Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Truyện ngắn
Chủ đề:
Mùa Hè
Tác giả: Phương Lâm

MÙA HÈ CỦA TÔI

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)


Lui về tìm đọc những trang thơ
Ôi đẹp làm sao tuổi học trò
Phượng nở ve kêu như chào đón
Lưu bút gói tròn tuổi mộng mơ.


Mùa hè về, mùa phượng nở đỏ thắm sân trường, ve rả rích kêu, quyển lưu bút chuyền tay nhau, bao kỷ niệm thân thương tuổi học trò gói trọn trong những dòng chữ đơn sơ ấy.

Rồi:

Cuối mùa xuân năm nớ
Nhiều tiếng nổ long trời
Theo dòng người xuôi ngược
Xếp sách vở bút nghiên
Sang trang thời thơ mộng...
Tuổi học trò bước xuống
Dầm mình hứng nắng mưa
Sáng rá sắn, trưa khoai
Cố sải bước chân dài
Ôi tương lai mờ mịt...


Mình đã thoát ra nơi đau thương chất ngất đó, đi mà không dám quay nhìn lại, được định cư tại tiểu bang Washington, nơi này làm cho mình luôn nhớ về mùa mưa bên nớ, mưa dầm, hết mưa dầm tới mưa phùn kèm theo gió đông lất phất lạnh...

Thời tiết ở đây đặc biệt hơn bên nớ, 9 tháng mưa, 3 tháng nắng mà nắng lại chập chờn không trọn vẹn, đó là mùa hè.

Mùa hè ở đây không ve sầu lên tiếng gọi, không cánh phượng hồng rụng đỏ sân trường, bây giờ mình không còn là học trò nhưng luôn mong hè tới, để thấy ông mặt trời và giong ruổi khắp mọi con đường của thành phố mình đang ở.

Niềm vui của mùa hè ở đây là tìm đến các ngã tư đường, nhìn trên trụ đèn, đủ loại giấy màu, đủ kích thước, đủ màu mực, chữ to, chữ nhỏ, nào là Garage sale, Yard sale, Moving sale, Estate sale, v.v., đó là những bản quảng cáo đơn giản của một khu chợ trời thu nhỏ trong sân, trong nhà để xe, tấm giấy nào cũng có ghi số nhà, mũi tên chỉ đường, ngày thứ Năm họ bắt đầu quảng cáo, thứ Sáu, thứ Bảy, CN, là những ngày hè vui trên quê hương thứ hai này, đi khắp nơi, đường nào cũng qua, góc cùng ngõ cụt nào cũng tới, tha hồ mua, cũ họ mới mình giá cả hết sức khiêm tốn, 25 cents, 50 cents, 1 đồng là giá cao.

Không biết văn hóa chợ trời thu nhỏ kiểu này của người Mỹ khai sinh từ khi nào, mình người nhập cư thấy vậy coi như ăn theo họ, người Mỹ họ đi nườm nượp, điều căn bản chúng ta thấy người Mỹ sống sung túc nhưng không phung phí, đồ không dùng bán giá rẻ cho người cần dùng, bán không hết đem cho các cơ quan từ thiện.

Vợ chồng chúng tôi ban đầu mua sắm các đồ dùng cần thiết, số còn cất lại đó, có dịp mang về bên nớ, bởi vì cái gì cũng đẹp, cũng tốt, có nhiều thứ quá lạ mình mới thấy lần đầu, cứ thế mỗi ngày đi là chở một xe về, riết không có nơi để cất, 2 đứa con mỗi lần chúng tôi ra khỏi nhà đều nhắc tới nhắc lui:

– Ba mẹ thấy chi cần thì mua không thì thôi, nhà chật như nêm rồi, đừng mua chi thêm nữa.

Bây giờ trong nhà đồ dùng không thiếu, chủ yếu đi coi cho vui, và sưu tầm những món hàng quý, chúng tôi đã mua được cái đồng hồ ROLEX giá 50 Cent, dây chuyền vàng, dây chuỗi đeo cổ hạt trai, hạt đá, lắc mang tay, vòng tay các kiểu, nhẫn, v.v.

Có những gia đình chúng tôi ghé vào không có đồ cần mua, nhưng chủ nhà thấy mình vào, họ ân cần chào đón, đi ra không mua chi cũng áy náy trong lòng, thôi thì 50 cents, 1 đồng mua đại 1–2 cái chi đó cho họ vui, không phải họ túng thiếu bán đồ cũ để sống, nhưng đó là thú vui chung của mùa hè, 50 cents, 1 đồng đem tới cho họ nụ cười cũng xứng đáng, mỗi nơi một ít dồn lại thành nhiều.

Hằng năm hè bắt đầu về, chúng tôi âm thầm đóng gói đồ mua năm ngoái đem gửi vào các thùng Donations nằm chờ ở góc sân các chợ Mỹ, để dành chỗ trống nhập hàng mùa Garage sale mới.

Chúng tôi thích tìm đến mấy địa chỉ Estate sale, Estate sale là dạng bán chia của, cha mẹ lớn tuổi qua đời, con cháu tập trung về bày bán từ A tới Z, bán sạch sành sanh, cho trống nhà, giá nào cũng bán, sau mấy ngày bán, chiều Chúa Nhật sau cùng, họ thanh toán hàng còn lại bằng cách để sẵn các bịch nilon để giá 1 bao đựng đầy 2 đô la, người mua tha hồ nhét đầy túi, mỗi người vài ba xách.

Chạy qua góc đường khác gặp bản giấy carton quảng cáo Moving Sale, theo mũi tên chỉ đường tìm đến địa chỉ đã ghi. Các cửa hàng Moving này kinh doanh rất dễ chịu, có thứ họ bán, cũng có thứ họ cho, để nhẹ hành trang di chuyển đi nơi khác.
Căn nhà bán hàng Moving này nằm khuất sau bụi cây Lum đang trĩu trái trên cành.

Theo chân tốp người đi trước, vào tới sân chúng tôi sững sờ ngắm hòn non bộ ở góc trái của sân, quá đẹp. Tôi nói với ông xã:

– Chắc nhà này của người Việt theo đạo Công Giáo.

Ổng gật đầu nói:

– Ừ! Chắc chắn vậy! Hòn non bộ đẹp quá, công phu quá, người sành điệu mới tạo được cảnh này, nhưng chủ nhà là ông Mỹ mà, ông đang ngồi đọc sách kia kìa.

Tôi đoán mò:

– Có lẽ chủ nhà trước ông ta là người Việt.

Ông xã trả lời ngắn gọn:

– Chắc vậy.

Lấy điện thoại chụp mấy tấm hình kỷ niệm, đi một vòng quanh sân rồi vô ga ra, điều ngạc nhiên thứ hai là một kệ sách, có gắn 4 bánh xe, bề ngang chừng hơn 2 mét, bề cao quá đầu, 6 tầng để sách, nhìn gáy sách đa số là sách truyện Việt Nam, xếp thứ tự y như trong thư viện, tôi gọi ông xã vào coi, ông thảng thốt kêu lên:

– Ôi trời!

Tôi nghĩ không phải chỉ hai chúng tôi mà bất cứ người Việt Nam nào tới đây thấy kệ sách này cũng đều sửng sốt.

Sách không có giá bán, chúng tôi lưỡng lự không biết sách có bán hay không, suy nghĩ cứ chọn vài quyển nếu họ không bán mang bỏ lại trên giá cũng chẳng sao. Nhiều quá không biết làm sao chọn, sách không có giá, tiền mang theo không nhiều, thôi cứ liều, chọn mỗi tác giả một quyển. Ngọn Cỏ Gió Đùa của ông H. B. Chánh, Đường Về Gia Hương của ông Đoàn Giỏi, Mái Tóc Thời Dĩ Vãng của Mai Thảo, Gió Trăng Ngàn của Thế Lữ, Chim Quyên Xuống Đất của Sơn Nam, Gió Đầu Mùa của Tự Lực Văn Đoàn, Kiếp Người, truyện dịch của Nguyễn Hiến Lê, Giải khăn Sô cho Huế và Bóng Tối Thời Con Gái của Nhã Ca, Ảo Vọng Tuổi Trẻ của Duyên Anh. Tất cả 10 quyển.

Ôm chồng sách ra đặt lên bàn của ông chủ nhà đang ngồi vừa đọc sách vừa thu ngân, ông lật úp quyển sách xuống bàn, tôi ngạc nhiên khi thấy ông đang đọc quyển “Dòng Nước Ngược của Tự Lực Văn Đoàn”, còn khiếp hơn, ông nhìn hai chúng tôi hỏi giọng Huế ráo hoảnh:

– Tất cả mấy quyển?

Tôi đáp:

– Dạ 10.

Ông kéo chồng sách về phía mình, lật gáy coi tác giả. Ông cười nói:

– Hay đọc sách lắm hả?

Tôi trả lời:

– Dạ! Trước 1975, chứ sau 75 văn hóa đồi trụy này lưa mô mà đọc lạng quạng thu giấu không đem nộp là ở tù như chơi, bây giờ là vàng chứ không còn là sách nữa.

Ông chủ Mỹ nói:

– Sách quý không giá, muốn trả mấy?

Tôi trả lời:

– Dạ! Tôi biết sách quý, nhưng tôi không đem theo nhiều tiền, trong túi chỉ còn 52 Đô la.

– Rứa cũng được, tôi lấy 50.

Tôi nói với ông:

– Ông bớt cho tôi 5 đồng để tôi còn 7 đồng đi tiếp, chứ 2 đồng quá ít, không lẽ phải về bây giờ thì uổng ngày thứ 6 quá.

Ông gật đầu đồng ý.

Tôi nói:

– Cám ơn ông.

Tôi nhìn ông rồi nói:

– Tôi muốn hỏi ông một câu.

– Hỏi đi.

– Hòn non bộ đó ông làm hả?

Ông vui vẻ hỏi:

– Ừ! Tôi làm, có đẹp không?

– Dạ! Đẹp lắm.

Ông nói:

– Mô hình đó tôi phỏng theo quê của bà xã tôi, ông bà có biết làng Phước Tượng không?

Tôi trả lời:

– Dạ biết.

Ông nói:

– Từ Đà Nẵng đi ra xuống khỏi đèo Phước Tượng có đường đất bên tay phải đi sâu vào trong có một làng đạo nhỏ nằm dựa lưng vào ngọn núi thấp, mặt quay ra đầm nước, đó là quê hương của bà xã tôi.

Tôi khen:

– Ông quá tuyệt vời, tạo cảnh quê hương cho vợ ngắm.

Tôi nói tiếp:

– Ông nói chuyện với chúng tôi không ai nghĩ ông là người Mỹ, âm Huế chuẩn không sai chút mô hết, còn tủ sách toàn là sách quý các tác giả nổi tiếng, ông quá giỏi.

Ông cười đùa nói:

– Giỏi chi mà giỏi, tiếng Việt phải lo học, không học, nhiều khi bị chửi cũng không hay, nếu chữ Việt không rành nhiều khi có thư lạ tới mình làm sao biết thư của ai.

Tôi cười đùa nói giỡn với ông:

– Chà sợ vợ có bồ nên học chữ Việt, ông Mỹ ni quá quắt thật.

Ông cười hà hà nói tiếp:

– Đùa tí cho vui vậy mà! Người Huế dễ thương trung thành lắm.

Tôi trả lời:

– Thôi ông ơi đừng nịnh nữa.

– Thiệt mà, còn giá sách của bà xã tui sắm đó, bà qua đây năm 1969, mỗi lần về thăm bà đóng qua mấy thùng, bây giờ sách này chỉ nhà tui còn chớ bên Việt Nam lưa mô nữa, họ đốt hết rồi.

– Dạ đúng! Họ đốt sạch lưa mô nữa, biết bao thứ quý họ cũng đập phá, thôi nhắc lại thêm đau lòng. À mà ông... mai chừ đứng đây cũng lâu răng không thấy chị, rứa bà mô rồi ông?

Ông trả lời:

– Cái nhà chừng đó bà dọn tối ngày, bây giờ chuẩn bị đi thì ôi thôi từ sáng tới khuya tôi thấy bà hình như không biết mệt.

Tôi nói:

– Lâu ngày gặp đồng hương, cơ chi có chị nói chuyện vui biết mấy, hay là anh mời chị ra đây một lát cho vui.

Ông nói:

– Khi nào bà muốn nghỉ tay thì bà nghỉ chứ tôi gọi bà không có việc quan trọng bà mở đài nghe không chịu nổi.

Tôi nói đùa:

– Coi bộ ông anh cũng ngán bà chị.

– Ngán quá đi chứ, mình phải học thuộc câu im lặng là vàng.

Tôi cười nói:

– Bệnh chung của đàn bà đó ông anh à, Huế có ông rể tuyệt vời, rứa anh chị có hay về thăm Phước Tượng không?

Ông nói:

– 3 năm đi một lần, tôi thích về ở bên đó nhưng bà xã tôi không chịu, bà nói về thăm chơi thì được, còn ở thì không, chính quyền bên đó họ nói vậy mà không phải vậy, nói một ngã làm một đường.

Tôi nói:

– Tôi cũng nghĩ như chị, rứa anh chị định dời đi mô mà bán đồ.

Ông nói:

– Hai đứa con ở Cali, muốn chúng tôi về dưới đó, thứ nhất là nắng ấm, hai là người đồng hương nhiều để cho Mạ họ có cơ hội gặp nhau tâm sự tuổi già, ở đây lạnh, buồn, tội nghiệp.

Tôi nói tiếp:

– Thật quý hiếm, con cái biết quan tâm đến cha mẹ, gia đình anh chị thật hạnh phúc, cho vợ chồng tôi gửi lời thăm chị, chúc anh chị ra đi mạnh khỏe.

Ông nói:

– Cám ơn tôi sẽ nói lại.

Tôi nói tiếp:

– Tôi còn một câu nãy giờ muốn hỏi nhưng sợ anh cho là tôi quá tò mò.

Ông vui vẻ nói:

– Không sao cô cứ hỏi, trả lời được thì trả lời còn không thì thôi có sao đâu mà lo.

– Anh nói chị qua đây năm 1969, thời đó ít người Việt ra định cư nước ngoài, sao chị qua đây sớm vậy?

Ông cười trả lời:

– Năm 1968 bà bị trúng đạn pháo kích của phe bên tê, bị thương rất nặng, được đưa ra bệnh viện của Hạm Đội điều trị, tôi làm việc trong bệnh viện đó, quen bà, qua năm sau chúng tôi cưới, cuối năm 1969 tôi đưa bà về đây.

Tôi nói:

– Một cuộc tình tuyệt vời, vậy anh là bác sĩ?

– Vâng! Tôi là bác sĩ.

Tôi nói:

– Cám ơn anh, tôi rất vui, được nghe chuyện tình của anh chị. Thôi xin phép bye anh.

Xe nổ máy chạy tiếp qua đầu khu phố thấy bản quảng cáo Multi Family sales.

Multi Family sales là các gia đình trong khu phố cùng nhau dọn hàng ra bán, các gian hàng san sát nhau, bán đủ thứ trên đời, thượng vàng hạ cám cần chi có nấy, vui lắm, ít nhất cũng chục gia đình tham gia, có nhiều gian hàng của các em học sinh, bán bánh ngọt và nước uống, mời chào ì xèo, người đi chợ đông nghẹt, giống như chợ tết của mình, đi tới gần cuối dãy, thấy hai người châu Á đang loay hoay sắp xếp, nghe họ nói chuyện với nhau tiếng Việt, vui ơi là vui, tôi hỏi to:

– Máy xay sinh tố này có bán không hè?

Hai ông bà ngẩng đầu lên cười ha hả:

– Ai chớ người Việt thì không bán mà biếu thôi.

Cơ hội để xả xu–páp, tha hồ nói chuyện, được biết chị tên Hồng anh tên Quang, anh chị nói, lúc trước mấy đứa con còn đi học có dọn bán, giờ chúng nó đi làm xa không có đứa nào ở nhà, luôn tiện khu phố tổ chức mình bán ké cho vui, chứ bán một mình chắc mình không kham nổi, ngó qua thấy đơn giản vậy chứ nhiều chuyện lôi thôi lắm, mấy đứa nhỏ lanh lẹ, chia việc làm cho nhau, nào là viết quảng cáo, dấu chỉ đường, địa chỉ, rồi chạy đi treo quảng cáo, chọn ngã tư nào đông người qua lại thuận đường cho khách tới, vui là chính chứ bán buôn nỗi gì, dọn ra bán để mong gặp bà con mình nói chuyện cho vui.

Từ giã gian hàng chị Hồng anh Quang chúng tôi tiếp tục chạy xe tìm vui mùa hè ở ngã tư đường khác.


Phương Lâm

Tác giả tên thật là Phương Nguyễn, sinh năm 1957 tại Phủ Cam, Huế, là cựu học sinh trường Jeanne D'Arc. Hiện ở tại thành phố Seattle, tiểu bang Washington. Đã nghỉ hưu.



Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet eMail by CATHY chuyển

 

Đăng ngày Thứ  Bảy, June 24, 2023
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang