Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Truyện ngắn
Chủ đề:
2 anh em hàng xóm
Tác giả: Darren Thăng

KHOÁC ÁO CHIẾN Y

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

Dân lao động sống chung quanh rạp ciné Đại Lợi nằm trên đường Thoại Ngọc Hầu (Phạm Văn Hai) đối diện nghĩa trang Thánh Minh Tương Tế không xa ngã ba Ông Tạ là bao trước thời 1975, đa số gốc gác là người miền Nam. Họ sống xen kẽ trong những dãy phố nhà lầu mặt tiền của các gia đình người bắc di cư vào Nam sau năm 1954, nhưng nay làm ăn đã phát đạt ra. Hàng xóm láng giềng thường gọi nhóm người miền Nam đó bằng tên mộc mạc thân thương như Bảy lé bi da, Ba Triết chuyên đào lỗ chôn người, và bà Hương trầu làm bia đá mài, v.v., vì không biết tên thật của họ là gì? Ngoài ra còn có ông Tam bán cháo lòng có 2 người con trai tên là Tứ và Ngũ, mà cho đến nay đã bao năm qua, tôi vẫn còn ghi ấn tượng vì tên tuổi của họ hơi pha nút số đen đỏ của hột xí ngầu...

Gia đình ông Tam sống trong con hẻm nhỏ, đàng sau căn gác của gia đình tôi cư ngụ chừng 15 thước. Con hẻm này rất hẹp, khoảng độ 1.5 mét (hơn 5 feet) là cùng. May ra chỉ vừa đủ cho một chiếc xe ba gác đi lọt mà thôi. Đôi khi phu ba gác kéo xe dzô rồi đạp xe ra còn va chạm đụng tới đụng lui vào bức tường thành, một bên chắn ngang nghĩa địa và bên kia là nhà của ông bà nội tôi cho ở. Con hẻm này cũng là nơi tiểu tiện bừa bãi của mấy bà bán hàng rong, hay ai đó tình cờ đi chợ ông Tạ ngang qua mắc đái quá, xả đại bầu tâm sự cho nó xong việc. Ban ngày ban mặt mà mấy bà cứ tụt quần xuống túa xua, giải quyết vấn đề một cách tự nhiên như người Hà Nội vậy. Nếu có đám con nít nào nhìn trộm thì có bà nổi giận, liền đứng dậy kéo quần lên nạt nộ chúng một trận. Đôi khi đụng phải chị em ta sồn sồn tiểu bậy bị bắt gặp quê độ, bèn lấy ngón tay chỉ vào phía bên dưới bụng như biểu dương khí thế “khiêu khích” đám nhỏ. Xong xuôi nóng máu văng tục, chửi xéo chửi xiên bằng những từ ngữ lỗ mãng như: đéo mẹ hay tiên sư cha chúng mày cũng từ chỗ nầy chui ra, có gì đâu mà dòm với ngó...

Đầu năm 1970, khi gia đình tôi dọn về Sài Gòn thì gia đình ông Tam đã ở trong xóm này lâu lắm rồi. Chẳng biết gia đình ông làm nghề gì để sống và không ai xoi mói ai để làm gì. Tuy sinh ra và lớn lên ở miền Nam, nhưng gia đình ông lại rất nghèo. Tài sản có lẽ chỉ có một căn nhà mái tôn mục nát, chung quanh đóng ván cũ kỹ thiếu điều muốn sập. Nghe đồn trước thời ông Diệm, gia đình ông Tam là chủ mảnh đất lớn trong con hẻm cụt này. Nhưng vì bản tính người miền Nam vốn lè phè, ăn ngày nào kiếm đủ ngày đó nên dần dần bán hết ráo các mảnh đất chung quanh nhà cho người khác mở xưởng guốc, nuôi heo, và lập võ đường Vô Vi Nam Việt Võ Đạo.

Ông Tam góa vợ, ở vậy sống với con cái. Ông có người con gái lớn tên là Hương đã lập gia đình ở riêng, lâu lâu mới ghé nhà thăm gia đình. Kế Hương là Tứ, Ngũ, và gái út tên là Hoa độ chừng 9 hay 10 tuổi gì đó? Hoa mất mẹ năm lên 7 hay lên 8, nên ít khi tươi cười. Đến nay, đôi khi tôi tự hỏi tại sao con gái lại đặt tên là Hương và Hoa mà không phải là Nhất và Nhị như hai bà Trưng Trắc và Trưng Nhị vậy?

Gia đình tôi sống trên căn gác đối diện con hẻm cụt, nên thấy rõ mọi người trong xóm nhỏ qua lại hàng ngày. Tứ, Ngũ, và Hoa còn cắp sách đi học. Lúc đi học thấy họ ăn mặc áo trắng đồng phục cũng tươm tất lắm, nhưng không biết học ở đâu? Ban chiều, hai anh em phụ cha đẩy xe đi bán cháo lòng ở đầu đường cho tới xẩm tối mới về. Vào năm 1971, thấy Tứ đã cặp bồ. Cô bồ rất xinh gái, mảnh mai hay ghé nhà Tứ chơi thường xuyên và mặc áo dài trắng nên đoán cô ta thuộc con nhà gia giáo, học ở trường trung học tư thục công giáo thì phải? Năm đó, có lẽ Tứ đang học lớp Đệ Nhị (lớp 11 ngày nay). Anh ta có bồ hay mê chơi nên thi rớt Tú Tài 1. Nhẩm tuổi, thì Tứ cỡ chừng 17 tuổi và sinh vào năm 1954? Nghe nói là khi bị thi rớt Tú Tài 1, thì không được lên lớp Đệ Nhất (lớp 12 ngày nay) học tiếp. Không hiểu tại sao nữa, nhưng có lẽ nước ta đang trong thời kỳ chiến tranh nên chính phủ cần loại thí sinh diện nam giới để đôn quân bắt lính? Từ dạo đó không còn thấy Tứ đi học nữa. Mỗi trưa cùng cha đẩy xe đi bán cháo lòng như thường lệ. Lâu lâu, Tứ dù đi chơi với cô bạn gái nên chỉ thấy ông Tam và Ngũ đi bán mà thôi.

Đầu xuân năm 1972, Tứ tình nguyện đăng lính Nhảy Dù rồi được gởi đi thụ huấn ở quân trường Quang Trung 9 tuần lễ. Sau đó thì học khóa huấn luyện Nhảy Dù 3 tuần lễ ở trại Hoàng hoa Thám, tọa lạc trên ngã tư Bảy Hiền hướng đi bà Quẹo, không xa xóm chúng tôi là bao. Anh hãnh diện đeo huy hiệu cánh dù thêu bằng vải đen, khâu trên nắp áo bên phải sau khi mãn khóa Nhảy Dù căn bản. Ngẫu nhiên dịp về phép, lại trùng vào thời điểm chiến sự ở miền Nam sôi động mạnh theo cơn bão Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Tứ về chơi độ 1 tuần lễ, trong bộ quân phục hoa rừng mới toanh ủi thẳng nếp. Đầu đội nón beret đỏ trông oai lắm. Anh lái xe Honda, hay đi bộ với cô bồ, lúc nào cũng mặc bộ quân phục hoa dù này. Cô bồ khoác tay anh nũng nịu ra vẻ tự hào về người yêu đẹp trai là tân binh Nhảy Dù, sẵn sàng chuẩn bị ngày giờ lên điểm “đi mây về gió”. Mấy thằng con nít mặc quần thủng đít, như chúng tôi trầm trồ thấy anh le lói mà tưởng tượng cũng sẽ trở thành người lính như anh dzậy. Bố tôi chứng kiến Tứ đi qua lại trong xóm và đọc được ý nghĩ của con trai mình. Lúc nào cũng đam mê đời lính chiến nhà binh tuy còn quá trẻ. Ông vỗ vai khuyên nhủ:

– Rán học đi con, kẻo lỡ một mai phải đi lính thì đi sĩ quan cho đỡ cực...

Trước ngày ra tiền tuyến, có người hỏi anh đã được chỉ định về tiểu đoàn nào của Sư Đoàn Nhảy Dù chưa, thì Tứ nói là Tiểu Đoàn 1. Nhưng đến nay khi viết bài này và kiểm chứng dữ kiện, tôi cũng không biết hàng xóm nghe ra là Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù dưới quyền chỉ huy của Trung tá Lê Hồng hay Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù của Thiếu Tá Lê Văn Mễ nữa?
(*) Rồi Tứ lên đường không vận ra Huế vào tuần thứ 3, ngày 19 tháng 6 năm 1972. Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù dự cuộc hành quân Lam Sơn 72 vượt sông Mỹ Chánh, đi tái chiếm Quảng Trị đã lọt vào tay cộng sản Bắc Việt khi miền Nam bị xâm lăng vào đầu tháng 4 năm đó.

Khoảng trung tuần tháng 7 năm 1972, đang đứng trên lan can căn gác nhỏ nhìn qua nghĩa trang Thánh Minh Tương Tế, thả hồn phiêu bạt theo tin tức chiến sự dồn dập. Bỗng thấy một chiếc xe GMC nhà binh de đít vào đầu con hẻm nhỏ. Mấy người lính Nhảy Dù mang cỗ quan tài xuống và để trên 2 chân chống đứng dưới đất. Rồi phủ lá cờ vàng Ba Sọc Đỏ lên trên cỗ quan tài. 4 người lính khiêng cỗ quan tài đi dọc theo con hẻm nhỏ vào bên trong xóm. Con nít ở đâu bu quanh cỗ quan tài, tò mò quan sát xem hòm của ai vậy? Gia đình ông Tam chạy ra đầu ngõ khóc lóc ỷ ôi. Có người thân lấy tay đập nhẹ vào cỗ quan tài kêu gào thảm thiết. Sao Tứ lại ra đi sớm dzậy hả cưng... Cô bạn gái của Tứ có mặt tại hiện trường níu kéo cỗ quan tài lại, không để cho lính làm nhiệm vụ của họ. Nhưng cuối cùng mấy người lính cũng mang được cỗ quan tài của Tứ vào bên trong nhà của ông Tam, làm nhà tạm để linh cữu. Lúc quan tài đi ngang qua căn gác nhà tôi, mùi tử khí bốc ra đã nặng mùi lắm rồi. Mọi người trong xóm bàng hoàng, vì không ngờ mới có hơn 3 tuần lễ mà Tứ đã ra đi một cách đột ngột. Ôi, đau đớn thay! Trận đầu cũng là trận cuối của đời người tân binh Nhảy Dù.

Ngày đi, vinh hạnh khoác chiến y
Ngày về, vinh quang phủ cờ vàng.


Vài ngày sau, chiếc xe GMC nhà binh lại đến để đưa linh cữu người tân binh Nhảy Dù xấu số, đi mai táng ở nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa. Gia đình ông Tam có mời thầy thượng tọa về nhà cúng kiến, làm lễ an táng cho người con trai theo nghi thức Phật Giáo. Cầm hình đi trước quan tài là Ngũ. Còn ông Tam, hai cô con gái, và cô bạn gái của Tứ thì đi đàng sau. Đám phụ nữ con gái khóc lóc như mưa rào. Nhất là cô bạn gái bị sốc nặng, khóc đến sưng cả mắt. Bố tôi đại diện cho gia đình, đi phúng điếu để bày tỏ lòng chia buồn. Khi cỗ quan tài đi trong con hẻm nhỏ lần cuối, đôi lần bắt gặp ánh mắt của bố tôi nhìn tôi trân trân như thầm nói rằng, con thấy kết quả chưa. Trong thâm tâm không người cha nào muốn con mình đi lính cả, sợ bị chết yểu...

Hiệp Định Paris được ký kết vào ngày 27 tháng 1 năm 1973, trên danh nghĩa chấm dứt chiến tranh Việt Nam để người Mỹ rút quân về nước trong danh dự. Nghe tin hai miền Nam–Bắc bàn giao trao trả tù binh với nhau, làm ông Tam rộn ràng hẳn ra. Ông đi hết nhà này tới nhà kia trong xóm loan truyền rằng, Tứ chưa chết và có tên trong danh sách trao trả tù binh. Đến khi hết các đợt trao trả tù binh vào 2 tháng sau, cũng không thấy hình dáng tăm hơi của Tứ đâu cả. Nhưng mặc cho ai nói gì thì nói, riêng ông Tam vẫn tin rằng con trai của ông vẫn còn sống và đang bị cộng sản Bắc Việt cầm giữ lại bên kia bờ vĩ tuyến...

Thời gian trôi và Ngũ cũng lớn trưởng thành, thanh niên. Tên này bỏ học đi quậy phá xóm tưng bừng. Hắn cấu kết với một tên phì lũ to con lớn xác thuộc diện Việt kiều sinh sống bên Miên, bị lính Khmer của chính quyền Lon Nol cáp duồn bên xứ chùa tháp vào năm 1970. Gia đình tên này hồi hương về Việt Nam và sinh sống trong con hẻm cụt, sát bên nhà ông Tam. Hai tên này kết bè kết đảng trộm cắp, ma cô, buôn bán cần sa, và hành hung đám nhỏ tụi tui tơi bời. Hở một cái là chúng bạt tai đám trẻ như ra vẻ tay anh chị vậy. Không biết ông Tam có biết chuyện Ngũ làm bậy không, nhưng chẳng thằng nào dám hó hé đi mét ông, sợ bị tên Ngũ trả thù? Đám trẻ nhỏ so sánh giữa anh Tứ và Ngũ như hai thái cực. Sao trời lỡ cất (mang) đi anh Tứ. Còn thằng em ác ôn côn đồ trời đánh thánh đâm của anh, như tên Ngũ kia lại sống mãi hở trời...

Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, ông Tam cứ đinh ninh rằng xác người trong cỗ quan tài chôn ở nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa vào tháng 7 năm 1972 thuộc về người khác, không phải là Tứ. Ông cho rằng Tứ vẫn chưa chết và một ngày nào đó sẽ xuất hiện trở về lại trong con hẻm cụt ven đô Sài Gòn. Riêng Ngũ và tên phì lũ to con đó, vẫn chứng nào tật nấy. Ăn trộm, hút sách, ma cô, và làm những chuyện phi pháp càng lúc càng lộng hành. Vào một đêm đầu năm 1976, đám công an phường đến bắt hai tên này đi biệt tích, “mút mùa lệ thủy”. Ông Tam và cô Hoa nói là Ngũ bị bắt đi cải tạo, để trở thành người công dân tốt. Nhưng vài năm sau vẫn không thấy Ngũ trở về! Mất hai thằng con, ông Tam như người mất hồn. Ông không còn khỏe mạnh và đủ sức để nấu cháo, đẩy xe đi bán được nữa. Không biết gia đình ông sống ra sao? Hàng xóm chung quanh thấy mấy người mua sỉ cho xe ghé nhà ông Tam, chở đi một số tủ thờ đóng bằng gỗ quý để có tiền sinh sống. Ông nhớ thương Tứ mãi nên bị mát dây, lâu lâu lên cơn chửi đổng vu vơ mấy người hàng xóm. Nhiều người hiểu hoàn cảnh nên không chấp nhứt. Riêng tôi lớn lên sau ngày miền Nam mất, tin rằng Tứ đã chết. Anh ta đã đền xong nợ nước...

Tháng 5 năm 1996, tôi trở về Việt Nam một lần duy nhất vì công chuyện. Nếu không tá túc ở căn nhà cũ của ông bà nội tôi để lại, chắc không bao giờ tôi nhận ra con hẻm nhỏ năm xưa được nữa. Căn gác của gia đình tôi giờ đã cũ mục đến nỗi người em gái ở lại nhắc nhở rằng, không an toàn để anh bước lên đó đâu. Con hẻm nhỏ năm xưa, bây giờ nối dài từ đầu đường Phạm Văn Hai ra tới tận Lăng Cha Cả lận. Con hẻm này, cũng cùng tên đường Phạm Văn Hai mở rộng lớn. Xe cộ có thể lưu thông qua lại hai chiều dễ dàng. Nhiều nhà lầu được xây cất dọc theo hai bên đường. Nghĩa trang Thánh Minh Tương Tế rộng lớn thời xa xưa, nay đã trở thành chợ Phạm Văn Hai sầm uất. Nhà của ông Tam có lẽ nằm trong dự án nới rộng mặt đường? Người thân cho biết, ông Tam đã mất sau ngày tôi đi vượt biên được vài năm. Không ai còn nhắc về Ngũ và Hoa nữa. Nhìn đường lộ lớn hôm nay, chính là con hẻm cụt năm xưa mà liên tưởng đến Tứ. Tất cả như là kỷ niệm chóng qua theo dòng thời gian. Nhưng ít ra trong con hẻm cụt này, có một người trai hiên ngang đã vinh hạnh khoác áo chiến y hoa rừng của Sư Đoàn Nhảy Dù Việt Nam Cộng Hòa một thời vang bóng...


Darren Thăng

Tác giả ghi chú: (*)

1. Trung Tá Lê Hồng là Lữ Đoàn Phó Lữ Đoàn I Nhảy Dù Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) cho đến ngày 30/4/1975. Rồi cùng tất cả quân nhân di tản qua Guam. Năm 1981, ông từ Hoa Kỳ trở về Thái Lan, tham gia Kháng Chiến Hoàng Cơ Minh. Nguồn tin xác nhận nói rằng ông chết bí mật ở khu chiến Thái Lan vào tháng 4 hay tháng 5 năm 1985, dưới bí danh Đặng Quốc Hiền, trước khi 3 cuộc hành quân Đông Tiến tiến hành về Việt Nam.

2. Trung Tá Lê Văn Mễ cũng rời quê hương vào cuối tháng 4 năm 1975. Hiện đang định cư ở San Jose, California.



Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet eMail by cathy chuyển

 

Đăng ngày Thứ Bảy, December 7, 2024
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang