Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Truyện
Ngắn
Chủ đề:
tình đầu
Tác giả:
Hương Thủy
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Tôi sinh ra và lớn lên trên
dải đất nghèo miền Trung. Thành ngữ dân gian gọi là nơi “chó ăn
đá, gà ăn sỏi”, hiện thực hơn người ta thường nói đây là miền
“nắng cháy da, mưa thúi đất”, báo chí thì dùng biệt danh “Vùng
hỏa tuyến”. Trong nhạc của ca sĩ Duy Khánh –người đồng hương– có
câu than thở “Quê hương em nghèo lắm ai ơi! Mùa Đông thiếu áo, hè
thời thiếu ăn...” Đó chính là Quảng Trị.
Ấy thế mà nào tôi có được coi là dân
thị xã. Làng của tôi thuộc 1 vùng quê nằm ngoài rìa, dọc theo
Quốc lộ 1. Làng có cái tên rất hay: Long Hưng nhưng dân chúng
quanh năm chúi đầu trên những thửa ruộng cằn khô, không biết lúc
nào mới được là “Rồng vươn lên” như tên gọi? Làng nghèo đến mức
tên người cũng ít khi thêm được cái chữ lót như một nhà văn từng
nhận xét. Làng nổi tiếng vì thổ ngữ đặc biệt. Hễ chúng tôi thốt
ra câu nào là đã nghe nhận xét: “A, dân Long Hưng.”
Dân Long Hưng chỉ có một niềm tự hào là
giỏi Toán.
Dù
nghèo nhưng hầu hết nam sinh của làng đều thi đậu vào ngôi trường
trung học công lập danh giá của thị xã: Trường Nguyễn Hoàng. Các
giáo sư phần đông là người Huế, hàng tuần đi xe taxi ra dạy. Họ
thường khen chúng tôi về sự thông minh, đặc biệt là trong mục
“Toán chạy”; đây là loại toán hầu như chỉ dành cho học sinh giỏi.
Mạ tôi thường lấy gương của một người làng là Bác sĩ Văn Tần để
răn dạy 2 anh em chúng tôi cố gắng học hành.
Mặc cảm con nhà nghèo khiến tôi ít khi
trò chuyện với ai, đặc biệt với các bạn nữ trong lớp. Mỗi lần tôi
nói câu gì, tụi bạn hay trêu “Cóc mở miệng”. Điều đó càng làm tôi
câm lặng hơn. Con trai 17, 18 thường đỏm dáng. Đi học đã biết
vuốt tóc láng mượt bằng nước lạnh, miệng ngậm điếu thuốc Ruby
Queen, viết thư tỏ tình với bạn gái. Riêng tôi “nhà quê” trong
chiếc áo ngã màu cháo lòng, quần xanh bạc phếch...
Lên đệ nhị cấp, chúng tôi bắt đầu lo
lắng với lệnh tổng động viên vừa ban bố. Phải cố mà thi đậu. “Rớt
Tú tài anh đi trung sĩ”. Chiến tranh đã bao phủ cả quê hương. Đêm
đêm nghe tiếng đại bác rền vang, máy bay quân sự bay về phía Gio
Linh, Cam Lộ rợp trời, nhà nhà chuẩn bị những cái hầm trú ẩn bằng
bao cát quân đội. Thỉnh thoảng đã có nhà trúng đạn pháo kích của
Việt cộng, tiếng khóc than vang trời dậy đất.
Tôi may mắn đậu Tú tài 2 không phải vào
Thủ Đức “thức đủ năm canh” như các bạn nam cùng lớp. Nhưng tôi
“out” khi cố chen chân vào Đại học sư phạm Huế. Đành phải ghi
danh học MPC ở Đại Học Khoa học. Đi dạy kèm gặp bà chủ ác nghiệt,
tôi lên giảng đường bữa đói bữa no. Ngày về làng xin tiền mua
sách, tôi ứa nước mắt nhìn mạ lần mò chiếc kim băng mở túi áo lôi
ra những đồng bạc lẻ. Sau bao đêm trằn trọc, tôi dặn dò thằng em
lớp 11 cố học cho mạ yên tâm rồi quyết định thi vào khóa 28
Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam vào năm 1971 theo lời khuyên của
anh Hoàng Tấn, K25, người Quảng Trị. Nguyên văn lời anh: “Tất cả
có chính phủ lo. Ra trường, ngoài bằng tốt nghiệp (Võ) còn có
thêm bằng Cử Nhân Khoa Học Ứng Dụng (Văn). Học 4 năm với chương
trình đại học lại được xem như văn võ song toàn. Đó cũng là một
lựa chọn tốt cho người trai thời loạn muốn thỏa chí tang bồng...”
Cuối tháng 12 năm 1971 tôi nhập trường.
Người Pháp tôn vinh Đà Lạt là Deuxième Paris; có bản nhạc ca ngợi
“Ai lên xứ hoa đào”; văn chương hết lời tán dương những cô gái má
đỏ môi hồng. Nhưng qua mùa Tân Khóa Sinh, khi đã khoác lên mình
bộ quân phục ka–ki vàng với cầu vai alfa đỏ, được ra phố cuối
tuần tôi cũng chẳng biết đi đâu ngoài mấy vòng loanh quanh ở khu
Hòa Bình, hay chui vào ciné Ngọc Lan hoặc Ngọc Hiệp rồi xuống mấy
chục bậc cầu thang leo xe Dodge về lại trường. Thôi, những lần
sau đành ở lại phòng, làm bạn với mấy thằng cù lần, lôi Anh văn
ra học vì thuộc loại “dốt” ngoại ngữ và nhận biệt danh là nhóm
“Lờ quờ”. Thằng Thế Hân có biệt danh “Hân gà” vì thấy gái là mặt
đỏ au và lúng túng như gà mắc tóc. Thằng Kim Long, lai Miên, gốc
Trà Vinh, luôn được đại đội phó “ưu ái” cho đi gác Đài Tử Sĩ
nhưng cứ cười tươi... Cả bọn không bao giờ có vinh dự được gọi
tên ra hội quán Huỳnh Kim Quang gặp người thân chứ đừng nói chi
đến chuyện gặp đào!
Trời không thương nhà nghèo, Quảng Trị
trở thành chiến địa ác liệt vào “mùa hè đỏ lửa” năm 1972. Mạ tôi
và đứa em may mắn vượt qua Đại Lộ Kinh Hoàng vào ở trại tạm cư
Hòa Khánh–Đà Nẵng, hằng tháng ăn gạo trợ cấp. Thôi thế là tôi
không bao giờ còn được trở về căn nhà tranh với bao nhiêu kỷ niệm
buồn vui thời thơ ấu. Làng tôi, Ngã Ba Long Hưng –được nhắc nhiều
lần trong cuốn Mùa Hè đỏ lửa của nhà văn quân đội Phan Nhật Nam–
đã tan nát, điêu tàn! Mặc cảm chồng chất mặc cảm, tôi co mình
trong vỏ ốc, tháng tháng dành dụm chút tiền lương cấp trung sĩ ít
ỏi, gởi về phụ mạ nuôi em.
Tháng 11 năm 1972, khóa 27 và 28 trường
Võ Bị nhận lệnh đi công tác Chiến tranh chính trị miền Trung. Tôi
được phân công về Huế. Thành phố thơ mộng hiền hòa bên dòng sông
Hương như sôi động hẳn lên bởi hình ảnh hào hùng của các chàng
trai cằm gập vuông góc, đi đứng oai phong. Anh chàng Ngọc cùng
đại đội vỗ vai tôi:
– Gái Huế dễ thương thật! Mày có bạn
nhiều giới thiệu cho tao một em.
Tôi cười méo xệch:
– Kiếm đâu ra!
Ấy thế mà tuần sau đã thấy Ngọc ngồi
với 1 nàng trong quán chè Sầu, miệng mồm như tép nhảy. Thằng
Thanh, tóc hớt 3 phân lộ ra mấy cái sẹo to tổ bố cũng quen một em
Đồng Khánh hẳn hoi. Chỉ có tôi lủi thủi ngồi cắt dán mấy cái khẩu
hiệu với thằng Tập. Thằng này đã có người yêu ở Củ Chi và tự hứa
tuyệt đối chung tình.
Thật sự tuổi thanh niên ai chẳng rung
động trước những bóng hồng. Thời học lớp 12, tim tôi đã từng hồi
hộp với 1 cô bạn cùng lớp. Em có mái tóc xõa ngang vai, hiền hòa
và học giỏi. Nhưng nhà em kín cổng thâm nghiêm và tôi chưa một
lần hé môi. Tôi biết em đang học ĐHSP Huế khoa Vạn Vật nhưng cũng
không dám tìm gặp. Liệu em còn nhớ tôi, thằng cù lần hôm nay đã
mang quân phục nhưng vẫn mãi cù lần. Vậy là trong khi các bạn vi
vu cuối tuần với các nàng ở chè Cồn Hến, bánh bèo Tây Thượng, cà
phê Góp Gió... tôi ôm cây đàn guitar bị đứt dây ngồi nghêu ngao
“Sao em không đến chiều nay Thứ Bảy?” Niên trưởng Hưng, K27 tò mò
nhìn tôi: “Hiệp có bình thường không?” Dù sao tôi cũng không phải
rơi vào tình trạng gởi thư xin tiền nhà như mấy thằng bạn. Mạ tôi
nghèo kiếm đâu ra tiền!!!
Về Trường 3 tuần, chúng tôi lại được
lệnh đi tiếp đợt 2. Hiệp định Paris vừa ký kết, phải tăng cường
công tác CTCT. Lần này đại đội tôi được phân công về Quảng Nam–Đà
Nẵng. Mấy thằng bạn có đào ở Huế méo mặt tưởng đâu phen này được
“tái nạm” em yêu. Máy bay C130 hạ cánh xuống phi trường Hòa
Khánh, tôi có cơ hội vào Trại tạm cư thăm mạ, nhét cho thằng em
ít tiền và mấy lời khuyên, rồi lên xe GMC vào Quảng Nam.
Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Quảng
Nam là Đại tá Lê Trí Tín. Ông xuất thân từ quân trường Đà Lạt, và
trước đây, ông cũng từng ở trong khối Quân sự vụ của Trường Võ Bị
nên quan tâm rất chu đáo đến các khóa đàn em. Chúng tôi được cung
cấp ưu tiên lương thực, thực phẩm rồi chia ra từng toán nhỏ về
các Chi khu. Có toán lên tuốt luốt vùng đồi núi Thường Đức, Quế
Sơn; gần gần thì Đức Dục, Điện Bàn, Đại Lộc... đẻ bọc điều thì ở
ngay thị xã Hội An. Riêng nhóm tôi về Duy Xuyên.
Duy Xuyên là 1 vùng đất cách Đà Nẵng
khoảng 45km phía Tây Nam, nằm dọc theo bờ Nam con sông Thu Bồn
thơ mộng, con sông đi vào thơ ca của người xứ Quảng. Tôi chưa một
lần đến đây nhưng đã thuộc mấy câu thơ của Tường Linh thời trung
học:
Tôi nghĩ
về một dòng sông
Dòng sông quê hương có
đôi bờ đất mật
Có những tên làng tôi yêu
mến nhất
Có triền xanh, gành xám, bãi
vàng
Những hàng cừ xe gió nước reo vang
Những thác xiết, nhọc nhằn thuyền lên ngược
Nguồn hai ngã, lòng sông chung nguồn nước
Khúc cạn khúc sâu, phía lở phía bồi
Sông Thu Bồn thương nhớ
của ta ơi!
–(Dòng nhớ thương chảy mãi qua
hồn).
Một quận
nghèo nhưng hiền lành với những căn nhà nhỏ nép mình sau vườn
khoai sắn xanh ngắt, những ruộng dâu bạt ngàn. Chúng tôi ở trong
chi khu, hằng ngày phân tán thành những nhóm nhỏ làm công tác dân
vận ở các xã như Xuyên Thọ, Xuyên Châu, Xuyên Hòa, Xuyên Phú...
Thằng Sanh, nổi tiếng hào hoa, đi một vòng phố chợ rồi về nói với
cả nhóm:
– Mấy
cô nhan sắc trung bình trở lên đều là “hoa có chủ” của các anh
công tác đợt 1 hết rồi, tao quay về mái nhà xưa thôi.
Nói xong hắn lúi húi viết thư hẹn hò
với em Thành Nội!
Nhớ lần ở Huế, nhóm tôi được thằng Tiến
mời tới nhà ăn giỗ. Cả một bàn dài có đến mấy chục món nhưng món
nào cũng bày chút chút trong những chiếc dĩa nhỏ xíu. Báo hại cả
bọn lúc về phải ghé chợ Đông Ba mua thêm chục mì gói. Thằng Quảng
dân Bến Tre cằn nhằn:
– Chịu không nổi kiểu cách của “Dân các
Mệ”. Cả bàn, tao quơ đũa một phát là sạch bách. Ăn vậy hèn chi
gái Huế cái eo nhỏ chút xíu trông thấy mà thương!
Còn đây, người xứ Quảng mộc mạc chơn
chất như những món ăn của họ. Khoai lang Trà Đỏa củ to bằng cái
đầu con nít, vỏ trắng ruột vàng phải cắt năm xẻ bảy đem nấu, bột
khoai thơm phức nghẹn tới cổ họng. Ăn món gì cũng có cái bánh
tráng kèm theo, không nướng thì nhúng nước cuốn. Lần đầu tiên tôi
biết món Mì Quảng, niềm tự hào của dân Quảng Nam. Cách nấu không
cầu kỳ như bún bò Huế nhưng cách ăn trông thật ngon với những cây
cải non, sợi mì trắng, miếng sườn heo, con tôm chiên vàng óng,
mẩu bánh tráng giòn tan trong miệng, tay cầm trái ớt xanh cắn cái
bụp... Có lần lãnh lương, cả bọn kéo nhau đi ăn đặc sản Bê Cầu
Mống ở đầu cầu Câu Lâu thuộc quận Điện Bàn, tôi ngớ người ra khi
nghe chị chủ quán nói “Chừng nuớ bua rùa. Đừng bỏa nữa mòa mẹn!”
(Chừng đó vừa rồi. Đừng bỏ nữa mà mặn)! Dường như tôi đang nghe
lại cái giọng Long Hưng quê kiểng xứ mình!
Tuổi thanh niên thấy gái như nam châm
hút sắt. Qua 2 tuần lại thấy các chàng SVSQ bắt đầu có cặp khi có
màn trình diễn văn nghệ với các cô giáo trường Phan Bội Châu. Anh
chàng Sanh phát hiện ra “Vẫn còn nhiều em coi ngộ lắm, mà là hoa
chưa có chủ mới tuyệt!”
Thật sự, con gái vùng Điện Bàn, Duy
Xuyên khá dễ thương. Họ không tiểu thư như gái Huế. Đa số có một
vẻ đẹp khỏe mạnh, làn da trắng mát do vùng đất này xưa kia chuyên
dệt lụa nuôi tằm. Họ ăn nói mạnh bạo và khá tự nhiên trong giao
tiếp nhưng với bản chất rụt rè của mình, tôi chẳng kiếm được 1 em
để dung dăng thị xã Hội An như các bạn.
Vào một ngày Thứ Bảy, nhóm tôi đi đắp
đất làm đường ở xã Xuyên Châu. Cuối tuần nên anh nào trông cũng
vội vàng để về văn nghệ văn gừng với các cô giáo. Gần 3 giờ, nhóm
“Lờ quờ” gồm tôi, Thế Hân, và Kim Long nhận bao giàn cho các bạn
làm nốt đoạn cuối cùng. 3 thằng con nhà ruộng đồng, lại không có
em nên chúng tôi nhẩn nha cho đến xế chiều. Thấy một căn nhà có
cái cổng vào bị lún, 3 thằng thấm nhuần công tác dân vận làm
luôn. Mọi việc hoàn tất, chúng tôi vào nhà xin rửa chân tay.
Người thiếu phụ, chủ nhà, khoảng trên 50, nét mặt còn vương nét
một thời xuân sắc, không có vẻ mặn mà khi giao tiếp, chỉ chúng
tôi ra giếng sau vườn.
Cái giếng được bao bọc bằng những viên
đá ong mang dấu ấn thời gian. Nước giếng trong vắt và mát lạnh.
Một cây ngọc lan tỏa bóng mát với những búp hoa còn xanh nhỏ nhắn
như ngón tay út của người thiếu nữ đẹp. Tôi đưa tay vít một nhánh
thì bỗng có... trái khế cắn dở bay vèo vào cánh tay. Ngước nhìn
lên, cách đó khoảng 5 mét, một cô gái đang vắt vẻo trên cành khế
cổ thụ. Tôi nghĩ thầm: “Cô này mà bắn tỉa thì hết sẩy!” Không
hiểu trời xui đất khiến thế nào mà hôm nay Cóc tôi mở miệng:
– Xin cái hoa, làm gì dữ vậy cô em?
– Nhưng nó đang xanh, hái thấy thương!
– Vậy cô em “trả công” chúng tôi cái gì
đây?
Tưởng nói
đùa cho vui, nhưng ai ngờ cô ta nhảy xuống và đi tới chúng tôi
với một túi khế trên tay. Cô khoảng 18, 19 tuổi, mái tóc dài, làn
da trắng hồng. Kim Long buột miệng: “Ui! Chu cha...”
Chưa nói được câu nào thì từ trong nhà
có tiếng gọi:
– Hạnh, vào nhà ngay!
– Dạ...
Cô gái lè lưỡi, nhét vào tay tôi túi
khế nặng rồi chạy biến. 3 thằng ra về với “thành quả lao động”.
Tối hôm ấy, cả nhóm được tráng miệng
với những trái khế vàng ươm, ngọt thanh. Thế Hân thắc mắc:
– Sao bà mẹ coi bộ hổng có cảm tình với
bọn mình? Anh chàng Thu đào hoa góp chuyện:
– Chắc bả sợ con gái rơi vào tay tụi
bây, lũ gian ác!
Dù sao tôi cũng đã biết cô gái tên Hạnh
và... một cái nốt ruồi lớn ngay dưới chân mày bên trái. Có lẽ,
biết cũng để cho vui thế thôi. Cù lần như tôi nước gì!
*****
Chiều Chủ Nhật, tôi từ Chi khu ra cái
quán nhỏ ở góc chợ thuê mấy cuốn truyện chưởng của Kim Dung về
đọc cho qua ngày đoạn tháng. Cô chủ tên Dung, nghe đâu cũng là
“hoa có chủ” của một anh K27. Đang lúi húi tìm thứ tự mấy cuốn
Thiên Long Bát Bộ, bỗng nghe một giọng nữ phát ra từ cửa quán:
– Chị Dung, tìm cho em cuốn “Áo tiểu
thư” của Duyên Anh. Răng chị...
Câu nói ngắt ngang nửa chừng khi cô gái
nhận ra có bóng người trai lạ đứng trong góc. Tôi nhìn ra. Đó
chính là cô gái có cái nốt ruồi trên chân mày ngày qua...
Sau này, khi quen nhau, Hạnh vẫn hay
nói đó là duyên kỳ ngộ. Em bảo nhà em không ai thích lính. Cũng
đúng thôi, nhà thơ Hữu Loan đã viết “Lấy chồng chiến binh, mấy
người đi trở lại” cơ mà. Tôi trêu:
– Ghét của nào trời trao của ấy!
Em cúi mặt buồn buồn. Hạnh là con gái
duy nhất của gia đình. Tên em đơn giản là Trần thị Hạnh. Em kể ba
chết từ lúc mới sinh, mẹ ở vậy nuôi em khôn lớn. Em vừa tốt
nghiệp lớp cán sự y tế ngoài Đà Nẵng, về quê thăm mẹ trong lúc
chờ bổ nhiệm. Tôi thở phào. Em ra trường sớm mấy tháng, có khi lũ
bạn công tác đợt 1 đã dzớt mất rồi.
Tôi trở lại thăm má Hạnh mấy lần theo
lời anh chàng Sanh cố vấn “attack at home” nhưng lần nào cũng gặp
một nét mặt lạnh lùng. Má Hạnh tránh tiếp xúc hoặc chỉ trả lời
nhát gừng những câu hỏi chân tình của tôi. Nhìn bà, tôi liên
tưởng đến nhân vật nữ Anh Cô căm thù đàn ông vì bị Đoàn Nam Đế
phụ tình trong cuốn Anh hùng xạ điêu của Kim Dung. Có lần tôi còn
thấy mắt Hạnh hoe hoe đỏ như vừa mới khóc xong.
Chúng tôi đành biến quán cho thuê
truyện của cô Dung thành nơi hò hẹn. Giai đoạn đầu chẳng biết nói
chuyện chi, cứ đem mấy cuốn truyện ra mà tán về các nhân vật hoặc
chuyện nắng mưa... Ấy thế mà vắng nhau 1 ngày đã thấy nhơ nhớ...
Nhưng có lẽ tình yêu làm cho người ta thông minh ra. Nghe bạn bè,
một chiều Thứ Bảy tôi bạo gan rủ nàng đi chơi nhà thờ Trà Kiệu.
Mượn chiếc Honda Dame của cô Dung, tôi chở Hạnh lên đường.
Nhà thờ núi Trà Kiệu nằm trên ngọn đồi
Bửu Châu cao khoảng 60 mét thuộc xã Xuyên Kiệu. Đó là 1 ngôi nhà
thờ cổ được trùng tu từ thế kỷ 19. Đứng ở tháp chuông, chúng tôi
nhìn xuống và ngợp trong màu xanh biêng biếc của cây lá dọc theo
hai bờ của dòng sông Thu Bồn thơ mộng. Hàng me tây cổ thụ che rợp
mát khu vực nhà thờ và gần đó là 1 ngôi trường tiểu học do các nữ
tu đảm trách. Những chiếc áo choàng đen trong bóng chiều tạo nên
một vẻ đẹp nao lòng. Hạnh cúi đầu kính cẩn khi đi qua những bức
tượng tái hiện 14 chặng đường Thánh giá của Chúa Giê–su. Nàng chỉ
cái giếng nước mà người xứ đạo phong là giếng nước Thánh. Ai chân
tình cầu nguyện khi uống sẽ toại nguyện với ước vọng của mình.
Hai đứa cùng ngậm ngụm nước mát. Hạnh nhắm hai mắt lại giây lâu.
Tôi hỏi em cầu nguyện điều chi? Em thầm thì: “Bí mật!”
Chúng tôi ngồi nghỉ mệt bên một triền
bắp ven sông. Hạnh nói với tôi cách đây khoảng 25km là Thánh địa
Mỹ Sơn, Vương quốc của triều đại Champa cũ. Tiếc rằng chúng tôi
không đến được vì lý do mất an ninh. Ánh nắng chiều trải trên
dòng sông Thu, gió mơn man như quạt hầu. Dòm kỹ cái nốt ruồi của
em coi thật ngộ. Nó hồng hồng và nổi như một hạt đậu cuối chân
mày. Em đỏ mặt xấu hổ khi thấy tôi cứ dòm chằm chằm vô mặt. Tôi
kể cho em nghe về làng quê của mình, về tuổi nhỏ chăn trâu cắt
cỏ, về góc vườn mỗi khi giận mạ thường ra ngồi gục mặt rồi ngủ
thiếp lúc nào không hay... Hạnh chủ động cầm tay tôi bóp chặt.
Tôi nghe rõ hơi thở dồn dập của em. Và thằng con trai 22 tuổi lần
đầu tiên biết thế nào là câu hát của Phạm Duy phổ thơ Nguyễn Tất
Nhiên:
“Uống
ly chanh đường,
uống môi em ngọt...”
Chúng tôi đã... thật sự yêu nhau từ
giây phút đó. Có Hạnh tôi bớt cù lần hơn. Nhóm “Lờ quờ” mất cái
đầu tàu. 2 thằng bạn bắt tôi bao một chầu Mì Quảng ở Ngã ba Nam
Phước trước khi từ giã nhóm. Chuyện nhỏ đối với một gã trẻ tuổi
đang say hương vị tình yêu!
Chúng tôi đã có những ngày thật thú vị.
Hạnh đưa tôi đi Hội An thăm lại ngôi trường Trần Quý Cáp thời
nàng học trung học. 2 đứa lên Chùa Cầu nhìn tượng con chó và con
khỉ, lang thang trên con đường nhỏ dọc sông Hoài ngắm những ngôi
nhà lợp ngói âm dương. Tôi biết thêm món ăn độc đáo xứ Hội như
cao lầu, bánh tráng đập Cẩm Nam, chén chè “chí mà phù” của ông
Tàu già trên phố Nguyễn Thái Học. Có một điều làm tôi cảm động,
dù hơi ngượng, là thỉnh thoảng khi trả tiền, cô chủ quán bảo “cô
bạn anh trả trước rồi”.
Mỗi lần như thế, Hạnh bảo:
– Để mặc em, cho nó vui.
Nhưng có lẽ Hạnh thích nhất là khi tôi
tặng nàng tập thơ “Thuở làm thơ yêu em” của Trần Dạ Từ. Đến bây
giờ tôi vẫn còn nhớ rõ cái màu cà phê sữa của cuốn sách. Những
câu thơ tài hoa như dành riêng cho chúng tôi trong bài thơ Nụ hôn
đầu:
“Lần đầu
ta ghé môi hôn
Những con ve nhỏ hết hồn
kêu vang
Vườn xanh, cỏ biếc, trưa vàng
Nghìn cây phượng vĩ huy hoàng trổ bông...”
Tôi ghi dòng chữ trên đầu trang: “Để em
đọc khi nhớ anh”. Hạnh bảo:
– Đây sẽ là cuốn sách gối đầu giường
của em. Mãi mãi.
Khi yêu Hạnh, thật sự tôi đã nghĩ đến
một mái ấm gia đình. Lăng nhăng không phải là bản chất của thằng
tôi cù lần. Chúng tôi còn hơn 2 năm để nuôi dưỡng tình yêu. Nhưng
thật khó khăn khi tiếp cận với má nàng để bà hiểu tôi là người tử
tế.
Suy nghĩ
lâu lắm, Hạnh cắn môi bảo tôi:
– Thứ Bảy này mình lên nhờ bà Ngoại.
Ngoại thương em lắm. Mà anh mặc đồ civil nhen.
Bà ngoại Hạnh ở Gò Nổi thuộc quận Điện
Bàn. Bà trên 70 nhưng còn khỏe mạnh, giọng nói sang sảng. Trên
bàn thờ có hình một ông mặc phẩm phục triều đình trông rất quắc
thước. Hạnh bảo tôi đó là ông Cố, một trong Ngũ phụng tề phi của
xứ Quảng Nam, niềm hãnh diện của dòng họ ngoại.
Bà đón tiếp cô cháu gái thật vồ vập:
– Cha mày. Mấy lâu đi mô mất mặt không
thấy thăm bà?
Niềm vui của bà lan qua cả bạn của cháu. Bà sai đứa cháu nhỏ múc
nước lấy khăn cho tôi rửa mặt, leo dừa hái trái “hai đứa” uống,
ra vườn thử xem có trái mít nào trở tiếng thì chặt xuống cho “tụi
nó” ăn... Đúng là 1 bà ngoại xứ Quảng nồng hậu mà chơn chất.
Bữa cơm trưa
thật ngon miệng với thịt luộc chấm mắm cái, rau cải nấu canh cá
rô thêm chút gừng. Tôi nằm trên bộ ngựa bằng gỗ thiu thiu ngủ,
hai bà cháu rì rầm to nhỏ ở phòng trong.
Chúng tôi ra về khi chiều đà nhạt nắng.
Cái nhìn của bà cụ đối với tôi chăm chú hơn nhưng không còn vẻ ồn
ào như ban sáng. Hạnh phụng phịu hờn dỗi và không chịu mang trái
mít về làm quà như dự định. Trên đường nàng im lặng nép sát người
vào lưng tôi. Một linh cảm bất an trong lòng. Gia đình nàng chê
tôi điểm nào???
*****
10 ngày liền tôi không gặp được Hạnh.
Nhờ vả cô Dung 2 lần nhưng không ăn thua, má nàng giữ rịt trong
nhà. Lại nghe bạn bè xôn xao đợt công tác có thể sắp kết thúc
nhường cho K29, lòng tôi như lửa đốt. Có đêm tôi liều mạng mượn
chiếc Honda phóng về Xuyên Châu. Ngang nhà nàng cửa đóng kín mít,
ánh đèn nhỏ hắt ra leo lét. Kim Long ngăn tôi:
– Coi chừng có bữa anh Hai ăn súng của
bọn du kích. Xứ này coi thế nhưng không hiền đâu!
Chiều thứ ba, đang ngồi đánh domino với
đồng đội thì anh chàng Thu đi về bảo tôi:
– Tao thấy má vợ của mày ngồi xe ôm đi
đâu về hướng Điện Bàn.
Cơ hội trời cho, tôi vất mấy con bài
cho Kim Long rồi vẫy xe đi Xuyên Châu.
Nhà vắng ngắt nhưng cửa vẫn mở. Tiếng
nước xối trong phòng tắm dưới nhà ngang. Để cho Hạnh khỏi ngượng
ngùng, tôi không lên tiếng. Tôi nhìn kỹ mấy bức hình trên vách.
Hình bà má hồi còn trẻ bế Hạnh trong lòng; hình Hạnh ôm con búp
bê thời nhỏ; hình nàng trong chiếc áo blouse trắng đang thực tập
ở bệnh viện, cái nốt ruồi có món tóc mai che ngang... Phía bên
kia là chiếc giường nhỏ có cái áo gối màu hồng thêu những bông
hoa li ti, trên gối còn vương vài sợi tóc dài. Chắc Hạnh vừa nằm
ngủ trưa xong. Tôi ngồi xuống cạnh giường, tự dưng có cái ý nghĩ
thật lãng mạn là nhặt một vài sợi tóc của nàng làm của riêng.
Dưới gối cồm cộm một cuốn sách. Tôi lật lên. Đúng là tập thơ của
Trần Dạ Từ. Tôi nhớ câu nói của Hạnh hôm nào: “Đây sẽ là cuốn
sách gối đầu giường của em”, lòng xao xuyến một thứ tình cảm ngọt
dịu.
Tôi lật
vài trang sách, một tờ giấy nhỏ gấp tư kẹp ngay bài thơ “Mối tình
đầu”. Quả thực là tôi không nghi ngờ gì về tình cảm của Hạnh
nhưng tôi vẫn tò mò giở ra. Nét chữ cứng cáp, chân phương có mấy
dòng:
“Hạnh,
ba đã nghe bà ngoại nói chuyện. Con hãy chấm dứt ngay mối quan hệ
không lành mạnh đó. Có cơ hội chúng ta sẽ trao đổi thêm. Trước
mắt, chuẩn bị cho ba ít thuốc kháng sinh. Sẽ có giao liên về lấy
trong tuần tới.”
Tôi choáng người. Ba Hạnh chưa chết như
nàng đã nói với tôi? Thứ ngôn ngữ này rõ ràng là loại ngôn ngữ
của phía “bên kia”. Có lẽ nào ba nàng là cán bộ cộng sản hoạt
động nằm vùng? Có tiếng động dưới nhà ngang. Tôi đặt cuốn sách
dưới gối trở lại ngồi ở bàn giữa, cố gắng giữ nét mặt thật bình
tĩnh.
Hạnh
xuất hiện trong bộ đồ hoa màu tím nhạt. Em mừng rỡ “a” lên một
tiếng rồi sà xuống bên cạnh tôi, thì thào “Em nhớ anh quá!” Mùi
hương chanh và mùi tươi mát của da thịt con gái nồng nàn bốc lên
nhưng quả thật tôi không còn lòng dạ nào để rung động. Tôi đẩy
nhẹ người Hạnh ra. Nàng hơi khựng lại rồi hỏi tôi:
– Anh đến lâu chưa? Sao anh biết má
vắng nhà?
Tôi
trả lời:
– Do
tình cờ vậy thôi.
Những cảm xúc trong tôi đã bị dội 1
thùng nước lạnh. Đầu tôi rộn lên nhiều câu hỏi khó trả lời. Hạnh
không giấu sự vồ vập và hé môi chờ đợi một nụ hôn say đắm nhưng
tôi chỉ chạm phớt vào môi. Nụ hôn lần này sao nghe vị đắng chát.
Tôi có cảm tưởng bị lừa dối, thậm chí hơi sợ hãi. Có lý nào cô ấy
đang giăng bẫy tôi, 1 chàng Sinh viên Võ Bị, 1 Sĩ Quan Quân lực
VNCH tương lai?
Người hàng xóm qua chơi kéo tôi thoát
khỏi sự khó xử. Lấy cớ phải về họp gấp, tôi từ giã Hạnh trong nét
mặt phụng phịu của nàng. Tôi đang cần thời gian để suy nghĩ...
Đêm hôm ấy tôi trằn trọc mãi. Gói Capstan gần hết dù tôi không
phải là thằng nghiện thuốc lá. Tôi đã hiểu ra thái độ lạnh nhạt
của má và bà ngoại nàng. Tôi tự vấn xem có khi nào Hạnh hỏi mình
về lĩnh vực quân sự chưa? Có khi nào mình sơ suất tiết lộ điều gì
chăng. Rõ ràng tôi yêu Hạnh nhưng phương châm của trường Mẹ đã
khắc sâu “Tổ Quốc–Danh Dự–Trách Nhiệm”. Tôi thiếp đi với điều tâm
niệm thứ tám trong Mười Điều Tâm Niệm của SVSQ/TVBQGVN: “Không có
gì là không thể làm được đối với SVSQ”.
Tuần sau đó tôi nằm mẹp trong Chi khu.
Hai lần có lời nhắn của cô Dung ra quán sách nhưng một lần tôi
cáo ốm và một lần kêu bận công tác. Tôi không đủ can đảm để gặp
Hạnh. Tôi sợ mình sẽ bị lung lay bởi đôi mắt ướt và cái nốt ruồi
như hạt đậu đỏ cuối chân mày.
Rồi cũng đến ngày từ giã Duy Xuyên.
Hạnh gởi qua Kim Long cho tôi một túi nhỏ gồm những mứt bánh thổ
sản, 6 chiếc mouchoir có hai chữ H lồng nhau và lá thư chỉ có một
dòng “Em yêu anh mãi mãi”. Tôi nhếch môi cười cay đắng, đem mớ
quà cho bạn bè liên hoan, 6 cái khăn tay tôi để lại trên cái ghế
bố ngủ đêm ở Chi khu và xé bức thư thành những mảnh nhỏ.
Ngày leo lên chiếc GMC ra phi trường
quân sự Đà Nẵng, đưa mắt nhìn quanh, tôi nhận ra Hạnh đứng nép
sau một cây phượng lớn. Em nhìn tôi, môi mấp máy điều gì không
rõ. Thôi đành. Vĩnh biệt mối tình đầu oái oăm!
******
Về lại trường, chúng tôi chúi mũi vào
học Văn hóa bù lại cho chuỗi ngày công tác. Sự bận rộn làm tôi
không nghĩ ngợi nhưng khi đêm về tôi luôn nhớ đến Hạnh và những
cái hôn mềm môi ướt rượt. Tôi nhận gác thay cho đồng đội ở Tiền
đồn hoặc Đài Tử Sĩ mà không chút phân vân. Quên, quên và phải
quên... Nhưng bất ngờ thay, tôi trở thành người nổi tiếng của Đại
đội vì những lá thư dồn dập bay về. Nét chữ màu tím mảnh mai của
Hạnh! 1 tuần tôi nhận đúng 7 lá! Một tháng đủ 30 chiếc phong bì!
Tay đàn em K30 mỗi lần nhét thư vào phòng dù cố gắng nghiêm trang
nhưng không giấu nổi nụ cười tủm tỉm. Tôi không mở bất kỳ lá thư
nào. Tôi kiếm 1 cái túi nylon và gom nó lại. Rồi cô ấy cũng sẽ
hết kiên nhẫn.
Tháng sau, tôi có 1 lá thư với nét chữ
lạ. Tôi mở phong bì. Dòng chữ ngắn của cô Dung: “Sao anh Hiệp
không viết thư cho Hạnh?” Tôi bỏ chung vào gói thư, không trả
lời. Thời gian qua...
Đã gần cuối năm thứ 3. Tôi vẫn là một
anh trai tân. Thật đáng thương hại khi trong đêm trao nhẫn truyền
thống, tôi cầm lấy chiếc nhẫn tự lồng vào ngón tay mình. Tôi tiếp
tục làm trưởng nhóm “Lờ quờ”, không quan tâm đến sự mối mai của
bạn bè với các em gái Bùi Thị Xuân hoặc với những cô sinh viên
Đại Học Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt danh giá.
Một chiều thứ Bảy, có tiếng của Sinh
viên trực nhật trên loa phóng thanh gọi tôi ra hội quán Huỳnh Kim
Quang gặp người thân. Không thể là mẹ tôi, người suốt đời chưa
bao giờ nghĩ mình được ngồi máy bay, dù chỉ một lần. Không thể là
em tôi đang chúi đầu trên giảng đường Đại học ở xứ Huế xa xôi.
Chỉ có thể là Hạnh? Lúc này tôi đã chuyển đại đội. Tôi chạy tìm
Kim Long hiền lành cộng thêm anh chàng Thu hào hoa nhiều chiêu
trốn gái ra hội quán tìm hiểu và cứu giúp. Lòng tôi như đánh lô
tô. 30 phút sau, Thu trở lại cười rộng miệng:
– Xong rồi. Tao bảo mày đã hỏi vợ ở
quê!
Kim Long
đi sau mặt buồn xo bảo tôi:
– Anh Hai ác quá. Em khóc nhiều lắm.
Tội quá trời luôn!
Đêm hôm ấy, tôi đốt hết tập thư của
Hạnh. Trong mắt bạn bè cùng đi công tác Duy Xuyên, nhất là Thành
Sang, Sinh viên Sĩ Quan phụ trách câu lạc bộ Huỳnh Kim Quang, tôi
là thằng Don Juan. Sang bảo:
– Thấy con nhỏ thất thểu ra về, tao
muốn đấm vào mặt mày một cái.
Cũng đành!
******
Tôi sẽ không nói nhiều về thời gian hơn
2 năm đi tù, thân phận không bằng một con vật. Mạ tôi đã hồi cư
cất túp lều trên nền đất cũ Long Hưng, em trai tôi bỏ học cầm cái
bay đi làm thợ hồ. Tôi thành “con bà Phước” sống nhờ vào các niên
trưởng và các chiến hữu có thân nhân thăm nuôi. Ngày cầm giấy ra
trại, niên trưởng Huỳnh công Kỉnh, K25 còn phải cho tôi tiền mua
vé tàu. Về làng xưa vào ngày cuối năm lúc trời đã chạng vạng, mạ
ôm chầm lấy tôi rồi nghẹn ngào bảo:
– Vào Nam đi con. Không sống nổi ở đất
ni mô. Thay đổi hết rồi. Sâu bọ lên làm người rồi!
Tôi ở được với mạ một đêm, cầm trong
tay cái địa chỉ của người làng tận Sài Gòn, ăn hai bữa cơm trộn
bắp rồi lại ra đi... Trên chuyến xe Bắc Nam ọp ẹp, tôi đi qua
vùng đất Quảng Nam đầy ắp kỷ niệm xưa... Hòa Khánh, Hòa Cầm, Cẩm
Lệ, Vĩnh Điện, Duy Xuyên... Chắc bây giờ Hạnh đang ở trên đà danh
vọng, có khi làm bà Cán Bộ cũng nên. Tôi cũng chẳng ân hận gì.
Tôi với nàng rõ ràng là 2 đường thẳng song song. Tôi cũng chẳng
muốn nhắc lại tháng ngày ngược xuôi kiếm sống trên đất Sài Gòn.
Người làng cũ đã bán nhà đi kinh tế mới. Tôi nằm vơ vất ở bến xe
Miền Đông 3 đêm rồi may mắn gặp lại Ngọc, thằng bạn cùng đại đội.
Hắn giúp tôi gặp nhóm bạn cũ đang thay nhau đạp xích lô từng
ngày; có khi lại mang vác hàng cho mấy bà bán phụ tùng xe đạp ở
chợ Trời; có khi lang thang không biết đêm nay mình sẽ ăn đâu,
ngủ đâu. Đúng như câu thơ của Lý Bạch “Xử thế nhược đại mộng!”
Cuộc đời quả là một giấc mộng lớn. Mới ngày nào chúng tôi còn là
những chàng trai hào hoa ấp ủ nhiều hoài bão. Tôi nghe tin anh
Hoàng Tấn đã bị bắn chết vì phản kháng ở Đơn Dương–Đà Lạt. Bạn bè
cũ có thằng vượt biên thoát, thằng mất tích, thằng còn ở trong
các trại giam, thằng vào rừng tìm lực lượng kháng chiến...
Rồi cuộc đời đưa đẩy tôi lưu lạc qua
đất Campuchia bằng xe đò ở Tân Châu–Hồng Ngự. Tôi làm nghề cắt
tóc dạo ở Phnompenh, bỏ mối thuốc cho một ông Trùm buôn lậu thuốc
Tây của Xí nghiệp Quốc doanh Việt Nam kiếm cơm hàng ngày, thậm
chí có khi còn làm y tá chích thuốc dạo cho bệnh nhân. Ơn trời,
chưa nghe ai chết! Tôi giao tiếp với người Cam ở các chợ
Schabarbauu, chợ Chắc Nghệ... Đôi khi thất chí, muốn lấy đại một
cô Miên quấn xà rông, có mấy cái răng vàng 24 karat sáng chóe
chuyên ăn mắm bò hóc cho xong đời!
Tình cờ tôi quen anh Tài, một Việt Kiều
Miên về nước năm 1972 lúc người Việt bị cáp duồn. Anh lên lại Nam
Vang làm ăn và có ý định vượt biên qua Thái Lan. Anh cần một tay
sử dụng súng sẵn sàng bắn vào Công an hoặc hải tặc. “Một liều ba
bảy cũng liều”, tôi nhận công việc này. Chúng tôi lên Kompongsom
mua 1 chiếc ghe cũ bề ngang 2m dài 7m được tân trang, sửa lại lốc
máy và khởi hành vào một đêm tháng 8 từ Vịnh Tân Hao. Trên ghe có
6 người lớn và 2 con nít. Ghe không dám đi gần bờ vì sợ lính biên
phòng của Miên. May mắn thay, gần tới KoKong thì trời đổ mưa lớn
che khuất tầm nhìn của các trạm gác. Lênh đênh trên biển 4 ngày
chúng tôi gặp những chiếc tàu treo cờ Thái và ghe đi đúng hướng
cập vào tận một hải cảng. Tôi chưa phải sử dụng cây M16! Lúc
quyết định theo anh Tài tôi có ý nghĩ nếu chuyến đi không thành
công thì biển sẽ là mồ chôn cuộc đời đã tận đáy xã hội của mình.
Tôi chẳng còn sợ gì cái chết. Tôi cũng dự định nếu đến được Thái
Lan thì sẽ ngửa mặt lên trời cười 3 tiếng bù lại hơn 10 năm tủi
nhục sau ngày Miền Nam sụp đổ. Nhưng tôi không làm được điều này
vì chỉ kịp xách cái bao đi theo người lính Thái về trại tạm trú
Leam Ngộp.
Sau
3 tuần ăn, ngủ, nghỉ, chúng tôi chuyển lên trại chính là Panat
Nikhom. Nghe nói chỉ 2 tháng sau, trại tạm cư đóng cửa không còn
chấp nhận người tị nạn Việt Nam. Và ở đây, tôi đã quen Minh Hạnh,
vợ của tôi bây giờ.
Qua bao nhiêu gian khổ, tôi không còn
giữ được bất cứ một thứ giấy tờ nào. Tôi chỉ còn nhớ số quân của
mình. Nhưng may mắn thay, khi được Cao ủy Liên Hiệp Quốc phỏng
vấn, tôi gặp Thiếu tá niên trưởng Tôn Thất Diên K10, Trưởng khoa
Anh Văn của Trường Võ Bị, đang làm phiên dịch cho phái đoàn. Thầy
đã tận tình giúp đỡ tôi. Chao ôi là ân tình của trường Mẹ! Tôi
được nhập cư vào đất Mỹ. Trong tháng ngày chờ đợi và học nghề ở
Phi Luật Tân, bạn bè K28 cũng đã yểm trợ cho tôi 1 ít tài chánh
trong tình nghĩa đồng môn, bạn bè cùng khóa.
Như bao người đến Mỹ muộn màng, nên vợ
chồng phải hùng hục kiếm sống. Một người ôm 2, 3 jobs và thay đổi
công việc liên tục từ hầu bàn, rửa bát, làm vườn, dọn tuyết, sơn
nhà, giữ trẻ... đêm về còn phải đi học ESL. Bên nhà báo tin mạ
mất, tôi cũng chẳng thể trở về. Thôi thì buổi chiều ly biệt cuối
năm đó, tôi cũng đã nhủ thầm “Lạy mẹ, con đi”...
Tôi cũng không hiểu sao vợ tôi lại có
cái tên trùng với Hạnh Duy Xuyên? Lại sinh cùng năm ký hiệp định
Geneve 1954. Minh Hạnh người Vĩnh Long và hiền lành như cây trái
miệt vườn sông Hậu. Cô ấy chưa bao giờ hỏi tôi về quá khứ và cũng
không biết gì về Trường VBQGVN với những chàng trai quân phục dạo
phố worsted, Jaspe, cầu vai alfa đỏ... Chúng tôi từng bước ổn
định cuộc sống với 2 con gái chăm ngoan.
Sau những nhọc nhằn, giờ đây tôi đã có
những phút giây thư giãn. Tôi bắt đầu liên lạc, thư qua tin lại
với bạn bè xưa. K28 có đâu khoảng 50 người trên đất Mỹ. Bạn bè
hầu hết đã quá 60, lâu lâu lại nghe tin buồn một thằng về “Vùng
V”. Ôi! Đời người như bóng câu qua cửa sổ.
Năm ngoái, tôi về Houston, Texas tham
dự Đại hội Võ Bị lần thứ 19. Thật cảm động khi gặp lại những
gương mặt “gian ác” thuở nào. Chúng tôi hò hét, cười đùa y như
những chàng trai mới lớn. Nhắc lại kỷ niệm xưa có thằng rươm rướm
nước mắt dù tóc trên đầu đã ngã màu bạc trắng.
Hôm đến nhà hàng Kim Sơn dự dạ tiệc,
ngang qua một số chị em Hội Phụ nữ Lâm Viên, tôi chợt nghe tiếng
gọi:
– Anh
Hiệp... Có phải anh Hiệp không???
Tôi dừng chân. Trước mặt tôi là một
người đàn bà còn vẻ duyên dáng trong chiếc áo dài xanh truyền
thống... Nhưng tôi không thể nào nhớ nổi đó là ai.
Người đàn bà mỉm cười:
– Trông anh không thay đổi mấy. Em nhận
ra ngay. Dung Duy Xuyên đây! Anh còn nhớ không?
– Ồ! Cô Dung Duy Xuyên! Người góp phần
mai mối cho mối tình đầu của tôi ở Quảng Nam.
Chúng tôi mừng rỡ. “Tha hương ngộ cố
tri”, hạnh phúc nào bằng! Chúng tôi bồi hồi nhắc lại chuyện hơn
40 năm về trước, thời tôi là một anh SVSQ cù lần và Dung với cái
quán cho thuê sách ở góc chợ... Dung đã lấy vị Niên trưởng K27
khi anh đi “tù cải tạo” về và hai vợ chồng qua Mỹ theo diện HO
năm 1992.
Dung
chợt nghiêm mặt hỏi tôi:
– Anh có nhớ gì về Hạnh không?
Tôi cười cười:
– Sao? Cô ấy làm bà Bí thư Tỉnh ủy
chưa? Có bao nhiêu biệt thự rồi?
– Anh không biết thật sao? Đàn ông các
anh thật vô tâm... Nó tội lắm.
Dung kể cho tôi nghe. Quả thực như tôi
nghĩ, ba Hạnh không chết như trong lý lịch đã khai. Ông tập kết
ra Bắc khi Hạnh còn nằm trong bụng mẹ và trở về Nam từ những năm
70. Ông móc nối với gia đình để được tiếp tế và hoạt động trên
đất Quảng Nam. Đó cũng chính là lý do mà cả bà ngoại và má Hạnh
ngăn cản không cho Hạnh giao tiếp với tôi, một người lính VNCH.
Sau ngày tôi trở về trường không lời từ giã, Hạnh đau khổ lắm.
Không nhận được thư hồi âm, cô trốn nhà lặn lội vào Đà Lạt. Trước
thái độ cự tuyệt lạnh lùng và dứt khoát của tôi, cô về sống lầm
lũi ở Xuyên Phước, phụ trách phòng Hộ sinh Xã.
Ngày miền Nam mất, ba Hạnh công khai
xuất hiện với cương vị một “cán bộ Cách Mạng” cao cấp trong sự
mừng rỡ của người mẹ chờ đợi đằng đẵng 20 năm ròng. Nhưng ngày
vui ngắn ngủi chẳng được bao lâu. Sự thủy chung của bà đã bị trả
giá khá phũ phàng. Chỉ 4 tháng sau, một người đàn bà miền Bắc
xuất hiện với những đứa con sau lưng. Ba Hạnh lúng túng giải
thích, nhưng mọi chuyện đã quá rõ ràng. Má Hạnh không có con
trai. Căn nhà từ đường có cây ngọc lan, có cái giếng đá ong đành
để lại cho gia đình mới. Hai mẹ con trở về Điện Bàn sống với bà
Ngoại trong ngôi nhà tôi đã một lần đến thăm.
Hạnh từ chối đặc quyền đặc lợi dành cho
“con em chính sách” đi học Bác sĩ ở Hà Nội. Mẹ Hạnh suy sụp hẳn
đi và mất sau một cơn đột qụy. Trước khi mất, bà cầm tay Hạnh ứa
nước mắt như một lời xin lỗi muộn màng. Mãn tang mẹ, Hạnh quyết
định đi tu Thiên Chúa giáo dòng Phước Môn. Và hiện giờ nàng đang
là một nữ tu phụ trách trường trẻ em mồ côi gần Nhà thờ Núi Trà
Kiệu!
Tôi ngồi
lặng. Trong đầu tôi dần hiện ra hình ảnh cô gái có khuôn mặt
trắng mát, cái nốt ruồi như hạt đậu đỏ cuối chân mày, 1 buổi
chiều tháng 3, ngôi nhà thờ cổ, ngụm nước giếng mát lạnh và... nụ
hôn đầu. “Lần đầu ta ghé môi hôn. Những con ve nhỏ hết hồn kêu
vang...”
Tôi
biết mình sẽ có nhiều đêm mất ngủ. Hạnh ơi!....
Hương Thủy
Nguồn:
blog người phương nam
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by kb chuyển
Đăng ngày Thứ Hai, October 21,
2024
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang