Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Truyện ngắn
Chủ đề:
Thời chinh chiến
Tác giả: Chu Sa Lan

BÊN KIA SÔNG

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

 

 

– Thiếu úy nhậu được không Thiếu úy?

Tánh hỏi vị Thiếu úy mới đổi về đơn vị hơn ba tháng đồng thời là cấp chỉ huy của mình. Dương trả lời lấp la lấp lửng:

– Tôi mới biết uống chút chút... chắc phá mồi giỏi hơn...

Tánh cười hà hà nói vuốt đuôi như cố làm vui lòng cấp chỉ huy trẻ tuổi:

– Dậy là được rồi Thiếu úy... Để hôm nào tôi với Thiếu úy qua bên kia sông.

Ba tiếng “bên kia sông” không biết có gì đặc biệt mà lại khiến cho Dương phải ngước nhìn qua bên kia con sông khá rộng. Dải đất dài lơ thơ xóm nhà lá chừng vài mươi căn cất rải rác nằm lọt thỏm giữa cánh đồng cỏ rộng. Hàng cây xanh nhô lên trời cũng xanh vì đang độ tháng năm. Anh cũng đã được Thượng sĩ Biền, người đồn phó của mình nói sơ sơ về xóm nhà bên kia sông. Đối với Biền, họ là những người không tin được, nghĩa là những người xấu. Đối với ông thượng sĩ già đó, bất cứ người nào không đứng chung hàng ngũ với ông ta thì họ là những người xấu. Nó đã được phân định sẵn trong đầu của người đã có hơn 25 tuổi lính. Ông ta nói với cấp chỉ huy của mình về xóm bên kia sông bằng vẻ thận trọng và nghi kỵ. Trên cương vị của một cấp chỉ huy, Dương làm như tôn trọng lời nói của ông thượng sĩ già song trong lòng anh lại nghĩ khác. Ở đời có người tốt người xấu. Ở đâu cũng có người hiền lành và tử tế. Ở đâu cũng có người gian ác và xấu xa. Nếu nói cái xóm bên kia sông xấu, dân theo quốc gia thì ít mà theo mấy ông mặt trận nhiều hơn thời ở tại Sài Gòn cũng vậy thôi. Không ai biết họ ở đâu, làm gì, chỉ khi nào đụng chuyện thì mới biết. Đặc công, giao liên ở đầy trong thành phố từ đời nào, khi có lệnh mới lộ mặt ra.

– Bên đó có quán nhậu à?

Dương hỏi cho có chuyện. Anh biết Tánh, dù vợ con lủ khủ mà vẫn thích cặp bè cặp bạn nhậu nhẹt.

– Quán nhậu thì hổng có đâu Thiếu úy. Chỉ có một cái quán tạp hóa bán rượu và dặm thêm mấy món đưa cay... Buồn buồn tôi cũng hay qua đó chơi. Thiếu úy muốn đi à?

Dương gật đầu nhè nhẹ. Thực ra thì anh muốn qua đó lâu rồi song cứ bị ông đại đội phó cản hoài nên dụ dự chưa đi vì không muốn làm mất lòng ông ta. Bây giờ ông thượng sĩ đi vắng nên “vắng sếp già gà mọc đuôi tôm”

– Ngày mai mình đi Thiếu úy. Muốn chắc ăn thì mình kéo một tiểu đội theo. Tôi bảo xấp nhỏ canh chừng cho Thiếu úy lai rai đỡ buồn...

– Ông Biền có qua đó nhậu lần nào chưa?

Dương hỏi và Tánh cười ha hả trả lời:

– Ổng mà qua đó nhậu. Ổng ghét cái xóm bên kia sông đó lắm. Tại vì trên quận hổng cho, chứ nếu họ cho phép ổng dám đốt luôn cái xóm đó.

– Người ta làm gì mà ổng ghét?

– Chẳng làm gì hết. Ổng ghét vì họ ngã theo phía bên kia.

Dương gật đầu, rồi nghĩ sao anh lại lắc đầu cười nói:

– Dân, người ta theo phía bên kia chưa hẳn là người xấu. Hổng chừng họ bị bắt buộc phải theo. Họ bị lính bên kia chĩa súng bảo theo thì họ theo. Tôi hỏi anh chứ bây giờ anh bị bên kia chĩa súng bảo anh đi theo họ, anh đi không?

– Thiếu úy nói giỡn Thiếu úy. Tôi có súng mà Thiếu úy. Có bề gì là tôi ăn thua đủ với họ liền.

Dương móc túi lấy gói Bastos xanh ra đưa mời Tánh. Không khách sáo Tánh lấy một điếu. Quẹt diêm, anh đốt cho cấp chỉ huy trước rồi mới tới phiên mình. Hít hơi dài, nhả khói ra từ từ, Dương lên tiếng chậm rãi như để giải thích cho người lính mà anh biết chưa nghĩ sâu và xa hơn mình.

– Anh có súng thì anh mới ăn thua đủ với họ được. Còn dân chúng họ tay không thì lấy cái gì để ăn thua đủ với lính của phe bên kia. Dân yếu đuối nên ai bắt nạt họ cũng được. Ông Biền, ổng ghét họ vì lý do họ theo bên kia thì tôi nghĩ ổng không đúng. Mình đi lính là mình có nhiệm vụ bảo vệ dân, mà mình không bảo vệ được dân của xóm bên kia sông vì vậy họ mới theo phe bên kia, thì đó là lỗi của mình. Mình đã không chu toàn trách nhiệm thì tại sao lại ghét người ta.

Dương nói hơi dài, như nói với mình, cho mình nghe hơn là nói với lính. Tánh lặng thinh vì không hiểu cấp chỉ huy nói gì. Với lại anh cũng không muốn bàn vào cái việc của hai ông đồn trưởng và đồn phó. Anh là lính, ai bảo sao làm vậy thì mới yên thân được.

– Tui rủ Thiếu úy qua bên đó mà Thiếu úy làm ơn làm phước đừng có nói với ông Biền nghen Thiếu úy. Ổng rầy tui chết. Với lại con vợ tui mà biết tui la cà qua bên kia sông là... là...

Dương cười hà hà vì nghe Tánh ấp úng. Anh cũng biết chuyện Tánh bị vợ cấm hổng cho nhậu vì ghen tuông nhiều hơn là sợ tốn tiền.

– Tôi nghe nói là vợ anh hổng thích anh nhậu?

Tánh cười gãi gãi đầu:

– Nó hổng thích tui nhậu vì hễ nhậu là tui nhậu quắc cần câu thành ra bỏ bê nó. Nó nói tui mà sỉn thì cái đó mềm èo...

Dương phá lên cười khi nghe Tánh nói câu sau cùng.

– Thì anh uống chút chút thôi.

– Hổng được... Tui có tật hễ ngồi nhậu là phải quắc cần câu. Uống sương sương ba bốn ly tui chịu hổng được.

Cười hít hơi thuốc, Dương nói như trấn an lính của mình:

– Anh đừng lo. Anh hổng rủ thì tôi cũng hành quân qua bên đó. Tôi phải đích thân qua đó thăm dân cho biết sự tình.

Tánh cười hăng hắc khoái chí về lời nói của cấp chỉ huy:

– Phải đó Thiếu úy. Hồi Thiếu úy chửa về, ông Biền ổng ghét cái xóm bên kia sông lắm nên ổng làm lơ chẳng ngó ngàng dù bên này với bên kia chỉ cách nhau có con sông nhỏ. Nhậu ba hột tui cởi áo lội qua sông hoài.

Dương gật đầu ra lệnh:

– Bây giờ anh đi lựa cho tôi một tiểu đội, lựa anh nào chửa vợ.

Tánh bật cười. Phần Dương cũng mỉm cười với mình. Mới về đây chưa đầy nửa năm mà anh xem ra mình có tiến bộ về mặt ăn nói giống như dân quê ở đây. Anh cũng mặc bà ba đen, đội nón lá, đi chân không, biết phủi phủi chân cho sạch bụi đất trước khi leo lên bộ ván ngồi lai rai chung rượu đế với lính hoặc các ông già ở trong làng nằm cách đồn hơn trăm thước.

– Ở đây chẳng có đứa nào chửa vợ hết trơn hết trọi Thiếu úy ơi. Tụi nó, con trai mới 17 đã muốn vợ, còn con gái 16 đã mống chuồn rồi. Đi đầu trên xóm dưới cái làng này kiếm đâu ra thằng chửa vợ trừ Thiếu úy.

Không nhịn được Dương cười hắc hắc:

– Vậy à... thì anh lựa mấy đứa tre trẻ cho tôi.

Tuân lệnh cấp chỉ huy, Tánh bỏ đi. Dương còn ngồi lại cổng sau của đồn nhìn qua bên kia sông. Xóm nhà lá lưa thưa. Có vài cây cao nhô lên. Lục bình trôi chầm chậm. Khóm dừa nước nằm sát bờ rậm rạp nhờ có dàn ô rô và cóc kèn. Mấy cây gì mà anh đoán cây bần ngã de ra sông. Con sông, đúng hơn là con rạch lớn, tới ngay chỗ có ngôi đồn lại phình rộng ra làm cho nước chảy chậm hơn trừ khi nào có mưa lớn thì nước từ trong đồng mới tràn xuống sông làm cho nước đục ngầu. Bình thường nước chảy lừ đừ và trong xanh như được lóng phèn. Anh hỏi thì lính cho anh biết con sông này sẽ nối liền với con kinh gì đó chạy tuốt luốt vào trong miệt bưng biền Đồng Tháp cho nên phèn lẫn vào làm cho con sông nước trong đôi khi thấy tận đáy vào mùa khô. Cũng vì có phèn thành ra ít có tôm cá ở trừ mấy loại như cá lăng, cá trèn, cá chạch và những loại cá chịu nước phèn mà anh không biết tên. Con trão trẹt từ đâu bay lại đậu trên đầu cây chông nhọn cắm dài dài theo bờ sông. Cây cầu ván nhô ra xa có buộc chiếc ghe mà lính trong đồn thường dùng để qua xóm nhà bên kia hay chèo dọc theo bờ sông chài lưới, cắm câu, săn chằng nghịch, ốc cao, le le, chuột, hoặc hái dừa nước, bần đem về làm mồi nhậu khi không kiếm được các món khác như tôm cá, chuột, rắn, rùa. Không gian tịch mịch và quạnh hiu. Dương nghe được tiếng chim cu gù trên nóc của rặng trâm bầu xế bên phía trái của đồn gần với ụ súng đại liên 30.

9 giờ sáng. Nguyên tiểu đội dưới sự chỉ huy của Dương, chia làm ba toán lần lượt ngồi xuồng ba lá qua xóm nhà bên kia sông. Có lẽ biết rõ tình hình của xóm nhà lá, Tánh đã ra lịnh cho lính trang bị đầy đủ để phòng hờ. Riêng Dương chỉ mang theo khẩu Colt–45 với một băng đạn thôi. Anh nghĩ ban ngày chắc mấy ông du kích cũng e dè không dám phục kích hoặc tấn công mình. Con đường mòn từ ngoài mé sông chạy lọt giữa cánh đồng cỏ cao và xanh rì. Đi hết con đường mòn anh thấy xóm nhà lá hiện ra. Gần tới căn nhà đầu tiên, đi sau lưng cấp chỉ huy Tánh chợt lên tiếng:

– Thiếu úy, chờ chút Thiếu úy.

Nghe Tánh nói Dương hơi lơi chân.

– Thằng Mít với thằng Xưa. Hai thằng bây vào trước, coi chừng bị bắn sẻ.

Tánh nói như ra lệnh. Mít với Xưa đi trước. Tánh với Dương đứng nhìn theo. Lát sau Tánh lên tiếng:

– Thằng Chừng dẫn toán 1 bọc bên trái. Thằng Mừng dẫn toán 2 ém bên mặt. Để tao với Thiếu úy đi vào.

Tiểu đội 12 người chia làm 3 toán chậm chạp đi vào xóm nhà của dân. Chừng bốn, năm chục căn nhà cất dài dài theo con lộ đất nhỏ. Toàn nhà lá. Dân chúng nghèo xác nghèo xơ. Con nít có đứa ở truồng đưa cái bụng bự chang bang như mắc cam tích. Có đứa ở trần mặc quần cụt rách trước rách sau. Đàn bà nhiều hơn đàn ông, mà đàn ông thì chừng năm chục trở lên chứ không thấy trai trẻ. Có lẽ quen với chuyện lính bên kia sông đi qua đây nên con nít đứng lõ mắt nhìn. Còn người lớn thì im lặng. Có người gật đầu chào. Cũng có người cười chào Dương. Chắc họ thấy anh lạ mặt.

Dừng trước căn nhà lá lụp xụp, Tánh nói nhỏ:

– Mình vào đây thiếu úy.

Trên vách lá treo lỏng chỏng mấy cái nồi đất cũ. Chiếc mái vú đựng đầy nước mưa đặt nơi góc. Hơi khom người Dương theo sau Tánh bước vào cửa. Trong nhà hơi tối một chút dù có ánh sáng lọt vào khung cửa sổ khá rộng.

– Chị Tư ơi!

Tánh lên tiếng gọi chủ nhà. Thấy Dương còn đứng xớ rớ, anh ta cười tiếp:

– Thiếu úy, ngồi đi Thiếu úy.

Không nói gì Dương ngồi xuống cái ghế cây quanh cái bàn nhỏ đặt gần cửa ra vào. Nghe tiếng chân lẹp xẹp anh nhìn về phía bếp. Một người đàn bà bước ra. Tóc búi, đi chân không, bộ bà ba bằng vải đen giống như mấy người đàn bà khác ở xóm này. Gọi bà ta cũng không đúng lắm. Tiếng bà dành cho người già hoặc trọng tuổi, trong khi người đàn bà này anh đoán mới ba mươi ngoài nên gọi bằng chị thời đúng hơn. Khi chị tới gần anh nhận thấy có điều hơi khang khác. Da mặt chị trắng hơn so với những người đàn bà mà anh thấy trong xóm nhà lá này. Dân ở đây dãi dầu mưa với nắng thành ra da mặt của họ rám đen và có nhiều vết nhăn hơn dân thị thành so cùng số tuổi với nhau.

– Chú Tánh uống gì chú Tánh?

Hỏi Tánh mà chị chủ quán lại nhìn Dương cười như tỏ ý chào người khách lạ mà chị mới biết mặt lần đầu. Đưa tay chỉ Dương, Tánh cười nói với chị chủ quán:

– Ông Thiếu úy này là sếp của tui đó chị... Ổng mới ở Sài Gòn đổi về đây.

Nghe Tánh nói như vậy, chị chủ quán hơi có vẻ ngạc nhiên:

– Dạ chào Thiếu úy. Thiếu úy uống gì Thiếu úy?

Dương chưa kịp trả lời, chị nói tiếp:

– Để tôi mở cửa cho sáng.

Chị kéo hai cánh cửa sát vào vách. Căn nhà sáng hẳn lên. Dương gật đầu cười hài lòng. Ngồi đây anh có thể nhìn ra đường đồng thời cũng được ngắm chị chủ quán ăn mặc luộm thuộm trong một cái quán tạp hoá nghèo nàn có mùi là lạ như mùi nước mắm pha trộn với mùi mắm, cá khô, tương và những thứ lỉnh kỉnh khác nằm trong góc tối hoặc được treo đầy trên vách lá. Tuy nhiên anh không đòi hỏi gì hơn. Ít ra dù nghèo khổ, ăn mặc lam lũ, người đàn bà vẫn là hình ảnh dễ nhìn nhất so với những người cũng mặc bà ba đen mang súng ở trong vùng hoang vu và đìu hiu này.

– Tôi nghe anh Tánh nói chị có rượu và thức ăn ngon.

Người đàn bà mỉm cười song im lặng không nói gì hết. Lát sau ngước nhìn Dương, chị nhỏ nhẹ thưa:

– Cám ơn Thiếu úy. Để tôi đem rượu ra cho Thiếu úy và chú Tánh thử trước rồi tôi đi làm món nhắm.

Thêm một điều nữa cho Dương đoán người đàn bà này lạ. Đó là tiếng “tôi” mà chị xưng hô với anh. Dân làng ở đây không có xài tiếng tôi mà xưng là tui. Chị dùng tiếng tôi tức lạ hơn dân làng. Nó cho anh biết chị có học chút đỉnh hoặc người thị thành trôi dạt tới vùng hẻo lánh này. Người đàn bà trở ra, tay cầm xị rượu và cái chung nhỏ. Chị lộ ra vẻ không được tự nhiên lắm, có lẽ vì sự hiện diện của ông sếp đồn lạ mặt.

– Chú Tánh ngồi lai rai với Thiếu úy nghen để tôi đi làm đồ nhắm.

– Chị làm món gì vậy chị?

Dương cười hỏi với ý làm quen. Thấy chị dụ dự chưa trả lời, anh cười tiếp:

– Tôi hỏi vì tò mò thôi... Chị nấu gì tôi ăn đó, không phàn nàn mà cũng hổng có chê đâu.

Người đàn bà cười gật đầu:

– Dạ... Để tôi làm lươn um cho Thiếu úy nhậu.

Tánh gật gù tặc lưỡi:

– Chà! Món này nhậu bắt nghen Thiếu úy.

Dương cười im lặng hít hơi thuốc. Trời mùa nắng nóng và hầm như sắp mưa. Khói thuốc tan loãng trong không khí nặng và sền sệt rồi lặng lờ theo cửa bay ra ngoài. Mấy hũ kẹo đặt trên cái quầy cao ngang ngực. Mươi cái nồi đất đủ loại. Anh ngửi được mùi nước mắm hôi hôi. Thùng dầu lửa đặt trong góc. Thêm vài thứ lặt vặt tỏ ra quán tạp hóa này chẳng có bày bán gì nhiều. Chắc dân làng nghèo nên đâu có tiền mà mua.

– Dô đi Thiếu úy!

Tánh lên tiếng khi thấy sếp trầm ngâm chưa chịu cạn chung rượu đầy. Đưa chung rượu lên ngắm nghía Dương ực cái trót rồi im lặng như muốn lắng nghe cảm giác của vị đắng cay ngọt của rượu đang từ trong miệng của mình như dòng nước nóng chảy qua cổ họng rồi trôi xuống dạ dày.

– Đã hông Thiếu úy?

Tánh hỏi trong lúc rót rượu. Dương gật đầu cười:

– Đã đíu luôn! Mới uống một chung mà tôi thấy rần rần rồi. Chắc anh và lính phải khiêng tôi dìa quá.

Tánh cười hắc hắc hơi ngã đầu đổ rượu vào miệng của mình:

– Mình làm sần sần ba hột chờ bả đem lươn um lên.

Nói xong anh thong thả rót rượu vào chung rồi đẩy nó sang cho cấp chỉ huy. Dương ngửa cổ ực một hơi cạn chung rượu nữa. Khà tiếng lớn như để cho hơi đế cay nồng bay ra xong anh lắc lắc đầu:

– Chắc mình phải qua đây thường.

Câu nói của cấp chỉ huy đúng vào điều mà Tánh đợi song không dám nói ra. Không bỏ lỡ dịp may, anh ta lên tiếng liền:

– Thiếu úy nói phải đó Thiếu úy. Mình nên qua đây ít nhất tháng một lần gọi là “thăm dân cho biết sự tình...”

Nói xong Tánh cười hăng hắc vì khoái chí khi nhắc lại câu nói của cấp chỉ huy. Hơi thấp giọng xuống như chỉ muốn cho mình và sếp nghe được mà thôi, Tánh thì thầm:

– Lấy lòng dân xóm nhà lá này thì mình đỡ lắm Thiếu úy. Khỏi lo bị pháo hay bị úp mặt sông.

Dương gật đầu đồng ý với điều mà Tánh vừa nói. Trong trò chơi giết người này phe nào được dân ủng hộ là phe đó đỡ lo nhiều thứ lắm. Chỉ ở đây non sáu tháng, anh đã biết đồn bị pháo kích hoài mà vị trí đặt súng đều xuất phát từ xóm nhà lá và các địa điểm ven sông. Nếu chiếm được lòng dân tức phần nào kiểm soát được hoạt động của mấy ông lính thuộc phe bên kia. Đang suy nghĩ, nghe tiếng bước chân, Dương ngước nhìn lên thấy chị chủ quán bưng một cái tô thật lớn còn bốc khói. Chị đi chưa tới gần mà anh đã nghe mùi thơm lừng của rau ngò om. Đặt cái tô xuống bàn, chị cười nói với Dương:

– Mời Thiếu úy ăn thử! Chắc hổng ngon bằng Sài Gòn đâu.

Dương cười nói, giọng của anh rất thật:

– Ngon không thì chưa biết mà tôi ngửi mùi rau ngò om thơm quá! Thèm chảy nước miếng!

Bà chủ quán bật lên tiếng cười vì câu nói của ông khách quí. Bước ra sau giây lát chị trở ra với hai cái chén, hai đôi đũa và dĩa nước mắm sống có những lát ớt đỏ tươi. Tánh đon đả mời:

– Thiếu úy ăn trước đi Thiếu úy. Chị Tư làm đồ ăn ngon có tiếng đó Thiếu úy.

Cầm lấy cái muỗng nhựa màu ngà ngà đưa lên định múc miếng nước thử, nghe Tánh gọi chị Tư, Dương ngước nhìn chị chủ quán cười hỏi:

– Chị Tư mà Tư gì?

Câu hỏi này dường như dành cho chị chủ quán hơn là cho Tánh, mặc dù khi hỏi anh lại nhìn Tánh. Hiểu ý chị cười trả lời:

– Dạ... tư Tự Vấn...

Ngừng lại nhìn Dương, chị cười đùa:

– Tự Vấn chứ hổng phải tự vẫn à nghen... Anh chị em trong nhà thường gọi tắt là Vấn.

Cười hà hà, Dương múc muỗng nước đưa lên nếm đoạn gật gù:

– Ngon tuyệt! Tôi hổng ngờ ở cái xóm nhà lá heo hút này có đầu bếp Tự Vấn nấu ăn ngon mà lại ẩn danh.

Vấn bật cười. Dương cảm thấy giọng cười của chị nghe thật dịu dàng và thân quen. Cũng chẳng có gì lạ. Họ là những người vì lý do nào đó bị bắt buộc phải sống ở đây, vì vậy mà dễ dàng và mau chóng cảm thông hơn. Chỉ cần nghe tên thôi, Dương biết bà chủ quán ăn mặc luộm thuộm này không phải dân sinh ra và lớn lên ở đây. Cũng như anh, chị là dân trôi dạt. Hiểu điều đó nên anh không cần phải hỏi thêm. Người ta muốn nói thì họ nói. Lục vấn làm chi cho thêm phiền.

Thấy Tánh đẩy chung rượu đầy tới trước mặt mình, Dương cười ực một hơi cạn chung đế xong khà tiếng lớn rồi lấy tay phẩy phẩy ngay miệng của mình như muốn xua hơi nóng của rượu. Cử chỉ của anh làm cho Vấn bật cười.

– Nóng hả Thiếu úy?

Khẽ gật đầu Dương cười trả lời câu hỏi của Tánh:

– Rượu cay thêm canh chua nóng và thơm thành ra ngon tuyệt!

Nói xong anh đẩy chung rượu qua cho Tánh. Rót đầy chung anh ta quất cái trót rồi đứng lên.

– Thiếu úy ngồi đây nghen... Tôi đi rảo một vòng coi mấy đứa tụi nó làm gì.

Nhìn theo Tánh bước lẹ ra cửa, Dương thấy mấy đứa con nít bu theo anh ta chắc xin tiền mua kẹo bánh. Thấy Tánh lắc đầu, anh ngoắc một đứa đang đứng gần cửa ngay chỗ mình ngồi. Thằng nhỏ nhìn anh giây lát rồi rụt rè đi tới mà cũng không dám tới gần. Dương cười nói với Vấn:

– Chị làm ơn kêu mấy đứa nhỏ vào đây phát bánh kẹo cho tụi nó rồi tính tiền cho tôi.

Do dự một chút, Vấn làm theo lời của Dương, cho kẹo đứa bé rồi sai nó đi kêu mấy đứa khác. Lát sau chừng hơn chục đứa con nít bu đầy trước cửa quán chờ lãnh kẹo. Sau khi đám con nít đi hết, Vấn cười nói với Dương:

– Cám ơn Thiếu úy. Nhờ ông mà tôi mới bán hết mớ kẹo cũ.

– Không có chi. Thấy mấy đứa nhỏ tội nghiệp quá. Tôi nhớ tôi hồi nhỏ... nghèo nên thèm đủ thứ.

Nói xong Dương cười im lặng nhìn ra con đường đất nhẵn thín vì được người đi lại thường xuyên. Gió đồng thổi về làm bốc lên chút bụi mờ. Không gian thật im vắng, lẫn trong đó chút đìu hiu và cô quạnh. Tới ngồi nơi chiếc ghế trong góc, Vấn cũng nhìn ra ngoài đường. Thỉnh thoảng chị lại liếc về phía ông lính đang ngồi trầm ngâm. Sự im lặng cũng như khuôn mặt có chút gì khắc khổ, mỏi mệt và khoắc khoải của ông ta là điều hiếm thấy ở vùng đất hoang này. Thường những người lính bên kia sông khi qua đây đều cố tạo ra sự cách biệt đôi khi trở thành sống sượng và trịch thượng nếu không muốn nói là hống hách. Như cái ông thượng sĩ mà chị còn nhớ mặt. Ổng bắt mọi người gọi ổng bằng cấp bậc và đối xử với dân bên này như tù binh hoặc kẻ thù.

– Thiếu úy đổi về đây lâu chưa Thiếu úy?

Vấn lên tiếng như muốn phá tan bầu không khí im lặng giữa hai người.

– Gần nửa năm rồi chị.

– Ở đây buồn hả Thiếu úy?

– Lúc mới về thì buồn. Bây giờ cũng quen rồi, mà khi quen rồi thì tôi lại thích ở đây hơn.

– Thiếu úy thích mà thích cái gì?

Thấy Dương quay nhìn mình cười, Vấn vội lên tiếng như muốn làm rõ cái ý trong câu hỏi của mình:

– Tôi muốn nói là người ta, cảnh vật vậy mà.

Rót đầy chung rượu rồi đưa lên nhấp ngụm nhỏ, Dương cất giọng nhẹ nhàng:

– Tôi thích cái không khí đìu hiu và cô quạnh ở đây. Nó buồn thật song tôi lại cảm thấy có chút gì êm ả và quen thuộc như quê tôi. Người dân ở đây cũng làm cho tôi mến. Họ chất phác, thật thà và dung dị. Lính trong đồn có nói về xóm nhà lá này, bởi vậy tôi muốn qua đây. Mình phải thấy bằng mắt, nghe bằng tai thì mình mới có thể tin được điều người ta nói đúng hay sai. Người ta có nói câu “Tai nghe không bằng mắt thấy và chỉ có người trong cuộc mới tỏ tường”... Chắc chị biết câu này?

Dương buông một câu hỏi dò đường nhằm ý muốn biết thêm về người đàn bà của xóm nhà bên kia sông này. Vấn gật gật đầu cười tỏ ra mình hiểu câu nói của ông sếp đồn song lại không nói gì hết. Thấy vậy Dương tiếp liền:

– Chị và dân ở đây khác hơn lời thiên hạ nói với tôi.

– Chắc họ nói không tốt về xóm nhà này.

Dương gật đầu như xác nhận. Vấn nhận ra sự thành thật trong lời nói của ông sếp đồn.

– Dạ... cũng có người nói tốt mà cũng có người nói xấu. Như anh Tánh thì anh nói tốt về xóm nhà bên kia sông này. Riêng tôi thì tôi nghĩ...

– Thiếu úy nghĩ sao?

– Chị là người tốt...

– Cám ơn thiếu úy. Thiếu úy mới gặp rồi Thiếu úy nói vậy chứ...

– Tôi nói thật chứ không phải nói để lấy lòng chị đâu. Chị tốt hay xấu với người khác thì tôi không biết, nhưng với tôi thì chị tốt. Hổng tốt thì chị đâu có nấu cho tôi ăn... mà lại nấu món ngon nữa! Với lại khi thấy chị tôi có cái cảm giác... nói ra thời khó mà giải thích song tôi có cảm giác như gặp lại người quen của mình.

Nói xong Dương cất tiếng cười làm cho Vấn cũng cười theo. Nhờ vậy mà không khí giữa họ có thêm chút cởi mở và thân thiện hơn. Liếc nhanh ông lính mấy lần sau cùng Vấn mới mở miệng hỏi:

– Thiếu úy có vợ con gì chưa?

– Chưa. Tôi chưa muốn lấy vợ với lại chẳng có cô gái nào muốn lấy tôi.

Vì nhìn ra đường trong lúc trả lời, Dương không thấy được Vấn mỉm cười:

– Thiếu úy phải đi lên quận hay lên tỉnh thì may ra mới có người.

Nói tới đó Vấn ngừng lại. Nhìn ngay chỗ khách ngồi chị cười tiếp:

– ... xứng với ông...

Tự rót rượu vào chung xong đưa lên nhấp ngụm nhỏ, Dương lắc lắc đầu:

– Tôi có kén chọn gì đâu. Chẳng qua là không tìm được người hợp với mình.

– Thiếu úy bao nhiêu tuổi?

– Dạ 24. Chị có gia đình chưa?

– Có... hai con.

Nhìn ra ngoài đường, Vấn nói tiếp giọng buồn buồn:

– Mấy đứa nhỏ xin kẹo hồi nãy có hai đứa con của tôi.

Dù Vấn không nói song Dương cũng tự suy ra chồng của chị có thể là người của phía bên kia. Chị ở bên kia sông dĩ nhiên chồng cũng phải là người của phía bên kia. Cũng như anh ở bên này sông thì phải là người của bên này. Hai người im lặng sau khi trò chuyện tới đó. Dương vừa lai rai chung rượu đế, hút thuốc lá và nhìn ra đường. Còn Vấn ngồi thu hình trong góc nhà. Dương thở dài thầm lặng. Hình ảnh của Vấn cũng chính là hình ảnh mà anh đã gặp trong hơn năm năm lính. Nhẫn nhục và chịu đựng. Không than van về số phận hẩm hiu của mình mà cũng không hờn trách người này người nọ. Phải chăng sống là sự phải chịu đựng. Ai cũng phải chịu đựng hết, nhưng có người lại than van mà có người lại thản nhiên chấp nhận. Thản nhiên chấp nhận là một thái độ tích cực của người hiểu được cái lẽ giản đơn của sự sống.

Nhìn Tánh bước lẹ trên con lộ đất dơ dáy, Dương mỉm cười. Nhiều lần anh có ý nghĩ đưa người lính trẻ này lên thay thế cho Thượng sĩ Biền, một ông lính già kém năng động, sống bằng những định kiến cứng ngắt và không chịu thay đổi. Cái chỗ kém cỏi của những người có tuổi là khó hoặc không chịu thay đổi. Thời gian, không gian biến dịch nên đời sống cũng vô chừng và con người cũng không đi ngoài quy luật đó thì tại sao người ta lại không thay đổi, một tác động nhân sinh cần thiết để không bị đào thải. Cũng như chuyện đối phó với xóm nhà lá bên kia sông, ông thượng sĩ khăng khăng không chịu bước chân qua xóm nhà lá với tình thân thiện và sự cởi mở của một người chấp nhận cái xấu và cái tốt và chịu đựng bằng thái độ thản nhiên. Nếu nghe lời Thượng sĩ Biền thì làm sao anh biết được xóm nhà lá cũng có người tốt như người đàn bà đang ngồi kia. Nghĩ tới đó anh bỗng bật lên cười lớn.

– Thiếu úy cười gì vậy Thiếu úy?

Vấn lên tiếng hỏi. Cầm xị rượu lên rót vào chung, Dương nói trong tiếng cười:

– Tôi cười chị...

Câu nói của anh rất thật song đối với Vấn nó như một câu nói đùa giỡn khơi động tính tò mò của chị:

– Thiếu úy cười tôi... Tôi làm gì mà Thiếu úy cười?

Nghe giọng hơi dùng dằng của Vấn, Dương biết chị hiểu lầm bèn thong thả nói hết những gì mình nghĩ sau khi qua xóm nhà lá và được gặp chị đối xử tử tế và thân thiện như người nhà. Nghe xong Vấn cười hắc hắc:

– Người ta nghĩ người của xóm nhà lá xấu mà tôi có xấu hông?

Vấn nhấn mạnh tiếng “xấu”. Hiểu được ý của Vấn, Dương cười:

– Chị hổng có xấu chút nào! Nếu chị mà xấu thì chắc tôi hổng ngồi đây.

Cười cười anh tiếp liền:

– Tuy nhiên suy nghĩ kỹ thì tôi thấy chị cũng có cái xấu.

Dương ngừng lại. Vấn hỏi liền:

– Tôi xấu cái gì đâu Thiếu úy nói nghe coi.

Hơi mỉm cười, anh thong thả quẹt diêm đốt điếu thuốc, hít hơi dài, nhả khói ra từ từ, cầm ly chung rượu lên nhấp ngụm nhỏ rồi mới trả lời. Cử chỉ của anh từ tốn và như cố tình trì hoãn khiến cho Vấn phải lẩm bẩm câu gì đó.

– Tôi nghĩ chị cũng có cái xấu... chị cứ kêu tôi là Thiếu úy... bộ tôi thiếu nợ chị sao mà cứ mở miệng là thiếu này thiếu nọ thiếu kia.

Vấn bật cười vì câu nói nhiều tiếng thiếu của Dương. Rán nín cười chị nói với giọng đứt khúc:

– Thì đúng là thiếu nợ rồi... Thôi tôi không gọi thiếu úy nữa đâu, mà tôi hổng thích tên Dương của thiếu...

Thấy Dương trừng mắt, Vấn vội sửa lại liền:

– Tôi đặt cho ông cái tên mới là Thiếu. Ông chịu hông?

Dĩ nhiên là Dương chịu không phải vì tên mới đẹp hơn tên cũ mà chỉ vì câu hỏi “ông chịu hông” của Vấn. Không trả lời anh nhìn ra cửa thấy Tánh vai mang khẩu Carbine, quần áo xộc xệch, giày chẳng cột dây và dáng đi không được bình thường.

– Thiếu úy chờ tôi lâu hả Thiếu úy?

Tánh hỏi ngay khi bước chân vào cửa. Liếc nhanh Vấn đang đứng lên, Thiếu, tên mới của Dương, cười cười:

– Hổng lâu lắm mà tôi nhậu gần hết xị rượu rồi.

– Tôi bị mấy đứa tụi nó kéo làm xị này xị nọ...

– Vậy hả? Thôi mình về. Bao nhiêu vậy chị Vấn?

Thiếu móc túi áo trận. Vấn cười nhìn Thiếu.

– Dạ năm trăm rưởi.

Đưa tờ giấy năm trăm và hai trăm cho Vấn, Thiếu cười nói đùa:

– Như vậy là tôi hổng có thiếu nợ chị nghen. Tiền dư cho hai đứa nhỏ mua kẹo.

Nhìn theo hai người lính đi trên đường, Vấn cười lẩm bẩm:

– Ổng vẫn còn nợ tôi, ông Thiếu ơi.

Đang ngồi trong hầm chỉ huy, Dương ngước lên khi thấy Thượng sĩ Biền bước vào kèm theo câu hỏi:

– Tôi nghe nói Thiếu úy dẫn mấy đứa nhỏ qua bên kia sông hả Thiếu úy?

Dương cười gật đầu xác nhận. Ông đại đội phó chưa kịp nói tiếp, anh lên tiếng bằng giọng nghiêm nghị:

– Mai mốt mình sẽ qua bên đó thường hơn.

– Thiếu úy...

Biền kêu lên song ngậm miệng lại liền. Ông ta đủ biết Dương là kẻ chỉ huy, có quyền hạn ở đây và ông ta phải tuân lệnh anh.

– Tôi thấy họ chẳng có gì xấu. Chẳng qua...

Dương ngừng lại như để cho ông thượng sĩ có thì giờ suy nghĩ.

– Họ là dân. Nhiệm vụ của mình là bảo vệ dân không để cho họ theo phía bên kia. Sở dĩ họ phải theo bên kia là vì mình không bảo vệ được họ...

– Tôi nghĩ dân bên kia sông có liên hệ...

Dương gật đầu móc túi lấy ra gói thuốc đưa mời ông thượng sĩ. Ông ta lắc đầu từ chối. Đốt thuốc hít hơi dài anh thong thả lên tiếng:

– Tôi biết dân bên kia nhiều người có liên hệ gia đình với mặt trận. Bản thân tôi cũng có liên hệ gia đình với mặt trận nữa. Anh bà con, cậu mợ, dượng dì của tôi làm lớn phía bên kia đó. Cuộc chiến này là cuộc phân tranh ý thức hệ giữa cộng sản và quốc gia, giữa tự do dân chủ và độc tài đảng trị. Tuy nhiên như vậy không có nghĩa là mình bỏ rơi họ. Ở trên mặt trận tâm lý và chính trị thì mình phải cố gắng giành dân, tách dân ra khỏi phe bên kia. Không có dân ủng hộ là phe bên kia sẽ gặp nhiều khó khăn. Ông đồng ý với tôi về chuyện này?

Thượng sĩ Biền làm thinh. Dù không có học nhiều như Dương, song xuyên qua kinh nghiệm của 20 năm lính ông ta cũng biết lời cấp chỉ huy nói đúng. Sống tựa vào dân mà nay bị tách rời khỏi dân thì phe bên kia sẽ tàn lụn vì thiếu sự ủng hộ.

– Muốn làm cho dân bên kia sông theo mình thì trước nhất mình phải lo cho họ, giúp đỡ họ và bảo vệ họ bằng cách không cho du kích lén lút về.

Biền gật đầu tỏ ý hiểu lời của cấp chỉ huy.

– Bắt đầu từ ngày mai, mình sẽ làm như vầy. Đại đội của mình có ba trung đội, mỗi trung đội có 4 tiểu đội. Như vậy mình có 12 tiểu đội. Mỗi ngày tôi sẽ cho 1 tiểu đội sang bên kia sông để giữ an ninh và làm các việc lặt vặt giúp đỡ dân chúng. Ban đêm mình sẽ phục kích du kích bên kia về...

– Mệt à nghen Thiếu úy.

Biền cười lên tiếng. Dương gật đầu rít hơi thuốc dài:

– Thì mệt... có thể lúc ban đầu thì mình sẽ mệt nhiều hơn. Tôi, ông, ông Tánh và ba trung đội trưởng sẽ chia phiên nhau để dẫn lính bình định bên kia sông.

Biền gật đầu. Vẫn còn ngồi trên ghế, Dương nói tiếp:

– Sáng mai tôi lên chi khu có chuyện cần. Ông ở nhà xếp đặt chuyện hành quân qua bên kia sông để ngày mốt mình khởi sự. Nhớ là phải tử tế với họ.

Lãnh lệnh Biền bước ra khỏi hầm. Dương ngồi lại. Xuyên qua khung cửa sổ hẹp anh thấy trời thật xanh và nắng dọi những tia sáng vàng hực xuống mặt con sông hẹp.

Đang lui cui dọn dẹp lại cho ngăn nắp và trật tự hơn, nghe tiếng tằng hắng, Vấn không giấu được nét ngạc nhiên và vui mừng khi thấy ông sếp đồn mà chị đã đặt cho cái tên mới là Thiếu đang bước vào cửa.

– A! Tôi tưởng ông sợ thiếu nợ nên trốn biệt luôn.

Sau câu nói Vấn cười hắc hắc. Thiếu cảm thấy giọng cười của chị thật trong sáng và hồn nhiên, một điều rất hiếm đối với người đã có gia đình.

– Thật ra thì tôi cũng sợ thiếu nợ lắm song biết tránh hổng được nên phải qua đây.

– Ủa chú Tánh hổng có đi với ông à?

– Tôi thích đi một mình hơn, với lại hôm nay tới phiên tôi dẫn lính qua đây thăm chị.

Vấn cười có lẽ hiểu được câu nói của Thiếu:

– Ông ngồi đi. Ông uống gì để tôi làm cho ông.

Đưa tay áo lau mồ hôi trán, Thiếu nói nhỏ:

– Bữa nay thì tôi không nhậu. Chị có cái gì uống cho đã khát hông?

– Tôi có chanh muối, mà hổng có nước đá à nghen.

Thiếu gật đầu ngồi xuống chỗ cũ mà anh đã ngồi lần trước.

– Hổng sao. Trưa nay tôi chỉ muốn ăn cơm. Chị nấu cái gì cũng được.

Vấn cười đi pha chanh muối. Mang ra đặt cái ly nhựa ngã màu trước mặt khách, chị nói trống không:

– Thử coi ngon hông.

Thiếu hớp ngụm nhỏ rồi tặc lưỡi xong ngước lên cười với Vấn:

– Chanh muối của chị tuy hổng có nước đá mà lại ngọt đậm đà và mặn mòi hơn.

Quay mặt đi để giấu nụ cười, Vấn bỏ ra sau bếp rồi lát sau trở lên nhà trước:

– Tôi nấu canh chua và cá lăng chiên, Thiếu úy ăn hông?

Nói tới đó chị bụm miệng cười vì biết mình vừa lỡ lời gọi ông lính bằng Thiếu úy. Thiếu chưa kịp lên tiếng cằn nhằn, chị cười hăng hắc:

– Thiếu úy thì người ta gọi Thiếu úy chứ sao. Bộ ai cũng là Thiếu úy được à.

Tới phiên Thiếu bật cười:

– Thì chị muốn gọi gì cũng được. Nấu món gì cũng được... Tôi đi một vòng xong trở lại.

Gật đầu Vấn nhìn theo dáng đi của ông lính. Chị chợt nhớ tới Nghiêm, người chồng ở trong bưng của mình. Cả hai có dáng đi từa tựa nhau.

Ba tháng, tuần lễ hai lần, Thiếu trở thành người khách quen thuộc của Vấn; quen tới độ họ có thể ngồi chuyện trò một cách vui vẻ và lắm khi đi sâu vào đời tư của nhau. Nhờ vậy anh mới biết người đàn bà ở vùng đất quê mùa này lại không quê mùa như anh nghĩ. Ba má của Vấn ở trên tỉnh, nhà khá giả nên Vấn được đi học tới lớp đệ tam rồi nghỉ học để lập gia đình với Nghiêm cũng ở trên tỉnh. Nghiêm thi xong tú tài 1 thì đột nhiên bỏ học đi vào bưng. Vấn không ngần ngại nói cho Thiếu nghe nhiều điều về Nghiêm, người chồng ở trong bưng của mình. Sự thành thật của Vấn làm cho anh hơi khó xử. Trên cương vị của một ông trưởng đồn, anh không thể giao tiếp một cách thân mật với một người đàn bà có chồng thuộc phe đối địch với mình. Nếu thượng cấp biết anh sẽ bị khiển trách. Tuy nhiên dù biết như vậy song anh cứ tiếp tục giao du với Vấn. Ở người đàn bà có chồng này anh tìm được một thứ mà anh thiếu vắng từ khi tới đây. Đó là sự đồng cảm trong ý nghĩ và chữ nghĩa để diễn đạt tư duy của mình. Khi hai người xa lạ có sự đồng cảm với nhau thì họ không cần nói nhiều, hoặc giả họ có nói nhiều thì cũng không chán chuyện với nhau. Họ có thể ngồi hàng giờ, lắm khi cả buổi nữa để nhắc lại thời đi học, kỷ niệm của tuổi thơ, thảo luận sôi nổi về một bài thơ hay bản nhạc. Có một điều mà Thiếu biết là mình không yêu Vấn theo cái nghĩa thông thường, là tình cảm giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Anh chỉ xem Vấn như một người quen, đúng nghĩa quen, tức có một giới hạn đã được định sẵn. Khi người ta biết được cái giới hạn của mình thì mọi việc sẽ dễ dàng và ít rắc rối hơn.

10 giờ đêm. Đang mơ màng ngủ Vấn nghe có tiếng bước chân sau hè rồi có tiếng gọi vang nhỏ nơi cửa:

– Vấn... anh đây... mở cửa cho anh...

Ngồi dậy, bới tóc, Vấn rời giường ra mở cửa cho chồng. Nghiêm bước vào nhà. Khép cửa lại anh hỏi liền:

– Em mạnh hông?

Không trả lời Vấn hỏi lại chồng:

– Dạ mạnh... Chừng nào anh đi?

– Đi liền. Anh nhớ con nên về thăm...

Vấn cười lặng lẽ trong bóng tối. Chị biết lý do nào chồng lén về nhà một cách đột ngột và cũng vội vàng bỏ đi. Câu ca dao “nhớ con thì ít mà nhớ cái đít vợ thì nhiều” rất thực, ứng đúng vào tâm trạng của mấy ông ở trong bưng. Nhiều khi chị nghĩ mấy ổng khổ cực chiến đấu cũng chỉ vì cái đó thôi chứ chẳng có phải vì dân vì nước gì gì hết. Nếu không vì cái đó của chị thì Nghiêm chẳng phải lén lút, lội nước băng đồng về đây trong vòng một hai tiếng đồng hồ rồi hối hả bỏ đi.

– Anh đói bụng không tôi có sẵn đồ ăn cho anh.

– Không... anh vừa đi vừa ăn rồi.

Hiểu ý chồng, Vấn nằm dài ra giường. Chị lờ mờ thấy chồng cởi quần áo rồi nằm lên người của mình. Bình thường chị tự động cởi quần áo song hôm nay chẳng biết nghĩ sao mà chị cứ nằm yên.

– Em hổng cởi ra à?

Không nói tiếng nào, Vấn tuột quần mình xuống tới đầu gối rồi lấy bàn chân đạp cho chiếc quần tuột khỏi chân bên phải xong nằm đó để mặc cho chồng muốn làm gì thì làm. Không biết nghĩ tới điều gì mà chị cảm thấy buồn và mắt cay cay. Chiếc giường kêu thành tiếng kẽo kẹt vì những cử động của Nghiêm. Đứa con trai út nằm cạnh bên vẫn im lìm say ngủ và cha của nó cũng chẳng màng hôn hít hay nựng nịu nó. Mươi phút sau Nghiêm thở hắt ra hơi dài rồi nằm lăn xuống giường. Căn nhà im lặng. Tiếng cóc nhái kêu rời rạc.

– Anh đi... mai mốt anh về... Em nhớ cài cửa.

Vẫn nằm yên, Vấn nhìn chồng mặc quần áo, lận khẩu súng vào lưng quần rồi lặng lẽ đi ra cửa. Nghiêm đến mau mà đi cũng lẹ. Lầm bầm vài tiếng Vấn mặc quần lại rồi ngồi dậy đi loanh quanh trong căn nhà tối. Lát sau chị đốt đèn lên. Ánh đèn le lói soi bóng chị lên vách lá. Cái bóng thật cô đơn và buồn bã.

8 giờ sáng. Dương lắc đầu một cách chán nản khi muốn pha ly cà phê mà mở nắp hộp đựng cà phê ra mới biết hổng còn miếng nào. Ở đây đã buồn mà buổi sáng thêm thiếu ly cà phê và điếu thuốc thì càng buồn hơn. Moi túi áo trận anh thiếu điều buột miệng chửi thề vì thuốc lá cũng hết luôn.

– Hay là mình đi uống cà phê.

Có hai nơi để anh uống cà phê và mua thuốc lá. Đó là chợ làng và quán tạp hóa của Vấn bên kia sông. Bốn tiếng “Vấn bên kia sông” bật lên trong đầu. Anh thấy mình có đủ lý do để sang bên kia sông một mình. Thay quần áo trận, lận lưng khẩu súng cá nhân, anh đi ra cổng sau nằm sát mé sông. Thấy anh người lính gác cổng cười.

– Thiếu úy qua bên kia sông hả Thiếu úy?

Gật đầu, mở dây buộc, anh cười nói với lính trong lúc bước xuống ghe tam bản:

– Tôi đi uống cà phê. Anh nói với ông Biền qua gặp tôi.

Đối với anh, cầm cây dầm vừa bơi vừa điều khiển cho chiếc ghe tam bản đi tới mà đi thẳng chứ không có đâm bên này lủi bên kia, còn khó hơn thi tú tài nữa. Phải mất gần tháng trời, mỗi ngày bơi vòng vòng trên rạch anh mới có thể tạm gọi là biết bơi xuồng. Sáng hôm nay, cầm chiếc dầm bơi nhè nhẹ anh cảm thấy một điều thật lạ mà từ nào tới giờ anh chưa biết. Buổi sáng mặt trời lên dọi chút ánh nắng xuống mặt nước xanh sạch trơn, bơi thuyền và ngắm cảnh đồng quê quả thật thú vị. Gió mát, thổi nhẹ đủ làm gợn mặt nước. Không khí trong lành và tinh khiết.

– Bây giờ mà nhảy xuống nước tắm chắc đã lắm...

Thiếu lẩm bẩm rồi cười hắc hắc. Anh nhớ lại thời tuổi nhỏ cởi truồng nhảy xuống tắm sông. Phải ở truồng vì sợ dơ quần áo về nhà bị má bắt nằm dài trên bộ ván quất vài roi đau quắn đít luôn. Tiếng động rì rầm thật cao. Ngước lên anh thấy bóng chiếc máy bay khuất sau cụm mây. Cặp chiếc tam bản vào cây cầu ván, buộc dây cẩn thận anh thong thả đi vào xóm nhà lá. Kể từ khi lính bên này sông qua bên kia mỗi ngày thì sáu tiếng “bên này sông, bên kia sông” hầu như không còn. Người dân của xóm nhà lá không còn nhìn lính bên kia sông với ánh mắt nghi kỵ và thiếu thân thiện nữa. Con nít, những kẻ không biết phân biệt đã chào đón lính vồn vã và thân mật như người trong nhà. Đối với ông sếp đồn thì chúng còn bày tỏ cử chỉ thương mến như bắt bồng bế hay làm nũng để xin bánh kẹo. Hai đứa con của Vấn đã chịu cho anh bế vào lòng trong lúc ngồi khề khà chén trà chung rượu với mấy ông già rỗi chuyện trong quán tạp hoá của Vấn. Nhờ Thiếu, quán tạp hóa lúc nào cũng có khách mà phân nửa là lính bên kia sông. Mấy người lính có gia đình như Tánh thì thích sang xóm nhà lá nhậu vì vợ hổng có réo hoặc tìm họ được. Ngay cả Thượng sĩ Biền, dù ít hơn những người khác cũng lần mò qua quán chị Vấn ăn lươn um, thịt chuột, rùa rang muối... Có lẽ ông ta nể lời mời của cấp chỉ huy. Dù sao ông ta cũng ít có ác cảm với dân bên kia sông hơn lúc trước.

Vừa mở cánh cửa đóng bằng ván sơ sài, Vấn trợn mắt vì thấy Thiếu đứng lù lù nơi hàng ba.

– Trời ơi... ông đi đâu mà sớm vậy? Đứng lù lù làm tôi sợ đứng tim tưởng ăn trộm chứ.

Cười hăng hắc Thiếu đùa:

– Chị này thiệt tình hết biết luôn. Hết nói tôi thiếu nợ bây giờ lại nói ăn trộm.

Vấn bật lên tiếng cười giòn tan:

– Ông qua đây có chuyện gì mà sớm vậy?

– Tôi ghiền cà phê và thuốc lá. Nghĩ tới chị nên tôi bơi xuồng qua đây.

Vấn chớp mắt. Có lẽ chị cảm động về lời nói của Thiếu:

– Ngồi xuống đi. Tôi pha cho ông ly cà phê đặc biệt.

Loay hoay một lát Vấn đặt trước mặt Thiếu một vật mà khi nhìn thấy anh phải la nhỏ:

– Ở đâu mà có cái này vậy?

– Nhờ người quen trên tỉnh mua. Có một thôi vì ở đây chỉ có mình ông mới biết uống cái thứ quỷ này.

Thiếu cười hắc hắc. Vấn cũng cười thốt:

– Tôi còn có cái này cho ông...

Ông lính sáng con mắt lên khi thấy Vấn đặt trước mặt mình gói thuốc lá hiệu Lucky.

– Cà phê phin và thuốc Lucky. Gu của ông mà.

Thiếu ngước đầu lên nhìn người đàn bà đang đứng trước mặt mình khi nghe tiếng “gu” rồi sau đó mới chậm chạp lên tiếng:

– Điệu này tôi thiếu nợ chị nhiều lắm.

– Tôi có đòi ông trả đâu mà ông sợ. Có nợ thì tốt chứ sao, chỉ sợ sống mà không nợ nần thì hơi...

Vấn ngừng nói như để tìm lời rồi không biết nghĩ sao lại im luôn. Không lên tiếng hỏi, Thiếu im lặng nhìn ra đường. Vài ông già vác cuốc trên vai đi ra rẫy. Dân xóm nhà lá chuyên làm rẫy trồng các thứ rau cải để đem bán bên chợ làng hay bán sỉ cho các bạn hàng xuống mua đem về trên quận hay tỉnh bán lại. Hai đứa con của Vấn, chị và em trai sau khi ăn uống xong bắt đầu tuá ra đường giỡn hớt với mấy đứa trẻ hàng xóm.

– Chị học tới lớp mấy chị Vấn?

Đang nấu cơm trong bếp, nghe Thiếu hỏi, Vấn ló đầu ra cười:

– Lớp đệ tam. Có chuyện gì hông?

– Dạ hông. Tôi chỉ hỏi cho biết.

Vấn cười hắc hắc trong bếp khi nghe ông lính dạ thưa với mình. Nhấc lấy phin cà phê bỏ vào dĩa, Thiếu múc muỗng đường cát trắng bỏ vào tách, quậy quậy mấy lần rồi mới hớp ngụm nhỏ.

– Uống được không?

Ở trong bếp Vấn hỏi vọng ra. Thiếu chắt lưỡi:

– Hết sẩy luôn. Vậy là sáng nào tôi cũng qua đây uống cà phê nghen.

– Ông hổng sợ sao?

– Sợ gì?

– Lính của ông nói.

– Tại sao tôi phải sợ. Tôi có làm cái gì sai quấy đâu mà sợ. Lo cho dân, bảo vệ dân là nhiệm vụ của một người lính. Tôi chịu trách nhiệm vùng đất này.

Ngẫm nghĩ giây lát Thiếu nói với giọng chậm và buồn:

– Chị tử tế, hiền lành thì tôi giúp đỡ chị.

– Thế à.

Thiếu ngó về phía bếp sau khi nghe Vấn nói hai tiếng “Thế à” gọn lõn.

– Với lại chị nói chuyện hạp với tôi.

– Tôi biết... Dân ở đây đâu có đủ chữ nghĩa nói chuyện với ông. Tôi theo ông còn muốn hụt hơi nữa kia.

– Đâu cần phải có chữ nghĩa nhiều mới nói chuyện được.

Vấn im lặng chắc vì bận làm cá ngoài sân. Hôm qua chèo xuồng qua chợ chị mua được hai con cá rô mề nên bữa nay làm một con, cắt làm đôi, khúc đầu nấu canh bí đao, khúc đuôi kho tiêu. Chị muốn làm cho Thiếu ngạc nhiên bằng cách mời anh ăn cơm chung với mình. Lâu lắm rồi, từ lúc Nghiêm bỏ vào bưng, chị chưa hề ăn bữa cơm có mặt một người đàn ông. Chị hoàn toàn không có tình ý gì với Thiếu mà chỉ muốn mời anh bữa cơm gia đình vì biết anh là người duy nhất không có gia đình với lại anh là người có cảm tình và giúp đỡ chị nhiều nhất so với người ở đây.

Bước ra khỏi bếp, thấy Thiếu đang ngồi trầm ngâm nhìn ra quãng đồng cỏ rộng xanh mướt, Vấn im lặng ra đứng nơi cửa cạnh bàn ông lính ngồi. Biết anh đang ngắm mình, chị có vẻ không được tự nhiên song vẫn không chịu bỏ vào trong. Thiếu im lặng quan sát hình tượng đứng trước mặt mình. Có thể nói đàn bà ở xóm nhà lá này hổng có ai đẹp hết trơn hết trọi kể cả Vấn. Tuy nhiên người đàn bà đẹp thuần túy không phải ở chỗ nhan sắc bởi vì anh đã gặp nhiều người đàn bà đẹp mà vô duyên từ cử chỉ, lời nói, dáng điệu và cung cách đối xử với người khác. Vấn không đẹp song lại có duyên, cái duyên ngầm mà phải quen biết thời gian anh mới khám phá ra. Nét đẹp của Vấn là nét đẹp ẩn ở trong một tâm hồn dung dị, sự thật thà chất phác và thứ tình cảm rất đậm đà không phân biệt bên này hay bên kia. Vấn như thứ bông đồng nội nở đầy nơi đồng cỏ ngoài kia. Nó đẹp nhưng ít ai biết vì hiếm người chịu khó đi ra ngoài đó để nhìn ngắm. Phải có dịp gì đó thì người ta mới khám phá ra vẻ đẹp của bông nhãn lồng, bông điên điển hay bông của cây keo, cây bần. Phải có cơ duyên. Mà khi nói tới cơ duyên thì không phải ai cũng có được.

– Mấy giờ rồi ông sếp của tôi?

Vấn bật lên tiếng cười sau khi hỏi:

– Dạ 10 giờ...

– Ông ở lại đây chơi hay về đồn?

– Tôi phải về có chút việc.

– Tôi nấu canh cá rô với bí đao và cá kho tộ mời ông ăn với ba mẹ con tôi. Ông ăn không?

Thấy Vấn nhìn mình như chờ đợi câu trả lời, Thiếu cười nhẹ:

– Ở đây ai mời ăn cái gì tôi cũng không từ chối. Chị mời mà tôi không nhận lời thì hoá ra tôi ngu nhất trên đời. Chị thấy tôi có ngu hông?

Bật lên tiếng cười thanh thoát, Vấn lắc đầu:

– Ông mà ngu thì tôi còn ngu tận mạng luôn. Trưa ông trở lại đây nghen. Tôi chờ...

Khẽ gật đầu, uống cạn tách cà phê, nhét gói thuốc Lucky vào túi áo trận, Thiếu móc tiền ra. Vấn khoát tay:

– Tôi mua tặng ông mà.

Thiếu lắc đầu:

– Tôi hổng thích thiếu nợ ai nhất là chị. Tôi nghèo mà chị còn nghèo hơn tôi... Tôi có một mình mà chị có hai con nhỏ thành ra...

Dứt câu, Thiếu đặt 4 tờ giấy 200 lên bàn, lấy cái tách dằn lên trên rồi bước nhanh ra đường. Đứng nhìn theo bóng người lính đi về phía bờ sông, Vấn lẩm bẩm:

– Người như ông ta rất tiếc lại quá hiếm trên đời này.

Trưa hôm nay Vấn cho hai con ăn cơm sớm hơn thường lệ vì không muốn tụi nó làm rộn trong lúc Thiếu và chị ăn cơm trưa. Vừa dỗ cho hai đứa thiu thiu ngủ chị nghe tiếng bước chân rồi Thiếu bước vào cửa.

– Ông đúng hẹn ghê! Chắc đói bụng dữ lắm hả?

Nghe bà chủ quán nói đùa, Thiếu cười nhẹ đùa lại:

– Tôi nhịn từ sáng tới giờ để ăn cho ngon.

– Tội nghiệp chưa! Mời ông ngồi.

Ngồi xuống ghế Thiếu cười hỏi:

– Bữa nay sao chị khách sáo vậy chị?

Đặt hai cái chén, hai đôi đũa xuống bàn, vói người qua cái kệ bưng nồi cơm, tô canh bí đao, tô cá rô kho tiêu và dĩa nước mắm sống xong Vấn ngồi đối diện với khách. Bới hai chén cơm đặt trước mặt Thiếu một và mình một, bà chủ quán nâng chén lên:

– Mời ông! Ông tự nhiên như người nhà đi.

– Mời chị! Ủa còn hai đứa nhỏ đâu?

Vấn cười nhìn về phía nhà trong được ngăn với bên ngoài bằng bức màn vải đã phai màu:

– Tôi cho chúng nó ăn rồi để khỏi làm rộn ông.

– Tôi đâu có ngại ăn chung với con nít đâu.

– Ông không ngại mà tôi lại không muốn bị phá rầy trong lúc ăn cơm với ông.

Hiểu ý chủ nhà Thiếu không nói nữa. Hai người thong thả vừa ăn vừa nói chuyện.

– Ngon quá! Tôi có thể ăn món cá kho của chị hoài.

Vấn cười sung sướng vì biết ông sếp đồn khen thật tình. Chị chưa kịp nói gì thì Thiếu đã lên tiếng trước:

– Hay là chị nấu cơm tháng cho tôi đi.

– Hổm rày ông ăn ở đâu?

– Ăn ở chợ... Đụng gì ăn nấy, đụng đâu ăn đó.

– Ông thật tình muốn tôi nấu cơm tháng cho ông hả?

Vấn hỏi lại bằng giọng nghiêm nghị trong lúc đưa tay như ra dấu cho Thiếu trao chén cho mình bới thêm cơm.

– Thiệt chứ. Có chị nấu thì tôi đỡ khỏi phải ăn bạy bạ. Ngày hai bữa thôi.

– Tôi sợ ông chê.

– Trời đất! Chị này nói kỳ cục à nghen. Lính cu ky như tôi mà có người nấu cho ăn là mừng húm rồi.

Đưa chén cơm trắng cho Thiếu, Vấn cười nhẹ:

– Có cái gì tôi nấu cái đó ông chịu hông?

– Chịu... Chị đừng lo. Đọt lang chấm với nước mắm kho quẹt tôi cũng hổng chê đâu. Chị ăn cái gì tôi ăn cái đó.

Thiếu nói bằng giọng năn nỉ khiến cho Vấn khó mà từ chối được:

– Ngày mai ông qua đây ăn thử vài ngày đi rồi tính sau. Ông thích thì ông ăn tiếp, tôi thích thì tôi nấu tiếp.

Dường như đã quyết ý nên Thiếu móc bóp lấy một xấp tiền ra đặt lên bàn ngay trước mặt của Vấn:

– Chị cầm đi để mua sắm cái gì chị cần. Nếu thiếu cho tôi biết tôi sẽ đưa thêm.

Đưa ngón tay trỏ lên chỉ vào mặt Vấn, Thiếu nói bằng giọng nghiêm như ra lệnh:

– Nếu thiếu thì phải báo cáo cho tôi biết nghen. Đó là lịnh.

Vấn cười hắc hắc giỡn bằng câu nói:

– Ông này dữ ghê! Dám xỉa xói vô mặt người ta.

Nói xong chị bỏ tiền vào túi áo rồi cười tiếp:

– Coi bộ điệu này thì tôi thiếu nợ ông chứ ông hết thiếu nợ tôi rồi.

Thiếu cười cười lập lại câu nói chỉ sửa hai tiếng thôi:

– Tôi có đòi chị trả đâu mà chị sợ. Có nợ thì tốt chứ sao, chỉ sợ sống mà không nợ nần thì hơi buồn... Phải không chị?

Vấn gật đầu cười nghĩ thầm. Có người nào sống mà không nợ. Ít nhiều gì cũng phải nợ ai đó. Chỉ có người chết mới dứt nợ. Bởi vậy đừng lo mình mắc nợ người khác cũng như khi mắc nợ người nào thì đừng lo trả nợ vì chưa trả hết nợ này mình đã mắc nợ khác. Đang suy nghĩ nhìn lại thấy chén của Thiếu không còn hột nào, chị đưa tay ra như có ý muốn bới thêm cơm cho anh. Thiếu lắc đầu cười:

– Tôi no rồi.

– Ông ăn mới có hai chén mà. Bộ ông sợ tôi nấu không đủ cho ông ăn à?

Thiếu lắc đầu cầm ly nước lạnh lên uống ngụm nhỏ cười thốt:

– Ít khi tôi ăn tới ba chén. Tại chị nấu vừa miệng nên tôi mới ăn nhiều.

Bật cười sung sướng vì được khen song Vấn lại nói giỡn một câu:

– Chứ hổng phải ông ăn ít để giữ eo à?

Thiếu cười lớn nhìn Vấn.

– Chị mới cần ăn hơn tôi. Lúc này tôi thấy chị ốm hơn trước. Chị bịnh à?

– Không! Tôi có bịnh gì đâu!

Thiếu gật gật đầu:

– Chị mà bịnh là hai đứa nhỏ khổ lắm. Ba chúng ở xa...

Vấn thở dài thầm lặng. Chị không mong, không đợi gì về người chồng ở trong bưng nuôi nấng hai đứa con. Anh ta đang chạy theo cái mà anh ta gọi là “cách mạng” nên đâu còn thì giờ để lo chuyện khác. Mới đầu nghe chồng nói về cách mạng chị cũng bị kích thích và hấp dẫn nên ủng hộ chồng đi theo cách mạng. Tuy nhiên ngày qua ngày, nước sơn cách mạng bị phai nhạt lộ ra bộ mặt thật khiến chị thất vọng và lạnh nhạt dần với chồng. Chị nghĩ có cách mạng hay không có cách mạng đời sống của chị cũng vậy thôi, thì cách mạng để làm gì. Điều mà chị nhận thấy là càng đi theo cách mạng lâu thì khoảng cách giữa mình với người chồng trong bưng càng xa ra, xa tới độ thành lạ và khó thông cảm nữa. Đối với Nghiêm, mọi người, trong đó có chị; mọi vật, mọi thứ đều trở thành phương tiện phục vụ cho cách mạng. Ngay giây phút này Vấn biết mình không yêu Thiếu, thứ tình cảm giữa hai người khác phái. Chị cảm thấy dễ chịu khi gặp Thiếu, lân la trò chuyện, thuận miệng nói ra những ý nghĩ của mình một cách tự nhiên và thành thật. Ở Thiếu, không có sự “nói một đàng làm một nẻo” mà đã nói thì phải làm đúng như lời mình nói.

– Tôi nói điều gì làm chị buồn?

Thấy Vấn lộ ra vẻ trầm tư sau khi nghe mình nói, Thiếu hỏi nhỏ. Vấn cười nhìn người lính đang ngồi trước mặt:

– Tôi đâu có gì buồn ông đâu. Ông nói sự thực thì làm sao tôi buồn ông được.

Sau câu nói Vấn bắt đầu dọn bàn.

– Ông ngồi chơi. Mình sẽ uống trà ăn bánh ngọt.

Thiếu mỉm cười. Dường như cũng sớm nhận ra mình vô tình ăn nói có hơi thân mật khi xưng “mình”, Vấn bưng nồi cơm ra sau bếp để cho Thiếu không thấy mình cười.

– Tôi có pha bình trà hoa lài.

Hai tách trà được Vấn rót ra.

– Bánh gì vậy?

– Bộ ông không nhận ra bánh trung thu à?

Vấn hỏi và Thiếu lắc đầu.

– Hổng biết bao lâu rồi tôi không được ăn bánh Trung thu, chắc lâu lắm... Ủa mà hôm nay Trung thu à?

– Chưa. Còn hơn tuần lễ nữa. Tôi cho ông thưởng Trung thu sớm hơn.

Để ý, Thiếu thấy Vấn cắt phần bánh trung thu một miếng lớn một miếng nhỏ, đồng thời miếng lớn lại có nhiều lòng đỏ trứng vịt hơn.

– Tôi muốn miếng nhỏ đó đó.

Thiếu chỉ vào miếng bánh trung thu nhỏ và ít trứng hơn. Biết ý của Thiếu muốn chọc mình, Vấn cũng cười lắc đầu nói giỡn:

– Không! Miếng đó ngon của tôi. Ông ăn miếng này dở hơn.

Đẩy cái dĩa đựng miếng bánh Trung thu lớn tới trước mặt Thiếu, chị nghiêm giọng:

– Ăn đi! đừng có cãi lời tôi. Ông mà cãi lời là chiều nay tôi cho ông ăn cơm trắng.

– Cơm trắng với nước mắm kho quẹt càng ngon.

– Kho quẹt cũng hổng có luôn. Khỏi có cà phê phin buổi sáng nữa.

– Điệu này chắc tôi phải đầu hàng chị rồi.

Vấn cười hăng hắc:

– Ông quánh hổng lại tôi đâu. Tôi du côn lắm.

– Mặt chị hiền khô mà nói du côn. Tôi hổng tin đâu.

Hai người uống nước trà, ăn bánh Trung thu và nói chuyện vu vơ. Chuyện của họ không đầu không đuôi, lan man đủ thứ. Tới lúc hai đứa nhỏ thức dậy, Thiếu mới đứng lên.

Chiều xuống thật chậm. Đứng sau nhà Vấn nhìn qua bên kia sông. Ngôi đồn hiện lên mập mờ. Nhờ Thiếu ra lịnh cho lính với sự giúp đỡ của dân, con lộ đất ngày xưa đầy cỏ mọc đã được phát quang thành ra sạch sẽ và trống trải hơn. Chiếc cầu ván cho ghe xuồng cặp vào cũng được xây mới, rộng, chắc chắn và lớn hơn gấp đôi. Lính, noi gương cấp chỉ huy đã qua lại thường xuyên, tử tế và cũng tỏ ra dễ chịu hơn. Điều đó khiến cho dân chúng ở xóm nhà lá tín nhiệm và thân thiện với lính hơn. Tình cảm giữa lính bên kia sông và dân bên này sông nảy nở một cách tuy chậm chạp song có dấu hiệu tốt đẹp. Điều đó tới tai những người lính ở trong bưng biền. Đêm qua, Nghiêm trở về thăm nhà. Trái với lệ thường, anh đã ở lại suốt đêm, tới tờ mờ sáng mới vội vàng đi. Trong câu chuyện của Nghiêm với các đồng chí, chị biết anh trở về với mục đích quan trọng là dò xét, nghe ngóng rồi điều nghiên một sách lược để đối phó với lính bên kia sông.

Chị nghe họ nhiều lần nhắc tới Thiếu bằng danh từ “thằng sếp đồn, trưởng bót, lính ngụy...”. Điều đó khiến chị lo âu cho Thiếu. Có chồng theo cách mạng song không hiểu vì sao chị lại lo lắng cho Thiếu. Dường như tận đáy lòng chị sợ điều mà anh muốn làm sẽ bị cản trở. Thiếu, đã không còn gọi xóm nhà lá hay xóm nhà bên kia mà anh gọi đùa một cách thân mật là “xóm của chị”. Điều đó làm cho Vấn cảm động. Chị ngồi nghe anh nói sẽ giúp cho dân trong xóm của chị mỗi người có đủ đất đai để trồng rau cải đem lên tỉnh bán. Cải thiện đời sống nghèo khổ của dân là mục đích chính của Thiếu. Khi đời sống của dân có chút khá giả, Thiếu sẽ tính tới chuyện lớn hơn là mở lớp dạy học cho con nít và anh đề nghị chị trở thành cô giáo làng.

– Tôi mà dạy gì. Tôi dạy tôi chưa được thì làm sao dạy người khác.

Dù nói như vậy song chị biết khó mà từ chối lời năn nỉ của Thiếu vì biết việc anh làm mang lại ích lợi cho con nít trong xóm. Vấn không hé môi tiết lộ những dự tính của Thiếu cho Nghiêm nghe. Chị biết chồng sẽ phản đối. Chồng theo cách mạng, chị không ủng hộ thì thôi chứ không được theo phe địch. Có một điều mà Vấn nhận thấy và rất phật lòng là cách mạng chỉ muốn người dân ở trong xóm của chị cứ phải sống mãi trong tình cảnh nghèo khổ và tăm tối. Cái ý muốn đó rất phản cách mạng song lại được Nghiêm và các đồng chí của anh hưởng ứng cũng như tìm đủ mọi cách để giữ nguyên hiện trạng bần cùng của xóm của chị. Bần cùng hóa nhân dân là một điều rất phản cách mạng song lại được cách mạng duy trì và áp dụng triệt để vì sợ nếu dân làng được sống sung túc, có chút hiểu biết sẽ xa rời khi hiểu rõ bộ mặt thật của cách mạng.

Sáng hôm qua, Thiếu có nói cho Vấn biết anh sẽ đi phép ba ngày về thăm nhà cũng như lên trên quận có chuyện cần. Sự vắng mặt của anh khiến cho chị cảm thấy lẻ loi và cảm thấy hụt hẫng một cái gì, thiếu mất một cái gì thân quen. Chị và hai đứa nhỏ đã quen những bữa cơm trưa, chiều với Thiếu. Chị đã quen nghe giọng cười thân thuộc của anh. Hậu, đứa con trai út đã quen ôm cổ Thiếu đi vòng vòng trong xóm. Nhờ Thiếu mà con Hạnh có quần áo mới khoe với bạn bè. Nhờ sự giúp đỡ của anh và những người lính bên kia sông mà quán mới đông khách và chị có chút tiền dư để phòng khi ốm đau. Hôm qua ông Biết, người nghèo nhất xóm khoe với chị là sau vụ mùa gia đình ông ta có được chút đỉnh tiền để mua chiếc tam bản chở rau cải đi qua chợ làng mỗi sáng sớm. Từ xưa tới giờ ông ta cứ phải mượn hoặc mướn ghe của các nhà khác. Làm chủ một chiếc ghe là mơ ước nhỏ nhoi của cả gia đình năm người. Ông ta còn khoe với chị là ông sếp đồn hứa sẽ cho lính khai hoang, phát dọn sạch sẽ, cày bừa dải đất cạnh bờ sông cho dân làng trồng rau cải hoặc bất cứ thứ gì họ muốn. Vấn biết, một khi đã hứa với dân xóm của chị thời Thiếu sẽ thực hiện lời hứa của mình. Trong bóng tối của ngày sắp hết, chị mơ hồ thấy Thiếu bơi xuồng ba lá chở mình dạo chơi trên dòng sông nước trong xanh vào buổi bình minh nắng sớm.

Nghe tiếng trẻ con la hét ngoài đường, không biết chuyện gì Vấn vội ló đầu ra nhìn. Trong vòng vây của đám con nít là hình tượng rất quen thuộc mà chị mong đợi mấy ngày qua. Chiếc nón lưỡi trai lệch trên đầu, khuôn mặt rám nắng, tóc ngắn ba phân, ông sếp đồn bị bao quanh bởi đám con nít, đang vừa xoa đầu đứa này, cúi xuống bế đứa kia xong lại bồng đứa nọ. Đám con nít tản ra dần dần sau khi được phát cho bánh kẹo. Đứng giữa con lộ đất, nắng trưa chiếu trên đầu, Thiếu cười khi thấy Vấn giơ tay vẫy vẫy như chào đón.

– Sao vắng vậy chị?

Bước vào thấy không có ai trong quán Thiếu hỏi. Chùi hai tay của mình vào chiếc khăn vắt trên vai, Vấn cười nhẹ:

– Họ vừa đi đó. Ông mà muốn quán có khách hoài hoài là ông phải ở đây chạy bàn cho tôi. Mấy ngày ông đi, tôi vừa nấu ăn, rửa chén, chạy bàn, bưng cơm, rót nước, mệt ná thở luôn. Tối chui vào mùng ngủ chẳng biết trời trăng gì.

Vấn nói một câu dài như than thở mà cũng để phát tiết ra ngoài sự vui mừng của mình.

– Vậy à. Chắc chị phải mướn người phụ chị rồi.

– Mướn ai bây giờ?

– Thì mướn đại một chị, một bà nào trong xóm của chị để họ phụ chị rửa chén, quét nhà, dọn bàn... Giúp cho người nào đó có công ăn việc làm cũng tốt. Bộ chị tính mướn tôi à?

Hỏi câu đó Thiếu cười hắc hắc. Vấn cũng cười giỡn:

– Tôi mà mướn được ông sếp đồn làm bồi thì vạn hạnh cho tôi lắm.

Thấy Thiếu tay xách chiếc ba lô nằng nặng, Vấn hỏi:

– Ông mua gì vậy?

– Tôi có quà cho chị và hai đứa nhỏ ở trong ba lô. Bây giờ tôi phải về đồn vì còn nhiều chuyện phải làm. Chiều tôi qua ăn cơm rồi mình nói chuyện sau.

Đợi cho Thiếu khuất dạng, Vấn mới mở ba lô ra. Chị ứa nước mắt cảm động và sung sướng vì món quà của ông lính. Mấy xấp vải đủ màu để may quần áo cho chị và hai đứa nhỏ. Hàng chục cuốn tạp chí và tiểu thuyết cũ có mới có. Mươi cục xà bông tắm và giặt quần áo cùng những thứ lặt vặt như viết chì, viết mực, tập vở học trò. Tuy nhiên vật mà chị thích nhất chính là chiếc máy thu thanh nhỏ mà chị mơ ước song chưa kiếm đủ tiền để mua. Có chiếc máy thu thanh này quán của chị sẽ thu hút rất nhiều người tới nghe tin tức vào mỗi buổi sáng, trưa và chiều.

Bây giờ nàng mới hiểu ra ý định thầm kín của Thiếu. Ông sếp đồn rất khéo léo và tế nhị trong cuộc giành dân lấn đất với phía người trong bưng bằng cách lôi kéo dân làng xóm của chị về phe ông ta. Lấy lòng dân bên này xuyên qua các hành động thực tế như giúp dân phá đồng hoang làm rẫy, đào mương dẫn nước vào, xây cầu, sửa chữa nhà cửa, chơi đùa với con nít, đối xử thân thiện và ngang hàng với mọi người; ông ta đã làm cho dân bên này nhìn ông ta và lính bên kia sông với con mắt khác. Người lớn bây giờ không còn có ánh mắt nghi kỵ, cử chỉ dò xét, lời nói dè chừng như ngày xưa. Họ có thể ngồi trong quán, nói chuyện với Thiếu hoặc khề khà chén rượu chén trà với lính. Tất cả coi nhau như anh em, cô chú một nhà. Người đầu tiên mà anh lôi kéo chính là chị. Nói đúng ra thì chị không bị Thiếu lôi kéo mà dần dà ngã theo anh lúc nào không hay, cũng như dân làng ở xóm của chị này vậy. Họ ngã theo Thiếu một cách từ từ, lặng lẽ và chậm chạp tới độ chẳng có ai để ý trừ những người ở trong bưng mà đại diện là Nghiêm, chồng chị. Lần về thăm cuối cùng cách đây không lâu, anh lên tiếng phàn nàn về chuyện phải về trong lúc ban đêm, phải ngó trước ngó sau vì sợ bị lính bên kia phục kích. Điều đó cho chị hiểu là anh không còn được tự do đi lại như trước nữa mà phải lén lút, tức mất đi cái quyền kiểm soát dân rồi. Chị im lặng lắng nghe không muốn nói và tránh can dự vào trò chơi của những người cầm súng, giữa Thiếu với Nghiêm, hai người đàn ông mà chị không biết binh ai bỏ ai vì cả hai ít nhiều vì cũng có liên hệ tình cảm với chị. Nghiêm còn nói bóng nói gió, tuôn ra những lời hăm dọa mơ hồ đối với dân làng như “mai mốt mặt trận về rồi biết... Tôi biết ai theo tụi bên kia... Thằng sếp đồn đã bị khép tội tử hình rồi”... Chị không coi những lời hăm dọa của chồng là lời nói suông. Ông sếp đồn trước bị giết chết vì đã làm những điều mà Thiếu đã, đang và sẽ làm. Nhân danh cách mạng, nhân danh nhân dân, phe ở trong bưng sẽ tiêu diệt hết những ai chống lại họ. Nghĩ tới đó chị lo âu thầm cho Thiếu, định bụng sẽ nói cho anh biết và khuyên anh hãy cẩn thận.

Bước vào quán lúc xế chiều, Thiếu nhận ra ngay điều khác lạ. Dân làng, thay vì còn làm lụng ở ngoài rẫy thì lại ngồi đầy trong quán. Cái quán nhỏ chỉ để được ba cái bàn thì bây giờ phải kê sát với nhau để lấy chỗ cho một bàn khác. Khách đa số là mấy ông già. Họ ngồi khề khà tách trà, chung rượu đế, lắng nghe tin tức được phát ra từ chiếc máy thu thanh mà anh mua tặng cho Vấn.

– Thiếu úy mạnh hả Thiếu úy? Ông làm với tôi một chung nghen?

Bác Tư Thiệt là người đầu tiên bắt chuyện với Thiếu. Trong xóm này ai cũng biết ông ta qua nhiều lý do. Thứ nhất ông ta có liên hệ mật thiết với phe trong bưng đồng thời cũng có con đi theo phe quốc gia. Hai thằng rể của ông ta ở trong bưng thì ba thằng con trai lại đi lính, một ở trên tỉnh, một đi lính Sư đoàn 25 còn một đi Nhảy Dù. Dân ở đây có rất nhiều người nằm trong hoàn cảnh của ông ta. Dù bận pha trà, Vấn cũng thầm để ý xem xét hành động của ông sếp đồn. Lấy cái nón lưỡi trai xuống, nở nụ cười thân thiện, anh lên tiếng nói giỡn:

– Bộ mấy ông hôm nay làm reo với mấy bả hay sao mà giờ này lại ngồi đây?

Vừa nói anh vừa bước tới bàn của bác Tư Thiệt. Đưa tay ra bắt tay bác với chú Năm Chẳm, không đợi mời lần thứ nhì anh ngồi xuống chiếc ghế đặt cạnh chú Năm. Tư Thiệt rót rượu còn Năm Chẳm vỗ vai anh cười hà hà:

– Bộ Thiếu úy về thăm vợ hay sao mà lâu quá vậy. Tui nói với anh tư chắc Thiếu úy bị bả níu chân hổng cho đi rồi làm tụi này trông đứng trông ngồi chờ ông về lai rai lẫu lươn... để lâu rau ngổ già hổng có ngon.

– Dô đi Thiếu úy... ông làm một chung cho ấm bụng.

Đẩy chung rượu đế tới trước mặt Thiếu, Tư Thiệt mới cười khà khà lên tiếng:

– Tại cái ra dô của ông đó! Hồi trưa tụi tui vào nghỉ mệt và uống nước trà thì con Vấn nó mở cho nghe tin tức. Nghe hay mà lạ quá... thế là tụi tui nghỉ làm luôn để nghe ra dô. Mình làm cả đời rồi thì bây giờ có nghỉ một bữa cũng hổng sao.

Gục gặc đầu Thiếu ực cái trót cạn chung rượu đế xong há miệng ra khà tiếng lớn. Thấy Vấn đang nhìn mình cười, anh cũng cười nói lớn:

– Rượu này ngọt mà nóng à nghen. Bộ chị đổi thứ khác hay sao mà tôi nghe cháy ruột cháy gan.

Vỗ vai Thiếu, chú Năm Chẳm cười khà:

– Tui bảo con Vấn nó lấy rượu của ông Năm Bình Bình ở trên chợ quận. Vừa ngon mà rẻ hơn ba cái thứ công xi.

Chép chép miệng, Thiếu móc túi lấy gói thuốc Lucky ra đưa mời Tư Thiệt, Năm Chẳm và mọi người trong quán.

– Thuốc lá Mỹ đó mấy ông hút cho biết!

Chừng mươi người trong quán, mỗi người lấy một điếu xong đốt hút thử đều khen ngon. Trò chuyện giây lát mọi người đều đi hết. Lúc đó Vấn mới bước ra dọn bàn. Nhìn Thiếu, chị cười vui:

– Cám ơn ông về cái ra dô.

Khẽ gật đầu, Thiếu hít hơi thuốc nhìn ra con lộ đất lơ thơ mấy đứa con nít đang chơi nhảy cò cò:

– Chị có thể nghe nhạc được. Tôi nhờ đứa em gái mua cho chị mấy cuồn băng nhạc. À quên... sáng mai tôi sẽ đưa thêm cho chị mấy cục pin.

Vấn cười im lặng. Không mở miệng nói lời cám ơn, chị biết người làm ơn cho mình không cần. Với lại chị có cách khác để tạ tình lại Thiếu. Đó là nấu cho anh những bữa ăn ngon, trò chuyện với anh để góp ý kiến hay nói giỡn chuyện này chuyện nọ cho qua thời giờ. Thiếu lên tiếng nói trống không:

– Tôi biết chị thích nghe nhạc.

– Sao ông biết?

Vấn ngắt lời. Thiếu quay nhìn chị giây lát rồi quay nhìn ra lộ chỗ mấy đứa con nít đang nhảy cò cò:

– Tôi nghĩ như thế với lại ở đây không thích nghe nhạc cũng thành ra thích... buồn mà nghe nhạc buồn mới thấm thía nỗi cô quạnh của mình.

– Tôi buồn ít mà cảm thấy lẻ đơn nhiều hơn.

Vấn góp chuyện trong lúc ngồi xuống chiếc ghế đặt cạnh quầy tính tiền nhìn ra đường.

– Anh ấy có về nhà thường không chị?

Vấn quay nhìn Thiếu khi nghe câu hỏi đó. Không biết nghĩ gì mà anh lại cười thốt như có ý giải thích hoặc phân bua về câu hỏi có hơi đường đột của mình:

– Tôi hơi lo cho anh ấy... Lỡ mà có gì thì chị và hai đứa nhỏ sẽ bị thiệt thòi nhiều.

Gật đầu tỏ vẻ hiểu được lời nói của Thiếu, Vấn cười nhẹ:

– Dạ ảnh cũng ít về thăm hai đứa nhỏ. Ảnh nói bây giờ đi lại khó khăn.

Rút điếu thuốc ra dọng dọng lên mặt bàn đoạn quẹt diêm đốt, hít hơi dài, nhả khói ra xong Thiếu mới thong thả và chậm chạp thốt:

– Tôi nói ra điều này hy vọng chị hiểu. Mặc dù anh Nghiêm ở phía bên kia, nhưng xuyên qua tình quen biết giữa tôi và chị, tôi không coi ảnh như một kẻ đối địch cần phải loại bỏ. Bản thân tôi cũng có anh chị em bà con và bạn bè ở phía bên kia. Chẳng qua vì hoàn cảnh...

Nhìn Thiếu với ánh mắt hiểu biết và thông cảm, Vấn nhẹ nhàng thốt:

– Tôi hiểu. Tôi biết Thiếu là người tốt.

Lần đầu tiên Vấn gọi tên mà không gọi ông khi trò chuyện với Thiếu. Trầm ngâm suy nghĩ giây lát sau cùng chị lên tiếng:

– Thiếu cũng nên cẩn thận khi đi lại. Không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra. Tôi không muốn mất một người bạn tốt như Thiếu.

– Cám ơn chị. Tôi sẽ lưu tâm về lời khuyên của chị. Bây giờ chị cho tôi ăn cơm chưa? Tôi đói rồi nè.

Cười hắc hắc Vấn đứng lên đi vào trong bếp rồi lát sau trở ra với tay cầm tay bưng thức ăn. Thấy có một cái chén Thiếu hỏi:

– Chị không ăn à?

– Ông ăn đi! Tôi thì ăn lúc nào cũng được.

Trong lúc Thiếu ăn cơm, Vấn thành thực kể lại lời hăm doạ của Nghiêm dành cho anh. Thiếu im lặng lắng nghe song cũng không nói gì cho tới khi bỏ đũa xuống bàn anh mới hỏi một câu và câu hỏi của anh làm cho Vấn phải suy nghĩ:

– Chị có muốn dời nhà qua bên kia sông ở không? Tôi có thể sai lính cất cho chị căn nhà ở gần đồn hay ở trong làng.

Vấn thở dài nhè nhẹ. Thiếu im lặng uống trà và hút thuốc. Khi hỏi anh cũng không kỳ vọng Vấn phải trả lời ngay tức khắc câu hỏi của mình. Thật ra câu hỏi của anh như là một gợi ý hơn là buộc Vấn phải trả lời.

– Tôi cũng có nghĩ tới điều đó. Tuy nhiên...

Giơ tay chào một người đang đi ngoài lộ, chị thấp giọng:

– Sao ông lại hỏi tôi câu đó. Bộ...

Dù chị không nói hết câu song Thiếu gật đầu như hiểu ý.

– Chị cứ thủng thẳng suy nghĩ về câu hỏi của tôi đi. Tuy tình hình xóm của chị đã được cải thiện nhưng nó vẫn là cái xóm nằm giữa hai lằn đạn. Ở bên kia sông dù sao cũng an toàn hơn.

Nói xong Thiếu đứng dậy. Ra tới cửa anh ngoái đầu lại cười:

– Sáng mai tôi qua sớm uống cà phê. Hổm rày về Sài Gòn tôi thèm cà phê của chị quá!

Vấn cười hăng hắc vì cảm động và sung sướng.

– Mấy giờ ông qua?

– Chừng 8 giờ.

Vấn ngồi im nhìn theo bóng của người lính ngã dài trên con lộ đất chạy về bờ sông. Giày bốt đờ sô lấm bùn. Khẩu Colt–45 xệ bên hông. Bộ trây di cũ và nhăn. Chiếc nón lưỡi trai đội chênh chếch, hình ảnh đó hầu như nàng thấy mỗi ngày nhưng hôm nay lại có cái gì khang khác. Người ta khác lạ hay chính chị đổi khác...

Đang ngủ, Vấn giật mình khi nghe tiếng súng nổ mới đầu còn ít sau vọng rền khắp nơi. Đạn rít trong không khí. Có tiếng nổ ầm rất gần khiến chị sợ hãi. Ôm hai con chui xuống gầm giường chị lắng nghe giây lát mới biết có đánh nhau lớn. Đoán mấy ông trong bưng về đánh đồn, chị lẩm bẩm:

– Lạy trời đừng có ai chết...

Chị không muốn ai chết bởi vì phe bên này và phe bên kia đều là người quen biết của chị. Bên này chị có Nghiêm, bên kia chị có Thiếu. Hai người đó chị không binh ai bỏ ai, không muốn ai chết ai sống. Chị không muốn người này cầm súng bắn người kia và ngược lại. Tại sao họ không thể nói chuyện được với nhau, không coi nhau như anh em, bạn bè. Bây giờ chị mới thấy đúng khi Thiếu nói “chị là người bị kẹt giữa hai lằn đạn...” cũng như dân xóm của chị đang đứng trong cái thế chông chênh không biết sẽ bị ngã nhào lúc nào. Chị cũng như họ, cũng như cái xóm nhà biến thành sự tranh giành của phe này phe kia, bên này bên kia, thế lực này thế lực nọ. Chị sẽ là nạn nhân của hai thế lực đối nghịch với nhau. Muốn sống còn chị phải có thái độ, dứt khoát chọn lựa cho mình một thế đứng trong tình thế đầy xáo trộn.

Tiếng súng chợt nổ dồn dập. Dù không phải là lính song tai đã nghe quen tiếng súng, chị có thể nhận ra nhiều loại tiếng nổ khác nhau như súng liên thanh, súng trường, phóng lựu và một chê. Điều đó cho chị biết phe của Nghiêm có đông người và họ đang cố gắng đánh chiếm ngôi đồn đóng ven bờ sông. Thiếu và lính đang chống trả. Có tiếng hú rền trong không khí rồi sau đó tiếng nổ ầm điếc tai. Hai đứa nhỏ ré lên khóc vì sợ. Vấn ôm con vào trong lòng. Chị không biết làm cách nào khác hơn là lấy thân hình của mình che chở cho con. Chị hầu như bất lực trước hoàn cảnh và chỉ mong có phép nhiệm mầu xảy ra. Lát sau tiếng súng thưa dần dần rồi thỉnh thoảng mới có tiếng súng nổ. Độ chừng trận đánh đồn dứt, chị bồng hai con lên giường rồi nằm nghĩ ngợi lan man sau đó mệt mỏi thiếp dần vào giấc ngủ.

– Chị Vấn ơi... sáng rồi... dậy đi...

Tiếng gọi đánh thức Vấn. Vẫn còn nửa ngủ nửa thức, chị lật đật bước ra mở cửa thấy Thiếu đứng nhìn mình cười.

– Bộ hồi hôm ông hổng ngủ hay sao mà giờ này đã réo người ta rồi!

Tuy bị chủ quán xì nẹt mà Thiếu lại cười hì hì, nheo mắt nhìn người đang đứng trước mặt mình. Cái nhìn của anh chứa nhiều tinh nghịch và soi mói làm cho Vấn phải cúi đầu xuống mới biết mình vì vội vàng nút áo bung ra hở cả ngực. Đỏ mặt, hứ tiếng nhỏ chị quay người te te đi vào trong bếp. Cười cười nhìn theo bóng người đàn bà, anh bước chậm vào trong căn nhà sáng mờ mờ nhờ ánh nắng xuyên qua các khe hở của vách ván. Hơn tháng trước, anh gợi ý muốn sửa lại quán cho bớt xập xệ và rộng rãi, bằng cách bỏ tiền túi ra mua ván rồi nhờ lính đóng vách mới cũng như ngăn lại buồng ngủ của chị cho kín đáo và sạch sẽ hơn là che bằng tấm màn vải đã cũ. Thoạt đầu Vấn không chịu, cằn nhằn mãi song anh lì ra cứ sai lính làm. Tới khi chuyện sửa lại nhà hoàn tất thì chị mới biết ơn ông sếp đồn đã lo lắng cho mình. Sẵn mớ ván cũ cộng thêm ván vụn, Thiếu bảo lính cất thêm cho chị cái buồng tắm kín đáo chứ hổng phải cái buồng tắm dựng bằng lá dừa nước hở trước trống sau mà chị chỉ dám tắm lúc ban đêm thôi.

Vừa ngồi xuống ghế, Thiếu cười khi thấy Vấn trở ra với áo quần tươm tất và mái tóc huyền gọn gàng phảng phất mùi xà bông tắm.

– Hồi hôm...

Thiếu cười gật đầu như đã hiểu Vấn nói cái gì. Rút điếu thuốc, quẹt diêm đốt, hít hơi dài anh cất giọng khàn và nhựa vì thức đêm:

– Mấy ông trong bưng về đụng phải tôi nằm kích... Bắn nhau một hồi thì mấy ổng rút.

– Có ai chết hông?

Vấn hỏi trổng. Hít hơi thuốc nữa Thiếu gật đầu:

– Có một người chết. Chị có hình của anh Nghiêm không?

Vấn hơi xanh mặt khi nghe Thiếu hỏi. Bước vào trong buồng hồi lâu chị trở ra đưa tấm hình trắng đen vàng ố cho Thiếu coi. Ngắm nghía giây lát anh lắc đầu:

– Không phải anh Nghiêm của chị...

Vấn thầm thở hơi dài nhẹ nhõm. Nghe nước sôi chị bỏ vào trong lo pha cà phê cho Thiếu. Chị vừa đặt ly cà phê xuống bàn, Thiếu cười nói trong lúc tay vẫn còn cầm tấm hình của Nghiêm:

– Ảnh trông cũng đẹp trai hả.

Vấn cười im lặng. Đợi cho anh uống vài hớp cà phê, chị mới rụt rè hỏi:

– Ông đã biết mặt chồng tôi rồi, nếu hai người đụng mặt ông có bắn ổng không?

Nghe câu hỏi đó Thiếu cau mày. Thật lâu anh mới chậm chạp trả lời:

– Không, trừ trường hợp bắt buộc.

– Tại sao?

– Tôi không muốn thấy hai đứa con của chị bị mồ côi và chị trở thành góa bụa, dù...

Nói tới đó Thiếu ngưng lại như để cho Vấn muốn nghĩ sao thì nghĩ. Uống ngụm cà phê, hít hơi thuốc dài anh nói tiếp, Vấn nghe giọng nói của người lính chiến có chút gì buồn bã:

– Tôi là người lính cầm súng bảo vệ cho những điều gì mà tôi tin tưởng. Tôi không thù ghét ai kể cả anh Nghiêm, chồng của chị mặc dù ảnh và những người thuộc phe ảnh thù hằn và muốn giết tôi. Tôi nghĩ sự bắn giết nhau sẽ không giải quyết được bất hòa và xung đột của con người. Chị đạo gì?

– Phật...

Vấn trả lời gọn. Thiếu cười tiếp:

– Lấy oán báo oán thì oán ấy chập chùng, còn lấy đức báo oán thì oán ấy tiêu tan.

Vấn gục gặc đầu như hiểu và đồng ý về lời nói đó. Giọng nói của Thiếu vang rời rạc, chậm và buồn:

– Tôi nghĩ tôi có bắn chết chồng của chị thì cũng chẳng giải quyết được cuộc chiến này. Cũng như anh Nghiêm có bắn tôi chết thì cũng có người khác thay thế tôi làm những việc mà tôi đã, đang và sẽ làm cho cái xóm của chị... Phe người trong bưng của chị nói tập thể làm chủ cá nhân, cứu cánh biện minh cho phương tiện... Tôi không nghĩ như vậy.

Vấn ngắt lời Thiếu:

– Ông nói có chỗ sai...

Hít hơi thuốc Thiếu cười nhìn người đối thoại:

– Tôi nói sai chỗ nào?

– Năm tiếng “người trong bưng của chị” không đúng. Tôi không theo họ và cũng không bao giờ trở thành người trong bưng.

Lần đầu tiên Vấn xác định cái thế đứng của mình trước mặt ông sếp đồn. Thiếu cười im lặng.

– Tôi có chồng là người trong bưng song không có nghĩa là tôi đồng ý với những gì họ làm. Tôi ở trong vùng bị họ kiểm soát nhưng điều đó không thể nói là tôi theo họ. Cũng như dân chúng ở miền Bắc đang sống dưới chế độ cộng sản song không có nghĩa là họ đồng ý với những gì cộng sản làm, cũng không có nghĩa họ là cộng sản.

– Chị nói đúng. Tôi xin lỗi chị.

Vấn cười nhìn Thiếu như thông cảm. Bây giờ chị hiểu thêm được một điều nữa về Thiếu. Anh có cái chị thích là nếu có lỗi anh sẵn sàng nhận lỗi của mình. Uống thêm hớp cà phê và hít hơi thuốc, Thiếu cười hỏi:

– Bữa nay chị cho tôi ăn cơm với gì vậy?

Cười hăng hắc, Vấn đưa nắm tay nhỏ nhắn của mình lên:

– Tôi cho ông ăn cái này nè vì tội ông dám nói tôi là người trong bưng.

Ngừng lại nhìn Thiếu, chị tiếp trong lúc đưa nắm tay của mình tới ngay mặt anh.

– Người trong bưng chỉ có cái này nè chứ hổng có cơm đâu!

Cười hì hì Thiếu đưa tay giả vờ nắm tay và Vấn rụt tay lại vừa kịp lúc không cho ông lính nắm lấy bàn tay của mình.

– Hụt rồi... lêu lêu mắc cỡ...

Lần đầu tiên hai người mới đùa giỡn một cách thân mật vượt quá mức bình thường đã được định sẵn. Dường như sau khi xác định vị thế của mình, Vấn vô tình hoặc cố ý nghiêng về phía của Thiếu và được anh hân hoan nhìn nhận như là một người cùng chiến tuyến. Từ đó giữa họ nảy sinh ra chút tình cảm thắm thiết và thân mật hơn. Đang đứng gần, liếc ra lộ thấy có mấy người lính đi tới, Vấn lùi lại rồi cười nói:

– Chắc ông đói bụng rồi, để tôi đi làm cho ông dĩa cơm tấm.

Lát sau, vừa uống cạn ly cà phê, Thiếu thấy Vấn bước ra trên tay cầm dĩa cơm tấm có miếng thịt sườn bề ngang lớn bằng hai bàn tay. Ngoài ra còn có một miếng trứng vịt chiên nữa. Chắc có lẽ đói meo vì thức đêm Thiếu không khách sáo ăn sạch dĩa luôn. Cầm cái dĩa lên Vấn cười nói giỡn:

– Ông mà ăn như vầy thì tôi cám ơn ông lắm. Khỏi cần rửa...

Cười hà hà Thiếu đốt thuốc rồi đứng dậy nhường chỗ cho mấy người lính dưới quyền chỉ huy của mình bước vào quán uống cà phê và ăn sáng.

... Đang ngồi trước cửa nhìn hai đứa con chơi đùa với nhau, Vấn thấy một người mặc bà ba đen, mang dép râu và đội trên đầu cái nón vải đen xùm xụp. Tướng đi thì quen quá song vì không thấy mặt mũi nên chị không đoán ra ai. Tới lúc thật gần chị mới nhận ra đó là Thiếu. Mỉm cười chị lẩm bẩm: “Ông này thiệt dị hợm. Giả ai hổng giả mà lại đi giả mấy ông ở trong bưng làm mình tưởng...”.

Tới đứng trước mặt Vấn, lấy cái nón xuống Thiếu cười nói:

– Nóng quá!

Vấn đứng dậy:

– Ông ngồi đi tôi làm cho ông ly nước chanh.

Khi chị đem ra ly nước chanh mà lại có đá khiến cho Thiếu ngạc nhiên phải kêu lên:

– Ở đâu mà chị kiếm ra được cái thứ xa xỉ phẩm quí như vàng này vậy?

– Mua ở bên làng. Hồi trước tới giờ tôi không có mua vì ít người uống quá. Bây giờ quán đông, mấy ông lính họ đòi uống nước đá chanh, trà đá chanh đường, cà phê đá, cà phê sữa đá nên tôi phải mua mỗi ngày một cây nước đá. Cứ sang sáng tôi phải đi chở nước đá về. Nặng muốn cụp xương sống luôn.

Vấn vừa nói vừa diễn tả điệu bộ khiến cho Thiếu phải bật cười. Vì quán mỗi ngày một đông khách hơn nên chị phải mướn thêm chị Ba cũng ở trong xóm giúp đỡ mọi việc lặt vặt như rửa chén, dọn bàn, quét nhà, làm cá để chị có thời giờ chăm chút vào các món ăn cho ngon hơn và vừa miệng khách hơn. Ngoài ra chị còn nấu thử các món mới nữa. Mà quán của chị đông khách cũng phải. Với ý định chiếm cảm tình dân xóm của chị, Thiếu ra lệnh mỗi ngày một tiểu đội phải có mặt thường trực ở bên kia sông. Ngày nào anh cũng qua đây ít nhất hai lần để ăn cơm và kiểm soát xem lính có thi hành đúng đắn lệnh của mình. Một tiểu đội lính sáng nào cũng kéo tới quán uống cà phê ăn sáng cộng với dân làng làm cho cái quán nhỏ của Vấn thành ra chật chội. Chỉ có trưa và chiều thì họ thay phiên nhau về nhà ăn cơm. Ban đêm có một tiểu đội nằm phục kích không cho du kích về hăm doạ và thu thuế dân làng. Làm ăn khấm khá mà không phải đóng thuế cho mặt trận, dĩ nhiên người dân có dư tiền ăn xài rộng rãi hơn. Con nít không còn ở truồng mà áo quần lành lặn. Nhà nào cũng được sửa sang lại với mái tôn, vách ván rất khang trang và thoáng mát chứ không còn nhà lá tối tăm và ẩm thấp như lúc trước. Ban đêm đèn măng xông sáng trưng thay cho đèn dầu lù mù. Nhà nào cũng có máy thu thanh để nghe cải lương, hát bội và vọng cổ. Mấy ông già sau giờ làm lụng mệt nhọc thì cũng vào quán uống trà bàn chuyện ruộng nương hay theo dõi tin tức chiến sự. Dần dần họ tạo nên một sinh hoạt cộng đồng chứ không phải sống lẻ loi và sợ hãi như xưa.

Từ trong bếp bước ra Vấn thấy Thiếu đang ngồi im lìm suy nghĩ. Càng gần ông sếp đồn chừng nào chị càng thêm thương mến và kính phục hơn. Ở Thiếu, chị thấy được sự già dặn và khôn ngoan của suy nghĩ, chính chắn trong hành động, cẩn trọng trong lời nói đối với mọi người. Anh không coi ai là kẻ thù ngay cả với những người thù ghét anh. Bởi vậy mới đầu còn lấy làm lạ về sự thành công của Thiếu qua hành động lấy lòng dân, rồi sau đó hiểu ra chị mới đâm ra nể và phục. Điều mà chị lo sợ là người ở trong bưng sẽ không để yên cho Thiếu chiếm đất giành dân của họ. Sớm muộn gì Nghiêm, chồng của nàng, đại diện cho mặt trận cũng trở về để giành giựt lại những gì họ đã bị kẻ địch lấy mất trong số đó có chị nữa.

Mặt trời xuống từ từ ngọn cây trâm bầu. Vấn tự tay dọn bữa cơm chiều cho ông lính một cách tươm tất với ba món canh, xào và món mặn. Biết Thiếu rất thích ăn cơm với canh, nhất là canh chua nên chị nấu đủ thứ canh chua. Chị săn sóc Thiếu một cách tận tình và chu đáo vì biết nhờ sự giúp đỡ của anh mà chị mới có đời sống khá giả hơn. Hơn nữa anh còn đem lại cho hai đứa con của chị chút tình cảm mà chúng rất cần lúc còn nhỏ lại phải sống xa cha. Tuy nhiên có một điều chị muốn giữ kín trong lòng của mình là thứ tình cảm mới mẻ đang nhen nhúm với Thiếu.

Khi chiếc xuồng ba lá còn ở giữa sông, Vấn đã thấy Thiếu đứng chờ nơi cây cầu ván. Hơi ngạc nhiên nên xuồng vừa đụng vào cầu chị lên tiếng hỏi liền:

– Ông đi đâu mà sớm vậy?

– Khiêng nước đá chứ đi đâu. Để chị khiêng có ngày chị cụp xương sống thì khổ chị, khổ hai đứa nhỏ và khổ luôn cả tôi.

– Ông làm gì mà khổ?

Vấn cười hỏi trong lúc chờ Thiếu buộc dây vào cây cột.

– Ai nấu cho tôi ăn. Ai lo cho hai đứa nhỏ... chẳng lẽ tôi bỏ tụi nó đói.

Miệng cười nói, Thiếu đưa tay đỡ hai cái rổ đựng đầy các món lặt vặt. Đợi cho Vấn leo lên cầu xong anh mới nói:

– Chị cần một chiếc xuồng lớn hơn. Chiếc ba lá này nhỏ quá. Lạng quạng có ngày nó chìm thì...

Như hiểu ý của Thiếu, Vấn cười hắc hắc:

– ... Thì tôi réo ông...

Bước xuống xuồng nhấc lấy cây nước đá được ướp đầy trấu để giữ lạnh đặt lên cầu, Thiếu nhẹ lắc đầu:

– Tôi đâu có ở bên chị hoài.

Đứng dưới xuồng, Thiếu ngước lên nhìn thấy Vấn cũng đang cúi xuống nhìn mình. Ánh mắt của chị thật buồn. Hai người, một đứng trên cầu, một đứng dưới xuồng nhìn nhau để nhận ra giữa họ vẫn có một khoảng cách, dù nhỏ nhưng vẫn có sự ngăn cách. Cuối cùng Vấn nhẹ lên tiếng hỏi:

– Bộ ông bị đổi đi chỗ khác à?

Thiếu lắc đầu cười. Giọng anh buồn xa vắng:

– Bây giờ thì chưa nhưng mai mốt thì có thể... Lính mà.

Thiếu leo lên cầu. Vác cây nước đá lên vai anh theo sau Vấn.

– Ông hổng sợ người ta cười ông à?

– Cười cái gì?

– Cười ông là trung úy sếp đồn mà lại đi vác nước đá cho tôi.

Thiếu cười hắc hắc làm như không muốn nhắc tới chuyện đó bằng cách hỏi sang chuyện khác:

– Làm sao chị biết tôi lên Trung úy?

– Ông Tánh nói. Ổng bảo tôi chuẩn bị làm vài món đặc biệt để rửa lon cho ông.

– Thôi khỏi cần. Tôi tự rửa lon tôi rồi.

– Hồi nào?

Vấn quay lại hỏi vì ngạc nhiên.

– Tôi vác nước đá cho chị trên vai, nước đá chảy xuống ướt lon của tôi rồi.

Bật lên tiếng cười vui khi nghe câu nói giỡn của Thiếu, Vấn cũng giỡn lại:

– Chưa đủ, còn vai bên kia Vậy sáng mai ông vác thêm một cây nước đá nữa.

– Chị khỏi lo! Tôi sẽ vác mỗi ngày.

Vấn lập lại câu hỏi của mình:

– Tôi hỏi thiệt ông nghen, ông hổng sợ người ta cười ông hả?

– Tôi là lính mà nhiệm vụ của lính là giúp đỡ dân, huống chi chị là đàn bà mà lại là người đàn bà đặc biệt...

Đi sau Thiếu không thấy da mặt của Vấn ửng hồng khi nghe anh nói chị là người đàn bà đặc biệt.

– Tôi mà đặc biệt...

– Ít nhất trong mắt tôi.

– Vậy ông mắt lé rồi.

Nói xong Vấn bật cười. Thiếu cười hắc hắc dừng trước hàng ba chờ cho Vấn mở cửa.

– Tôi mắt lé mà tôi hổng có đui. Bởi vậy tôi mới thấy chị là người đàn bà đặc biệt.

– C... á... m... ơ... n...

Vấn kéo dài hai tiếng cám ơn như cố tình đùa giỡn để làm cho câu nói của Thiếu giảm đi sự nghiêm trọng. Đặt cây nước đá vào cái thùng dài chứa đầy trấu xong anh lấy trấu phủ lên trên mặt. Rửa tay qua loa anh trở ra nhà trước vừa đúng lúc Vấn pha xong ly cà phê. Nắng bên ngoài vừa lên dọi những tia sáng vào trong ngôi nhà còn tối.

Càng gần tới Tết, sinh hoạt bình thường của dân trong xóm hầu như chậm lại để tới ngày 23 tháng chạp thì ngừng hẳn. Họ cúng đưa ông táo về trời cũng đồng nghĩa với sự ngưng làm việc đồng áng ruộng rẫy để sửa soạn ăn mừng Tết Mậu Thân. Ngay cả lính bên kia sông cũng náo nức chờ ăn tết. Năm nào hai phe cũng đồng tuyên bố nghỉ đánh nhau ba ngày tết để cho dân và lính tráng được mừng xuân trong hòa bình dù chỉ là thứ hòa bình giả tạo. Năm nào phe ở trong bưng cũng ồn ào và huênh hoang tuyên bố vì yêu chuộng hòa bình nên đề nghị hưu chiến trong ba ngày tết. Dân chúng hân hoan nô nức chuẩn bị đón xuân rồi cũng chính phe đề nghị ngưng bắn lại vi phạm, lại nổ súng tấn công trước. Riết rồi chẳng có ai tin vào lời hứa hẹn của họ.

Năm nay, đề nghị hưu chiến, lời hứa ngưng bắn trong ba ngày tết được tuyên bố một cách long trọng song Thiếu không tin tưởng lắm. Chuẩn bị cho lính và dân ăn tết mà anh cũng đề phòng phe trong bưng thất hứa bằng cách mà anh nói với Tánh là “tay mặt ăn Tết còn tay trái ghìm súng!”. Đại đội có ba trung đội. Mỗi trung đội sẽ được nghỉ một ngày để ăn tết. Đêm Giao thừa Tánh sẽ dẫn trung đội 1 qua bên kia sông nằm án ngữ để cho dân đón Giao thừa. Đêm mồng một tới phiên anh và Đơn, trung đội trưởng trung đội 2. Còn đêm mồng 2, Chẳn, trung đội trưởng trung đội 3 sẽ chỉ huy trung đội của mình qua sông phục kích. Kế hoạch hành quân đã được vẽ ra chỉ chờ tới tết sẽ đem ra thi hành.

29 tết. Chiếc xuồng năm lá khẳm lừ chậm chạp cập vào cây cầu ván. Vấn leo lên cầu trước trong lúc chị Ba, người giúp việc lui cui chất những cái rổ, thúng lên cầu. Càng gần Tết thì Vấn lại bận bịu hơn vì dân làng mua sắm nhiều hơn. Đúng ra thì họ có thể bơi xuồng hoặc chèo ghe qua bên kia sông tới chợ làng mua cũng được song vì một vài lý do riêng họ lại thích mua ở quán tạp hóa của Vấn.

– Để đó tôi phụ cho chị.

Nghe tiếng nói, Vấn ngước lên nhìn thấy Thiếu từ trong con đường mòn dọc theo mé sông bước ra.

– Ông làm tôi hết hồn. Ông ở đâu mà chui ra vậy?

Thiếu cười, bước tới đón cái thúng đầy nhóc kẹo bánh từ tay của Vấn. Liếc nhanh thấy chị Ba còn đang đứng ở cây cầu ván, anh nói nhỏ với Vấn:

– Tôi đi chấm địa điểm để cho lính nằm án ngữ đêm 30. Chị có cúng ông bà chiều 30 hông?

– Có chứ. Năm nào tôi cũng cúng hết. Dù nghèo mình cũng phải rước ông bà về ăn tết chứ!

Nghe Vấn nói, Thiếu gật đầu cười:

– Bởi vậy mà tôi phải lo giữ an ninh cho bà con ăn tết.

Quay lại nhìn Thiếu với cái nhìn biết ơn Vấn cười:

– Năm nay tôi cúng ông bà sớm. Tôi mời ông ăn tất niên với tôi. Ông nhận lời nghen.

– Mấy giờ?

– 6 giờ chiều.

– Giờ đó thì được.

Vấn gật đầu nói chậm và nhỏ:

– Tôi hiểu. Cầu trời năm nay mình được ăn Tết vui vẻ và bình yên. Ông thích ăn bánh tét hông?

– Thích. Chị gói bánh tét hả?

– Dạ. Tôi nhờ ông phụ canh dùm nồi bánh tét.

Hiểu ý Vấn, Thiếu cười vui:

– Tôi hân hạnh lắm, mà chừng nào?

– Tối ba mươi. Ông rảnh hông?

– Rảnh. Một mình tôi canh nồi bánh hả?

Vấn quay lại. Thấy chị Ba lẽo đẽo quảy gánh theo sau lưng quãng xa xa, chị cười với Thiếu đang đi bên cạnh:

– Tôi có quen ai đâu.

Thiếu cười chúm chím. Anh cảm thấy có chút gì khác lạ đang xảy ra trong lòng mình. Như đó là niềm vui khi nhớ lại thời thanh niên, lúc còn học trung học được cô bạn gái mời tới nhà cùng cô ta ngồi canh nồi bánh tét đêm ba mươi tết. Bảy tám năm sau anh lại may mắn được một người đàn bà tuy không hẳn là bạn nhưng lắm lúc còn hơn bạn. Giữa anh và Vấn, chưa bao giờ vượt qua giới hạn tình cảm đã được phân định, nhưng lại có sự thông cảm, hiểu biết cần thiết để nương tựa vào nhau trong giai đoạn khó khăn. Có thể nói anh với Vấn cần nhau hơn ngoài cái vốn tình cảm đã có với nhau.

– Ông Thiếu. Bộ ông quên nhà rồi à?

Vấn cười nói khi thấy Thiếu mãi suy nghĩ chuyện gì đó nên đi thẳng luôn thay vì dừng lại khi tới cửa.

– Tôi mãi nghĩ chuyện đâu đâu.

Thiếu cười nói. Cười chúm chím Vấn xô cửa bước vào nhà. Bên ngoài nắng đã lên. Lác đác vài người đi trên đường.

Đêm thăm thẳm. Tiếng côn trùng kêu hòa nhập vào tiếng gió lùa hàng cây đo đũa trên bờ mẫu sau nhà rồi tan loãng trong tiếng nhạc phát ra từ chiếc máy thu thanh. Lửa cháy bập bùng. Chảo nước sôi sùng sục. Thiếu ngửi được mùi bánh tét ngan ngát thơm. Bên cạnh anh, Vấn ngồi im lặng nhìn lửa cháy.

– Chị buồn ngủ chưa?

– Chưa... còn ông?

– Tôi quen thức đêm rồi... với lại đêm nay Giao thừa.

Thiếu quay sang nhìn Vấn và bắt gặp chị cũng đang nhìn mình. Ánh mắt chị lóng lánh. Nụ cười e ấp ấm như lửa đang cháy. Hai người nhìn nhau cười rồi mỗi người quay mặt đi chỗ khác.

– Hai đứa nhỏ về ngoại ăn Tết chừng nào mới trở lại?

Thiếu phá tan sự im lặng bằng câu hỏi. Vấn trả lời gọn:

– Mùng 5. Ba má tôi sẽ đem xuống đây.

– Chị...

Nói tiếng “chị” xong Thiếu ngưng bặt rồi liếc nhanh sang bên cạnh. Lần thứ nhì anh bắt gặp Vấn cũng liếc mình. Hai người cười với nhau. Họ có nhiều điều muốn nói song ngần ngừ chưa biết ai sẽ nói trước hay bắt đầu câu chuyện như thế nào.

– Ông cười gì vậy?

Thiếu thầm thở hơi dài trước khi lên tiếng:

– Tôi nhớ tới mấy câu hát.

– Đâu ông hát cho tôi nghe đi.

– Tôi mà hát gì, rống thì có.

Vấn bật lên tiếng cười ngắn. Quay qua nhìn Thiếu, chị nói trong tiếng cười:

– Tôi nghe ông Tánh khen ông ca “dọng vô mặt và bẻ cổ” mùi tận mạng luôn mà.

Tới phiên Thiếu cười hắc hắc. Vấn nài nỉ:

– Thôi ông hát đi mà, hát cho mình tôi nghe.

Tằng hắng tiếng nhỏ, Thiếu cúi đầu nhìn vào lò lửa đang cháy sáng. Vấn nghe giọng của người lính đang ngồi bên cạnh ấm và rung lên như dây đàn đang chở chất chút tình cảm:

“... Tay em lạnh để cho tình mình ấm,
Môi em mềm cho giấc ngủ em thơm,
Sao Giao thừa xanh trong đôi mắt ngoan,
Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết
...”

Đêm tĩnh lặng. Người hát im lặng sau khi hát và người nghe cũng im lặng thật lâu mới lên tiếng:

– Bản nhạc tên gì vậy?

– Anh đến thăm em đêm ba mươi.

– Tôi thích. Ông hát nữa đi.

Khẽ gật đầu Thiếu hát chậm, đúng hơn đọc chứ không phải hát và đã đổi một vài chữ trong câu hát:

“... Tháng ngày sẽ trôi qua,
Tình sẽ phôi pha,
Người khuất xa,
Chỉ còn chút hương xưa,
Rồi cũng phong ba,
Rụng cùng mùa
...”

– Mai mốt ông kiếm cho tôi bản nhạc này nghen.

– Chi vậy?

– Nghe. Tôi muốn nghe.

– Hết Tết rồi chị nghe làm gì!

– Trời đang Tết và lòng tôi lúc nào cũng đang Tết.

Thiếu cười im lặng. Đưa đồng hồ lên anh thấy chỉ 11 giờ rưỡi.

– Mấy giờ rồi?

Vấn hỏi trổng. Thiếu cũng trả lời giống như vậy:

– 11 giờ rưỡi.

– Chị tính đón Giao thừa hả?

– Dạ...

Nghe tiếng “dạ” của Vấn, Thiếu cười. Dường như cũng cảm nhận ra Thiếu cười, chị cũng cười tiếng mềm và dịu.

– Ở “xóm của chị” hơn năm năm mà năm nay tôi mới được ăn cái tết có ý nghĩa.

– Mấy năm rồi súng nổ liên miên trong ba ngày tết. Bởi vậy tôi mới cám ơn ông bằng cách nhờ ông cùng tôi canh nồi bánh tét.

Thiếu gật đầu cười:

– Cám ơn chị. Đây là cái tết đặc biệt nhất trong đời lính của tôi. Tôi sẽ không bao giờ quên.

Vấn sửa lại dáng ngồi của mình cho ngay ngắn. Đẩy khúc củi vào sâu trong lò lửa, chị quay qua nhìn Thiếu. Anh thấy mắt chị thăm thẳm như sao sáng trong đêm ba mươi.

– Tôi sẽ không để cho ông quên đâu.

Cúi đầu nhìn vào hàng cây so đũa mờ mờ đen trong đêm, Vấn nói nhỏ mà như hỏi:

– Người ta có cần phải yêu nhau mới nhớ nhau không ông?

– Tôi nghĩ không cần. Yêu khác mà nhớ khác.

– Khác nhau chỗ nào?

– Yêu thì có thể quên, còn nhớ thì không bao giờ quên.

– Vậy thì ông chọn cái nào?

– Tôi chọn cả hai.

– Ông tham lam quá!

Thiếu cười hắc hắc. Giọng của anh cất lên buồn:

– Tôi chọn cái nhớ. Không phải là tôi không muốn cái yêu. Sở dĩ tôi chọn cái nhớ vì cái nhớ sẽ ở trong lòng mình lâu hơn.

– Ông đặc biệt hơn tôi nghĩ.

– Thế à...

– Ông lãng mạn như tôi nghĩ về ông.

Thiếu im lìm. Lát sau Vấn nói tiếp:

– Nếu xa nhau tôi sẽ nhớ ông hoài.

– Còn gần nhau?

Quay nhìn người bên cạnh trong lúc đặt câu hỏi, Thiếu thấy một nửa khuôn mặt cúi xuống được che bởi mái tóc dài. Thường Vấn hay bới tóc lên cao cho gọn gàng để dễ làm việc. Riêng Giao thừa đêm nay, không những để tóc xõa dài mà chị lại ăn mặc tươm tất hơn. Dường như anh ngửi được hương tóc mềm tỏa ra thầm lặng trong đêm. Giọng nói của Vấn cất lên mơ hồ xa xăm:

– Tôi chưa biết... Có lẽ tôi cũng nhớ ông như lúc xa ông.

– Như vậy xa hay gần chị cũng nhớ.

– Chắc là vậy.

Tiếng súng chợt nổi lên bên kia sông báo hiệu năm mới bắt đầu. Vấn hỏi nhỏ:

– Giao thừa phải không?

Thiếu cười:

– Dạ! Năm mới tôi chúc chị được những gì chị ước muốn.

Vấn hơi cựa mình khi Thiếu nắm tay mình. Họ ngồi như thế cho tới khi mặt trời lên.

Đêm mồng 1 Tết. Đang nằm nép mình sau bờ mẫu cao, Thiếu nghe súng nổ khắp nơi. Tiếng mọt chê hú lồng lộng. Đạn địch réo thành âm thanh ròn rã hơn pháo tết. Ánh lửa kèm theo tiếng nổ cho anh biết trung đội do mình chỉ huy đã bị pháo và tấn công cùng một lúc. Địch quân không biết đông hay ít, định tràn ngập đơn vị của anh đang nằm phục kích để lấy đường tiến vào xóm của chị. Mọt chê vãi khắp nơi. Vài ngôi nhà chắc bị ăn pháo bốc cháy sáng rực trong đêm tối. Qua tần số liên lạc anh biết ngôi đồn của mình bên kia sông cũng đang hứng pháo. Đổi tần số liên lạc với chi khu, anh được vị sĩ quan trực cho biết quận đường cũng bị địch tấn công dữ dội. Ngay cả Tiểu khu cũng bị một lực lượng đông đảo cỡ cấp Trung đoàn của địch tấn công. Biết tình hình trở nên bất lợi, anh ra lịnh cho lính cố giữ vững vị trí chờ tới sáng. Gần sáng tiếng súng im dần rồi sau đó dứt hẳn trước khi mặt trời le lói nơi hướng đông. Kiểm điểm lại quân số, băng bó cho lính bị thương xong Thiếu dẫn lính đi vào xóm của chị. Nhà cửa đổ nát, xiêu vẹo. Xác người chết nằm rải rác. Tiếng con nít khóc. Tiếng người bị thương rên rỉ. Thiếu dừng lại nơi chiếc quán của Vấn bị đổ nát tan hoang vì sự trở về của Nghiêm, chồng của chị và những người lính bên kia. Anh ứa nước mắt khi thấy Vấn nằm im trên mặt đất. Ngồi bệt xuống cạnh thi thể của chị, anh cầm lấy bàn tay như còn chút hơi ấm. Nhìn chị nằm anh nhớ câu hát:

Tôi có người yêu vừa chết đêm qua,
Chết thật tình cờ,
chết chẳng hẹn hò,
Không hận thù nằm chết như mơ...


Chu Sa Lan


 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

Trang Bài Viết

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet eMail by CATHY chuyển

 

Đăng ngày Thứ Ba, August 30, 2022
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang