Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Truyện
ngắn
Chủ đề:
tình bạn
Tác giả:
Tràm Cà Mau
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Chuyện kể của ông Hai
Dạo đó, tôi
vừa mới trổ mã, bể tiếng, tay chân tự nhiên dài ngoằng ra, áo
quần thành ngắn cũn cỡn. Tôi vụng về, ngơ ngác, làm cái gì cũng
hư hỏng, má tôi cứ la rầy mãi. La rầy để quở trách mà cũng chan
chứa tình yêu thương. Tôi ăn cái gì cũng ngon, đặt lưng xuống đâu
cũng ngủ được say sưa.
Thời này, đệ nhị thế chiến vừa chấm
dứt, nước Pháp đem quân trở lại Việt Nam để tái lập nền đô hộ cũ.
Toàn dân đứng lên kháng chiến, cầm tầm vông vạt nhọn đánh nhau
với Tây. Khí thế đằng đằng. Cũng như mọi thanh niên khác, tôi
tham gia kháng chiến. Nói là đánh nhau với Tây, nhưng chạy thì
nhiều hơn, vì lồ ô vạt nhọn không cự nổi với súng ống của Tây.
Tôi bị Tây bắt lãng xẹt khi đang ngủ
giữa ban ngày. Bị trói ké, đem về giam tại thành phố. Trong trại
giam, mỗi ngày phải đi làm lao động vệ sinh, dọn rác, quét lá,
lấp các vũng bùn lầy, khai mương. Tôi làm quen được một ông lính
kèn, mỗi ngày mượn cái kèn thổi tò te làm khổ lỗ tai mấy ông lính
Tây chơi. Không có chi chói tai bằng nghe mấy anh tập kèn cứ ọ ẹ
từ giờ này qua giờ kia mãi.
Tập hoài rồi cũng thổi được. Một lần
cao hứng tôi thổi khúc kèn báo hiệu tan giờ làm việc, tiếng kèn
vang vọng, rõ ràng, làm mấy ông Tây tưởng đã hết giờ, rủ nhau ra
về. Tôi bị phạt giam đói, và anh lính kèn cũng bị khiển trách,
không cho tôi mượn cây kèn nữa. Nhưng sau đó hai tuần, tôi được
cho ra khỏi tù. Họ phát cho tôi áo quần lính, và sung vào đội
thổi kèn, ban quân nhạc của Tây. Nhờ có một chút hiểu biết về âm
nhạc Tây Phương, tôi học nhạc cũng khá dễ dàng, không như các ông
bạn khác. Khi tập thổi kèn mà chơi, thì tôi cảm thấy vui, ham
thích, thú vị, nhưng khi phải tập kèn vì bắt buộc, thì thật là
chán nản, mệt nhọc, bực mình. Ông trung sĩ chỉ huy đội quân nhạc
không vui, vì đã chọn lầm người. Trước đó, ông tưởng tôi có năng
khiếu đặc biệt về âm nhạc, nên đề nghị tuyển dụng. Về sau ông
thường nói lời an ủi rằng, thiếu chó thì bắt bất cứ con gì ăn
phân cũng được, miễn sao biết ăn phân thì thôi. Nghe ông nói vậy,
tôi cũng tự ái, và bực mình. Thường thường, thì đội lính kèn được
nhàn hạ. Mỗi ngày, mấy xuất thổi kèn báo hiệu buổi sáng thức dậy,
như con gà gáy sáng, báo giờ làm việc, báo giờ nghỉ, giờ tan sở.
Báo hiệu thật đúng giờ. Thế thôi. Còn ngoài ra thì chơi cờ, tán
dóc, trêu ghẹo nhau, nhưng không được bài bạc. Mỗi sáng tiếng kèn
vang vang: “Tọ tè ti tọ tè ti... ti tọ ti tè...” Mà lũ con nít
chuyển âm thành: “Một ngàn, ba mươi vạn thằng Tây, xách cái bị,
đi ăn mày. Mụ đi đâu tui bắt mụ lại, tui không cho mụ về.” Nghe y
hệt tiếng kèn đồng.
Trong đám lính kèn, tôi chơi thân với
Tư Thàn, vì anh cùng tuổi, cũng độc thân và cùng hoàn cảnh như
tôi, bị Tây bắt và sung vào đội quân nhạc. Chúng tôi thường rủ
nhau đi xem hát ban đêm. Chúng tôi biết và thuộc lòng tên đào kép
của các gánh cải lương, hò quảng. Nhiều lần, Tư Thàn thổ lộ ước
mơ của anh là được vào làm việc cho gánh cải lương, làm kép độc,
nhờ đó, mà anh có thể mùi mẫn với các cô đào đẹp như tiên kia.
Anh không có tham vọng được nổi tiếng, chẳng cần được khán giả
mến mộ, chỉ mong gần gũi cái nhan sắc của các cô đào thôi. Ngày
chủ nhật, chúng tôi về phố Sài Gòn đi dạo quanh quanh, cũng chỉ
để được nhìn ngắm các cô gái với áo bà ba vải mỏng ôm sát eo ếch,
ngực căng phồng có khe hở he hé giữa hai hột nút, và nhìn quần
lãnh vải láng ôm sát mông căng. Ði từ phố vào chợ Bến Thành, từ
chợ ngược trở lại phố. Nhìn thiên hạ tấp nập tới lui. Chỉ thế
thôi, là đủ cho lòng trai đôi mươi phơi phới. Khi mỏi chân, thì
về chợ Cũ vào tiệm Tàu ăn hủ tiếu, ăn cơm xào rau thịt. Có khi
chỉ mua ổ bánh mì thịt, vừa đi vừa nhai. Tuổi trẻ, khi đói bụng,
ăn cái gì cũng ngon miệng cả. Nhiều khi đi theo một cô gái, hai
đứa chúng tôi nói lời chọc ghẹo nhau vu vơ, cố tình để cô nghe,
nhưng không dám trực tiếp trêu ghẹo hay gợi chuyện.
Có lần, tôi nhặt được tấm ảnh của một
cô gái nào đó. Hình chụp rất điệu, ngón tay trỏ tựa má, hai cái
núng đồng tiền lún sâu rất duyên, mặt sáng và tươi, mắt ướt rượt.
Có lẽ bên ngoài đẹp mê hồn. Tôi đưa tấm ảnh cho Tư Thàn xem, và
bảo rằng đó là con Mười, em gái tôi ở Long Xuyên mới gởi lên. Kể
từ khi thấy tấm hình này, Tư Thàn nể nang tôi lắm. Tôi có thể sai
Tư Thàn làm những việc mà trước đây anh không bao giờ làm giúp.
Tôi mượn tiền anh dễ dàng hơn, mà anh bớt nhăn nhó khó chịu. Tôi
lờ mờ biết Tư Thàn mê cô gái trong tấm hình, và hy vọng được lòng
tôi, thì sẽ được lòng em tôi. Vốn tính nhút nhát, nên Tư Thàn
không bao giờ dám hỏi thẳng về em tôi. Chỉ một lần, anh đánh bạo
hỏi tôi khi nào về thăm nhà, và có thể cho anh đi cùng, về chơi
có được không. Tôi đáp rằng dĩ nhiên là được, và sẽ mời anh ở lại
nhà vài hôm. Nghe vậy, Tư Thàn sướng đến đỏ cả mặt. Sau này, tôi
cho Tư Thàn tấm ảnh đó, anh cất kỹ trong ví, lâu lâu mở ra xem mà
mơ mộng. Buổi sáng, tôi và Tư Thàn thường hay ăn cháo trắng với
hột vịt muối của cô Năm Cháo Trắng bán, cô này có nước da ngăm
ngăm, duyên dáng. Hàng cháo gánh, ngồi chồm hổm ăn, hoặc ngồi
trên các đòn gỗ thấp sát đất. Có nhiều anh lính trêu ghẹo, tán
tỉnh cô, nhưng khi nào cô cũng vui vẻ, tươi cười, không làm mất
lòng ai. Tôi cũng khoái cô này, thường giả vờ hết tiền, ăn thiếu
nợ. Ðến tháng lãnh lương, thì trả, nhưng không trả hết, khi nào
cũng xin khất lại một ít. Cứ nợ cô, thì cô phải nhớ đến số tiền
nợ. Nhớ đến số tiền nợ, thì phải nhớ đến người mắc nợ, tức là cô
phải nghĩ đến mình. Cái mưu kế này, tôi nghe được trong một tiệm
hớt tóc mà mấy anh thủy thủ kháo nhau. Tôi có bày mưu này cho Tư
Thàn, mà anh không chịu nghe theo, cứ sòng phẳng trả hết tiền,
không bao giờ chịu thiếu một xu.
Một hôm tôi rủ Tư Thàn đi xem cải
lương, anh viện cớ bận việc, tôi đi một mình. Khi ngồi trong rạp,
nhìn xéo qua bên kia, thì tôi thấy Tư Thàn và cô Năm Cháo Trắng
đang ngồi bên nhau. Tay Tư Thàn đưa lên chỉ chỏ, như đang giải
thích gì đó. À thì ra Tư Thàn đã bí mật phỗng được cô hàng cháo,
mà anh em không ai hay biết. Tôi tránh mặt cho Tư Thàn làm ăn
được tự nhiên.
Hôm sau, gặp Tư Thàn, tôi làm bộ giận,
mà thực ra thì tôi cũng hơi ghen tức. Tôi đặt mưu tính kế, mà
chẳng được cơm cháo gì, Tư Thàn cứ tự nhiên, thì vớ được cô hàng
cháo. Tôi cứng giọng, nói với Tư Thàn:
“Mày phản bội em tao. Trả tấm hình con
Mười lại cho tao. Tưởng mày đàng hoàng, thì ra...”
“Tao làm gì mà gọi là phản bội?”
“Mày còn giả vờ? Hồi hôm mày đi đâu?
Làm gì? Với ai? Có chối được không?”
“Ai nói với mày?”
“Chính mắt tao thấy. Tao để yên cho
chúng mày hú hí. Chối tội làm chi?”
Tư Thàn bẽn lẽn móc ví trả tôi tấm hình
cô gái có hai cái núng đồng tiền. Anh có vẻ tiếc lắm. Cuối cùng
anh nói:
“Em
gái mày đẹp như thế này, thì chán chi người dòm kẻ ngó. Tao làm
gì mà vói thấu. Trả hình lại cho mày là phải.”
“Mày định bắt cá hai ba tay sao? Con
Năm Cháo Trắng cũng có duyên lắm đó chứ!”
“Ừ. Có duyên. Hồi hôm, em thú thật với
tao em là ‘đầu gà đít vịt’ Mày thấy da em ngăm ngăm không?”
Tôi hỏi Tư Thàn làm sao mà câu được em
Năm Cháo Trắng? Trong lúc tôi bày mưu tính kế mà không được em
đáp ứng. Tư Thàn cho rằng tôi ngu, đàn bà con gái không ưa những
người bê bối, mang nợ mắc nần. Sau này về làm chồng quen thói nợ
nần, ai mà chịu nổi. Thì ra, tôi nhẹ dạ tin vào mưu kế tào lao
của mấy anh thủy thủ gà mờ.
Từ ngày trả lui cho tôi tấm hình cô gái
có núng đồng tiền, Tư Thàn không còn nể nang tôi như trước kia
nữa. Tôi biết mình ngu, đòi lại tấm hình, chẳng ích gì, nhưng đã
lỡ rồi, tiếc cũng không được.
Tôi thường ứng trực thế cho Tư Thàn, để
anh có thì giờ đi chơi với cô Năm Cháo Trắng. Bởi vậy, sau này cô
thường múc cho tôi những tô vun, cháo muốn tràn ra ngoài. Từ đó,
tôi không bao giờ thiếu nợ cô nữa.
Tư Thàn cho biết, cô Năm Cháo Trắng
muốn giới thiệu cho tôi một người bà con. Theo Tư Thàn, thì cô
Sáu Rau này đảm đang lắm, hiện bán rau ở chợ Cầu Ông Lãnh. Tôi
mừng hớn hở, và nghĩ rằng từ nay sẽ có một người bạn gái, cùng đi
chơi trong những ngày nghỉ, cho bớt cô đơn, đỡ chạy rong rong như
chó tháng ba. Chúng tôi hẹn nhau đi xem cải lương. Trước hôm gặp
gỡ, tôi bồn chồn, lo lắng, chăm chút lại nhan sắc cho đàng hoàng,
ủi lại áo quần cho thẳng nếp, tóc tai hớt cao sáng sủa. Gặp nhau
tại rạp hát, tôi thất vọng não nề. Cô gái mà họ giới thiệu, có
cái nhan sắc không hạp nhãn tôi. Cô này mặt hơi rỗ, răng cời, cái
mông rớt thấp xuống đến đầu gối. Ngồi bên cạnh cô trong rạp hát,
mà đầu óc tôi cứ luẩn quẩn nghĩ đến hai cái vé, tiếc tiền mua
bao. Hôm nay gánh cải lương diễn tuồng “Hoa rơi cửa Phật” tức là
chuyện tình Lan và Ðiệp. Chuyện kể cô Lan thất vọng vì người tình
đi lấy vợ, vào chùa cắt tóc đi tu. Cô Sáu cảm động khóc mùi mẫn,
hai vai rung rung, và xịt mũi mãi. Cô nắm lưng bàn tay tôi đang
tựa trên thành ghế. Bàn tay cô nhám xịt, có lẽ vì nhiều cục da
chai trong lòng tay, kết quả của công việc lao động hàng ngày.
Tôi để yên. Cô bóp nhẹ tay tôi nhiều lần. Tóc cô thoang thoảng
thơm dầu dừa. Có mùi hôi chua, có lẽ cô bị mồ hôi nách. Cái mùi
chua đó làm tôi khó thở. Tôi cứ để yên, không dám thụt tay về, sợ
cô buồn. Một lúc sau, tôi giả vờ nói:
“Rệp cắn. Rạp này nhiều rệp quá.”
Ðồng thời, tôi kéo tay về giả vờ gãi.
Tan tuồng, cô Năm Cháo Trắng ép tôi đưa
cô Sáu Rau về nhà bằng xích lô máy. Ban đầu tôi từ chối, muốn về
riêng, nhưng Tư Thàn cứ bấm tay tôi mãi. Tôi đành lên xe ngồi
nhìn thẳng ra phía trước. Xe chạy vùn vụt, gió tốc tóc cô Sáu
quất vào mặt, vào cổ tôi. Những khi xe quành, cả người cô Sáu đổ
dồn, như chồm lên tôi. Cô Sáu vòng tay ra ôm chặt lưng tôi, có lẽ
cô sợ ngã. Hai tay tôi xuôi ra phía trước, nắm trên đầu gối. Khi
cô Sáu xuống xe, cô chào tôi và cười nói: “Lính chi mà hiền quá!”
Cả tuần tiếp theo sau hôm đi xem cải
lương về, tôi giận Tư Thàn, giận luôn cả cô Năm Cháo Trắng. Hai
người này khinh tôi, giới thiệu cho tôi một cô gái vừa xấu xí,
vừa hôi nách. Buổi sáng tôi không ăn cháo trắng nữa. Tôi không
nói chuyện với Tư Thàn trong một thời gian lâu. Tư Thàn thì không
biết tôi giận, cứ líu lo nói chuyện này, chuyện kia, mà tôi cứ
phớt lờ.
Một
hôm Tư Thàn hốt hoảng nói với tôi:
“Nguy rồi mày ơi. Con Sáu Rau đau nặng,
sắp chết, nó muốn gặp mặt mày một lần trước khi về chầu Diêm
Vương.”
“Ðừng
đùa. Gặp để làm chi? Mà nó đau bệnh gì, mới đó còn khỏe mạnh như
trâu. Sao mày biết nó bệnh?”
“Thì con Năm Cháo Trắng nói. Sáu Rau
bệnh, không ăn uống được, nằm kêu tên mày suốt ngày đêm. Mày theo
tao ra cổng trại gặp con Năm Cháo Trắng, nó đang chờ mày.”
Tôi gạt tay Tư Thàn ra. Anh cứ nắm áo
tôi mà kéo đi. Tôi bực mình lắm, định gặp cô Năm Cháo Trắng, thì
cho một trận để cô ta biết mặt tôi. Nhưng khi gặp cô Năm Cháo
Trắng, thấy cái cười duyên dáng ỏn ẻn của cô, thì bao nhiêu giận
hờn đều tan biến đâu mất. Cô cầm lấy tay tôi một cách thân thiết,
làm tôi run run, và cảm động. Cô Năm Cháo Trắng ép sát người vào
tôi, kéo tôi đi. Tôi ngại Tư Thàn nổi ghen, phang cho tôi thanh
củi vào đầu. Tôi nhìn lui phía Tư Thàn, thấy anh không có vẻ gì
phản đối cả, tôi yên tâm đi theo. Cô Năm nói:
“Anh giúp em một lần đi. Tất cả lỗi tại
em gây ra, giới thiệu anh cho nó. Nó mết anh quá, đau bệnh tương
tư, anh không cứu nó, nó chết thì tội nghiệp lắm, mà anh mang
tiếng thất đức nữa.”
Cô Năm ngoắt chiếc xích lô máy, đẩy tôi
lên xe, cô leo theo, ngồi sát vào tôi. Hai thân mình tựa vào
nhau, làm tôi mê mẩn, khờ ra, cô bảo gì cũng nghe cả. Cô nói lớn
vì gió tạt mạnh:
“Anh giúp cho em một lần. Ghé thăm con
Sáu Rau. Sau này anh muốn cái gì, em cũng chịu. Giúp em, rồi em
sẽ trả ơn lại.”
Tôi nghe cô Năm Cháo Trắng nói, giọng
thỏ thẻ hứa hẹn, mà mụ cả trí. Tay tôi quàng qua lưng cô Năm, ôm
chặt lấy vai cô. Tôi quên mất cô đang là người yêu của Tư Thàn.
Tôi nghĩ, không chừng cô này khoái tôi, bày đặt chuyện Sáu Rau
đau, để có dịp gần gũi, tạo cơ hội cho tôi tỏ tình. Nhưng có lẽ
tôi không nên xớt tay trên của Tư Thàn. Xấu hổ. Bạn bè như vậy,
thì làm sao mà còn nhìn mặt nhau nữa. Mà nguy hiểm lắm, anh ta
nổi ghen, cho một phát súng, thì đi đời. Nghĩ vậy, tôi lỏng tay
ôm cô Năm Cháo Trắng, nhưng không buông hẳn.
Vào nhà cô Sáu Rau, mà tôi còn chưa
tỉnh cơn mê vì được ôm cô Năm Cháo Trắng trong vòng tay. Nhà tối
tăm, lụp xụp. Tôi thấy cô Sáu Rau nằm đắp chăn trên giường, mặt
vàng như bôi nghệ, môi khô có đóng vảy, mắt cô lờ đờ. Cô khóc và
đòi nắm tay tôi. Tôi đưa tay ra cho cô nắm. Cô thều thào:
“Em chết rồi, anh đừng quên em héng.”
Thấy một người con gái thương mình đến
đau bệnh tương tư, thì tôi cũng có phần cảm động. Nhưng nhìn cái
dung nhan xấu xí, tiều tụy, vàng vọt của cô, thì tôi nghĩ thầm,
thà tôi chịu chết, chứ không thể lấy một người vợ xấu xí như vậy.
Tôi nghĩ thêm, chuyện đau bệnh tương tư, chỉ có trong cải lương,
và trong báo chí mà thôi. Tôi không tin trong đời, có kẻ đau bệnh
tương tư. Lo cơm hàng ngày còn đỏ con mắt ra, đổ mồ hôi cực nhọc
kiếm miếng ăn chưa đủ, không ai có thì giờ mà đau tương tư. Cô
Sáu Rau nói lảm nhảm y hệt như những câu trong tuồng cải lương kỳ
trước, làm tôi nghe mà phát ngượng.
Sau này, tôi được Tư Thàn tiết lộ rằng,
cô Sáu Rau muốn bắt cổ tôi, nên giả vờ đau bệnh tương tư, bôi
nghệ cho vàng mặt, nhịn ăn, bớt uống hai hôm, làm cho ra vẻ hốc
hác, để tôi cảm động, và thấy trách nhiệm về cái chết của cô, mà
phải chịu phép. Nhưng cô Sáu tính sai, vì giả vờ bệnh, làm mặt
mày càng thêm xấu xí, hốc hác, thì tôi càng sợ, và càng cao chạy
xa bay cho sớm hơn nữa.
Cô Sáu Rau còn nhắn rằng, nếu tôi không
chịu mối tình, thì cô sẽ vào chùa, xuống tóc đi tu. Tôi đâu có
khờ dại, mà sợ cô dọa. Tôi nói với cô Năm Cháo Trắng rằng, đi tu
được, là có phước. Ði tu có thập phương nuôi, khỏi phải bôn ba
nắng mưa ngoài chợ. Tôi nghĩ là cô Sáu Rau bắt chước tuồng cải
lương mà nói, chứ không chắc đi tu đâu.
Thường thường, Tư Thàn và tôi trốn trại
đi xem đá gà ở xóm trong. Thiên hạ đánh cá ồn ào. Chúng tôi cũng
thường bắt độ, khi ăn khi thua, mà thua thì nhiều hơn ăn. Những
khi ăn tiền cá độ, chúng tôi dắt nhau đi nhậu vui vẻ, nhậu thâm
cả tiền túi. Khi thua, thì hai đứa lủi thủi ra về, phải vay mượn
tiền bạn bè để gỡ gạc. Có hai lần bị cảnh sát bố ráp, cả phường
đá gà bỏ chạy, chúng tôi cũng sợ bị bắt, chạy trốn, cho nên mất
luôn tiền cá độ. Từ đó, chúng tôi tìm ra một cách đánh cá khác,
mà chủ cá độ không móc được của chúng tôi một xu. Hai đứa tôi
đánh cá riêng với nhau, đứa này được, thì đứa kia thua. Chúng tôi
gọi là lọt sàng xuống nia. Và sau cuộc đá gà nào, chúng tôi cũng
có buổi ăn nhậu, vì một trong hai đứa thắng cuộc. Thời trước Tư
Thàn có nuôi gà đá, nên nhiều kinh nghiệm, cứ nhìn vóc dáng bên
ngoài, là biết ngay con gà có phong độ hay không. Tôi cứ nợ Tư
Thàn mãi, và một hôm, tôi bắt cá lớn, hy vọng trừ nguyên món nợ
đang thiếu. Con gà tôi bắt độ, lớn hơn con gà của Tư Thàn cỡ một
mười, một bảy, và cựa của nó dài hơn chừng nửa phân. Tôi chắc ăn.
Tư Thàn nói con gà kia nhỏ, nhưng xương giò lớn, cựa năm khến, và
sức lực dồi dào hơn. Theo Tư Thàn, nếu trong khoảng năm phút đầu,
mà cầm cự được, thì nó sẽ thắng. Hai con gà đá nhau túi bụi. Cứ
mỗi cú đá là địch thủ lăn ngửa ra. Máu me đổ lênh láng trên sân
đất. Con gà Tư Thàn bắt cá, bị té ngửa nhiều lần, và bỏ chạy hai
lần, nhưng quay lại chiến đấu tiếp. Con gà lớn của tôi bị hai cú
đá đau điếng, luồn đầu vào cánh địch thủ mà tránh đòn. Con gà nhỏ
quay đầu lại, cắn vào mồng con gà lớn, dùng hết sức lực đá ngược
lên, làm gãy cánh con gà lớn. Nó nằm lăn quay xà mòng trên mặt
đất, cái mồm há ra hấp hối. Tôi bị thua cá độ. Thế là nợ Tư Thàn
một số tiền bằng nguyên cả tháng lương. Nợ ít ít, thì còn nghĩ
đến chuyện thanh toán, nợ nhiều quá, không còn muốn trả nữa. Tôi
cứ khất mãi, và đến tháng lãnh lương cũng không trả bớt nợ cho Tư
Thàn. Từ đó, giữa tôi và Tư Thàn có cái gì lấn cấn, tình bạn
không còn như trước nữa. Tôi không dám ăn tiêu khi có mặt Tư
Thàn, sợ bị hỏi nợ. Không phải tôi muốn giựt nợ, nhưng tôi tự bảo
lòng, khi nào tiền bạc dư dả, thong thả mới trả. Tư Thàn thì cố
làm theo lời cô Năm Cháo Trắng, muốn kéo tôi gần vào cô Sáu Rau,
cứ có dịp là nhắc đến cô Sáu.
Một lần, Tư Thàn thấy tôi nói chuyện
thân mật, cười nói với một cô nữ quân nhân. Giữa chỗ đông người,
Tư Thàn hướng về tôi mà nói lớn:
“Sao mày nợ tao một tháng lương, lâu
quá mà chưa trả? Phải vay mượn mà trả chứ?”
Tôi bị mất mặt trước đám đông, phát
cáu, giận đỏ mặt. Tôi nghiến răng trả lời:
“Mày còn đòi tiền nợ, thì tao đánh cho
bể đầu. Tao không nói đùa đâu.”
Tư Thàn lảng đi nơi khác, mà tôi thì
cũng không hết giận, định đi theo gây sự thêm. Vì một món nợ đá
gà, mà chúng tôi mất tình bạn.
Sau năm 1954, Tây rút về nước, chế độ
Cộng Hòa được thành lập tại miền Nam. Chúng tôi được giải ngũ, về
đời sống dân sự. Tư Thàn đem vợ là cô Năm Cháo Trắng về quê làm
ăn. Tôi ở lại thành phố, làm đủ thứ việc, từ thợ nhà in, lái xe
chuyển vận hàng hóa, thơ ký cho hội thánh Tin Lành và nhiều nghề
khác. Cũng tạm đủ sống qua ngày, nhưng vì con đông, cho nên khi
nào cũng thấy thiếu thốn. Thời gian làm việc cho hội thánh, tôi
học được một ít tiếng Anh, nên sau này hữu dụng. Mười mấy năm sau
khi giải ngũ, một hôm tôi lái xe chuyển kinh sách cho hội Thánh
Tin Lành về miệt Long Xuyên, trên đường trở về, chiếc xe làm nư,
chết máy giữa đường, không biết làm sao mà sửa. Tôi ngồi bên vệ
đường, dưới bóng cây nhỏ. Ðầu óc suy nghĩ, tính kế không ra. Tôi
định bắt xe đò về tỉnh lỵ, rước thợ ra sửa xe. Chờ hoài mà không
có xe qua. Phía dưới ruộng khô, có một nông dân đang cày đất với
hai con trâu. Nắng cháy, cổ khát. Tôi thấy anh nông dân ngưng
cày, lên bờ lấy bầu uống nước. Túng quá, tôi đánh liều kêu lớn:
“Này anh ơi, khát quá, cho tôi uống
nước với.”
Người nông phu mang áo đen, quần xà lỏn, chậm chạp băng ruộng,
đem cái bầu nước đến cho tôi. Khi đến gần, thì anh reo lên:
“Mày đó phải không Quài. Sao biết tao
cày ruộng ở đây mà ghé lại thăm?”
Tôi mừng quá, hét lớn:
“Tư Thàn! Mày! Ð. M. mày. Thằng quỷ.
Mày ở đây hả? Chiếc xe nó biết có mày ở đây, nên chết máy, để cho
tao gặp mày.”
Tư Thàn và tôi xoắn lấy nhau, nhắc chuyện mười mấy năm trước. Ðủ
thứ chuyện. Nói cho nhau biết tin tức gia đình mỗi người. Tư Thàn
có hai thằng con trai. Ðời sống của gia đình thong thả, nhờ cô
Năm Cháo Trắng buôn bán thêm ngoài chợ quận. Gạo cơm đủ ăn. Mười
mấy năm, Tư Thàn chưa về lại Sài Gòn lần nào, vì cũng không có
chuyện gì, mà chẳng còn ai để thăm viếng.
Tư Thàn bỏ dở luôn buổi cày ruộng. Tôi
cũng bỏ kệ cho chiếc xe nằm ụ bên đường, đến đâu thì đến, theo Tư
Thàn đi vào làng. Nhà Tư Thàn trống trải, đơn sơ như tất cả mọi
nhà nghèo miền quê.
Tư Thàn lấy cái nơm làm bẫy, rải lúa
cho gà ăn, và bắt được một con gà trống thiến lớn. Sau khi chọc
tiết, moi lòng. Tôi phụ Tư Thàn nhồi đất sét ướt bên ngoài, và
thả con gà trong đống rơm mà nổi lửa. Lửa cháy bừng bừng, mùi
thịt thơm bốc lên làm tôi chảy nước miếng. Tư Thàn đem ra hai lít
đế trong veo. Thèm quá, tôi rót một ly nhỏ, uống trước. Rượu thơm
lừng nồng lên hốc mũi, và nóng như có lửa cháy trong cổ họng. Khi
gà chín, tôi đập cái vỏ đất sét, để cả con gà lên chõng tre có
lát sẵn mấy tàu lá chuối tươi, mà Tư Thàn đã rửa sạch. Chúng tôi
bốc tay mà ăn, cầm đùi gà nhai, rượu vào đều đều, cạn chai này,
qua chai kia. Chúng tôi cùng nhắc chuyện xưa, chuyện không đầu,
không đuôi, chuyện này lẫn qua chuyện khác. Hai đứa nhỏ con Tư
Thàn đi học về, cũng nhào vào xâu xé con gà. Tôi ép thằng lớn hớp
một ngụm đế, nó nhăn mặt phun ra. Tư Thàn và tôi cùng cười vang.
Khi trời xế chiều, thì cô Năm Cháo Trắng cũng gánh hàng về. Cô
nhận ra tôi, kêu thét lên vui thú, và phát vào vai tôi nhiều lần
đau điếng. Cô mắng:
“Cái ông khỉ này, tưởng chết rấp đâu
rồi chớ. Làm sao biết tụi tui ở đây mà ghé chơi? Vui quá xá.”
Ðêm đó, cô Năm Cháo Trắng nấu cháo vịt,
mượn hàng xóm thêm mấy lít đế, chúng tôi ngồi ăn nhậu dưới trăng
cho đến khuya. Ăn uống no say. Tôi chợt nhớ tới món tiền mà tôi
nợ Tư Thàn, trị giá bằng một tháng lương vào thời gian mười mấy
năm trước, mà chưa trả, và cũng chưa hề toan tính thanh toán cho
sòng phẳng. Cũng vì món nợ đó, mà cái tình bạn thân thiết giữa
chúng tôi có một thời lấn cấn, mất đi cái mặn nồng, không còn như
trước. Tôi chậm rãi nói lè nhè trong hơi men:
“Tao bậy quá, còn mắc nợ mày mà chưa có
dịp trả. Công việc làm ăn, cũng không khá, mà con cái đông đúc,
có cơm no bụng từng ngày là may lắm. Tiền không có dư...”
Tư Thàn cười hiền hòa, giọng ấm áp nói:
“Thôi, quên chuyện xưa đi. Nợ nần cái
khỉ gì? Chuyện cờ bạc thời trai trẻ dại dột, để tâm làm chi? Bạn
bè gặp lại nhau, là quý rồi.”
Có lẽ vì rượu đã ngấm nhiều, mà nghe
lời nói chí tình của bạn, mắt tôi cay xè. May mà tối trời không
ai thấy. Tôi xịt mũi. Ðêm đó, tôi ngủ lại nhà Tư Thàn, và nói
chuyện rầm rì trong bóng tối cho đến khuya.
Sáng hôm sau tôi ra chỗ xe nằm ụ, thì
thấy chiếc xe chỉ còn là một đống sắt cháy nham nhở. Thì ra đêm
qua, du kích đặt mìn phá, mà ngủ mê quá, chúng tôi từ làng trong,
không nghe biết. Tôi lấy xe dò về Sài Gòn, và bị đuổi việc. Nhưng
may mắn, không bị hội thánh bắt bồi thường. Có lẽ họ biết, tôi
đưa mạng cùi ra, có bắt đền cũng không moi được một xu, thì tha
làm phước. Vả lại thời buổi chiến tranh, không ai dự liệu trước
được chuyện bom mìn.
Nhờ có thời làm việc cho hội Từ Thiện,
tôi quen biết một số người, nên tháng tư năm 1975 chạy kịp ra
khỏi nước. Tôi đem gia đình chạy, chưa biết sẽ chạy đi đâu, về
đâu, và làm sao mà sinh sống sau này. Cứ chạy đã. Vì tôi sợ phải
đi tù như một số bạn tôi, họ đã trở về miền Bắc vào năm 1954, và
nghe đâu một số đã chết trong tù, một số còn bị giam giữ hơn hai
mươi năm chưa được thả. Ðó là tin tức chính xác đi quành từ miền
Bắc qua Pháp, và từ Pháp về miền Nam. Tôi được nước Mỹ cho vào cư
trú, đi làm đủ thứ nghề tay chân. Cuối cùng vào làm y tá cho một
trung tâm dưỡng lão của quận hạt. Làm việc cho đến khi về hưu.
Hai mươi mấy năm đời sống yên lành, no ấm, hạnh phúc.
Năm 2001, sau hai mươi sáu năm xa quê
hương, tôi về lại Việt Nam một mình, lần thứ nhất, để sắp đặt
việc cưới vợ cho đứa con trai út. Khi đang ở Sài Gòn, tôi nghe
tin bọn khủng bố đánh sập tòa nhà đôi chọc trời ở New York. Ban
đầu tôi không tin, và nghĩ rằng mấy ông Vẹm hay nói dối, đặt
chuyện xạo tuyên truyền, nói xấu đế quốc Mỹ. Nhưng sau đó, xem
truyền hình, tôi sửng sốt, bàng hoàng. Lòng tôi đau nhói, và nhận
ra rằng, quê hương mới là nước Mỹ, cũng muôn vàn yêu mến, thắm
thiết không thua gì quê hương cũ Việt Nam. Tất cả mọi chuyến bay
đều bị hủy bỏ, việc vào ra nước Mỹ cũng tạm ngưng. Tôi chưa thể
trở về lại Mỹ được, và trong lòng cũng tràn đầy lo ngại, không
biết có thể về lại Mỹ được không. Hay là kẹt lại ở Việt Nam mãi,
cho hết cuối đời. Bảy mươi mấy tuổi rồi. Một đêm mất ngủ, tôi ra
đứng ở hành lang khách sạn. Từ trên cao nhìn xuống phố phường bên
dưới, tôi chợt nhớ, hơn năm mươi năm trước, nơi đây còn lau sậy
um tùm, đất thấp ngập nước, hoang vu. Từ bên trong phòng vọng ra
tiếng ngâm thơ khuya qua cái radio nhỏ, giọng khàn đục buồn não
nề:
“Sông kia
rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ
trồng ngô khoai
Ðêm nghe tiếng ếch bên
tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi
đò...”
(*)
Lòng tôi chùng xuống, và chợt nghĩ hơn nửa thế kỷ trôi qua, vèo
mau như mộng. Mới ngày nào đó, tôi bị Tây bắt đi tù, sung vào đội
lính kèn. Bao nhiêu là đổi thay, bao nhiêu bãi biển đã biến thành
nương dâu, bao nhiêu trũng hoang đã trở thành phố thị. Những thế
hệ trước tôi và đồng thời với tôi, có lẽ đa số đã về với lòng
đất. Yên bề. Những người còn sống sót như tôi, bây giờ ở đâu, làm
gì. Bỗng tôi chợt nhớ đến Tư Thàn. Nhớ tha thiết. Nhớ đến món nợ
ngày xưa mà chưa trả được, lòng buồn rưng rưng. Tôi quyết định
ngay, mong cho trời mau sáng, để thuê xe đi tìm thăm Tư Thàn.
Chiếc xe thuê riêng, chở tôi chạy về
miền Tây, đi tìm Tư Thàn. Anh tài xế nghe tôi nói đi tìm một
người bạn cũ, gặp nhau lần cuối đã hơn ba mươi năm trước, anh lắc
đầu, có lẽ anh cho tôi là một ông già khùng lẩm cẩm. Xe từ Sài
Gòn, về qua Tiền Giang, đi hướng về phía Long Xuyên, dọc theo
kinh đào. Tôi chỉ nhớ mang máng cái nơi mà chiếc xe tôi lái bị
đặt mìn hơn ba chục năm trước. Tìm ba nơi không có, tôi qua nơi
thứ tư, cái tên làng nghe mơ hồ quen quen trong trí nhớ. Tôi vào
làng hỏi, xem ai có biết Tư Thàn, nay chừng trên bảy mươi tuổi,
hồi xưa làm lính kèn ở Bộ Tổng Tham Mưu. Gặp ai tôi cũng chèo
kéo, hỏi thăm, nói luôn tên cô Năm Cháo Trắng “đầu gà đít vịt”.
Mọi người đều lắc đầu, ngơ ngác. Tôi nghĩ là đến lầm nơi. Nhưng
vẫn nhớ mang máng đâu khoảng này. Tôi cố moi trí nhớ, càng cố
nhớ, thì trí óc như cứ mụ ra, mơ hồ thêm. Tuổi già thành lẩm cẩm.
Tôi đi lang thang quanh làng, và hy vọng, còn có người biết Tư
Thàn ở đâu. Khi tôi chán nản trở lại đường cái, ngồi trong cái
chòi bán nước bên vệ đường, thì gặp một bà già. Tôi chận lại hỏi.
Bà nhíu mày một hồi, suy nghĩ lung lắm. Bỗng bà la lên:
“Tôi nhớ ra rồi, từ lâu không ai gọi
ổng là Tư Thàn nữa. Mà ông là ai, tìm Tư Thàn có chuyện chi
không?”
“Tôi
là bạn lính kèn với Tư Thàn khoảng hơn năm mươi năm trước. Bây
giờ, nhớ bạn, ghé tìm thăm.”
“Trời đất! Năm mươi năm làm chi mà
không thăm nhau, giờ mới trổ chứng đi tìm!”
Mấy đứa trẻ con chạy ra ruộng kêu Tư
Thàn về, người ta nói anh đang cuốc đất thuê. Tôi nghĩ không phải
là Tư Thàn bạn tôi, hơn bảy mươi tuổi, còn sức đâu mà đi cuốc
thuê. Lũ trẻ đưa về một ông già ở trần, xương sườn đếm được, tay
chân khẳng khiu, chỉ mặc cái xà lỏn ngắn, đi chân đất. Da nhăn
nheo, khô khốc, đen đúa, gầy gò, hai má hóp, miệng móm xọm, chỉ
còn hai cái răng, một cái của hàm trên, một cái của hàm dưới, rất
là thiếu mỹ thuật. Không có một nét nào của Tư Thàn cả, có lẽ
tuổi ông này già hơn nhiều. Tôi nheo mắt nói:
“Tôi tìm Tư Thàn, hồi xưa làm lính kèn
ở bộ Tổng Tham Mưu, có vợ là chị Năm Cháo Trắng.”
Ông lão phều phào:
“Ông là ai? Tìm tui có việc gì không?”
“Tôi tìm Tư Thàn. Tôi là bạn cũ.”
“Ông là bạn cũ của tui? Chắc ông tìm
lầm người rồi.”
“Ông biết Cô Năm Cháo Trắng?”
“Vợ tui, má thằng Ðộ, thằng Rề.”
Bây giờ thì tôi chắc chắn ông lão ngồi
trước mặt tôi chính là Tư Thàn, không ai khác. Tôi còn mơ hồ thấy
vài nét hao hao của thuở nào. Bố thằng Ðộ, Thằng Rề, hai thằng
này tôi đã gặp hồi xưa. Ngày trước, Tư Thàn mong sinh được bảy
đứa con đặt tên là Ðộ, Rề, Mi, Pha, Xôn, La, Xi, nhưng mới có Ðộ,
Rề, thì bà vợ tịt ngòi. Tư Thàn ngồi co một chân lên ghế dài, rất
tự nhiên, cái quần xà lỏn kéo nhăn nhúm lên cao, để lòi nguyên bộ
phận kín ra ngoài, một khúc đen điu, nhăn nhúm, nằm tựa trên một
đùm bao da lưa thưa lông bạc trắng. Tôi mừng quá, nắm lấy hai vai
Tư Thàn mà lắc:
“Mày không nhớ ra tao là ai hả Tư
Thàn!”
“Không.
Ông có lầm tui với ai khác không? Ông là ai?”
“Thế thì mày không phải là Tư Thàn,
lính kèn ở bộ Tổng Tham Mưu hả?”
“Tui, Tư Thàn lính kèn đây.”
Tôi làm bộ buồn bã đổi giọng:
“Có lẽ ông không phải là Tư Thàn tôi
quen, mà là người khác trùng tên chăng?”
“Lính kèn, ở bộ Tổng Tham Mưu, trước
năm năm mươi tư. Chỉ có Tư Thàn này thôi.”
Tôi nắm chắc hai vai Tư Thàn mà lắc, và
hét lên:
“Ð.M.
mày không nhớ ra tao là ai, thật không? Hay mày giả bộ.”
Tôi đưa tay lên miệng, với dáng điệu
như đang thổi kèn và ca:
“Một ngàn, ba mươi vạn thằng Tây, xách
cái bị, đi ăn mày. Mụ đi đâu, tui bắt mụ lại, tui không cho mụ
về.”
Nghe
tiếng chửi thề và điệu kèn Tây của tôi, Tư Thàn nhào đến ôm lấy
tôi mà thét lên:
“Ð.M. mày, chỉ có mày mới nói cái giọng
này. Thằng chó chết, thằng dịch vật. Thằng Quài, mày, Quài. Mà
mày sang trọng, và trẻ quá, ai ngờ, ai mà nhìn ra.”
Ðám trẻ con đứng xem cười ầm lên khi
thấy hai ông già văng tục và gọi nhau bằng mày tao. Tư Thàn cảm
động quá, cái miệng móm méo xẹo, và khóc thành tiếng hu hu, làm
tôi cũng khóc theo. Tư Thàn nghẹn ngào:
“Mày còn nhớ đến tao, tìm thăm. Ðồ dịch
vật. Lâu nay mày chết rấp nơi nào?”
Tư Thàn nhìn tôi từ đầu xuống chân, nói
nho nhỏ:
“Tóc
tai cũng còn, răng cỏ hai hàm còn nguyên, mặt mày có da có thịt,
áo bỏ vào quần, đi giày đàng hoàng. Có phải mày là Việt Kiều về
thăm quê hương không? Bây giờ mày ở đâu? Làm gì?”
Tôi sợ Tư Thàn buồn, nói dối:
“Việt kiều cái con khỉ. Tao ở Sài Gòn,
nhờ có mấy đứa con vượt biên ra nước ngoài, và mấy đứa ở nhà,
buôn bán, ăn nên làm ra. Giờ già rồi, về hưu, không làm gì nữa
cả.”
Tôi hỏi
thăm gia cảnh, Tư Thàn cho biết hai đứa con trai đều đã chết.
Thằng Ðộ đi lính quốc gia, đã đền nợ nước, thằng Rề “hy sinh” cho
“cách mạng”. Cô Năm Cháo Trắng chết bệnh. Tư Thàn không có ai để
nương tựa, phải đi cuốc đất thuê kiếm ăn qua ngày. Tôi nhìn cái
thân thể xương xẩu của Tư Thàn, không biết anh lấy đâu ra sức mà
đi làm lao động chân tay. Tôi nói:
“Thôi, mày đưa tao về nhà, thay áo
quần, rồi cùng qua Long Xuyên, lu bù một bữa, anh em hàn huyên
chơi, bõ mấy mươi năm xa cách.”
Tư Thàn ngự trong căn chòi nhỏ, bốn bề
che lá đơn sơ. Không bàn, không giường, chỉ có cái võng treo xéo.
Trên bếp có cái nồi đen điu, méo mó. Tôi giở nồi ra xem, thấy còn
có miếng cơm cháy. Tôi bốc ăn, mà cứng quá, răng già không nhai
nổi. Thế mà Tư Thàn không còn răng, ăn cách nào đây?
Khi xe vào tỉnh lỵ Long Xuyên, tôi nhờ
anh tài xế tìm cho một quán ăn ngon. Anh đưa chúng tôi vào quán
nướng Nam Bộ. Tư Thàn gạt đi, không chịu vào, và nói:
“Kiếm chai đế và vài ba con khô cá sặc
là đủ vui rồi. Ðừng hoang phí tiền bạc. Vào làm chi những nơi
sang trọng này cho chúng chém. Gặp nhau là vui rồi. Ăn uống là
phụ.”
Tôi ép
mãi mà Tư Thàn không chịu. Cuối cùng, chúng tôi ra chợ, ngồi trên
ghế thấp ở quán lộ thiên, ăn nhậu và nói cười vui vẻ, tự nhiên.
Tôi uống rượu thay nước, vì sợ đau bụng. Anh tài xế cùng ăn, mà
tôi không cho anh nhậu rượu, anh tỏ vẻ khó chịu, vùng vằng.
Ðưa Tư Thàn về lại tận nhà, tôi móc
trong cặp một gói bao, bằng giấy báo đưa tặng. Tư Thàn mở ra xem,
và giật mình, xô gói quà ra về phía tôi:
“Cái gì đây? Tiền đâu mà nhiều thế này?
Tôi không lấy đâu. Ðừng bày đặt.”
“Có bao nhiêu đâu. Ngày xưa, tao nợ
mày chưa trả được, bây giờ trả lại cả vốn lẫn lời. Tao tính rồi,
mày nhận đi cho tao vui, bõ công tao lặn lội đi tìm.”
“Không. Nợ nần cái khỉ gì. Ăn thua đá
gà, chuyện tào lao thời trẻ dại. Tao đã bảo mày quên đi từ lâu.
Bày đặt. Lấy tiền làm chi? Không có chỗ cất, bọn trộm cắp nó lấy
đi, uổng lắm. Tao không lấy đâu.”
Thấy bộ Tư Thàn cương quyết quá, tôi
xuống giọng, giả vờ nói:
“Mày mà không nhận, tao có chết nhắm
mắt cũng không yên tâm. Chưa trả hết nợ, thì sau này phải đầu
thai làm trâu cày cho mày. Khổ lắm. Thương tao, mày cứ cầm đi.
Ðể mua gạo. Ðể khi đau yếu có chút thuốc thang. Nếu không có nơi
cất, thì đem gởi bà con.”
Ðôi mắt già của Tư Thàn chớp chớp, và
nói giọng run run như sắp khóc:
“Ð.M., tao già đến thế này, mà mày cũng
còn định gạt tao như hồi xưa nữa sao? Thằng chó chết. Cái tình
bạn của mày, còn quý gấp trăm ngàn lần gói tiền này. Ừ, tao nhận
cho mày vui. Tao sẽ làm mâm cơm cúng bà Năm Cháo Trắng, nói cho
bà biết cái tình bạn của mày. Dưới suối vàng, chắc bà cảm động
lắm.”
Tràm Cà Mau
Tác giả chú thích
(*) Thơ Trần
Tế Xương
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by batkhuat nguyen chuyển
Đăng ngày Thứ Tư, October 30,
2024
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang