Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Truyện
ngắn
Chủ đề:
Thuyền Nhân/Boat People
Tác giả:
Đào Văn Bình
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Khác
với buổi chiều, thanh niên và đồng bào tỵ nạn thường tụ tập ở đây
để tắm biển, đá banh, hóng mát hoặc chờ đợi những con tàu vượt
biên có thể bất thần trôi giạt vào đây... buổi sáng bãi biển Khu
C của Bi Ðông thường thưa thớt người. Lác đác một vài người đi bộ
để tập thể dục. Tít tắp từ xa một vài cái đầu nhấp nhô theo ngọn
sóng. Ðó là những người đang tắm biển vì họ tin rằng tắm biển vào
buổi sáng như thế da thịt sẽ săn lại và trị được rất nhiều bệnh,
nhất là bệnh lao phổi.
Vì giờ này con nước đã kéo ra xa cho
nên bãi biển dài hẳn ra, trên bờ nằm ngổn ngang đủ thứ rong rêu,
vỏ sò, vỏ ốc, lưới đánh cá, lon coca và chai lọ. Mỗi khi con sóng
xô giạt vào bờ, trào bọt trắng, nó kéo theo những thứ ấy ra xa độ
vài mét, vùi dập rồi xô đẩy tất cả vào bờ như những cơn hờn dỗi
của biển với đất liền.
Dường như trời, biển, đất đai và cây
cối ở đây bị cái không khí oi nồng của trời nhiệt đới ấp ủ, vỗ về
cho nên tất cả tỏa ra một cái gì đó vừa chầm chậm, vừa mệt mỏi,
như cái không khí u buồn tại các thánh đường nơi các tín đồ Hồi
Giáo đang quỳ gối khóc than.
Từ trên chóp núi nhìn ngay xuống bãi
biển, Chùa Từ Bi trông giống như một căn nhà tô–le lụp xụp. Sở dĩ
người ta nhận ra đây là một ngôi chùa vì chữ Vạn; biểu tượng của
nhà Phật được trang trí ngay chính giữa nóc và hai đầu hồi người
ta tháp thêm hai cái vĩ cong cong sơn màu nâu làm cho kiến trúc
trông có dáng vẻ một ngôi chùa. Thỉnh thoảng tiếng chuông buồn bã
ngân lên như muốn hòa điệu với cái không khí oi nồng, buồn xa
vắng của hòn đảo nhỏ bé.
Vào giờ này khóa lễ sáng đã xong. Một
số người lác đác ra về để bắt đầu một buổi sáng Thứ Bảy... không
phải làm tạp dịch và có tàu Bu Ðát
(*)
từ Terengganu chở thực phẩm tươi tới. Nhưng có một cái bóng, thay
vì trở về nhà, lại men theo con đường dốc đá phía trước chùa để
đi xuống bãi biển... Một cái bóng nhỏ bé, non nớt... đó là cái
bóng của Chi Mai.
Hôm nay Chi Mai mặc cái áo đầm bông
vàng sặc sỡ do Cao Ủy cấp phát. Vì chiếc áo chưa được sửa sang
lại cho nên dài lượt thượt. Cái cổ áo lại rộng cho nên càng lộ
cái vẻ gầy nhom của con bé. Nắng và gió biển đã làm da nó sạm đen
cho nên nếu đem bỏ con bé ngoài chợ Terengganu, người ta sẽ nghĩ
đây là một bé gái Mã Lai nghèo khổ lưu lạc ở chốn chợ đời. Chỉ có
những người tinh ý lắm mới nhận ra đây là một con bé Việt Nam vì
mái tóc không quăn mà chấm ngang vai, khuôn mặt Á Ðông khá thanh
tú, đôi lông mày cong nhưng không đậm lắm. Khi nó cười, má lúm
đồng tiền trông rất dễ thương. Mặc dù đôi mắt nó rất đẹp nhưng
trên đôi mắt ấy lúc nào cũng ánh lên những nét sợ hãi, dấu ấn của
bao nỗi bất ưng xảy đến từ chuyến vượt biển kinh hoàng. Dường như
đã quen thuộc, thay vì đi lang thang trên bãi biển, nó đi thẳng
tới chỗ mấy tảng đá chạy dài xuống mé biển, rồi lựa một tảng đá
bằng phẳng, ngồi xuống. Sau khi ngồi yên, nó nhìn về hướng biển,
nhìn chăm chú, nhìn thật lâu như muốn tìm kiếm trong đó một cái
gì rất thân yêu... đã mất. Và như mọi lần, ký ức từ chuyến vượt
biển kinh hoàng lại hiện về.
Nó nhớ ngày cùng cha mẹ từ giã Sài Gòn
đáp xe đò xuống Bình Ðại, Kiến Hòa. Ở đây người hướng đạo giấu
gia đình nó vào một cái chòi tranh lụp sụp. Tá túc ở đó vài ngày,
gia đình nó được “Taxi” đưa ra “Con cá lớn” để bắt đầu chuyến
vượt biển đi tìm tự do. Khi tài công báo tàu đã ra ngoài hải phận
quốc tế, mẹ nó nghiêm trang nói với nó: “Mặc dù con mới 13 tuổi
nhưng hải tặc Thái Lan chưa chắc đã buông tha cho nên con phải đề
phòng”. Nói xong mẹ nó lấy nhọ nồi trét đầy vào mặt nó rồi bà lấy
một chai thuốc đỏ giấu trong mình hồi nào, đổ đại vào chiếc quần
bà ba nó đang mặc. Thế là từ giờ phút này Chi Mai biến thành một
con lọ lem, ngơ ngác rúc vào một góc, run rẩy chờ đợi những
chuyện khủng khiếp sẽ xảy đến.
Tính từ lúc rời khỏi cửa Bình Ðại, tàu
đi như thế đã được 4 ngày. Trong khi mọi người đang hồi hộp chờ
đợi, khi phát giác ra cái chấm đen nằm về phía Tây, gã tài công
la lên: “Tới Mã Lai rồi bà con ơi!” Lời nói của gã như viên thuốc
hồi sinh làm con tàu sống dậy, người ta reo hò, háo hức bàn tán.
Người ta hè nhau gom góp quần áo đốt lên như dấu hiệu cấp cứu của
con tàu để kêu gọi lòng nhân đạo của lực lượng duyên phòng, của
các tàu đánh cá may đâu hiện diện trong vùng biển này. Thế nhưng
đây chỉ là sự ngu dốt của gã tài công. Với kiến thức của gã lái
tàu chạy đường sông, với chiếc bản đồ dạy học trò mua ngoài chợ,
với chiếc la bàn của quân đội, không dụng cụ đo lường sức gió,
sức giạt; chỗ mà y tưởng là Mã Lai, thực ra chỉ là Vịnh Thái Lan.
Và cái cột khói bốc lên kia chính là cái mồi “lạy ông tôi ở bụi
này” để nhử những tàu đánh cá Thái Lan chạy tới. Chỉ thoáng sau,
khi con tàu đang xập xình để cố tiến về phía Tây thì 2 chiếc tàu
đánh cá cao nghệu chạy tới trên chở đầy những hình thù đen đủi
đang nhảy múa, reo hò với dao quắm, gậy gộc, súng ống trên tay.
Một cuộc cướp bóc dã man chớp nhoáng diễn ra. Tàu bị lục soát,
một số đàn bà trẻ bị dẫn đi. Chi Mai cũng bị hải tặc lôi ra. Một
tên đã toan đẩy con bé qua tàu phía bên kia nhưng khi tên thứ hai
nhìn thấy quần con bé toàn những vết đỏ, nó nói xi xô cái gì đó
rồi đẩy con bé ngã chúi trở lại vào thành tàu.
Như những hung thần, những người trốn
dưới khoang dầu cũng bị cuớp biển lôi lên. Khi mẹ Chi Mai bị lôi
qua tàu Thái Lan thì ba nó liều chết nhào ra túm lấy chân mẹ nó
rồi quỳ lạy dưới chân tên cướp biển. Nhưng tên cướp biển thay vì
buông tha, lại phá lên cười khoái trá rồi vung con dao quắm chém
xuống. Rất may trong lúc nguy cấp ba nó còn kịp giơ tay đỡ lấy
con dao rồi né sang một bên cho nên con dao chỉ phớt mảnh da đầu
và chém phập xuống vai. Người ta thấy ba nó rú lên một tiếng rồi
gục xuống giữa tiếng gào thét của mẹ nó và giữa những tiếng cười
man dại của đám cướp biển Thái Lan đang kéo lê người đàn bà qua
bên kia con tàu.
Khi màn cuớp bóc, đánh đập, chém giết
đã tạm yên. Ðám người sống sót bị dồn xuống khoang và tàu bị móc
vào dây xích sắt để kéo đi. Không hiểu thời gian kéo dài bao lâu.
Khi những người bên trong không còn nghe thấy tiếng nước rẽ vào
mạn tàu. Khi tất cả đã trở nên im ắng và con tàu cứ tự do tròng
trành nghiêng ngả giữa biển khơi. Trong đám người sống sót bị dồn
dưới khoang thuyền có người bạo dạn hé mắt dòm qua nắp hầm. Hoàn
toàn im lặng. Im lặng đến nghẹt thở. Sau nhiều lần húng hắng ho,
động đậy, người ta mới dám liều chết mò ra ngoài và lúc đó mới
biết bọn hải tặc Thái Lan đã bỏ đi từ lâu lắm rồi.
Theo đám nạn nhân sống sót, Chi Mai bò
ra ngoài để tìm đến nơi ba đang nằm thiêm thiếp bên vũng máu. Với
sự phụ giúp của mấy người đồng hành, người ta cho ba nó uống chút
nước, xé vạt áo để băng bó vết thương nhưng thân thể ba nó đã mềm
nhũn vì mất quá nhiều máu. Giờ đây qua cơn tai biến, gã tài công
và lão chủ tàu không còn bộ dạng uy quyền, hống hách như trước
nữa mà tỏ ra rất dễ thương. Giữa tiếng khóc than, tiếng tỉ tê,
tiếng hờn tiếng oán, kiểm điểm lại thì 5 người đàn bà và 3 cô gái
đã bị dẫn đi, 2 thanh niên bị đạp xuống dưới biển và 1 người bị
chém trọng thương là ba nó đang nằm ở góc kia. Nhưng vào giờ phút
này, mọi tiếng khóc than cũng chỉ bằng thừa. Không còn con đường
nào khác hơn là cho con tàu tiếp tục xuôi Nam.
2 ngày sau, vì quá kiệt sức, ba nó đã
vĩnh viễn ra đi. Trước khi nhắm mắt lìa đời ba nó còn gắng gượng
nói: “Khi nào đến đảo rán chờ mẹ rồi hãy định cư nghe con”. Rồi
cũng bằng sự trợ giúp của những người đồng hành, người ta xé quần
áo bó xác ba nó lại, lấy vài nén nhang đốt lên khấn vái rồi xô
xác xuống biển. Tới đây sức chịu đựng của nó đã quá hạn. Trước
mắt nó, màu xanh của biển, màu đỏ chói chang của mặt trời trộn
lẫn thành một màu tím quay cuồng như một cơn lốc xoáy làm nó
chóng mặt và nó ngã ra bất tỉnh. Vào ngày thứ ba, không hiểu do
may mắn thế nào mà con tàu lại tấp được vào Ðảo Bi Ðông.
Theo thông lệ, mỗi khi thấy tàu vuợt
biển tấp vào bờ, dân tỵ nạn thường túa ra. Người ta chỉ trỏ, la
hét báo động phải đốt tàu gấp kẻo cảnh sát Mã Lai kéo tàu ra
khơi. Rồi giữa cái đám hỗn độn đó người nào đủ sức thì lết lên
bờ. Những ai ngất xỉu được thanh niên dìu xuống rồi vác lên vai
cõng chạy tới bệnh viện Sick Bay của đảo, trong số này có Chi
Mai. Rồi cảnh sát Mã Lai cùng Cao Ủy chạy tới, rồi phỏng vấn,
điều tra, mở hồ sơ và như thế cuộc đời tỵ nạn của người ta bắt
đầu.
Như một
định mệnh, vào sáng hôm sau xác của ba nó, không biết có phải do
dòng thủy lưu trôi giạt hay do linh thiêng đi theo phù hộ cho con
tàu, cũng lại tấp vào bờ. Do vết chém ở trên vai, do bộ quần áo
những người đi cùng tàu nhận ra ba nó. Do lòng từ tâm của nhà
thờ, của chùa và ban xã hội trên đảo, người ta đóng cho ba nó một
cái hòm mỏng rồi chôn trên một ngọn đồi cao mà rải rác trên đó có
vài chục nấm mồ với những cây thánh giá cắm ở trên. Sở dĩ người
ta chôn những người tỵ nạn vượt biên ở đây là vì người ta nghĩ
rằng những linh hồn đã an giấc ngàn thu còn có dịp quay đầu dõi
trông về Việt Nam, để tìm lại hình bóng những người thân yêu đã
bỏ xác trên biển Ðông, hoặc hướng về Tổ Quốc thân yêu.
Giữa ánh nắng chói chang của buổi sáng,
một đám ma đơn sơ được diễn ra trên ngọn đồi trơ trọi. Chi Mai
trên đầu quấn mảnh khăn tang trắng quỳ trước mộ ba. Không hiểu nó
còn khóc được nữa không, nhưng chỉ thấy đôi vai nó run rẩy. Nó cứ
quỳ như thế cho đến khi mấy người đi cùng tàu dìu nó về nhà. Sau
đó cứ mỗi chiều Chủ Nhật nó đều ra thăm mộ ba và đặt lên đó một
bó hoa dại mà nó gom góp được trên mảnh đồi này. Cứ mỗi buổi
sáng, sau khóa lễ nó đều ra đây, ngồi trên tảng đá để đưa mắt
nhìn ra phía biển xa xa. Sở dĩ nó không ra đây vào buổi chiều vì
buổi chiều bãi biển Khu C đều tụ tập đông đảo sẽ làm mất đi cái
không khí vắng lặng cần thiết để ấp ủ một giấc mơ, giấc mơ một
ngày nào đó mẹ nó sẽ trở về. Ðôi khi nó chợt sợ hãi khi nghĩ tới
một khi đã lọt vào tay hải tặc Thái Lan thì không sao thoát khỏi.
Có thể mẹ nó đã bị giết chết rồi xác bị quăng xuống biển cho nên
mỗi lần có đám rong rêu tấp vào bờ đá nó đều chạy ra xem có phải
đó là mớ tóc dài của mẹ nó bập bềnh theo sóng nước hay không.
Nhưng đôi khi nó lại mơ mộng và lãng mạn cho rằng có thể mẹ nó
đang bị giam giữ trên một hoang đảo nào đó. Ðể liên lạc với bên
ngoài, mẹ nó có thể bỏ một cánh thư vào một cái chai để thả trôi
theo một dòng nước để báo tin cho người. Cho nên cứ mỗi lần nhìn
thấy cái chai trôi bập bềnh nó đều hy vọng và mở ra xem. Nhưng
cho đến bây giờ chưa có một cái chai nào đem theo một cánh thư
như vậy.
Khi
mặt trời đã lên khá cao, nắng đã bắt đầu trở nên gay gắt, đám
sương mù trên mặt biển cũng tan đi để lộ đường chân trời xa tít
vắt ngang trên mặt biển phẳng lặng, nó thở dài đứng dậy và theo
con đường mòn hướng về mấy dãy nhà Long House. Giờ này sinh hoạt
của đảo khá chộn rộn. Khu chợ chồm hổm đã đông đúc người. Người
ta đem cá, đồ hộp, mì gói, củi, thuốc lá, bầu bí ra trao đổi hoặc
buôn bán. Từ máy phóng thanh, cô xuớng ngôn viên đang đọc danh
sách những người rời đảo và bản nhạc Biển Nhớ
(**),
một bản nhạc được dùng trong các buổi tiễn đưa âm hưởng réo rắt
buồn xa vắng vì nó gợi lên cái cảnh kẻ ở người đi. Len lỏi trong
đám hỗn độn đó nó rảo bước về phía mấy dãy nhà Long House nằm ở
trên ngọn đồi thoai thoải. Khi nó đến gần nhà thì tiếng nói oang
oang của một bà cất lên:
– Chi Mai, mày có về ngay không? Hôm
nay tới phiên mày lãnh thực phẩm. Ði ngay kẻo trễ. Nhớ mang theo
một cái xô để đựng. Nè, gà đông lạnh nhớ xin mấy chú ấy miếng đùi
chứ miếng lưng toàn xương về chỉ có vứt đi!
Nó “dạ” một tiếng rồi mau mắn bước vào
trong nhà. Khi nó vừa quay ra thì từ dưới chân con dốc nhỏ, một
người đàn ông cũng từ từ bước lên. Khi ông ta bước thêm vài bước
nữa thì người đàn bà lúc nãy cũng vừa nhận ra ông ta nên nhanh
nhẩu nói:
–
Chào ông chủ tàu. Ông đi đâu vậy?
Gã chủ tàu mà người đàn bà vừa chào hỏi
đó là một người đàn ông đã ngoài 50. Ông ta trán hói, nét mặt bì
bì như người chưa tỉnh rượu. Thoáng nhìn, cái bộ vó mập mạp làm
cho ông ta trông có vẻ phúc hậu nhưng đôi môi dầy và con mắt
thỉnh thoảng ánh lên những nét đanh ác làm cho ông ta trở nên một
thứ gì phải kiêng nể, e dè. Mới lên đảo có 2 tuần, chưa một ai
thư từ liên lạc được với gia đình mà ông ta đã mặc áo thun Mã
Lai, mặc quần tây, đi giày chứ không đi chân đất, mặc xà lỏn, cởi
trần như đám dân tỵ nạn khác chứng tỏ ông ta lận theo người được
vàng bạc. Cung cách của ông chứng tỏ ông không phải là dân thợ
nhưng khó ai đoán được tung tích của ông ta. Có thể ông ta là dân
thầu khoán trước đây, hoặc giả là dân áp phe hoặc tay tổ buôn
lậu. Dù thế nào đi nữa thì chắc chắn ông phải là người khôn
ngoan, có thủ đoạn ghê gớm lắm mới có thể sống sót qua cuộc đời
tàn bạo, móc nối được với công an để tổ chức chuyến tàu vượt biên
như thế này.
Nghe người đàn bà hỏi thế, thay vì vồn vã đáp lại. ông ta thận
trọng quay trước quay sau rồi xuống giọng nói:
– Chị Bảy cứ gọi tôi Ông Năm là được
rồi, gọi tôi chủ tàu không có lợi đâu. Trên đảo toàn người xa lạ,
biết người nào vào người nào?
Rồi không đợi người đàn bà phản ứng,
ông ta hỏi tiếp:
– Này chị, thằng tài công và con bé có
thằng bố chết vứt xác xuống biển tụi nó đâu rồi?
Người đàn bà nhanh nhẩu đáp:
– Thằng Tấn đi lãnh thực phẩm, còn con
Chi Mai trong kia ra bây giờ.
Người đàn bà vừa nói dứt câu thì Chi
Mai cũng từ trong nhà bước ra. Thấy lão chủ tàu, nó vòng tay khép
nép thưa:
–
Con kính chào Ông Năm.
Thay vì đáp lại, lão chủ tàu quay qua
nói với người đàn bà:
– Chị Bảy à. Xin chị kiếm người khác
lãnh dùm thực phẩm cho con bé. Hình như tàu mình sắp có danh sách
rời đảo. Tôi có chuyện quan trọng muốn nói với nó.
Sau một vài giây lưỡng lự, dường như nể
mặt lão chủ tàu, người đàn bà nói vọng vào bên trong:
– Dũng đâu, mày làm ơn đi dùm Chi Mai
một bữa để Ông Năm nói chuyện với nó.
Sau khi đứa con trai lớn của người đàn
bà xách cái xô chạy đi, lão chủ tàu nói với người đàn bà:
– Tôi cần chị làm chứng cho chuyện này.
Tôi biết chuyện lắm. Nếu câu chuyện êm xuôi, tôi không quên ơn
chị đâu.
Người
đàn bà tự nhiên bị dụ vào cái thế nếu từ chối thì mất lòng mà làm
chứng thì câu chuyện không biết tốt xấu thế nào.
Tuy nhiên nghĩ tới chuyến vượt biên
trót lọt, do lớn tuổi không bị hải tặc dẫn đi, nghĩ tới chủ tàu
bà ta thấy cũng có một chút hàm ân cho nên miễn cưỡng ngồi xuống
bên cạnh Chi Mai. Bằng một giọng rất nhẹ nhàng, lão già cúi xuống
hỏi Chi Mai:
–
Này con. Trước khi xuống tàu vượt biên cha mẹ con có đưa cho con
hoặc dặn con cái gì không?
Sau một vài giây ngơ ngác, Chi Mai khép
nép đáp:
– Dạ
thưa Ông Năm, mẹ con dặn nếu bị công an bắt thì không được khai
tên thật, địa chỉ thật và nói là đi một mình.
Dường như câu nói lại gợi lên bao nỗi
thương tâm cho nên tự nhiên nước mắt nó rươm rướm.
Tuy nhiên Ông Năm không chú trọng lắm
đến nỗi thương tâm này cho nên ông có vẻ bồn chồn hỏi tiếp người
đối diện:
–
Ông Năm không hỏi chuyện này. Ông Năm hỏi cha mẹ mày có đưa cho
mày giữ cái gì không?
Ngần ngừ một chút xíu rồi Ông Năm nói
hụych toẹt luôn:
– Chẳng hạn như “Cây” đó... (2)
– Dạ không.
Có lẽ câu trả lời này làm ông Năm tức
giận cho nên ông ta trợn mắt nói:
– Tao không tin!
Rồi quay qua người đàn bà ông ta nói
với giọng hết sức cương quyết:
– Nè Chị Bảy, chị làm ơn khám con bé
này dùm tôi. Vượt biên cha mẹ nào mà chẳng nhờ con cái cất giấu
vàng bạc chứ...
Nói xong ông ta túm lấy Chi Mai rồi xô
nó vào lòng người đàn bà. Trước tình hình căng thẳng như thế
người đàn bà dường như cũng trở nên bất động. Nhưng trước cái uy
của gã chủ tàu, cái uy của người giàu có, bà ta hốt hoảng ôm lấy
bé Chi Mai, sờ vào nách nó, nắn vào bụng nó rồi vuốt dài xuống
chân nó. Rồi bà ta làm đi làm lại như thế đôi lần truớc con mắt
mở trừng trừng của lão chủ tàu. Rõ ràng là trước mắt lão, bàn tay
của người đàn bà không hề đụng chạm vào một vật gì cưng cứng để
lão có thể nghi là vàng bạc, kim cương, cho nên chính người đàn
bà cũng cảm thấy nhẹ nhõm. Bà ta thở ra một cái rồi cười cầu tài
nói:
– Ông Năm
thấy không, có gì đâu?
Nhưng dường như không phải là người dễ
dàng thua cuộc, sau một vài giây suy tính Ông Năm gằn giọng hỏi:
– Ðồ đạc của mày đâu đem ra đây tao
coi!
Tới phút
này thì Chi Mai chỉ là con cừu non cho nên nó đưa mắt kinh hãi
nhìn người đàn bà rồi chạy vào trong nhà lấy ra một cái bọc.
Không đợi nó thưa gửi, lão chủ tàu giật vội lấy rồi mở bung cái
cái túi xách, di vật cuối cùng của mẹ nó để rồi lôi ra một mớ đồ
vật như cái áo lạnh, cái lược, một cái gương soi, một lọ dầu
khuynh diệp và một vài bộ đồ lót. Sau khi trút bỏ tất cả ra
ngoài, lão cẩn thận nắn dọc theo mấy vết khâu xem có giấu giếm
cái gì ở bên trong không nhưng cuối cùng lão tức giận ném cái túi
xách ra ngoài xa. Lão chắp tay sau đít đi đi lại lại. Nhưng cuối
cùng lão cố dằn giọng hỏi thêm một lần nữa:
– Nếu cha mẹ không đưa mày giữ cái gì
thì cha mẹ mày có dặn mày cái gì không?
– Dạ không!
– Không biết sao được? Cha mẹ mày thiếu
tiền tao mày có biết không?
– Dạ không biết.
Tới đây thì lão chủ tàu không còn kìm
chế được nữa, lão quay qua người đàn bà lớn tiếng phân bua:
– Trước khi đi cha mẹ nó năn nỉ tôi.
Ðáng lẽ phải trả 6 lượng, cuối cùng tôi bớt cho còn 5 lượng, mới
trả có 3 lượng, còn 2 lượng hứa đến đảo thì viết thư gửi về nói
người nhà chung đủ. Mồ hôi nước mắt của tôi chứ tôi có cướp của
ai đâu. Nay cha mẹ nó chết rồi nó phải thay cha mẹ nó trả cho tôi
chứ.
Câu
chuyện như thế đã trở nên rõ ràng. Nhưng tìm ra giải đáp không
phải chuyện dễ cho nên người đàn bà nói lấp lửng:
– Nhưng nó còn bé quá làm sao nó giải
quyết được chuyện này?
– Nó còn bé à? Tôi sẽ cho tiền nó đánh
điện về Sài Gòn bảo thân nhân nó trả tiền cho tôi.
Nghe nói thế người đàn bà ái ngại quay
ra hỏi Chi Mai:
– Con có ai thân nhân ở ngoại quốc
không? Như cô, dì, chú, bác chẳng hạn?
– Không, con không có ai hết.
– Thế ở Sài Gòn con còn ai không?
– Ông nội, bà nội con đã chết. Còn bà
ngoại ở dưới quê, nhưng ngoại con nghèo lắm.
Nghe Chi Mai nói vậy lão chủ tàu cảm
thấy tiền bạc của lão gần như tiêu tan cho nên lão chỉ vào mặt
Chi Mai, nói:
– Mày phải viết thư về nói bà ngoại mày trả tiền cho tao nếu
không tao sẽ nói cảnh sát Mã Lai giữ mày ở lại đây... ở mục đảo
nghe con.
Nghe
lão già dọa thế, Chi Mai kinh hãi nhìn lão rồi đưa tay vân vê vạt
áo rồi nó òa lên khóc. Ngay lúc đó một tốp người của dãy nhà Long
House lãnh thực phẩm cũng vừa về tới. Trong đám hỗn độn bao gồm
đàn ông, đàn bà, thanh niên, thiếu nữ và trẻ con đó có một gã khi
thấy lão chủ tàu, dĩ nhiên gã chưa biết lão đang nổi tam bành lục
tặc cho nên gã lên tiếng chào:
– Chú Năm, chú tới đây có việc chi vậy?
Có lẽ gã tài công là đối tượng quan
trọng hơn mà lão chủ tàu cần gặp cho nên lão tạm buông tha cho
Chi Mai và quay qua gã tài công:
– Không có việc gì tao tới đây làm gì?
Nè tao đang tính nói chuyện với mày đây.
Gã tài công vừa về tới là một người đàn
ông khoảng ngoài 30 tuổi. Gã mặc một chiếc quần kaki và một cái
áo thun Mã Lai. Gã có con mắt và bộ dạng rất tinh khôn. Nhưng cái
mặt dài như mặt ngựa lại làm cho người ta có cảm tưởng gã là một
con người nham hiểm dám làm mọi chuyện xấu xa để thủ lợi. Nghe
giọng điệu của lão già, gã tài công linh cảm thấy có một cái gì
thiếu thân thiện ở bên trong nhưng gã vẫn nhe răng cười và nói
với cái giọng “chọc quê” lão già:
– Thì chú là cha mẹ, chú muốn gặp lúc
nào chẳng được?
– Cha mẹ gì với thứ mày. Nè tao muốn
hỏi mày một chuyện...
– Có chuyện gì thì chú cứ nói đi!
Gã tài công bắt đầu sẵng giọng.
– Nói ở đây không tiện. Tao muốn nói
chuyện riêng với mày được không? Hay là qua tới đây lòng dạ người
ta khác rồi... Nè, đây chưa phải là Mỹ đâu nghe mày, Tấn.
Linh cảm thấy có cái gì bất ổn ở bên
trong, nhưng để tìm cách đối phó gã tài công nói:
– Thì ít ra chú cũng phải để tôi cất
mấy món đồ này đi chứ.
Nói xong gã xách cái xô đựng thực phẩm
vào trong nhà. Khi gã bước ra đã thấy lão già trừng trừng nhìn gã
và khi bốn ánh mắt đã chạm nhau, lão già nóng nảy đi vòng về phía
sau căn nhà, còn gã tài công thì cũng từ từ bước theo sau. Khi
hai người đã cách căn nhà khoảng 5, 6 thước thì lão già dừng ở
nơi có mấy tảng đá lớn nằm nhô lên khỏi mặt đất như những chiếc
bàn lộ thiên. Ðợi cho gã tài công tới gần và ngồi xuống tảng đá
đối diện thì lão già mới bắt đầu lên tiếng. Không hiểu hai người
trao đổi những gì mà dường như câu chuyện mỗi lúc mỗi gay cấn và
to tiếng.
– Ai
ăn cướp của chú?
– Mày đừng có qua mặt tao. Lúc gặp tàu
Thái Lan tao đã quăng cái bọc nhỏ vào trong thùng dầu máy trong
đó có 20 lượng vàng. Trong buồng máy chỉ có tao với mày được vào,
vậy 20 lượng vàng không cánh mà bay mất à?
– Chú nói vậy mà chú không sợ “Lăng Ông
Bà Chiểu” bẻ họng chú à? Trên tàu 5, 6 chục người biết đâu kẻ
ngay người gian sao chú lại vu oan giá họa cho tôi? Vả lại chú
không thấy hải tặc chúi cả vào buồng máy khám xét hay sao?
– Tụi nó có vào buồng máy xét nhưng đâu
có mở thùng dầu máy ra. Mày tưởng thằng già này đui hả? Lợi dụng
lúc hải tặc bỏ đi, trên tàu chộn rộn, mày ra tay cuỗm của tao, bộ
tao không biết hả? Tao theo dõi từng cử chỉ, động tác của mày từ
lúc đặt chân lên đảo. Nè, tiền đâu mà mày sắm dây chuyền, nhẫn
vàng?
– Chú
đừng có hồ đồ, ai lấy của chú? Chú muốn tôi thề độc không? Nè,
đứa nào lấy tiền của chú thì súng đạn ăn nó, nó chết nát thây mà
không thấy mặt vợ con nó!
Lời thề của gã tài công như dầu đổ thêm
vào lửa, nhất là lời thề ấy lại thốt ra từ một khuôn mặt thiếu
tin cậy cho nên lão già không còn chịu đựng được nữa:
– Mẹ mày! Mày có trả tiền tao không?
Tao không muốn nghe mày nói nữa.
Cùng với câu nói đó lão già vung tay
xán vào mặt gã tài công. Nhưng gã tài công đã kịp đưa tay lên đỡ
cho nên tay lão già dội lại. Như con hổ bị thương, lão già tức
giận vớ lấy một khúc củi nằm bên cạnh tảng đá nghiến răng vung
lên. Trước tình thế đó, gã tài công buộc lòng phải thoái lui rồi
tháo chạy về phía dãy nhà Long House rồi quay trở ra với một con
dao nhọn, loại dao làm bếp. Còn lão già thì cũng hung hãn chạy
tới với khúc củi lăm lăm trên tay.
Từ nãy tới giờ lời đối đáp, chửi rủa,
tiếng chân chạy tình thịch khiến cho một số người trong dãy nhà
Long House biết có chuyện bất thường nên đổ xô ra xem. Dường như
đám đông cũng là cái gì đó kích thích người ta thêm hăng máu cho
nên khuôn mặt của lão già và gã tài công trở nên lúc đỏ, lúc tái
xanh. Sau khi liếc nhìn đám đông một vòng, lão già chỉ vào mặt gã
tài công, nói:
– Tôi phải nói cho bà con biết. Tôi cho
nó đi không lấy tiền thế mà nó còn dám cướp của của tôi nữa. Thật
là quân chó đẻ mà!
Nghe nói thế, gã tài công lấy con dao
chỉ vào mặt lão già nói:
– Ông chó đẻ chứ ai chó đẻ! Bộ ỷ có
tiền muốn chửi ai thì chửi hả? Có ngon bước lên đây coi!
Nghe gã tài công nói vậy, lão già gầm
lên rồi vung cao cây gậy rồi xấn xổ nhảy lên. Có lẽ trong lúc hấp
tấp không nhìn kỹ bậc thềm cho nên lão bước hụt hết một bậc tam
cấp khiến cho thân hình lão hụt hẫng và cây gậy vung lên cao. Còn
gã tài công thấy cây gậy vung lên như thế thì cũng tưởng lão già
đã ra tay hạ thủ cho nên vội vàng vung con dao lên đỡ. Như một
định mệnh, con dao đâm ngay vào cổ họng lão già và máu phun ra
xối xả. Khi gã tài công lùi ra xa thì lão già cũng buông cây gậy
và hai tay lão ôm chặt lấy cổ họng. Nhưng vết thương trúng nhằm
chỗ hiểm cho nên không cách chi máu cầm lại được và chỉ ít giây
sau lão lảo đảo té xấp xuống mặt đất. Vì sự việc xảy ra quá nhanh
khiến đám đông cũng đứng chết sững. Chỉ vài giây sau, có lẽ vì
máu đã ra hết, từ nơi cổ họng lão già chỉ còn phập phồng lên
xuống một chút bọt đỏ rồi đôi mắt lão trợn trừng, đầu lật qua một
bên, nằm bất động. Tới mức này thì đám đông chợt ồn lên như một
cái chợ. Người ta chạy tới đứng sát bên xác lão già bàn tán, chỉ
trỏ, tru tréo. Lát sau, cùng với bước chân chạy rầm rập của đám
thanh niên thiếu nữ kéo tới từ các khu khác, an ninh trại và cảnh
sát Mã Lai xuất hiện với súng ống, gậy gộc trên tay. Sau một vài
lời thông dịch, chỉ trỏ, xác của lão già được khiêng lên bệnh
viện Sick Bay. Rồi cảnh sát Mã Lai ra lệnh trói thúc ké gã tài
công lúc này mặt mũi tái xanh đứng run rẩy như con gà mắc mưa.
Rồi dưới sự hộ tống của đám đông hỗn độn như một đám ruớc ở Phi
Châu, người ta dẫn gã tài công lên khu vực có vòng rào kẽm gai
của cảnh sát Mã Lai... để trả lại cho một đám đông khác vẫn còn
tụ tập bên bực thềm, nơi vũng máu của lão già vẫn còn loang lổ
trên mặt đất... để tha hồ rỉ tai, bàn luận, suy đoán.
Tuần lễ sau, tàu của Chi Mai được máy
phóng thanh gọi lên gặp phái đoàn. Ðây là giai đoạn quan trọng
nhất của đời tỵ nạn. Ði hay ở, định cư hay chờ mục đảo cũng là
giây phút này đây cho nên theo thông lệ người ta bảo nhau đi thật
sớm, ăn mặc tươm tất kéo lên văn phòng chờ đợi trong nôn nóng.
Theo những người cùng tàu, Chi Mai cũng đi lên để gặp phái đoàn.
Vì không thân bằng quyến thuộc cho nên hôm nay nó vẫn mặc chiếc
áo đầm do Cao Ủy cấp phát. Khi mấy chú người Việt Nam cầm giấy
gọi tới tên thì nó líu ríu bước theo vào căn nhà lợp tole nơi
phái đoàn đang làm việc.
Thời gian bấy giờ là 1982 cho nên người
tỵ nạn Ðông Dương vẫn còn được cưng chiều. Theo một thỏa hiệp với
Cao Ủy Liên Hiệp Quốc, các trẻ em dưới 18 tuổi không có cha mẹ đi
theo đều được định nghĩa là cô nhi và chính phủ Hoa Kỳ sẽ ưu tiên
mở hồ sơ những thành phần này cho nên nó được hướng dẫn vào gặp
phái đoàn Hoa Kỳ. Khi đã ngồi yên trên ghế bên cạnh một chú thông
dịch viên, nó thấy đối diện phía bên kia bàn là một người đàn bà
Mỹ tay đang lật đi lật lại một xấp hồ sơ. Sau khi coi xong bà ta
ngửng đầu lên, thở dài rồi xúc động nói với người thông dịch
viên:
– Xin
ông thông dịch dùm là phái đoàn đã đồng ý nhận em định cư tại Hoa
Kỳ.
Người
thông dịch viên vừa mới dịch xong thì Chi Mai đã kêu lên:
– Còn mẹ con?
Bà Cathy, người đàn bà Mỹ vừa lên tiếng
lúc nãy, sau thoáng ngạc nhiên bà rơm rớm nước mắt nói:
– Mẹ con à? Mẹ con chưa tới đảo thì
phái đoàn làm sao nhận được?
– Thế thì con phải chờ mẹ con. Vì cha
con nói con phải chờ mẹ con rồi mới định cư. Mẹ con chưa chết mà!
Nói xong câu này thì nó lại òa lên
khóc. Có lẽ phải ít phút sau bà Cathy mới trấn áp được cơn xúc
động của mình, bà nói:
– Con phải rời đảo theo quy định nếu
không thì không biết đến bao giờ hồ sơ con mới được mở lại. Bi
Ðông không phải là nơi dành cho cuộc đời của con. Cô hứa khi nào
mẹ con tới đảo thì cô sẽ đưa mẹ con gặp con ngay dù con ở bất cứ
nơi nào.
–
Không! Con không đi đâu hết. Con phải chờ mẹ con!
Cùng với câu nói đó nó đứng dậy rồi co
chân phóng chạy ra bên ngoài. Vì câu chuyện xảy ra quá nhanh cho
nên khi nó chạy ra khỏi được 5, 6 thước thì người thông dịch viên
và bà Cathy mới kịp phản ứng để đứng lên chạy theo nó. Như một
con nai trong lúc kinh hoảng, nó cứ nhắm hướng bờ biển chạy tới,
vừa chạy vừa khóc “Con không đi đâu hết! Con ở đây chờ mẹ con!”
Nhưng khi chạy gần đến bờ nước, có lẽ vì quá xúc động cho nên sau
một vài giây lảo đảo, nó té xấp xuống bờ cát. Khi chú thông dịch
viên và bà Cathy chạy tới nơi, bồng nó lên thì mặt nó đã tái xanh
và thân hình nó run lên lên từng hồi.
Rồi trong vòng tay của chú thông dịch
viên cùng sự vỗ về của bà Cathy, người ta dìu nó về dãy nhà Long
House và đặt nó nằm nghỉ trên sàn nhà nhưng nó vẫn còn tấm tức
khóc. Ðêm đó, do sự khuyến cáo của bà Cathy, ban an ninh của đảo
đã cho người túc trực bên nó và bà cũng xin bệnh viện một hộp sữa
để pha cho nó uống.
Hôm sau, vào khoảng 2 giờ chiều khi Ðảo
Bi Ðông vẫn còn đang chìm đắm trong giấc ngủ trưa nặng nề với
tiếng sóng vỗ bờ rì rào từ xa vọng lại thì máy phóng thanh vang
vang danh sách những người chuẩn bị rời đảo khi tàu Bu Ðát cặp
bến vào lúc 5 giờ. Qua sự dỗ dành của mấy bà đi cùng tàu, của mấy
chú trong ban an ninh, Chi Mai dường như cũng đã nguôi ngoai. Nó
không nói gì chỉ lẳng lặng rửa mặt rồi nó xin phép lên chùa xin
vài cây nhang để thăm mộ ba nó.
Trên con đường dốc ngoằn ngoèo dẫn đến
nghĩa trang, Chi Mai vừa đi vừa chú ý tìm để ngắt những bông hoa
dại mọc ở ven đường. Nắng đã ngả về chiều làm cho bóng của nó đổ
dài về phía trước. Từng ngọn gió biển từ xa thổi tới làm cho mái
tóc của nó bay lõa xõa về phía sau. Nó lặng lẽ tiến tới bên mộ
ba, bật diêm để thắp lên vài cây nhang. Thắp xong nó quỳ xuống
vái vái. Vái xong nó cắm nhang lên nóc nấm mồ rồi cứ quỳ yên như
thế và nước mắt chảy ròng ròng. Qua làn nước mắt nhạt nhòa, có
lúc nó thấy ba nó đang sánh bước bên mẹ nó nhưng rồi hình ảnh của
ba nó vụt biến mất chỉ còn mẹ nó trơ trọi trên một chiếc thuyền
con mong manh. Rồi mẹ nó giơ tay vẫy gọi “Chi Mai! Chi Mai! Mẹ
đây nè! Chờ mẹ nghe con!” Nhìn thấy mẹ nó mừng quá, đứng bật dậy
như muốn nắm lấy tay mẹ, nhưng vì đó chỉ là ảo ảnh cho nên nó té
xấp xuống mặt đất và hình ảnh của mẹ nó cũng tan biến đâu mất.
Khi nó đang lồm cồm ngồi dậy thì một bàn tay đã đặt lên vai nó và
một tiếng nói nhẹ nhàng cất lên:
– Thôi đủ rồi Chi Mai. Cháu lạy tạ ba
cháu đi rồi quay về kẻo trễ.
Ðó là câu nói của chú trên ban an ninh
có nhiệm vụ đi theo nó. Theo lời khuyên của người đàn ông, nó lấy
tay vái vái mộ ba một lần nữa rồi đứng dậy. Khi nó vừa quay lưng
thì nó chợt nhận ra nằm ngay bên cạnh ba nó là một ngôi mộ còn
rất mới trên có cắm một tấm bảng gỗ đề mấy hàng chữ: Nguyễn Văn
Năm sinh năm 1931, chủ tàu MB–105 chết năm 1982. Nhìn mấy hàng
chữ nó nhận ra ngay Ông Năm, người đã đến hỏi thăm sức khỏe nó và
do một tình cờ lại được chôn cất nằm ngay bên cạnh mộ ba. Nhưng
để cho chắc ăn nó quay sang người đàn ông hỏi:
– Có phải Ông Năm chủ tàu bị người ta
đâm chết không chú?
Người đàn ông lặng lẽ gật đầu. Chi Mai
lẳng lặng bước tới bên nấm mồ, bật que diêm thắp vài cây nhang
rồi cắm lên trên. Cắm xong nó quỳ xuống rồi lên tiếng như thể có
Ông Năm đang ngồi trước mặt:
– Thưa Ông Năm, Ông Năm đừng đòi nợ
con. Con không có tiền trả Ông Năm đâu. Khi nào con lớn lên có
tiền con sẽ quay về đây xây mộ cho Ông Năm. Xin Ông Năm đừng theo
đòi nợ con... biển đã lấy đi của con tất cả rồi.
Ngay lúc ấy từ máy phóng thanh bản nhạc
Biển Nhớ (***)
bỗng vang lên để mở đầu một cuộc tiễn đưa như trăm, ngàn cuộc
tiễn đưa khác. Âm hưởng của bản nhạc cùng với tiếng đàn Organ réo
rắt như thúc giục người ra đi và làm nát lòng người ở lại. Dường
như cả một vùng biển bao la cũng đang cùng tấu lên một khúc nhạc
thê lương để vẫy tay chào những người đã một lần cưỡi lên sóng
nước, đùa giỡn với cuộc tử sinh... và lát nữa đây sẽ vĩnh viễn
rời xa hòn đảo nhỏ bé này để khởi đầu một cuộc hành trình về nơi
vô định.
Đào Văn Bình
Trích trong tuyển tập truyện ngắn Hương Xót Xa xuất bản năm 1998)
(*) Tàu Blue
Dart
(**)
Lạng vàng
(***) Bản nhạc
Biển Nhớ của Trịnh Công Sơn
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by CATHY chuyển
Đăng ngày Thứ Bảy, July 22,
2023
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang