Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Truyện
Ngắn
Chủ đề:
chuyện tình đẹp
Tác giả:
Tiểu Thu
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Sau bữa
cơm tối, ăn xong chén chè đậu xanh tráng miệng, Liễu Nhu cầm ly
nước trà vô phòng tính đọc tiếp cuốn tiểu thuyết đang xem dở dang
từ tối hôm qua thì con Lành, đứa ở gái trạc mười ba mười bốn
tuổi, từ ngoài chạy vô, mặt mày dáo dác:
– Cô Ba ơi, con mới đi ngang căn “nhà
hoang”. Mà kinh khủng lắm...
Con nhỏ nói tới đây thì ngừng lại nuốt
nước miếng hai ba lần một cách khó khăn, Liễu Nhu cau mày hỏi:
– Cái gì mà giống như gặp ma vậy hả?
Con Lành gật đầu lia lịa:
– Dạ, chắc là ma thiệt đó cô Ba ơi. Con
thấy trong nhà đó có ánh sáng. Mà cái ánh sáng này đi từ chỗ nọ
qua chỗ kia nữa. Con hoảng kinh chạy về cho cô Ba hay.
Liễu Nhu cười:
– Làm sao mày biết chắc là ma? Biết đâu
mấy đứa chăn trâu, chăn bò ban ngày hái trộm cây trái gì đem giấu
trong đó, tối mò tới lấy.
Con Lành lắc đầu:
– Hổng có đâu. Con biết mà. Từ hồi nào
tới giờ ai cũng ớn cái nhà đó, đâu có dám vô. Ai cũng sợ oan hồn
của ông Hậu bắt...
Nghe tới đây Liễu Nhu cau mày, chắt
lưỡi:
– Nói
bậy không hà. Ông Hậu chết mấy chục năm rồi mà có thấy “bắt bớ”
gì ai đâu mà cứ đồn. Thiệt tình. Ổng đã bị chết oan mà còn bị
mang tiếng oan nữa! Mà hồi nào tới giờ mầy thấy ổng bắt ai chưa?
Con Lành cười lỏn lẻn:
– Dạ, thì tại má con dặn đừng có léo
hánh tới căn nhà hoang đó. Ông Hậu linh lắm. Lộn xộn ổng bắt nhẹ
thì cũng nóng đầu, nặng thì hộc máu lận!
Liễu Nhu bật cười:
– Mày mới có mười bốn tuổi, còn cô ở
đây đã hơn hai chục năm rồi có thấy ổng vật ai hồi nào đâu. Thôi
lo đi phụ má mầy dọn dẹp rồi đi ngủ. Đừng có tin nhảm nhí nữa. Cô
ra ngồi hoài bên cái ao sen gần hàng rào nhà đó đọc sách mà có
thấy ma cỏ gì đâu nà.
Con Lành dạ rồi đi ra. Tuy nói vậy
nhưng Liễu Nhu cũng tự hỏi ai mà cả gan trời tối lại dám léo hánh
tới cái nhà bỏ hoang cả hai chục năm nay? Nàng tư lự nhìn ngọn
đèn ống khói, thả hồn chơi vơi về cái dĩ vãng mờ nhạt như khói
sương...
*
Theo lời vú Chín kể lại thì chủ căn nhà
đó là ông Hậu. Gia đình ông ta từ mấy đời trước giàu lắm, nhưng
truyền đến đời ổng thì chỉ còn chừng trăm mẫu ruộng và căn biệt
thự này mà thôi. Ngôi nhà khá bề thế, cách nhà Liễu Nhu độ hai
trăm thước. Căn nhà nền đúc nàng đang ở cũng là do ông nội để
lại, vì cha của Liễu Nhu là con trai duy nhứt. Hồi còn trẻ, tức
là cách đây phải hơn ba mươi năm, ông Hậu và ông Lãng, cha của
Liễu Nhu là hai người bạn rất thân. Đồng trang lứa lại học cùng
trường. Hai gia đình ngoài điền sản dưới tỉnh, họ đều có nhà trên
Sài Gòn. Ngoài dịp gặp ở trường, mỗi lần nghỉ hè hai cậu lại gặp
nhau ở dưới quê. Năm nào họ cũng không quên rủ thêm một đám bạn
về chơi thiệt là tưng bừng... Hai người đều là những thanh niên
khôi ngô anh tuấn, nhưng Hậu có phần lôi cuốn hơn ở tài chọc cười
rất có duyên. Tưởng rằng dòng đời cứ êm ả trôi, không ngờ giông
tố tới khi hai chàng trai cùng yêu một cô gái. Cẩm Vân là bạn
thân với Lệ Anh, cô em họ của Hậu. Nhà cô dưới chợ Sa Đéc, nhưng
hai cô quen nhau khi học chung trường nữ công Mỹ Ngọc. Một lần
qua chơi nhà Lệ Anh, Cẩm Vân gặp cả hai chàng. Cái nước da trắng
như sữa đọng, cặp mắt tròn, đen lóng lánh và nụ cười tươi ơi là
tươi của Cẩm Vân khiến hai trái tim sôi nổi kia phải thổn thức,
rụng rời. Nhường đâu thì nhường chớ trên chốn tình trường, mạnh
ai nấy chạy để tới đích. Tức nhiên là Hậu chiếm thượng phong, vì
ngoài cái tài chọc cười duyên dáng, chàng còn có vũ khí lợi hại
mà Lãng không có. Đó là cô em họ của chàng ta. Những lời ong
tiếng ve cứ rót hoài vô lỗ tai có ngày cũng phải có kết quả mỹ
mãn. Cuối cùng Cẩm Vân về làm vợ Hậu. Tuy ôm mối hận thấu xương
nhưng ngoài mặt Lãng vẫn tươi cười như không. Vừa hận vì mất
người mình yêu, vừa bị tổn thương tự ái. Xưa nay chàng vẫn tự hào
là nhà mình giàu hơn, mình thông minh hơn, học giỏi hơn “thằng”
Hậu, vậy mà Cẩm Vân lại chọn nó!? Mất mặt bầu cua quá trời!
Lập gia đình rồi Hậu về quê trông coi
ruộng nương, vườn tược phụ cho song thân, bên cạnh người vợ yêu
xinh đẹp. Nhưng chỉ một năm sau cha chàng qua đời vì bịnh tim. Từ
đây Hậu phải thay cha quản trị mọi việc.
Bị thua đậm trên chốn tình trường, Lãng
đâm ra xao lãng việc học hành. Tệ hơn nữa lại hay theo đám bạn
xấu đi nhậu nhẹt, bài bạc lung tung. Hậu quả là ông bà thân sinh
của chàng phải ra tiền trả một món nợ khá lớn và bắt chàng về quê
cưới vợ để lo làm ăn. Ông bà có tuổi rồi, đã đến lúc Lãng phải
gánh vác việc nhà phụ cho cha. Lãng đành bấm bụng nghe lời. Sau
khi đi coi mắt vài đám, chàng bằng lòng cưới cô Mai là con gái
một ông Cai Tổng bên Long Xuyên. Mai tuy nhan sắc không bì được
với Cẩm Vân, nhưng cũng thuộc loại trung bình và là một người con
gái rất thùy mị, nết na. Vả lại món hồi môn cũng đủ nặng ký để
cái cán cân phải nghiêng về phía nàng. Vợ chồng Hậu ẵm thằng con
trai gần đầy năm, trắng trẻo, mập mạp, giống Hậu như đúc đến chúc
mừng Lãng. Nhìn cái hình tượng “gái một con trông mòn con mắt”
của Cẩm Vân, mối hận trong lòng Lãng càng ngùn ngụt như lửa chế
thêm dầu. Nhưng có thấm vào đâu khi một lần về chơi bên vợ, chàng
tình cờ khám phá ra Mai chỉ là con một nàng hầu của ông Cai Tổng.
Nhưng ván đã đóng thuyền, huống chi chuyện này đổ bể, chỉ mang
tiếng cho gia đình của chàng mà thôi. Đã không yêu, bây giờ cái
tình của Lãng đối với Mai càng lạt lẽo. Lãng coi vợ như một cái
máy đẻ và có người hầu hạ sớm hôm cho cha mẹ. Mai biết thân nên
cũng cắn răng chịu đựng những lần chồng đi sớm về khuya. Mỗi lần
Lãng thua nơi sòng bạc hoặc trong trường gà, Mai lặng thinh không
một lời than trách. Những lần đi chơi Lãng đều rủ Hậu đi theo. Từ
chối vài lần thì cũng phải “nể mặt” một lần. Từ từ thành thói
quen. Hơn nữa ở nhà quê không nhiều thú tiêu khiển. Vợ chồng đi
ra đi vô đụng mặt hoài cũng phát nhàm. Vì vậy chuyện đi chơi với
bạn cũng là bình thường. Mà cái nghề cờ bạc rất dễ nghiện. Càng
thua càng lậm. Cẩm Vân hết sức can gián chồng. Nhưng Hậu ở nhà
được ít hôm thì cảm thấy bứt rứt, tay chân ngứa ngáy và bao nhiêu
lời hứa với vợ đều như nước đổ lá môn! Hơn nữa đàn ông rất kỵ bị
bạn bè ngạo là theo đạo thờ bà. Cẩm Vân có kiếm Lãng để năn nỉ
đừng rủ Hậu đi cờ bạc nữa thì Lãng làm ra vẻ ngạc nhiên:
– Trời ơi, vậy là chị đổ oan cho tôi.
Thằng Hậu đủ lớn, đủ khôn để biết mình làm cái gì. Nó không muốn
thì ai mà ép được phải không?
Nhìn Cẩm Vân quay đi với gương mặt buồn
rầu, tuyệt vọng Lãng không giấu được nụ cười mãn nguyện, tuy
trong lòng có hơi áy náy một chút. Ai biết được trong thâm tâm
Lãng đang nghĩ gì?
Mai đã sanh cho chàng một thằng con
trai rất dễ thương. Nhưng đứa con cũng không làm Lãng yêu vợ thêm
lên. Từ ngày có thằng nhỏ Mai cũng cảm thấy đời bớt vô vị. Vú
Chín vô làm cho gia đình này từ khi thằng Đức ra đời, vì vậy vú
biết rất nhiều chuyện xưa để kể cho Liễu Nhu nghe sau này. Nàng
ra đời sau thằng anh tới 4 năm và hai năm sau, khi khai hoa nở
nhụy thằng Út thì người vợ, người mẹ tội nghiệp này đã vĩnh viễn
giã từ cái thế giới chỉ đem nhiều muộn phiền tới cho mình. Mai
sanh rồi bị làm băng ào ào mà Lãng thì không biết đang ngồi trong
sòng bạc nào nữa. Khi chàng ta về tới nhà thì đã quá muộn, chỉ
còn kịp vuốt cặp mắt người vợ bất hạnh của mình. Sau khi bị ông
bà già chửi cho một trận vuốt mặt không kịp, Lãng cũng cố gắng ở
nhà một thời gian coi như ăn năn hối lỗi.
Phần Hậu thì như con ngựa bất kham, con
chim sổ lồng sau khi mẹ qua đời vì bịnh thương hàn. Trong sòng
bạc cũng như trong trường gà, chàng không còn bị gò bó như trước.
Hậu cáp độ những món tiền lớn khiến thiên hạ phải xầm xì. Chàng
nghĩ phải có gan mới hòng thắng lớn. Nhưng mấy ai làm giàu với
nghề cờ bạc ngoài những tên cờ gian bạc lận? Những mẫu ruộng màu
mỡ cứ lần lượt sang tay người khác. Cẩm Vân khuyên mãi cũng chán,
nên để mặc Hậu muốn làm gì thì làm, nhưng cô nhứt quyết không
sanh thêm cho Hậu đứa con nào khác ngoài thằng Tú. Có lẽ nàng sợ
cho cái tương lai không có vẻ gì sáng lạn của mình! Có những lần
nhìn bộ mặt đờ đẫn, thất thần của chồng sau một đêm sát phạt, Cẩm
Vân tự hỏi không biết có phải cùng một người mà nàng đã yêu
thương, tin cậy đến độ trao gởi cả cuộc đời của mình chăng? Cái
hạnh phúc tưởng chừng như đã nắm bắt được trong tay ngờ đâu chỉ
là ảo vọng. Trong vòng sáu bảy năm thôi mà sao đời người có nhiều
đổi thay tới như vậy?! Bây giờ nàng mới biết cái uy vũ của ông
thần đỏ đen. Nó bỏ xa cái tình vợ chồng, tình phụ tử. Vợ đẹp con
khôn gì cũng thua mấy con bài! Ở nhà thì cứ lờ đờ như đom đóm
đực, nhưng trong trường gà hay trong sòng bài họ lại tràn trề sức
sống. Cặp mắt người nào cũng sáng quắc, chiếu những tia nhìn như
muốn xoi thủng cái bí mật trên những quân bài của địch thủ. Hình
như họ chỉ thật sự “sống” ở những chỗ đó và những giây phút cực
kỳ kích thích đó mà thôi.
Lãng cũng chơi nhưng không cay cú và
mạnh tay như Hậu. Nhứt là sau khi vợ qua đời, nhìn mấy đứa con
thơ thiếu mẹ, Lãng cũng cảm thấy bứt rứt, xốn xang và ít đi hơn
trước. Hai người đàn ông vẫn qua lại bình thường, nhưng Cẩm Vân
thì hầu như tránh mặt Lãng. Nàng cho rằng chính Lãng đã dẫn dắt
Hậu vào con đường đam mê cờ bạc. Lãng biết nhưng chỉ cười một
cách bí hiểm! Trên đời thiếu gì người dễ tha thứ nhưng không bao
giờ quên!
Cho
tới một ngày, cái ngày kinh hoàng nhứt trong cuộc đời của Cẩm
Vân. Từ khi Hậu lậm vào vòng cờ bạc, Cẩm Vân dọn căn phòng cũ của
cha mẹ chồng cho Hậu ngủ. Thằng Tú ngủ chung phòng với mẹ. Hôm đó
bữa cơm trưa đã dọn rồi mà mãi vẫn không thấy chồng ra ăn, Cẩm
Vân sai con vô kêu. Tiếng thét kinh hoàng của thằng Tú khiến mẹ
nó thất kinh hồn vía, vội vàng chạy vô phòng của Hậu. Cái cảnh
tượng hiện ra trước mắt khiến Cẩm Vân khựng lại như bị trời
trồng, miệng há hốc, kêu không nên lời. Hậu ngồi trên ghế, hai
tay buông thõng, đầu nghẻo trên mặt bàn, cặp mắt trợn trừng trắng
dã, một dòng máu đen kịt rỉ ra nơi khóe miệng. Định thần lại Cẩm
Vân kéo vội thằng Tú ra nhà ngoài, sai con nhỏ ở chạy kêu cô Lệ
Anh qua tức thời. Thằng Tú lúc này mới úp mặt vào lòng mẹ khóc
nức nở. Cẩm Vân mắt vẫn ráo hoảnh, nhìn vào khoảng không, tâm tư
rối loạn như không biết mình đang chiêm bao hay đang ở ngoài thực
tại? Cho tới khi tiếng hỏi đầy vẻ lo lắng của cô em chồng mới
khiến nàng sực tỉnh. Cẩm Vân không trả lời chỉ kéo tay Lệ Anh đi
vô buồng sau khi đã giao thằng Tú cho con nhỏ ở. Lệ Anh cũng
không ngăn được tiếng kêu trời thảng thốt khi thấy cảnh tượng
trước mắt. Nhưng cô còn bình tĩnh hơn Cẩm Vân nên bước lại gần
thi thể của Hậu. Chợt thấy lá thơ trên bàn, Lệ Anh run rẩy cầm
lên đưa cho chị dâu. Té ra là lá thơ tuyệt mạng của Hậu... Tối
hôm qua khi những đồng bạc cuối cùng dứt áo ra đi, Hậu thất thểu
về nhà. Một mình ngồi trong phòng vắng, tiếng cười đắc thắng của
những kẻ được bạc còn văng vẳng bên tai, Hậu ôn lại quãng đời sau
này của mình, rồi cảm thấy cái tội đối với vợ con tày trời quá,
con người của mình đáng ghê tởm quá, nước sông nước biển nào có
thể gội sạch đây? Cả cái cơ nghiệp hàng trăm mẫu ruộng thượng
đẳng ông bà để lại bây giờ ở đâu? Mặt mũi nào nhìn thấy vợ con
nữa? Rồi như trong cơn mộng du, Hậu đã pha thuốc chuột vào ly sữa
để kết liễu đời mình. Chàng cầu xin vợ con thứ lỗi và mong rằng
sau này Cẩm Vân sẽ gặp người xứng đáng hơn chàng...
Biết bao nhiêu thứ tình cảm xung đột dữ
dội trong lòng Cẩm Vân: yêu hay hận. Thương hay ghét? Nàng chỉ
biết là với tấm nhan sắc trời cho đáng lẽ cuộc đời mình phải sung
sướng lắm, ai ngờ đâu ông trời lại chơi khăm, dun rủi nàng gặp
Hậu! Trời xanh ghen gái má hồng chăng?
Một tay Lệ Anh lo đám tang cho Hậu, Cẩm
Vân cứ lơ lơ lửng lửng như người mất hồn. Nàng từ chối không gặp
những người bạn cờ bạc của chồng. Trong khi xảy ra chuyện tày
trời này thì Lãng đang ở trên Sài Gòn, đến chừng nghe tin vội vã
tới chia buồn với Cẩm Vân. Trong bộ tang phục màu đen, đôi mắt u
hoài, làn da trắng xanh xao càng tăng thêm nét đẹp liêu trai của
nàng khiến con tim của Lãng đang ngủ yên bỗng bàng hoàng thức
dậy. Cẩm Vân yên lặng nghe Lãng nói những lời chia buồn với một
giọng điệu đầy vẻ chân thành. Cuối cùng nàng ngước lên, cặp mắt
bỗng sáng rực nhìn sâu vào mắt Lãng:
– Bây giờ chắc anh hài lòng rồi phải
không?
Câu hỏi
khiến Lãng choáng váng. Chàng ấp úng:
– Tại sao chị lại hỏi tôi câu này?
Cẩm Vân nhìn khuôn mặt đầy bối rối của
Lãng, cười gằn:
– Anh cần phải hỏi tôi nữa hay sao? Mấy
năm dài tôi đã có đủ thời gian để suy nghĩ. Mà thôi tất cả đã qua
rồi, nhắc lại cũng vô ích. Cám ơn anh đã tới chia buồn với chúng
tôi.
Nói xong
Cẩm Vân đứng lên tỏ ý muốn tiễn khách. Trên đường về, lòng Lãng
xao động mạnh vì câu hỏi của Cẩm Vân. Không ngờ. Phải, không ngờ
Cẩm Vân lại tinh ý đến như vậy. Nhưng nói có Trời làm chứng, Lãng
không bao giờ mong muốn cái chết của Hậu. Điều đó xảy ra ngoài dự
tính của chàng. Bỗng dưng Lãng thấy mình quá sức bỉ ổi. Chỉ để
thỏa mãn lòng thù hận mà chàng đã vô tình đẩy Hậu vào chỗ chết.
Để Cẩm Vân mất chồng và thằng Tú mất cha. Nhưng nói có trời làm
chứng, thâm ý của Lãng là muốn Hậu tán gia bại sản, vợ chồng con
cái phải sống trong cảnh bần cùng mà thôi. Có ngờ đâu...!
Mấy hôm sau Lãng cho người đem một số
tiền lớn tới đưa cho Cẩm Vân, viện cớ giúp mẹ con cô trong lúc
này, nhưng bị nàng cương quyết chối từ. Lãng còn đang chưa biết
tính sao thì nghe tin Cẩm Vân muốn bán luôn năm mẫu đất còn sót
lại. Lãng mừng lắm vội lòn tiền nhờ người em bà con đứng ra mua
giùm. Cẩm Vân bán đất xong xuôi thì một thời gian sau trở về bên
Sa Đéc luôn. Căn nhà đóng cửa bỏ không. Thằng Tú năm đó mới 7
tuổi. Trong những giấc mơ, thỉnh thoảng khuôn mặt chết chóc kinh
hoàng của ba nó lại hiện về khiến nó sợ đến toát mồ hôi. Ở Sa Đéc
đâu được nửa năm thì Cẩm Vân dẫn con theo người chị họ lên Nam
Vang phụ coi sóc cái tiệm vải rất lớn của bả. Vài năm sau nàng
tái giá với một người khách trú giàu sụ trên đó. Trước khi đi Nam
Vang, Cẩm Vân có ý muốn bán căn biệt thự, nhưng cái chết không
bình thường của Hậu và những lời đồn đãi từ miệng con nhỏ ở khiến
ai cũng sợ, không dám mua. Mẹ con Cẩm Vân từ ngày đó cũng không
bao giờ đặt chân trở lại căn nhà xưa. Càng ngày ngôi nhà càng
hoang vu với cỏ dại mọc lan tràn. Cây cối không được xén tỉa nên
mặc sức chen vai thích cánh, càng làm tăng thêm vẻ âm u cho khu
vườn khá rộng. Chỉ có gia đình Lệ Anh là còn dám vô đây hái trái
cây, tuy rằng mấy năm sau này, cô đã dọn hẳn xuống chợ tỉnh mở
tiệm may, hàng ngày chỉ có lũ chim chóc, dơi, chuột vãng lai đùa
giỡn thoải mái. Qua mấy mươi năm phơi mình với gió sương, mặt
tiền ngôi nhà phủ đầy rêu phong khiến nó có vẻ già nua, bịnh
hoạn...
Vậy mà
bữa nay con Lành nói có ánh đèn trong căn nhà đó. Chắc chắn là có
điều gì là lạ đây. Liễu Nhu đứng lên vươn vai ngáp dài, sửa soạn
đi ngủ, tự nhủ chuyện gì thì cũng để ngày mai hẵng hay.
*
Sau một đêm ngon giấc, Liễu Nhu đã quên
mất cái chuyện con Lành kể tối qua vì nàng vốn không tin chuyện
ma cỏ gì hết. Dù sao nàng cũng là một cô gái tân học. Sau khi mẹ
mất, anh em cô sống rất hạnh phúc với bà nội, cha và vú Chín. Còn
quá nhỏ nên kỷ niệm của người mẹ quá cố không sâu đậm lắm trong
lòng mấy đứa nhỏ. Vú kể sau cái thảm kịch của ông Hậu, cha cô hối
hận lắm, nhứt định từ giã ông thần đỏ đen để săn sóc mẹ già và ba
đứa con thơ dại. Khi thằng Đức tới tuổi vào trung học, ông Lãng
cho cậu lên Sài Gòn với cặp vợ chồng người làm thân tín. Riêng
ông thì đi đi về về, vì còn phải trông nom ruộng vườn dưới quê.
Sau đó Liễu Nhu và thằng Út cũng lần lượt lên theo. Thấy Sài gòn
càng ngày càng phồn thịnh, ông Lãng bán một mớ ruộng đem tiền lên
mở một tiệm bán vật liệu xây cất, rất thành công. Lúc đó ông đã
tái giá với một cô giáo lỡ thời, sanh thêm một đứa con gái. Tình
trạng mẹ ghẻ con chồng không thích hợp với Liễu Nhu nên sau khi
trợt vỏ chuối mảnh bằng Thành Chung, cô lấy cớ không thích học
nữa, về quê phụng dưỡng bà nội. Cái cảnh “nhìn lên thì chẳng bằng
ai, mà nhìn xuống thì chẳng có ai bằng mình” của cô cũng ngặt
lắm. Bao nhiêu công tử vườn tới rắp ranh bắn sẻ cô đều cho de
hết, nên bây giờ đã hăm hai cái xuân xanh rồi mà vẫn phòng không
chiếc bóng. Bà nội hay vú Chín có cằn nhằn thì nàng lại nũng nịu
“Bộ bà nội hổng muốn nuôi con nữa hả?” là bà lại thở dài, ra
trước bàn thờ tụng kinh tiếp! Nói đúng ra căn nhà có Liễu Nhu
cũng vui hẳn lên. Bà nội thì già, tối ngày lo lần chuỗi niệm
Phật. Vú Chín có tuổi rồi cũng đâm ra biếng nói biếng cười. Má
con con Lành tối ngày lúc thúc làm việc dưới bếp. Nếu không có
Liễu Nhu với những tiếng cười giòn giã của cô thì căn nhà rộng
minh mông này chẳng khác gì cái nhà mồ!
Ăn sáng xong, Liễu Nhu xách cái giỏ
trong có cuốn tiểu thuyết đang đọc dở dang tối hôm qua, mớ bông
băng, ve thuốc đỏ và mấy cái bánh ít trần ăn sáng còn dư lại. Cô
thong thả đi vòng ra sau hè, băng qua vườn xoài, đi thẳng ra
hướng lộ mới. Buổi sáng không khí còn mát rượi, trong veo. Những
chùm bông xoài vàng óng phe phẩy trong gió mai, tỏa hương thơm
nhè nhẹ theo bước chân của Liễu Nhu. Nàng mỉm cười khi tưởng
tượng ra nét mặt đau khổ của thằng Hưng lát nữa đây, khi nhìn
thấy nàng bày bông băng ra. Tới trước cửa căn nhà lá của thím hai
Lầu, Liễu Nhu lên tiếng:
– Chị Hai ơi, có nhà không?
Một thiếu phụ trạc ba mươi tuổi, ốm
nhom, mặc cái áo túi bằng vải ú bông cũ rích, mặt mày đen đúa từ
trong nhà hấp tấp bước ra, miệng cười đưa hàm răng hô chìa:
– Cô Ba mới tới.
– Sao, thằng Hưng khá không chị? – Nhu
hỏi người đàn bà.
– Dạ, nhờ cô băng bó thuốc mấy bữa nay
mà thằng ôn hoàng dịch vật đó đêm rồi ngủ yên, bớt rên rỉ!
Nghe chị ta rủa thằng con khiến Liễu
Nhu bật cười. Mà cái thằng liến khỉ thiệt. Dám theo tụi trẻ lén
vô ăn cắp sa–bô–chê trong vườn nhà ông Hương Sư Nhiên, bị người
giữ vườn xịt chó rượt cắn. Nó mới tám tuổi, nhỏ nhứt trong đám,
chạy không kịp bị con chó táp một miếng vô bắp chuối. May mà
không sâu lắm. Nghe tiếng nó la, tụi kia quay lại đuổi con chó
rồi dìu nó chạy thục mạng, vì sợ bỏ nó lại, rủi bị người nhà ông
Sư Nhiên bắt được, nó khai ra thì chết cả đám. Thím hai Lầu góa
chồng từ khi thằng Hưng mới lên ba tuổi. Nghèo rớt mồng tơi, tối
ngày mắc đi nhổ cỏ mướn, đi cấy, đi gặt hoặc làm bất cứ chuyện gì
người ta mướn thím. Vì vậy thằng Hưng ở nhà cứ thoải mái “tự lực
cánh sinh”. Mỗi sáng trước khi đi làm (nếu có người mướn) má nó
nấu sẵn một ơ cơm. Trách cá vụn kho quẹt mặn quéo lưỡi, hoặc ơ
mắm kho, khi thì tô ba khía để sẵn bên cạnh, nó cứ tự động bới ăn
khi đói bụng. Ở nhà một mình buồn, nó thường nhập bọn với tụi
thằng Ban ngoài vàm. Khi đi bắn chim, khi đi tát vũng, bắt cá về
cho má nó nấu ăn. Hôm rồi không biết trời xui đất khiến gì mà nó
lại theo tụi này đi hái trộm sa–bô–chê! Mấy đứa kia thấy thằng
Hưng bị thương sợ lắm nhưng đâu biết làm sao, chỉ dẫn nó về bỏ
đó, rồi mạnh đứa nào đứa nấy lủi về nhà trốn biệt. Thằng Hưng cắn
răng chịu đau, không dám than với má nó lời nào. Thím Hai đi làm
về mệt cũng lo ăn qua quít rồi đi ngủ đâu có dòm tới thằng con.
Bữa sau đi nhổ cỏ trên đất bà Cả Phương về trời đã chạng vạng.
Bước vô nhà không thấy thằng Hưng đốt cây đèn trứng vịt như mọi
hôm, thím Hai lấy làm lạ cất tiếng kêu Hưng ơi Hưng hỡi mà trong
nhà vẫn im lặng như tờ. Thím tức mình tưởng nó đi chơi chưa về
nên rủa thầm trong bụng. Nào ngờ khi đốt được đèn lên thì thấy
thằng Hưng nằm chình ình trên chiếc chõng tre. Lấy làm lạ, thím
bước lại định kêu nó dậy, nhưng lay hoài mà vẫn không mở mắt, chỉ
ú ớ. Rờ đầu thấy nóng như lửa, thím hoảng kinh cắm đầu chạy một
mạch tới nhà Liễu Nhu cầu cứu. Vì trong làng này không ai còn lạ
cái tánh hay thương người của cô. Mỗi lần ông Lãng từ Sài Gòn về
thế nào cũng phải đem cho con gái nào thuốc Aspirin, nào thuốc
Dagénan... Những người nghèo trong làng đều đã từng thọ ơn của cô
Ba. Đối với Liễu Nhu đây chỉ là chuyện tự nhiên. Rất giản dị,
người ta cần thì nàng giúp. Vui vẻ, sung sướng mà giúp.
Liễu Nhu trấn an thím Hai rồi xách túi
thuốc đi theo thím ta. Nàng nghiền nát viên Aspirin trong chén
nước, biểu thím nâng đầu thằng con dậy đổ vô miệng cho nó uống.
Thấy áo nó nhơm nhớp mồ hôi, Liễu Nhu kêu lấy bộ đồ sạch ra thay.
Trong khi thay đồ hai người mới khám phá ra vết thương nơi bắp
chuối thằng Hưng. Chỗ này máu đã khô và sưng vù lên đỏ hỏn. Liễu
Nhu cau mày tỏ vẻ lo lắng. Nàng biểu thím Hai Lầu đi nấu một nồi
nước sôi. Sau đó lấy bông gòn rửa thiệt sạch vết thương, bôi
thuốc đỏ. Sau cùng là nghiền nhuyễn một viên Dagénan rắc đều lên
trên, lấy băng sạch băng lại. Sở dĩ Liễu Nhu biết cách săn sóc
như vậy vì hồi thằng Út đau phải nằm nhà thương Đồn Đất hai tuần,
nàng vô nuôi em, có thì giờ rỗi rảnh thì theo quan sát mấy cô y
tá. Có thắc mắc gì thì hỏi mấy cổ nên nàng cũng biết chút đỉnh.
Sau đó về quê Liễu Nhu đem những điều học được áp dụng cho dân
nghèo, nên được mọi người cảm mến đặc biệt. Mấy bữa rày ngày nào
cô cũng tới thay băng cho thằng nhỏ.
Thằng Hưng thấy Liễu Nhu thì nhăn mặt.
Nó bị cô lau rửa vết thương mỗi ngày đau lắm. Nhưng mỗi lần rên
rỉ thì má nó lại chửi:
– Đáng đời cho mầy. Ai biểu mới nứt mắt
đã bày đặt trộm cắp. Ông Hương mà bắt được, ổng đem đóng trăn thì
tụi bây chết luôn cả đám!
Bữa nay mở băng ra, Liễu Nhu vui vẻ
nói:
– Vết
thương gần khô mặt rồi. Ít bữa nữa sẽ lành. Nhớ đừng có dại dột
đi ăn cắp đồ nữa nghe không. Cô có đem cho mầy mấy cái bánh ít
trần đây nè.
Thằng Hưng được ăn bánh mừng quá không còn thấy đau đớn gì nữa
hết. Thím Hai Lầu rơm rớm nước mắt nói:
– Thiệt, mẹ con tui đội ơn cô suốt đời.
Hổng có cô chắc thằng khỉ đột này chết queo rồi.
Liễu Nhu cười:
– Thôi chị nói chi tới chuyện ơn nghĩa.
Tôi chỉ giúp chút đỉnh có đáng gì.
Nói rồi nàng từ giã mẹ con thím Hai
Lầu. Giờ này mặt trời đã lên khỏi ngọn tre. Nhờ đi dưới hàng me
keo nên không bị nắng. Độ mười phút sau thì Liễu Nhu theo con
đường mòn tới ao sen. Cái ao nho nhỏ nằm trong đất làng, gần giáp
ranh mặt sau nhà ông Hậu. Chỗ này rất yên tĩnh vì ít người dám
léo hánh tới. Bên cạnh ao là một cây sung già, tàn lá sum suê.
Dưới ao, sen do ai đó thả từ đời nào thi nhau nở hoa tỏa hương
thơm ngát. Lẫn trong những đám cây dại mọc xung quanh bờ ao, Liễu
Nhu đem vài thứ bông trong vườn nhà ra trồng cho thêm phần mỹ lệ.
Nàng thích ra đây ngồi dưới gốc cây sung, khi thì đọc sách, khi
thì chỉ ngồi đó ngắm những đám mây lãng đãng trên bầu trời, tai
nghe tiếng chim hót trong vườn bên, thả hồn phiêu du...
Bữa nay, cũng như thường lệ, Liễu Nhu
ngồi xuống gốc cây, đưa mắt nhìn một vòng cái thế giới mà từ lâu
nàng đã tự coi là của riêng mình. Bên kia bờ, mấy bụi vạn thọ
vàng rực rỡ đang cười cợt với đám mồng gà đỏ thiệt vui mắt. Đám
bông móng tay đủ màu hồng, trắng, tím cũng đâu chịu thua, thi
nhau khoe sắc thắm. Mấy con bướm xí xọn đuổi bắt nhau, đôi cánh
chấp chới trong nắng vàng. Con chim chìa vôi đậu trên cây sậy ốm
yếu, đong đưa, liếc mắt nhìn Liễu Nhu rồi hót lên một tràng như
muốn chào hỏi khiến nàng bật cười. Con chim nhún mình cất cánh
bay đi... Cái không khí tĩnh lặng, thơm tho khiến Liễu Nhu cảm
thấy tâm hồn nhẹ nhõm, yêu đời. Tựa lưng vào gốc cây, nàng cầm
quyển truyện lật ra đọc tiếp. Câu chuyện hấp dẫn khiến Liễu Nhu
không thể rời mắt khỏi quyển sách. Không biết bao lâu, bỗng nhiên
nàng có cảm giác nhột nhạt rất lạ lùng. Ngước mắt nhìn lên không
thấy gì, Liễu Nhu hơi rờn rợn tự nhủ không lẽ có... ma thiệt?
Nghĩ tới ma, nàng hơi quay đầu ngó về
hướng cổng sau căn biệt thự cách đó độ hai chục thước. Liễu Nhu
giựt mình suýt đánh rơi quyển sách đang cầm trong tay. Đứng tựa
lưng vào cánh cổng là một chàng thanh niên, hai tay khoanh trước
ngực đang đưa mắt nhìn nàng chăm chú. Thấy Liễu Nhu đã ngó thấy
mình, chàng ta hơi nhếch môi cười, rồi thong thả tiến lại gần cô
gái. Liễu Nhu đã lấy lại bình tĩnh, đưa mắt quan sát chàng lạ
mặt. Anh chàng trạc độ hai mươi ngoài. Dong dỏng cao, mày thanh
mắt sáng, nước da rám nắng như người thường chơi thể thao. Anh ta
mặc quần tây màu nâu nhạt, áo sơ mi ngắn tay màu vỏ trứng bỏ
trong quần. Chân đi đôi xăng–đan da màu nâu sậm. Liễu Nhu nhủ
thầm: không tệ! Dừng lại cách cô gái độ ba thước, anh chàng gật
đầu:
– Chào
cô. Tôi là Hoàng. Hân hạnh được biết cô... a...
– Tôi tên Liễu Nhu. Nàng trả lời mắt
không rời khuôn mặt chàng thanh niên.
Hoàng kêu lên thích thú:
– Ô, tên cô đẹp quá. Đẹp như... người.
Đôi má Liễu Nhu hơi hồng lên:
– Ông khen quá lời.
Rồi cô nhìn về hướng căn nhà hoang:
– À mà hình như ông... từ trong đó đi
ra phải không?
Hoàng cũng quay nhìn ngôi nhà rồi thong
thả trả lời:
–
Phải, tôi đang mướn người sửa sang lại ngôi nhà cho sạch sẽ.
Liễu Nhu không giấu được sự tò mò:
– Ông... ông không sợ sao? Căn nhà...
bỏ hoang từ lâu lắm rồi. Ở đây ai cũng sợ...
Hoàng nhìn cô gái, cười nửa miệng:
– Ai cũng sợ ma, chỉ trừ cô phải không?
Nếu một cô gái dám ra đây ngồi một mình, tôi thân đàn ông đại
trượng phu mà sợ ma thì... ẹ quá!
Nghe Hoàng tự xưng mình là đại trượng
phu, Liễu Nhu bật cười:
– Ông nói có lý. Nhưng tối hôm qua ông
đã làm cho đứa ở nhà tôi chạy vắt giò lên cổ đó.
Thấy nét mặt ngạc nhiên của Hoàng, cô
giải thích:
–
Đi ngang qua thấy có ánh đèn trong nhà, nó cứ đinh ninh là ma nên
chạy thục mạng về nhà.
Hoàng nghe xong cũng cười rồi hỏi:
– Chắc cô Nhu cũng ở gần đây?
Liễu Nhu chỉ tay về hướng nhà mình:
– Tôi ở cách đây độ hai trăm thước
thôi. À, mà ông mua lại căn nhà này sao?
Hoàng trả lời mơ hồ:
– À, nhà này của một người bà con. Tôi
ở Sài Gòn, chỉ thỉnh thoảng mới về đây thôi. Thấy căn nhà đẹp mà
bỏ hoang uổng quá nên tôi xin... à... mua lại. Khi nào chán không
khí ồn ào, bụi bặm ở Đô Thành, về đây thở không khí trong lành
cũng tốt. Đứng xa nhìn cái cảnh cô ngồi đọc sách dưới gốc cây,
bên ao sen, có hoa thơm bướm lượn thiệt đẹp không thua gì một bức
tranh.
Nghe
anh chàng tả cảnh mê ly rùng rợn quá Liễu Nhu đâm mắc cỡ, cầm cái
túi xách lên nói:
– Thôi trưa rồi tôi phải về kẻo bà nội
tôi chờ cơm lại quở. Nhà tôi là căn nhà nền đúc có trồng hai cây
cau lửa ở trước cổng. Khi nào rảnh mời ông lại chơi.
Hoàng nói vội như muốn níu kéo cô gái
lại:
– Khoan
đã. Cô Nhu phải giải thích cho tôi hiểu thêm một chút. Cây cau
thì tôi thấy đã nhiều, nhưng cây cau lửa thì chưa bao giờ. Chắc
khi có người tới gần nó phun... lửa phải không?
Liễu Nhu không nhịn được cười:
– Trời ơi, nếu hai cây cau biết phun
lửa như ông nói thì căn nhà của chúng tôi cháy thành tro từ tám
kiếp rồi! Kêu là lửa vì những cái mo cau ốp vô thân cây màu đỏ
như lửa. Cũng như tên dừa lửa là vì trái dừa màu đỏ thay vì màu
xanh. Thôi tôi phải đi đây. Về trễ là bị rầy đó.
Nhìn theo sau tấm lưng yểu điệu của cô
gái, anh chàng tên Hoàng gật gù cái đầu, vẻ mặt bỗng đổi thành
đăm chiêu như có điều gì suy nghĩ. Khi bóng cô khuất khỏi tầm
mắt, Hoàng quay bước trở vô nhà. Một tốp thợ đang làm việc. Kẻ
lau chùi, người sơn quét. Hoàng muốn cho trong nhà sạch sẽ trước,
ngoài mặt tiền để tính sau. Đồ cũ còn lại trong nhà đã cho đi
hết. Tất cả những vật dụng chàng sẽ đem từ Sài Gòn xuống. Hoàng
muốn một căn nhà hoàn toàn mới từ trong ra ngoài.
Liễu Nhu về tới nhà, bữa cơm trưa cũng
vừa dọn lên. Vú Chín lại cằn nhằn:
– Chèn ơi, trời nắng như vầy mà cứ dang
cái đầu trần đau cho mà coi. Rồi đàn bà con gái mà cứ ra ngồi
cạnh bờ ao hoài coi chừng...
Liễu Nhu cười ngắt lời bà vú:
– ... mắc đàng dưới phải hôn vú? Vú à,
chừng nào vú mới bỏ được cái tật mê tín dị đoan đó hả vú? À, bữa
nay con mới gặp cái con... ma làm con Lành chạy thục mạng tối hôm
qua rồi. Vú biết hôn, con ma đó tên là... Hoàng!
Nói xong Liễu Nhu cười giòn tan. Vú
Chín nghe vậy bèn hỏi tới. Liễu Nhu đem chuyện gặp chàng trai kể
cho cả nhà nghe rồi kết luận:
– Kể ra con ma đó cũng không đến nỗi...
dễ sợ lắm!
Vú
Chín hứ cái cốc, mắng yêu:
– Thiệt tình. Chồng ngồng cái đầu rồi
mà cứ như con nít, hổng sợ người ta cười.
Bây giờ bà nội mới xen vô:
– Nhu à, con gái phải cẩn thận mới được
nhen cháu. Người lạ mình chưa biết gốc gác không nên gần gũi. Lỡ
có bề gì thì ân hận.
– Nội à, cháu của nội lớn lắm rồi không
ai ăn hiếp được đâu. Anh chàng này cháu thấy mặt mày không đến
nỗi bất lương.
– Ừ dò sông dò biển dễ dò chớ lòng
người khó đọ. Mình cứ cẩn thận là hơn.
Liễu Nhu dạ cho bà nội vui lòng rồi bắt
qua chuyện khác.
*
... Đang ngồi dưới bếp bắt bông đường
lên những cái bánh men tròn, trắng xinh xinh thì con Lành chạy
xuống kêu là trên nhà có khách hỏi cô Ba. Liễu Nhu lấy làm lạ
nhưng cũng rửa tay sạch sẽ rồi đi lên nhà trên. Nhìn cái dáng cao
cao ốm ốm của người thanh niên đang đứng quay lưng ngắm mấy bức
tranh thêu trên tường, Liễu Nhu hơi ngờ ngợ. Đến chừng người đó
quay lại thì cô kêu lên đầy ngạc nhiên:
– Ô, ông Hoàng!
Hoàng mỉm cười:
– Chào cô Nhu. À, xin cô làm ơn bỏ cái
tiếng ông nặng nề đó được không? Nó làm tôi có cái cảm tưởng mình
già ghê lắm. Mà tôi thì mới có hai mươi bảy cái xuân xanh mà
thôi!
Liễu Nhu
cũng cười:
–
Dạ nếu... anh muốn. Mời anh Hoàng ngồi. Sao, căn nhà đã sửa sang
xong chưa mà anh rảnh rỗi ghé đây chơi?
– Cũng sắp xong hoàn toàn rồi. Hôm nào
mời cô Nhu ghé qua thăm cho biết.
Nghe lời mời Liễu Nhu mừng lắm. Vì từ
hồi nào tới giờ nghe vú Chín kể lại cái thảm kịch năm xưa, trí tò
mò bị kích thích dữ dội, nhưng nàng vẫn chưa bao giờ dám làm một
màn phiêu lưu một mình vô ngôi nhà đó. Bà nội và vú Chín còn cấm
tuyệt ba đứa nhỏ không được léo hánh tới gần. Họ nói căn nhà bỏ
hoang lâu năm sợ có chuột bọ rắn rít rất nguy hiểm. Nhưng bây giờ
thì khác, có chàng trẻ tuổi đẹp trai này hướng dẫn thì còn gì
bằng. Vì vậy Liễu Nhu cười tươi rói:
– Dạ, tôi thì lúc nào cũng sẵn sàng...
Đang nói nàng bỗng ngưng ngang vì có
tiếng tằng hắng của bà nội sau lưng. Liễu Nhu quay lại thấy bà
thì lật đật chạy lại nắm tay, miệng líu lo:
– Nội à, đây là anh Hoàng. À, mà cũng
là... con ma khiến con Lành chạy gần chết hôm trước đó.
Nói xong cô cười. Tiếng cười giòn,
trong như thủy tinh. Bà lão lắc lắc cái đầu có mái tóc trắng như
sương chép miệng:
– Thiệt là như con nít! Cậu Hoàng đừng
chấp nhứt.
Hoàng lật lật đỡ lời:
– Dạ thưa bà cháu đâu dám. Cô Nhu nói
giỡn càng vui. Cháu ở đây chưa quen ai. Hôm trước tình cờ gặp cô
Nhu ngoài ao sen, bữa nay mạo muội tới thăm bà.
Bà lão đưa mắt quan sát ngầm chàng
thanh niên. Rồi có lẽ thấy chàng ta không có vẻ họ Lưu tên Manh
nên bà bèn phán:
– Ừ, bà con xa không bằng láng giềng
gần. Rảnh rỗi cậu cứ tới chơi. Nhu à, bà nội đi thăm bà Tư Tâm
một chút. Tội nghiệp bả bị trúng gió mấy bữa nay.
Nói rồi bà đội cái khăn rằn lên đầu đi
ra cửa. Hoàng nhìn theo rồi quay lại nói với Liễu Nhu:
– Bà nội cô có vẻ hiền lắm.
– Dạ, bà nội tôi ăn chay trường. Nhu
trả lời. Nhưng mà dễ hay khó cũng còn tùy trường hợp. Hôm mới gặp
anh lần đầu, về kể lại, bà tôi nói phải coi chừng. Biết đâu anh
thuộc thành phần... nguy hiểm! Không hiểu sao bữa nay...
Hoàng ngắt lời:
– Bữa nay bà thấy tôi dễ thương quá nên
không cần coi chừng nữa phải không?
Hai người cùng cười. Nói chuyện một lát
rồi Hoàng cũng từ giã ra về sau khi hẹn sẽ cho Liễu Nhu biết khi
nào tới nhà chàng được. Trên đường về, Hoàng mỉm cười có vẻ hài
lòng về mình lắm.
*
... Tối hôm qua trời nóng quá, Liễu Nhu
cứ trăn trở không ngon giấc nên dậy muộn. Ăn xong chén cháo đậu
đen với tép chấy nàng xách giỏ sửa soạn ra nhà thím Hai Lầu. Vết
thương của nó coi như đã lành. Vú Chín bắt phải đội nón lá, sợ cô
bị trúng nắng. Liễu Nhu phụng phịu:
– Vú à, vú đừng coi con là con nít nữa
có được không?
– Phải, phải. Bây giờ tập làm người lớn
đi là vừa. Biết đâu sắp có người rước rồi đó.
Liễu Nhu dẩu mỏ:
– À ha. Vú lại muốn đuổi con đi nữa rồi
há? Cho vú biết, con sẽ ở vậy săn sóc bà nội cho tới già luôn.
– Ừa, vú chống mắt lên chờ coi đây nè.
Bà vú nhìn Liễu Nhu âu yếm.
Nàng nguýt yêu bà vú một cái rồi đội
cái nón lá đi ra nhà thím Hai Lầu. Thằng Hưng ngày nào cũng trông
cô Ba tới, vì lần nào cô cũng đem cho nó một món gì đó. Mấy bữa
nay cô còn đem một cuốn vần dạy nó tập đọc. Thím Hai nghèo quá
đâu có tiền sắm quần áo, tập vở cho con tới trường. Nhiều khi
đứng ngoài ngó vô lớp, thấy đám trẻ kia học nó thèm lắm. Cô Ba
còn hứa nếu nó chịu khó học, mùa tựu trường năm tới cô sẽ mua
sách vở cho nó tới trường đàng hoàng. Cô nói với thím Hai là nếu
cứ để nó lêu lổng có ngày sanh hư.
Sau khi quan sát vết thương lần chót và
dạy cho thằng Hưng học độ một tiếng, Liễu Nhu xách giỏ tà tà đi
ra ao sen. Dưới cái nắng gay gắt, mấy bụi bông đứng gục đầu chịu
trận xem rất thảm hại. Liễu Nhu lấy cái gáo cán dài làm bằng sọ
dừa khô múc nước dưới ao lên tưới. Xong nàng tới ngồi dưới gốc
cây sung thở ra khoan khoái. Chỗ này Liễu Nhu có trải một chiếc
chiếu manh cũ nên ngồi không sợ dơ. Nàng lấy cuốn Những Kẻ Khốn
Nạn của nhà văn Hồ Biểu Chánh ra đọc. Ôi thôi, những mảnh đời
khốn khó trong sách khiến nàng nhỏ không biết bao nhiêu là giọt
lệ! Xem đây mới thấy đời mình may mắn quá! Cơn gió hiu hiu lau
khô mấy giọt mồ hôi trên trán, nhưng cũng kéo sụp mí mắt của Liễu
Nhu. Bàn tay cầm cuốn sách từ từ hạ xuống, cái đầu cũng từ từ
nghẻo một bên tựa vô gốc sung già. Cô đã gởi hồn mình vào cơn
mộng, đâu biết rằng có một chàng trai đang bước những bước rất
nhẹ đến bên cô...
Sợ làm kinh động đến Liễu Nhu, Hoàng
bước những bước thật khẽ. Nhìn nàng thật trẻ thơ trong giấc ngủ
bất chợt. Rèm mi đen khép nhẹ làm tăng nét trắng hồng của đôi gò
má hây hây. Nàng mơ thấy gì mà cặp môi hồng như he hé cười? Vài
lọn tóc đen nhánh phất phơ trước trán. Càng nhìn Liễu Nhu, Hoàng
càng cảm thấy bất an trong lòng. Tuy đã ngoài hai mươi mà khuôn
mặt cô gái còn toát ra đầy vẻ thơ ngây, trong sạch. Cái áo ba–tít
trắng in bông cúc vàng càng làm cô trẻ hơn. Bất giác chàng thả
mắt nhìn ra xa, cặp lông mày cau lại. Hoàng tự hỏi không biết
mình có nên tiến tới như đã dự định từ trước chăng? Tiếng kêu
thảng thốt của Liễu Nhu kéo Hoàng về thực tại:
– Ô, té ra tôi ngủ gục từ nãy giờ mà
không hay. Anh Hoàng, anh ra đây lâu chưa? Trời ơi, tôi ngủ chắc
xấu như ma lem phải không?
Liễu Nhu vừa hỏi vừa ngồi thẳng lên,
đưa tay vuốt lại mái tóc, cặp mắt lo ngại nhìn Hoàng. Trước cái
sự lo lắng rất... đàn bà này, chàng không khỏi thấy vừa tức cười
vừa thương hại, nhưng cố tình kéo dài thời gian trả lời cho cô
nàng lên ruột chơi. Cuối cùng Hoàng nói:
– Không, lúc nãy tôi thấy cô... dễ
thương lắm!
–
Xí, anh nói vậy để tôi yên lòng mà thôi!
Tuy ngoài miệng nói vậy nhưng trong
thâm tâm bỗng dưng Liễu Nhu thấy... vui vui. Nhứt là nhìn cái ánh
mắt ranh mãnh và nụ cười nửa miệng của Hoàng khi nói chuyện với
mình có cái gì rất thu hút. Hoàng bỗng nói:
– Thôi sẵn đây tôi mời cô Nhu vô nhà
chơi luôn cho biết. Bữa nay coi như mọi chuyện sửa sang đã hoàn
tất. Cô là người khách đầu tiên tôi mời vô nhà.
Vừa nghe chàng mời vô nhà chơi là Liễu
Nhu đứng dậy cái rụp liền, mặt mày hớn hở:
– Vui quá. Tôi đợi cái ngày này lâu lắm
rồi nha.
Cô
vừa nói vừa cúi xuống dọn đồ vô túi xách rồi theo chân Hoàng đi
vô vườn sau của ngôi biệt thự. Cả cánh cửa sau cũng đã được thay
bằng cái mới. Liễu Nhu tò mò nhìn xung quanh. Trong vườn không
thiếu cây ăn trái. Ổi, mận, xoài, chuối... Có cả một cây khế đang
trổ những chùm bông tím nhạt ở góc vườn. Hai người đi theo một
lối mòn bên hông nhà, quành ra phía trước bước lên mấy bậc tam
cấp để vô nhà. Mấy bức tường đã được sơn lại trắng bong. Bước vô
là đụng ngay một bộ xa– lông theo kiểu mới, sát trong tường là
một cái tủ đứng dùng làm bàn thờ, bên trên có bày bộ lư hương,
bình nhang và một khung hình của một người đàn ông còn rất trẻ.
Bộ xa–lông và tủ thờ đều làm bằng gỗ trắc, đánh vẹt–ni bóng ngời.
Hoàng nói tất cả đồ đạc chàng đều mua tận Sài Gòn. Chàng nói thêm
chỉ có phòng của chàng là có giường tủ, còn mấy phòng kia vẫn còn
để trống, từ từ mới tính. Hiện nay chàng chỉ mướn một người đàn
bà đứng tuổi, góa chồng về nấu cơm và săn sóc việc nhà cho chàng.
Nhìn ánh mắt như dò hỏi của Liễu Nhu, Hoàng cười nói:
– Tôi biết cô
nghĩ gì. Chị Tư này tôi nhờ người mướn tuốt dưới Mỹ Trà nên không
biết gì về căn nhà này. Tôi hy vọng ở một thời gian không thấy
gì... đặc biệt thì chị ta không có lý do gì mà sợ hết. Cô Nhu
thấy có đúng không?
Liễu Nhu gật đầu:
– Anh nói phải. Chính tôi cũng đâu có
tin lời thiên hạ đồn.
Hai người nói chuyện một lúc, chợt nhìn
lên chiếc đồng hồ treo tường thấy đã gần mười hai giờ trưa, Liễu
Nhu vội vàng từ giã Hoàng. Trên đường về cô nhớ lại những mẩu đối
thoại với chàng trai lúc nãy. Thì ra thuở nhỏ anh ta ở Nam Vang,
nhưng khi lớn lên được cha mẹ cho xuống học nội trú trường thầy
dòng Taberd. Sau khi đậu Tú tài chàng ra Hà Nội tiếp tục học
trường Luật và đã tốt nghiệp cách đây nửa năm. Chàng muốn lập
nghiệp luôn ở Sài Gòn chớ không muốn trở về Nam Vang. Trong khi
chưa bắt đầu hành nghề, chàng đi đó đây cho biết. Không ngờ khi
về thăm người cô bà con dưới chợ, tình cờ thấy căn biệt thự này
chàng thích liền. Chưa thân lắm nên Liễu Nhu không dám hỏi người
bà con là ai. Trong bữa cơm, nghe những lời thuật lại của cô, vú
Chín không khỏi chạnh lòng nghĩ đến chuyện xưa. Vú tự hỏi không
biết mẹ con cô Cẩm Vân bây giờ ra sao?
Hôm sau dạy thằng Hưng xong, Liễu Nhu
rủ nó ra ngoài ao tưới bông. Hai cô cháu vừa đi vừa nói chuyện.
Gần tới nơi, nàng chợt nín ngang vì thoáng thấy có một người ngồi
dưới gốc sung. Nhìn kỹ thì ra là Hoàng. Đợi hai người đi tới,
chàng đứng lên nheo mắt nhìn Liễu Nhu:
– Ngạc nhiên lắm phải không? Sáng nay
không có chuyện gì làm nên ra đây ngóng cô để nói chuyện cho vui.
Không ngờ cô đã có bạn rồi.
Liễu Nhu cười:
– À đây là cháu Hưng. Chào chú Hoàng
đi.
Thằng Hưng
thấy người lạ hơi sợ nên nghe cô Nhu biểu, nó lật đật cúi đầu
chào. Liễu Nhu nhờ nó đi tưới bông. Thằng nhỏ mừng quá chạy đi
liền. Nàng rủ Hoàng ngồi xuống rồi kể chuyện thằng Hưng bị chó
cắn cho chàng nghe. Nhìn nét mặt hồn nhiên của Liễu Nhu khi kể
chuyện, lòng Hoàng chợt chùng xuống. Chàng thấy Nhu là một cô gái
rất đáng yêu. Nhưng mà... Kể xong gia cảnh thằng Hưng Liễu Nhu
kết luận:
–
Anh thấy không, ở nhà quê nhiều người nghèo ghê lắm. Nhiều gia
đình suốt đời chỉ có ăn mắm hút giòi. Cao lương mỹ vị là điều xa
vời không bao giờ họ dám mơ ước tới. Những cái rất tầm thường đối
với chúng ta, lại là những món cực kỳ xa xỉ đối với họ. Giống như
bác Hai. Hồi đó, bác ở trong một cái chòi lá nhỏ xíu tội nghiệp
lắm! Bác lại bị cụt chưn đi đứng khó khăn. Anh còn không tưởng
tượng được cái gia đình chú Ba Lâm ngoài vàm. Chú đông con mà
nghèo đến nỗi, nhà chỉ có một cái áo lành lặn, đứa con gái nào
cần đi ra ngoài thì mặc cái áo đó, những người ở nhà mặc áo rách
vá chằng vá đụp không hà.
Kể xong cô thở dài sườn sượt! Hoàng
chăm chú nhìn Liễu Nhu, nói nhẹ:
– Ừ tội nghiệp thiệt. Nhưng nếu tin có
số mạng thì chắc tại kiếp trước họ...
Liễu Nhu nguýt anh chàng một phát:
– Thôi đi. Anh còn kiêu ngạo người ta.
Không có lòng nhơn từ chút nào!
Hoàng bật cười trước vẻ mặt hờn dỗi của
cô gái:
– Xin
lỗi, nói giỡn chút thôi. Bây giờ chuộc tội bằng cách nào đây xin
cô nương cho kẻ hèn này biết.
Liễu Nhu cũng bật cười:
– Vậy mới được chớ. Nhìn bề ngoài anh
đâu có vẻ là người ác. Còn cái chuyện giúp đỡ người là do mình tự
nguyện. Tôi đâu có xúi anh được.
Hoàng hỏi Liễu Nhu, giọng hơi căng
thẳng:
– Thí
dụ sau này cô biết tôi là người xấu cô có... ghét tôi không?
Cô gái tròn mắt nhìn chàng rồi trả lời,
giọng đầy chân thành:
– Nếu anh là người xấu thì tôi đã “cảm”
thấy rồi. Linh tính tôi nhạy lắm đó.
Nghe Liễu Nhu trả lời, Hoàng kín đáo
nén tiếng thở dài, nhưng cũng cảm thấy an tâm. Chàng cho cô biết
ngày mai mình sẽ trở lên Sài Gòn một thời gian để lo công việc mở
văn phòng luật sư. Tự nhiên Liễu Nhu cảm thấy hơi hụt hẫng trước
cái tin bất ngờ này. Cô buột miệng:
– Anh phải đi rồi sao? Chừng nào mới
xuống đây lại?
Hoàng hơi mỉm cười trước cái phản ứng
tự nhiên của Liễu Nhu:
– Cũng chưa biết chắc. Nhưng lên đó rồi
chắc tôi sẽ nhớ... dưới này lắm.
– Nếu vậy anh phải mau mau trở xuống
đây.
Nói xong
Liễu Nhu mới biết mình hớ khi nhìn ánh mắt và nụ cười đầy ngụ ý
của Hoàng. Cô đỏ mặt, lật đật nói tiếp:
– À... à... tôi chỉ vui miệng nói vậy
thôi, anh đừng để ý. Phải lo cho công chuyện của anh trước. Còn
về đây chơi chỉ là chuyện phụ.
Hoàng có vẻ thích thú trước sự bối rối
của Liễu Nhu, chàng hỏi:
– À, khi tôi trở xuống, cô Nhu thích gì
tôi sẽ đem về cho cô? Kẹo, chocolat hay gì khác? Tôi nói thiệt
đó. Nếu về không có quà cho cô tôi sẽ ngại ghê lắm.
– Thiệt hả? Mắt Liễu Nhu sáng lên, nếu
vậy tôi không khách sáo đâu đó. Anh đem về cho tôi một bọc kẹo là
được rồi. Thuốc men đã có ba tôi lo.
– Thuốc men? Hoàng tỏ vẻ không hiểu, bộ
nhà cô có ai bịnh hay sao?
– Không phải đâu. Cô giải thích: thuốc
là để cho mấy người nghèo bị bịnh. Đâu phải ai cũng có tiền mua
thuốc. Nhiều khi họ uống bậy uống bạ còn nguy hiểm hơn. Thôi tôi
đi về đây. Cơm nước xong tôi còn phải đi thăm thằng nhỏ con chú
Tư Kiên. Nó tiêu chảy mấy bữa nay, tôi đã cho uống Ganidan mà
chưa dứt hẳn. Ngày mai anh đi bình an nghen. Đừng quên mua kẹo
cho tôi đó.
Nói xong Liễu Nhu kêu thằng Hưng, lúc đó đang dùng một nhánh tre
thọc xuống nước chọc mấy con ếch nhái, hai cô cháu chào Hưng rồi
đi thẳng. Chàng đứng đó, bất động nhìn theo Liễu Nhu, cái cô gái
lạ lùng đã đem đến cho chàng hết ngạc nhiên này tới ngạc nhiên
khác. Hoàng gọi thầm Liễu Nhu... Liễu Nhu... Cái tên êm dịu lạ
thường. Liệu mình có đành lòng?... Chàng cúi đầu đếm từng bước
trở về ngôi nhà im vắng. Đứng trước bàn thờ, chàng đốt một nén
hương rồi nhìn tấm ảnh của người trên đó khấn thầm:
– Ba, xin ba giúp con thêm can đảm.
Càng ngày con càng thấy lòng mình mềm yếu. Con không bao giờ quên
được những ngày tháng khổ đau của mẹ. Xin ba giúp con.
Đứng trước chân dung của cha, Hoàng tạm
quên đi được nét duyên dáng, sự hồn nhiên đáng yêu của Liễu Nhu
để chỉ nghĩ đến mục đích của mình. Chàng nhứt định phải thắng,
phải thắng...
*
Đêm nay rằm
nên ánh trăng sáng vằng vặc. Liễu Nhu ngủ không được, ra đứng tì
tay vô thành cửa sổ nhìn ra vườn. Dưới ánh trăng, mấy tàu lá
chuối phe phẩy trong gió, lấp loáng như vừa được lau chùi. Những
chùm hoa bưởi, hoa lài trắng tươi tỏa hương thơm ngào ngạt. Côn
trùng trong vườn đang hòa tấu khúc nhạc muôn đời. Cô tự hỏi không
biết đằng kia, với ánh trăng đẹp như vầy, “họ” có ngủ được không
hay vẫn còn thao thức như cô? Chợt Liễu Nhu bưng miệng cười một
mình khi nhớ tới nét mặt đầy ngạc nhiên của Hoàng khi nghe cô đòi
mua kẹo. Cô cũng ngạc nhiên cho mình, quen Hoàng chưa được một
tháng mà hình ảnh của anh chàng đã đầy trong đầu rồi. Nhưng quả
thật anh chàng... không có chỗ nào chê được! Làm bạn với anh ta
cũng vui.
Những lần ra ngoài ao sen, tuy biết Hoàng đang ở Sài Gòn, nhưng
Liễu Nhu không ngăn được, thỉnh thoảng lại hướng mắt về phía cửa
sau ngôi biệt thự. Trong bữa cơm cô cũng không ngừng nhắc tới tên
Hoàng khiến bà nội và vú Chín cũng phải ngạc nhiên. Nhưng hai bà
mừng thầm, hy vọng chuyến này ông tơ bà nguyệt “mần việc” tích
cực hơn những lần trước.
Hai tuần lễ trôi qua, Liễu Nhu nghĩ
chắc Hoàng không tha thiết lắm với cái chỗ quê mùa, buồn thiu
này. Nàng định ra tưới bông rồi đi thăm con Lý dưới xóm Chùa mới
sanh. Đứa nhỏ sanh non nên yếu lắm. Nhưng ngạc nhiên biết bao khi
thấy Hoàng đã ngồi đó chờ cô. Cặp chân Liễu Nhu như mọc cánh.
Hoàng cũng vội đứng lên, nụ cười rạng rỡ trên môi. Nàng hỏi dồn:
– Anh chờ Nhu lâu chưa? Tưởng anh ở Sài
Gòn luôn rồi đó.
Hoàng để ý tới sự thay đổi lối xưng hô
của Liễu Nhu nên cũng tiến lên luôn:
– Chờ Nhu lâu lắm rồi. Anh ăn gần hết
túi kẹo rồi nè.
Vừa nói Hoàng vừa đưa túi kẹo cho Liễu
Nhu. Mặt nàng chợt đỏ hồng khi nghe chàng trai vừa xưng anh với
mình ngọt xớt. Nhưng trong lòng thì như mở hội.
– Trời ơi, sao anh mua nhiều dữ vậy tốn
tiền chết.
Tuy
nói vậy nhưng Liễu Nhu mừng lắm. Chuyến này cho mấy đứa nhỏ ăn đã
luôn. Cám ơn Hoàng rồi, cô hỏi thăm công chuyện trên Sài Gòn.
Chàng kể cho cô nghe thiệt tỉ mỉ những chuyện chàng đã làm trên
đó. Cô yên lặng ngồi nghe. Không hiểu sao Hoàng thấy nói chuyện
với Liễu Nhu thiệt là thoải mái. Có lẽ vì cô không biết làm điệu,
không thốt những lời giả dối để lấy lòng chàng như những cô gái
khác. Hoàng thấy cô giống như đám hoa đồng cỏ nội xinh tươi chung
quanh hai người...
Hôm sau vừa ló đầu ra khỏi cổng sau thì
chàng đã nghe tiếng con nít cười nói rộn ràng. Ngạc nhiên, nhìn
về hướng ao sen thấy Liễu Nhu đứng giữa một đám con nít độ năm
sáu đứa. Trai có gái có. Đứa nào cũng xòe tay, giành nhau nói:
cháu nữa cháu nữa cô Ba. Liễu Nhu bốc từng nắm kẹo phân phát cho
tụi nó, mặt sáng rỡ như trăng rằm, tươi như đóa phù dung. Hoàng
đứng đó ngắm cô, mà trong lòng hai thứ tình cảm xung đột dữ dội.
Một cô gái hiền lương thục đức như vậy, chàng có nhẫn tâm làm
thương tổn được không? Nén tiếng thở dài, Hoàng bước tới. Nhận ra
chàng, Liễu Nhu nói với tụi nhỏ:
– Kìa chào cậu Hoàng đi. Cậu mua kẹo từ
Sài Gòn về cho tụi cháu đó.
Tụi nhỏ khoanh tay cúi đầu chào Hoàng
rất lễ phép. Sau đó Liễu Nhu biểu tụi nó đi chơi. Cả đám chào cô
Ba rồi kéo nhau đi chơi chỗ khác... vui hơn! Nhu nhìn theo đám
nhỏ với cặp mắt trìu mến rồi rủ Hoàng ngồi xuống gốc cây. Hoàng
hỏi:
– Em
thương tụi nó lắm phải không?
Liễu Nhu quay lại nhìn chàng, cười:
– Dạ. Tụi nhỏ này tội nghiệp lắm anh.
Nhà nghèo quá nên đâu có tiền mua bánh kẹo để ăn. Anh chưa thấy
cái cảnh một đứa trẻ thèm ngọt, cầm nguyên một cục đường sắc đen
thui mút ăn ngon lành như ăn kẹo vậy đó. Em thấy mình thiệt là
may mắn được sanh ra trong một gia đình khá giả, muốn gì có nấy.
Vì vậy mà em cố gắng giúp đỡ mấy nhà nghèo trong làng được chút
nào hay chút nấy. Khi giúp người ta em thấy mình hữu ích, đời
mình mới có ý nghĩa anh à. Thấy họ vui một, mình vui tới mười
lận!
Cái câu
sau cùng như một nhát búa đập vào đầu, một tiếng sét rền bên tai
Hoàng. Chàng thấy bàng hoàng sửng sốt! Mỗi một lời nói y như một
viên ngọc rơi xuống từ đôi môi hồng xinh xắn kia. Tấm lòng nhân
ái bao la của Liễu Nhu khiến Hoàng cảm thấy mình thiệt độc ác,
nhỏ nhen. Nàng có lỗi gì ngoài cái lỗi là con gái cưng của ông
Lãng? Trả được mối hận nhưng liệu lương tâm chàng có chịu để yên
hay không? Hoàng nhắm mắt, hít vào thật mạnh, gương mặt lộ đầy vẻ
bất an. Thấy vậy, Liễu Nhu hốt hoảng hỏi:
– Anh Hoàng, anh sao vậy? Hình như anh
thấy khó ở phải không? Có cần em...
Càng thấy Liễu Nhu lo lắng cho mình,
cảm giác khó chịu của Hoàng càng gia tăng. Rồi không kềm chế
được, Hoàng chụp hai bàn tay của cô gái, siết thật chặt, mắt nhìn
sâu vào mắt nàng, giọng chùng xuống:
– Nhu... Anh không biết nói sao với em
đây! Mấy tháng nay, càng tiếp xúc, càng nói chuyện nhiều, anh
càng thấy em là một người con gái quá tốt, quá nhân từ.
– Anh Hoàng, Liễu Nhu đỏ mặt ngắt
ngang, thật ra em chỉ là...
– Anh biết Nhu muốn nói gì. Nhưng hãy
để anh nói tiếp. Thú thật tên của anh là Tú. Nguyễn Hoàng Tú. Anh
là con trai của ông Hậu, người đã tự tử chết trong ngôi nhà đó
năm xưa. Vừa nói Tú vừa đưa mắt nhìn về phía căn biệt thự. Sở dĩ
anh trở về đây với ý định trả mối thù xưa.
– Trả mối thù xưa? Liễu Nhu lặp lại như
cái máy vì trong lòng đang rối như tơ!
– Phải. Trả mối thù với người đã hại
chết ba anh. Đã khiến má con anh phải bỏ xứ lưu lạc lên tận Nam
Vang sanh sống. May mà số má anh còn hên nên gặp người cha sau
này của anh. Ổng đã nuôi anh ăn học nên người. Nhưng má anh không
bao giờ quên chuyện cũ. Đối với bà, ba em chính là thủ phạm đã
gián tiếp giết chết ba của anh. Suốt quãng đời son trẻ bả chỉ
sống trong khổ đau nên lúc nào cũng nhắc anh phải trả thù. Má anh
cho rằng thù cha không trả là con bất hiếu. Anh về đây lấy lại
căn nhà, chưa có chủ định gì thì gặp em. Trong đầu anh bỗng nảy
ra ý định...
Nói tới đây chàng ngập ngừng, nhưng thấy ánh mắt dò hỏi của Liễu
Nhu, Tú đành tiếp tục:
– ... với ý định quyến rũ, hại... đời
em rồi... quất ngựa truy phong!
Nghe tới đây Liễu Nhu giựt phắt hai bàn
tay lại, mắt ngó Tú trừng trừng:
– Anh... anh định... hại em?
Tú gật đầu rồi tiếp, giọng buồn buồn:
– Nhưng sau này anh kín đáo điều tra về
gia đình em với những người trong làng. Ai cũng khen em hết lời.
Rồi khi tiếp xúc nhiều với em, anh thấy em thiệt sự quá tốt, quá
đáng yêu, nên anh không thể nào thực hiện cái ý định đen tối đó
được. Anh lại nghĩ khi biết em bị anh hại như vậy, ba của em, anh
của em có để yên cho anh hay không? Chắc chắn họ phải kiếm anh để
trả thù. Sau đó cứ liên miên thù nọ chồng chất lên thù kia, oan
oan tương báo, biết tới chừng nào mới hóa giải được đây? Hơn nữa
anh nghĩ, nếu ngày xưa ba anh yêu quí mẹ con anh, ông cương quyết
không đi vào con đường cờ bạc thì có mười ông Lãng xúi giục cũng
bằng thừa phải không? Vậy lỗi đâu phải hoàn toàn tại ba em. Rồi
lúc nãy nghe em nói khi giúp cho tha nhân, họ vui một – mình vui
tới mười, anh mới thấy mình sẽ là người ác nhứt thế giới nếu anh
làm cho em đau khổ. Đừng nói chi tới ba em hay anh của em, không
chừng tụi thằng Hưng còn dám kiếm anh thanh toán để trả thù cho
cô Ba của tụi nó nữa đó.
Vừa nói Tú vừa cười nửa miệng.
Nghe những lời giải thích của Tú, Liễu
Nhu thở dài, tay vân vê chéo áo:
– Thiệt không ngờ. Em có nghe vú Chín
kể lại chuyện hồi xưa. Vú nói sau khi ba anh mất, ba em buồn rầu
hối hận dữ lắm. Vì dù sao họ cũng là bạn từ hồi còn thơ ấu. Má
anh đau khổ vì ba anh, nhưng sau này bà còn tìm thấy hạnh phúc
mới. Trong khi đó má em đã đau khổ tới phút lìa trần!
Nói tới đây nàng đưa hai tay bụm mặt òa
lên khóc nức nở. Nói gì thì nói chớ cái số phận hẩm hiu của mẹ
cũng làm cô đau lòng. Như một phản xạ tự nhiên, Tú gỡ tay Liễu
Nhu rồi kéo đầu nàng cho tựa vô vai mình, hai tay ôm gọn hơ thân
hình mềm mại của cô gái. Chàng vừa vuốt vuốt lưng cô vừa thì
thầm:
– Thôi,
mọi chuyện qua rồi. Em cố quên đi. Cũng như anh, từ giờ phút này
anh nhứt định sẽ quên hẳn mối thù xưa.
Liễu Nhu ngước đôi mắt đẫm lệ lên nhìn
Tú, giọng đầy lo lắng:
– Nhưng còn má anh. Biết bà có chịu bỏ
qua không?
–
Anh biết cách thuyết phục má anh mà. Tú trả lời giọng cương
quyết. Bây giờ điều quan trọng là hai đứa mình phải chứng tỏ cho
má anh thấy sự tha thứ mới đem lại hạnh phúc thật sự cho anh, dù
người đem cái hạnh phúc đó là con của... kẻ thù của bà.
Vừa nói Tú vừa cúi xuống hôn thật nồng
nàn lên cái đôi má còn ướt lệ của Liễu Nhu. Lúc này cô nàng mới
giựt mình, bẽn lẽn định ngồi xê ra nhưng Tú đâu có chịu. Chàng ta
một tay ôm, một tay rút khăn mu–xoa lau nước mắt cho cô, miệng
cười thiệt tươi:
– Từ giờ phút này hai đứa mình chỉ được
vui chớ không được buồn. Nhu à, em nghĩ coi em có chịu... theo
anh lên ở trên Sài Gòn không vậy?
– Tại sao em theo anh lên Sài Gòn? Liễu
Nhu ngơ ngác hỏi.
– Thì sau khi hai đứa mình thành hôn
rồi. Bộ em không chịu theo anh sao?
Hiểu ra, Liễu Nhu đỏ mặt xô Tú ra,
ngúng nguẩy:
–
Xí, bộ em có nói là ưng anh hay sao? Em ở vậy săn sóc bà nội tới
già.
– Ừa, sau
bà nội rồi tới ba em, rồi tới vú Chín, sau đó thành bà già rồi
vô... chùa tu luôn. Trọn đời không biết đàn ông là cái chi chi!
Thiện tai, thiện tai...
Nghe vậy Liễu Nhu nổi tánh con nít,
chắp hai tay lại, mắt nhìn xuống đất:
– Xin thí chủ giữ gìn lời nói. Bần ni
là kẻ tu hành không quen nghe những lời phàm phu tục tử!
Tú nắm hai tay Liễu Nhu rồi xuất kỳ bất
ý đẩy cô nằm ngửa xuống chiếc chiếu manh. Hai tay vẫn giữ chặt
tay cô gái không cho cựa quậy, Tú nói:
– Xin phép... sư thái cho kẻ hèn này
hun ít cái trước khi phân cách đạo và đời.
Nói rồi cúi xuống hôn tới tấp lên mặt,
lên cổ Liễu Nhu khiến cô nàng nhột quá vừa lắc đầu để tránh vừa
cười khanh khách. Tú cũng cười phụ họa. Tiếng cười giòn tan của
hai người khiến con chim bói cá đang đậu trên đám sậy rình mồi
gần đó giựt mình tung cánh bay lên... Trên bầu trời xanh thăm
thẳm, mây trắng vẫn lững lờ trôi... Ông mặt trời thì ngó xuống
mỉm cười...
Tiểu Thu
Montréal
[Mông–triệu] 17/10/02
Nguồn: Blog Người Phương Nam
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by kimban chuyển
Đăng ngày Thứ Hai, January 15, 2024
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang