Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tản
mạn Ve
Chủ đề:
Hè
Tác giả:
Trần Lý Lê
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Ở
quê nhà ve sầu xuất hiện vào mùa Hè, những tiếng kêu râm ran vang
lừng từ các bụi cỏ ven đường. Thi nhân, nhạc sĩ viết về mùa Hè
thường nhắc đến hoa phượng và ve sầu của một thời cắp sách. Ngày
nay thì đất trời xem ra đã khác, từ Âu sang Á. Thời tiết, hoa cỏ
cũng như côn trùng hầu như đang sinh diệt theo một chu kỳ mới. Ở
đây, miền đông nam Huê Kỳ, mùa Xuân đang rộ nhưng sức nóng đã
hừng hực bên cạnh; Xuân mới mở cửa mà Hạ đã rầm rập chạy ào đến,
rồi ve sầu, ôi thôi những tiếng đập cánh râm ran ngày đêm ầm ĩ!
Hễ mở cửa sổ là Dế Mèn nghe ve sầu (ca hát hay rủ rê bạn tình?)
đồng tấu. Không biết năm nay có chi đặc biệt mà nghe ve sầu ca
hát sớm thế?
Tự hỏi xong thì phe ta đi tìm sách vở, tài liệu. Thì ra các nhà
khoa học đã ráo riết theo dấu những đàn ve sầu khắp nơi. Họ nói
rằng tháng Năm tới đây, tỷ tỷ ve sầu từ chủng “Brood” X sẽ cắn vỏ
bọc nằm trong đất để chui ra ngoài khắp miền đông Hoa Kỳ sau 17
năm ẩn trú dưới đất. Sự bùng vỡ ấy sẽ là phần ồn ào nhất của một
chu kỳ sống trong đời ve sầu, từ lúc ve mẹ đẻ trứng trên cành
cây. Trứng nở, rơi xuống đất, vùi kín trong đất ẩm và các “con
sâu” kia hút chất dinh dưỡng từ rễ cây và lá úa để sinh tồn suốt
cả chục năm! Khi thời tiết ấm áp dần, “sâu” trỗi dậy từ đất cát
và mọc cánh hóa thành ve sầu. Ve sầu hay cicada là loài côn trùng
ồn ào, đôi mắt màu đỏ rực; và khi chúng xuất hiện thì ta sẽ
“nghe” trước khi “thấy” chúng chen lẫn trong cây cỏ. Cư dân sẽ
“chịu” tiếng ve (mà không thấy lời ong?) suốt sáu bảy tuần lễ réo
rắt ngày đêm, cho đến khi ve đẻ trứng và chấm dứt một đời sống
ngắn ngủi.
Ở
những nơi khác, Dế Mèn nghe kể rằng đầu mùa Hạ, người ta đi bắt
ve bằng vợt rồi ngắt cánh đem bán làm thức ăn, món ve xào, ve
rang, nên ve sầu khó lòng tăng trưởng thành từng thế hệ hàng tỷ
côn trùng?
Theo bộ Canh Nông Hoa Kỳ, ve sầu thuộc chủng X sẽ xuất hiện trên
14 tiểu bang, và tâm điểm của sự “bùng nổ” kia là District of
Columbia (Washington, D.C.), Maryland và Virginia.
Chủng X là một trong 15 chủng loại của
giống ve sầu từng mùa (periodical cicadas) đồng xuất hiện cùng
thời điểm tại Huê Kỳ. Mười hai chủng ve sầu sinh diệt theo chu kỳ
sống mỗi 17 năm, trong khi 3 chủng loại còn lại có chu kỳ sống là
13 năm. Các nhà côn trùng học đang theo dấu chủng ve sầu X bằng
cách đánh dấu trên bản đồ những nơi ve xuất hiện. Họ vô cùng cẩn
thận để khỏi nhầm lẫn giữa chủng X với những chủng loại khác vì
có đàn ve sầu nở đúng ngày tháng trong khi anh em họ hàng ve sầu
đồng chủng lại ra đời chậm trễ hơn cả năm trời.
Theo dự báo của các nhà côn trùng học
tại đại học Connecticut thì, chủng X năm 2021 sẽ ít hơn về “dân
số”, lại sống rải rác khắp nơi nên có thể bị nhầm lẫn với các
chủng ve sầu khác. Dế Mèn chưa hiểu sự khác biệt giữa các chủng
ve sầu sẽ ảnh hưởng ra sao trong việc... đếm ve và đo tầm ảnh
hưởng của chúng trên môi sinh, mùa màng?
Chủng X xem ra được nhắc nhở khá nhiều
trên sách vở từ âm nhạc đến thi phú. Nhạc sĩ Bob Dylan đã viết cả
một bài hát khi ông ấy nghe tiếng ve râm ran khắp nơi vào năm
1970 (ba chu kỳ ve sống về trước). Lúc ấy, ông Dylan sửa soạn
nhận văn bằng danh dự từ đại học Princeton, nên tức cảnh sinh
tình mà sáng tác bài hát “Day of the Locusts” với những dòng như
sau:
As I
stepped to the stage to pick up my degree
And the locusts sang off in the distance
Yeah, the locusts sang such a sweet melody
Oh, the locusts sang off in the distance
Yeah, the locusts sang and they were singing for me...
Năm 1936, thi nhân Ogden Nash viết bài
“Locust–lover, attention”, cũng từ cảm hứng trong tiếng ve râm
ran của chủng ve sầu X:
... Overhead, underfoot, they abound
And they have been seventeen years in the ground.
For seventeen years they were immune to politics and class war
and capital taunts and labor taunts,
And
now they have come out like billions of insect debutantes...
Tất nhiên cả hai thi nhân, nhạc sĩ kể
trên không phải là chuyên viên về côn trùng nên mới có sự lầm lẫn
hơi tai hại chút xíu: ve sầu từng mùa không phải là châu chấu
(locust). Hai loại côn trùng này khác nhau khá xa về chủng loại,
dòng giống. Châu chấu thuộc họ Orthoptera, bà con với cào cào
(grasshopper) và dế (cricket) trong khi ve sầu thuộc họ
Hemipterans bao gồm cả aphid và planthopper.
Châu chấu khi xuất hiện thường tàn phá
mùa màng, ăn sạch lúa non. Chúng bay từng đàn cả chục ngàn con,
trông giông giống như một vầng mây ồn ào vì tiếng đập cánh. Nhà
vườn gọi đàn châu chấu ấy là “dịch hạch” (plague). Ve sầu dù
không ăn lúa nhưng vẫn bị gọi lầm là “plague” như châu chấu. Và
khi bị gọi là “dịch hạch” thì nhà vườn, cư dân thường tìm cách
diệt trừ để bảo vệ mùa màng.
Theo tác giả Amy McKeever viết trên tạp
chí National Geographic, ve sầu, dù 13 hay 17 năm, cũng vẫn là
loài côn trùng có chu kỳ sống lâu dài nhất dù thời gian góp mặt
với trần thế (sống trên mặt đất) chỉ bao gồm vài tuần ngắn ngủi.
Phần lớn thời gian chu kỳ sống là thời ủ trong kén, thời “sâu”,
nằm kín dưới đất lá. Trong giai đoạn “sâu”, ve sầu thoát xác (đổi
xương thịt, exoskeleton) hay “molting” khoảng 5 lần. Mỗi năm sâu
ve sầu “đếm” thời gian qua việc “đo” lượng nước luân lưu trong rễ
cây mỗi mùa Xuân. Sau 13–17 lần đo lượng nước / độ ẩm của rễ cây
(dinh dưỡng nuôi sâu ve sầu), ve sầu “chờ” đợi cho đến khi đất ấm
đến 64 độ Fahrenheit thì chui lên mặt đất.
Khi lên mặt đất, sâu ve sầu leo lên
cây, bám vào cành lá rồi mọc cánh, bắt đầu giai đoạn trưởng
thành. Thoạt tiên thân xác ve sầu mềm oặt, cặp mắt trắng lờ đờ,
đôi cánh nằm sát trên thân mình nên chưa đủ sức bay. Sau đó, ve
sầu cứng cáp dần, thân mình đổi màu đen sậm và đôi cánh mạnh khỏe
đủ để bay lượn trong không gian.
Ve sầu nở hàng loạt, sinh sản đông đảo,
cỡ 1.5 triệu con trên mỗi mẫu đất, con số đông đảo ấy giúp ve sầu
sinh tồn, chống lại loài thú săn đuổi chúng. Chim chóc, cóc nhái
cũng như chồn hôi... khó lòng ăn uống tiêu diệt cả triệu con ve
cùng lúc như thế nên loài ve sống sót.
Thú vật dùng ve sầu làm thực phẩm đã
đành, con người cũng ăn ve sầu qua các món chiên xào. Người đã
thử ve sầu thì biểu rằng ve sầu có vị từa tựa như tôm, măng tây
(asparagus) và cả vị bơ đậu phụng! (Không biết làm sao mà hương
vị ve sầu lại khác nhau một trời một vực như thế? Tại gia vị hoặc
cách nấu nướng chăng?).
Sách vở ghi chép về tục ăn uống của
người Cherokee tại North Carolina, họ đào đất lấy sâu ve sầu, đem
chiên với mỡ heo hoặc ngâm muối làm thức ăn mùa Ðông. Bộ tộc
Onondaga cũng ăn ve sầu để sống theo cổ tục khi mùa màng và tài
sản của tổ tiên bị người da trắng cướp bóc đốt phá. Tuy nhiên,
các nhà côn trùng học lại khuyến cáo rằng, xác ve sầu có thể chứa
một lượng thủy ngân đáng kể và có thể gây dị ứng, nhất là những
người dị ứng với tôm cua (shellfish, hải sản có vỏ).
Khoảng 3,000 chủng loại ve sầu đã được
nhận dạng. Mỗi chủng lại gồm nhiều loại. Nhiều chủng ve sầu khác
xuất hiện mỗi 2–5 năm. Riêng Periodical cicadas, “ve sầu từng
mùa”, thuộc chi (genus) Magicicada là mấy chủng duy nhất có chu
kỳ sống 13–17 năm.
Khi xuất hiện thì ồn ào vô cùng, các
đàn ve sầu chiếm một khoảng không gian dày đặc như khói đen và
tiếng đập cánh ầm vang ngang ngửa với động cơ của một chiếc máy
cầy, cỡ 100 decibels! Tiếng đập cánh của ve sầu là tiếng kêu gọi
bạn khác phái làm tình và ồn ào như thế, hình như chỉ có ở loài
ve?
Bắt chước
ve sầu đập cánh (tạo âm thanh lớn mà chỉ tốn ít năng lượng), các
chuyên viên từ Undersea Warfare Center của Hải Quân Hoa Kỳ cũng
đã từng chế tạo và thử các dụng cụ phát âm dưới nước để “nói
chuyện” với các con tàu (ngầm) khác.
Cánh ve sầu không chỉ làm công việc
“gọi bồ” mà còn có các công dụng khác. Ðôi cánh ấy có gai và chứa
hóa chất có tính sát trùng, đủ để bảo vệ ve sầu khỏi nhiễm trùng.
Ngoài ra, hóa chất trên đôi cánh còn giúp ve chống nước bám, giữ
khô thân mình. Loại hóa chất ấy, nếu con người có thể bắt chước
để chế tạo để dùng làm áo mưa, các loại sản phẩm ít thấm nước?
Ve sầu, như muôn loài sinh vật khác,
đều có các sinh vật cộng sinh “symbiotic”, cùng “nương tựa” nhau
mà sống. Ve “nuôi” nấm Ophiocordyceps genus và nấm “nuôi” ve. Ve
có “bạn” và cũng có “thù”. Kẻ thù là những sinh vật khác dùng ve
làm thức ăn.
Ngày nay, khi khí hậu thay đổi nhanh chóng mang theo các hệ quả
khác thường như cháy rừng, lũ lụt... gây tai họa cho con người và
các sinh vật khác. Loài ve cũng không ngoại lệ, chu kỳ sống cũng
bị đảo lộn. Các chuyên viên nhận ra chủng ve sầu X đã xuất hiện
sớm hơn tới 4 năm! Và họ phỏng đoán rằng khi khí hậu mỗi ngày một
nóng thì chu kỳ “sâu” của ve sầu cũng ngắn theo, thay vì 13–17
năm, ta sẽ thấy chủng X xuất hiện mỗi 9–14 năm?
Chao ôi, những đàn ong cho mật đang từ
từ mất dấu, giống bướm monarch cũng một đi không trở lại, cây cối
ngỡ ngàng ra hoa, nở trái không đúng mùa vì con người tận dụng và
tận diệt môi sinh, thay đổi sinh thái của muôn loài chung quanh.
Bây giờ đến loài ve sầu chăng? Mùa Hè với tiếng ve sầu râm ran sẽ
chỉ còn là kỷ niệm?
Trần Lý Lê
(baotreonline.com)
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by Nhất Hùng chuyển
Đăng ngày Thứ Năm,
June 10, 2021
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang