Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Truyện
ngắn
Chủ đề:
mẹ & con
Tác giả:
Vũ Thất
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Đôi nét về tác giả: Nhà văn Vũ Thất sinh năm
1940 tại Tân Châu – Châu Đốc, từng theo học tại trường Trung học
Võ Tánh Nha Trang (1957–1959). Tốt nghiệp Khóa 11 SQ Hải Quân năm
1963 tại TTHL/HQ/Nha Trang. Từng đảm trách nhiều chức vụ quan
trọng: Hạm trưởng Tuần duyên hạm Hoàng Sa HQ 616 (1971–1972), Chỉ
huy trưởng Liên Đoàn 3 Ngăn Chận (1974–1975). Sau tháng 4/1975 bị
giam cầm nhiều năm trong các trại tù CS Bắc Việt. Vượt biên và
định cư cùng gia đình tại Hoa Kỳ. Ông đã ra mắt nhiều tác phẩm
tại Việt Nam và Hoa Kỳ: Đời thủy thủ (Sài Gòn, 1969), Trong cơn
bão biển (Sài Gòn, 1969), Một dòng sông cho chiến đĩnh (Sài Gòn
1974 – Hoa Kỳ 1985), Tác phẩm mới nhất: Đời Thủy Thủ 2 (Hoa Kỳ
2023).
Truyện ngắn Chào Mẹ là một truyện đặc sắc của ông,
dù phổ biến từ khá lâu (2008) nhưng vẫn luôn được nhiều độc giả
tâm đắc.
Theo yêu cầu của một số độc giả tại Việt nam, xin
phép được đăng (lại) trên Trang Nhà. Xin cám ơn tác giả, huynh
trưởng Vũ Thất. –PTAN
Tôi không khó khăn
nhận ra mẹ khi bà vừa bước ra khỏi trạm kiểm soát an ninh phi
trường. Một tay kéo chiếc va ly nhỏ, một vai mang chiếc xách tay,
mẹ thong dong như trôi theo dòng người. Dáng mẹ trông mảnh mai,
thanh nhã, linh hoạt dù rằng đã ở cái tuổi tám mươi. Tóc đã bạc
phơ. Chiếc áo sơ mi màu trắng như giúp khuôn mặt mẹ tươi tắn hơn
ngày tôi gặp mười lăm năm trước. Mẹ đưa mắt tìm kiếm. Tôi giơ tay
vẫy. Bà mừng rỡ vẫy lại. Tôi cười khi mẹ đến gần:
“Chào mẹ!”
Mẹ buông rơi chiếc va ly, mở vòng tay
ôm ghì lấy tôi. Tôi cũng ôm siết mẹ mà sao không cảm nhận chút
nồng ấm nào. Từ khi chưa đầy một tuổi, ba mẹ tôi đã đành đoạn bỏ
rơi tôi. Thôi nôi, ngoại cúng kiến van vái. Lên ba, ông ngoại
mất. Lên năm, bà ngoại lìa đời. Cậu mợ tôi thừa hưởng gia sản
nên... thừa hưởng luôn việc săn sóc dưỡng dục tôi. Vì vậy mà khi
khôn lớn, tôi hầu như quên hẳn mình còn đủ cha đủ mẹ.
Tôi lái xe vào trung tâm thủ đô, chạy
vòng vòng cho mẹ xem phố xá rồi quẹo sang đường Constitution. Tôi
chỉ mẹ xem đài tưởng niệm Washington, tòa Bạch ốc và hứa một ngày
khác sẽ đưa mẹ vào xem tận bên trong. Mẹ nói mẹ muốn ưu tiên gặp
em của mẹ, còn việc tham quan chừng nào cũng được. Tôi cho mẹ
biết cậu mợ đang chu du Âu châu, hai tuần nữa mới về. Sợ mẹ hiểu
lầm, tôi giãi bày:
“Cậu mợ ghi tên đi chơi trước ngày mẹ
báo tin qua đây nên không hủy bỏ được. Con đã xin nghỉ một tháng.
Trong tháng đó mình sẽ đi một vòng sơ khởi nước Mỹ. Mẹ sẽ gặp em
trai mẹ vào tuần lễ thứ ba...”
Tôi ngưng nói khi thấy mẹ xoay mặt về
khung cửa kính. Nhân lúc xe qua cầu, tôi cất cao giọng:
“Đây là sông Potomac. Đi xuôi dòng sẽ
trông thấy một phần hình ảnh rất đẹp của thủ đô. Nhà của con phía
thượng dòng cách đây độ nửa giờ.”
Mẹ vẫn nhìn quang cảnh thành phố, chỉ
có tiếng “thế à” hờ hững vang lên. Tôi nhìn đồng hồ và mừng là đã
tới giờ cơm chiều. Tôi nói nhỏ nhẹ:
“Suốt ngày đêm trên máy bay, chắc mẹ
thèm cơm. Khu thương mại Eden của người Việt vùng này có một nhà
hàng nấu món canh chua cá bông lau, cá kho tộ ngon lắm!”
Bà nói giọng mệt mỏi:
“Nói chung thì mẹ thèm một tô phở.”
Một cái gì nghẹn ngào đột ngột trào
dâng trong tôi. Hai mươi năm tập kết ra Bắc mẹ đã bị đồng hóa.
Không chỉ thay đổi cả giọng nói, ngôn từ mà lơ là luôn cả món ăn
ưa thích của miền Nam. Tôi ngờ rằng bà không phải là người sinh
ra tôi...
Tôi
đưa mẹ vào tiệm Phở Xe Lửa và gọi tô đặc biệt. Mẹ khen ngon hơn
phở ở Sài Gòn. “Nhưng vẫn thua phở Hà Nội”, tôi nhanh nhẩu tiếp
lời. Mắt mẹ thoáng chút ngạc nhiên rồi lặng lẽ quan sát xung
quanh... Tôi cũng quan sát bà. Tôi giống mẹ lạ lùng. Chắc chắn
nhìn chúng tôi, không ai nghĩ khác hơn là mẹ và con. Mà giống mẹ
để làm gì khi tâm hồn chúng tôi không có chút gì hòa điệu...
Tôi nhấn một chiếc nút trên trần khi xe
sắp quẹo vào driveway và lái thẳng vào garage. Trong khi tôi mở
cóp nhấc xuống các hành lý, mẹ đi ra phía trước đường. Tôi bước
đến bên mẹ khi bà ngắm nghía ngôi nhà, trầm trồ:
“Nhà của con đây hả? To và đẹp quá,
ngoài tưởng tượng của mẹ. Quang cảnh cũng thật sáng sủa tươi
mát.”
Tôi cười
buồn:
“Chúng
con mới mua năm ngoái và chắc cũng sắp bán...”
Giọng mẹ thảng thốt:
“Tại sao thế?”
Tôi nắm cánh tay mẹ dìu đi:
“Mẹ vào nhà nghỉ ngơi. Từ từ rồi mẹ sẽ
biết...”
Tôi
bấm số liên hợp và mở toang cánh cửa. Mẹ bước vào, đứng sững
người trên tấm thảm nhỏ mang chữ welcome. Dường như mẹ không tin
những gì mẹ đang thấy. Mẹ ngập ngừng bước đi, mắt dừng lại từng
vật trang trí ở phòng khách, phòng gia đình, miệng lẩm bẩm lời
tán thưởng. Khi mẹ hướng về khu bếp, tôi biết mẹ sẽ ở đây lâu hơn
nên lặng lẽ trở ra ngoài mang hành lý vào nhà. Khóa cửa xong, tôi
đảo mắt tìm mẹ. Bà đang ở trong phòng đọc sách, đứng lặng yên
trước bàn thờ. Mẹ không nhìn các tượng Phật rất đẹp tôi thỉnh tận
Thái Lan. Mắt mẹ đang đăm đăm nhìn di ảnh của Huy. Anh mặc áo
tiểu lễ hải quân với dây biểu chương, trên một nắp túi là chiếc
huy hiệu hạm trưởng và bảng tên Lê Quang Huy. Bên kia là hai hàng
huy chương nhiều sắc màu khác biệt. Và Huy đang tươi cười...
Mẹ nói bằng giọng ngạc nhiên mà bình
thản:
“Sao con
không nói gì với mẹ?”
Tôi lắc đầu:
“Để làm gì? Mẹ có biết gì về ảnh đâu và
chắc cũng không ưa ảnh!”
Mười lăm năm trước, khi về chịu tang ba
tôi, tôi đã từ chối trả lời mọi câu hỏi của mẹ. Tôi muốn cho thấy
khi bà đã có can đảm bỏ rơi tôi thì tôi cũng có can đảm coi như
đời tôi không dính dáng gì tới bà. Mãi gần đây, khi mẹ ngỏ ý muốn
qua thăm chúng tôi, Huy khuyên tôi nhận lời, dù gì bà cũng là
người sinh thành ra mình. Tôi nghe lời khuyên nhưng chỉ một mình
tiếp đón mẹ. Huy chết bất thần vì cơn đột qụy.
Mẹ nhìn khắp bàn thờ rồi quay phắt sang
tôi:
“Sao
không thấy con thờ ba con?”
“Thờ ba? Tại sao con phải thờ ba?”
Mặc dù đã tự nhủ, tôi vẫn không dằn
được cơn bực tức bùng vỡ. Mẹ quay đi, lặng lẽ thắp nén nhang cắm
vào lư hương, nhìn Phật Bà, nhìn Huy rồi thở dài lặng lẽ bước lên
thang lầu. Tôi đã từng nghe nhiều tiếng thở dài tương tự của mẹ
trong suốt thời gian mười ngày về dự đám táng ba tôi. Tôi đã cho
bà thấy tôi không chỉ dửng dưng với người chết mà còn lạnh lùng
với cả người còn sống. Liệu có ai cư xử khác tôi khi suốt quãng
đời dài gần bốn mươi năm mà chỉ vài lần được nghe nhắc đến mẹ cha
mình bằng lối bông đùa.
Năm tôi lên mười bốn, sau trận Mậu Thân
khói lửa khắp Chợ Lớn Sài Gòn, một bữa, lần đầu tôi nghe cậu nhắc
tới ba mẹ. Trong bộ đồ trận rằn ri mang lon trung tá, cậu ra vẻ
trịnh trọng: “Nè, Phượng! Con có biết là suýt nữa con đã có dịp
trùng phùng ba mẹ con không?” Trong khi tôi tò mò lắng nghe, cậu
tỉnh bơ tiếp: “Nhưng vì cậu thấy họ không xứng đáng làm bậc cha
mẹ, cậu đã đuổi họ về mật khu rồi!” Tôi thường cười với mỗi cợt
đùa của cậu nhưng lần đó tôi mím môi muốn khóc.
Năm hai mươi mốt tuổi, khi tôi đưa Huy
về nhà giới thiệu nhân buổi tiệc mừng cậu thăng cấp tướng, cậu
nói nhỏ vào tai tôi:
“Chà chà! Như vầy là kẹt cậu rồi! Con
mà chọn tên hải quân đó làm chồng thì cậu khốn khổ với chị cậu.
Tuy nhiên, nếu con... năn nỉ cậu, cậu cũng liều cho con làm... bà
thiếu tá.”
Tôi
vẫn cười thầm về chuyện này vì bốn tháng sau, sự thể đảo ngược.
Chính cậu lại là người phải “năn nỉ” tôi để cả gia đình được lên
tàu của Huy rời khỏi Việt Nam.
Chúng tôi thành hôn ở Mỹ. Huy trở lại
đại học, tôi đi làm ngày đêm. Rồi lần lượt hai đứa con ra đời.
Huy ra trường đi làm. Tôi vào đại học. Vất vả mà hạnh phúc. Tôi
quá bận rộn để nhớ về quê cha đất tổ, cho tới mười năm sau tôi
mới lại nghe tin tức ba mẹ. Lại vẫn do cậu đưa tin. Cậu tôi cho
biết đã liên lạc được với chị của mình. Không lâu sau đó tôi liên
tiếp nhận được thư ba mẹ tôi bày tỏ lòng khao khát mong nhận được
thơ tôi và hình ảnh gia đình. Và tiếp đến là những lá thư mong
mỏi tôi về Việt Nam. Tôi nhận thư, tôi đọc, lòng ngơ ngẩn, bâng
khuâng nhưng không có chút hứng thú trả lời. Thậm chí nhiều năm
sau, cái tin ba tôi đau nặng cũng chỉ được đón nhận với lòng dửng
dưng.
Huy bảo
tôi nên về. Cậu mợ gọi điện bảo tôi phải về. Tôi thưa với cậu mợ
rằng tôi không có cha mẹ nào khác ngoài cậu mợ nhưng cậu mợ tiếp
tục thúc bách và giảng đạo lý. Tôi rủ cậu mợ cùng về. Cậu bảo cậu
không muốn giỡn mặt với chính quyền cộng sản. Cuối cùng tôi khăn
gói một mình lên đường. Thời điểm này chúng tôi còn nghèo nên Huy
đành ở lại với hai con.
Nhưng đoạn đường quá xa để ba tôi không
thể chờ. Ông vĩnh viễn ra đi vài giờ trước lúc tôi bước vào ngôi
nhà xưa. Dù vậy tôi vẫn còn kịp nhìn mặt ba tôi. Nhìn chỉ một lần
mà vẫn đủ để khuôn mặt già nua, khắc khổ, hoàn toàn xa lạ đó theo
tôi về tận xứ Mỹ. Thỉnh thoảng nhân một liên tưởng về dòng họ ai
còn ai mất, khuôn mặt của ông lại hiện ra cùng với những tiếng
thở dài của mẹ. Thế mà tuyệt nhiên, tôi không hề nghĩ đến việc
thờ phượng ông...
Mẹ nằm trong buồng riêng suốt đêm ngày,
mãi đến tối hôm sau mẹ mới tươi tỉnh hẳn. Tôi rủ mẹ đi ăn đồ
biển. Mẹ ăn tự nhiên, ngon lành. Nếm đủ tôm cua nghêu sò ốc hến.
Luôn cả hào tươi. Lâu lắm mới có dịp ăn ngoài, tôi cũng tận lực
nuốt. Trên đường về nhà, mẹ hỏi:
“Cậu bảo con có hai thằng con trai.
Chúng nó đâu mà mẹ chưa gặp?”
“Tụi nó đều đã lập gia đình. Mỗi đứa ở
mỗi tiểu bang khác nhau, khá xa. Đứa lớn ở Georgia, có hai con,
đứa nhỏ ở Texas, đang chờ con đầu lòng. Con đã sắp xếp để mẹ đến
chơi với chúng nó, mỗi đứa vài ngày, sau khi mẹ gặp cậu mợ.”
Mẹ nhìn tôi, dò hỏi:
“Con ở đây một mình sao?”
Tôi gật đầu:
“Vì vậy mà con có ý muốn bán nhà này về
sống với mấy đứa nhỏ, luân phiên mỗi đứa một thời gian. Tụi nó
đang năn nỉ con về ở chung.”
Giọng mẹ ngập ngừng:
“Phải thú nhận rằng mẹ vừa trông thấy
căn nhà này là mê ngay. Nếu con bán thì bán cho mẹ. Mẹ con ta sẽ
ở đây, mãi mãi tới ngày mẹ chết...”
Tôi đăm đăm nhìn mẹ. Tôi đã biết từ lâu
là mẹ rất giàu, chỉ ngạc nhiên về ý cuối. Nó đến quá bất ngờ như
là một nhánh gai quẹt vào người. Tôi nghe xót đau, khó chịu. Tôi
không chuẩn bị việc này, cũng không muốn nó xảy ra. Đầu óc tôi
đông cứng. Chợt hình ảnh Huy hiện ra, miệng cười cười. Ba tháng
nay, từ ngày anh mất, khi tôi gặp điều gì khó xử là anh lại hiện
về. Nụ cười của anh luôn luôn giúp tôi tìm giải pháp. Tôi thấy
bao nhiêu phiền phức nếu cho mẹ ở chung. Tôi đã quen với cuộc
sống không có mẹ. Chỉ mới hai mươi bốn tiếng đồng hồ “có mẹ” mà
tôi đã chịu đựng biết bao gượng ép.
Mẹ nhìn tôi dò hỏi. Tôi nói:
“Con mới mất anh Huy. Con cần một thời
gian yên tĩnh.”
“Mẹ cũng cần có thời gian sắp xếp mọi
việc ở Việt Nam. Năm tới mẹ trở qua sống hẳn với con. Con đồng ý
chứ?”
Tôi
không biết nói gì hơn. Tôi như nghe tiếng Huy văng vẳng: “Đừng
làm mẹ buồn!” Tôi cố nhìn vào bóng đêm loang loáng tìm hình bóng
Huy nhưng chỉ thấy ánh đèn đỏ vừa bật ở ngã tư...
Sau năm ngày dạo chơi phố xá và ngắm
cảnh Nữu Ước, chúng tôi dành hai đêm thử thời vận ở sòng bạc
Atlantic City. Thánh nhân đãi kẻ khù khờ, cả hai mẹ con thắng
lớn. Chúng tôi về đến nhà, tẩy rửa xong lớp bụi đường thì trời
tối hẳn. Tôi thấy mệt mỏi nhưng mẹ tỉnh bơ đề nghị để mẹ nấu ăn ở
nhà. Tôi nói sẽ ăn ở nhà nhưng mẹ khỏi nấu. Mẹ không tỏ gì ngạc
nhiên khi tôi gọi thức ăn bằng điện thoại. Bà ngồi thoải mái
trong bộ ghế êm ái, xem truyền hình đưa tin thế vận hội. Tôi sắp
đặt chén đũa, khăn ăn và nước ngọt rồi ngồi xuống cạnh mẹ. Chợt
mẹ quay sang tôi, giọng ngập ngừng thiếu tự nhiên:
“Mẹ phải nói với con chuyện này. Em
trai con muốn nhờ mẹ hỏi con giúp nó một việc.”
Em trai tôi? Tôi từ từ hình dung đứa em
trai của mình. Tôi đã nhớ ra một hình dáng hiền hòa thường quanh
quẩn gần tôi. Cũng như cậu và mẹ, em tôi nhỏ thua tôi năm tuổi.
Nhưng nó khác với tất cả chúng tôi là đã không chào đời ở miền
Nam. Tôi nhìn mẹ chờ đợi. Giọng mẹ đều đều:
“Đứa con gái út của nó học rất giỏi.
Năm tới lên đại học. Nó muốn nhờ con giúp cháu qua học bên này.
Nó không muốn cho cháu ở nội trú. Nó xin cho cháu ở với con. Cơ
bản là con không phải tốn kém gì hết. Mẹ sẽ lo đi chợ, nấu ăn cho
cả nhà...”
Cơn
giận chợt ứ lên ngực làm tôi khó thở. Tôi hít vào một hơi thật
sâu. Tôi biết là mở miệng lúc này tôi sẽ nói ra lời cay độc. Tôi
nhìn ra ngoài trời đang đổ mưa với những ánh chớp liên hồi. Tôi
nhớ tới những cơn mưa đầy sấm sét trong căn nhà thênh thang thuở
lên mười. Thuở đó cậu tôi đổi đi đơn vị xa và mợ theo cậu. Người
giúp việc thì ngủ gần bếp, xa căn buồng riêng biệt của tôi. Tôi
đã vô cùng sợ hãi và từng ước ao có được một đứa em. Bây giờ tôi
đâu còn cần. Tôi nói chầm chậm:
“Thì ra mẹ qua đây không phải vì con mà
vì tương lai cháu nội của mẹ!”
Bà nhìn tôi tỏ vẻ ngạc nhiên:
“Con nói gì lạ vậy. Tất nhiên mẹ qua
đây là vì con, bởi vì mẹ muốn bù lại thời gian ba mẹ bỏ bê con.
Mẹ không hề vì cháu nội. Nó chỉ ngỏ lời sau khi biết ý định của
mẹ.”
Mẹ đưa
tôi lá thư cầm sẵn:
“Đây là thư nó gửi cho vợ chồng con.”
Tôi hững hờ nhận. Mẹ tiếp:
“Thật ra nó cũng đã hỏi các thủ tục xin
ở nội trú. Không có con ở đây, con của nó vẫn qua đây học. Mẹ
thấy điều quan trọng là có người ruột thịt cận kề, coi sóc, nhắc
nhở.”
Tôi cười
chua xót, không còn ngăn được lời mai mỉa:
“Ruột thịt? Có là ruột dư với thịt
thừa! Và mẹ đã từng cắt bỏ không thương tiếc!”
Mẹ nhìn tôi đăm đăm:
“Con vẫn còn giận mẹ đến thế sao? Lần
con về, mẹ đã hết lời giải thích...”
“Con vẫn nhớ các lời giải thích đó: Ba
mẹ đâu có muốn xa con, chẳng qua chỉ vì muốn góp phần giành độc
lập, thống nhất đất nước. Thì đất nước đã độc lập thống nhất, sao
mẹ và cháu nội không ở Việt Nam mà hưởng.”
Mẹ buông tiếng thở dài. Tôi cũng chợt
nhận ra mình vừa buông lời xỉa xói hỗn hào.
Tôi trầm giọng:
“Con xin lỗi. Hễ nhớ đến những ngày con
bị bỏ rơi là cứ muốn nổi xung thiên...”
“Mẹ phải làm gì để được con tha thứ,
quên đi chuyện cũ. Con nghĩ lại đi. Ba mẹ đâu có gửi con cho ai
xa lạ. Người đó chính là ba mẹ ruột của mẹ. Con lúc nào cũng nhận
được trọn vẹn tình thương và chăm sóc...”
Tôi cố giữ giọng bình thường:
“Ba mẹ ruột của mẹ chớ đâu phải ba mẹ
ruột của con! Suốt tuổi thơ của con, con bị bạn bè cười nhạo là
đứa trẻ mồ côi, là con không cha không mẹ!”
Nước mắt tôi tự dưng ứa ra, rơi dài
xuống. Mẹ đứng lên, bước lại ôm choàng lấy tôi.
Tôi khóc nức nở trên vai mẹ. Khi muộn
phiền đã dịu xuống, tôi nhìn thẳng vào mắt mẹ:
“Mẹ không thấy là mẹ không công bằng
sao? Lúc con ở cái tuổi rất cần sự săn sóc của ba mẹ thì ba mẹ bỏ
đi biền biệt. Còn bây giờ, khi mẹ muốn ở gần con thì mẹ đã bước
vào cái tuổi gần đất xa trời, cái tuổi mẹ cần con chớ con không
cần mẹ. Thật lòng mà nói, cho tới giờ phút này, con không một mảy
may cảm thấy chút gì thương yêu mẹ, thì nói chi thương yêu cháu.”
Mẹ ôm mặt, thân hình thả rơi lên ghế.
Tôi nghe tiếng nấc của mẹ và nghe lòng chùng xuống. Tôi nói nhanh
như sợ không còn nói được:
“Nhưng có điều chắc chắn là con cũng
không thể chối bỏ mẹ không phải là mẹ của con. Chừng nào mẹ muốn
ở với con, mẹ cứ ở. Chừng nào mẹ muốn đi, mẹ cứ đi. Điều em con
muốn, cháu con muốn, con khó mà nói được lời từ chối!”
Mẹ vẫn ngồi yên, thút thít khóc. Đúng
lúc tôi muốn ngồi xuống ôm lấy mẹ thì tiếng chuông reo. Tôi thở
hắt ra, bước về phía cửa nhận thức ăn mang tới...
Rời San Francisco trên chiếc xe chở
khách chúng tôi ôn lại những địa điểm đã viếng thăm qua ba ngày ở
vùng vịnh. Mẹ tỏ vẻ hài lòng đã được chính mắt chiêm ngưỡng chiếc
cầu nổi danh Golden Gate. Mẹ cũng yêu thích cái công viên cùng
tên với khung cảnh nên thơ thanh bình mà mẹ gọi là hồ Tịnh Tâm.
Hai ngày ở San Jose, ấn tượng nhất đối với mẹ là những hình ảnh
sinh động, huy hoàng và lạ mắt của vô số loài sống dưới nước hiển
hiện ngay trước mắt trong Monterey Bay Aquarium.
Khi chúng tôi về tới quận Cam. Cậu và
các con cháu đón chúng tôi ở bến xe, chỉ thiếu có mợ. Khi tôi
thông báo mẹ sẽ sang thăm gia đình cậu, cậu nói sẵn sàng gặp mẹ
nhưng từ chối cho chúng tôi tạm trú. Nhà cậu mợ rất rộng, nhiều
buồng ngủ. Vợ chồng con cái tôi mỗi khi qua Cali là ở nhà cậu mợ
hà rầm. Cậu mợ hẳn phải đau lòng khi lần này để tôi ở khách sạn
chỉ vì... có mẹ! Mợ không muốn chứa mẹ trong nhà. Hai đứa em trai
của mợ đều bị tập trung, một bỏ xác trong rừng Yên Báy.
Mỗi ngày trong suốt một tuần, cậu lái
xe đến khách sạn đón chúng tôi đi viếng thăm hết nơi này đến nơi
khác. Ngày đầu, cậu dành cho khu Little Saigon. Mẹ thú nhận là
rất ngạc nhiên về mức phát triển quy mô và sự phồn vinh sang giàu
của người Việt tỵ nạn. Những ngày kế dành cho danh lam thắng
cảnh. Có ngày chúng tôi bay khỏi thành phố đỏ đen Las Vegas về
phía Bắc để chiêm ngưỡng Grand Canyon vô cùng kỳ vĩ ngoạn mục.
Cậu thường dùng khoảng thời gian di
chuyển để hỏi mẹ về gia đình và dòng họ ở quê nhà. Cậu cũng kể về
cuộc đời của cậu trong suốt nửa thế kỷ không gặp chị. Tôi vô cùng
thú vị được nghe hai chị em nhắc lại những kỷ niệm thời họ sống
bên nhau. Thỉnh thoảng cậu và mẹ “đụng” nhau về đề tài chính trị
thường là do cậu khởi xướng.
Một lần đang lái xe, cậu bỗng nhái cái
giọng bắc của mẹ:
“Thật đáng tiếc! Nếu chị cả đừng... vớ
phải cái ông trí ngủ nằm vùng thì giờ chị em gặp lại dung dăng
dung dẻ biết bao!”
Mẹ nở ngay nụ cười đáp trả:
“Thì cũng lỗi ở em. Phải chi em không
làm tay sai cho Mỹ Ngụy”.
Cậu gật gù ra vẻ tán thưởng rồi bắt
sang chuyện khác.
Hôm đứng trước trường đại học
California ở Los Angeles cậu cười nói:
“Ngắm nhìn trường này chị có nhớ đến
những năm chị dạy ở trường Đảng không?”
Phải công nhận duy vật biện chứng pháp
hay tuyệt. Đảng Cộng sản chủ trương “không có người bóc lột
người”. Thế mà ngày nay bản thân Đảng hóa thành “đảng bóc lột
người”. Y chang... hủy thể của hủy thể!
Mẹ bật cười giòn tan: “Đúng ra là...
phủ định của phủ định!”.
Một buổi tối về khách sạn còn sớm, cậu
lân la ở lại. Không biết dẫn dắt từ đề tài gì, hai chị em bắt đầu
bàn về Hoàng Sa, Trường Sa và sự hiếp đáp của Trung cộng. Bỗng
cậu đặt câu hỏi:
“Ông Bush hứa với ông Dũng là sẽ ủng hộ
sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Vậy giả sử Trung cộng tấn công
Việt Nam và Mỹ đem quân qua giúp đánh lại Trung cộng, thì đối với
hai quân đội ngoại nhập đó, theo chị thì phải gọi là gì? Tàu là
quân xăm lăng, Mỹ là bọn xâm lược?”
Mẹ cười duyên dáng: “Gọi thế là... đúng
sách vở đấy”.
Vào ngày thăm viếng Getty Center, một công trình chi phí hàng tỷ
đô la, vừa đồ sộ về kiến trúc tân kỳ, vừa là viện bảo tàng nghệ
thuật cổ vật hàng thế kỷ, lại vừa quy mô về tổ chức, tất cả chi
phí do nhà tỷ phú Paul Getty đài thọ, cậu tôi bất ngờ hỏi mẹ:
“Nghe đâu chị đang có tiền rừng bạc
biển. Ngày xưa chị chống Mỹ cứu nước, ngày nay nhà tỷ phú đỏ đã
đóng góp được gì để dựng nước? Hay là tính mang tiền qua đây mua
nhà xịn rồi rời bỏ quê hương? Ngày xưa đánh cho Mỹ cút ngụy nhào.
Ngày nay ngụy đã nhào Mỹ đã cút nhưng vô số người đánh Mỹ lại cút
theo Mỹ!”
Mẹ
nhìn tôi, cười gượng như cho là tôi đã báo với cậu cái ý mẹ muốn
mua lại ngôi nhà:
“Em nói gì thì nói, ý chị là muốn dành
quãng đời còn lại để đền bù thời gian chị xa con gái lớn của
chị.”
Cậu gật
gù:
“Tình mẹ
bao la như biển Thái Bình!”.
Tôi cố nghĩ đó không phải là câu mỉa
mai!
Đêm chót
trước khi rời Quận Cam trở lại Maryland chúng tôi được cậu mời
bữa tiệc chia tay. Khi chúng tôi đến nhà hàng, tôi thật sự ngạc
nhiên và vui mừng khi thấy có cả mợ hiện diện. Mợ đứng lên vui vẻ
chào hỏi và mời mẹ ngồi bên cạnh. Mợ vốn hoạt bát, nên mẹ lúc nào
cũng cười tươi. Tôi nghĩ là cậu đã thuyết phục được mợ đổi thái
độ. Tuy nhiên lời lẽ của cậu vẫn ít nhiều chăm chọc:
“Tôi cho rằng chị còn rất nhớ thời ở
bưng biền nên hôm nay đãi chị ăn cá 7 món”.
Tôi bật cười nhưng kịp hãm khi thấy mặt
mẹ sa sầm...
Về Maryland, theo dự trù chúng tôi nghỉ ngơi ba ngày trước khi
bay xuống Georgia và Texas. Nhưng chỉ mới qua đêm, buổi sáng mẹ
buồn rầu đổi ý. Mẹ muốn về ngay Việt Nam. Tôi ngỡ ngàng. Nhưng
tôi chợt hiểu ra. Câu trêu chọc của cậu đã chạm tự ái mẹ.
Tuy nhiên tôi vẫn không muốn thay cậu
ngỏ lời xin lỗi mẹ. Tôi cũng không có ý định van xin mẹ khoan vội
về Việt Nam. Tôi biết chắc nếu tôi năn nỉ, mẹ sẽ ở lại. Gần tháng
qua tôi đã cảm thấy chút gì gần gũi mẹ nhưng xem ra vẫn còn một
bức vách vô hình ngăn cản sự thoải mái, tự nhiên, thân mật. Thậm
chí còn có cái gì khác nữa khiến tôi có lúc bứt rứt, bực mình.
Không có mẹ, tôi ngủ nghê, ăn uống thế nào lúc nào tùy thích. Có
mẹ, tôi phải hầu hạ, e dè, trông trước ngó sau. Mẹ ở lại lần này,
lần tới sẽ ở lại mãi mãi. Mà xem ra thời gian để xây đắp tình mẫu
tử chẳng còn bao nhiêu. Luật đời vốn trói buộc tôi vào kiếp nạn
mồ côi từ đầu đời. Có gặp lại cha thì chỉ khi cha mất. Gặp lại mẹ
thì mẹ lại bỏ đi. Thôi thì hãy coi mươi ngày bên mẹ đã là một
hồng ân.
Phải
mất một tuần tôi mới đổi được vé máy bay. Trong tuần cuối đó, mẹ
chỉ thích đi mua sắm, không nhớ gì đến hai đứa cháu ở Georgia và
Texas mong được gặp bà ngoại lần đầu. Mỗi ngày tôi đưa mẹ vào một
trung tâm thương mại khác nhau. Ăn thì mỗi bữa một nhà hàng khác
xứ. Mẹ đã thưởng thức các món ăn Mỹ, Nhật, Thái, Đại Hàn, Mã Lai,
Nam Dương. Đêm cuối cùng, tôi hỏi mẹ có muốn ăn phở lần chót ở Mỹ
không, mẹ cười bảo muốn ăn canh chua cá kho tộ. Tôi thấy chút ấm
lòng...
Hôm
đưa mẹ ra phi trường, chúng tôi im lặng suốt đoạn đường. Gửi xong
hành lý, tôi kéo chiếc va ly, tay kia nắm bàn tay mẹ bước chầm
chậm về trạm kiểm soát an ninh cá nhân. Khi gần đến dòng người
ngoằn ngoèo chờ qua trạm, mẹ dừng lại. Tôi nhìn mẹ dò hỏi. Ánh
mắt mẹ ngập tràn âu yếm mà giọng cất lên trầm buồn:
“Chắc mẹ sẽ không qua đây thăm con
nữa.”
Tôi nghe
xao xuyến nhưng vẫn lặng thinh. Lời mẹ êm như tiếng thở dài:
“Và khi mẹ chết, con cũng không cần
phải về...”
Tôi đứng chết lặng. Tôi có cảm tưởng như tôi đã cư xử quá tệ hại
với chính mẹ mình. Ý nghĩ trở thành đứa con bất hiếu khiến tôi
buột miệng:
“Mẹ! Con sẽ về. Thế nào con cũng về. Cậu đã dạy con nghĩa tử là
nghĩa tận.”
Bà
vòng tay ôm lấy tôi thật chặt, giọng êm đềm:
“Còn đây là lời mẹ dạy, lần đầu mà cũng
là lời cuối. Con hãy luôn luôn ghi nhớ: ‘Chú như cha, cậu như
mẹ’. Con gắng giữ sức khỏe. Thôi mẹ đi.”
Mẹ nắm chiếc cần va ly từ tay tôi. Tôi
vụng về ôm lấy mẹ. Mẹ áp má vào má tôi. Tôi nghe chừng thân mình
bay bổng. Khi tôi mở vòng tay, mẹ quay mặt bước đi. Tôi thấy mình
quá bất nhẫn, khẽ gọi:
“Mẹ!”
Bà quay lui, chân vẫn bước, đôi mắt
hiền từ. Tôi lúng túng vẫy tay, cố nở nụ cười:
– “Chào mẹ!”
Vũ Thất
9/2008
Nguồn:
https://phamtinanninh.com/?p=8363
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by phạm tín an ninh chuyển
Đăng ngày Thứ Hai, June 17,
2024
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang