Phó Giáo sư “Tiến sĩ thổ tả của Đảng Ta” đưa ra lối viết mới rất đáp ứng nhu cầu “Hán hóa” của bọn Tầu Khựa và tay sai đã được cả nước lên tiếng chửi cho vỡ mặt.

Trở lại việc trao đổi trên mạng thì xem ra có nhiều người vẫn lẫn lộn giữa hai lối viết “Sử dụng và Xử dụng”, trong đó có tôi. Tôi đã đọc và viết nhiều lần hai chữ này, vậy mà khi đọc lại các bài viết, đôi khi vẫn thấy bài này viết “sử dụng” và bài khác lại viết là “xử dụng”. Mỗi lần xảy ra như thế, tôi lại mở tự điển ra coi xem viết như thế nào. Thật vậy, tôi có hơn chục cuốn tự điển tiếng Việt cũ mới đủ loại, vẫn thường mở ra coi mà đôi khi vẫn viết lầm, viết sai. Nay nhờ những trao đổi và tranh luận trên diễn đàn, hy vọng là sẽ không vấp phải sai lầm này như trước.

Nhưng quả thật, cũng nhờ vụ tranh luận này mà tôi nhớ lại những suy nghĩ vụn vặt của mình về cách phát âm và cách viết từ lâu rồi nên hôm nay muốn ghi lại để chia sẻ với bạn đọc. Xin nhấn mạnh đây chỉ là những suy nghĩ vụn vặt, chủ quan.

 

* * *

 

Trên diễn đàn vừa rồi, khi đề cập đến việc viết “Xử hay Sử”, có bạn nhắc đến sự liên hệ giữa “Chữ và Nghĩa”. Ông viết: “Chữ phải đi liền với nghĩa. SỬ là ghi chép lại các sự kiện như: Tiền sử, Lịch sử, Trang sử, Tiểu sử, Sách sử, v.v. thì phải dùng chữ ‘S’ (Sử) là danh từ”.

Tôi đồng ý sự liên hệ giữa chữ và nghĩa. Hiểu nghĩa mới diễn đạt được bằng lời. Lời tức là nói ra thành tiếng. Vì “Nói là dùng lời để tỏ ý tứ” (Việt Nam Tự Điển Lê Văn Đức). Ghi lại tiếng phải dùng chữ. Chữ ta dùng hiện nay là Chữ Quốc Ngữ do các Giáo sĩ Tây Phương đã sáng chế từ mấy thế kỷ trước bằng việc dùng các mẫu tự La Tinh.

Muốn viết ra chữ thì phải biết vật đó thuộc loại tự gì, nghĩa làm sao để phát âm cho đúng. Phát âm là nói lên thành tiếng để nghe. Thường thì người ta phát âm đúng và giống nhau, nhưng giọng nói của mỗi người lại có thể khác. Ngay trong một gia đình, có nhiều đứa con, chúng phát âm thường giống nhau, nhưng giọng chúng có thể khác: trầm bổng, trong trẻo, khàn khàn, vân vân... Tôi dân Bắc Kỳ di cư 54 chính hiệu mà con cháu tôi có đứa giọng Bắc, có đứa giọng Nam, có đứa giọng pha Nam Bắc. Trong một nhà mà con cháu còn có giọng khác nhau, huống chi một làng, một xã, một quận, một tỉnh, khu hay miền trong một nước. Giọng nói của nhiều người cũng như giọng của các ca sĩ. Người này có giọng thanh thanh, trong trẻo, dễ nghe. Người kia có giọng ồm ồm, khàn khán, nặng nề, hay the thé như vịt đực. Cũng như ca sĩ này có giọng ca nhẹ nhàng, truyền cảm. Ca sĩ kia lại có giọng trầm buồn, yểu điệu, vân vân.

Nước Việt Nam ta chiều dài đo thẳng từ Nam Quan đến Mũi Cà Mâu khoảng 1640 cây số và bờ biển cong queo dài 2200 cây số theo số liệu sách giáo khoa ngày trước. Tôi nhớ như vậy, không biết nay đo lại có đúng như vậy không? Cư ngụ theo chiều dài đó, tất nhiên giọng nói của dân chúng ba miền chắc chắn có những khác biệt.

Thật ra, dân Việt nói chung từ Nam chí Bắc có phong tục, tập quán, ngôn ngữ tương đối thuần nhất, lại có cùng một chữ viết (Chữ Quốc Ngữ). Nhưng giọng nói ba Miền (Nam, Bắc, Trung) thì nghe khác nhau rõ rệt, tuy nói ra vẫn hiểu nhau. Sự dị biệt đó cũng là chuyện bình thường. Mà không chỉ ba miền Nam Bắc Trung mà ngay trong một miền, một vùng nhỏ như một làng, một quận đôi khi cũng khác nhau nhiều lắm. Tôi nhớ lại ngay làng tôi hồi trươc 1954 ở Miền Bắc, không lớn lắm, dân số khoảng 2000, gồm hai thôn Lương, thôn Giáo mà giọng nói của hai thôn đôi khi cũng có nhiều khác biệt. Rồi ngay trong một huyện, những người ở trong đồng bằng lại có giọng nói khác người dân ở ven biển. Như mấy làng Cao Mộc, Ninh Cù, Xá Thị, Cao Dương, Thu Cúc... huyện Phụ Dực thì dân làng tôi chuyên nghề làm ruộng ở phía trong có giọng nói khác với dân làng Hộ, làng Diêm Điền làm nghề đánh cá ngoài biển, có giọng hơi nặng gần với dân xứ Nghệ. Sự khác biệt đó phần nhiều là do dân chúng ít giao lưu đi lại nhất là thời chiến tranh từ trước 1954.

Thời gian trước 1954 ở vùng tôi tại Thái Bình, làng nọ cách làng kia chỉ vài ba cây số mà ít đi lại với nhau. Thỉnh thoảng có lễ lạc, rước sách thì một số người qua lại dự Lễ xong là về. Nói chung là rất ít giao thiệp, liên lạc vì không có nhu cầu. Quanh năm ngày tháng chỉ có cái cầy với con trâu, ao cá, mảnh vườn. Sau 1954, gần một triệu người di cư Miền Bắc vào Nam thì giọng nói dân miền Nam và dân di cư bắt đầu có pha trộn ít nhiều. Rồi sau 30/04/1975 khi Việt Nam thống nhất thì dân ba miền Trung Nam Bắc lại có dịp giao thương đi lại qua nhiều phương tiện thì giọng nói lại bắt đầu thay đổi thêm nữa ở cả trong nước lẫn hải ngoại.

Về giọng nói hay cách phát âm ở mỗi miền thì đôi khi có tính cách đặc thù riêng của miền đó. Nói đến “con cá gô” (con cá rô) hiểu ngay là dân miền Rạch Giá. Nói đến “con tâu tắng” (con trâu trắng) là hiểu ngay đó là dân miền đồng bằng Bắc Việt như Thái Bình quê tôi. Nói “lước lon lặng một nời thề” (nước non nặng một lời thề) là hiểu ngay một số dân quê vùng Hải Dương, Kiến An. Vân vân và vân vân.

Dân miền quê thuộc huyện Phụ Dực, tỉnh Thái Bình chúng tôi, thời trước 1954 toàn nói “con tâu tắng”. Không nói được chữ TR như “Con trâu thành con tâu”, “năm trăm thành năm tăm”. Còn dân vùng quê Kiến An, Hải Phòng, tôi nghe họ nói L thành N và ngược lại. Nước non lại nói là lước lon. Học trò chúng tôi hay cười nói cho vui: “Ông não no ne nè nưỡi niếm nòng nợn nuộc!” (ông lão lo le lè lưỡi liếm lòng lợn luộc). Năm trăm (500) lại nói là lăm chăm. Chính tôi đây và anh chị em tôi hay cả một làng trước khi di cư vào miền Nam, lúc ở ngoài Bắc chuyên nói “con tâu tắng buộc bụi te túc, béo tòn tùng tục như cái tống teo” (Con trâu trắng buộc bụi tre trúc, béo tròn trùng trục như cái trống treo). Tôi nghe giọng nói của một số dân làng thuộc Bùi Chu thì thấy họ hay phát âm lẫn lộn giữa chử S và Th. Làm sao thì nói là “nàm thao”; thánh thần thì nói là “sánh sần”, thế nào thành “xế lào”, vân vân.

Lớp người trẻ, hoặc các em được cha mẹ sanh ra sau khi vào Nam được tiếp xúc, trao đổi, học hành ở nhà trường thì mới sửa giọng lại được. Nói chung, việc sửa giọng tương đối dễ dàng với đám trẻ học sinh. Còn người lớn thì rất là khó. Anh chị tôi, khi còn sống cách đây khoảng trên 20 năm (1990 trở về trước) lúc đó đã trên 90 tuổi mà vẫn còn nói “Con tâu, bụi te, mấy tăm...” không làm sao sửa được. Nay đến lớp con cháu được sinh ra ở trong Nam thi nhờ giáo dục, giao lưu nên đã nói đúng hơn lớp trước. Đó là dân làng quê, còn ở tình thành thì nhờ có sự giao lưu trao đổi, học hành nên phát âm khá đúng.

Người ta nói rằng giọng Hà Nội là giọng chuẩn và hay nhất. Tôi nghe rất nhiều người nói và cũng đã tiếp xúc, nói chuyện với nhiều người Hà Nội chính gốc, có học nên tôi nghĩ có thể là đúng. Giọng nói rất sang, rất thanh, rõ ràng, phân minh nhất là phát âm qua các dấu sắc huyền hỏi ngã nặng. Đó là giọng Hà Nội trước 1954. Còn sau năm 1954 thì một số lớn trí thức Hà Nội như bác sĩ, kỹ sư, giáo sư Đại Học và nhiều từng lớp đồng bào đã di cư vào Miền Nam. Rồi một số lớn bị chế độ cộng sản đuổi đi các nơi khác, hoặc lên mạn ngược hoặc chạy về đồng bằng để nhường chỗ cho các thành phần của chế độ mới và gia đình của họ. Từ đấy Hà Nội biến thành một thủ đô tạp nhạp, hổ lốn, tứ chiếng. Đã vậy chế độ cộng sản trong chủ trương ngu dân và bần cùng hóa nhân dân đã đưa họ vào một xã hội tệ hại, xuống cấp. Và giọng nói của lớp người mới này sau năm 1954 đã làm cho ngôn ngữ Hà Nội biến thể! Cái tên Hà Nội được nhiều người nói thành Hà Lội để ám chỉ cái ngôn ngữ và cái lối sống mới đồng thời thoáng cho thấy thực trạng thê thảm đó. Vì xã hội thay đổi thì ngôn từ cũng thay đổi theo. Tiếng nói dân Hà Nội ngày nay không còn như trước nữa. Giọng nói thanh tao, đúng âm điệu đã mất để nhường chỗ cho cái giọng lơ lớ, nghe nó thế nào ấy. Đã vậy, còn nói nhanh, nói lẹ với những ngôn từ mới nghe hơi chướng tai! Dĩ nhiên số người Hà Nội cũ còn lại thì họ vẫn có lối phát âm và giọng nói thanh tao xa xưa.

Có một cụ già hồi thập niên 60 từng đi đây đi đó. Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định... chỗ nào cũng có vết chân cụ. Cụ bảo: “Khi nghe dân ở Hà Nội gọi cha mẹ là ‘cậu mợ’” thì đó không phải là dân Hà Nội chính gốc mà đó là dân gốc Nam Định. Khi nghe có người nói “cái ý” thay vì “cái ấy” thì đó là dân Hà Đông. Cái này thì tôi không rành, nghe cụ nói thì nhớ và viết vậy.

Trở lại cách phát âm, phải nói người miền Bắc phân biệt dễ dàng sáu (6) âm qua các dấu: từ không dấu như (ma, na, ca, da, xa...) đến 5 dấu: (1) sắc, (2) huyền, (3) hỏi, (4) ngã, (5) nặng.

Nhờ cách phân biệt đó nên khi nói là nói rất rõ ràng. Một Linh mục Dòng Tên (cha Philippus Gomez, s.j.) khi học nói tiếng Việt đã chia sẻ: “Học tiếng Việt đầu tiên là tập phát âm theo dấu giọng: ‘Ma má mà mả mã mạ’. Hễ phân biệt được như vậy thì kể như đã vượt qua được một giai đoạn khó khăn.” Ta có thể thực hành khi phát âm các chữ khác thay vì “Ma má...” như “Đa đá đà đả đã đạ. Con cón còn cỏn cõn cọn. La lá là lả lã lạ. Bông bống bồng bổng bỗng bộng.” Vân vân và vân vân.

Bây giờ nói về giọng nói ba miền Trung Nam Bắc và dĩ nhiên chỉ nói cách chung chung. Giọng nói dân Miền Bắc cứng cỏi, phân biệt rõ các dấu sắc huyền hỏi ngã nặng (ma má mà mả mã mạ). Dân Miền Trung nói giọng nặng rõ rệt (hình như dấu hỏi và dấu nặng hơi nhiều), người khác miền nghe người Miền Trung nói rất khó phân biệt. Dấu hỏi và dấu ngã xem ra dễ lẫn lộn. Có nhà nghiên cứu (BS Nguyễn Hy Vọng) tác giả bộ Tự Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt cho rằng người Trung chỉ có 5 âm (ý nói không có dấu ngã) vì bị ảnh hưởng của tiếng Lào, tiếng Thái. (Những Nẻo Đường Tiếng Việt, trang 22). Người Miền Nam thì giọng nhẹ nhàng hơn giọng dân Miền Bắc, nghe dễ hiểu hơn nghe giọng dân xứ Quảng miền Trung?

Việt Nam được phân làm ba miền về địa lý Nam Bắc Trung. Các tỉnh từ biên giới Hoa Việt đến Ninh Bình thuộc Miền Bắc. Từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh tiến về phía các tỉnh phía Nam như Phan Thiết, Bình Tuy thuộc Miền Trung. Từ Bình Tuy xuống đến Cà Mau là miền Nam. Dân chúng trong những tỉnh giáp ranh giữa hai miền thường có giọng nói pha trộn. Thí dụ như Thanh Hóa thuộc Miền Trung giáp Ninh Bình thuộc miền Bắc thì giọng nói của dân chúng xem ra gần gũi và rất giống với giọng nói dân miền Bắc. Có lẽ vì sự đi lại từ Thanh Hóa ra Hà Nội miền Bắc dễ dàng hơn là đi vào Huế. Còn dân từ Nha Trang, Lâm Đồng, Đà Lạt xem ra lại gần gũi với dân miền Nam và khác rất nhiều so với dân xứ Quảng. Từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Quảng Bình, ra đến Hà Tĩnh, Nghệ An có giọng nặng như nhau.

Từ khi nghe giọng nói của người dân miền Nam...

Hồi mới di cư vào Nam, dân Bắc Kỳ di cư 54 chúng tôi nghe giọng người Miền Nam nói nghe ngồ ngộ, vui vui. Nhiều chữ mới nghe không hiểu. Cụ thể như: dà, dìa, con doi, ông dua, dô diên... Rồi còn chuyện hiểu nhầm vì ngôn ngữ. Chả là có hai ông kể chuyện khi đi thăm mấy bạn Miền Nam ở dọc bờ sông. Nhìn thấy mấy ông miền Bắc đi tới, một bà miền Nam vồn vã:

– Xin mời mấy bác xuống ghe tui uống nước!

Mấy ông miền Bắc cứ ngớ ra, rồi hỏi nhau: “Sao lại mời mình xuống ghe uống nước”. Rồi người nọ nhìn người kia...

Khi bước xuống ghe đậu bên bờ sông, uống nước nói chuyện với hai ông bà miền Nam, mấy ông mới biết dân miền Nam gọi cái “ghe” tức là cái “thuyền” của người Miền Bắc. Trong khi đó, người Miền Bắc nói cái “ghe” tức là chỉ cái âm hộ, bộ phận sinh dục của người đàn bà. Khi chửi nhau, có bà vung tay xỉa xói đối phương: “Mày mà đụng tới bà thì bà đánh cho giập ghe!” Khi về rồi mấy ông lâu lâu lại cười vui nhắc lại: “Xin mời các bác xuống ghe tui uống nước, ha ha ha...”

Cũng tương tự, người miền Nam gọi bịnh Cúm thì người Miền Bắc mới đầu cho là tục tĩu. Cúm hay cõm bẹp người miền Bắc vẫn coi là hai danh từ chỉ bộ phận sinh dục của người đàn bà tức là âm hộ, như khi chửi nhau: “Có mà ăn cúm bà!” Hoặc có ông già trong lúc ngà ngà say than thở với bạn nhậu: “Hôm nay đánh chén ngon quá. Chả bù với hôm qua ở nhà, mẹ nó đi chợ mua cho mấy miếng đỗ phụ để nhắm riệu. Đỗ phụ rán gì mà nhăn nhúm như cái cõm bẹp!”

Rồi chính vì sự phát âm khác nhau của hai miền Nam Bắc mà xảy ra chuyện “suýt nữa” đám học sinh Bắc Kỳ di cư bị đánh rớt kỳ thi Tiểu Học năm 1954 và 1955.

Như đã nói, người Miền Bắc hay nói rõ hơn là các học sinh Miền Bắc khi viết chính tả nghe thầy cô đọc thế nào thì viết y như vậy. Nói “vua” thì viết là “vua”. Nói “dua” thì viết là “dua”. Nói “Ngọc Hoàng” thì viết “Ngọc Hoàng”. Nói “Ngọc Goàng” thì viết “Ngọc Goàng”. Chuyện xảy ra trong các kỳ thi Tiểu Học lúc đó, khi các thầy giáo người Miền Nam đọc chính tả. Các thầy cô đọc “Dua” thì học sinh miền Nam viết là “Vua” còn học sinh miền Bắc lại viết là “Dua”. Thầy đọc “dề” thì học sinh miền Nam viết “về” còn học sinh miền Bắc viết là “dề” y như thầy đọc! Vân vân và vân vân.

Sau khi chấm bài chính tả, các học sinh miền Bắc đều bị “đánh rớt” vì viết sai chính tả những chữ vua, về... Đánh rớt thì người Bắc gọi là “trượt” cùng nghĩa. May mà Ban Giám Khảo nhận ra sự việc đó đã chấp thuận cho những học sinh miền Bắc viết sai mấy chữ vần V do sự phát âm của các thầy cô Miền Nam được đậu, nếu các môn khác đủ điểm.

Lại một câu chuyện thật về bất đồng ngôn ngữ xảy ra ở nhà tôi. Lúc đó, khoảng đầu năm 1955, cuộc sống của dân di cư ở Rạch Bắp, quận Bến Cát thuộc tỉnh Thủ Dầu Một (Bình Dương) đã tạm ổn định. Các anh chị tôi, mọi người đều có công ăn việc làm theo khả năng và tự lựa chọn. Riêng thầy tôi, sau một thời gian làm thợ mộc cho Sở Cao Su, tuy lương cao, mỗi ngày 50 Đồng, nhưng ông cụ lại muốn làm nghề tự do ở nhà để được thong dong thoải mái. Thầy tôi mở xưởng mộc đóng bàn ghế, giường, tủ bán cho dân trong vùng. Khách hàng phần lớn là dân địa phương người Nam. Vì đông khách, thầy tôi mời ông chú và người con nuôi góp sức hợp tác. Vì nhà tôi gần ngay mặt đường, xe cộ đi lại thường xuyên nên dân địa phương hay ghé qua đặt hàng. Có lần một ông khách người miền Nam đến đặt thêm một món hàng nữa. Ông bào:

– Mấy bác làm cho tui như cái hổm.

Thầy tôi mà mấy ông hỏi lại khách hàng:

– Cải hổm là cái gì?

– Thì làm như cái hổm!

Thầy tôi và mấy ông kia cứ ngẩn người ra. Các ông lẩm bẩm: “Cái hổm là cái gì? Quái lạ, chưa bao giờ nghe biết cái hổm.” Rồi mấy ông vừa nói vừa cười với nhau: “Cái hổm là cái gì?”

May quá lúc ấy có ông Bắc Kỳ di cư khác ghé thăm, thấy cảnh tượng vui vui. Thầy tôi nhờ ông ta giải thích: “Cái hổm là cái gì?”

Lúc đó, ông ta hỏi khách. Khách mới nói rõ:

– Tháng trước, tui dô đây nhờ mấy bác đóng cho cái giường gỗ dầu. Nay tui muốn nhờ mấy ổng đóng thêm cho một cái khác giống như cái hổm.

Lúc đó ông ta cười và giải thích lại cho thầy tôi và mấy ông thợ nghe:

– Ông cụ xã đóng cho ông ta thêm một cái giường khác giống như cái hôm trước cụ làm ấy mà.

Bây giở thì thầy tôi mới hiểu ra: “À thì ra thế. Cái hổm là cái hôm đó.”

Chuyện đơn giản chỉ có thế mà mấy ông không hiểu, cứ ngẩn người ra. Lâu lâu nói chuyện lại nhắc đến “chuyện cái hổm” rồi cười ngặt nghẹo.

Sau này ở Miền Nam lâu rồi mới biết có nhiều chữ đọc ghép lại thành ra chữ mới, nghe hay hay vì ngắn gọn và dễ hiểu. Như cái hổm (cái hôm ấy), thằng chả (thằng cha ấy), con mẻ (con mẹ ấy), ổng (ông ấy), bả (bà ấy), ở trển (trên ấy), ở trỏng (trong ấy). Đúng là một sáng tạo ngôn ngữ độc đáo!

Những suy nghĩ vụn vặt...

Thời gian tôi sống ở miền Nam nhiều hơn ở Miền Bắc. Gặp gỡ khá nhiều người, nhiều thành phần ở nhiều địa phương khác nhau, ở cả ba miền Nam Bắc Trung nên tôi đã nghe và hiểu dễ dàng. Tôi là học sinh và may mắn có cơ lên Đại Học, đã học hỏi và sửa chữa cho giọng nói quê mùa của mình trước kia. Nhờ vậy, nghiệm lại tôi thấy giọng nói của tôi đã thay đổi khá nhiều. Dĩ nhiên ngoài giọng Bắc, tôi có thể nói giọng miền Nam hay giọng miền Trung tuy không hoàn hảo như họ. Sau gần 30 năm sống ở Miền Nam cho tới khi vượt biên, tôi nghĩ là giọng Bắc Kỳ của tôi đã pha với giọng miền Nam. Còn giọng miền Trung thì chắc là không có ảnh hưởng gì vì khi nghe thấy nặng và hình như thiên nhiều về dấu hỏi và dấu nặng. Tôi nghĩ vậy không biết đúng không? Tôi nghiệm ra giọng xứ Quảng từ Quảng Nam đến Nghệ An, Hà Tĩnh khá giống nhau. Từ Thanh Hóa trở ra nghe gần giống giọng miền Bắc. Từ Nha Trang Phan Thiết trở vô Sài Gòn nghe gần với giọng Miền Nam. Tôi cũng nhận thấy nhiều người dân miền Trung và miền Nam nói viết hay lẫn lộn dấu hỏi (?) và dấu ngã (~). Có một người quen, viết thì “Kính gửi” mà khi nói thì cứ “Kính gữi” không sao nói “gửi” được.

Nói chung thì người Việt suốt từ Nam chí Bắc khi nghe nói rồi viết thì tương đối đúng. Nghe nói thế nào thì viết đúng như vậy. Tuy nhiên có những trường hợp dị biệt của địa phương. Thí dụ như người miền Nam khi nói hay nghe những chữ bắt đầu bằng phụ âm “V” như “và vào vui vẻ vô vung vít...” thì tuy nói hay đọc là “dà dào dui dẻ dô dung dít” nhưng vẫn viết đúng chính tả “và vào vui vẻ vô vung vít...” Nhưng dân miền Bắc (học sinh viết chính tả) như đã nói trên mà nghe như vậy là cứ viết y boong như người nói. Đó là thời di cư 54 mới vào Nam. Chớ bây giờ thì sống với nhau lâu rồi, nghe đã quen nên không thành vấn đề nữa. Nghe nói “dà” mà viết “và”. Nghe nói “dua” là viết “vua”.

Cái hay riêng của giọng nói mỗi Miền

Giọng nói của mỗi địa phương, mỗi miền có cái hay riêng của nó. Tuy là người miền Nam nói hay phát âm “dà dô dìa...” nhưng cái âm thanh và giọng nói miền Nam lại có cái hay đặc biệt trong một vài lãnh vực mà tôi nghĩ là không thể thay thế được:

– Thứ nhất là Ca Vọng Cổ (nói theo kiểu Miền Nam là Ca giọng Cổ), bộ môn văn nghệ này xuất phát từ Miền Nam nên phải ca theo giọng Miền Nam. Nếu mà ca Vọng Cổ theo giọng Bắc Kỳ thì nghe chướng tai vô cùng... Đúng không quý vị?

– Thứ hai là Hát Cải Lương hay Phim Bộ (phim chưởng): diễn viên nói phải là người nói giọng Miền Nam mới đạt. Hát Cải Lương hay Phim Bộ mà nói giọng Bắc thì nghe “hổng dô” chút nào. Lấy thí dụ câu “Ngọc Hoàng Giá Lâm! Vạn Vạn Tuế!” thì phải nói là “Ngọc Goàng Giá Lâm! Dạng Dạng Tuế!” Nghe cái giọng miền Nam mới hay. Còn nói kiểu cứng đơ Bắc Kỳ “Vạn vạn tuế!!!” nghe nó ngang ngang thế nào ấy, phải không quý vị?

Mà thực vậy, khi một giọng miền Nam cất lên thì vì nghe quen rồi những tiếng vần V như Vua, Và, Về thì cứ phải nói Dua, Dà, Dề thì mới hay. Còn đang nói giọng Nam mà những chữ Vua, Và, Về nói giọng Bắc thì hình như nó lạc lõng thế nào ấy phải không quý vị.

Bây giờ ở Miền Nam thì cả người Bắc lẫn người miền Trung đều có những lúc phát âm giống nhau, đặc biệt là mấy chữ có vần V lại đọc là D như: Dô dìa, la de củ kiệu, dô đây chúc đã, đặc biệt khi uống bia thấy dui dui là tới màn “dô dô... nào dô dô... “ thả giàn, cũng dui.

Nhưng giọng Bắc Kỳ thì có cái riêng của nó, đặc biệt là trong lãnh vực:

– Thứ nhất là Ca Tân Nhạc: phải là giọng miền Bắc hoặc pha Nam Bắc một chút mới hay.

– Thứ hai là Thoại Kịch: nói giọng Bắc nghe vẫn đạt hơn. Quý vị nghe Hoài Linh, Hồng Đào, Thúy Nga... nói giọng Bắc trong Thoại Kịch xem có hay không? Hay lắm chứ! Nhưng cái này thì tương đối. Với kịch bản thuộc môi trường xã hội Miền Nam thì có thể có giọng miền Nam cho thích hợp.

– Những bộ môn nghệ thuật phát xuất từ Miền Bắc hay Bắc Trung Bộ như Dân Ca Bắc, Ca Trù, Hát Xẩm, Quan họ Bắc Ninh... thì dĩ nhiên phải là giọng Bắc mới đạt. Nói vậy chớ, tôi thấy nhiều thanh niên thiếu nữ Miền Nam hát Quan Họ Bắc Ninh cũng hay lắm, giọng điệu Bắc Kỳ đâu thua gì dân xứ Bắc.

Xin nói thêm:

Đúng sáu mươi năm trước trước (1958–2018) từ Sài Gòn đã xuất hiện Ban AVT chuyên ca hài hước. Đó là một bộ môn văn nghệ mới chế biến từ hát Chèo, Dân ca Bắc và Bắc Trung Bộ phù hợp với Tân nhạc. Quả thật, ban AVT đã cho ra những sáng tác tuyệt vời, nổi tiếng, và cho đến nay vẫn chưa có ban ca hài hước nào theo kịp.

Xin ghi lại đây lời giới thiệu của Hoàng Vũ Lý trên mạng “On Dec. 03, 2014”:

Ban AVT được thành lập năm 1958, gồm các ca nhạc sĩ Anh Linh, Vân Sơn và Tuấn Đăng. Họ là nhân viên dân chính và Hạ sĩ quan thuộc Đại đội Văn Nghệ (Ban Ca) Tiểu đoàn Văn Nghệ – Nha Chiến tranh Tâm Lý. Vì lúc đó Thiết Quân Luật nên ban Tam Ca ban đêm phải trốn ra hát thường trực tại Phòng Trà Anh Vũ đường Bùi Viện Sài Gòn, từ 9 giờ tối tới 2 giờ sáng. Khi Anh Linh tức Trung sĩ Trần đình Kế theo học Khóa 3 Sĩ quan đặc biệt vào tháng 6 năm 1962, nhạc sĩ Hoàng Hải phải đổi tên là Anh Hải để hát thế vào chữ A. 1966 thì Lữ Liên vào thế cho Anh Hải. Nhạc hài của AVT (hầu hết do Lữ Liên và Duy Nhượng sáng tác) phát triển trên nền âm nhạc dân tộc (đặc biệt là chèo, dân ca Bắc Bộ và Trung Bộ) nên nghe rất gần gũi mà cũng rất vui nhộn. Ra sân khấu, AVT diện khăn đóng, áo gấm thụng ba màu khác nhau. Mỗi người sử dụng một nhạc cụ dân tộc: đàn sến (Tuấn Đăng), đàn cò (Lữ Liên) và trống (Vân Sơn). Khi có những câu thoại thì mỗi người nói rặt giọng của mỗi miền Trung, Nam, Bắc.”

Cái dấu mũ (^)

Tôi thấy trong cách phát âm của người Miền Nam và có thể là cả miền Trung, những chữ có dấu mũ (^) hay không có dấu mũ (^) thường phát âm có phần không rõ ràng. Đọc thì từa tựa như nhau mà viết thì lại khác vì cái dấu mũ. Thí dụ: đày đầy, này nầy, cày cầy, xảy xẩy, nhảy nhẩy, mày mầy. vân vân.

Giọng Bắc thì khá rõ, nói hay phát âm thế nào là viết đúng như cách phát âm, nghĩa là chữ nào đọc hay nói ra có dấu mũ hay không có dấu mũ. Nói cách khác phân biệt hai chữ có dấu mũ và không có dấu mũ rất rõ ràng và dễ dàng. Thí dụ:

Vần ÂU: Âu có dấu mũ (^) rõ ràng là khác với Au. Khi ghép với một phụ âm thì phát âm cũng khác như vậy. Người nói giọng miền Bắc phân biệt rất dễ dàng hai vần Âu và Au. Nói vậy, chớ khi mở Từ Điển từ Hà Nội ra thì thấy cuốn này viết Tàu thay vì Tầu, cuốn khác lại ghi cả hai chữ Tầu lẫn Tàu. Thực tế khi nghe người Bắc phát âm chữ TẦU thì thấy rõ đúng là cái âm TẦU hơn là TÀU.

Người nói giọng miền Nam hình như phát âm hai vần Âu và Au từa tựa như nhau. Lấy một thí dụ: chữ Tầu người Bắc đọc và viết phải có dấu mũ (^). Chữ “Tầu” chỉ người Tầu, nước Tầu đọc giống theo các vần khác như: cầu, đầu, sầu, hầu, dầu, chầu, bầu, lầu, mầu.

Người miền Nam, mà rõ ràng nhất trong Việt Nam Tự Điển Lê Văn Đức – Lê Ngọc Trụ lại viết là Tàu không có dấu mũ (^). Tôi nghe nhiều người miền Nam phát âm hai chữ Tầu và Tàu từa tựa như nhau.

Người miền Bắc phát âm rất rõ chữ TÀU theo các vần của chữ khác như: càu nhàu, dau dúm, có nhau, mau mau, thuộc làu, vân vân.

Có câu đố qua thể thơ lục bát rất vần với nhau: đầu (chữ thứ 6 câu sáu) và tầu (chứ thứ 6 câu tám):

Bằng cái trống mà thủng hai đầu
Bên ta thì có bên Tầu thi không.

(Là cái váy)


Tôi cũng nghe nhiều người Miền Nam phát âm chữ “Tàu” có khi nghe như Tầu mà có khi như Tào.

Chữ “TÀO” âm dài: như cào cào, đào, hao, chão, mao, mão. AO là âm dài.

Nếu phân biệt thì theo thứ tự âm ngắn tới âm dài: TẦU – TÀU – TÀO. Chữ Tầu phát âm gọn miệng. Chữ Tàu, miệng phải kéo qua hai bên mép rồi khép lại. Còn chữ Tào thì há miệng và kéo âm ra dài.

Tôi hỏi nhiều người miền Nam về cách phát âm và viết chữ “Tầu hay Tàu” thì họ trả lời chữ nào cũng được.

ẾT và ẾCH

Có một sinh vật 4 chân mà nói hay phát âm thì hầu như người Miền Nam và Miền Trung nói khác xa với giọng miền Bắc, đó là con ẾCH. Người Bắc đọc và viết rõ ràng là CON ẾCH. Người miền Nam hay một số người Miền Trung lại nói là con ẾT nhưng vẫn viết là CON ẾCH.

Chữ ẾCH theo lối phát âm miền Bắc theo như các chữ khác cùng vần như MẾCH, ĐẾCH, KẾCH, chênh CHẾCH, NHẾCH nhác... là âm ngắn.

Chữ ẾT phát âm theo các chữ khác cùng vần như CHẾT, HẾT, KẾT, MỆT, HỆT, LẾT, DỆT... là âm dài.

Tôi nói chuyện với nhiều người Miền Nam và Miền Trung họ đều kêu là con ẾT nhưng khi viết lại viết là con ẾCH y như người Bắc. Tôi bảo họ thử phát âm theo lối miền Bắc là con ẾCH (âm ngắn) xem được không thì họ phát âm đúng giọng như người Bắc. Nên tôi nghĩ rằng sửa giọng hay chỉ cách phát âm theo kiểu miền Bắc không khó lắm. Chỉ cần sửa một chút, điều chỉnh môi, miệng, lưỡi một chút là xong. Nói ẾT thì há miệng, và kéo dài âm. Còn ẾCH thì há miệng và đưa lưỡi lên đụng hàm trên là nghe ra âm ếch ngay (âm ngắn), thật dễ dàng. Tóm lại: Ếch (âm ngắn); Ết (âm dài).

KHÁT và KHÁC – ĐẮT và ĐẮC – MÁT và MÁC – ĐẠT và ĐẠC – CHÚT và CHÚC – LAN và LANG – MAN và MANG – CON và COONG – LON và LOONG...

Có một số chữ trên đây hầu như người miền Nam và miền Trung phát âm nghe giống nhau, nhưng lại viết đúng chính tả chỉ vì quen miệng phát âm dài thành âm ngắn. Những chữ mà chữ cuối cùng là phụ âm T thì lại phát âm như C như: khát với khác, đắt với đắc, mát với mác, đạt với đạc; hoặc chữ cuối là phụ âm N lại kéo dài thêm nhu G như lan thành lang, man thành mang... Nếu phát âm theo tiếng Hà Nội (trước 1954) tạm gọi là chuẩn thì chỉ cần chú ý đến âm ngắn hay dài là có thể sửa giọng rất dễ dàng. Thật ra phân biệt âm ngắn hay âm dài không có gì khó khăn. Thí dụ: Người miền Bắc nói chữ THỊT là âm dài, người miền Nam và miền Trung hầu như nói chữ THỊT với âm ngắn. Nói vậy cho đúng chính tả chớ thật ra, dân Bắc Kỳ chính cống như tôi nói vài chữ cũng lại khoái cái giọng miền Nam. Thí dụ: Chờ chút nghe lại nói quen thành “Chờ chúc nghe. Chúc chúc thôi mà...”. Uống Beer hay Bièrre quen miệng cứ nói “La de”...

Trước đây, tôi nghe mấy ông bạn gọi tên Đại tá Trần Vĩnh Đắt gần như là Trần Vĩnh Đắc. Và tên ông Nguyễn Đạt Thành lại nghe như là Nguyện Đạc Thành.

Đây là tôi nói người Việt Nam với nhau. Chớ còn mấy ông bà Ba Tầu thì “vô phương cứu chữa”. Mấy ông bà Tầu không sao phát âm được chữ Đ và chữ R. Chữ Đ và chữ R thì họ nói thành chữ L. Cà rem nói là Cà Lem. Đồng bạc thì nói là Lồng bạc. Đảng cộng sản thì nói là Lảng cộng sản. Mao Trạch Đông thì nói là Mao Chặt Lông... Ông bạn nhà thơ Tú Kếu Trần Đức Uyển có lần kể cho tôi nghe chuyện gặp một ông Tầu nọ ở Ấp Tân Lợi cũng gọi là ấp Bon Sa thuộc xã Giục Tượng, quận Kiên Tân, tỉnh Kiên Giang. Nhà ông Tầu ở gần ngay đồn lính Địa Phương Quân. Sau một hồi nói chuyện, Tú Kếu hỏi ông ta:

– Bác có hay vô đồn chơi không?

Ổng chỉ cười và nói một chữ “Không” mà không dám nói cái chữ Đồn vì sợ nói tục. Tú Kếu nhắc lại một lần nữa. Ông chỉ trả lời một chữ “Không”. Thật thì ổng biết cả đấy, vì vợ ông là người Việt mà!

Kinh nghiệm bản thân thì khi ở tù Chí Hòa chung với một ông Tầu là ký giả báo Viễn Đông tên thật là Lâm Tái Tấn có bút hiệu là Lâm Trường Khoát ở Chợ Lớn. Dù ông là nhà báo nhưng ông cũng không thể nào phát âm Đ được mà cứ nói ra L. Có mấy chú tù trẻ tinh nghịch thỉnh thoảng lại sán đến gần ông hỏi chuyện. Cứ đến chữ nào có phụ âm Đ là ông nói ra L khiến cả phòng cười ngặt nghẹo!

Uốn lưỡi và không uốn lưỡi

Tiếng Việt cũng như nhiều tiếng nước khác, có chữ phải uốn lưỡi, có chữ không phải uốn lưỡi. Thí dụ Pháp thì có chữ CH (uốn lưỡi) như chemin, chemise, chinois); S (không uốn lưỡi như sentiment, santé, sauter). Anh thì có SH (uốn lưỡi) như she, shipping và S (không uốn lưỡi như see, sincere, son). Việt Nam có mấy chữ khi nói cần uốn lưỡi: S (sạch sẽ, vệ sinh), G (giành giật, giăng mắc), TR (trong trắng, trinh sạch).

Mấy trường hợp đặc biệt: S và X, TR và CH, R và D

Xin nhắc lại nói uốn lưỡi để nghe và viết cho đúng:

– Chữ S (uốn lưỡi) như sạch sẽ, học sinh, sử dụng...

Chữ X (không uốn lưỡi) như: xinh xắn, xanh xanh, xuân, xào xạc...

Phân biệt S và X qua việc uốn lưỡi là chính xác. Nhưng thực tế, nhiều người khi nói hay phát âm những từ bắt đầu bằng phụ âm này S hay X đều nghe như nhau, không rõ ràng hay chỉ khác nhau chút ít.

– Chữ TR và CH: có người đọc TR rất rõ như năm trăm, bảy trăm... Nhưng có người vùng khác lại đọc toàn là CH như năm chăm, bảy chăm, chín chăm... Có người đọc 500 (thay vì năm trăm) lại đọc là LĂM CHĂM.

– Chữ bắt đầu bằng phụ âm R như có người khi nói hay đọc lại phát âm theo phụ âm D. Thật ra phần lớn đều nói RAU rất dễ dàng. Có nơi lại nói là DAU. Ăn rau lại nói là ăn dau. ở riêng lại nói là ở diêng. Những chữ bắt đầu bằng phụ âm R thì nên nói pha thêm giọng D. Thí dụ như: Rau, Rung, Riêng, Rong, vân vân.

Giáo sư Lê Ngọc Huỳnh thầy dạy chúng tôi môn Sử Địa ở Trường Trung Hoc Chu Văn An có lần vẽ bản đồ Việt Nam. Khi vẽ đến các đường lăn tăn thì giáo sư nói là “Vẽ đường này thì tay phải rung rung, rung rung nhiều nghe” Học trò thấy vui vui liền nói theo, đứa nào cũng khoái la lên “rung rung...”. Giáo sư càng thấy vui liền giảng thêm cho chúng tôi:

– Tiếng Việt mình có những chữ phải nói nửa nọ nửa kia mới hay. Đó là các chữ: TR và CH; D và R. Nói “một trăm” mềm quá hay “một chăm” thì cứng quá. Vậy phải nói giữa ch và tr thành một ch/trăm. Hay bó rau thì nói “bó rau” nghe mềm quá, mà “bó dau” thì cứng quá. Vậy nên nói giữa là bó d/rau nghe hay hơn. Rung rung mà nói rung rung thì mềm quá, nên nói giữa R và D nghĩa là R/Dung.

Chúng tôi nghe và tập theo thầy và quả nhiên thấy hay thật. Bây giờ nghe hầu như mọi người, nhất [là] những người ăn nói lưu loát cũng áp dụng lối nói pha trộn nửa nọ nửa kia như vậy, nghe thấy sang và hay hẳn lên.

Nói thì nói vậy chớ tôi cũng gặp nhiều cụ già nhà ta vẫn còn nói cái giọng cổ điển: “quân Du dêu lại nói là quân Ru rêu, TT Ngô Đình Diệm lại nói là TT Ngô Đình Riệm, Ông Hoàng Diệu thì lại nói là ông Hoàng Riệu, vân vân”.

– Chữ D và chữ GI: phát âm rất dễ lộn, như một số người miền Bắc. D nói bình thường, không uốn lưỡi (như là reason tiếng Anh). GI uốn lưỡi (như region tiếng Anh). Dòng hay Giòng?

– Chữ GI và chữ CH (Đức Chúa Blời, Đức Chúa Lời, Đức Chúa Giời, Đức Chúa Trời... Giời ạ! Giời ơi! Chời lất ơi...

Kết luận: Tôi yêu tiếng nước tôi

Chuyện ngôn ngữ tiếng Việt còn dài, nói không hết được. Trước khi dứt lời, xin nói thêm một chút ngoài đề là Tiếng Việt có nhiều cái hay. Từ cách phát ra thành tiếng đến ý nghĩa, đến cách sử dụng từ ngữ thật đa dạng: nói lái, nói hai nghĩa. Hai chữ khác nhau mà cùng một nghĩa (áo lạnh, áo ấm). Một chữ vừa chỉ ngôi thứ nhất vừa chỉ ngôi thứ hai (mình), vân vân và vân vân. Cái độc đáo là tiếng Việt lại phản ảnh triết lý Âm Dương (Dual units) thật rõ ràng: Sông Núi, Cha Mẹ, Trời Đất...). Những cặp “âm dương” đối nghịch ấy không loại trừ nhau mà bổ túc cho nhau. Bài quốc ca Việt Nam “Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi”. Sông là nước, mềm, ở trũng dưới đất nghĩa là thấp. Núi là đá, cao, ở trên. Sông Núi tượng trưng cho Quê Hương, Đất Nước, Tổ Quốc. Cái độc đáo khác là nghe một chữ chỉ tên một người thì biết vị trí của họ ngay trong gia đình, họ hàng: cha me, cậu mợ, con bà con dì, vân vân. Đấy là chưa nói đến “Ngữ học cơ cấu” với thí dụ “Đến sao không bảo nó” có thể đảo đi đảo lại liên tục vị trí của năm từ mà vẫn không sai, vẫn có ý nghĩa. Sao đến không bảo nó. Nó đến sao không bảo. Bảo sao nó không đến, vân vân. (Theo Linh mục Lê Văn Lý, nguyên Viện Trưởng Viện Đại Học Đà Lạt, trong luận án Tiến sĩ Văn chương Le parler vietnamien).

Nhưng tiếng Việt cũng là vũ khí sắc bén, là hàng rào văn hóa ngôn ngữ để bảo vệ nền độc lập của Nhân Dân Việt Nam. Tiếng Việt tuy có pha trộn, giống nhau hay mượn nhiều tiếng khác từ Tầu, Tây, Môn Khmer, Mã Lai, Indonesia nhưng chữ viết và cách phát âm Việt hoàn toàn khác tiếng các nước trong vùng Đông Nam Á, kể cả Trung Hoa, Nhật Bản và Đại Hàn. Cái mặc cảm vô ý thức là nhiều người cứ bảo là Tiếng Việt bắt nguồn hay mượn từ tiếng Tầu, cái gì cũng nói là từ Hán Việt. Mình mượn và “Việt hóa” để trở thành tiếng Việt. Cứ xem Tầu mượn của Tây rồi nói “từ Tây Tầu, từ Mỹ Tầu” hay sao? Theo BS Nguyễn Hy Vọng qua bộ “Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt” (trên 2000 trang khổ lớn) và cuốn “Những Nẻo Đường Tiếng Việt” cho thấy ta chỉ mượn của Tầu mà nhiều người gọi là từ ngữ Hán Việt chỉ có khoảng trên 20 phần 100. Ngoài ra tiếng Việt giống nhiều tiếng khác ở Á Châu như tiếng Lào, Thái, Căm Bốt, Miến Điện, Mon Khmer, Mường. Ta mượn của người cũng như người mượn của ta hay của nước khác là chuyện bình thường. Tầu cũng mượn chữ của người nước khác rồi phiên âm lại đọc theo giọng Tầu, chớ đâu phải họ sáng tạo ra tất cả. Ta cũng thế, ta có mượn rồi đọc theo cách của ta biến thành tiếng ta. Mặt khác ta có chữ Quốc Ngữ khác hẳn chữ Nho. Mà trước kia tổ tiên ta chế ra chữ Nôm để viết âm Việt thời là chữ Việt, và cũng là chủ trương tách biệt văn hóa, tách biệt ngôn ngữ Việt ra xa văn hóa Tầu, thì có bố thằng Tầu cũng không đọc và hiểu được chữ Nôm. Tầu có thể lấy vợ, lấy chồng Việt nhưng chắc chắn không thể “Hán hóa” nổi chữ “Việt” khi chúng không đọc được, không hiểu được chữ Việt nói theo giọng Việt. Vậy không nên có mặc cảm tự ti cho rằng tiếng ta là do gốc tiếng Tầu Quảng Đông mà ra. Chỉ hai chữ Đ và R thôi mà phát âm cho đúng cũng đủ mệt rồi! Ngược lại phải Việt hóa Tầu!

Năm 1924 kỷ niệm về Thi hào Nguyễn Du, trong bài diễn thuyết nói về Truyện Kiều, nhà văn Phạm Quỳnh đã nói một câu nổi tiếng: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, Nước ta còn.” Câu nói bị một số người chỉ trích, cho là chủ quan quá đáng. Bây giờ xét lại qua lịch sử, ta thấy tiếng Việt quả là đã đóng vai trò tích cực trong việc bảo tồn văn hóa và giống nòi, đương nhiên đã góp phần tích cực trong công cuộc đấu tranh giành lại độc lập cho Tổ Quốc.

Cũng cần nhớ lại Tầu là nước đã từng đô hộ Việt Nam cả hơn 1000 (một ngàn) năm (111 trước TC đến 939 sau TC) mà vẫn không sao đồng hóa được Việt Nam là vì ta có sức đề kháng lạ lùng. Thử xem trên bản đồ thế giới có dân tộc nào ở vào trường hợp Việt Nam sát nách Tầu mà Tầu không đồng hóa nổi? Cứ nhìn lại bản đồ nước Tầu tử 2000 năm về trước đến nay, nó đã thay đổi. Cái anh Tầu khựa này chuyên lấy hình ảnh nước Tầu hôm nay để che khuất cái anh Tầu quá khứ nhằm loè bịp thiên hạ. Lịch sử còn thay đổi, chưa biết lên hay xuống, hay hay dở? Biết đâu thời gian nữa, Tầu sẽ bị chia năm xẻ bảy thành nhiều nước. Hiện nay, Tầu đang có nhiều nguy cơ nội bộ: môi sinh, dinh dưỡng, nạn gia tăng dân số... Nội đập Tam Hiệp là một công trình vĩ đại lớn nhất thế giới mà Tầu luôn hãnh diện. Nhưng nó cũng là một tai họa tiềm ẩn, chưa biết lúc nào nó bùng lên, nếu nó có đường nứt, cũng có những biến động bất ngờ làm nó phải bể ra. Chỉ cần một cơn Động Đất (4 hay 5 chấm là đập bể ra, sẽ cuốn trôi vài trăm triệu dân Tầu. Đài Loan từng tuyên bố, nếu Tầu tấn công Đài Loan thì Đài Loan sẽ cho nổ đập Tam Hiệp. Vậy Trung Cộng có dám chơi ngang không?

Những nguy cơ nội bộ như vừa nói là những “mâu thuẫn nội tại” của Tầu khựa biết đâu một ngày nào đó sẽ bùng nổ và phá nát nước Tầu ra nhiều mảnh. Đã vậy, lịch sử Tầu là lịch sử của nội chiến và từng bị xâm lược (Mông Cổ, Mãn Thanh). Nước Tầu lúc nào cũng có loạn, không khi nào yên. Bởi ý thức rõ ràng như thế, nên Mao Trạch Đông chủ trương gây rối bên ngoài, không ngừng tìm cách xâm lược các nước khác, qua câu nói: “Thế giới đại loạn, Trung Quốc mới được nhờ.”

Nhìn về Việt Nam, một trong cái sức đề kháng đó là ngôn ngữ, phong tục, tập quán của nhân dân ta. Trước ta còn dùng chữ Hán và sau đó chế ra chữ Nôm mà chúng không đồng hóa nổi dù chúng đô hộ trên 1000 năm. Nay ta có chữ Quốc Ngữ theo mẫu tự La Tinh thì đó là một hàng rào ngôn ngữ thật kiên cố. Trong khi đó, Tầu có bao nhiêu tỉnh thì bấy nhiêu giọng nói, không sao “La mã hóa” dùng mẫu tự La Tinh được. Đó là chưa kể tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam.

Thật sự thì Tầu chẳng bao giờ từ bỏ tham vọng xâm lược các nước trong vùng, nhất là Việt Nam là bao lơn trông ra Thái Bình Dương. Từ sau khi Việt Nam giành lại độc lập đến giữa thế kỷ thứ 19, Tầu đã thực hiện âm mưu thôn tính nước ta ít là 7 lần qua các triều vua Trung Hoa (Tống, Minh, Nguyên, Thanh). Qua thế kỷ 20, Mao Trạch Đông và Đảng cộng sản Trung Hoa trong chiêu bài “chủ nghĩa quốc tế vô sản anh em” vẫn hằng nuôi mộng xâm lăng Đông Nam Á và Việt Nam vì chính Mao đã công khai nói ra. Cái ngu dại là Hồ Chí Minh và tập đoàn CSVN đã tự nguyện làm tay sai cho chúng, đưa đầu cho chúng nắm nên bây giờ đang “dở sống dở chết”. Cho nên nhân dân Việt Nam phải luôn luôn cảnh giác đề phòng giặc xâm lăng “Tầu Khựa”. Phải vạch trần mọi âm mưu Hán hóa của chúng bằng đủ mọi phương cách mà cách cụ thế nhất là bảo tồn văn hóa, ngôn ngữ, phong tục, tập quán dân tộc. Phải đánh đổ bọn Việt Cộng làm tay sai cho Tầu Cộng.

Tóm lại, muốn chống Tầu Cộng phải diệt Việt Cộng; muốn diệt Việt Cộng phải diệt Việt gian. Cha ông ta đã hy sinh biết bao xương máu giành lại độc lập cho Tổ Quốc, chẳng lẽ chúng ta là con cháu lại nhắm mắt buông xuôi để mặc bọn Việt gian tay sai và bọn Tầu khựa dày xéo quê hương, thực hiện âm mưu đưa Việt Nam trở lại vòng nô lệ Hán tộc.

San Jose ngày 30/12/2017
Phạm Quang Trình

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet eMail by Nguyen Thang chuyển

 

Đăng ngày Thứ Hai, March 1, 2021
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang