Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Truyện
ngắn
Chủ đề:
Sống hạnh phúc
Tác giả:
Tràm Cà Mau
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Ông
già Nam chống hai cái nạng, khấp khểnh lê từng bước chậm chạp và
khó khăn trên hè phố đông người tấp nập. Đầu ông nghiêng về một
phía, vì cái cổ không đỡ nổi chiếc đầu hói láng bóng tóc lưa
thưa. Mỗi bước đi tới là kết quả của nỗ lực cố gắng liên tục. Thế
nhưng miệng ông đang huýt sáo vang vang bài hát “Cầu sông Kwai”
và ánh mắt lóe sáng tia vui cười. Ông cứ kiên nhẫn ì ạch từng
bước đi tới. Một người bạn cũ chận ông lại hỏi:
– “Có chuyện gì không, mà trông có vẻ
hân hoan vui thú vậy?”
– “Có chứ! Trời đất hôm nay ươm nắng
vàng tươi đẹp, không khí dịu dàng, mát mẻ ôn hòa. Được sống thêm
một ngày như thế này, mà không hân hoan vui thú, thì có phải là
phí của trời đất cho hay không?”
– “Lãng xẹt. Thế mà tôi cứ tưởng ông
trúng số độc đắc, hay vừa có tình yêu mới.”
Ông Nam cười ha hả và nói:
– “này, sao anh mau quên thế? Nhớ cái
thời còn đi tù cải tạo, ước mơ được một lần đi trên con đường
phố, bước vài bước trên đường ngoài trại tù, như một ước mơ hoang
đường trong truyện thần tiên. Bây giờ có tự do, thân thể không bị
quản thúc, có no ấm, không còn đói khát thèm thuồng từng củ
khoai, miếng sắn. Lại sống trong một thế giới tự do, có an toàn,
sinh mạng không bị de dọa, nhân phẩm không bị chà đạp. Nghĩ đến
thế thôi, cũng đã vui lắm rồi.”
Bạn ông Nam ngần ngại hỏi:
– “Thế thì hồi này ông hết bệnh rồi
sao?”
– “Bệnh
kinh niên, làm sao mà hết được? Nhưng cứ chấp nhận cái bệnh như
một phần của đời sống, thì thấy dễ chịu. Dẫu cho mắt đã mờ, nhưng
vẫn còn thấy được cảnh vật, sinh hoạt, tai đã lãng, nhưng vẫn còn
nghe được lời nói của bà con, bạn bè, nghe được tiếng chim hót,
tiếng nhạc du dương, chân què cụt, nhưng còn lê bước đi đây đi
đó, và xương cốt đau đớn, nhưng còn chịu được, thì phải vui, và
biết ơn trời đất, cho mình còn như hôm nay. Không nhận thức được
điều này, là một thiếu sót lớn.”
Người bạn nhìn ông với ánh mắt thương
hại nói tiếp:
– “Sao mà ông lạc quan quá đáng. Có lẽ vì ông không phải chịu
những rắc rối, khó khăn, muộn phiền, khổ đau của cuộc đời đang đè
nặng, nên mới lạc quan như vậy chăng?”
– “Ai mà không có những khó khăn, rắc
rối, âu lo hàng ngày? Ai mà không có một niềm đau âm ỉ trong
lòng. Nhưng bên cạnh những bất hạnh đó, còn có nhiều phước hạnh
khác. Cứ nhìn vào bất hạnh, mà không nhìn vào phước hạnh nên mới
khổ. Ông chưa nghĩ kỹ thôi, chứ tàn tật như tôi, so với nhiều
người khác, thì còn được may mắn lắm lắm.
Có những người không còn thấy ánh sáng,
ước mơ một phút mở mắt ra nhìn được người thân thương, có người
nằm bẹp dí trên giường không di chuyển được, họ thèm một phút
trên đường phố như chúng ta, có những người đang đói khát, tù
tội, họ thèm được một phần ngàn cái hoàn cảnh hiện tại của chúng
ta hôm nay. Mình có, có hết, mà không biết hân hoan, không biết
đón nhận và cám ơn trời đất, thì có tội, và tội lớn lắm. Một ngày
kia mất đi những thứ này, sẽ tiếc quay quắt và ân hận sao ngày
xưa mình có mà không biết sung sướng.”
Ông Nam kéo bạn vào quán cà phê bên góc
đường, kêu hai ly cà phê đen và nói chuyện đời. Ông bạn nói:
– “Nếu ai cũng nghĩ như ông, thì đời
này không có đau khổ, không có muộn phiền. Ông quan niệm cái hạnh
phúc giản dị quá.”
– “Đúng, hạnh phúc là cái giản dị nhất,
khi nào cũng có thể tìm được, cảm được, nếu mình muốn. Ông có
thấy hôm nay chúng ta được ngồi đây với nhau như thế này là hạnh
phúc hay không? Hạnh phúc quá đi chứ. Những niềm vui nhỏ nhoi,
những hạnh phúc đơn giản, gom góp lại thành ý nghĩa của cuộc
sống. Chứ ông quan niệm thế nào là hạnh phúc?”
Ông bạn cười đáp:
– “Được giàu sang tột đỉnh, được danh
vọng ngất trời, được quyền uy quán thế.”
– “Thế thì ông sẽ không bao giờ có được
hạnh phúc cả. Giàu sang, danh vọng, quyền uy, hầu như ai cũng
mong muốn. Nhưng đó là ngọn nguồn của khổ đau, của bất hạnh, cho
chính người muốn có các thứ đó. Và là nguyên nhân gây tai họa cho
con người chung quanh. Đó, ông thấy không, vì tham vọng mà gây ra
chiến tranh, cả ông và tôi phí mất tuổi thanh xuân trong cuộc
chiến triền miên, và phí cả thời sung sức trai tráng trong tù
đày. Bao nhiêu người chết chóc, bao nhiêu nhà tan cửa nát, bao
nhiêu người thành tàn tật như tôi.”
Hớp một ngụm cà phê, ông Nam nhìn bạn
cười và nói tiếp:
– “Ông hãy nhìn thiên hạ hấp tấp, vội
vã như đang chạy đuổi thời gian, những khuôn mặt căng thẳng như
đang nặng ưu tư lo lắng vì cuộc sống bình thường, vì cơm áo. Uổng
quá. Mọi người đáng ra phải cảm được cái sung sướng, cái hạnh
phúc mà họ đang có, và có thực, và tạm quên đi những khó khăn,
những bực bội, để tận hưởng cái ân sủng trời đất ban cho. Thể xác
họ lành lặn, nhưng tâm thần họ có thể đang tật nguyền, vì nếu
không tật nguyền, thì sao mà nét sầu muộn, lo lắng hiện rõ ra
trên mặt, không che giấu được. Có phải người dân trong xứ này
chưa chịu nhiều bất hạnh, nên chưa biết quý những hạnh phúc bình
thường chăng?”
Người bạn ông Nam không muốn nghe những
điều lạc quan đó, ông kiếu từ, vì còn nhiều việc phải làm, phải
thanh toán gấp hôm nay.
Ngồi trong quán, ông Nam nhìn những
giọt cà phê thong thả rơi, thời gian cứ lặng lẽ chuyển đi, và
nắng vàng lên cao dần dần, hơi ấm hắt lên hè phố. Ông mở tờ báo,
lướt qua các tin tức chính, rồi lật vào các trang trong, xem biếm
họa, chuyện cười, thỉnh thoảng ngước mắt, nhìn ra hè phố, nơi có
hàng trăm cái chân đang loang loáng, tất tả ngược xuôi ngang qua.
Dù xương cốt đang đau nhức, và ngồi không vững trên ghế, ông Nam
thật sự thấy sung sướng, thảnh thơi, nhẹ nhàng, và thấy mình đang
hạnh phúc hơn nhiều người khác trên quãng phố này. Ông không có
gì để lo lắng cả, cũng không hò hẹn ai, không có một chương trình
gì quan trọng, không một việc làm cấp bách. Ông đang có hạnh
phúc, cảm được hạnh phúc, thứ hạnh phúc đơn giản, nhưng tràn đầy
và có thực. Ông ngửa cổ hớp ngụm cà phê, vị ngon chạy qua cổ
họng, hương ngọt ngào mềm lưỡi. Mỉm cười, ông nhìn một gã thanh
niên mặt mày tối sầm như mây ám ngồi bên kia, vướng vất cả một
trời ưu tư, khổ sở. Tội chi mà như thế nhỉ, ông muốn nói với qua
bên kia bàn cho cậu thanh niên, cái ý nghĩ của ông, mà ngại,
không dám.
Khi
cửa thư viện mở, ông khoan thai lê chân nạng lọc cọc bước ra khỏi
quán. Cẩn thận gói cái bánh ngọt trong giấy, khi đi ngang qua một
kẻ không nhà tóc tai bờm xờm, hôi hám đang ngồi ở góc đường, ông
dừng lại chào hỏi, và đưa cái bánh mời ăn. Ông nói:
– “Bánh còn nóng ông bạn ơi. Hôm nay
tôi mua cho ông một cái, mai mốt có tiền ông nhớ đãi tôi lại
nghe!”
– “Cám
ơn. Nhưng tôi cần thêm một đồng để mua ly cà phê buổi sáng”
Ông Nam lục túi, đưa cho ông già không
nhà một đồng bạc nhàu nát. Ông cười thầm lão già ăn mày, là đã xơ
xác đến vậy, mà còn giữ thói phong lưu. Cả hai ông đều vui cười.
Làm được một việc thiện nho nhỏ trong ngày, đem lại cho ông già
ăn mày lang thang một chút vui, ông Nam thấy lòng ông cũng vui
hớn hở. Ông mua một chút hạnh phúc riêng cho chính ông. Mua rất
rẻ. Ông nghĩ rằng, cho đôi khi còn sướng hơn nhận. Ông Nam thầm
nhận thức, ông còn may mắn hơn nhiều người trong thành phố này.
Vào thư viện, ông ngồi xuống bên khung
máy vi tính, lùng tìm sách mới, sách lạ. Với ông, tìm sách trên
máy dễ dàng hơn, vì ông không cúi thấp, hoặc với lên cao được.
Khi chọn được một số sách, ông ngồi nán lại đọc thoáng qua từng
cuốn, chọn lọc thêm lần nữa. Sách nào đáng mượn, mới bõ công mang
về nhà. Mỗi tuần ông ghé thư viện một lần mượn và trả sách, băng
nhựa phim tài liệu, dĩa nhạc. Ông xem thư viện như tủ sách của
nhà. Ông nghĩ rằng, đọc cho đến chết, cũng chưa hết kho sách này.
Sách, băng nhạc, dĩa nhạc chứa đầy trong cái túi vải làm người
ông càng nghiêng hơn về một phía.
Ông đi ngược lên đường số 9, nơi có
nhiều tiệm tạp hóa, tiệm bán thức ăn Á Đông. Ông vào từng tiệm,
thong thả nhìn và quan sát những món hàng mới, hàng cũ, và so
sánh giá cả với các tiệm trong vùng. Nhiều bà nội trợ phải giật
mình mỗi khi nghe ông Nam bàn chuyện giá cả, đắt rẻ của từng tiệm
trong thành phố này. Ông mua thêm một ít trái cây, mùa nào thức
đó, chỉ khi nào giá thật rẻ, ông mới ăn.
Xế trưa, ông Nam đón xe buýt đi về nhà.
Khi ngang qua công viên thành phố, thấy hoa anh đào nở rộ, nắng
vàng lung linh, cỏ cây xanh mướt, ông đổi ý xuống xe, vào công
viên chơi. Ngồi bệt trên thảm cỏ xanh tươi mềm như nhung, trong
bóng mát, dưới gốc anh đào hoa đang nở rộ ngợp trời, ông nhìn
ngàn vạn cánh hồng rơi rụng như mưa hoa bay, hồng trời hồng đất.
Ông nằm xuống trên tấm thảm cỏ xanh, cho hoa rơi phủ dầy người.
Dễ chi có được một ngày sung sướng thảnh thơi, nhàn nhã, khoan
khoái và đẹp đẽ như thế này? Đàn chim biển cánh trắng, bay ngang
trời kêu nhau khản giọng, liệng sà xuống bên bờ hồ nước trong
xanh tìm mồi. Nằm trên cỏ, ông Nam móc ổ bánh mì trong cái bị
vải, xé vụn, chia cho lũ chim một phần. Đàn chim ào ào xao xác
bay đến bao quanh ông đớp mồi. Ông Nam cứ nghĩ như đang sống
trong truyện thần tiên của thời thơ ấu. Sung sướng xẻ chia ân
điển cùng trời đất vạn vật. Ông quên mất cái nhức nhối của xương
cốt kinh niên hành hạ ông, và cất tiếng hát nho nhỏ, vừa đủ cho
riêng ông nghe mà không làm lũ chim sợ hãi.
Nắng lăn tăn thả xuống thảm cỏ ngàn vạn
vòng tròn lốm đốm lung linh. Mắt ông Nam nặng trĩu, bỗng chợp đi
một giấc ngắn, rất ngắn mà vô cùng say và ngon. Gió mát rượi từ
dưới lòng hồ đưa lên. Ông Nam gọi là của trời cho, phước phần của
thiên nhiên ban cho trong một ngày đẹp trời. Không biết tận hưởng
là phí phạm. Ông có điều kiện để tận hưởng, và biết cái hạnh phúc
đơn sơ để hưởng. Nhiều người thương hại ông Nam, vì thấy ông tật
nguyền, họ tưởng ông khổ sở, than thân trách phận vì thiếu may
mắn, vì thiếu sức khỏe. Nhưng họ không biết ông đang thực sự cảm
thấy sung sướng hơn họ. Vì ông thấy được cái hạnh phúc, cái ân
huệ của trời cho. Ông biết chấp nhận cái phần không may mắn, cái
sức khỏe yếu kém, như một điều không thể thay đổi được. Cứ vui,
được sống thêm một ngày là vui rồi. Nhất là một ngày bình an,
không đói lạnh, không bị đe dọa, không bị tù đày. Ông không sá gì
cái bệnh nhức xương kinh niên, xem nó thân thiết như một phần của
cuộc sống. Có than vãn, kêu ca thì cũng cứ bệnh, cứ đau, cứ nhức,
mà chấp nhận và vui sống, thì thấy đời đẹp hơn, vui hơn. Vài ba
người đang tập thể dục theo lối chạy bộ ngang qua, ông Nam cất
tiếng chào, và họ chào lại vui vẻ. Có đủ chân mà chạy bộ cũng
sướng, vui, mà thiếu chân để chạy, thì cũng khỏe, nằm phè ra đây,
nhìn cái hạnh phúc của thiên hạ, và hưởng lây cái vui của người
khác. Gió mát vẫn mơn man trên da thịt.
Ông Nam lững thững chống nạng ra về,
đón xe buýt. Ra chưa đến trạm thì chiếc xe đã trờ tới. Ông không
muốn hấp tấp, mà muốn hấp tấp cũng không được, ông khoát tay cho
chiếc xe đi, vì không muốn làm phiền đám hành khách đông đảo trên
xe phải chờ đợi, phải chịu cái chậm chạp lê từng bước ngắn của
ông. Ngồi xuống trên ghế chờ, ông Nam lấy nón đội, và mở sách ra
đọc. Đọc sách ở đây, cũng vui như ngồi trong thư viện, cũng thong
thả như nằm trên giường trong nhà. Thỉnh thoảng ông ngửng đầu
nhìn bộ hành đi qua, nhìn nét mặt thơ ngây của các em bé đi bên
mẹ, nhìn cánh tay trần gợi cảm căng tròn thịt da của cô gái đương
thì. Cũng là những nét đẹp trong đời. Khi thấy một cụ già râu tóc
bạc phơ, trắng như cước đi qua, ông nói lớn: “Bác ơi, râu tóc bác
đẹp quá, trông bác thật là tiên phong đạo cốt”. Ông cụ sung sướng
cười ha hả, ghé lại ghế ngồi cùng ông Nam, hỏi han chuyện trò
thân mật cho đến khi chuyến xe buýt kế đến.
Về đến nhà, đứng lại trước ngõ, ông nói
qua bên kia hàng rào với bà cụ láng giềng:
– “Hoa hồng vườn cụ đua nhau nở rộ đẹp
hơn cả vườn hồng công viên, ai đi ngang qua cũng khen và đứng lại
ngắm nhìn. Hoa nở nhiều, chắc báo điềm lành, thế thì cụ mua vé số
đi. Cụ trúng số độc đắc tôi cũng được nhờ.”
Bà cụ hả dạ, vui vẻ, cắt cho ông Nam
mấy cành hoa. Ông cắm vào bình, để lên bàn tiếp khách.
Ông Nam thuê một căn phòng trong cái
nhà của người quen, vợ chồng chủ nhà mở sạp hàng ở chợ trời. Họ
ra đi từ khi trời đất còn tối đen, trước bốn giờ sáng, và trở về
khi mặt trời vừa tắt. Đứa con gái đã lớn, đi học xa, mỗi năm về
vài ba lần. Phòng ông Nam có lối đi riêng, nhưng ông thích dùng
lối vào bằng cửa chính hơn, vì khỏi phải chống nạng cực khổ đi
quanh. Bếp dùng chung. Ông Nam thường nói đùa với hai vợ chồng
chủ nhà rằng, ông mới thực sự là chủ căn nhà, vì suốt ngày ông
sống trong nhà, hưởng dụng tiện nghi nhiều hơn. Vợ chồng chủ nhà
xem ông như anh em, có cái gì ngon, cũng để dành cho bác Nam. Khi
ông Nam cần đi đâu, mà đường xe buýt không thuận lợi, hai vợ
chồng vui vẻ chở ông đi ngay. Có ông Nam ở chung, họ cũng thấy
đời sống vui hơn.
Ông Nam vào bếp, lục rau, thịt, tôm
trong tủ lạnh, nấu một tô hủ tiếu lớn. Trong tô có cua, tôm, sò,
cá mực, thịt, rau cải. Một tô đầy vun, có nước màu đỏ, có hành
xanh, mùi thơm bốc ngát mũi. Ông vặn nhạc êm dịu, vừa ăn vừa nghe
trong tiếng đàn tiếng hát nhẹ nhàng vang vang. Ông biết tận hưởng
cái ngon của thức ăn, và tự làm lấy mới vừa ý. Sau bữa ăn, ông
lên giường đánh một giấc ngon lành, có tiếng nhạc từ máy thâu
thanh êm ái vọng vang như lời ru riêng cho ông ngủ. Thời gian vẫn
êm đềm trôi đi. Ông vẫn nằm ngáy, và mỉm cười trong giấc mơ. Khi
đã no giấc, ông thức dậy, với tay lấy cuốn sách trên đầu giường
đọc. Ông là con mọt sách của thư viện, bao nhiêu sách mới của thư
viện đều có bàn tay ông sờ mó vào. Ông Nam ít khi mua sách, vì
ông cứ nghĩ rằng, hai cái thư viện gần nhà trong thành phố này,
là các tủ sách riêng của ông. Muốn đọc khi nào cũng được, sợ
không đủ thì giờ mà thôi.
Ông Nam thường tự hào là đã đi du lịch
toàn thế giới, ông đi du lịch hàm thụ, qua các phim tài liệu, qua
các đài du lịch trên truyền hình. Dù chỉ du lịch hàm thụ, nhưng
ông còn biết nhiều, thấy rõ và thấy chi tiết hơn cả những người
đi du lịch thật sự. Người ta đi cực khổ, xa xôi, tốn tiền, quay
phim, lựa chọn, tìm hiểu; ông chỉ nằm nhà duỗi người ra mà hưởng
cái phần công khó của kẻ đi quay phim, tìm hiểu. Ông cho là còn
vui hơn được đi thật. Vừa nằm xem phim, vừa ăn bánh ngọt, uống cà
phê, vừa có nhạc nhẹ nhàng văng vẳng, ông Nam thấy mình sung
sướng, nhàn nhã hơn cả các bậc phú gia thế giới.
Khi mặt trời đã nghiêng bóng về phương
Tây, ông dậy, vui vẻ chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Ông hát những
lời vu vơ như em bé. Buổi chiều rơi nhè nhẹ. Ông Nam thích ăn
ngon và thích nấu nướng. Ông thường theo dõi, học cách nấu ăn
trên đài truyền hình, và ông nấu được những món cầu kỳ, đặc biệt.
Qua lời dạy của đầu bếp, ông suy nghĩ làm sao ngon thêm, cho hợp
với khẩu vị của ông hơn, và ông biết chế biến theo hương vị của
món ăn cho thêm đậm đà, hoàn hảo. Đã chịu tàn tật như thế này
rồi, ông không cần kiêng cữ chi nữa. Cứ ăn ngon, cứ hưởng cái
béo, bùi, ngọt, mặn, cho sướng. Không tội chi kiêng cữ, sống mà
thiếu vui, thiếu sướng. Cái gì cũng kiêng cữ cả, thì uổng lắm. Mà
có chết thì cũng vui, vì đã đã tận hưởng cuộc đời.
Lâu lâu đi qua chợ, thấy lòng heo ngon,
ông mua về, tỉ mỉ công phu cạo rửa sạch sẽ, cắt, ướp từng miếng,
rồi nấu một nồi cháo lớn. Ông kêu điện thoại cho vợ chồng chủ
nhà, vui vẻ bảo chiều nay đừng mua thức ăn vì đã có cháo. Ông
hăng hái mời thêm vài người bạn thân thiết nữa.
Thế là chiều hôm đó, năm bảy người ngồi
quanh một nồi cháo lớn, và hai dĩa lòng vun, có đủ màu sắc của
tim, gan, cật, ruột, dồi trường, phổi. Một dĩa rau, hai tô nước
mắm pha theo lối riêng của ông Nam. Trên bàn còn có cả chục lon
bia đã ướp lạnh. Hai vợ chồng chủ nhà, ông Nam, và vài bạn bè tận
hưởng cái tài nấu cháo lòng có một không hai của một tài hoa nấu
ăn. Cháo của ông nấu công phu và vệ sinh. Những miếng lòng bỏ vào
miệng nhai giòn tan, mà mềm, hương vị ngon ngọt đậm đà. Nước cháo
thanh. Hạt gạo còn nguyên. Bà vợ chủ nhà thường khen: “Cả nước Mỹ
này, không ai nấu cháo lòng ngon bằng cháo bác Nam, mà có lẽ cả
bên Việt Nam mình nữa.” Nghe vậy, ông Nam cười sung sướng, giải
thích tỉ mỉ cách làm lòng, cách rửa, ướp lòng, và phải nêm nếm,
canh ngọn lửa, canh thời gian nấu, không để cho chín quá, thành
dai nhách, hoặc làm hạt cháo ra nhựa, mất bớt cái ngon. Nghe lời
khen, ông Nam cũng thấy trong lòng vui, hăng hái, lạc quan hơn.
Một buổi chiều có bạn bè chung quanh, có món ăn ngon, và mọi
người vui vẻ, là đủ cho ông Nam cảm thấy hạnh phúc tràn đầy.
Không cần mơ ước những thứ xa xôi chưa có. Ông biết nắm bắt lấy
cái hạnh phúc ít oi, nhỏ nhất trong hiện tại, mà vui hưởng.
Trước khi đi ngủ, ông Nam nằm xem
truyền hình, ông thích những chương trình du lịch, khám phá, y
khoa và vạn vật thiên nhiên. Đôi lúc, nếu có phim hay, thì ông
theo dõi, thưởng thức. Thường ông chìm vào giấc ngủ lúc nào không
biết, và để đèn sáng cho đến khuya.
Buổi sáng khi nắng vàng xuyên song,
chiếu lên giường, đánh thức ông dậy. Nghe xương cốt đau nhức mà
ông mừng vì biết hôm nay còn sống. Ông học được điều này trong
một cuốn sách Mỹ. Nằm yên nghe lũ chim ríu rít kêu trên tàn cây
bên hè nhà. Lòng ông cũng mở rộng theo tiếng chim ca đón bình
minh. Nằm đây, ông thấy chính ông hoàn toàn tự do, thong dong,
không hò hẹn chi ai, không có việc chi gấp gáp cần làm, không bổn
phận, không trách nhiệm, không lo lắng gì cả. Hoàn toàn thoải
mái, thong dong, tự tại. Trong lúc mọi người, ai cũng vùi mình
trong cơm áo, ai cũng có nỗi khổ riêng, có mối âu lo riêng, có
hoài bão, ước vọng chưa thành, mà ông thì hoàn toàn bằng lòng với
cái hiện tại, sung sướng với những gì đang có, không mơ ước xa
hơn, không tham vọng.
Có người cho rằng ông Nam còn thoát tục
hơn cả những vị cao tăng, vì những vị này còn ước vọng được đắc
đạo, được về cõi lạc phúc, miền miên viễn. Đồng thời, họ còn có
rất nhiều thứ lo lắng nực mùi trần tục, đó là cái tình trạng tài
chánh của ngôi chùa đang tu, còn phải chiều chuộng nịnh nọt khách
thập phương. Phần ông Nam, với cái trợ cấp tàn phế của chính phủ
cho hàng tháng, ông thấy quá đủ, dư ăn dư tiêu. Lúc nào ông cũng
có một số tiền mặt để dự phòng khi khẩn cấp. Ông ăn tiêu thoải
mái, không hà tiện. Mỗi lần đi chợ, ông đủ sức mua những loại
thịt ngon nhất, rau ráng tươi nhất, mùa nào thức đó. Ông không
thích ăn những món trái mùa, vừa đắt vừa không ngon. Khi có ai
mời ông một món mà ông nghĩ là không ngon, ông thường lắc đầu từ
chối, và nói rằng không ăn vì sợ uổng cái miệng. Để miệng, để
bụng mà ăn các thứ ngon hơn. Những khi chợ có đợt bán rẻ các loại
sò, tôm hùm, cua, ông mua về, làm thức nhắm, mời một người bạn
đến nhà, cụng ly, nhâm nhi, nói chuyện đời chơi. Cùng một số tiền
trợ cấp đó, nhiều người than van thiếu thốn, ngặt nghèo, buồn
khổ, tủi thân, thì ông Nam thấy ông phong lưu dư dả. Ông Nam
thường nói: “Bao nhiêu cũng dư, mà bao nhiêu cũng thiếu. Cái dư
và cái thiếu nó nằm trong tâm, chứ không phải tính trên con số.
Muốn được thật nhiều, thì không bao giờ đủ. Bằng lòng với cái
mình có, thì khi nào cũng dư. Nhiều tiền mà vẫn cảm thấy thiếu,
tức là khổ, ít tiền mà thấy dư, thì là sướng.”
Mỗi sáng thứ Bảy, ông Nam dậy sớm, đón
xe buýt ra chợ trời đi dạo chơi xem thiên hạ mua bán, và tham dự
vào cái sinh hoạt hỗn độn muôn màu của thứ chợ trao đổi hàng hóa
của đám dân nghèo. Vào chợ trời, ông không cần mua vé, thường
thường khi đi ngang qua cổng vé, ông đưa bàn tay ra, người gác
cổng vỗ mạnh vào lòng tay ông, cả hai cùng cười, và ông bước vào.
Như con rùa chậm chạp nặng nề, ông đi vòng quanh các sạp bán
hàng. Ông để ý nhìn những món hàng đặc biệt, và ông có đủ kinh
nghiệm để đánh giá các món hàng hiếm quý, có giá, mà thiên hạ ưa
chuộng. Ông mua cái đồng hồ Thụy Sĩ cũ không chạy được, chừng một
hai đồng, mua món nữ trang cũ năm đồng, mua vài thứ khác nữa mà
ông biết có giá, bỏ vào cái bị đeo bên hông. Khi đi ngang qua sạp
của anh chàng bán và sửa chữa đồng hồ cũ, ông chìa cái đồng hồ
vừa mua được ra cho xem và hỏi:
– “Sao, cái đồng hồ này chừng bao nhiêu
thì mua được?”
Anh chàng bán và sửa đồng hồ cũ cầm
nghiêng cái đồng, nheo mắt nhìn, xem xét kỹ càng, rồi nói:
– “Chừng hai chục đồng thì mua được.”
Ông Nam cười khà khà:
– “Tôi mua được với giá hai đồng thôi.”
– “Bán lại cho tôi hai chục đồng đi!”
– “Không” Ông Nam trả lời ngắn gọn.
– “Thế thì ông muốn bao nhiêu?”
– “Giá vốn, hai đồng thôi.”
Anh chàng bán đồng hồ mừng rỡ, vui vẻ,
nhận cái đồng hồ, đưa bàn tay đánh vào bàn tay ông Nam một tiếng
bốp, rồi móc hai đồng trả. Cả hai cùng cười vui vẻ. Ông Nam thấy
trong lòng hớn hở, vui lắm, vui hơn là bán được với giá năm, bảy
chục đồng. Mấy tuần sau, anh bán đồng hồ thì thầm với ông Nam
rằng, cái đồng hồ đã được lau chùi sạch sẽ, chạy tốt, và đã bán
được cho người quen hai trăm đồng. Người ta năn nỉ quá, nên mới
bán với giá đó.
Cũng trong ngày ấy, ông Nam mang chiếc
nhẫn mua được, đến cho bà người Mỹ bán nữ trang trong chợ trời,
và nói đùa:
–
“Tôi đem chiếc nhẫn này, đến xin hứa hôn với em gái bà đây!”
– “Xong rồi, em tôi sẽ nhận lời cầu hôn
của anh. Anh định bán bao nhiêu đây?”
– “Năm đồng, tôi mua được bên kia với
giá năm đồng. Rẻ hay đắt?”
– “Tôi trả cho anh mười đồng”
– “Không, năm đồng thôi, tôi lấy lại
giá vốn. Không lấy lời.”
Bà bán nữ trang cố nài ép, nhét mười
đồng vào túi áo ông Nam, ông cứ gạt đi, và nhất định bán năm đồng
thôi, nếu bà không chịu thì phải trả lại chiếc nhẫn.
Ông lại khấp khểnh chống gậy đi, đến
gian hàng bán đồ điện tử, dừng lại, đưa tay đánh chập vào bàn tay
anh chàng Mỹ gốc Phi Châu đang bán hàng, cả hai cùng cười ha hả
vui vẻ, ông hỏi:
– “Nếu có một cái hộp đổi đài, nối với
máy truyền hình, bán với giá ba đồng thì anh nghĩ sao?”
– “Chớp liền ngay chứ, đâu để cho người
khác mua mất!”
– “Thế thì anh xuống dưới hàng thứ ba,
bên góc trái, có ông Tàu bán hàng, đội nón rộng vành mà mua. Tôi
hỏi, ông ta nói không biết là cái hộp gì, đòi bán ba đồng thôi.”
– “này, anh làm ơn đứng đây trông hàng
cho tôi chạy xuống mua cái hộp nghe.”
Không cần chờ ông Nam chịu hay không,
anh Mỹ hấp tấp chạy đi mua hàng. Khi về, anh hớn hở khoe là mua
được với giá hai đồng thôi. Anh nói cho ông Nam biết là cái hộp
có thể bán được năm chục đồng, rất nhiều người cần mua.
Cứ thế, ông đi quanh chợ, mách mối cho
ông này, bà kia, để họ mua đi bán lại kiếm lời. Nhờ đó mà ông
quen biết với đông đảo bạn hàng bán chợ trời. Hầu như người nào
cũng có chút ân nghĩa với ông Nam. Ông đi mua niềm vui, mua hạnh
phúc, mua sự tử tế, mua tình thân thiết, mà không tốn một xu nhỏ.
Ông nói với một người bạn thân rằng, mình mua đi bán lại, có thể
kiếm được ít chục đồng, nhưng không quý bằng cái tình mua được
trong đám dân tứ xứ này.
Đi đến gian hàng của một ông người Mỹ
già, bán đủ thứ lặt vặt. Hàng hóa đủ loại chất đầy trên tấm vải
lớn trải trên sân. Ông Nam chào hỏi vui vẻ. Ông Mỹ cho biết từ
lâu rồi, hàng hóa bán ế ẩm, cứ mang đi, chuyển về, tốn tiền thuê
chỗ, tốn tiền xăng di chuyển, tốn thì giờ, ngồi ngáp hoài mỏi
miệng, chán quá, muốn đem đống hàng này đổ vào thùng rác cho
khỏe. Ông cười Nam hỏi:
– “Ông có muốn bán hết cái đống hàng
này trong buổi sáng nay không?”
– “Muốn chứ! Làm cách nào? Chỉ có phép
lạ mới bán hết mà thôi.”
– “Ông hãy để bảng, một đồng một món
hàng, và rao lên cho thiên hạ nghe. Cứ thử xem sao.”
Sau khi thu giấu bớt mấy món hàng có
giá trị cao, ông bán hàng kiếm được miếng bìa lớn, ghi một đồng
mỗi món, và cùng ông Nam ngoác miệng rao inh ỏi:
– “Một đồng mỗi món hàng, một đồng
thôi, rẻ lắm. Mua vô, mua vô!”
Khách chợ trời ùn ùn đổ lại, lục lọi
đống hàng hóa trên sân. Ông bán hàng thu tiền không kịp, ông Nam
phải phụ giúp, thu tiền những khách hàng khác. Trong vòng vài
tiếng đồng hồ, đống hàng hóa trước kia chất đầy vun trên sân, bây
giờ chỉ còn lưa thưa những cuốn sách, những đồ dùng rách nát,
không ai muốn rước về cho thêm rác trong nhà. Ông Mỹ bán hàng
chạy ra, ôm lấy ông Nam mà cười, gọi đùa ông là ông thầy. Ông bán
hàng chia tiền bán được hàng hóa cho ông Nam, ông gạt đi và nói
rằng:
– “Không
nhận, tiền này là của ông. Tôi không có quyền nhận.”
– “Nhưng nếu ông không cho ý kiến, thì
chắc tôi phải giữ ba cái thứ quỷ quái này mãi đầy trong xe. Thôi,
hôm nào rảnh, tôi mời ông đi ăn nhé.”
– “Được, đi ăn cho vui thì được.”
Ông Nam la cà trong chợ trời, từ gian
hàng này qua gian hàng khác suốt buổi sáng. Nói vài câu bông đùa
với người này, người kia. Có khi khách hàng tưởng ông là người
bán, hỏi giá, ông cứ ra giá mà không cần hỏi người chủ bán hàng.
Những khi bán được giá, chủ gian hàng rối rít cám ơn ông. Có khi
gặp người quen đi mua hàng, chủ gian hàng bảo rằng: “Người nhà
ông Sam thì chỉ bán nửa giá thôi”. Ông Nam tự đặt cho ông cái tên
Mỹ là Sam, chú Sam, cho thiên hạ dễ nhớ. Từ lâu, ông Nam thành
một người khách hàng đặc biệt của khu chợ trời này, những người
bán hàng, xem ông như một người bạn vui vẻ, thân thiết và có
nhiều tình nghĩa. Có khi ông mua hàng, người bán không nhận tiền,
bảo rằng, nếu mua cho chính ông, thì họ biếu, mà mua cho người
khác, thì họ chỉ lấy đúng giá, khỏi mặc cả.
Ông Nam đến Mỹ theo diện tù binh chính
trị tị nạn. Được trợ cấp tàn phế ngay từ đầu, nhiều người khuyên
ông nên ở nhà, nghỉ ngơi cho khỏe, nhưng ông vẫn ghi danh theo
học khóa huấn nghệ sử dụng máy vi tính. Thấy ông đi học, có người
nhìn ông với ánh mắt thương hại, họ nghĩ là ông phí công, phí sức
vì tuổi đã cao, thân thể lại tàn tật, học để làm chi. Sau khi tốt
nghiệp, ông nộp đơn xin việc nhiều nơi mà không hy vọng, nhưng cứ
gởi đơn đi. Có vài nơi kêu ông đi phỏng vấn, họ thấy tình trạng
tàn tật của ông, cứ tìm cách từ chối khéo. Người ta bảo là luật
lệ xứ này, chủ nhân không được kỳ thị chủng tộc, tôn giáo, tuổi
tác, tàn tật. Ông cứ gắng tin như vậy để mà hy vọng. Trong một
lần được phỏng vấn để xin việc, ông nói:
– “Nếu quý ông tìm một người lao động
có sức lực, thì đừng thuê tôi. Nhưng nếu quý ông tìm người ngồi
bên máy vi tính, thì tôi là người đáng được lựa chọn. Sao các ông
không thử tôi đi. Nếu tôi không làm được như các ông mong muốn,
thì cứ cho nghỉ việc. Hãy cho tôi một cơ hội. Tôi nghĩ, tôi sẽ
đem lại lợi lộc cho công ty quý ông bằng khả năng làm việc của
tôi.”
Nhờ nói
vậy mà ông được tuyển dụng. Ông đã không làm phụ lòng người tuyển
ông. Họ rất bằng lòng với lối làm việc chăm chỉ, cẩn thận và chịu
khó tìm hiểu, học hỏi thêm trong nghề của ông. Làm việc chưa được
hai năm, thì công ty phá sản, ông bị thất nghiệp. Ông vẫn tin
tưởng, còn có thể kiếm ra công việc khác, nhưng ông vẫn chưa tìm
được một cơ hội may mắn khác.
Từ nhiều năm trước, vì một chuyện xích
mích nhỏ, bà vợ đã bỏ ông ra đi. Ông nghĩ rằng, khi hết giận bà
sẽ quay về. Ông tìm bà để hàn gắn, nhưng bà nhất quyết không
chịu. Ông chợt nhận ra rằng, nguyên nhân gia đình gãy đổ không
phải vì chuyện nhỏ kia, mà đó chỉ là giọt nước cuối cùng làm tràn
ly. Bà đã chịu đựng, đã cực khổ vì ông quá lâu, quá nhiều, vì cơ
thể tàn tật, vì tài chánh yếu kém, và tương lai khó khăn trước
mắt. Ông hiểu, phải có thứ tình yêu thâm đậm nào đó, mới đủ hy
sinh cho nhau, đồng cam chịu khổ khi hoạn nạn. Ông không buồn
giận bà, ông cũng không buồn tình đời, cũng không đau đớn vật vã
than van. Mỗi khi nghĩ đến vợ, ông ôm đàn gảy tưng tưng mà hát,
lời hát ông tự đặt:
– “Lầm to. Em tưởng ta nghèo. Bỏ đi như
ngọn gió vèo thu bay. Trong ta châu báu chất đầy. Kho tàng hạnh
phúc, tháng ngày thư an...”
Nhờ nghe lời khuyên của một người bạn,
rằng sau khi gia đình đổ vỡ, phải biết vui vẻ làm lại cuộc đời
mới, đẹp hơn, tươi vui hơn, và hạnh phúc hơn cuộc đời cũ, không
tội chi mà buồn phiền và làm hư hỏng những tháng ngày còn lại.
Ông đứng dậy, mạnh dạn làm lại cuộc đời, làm cho mỗi ngày sống có
chan hòa niềm vui, có thanh thản trong tâm hồn, tạo niềm vui cho
chính mình, cho người chung quanh.
Mỗi tuần, ông vào viện dưỡng lão thăm
viếng, chuyện trò với những người già cả, bệnh hoạn không có thân
nhân, hoặc thân nhân quá bận rộn cơm áo, không có thì giờ lui
tới. Ông thường đem báo, sách cho họ mượn, tặng các cụ già một
món quà nhỏ đẹp, lạ, dễ thương, mua mấy chục xu ngoài chợ trời.
Thế là các cụ hớn hở, vui sướng suốt ngày. Hoặc ngồi nghe các cụ
kể chuyện quá khứ huy hoàng. Mỗi khi ông ghé viện dưỡng lão, mấy
cụ quen ông lao xao kêu gọi, chào đón niềm nở. Lòng ông hân hoan,
biết mình còn đem lại chút vui nhỏ nhoi cho các cụ cô đơn này.
Ông thấy rõ, trong tương lai, chính ông cũng sẽ vào sống ở nhưng
nơi tương tự như thế này.
Nhiều đêm thức giấc, quàng tay qua
không có vợ nằm bên, ông giật mình, lòng chợt nhói đau. Nhưng rất
mau sau đó, ông lại cám ơn bà đã bỏ ông ra đi, nhờ bà bỏ đi, ông
mới có được cái an nhiên tự tại, cái sung sướng nhàn nhã và thong
dong như bây giờ. Nhiều bạn bè đã ví ông với một ông tiên nho
nhỏ. Nếu còn bà, thì bây giờ, dù có tàn tật, bệnh hoạn, khó khăn,
ông cũng phải đi làm, vì là bổn phận, để nuôi dưỡng cái hạnh phúc
mong manh của gia đình. Ông ý thức rằng, trong cái mất, cũng có
cái được. Trong cái rủi có cái may. Chấp nhận cái không thể thay
đổi được trong đời. Những lúc này, lòng ông vui sướng, mỉm cười
và ngủ lại trong giấc an bình. Ông lầm bầm hát, không biết hát
thật hay hát trong giấc mơ: “Lầm to. Em tưởng ta nghèo. Bỏ đi như
ngọn gió vèo thu bay. Trong ta châu báu chất đầy. Kho tàng hạnh
phúc, tháng ngày thư an...”./.
Tràm Cà Mau
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by Batkhuat Nguyen chuyển
Đăng ngày Thứ Bảy, June 10,
2023
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang