Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Biên
Luận
Chủ đề:
cuộc đời nữ minh tinh audrey
hepburn
Tác giả:
Tự Vũ
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Tên thật của người nữ tài tử này là
Edda van Heemstra Hepburn–Ruston sinh tại Brussels – thủ đô nước
Bỉ (Belgium) ngày 04 tháng 5 năm 1929.
Đáng lẽ Audrey Hepburn đã có đời sống
của một cô con gái nhà giầu, hồn nhiên thanh thản tại Bruxelles,
được nuông chiều bởi người cha là chủ một ngân hàng và người mẹ
xuất thân từ một gia đình quý tộc Hoà Lan (Hollande), nhưng những
biến cố bất ngờ đã đẩy xô cô vào một cuộc sống hỗn loạn không
ngừa trước được và để lại trong cô những ấn tượng không thể nhòa
cho đến ngày cô từ giã cõi đời.
Năm 1934, khi mới vừa được 5 tuổi, gia
đình cô đã đưa cô sang Anh quốc theo học nội trú. Tiếp đó một
biến cố xảy ra: cha mẹ cô ly dị lúc cô được 9 tuổi, rồi người cha
biến mất không để lại tung tích. Audrey rất quý mến người cha nên
sự thiếu vắng của ông trong gia đình là một thiệt hại lớn lao đối
với cô mà về sau này Audrey mô tả như “sự tổn thương lớn lao nhất
trong đời tôi”. Những năm sau này, khi cô thành công trên bước
đường sự nghiệp, cô đi tìm lại được tung tích người cha và đã
giúp đỡ an ủi ông rất nhiều trong lúc tuổi già với những sự trợ
cấp tiền bạc và những bức thư chứa chan tình cảm của một người
con gái đối với người cha.
Thời gian ngắn sau đó, thế chiến thứ II
bùng nổ tại Âu châu, quân đội Đức quốc xã xâm chiếm Hoà Lan.
Lúc này cô bé Audrey cũng vừa từ Luân
Đôn trở về Hoà Lan. Audrey đã phải sống thường trực với sự đói
khổ, hãi sợ với những cuộc hành quyết xảy ra hàng ngày và sự hung
bạo của kẻ xâm lăng. Tất cả đã đảo lộn cuộc sống của cô: hầu như
tài sản của gia đình Van Heemstra đều bị quân đội Đức tịch thu.
Năm 1942 cô bé ghi tên theo học khiêu
vũ, niềm đam mê của cô, tại viện âm nhạc Arnhem. Sự phân phối
thực phẩm ngày càng trở nên nghiêm ngặt ngay cả để có lấy một quả
trứng cho bữa ăn thường nhật cũng là điều vô cùng khó khăn. Mùa
Đông không có dầu để sưởi ngay cho một phòng nhỏ trong nhà. Cũng
trong năm này một người cậu của Audrey và 4 đồng chí của ông đã
bị lực lượng quốc xã Đức xử tử.
Năm 1943 Audrey càng chú tâm hơn trong
việc theo học âm nhạc và nghệ thuật khiêu vũ và sử dụng tài nghệ
đóng kịch của cô vào công cuộc kháng chiến chống Đức: Suốt trong
thời gian chiến tranh cô đã trở thành một người đưa tin bí mật
của lực lượng kháng chiến.
Từ năm 1944 với sự tiến triển khá vững
chãi về nghệ thuật khiêu vũ, Audrey trợ giúp các thầy, cô để dạy
cho các lớp nhỏ trong trường. Cô kiếm tiền phụ giúp gia đình bằng
cách dạy tư (hiển nhiên bất hợp lệ). Nhưng sự thiếu thốn dinh
dưỡng đã làm cho Audrey phải tạm thời đình chỉ việc tập luyện
nghệ thuật khiêu vũ.
Trận đánh tại Arnhem khởi đầu ngày 17
tháng 9. Sau nhiều trận đánh mà kết quả là sự chiến thắng của
quân đội Đức và lệnh di tản hoặc sẽ bị bắn bỏ trong vòng 48 tiếng
đồng hồ đã được quân đội xâm lăng ban hành. Audrey và mẹ cô đã
chứng kiến cảnh di tản: “một sự khốn khổ hoàn toàn của con
người... từng đoàn người lũ lượt di chuyển... hàng trăm người đói
khát... phần chúng tôi phải nhịn ăn, nhưng... dù sao chăng nữa
cũng chẳng có gì để ăn...” đây là những kỷ niệm rõ rệt mà Audrey
đã nhắc lại.
Mùa Đông 1944–1945 Audrey đã được 15 tuổi và trở lại với đam mê
của cô: khiêu vũ và dạy khiêu vũ trong một căn phòng ở nhà cô
cùng lúc cô và một số bạn đồng học đã tham dự một buổi biểu diễn
ở rạp hát của thành phố Arnhem. Sau buổi trình diễn này, một tờ
báo địa phương đã viết những nhận định như sau: “Cô bé này hình
như thực sự bị một sự ám ảnh cuồng nhiệt bởi khiêu vũ, và cô ta
cũng đã lãnh hội được khá vững về phương diện kỹ thuật...”
Tháng 3 năm 1945, Audrey may mắn thoát
khỏi tay quân đội chiếm đóng đang tìm cách lùng bắt những người
con gái trẻ để bổ sung vào việc nấu ăn trong các doanh trại Đức.
Về đến nhà, cô đã phải ẩn trốn suốt một tháng trường.
Ngày 4 tháng 5, sinh nhật lần thứ 16
của cô, nước Hoà Lan được giải phóng. Về sau này Audrey nhớ lại
rằng thành phố Arnhem được quân đội Canada giải phóng: “Chúng tôi
đã nhảy cỡn, thét lên... vì vui mừng. Phần tôi, tôi muốn được hôn
từng người lính đã đến giải phóng chúng tôi. Trút được gánh nặng
khó thể tả khi được tự do, đó là một điều thật khó thể diễn tả ra
được. Tự do hầu như là một cái gì trong không trung. Với tôi đó
là nghe được những người lính nói chuyện tiếng Anh với nhau thay
vì bằng tiếng Đức và tôi lại được ngửi mùi thuốc lá thực sự khi
họ hút.”
Bấy
giờ thì Audrey đã cao 1 thước 71 và cân nặng 45 ký–lô, đang phải
chịu đựng cơn bệnh suyễn, bệnh vàng da và nhiều chứng bệnh khác
vì sự thiếu thốn về ăn uống, kể cả bệnh thiếu máu... những chứng
bệnh này đã kéo dài và ảnh hưởng đến sức khoẻ của Audrey nhiều
năm về sau này.
Vì lợi ích và con đường nghề nghiệp của
Audrey, mẹ cô quyết định đưa cô lên Amsterdam (thủ đô nước Hoà
Lan). Tại đây Audrey theo học với Sonia Gaskell, nổi tiếng trong
giới kịch múa ballet của Hoà Lan, mặc dù Audrey không đủ sức để
trả học phí nhưng Gaskell nghĩ rằng cô học trò của mình xứng đáng
để có một dịp may và Audrey đã là một cô học trò thật nghiêm
chỉnh đúng như Sonia Gaskell nghĩ. “Sonia đã dạy cho tôi rằng nếu
mình chăm chỉ làm việc thì mình sẽ thành công...”
Năm 1946 Audrey đã được chọn lựa để
được múa với ngôi sao khiêu vũ xuất sắc nhất trong một buổi trình
diễn tại rạp hát Hortus–Amsterdam. Một bài phê bình đã nói về sự
kiện này: “cô ta chưa đạt được phần kỹ thuật cao song chắc chắn
một điều là cô ta có tài năng.” Sau việc này Audrey được một
người bạn giới thiệu với một nhà nhiếp ảnh và khởi sự ngồi làm
người mẫu, cô đã phát triển nhanh chóng giác quan tự nhiên cho
công việc làm này. Vào lúc đó, Audrey chưa biết nhiều gì về điện
ảnh và tham vọng của cô cũng chỉ giới hạn trong nghệ thuật khiêu
vũ.
Cùng với
mẹ, Audrey làm một chuyến đi ngắn hạn sang Luân Đôn năm 1948, tại
đây cô diễn thử trong một buổi xin theo học tại trường dạy ballet
của Marie Lambert và cô đã được nhận theo học với một học bổng
nhưng vì thiếu ngân sách nên việc ghi danh phải bị hoãn lại.
Trở lại Hoà Lan, Audrey lại tham dự
buổi trình diễn thử với những người thực hiện phim ảnh độc lập và
cô đã được trao phó một vai nhỏ – vai một cô tiếp viên – trong
phim Nederlands in Zeven Lessen. Cuối năm đó, Audrey lại cùng với
mẹ sang Luân Đôn. Mẹ cô thử tìm chồng bà, Ruston, tại Anh quốc
nhưng vô vọng. Bà Ella, mẹ Audrey đã phải làm rất nhiều công việc
khiêm tốn để Audrey có thể tập trung hoàn toàn vào việc học, tuy
thế vào cuối tuần cô cũng phải ngồi làm người mẫu chụp hình.
Mặc dù đặt nhiều tham vọng trong nghề
vũ ballet nhưng Audrey càng ngày càng nhận ra được rằng tương lai
của cô không thể là nghể vũ ballet được vì thân hình cô quá cao
và sự thiếu luyện tập nên cô đã từ chối việc làm mà một đoàn hát
đã dành cho cô và tham dự buổi trình diễn thử tuyển lựa diễn viên
của vở nhạc kịch High Button Shoes. Sau buổi trình diễn thử
Audrey vừa đi vừa chùi nước mắt trở về nhà: “Tôi không biết gì về
nhạc jazz, tôi cứng đơ người như một chiếc cán chổi với tất cả sự
cố gắng để theo đuổi động tác. Thú thực tôi không bằng lòng những
gì tôi làm! Cái đó chẳng dính líu gì với nghệ thuật vũ ballet...
Tôi khóc bởi lẽ tôi chắc chắn không thể nào có được may mắn trúng
tuyển”. Nhưng... trong số 3,000 ứng viên, Audrey nằm trong danh
sách 10 đội viên hợp xướng được chọn lựa cho vở nhạc kịch về sau
này đã được mang sang trình diễn tại Broadway (1947) với những
thành quả rực rỡ. Jack Hylton, một trong hai nhà sản xuất vở kịch
High Button Shoes đã nói: “Chẳng có chút gì gọi là một vũ nữ,
nhưng trái lại rất nên thơ”.
Chính nhờ vào sự duyên dáng, nhẹ nhàng
toát ra từ người Audrey và sự quyến rũ của cô đã như một phép lạ
để cô được trúng tuyển trong số đông đảo 3,000 nữ ứng viên.
Trong vở kịch
này, Audrey chỉ có một câu duy nhất để nói: “Have they all gone?”
(mọi người đã đi hết rồi hả?). High Button Shoes đã có 291 buổi
trình diễn, nhờ thế kể từ năm 1949 Audrey được biết đến và được
giữ lại cho vở kịch tiếp theo:
Sauce Tartare. Sau 437 buổi trình diễn
thành công, vở kịch Sauce Tartare được viết lại với tên Sauce
Piquante và Audrey đã được đảm nhận một vai quan trọng hơn. Với
nhiều lần xuất hiện trên truyền hình, trên báo chí và khuôn mặt
Audrey bắt đầu quen thuộc với công chúng. Sau những buổi trình
diễn, Audrey theo học diễn xuất.
Tiếp đó Audrey tham dự trong một loạt
phim trong những vai nho nhỏ: Laughter in Paradise (Rires au
paradis) mà lẽ ra Audrey đã được giao phó vai chính nhưng vì cô
đến ký hợp đồng quá trễ, One Wild Oat (Une Avoine Sauvage), Young
Wives Tale (Conte des Jeunes Femmes), The Lavender Hill Mob (De
l’or en barres). Thời kỳ này Audrey đã bắt đầu có những quan hệ
tình cảm gắn bó với James Hanson, một tỷ phú mới 28 tuổi. Mẹ của
Audrey đã nghĩ rằng cả hai chắc chắn sẽ lấy nhau.
Năm 1951, Audrey được giao phó thủ diễn
vai quan trọng đầu tiên trong The Secret People, phim sử dụng khả
năng khiêu vũ và một cảnh bi kịch gợi lại Arnhem khi bị dội bom
mà cô đã phải sống. Trong thời gian sản xuất phim này cô lại được
đạo diễn Jean Boyer ủy thác cho đóng một vai trong phim Monte
Carlo Baby (Nous Irons à Monte–Carlo), quay tại vùng Côte d’Azur
miền Nam nước Pháp, đây là cuốn phim Âu châu cuối cùng của Audrey
vì trong thời gian quay phim, Colette (nữ văn sĩ người Pháp) đã
khám phá và thuyết phục Audrey vì Colette chắc chắn rằng Audrey
là người thủ diễn một cách hoàn hảo nhất vai trò chính, Gigi,
kịch bản do Anita Loos cải biên từ tiểu thuyết của nữ văn sĩ và
vở kịch sẽ được trình diễn ở Hoa Kỳ.
Trong lúc này, tại Luân Đôn Audrey lại
được chọn để đóng vai chính phim Roman Holiday (Vacances
Romaines) của William Wyler.
Bây giờ thì Audrey cùng lúc ký hợp đồng
cho 1 phim quay ở Hollywood và đóng kịch tại Broadway và tại New
York Audrey buộc lòng phải sống một mình lần đầu tiên không có
mặt mẹ cô.
Buổi trình diễn đầu tiên của vở kịch diễn ra tại rạp Fulton
Theatre ở Broadway, cũng là ngày Hanson mua tặng Audrey một chiếc
nhẫn hột xoàn như một dấu hiệu hứa hôn và Audrey đã chấp nhận
đeo, vào ngày 24 tháng 10 năm 1951 và cứ thế tiếp tục kéo dài đến
ngày 24 tháng 5 năm 1952. Tổng kết 217 buổi kể cả một chuyến lưu
diễn tại San Francisco vào mùa xuân năm 1953. Dư luận báo chí
không ca ngợi nhiều về kịch bản, nhưng về phần Audrey lại được
mọi người ca tụng nhiệt liệt. Anita Loos người cải biên vở kịch
đã tuyên bố về Audrey: “Dù cô ấy làm thế nào đi chăng nữa thì cô
ấy cũng trội hẳn những người khác trong hàng.”
Về phần nhà đạo diễn vở kịch, Raymond
Rouleau thì: “Cô ta có được một cái gì đó thật hiếm hoi: sự hiện
diện.” Điều làm cho tất cả mọi cặp mắt đều hướng chăm chú vào anh
khi anh xuất hiện trên sân khấu:
Trong suốt thời gian này Audrey và
Hanson đã luôn luôn sống cạnh nhau.
Ngày 31 tháng 5 năm 1952, vai trò Gigi
của Audrey ngưng sớm hơn dự tính ở New York bởi lẽ hãng phim
Paramount muốn khởi đầu quay phim Roman Holiday, phim được quay
với một bản lịch trình thật chặt chẽ và Audrey phải sang Rome
ngay sau khi chấm dứt vai trò Gigi.
Cuộc hôn nhân của Audrey và Hanson đã
được ấn định trước giữa khoảng thời gian dứt vở kịch và khởi đầu
cuốn phim lại phải bị dời lại.
Phim Roman Holiday hoàn tất vào tháng 9
và Audrey đã lãnh hội được rất nhiều kinh nghiệm tuy nhiên dự
tính hôn nhân của Audrey và Hanson lại bị hoãn lại thêm một lần
nữa vì Audrey lại tiếp tục trở về vai trò Gigi của vở kịch và làm
một chuyến lưu diễn Hoa Kỳ suốt 8 tháng, giữa đường lưu diễn
Audrey đã thông báo với Hanson rằng họ không thể kết hôn với nhau
được vì lý do Audrey không thể từ bỏ sự nghiệp mà cô đã cống hiến
rất nhiều tâm sức để đạt được, tuy nhiên cả hai sẽ vẫn tiếp tục
gặp nhau như hai người bạn.
Tháng 8 năm 1953, Roman Holliday được
trình chiếu tại Hoa Kỳ và đã được giới phê bình điện ảnh cùng
khán giả hâm mộ sau đó trở thành một thành công quốc tế. “Cả thế
giới như đột ngột si mê với cô ta” và dáng điệu Audrey trở nên
một hiện tượng mà mọi cô gái đều ưa chuộng rồi những tờ báo về
thời trang quan tâm đề cập đến.
Trong một buổi dạ tiệc được tổ chức tại
Luân Đôn để ra mắt phim Roman Holliday, tài tử Gregory Peck đã
giới thiệu Audrey với một trong những người bạn của mình, Mel
Ferrer, người đã 2 lần ly dị và là cha của 4 đứa trẻ, tài từ, đạo
diễn và nhà sản xuất điện ảnh, hơn Audrey 12 tuổi. Lập tức cả hai
đã yêu nhau.
Vào tháng 9 năm đó trong suốt 9 tuần lễ Audrey khởi sự thủ diễn
vai chính cho phim Sabrina quay tại Long Island bên cạnh nam tài
tử Humphrey Bogart. Qua phim này Audrey bắt đầu một tình bạn và
một sự hợp tác thật bền bỉ với Givenchy, nhà thời trang người
Pháp và cũng là người vẽ mẫu quần áo cho phim Sabrina.
Mel Ferrer rủ Audrey đóng vở kịch
Ondine của nhà đạo diễn Jean Giraudoux sẽ trình diễn tại
Broadway. Audrey nhận lời vì Mel, người cô yêu, cũng là người
đồng diễn với cô.
Sau buổi trình diễn đầu tiên, vào ngày
18 tháng 2 năm 1954, tất cả những phê bình đều lên tiếng tán
thưởng nồng nhiệt và cũng tối hôm đó Audrey nhận được tin là qua
vai trò đóng trong phim Roman Holliday cô được xướng danh trong
bảng danh sách dành cho giải thưởng Oscar về nữ tài tử hay nhất
và cô đã được trao giải thưởng này vào ngày 25 tháng 3 sau đó,
đúng 3 ngày sau thêm một lần nữa Audrey lại được trao giải Tony
Award dành cho nữ kịch sĩ với vai trò cô đóng trong vở kịch
Ondine.
Sau ba
tháng trong vở kịch Ondine; Audrey đau đớn rất nhiều vì kiệt sức,
cô đã hút một ngày một gói thuốc và bị mất cân nhiều nên bác sĩ
của cô đã buộc cô phải tạm ngưng làm việc để nghỉ ngơi lấy lại
sức. Ngày 3 tháng 7 sau 157 buổi trình diễn trong Ondine, Audrey
lên máy bay sang Bürgenstock–Thụy Sĩ.
Tháng 8 Mel Ferrer bay sang Thụy Sĩ gặp
cô để ngỏ lời cầu hôn. Mặc dù mẹ Audrey không đồng ý nhưng cô đã
chấp nhận. Một cuộc nghi lễ dân sự đã diễn ra tại Buoche, cạnh hồ
Lucerne Thụy Sĩ vào ngày 24 tháng 9, ngày hôm sau, 25/9, hai
người xác định thêm một lần nữa ý nguyện của họ qua nghi lễ tôn
giáo tại một nhà thờ nhỏ dưới chân núi Bürgenstock. Sau 4 ngày
trăng mật, Audrey và Mel làm việc trong một tuần lễ tại những cơ
sở sản xuất phim của hãng phim Ý Cinecitta, nơi mà Mel đang quay
cuốn phim La Madre. Sau đó cả hai cùng trở lại Bürgenstock,
Audrey loan tin với Mel là cô đang có thai. Về sau này Audrey đã
gọi Thụy Sĩ là “nhà của cô”.
Tháng 11, theo lời mời của hội thương
phế binh Hoà Lan, Audrey trở về Hoà Lan để thực hiện một chuyến
hỗ trợ cho hội này suốt năm ngày ròng rã.
Tháng Hai năm 1955, lần thứ nhì Audrey
được xướng danh trong cuộc tranh giải Oscars với phim Sabrina,
nhưng nữ tài tử Grâce Kelly đã nhận được giải này với phim A
Country Girl.
Cùng với Mel, Audrey đã ký kết hợp đồng
với nhà sản xuất Dino de Laurentiis cho cuốn phim War and Peace
(Chiến Tranh và Hoà bình). Mùa xuân năm 1955 cả hai cùng sang Ý
để khởi quay phim này vào ngày 04 tháng 7. Vì những ngày làm việc
thật dài với hơn 10 tiếng đồng hồ và vì sự yếu đuối về sức khoẻ
của Audrey, về sau này cô đã phải nói về vai trò Natasha mà cô
thủ diễn trong phim, đó là thời gian cực nhọc nhất mà cô phải
trải qua. Mặc dù những lời phê bình tiêu cực đối với cuốn phim
nhưng hầu hết đều ca tụng sự hiện diện của Audrey trong phim này
qua vai Natasha.
Bây giờ thì Audrey ngập ngụa vì những
lời mời của các hãng phim song cô đã từ chối và chỉ nhận đóng
trong phim Funny Face với năm tài tử Fred Astaire.
Trong năm 1956, phim Funny Face quay
tại phim trường ở Hollywood trong vòng 3 tháng và sau đó 1 tháng
tại Paris. Suốt thời gian này Audrey và Mel luôn luôn hiện diện
bên nhau trong khi đó thì Ella, mẹ cô, cư trú tại Luân Đôn cũng
đến Paris nhiều lần để gặp cô con gái của bà. Bấy giờ thì
Givenchy là người độc quyền tạo thời trang cho Audrey theo hợp
đồng đã được ký kết.
Sau khi kết thúc phim Funny Face,
Audrey quay về nghỉ ngơi tại tư gia của cô trước khi khởi sự phim
Love in the Afternoon với đạo diễn Billy Wilder. Trong phim này
cạnh cô là nam tài tử Gary Cooper, hơn cô 28 tuổi. Suốt thời kỳ
thực hiện phim này tại Paris, Audrey cũng nhiều lần xuống miền
Nam nước Pháp để tìm gặp Mel, đang thực hiện phim The Vintage.
Tháng Giêng 1957, vợ chồng Audrey bắt
tay vào việc thực hiện phim Mayerling, một cuốn phim của hệ thống
truyền hình NBC. Phim được trình chiếu vào ngày 04 tháng 2 và đã
được những sự lưu ý của người thưởng ngoạn cũng như những phê
bình tiêu cực.
Sau sự thất bại này, NBC đã từ chối
nhiều sản phẩm của cặp vợ chồng Hepburn–Ferrer. Audrey cũng cần
có thời giờ để nghỉ ngơi nên cô cũng từ chối những lời mời đóng
trong nhiều phim, trong đó có phim Le Journal d’Anne Frank (Nhật
Ký Anne Frank), mà cô nhận thấy gợi lại cho cô nhiều kỷ niệm đau
thương gần gũi mà cô đã phải trải qua trong thời kỳ chiến tranh.
Nhân dịp tháp tùng người chồng đi Tây
Ban Nha (Spain) và Mễ Tây Cơ (Mexico), Audrey đã thuyết phục Mel
để ký hợp đồng cho phim The Nun’s Story và sau đó là Green
Mansions, một chương trình của riêng cho chính hai người.
Phim The Nun’s Story khởi quay tại phim
trường của hãng phim Cinecita tại Rome (thủ đô Ý đại lợi) sau đó
tại nước Congo thuộc Bỉ. Trở về Rome để hoàn thành phần cuối, mọi
người đã phải nỗ lực làm việc bên cạnh Audrey mà lúc này đang
phải nằm liệt trên giường vì chứng bệnh sỏi ở thận một phần cũng
vì chứng mất nước mà cô bị trong khoảng thời gian làm việc ở
Congo.
Ngày
18 tháng 7 năm 1959 The Nuns Story ra mắt, về phần tài chánh đã
thu hái nhiều hơn bất kỳ phim nào mà hãng Warner Brothers đã thực
hiện từ trước đến lúc này.
Audrey lại được xướng danh là nữ diễn
viên xuất sắc nhất về giải Oscars 1959 tuy nhiên phim The Nuns
Story không được trúng bất kỳ giải nào trong số 8 giải thưởng
Oscars trong năm đó.
Lập tức sau khi hoàn thành The Nun’s
Story, Audrey bắt tay ngay vào phim Green Mansions quay tại
Hollywood. Về phần Mel, ông cũng đã trải qua nhiều tháng làm việc
với đội ngũ của ông tại vùng Guyanne thuộc Anh và tại nước
Vénézuéla cho phần ngoại cảnh. Phim Green Mansions hoàn tất vào
tháng 11.
Những phê phán về phía những người chuyên nghiệp cũng như về phần
khán giả đã như một sự “khiển trách” đối với Mel trong cương vị
một nhà thực hiện phim. Mel và Audrey đã không tài nào thu hồi
lại đầy đủ được phần vốn bỏ ra. Audrey và Mel quay trở về
Bürgenstock–Thụy Sĩ để nghỉ ngơi, rồi Audrey loan tin có thai.
The Unforgiven là cuốn phim tiếp theo
được quay tại Mexique. Trong thời gian thủ diễn trong phim,
Audrey đã bị ngã ngựa và bị thương ở lưng phải nằm bệnh. Mel lập
tức từ Holywood bay sang với vợ cùng vị bác sĩ của gia đình và
Marie–Louise Habets, được Audrey coi như là một người chị, săn
sóc cho cô. Sau một tháng dưỡng bệnh cùng với sự tập luyện chỉnh
hình, Audrey đã có thể hoàn tất cuốn phim.
Nhưng khi The
Unforgiven xuất hiện vào tháng 4 năm 1960 lại không được thành
công.
Audrey
quay trở về Bürgenstock để tĩnh dưỡng chờ ngày sinh nở, tuy nhiên
chỉ ít lâu sau vì hậu quả sự ngã ngựa cô đã bị sẩy thai. Audrey
rơi vào tình trạng trầm uất khá nặng nề, mất cân và hút thuốc rất
nhiều.
Sáu
tháng sau đó, một lần nữa Audrey lại có thai. Lần này thì Audrey
từ chối mọi hợp đồng đóng các phim như West Side Story, The
Cardinal hoặc No Bail For The Judge của đạo diễn Hitchcock, tuy
nhiên cô cũng bằng lòng nhận đóng Breakfast at Tiffany’s với điều
kiện phim chỉ khởi sự quay sau khi cô đã sinh nở.
Cũng trong thời gian này, Audrey nhận
được tin đồn về cái chết của cha cô. Sau khi kiểm chứng lại nguồn
tin, chính Mel, chồng Audrey, đã phát hiện ra được là ông này
hiện đang sống tại Dublin và thế là hai vợ chồng Audrey đã lập
tức bay sang tìm gặp người cha đã từ lâu thất tung. Trong khi đó,
dù rằng không gặp gỡ con gái mình nhưng Ruston, cha của Audrey,
cũng biết rằng cô con gái cưng của ông nay rất nổi tiếng, và ông
đã được 74 tuổi nhưng cũng đã có vợ khác nhỏ hơn ông đến hơn 30
tuổi. Kể từ khi đó, hàng tháng Audrey đã gởi sang cho cha cô một
tấm ngân phiếu để trợ giúp ông cho đến khi ông qua đời hơn hai
mươi năm sau.
Ngày 17 tháng 7 năm 1960 tại
Lucerne–Thụy Sĩ, Audrey cho chào đời Sean Ferrer, một cậu con
trai. Cậu bé Sean cũng được làm lễ rửa tội bởi chính vị mục sư đã
cử hành hôn lễ cho cha mẹ cậu trước đó 6 năm.
Phim
Breakfast at Tiffany’s được quay tại New York và sau đó tại
Hollywood. Phim được trình chiếu vào tháng 10.
Thêm một lần nữa, Audrey lại được xướng
danh trong buổi tranh giải Oscar tuy nhiên cũng lại không được
trao giải thưởng như ba lần trước.
Trong năm 1961, Audrey lại xuất hiện
trong phim The Children’s Hour thực hiện bởi William Wyler, sau
đó gia đình cô lại quay trở về Âu châu và Mel tham dự vào phim Le
Jour Le Plus Long.
Cùng với nam tài tử William Holden,
Audrey tham dự đóng phim Paris – When it Sizzles vào năm 1962. Vì
vượt quá cao ngân sách đã dự trù cho phim nên mãi đến hai năm sau
phim mới được ra mắt giới yêu chuộng điện ảnh.
Cũng vào năm
này, Audrey đã ở lại Paris tham gia vào phim Charade trong đó vai
nam tài tử là Cary Grant, người đã 2 lần từ chối làm việc chung
với Audrey trong các phim Sabrina và Love in The Afthenoon chỉ
vì... sự chênh lệch quá nhiều về tuổi tác. Phim Charade đã gặt
hái thành quả thật tốt đẹp.
Sáu tháng sau khi đã làm việc liên tục
để hoàn tất phim Charade (năm 1963), gia đình Ferrers lại quay
trở về căn nhà của họ ở Thụy Sĩ.
Sau nhiều tháng thương thảo giữa Kurt
Frings, đại diện của Audrey và hãng phim Warner Brothers, Audrey
nhận lời diễn xuất vai chính trong My Fair Lady. Quyết định dành
vai trò chính của phim My Fair Lady của nhà sản xuất Jack Warner
là một quyết định gây nhiều sự tranh luận vì lẽ người nữ diễn
viên chính của vở kịch mang tên này hiện đang được trình diễn rất
thành công tại Broadway lúc đó là Julie Andrews, một nữ diễn viên
vô danh trong phim ảnh. Phim được trình chiếu là một thành công
và đã gặt hái được 8 giải thưởng Osacars. Audrey được xướng danh
cho giải nữ diễn viên xuất sắc nhất nhưng cuối cùng thì chính
Julie Andrew lại được lãnh giải thưởng này trong vai trò đầu tiên
của cô ta trong phim Marie Poppins.
Không phải duy nhất chỉ có một Marilyn
Monroe hát “Happy Birthday, Mr. President” với Tổng thống John
Fitzgerald Kennedy trong ngày lễ sinh nhật của ông mà Audrey
Hepburn cũng đã hát “Happy Birthday, Dear Jack” với vị tổng thống
này vào ngày 29 tháng 5 năm 1963, buổi lễ sinh nhật cuối cùng của
J.F.Kennedy.
Audrey tham dự vào phim How to steal a million bên cạnh nam tài
tử Peter O’Toole. Khi đã quay xong cuốn phim, gia đình Audrey rời
nhà của họ tại Bürgenstock đến Tolochenaz–sur–Morges, vùng
Vaud–Thụy Sĩ appelée “La Paisible”. Họ cũng mua thêm một căn nhà
nữa để nghỉ mùa đông tại Marbella.
Audrey lại có thai nhưng một tháng sau
lại cũng bị sẩy.
Sau nhiều lần từ chối nhiều phim khác
trong đó có phim Cléopâtre với nam tài tử Richard Burton, năm
1966, Audrey nhận lời tham dự đóng trong phim Two for the Road
trong đó hầu hết mọi cảnh đều có sự hiện diện của cô nên cô đã
không còn một dịp nào để sống cho gia đình được nữa. Mel chọn lựa
ở lại nhà với cậu con trai Sean và làm việc cho dự án của Frings,
phim Wait Until Dark.
Năm 1967, một lần nữa Audrey tham gia
với William Wyler trong việc thực hiện phim Wait Until Dark trong
đó Mel, chồng cô trong cương vị một nhà sản xuất. Audrey đã phải
làm việc rất vất vả và mất gần 7 ký–lô để phim có thể ra mắt
trong năm này và Wait Until Dark đã là một sự thành công lớn. Lần
thứ năm Audrey lại được xướng danh cho giải Oscars.
Trong thời kỳ này Audrey và Mel tranh
cãi nhiều vì Mel muốn vợ mình tham gia vào nhiều phim trong lúc
đó Audrey lại muốn có nhiều thời giờ rảnh rỗi để sống với Sean,
cậu con trai. Chẳng may cũng trong lúc này, Audrey lại mang thai
và lại sẩy thai thêm một lần nữa.
Mel muốn thực hiện một cuốn phim
Mayerling khác trong đó Mel là nhà sản xuất và Omar Sharif đóng
vai bên cạnh Audrey. Nhưng Audrey không muốn làm việc lại ngay
với chồng cô nên Mel đã giao vai trò nữ cho Catherine Deneuve.
Audrey ở lại nhà với Sean trong lúc Mel thực hiện cuốn phim này.
Tháng 9/1967, người ta loan tin: Audrey
và Mel ly thân. Audrey không muốn tiếp tục làm việc nữa và yêu
cầu Frings đừng gởi cho cô những kịch bản phim nào nữa.
Ngày 21 tháng 11 năm 1968, Audrey và
Mel Ferrer ly dị. Những chi tiết về việc phân chia tài sản được
giữ kín nhưng Audrey giữ quyền nuôi dưỡng Sean và căn nhà ở
Tolochenaz–sur–Morges.
Ngày 18 tháng Giêng năm 1969, Audrey
lấy một vị bác sĩ chuyên về khoa thần kinh người Ý, Andrea Dotti,
người mà cô đã gặp trong một chuyến du hành tư bằng đường biển
vào tháng 6 năm trước. Hai người lưu trú tại Rome, thủ đô nước Ý
và Sean được ghi tên theo học trong một trường dạy song ngữ.
Audrey bảo quản ngôi nhà ở Tolochenaz–sur–Morges để làm nơi nghỉ
cuối tuần hay mùa hè và những nhân viên làm việc cho cô đặt dưới
quyền bà nam tước Van Heemstra, mẹ cô, nay cũng về đây sống
thường trực. Bốn tháng sau ngày cưới, Audrey khám phá ra rằng cô
mang thai và ngay lập tức cô quay về căn nhà “Bình Yên”, ngôi nhà
được đặt tên như thế, để tránh những rủi ro có thể xảy ra.
Luca Dotti chào đời ngày 8 tháng 2 năm
1970. Audrey lưu lại trong nhà bảo sanh và mặc dù những cuộc đi
chơi đêm với nhiều người đàn bà khác của chồng mình nhưng cô vẫn
quả quyết với mọi người rằng cô rất có hạnh phúc và hài lòng
trong cương vị của một người mẹ trong gia đình.
Mặc dù đã “hưu trí” nhưng Audrey loan
tin rằng cô mong muốn được trở lại với phim trường nhưng duy nhất
chỉ tại Rome mà thôi tuy vậy cô cũng từ chối không tham dự vào
hai cuốn phim Forty Carats và Nicholas và Alexandria vì cô cho
rằng cô quá già không thích hợp với vai nữ trong phim.
Cuối cùng cô quan tâm với nghề nghiệp
của người chồng Ý và đã tháp tùng ông ta trong nhiều buổi thuyết
trình hay những dịp công tác khác của ông.
Audrey tham gia vào một chương trình
truyền hình đặc biệt của cơ quan bảo vệ trẻ em Unicef của Liên
Hiệp Quốc và vào năm 71 một chương trình quảng cáo.
Năm 1974, lần thứ năm cô lại bị sẩy
thai.
Sau
nhiều lần từ chối, năm 1975 Audrey chấp nhận tham dự vào phim
Robin and Marian bên cạnh Sean Connery. Phim được quay tại Tây
Ban Nha trong 6 tuần lễ. Sự trở lại với điện ảnh của Audrey đã
được những người hâm mộ cô và giới bình luận điện ảnh đón chào
rất nồng nhiệt mặc dù những bình luận về cuốn phim không được
toàn hảo.
Sau
khi phim hoàn tất, vợ chồng Audrey nhận được rất nhiều sự đe dọa
nặc danh về chuyện bắt cóc Sean và Luca. Để bảo vệ sự an toàn cho
hai đứa con, Audrey đã phải buộc lòng gởi hai trẻ về Thụy Sĩ. Một
thời gian ngắn sau đó xảy ra vụ mưu toan bắt cóc bác sĩ Dotti
trong khi ông vừa rời khỏi bệnh viện nơi làm việc, may mắn thoát
được nhờ vào sự can thiệp của những người bảo vệ.
Năm 1976, Audrey bay sang Hoa Kỳ để
tham gia vào việc ra mắt Robin and Marian và cũng là để tham dự
vào buổi lễ vinh danh 60 năm của nhà thực hiện phim William Wyler
do Viện Phim Ảnh Hoa Kỳ tổ chức.
Sau đó, bác sĩ Dotti cũng sang tháp
tùng vợ mình ở buổi lễ trao giải Oscars trong đó Audrey đã nhận
được những lời hoan hô nồng nhiệt của các đồng nghiệp khi cô trao
giải thưởng về hình ảnh đẹp nhất cho nhà sản xuất Michel Douglas
với phim One Flew Over the Cuckoo’s Nest.
Phim Robin and Marian đã mang đến cho
Audrey rất nhiều lời mời đóng trong đó có hai phim: Un Pont Trop
Loin và Richard’s Things nhưng cô đã từ chối vì nhiều lý do khác
nhau.
Mặc dù
sau khi đã thành hôn với Audrey, Dotti vẫn tiếp tục giao du với
rất nhiều người đàn bà khác và những cuộc chơi đêm đáng hổ thẹn
mà báo chí đăng tải. Những người thân của cô cũng biết được rằng
cô rất buồn nhưng Audrey vẫn tiếp tục bao che cho cuộc hôn nhân
của hai người với lý do là đời sống lứa đôi của hai người cũng
như những cặp vợ chồng khác với những sự khác biệt và họ hoàn
toàn có hạnh phúc.
Năm 1979, Audrey tham gia vào phim
Bloodline bên cạnh các tài tử như Romy Schneider, Omar Sharif,
James Mason... sau đó quay trở lại Rome.
Audrey tham dự vào một vai trò nhỏ
trong phim hài, của Peter Peter Bogdanovich, They All Laughed,
quay tại Manhattan năm 1980. Phim này có sự tham dự của Sean
Ferrer, con trai lớn của Audrey năm này cũng được 20 tuổi, vừa
trong vai trò phụ tá sản xuất vừa là một diễn viên.
Tháng 9/1979
cuộc hôn nhân của Audrey và Dotti chính thức chấm dứt. Audrey
cũng gặp Robert Wolders, một nam tài tử người Hoà Lan, một người
đàn ông mà cô tìm thấy có nhiều điểm thích hợp và quyền lợi
chung.
Bệnh
tật của cha Audrey cũng làm cho Audrey và Wolders sát lại gần
nhau nhất là trong chuyến đi với những cảm xúc cực kỳ khó khăn
đến Dublin để Audrey được nhìn thấy mặt cha cô lần cuối cùng.
Người cha nhắm mắt qua đời ba ngày sau khi Audrey và Wolders tới
cạnh ông.
Wolders tới sống chung với Audrey tại ngôi nhà Thanh Bình, nơi mà
Audrey đang lo liệu săn sóc cho mẹ cô nay cũng đã già yếu.
Mặc dù cuộc ly dị giữa Audrey và Dotti
đã chính thức hóa trên mặt pháp lý nhưng Audrey cũng không tiến
hành để hợp pháp hoá cuộc sống với Wolders.
Năm 1982, Wolders tháp tùng Audrey đến
Los Angeles trong dịp lễ do viện phim ảnh Hoa Kỳ tổ chức để tỏ
lòng tôn kính diễn viên Fred Astaire và nhiều dịp khác khắp nơi
trên thế giới trong những công tác của tổ chức quốc tế Bảo Vệ Nhi
Đồng Unicef.
Ngày 26 tháng 8 năm 1984, bà nam tước Ella Van Heemstra 84 tuổi,
mẹ Audrey tạ thế tại ngôi nhà Thanh Bình. Audrey đã nức nở: “Tôi
lạc lõng khi mất người mẹ thân yêu của tôi! Bà là một cái bảng
hài hoà của tôi, lương tâm tôi. Chẳng một người nào trìu mến dịu
dàng như bà – trong những khi tâm hồn tôi băng giá – bà đã thương
yêu tôi, ấp ủ tôi trong tâm hồn của bà...”
Sean Ferrer
lập gia dình năm 1985. Audrey và Wolders tham dự vào buổi hôn lễ
cùng với Mel Ferrer và Lisa, người vợ mà ông ta đã lấy sau khi ly
dị với Audrey.
Trong cương vị là cha mẹ ruột của Sean,
Audrey và Mel đã khiêu vũ với nhau lần đầu tiên sau 17 năm xa
cách.
Năm 1986
Audrey hiện diện cùng với những nhân vật nổi tiếng khác trong một
chương trình tưởng niệm William Wyler do cô con gái ông này phụ
trách và tham dự vào cuốn phim truyền hình Love Among Thieves bên
cạnh Richard Wagner năm 1987. Đây là cuốn phim cuối cùng của
Audrey trong cương vị một ngôi sao điện ảnh.
SỰ NGHIỆP THỨ HAI CỦA AUDREY HEPBURN
Cuối năm 1987, Audrey được mời tham dự
với tư cách là một người khách mời danh dự trong một đại hội âm
nhạc quốc tế “Dành cho trẻ em toàn thế giới” tại Macao mà tất cả
những lợi nhuận dành cho quỹ của tổ chức bảo vệ nhi đồng quốc tế
Unicef. Sau buổi hoà nhạc, Audrey đã yêu cầu: “Không có việc gì
khác mà tôi có thể làm cho Unicef nữa hay sao?” và ngày 08 tháng
3 năm 1988, Audrey Hepburn được chính thức ủy nhiệm chức vụ Đại
sứ đặc trách Từ thiện của cơ quan Unicef, cơ quan mà cô luôn luôn
đóng góp khi xảy ra những biến cố liên quan đến nhi đồng trên thế
giới. Bây giờ thì hai người con trai cũng đã lớn, cô có thể cống
hiến hoàn toàn thời giờ cho công vụ này và tham dự vào nhiều
chương trình truyền thông của Unicef hoặc có mặt trực tiếp tại
những vùng nghèo khó nhất trên thế giới.
Việc làm này
cũng vô cùng cực nhọc, nhất là tại những quốc gia chậm tiến với
tình thế thường thường rất nguy hiểm. Audrey thực hiện chuyến đi
đầu tiên của cô trong vai trò Đại sứ Unicef ở Ethiopie từ ngày 14
đến 18 tháng 3, 1988 nơi mà hàng triệu người đang rơi vào thảm
trạng chết đói.
Sau đó từ ngày 23 đến 26 tháng 4 tại
Turquie nơi mà hàng triệu trẻ em bị vướng những bệnh tật như lao,
sởi, uốn ván, bại liệt, viêm tủy... Tiếp theo là chuyến đi
Vénézuela, từ 15 đến 18 tháng 10 thăm khu nghèo tại Caracas hoặc
những vùng thôn quê và hiện diện trong buổi lễ khánh thành một
trung tâm dành cho những hoạt động giáo dục thiếu nhi và dạy nghề
cho người lớn.
Sau Vénézuéla, Audrey sang Equateur từ
ngày 19 đến 29 tháng 10 để thăm viếng những trung tâm dành cho
giáo dục thiếu nhi và dạy nghề cho người thiện nguyện. Trong
khuôn khổ của chương trình tăng cường chống đói nghèo và trợ cấp
cho dân cư ở vùng núi Andes, Audrey đã gặp gỡ và thảo luận với
Rodrigo Borja, Tổng thống của nước này.
Trong suốt tháng Hai 1989, Audrey thực
hiện một loạt công tác tại các nước vùng Nam Mỹ: khởi đầu vào
ngày 5 và 6 tại Guatémala, tại đây Audrey khánh thành một hệ
thống cung cấp nước uống cho những vùng núi trên hồ Atilan.
Cô nói: “Những ai không tin vào phép lạ
là người không thực tế [...] Tôi đã trông thấy phép lạ về nước mà
Unicef đã làm cho trở thành hiện thực. Hạnh phúc nào bằng khi
biết được rằng những cháu gái nhỏ bé sẽ không phải lội bộ hàng
chục cây số, như những bà mẹ của các cháu gái này trước đây, để
có được nước, vì giản dị một lẽ là bây giờ các cháu gái đã có
nước ngay tận chỗ. Nước là cuộc sống, và nước tinh khiết đồng
nghĩa với hai chữ sức khoẻ.” Rời Guatémala, Audrey bay sang nước
Honduras ngày 7 và 8 để gặp José Azcona, Tổng thống nước này,
thăm viếng việc thực hiện kế hoạch trang bị một hệ thống tiết
kiệm nước và nhiều trung tâm săn sóc sức khoẻ mà Unicef tài trợ.
Từ ngày 9 đến 11, Audrey đến Salvador
thảo luận với Tổng thống Duarte cùng thăm nhiều chương trình bảo
vệ sức khoẻ và giáo dục, thăm viếng những nạn nhân bị động đất
năm 1986 tại khu vực tạm cư của họ, nói chuyện trong chương trình
truyền thanh xóa nạn mù chữ.
Ngày 12 và 13 tại Mexico, sau khi trả
lời trong một cuộc phỏng vấn truyền hình Audrey đến khánh thành
hệ thống nước uống đầu tiên được Unicef thiết lập tại một làng
nhỏ và hướng dẫn tận tay việc sửa soạn thuốc chống bệnh tả và
phân phát thuốc ngừa bệnh viêm tủy xám.
Ngày hôm sau tại Acapulco, Audrey
thuyết trình tại hội nghị quốc tế những tổng giám đốc các cơ sở
doanh nghiệp Mexico về chủ đề bảo vệ nhi đồng và gia đình.
Tháng 4, Audrey đại diện Unicef thuyết
trình tại ủy ban chống đói ở Washington và trước đó mấy hôm, từ
ngày 12 đến ngày 14, Audrey có mặt tại Soudan để giám sát những
công việc cứu đói của cơ quan Unicef vì tình trạng nội chiến tại
nước này.
Audrey đã phát biểu: “Tôi có được một đặc ơn để nói lên được
những gì mà trẻ con không thể nói lên được và công việc của tôi
thực rất dễ dàng vì lẽ những đứa trẻ không bao giờ có một đối thủ
chính trị nào. Cứ một đứa trẻ là một phúc lành: cứu hàng triệu là
một cơ may mà trời đã ban cho”.
Từ 15 đến 18 tháng 10 Audrey lại hiện
diện tại Thái Lan rồi sau đó tại Bangladesh từ 19 đến 24 tháng
10.
Vào cuối
năm này, Audrey nhận thủ diễn vai một thiên thần trong phim
Always của Steven Spielberg. Đây là lần cuối cùng cô xuất hiện
trên màn hình điện ảnh.
Tháng 3 năm 1990, Audrey tham dự một
loạt những buổi hoà nhạc gây quỹ cho Unicef: cô xướng ngôn những
đoạn văn trích từ Nhật ký của Anne Frank lồng trong bản nhạc dàn
bè của Michel Tilson Thomas. Cuộc biểu diễn đã diễn ra tại 5
thành phố tại Hoa Kỳ trong đó một lần với dàn nhạc thính phòng
Londres vào năm 1991.
Audrey cũng tham dự vào một loạt phim
truyền hình, Garden of the World, khởi đầu tại Hoà Lan sau đó tại
nhiều nơi trên thế giới.
Tháng 10, trong vai trò Đại sứ Unicef
Audrey đến Việt Nam.
Đây là chuyến công tác mà các cơ quan
truyền thông Hoa Kỳ ít đề cập đến nhất, giản dị chỉ vì lẽ: “vết
thương của người Mỹ ở Việt Nam vẫn chưa được khép kín”, chuyến đi
này của cô có mục tiêu chính là hợp tác với chính quyền Việt Nam
trong những chương trình miễn dịch và tinh lọc nước của Unicef.
Cũng trong năm 1990 này, Audrey đến Na Uy tham dự buổi hoà nhạc
cho hoà bình cùng với Tổng thống Mỹ, Jimmy Carter, Tổng thống
Pháp François Mitterand và Nelson Mandela, Tổng thống nước Cộng
Hoà Nam Phi và lên tiếng phát biểu trong buổi lễ UNICEF’s
Universal Child Immunization được tổ chức tại Rome.
Ngày 19 tháng
2 năm 1991, cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter đứng ra trao tặng
Audrey giải Child Survival Award để tưởng thưởng những thành quả
mà cô đã thực hiện được trong vai trò đại sứ của cơ quan Unicef
tại khắp nơi trên thế giới. Tháng 6 cùng năm, Audrey lại xuất
hiện lần thứ hai trước quốc hội Hoa Kỳ để yêu cầu tăng thêm ngân
sách viện trợ cho các nước Phi châu.
Ngày 30 tháng 3 năm 1992, Audrey đứng
ra trao tặng giải Oscar danh dự cho nhà thực hiện phim Ấn Độ
Satyajit Ray. Tháng 9, Audrey sang Somalie, một quốc gia đang bị
xâu xé vì chiến tranh.
Sau này cô đã phải nói: “Tôi đã phải
sống trong một ác mộng. Toàn nước chìm trong một tình trạng hỗn
loạn kinh hoàng và phần đông dân chúng chết vì đói”. Đây là
chuyến đi công tác cuối cùng của Audrey cho cơ quan Unicef. Từ
Somalie Audrey trở về Thụy Sĩ. Trước khi nghỉ ngơi một thời gian
và những dự tính cho tương lai, cô muốn gặp Sean và cô bay sang
California. Càng lúc Audrey càng cảm thấy đau đớn ở bụng dưới,
cơn đau đã khởi sự ngay từ khi cô rời Somalie, tuy nhiên các bác
sĩ của cô chỉ nghĩ rằng cô bị bệnh lỵ do amip mà ra. Mọi người
thân của cô thúc hối cô đi khám nghiệm lại.
The Presidential Medal of Freedom
Ba ngày sau đó, 02 tháng 11. Audrey
phải trải qua một cuộc giải phẫu vì chứng ung thư kết tràng. Hai
người con trai của Audrey lập tức đến với mẹ, trong khi đó Audrey
muốn được về nhà cô ở Tolochenaz–sur–Morges để nghỉ Giáng Sinh.
Tại đây Audrey đã trải qua những tháng cuối cùng với những lần,
khi sức khoẻ cho phép, dạo chơi trong ngôi vườn nhà.
Trong thời
gian này, vào ngày 11 tháng 12 Audrey được George Bush, Tổng
thống Hoa Kỳ, qua trung gian của đại sứ Hoa Kỳ tại Thụy Sĩ, trao
tặng huân chương Presidential Medal of Freedom, huân chương cao
nhất dành cho những người dân sự được nhìn nhận qua những việc
làm ngoại lệ đáng ca tụng.
Đầu năm 1993, Academy of Motion Picture
Arts and Sciences loan báo rằng vào tháng 4 Audrey sẽ được trao
tặng giải Humanitaire Jean Hersholt, giải thưởng dành cho một tài
tử phim ảnh có những hoạt động dấn thân một cách gương mẫu trong
lãnh vực nhân đạo, tuy nhiên giải thưởng này Audrey đã nhận được
như một giải truy tặng: chính Sean Ferrer, con trai lớn của
Audrey nhân danh mẹ đứng ra nhận lãnh.
Cũng trong năm này Audrey đã được trao
tặng giải Emmy Award vì loạt phim truyền hình Gardens of the
World và tập san People đã nêu danh cô trong bảng danh sách 50
nhân vật đẹp nhất thế giới trong năm 1993.
Ngày 20 tháng Giêng năm 1993, 4 tháng
trước ngày lễ sinh nhật lần thứ 64, Audrey qua đời trong khi đang
ngủ tại ngôi nhà mà cô vẫn gọi là “ngôi nhà an bình”.
Thi hài
Audrey được an táng tại nghĩa trang Tolochenaz–sur–Morges ngày 24
tháng Giêng. Hai người con trai của Audre, Ian người em trai, Rob
Wolders, Mel Ferrer, Andrea Dotti, Hubert de Givenchy, Alain
Delon, Roger Moore và những thành viên của cơ quan Unicef hiện
diện trong buổi lễ an táng. Maurice Eidinger, vị mục sư đã cử
hành hôn lễ cho Audrey và Mel Ferrer 39 năm trước cũng là người
chủ toạ tang lễ.
Ngay sau khi biết được tin Audrey
Hepburn mất, nữ tài tử lừng danh Elizabeth Taylor đã thốt lên: “Một
thiên thần vừa bay mất!”
♣♣♣
Vào năm 1953, khi Audrey Hepburn thủ
diễn thành công vai trò đầu tiên trong phim Roman Holiday thì
chuẩn mẫu sắc đẹp của những nữ tài tử thời kỳ đó lại gần như hoàn
toàn đối chọi với vóc dáng, thân hình cuả Audrey Hepburn: yêu
kiều, nhẹ nhàng với đôi mắt thật to trong sự quyến rũ của một cô
con gái mà bà mụ đã nặn sai của Audrey Hepburn.
Thời kỳ này là thời kỳ của sắc đẹp màu
“hoe vàng”, “bùng nổ” qua những thân thể “nảy lửa” với những bộ
ngực vô cùng “hào phóng, rộng lượng” lúc nào cũng chỉ muốn bật
tung khỏi lớp vải bọc nửa kín nửa hở của những Marilyn Monroe,
Marlène Dietrich, Kim Novak, Grace Kelly, Ava Gardner, Greta
Garbo, Martine Carol, Elizabeth Taylor hoặc Lana Turner... những
sexe symbole. Ngược lại, Audrey sáng rực trên màn ảnh qua sự “mầu
nhiệm” của cô: đường nét mảnh dẻ dong dỏng cao của một nữ nghệ sĩ
nhảy múa cổ điển di chuyển như một con mèo con, mái tóc đen và
một khuôn mặt thanh tao với đôi chân mày hình dấu mũ rõ nét làm
nổi bật cặp mắt to của một con nai con trong đó đầy ắp những cảm
xúc, phong cách quý phái. Hình ảnh này đã để lại dấu vết không
thể xóa nhoà được trong bộ tranh ảnh của thế kỷ thứ XX.
“Audrey có khả năng, chỉ mình cô ta
thôi, biến bộ ngực nảy nở thành ra một thứ giá trị của... quá
khứ”, Billy Wilder phát biểu một cách tinh nghịch về chuyện này.
Những vai tuyệt vời mà người nữ tài tử
này đã thủ diễn trong các vở kịch phim lớn của Billy Wilder,
Stanley Donen, Blake Edward hay George Cukor đã củng cố thêm phần
nào cho truyền thuyết.
Ảnh hưởng của Audrey Hepburn trong lãnh
vực thời trang những năm 60 cho đến ngày nay vẫn luôn dai dẳng
hiện hữu ảnh hưởng không những chỉ qua người tạo thời trang Pháp
Hubert de Givenchy mà còn Salvatore Ferragamo, Manolo Blahnik,
Calvin Klein, Paco Rabane et Ralph Lauren... Rất hiếm khi một
người nữ diễn viên lại thể hiện được cùng lúc là một tượng trưng
cho sự duyên dáng, nhan sắc, sự thanh lịch và là một “nữ thần”
của thời trang. Nếu đặt câu hỏi: Người đàn bà nào trong lịch sử
đã có nhiều ảnh hưởng trong sự chọn lựa cách thức ăn mặc, phong
thái... như Audrey? Câu trả lời sẽ là: rất có thể Jacqueline
Onassis (Jacqueline Kennedy), Công chúa Diana (Anh) hay Coco
Chanel (người tạo mẫu thời trang Pháp). Điều chính yếu trên tất
cả mọi điều: Audrey Hepburn biết cách ăn mặc hơn tất cả các nữ
tài tử khác qua phong cách giản dị nhưng vĩnh hằng, không bị lỗi
thời và luôn luôn thanh lịch.
Ngay khi phim Roman Holiday vừa được
trình chiếu, Audrey đã làm cho rất nhiều phụ nữ quan tâm và giới
thời trang cũng kể từ ngày đó đã không thể còn như trước được
nữa. Edith Head, người phụ trách quần áo của phim đã nhận được
giải thưởng Oscar dành cho trang phục của phim này qua nét thanh
lịch của chiếc váy thu lại sát người loe ra ở dưới, chiếc áo
chemise không có tay, chiếc khăn quàng cổ, đôi dép bằng và mái
tóc ngắn: một dòng thời trang gọi là “bất phục khôn ngoan”.
Quần áo do Edith Head tạo ra nhưng sáng
kiến của Audrey là chiếc khăn quàng cổ và giây thắt lưng. Cô công
chúa Anne trong phim đã tự giải phóng những sự bó buộc về nghi lễ
của triều đình bằng cách ăn mặc không gò bó, mái tóc lẽ ra phải
dài với một búi tóc theo đúng nghi thức của một công chúa thì
trái lại là một mái tóc cắt ngắn và thế là rất nhiều phụ nữ đã
chấp nhận mẫu tóc này.
Tiếp theo, năm 1954 với phim Sabrina,
Audrey xác định vị trí một nữ thần thời trang và đánh dấu một
tình bạn và sự hợp tác lâu dài với nhà thời trang người Pháp,
Hubert de Givenchy và Audrey đã là nguồn cảm hứng tuyệt đối của
nhà thời trang này.
Vĩnh viễn, chiếc robe màu đen giản dị,
với những dải đeo được thắt lại của “Sabina” đã tồn tại trong trí
nhớ của mọi người và được chuyển biến từ ngày đó đến nay qua biết
bao hình dạng khác nhau.
Chính Givenchy cũng đã nói: “Audrey
biết thật rõ điều cô ta muốn. Cô ấy biết hoàn toàn khuôn mặt,
thân thể, những ưu, khuyết điểm của cô ta. Tôi chỉ thích ứng giữa
điều cô ấy muốn và sự sáng tạo của tôi...”
Dành cho phim Breakfast at Tiffany’s,
Givenchy “bọc” thân thể nữ tài tử Audrey Hepburn trong chiếc áo
dài màu đen bó sát giá trị huyền hoặc của một “call–girl” với vẻ
uể oải chán đời, Audrey Hepburn đã quyến rũ toàn thế giới với
hình ảnh một chiếc đót (tẩu) hút thuốc lá trên tay và một chú mèo
trên vai. “Moon River”, bài hát sầu muộn viết bởi nhạc sĩ tài hoa
Henry Mancini, thì thầm hát bởi một Holly trong chiếc quần hải
tặc trên một cầu thang sắt, đã trở nên một bản nhạc cổ điển lãng
mạn không chỉ riêng cho Holywood.
Hai vai trò nữa củng cố thêm địa vị một
thần tượng của thời trang: phim Funny Face năm 1957, Audrey
Hepburn là hiện thân của một người mẫu cho một nhiếp ảnh gia tài
ba thủ diễn bởi Fred Astaire. Trong phim này, nhiếp ảnh gia lừng
danh Richard Avedon, hiện diện trên phim trường đã hướng dẫn mọi
chi tiết cho cuốn phim viết phỏng theo chính cuộc đời ông ta,
truyền gợi lại một phong cách sáng chói cho những màn quay khi
người mẫu ngồi để chụp ảnh và trong một vở nhạc kịch của George
Cukor vào năm 1964: “My Fair Lady” mà người giám đốc nghệ thuật
chính là nhiếp ảnh gia Cecil Beaton. Màn đua ngựa ở Ascot luôn
vẫn là một khuôn mẫu về phong cách đồ hoạ và thẩm mỹ cực kỳ hoàn
chỉnh.
Người
ta cũng đã đánh dấu hỏi: Sự thanh lịch và phương cách chọn lựa
quần áo của Audrey có được như vậy nếu không có sự hiện diện của
Givenchy? Audrey tạo ra Givenchy hay Givenchy tạo ra cho Audrey?
Trả lời câu hỏi này nhà thời trang
Ralph Lauren đã phát biểu: “Tôi nghĩ rằng chính Audrey đã tạo ra
‘vẻ Givenchy’”. Trong thời kỳ cộng tác của hai người, Audrey đã
chọn lựa những gì của Audrey trong Givenchy... Điều này có thể
xảy ra trong Sears, Roebuck hay Givenchy hay ngay cả những quần
áo thừa thãi của quân đội, không quan trọng, khi Audrey mặc gì
thì người ta cũng nói “Đó là Audrey!” Hiếm người có thể làm được
thế. Áo quần đẹp hay xấu cũng tùy người mặc. Quan trọng nhất là
toàn bộ phải tạo ra thực chất của sự thanh lịch. Audrey không ăn
mặc theo thời trang mà Audrey tự tạo riêng phong cách cho chính
mình: phong cách vĩnh hằng, không bao giờ bị lỗi thời, giản dị
nhưng lại luôn luôn sang trọng.
Cách thức ăn mặc của Audrey đã ảnh
hưởng và còn ảnh hưởng rất nhiều trong ngành thời trang như phong
cách ăn mặc của Maria Callas, nữ ca sĩ nhạc cổ điển giọng cao
người Mỹ gốc Hy Lạp (1923–1977) của Keira Knightley, nữ tài tử
người Anh (sinh năm 1985–) nổi tiếng với phim Pirates of the
Caribbean... hoặc ngay trong chính những nhân vật hoạt họa – công
chúa Aurora trong Sleeping Beauty của Walt Disney.
Mãi đến ngày nay và sẽ còn rất lâu,
những thế hệ nữ tài tử trẻ như Natalie Portman, Wynona Ryder hay
Audrey Tautou... ngưỡng mộ và tìm cách đi theo con đường của
Audrey Hepburn nhưng chưa một ai có thể sánh vai được vẻ thanh
lịch của Audrey Hepburn. Nữ tính mảnh dẻ của Audrey Hepburn, sự
thơ ngây sáng chói, năng khiếu không thể sai lầm về thời trang,
những động tác của một nữ nghệ sĩ khiêu vũ cổ điển mong manh tinh
tế đôi khi chỉ bằng một nụ cười rực rỡ đã tạo nên sự quyến rũ
không thể cưỡng lại được và làm người ta không thể quên (audrey
hepburn forever).
Sự nghiệp của Audrey Hepburn trong
ngành điện ảnh phải nói rằng ngắn ngủi nhưng lại thật huy hoàng.
Khoảng hơn 15 năm khởi sự với “Roman Holiday” ra mắt khán giả vào
năm 1953, cuốn phim đã làm cho người ta khám phá ra người nữ tài
tử này, cho tới năm 1967 với “Wait until Dark” báo hiệu một sự từ
giã gần như vĩnh viễn màn ảnh.
Audrey đã đánh dấu thời kỳ của cô qua
sự hiện thân của một nét đặc biệt mà Shirley Maclane, người đồng
diễn với Audrey trong phim The children’s hour đã nói:
“Khi tôi nghĩ đến Audrey, nghĩ về tâm
hồn thanh cao và nét độc đáo của cô, tôi luôn bị xúc động. Audrey
đã có được những đức tính hiếm có và tôi khát khao có được phong
cách và thị hiếu của cô ấy. Tôi tự cảm thấy rằng tôi vụng về và
ăn mặc lôi thôi khi đi với cô. Tôi đã nói điều ấy cho cô ta biết
nhưng cô ấy bảo với tôi rằng đừng nên quan tâm và cô sẽ chỉ cho
tôi cách thức ăn mặc nếu tôi bằng lòng chỉ cho cô ấy cách nguyền
rủa tục tằn... Chính vì vậy mà cả hai chúng tôi không ai làm được
gì.” (trong sách My Lucky Stars do Shirley MacLaine viết)
Vào năm 1999 Salvatore Ferragamo, người
làm giầy lừng danh Ý tạo ra đôi giầy mềm Ferragamo dành cho
Audrey, đã tổ chức một cuộc triển lãm để tặng người nữ tài tử với
chủ đề “Audrey Hepburn, una donna, lo stile” – “Audrey Hepburn,
một người nữ, một phong cách”.
Audrey cũng chính là người đã quần
chúng hoá kính Ray–Ban Wayfarer qua phim Breakfast at Tiffany’s.
Audrey cũng đã được rất nhiều lần là vedette của những tập san
thời trang như Vogue, Harper’s Bazar hoặc Glamour...
Hơn 15 năm sau khi Audrey qua đời,
Audrey Hepburn vẫn là một nữ tài tử được người ta biết nhiều nhất
trên thế giới. Năm 1993, năm mà Audrey từ trần, một bộ phim tài
liệu đã được thực hiện nói về Audrey.
Năm 2000, một phim khác, The Audrey
Hepburn Story, quay về cuộc đời Audrey với Jennifer Love Hewitt
thủ diễn vai trò Audrey Hepburn.
Ngày 11 tháng 6 năm 2003, sở bưu chính
Mỹ cho phát hành một con tem có hình Audrey và mô tả như một
huyền thoại của Hollywood, dấn thân vào hoạt động nhân đạo.
Hình ảnh của Audrey cũng được người ta
tiếp tục sử dụng trong nhiều phim ảnh và những quảng cáo như
trong phim Pretty Woman với cảnh nữ tài tử Julia Roberts nhìn
Audrey Hepburn đang thủ diễn trong phim Charade, như một tượng
trưng cho chủ nghĩa lãng mạn hoặc trong phim S1M0NE năm 2001,
Andrew Niccol trình bày những hình ảnh của Audrey trong Breakfast
at Tiffany’s như một mẫu mực cho sự quyến rũ và vẻ đẹp.
Tại Nhật Bản, trà Kirin đã sử dụng
những hình ảnh tô màu của phim Roman Holiday cho một chiến dịch
quảng cáo. Tại Hoa Kỳ thương hiệu Gap đã phát hình trong thời
gian từ ngày 7 tháng 9 đến ngày 5 tháng 10/2006 một clip căn cứ
trên một cảnh của phim Funny Face. Gap cũng kèm theo chiến dịch
quảng cáo này một quà biếu cho cơ quan từ thiện Audrey Hepburn
Children’s Fund và hãng nước hoa Givenchy cũng sử dụng hình ảnh
của Audrey để đẩy mạnh thương mại cho nước hoa L’Interdit, loại
nước hoa tạo riêng cho Audrey Hepburn khi người nữ tài tử này còn
sinh tiền.
Năm
1994, Sean Hepburn Ferrer, con trai lớn của Audrey đã thành lập
Audrey Hepburn Children’s Fund tại New York – Quỹ Trẻ Em Audrey
Hepburn, một tổ chức nhằm mục tiêu tiếp tục thực hiện nguyện ước
những hoạt động nhân đạo của người mẹ.
Chiếc váy màu đen thiết kế bởi Hubert
de Givenchy trong phim Breakfast at Tiffany’s đã được bán đấu giá
bởi Christie ngày 5 tháng 12 năm 2006 với giá 607,720 euros, đạt
kỷ lục giá bán một bộ áo của ngành điện ảnh. Tiền bán đã được
chuyển giao cho quỹ trợ giúp những trẻ em nghèo khổ ở Calcutta–Ấn
Độ, dù rằng chiếc váy đen này không phải là chiếc váy mà Audrey
Hepburn đã mặc trong phim. Hai chiếc váy mà Audrey mặc, một được
bảo tồn trong bộ sưu tầm của Givenchy và một tại viện bảo tàng
thời trang ở Madrid–Tây Ban Nha.
Chiếc váy màu hồng mà Audrey mặc trong
phim cũng được đấu giá tại New York vào cuối tháng 5 năm 2007 với
giá 192,000 dollars.
Phải nhấn mạnh thêm rằng: Audrey là một
trong số 9 người nghệ sĩ trên thế giới đã cùng lúc đoạt 4 giải:
Emmy, Grammy, Oscar và Tony Award. Audrey cũng được ghi tên trong
1 ngôi sao tại số 1652, Vine Street ở Hollywood Walk of Fame.
Năm 1996
Audrey lại được truy tặng giải Crystal Award và tạp chí Empire đã
xếp hạng Audrey trong số 100 ngôi sao lớn nhất của điện ảnh thế
giới.
Năm
1999, l’American Film Institute cũng đã phân hạng Audrey Hepburn
như người nữ tài tử lớn thứ ba trong số những nữ tài tử lớn của
mọi thời kỳ trong bảng phân hạng AFI’s 100 Years... 100 Stars.
Ngày 7 tháng 5 năm 2002, một bức tượng
lưu niệm Audrey được đặt tên là L’Esprit d’Audrey đã được khánh
thành trong một buổi lễ tại trụ sở Unicef ở Manhattan. Trong buổi
lễ, nam tài tử Roger Moore lên tiếng: “Chúng ta tập hợp ở đây để
vinh danh cuộc sống của người bạn gái Audrey Hepburn và sự nghiệp
thứ hai ngời sáng của người bạn này, nữ đại sứ của Unicef.”
Cũng theo một số người thân cận, cô đã
tâm sự một phần lý do dấn thân vào công tác Unicef:
“Tôi cũng đã từng là một cô con gái
thiếu ăn, thiếu uống trong suốt bao nhiêu năm trong thời hậu
chiến. Tôi cũng đã từng được hưởng những sự trợ giúp của Unicef,
tôi đã biết Unicef suốt đời tôi...”
Năm 2006, Sustainable Style Foundation
khánh thành giải thưởng Style & Substance Award in Honor of
Audrey Hepburn vinh danh những hành động cải thiện đời sống nhi
đồng thế giới. Giải thưởng đầu tiên được truy tặng cho người nữ
tài tử tài hoa đầy lòng nhân này và do chính tổ chức Audrey
Hepburn Children’s Fund nhận.
♣ CÁC GIẢI THƯỞNG ĐÃ ĐƯỢC TRAO
TẶNG:
Trên 100 giải thưởng và những thừa nhận
đã dành tặng cho Audrey Hepburn. Dưới đây là một số giải mà cô đã
nhận:
*1953:
NYFCC Award với phim Roman Holiday (1953)
*1954: BAFTA Film Award với phim Roman Holiday (1953)
*1954: Oscar với phim Roman Holiday (1953)
*1954: Golden Globe với phim Roman Holiday (1953)
*1958: Golden Laurel với phim Love in the Afternoon (1957)
*1959: Zulueta Prize với phim The Nun’s Story (1959)
*1959: NYFCC Award với phim The Nun’s Story (1959)
*1960: Golden Laurel với phim The Nun’s Story (1959)
*1960: BAFTA Film Award với phim The Nun’s Story (1959)
*1962: Golden Laurel với phim Breakfast at Tiffany’s (1961)
*1964: Golden Laurel với phim Charade (1963)
*1965: BAFTA Film Award – với phim Charade (1963)
*1965: Golden Laurel với phim My Fair Lady (1964)
*1968: Golden Laurel với phim Wait Until Dark (1967)
*1968: Golden Laurel – Female Star
*1990: Cecil B. DeMille Award
*1991:
Film Society of Lincoln Gala Tribute
*1993: Emmy
*1993: Jean Hersholt
Humanitarian Award
*1993: Screen Actors
Guild Life Achievement Award
*1996:
Crystal Award
*Star on the Walk of Fame
tại số 1650 Vine Street Hollywood Walk of Fame.
♣ PHÂN HẠNG CỦA BÁO GIỚI:
*1993: tạp chí People xếp hạng trong
bảng danh sách 50 nữ nhân vật đẹp nhất thế giới.
*1996: tạp chí Empire xếp hạng trong
bảng danh sách 100 ngôi sao lớn nhất của điện ảnh thế giới.
*1999: L’American Film Institute xếp
hạng thứ 3 trong số 50 nữ tài tử lớn nhất của ngành điện ảnh từ
trước đến nay.
*1999: Le Dallas Morning News xếp hạng
thứ 7 trong số 50 nữ tài tử lớn nhất của ngành điện ảnh.
♣ PHIM ĐÃ THỦ DIỄN
(dưới tên: Edda Hepburn)
*1948: Nederland in 7 Lessen (Dutch at
the Double)
(dưới tên Audrey Hepburn)
*1951: One Wild Oat – Laughter in
Paradise – Young Wives’ Tale – The Lavender Hill Mob – Nous irons
à Monte Carlo – Monte Carlo Baby (bản Anh ngữ của phim Nous irons
à Monte Carlo) – Secret People.
*1953: Introducing Audrey Hepburn
(Dickinson—short) – Roman Holiday.
*1954: Sabrina
*1956: War and Peace
*1957: Funny Face – Love in the Afternoon – Mayerling
*1959: The Nun’s Story – Green Mansions – The Unforgiven
*1961: Breakfast at Tiffany’s – The Children’s Hour
*1963: Charade
*1964: Paris When It
Sizzles – My Fair Lady
*1966: How to
Steal a Million
*1967: Wait until Dark
*1976: Robin and Marian
*1979: Bloodline
*1981: They All Laughed
*1986: Directed
by William Wyler
*1987: Love among
Thieves
*1989: Always
*1990: A Chance to Live.
PHIM:
Kỳ nghỉ hè ở Roma (Roman
Holiday/Vacances Romaines) 1953
https://phimmoichillu.net/xem/ky-nghi-he-o-rome-tap-full-pm93562
TỰ VŨ
Nguồn:
vietvanmoi.fr
vietsciences2.free.fr
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by psxh chuyển
Đăng ngày Thứ Sáu, June 28,
2024
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang