Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Truyện
Ngắn
Chủ đề:
Xuân Xưa
Tác giả:
Bồ Tùng Ma
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Quê tôi ở ngoại ô Thành phố Đà Nẵng, cách
thành phố này chừng 15km về phía Tây Nam. Tôi sinh ra và lớn lên
ở đây cho đến năm 10 tuổi.
Có lẽ tôi là đứa trẻ không thông minh,
nhưng có trí nhớ tốt. Mỗi lần tôi nói tôi có thể nhớ những lúc
nằm trong nôi, lúc được mẹ tôi cho bú và thậm chí có thể nhớ lùi
lại xa hơn nữa, hầu hết ai nghe cũng phì cười. Để họ tin, tôi kể
vanh vách những sự việc xảy ra có liên quan đến họ lúc tôi còn
rất nhỏ, nhưng họ càng cười thêm, cười thành tiếng. Rất tiếc, họ
không nhớ những sự kiện đó nên không kiểm chứng được. Chỉ có 1
người tin tôi. Đó là mẹ tôi và bà cũng bị người khác cười là
“khoe con”. Những chuyện tôi kể sau đây thường xảy ra vào dịp
Tết, thời điểm mà trẻ con hay nhớ. Dĩ nhiên 1 đứa trẻ chưa sạch
cứt mũi như tôi chỉ biết nhớ, chứ không nghĩ sâu xa hơn. Chỉ mãi
đến sau này khi trưởng thành tôi mới nghĩ sâu xa hơn do tôi tìm
hiểu và do mẹ tôi kể lại.
Bác họ tôi, gọi bà nội tôi bằng cô
ruột, là người thân với tôi nhất trong số bà con. Bác tôi con nhà
nghèo từ Huế vào nương nhờ gia đình ông bà nội tôi. Bà nội tôi
giao trách nhiệm trông coi tôi cho ông ấy. Tôi có dịp đi theo bác
tôi “phá làng phá xóm”. Tôi nói vậy vì bác tôi rất nghịch ngợm.
Không có “game” nào ông ấy không chơi được: Bẫy chim, câu cá, giả
ma chọi đá vào nhà hàng xóm, và ngay cả dê gái dù hồi ấy ông chỉ
mới 17 tuổi.
Nơi bác tôi và tôi thường lui tới là ngôi đình làng cách nhà tôi
chừng 3 phút đi bộ, nằm cạnh con đường cái quan. Ngôi đình này là
ấn tượng sâu đậm nhất trong đời tôi. Nó cùng tôi chứng kiến biết
bao nhiêu biến cố xảy ra dồn dập qua nhiều chế độ nối tiếp nhau.
Lần tới đình làng sớm nhất mà tôi còn nhớ là lần tôi lẽo đẽo theo
bác tôi đi trên con đường nhỏ, ra con đường lớn, cả 2 con đường
đều có cắm cờ đuôi nheo màu xanh đỏ vàng, để tới đình làng vào
ngày mồng 2 Tết năm Ất Dậu 1945, cái Tết phong kiến cuối cùng.
Cho đến nay tôi còn nhớ rõ cảnh sinh
hoạt lúc ấy. Trên chiếc sập gụ có lót chiếu hoa kê ngay trước bàn
thờ là mấy ông có vai vế khăn đen áo dài đang ngồi chung quanh
mâm rượu thịt, bánh mứt... Nơi này gọi là “Chiếu trên”. Trước sân
đình có lót chiếu loại thường bày 3 món duy nhất: Xôi, thịt, rượu
trắng. Chung quanh đó dân làng, kẻ đứng người ngồi chồm hổm, để
chuẩn bị vào tiệc. Ông Ngụ, người mõ làng đang bưng 1 cái mâm,
theo sau là anh con trai chừng 10 tuổi, đầu cạo trọc lóc, tay cầm
chai rượu trắng và phong pháo đỏ. Tôi đang chằm chằm nhìn phong
pháo thì nghe có nhiều tiếng lào xào, rồi thấy ông nội tôi đang
đi vào đình, tay cầm cái ba–tong. Mọi người cung kính chào ông
tôi. Ông tôi gật đầu rồi ngồi vào “Chiếu trên”, ngay trước cái
mâm có đầu heo. Ông tôi là người có vai vế nhất ở đây, ông tiên
chỉ của làng.
Tôi định chạy vào chỗ ông tôi ngồi thì nghe có tiếng leng keng.
Tôi nhìn ra đường. Một người đang cỡi ngựa đi ngang qua. Ông ta
đội nón có quai đỏ, mặc áo dài đen, quần trắng. Ông ta xuống
ngựa, cột ngựa vào một gốc cây nhỏ, rồi đề huề đi vào đình. Trừ
ông tôi, các người đang ngồi vội vàng đứng dậy vái chào, trong
khi ông ta lại cúi đầu chào ông tôi. Đối với tôi, ở đây không có
ai oai bằng ông ta, nhưng ông ta lại có thái độ cung kính trước
ông tôi. Điều này làm tôi vừa ngạc nhiên vừa hãnh diện. Đó là ông
Chánh Tổng, dưới ông Huyện, nhưng trên ông Lý Trưởng. Một Tổng
thường có 5, 6 làng (thôn), tương đương với xã sau này.
Ông Ngụ cùng anh con trai tên Cúi bưng
thêm rượu thịt đến “Chiếu trên”. Dáng người ông Ngụ nhỏ thó, lưng
khòm. Đi ngang trước mặt ai ông cũng cúi thấp người nên lắm lúc
trông ông như một con vật hiền lành gì đó đang di chuyển. Anh con
trai lưng chưa khòm, nhưng khi bưng mâm cỗ theo sau bố, đầu anh
ta cũng cúi thấp. Ông cùng vợ từ đâu xiêu lạc đến làng này khi
dân làng từ Thanh Hóa đã di cư đến đây vào thời Hậu Lê. Ông được
cắt đặt làm anh mõ làng, một “giới chức” thấp nhất trong làng,
nên kiêm luôn cả việc làm đầy tớ cho cả làng. Trong những lần
cúng tế, mọi người ăn uống xong rồi ông mới ăn. Nhưng ông lại có
mâm ăn riêng, nhiều hơn người khác.
Trên đây là những hình ảnh đậm nét ghi
vào tâm trí tôi. Có lẽ trong suốt cuộc đời tôi chưa bao giờ thấy
hình ảnh nào đẹp như vậy, đẹp như một giấc mơ, nghĩa là không có
thật, làm tôi lắm lúc cũng nghi ngờ trí nhớ của mình mà tôi rất
tự hào. Có lần sau một cơn bệnh năm 15 tuổi, tôi tưởng những gì
tôi nhớ chỉ là một giấc mơ. Tôi bán tín bán nghi thì bỗng nhớ ra
một việc. Vùng tôi có ông Tây gốc Đức, nghe nói đào ngũ, lấy vợ
Việt. Cứ mỗi năm sau Tết vào ngày Xuân phân, 20 hay 21 Tháng 3,
ông Tây tổ chức tiệc sinh nhật vào lúc 5 chiều và năm nào cũng
mời ông tôi. Có lần ông tôi cùng tôi đến nhà ông Tây dự tiệc.
Trên con đường ngang qua đám ruộng Tiên chỉ, ông tôi đứng đợi cho
bóng của đỉnh núi Chúa rất cao cách làng tôi không xa về phía
tây, ngả đúng vào tấm bia đá nhỏ ghi 2 chữ Hán “Tiên chỉ” xây
trên thửa ruộng, rồi mới đi. Ông tôi nói năm nào ông cũng làm như
vậy. Vào ngày Xuân phân năm 1958 tôi đã lên làng và đợi bên hòn
đá Tiên chỉ. Chừng 15 phút sau tôi thấy bóng đỉnh núi in đúng vào
hòn đá Tiên chỉ. Sau này ba tôi đã khuân hòn đá Tiên chỉ về Đà
Nẵng để trong nhà thờ. Tôi đã không nằm mơ.
******
Sau Tết Ất Dậu 1945 dân làng tôi thường
hay tụ tập tại đình, không phải để nói chuyện cúng tế, họ hàng,
làm ăn... như trước, mà nói về thời sự, về chiến tranh. Hồi ấy
tôi không có khái niệm nào về những việc này nhưng tôi thường
nghe dân làng nói về người Nhật một cách ái mộ, có lẽ vì ghét
Tây. Trong vùng có một bài vè gọi là “Vè Trái Đất” có mấy câu sau
đây:
... Nhật
Bổn văn minh
Đánh Nga, Nga kinh
Đánh Tàu, Tàu chạy
Đánh luôn một dãy
Lữ Thuận, Đài Loan...
Ba tôi là người đứng đầu của một tổ
chức thanh niên trong làng. Ông rất hăng hái. Ông bỏ tiền túi ra
mua sắm đồng phục, mũ nón, phù hiệu cho thành viên. Có khi ông tổ
chức những cuộc tranh tài thể thao như bóng chuyền, chạy đua,
đánh vật... Trong thời kỳ này có nạn đói ngoài Bắc. Những đoàn xe
lửa xuôi nam chở đầy người. Rất nhiều người chết trên tàu bị vất
bỏ xuống đường. Làng nào cũng sợ trách nhiệm chôn cất, nên kéo
xác bỏ qua làng khác chỉ cách có một con đường nhỏ. Sáng sớm hôm
sau, những người dân thức dậy sớm đi làm ruộng, bỗng thấy có xác
chết ở làng mình, hô hoán lên: “Ma bay! Ma bay!” Cho đến bây giờ
tôi vẫn còn như nghe hai tiếng ấy. Hai tiếng ấy đã đánh dấu một
thời kỳ điêu linh.
Vậy rồi có tin Nhật đầu hàng. Một anh
Nhật, hình như sĩ quan trợ y, không chịu xuống tàu về nước, mang
một cái túi lớn từ một đồn bót gần sân bay lang thang đến tận
làng tôi. Chỉ có mình anh ta, lại thuộc phe thua trận, vậy mà ai
cũng sợ. Họ đồn anh ta “chích kim từ trên đỉnh đầu”. Người Nhật
này từ bỏ quê hương ở lại Việt Nam, lấy vợ Việt Nam, sinh con đẻ
cái. Gia đình ông ở đường Phan Châu Trinh Đà Nẵng. Sau ngày 30
tháng 4 năm 1975 ông lại bỏ Việt Nam trở về Nhật, đem theo vợ
con, con rể và cháu. Nghe nói hiện nay ông có một người cháu làm
Sĩ quan Cảnh sát Nhật (?)
Mấy tháng sau dân làng nói nhiều về Hồ
Chí Minh. Có người nói Hồ Chí Minh chính là ông Cường Để, có
người nói Hồ Chí Minh là ông Nguyễn Hải Thần. Dù ông ta là ai
nhưng hồi đó đa số dân làng đều tôn sùng Hồ Chí Minh.
Ba tôi lên làm chủ tịch huyện. Ông luôn
luôn vắng nhà. Mỗi lần ông về địa phương lại tổ chức những buổi
nói chuyện, ca kịch, thể thao... Ông ăn mặc chỉnh tề, trên túi áo
phải của ông có gắn miếng vải đỏ với ngôi sao vàng và 2 chữ “Chủ
tịch”. Ông nội tôi bất bình về việc này cũng như bất bình về
phong trào Việt Minh và tất cả những gì có liên quan đến nó.
Không hiểu vì ông nội tôi hay vì lý do gì khác, ba tôi thôi làm
chủ tịch sau đó mấy tháng. Ông trở về nhà chăm sóc ruộng nương,
vườn tược, câu cá, bẫy chim...
Những người có vai vế trong làng thường
hay tụ tập tại nhà ông tôi. Họ tới để nói chuyện thời thế, nói
những cái ấm ức trong lòng. Bấy giờ họ cảm thấy họ lỗi thời, nói
không ai nghe, trái lại lắm lúc phải nghe “những thứ không ra
gì”. Từ bao lâu rồi, đời này qua đời nọ, ai cũng trọng người chữ
nghĩa, người có vai có vế trong làng, nay tự nhiên “những thứ
không ra gì” suốt ngày hội họp chỉ vẽ họ phải thế này thế nọ.
Ngay cả ông Ngụ, bây giờ cũng đi thẳng lưng, không còn cúi đầu
trước mặt họ như xưa. Ông ở trong Ban Thông tin. Còn anh con trai
ông ta, đã mặc đồ Tây, đội chào mào (tức mũ calot theo tiếng
Pháp), suốt ngày đi họp với trai gái trong làng, nói chuyện bằng
những từ lạ lùng mà có thể anh ta cũng không hiểu.
Mấy năm sau đó, nghĩa là vào khoảng
1947, trong làng xảy ra nhiều chuyện ghê rợn. Ông Chánh Lâu bị
hai người lực lưỡng mang mã tấu vào nhà mời lên Ủy Ban có việc
cần. Hồi đó Việt Minh làm việc đêm hôm là chuyện thường vì sợ đồn
bót Tây ở gần đó. Ông Chánh Lâu nói:
– Mấy anh đợi tui thay đồ.
Một người trả lời:
– Khỏi, ông chỉ cần đem theo cái xẻng.
Ông chưa kịp phản ứng hai người đã lôi
ông đi, kéo lê ông ra ngõ. Bà Chánh đang ốm nặng, chỉ ú ớ vài
tiếng rồi ngất đi. Hàng xóm không ai biết gì, nhà gần nhất xa cả
nửa cây số. Hôm sau có người lén báo cho bà Chánh biết, ông Chánh
bị chém tại một cồn cát. Ông phải tự đào huyệt chôn mình. Nghe
nói ông đào huyệt rất kỹ vì sợ chân tay lòi ra ngoài. Ông Chánh
là người thường xuyên đến nhà ông tôi nói chuyện “phản động”.
Chuyện “phản động” của ông ta không có gì sâu sắc, khó hiểu, chỉ
là những tiếng chửi, những câu chuyện tiếu lâm về Việt Minh,
những tiếng nói lái như “Hồ Chí Minh là Hình Chí Mô”, “Chính phủ
là chú phỉnh”, “Kháng chiến là khiến chán”... Sau đó đến ông Phó
Dinh, rồi đến vài ông khác, phần nhiều là những ông hay lui tới
nhà ông tôi và những ông ngồi ở “Chiếu trên”.
Đó là một cách bịt miệng, một cách
khủng bố, răn đe để không ai dám chống lại, dù chống bằng mồm.
Cách bắt người cho đi mò tôm, ăn cát là cách nửa kín nửa hở. Đao
phủ thủ không cần bịt mặt như IS hiện nay. Quan tòa, công an là
ai không ai biết. Có thể là những người trong “những thứ không ra
gì” báo cáo lên trên rồi thi hành luôn. Những người này có thể
muốn lập công, lấy điểm hay vì thù oán, vì muốn cướp vợ người
khác, hay có “bệnh thích giết người”.
Tôi không bao giờ nghĩ ông tôi sẽ có
chung số phận với những người tôi vừa kể trên, vì tôi nghĩ đến
ngôi sao đỏ và hai chữ chủ tịch ba tôi từng đeo trên túi áo.
Nhưng tôi cảm thấy mọi người trong gia đình lại đang lo sợ cho
ông tôi. Ai cũng thầm thì về chuyện này. Ba tôi còn bàn tính đem
ông tôi ra thành phố, nơi thuộc vùng Pháp. Hồi đó tôi chỉ biết đó
là vùng Pháp, không có một khái niệm gì về chính thể quốc gia của
vua Bảo Đại. Vừa lúc đó cậu tôi, một cán bộ Việt Minh, từ Khu Tư
(Bình Trị Thiên) đi công tác vào vùng tôi. Ông đem theo chị
Chanh, người chị họ của tôi. Hai người đi vào bằng đường núi.
Theo lời mẹ tôi nói, ông nội tôi có ơn nghĩa rất nhiều với cha
chị Chanh nên cha chị Chanh muốn cho chị Chanh vào đền ơn đáp
nghĩa với tính cách như người giúp việc. Quê chị Chanh có câu
“Mang ơn phải trả ơn. Trả ơn để người mang ơn mình lại trả”. Cha
chị Chanh áp dụng triệt để câu châm ngôn này. Chị Chanh là đứa
con chí hiếu nên nghe lời cha. Cả nhà rất mừng khi gặp cậu. Điều
cả nhà quan tâm muốn hỏi cậu tôi là về sự an nguy của ông nội
tôi. Nghe hỏi, cậu tôi chỉ trả lời một câu ngắn gọn:
– Vô cùng khó khăn.
Chị Chanh năm đó 18 tuổi. Tuy còn nhỏ
tôi cũng cảm nhận được chị là một thiếu nữ rất đẹp. Chị có mái
tóc dài, đầu tóc phồng, mốt phụ nữ thời ấy, và nước da trắng. Mẹ
tôi rất mừng có chị ở trong nhà. Bà tôi tuổi cao, bệnh hoạn nên
có phần khó khăn với chị Chanh. Ông nội tôi và ba tôi là những
người có đầu óc cởi mở nên cũng đối xử tử tế với chị. Riêng tôi,
rất vui thích có chị ở trong nhà khi ông bác họ chịu chơi của tôi
đã gia nhập bộ đội và mất tích. Chỉ có thím tôi, một bà góa, là
người rất “dị ứng” với chị Chanh. Tôi không hiểu sao thím có thể
ghét một người như chị Chanh được.
Đi đâu chị Chanh cũng bảo tôi đi theo
vì chị sợ ma, ngay cả khi đi tắm giếng ở một góc vườn. Có lần chị
quên mang quần áo thay, nhờ tôi vào nhà lấy ra cho chị. Chị cứ
tồng ngồng như vậy thay áo quần trước mặt tôi. Thím tôi biết
chuyện này, mắng chị Chanh như tát nước vào mặt, rồi nói với mẹ
tôi:
– Sao chị
để thằng Tùng với con Chanh như rứa. Nam nữ thọ thọ bất tương
thân, mà còn để con Chanh tụt quần trước mặt thằng Tùng. Coi
chừng con ni có bịnh... dâm.
Mẹ tôi đỏ mặt la lên:
– Thím có điên không? Thím mới có bịnh.
Mẹ tôi và thím đã giận nhau suốt một
tuần vì chuyện này.
Chị Chanh mới vào ở nhà tôi có mấy ngày
mà hết anh trai làng này đến anh trai làng nọ giả bộ đến thăm cậu
tôi để nhìn chị, trong số này có những người thuộc tầng lớp có
vai có vế mới. Có cả người quyền thế nhất trong làng. Người quyền
thế này không ai khác hơn là anh Cúi, con trai ông Ngụ. Bây giờ
anh làm chức gì như Trưởng Công an xã kiêm trinh sát (?) Thật khó
tưởng tượng trước đây anh Cúi từng bưng mâm xôi thịt theo sau cha
của anh và lúc nào cũng cúi đầu. Bây giờ đầu tóc anh Cúi hớt gọn
gàng, phết dầu brillantine bóng loáng. Anh mặc quần Tây, áo sơ mi
bỏ ra ngoài quần, cồm cộm khẩu súng lục bên trong. Anh hút thuốc
lá Cotab, kẹp thuốc bằng hai ngón tay trỏ và giữa, chứ không
“cầm” thuốc bằng ngón cái và ngón trỏ như cha anh. Anh là người
đến “thăm” cậu tôi nhiều nhất. Hình như cậu tôi không ưa anh Cúi
nhưng vì một lý do gì đó vẫn gượng cười gượng nói với anh ta. Tôi
hỏi mẹ tôi:
–
Cậu sợ anh Cúi hả mẹ?
– Cậu mà sợ thằng Cúi. Cậu là cấp trên
của thằng Cúi.
Mẹ nói đến đây thì thở dài:
– Nhưng cậu sợ cho ông nên phải thân
thiện với nó.
Mấy tháng trước Tết Mậu Tý, 1948, thêm vài ông “Chiếu trên” bị
bắt, không bị bắt ban đêm, nhưng bị mời lên ủy ban rồi biệt tích
luôn. Vài ông “Chiếu trên” nữa như ông Chánh tổng cũng biệt tích
nhưng biệt tích ra thành phố, nghĩa là theo Pháp. Vài ông ghét
Pháp nhưng ở thế bí như ông Lân Cu Dê Đê cũng phải theo Pháp. Hồi
đó Việt Minh gọi Quốc Dân Đảng là Cu Dê Đê (QDĐ).
Không phải chỉ có anh Cúi mê mệt chị
Chanh mà còn một anh Việt Minh nữa. Đó là anh Đại đội trưởng một
Đại đội võ trang địa phương, có tên là Đại đội 10. Gần như ai
thuộc Đại đội 10 cũng bịt răng vàng nên dân trong vùng có câu
“Đại đội 10 cười ra lửa”. Riêng anh Đại đội trưởng, ngoài răng
vàng ra, trên người anh ta là cả một hiệu tạp hóa: Hai ba cây bút
máy nơi túi áo, đồng hồ, nhẫn vàng, kính đeo mắt, đèn pin... Hai
anh này đến thăm cậu tôi, có khi đi riêng lẻ, có khi tình cờ cùng
đến một lần. Sau này cậu tôi về Khu Tư, hai anh vẫn đến. Không
hẹn nhau mà anh nào cũng nói về phong trào “Mẹ chị chiến sĩ”. Anh
Đại đội trưởng đề nghị mẹ tôi làm mẹ chiến sĩ, còn chị Chanh là
chị chiến sĩ dù chị nhỏ hơn anh ta ít nhất cũng 5 tuổi. Không
biết hội này hoạt động ra sao mà dân trong vùng có câu ca dao:
“Canh bầu dễ nấu khó nêm
Ban ngày gọi mẹ ban đêm kêu mình.”
Mấy tháng sau chị Chanh và anh Cúi rất
thân nhau, nhưng không bao giờ đi chung với nhau nếu không có tôi
đi cùng. Cả nhà tôi, nhất là thím tôi, cho việc này là việc xấu
hổ. Chị Chanh vẫn tảng lờ, càng ngày càng thân với anh Cúi hơn.
Một hôm bà tôi gọi chị vào phòng, mắng chửi thậm tệ. Chị Chanh
chỉ im lặng. Ai cũng cho chị là loại mặt dày. Một buổi chiều anh
Cúi đem đến cho tôi món quà mà tôi rất thích: Cái ná cao su gọng
nhôm, chứ không phải cái ná gọng bằng cành ổi như ông bác họ tôi
từng làm cho tôi. Tôi vừa sung sướng vừa lo sợ. Tôi mơ hồ cảm
thấy như anh sắp nhờ tôi một việc quan trọng. Quả nhiên anh rủ
tôi và chị Chanh đi xem diễn kịch ở đình làng nhân dịp Tết. Anh
Cúi bảo tôi xin ba mẹ tôi cho tôi và chị Chanh đi xem.
Đình làng chỉ cách nhà tôi chưa đầy
1km, nhưng ba mẹ tôi khó cho tôi đi đêm như vậy trong thời buổi
loạn lạc này dù có chị Chanh cùng đi. Nghe tôi xin, mẹ tôi lắc
đầu, nhưng ba tôi thì cho. Tôi mừng quá bảo chị Chanh sửa soạn đi
cho nhanh. Chị im lặng trù trừ nhưng rồi cũng cùng tôi bước ra
cổng. Hôm ấy ban văn nghệ đang diễn một vở kịch thơ gì đó mà tôi
không nhớ. Tôi ngồi phía trước cùng đám thiếu nhi, còn chị Chanh
đứng đâu đó phía sau. Khi buổi diễn kịch kết thúc, tôi ra tìm chị
Chanh, không thấy chị đâu cả. Tôi nán lại đợi chừng 3 phút mới
thấy chị từ phía cánh đồng đi đến. Tôi hỏi:
– Chị đi mô lâu rứa?
– Chị đau bụng quá, phải đi đồng.
Chị Chanh trả lời, mắt nhìn lơ nơi
khác.
Tôi đi
sát cạnh chị, ngửi thấy mùi hoa lá thơm hăng hắc từ người chị
phát ra. Tôi dang ra xa nhìn lưng chị, thấy có nhiều cánh hoa xen
lẫn cỏ dính trên lưng. Tôi lấy tay phủi lưng chị. Chị ngồi xuống
ôm tôi khóc:
–
Chị chết mất em ơi!
– Răng chị nói rứa?
– Anh Cúi...
– ...Làm chi chị rứa?
– Không có chi cả. Tại chị nữa.
Chúng tôi im lặng về nhà. Mọi người đều
đi ngủ.
Một
buổi chiều chị Chanh đi đâu về, mặt tái như chàm, vào phòng ba mẹ
tôi thì thầm với ba mẹ tôi. Ba tôi vội lên nhà trên nói với ông
tôi. Đêm hôm đó tôi thức dậy nhìn đồng hồ thấy hơn 3 giờ. Một lát
sau ông tôi xuống chỗ tôi đang ngủ. Tôi lạ lùng nhìn ông. Ông vốn
không để râu, nhưng chưa đầy một đêm râu ông mọc ra dài che cả
cổ. Thường ngày ông không quấn khăn trên đầu, mà lúc bấy giờ lại
quấn. Áo quần cũng khác thường ngày. Ông ôm hôn tôi rồi ra chuồng
trâu dắt trâu đi. Tôi càng lúc càng lạ lùng. Có bao giờ ông đụng
đến con trâu đâu. Đó là công việc của chú Cận, người giúp việc
đồng áng cho gia đình. Tôi thấy có điều gì bất thường, muốn ngủ
lại mà ngủ không được. Chừng nửa giờ sau tôi nghe có ba, bốn
tiếng súng nổ từ phía cánh đồng trước nhà. Ở đó có một đồn Tây và
có cả trạm gác của du kích. Sáng sớm hôm sau có hai du kích mang
súng vào nhà tôi. Một người hỏi:
– Ông Lãnh đâu?
Ba tôi nói:
– Thầy tôi đi Điện Tiến thăm em tôi.
Hai người đưa tờ giấy cho ba tôi, rồi
ngang nhiên đi lục lọi khắp nhà. Tôi nhìn ba tôi, thấy vẻ mặt ông
không tỏ ra lo sợ, mà hình như còn vui mừng.
Hai du kích ra về. Một lát sau anh Cúi
cùng vài người nữa đến nhà. Vẻ mặt anh hầm hầm. Anh nhìn trước
nhìn sau rồi nói lớn:
– Cái nhà này lớn thiệt đó nhưng không
giấu được kẻ gian mô. Ông Lãnh ở mô, kêu ông ra đầu thú, may được
khoan hồng.
Ba
tôi nói:
–
Thầy tôi làm cái chi mà anh nói gian.
– Tui không nói với ông. Ủy ban sẽ nói
với ông.
Anh
ta và mấy người đi theo ra về.
Chờ họ đi rồi ba tôi nói với mẹ tôi:
– Rứa là Thầy thoát được rồi.
Mẹ tôi nói:
– Tui chỉ ngại mấy tiếng súng.
– Đây là tiếng súng Tây. Du kích có dư
đạn đâu mà bắn, dư cũng không dám bắn vì sợ Tây bắn lại.
– Nhưng Tây bắn cũng nguy...
– Tất cả dấu đạn đi đều bay lên trời.
Tui lên lầu quan sát cả đêm. Vài ba bữa nữa là mình biết tin thầy
từ Đà Nẵng.
–
Cũng nhờ con Chanh.
– Nhờ thằng Cúi nữa. Nó đóng kịch cũng
hay thiệt.
–
Không biết mình trả ơn nó cách chi đây.
– Gả phứt con Chanh cho nó.
– Không gả cũng không xong. Con Chanh
nói với em hết rồi. Tháng ni nó không thấy kinh. Một tuần rồi.
– Vậy sao!
Nhưng rồi chị Chanh không có thai như
chị và cả nhà lo sợ. Tôi không hiểu vì sao mà tôi cũng không tiện
hỏi.
Vài ngày
sau đúng như lời ba tôi nói, ông tôi đang ở Đà Nẵng.
Thời kỳ đó tổ chức Việt Minh tại vùng
tôi còn lỏng lẻo nên chuyện điều tra về việc ông tôi “mất tích”
cũng chẳng ai làm đến nơi đến chốn. Có những cán bộ kinh tài Việt
Minh xâm nhập Đà Nẵng gặp ông tôi, về làng thuật lại, cũng chẳng
ai cho là chuyện “khó tin nhưng có thiệt”.
Gần Tết Canh Dần 1950 Việt Minh vùng
tôi phát động “Chiến dịch triệt hạ nhà cửa”, giống như “Tiêu thổ
kháng chiến” vì những kẻ phá nhà đến đọc lệnh trong đó có câu:
“Để nhà lớn Tây đóng đồn”. Sau này khi đã trưởng thành tôi thấy
thôn làng tôi, chỗ mấy cái nhà bị phá không phải là nơi thuận
tiện để đóng đồn. Đóng đồn chỗ đó chẳng khác nào để xe gắn máy
không khóa trước chợ Bến Thành. Vậy thì vì lý do gì nhà ông nội
tôi và nhà các ông “Chiếu trên” bị phá. Câu trả lời tôi nghĩ đúng
nhất là Việt Minh muốn gợi lòng căm thù ghen ghét nơi “những thứ
không ra gì”, nâng họ lên, để lợi dụng họ.
Ngày 24 Tháng Chạp, năm Canh Dần 1950,
một đoàn người, phần nhiều là dân vùng khác, kéo đến nhà ông bà
nội tôi. Người chỉ huy vào nhà hỏi lại lần thứ nhì chúng tôi đã
dọn tất cả đồ đạc, áo quần, tư trang... xuống ngôi nhà nhỏ chưa,
rồi đoàn người bắt đầu đập phá. Tôi ra ngoài đứng xem. Hàng xóm
cũng đổ xô ra xem. Trong số này có thằng em họ cỡ tuổi tôi. Nó
đứng bên tôi nói:
– Nhà tư bản.
Thằng em này là một trong những thằng
bẻm mép, nhiều chuyện nhất. Tôi không hiểu sao nó nói vậy khi
trước đó nó chơi thân với tôi, đến nhà ông tôi thường xuyên. Nó
hả hê hay nó tự an ủi: Chỉ nhà cao cửa rộng mới bị đập, còn nhà
nó thì không.
Tôi không muốn đứng gần nó nữa. Tôi vào nhà, thấy bà nội tôi đang
thút thít khóc, những người khác chỉ ngồi im lặng. Tôi nhìn ra
ngoài, mờ cả mắt vì bụi xi–măng bay mù mịt. Ngói rơi rớt đầy sân.
Gỗ gãy ra thành nhiều đoạn... Đoàn người đập phá đến chiều tối
mới chỉ được nửa cái nhà. Qua ngày hôm sau chỉ còn cái nền nhà.
Mấy ngày sau nhà cửa của các người “Chiếu trên” cũng cùng chung
số phận.
******
Mùa hè
năm 1950 Tây bắt đầu càn quét ráo riết Việt Minh. Tây từ Đà Nẵng
phối hợp với Tây ở các đồn bót trong vùng. Anh Cúi và các thuộc
cấp của anh nấp trong các ruộng lúa hay trèo lên các cây cao để
quan sát đường xe lửa cách đó 3, 4km. Anh Cúi có ống nhòm nên anh
là người đầu tiên phát hiện ra Tây đang vượt qua đường xe lửa.
Anh thổi còi tu–huýt. Cha anh nấp đâu đó ở phía sau đánh mõ liên
hồi.
Tất cả
đàn ông thanh niên và phụ nữ trẻ trong làng đều chạy trốn, chỉ
còn người già và con nít ở lại. Lần đầu tiên tôi nghe tiếng mõ
này, lúc đầu nhỏ sau lớn dần. Khi tiếng mõ chấm dứt là lúc tôi
ướt hết cả quần vì nước tiểu. Sau tiếng mõ là mùi... Tây. Cái mùi
hăng hắc, thơm thơm mà lúc đầu tôi tưởng chỉ Tây mới có. Thật ra
đó là mùi thuốc súng. Tây đi càn quét gặp bất cứ cái gì nghi ngờ
đều bắn. Mùi thuốc súng theo gió bay xa cả cây số. Một toán lính
đủ loại người, da ngăm ngăm, trắng, đen, vàng mà hồi đó tôi không
biết là người gốc nước nào, lăm lăm súng chỉ vào mọi người. Lát
sau có anh Tây trắng mang súng lục đi vào. Thấy không có ai đáng
bắt, đáng bắn, toán Tây đi qua nhà khác.
Mấy tháng sau có một toán lính Tây từ
đồn Dương Sơn gần đó đi càn quét. Những người chạy trốn không
chạy trốn được vì có lính dù bao vây, nên đã trốn xuống hầm bí
mật đào sẵn theo lệnh Ủy ban. Hầm bí mật là một cái hầm có nắp
đậy. Nắp có chu vi vừa để một người chui qua lọt. Đó là một khung
gỗ hình chữ nhật có đáy chứa đất trồng cỏ hay lá. Ba tôi đã chui
kịp xuống hầm. Chị Chanh chui xuống không kịp, phải ở lại cùng
đám bà già và con nít. Trong số này có những người hàng xóm qua
ẩn náu nhờ, có lẽ vì họ nghĩ nhà tôi thân Pháp.
Toán lính đồn Dương Sơn tương đối hiền,
không lăm lăm súng trên tay. Một anh Tây trắng cùng một người
thông dịch Việt, vào nhà tôi nhờ nấu nước uống. Đây là anh quan 1
(tức Thiếu úy), Trưởng đồn. Anh ta nhìn đám đàn bà con nít rồi
chỉ chị Chanh. Chị bình tĩnh bước ra đốt củi nấu nước. Anh Tây
ngồi nơi ghế nhìn chị Chanh không chớp mắt, rồi bảo anh thông
dịch nói gì đó với chị. Chị Chanh chỉ cười.
Một hôm ba tôi gọi mọi người vào phòng,
thì thầm:
–
Pháp càng lúc càng tiến, Việt Minh cũng không chịu thua. Ta ở
giữa e chết hết. Tui định một là di cư vào vùng tự do như Tam Kỳ,
Quảng Ngãi... hai là tìm đường ra Đà Nẵng với Thầy.
Mẹ tôi nói:
– Vào vùng tự do cũng khổ, thiếu thốn,
lại sợ máy bay. Ra với Thầy thì ruộng nương mất hết, mà mô phải
dễ.
Mọi người
im lặng. Chị Chanh lên tiếng:
– Con có ý kiến. Nên ra với ông.
– Mi biết chi mà chõ miệng vô.
Thím tôi la chị Chanh. Thím la chị ngay
cả khi chị nói hay làm điều gì vừa ý thím.
Ba tôi nói:
– Tôi cũng có ý kiến nên ra Đà Nẵng.
Nhưng không biết đi cách nào. Rủi bị bắt lại, Việt Minh không tha
tui mô.
Một
hôm Tây đồn Dương Sơn lại đi đến làng. Anh Tây lại nhờ nấu nước.
Lần này anh Thiếu úy nói chuyện với chị Chanh qua anh thông dịch
hơi lâu. Trước nói lớn, sau thì thầm.
3 ngày sau Tây đồn Dương Sơn lại tới.
Lần này chúng chỉa súng vào tất cả mọi người, chia nhau lục lọi
khắp nơi. Một lát sau có tiếng reo hò từ phía bụi tre. Một anh
Tây đen xuất hiện nơi cửa, đang nắm cổ áo ba tôi lôi ông vào nhà.
Tôi không tin ở mắt mình nữa. Có phải ba tôi đó không. Ông đã đi
trốn rồi mà. Vài người lính đến chỗ ba tôi trói ông lại. Một số
lính khác lùa cả gia đình tôi ra ngõ, dẫn giải về đồn Dương Sơn.
Chuyện bắt bớ trên đây chỉ là một kịch
bản của chị và anh Trưởng đồn.
Sáng hôm sau chúng tôi được xe GMC chở
xuống Đà Nẵng.
Chúng tôi đã sum họp với ông tôi. Chị
Chanh ở lại đồn Dương Sơn với anh Tây quan 1. Dĩ nhiên chị không
còn cặp kè với anh Cúi nữa. Thím tôi lại có cớ thóa mạ chị: Đồ đĩ
điếm, me Tây, lang chạ hết thằng này đến thằng nọ, lang chạ ngay
từ ngoài Huế.
Tôi biết chắc không phải chị lang chạ như thím tôi nói. Tôi vẫn
còn nhớ lại tiếng thút thít của chị sau đêm diễn kịch: ... “Chị
chết mất em ơi. Anh Cúi...”
*****
Chị Chanh và anh quan 1 đã chết khi
Việt Minh tấn công đồn Dương Sơn năm 1952. Anh Cúi cũng bỏ mạng
trong trận này. Ông Bà Nội tôi mất vì tuổi già. Ba Mẹ tôi cũng đi
về bên kia thế giới. Đến năm 1964 trong đại gia đình chúng tôi
chỉ còn tôi và thím tôi ở trên đời, để tôi nghe thím tiếp tục
thóa mạ người mà cả gia đình mang ơn.
Tôi ngạc nhiên tự hỏi ngoài việc thím
đã giữ tiết hạnh sau khi chú tôi mất bằng cách không tái giá,
thím đã làm được gì như chị Chanh, giúp đỡ được gì cho ai. Thêm
nhiều năm qua đi, bà thím tôi nay cũng đã qua đời. Qua tuổi tri
thiên mệnh, tôi hiểu ra việc phải giữ tiết hạnh.
Tết này nữa là đúng 70 năm.
Bồ Tùng Ma
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by CATHY chuyển
Đăng ngày Thứ Hai, January 16, 2023
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang