Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tự
Truyện
Chủ đề:
nhân quả–phước duyên
Tác giả:
Nguyễn Đức Giang
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Lời giới thiệu: Xin kính chuyển bài viết
“Song Chung” thật hay và cảm động của Thầy
Nguyễn Đức Giang, cựu Hiệu Trưởng trường Võ Tánh Nha Trang trước
năm 1975.
Thầy Nguyễn Đức Giang vừa qua đời tại Odense,
Đan Mạch ngày 19/7/2024, hưởng thọ 91 tuổi. Thầy Giang đã viết
bài Song Chung từ nhiều năm trước để tưởng nhớ người con gái yêu
quý của Thầy đã nằm xuống năm 2003.
PL được gặp Thầy lần
đầu tiên trong kỳ Hội Ngộ Liên Trương Võ Tánh và Nữ Trung Học Nha
Trang được tổ chức tại Seattle năm 2009. Sau đó gặp Thầy thêm vài
lần nữa và lần cuối trong kỳ Hội Ngộ VT–NTH NT tại Houston năm
2012. Tuy không được học với Thầy và tuy Thầy ở Đan Mạch xa xôi
cách trở, nhưng thỉnh thoảng hai Thầy trò vẫn liên lạc hỏi thăm
nhau thân tình qua điện thư. Bẵng một thời gian khá lâu không
nghe tin Thầy, giờ hay tin Thầy ra đi, lòng không khỏi ngậm ngùi
thương tiếc một vị Hiệu Trưởng khả kính, đầy lòng bác ái và được
nhiều Thầy Cô và học trò thương yêu.
Xin nguyện cầu hương
linh Thầy Nguyễn Đức Giang sớm được siêu sinh tịnh độ về Cõi
Phúc.
Xin mời đọc và kính chúc an vui.
Thân kính,
PLang
o0o
Cho
đến ngày đổi đời
Con đưa cho ba một bài báo đăng trong tập san của
trường, chỉ vào bút hiệu của tác giả, miệng cười toét hỏi ba có
biết ai không. Ba chưa kịp trả lời, con đã nhanh nhẩu giải thích.
Song Chung là hai cái li. Lili đó mà. Ba cười theo.
Lili là tên gọi con ở nhà. Tên con là
Nguyễn Thị Anh Phương, sinh ngày 13 tháng 3 năm 1958, nhằm ngày
24 tháng giêng năm Mậu Tuất tại nhà hộ sinh tư của bà Cần ở Qui
Nhơn, nơi ba me dạy học. Từ tấm bé, khi mới mấy tháng tuổi, chưa
biết ngồi, con bậm bạp và lanh lẹ hơn anh Lân cùng lứa tuổi. Ba
me thường để con nằm ngửa, đè thẳng đôi chân sát giường là con
bật ngay dậy trong tư thế ngồi. Trò đùa này được diễn đi diễn lại
hằng ngày và đôi khi còn đem khoe với bạn bè của ba me đến chơi.
Ai cũng khen con nhỏ cứng cáp.
Tết năm Nhâm Dần 1961, con sắp tròn năm
tuổi. Ông thanh tra tiểu học Võ Quang Loan đến thăm Tết, trong
khi ba me cũng bận đi thăm quanh. Trà nước, mứt bánh đã bày sẵn
trên bàn. Anh Lân hơi nhút nhát, hễ thấy người lạ là tránh mặt.
Me dặn con, ai đến thăm phải thưa, mời ngồi, pha nước mời uống.
Ông Loan kể lại: Con bé liếng thoắng, biết thưa gởi, hỏi đâu trả
lời đó. Khi ra về bị nó gọi giật lại, thưa ông quên lì xì.
Năm con chín tuổi, học xong lớp ba, anh
Lân học xong bậc tiểu học. Ba me muốn anh Lân học hè trước khi
vào đệ thất. Nếu ba me đưa anh Lân đi ghi danh ở trường tư Bồ Đề,
chắc những đồng nghiệp của ba không nhận học phí. Anh Lân do dự,
không muốn tự mình đi ghi danh, đóng học phí như những học sinh
khác. Con xung phong đưa anh Lân đi.
– Sao ghi tên con trai? thầy nhìn con
ngạc nhiên hỏi.
– Dạ, ghi cho anh. Con trả lời.
– Anh ở đâu?
– Dạ, ở ngoài kia.
– Ra đưa anh vào đây.
Con đưa anh Lân vào, đóng học phí là
xong, dễ ợt. Con kể với ba me với vẻ hãnh diện.
Năm 1969 con 11 tuổi, thi vào đệ thất
trường trung học Nguyễn Huệ. Trong thời gian chấm thi, thầy
Nguyễn Bá Quát đến văn phòng hiệu trưởng với một bài thi quốc văn
trên tay, nói với ba: Tôi không tin bài này do một học sinh lớp
năm viết. Anh cho so lại số phách xem có gì bất thường không. Ba
yêu cầu thầy tiếp xúc với thư ký hội đồng giám khảo là thầy Hoàng
Văn Trí. So số phách, tên thí sinh là Nguyễn thị Anh Phương, một
trong những nữ sinh giỏi của trường Nữ Tiểu Học Tuy Hoà do me làm
hiệu trưởng. Chẳng ai nghi ngờ có chuyện bất thường. Theo thông
lệ, con và em ruột giáo chức của trường được nâng đỡ nhận vào đệ
thất. Hội đồng giám khảo họp tổng kết kỳ thi. Con có số điểm cao
nhất. Có giáo sư dè dặt nêu ý kiến, con ông hiệu trưởng đậu đầu
người ta có dị nghị không. Các giáo sư khác phản bác, chẳng lẽ
chỉ vì là con ông hiệu trưởng mà một thí sinh giỏi không được đậu
đầu hay sao.
Năm 1972 gia đình chuyển vào Nha Trang, nơi ba nhận nhiệm sở mới.
Niên khoá 1974–1975 con học lớp đệ nhị trường Nữ Trung Học Huyền
Trân, cải danh của trường Nữ Trung Học Nha Trang. Đầu niên khoá,
trường tổ chức bầu Ban Đại Diện học sinh theo thể thức liên danh
phổ thông đầu phiếu, con đứng làm thụ uỷ một liên danh, tranh cử
với những liên danh mà thụ uỷ là học sinh lớp đệ nhất. Con thật
can đảm, nhưng ba không tin con sẽ thành công. Thời của ba, học
sinh lớp đệ nhất đều có bằng tú tài bán phần, nhìn học sinh các
lớp dưới với vẻ tự tôn, xem như đàn em. Vả lại, đối với trường Nữ
Nha Trang con còn là khuôn mặt mới. Kết quả cuộc bầu cử ra ngoài
dự đoán của ba. Sau những lần vận động công khai, liên danh con
đắc cử. Con trở thành trưởng ban đại diện học sinh trường Nữ
Trung Học Huyền Trân niên khoá 1974–1975, hay ít ra cũng đến
tháng 3–1975 khi chiến cuộc ào ạt tràn đến Nha Trang. Nhiều thầy
cô trường Huyền Trân nói, con nhỏ cũng lém miệng như ông già nó.
Trường Nữ từng có nhiều sáng kiến khá
độc đáo. Nhân dịp lễ kỷ niệm hai Bà Trưng ngày 6 tháng 2 năm
1975, trường tưng bừng tổ chức sinh hoạt học đường với nhiều bộ
môn thi đua, trong đó có thi đua hùng biện, chủ đề “Người Phụ Nữ
Việt Nam”. Ba được mời dự lễ phát thưởng. Một học sinh tên Khấn
cùng cấp lớp đệ nhị với con trình bày lại bài đoạt giải nhất. Với
giọng Bắc lưu loát, Khấn trình bày bài viết một cách chững chạc,
nội dung khá súc tích. Nếu ba nhớ không lầm thì con được giải ba,
sau một học sinh đệ nhất.
Cuối niên khoá 1975–1976 con lãnh bằng
tú tài của chế độ mới. Nhưng từ đó về sau con đường học vấn của
con và các em bị tắt lối vì lý lịch của ba. Cuộc đời con chuyển
hướng. Thực tế phũ phàng đã cuốn phăng tuổi hoa niên mộng mơ của
một nữ sinh vừa tròn 18.
“Lao động là vinh quang!” Trụ cột của
gia đình.
Ba
me đặt nhiều kỳ vọng nơi con, đứa con tháo vát nhất nhà, có trí
thông minh đủ để tiến xa trên đường học vấn. Ba me đã dự liệu một
kế hoạch khiêm nhường cho việc học hành của con cái trong tương
lai bằng cách dành dụm tiền lương tương đối khá của hai vợ chồng.
Trọn tiền lương của ba mua công khố phiếu, chi tiêu bằng lương me
và tiền ba me dạy tư. Ngôi nhà mà me gọi là nhà “mơ ước” ở Tuy
Hoà đã bán khi thuyên chuyển. Ba bàn với me đem tiền bán nhà góp
vào việc làm ăn của hai người bạn để có tiền lời hàng tháng, thật
ra số tiền góp mỗi nơi một triệu đồng chẳng đáng là bao so với
vốn liếng của những nhà nhập cảng sắt và phân bón. Đó chỉ là một
cách người ta giúp đỡ mình. Dự kiến của ba me là ở Nha Trang một
thời gian rồi sẽ tìm cách vào Sài Gòn khi ba bốn đứa con đã vào
đại học.
Biến
cố 1975 đã xoay chuyển tình thế một cách mau chóng và toàn diện.
Tiền mua công khố phiếu không kịp rút ra. May thay, trong thời
gian tình hình sôi bỏng, chú Tuấn đến nhà nói với ba một cách
chân tình: tình thế này anh em mình chưa chắc được gặp lại nhau.
Tôi trả lại anh số tiền đã gởi. Chú còn đưa thêm 50,000 thay vì
40,000 như thoả thuận, xem như tiền lời tháng đó. Ba và chú Tuấn
chúc lành cho nhau trước khi chia tay. Người bạn thứ hai chỉ trả
lại được 200,000, vì không sẵn tiền mặt. Giá như không có tiền
chú Tuấn trả lại, chúng ta không đủ khả năng mua cái nhà ở đường
Bạch Đằng sau khi ba bị bắt, trong thời gian ở tạm tại nhà bác
Hy. Không có một cái nhà chính thức, chắc chắn vùng kinh tế mới
là nơi dung thân của gia đình. Ba me đã được gặp lại chú Tuấn ở
San Jose năm 2001, sau 26 năm kể từ ngày chia tay ở Nha Trang.
Anh em tay bắt mặt mừng, và ba đã bày tỏ lòng biết ơn chân thành
với chú.
Trong
hoàn cảnh mới, gia đình chúng ta cũng như biết bao nhiêu gia đình
“ngụy quân ngụy quyền” khác phải thường nhật đối phó với những
căng thẳng về mặt kinh tế và xã hội. Gia đình có người đi “cải
tạo” bị phân biệt đối xử ở địa phương, con cái bị phân biệt đối
xử ở học đường. Các cấp lớp là hàng rào ngăn cản việc tiếp tục
học vấn của các con ở trường trung học. Đường lên đại học hoàn
toàn bị bít lối. Liên thi đậu vào đại học thuỷ lợi, nhưng địa
phương không cho cắt hộ khẩu, Ni không được thi vào lớp mười tại
một trường thuộc thành phố Nha Trang sau khi học xong lớp chín.
Me được tiếp tục dạy học. Đồng lương của một công nhân viên nhà
nước vào thời đó may ra chỉ nuôi sống được bản thân. Me làm sao
có thể chu cấp cho tám con với một chồng? Cả nhà lao vào lao
động, chẳng phải theo chính sách “lao động là vinh quang” mà vì
nhu cầu miếng cơm manh áo trước mắt. Những lần me lặn lội thân cò
mòn mỏi đi thăm nuôi chồng, qua những cuộc chuyện trò ngắn ngủi
dưới sự giám sát nghiêm nhặt của công an, ba không ý thức được rõ
ràng những khốn khó của gia đình về nhiều mặt.
Là duyên hay là nợ? Lấy chồng 25 năm
cho đến năm 1981, me đã nuôi ba hai lần. Lần đầu ba năm, khi ba
bỏ ngang việc dạy học ở Qui Nhơn để đi học đại học. Gánh nặng gia
đình chồng chất lên vai me, không những chỉ với bốn con vào thời
đó mà còn có chú Hùng, o Lạc, các anh Sơn Na con cậu Tú, các chị
Vân Trâm con dì Bang gởi ra Qui Nhơn ăn học. Lần sau sáu năm ba ở
tù, me đều đặn hai tháng một lần đạp chiếc xe cà tàng lên đèo
xuống dốc đi Đồng Găng thăm nuôi chồng. Của “ngon vật lạ” vào
thời gian bao cấp, đối với gia đình chúng ta được hiểu là một
ki–lô thịt một tháng theo tiêu chuẩn của một công nhân viên, cả
nhà nhịn ăn để thăm nuôi ba.
Cuối tháng 6 năm 1981 ba được “cách
mạng khoan hồng”. Cuốn phim sinh hoạt gia đình từ từ quay chậm
lại. Me dạy học ở trường, dạy tư ở nhà. Sáng sớm tinh sương me
ngồi đó, tối lại me ngồi đó... đan len thuê, đứng ra mượn tiền
khi túng thiếu, góp ý với con trong việc làm ăn. Gia đình đã làm
hơn hai mươi công việc khác nhau để sinh sống, có lẽ không nhớ
hết để kể lại: dạy học, đan len, bán bút mực, bàn bi lắc, mua bán
quần áo cũ, bán bánh mì, quấn và bán thuốc lá, làm kem chuối, kem
cây, kẹo dẻo, bánh tổ ong, tháo kẽm gai thuê, nhuộm áo quần, phụ
thợ hồ, công nhân xưởng thiết bị ty Giáo Dục vân vân... và vân
vân.
Con và
Titi lần lượt trên 18 tuổi, phải kiếm một chân lao động, nếu
không thì đi vùng kinh tế mới, vì con nhà thuộc “diện chính
sách”. Chú Trung đã xoay xở cho con và Titi mỗi đứa một chân phụ
thợ hồ. Vác bao xi–măng 25kg trên vai, chuyển từ kho đến công
trường xây dựng gần chợ Đầm, leo lên vài ba tầng lầu, cô nữ sinh
Huyền Trân ngày nào có lần quá mệt, để bao xi–măng xuống, dựa
lưng vào tường của một cửa hàng trên đường Độc Lập ngủ ngon lành.
Kẻ qua người lại, có thể có bạn học và người quen, chẳng ai để ý
và nhận ra Nguyễn Thị Anh Phương hình hài đã thay đổi.
Titi lấy cát sạn dưới sông, phụ hồ
ngoài Hòn Khói. Quá mỏi tay, Titi đã lật úp lưng xẻng để trộn hồ,
hồ xúc lên tuột xuống. Người ta thương tình không sa thải, cho
vào phụ bếp. Bữa đói bữa no, đau ốm không có thuốc thang, Titi
muốn về thăm nhà không đủ tiền xe, dù Hòn Khói chỉ cách Nha Trang
chừng 40 cây số. Nhẫn nhục một thời gian, chịu không nổi phải
bức, mặc cho số phận, đến đâu hay đến đó.
Mấy đứa em vừa đi học vừa tham gia công
tác sản xuất theo kế hoạch nhỏ của gia đình. Một vài trường hợp
lường gạt khóc hổ ngươi cười ra nước mắt, nghĩ mà thương. Thương
cho người bị lường gạt và thương hơn cho người lường gạt. “Nhân
chi sơ tánh bổn thiện”. Hoàn cảnh đã làm cho con người biến chất,
đánh đổi sự lương thiện bằng chút lợi lộc cỏn con, lừa gạt cả trẻ
em. Nini đứng coi tủ thuốc đặt nhờ trước nhà một người quen gần
bến xe Ninh Hoà, có người hỏi mua thuốc Samit Thái Lan nguyên
bao. Nini mừng gặp khách sộp. Khách hỏi giá cả và muốn xem bao
thuốc, xem xong trả lại nói về nhà lấy tiền. Đợi mãi chẳng thấy,
có người muốn mua thuốc lẻ mới phát hiện bao thuốc bị tráo, trong
bao chỉ có thuốc vấn, Thật tài tình! Nini đã khóc, khóc vì tức
tối, khóc vì tiếc của, bao Samit trị giá gần bằng nửa tủ thuốc.
Lư bấy giờ chừng mươi tuổi đứng coi tủ kem đặt gần nhà, ở góc
đường Bạch Đằng – Nguyễn Hoàng. Trời đã tối, người nhà ra đẩy tủ
kem về. Lư nói chưa được, có một bà còn gởi lại năm cây kem. Hỏi
ra mới vỡ lẽ, bà ấy gạt Lư, bảo thối tiền trước, khi lấy kem sẽ
đưa tờ giấy bạc lớn.
Liên thỉnh thoảng đi tắm biển với bạn
buổi sáng trước khi đến trường. Có lần tắm xong Liên lân la với
bạn bè trước cổng trường chờ giờ vào học, thấy con đạp xe đi bỏ
mối sản phẩm do gia đình làm ra cho các hàng quán trước trường Võ
Tánh. Liên cảm thấy có chút tự ti mặc cảm, “nhưng nghĩ lại, tội
cho chị Li quá”. Liên không được cắt hộ khẩu để đi đại học, phải
tính chuyện lâu dài, học một nghề phòng thân, học thợ gò thùng
thiếc. Năm sáu tháng cơm nhà ngày hai buổi đến chà tôn cho sạch
rồi dùng búa gỗ đập cho phẳng. Liên nói, khổ nhất là gặp những
tấm tôn nhà bếp, rải cát lên tôn, đổ nước vừa thấm cát rồi dùng
giẻ mà chà, chà ê cả tay tôn vẫn chưa sạch. Nửa năm trời chưa
được truyền bài học nhập môn gò thùng, đành bỏ cuộc.
Liên được bác Niệm đưa vào làm công
nhân xưởng thiết bị ty Giáo Dục. Bác Niệm không từ nan bất cứ một
việc gì để giúp đỡ gia đình mình, kể cả những việc không đúng
chính sách. Tháng lương đầu tiên kể cả tiền lì xì bốc vác được
100 đồng, số tiền Liên chưa bao giờ có trong tay. Liên tính làm
hoanh, huy hoàng một chầu với vài người bạn. Liên đến nhà một
người bạn thân để “khoe của” tình cờ lại gặp con. Con đến mượn
100 đồng, nói ba trong tù cần khoản tiền ấy. Ba không nhớ rõ là
ba cần tiền phòng thân khi nghe tin chuyển trại, hay con viện lý
do đó để tăng cường số vốn ít ỏi của mình. Thế là Liên chìa ra
trăm bạc.
Lợi
nhuận thường thường biến thiên ngược chiều với những giá trị đạo
đức. Thấy các con buôn bán ba cũng hơi lo. Lo vì dấn thân vào một
xã hội đảo điên, các con có thể bị biến chất, đánh mất sự trong
trắng trong tâm hồn của tuổi trẻ. Con đã cười và trấn an ba: Buôn
bán ai chẳng mong một vốn bốn lời. Nhưng “con nhà” mà ba: ba đừng
lo, áo rách cũng phải giữ lấy lề. Như để dẫn chứng, con kể chuyện
me viết giấy sai Nini lên bác Đặng Hữu Mô mượn một chỉ vàng. Bác
Mô cho mượn một cái khâu, Nini đem ra tiệm vàng bán. Người ta trả
tiền một chỉ và thối lại cái khâu một chỉ. Me sai Nini đem trả
lại bác Mô cái khâu một chỉ. Bác ngạc nhiên hỏi, sao mới mượn mà
trả lại ngay. Nini thưa, bác đưa lộn cái khâu đến hai chỉ. Sau
này ba me gặp lại hai bác Mô vài lần ở Liège (Bỉ), bác Mô gái
nhắc lại việc ấy và hết lời khen ngợi: Mấy cháu rất thiệt thà,
trong hoàn cảnh khó khăn như vậy mà còn giữ được nề nếp con nhà
giáo.
Dưới sự
“chỉ đạo” của me, cả nhà đều tham gia công tác lao động. Linh học
trường vừa học vừa làm ở Suối Dầu, đèo củi về nhà mỗi cuối tuần.
Lư, Lê thỉnh thoảng ra sân vận động bán kem khi có trận bóng
tròn. Nghe nói có lần vừa ham coi vừa bị trời mưa, không bán
được, đem đi thế nào đem về thế ấy. Ba nghĩ, một phần vì Lư, Lê
không thể bỏ qua những sôi động hấp dẫn trên sân cỏ, phần khác vì
mặc cảm nên không hăng hái rao hàng như những trẻ khác. Thật tội
nghiệp! Trong nhà chỉ có anh Lân phải đeo cứng vào cái hộ khẩu đã
có ở Sài Gòn để toan tính chuyện vượt biên, bữa đói bữa no, bo bo
là chủ yếu, là người duy nhất không tham gia vào việc lao động
trong gia đình. Tuy thế anh Lân có công rất lớn, người mở lối cho
gia đình đi ra ngoại quốc trong hoàn cảnh tuyệt vọng.
Được phóng thích với một năm quản chế,
trước mặt ba là một ngõ cụt, không hy vọng có khả năng đỡ được
phần nào gánh nặng gia đình và trang trải những món nợ mà me ghi
bằng phấn trên tấm cửa xuống nhà bếp. Ba mở lớp dạy tư, chẳng cần
xin phép. Học trò dăm đứa, mấy người bạn thân cho con đến học sau
giờ học ở trường. Đây cũng là một ngoại lệ, vì học trò thường học
tư với thầy cô dạy mình ở lớp. Mặt khác, ba mới ở tù về, nhiều
người e dè trong việc giao thiệp, ngại cho con đến học. Nhờ bác
Niệm gái, thỉnh thoảng mua được sách, đa phần là sách giáo khoa,
vợ chồng con cái xúm lại dán bao để cung cấp cho những hàng quán
ngoài chợ bán đậu bán mè. Có ai hiểu được tâm trạng của những nhà
giáo sa cơ như ba me đã dùng sách giáo khoa không nhằm mục đích
giáo dục?
Con
ở ngoài đường nhiều hơn trong nhà, buôn bán theo những chuyến tàu
ngược xuôi vào Nam ra Bắc. Tàu thường đến ga Nha Trang vào ban
đêm, giờ giấc thất thường. Nhiều đêm ba ra ga với con cho có bạn.
Một kỷ niệm còn ghi mãi trong tâm trí. Một buổi tối trời mưa tầm
tã, ánh đèn leo lét chỉ soi sáng một vùng nhỏ. Sân ga chìm trong
gió mưa, đó đây chập chờn những ánh đèn bão của những bàn bán
thức ăn, cà phê... Khoác một tấm ni–lông trên người, ba nép mình
dưới cây dù của ông Khác, nguyên chánh văn phòng toà hành chánh,
cũng ra ga bán cà phê dạo sau khi đi tù về. Mỗi lần ba ra ga đều
được ông Khác chiêu đãi một ly cà phê. Tuy tuổi tác cách biệt
nhau, nhưng hoàn cảnh đã đẩy hai người lại với nhau, trở nên đồng
thanh tương ứng. Ba và ông Khác đang hàn huyên như mọi khi thì
tàu đến. Sân ga náo nhiệt hẳn lên. Từ những xó xỉnh có thể đụt
mưa, hành khách và con buôn tràn ra sân ga. Con xuất hiện, nói
vội vàng: ba đến xa xa đằng kia, nơi có những bụi cây khuất ánh
đèn, gần chỗ bẻ ghi đợi con. Nói xong con biến lên tàu. Một hồi
sau con dầm mưa đến chỗ hẹn, trên vai vác một bao bố có vẻ nặng.
Con mua được 47 loong sữa bò, dặn ba giấu bao sữa vào bụi rậm,
đứng xa ra một chút để công an và thuế vụ có bắt gặp cũng không
có tang chứng. Trước khi chạy đi, con nói như tự hỏi: Mưa thế
này, sữa tróc nhãn làm sao bán được? Ba đã tháo tấm ni–lông trên
mình để bọc bao sữa. Đứng lặng mình trong gió mưa, trên trời
không có một vì sao để tìm thấy một tia sáng hy vọng. Chẳng lẽ
thân phận của ba me và các con chìm đắm mãi trong cảnh đen tối
này sao? Trong tận cùng của những khó khăn, nếu buông xuôi sẽ bị
cuốn trôi theo dòng. Chính những lúc như thế này nhiều sáng kiến
táo bạo đã xoay chuyển trong đầu ba. Con lại xuất hiện với một số
hàng lỉnh kỉnh khác. Hai cha con đẩy xe đạp luồn lách quanh co
những ngõ hẻm tối tăm để tránh tai mắt của công an và thuế vụ,
chuyển hàng về nhà. Ba đã hợp tác với con trong việc “buôn lậu”
cho đến ngày ra đi. Thời buổi gì mà mang năm bảy ký gạo, mươi
thước vải, nửa ký cà phê... cũng bị qui là buôn lậu, bị bắt bị
phạt. Con và Titi đã buôn bán tần tảo để nuôi sống cả gia đình.
Đội đá vá trời.
Nhà bữa đói bữa no mà tính chuyện đội
đá vá trời: vượt biên. Me kể với ba, một buổi sáng ngày đầu năm,
me cọc cạch đạp xe trên đường theo hướng đông. Mặt trời đỏ lòm,
rạng rỡ trước mặt. Me thầm nguyện: cầu Trời Phật cho con tôi đi
được một đứa để cứu cả nhà. Me đã xoay xở cho anh Lân ra đi, bị
thất bại, ba lượng vàng chỉ thu hồi lại bảy chỉ. Nợ nần chồng
chất thêm, nhất là nợ cậu Chín, bác Đặng Hữu Mô, bác
Thuận–Khiêm... Mỗi lần có đứa nào đi, me lên Tháp Bà quen miệng
khấn, cho con tôi đi đến nơi về đến chốn. Anh Lân, Titi và Lê đã
ra đi, không đi đến nơi nhưng về đến chốn. Me tự trách mình: sao
dại quá, chỉ cầu đi đến nơi thôi, sao lại còn cầu về đến chốn!
Người đầu tiên trong gia đình đi lọt là Liên. Anh Lân lấy công ra
hợp tác với người quen để được đi không mất tiền và đã nhường chỗ
cho em là Liên.
Ba bàn với me việc hợp tác với ba gia
đình khác tổ chức vượt biên, chỉ dành cho người nhà, không lấy
khách. Vấn đề nan giải là “thủ tục đầu tiên”. Nếu để lộ ra những
khó khăn về tài chánh, người ta có thể gạt mình ra ngoài. Vì vậy
mà vừa phối hợp tổ chức vừa chạy tiền. Sau một thời gian nghiên
cứu, lo toan mọi mặt, một buổi họp dứt điểm được triệu tập vào
giữa tháng tư năm 1982. Mỗi gia đình đi bao nhiêu người, tiền mua
đứt một chiếc ghe, ủ xăng dầu, lương thực, nước uống, vận chuyển
từng đợt từ bãi ra một hòn đảo... chia tổng số chi phí cho đầu
người, tính ra mỗi người góp hai lượng vàng. Đầu tiên ba me liên
lạc với cậu mợ Ẩn ở Mỹ qua ông bà Nguyễn Bá Mậu, xin gởi gấp 500
đô–la qua Đức cho thân nhân một người trong nhóm tổ chức. Mục
đích là để cho người ta thấy mình có cái gốc ở ngoại quốc. Cậu mợ
Ẩn đáp ứng ngay. Đồ tế nhuyễn của riêng tây của me đem bán cùng
với lô đất ngoài Đồng Đế được một lượng. Còn ba lượng phải chạy.
Trong hoàn cảnh khó khăn chung lúc bấy giờ, chẳng biết ngày mai
sẽ ra sao nên ai cũng thủ thế. Chạy sao đây cho ra ba lượng vàng?
Thế mà vẫn có quí nhân phò trợ: cô Tuyết vợ bác Nhơn và hai bác
Toản. Ba đã nói thật lòng với cô Tuyết và bác Toản rằng, nếu rủi
ro ba không đi đến bờ đến bến thì xem việc cho mượn như chuyện
làm phước. Ba me hết sức vui mừng, mừng vì mượn được vàng và mừng
hơn vì cách ăn ở, ứng xử của mình đã gieo được cảm tình và lòng
tin cậy nơi người khác.
Ngày 24 tháng 5 năm 1982 ba và anh Lân
ra đi. Khi chia tay, me nằm quay mặt vào tường, chắc chắn là khóc
không ra tiếng. Ba vỗ vai me và chỉ nói được: đi nghe! Đi tìm
sinh lộ trong tử lộ. Có ai lường trước được những nguy nan đang
chờ đón người vượt biên trên đất liền, trên biển cả? Có còn cơ
hội gặp lại vợ con không?... Thôi đành tận nhân lực để tri thiên
mạng.
Con đưa
ba ra Vạn Ninh. Trên đường đi ba đã toan tính đưa con đi luôn.
Nhưng nghĩ lại, ba thấy không thể thực hiện ý định này. Làm như
vậy chẳng khác nào cắt đứt nguồn sống của gia đình. Vả lại, ba
đã cam kết là gia đình mình chỉ đi hai người, không thể nào bội
ước. Điều mà thiên hạ gọi là “quân tử Tàu” ấy đôi khi gánh lấy
phần thiệt thòi về mình, nhưng ba hoan hỉ chấp nhận sự thiệt thòi
ấy. Ba và con nhìn nhau, hai người hai nẻo đường. Tạm biệt hay
vĩnh biệt?
Đầu
năm 1983, sau khi ba và anh Lân đã đến Đan Mạch được vài tháng,
con gởi thư cho ba báo tin me nằm bệnh viện, mổ tụy tạng. Vết mổ
trong bụng nhiễm trùng, gia đình phải tự xoay xở đưa me vào bệnh
viện Chợ Rẫy chữa trị. Tình trạng thuốc men, dụng cụ và nhân sự y
tế nước ta vào thời đó quá lạc hậu. Anh Ngà, bạn anh Lân, bị trói
tay chân để mổ ruột thừa, vì không có thuốc mê. Đằng này me mổ
bụng, và bụng càng ngày càng trương lên. Người ta tạm cho về nhà
vào dịp Tết, nhưng nhiều người hiểu là về để chết tại nhà. Trong
số những người này có bác Ngọc, nhân viên y tế, đã đưa cả gia
đình đến thăm me. Sau này bác mới nói. Chị đưa các cháu đến thăm
em để các cháu thấy mặt cô lần cuối.
Con làm con thoi giữa Nha Trang và Sài
Gòn, đôi khi có Titi hay Nini và các em tháp tùng. Gánh nặng trên
đôi vai con chồng chất thêm, phần quán xuyến gia đình, phần lo
cho me ở bệnh viện Chợ Rẫy. Me còm cõi trên giường bệnh, nói
không ra tiếng. Thỉnh thoảng Titi trực đêm, ngủ trên sàn nhà cạnh
giường me. Đêm hôm Titi ngủ say, me cột một sợi dây vào chân Titi
để giật khi cần, thay vì gọi. Bị giật dây, Titi tháo dây khỏi
chân và tiếp tục ngủ lại tỉnh bơ. Lưỡi hái tử thần đã treo lủng
lẳng trên đầu, nhưng Trời Phật đã để mạng sống của me lại cho ba
và các con. Me về nhà chỉ còn cân nặng 27 ki–lô. Trong thời gian
này, viện trợ từ Đan Mạch còn nhỏ giọt. Ba, anh Lân và Liên hưởng
trợ cấp xã hội để đi học, mỗi tháng đóng góp gởi về nhà 100 đô–la
và 100 trả nợ vượt biên. Tỉ giá đô–la vào thời đó cao gấp đôi bây
giờ, mức đóng góp của mỗi người gần bằng một nửa khoản tiền trợ
cấp.
Me với Lê
Lư đến Đan Mạch ngày 18 tháng 12 năm 1985, cùng ngày tháng với ba
và anh Lân, nhưng sau đúng ba năm. Ba đón một bà cụ gầy gò, lọm
khọm hơn bây giờ, sau 18 năm. Niềm vui đoàn tụ với chồng và nửa
phần con cái không làm vơi đi nỗi âu sầu của người mẹ đã dứt áo
ra đi, để lại quê nhà bốn đứa con với viễn tượng đau buồn chẳng
biết bao giờ gặp lại. Theo luật Đan Mạch, con cái trên 18 tuổi
được xem là thành niên, không được bảo lãnh theo diện đoàn tụ gia
đình.
Mùa hè
năm 1986 ba tâm sự với ông thầy cũ ở trường sinh ngữ, ông Ole
Åbraa Hansen. Theo lời khuyên của ông Ole, ba viết cho ông bộ
trưởng tư pháp Đan Mạch một lá thư cầu may, kèm theo thư hỗ trợ
của ông Ole. Việc làm giống như tát một vũng nước đã khô cạn. Ba
đưa me, Lê Lư và Linh Liên đi Pháp cho biết đó biết đây. Gần ba
tuần sau trở về, ba nhận được một lô thư tín, trong đó có thư của
bộ tư pháp. Sau khi tắm rửa tẩy trần, ba thắp hương trên bàn thờ
Phật và thờ ông bà, đề nghị me vái tạ một chuyến đi vui vẻ, bình
yên, đồng thời khấn những nguyện ước của mình. Me mặc áo dài, lâm
râm khấn vái trước bàn thờ rồi qua ngồi bên ba nơi xô–pha. Ba hỏi
me khấn gì. Nước mắt lưng tròng me nói: Còn gì nữa, một nửa khúc
ruột còn lại bên nhà, ước sao có phép gì cho con sang được Đan
Mạch. Ba liền lôi bức thư của bộ tư pháp ra và nói: Linh thiêng
thật, mới khấn mà linh ứng ngay. Trong thư, ông bộ trưởng tư pháp
đặc cách chấp thuận cho ba công dân Việt Nam: Nguyễn Thị Linh
Phương, Nguyễn Thị Liên Phương và Nguyễn Đức Thanh Trí được nhập
cảnh Đan Mạch theo diện đoàn tụ gia đình. Thế là me vừa khóc vừa
đấm lưng ba thình thịch: “Ác chi mà ác rứa, không nói ngay cho
người ta từ đầu.” Con lọt sổ vì đã lập gia đình. Việc bảo lãnh vợ
chồng con và Susu xem như vô vọng. Con lập gia đình cũng như các
em có bạn trai, bạn gái là điều tự nhiên. Chẳng lẽ ngồi chờ...
chờ một điều đã biết rõ là không bao giờ đến.
Việc ra đi của các em gặp nhiều trở
ngại. Công an Hà Nội vào điều tra, cho rằng mình đã lo hối lộ để
có hộ chiếu xuất cảnh. Có thể là việc thanh trừng nội bộ mà gia
đình mình trở thành con vật tế thần chăng? Còn hối lộ thì cần gì
mà phải điều tra từ Hà Nội. Họ biết rõ rằng mỗi lần cấp hộ chiếu
xuất cảnh đều có tiền chui dưới gầm bàn, ít hay nhiều đều có tiền
trà nước. Ngày giờ chuyến bay đã định vào tháng 10 năm 1986,
nhưng các em bị giữ lại, hộ chiếu bị thu hồi. Con phải đối phó
với công an, trả lời những câu hỏi khúc mắc của họ với sự giúp đỡ
ý kiến tận tình của bác Niệm. Bên này ba me chỉ nhận được một
điện tín với nội dung ngắn gọn: “Chuyến bay bị đình chỉ”. Hoặc
con không dám viết đầy đủ sự thật, sợ thư bị kiểm duyệt, hoặc một
lá thư đi cả tháng, đôi khi thư sau đến trước hay ngược lại, đầu
đuôi sự việc không ăn khớp với nhau. Ba me như ở trong cơn hoả
mù. Me mất ăn mất ngủ, chỉ sợ xôi hỏng bỏng không.
Khó khăn nội bộ cũng không kém phần
phức tạp. Vài em có bạn không mấy phấn khởi trong việc ra đi. Con
phải động viên, thuyết phục, canh chừng và bao giờ cũng có “ông
cố vấn Niệm” trợ lực cho đến ngày đẩy được chúng nó lên máy bay,
ngày 13 tháng 1 năm 1988, trễ gần một năm rưỡi. Các em đi rồi,
con cạo trọc đầu, trút hết mọi lo lắng theo mái tóc.
Trong vòng tám năm, kể từ ngày Liên mở
đường ra ngoại quốc vào năm 1980, chín phần mười gia đình chúng
ta đã đoàn tụ ở Đan Mạch. Ba không dám quay đầu nhìn lại quá khứ,
sợ rằng đây còn là một giấc mơ chứ không phải là hiện thực. Con
và gia đình riêng của mình không được hưởng phần “phép lạ” này.
Nếu phần số hẩm hiu của con và Mỹ Susu đã an bài, ba me nghĩ rằng
từ nay ít ra chúng con sẽ sống thong thả, thoải mái hơn. Chẳng lẽ
chín người ở Đan Mạch lại đành để cho con phải kham khổ ngược
xuôi buôn bán để nuôi sống gia đình như những ngày nào. Vả lại ba
nghĩ, bất cứ việc gì cũng không nên quá tham lam, mong được thành
tựu 100%. Dù nghĩ vậy, nhưng ba vẫn tự hỏi: tại sao một mình con
gánh chịu mọi thiệt thòi? Xưa nay nhân định thắng thiên cũng
nhiều, phải mở thêm một sinh lộ. Kế hoạch đưa Mỹ ra đi được hoạch
định và bàn thảo giữa ba me cùng các con bằng những ngôn từ nửa
úp nửa mở mà chỉ người trong cuộc mới hiểu. Mỹ an toàn đến
Phi–luật–tân và sau đó đến Đan Mạch vào tháng giêng năm 1990. Như
vậy con và Susu đã cầm hờ vé máy bay đi Đan Mạch, vì bảo lãnh
đoàn tụ gia đình cho vợ con là ưu tiên một. Hai mẹ con của con
đến Đan Mạch một năm sau Mỹ, tháng giêng năm 1991. Số con còn
gian nan, phút chót vẫn có trở ngại. Cả nhà chờ đón con ở phi
trường Odense, nhưng máy bay lại đáp xuống phi trường Billund, vì
ở Odense thời tiết xấu, máy bay không hạ cánh được. Con đã đem
lại niềm vui trọn vẹn cho đại gia đình. Giấc mơ tưởng như hão
huyền lại thành sự thật. Me được cười sung sướng qua nước mắt.
Con rời ghế nhà trường đã 15 năm và đến
Đan Mạch năm 33 tuổi, bắt đầu học một thứ ngôn ngữ tương đối khó,
nhất là cách phát âm. Sau tám năm cày bừa với chữ nghĩa, con và
Mỹ cùng tốt nghiệp trường sư phạm. Con may mắn có ngay công ăn
việc làm tương đối ổn định, bên cạnh đó còn thu xếp thì giờ thích
hợp để làm thông dịch. Tuy bận rộn với công ăn việc làm, con
không từ nan một công tác nào của cộng đồng. Đều đặn mỗi sáng thứ
bảy vợ chồng con và ba gặp nhau ở trường Việt ngữ, dạy thiện
nguyện. Sau giờ dạy, con còn ở lại giúp cô Nhiên tập vũ cho các
nữ sinh. Chú Kháng đôi lần nói với ba: Nói thật tình chứ không
phải vị mặt, ở đây khó tìm ra một người phụ nữ như cháu Lili. Ba
me những tưởng con đã qua cơn bĩ cực, đến hồi thái lai.
Titi, Nini và Linh đến đoàn tụ với gia
đình ở Đan Mạch vào tuổi 29, 26 và 25 do quyết định đặc biệt của
ông bộ trưởng tư pháp. Cho đến lúc đó và cả về sau, điều này chưa
từng xảy ra với người Việt tị nạn, bảo lãnh chính thức con cái
trên 18 tuổi. Ai cũng khen ba giỏi. Nhưng ba nghĩ, sự thành tựu
này không hoàn toàn do sức người, người chỉ mưu sự và “thành sự
tại Thiên”. Hay như một ngạn ngữ Pháp nói: “Anh hãy tự giúp mình
rồi Thượng Đế sẽ giúp anh”. Mẹ con con qua được Đan Mạch, me vui
mừng trong sự lo âu: ai cũng chúc mừng, người ta “quở” quá e
không tốt.
Ba
cũng có mối lo, nhưng ba lo khác. Suốt 30 năm chiến tranh, quanh
gia đình chúng ta ngoài làng, bà con cật ruột xa gần, nhà nào
cũng có người ngã xuống vì bom đạn. Riêng nhà mình, ông bà nội và
o Khiết mất bình thường vì tuổi già. Và sự thành tựu trong việc
vượt biên ba lần và bảo lãnh ngoại lệ của gia đình chúng ta đã đi
ra ngoài cái lý “phước bất trùng lai”. Giải thích thế nào đây?
Sách vở có nói “nhất ẩm nhất trác giai do tiền định” (một chuyện
ăn, một chuyện uống cũng đều do tiền định, ý nói Trời định), và
người Tây phương tin rằng mọi sự đều do Thượng Đế an bài. Nhưng
Trời và Thượng Đế sao lại an bài rủi ro cho người này và may mắn
cho người khác? Ba không phủ nhận có một quyền lực siêu nhiên,
nhưng ba còn tin tưởng một cách sâu sắc vào sự tương tác của
Nghiệp Lực và thuyết Nhân Quả, không chỉ trong cuộc sống hiện
tiền mà qua nhiều đời nhiều kiếp. Đại gia đình chúng ta đã được
hưởng một cây Phước Duyên sum sê hoa quả do tổ tiên ông bà để
lại, cũng có thể do chính chúng ta đã hợp lực gieo trồng qua
nhiều kiếp sống. Ngày nay, nếu chúng ta chỉ hái quả mà không vun
quén cho cây Phước Đức đơm hoa kết trái và gieo trồng thêm thì
chẳng khác nào “toạ thực sơn băng”, đói nghèo sẽ đến sau khi dùng
hết của cải. Ba đã nhiều lần tâm sự mong tìm một hướng đi lên cho
đại gia đình, nhưng con cái có đứa chưa chia xẻ mối lo của ba. Và
con là người thông cảm với ba nhất.
Những ngày cuối cùng
Con nhập viện ngày 27 tháng 6 năm 2003
vì chứng bệnh đau bao tử theo chẩn đoán của bác sĩ gia đình. Thân
xác con không tiều tụy mấy nhưng bị hành hạ bởi từng cơn đau
nhiều nơi trong cơ thể. Hơn một tháng được thử máu, khám nghiệm
nhiều bộ phận mà bác sĩ chưa xác định được bệnh trạng. Ngày ngày
me lên bệnh viện sớm thay cho Mỹ đã trực đêm bên con. Trưa trưa
ba đem thuốc Nam lên cho con uống, thay me để me về nấu chè hột
sen cho con ăn buổi xế. Chiều chiều Nini đem đồ ăn lên cho con và
Mỹ, vì thức ăn ở bệnh viện không hợp khẩu vị của con. Titi ở xa
mà đi làm về cũng ngược đường lên tắm rửa cho con hai ngày một
lần... Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ. Anh chị em quấn quít
bên con sau giờ làm việc. Bạn bè của hai con, của ba me, đồng
nghiệp của con tấp nập viếng thăm, có người lui tới nhiều lần.
Những tình cảm đậm đà ấy đã sưởi ấm lòng con, đã chứng tỏ ngoài
gia đình ra, còn có rất nhiều người thương mến và lo âu cho con.
Con nằm đó, khi tỉnh táo chuyện trò vui vẻ với khách và người
nhà, khi mệt nhọc vì những cơn đau hành hạ.
Hơn một tháng con chỉ được chích và
uống nhiều thứ thuốc giảm đau. Thứ hai, ngày 28 tháng 7 năm 2003,
ngày định mệnh như được an bài! Bác sĩ thông báo con bị ung thư
dạ dày, và ung thư đã lan ra bốn nơi trong cơ thể. Cả nhà đau đớn
đón nhận tin kinh hoàng này qua nước mắt, nhất là me bị ám ảnh
bởi hình ảnh của cô Út, vợ chú Chung, cũng bị ung thư và đã qua
đời vào đầu năm. Me cứ nhắc đi nhắc lại: Sao giống tình trạng cô
Út quá.
Chiều
ngày 1 tháng 8 con được chữa trị bằng quang tuyến (xạ trị). Theo
bác sĩ, xạ trị phải đợi đến mươi ngày hay hai tuần mới có kết
quả. Tuỳ theo tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân để sau đó được
chữa bằng hoá trị hay không. Ba nghĩ ngay đến chú Trần Đoàn, một
bác sĩ ở Mỹ bị ung thư gan. Chú Đoàn bị cắt nửa lá gan, đã sắp
đặt hậu sự cho mình và đã viết chúc thư để lại. Sau khi được giải
phẫu, dù là bác sĩ Tây y, chú dùng thuốc Nam để chữa trị, và
bệnh tình có mòi thuyên giảm. Ba mô tả bệnh trạng của con để nhờ
chú Đoàn mách bảo về thuốc Nam. Chú Đoàn trả lời ngay, khuyên nên
dùng hai thứ thuốc, uống như uống nước trà: Bán Liên Chi và Bạch
Hoa Xà. Chú còn viết thêm: “Nếu tôi được phép có một lời khuyên,
không nên chữa bằng hoá trị cho cháu. Nó làm cho thể xác đau đớn
vô cùng. Trong trường hợp này nên cầu nguyện Chư Phật gia hộ cho
cháu thân tâm an lạc, thanh tịnh thì hơn.”
Sáng ngày 2 tháng 8, bác sĩ điều trị
trình bày bệnh tình của con với ba me và Mỹ. Sau lời trình bày
không mấy lạc quan của bác sĩ, con đã can đảm đặt thẳng câu hỏi:
“Tôi còn bao nhiêu thời gian nũa?”. Bác sĩ không trả lời thẳng
câu hỏi của con mà chỉ nói, khó có câu trả lời chính xác, còn tuỳ
thuộc vào diễn biến của bệnh trạng và sức khoẻ của bệnh nhân.
Buổi chiều cùng ngày, gặp riêng cô y tá tốt bụng đã săn sóc con,
ba cũng đặt ra một số câu hỏi. Cô y tá nói, bệnh tình khá trầm
trọng, vì ung thư đã di căn nhiều nơi trong cơ thể. Kết hợp lời
của chú Trần Đoàn, thông báo của bác sĩ và ý kiến của cô y tá, ba
nhận định rằng con chỉ còn sống thêm một thời gian nữa mà thôi,
dài hay ngắn không thể lường trước được. Ba giấu kín ý nghĩ này
cả với me và Mỹ. Chẳng ai nói ra điều mình nghĩ, nhưng chắc cùng
có cảm nhận như nhau.
Cùng chiều hôm ấy, khi trong phòng chỉ
có hai cha con, ba biểu con cười ba mới nói chuyện. Con mỉm cười,
ba khởi đầu câu chuyện từ 1975: Thời gian ba ở tù, me dạy học
đồng lương không đủ nuôi sống gia đình đông người. Con là cột trụ
chính, làm trăm công ngàn việc khác nhau để lo cho đàn em. Về sau
gia đình đoàn tụ ở Đan Mạch, con là người đến sau cùng. Con đã
nuôi me thập tử nhất sinh ở bệnh viện Nha Trang và Chợ Rẫy. Con
đã lo cho đàn em và góp phần cho chồng ra đi. Con là người duy
nhất trong gia đình chu toàn đạo hiếu hạnh với ông bà nội. Khi
ông bà nội lần lượt qua đời, chỉ còn mình con ở quê nhà. Con đến
Đan Mạch, đem lại sự trọn vẹn tràn đầy duyên phước cho đại gia
đình. Đầy quá thì phải vơi. Sự vơi đầy vô thường của nhân sinh và
thế cuộc đã trút lên mình con. Lẽ ra chỗ nằm trên giường bệnh này
là của ba hay của me. Giá như ba hay me được thay thế cho con...!
Con đau là đau cho ba, đau cho me, đau cho cả gia đình. Nghĩ được
như thế, lòng con sẽ không phiền muộn, và sự an tịnh trong tâm sẽ
làm giảm bớt cơn đau của thể xác. Trước tình huống này, ba có ba
ý kiến cần tâm sự với con:
1. Chúng ta thành tâm nguyện cầu xin
một phép lạ, tuy hiếm hoi nhưng không có nghĩa là không xảy ra.
Ba me sẽ cầu nguyện theo niềm tin sâu sắc vào Đạo Phật, ngưỡng
mong chư Phật, chư Bồ Tát phù hộ cho con. Phần con, bất cứ lúc
nào có thể được, con để hết tâm trí và niềm tin niệm Nam Mô Đại
Bi Quán Thế Âm Bồ Tát.
2. Gia đình sẽ chung sức tận dụng mọi
khả năng hỗ trợ cho con về mọi mặt, nhất là làm giảm những cơn
đau đớn thể xác của con bằng những thứ thuốc ngoại khoa theo
hướng dẫn của những người có kinh nghiệm sử dụng. Biết đâu phước
chủ may thầy.
3. Nếu không có một phép lạ, con nên bình thản chấp nhận sự TRỞ
VỀ, con đường mà bất cứ ai sớm muộn rồi cũng phải đi qua... Điều
quan yếu là con cố gắng giữ cho thân tâm được an lạc, thanh tịnh.
Gia đình luôn luôn ở bên con. Chư Phật, chư Bồ Tát sẽ độ trì cho
một người con hiếu hạnh và biết hy sinh như con, không kiếp này
thì kiếp khác.
Con đã cười qua nước mắt, ôm vai ba rồi
sờ vào mấy cục u lên sau lưng và dặn: Ba phải nói với bác sĩ về
mấy cục u này, nguy hiểm lắm.
Khi nói đến phép lạ, đề cập đến sự TRỞ
VỀ, cầu nguyện chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ kiếp sau... cả gia
đình và ba đã cảm nhận được điều gì sẽ gần đến, chỉ tránh nói chữ
CHẾT. Tuy thế, còn nước vẫn còn tát, không những người nhà tát mà
cả thân bằng quyến thuộc khắp bốn phương đều chung sức tát.
Cậu mợ Ẩn đã cấp tốc gởi Bán Liên Chi
và Bạch Hoa Xà từ Mỹ sang. Thanh nhờ người anh con ông bác truy
tầm nấm Cỗ Linh Chi ở Việt Nam rồi gởi qua bằng đường Express. Mỹ
và ba me theo sự thuận lợi của mình truy lùng tin tức và thuốc
Nam trị bệnh ung thư. Thuốc lần lượt đến kèm theo những lời
khuyến khích gia đình và thành tâm chúc con tai qua nạn khỏi. Bác
Châu tặng một hộp thuốc Linh Chi. Bạn của Mỹ gởi thuốc Linh Chi
từ Nhật. Anh Cường gởi thuốc Linh Chi của Nhật sản xuất ở Úc. Cậu
mợ Ấn ở San Jose gởi sang một hộp thuốc Trung Quốc mà cậu mợ biết
một người quen bị ung thư đã dùng có hiệu quả. Thuốc này rất đắt,
375 đô–la một hộp mười gói nhỏ. Nghĩ rằng thuốc đắt là thuốc quí,
ba me đã nhờ cậu mợ mua thêm. Một người bạn Khải Định của ba, bác
Lý Đải, nửa thế kỷ chưa hề gặp nhau, bây giờ trở nên thân thiết
qua sự giao thiệp thư tín từ ngày con lâm trọng bệnh. Bác bày
cách sắc lá đu đủ tía để uống. Một người bạn khác bày xay lá long
tu chung với mật ong và rượu mạnh, uống ngày ba lần trước bữa ăn.
Bạn của Mỹ giới thiệu món Canh Dưỡng Sinh, một môn thuốc nhiều
người cho là cải tử hoàn sinh và đang có phong trào sử dụng rộng
rãi ở Mỹ. Ba tìm hiểu từng bước, từng bước một, lần hồi liên lạc
với cô Tố Nga, chuyền đến cô Bạch Vân và cuối cùng đến bác Phan
Mạnh Lương. Bác Lương đã sốt sắng gởi ngay một thùng thuốc trong
đó có chừng mươi kg củ gobo, một thứ không thể tìm thấy ở Đan
Mạch, cùng với tài liệu hướng dẫn cặn kẽ cách thức nấu và dùng
Canh Dưỡng Sinh. Tiếc thay nhiều loại thuốc đến đã quá muộn!
Do việc truy lùng thuốc thang mà tin
con bị bệnh ngặt nghèo đã lan đến quê nhà cũng như nhiều nơi ở
nước ngoài. Bác Trần Văn Sơn thông báo cho bạn bè Khải Định khoá
48–55 mà ba chỉ là thân hữu. Ba me và Mỹ hằng ngày nhận được
nhiều điện thư thăm hỏi và chúc lành cho con. Cô Hoàng Thị Doãn ở
Đức, cô Tường Loan ở Mỹ, cô Ngọc Cầu ở Việt Nam... hỏi tên tuổi
và ngày sinh của con để cầu an hằng ngày. Thầy Thích Hạnh Bảo và
đạo hữu của ba me cũng cầu an cho con mỗi lần có sinh hoạt ở chùa
Vạn Hạnh.
Vô
vàn tình cảm thiết thân dành cho con, không những của những giọt
máu đào mà cả những ao nước lã. Thuốc ngoại khoa vẫn về tới tấp.
Có thứ con thích có thứ không. Ba me và Mỹ thuyết phục con uống
xen kẽ. Một vài dấu hiệu lạc quan xuất hiện làm cả nhà vui mừng.
Đại tiểu tiện của con thông hơn trước, con có thể tự mình đi vệ
sinh mà không cần người giúp đỡ. Một đôi lần, vào những buổi
chiều đẹp trời con ra ngoài bao lơn hóng gió và tỉnh táo góp
chuyện với ba me cùng Mỹ. Đột nhiên chiều ngày 14–8 những cơn đau
khủng khiếp tái xuất hiện. Khám nghiệm cho thấy ung thư đã di căn
đến hai vùng nữa trong cơ thể. Sau khi được chích thuốc giảm đau,
con thiu thiu ngủ, ba ra hành lang nói chuyện lại với cô y tá. Để
trả lời những câu hỏi của ba, cô ta nói, đã săn sóc nhiều bệnh
nhân như con, không có ai sống sót, vấn đề chỉ là thời gian, tuỳ
thuộc vào nhiều yếu tố. Cô ấy dè dặt nói thêm, đó không phải là
phát biểu của một người có trách nhiệm mà chỉ là ý kiến riêng tư.
Trưa ngày hôm ấy, ba đang ngồi viết về
con trong phòng khách, thấy một con bướm lớn màu nâu bay lượn
trong phòng. Vào mùa hè, cửa sổ mở rộng, ong bướm bay vào nhà là
chuyện thường, ba vẫn viết. Một hồi lâu nhìn lên, vẫn thấy con
bướm bay nhởn nhơ trong phòng. Ba đưa tay về phía trước, nói đùa:
Có phải con về thăm thì lại đây với ba. Lạ lùng thay, con bướm
bay lại lượn vòng trên đầu ba. Ba nhìn sững con bướm với một cảm
giác lạnh mình và sực nhớ đến câu thơ Đường “Trang Sinh hiểu mộng
mê hồ điệp”. Ba nhắm mắt lại để định thần, trong đầu xoay chuyển
nhiều câu hỏi. Mở mắt ra, ba vẫn thấy con bướm thong dong bay
lượn trên đầu. Ba nói như nói với con: Ba biết con về thăm, trong
phòng chật chội, con nên ra ngoài không gian cho khoáng đạt.
Trước sự ngạc nhiên thẫn thờ của ba, con bướm luồn gọn gàng qua
khe cửa mở, bay ra ngoài. Ba điện thoại ngay lên bệnh viện hỏi Mỹ
con đang làm gì. Mỹ trả lời con đang ngủ. Lúc đó là 14 giờ 15
phút (ngày 14–8). Một sự trùng hợp có lớp có lang hay con đã hoá
bướm trong giấc mộng?
Càng ngày càng có những chỉ dấu không
mấy lạc quan xuất hiện, chính con cũng đã cảm nhận con đường TRỞ
VỀ đang rộng mở. Bút tích cuối cùng của con viết trên giường bệnh
cho Thảo, người bạn gái tâm giao ở Việt Nam, ngày 5–8:
“Thảo thương,
Nhận thư Thảo, thật cảm động, không cầm
được nước mắt. Mấy ngày nay P đã quen với từ ‘ung thư bao tử’.
Cảm giác của P chắc ít ai ngờ, chỉ có Mỹ và gia đình. P rất bình
thản. Điều duy nhất P sợ là đau đớn chứ không phải cái chết. Thứ
hai là thương cho Mỹ và Su–Tin... Chia buồn với tang mẹ Minh. Bà
ra đi có nhẹ nhàng không? Bây giờ P mới thấm thía từ ‘ra đi nhẹ
nhàng’, chỉ mong mình cũng được như vậy...”.
Con thấy trước việc gì xảy đến cho
mình. Gia đình và thân hữu cũng đã thấy việc gì, không chóng thì
chầy, sẽ xảy ra cho con. Nhưng chúng ta vẫn đóng kịch với nhau,
trấn an nhau. Như một cách chuẩn bị tinh thần để đón nhận một
tình huống xấu nhất, ba đã lần hồi nói chuyện với me và Mỹ những
gì trao đổi với bác sĩ Trần Đoàn, với bác sĩ và y tá bệnh viện.
Những ý kiến ấy, trực tiếp hay gián tiếp, dẫn đến kết luận là sớm
muộn con cũng ra đi. Tuy trong tình trạng tuyệt vọng, nhưng còn
một chút nước vẫn còn tát, thuốc Nam vẫn tới tấp đến và được đều
đặn sử dụng.
Ngày 20 tháng 8 mắt trái con quầng thâm, hai ngày sau lan qua mắt
phải. Bệnh viện phối hợp với kommune đưa con về săn sóc tại gia
(?!). Thứ bảy ngày 23 tháng 8 con được đưa về nhà. Bà bạn láng
giềng người Đan 83 tuổi của con đến thăm, con vẫn tỉnh táo nói
chuyện, đôi khi còn điểm một nụ cười. Nhưng hôm sau Mỹ phải cấp
tốc chở con trở lại bệnh viện. Kể cũng lạ, cơ thể con có phần suy
nhược, nhưng tinh thần vẫn minh mẫn, chuyện trò đâu ra đó, rất
mạch lạc.
Sáng
ngày 26 tháng 8, ba lên sớm thay me. Ba có linh cảm rằng, nếu cha
con không nói chuyện riêng với nhau, e không còn cơ hội. Ba gợi ý
bằng những câu hỏi về bệnh trạng để con tự nói ra là tình huống
xấu nhất có thể đến bất cứ giờ phút nào. Cha con đã tâm sự với
nhau một tiếng rưỡi đồng hồ về chuyện gia đình, chuyện chồng con
của con.
Con
nói: “Con biết rõ số phận mình rồi. Dầu sao con cũng đã có một
thời gian hạnh phúc. Chẳng biết bất ngờ không có con, anh Mỹ có
quán xuyến được gia đình không. Anh ấy vì cưng thằng Tin nên đôi
khi la rầy thằng Su một cách bất công. Con nhớ thằng Tin quá. Nó
nói, không lên thăm con vì sợ con chết. Con hết sức cảm động vì
sự lo lắng, chăm sóc của cả gia đình. Con mãn nguyện lắm rồi. Ba
gắng chăm sóc me, con sợ me đổ bệnh.”
Ba đặt ra một vấn đề khá tế nhị nhưng
rất thực tế, trong cảnh gà trống nuôi con, với hai thằng con trai
ăn chưa no, lo chưa tới, chắc chắn là có khó khăn cho Mỹ. Mặc dù
chúng ta đang ở Tây phương, nhưng vị trí của người đàn bà Việt
Nam trong gia đình vẫn là tề gia nội trợ. Thiếu vắng một bàn tay
phụ nữ, một gia đình cũng khó đạt được sự sinh hoạt điều hoà. Mỹ
còn trẻ, sau này nếu có một người đàn bà nào đó thay con cũng là
chuyện bình thường. Ở một thế giới khác, con có linh thiêng cũng
đừng lấy đó làm điều. Con mỉm cười nói: “Cũng được thôi”. Trước
khi ba lái xe đi Svendborg, con nhắc nhở: “Lái xe cẩn thận nghe
ba! Ba có vẻ mệt”. Trên đường đi cũng như đường về, ba không cầm
được nước mắt, không thể định tâm nên đã gây ra một tai nạn. cũng
may, chỉ hư hại xe cộ.
Lê hẹn về thăm con ngày 28 tháng 8, rồi
báo lại về ngày 27. Sáng ngày 26, vợ Lê điện thoại báo tin Lê đã
lái xe ra đi, vì quá nóng ruột, không thể chờ được. Nhờ vậy Lê
được gặp mặt con lần cuối. Giải thích sự kiện này thế nào đây?
Một sự ngẫu nhiên hay giữa chị em có thần giao cách cảm? Tối 26
tháng 8 ba me lên bệnh viện. Trong phòng đã có gia đình anh Lân,
Lê, và Mỹ. Ba bắt tay mấy người đàn ông. Con chìa tay ra cười
nói: “Sao lần này ba không bắt tay con?” Cha con bắt tay nhau lần
cuối. Hơn 9 giờ 30, con yêu cầu mọi người về vì đã quá giờ thăm
và con cần nghỉ. Mỹ ở lại. 3 giờ 35 khuya ngày 27 tháng 8, Mỹ gọi
điện thoại thúc ba me lên gấp, Lili sắp đi. Cú điện thoại không
chờ đợi làm tan nát lòng người đã đến. Ba me chạy đi đón hai cháu
ngoại, 4 giờ lên đến bệnh viện thì con đã yên giấc. Mỹ nói, con
đột nhiên khó thở. Bác sĩ trực vào khám và cho biết không thể cứu
vãn được nữa. Con còn nghe và hiểu lời bác sĩ, nói với Mỹ: “Chắc
ba me lên không kịp đâu anh ơi!”, rồi nhắm mắt lại, thanh thản ra
đi.
Gia đình
tập trung mau lẹ. Mỹ đứng khoanh tay trước ngực, mắt ngước nhìn
lên trần nhà, nước mắt giàn giụa. Những người có mặt sụt sùi,
giọt ngắn giọt dài. Trong giờ phút này cũng như khi tẩn liệm và
hạ huyệt, me cố giành lại đứa con đã ở trong tay tử thần. Theo
lời dạy của Lạt Ma Soygal Rinpoche ba học được trong sách Tạng
Thư Sống Chết do Ni Sư Thích Nữ Trí Hải dịch, cũng như theo kinh
sách, vào giờ phút thiêng liêng này, thân nhân cố giữ sự tĩnh
lặng để khỏi khuấy động tâm linh người mới mất, nhất là đừng để
nước mắt bi lụy rơi trên thi thể. Sau khi thuyết phục mọi người
dồn về một phía, ba quỳ xuống cầm tay con chuyện trò... chủ ý
muốn thức tỉnh tâm linh của con. Hơi ấm trong thân thể con còn
toát ra, chuyền vào từng thớ thịt trong người ba. Sau mươi mười
lăm phút, ba niệm cầu Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn con về cõi Tịnh
Độ. Sau này me cứ trách ba: Con bệnh không cho người ta khóc. Con
chết cũng không cho người ta khóc. Bây giờ khóc với ai đây? Lê
rất “uỷ mị”, khóc thành tiếng: chị Li ơi! Chị là mẹ của em.
Đại Đức Thích Hạnh Bảo đã bỏ buổi công
phu khuya, vội vàng thông báo cho ban hộ niệm lên ngay bệnh viện
tụng thời kinh tiếp dẫn cho con. Ngoài cương vị của một vị sư trụ
trì chùa, đại đức còn lấy thân tình đối với gia đình để chu toàn
về mặt lễ nghi cũng như hình thức tổ chức tang lễ từ đầu đến
cuối. Ngay chiều 27 làm lễ nhập quan, linh cữu được đưa về nhà
sau đó. Thật vô cùng cảm kích, tối hôm ấy thầy Hạnh Bảo đã tự
mình đi chọn mua hoa để kết một tràng hoa đặt trên quan tài của
con. Thầy cũng đã dùng khoản tịnh tài cúng dường khiêm nhường
sung vào quỹ đại tu bổ chùa Vạn Hạnh để hồi hướng công đức cho
con.
Trưa ngày
29 tháng 8 làm lễ động quan.
Ai đi đưa xin đưa đến tận nơi,
Chớ quay lại nửa đường mà làm tủi
Người
đã chết, một vài ba đầu cúi,
Dăm bảy
lòng thương xót đến bên mồ.
–(Chiều buồn, Huy Cận)
Con đã không tủi khi đi vào cõi hư vô.
Hàng trăm tấm lòng thương xót đã đến vĩnh biệt con. Ngoài thân
nhân, sui gia là bà con và bằng hữu xa gần, đồng nghiệp người Đan
của con, còn có người đến từ xa như Nga, bạn con ở Lyon bên Pháp,
Nguyện và Xuân ở Thuỵ Điển. Cảm động nhất là sự hiện diện của Bác
sĩ Trần Đức Minh. Chú Minh đang lâm trọng bệnh, mỗi đêm phải dùng
máy lọc máu mười tiếng đồng hồ. Chú không kịp uống chén nước với
gia đình và bằng hữu sau tang lễ. Chú quá mệt, phải nằm cho con
chở đi chở về trên đường dài trên 150km. Vợ chồng Minh–Thảo ở Nha
Trang cũng thông báo qui tụ một số bạn bè làm lễ tưởng niệm con
vọng qua Đan Mạch. Một cuộn video thu hình ảnh lễ tưởng niệm và
bài phát biểu của Minh đã được gởi sang cho ba me. Trong bài có
đoạn: “Chúng tôi nhận ra rằng mình đã có một người bạn thật sự
khó tìm trong cuộc sống. Đúng vậy, thưa các bạn, Anh Phương không
phải là người hùng, cũng không phải là người nổi tiếng, nhưng bản
chất của tâm hồn và phong cách xử thế của người phụ nữ này, theo
tôi, đáng để chúng ta trân trọng và suy gẫm.”
Trước khi quan tài hạ huyệt, Mỹ đã đọc
một bài “điếu văn” thống thiết làm cho nhiều người vây quanh mủi
lòng sụt sùi nước mắt: ... “Em là người mẹ thương yêu của hai
con, em là người bạn đời đã từng chia xẻ bao lo âu, gian nan
nhưng cũng biết bao là hạnh phúc nồng nàn mà gia đình mình đã
được hưởng trong hai mươi năm qua. Em muôn đời là người phụ nữ
lớn nhất trong đời của anh và hai con. Anh tin rằng sự hiện diện
đông đảo của tất cả quí vị trong giờ phút này, những bông hoa
tươi đẹp nhất bên thi hài em đã chứng tỏ cái TINH ANH của em vẫn
còn trong trái tim của nhiều người, trong đó có rất nhiều học
sinh của chúng ta...”
Sau lời phân ưu của bác Hoàng Công Trực
thay mặt cho bà con Thiên Chúa Giáo đến dự tang lễ, chú Ngưyễn
Tích Kháng thay mặt cho Hội Ái Hữu Người Việt và bác Lê Bá Châu
thay mặt Chi Hội Phật Giáo VNTN, ba nghẹn ngào không nói ra lời,
đã lạy tạ đại đức Thích Hạnh Bảo và vái bốn phương để cám ơn lòng
ưu ái của bằng hữu đã đến tiễn con ra đi và chia xẻ niềm thương
đau của gia đình. Trời đang nắng tốt, bỗng mây đen vần vũ báo
hiệu một cơn mưa lớn sắp đổ xuống. Thời tiết rất thuận lợi vào
những ngày tang sự. Nhiều người nói, con mất vào ngày vía ngài
Địa Tạng nên được ngài phù hộ.
Tối ngày 29, sau tang lễ cả đại gia
đình tập trung ở nhà con. Trời nhá nhem tối, Trúc đưa con (Nam
Kinh) vào phòng Susu ngủ tạm. Vừa được mẹ đặt xuống xô–pha, Nam
Kinh chỉ tay về phía sau lưng Trúc và hỏi: Ai bồng anh Tintin vậy
mẹ? Quay lại chẳng thấy ai, Trúc rầy con: tối rồi, ngủ đi, đừng
nói bậy. Thằng bé chỉ tay nói tiếp: Còn đứng kia kìa. Trúc nhìn
lui chẳng thấy ai, hoảng hốt xốc con chạy ra phòng khách, hớt hơ
hớt hãi kể lại. Mọi người nhìn nhau ớn lạnh. Tối hôm đó ai ở lại
đều ngủ tại phòng khách, đèn chong sáng suốt đêm. Hai hôm sau,
trên đường ra mở cửa mả, Lê lái xe cho vợ con cùng đi với bà
ngoại. Thằng bé hỏi mẹ đi đâu vậy. Mẹ nó nói đi thăm cô Li. Nó
buột miệng nói: cô Li làm vậy này... làm vậy này. Vừa nói nó vừa
xoa tay trên đầu mình và le lưỡi ra thụt lưỡi vào, bộ điệu chọc
trẻ con. Như để thử xem hư thực thế nào, Trúc hỏi cô Li mặc áo
màu gì. Nó trả lời ngay là áo màu trắng và còn tiếp: tóc cô Li
ngắn nữa. Hai chi tiết màu áo trắng và tóc ngắn Nam Kinh không
thể biết được, vì khi tẩn liệm không có nó. Chỉ có một cách giải
thích là con đã hiển linh và giữa hai cô cháu cùng có một tầng
số giao cảm thiêng liêng.
Lời cuối
Con cùng tuổi tuất như ba và có khuôn
mặt giống ba. Người ta nói, con gái giống cha thì giàu ba họ. Lúc
con mới sinh, cụ Đỗ Linh, giáo sư Hán tự trường trung học Cường
Để đến thăm. Cụ Linh là một cựu tri huyện thâm Hán học, thông
thạo tử vi. Cụ lấy bát tự tử bình, tức là thiên cang và địa chi
giờ–ngày–tháng–năm sinh của con để chấm cho con lá số tử vi. Một
ngày nọ, cụ Linh đến với một tập giấy chằng chịt chữ Hán, hớn hở
nói với ba me: cháu có lá số tử vi rất quí, số HOÀNG HẬU. Cụ cười
và tiếp: Thời buổi này không còn vua chúa để có hoàng hậu. Ý là
nói cháu có số rất sang.
Giống cha thì giàu ba họ và số hoàng
hậu? Người Trung Hoa có nói: Khi được sinh ra tôi khóc, những
người quanh tôi cười. Khi tôi chết, nếu tôi cười và những người
quanh tôi khóc thì tôi đã sống một đời sống có ý nghĩa. Con nằm
xuống, tuy không cười nhưng nét mặt thanh thản, trong lúc thân
nhân và nhiều đồng hương đã khóc. Điều này xác tín con đã sống
một đời sống có ý nghĩa. Chẳng phải vì tình máu mủ mà ba đã nói
ra như vậy. Bà trung tâm trưởng Kisrten Osterlin trung tâm con
làm việc cũng đã xác nhận điều này trong “Lời Tưởng Nhớ” đăng
trên báo: ... “Quả là một nỗi đau buồn sâu sắc khi chúng tôi biết
Li không còn với chúng tôi nữa. Chúng tôi đã làm việc với Li và
lấy làm vui thích hợp tác với con người NHỎ–MÀ–LỚN này, một người
có nhiều ý nghĩa. Chúng tôi sẽ thiếu vắng sự hưng phấn và bản
chất vui tươi của Li...”
Con đã sống một đời sống đầy ý nghĩa
với sự chu toàn trách nhiệm thuận thảo làm con đối với hai bên
gia đình, làm vợ, làm mẹ, thuỷ chung với bạn bè, nhất là những
người lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Sách Phật có nói: Muốn biết
kiếp trước như thế nào, hãy nhìn vào đời sống hiện tiền, nó là
kết quả của kiếp trước. Muốn biết kiếp sau ra sao, cũng nhìn vào
đời sống hiện tại, nó là nguyên nhân của kiếp sau. Nhận định như
thế, ba vui mừng thấy con đã tích luỹ, làm giàu bằng công đức cho
những kiếp sau. Con gái giống cha giàu ba họ, và lá số tử vi cụ
Linh chấm con có số sang quả không sai.
Lili ơi! Con có phải là con riêng của
ba me? Hay con là một người từ cõi xa xăm nào đó có nhiều nghiệp
duyên với đại gia đình chúng ta, sau khi thanh thoả xong những
món nợ, tích luỹ phước đức, con phủi tay thanh thản ra đi? Ba me
sẽ noi gương cách làm giàu Phước Đức của con. Vĩnh biệt con, Lili
Nguyễn Thị Anh Phương, pháp danh Đồng Ái!
Nguyện sanh Tây phương tịnh độ trung
Cửu
phẩm liên hoa vi phụ mẫu
Hoa khai kiến
Phật ngộ vô sanh
Bất thối Bồ Tát vi bạn
lữ.
NAM MÔ
TIẾP DẪN ĐẠO SƯ A DI ĐÀ PHẬT
NAM MÔ ĐỊA
TẠNG VƯƠNG BỒ TÁT
Ba của
con,
Nguyễn Đức Giang
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by plang chuyển
Đăng ngày Thú Ba, July 23, 2024
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang