Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Phiếm
Bình dân
Chủ đề:
tình bắc–duyên nam
Tác giả:
Lê Thiện Tường
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Khi ngồi viết những dòng chữ này thì vợ cháu đang ngủ say sưa
trên giường. Nhìn đôi chân dài thườn thượt của bà thò ra khỏi
chăn, tự nhiên cháu bật cười. Thì ra vợ cháu cũng thuộc loại...
chân dài ra phết, cao xấp xỉ 1.70 mét chứ chẳng phải chơi. Năm
ngoái gặp lại đám bạn cũ cùng binh chủng, trong lúc chụp ảnh
chung bỗng có thằng la lớn: “Chúng mày ơi! Đứng bên cạnh bà này
chắc ông phải kiễng chân lên mời xứng!”, làm vợ cháu ngượng chín
người. Nghe nói bên Việt Nam bây giờ người ta tung hô tán tụng
“những cô gái chân dài” dữ lắm, làm phim, lên ảnh, quảng cáo rùm
beng, làm các cô cứ tưởng mình là cái rốn của vũ trụ không bằng.
Có điều lạ là hầu như các mợ toàn là
gốc miền Bắc, nói năng giọng Bắc, nhìn đời với con mắt người Bắc
và cư xử thì cứ “tự nhiên như người Hà Nội”.(Bật mí cho các cụ
nhé: bây giờ thì đa số các mợ Hà Nội chính gốc đã thi nhau làm
“con chim đa đa” bay qua xứ khác lấy chồng xa hay đi kiếm cơm hết
ráo, còn lại toàn là gốc Hà–Nam–Ninh hay Thanh–Nghệ–Tĩnh lên Hà
Nội lập nghiệp). Hay là ông Trời sinh ra người càng ở vùng phương
Bắc thì da càng trắng, mũi càng cao và chân càng dài, cứ nhìn mấy
ông Tây bà Đầm là biết ngay.
Thế nhưng “bà già chân dài” vợ cháu lại
là dân Nam Kỳ tuốt luôn tận phương Nam, là thứ Nam Kỳ chính hiệu
con nai vàng, quê Cái Bè, nội Cái Răng, ngoại Cái Dồn. Hoá ra
“mũi cao, chân dài” đâu phải độc quyền của các mợ Bắc Kỳ 75, các
mợ nhờ “tàn dư đế quốc” nên chỉ mới xuất hiện sau này thôi, chứ
ngay trong “thời kỳ chiến tranh” cách đây mấy mươi năm thì “mũi
cao, chân dài” như Nam Kỳ vợ cháu đã nhởn nhơ đầy đường. Đúng là
một cọng giá thời kỳ chiến tranh vẫn hơn một gánh rau muống thời
kỳ hòa bình đổi mới!
Bố mẹ cháu sinh cháu ra tại miền Bắc,
học hành và lớn lên cùng với gia đình trong miền Nam, để rồi
trưởng thành tận ngoài miền Trung. Từ những tính chất của ba miền
đã hợp lại tạo nên cháu thành một thứ “hẩu lốn” như canh chua nấu
với... rau muống, giá sống ăn với... bún riêu, nhậu bia với ché
mà lại chấm với... xì dầu. Thế nhưng cái bản chất Bắc Kỳ vẫn là
cái cốt lõi trong con người cháu từ lúc sơ sinh, vẫn Bắc Kỳ rau
muống mắm tôm, Bắc Kỳ truyền thống, Bắc Kỳ muôn thuở... Nhưng ông
Trời oái oăm lại sai ông Tơ bà Nguyệt xe duyên cháu làm thằng tù
khổ sai chung thân cho một bà vợ Nam Kỳ quốc. Lạ thật! Duyên hay
nợ đây Trời!
Hồi còn bé, thú thật cháu chẳng ưa gì Nam Kỳ. Còn ghét, còn hận
nữa là khác. Chuyện cũng dễ hiểu thôi: lần đầu cắp sách đến
trường tiểu học Bàn Cờ ở quận 3, Sài Gòn, chỉ có cháu với một
thằng nhô nữa là Bắc Kỳ. Thằng này có hàm răng đưa hơi xa ra phía
trước, mà văn chương Bắc Kỳ gọi là “vẩu”, còn Nam Kỳ gọi đơn giản
và rất tượng hình là cái “bàn nạo dừa”. Bố nó (không vẩu tí nào)
rất thân với bố cháu (cũng chẳng có bàn nạo dừa) vì cả hai gia
đình cùng đi chung chuyến tàu “há mồm” vào Nam năm 54. Hai thằng
Bắc Kỳ con nhất định ngồi cạnh nhau tạo thế liên hoàn “dựa nhau
mà sống” trong cái lớp học 27 trự Nam Kỳ con. Bọn chúng hè nhau
trêu chọc, ăn hiếp hai đứa chúng cháu. Mỗi lần ra chơi hai thằng
Bắc Kỳ con luôn tìm chỗ ít người mà đứng để khỏi nghe bọn Nam Kỳ
đọc thơ chọc quê chửi bới. Thằng Vọng, đứa đầu xỏ và to con nhất
đám (bây giờ đang ở Canada) leo lên cây vú sữa giữa sân, đọc thơ
rang rảng:
“Bắc Kỳ ăn cá rô cây,
ăn nhằm lựu đạn...
chết cha Bắc Kỳ”.
Một thằng khác sẵn giọng phụ họa:
Có cái thằng nhỏ nó “đao” làm sao
Lỗ đít nó dính cái cọng “rau”, Người ta ai mà kỳ như “dzậy”?
Thế là cả bọn đồng loạt chỉ ngay vào
bọn cháu rồi rống lên: “Thôi rồi! Bắc Kỳ, Bắc Kỳ!”
Cháu tủi thân lắm! Ôi thôi! Buồn da
diết, buồn vô biên, buồn phát nghiền!
Về nhà hỏi mẹ tại sao gia đình mình lại
vào đây làm quái gì để chúng nó trêu con suốt ngày. Mẹ cháu rướm
nước mắt, xoa đầu cháu giải thích đơn giản:
– Tại vì người ta đánh nhau quá nên gia
đình mình phải “ri cư” vào đây con ạ! Thôi chịu khó đi con, mẹ
biết làm sao bây giờ!
Nào đâu đã hết, chúng nó còn hè nhau tụ
tập trước cửa nhà cháu. Mẹ cháu cầm chổi lông gà ra đuổi. Chẳng
đứa nào sợ, trái lại còn tru tréo to hơn. Chợt thấy hàm răng của
mẹ cháu nhuộm đen ngòm và bóng loáng, thế là chúng nó cứ thế mà
gào:
“Bắc Kỳ
ăn cá rô cây,
ăn nhằm cục cứt, hàm răng
đen thùi.”
Trong gia đình, chỉ có bố cháu là chẳng thằng Nam Kỳ con nào dám
giỡn mặt. Có lẽ nhờ khuôn mặt có oai hay nhờ đôi mắt nghiêm khắc
của ông, mà chúng sợ một vành không dám trêu chọc một lời?
Ngày tháng qua mau, cứ thế mà đám Bắc
Kỳ “ri cư”, trong đó có gia đình cháu, vẫn sống phây phây trên
mảnh đất Nam bộ lạ hoắc nhưng trù phú này. Những cảnh chọc quê
dần dần biến mất, bạn bè nhiều hơn, trong đó dĩ nhiên không ít
đứa Nam Kỳ. Đứa Sài Gòn chính tông, đứa Sa Đéc, đứa Vĩnh Long,
đứa Mỹ Tho, Cần Giuộc... Nhưng đứa nào cũng chửi cháu là “thằng
Bắc Kỳ lắm mồm”. Không “lắm mồm” chứ để chúng mày ăn hiếp ông hả?
Nghĩ cho cùng, không “lắm mồm” thì đâu còn là Bắc Kỳ nữa! Thứ
“lắm mồm” được việc, “lắm mồm” nghe vẫn bùi tai, “lắm mồm” dễ
mến, thiếu thì nhớ, vắng thì mong, “tay chơi” nhưng vẫn “chân
tu”, gái Nam Kỳ cứ thế mà... “lắc lư con tàu đi”.
Càng lớn lên cháu càng khoái Miền Nam,
khoái Sài Gòn, nơi dễ có nhiều bạn, mà bạn lại không tồi. Nơi đó
có dừa xiêm dzú sữa, có chè đậu xanh bột báng nước dừa, có bánh
bèo trét mỡ trắng phau phau, có nước mắm đường ngọt lịm, có cá
bống trứng kho tiêu, có trái cóc ngâm đường cắm que cà rem chấm
muối ớt, có quán cơm bà Cả Đọi, có cả những con đường hẻm ngoằn
ngoèo dẫn đến nhà... chị Tình.
Miền Nam và Sài Gòn thật trong veo
khoáng đạt, không tự tôn như cái Bắc Kỳ đã có sẵn từ bẩm sinh
trong bụng cháu, không rườm rà “màu mè ba lá hẹ”, chân thành thật
thà, thẳng ruột ngựa, không làm vẫn có ăn, chơi xả láng sáng về
sớm, để rồi vẫn cứ yêu người, yêu đời. Có lẽ cũng cùng một cảm
nhận như thế nên đám Bắc Kỳ “ri cư” chúng cháu mới vào Nam chỉ có
cái quần xà loỏng trên “tàu há mồm” đã lợi dụng thời cơ hè nhau
tung ra giành dân chiếm đất khắp cõi Nam bộ, mà lại ăn nên làm ra
trên mọi lãnh vực, trong đủ tầng lớp xã hội, nhất là vùng Sài
Gòn–Gia Định và các vùng phụ cận, chỗ nào làm ăn ngon lành thuận
lợi là mấy mợ Bắc Kỳ rau muống sang tay hàng loạt, ngoại trừ phía
bên trong chợ Bến Thành và vùng Chợ Lớn, vì chẳng thèm “kèn cựa”
với các chú Ba. Đã bảo rồi mà...: “Bà đã nàm thì nàm thật chứ
không thèm nàm nấy ne, nàm nấy nệ!” Từ sau năm 75 thì Bắc Kỳ lại
càng ăn trên ngồi trốc, các cụ không tin cứ mở cái máy “dzô tuyến
chuyền hình” hay cái “ra dzô” ra thì thấy liền, các “xướng ngôn
dziêng” hầu như “chăm phần chăm” đều là Bắc Kỳ, không cậu thì mợ.
Còn các mợ tiếp dziêng “E Việt Nam”, mợ nào mợ nấy đều khoe “em
người Hà Lội” hết ráo! Chẳng biết tại “dziêng dzáng” hay “phe
đảng”?
Bố cháu
trái lại, cái chất Bắc Kỳ đã ăn vào máu, thấm vào cốt lõi xương
tủy của ông từ bao đời, nhất quyết bắt anh em cháu phải thi vào
trường Chu Văn An (CVA), con em gái phải thi bằng được vào trường
Trưng Vương, toàn là những trường nổi tiếng từ miền Bắc, kéo theo
các thày cô “ri cư” vào Nam. Phần vì bố cháu là cựu học sinh
trường Bưởi, phần vì ông cũng có chút thiên kiến và ít tin tưởng
vào các trường miền Nam như Petrus Ký hay Gia Long.
“Mình dân Bắc thì phải học trường của
người Bắc, chúng mày đừng có bàn với bạc lôi thôi!”, bố cháu phán
cứ như đinh đóng cột. Mà lạ thật! Vào học Chu Văn An mới thấy
toàn đám học sinh Bắc Kỳ, le que vài trự Nam Kỳ lạc lõng vô
duyên, đếm chưa đủ mười đầu ngón tay đã hết đứa Trung Kỳ. Cho đến
các thày đa số cũng lại Bắc Kỳ nốt, từ thày hiệu trưởng Dương
Minh Kính đến thày thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Còn bên Petrus Ký thì
ngược lại, hầu hết Nam Kỳ. Hóa ra vung nào thì vẫn cứ đi tìm nồi
nấy, hay hoặc giả có chính sách của chính quyền thời đó hay
không? Chẳng thành vấn đề, chỉ biết bọn Nam Kỳ Petrus Ký châm
biếm đổi tên Chu Văn An thành... Chết Vì Ăn! Cháu tức máu trả
đũa, rằng chúng mày ghen ông vì chúng mày chiêm ngưỡng các em Bắc
Kỳ Trưng Vương mà thèm nhỏ dãi, nhưng sờ vào thì chúng mày sẽ
thành con dế mèn để các em Bắc Kỳ thọc cọng nhang sau gáy thổi
quay vòng vòng! Tức quá, mấy trự Petrus Ký chỉ biết “ngậm ngùi”
đồng ca bản “Khúc nhạc đồng quê” rằng thì là:
“Quê hương tui Bắc Kỳ nhào dzô quá trời
Bên bờ sông bên bờ ao... trồng rau muống!”
Hay cũng là: “Quê hương tui cái mùng mà
kêu cái màn!....”
Thôi thì cũng đúng thôi! Mấy trự Nam Kỳ
hay Trung Kỳ chỉ cần nghe một mợ Bắc Kỳ uốn éo ra chiêu vài đường
lưỡi thì đã nhũn như chi chi, mắt trợn ngược, mồm há hốc, quên
luôn cả tên họ mình. Chỉ có trai Bắc Kỳ mới trị nổi các mợ Bắc Kỳ
thôi! Này nhé, các cụ cứ chịu khó nhìn chung quanh đi, cứ một
trăm trự Nam Kỳ chưa chắc có được một trự vớ được một mợ Bắc Kỳ.
Tìm mỏi con mắt mới có một trự “diễm phúc” bế được một mợ mang về
nhà thì bảo đảm suốt cuộc đời còn lại chỉ biết bốn chữ “gọi dạ
bảo vâng”, răm rắp tuân lệnh bà, chẳng bao giờ còn nhìn thấy mặt
trời, mặc dù suốt ngày ngửa mặt than Trời! Đấy mới chỉ là các mợ
Bắc Kỳ 54 thôi nhé! Gặp cỡ các mợ 75 hay các mợ quê quán Hà Đông
hay Bắc Ninh “... cầm roi dạy chồng” thì ôi thôi! cái te tua nó
kéo luôn theo cả tông ti họ hàng, suốt đời hưởng “cái thú đau
thương”, nghe chửi cứ tưởng nghe... hát.
Hỡi các chú Nam Kỳ hậu sanh: chớ chơi
dại! Đừng nghe ông Phạm Duy hát bài “Cô Bắc Kỳ nho nhỏ” mà ham,
lừa đấy! Gặp Nam Kỳ thì cái “nho nhỏ” kia sẽ phình to hơn cái
vại, mà cái vại có nanh! Ngược lại, một cậu Bắc Kỳ rau muống quơ
được một cọng giá Nam Kỳ “đem về dinh” –vụ này nhiều lắm– thì cứ
như “rồng thêm cánh”, như “diều gặp bão”, như lái ô–tô không cần
Navigation... cả đời có người “nâng khăn sửa túi” không công. Hóa
ra hôn nhân cũng có quy luật đấy chứ:
– Chồng Bắc Kỳ + vợ Bắc Kỳ = Vợ chồng
đề huề, nếu biết cách.
– Chồng Bắc Kỳ +
vợ Nam Kỳ = Chồng phây phả, phè cánh nhạn.
– Chồng Nam Kỳ + vợ Bắc Kỳ = Chồng te tua, lưng còng.
Nhưng đã là “luật” thì bao giờ cũng có
“luật trừ”, nghĩa là cháu không dám vơ đũa cả nắm đâu, với lại
cháu chỉ lợi dụng cái “tự do ngôn luận” trên xứ người, xin bàn
bạy vài chữ ngu ngơ để các cụ trong lúc “trà dư tửu hậu” đem ra
trước là mua vui, sau là cho bớt chút căng thẳng trong cái cuộc
đời... đen như mõm chó này. Xin lỗi các cụ, nãy giờ nói loanh
quanh mãi, bây giờ cháu xin trở lại chuyện của cháu.
Bố cháu nghiêm khắc lắm và dĩ nhiên
giáo dục con cái theo truyền thống Bắc Kỳ. Đã có gốc có ngạnh, có
cả sự nghiệp bề thế trong Nam nhưng vẫn... thờ cơm Bắc Kỳ, vẫn lễ
phép Bắc Kỳ, vẫn giữ giọng nói Bắc Kỳ và thậm chí còn ra lệnh,
dâu–rể cũng phải... Bắc Kỳ! Mỗi lần cháu dẫn bạn gái về nhà, bố
cháu liếc mắt một cái là biết ngay cô nàng Bắc hay Nam. Có một
ông bố tinh đời như thế đôi khi lại... phiền. Với một mợ Bắc Kỳ,
bố cháu thân mật tươi cười “Cháu vào nhà chơi! Bố mẹ cháu khỏe
mạnh không?”, cứ làm như quen biết từ lâu vậy. Gặp cô ả Nam Kỳ
thì lạnh nhạt khinh khỉnh “Không dám, chào cô!” Cô bạn gái Nam Kỳ
mặt nghệt ra thưởng thức văn chương Bắc Kỳ, còn cháu nghe qua mà
thốn từ dạ dầy đến ruột non. Nghe Bắc Kỳ chê, nghe Bắc Kỳ chửi,
mà cứ tưởng mình đang nghe thơ phú hay nghe nhạc êm dịu mới chết
chứ! Nếu quen cô nào Trời sinh có mấy cái vòng hơi... sexy một
tí, Bắc cũng như Nam, cháu phải dấu biệt vì sợ lựu đạn nổ tung
trong nhà. Điệu này coi bộ hơi khó sống. Thôi thì Bắc–Trung–Nam
cũng một nhà, hạnh phúc lứa đôi đâu phải do thằng hàng xóm, mà là
do chính mình. Thế rồi cháu đã từng hạ quyết tâm với bố: lấy vợ
Bắc Kỳ, cho phải đạo làm con. Em nào Bắc Kỳ, rước về nhà cho bố
xem mặt mà bắt hình dong (cứ như đi mua gà chọi). Em nào Nam Kỳ,
điểm hẹn sẽ là mấy ống cống dưới gầm cầu xa lộ Đại Hàn.
Thiên bất dung nhan! Cháu lại phải lòng
một ả Nam Kỳ, Nam Kỳ không lai giống, cái thứ Nam Kỳ Gia Long kên
kên xí xọn. Hồi đó cháu đi lính Không Quân của miền Nam, thấy đám
phi công trời đánh đa số cũng đều là Bắc Kỳ, chẳng hiểu tại sao?
Dân Nam Kỳ cũng có, Trung Kỳ lại càng ít hơn, nhưng đứa nào cũng
có... “cái mồm Bắc Kỳ”. Cháu còn nhớ khi thi gia nhập Không Quân,
phải đủ ký–lô, đủ kích thước, lục phủ ngũ tạng bị khám tuốt luốt,
phải trần trùng trục như con nhộng rồi nhảy lên nhảy xuống cho
mấy ông bác sĩ... “vạch lá tìm sâu”, chứ đâu có thi tuyển đứa nào
“lắm mồm”! Thế mà thằng nào thằng nấy đều có cái “chứng chỉ lắm
mồm” cao hạng giấu kỹ trong túi áo bay.
Một hôm đang trực phòng hành quân thì
ông sếp (ông này Nam Kỳ quốc) hỏi có thằng nào rảnh ra phi đạo
chở con cháu gái vợ của sếp theo tàu từ Sài Gòn ra Nha Trang đem
về nhà bà vợ đang có bầu sắp đẻ. Tưởng đi biệt phái hành quân chứ
cái màn này cháu khoái lắm: “Chuyện nhỏ mà sếp, có tui ngay!” Ông
sếp của cháu cũng chẳng vừa, nhìn thấu tim gan thằng đàn em: “Lẹ
lẹ lên coi, tàu sắp đáp rồi đó, sách tao mày học hết còn dư có
cái bìa, nhưng mà từ từ thôi nghe cha nội, lạng quạng con mẻ chửi
tao thấy bà!” Lúc đó cháu đâu có ngờ rằng, cái chuyện nhỏ như mắt
muỗi này lại thành chuyện lớn, lớn khủng khiếp, ảnh hưởng đến hết
cả cuộc đời cháu!
Cô cháu gái ông sếp không có cái dạng
“ngực tấn công, mông phòng thủ” như trong “xi la ma”, thế mà ngay
từ phút ban đầu cháu đã bị dáng ngay tim một cái búa tạ chình ình
chứ chẳng phải tiếng sét tầm thường.
“Cô đi máy bay có mệt lắm không?”
“Dạ!”.
“Ra thăm cô dượng hả?”
“Dạ!”.
“Cô lên xe đi, tôi đèo cô về”
“Dạ!”...
Chèng
đéc ơi! sao mà cụt ngủn cộc lốc thế bà nội? Cái gì cũng “dạ” hết
ráo thì cháu biết đâu mà rờ! Đúng gái Nam Kỳ! Chợt nghĩ, không
biết bà dzợ sếp tới giờ này có còn “ngây thơ”, “dạ dạ” với sếp
như dzậy nữa hay không? Sếp cháu đang ở San José, nếu sếp có đọc
những dòng chữ này thì sếp cũng bỏ qua dùm vì thằng em đã thuộc
lòng trọn bộ sách của sếp từ khuya rùi!
Từ đó cháu với nàng rủ rỉ rù rì cùng
nhau đánh vần mấy chữ “hình như là tình yêu”. Cuộc tình của cháu
với nàng êm ả như quả lắc đồng hồ treo trên tường phòng khách nhà
cháu, nhưng mỗi khi nghĩ đến bố cháu thì quả lắc đồng hồ bỗng
ngất ngư như bị đứt dây thiều. Thương quá, cháu đánh liều, “mấy
sông anh cũng lội, mấy đèo anh cũng qua”, chuyến này nhất quyết
không chui ống cống gầm cầu xa lộ, mà dắt nàng về nhà trình diện
bố. Bố vẫn khinh khỉnh:
“Không dám! chào cô”. Nàng vui tính:
“Ba anh coi ngầu quá hén!”, cháu tỉnh bơ: “Không ngầu sao làm bố
anh được!”
Thật ra thì bố cháu đâu có ghét Nam Kỳ, ông chỉ phàn nàn rằng dân
Nam Kỳ được trời đãi, cho sống trên mảnh đất mầu mỡ phong phú,
không làm vẫn có ăn, mà lại ăn ngon nữa, nên có tính lè phè,
hoang phí, không chăm chỉ hạt bột, không cần cù tiết kiệm như Bắc
Kỳ. Ông chỉ vì thương con, lo cháu lấy nhằm cô vợ Nam Kỳ cả ngày
chỉ biết... phè cánh nhạn, ăn no lại nằm, thì con cưng của ông sẽ
thành thân trâu ngựa suốt đời. Còn mẹ cháu, vốn dĩ nhà quê răng
đen mã tấu bảo rằng, nghe Nam Kỳ nói chuyện cứ tưởng nghe tiếng
nước ngoài, chỉ hiểu một nửa! Cháu cãi lại, Bắc Kỳ cũng có khối
đứa lười, lười như... cháu đây là hết mức rồi! Một hôm cháu đưa
nàng về nhà, gặp lúc bố mẹ cháu sửa soạn mở tiệc đãi ông bác từ
Hố Nai lên thăm. Ông bác vui tính bảo tiện bữa ngồi ăn luôn, cháu
đang chần chừ thì nàng vén áo hạ ngay cái bàn tọa tròn lẳng xuống
ghế, cháu kéo lên không kịp.
Cháu thủ thỉ giải thích cho nàng rằng,
đi đâu gặp khách Bắc Kỳ mời ăn thì chớ có ăn liền, cứ để người ta
mời dăm lần bảy lượt, ăn liền người ta chửi mình... chết đói!
Nam Kỳ thì thẳng ruột ngựa, mời là cháp lẹ, không cháp dọn xuống
bếp, đói rán chịu, không mời lần thứ hai, ai biểu mời không ăn!
Bỗng mấy đứa em cháu thay phiên nhau: “Mời bác xơi cơm, mời bố
xơi cơm, mời mẹ xơi cơm, mời anh xơi cơm, mời chị xơi cơm”,
mời... mời... mời tùm lum! Thằng em út cháu mời dài nhất, mời lâu
nhất, mời từ trên xuống dưới, trong nhà chỉ có con Tô–tô đang nằm
chực dưới gầm bàn là nó không mời. Nó lại chẳng được ai mời để
xơi, út mà! Nhưng rồi vẫn xực ào ào! Cô bạn Nam Kỳ của cháu trố
mắt nhìn cháu chẳng hiểu chuyện gì xảy ra. Cháu vội ghé tai thì
thầm:
– Em mời
gia đình ăn cơm đi!
– Ủa! Gia đình anh mời em “ăng” mà? Bộ
“ăng” cũng phải mời... mời... xơi... xơi sao? Nàng ấp a ấp úng
cũng rán mời:
– Dạ mời bác, mời bác, dạ mời... à... à... mời anh, mời em...
Chợt bố cháu lên tiếng:
– Thôi đủ rồi, cháu mời người trên
thôi, còn mấy em cháu không phải mời... Mà hay thật! Con bé này
vui vẻ, ngoan ngoãn lắm! Sao con cứ ăn hiếp nó mãi!
Nghe bố cháu nói mà bụng cháu cứ như mở
cờ, ông còn cao hứng bảo khi nào nàng nấu cơm Nam Kỳ cho gia đình
cùng ăn. Cô nàng hí ha hí hửng nói liền:
– Dạ! (lại dạ!), để bữa nào cháu nấu
bún(g) mắm dzới thịt heo ba rọi cho bác ăn(g), bún(g) mắm thịt ba
rọi Trà Dinh ngoong nhức miền Nam nghe bác!
– Sao? Cô muốn búng hả? Lỗ tai tôi đây
này, muốn búng bao nhiêu thì cứ búng đi! Thế là cả nhà cháu được
một trận cười nắc nẻ. Nào đã hết đâu, mẹ cháu chợt bảo:
– Cháu xuống bếp lấy cho bác mấy cái
“cùi dìa” với cái “muôi” để trong ngăn kéo đấy!
Nàng ngớ ra cứ như được nghe tiếng...
Tây, nhìn cháu cầu cứu. Cháu cười hì hì khoái tỉ, ra cái điều
thông thái giải thích ngay:
– Cái “cùi dìa” Nam Kỳ kêu là cái
“muỗng”, tại Bắc Kỳ sống lâu với bọn Tây, chúng nó gọi là “la
cuiller” thì Bắc Kỳ gọi luôn là cái “cùi dìa” cho tiện. Còn cái
“muôi” Nam Kỳ kêu là cái “vá”, chữ “vê” thì đọc là “dê” cho nên
gọi là cái “dzá”, phải không? Nàng đỏ mặt, bĩu môi: “Cái đồ dzô
dziêng, tui đi dzìa à nghen!”
Sau bữa cơm hôm ấy, hình như bố cháu
bắt đầu “chuyển hệ”, có vẻ gần gũi thân mật với nàng hơn vì thấy
nàng thật thà, có sao nói dzậy, không bãi bôi, không vòng vo tam
quốc, nhất là... không lười như ông nghĩ. Thừa thắng xông lên,
cháu thủ thỉ với mẹ cháu là cháu muốn lấy nàng làm vợ. Mẹ bàn với
bố, bố vẫn ngần ngừ. Tại bố cháu không biết đấy chứ, cháu đọc lóm
từ một quyển sách nào đó người ta viết rằng, trong lịch sử nước
ta hầu hết các vua chúa miền Trung đều có nhiều bà vợ bé, mà hầu
như bà nào là Chánh Cung Hoàng Hậu cũng đều là Nam Kỳ: vua Minh
Mạng có rất nhiều vợ, đa số là các bà Nam Kỳ, Chánh Cung là bà Hồ
Thị Hoa, người Biên Hòa; Chánh Cung của vua Thiệu Trị là bà Từ
Dũ, người Gia Định; Vợ chánh của vua Bảo Đại là bà Nguyễn Hữu Thị
Lan (tức Nam Phương Hoàng Hậu), là người Gò Công. Mấy ông vua
cũng tinh đời đáo để! Nhưng cháu “không phải là vua, nên mộng ước
thật bình thường”, chỉ xin “... quỳ lậy Chúa trên Trời, sao cho
lấy được... con nhỏ Cái Bè con thương!” Thật là oái oăm: cá đã
cắn câu mà bố cháu vẫn chưa cho giựt cần! Tuy thế, thỉnh thoảng
bố cháu cũng dò hỏi về gia đình nàng. Thì cháu đã nói rồi mà,
“quê Cái Bè, nội Cái Răng, ngoại Cái Dồn”, ruộng đất mênh mông,
sông nước dập dình, ăn nói “ngắn gọn và dễ hiểu” chứ không “dài
dòng nhưng khó hiểu”... kiểu Bắc Kỳ! Chấm hết!
Ngày vui nhất đời cháu là ngày bố cháu
ra lệnh sửa soạn “lên đồ dzía” đến thăm gia đình nàng. Sao bố
cháu không nói thẳng thừng ra là đi “hỏi vợ”, đi “chạm ngõ” cho
xong. Nhưng mà cần gì phải “chạm ngõ” với lại “chạm cổng” cho
rườm rà rắc rối, nhà của nàng cháu biết từng phòng, quen từng
góc, rõ từng cột. Mỗi lần cháu từ đơn vị “dù” về đều có chút quà
biếu ba má nàng, cho mấy đứa em nàng và cho cả cô Ba giúp việc
trong nhà (học theo sách dụ khị của sếp cháu đấy!). Lần nào gặp
ba nàng là lần đó có... nhậu. Đồ nhắm lúc nào cũng có sẵn, lúc củ
kiệu tôm khô, khi ra sau hè ngắt mấy trái xoài tượng chấm mắm nêm
ngào ớt, kẹt quá cột sợi ny–lông dzô ngón chân cái, đầu kia cặm
mấy con trùng liệng xuống sông, cũng câu được mấy con cá lên
nướng làm mồi. Nam Kỳ trù phú mà! Ổng không nhậu bia nhậu rượu,
mà nhậu đế; không nhậu bằng cốc hay ly mà nhậu bằng tô, tô nào tô
nấy bằng cái bát ăn cơm nhà cháu. Thế mà ổng lúc nào gặp cháu thì
cứ nói rằng: “Dô dzới tao dăm ba sợi nghe mày!” Chưa tới nửa sợi
cháu đã guắch cần cẩu! “Lính tráng như mày chi mà yếu xìu sao
oánh giặc nổi? Dzô cái coi!” Ổng thương, ổng coi như con như
cháu, ổng mới kêu cháu bằng “mày”. Tiếng “mày” của Nam Kỳ biểu lộ
cái chân tình, sự gần gũi thân thương, không như Bắc Kỳ khi đã xổ
ra tiếng “mày” rồi thì... ô hô! ô hô! thiện tai! thiện tai! chạy
cho lẹ!
Một
hôm đang nướng con mực khô nhậu lai rai với ổng, bỗng có khách gõ
cửa bước vào, mặt ổng sáng lên như sao băng, vừa cười vừa nói:
– Chèng đéc ơi anh Sáu Lèo! Hôm qua tui
chờ qua qua mút chỉ cà tha, hôm qua qua nói qua qua mà qua hổng
qua, hôm nay qua nói qua hổng qua mà qua lại qua, nay qua rồi có
thằng rể tương lai tới thăm, nhào dzô chơi vài xị, hôm nay có ớt
nè qua!
Nói
chi mà cứ qua đi qua lại, qua tới qua lui, nói cũng như thơ phú
đấy chứ, thế mà mẹ cháu cứ nói tiếng Nam Kỳ nghe sao như tiếng...
Nước ngoài!
Bắc Kỳ vẫn có câu “dâu là con, rể là khách”, nhưng Nam Kỳ thì
“dâu là con, rể cũng là... con luôn”. Bố dzợ chịu chơi lại gặp
thằng rể cũng chịu chơi luôn, dzô ba xị rồi thì coi như... bạn,
chơi xả láng sáng dzề sớm, còn má dzợ bỗng nhiên thành... chơi
chịu! Nàng kể cho cháu nghe, nhiều lần ổng đi nhậu quá giờ giới
nghiêm chưa chịu về, cả nhà trông đứng trông ngồi. Chợt nghe
tiếng xe Vespa quen thuộc chạy ngang nhà, cứ thế nghe cái “dzù”
rồi lại chạy mất tiêu, lại nghe cái “dzù” rồi đi tuốt luốt! Sinh
nghi, nàng chạy ra cổng đón đường chặn xe: “Ba ui! Ba ui! Tới nhà
rồi nè!”. Ổng chợt tỉnh, quẹo dzô thắng cái “két”, xe đổ cái rầm,
ổng té cái đụi, miệng lèng nhèng “Ủa, nhà mình đây rồi sao? Dzậy
mà tao chạy dzòng dzòng kiếm hoài hổng ra!”
Ngày cưới, cháu chọn nhà hàng Đại La
Thiên của chú Ba tuốt bên Chợ Lớn cho có vẻ trung dung, không Nam
cũng không Bắc mà là cơm Tàu. Không xài Karaoke nhưng chơi nhạc
sống. Có ông chú dzợ tên là Ba Phoóng làm nhạc trưởng cho mấy bà
xồn xồn Nam Kỳ lên sân khấu ca cải lương hà rầm. Hình như 7 thứ
nghệ thuật của nhân loại đối với Nam Kỳ đều tóm gọn trong mấy câu
dzọng cổ thiệt mùi. Đám cưới cháu người ta chụp nhiều hình lắm.
Ông bố vợ coi hình gục gặc cái đầu: “Chèng đéch ơi! thằng rể tao
chụp hình coi phong độ dzữ hén! Rán nghe mày!” Cháu chẳng hiểu
ổng nói cháu phải rán cái gì? Nhưng có một cái cháu phải rán là
cái chắc, ai biểu ham dzợ Nam Kỳ... mũi cao chân dài!
Còn bố cháu xem ảnh thì lại phán một
câu xanh rờn: “Con dâu bố chụp với bố ảnh này đẹp quá, giá mà
đứng cạnh bố, con khoanh tay lại thì còn đẹp hơn biết bao!”. Ông
sếp cháu, khơi khơi tự nhiên thành ông dượng, sẵn có dăm ba ly
nhưng mắt vẫn láo liên ngó bà cô, rồi len lén kể lể làm oai:
“Thấy chưa mày! Hồi đó tao xách máy bay xuống Vĩnh Long rồi lạng
qua Cái Bè, mới lạng chơi dzài ba dzòng là dzớt luôn bà cô mày,
ngon chưa!” Cám ơn “ông sếp dượng” đã có công “nối giáo cho giặc”
rồi rước luôn giặc vào nhà. Còn mấy thằng bạn Không Quân quỷ sứ
thì xúm nhau ca bản “Mùa thu chết... đã chết rồi, cho mày... chết
luôn!”
Ngày
qua ngày, cháu không chết mà vẫn sống nhăn răng với bà vợ “quý
phái bình dân”, bây giờ đã có 4 con với 3 đứa cháu ngoại để nựng
Nam Kỳ cũng chăm chỉ đấy chứ! Thế là xong một đời phiêu bạt giang
hồ, bay bướm, quậy phá! Được cái vợ cháu cưng cháu lắm (Nam Kỳ
mà!), bao nhiêu công việc trong nhà từ lau nhà, rửa chén, hút
bụi, trồng cây, giặt đồ... vợ cháu giành làm hết ráo. Bả nói “tay
chân ông như thằng cùi, làm đâu hư đó, để tui làm luôn cho lẹ!”
Cháu đi làm mang tiền về, bả cũng không thèm động tới, bảo rằng
“tui hỏng cần anh nuôi tui!”
Thế nhưng vợ cháu ghen khỏi nói, trong
vườn trồng nhiều ớt hơn trồng hoa, ghen có đẳng có cấp, ghen có
kế hoạch, có phương án đàng hoàng. Ghen thì ghen, lâu lâu cháu
cũng theo bạn bè... Nhảy dù vài sô, về nhà im thin thít, thế mà
bả cũng “nghe” được mùi, lườm lườm, nguýt nguýt, rồi cũng huề
tiền. Sau này cháu mới khám phá ra vợ cháu rất sòng phẳng, đâu ra
đó, nếu “ăn bánh trả tiền” là... cho qua cầu gió bay, không thèm
chấp.
Một hôm
vô tình đọc báo thấy tin cô Quờn, người Sóc Trăng, ghen chồng
lăng nhăng, lẳng lặng lựa lúc chồng đang say túy lúy, xách con
dao bếp cắt luôn... của quý của chồng đem quăng sau vườn. Cô Quờn
ra tòa ngồi chơi 4 năm tù. Trời đất Thiên địa ơi! Nam Kỳ mà ghen
kiểu này chắc cháu chết sớm, cháu giấu luôn tờ báo, ai dè vợ cháu
chu môi oỏng ẻng: “Cái đó còn đỡ à nghen! Gặp tui là tui cho luôn
dzô cái máy xay thịt rồi quăng cho bầy gà ăn, chớ giờ người ta
dzăng minh lắm, khâu nối lại mấy hồi!” Má ơi là má! Cháu nghe mà
ớn lạnh xương sống! Chơi kiểu này thì hơn xa các mợ Bắc Kỳ rồi!
Nhưng cháu lại được phép kéo bạn bè về nhậu... xả láng, nhậu “vô
tư”.
Xỉn quá
thì: “Anh mệt rồi nghen, uống ly nước đá chanh nè, rồi dzô đây em
cạo gió hết liền!”.
Bạn bè ói mửa tùm lum thì: “Hổng sao
đâu, anh ngồi tiếp mấy ảnh đi, em dọn cho!”
Mấy thằng bạn có vợ Bắc Kỳ ngó phát
thèm!
Chắc khí
thiêng sông núi Bắc Kỳ linh thiêng hùng vĩ, hay nói theo khoa học
hiện đại là cái “dzen” Bắc Kỳ quá mạnh, nên vợ cháu nửa dưới vẫn
còn là Nam Kỳ, nhưng nửa trên đã hóa thành Bắc Kỳ: không nói “bự
bành ky” mà nói “to vật vã”; không gọi “trái bom” mà gọi “quả
táo”; thích ăn canh rau muống hơn nấu canh chua; nhưng đặc biệt
nhất là ăn nói không còn “ngắn gọn và dễ hiểu” như xưa, mà bây
giờ thì... ôi thôi! “dài dòng, ào ào như thác đổ”, nghe riết muốn
khùng! Bố cháu ăn “bún(g) mắm thịt ba rọi” của vợ cháu nấu, đến
phát nghiền, nghiền luôn cả chén nước mắm pha đường.
Nhà cháu có bốn anh em trai thì bố cháu
có tới ba ả dâu Nam Kỳ, nhưng cả đám hợp lại vẫn thua xa một mợ
dâu Bắc Kỳ, ăn nói ngọt như đường phèn, dịu dàng khoan thai như
thiên nga, thêm cái tài... chửi như hát di truyền. Thế là cái
mộng “dâu rể phải là Bắc Kỳ” của bố cháu bị nước sông Cửu Long
vùng Nam bộ cuốn trôi tiêu tùng. Bố cháu bây giờ cũng rành “sáu
câu” về Nam Kỳ lắm, ông bảo người ta nói rằng:
– “Tính tình gái Nam Kỳ giống như mưa
Sài Gòn: đỏng đảnh nhưng mau quên; tính tình gái Bắc Kỳ giống như
mưa Hà Nội: âm ỉ và dai dẳng”.
Lợi dụng lúc ông đang vui vẻ, cháu bèn
phụ họa:
– Bố
biết không, người ta cũng bảo: “Ở Sài Gòn nhiều em sinh viên
giống như ca ve”; ở Hà Nội nhiều em “ca ve giống như sinh viên”,
đúng không bố?
Bố cháu quắc mắt: “Sao dám ăn nói lăng
nhăng thế hả?” Cháu chuồn nhanh kẻo ông nổi giận.
Thôi thì đến nước này rồi, cúi xin các
cụ cũng rộng lòng bỏ qua cho cháu nếu có gì gọi là thiên vị, bởi
vì con gái Nam Kỳ bây giờ đã là “cây nhà lá vườn” của cháu, nên
cháu đành phải “ta về ta tắm ao ta”, ôm lấy cái ao Nam Kỳ, ôm
cứng cái cây sầu riêng Nam bộ cho phải đạo “tình Bắc–duyên Nam”,
nếu không cháu phải ôm thùng mì gói suốt đời. Mong sao các cụ đọc
xong rồi bỏ qua, cứ coi như một chuyện tầm phào, bởi vì cháu đã
liều mình như mấy mợ Hà Nội làm con chim đa đa, không lấy vợ gần
mà lấy vợ xa, xa tuốt luốt tận cái xứ Nam Kỳ với dòng sông 9
cửa.
Lê Thiện Tường
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by tony nguyen chuyển
Đăng ngày Thứ Ba, August 27,
2024
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang