Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tham
Luận
Chủ đề:
chiến dịch cải cách ruộng đất
của đcsvn
Tác giả:
Nguyễn Minh Cần
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Lời
giới thiệu: Bài này do ông Nguyễn Minh Cần, một đảng
viên đảng csvn viết.
Ông Nguyễn Minh Cần, người Huế, tập
kết ra miền Bắc năm 1954. Ông Nguyễn Minh Cần lúc qua Liên Xô xin
tị nạn chính trị, là Phó Bí Thư Thành Ủy Hà Nội của đảng csvn.
Germany, ngày 29/6/2024.
– Điều Hợp Viên DĐ Ngôn Ngữ
Việt,
– Chủ Nhiệm TCDV.
LÝ TRUNG TÍN
o0o
Nguyễn Minh Cần:
Xin
đừng quên! Nửa thế kỷ trước
Có thể bạn đọc sẽ trách tôi:
trong dịp đầu năm mà nhắc đến chuyện quá buồn. Xin các bạn lượng
thứ cho! Nhưng chuyện này không thể không nói đến! Nó cũng khủng
khiếp không kém gì chuyện Tết Mậu Thân (1968). Vậy mà chuyện Tết
Mậu Thân chúng ta vẫn phải đành lòng nhắc đến trong dịp Tết cơ
mà!
Cần phải
nhắc đến các tấn bi kịch, các thảm hoạ dân tộc đã qua và hiện
đang còn đang tiếp diễn dưới nền chuyên chính của Đảng cộng sản
Việt Nam (ĐCSVN), để mọi người yêu nước thương dân thắp một nén
hương cho vong linh biết bao người vô tội đã ngã xuống, để tưởng
nhớ đến bao nhiêu người oan ức đã chịu những cực hình man rợ phải
ngậm hờn mãi mãi, để nhớ lại biết bao bạo hành của một đảng độc
tài đã gây ra trong quá khứ và trong hiện tại, để mọi người hun
đúc ý chí đấu tranh cho công cuộc dân chủ hoá đất nước. Âu cũng
là việc cần lắm thay! Hơn nữa, ngày nay tập đoàn cầm quyền đang
cố xuyên tạc lịch sử, cố làm mọi cách để dân tộc ta quên đi các
tội ác tày trời của họ, nhất là để các thế hệ mới lớn lên không
hề hay biết gì đến các tội ác đó và những kẻ tội phạm chính danh!
Chuyện tôi muốn nói đến hôm nay là cuộc
CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT (CCRĐ) đầy kinh hoàng ở miền Bắc Việt Nam,
thảm hoạ khủng khiếp chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc. Cuộc
CCRĐ đã thực tế bắt đầu diễn ra từ năm 1953, đúng 50 năm trước
đây, và kết thúc năm 1956. Nhưng dư âm và hậu hoạ của nó vẫn còn
mãi cho đến tận ngày nay. Hồi đó, CCRĐ chẳng khác nào một trận
bão táp ác liệt đổ ập xuống miền Bắc Việt Nam gây ra biết bao tàn
phá khủng khiếp, biết bao đảo lộn kinh người, biết bao tang tóc,
đau thương cho người dân lương thiện.
Xuất phát từ đâu mà trận bão táp ghê
rợn đó đã tràn đến cái xứ sở đau thương này. Số là trong chuyến
đi bí mật của ông Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc (hồi cuối năm
1950) đến Moskva (đầu năm 1951), ông đã gặp Stalin và Mao Trạch
Đông (lúc đó đang có mặt tại Moskva). Hai ông này đã nhận xét là
Đảng Việt Nam coi nhẹ nhiệm vụ phản phong (ý nói hữu khuynh), và
chỉ thị phải tiến hành cách mạng phản phong để “bồi dưỡng động
lực cách mạng là nông dân lao động”, nói cụ thể là phải làm CCRĐ
ở các vùng gọi là “giải phóng”. Sau khi về nước, ông Hồ đã cùng
Thường vụ Trung ương (Bộ chính trị sau này) ĐCS trong hai năm
trời bí mật và tích cực chuẩn bị tiến hành CCRĐ. Chuẩn bị cả về
mặt tư tưởng, cả về mặt chính sách, đường lối, lẫn về mặt tổ
chức. Theo sự phân công của Stalin, Trung cộng sẽ giúp đỡ cho
Việt Nam, nên ông Hồ đã mời các đoàn cố vấn Trung cộng đến miền
Bắc Việt Nam – tổng cố vấn là La Quý Ba đồng thời là đại sứ Bắc
Kinh tại Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (VNDCCH). Vi Quốc Thanh đứng
đầu đoàn cố vấn quân sự, còn đứng đầu đoàn cố vấn CCRĐ là Kiều
Hiểu Quang, vốn là phó bí thư tỉnh ủy Quảng Tây. Đó là chưa kể đủ
loại cố vấn khác, như cố vấn chỉnh huấn, cố vấn công an, cố vấn
tổ chức, cố vấn tuyên truyền...
Để chuẩn bị về mặt tư tưởng cho cán bộ,
đảng viên và quân đội, năm 1952, Bộ chính trị (BCT) Trung ương
(TW) Đảng thực hiện “cuộc chỉnh huấn” trong Đảng và “cuộc chỉnh
quân” trong quân đội, theo đúng mẫu mã “cuộc chỉnh phong” của ĐCS
Tàu, chỉ có cái tên hơi khác một chút mà thôi. Chuẩn bị về mặt tổ
chức, BCT TW đã thành lập Ủy Ban CCRĐ Trung ương (UBCCRĐTW), gồm
có Trường Chinh, Tổng bí thư ĐLĐVN làm chủ nhiệm, hai phó chủ
nhiệm là Hoàng Quốc Việt, Ủy Viên BCT và Lê Văn Lương, Ủy Viên
BCT, còn Ủy Viên thường trực là Hồ Viết Thắng, Ủy Viên TW Đảng.
Dưới UBCCRĐTW là các đoàn CCRĐ, dưới các đoàn là các đội CCRĐ. Cả
một đạo quân hùng hậu để làm “chiến dịch” đánh phong kiến!
ĐCS coi CCRĐ là “một cuộc cách mạng
long trời lở đất”, cho nên cần phải “phóng tay phát động quần
chúng” để thực hiện, có nghĩa là phải làm hết sức mãnh liệt,
thẳng tay, không khoan nhượng, không thương xót, cho dù có những
hành động quá trớn, quá tả cũng không đáng sợ. Nhiều lãnh tụ cộng
sản thường nhấn mạnh ĐCS là đảng cách mạng thì nhất định phải làm
CCRĐ theo tinh thần “cách mạng”, “cách mạng long trời lở đất”! Họ
cao ngạo phê phán các cuộc CCRĐ hoà bình ở nhiều nước là cải
lương chủ nghĩa, tư sản và phản cách mạng: vì tại các nước đó,
chính quyền hạn định mức ruộng đất tối đa cho điền chủ được có,
còn phần thừa thì nhà nước mua lại để chia cho người ít hay không
có ruộng đất. Còn khi giải thích cho cán bộ mấy chữ “phóng tay
phát động quần chúng” khó hiểu này, ông Hồ đã dùng hình ảnh dễ
hiểu sau: khi uốn thanh tre cong cho nó thẳng ra, phải uốn quá đi
một tí và giữ lâu lâu, rồi thả tay ra thì nó mới thẳng được. Hình
như ông cũng khoái cái lối giải thích hóm hỉnh ấy, không nghĩ
rằng cái tinh thần “quá đi một tí” sau này chính là mối hoạ lớn
cho dân!
Các
đội, các đoàn CCRĐ được tung về nông thôn. Họ tung hoành gần như
với quyền hạn không hạn chế, họ cảm thấy mình nắm trong tay quyền
sinh quyền sát. Cấp trên đã “phóng tay” cho họ và họ cũng tự
“phóng tay”... Vì thế, trong dân gian thường nói “nhất đội, nhì
Trời”, và các “anh đội” cũng khoái tai khi nghe như thế! Tôi còn
nhớ một lần, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, chủ tịch Ủy Ban quân quản
thành phố Hà Nội, về quê thăm nhà ở làng Tó (Thanh Oai) thuộc
ngoại thành Hà Nội. Ông bị đội CCRĐ bắt giữ cùng với anh cần vụ
(lính hầu) và xe ô–tô, van xin gì cũng không được thả ra. Về sau
do một sự tình cờ, chính quyền Hà Nội biết được mới cho người đến
nhận ông về. Đại thần của chế độ mà còn bị như thế huống hồ dân
đen!
Trong năm
1952, BCT TW Đảng Lao Động Việt Nam (ĐLĐVN), tức là ĐCS khoác tên
mới từ năm 1951, cho làm thí điểm CCRĐ ở sáu xã thuộc huyện Đại
Từ tỉnh Thái Nguyên. Trong lần thí điểm này có một sự kiện “động
trời”: toà án CCRĐ xử tử hình bà Nguyễn Thị Năm, tức là Cát Thành
Long, người mà thời trước cách mạng đã từng che giấu, nuôi ăn,
giúp đỡ các ông Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ, Phạm
Văn Đồng, Lê Thanh Nghị, Lê Giản... Còn trong Tuần lễ Vàng, gia
đình bà đã hiến 100 lạng vàng cho chính quyền mới. Bà đã hoạt
động trong Hội Phụ nữ, lại có con trai đi bộ đội làm trung đoàn
trưởng. Thế mà bà đã bị quy là địa chủ cường hào ác bá, bị đoàn
CCRĐ xử án tử hình, UBCCRĐ TW duyệt y và BCT TW ĐLĐVN cũng chuẩn
y! Những người lãnh đạo cộng sản trong BCT và đứng đầu chính phủ
đã từng được bà che giấu, nuôi ăn, tặng vàng, nay đang làm Chủ
tịch nước, Tổng bí thư, Ủy Viên BCT, Thủ tướng, Phó thủ tướng đã
lạnh lùng chuẩn y một cái án tử hình như vậy! Phát súng đầu tiên
của CCRĐ nổ vào đầu một người phụ nữ yêu nước đã từng giúp đỡ cho
những người cộng sản! Phát súng đó tự nó đã nói lên nhiều điều về
các lãnh tụ cộng sản! Nó báo hiệu trước những tai hoạ khôn lường
cho toàn dân tộc!
Năm 1953, thực tế là năm bắt đầu tiến
hành CCRĐ, năm ĐCS chuẩn bị toàn bộ đường lối, chính sách và
“luật pháp hoá” các chính sách của Đảng bằng quyết nghị của Quốc
hội, sắc lệnh và nghị định của Chính phủ, thông tư của các bộ.
Dựa trên tài liệu chính thức của ĐCS, tôi xin ghi lại những cái
mốc lịch sử đau thương của dân tộc ta trong cuộc CCRĐ đẵm máu và
nước mắt này:
– Cuối tháng 01/1953: Hội nghị lần thứ tư của TW ĐLĐVN để thông
qua bản Dự thảo cương lĩnh Đảng về chính sách ruộng đất. Tại hội
nghị, ông Hồ đọc báo cáo đề ra nhiệm vụ triệt để giảm tô, tiến
tới CCRĐ.
–
Đầu tháng 03/1953: Hội đồng Chính phủ họp thảo luận báo cáo của
Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng về mục đích, phương châm, kế hoạch
phát động quần chúng. Hội đồng Chính phủ đã thông qua các văn bản
về chính sách ruộng đất và phát động quần chúng, tức là đã “luật
pháp hoá” nghị quyết của TW Đảng.
– 01–05/3/1953: Báo Nhân Dân đăng tải
bài “Chỉnh đốn chi bộ” của Ủy Viên Bộ chính trị ĐLĐVN, trưởng ban
tổ chức TW Lê Văn Lương, người trực tiếp phụ trách cuộc Chỉnh đốn
tổ chức trong CCRĐ, và ngày 16/3/1953 – Chính phủ VNDCCH ra thông
tư về việc chỉnh đốn chính quyền cấp xã qua việc phát động quần
chúng. Đây là những hướng dẫn cho việc gắn liền cuộc Chỉnh đốn tổ
chức với CCRĐ, với tinh thần “không dựa vào (thực tế là đánh vào
– Người viết) tổ chức cũ mà lập nên tổ chức mới” ở nông thôn!
– 12/4/1953: Chính phủ VNDCCH ra ba sắc
lệnh:
1. Sắc
lệnh quy định chính sách ruộng đất, trong đó có việc tịch thu,
trưng thu, trưng mua ruộng đất chia cho nông dân;
2. Sắc lệnh quy định việc thành lập Toà
án nhân dân ở những nơi phát động quần chúng;
3. Sắc lệnh quy định việc trừng trị
những địa chủ ở những nơi phát động quần chúng tiến hành CCRĐ.
– 01/6/1953: Báo Nhân Dân đăng bài về
Chương trình CCRĐ.
– Tháng 06/1953: ĐLĐVN tổ chức cái gọi
là “đợt chỉnh huấn chính trị” để nâng cao lập trường giai cấp cho
cán bộ đảng viên trong cuộc đấu tranh CCRĐ.
– 14/11/1953: Hội nghị lần thứ năm TW
và Hội nghị toàn quốc của ĐLĐVN để quyết định tiến hành CCRĐ. Ông
Hồ đã phát biểu ý kiến tại hội nghị nhấn mạnh phải “phóng tay
phát động quần chúng tiến hành CCRĐ”.
– 01–04/12/1953: Kỳ họp thứ ba của Quốc
hội khoá 1, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc báo cáo “Tình hình trước mắt
và nhiệm vụ CCRĐ” và ngày 04/12/1953, Quốc hội nhất trí thông qua
Luật CCRĐ. Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra sắc lệnh ban hành
Luật CCRĐ do Quốc hội thông qua.
Từ đó, bắt đầu các đợt CCRĐ, mà đợt đầu
tiến hành ở 47 xã tỉnh Thái Nguyên và 6 xã tỉnh Thanh Hoá, sau đó
lan tràn trên khắp miền Bắc, trừ các vùng miền núi. Đợt năm là
đợt cuối cùng, phần lớn diễn ra ở các xã đồng bằng Bắc bộ và các
vùng bị Pháp chiếm trước đây. May mắn cho đồng bào miền núi, vì
ĐLĐVN chủ trương sau khi hoàn thành CCRĐ ở vùng đồng bằng mới làm
ở miền núi. Do sự phẫn nộ của quần chúng đã bùng lên dữ dội,
nhiều cuộc nổi dậy của nông dân đã nổ ra ở Quỳnh Lưu, Phát Diệm,
nên về sau, TW ĐLĐVN chỉ tiến hành cái gọi là “cải cách dân chủ”
ở miền núi, nghĩa là dẹp bỏ phong kiến địa phương (tức là các
phìa tạo) mà không dùng bạo lực quá mạnh vì sợ dân chúng chạy
sang Trung cộng, Lào... Còn ở huyện Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị, vì
nằm sát giới tuyến, tiếp giáp Việt Nam Cộng Hoà, nên cũng được
chiếu cố, nghĩa là dùng bạo lực vừa phải “để không gây ảnh hưởng
xấu đến miền Nam”.
– Tháng 09/1956: Hội nghị lần thứ 10
của TW ĐLĐVN kiểm điểm tình hình CCRĐ. Do ảnh hưởng của đại hội
lần thứ 20 ĐCS Liên Xô vạch trần những tội ác của Stalin, do sự
bất mãn trong dân chúng, cộng thêm sự phản ứng khá mạnh của cán
bộ, TW Đảng buộc phải thừa nhận những sai lầm nghiêm trọng trong
CCRĐ và chủ trương sửa sai. Tại hội nghị, TW đã thi hành kỷ luật
như sau: Trường Chinh mất chức Tổng bí thư, chỉ còn làm Ủy Viên
BCT, còn Hoàng Quốc Việt và Lê Văn Lương mất chức Ủy Viên BCT, Hồ
Viết Thắng bị đưa ra khỏi TW ĐLĐVN. Ông Hồ Chí Minh kiêm nhiệm
Tổng bí thư, còn Lê Duẩn làm bí thư TW, thường trực BCT.
– 29/10/1956: Mít–tinh lớn tại Nhà Hát
Nhân dân Hà Nội, Ủy Viên BCT Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt
Chủ tịch Hồ Chí Minh và TW ĐLĐVN chính thức công nhận những sai
lầm nghiêm trọng trong CCRĐ. Nhân đây, xin nói rõ: một vài người
viết không đúng là cuộc mít–tinh tổ chức tại sân vận động Hàng
Đẫy và ông Hồ đã đến dự và khóc trước dân chúng. Hà Nội được giao
cho việc tổ chức mít–tinh nên tôi biết rõ. Hồi đó, chúng tôi được
giải thích: “Bác đến không tiện”, nhưng chúng tôi đều hiểu là ông
Hồ muốn đưa ông Giáp ra “chịu trận” thay mình, nên không hề có
việc ông Hồ khóc trước dân chúng.
Ở hải ngoại, cho đến nay cũng đã có một
số tài liệu nói đến những bạo hành, những tội ác trong CCRĐ, cuốn
sách nói về đề tài này khá kỹ ra mắt sớm nhất (1964, bằng tiếng
Anh) là cuốn “Từ Thực Dân Đến Cộng Sản” của ông Hoàng Văn Chí.
Còn ở trong nước thì đến nay, chưa có một công trình nghiêm túc
nào nghiên cứu, chưa ra một tiểu thuyết nào viết riêng về đề tài
CCRĐ. Tại sao? Dễ hiểu là sau khi bị bắt buộc phải thừa nhận
những sai lầm trong CCRĐ, BCT TW Đảng ra lệnh miệng tuyệt đối cấm
không được nói đến đề tài này. Người đầu tiên “vi phạm” tabou
thiêng liêng đó là nhà văn Hà Minh Tuân – anh đã viết lướt qua
rất nhẹ nhàng đến đề tài cấm kỵ đó trong tác phẩm “Vào Đời”. Tức
thì Nguyễn Chí Thanh hô hoán lên là “tư tưởng địa chủ ngóc đầu
dậy”, và anh bị hành hạ hết nước. Từ đó mọi người ai cũng im re,
“lo giữ cái đội nón của mình” (nhóm từ thông dụng hồi đó có nghĩa
là giữ đầu mình)... Mãi sau này, chỉ có vài nhà văn rụt rè mon
men đến đề tài đó mà thôi. Hy vọng rồi đây sẽ có nhiều nhà văn,
nhà nghiên cứu trong nước vượt qua nỗi sợ “truyền kiếp”, dám đề
cập đến đề tài đau thương này một cách nghiêm túc và toàn diện.
Nếu nói về những tội ác trong CCRĐ,
theo tôi, cần nêu bật mấy loại chính sau đây:
Thứ nhất. Tội tàn sát thường dân vô tội
– tội ác chống nhân loại.
Người nông dân Việt Nam hiền hoà, chất
phác đang làm ăn sinh sống và hết lòng đóng góp vào cuộc kháng
chiến chống Pháp, bỗng dưng ĐCS giáng cho họ một đòn chí mạng.
ĐCS nói rằng CCRĐ là một cuộc cách mạng để thực hiện ước mơ muôn
đời của nông dân: “người cày có ruộng”, nhưng thực tế thì không
phải như vậy; thực tế là nông dân bị đánh đòn chí mạng! Tầng lớp
năng nổ, giỏi giang biết làm ăn nhất ở nông thôn thì bị quy là
địa chủ, phú nông, thậm chí cường hào ác bá, bị triệt hạ hết
đường sinh sống; còn một loạt cán bộ ở nông thôn đã từng chịu
đựng gian khổ làm nhiệm vụ lãnh đạo kháng chiến, sản xuất thì
bỗng nhiên bị quy là phản động, gián điệp, Việt gian, v.v. bị
trừng trị, nhiều người bị bắn giết vô cùng man rợ. Ngay cả nhiều
người trung nông, thậm chí một số bần nông cũng “bị kích lên” làm
địa chủ cho đủ cái tỷ lệ quái gở 5% địa chủ (so với dân số thôn
xã!) và họ phải cam chịu cái số phận mà ĐCS dành cho địa chủ. Cái
tỷ lệ quái gở 5% đó lại kèm thêm những “kết luận” quái đản khác:
đã có địa chủ, tất phải có cường hào ác bá! Thế là người dân chịu
chết! Biết bao nỗi oan khuất không thể nào kể hết. Cái phương
châm “thà sai hơn là bỏ sót”, cộng thêm với việc “thi đua lập
thành tích đánh phong kiến” đã gây ra tình trạng “kích thành
phần”, “nống thành tích” cố tìm ra nhiều địa chủ, phản động, xử
tử nhiều ác bá... để có được bằng khen, huân chương, để ngoi lên
địa vị cao hơn... càng làm cho nỗi khổ đau của người dân tăng lên
nhiều gấp bội! Chỉ xin dẫn vài chuyện mà thôi.
Một anh bạn đi làm CCRĐ ở Khu Bốn kể
lại: Ở Khu Bốn, hồi đó ai cũng biết danh Chu Văn Biên, bí thư Khu
ủy, và Đặng Thí, phó bí thư Khu ủy, khét tiếng hiếu sát trong
CCRĐ, họ đều là trưởng và phó đoàn CCRĐ. Thậm chí trong dân gian
lưu truyền bài vè có câu “Giết người nổi tiếng gã Chu Biên”. Anh
bạn tôi kể chuyện Đặng Thí ký hai án tử hình trên ghi đông
(guidon) xe đạp! Chuyện như sau:
Một đội tới làm CCRĐ ở một xã nghèo ở
Nghệ An, quê hương của ông Hồ Chí Minh và Hồ Viết Thắng, tìm mãi
mà không thể quy ai là địa chủ được (những ai đã từng đến tỉnh
này đều biết cảnh nghèo chung của dân chúng ở đây). Đặng Thí “đả
thông tư tưởng” là cố vấn Trung cộng dạy rồi phải có 5% địa chủ.
Đội sợ trên “đì”, tính ra cả làng từng này hộ, từng ấy nhân khẩu,
thôi thì cũng buộc phải kiếm ra năm địa chủ. Tưởng thế là xong,
nào ngờ khi báo cáo lại cho Đặng Thí thì... Liếc mắt qua không
thấy có danh sách “lên thớt”, bực mình Thí mới xạc cho “anh đội”
một trận:
“Có
địa chủ mà không bắn thằng nào cả à?” và ném cả tập giấy vào mặt
đội trưởng.
Cuối cùng thì đội cũng lọc ra được “hai địa chủ để bắn”, vội chạy
lên đoàn báo cáo. Giữa đường gặp Đặng Thí đang đi xe đạp, tay đội
trưởng đưa báo cáo và danh sách bắn hai người. Thí còn đang vội,
vẫn ngồi trên yên xe, chẳng thèm xem hết nội dung, đặt “đơn đề
nghị bắn hai người” lên ghi đông xe đạp, mở vội xà cột (sacoche),
rút bút ký toẹt vào. Xong rồi Thí đạp xe đi thẳng.
Một ông bạn làm việc ở Viện Khoa học
Việt Nam đã đi làm CCRĐ kể lại chuyện thương tâm này: Đội mà ông
bạn có chân về một làng nghèo ở Thái Bình, không thể nào tìm đâu
ra đủ số địa chủ, và cũng không thể nào tìm ra địa chủ ác bá để
bắn. Họ lo lắm. Thế là họ đưa một ông chăn vịt vào danh sách bị
bắn! Làng nào cũng thế thôi, mấy ông “gột vịt” (ấp trứng nuôi vịt
con) chẳng bao giờ được dân làng ưa cả, vì lùa vịt con xơi thóc
lúa của dân, thế mà lại hay to mồm cãi lại, gây gổ. Thế là “đủ
yếu tố cấu thành tội”, trong đó có tội “bị dân làng ghét cay ghét
đắng”. Địa chủ bóc lột thóc của nông dân, vịt cũng ăn cướp thóc
của nông dân, vịt không thể bắn được thì chủ nó phải chịu thay!
Ai cũng vui vẻ cả. Ông bạn biết là sai nhưng không dám mở miệng
khi “cỗ máy nghiền thịt” của Đảng đã khởi động rồi!
Cho đến nay, không ai biết số người bị
quy oan, bị tù oan và bị giết oan là bao nhiêu vì ĐCS giấu tịt.
Những con số mà nhiều người đưa ra chỉ là ước đoán. Hồi cuối năm
1956, khi tôi được Thành ủy Hà Nội giao cho trách nhiệm sửa sai
CCRĐ ở ngoại thành Hà Nội. Vì tính chất quan trọng của việc đó ở
thủ đô, nên ông Võ Nguyên Giáp được BCT phân công giúp đỡ việc
sửa sai ở Hà Nội. Vì thế, thỉnh thoảng tôi đến nhà ông Giáp làm
việc. Đôi khi chúng tôi cũng nói chuyện với nhau về những vấn đề
chung. Một hôm tôi hỏi thẳng ông: trong CCRĐ có bao nhiêu người
bị oan. Ông Giáp nói hai vạn. Lúc đó tôi không dám hỏi thêm cụ
thể hơn – thế thì bao nhiêu người bị chết oan, vì tôi biết là
mình đã đụng đến vấn đề cấm kỵ nhất của Đảng. Cho đến nay, tôi
không biết con số mà ông Giáp nói với tôi có thật hay không,
nhưng hôm đó ông trả lời tôi tức thì, không nghĩ ngợi gì, nên tôi
cũng có phần tin. Còn số người bị hành quyết trong CCRĐ và Chỉnh
đốn tổ chức thì tôi ước đoán là chừng năm–sáu nghìn người. Đó là
chưa kể nhiều người bị chết vì các lý do khác, như tự tử trước
khi xét xử, chết khi bị tra của hay bị giam cầm ở xã, chết trong
tù, người nhà địa chủ chết đói do bị bao vây, v.v. Tại cuộc
mít–tinh tối 29/10/1956, ông Võ Nguyên Giáp chỉ cho biết con số
12 nghìn cán bộ và đảng viên đã được trả tự do mà thôi! Con số đó
đúng hay không, ai mà biết được! Tóm lại, những con số về người
bị thiệt mạng trong CCRĐ vẫn chưa xác định được. Dù thế chăng
nữa, với những con số ước tính đã cho thấy đây là một tội ác tày
trời. Tội ác này chính là tội ác chống nhân loại!
Còn chuyện “sửa sai” thì cũng chỉ là
một lối “tung hoả mù” chủ yếu để làm dịu đi phần nào nỗi công
phẫn dữ dội của dân chúng, tránh những cuộc bùng nổ bất lợi cho
Đảng mà thôi. Chúng tôi đã từng đi làm sửa sai nên biết khá rõ.
Có nhiều cái sai không thể nào “sửa” được. Bắn giết người ta, làm
què quặt thân thể, làm tổn hại tâm thần người ta (có không ít
người bị điên, bị mất trí, bị lẩn thẩn), làm gia đình người ta
tan vỡ... thì chỉ có Trời mới sửa được! Ngay cả những việc tưởng
chừng không khó sửa lắm, nhưng cũng không thể sửa nổi, chẳng hạn,
gia đình bị quy là địa chủ, nhà cửa bị tịch thu chia cho mấy hộ
nông dân, khi được xét là quy oan phải trả lại nhà cho người chủ
cũ. Nhưng, khi biết là phải trả lại nhà, các ông bà nông dân bèn
cạy gạch, cạy cửa, dỡ ngói, rút rui mè, cất giấu hết, phá phách
gần như tan nát cả ngôi nhà họ đang ở. Nên cái nhà được trả lại
đâu còn nguyên vẹn như trước. Còn các “quả thực” khác khi đã chia
rồi thì sửa sai làm sao được! Thóc lúa, nông dân ăn hết, bán hết
rồi (hoặc khai như thế), nông cụ bị tiêu tán hết (hoặc khai hư
hỏng rồi), thì lấy gì mà trả lại cho người ta. Đó là không nói
đến những quan hệ tình cảm đã bị tổn thương, giữa vợ chồng, giữa
anh em, giữa họ hàng, giữa thầy trò, giữa hàng xóm, láng giềng
thì chẳng làm gì được, ngoài việc khuyên nhủ chung chung. Trong
sửa sai chỉ có việc này làm được là trả tự do cho những người bị
tù oan. Còn việc khôi phục lại chức vụ cho một số cán bộ đã bị
đấu tố cũng đã thực hiện, nhưng cũng không đơn giản vì quan hệ
khá phức tạp giữa cán bộ mới với cán bộ cũ.
Nhân thể cũng xin nói thêm, khi hội
nghị lần thứ 10 của TW ĐLĐVN hồi tháng 09/1956, TW buộc phải thừa
nhận những sai lầm nghiêm trọng trong CCRĐ, người ta cũng đổ lỗi
một phần cho cấp dưới đã thi hành sai, chứ TW Đảng không nghiêm
khắc tự phê phán mình, họ vẫn coi “đường lối của TW về cơ bản là
đúng”, chỉ có “việc tổ chức thực hiện không đúng” mà thôi. Họ vẫn
khư khư khẳng định: CCRĐ dù có sai lầm “nhưng về cơ bản vẫn giành
được thắng lợi lớn”. Điều đó nói lên sự giả dối, ngụy biện, sự
không thực lòng hối hận của họ. Thế thì làm sao mà Đảng sửa sai
được!
Còn cái
gọi là thi hành kỷ luật với các ông lãnh đạo CCRĐ cũng chỉ là trò
hề “giơ cao đánh khẽ” để lừa dối dư luận mà thôi. Trường Chinh
mất ghế Tổng bí thư, nhưng lại vẫn là Ủy Viên BCT, chuyển sang
ngồi ghế Chủ tịch Quốc hội, lại phụ trách công tác tư tưởng, rồi
chính ông ta đã cùng Tố Hữu bày ra vụ Nhân Văn – Giai Phẩm đàn áp
quyết liệt anh chị em trí thức ưu tú, khao khát tự do, làm bao
văn nghệ sĩ tài ba bị tù đày, bị đàn áp, bị treo bút trong hàng
mấy chục năm trời, đánh một đòn nặng nề vào nền văn học miền Bắc,
làm nó bị thui chột trong nhiều thập niên.
Hoàng Quốc Việt (một người nổi tiếng
“ác liệt nhất” chẳng những trong CCRĐ mà trong nhiều vụ trước
nữa, chẳng hạn, vụ H122 xảy ra trong kháng chiến chống Pháp, ông
phụ trách xét vụ này, đã bắt giam nhiều cán bộ, phần đông là cán
bộ quân đội, và làm chết oan nhiều người), bị đưa ra khỏi BCT thì
lại trao chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao là chức vụ nắm
quyền sinh quyền sát con người.
Lê Văn Lương chịu trách nhiệm về Chỉnh
đốn tổ chức đã làm cho nhiều cán bộ đảng viên ở xã bị bắn giết,
bị tù đày, phải ra khỏi BCT thì sau này lại được đưa về làm bí
thư Thành ủy Hà Nội, còn Hồ Viết Thắng bị đưa ra khỏi TW Đảng thì
lại cho làm Ủy Viên thường trực Ủy Ban Kế hoạch nhà nước!
Trái lại, người ngoài Đảng mà dám thẳng
thắn phát biểu ý kiến với ĐCS, cho dù nhẹ nhàng chăng nữa, như
trường hợp Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đọc bài tham luận tại hội
nghị Mặt trận Tổ quốc phê phán cuộc CCRĐ và đưa ra những đề nghị
hợp lý thì Đảng trù dập ông, dồn ông vào cảnh khốn cùng cho đến
chết! Và thử hỏi có bao giờ TW Đảng thành thực sám hối về những
sai lầm, những tội ác của mình hay không?
Chẳng những không sám hối mà cả cho đến
ngày nay, ĐCS vẫn cứ nói lấy được là CCRĐ đã giành được thắng lợi
lớn: “thực hiện ước mơ nghìn đời” của nông dân – đem lại ruộng
đất cho người cày. Đây là một sự dối trá trắng trợn. Vì ruộng đất
nông dân được chia thì một phần đáng kể là của những người bị quy
oan, khi sửa sai cuối cùng phải trả lại. Phần ruộng đất chia còn
trong tay nông dân, họ chưa kịp được hưởng gì trên mảnh đất được
chia đó thì năm 1957–1958, ĐCS đã bắt đầu lùa họ vào hợp tác xã
để tập thể hoá nông nghiệp, nghĩa là họ không còn làm chủ ruộng
đất của họ! Vả lại, xét cho cùng, “đem lại ruộng đất cho người
cày” đâu có phải là mối quan tâm chính yếu hay là mục đích tối
hậu của Đảng.
Cho nên đến khi sửa đổi Hiến pháp sau ngày thống nhất đất nước,
bằng một điều khoản mới trong Hiến pháp, Đảng đã nhẹ nhàng quốc
hữu hoá toàn bộ ruộng đất trong cả nước! Thế thì làm sao có thể
nói là Đảng “đem lại ruộng đất cho người cày” được! Quả thật là
người nông dân chịu bao nhiêu đau thương tang tóc cuối cùng chẳng
được gì cả!
Thứ hai. Tội phá hoại truyền thống tốt đẹp mấy nghìn năm của dân
tộc.
Truyền
thống hiếu hoà, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau ở nông thôn Việt Nam
được dân tộc ta xây dựng hàng nghìn năm đã bị ĐCS phá vỡ trong
vòng ba–bốn năm CCRĐ. Nếu ai đã từng sống ở nông thôn Việt Nam
trước “cách mạng”, trước CCRĐ đều cảm nhận cái tinh thần “đùm bọc
nhau”, “lá lành đùm lá rách” còn khá đậm đà trong mối quan hệ
giữa người với người. Cố nhiên, không ai nói là ở các làng quê
không có những kẻ bóc lột, nhưng tinh thần chung ở nông thôn ta
là như vậy. Với cái chính sách “phân định thành phần giai cấp”,
ĐCS chia cư dân nông thôn thành cố nông, bần nông, trung nông (có
ba loại, trung nông yếu, trung nông vừa, trung nông cứng), phú
nông (có hai loại, phú nông thường, phú nông ngấp nghé địa chủ –
đây là “sáng kiến” của người chấp hành để khi cần thì dễ “kích”
họ lên địa chủ, chứ trong chính sách thì không chia ra), địa chủ
(có mấy loại, địa chủ yêu nước và kháng chiến, địa chủ thường,
địa chủ cường hào ác bá, địa chủ phản động). Sự phân chia có vẻ
“khoa học” lắm, nhưng khi thực hiện thì tất cả đều do cảm tính
chủ quan, do nhu cầu của “đội” (khi trên bắt phải đủ 5% địa chủ,
bắt phải có ác bá, phản động để bắn, thì cứ phải “kích” lên cho
đủ số), do ý muốn chủ quan của “ông đội” (nhiều khi ý muốn đó rất
quái đản, thấy thái độ của đương sự có vẻ ngang bướng thì cứ
“kích” lên cho bõ ghét). Về nguyên tắc, muốn phân định thành phần
thì phải “tố khổ”, phải “tố” nhau, vạch nhau ra để “xếp” thành
phần. Với lối xúi giục, cưỡng ép người dân tố giác lẫn nhau rất
phổ biến trong CCRĐ, nên từ đó họ chia rẽ nhau, thù ghét nhau.
Cũng có nhiều người lúc đầu không muốn
“tố” ai hết vì không muốn làm trái lương tâm, nhưng ai không chịu
“tố” thì bị đội CCRĐ coi là chưa “dứt khoát”, “có liên quan”,
v.v. cuối cùng thì ai cũng tham gia vào cuộc “tố” lẫn nhau để giữ
mạng mình. Đây là số đông.
Nhưng cũng có không ít những kẻ hoặc vì
tư thù, hoặc vì muốn trục lợi, “tố điêu”, “tố láo” để ngoi lên
làm “rễ”, làm “cốt cán”, làm cán bộ, để được chia “quả thực”
nhiều hơn. Mà thường cái đám người này nghèo túng vì lười biếng,
vì rượu chè, cờ bạc, có khi là những phần tử lưu manh, nhưng
thường lại được đội coi như là bần cố nông để dựa, o bế, sử dụng
nhằm... hoàn thành nhiệm vụ của đội. Một điều kỳ quái cần nói nữa
là: mọi lời “tố” của nông dân đều không cần bằng chứng, hơn nữa
mọi lời “tố” của họ đều được coi là bằng chứng, đều được ghi vào
hồ sơ tội trạng! Không cần có bất cứ một sự kiểm chứng nào hết!
“Lý luận” chung hồi đó là “phải tin tưởng ở quần chúng”, “nông
dân lao động đã nói là đúng”. Thế là không còn ai cãi được nữa!
Chính vì thế, khi đội cần “đánh vào” bí
thư hay chủ tịch Ủy Ban kháng chiến trước ở vùng tạm bị chiếm,
nay bị coi là tổ chức cũ, mà có một ai đó “tố” là “chúng nó họp
Quốc Dân Đảng” thì bị “lên hồ sơ” ngay là “bí thư Quốc Dân Đảng”,
và anh ta khó tránh khỏi cái án tử hình! Một nông dân “tố” một
người bị “kích” lên địa chủ là “hồi kháng chiến, khi máy bay địch
tới, tôi thấy hắn nhìn lên trời và chỉ chỏ cái gì đó”, tức thì bị
quy ngay là “gián điệp” và số phận anh ta coi như là “đi đứt”! Có
thể là thế hệ mới lớn lên, nhất là những người đang sống ở các
nước dân chủ tiên tiến, thì khó mà tin là đã có những chuyện như
thế. Khốn thay đó lại là sự thật đắng cay đã từng xảy ra trong
lịch sử nước nhà!
Tóm lại, CCRĐ làm cho nội bộ nông dân
chia rẽ trầm trọng, làng xóm đảo lộn lung tung! Đến khi ĐCS tuyên
bố sửa sai thì tình hình nông thôn lại cực kỳ hỗn loạn: những vụ
ẩu đả, đâm chém, trả thù nhau giữa những người bị “tố oan” với
những kẻ “tố điêu”, giữa những người bị tước đoạt tài sản với
những người được hưởng “quả thực”, giữa cán bộ cũ bị quy kết phản
động và bị tù tội với cán bộ mới “ngoi lên” trong CCRĐ... Di sản
nghìn năm rất đáng quý mà cha ông ta đã để lại là tinh thần đùm
bọc, hoà hiếu nhau của người dân nông thôn miền Bắc đã bị phá huỷ
từ ngày CCRĐ. Lẽ nào đó không phải là một tội ác.
Thứ ba. Tội phá hoại đạo lý, luân
thường của dân tộc.
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam chưa bao
giờ đạo lý làm người bị đảo điên một cách quái đản như trong
CCRĐ.
Các đội
CCRĐ không từ một cách nào hết để “tìm ra địa chủ”, “tìm ra phản
động”, “tìm ra của chìm”, họ ép buộc con cái “đấu tố” cha mẹ, con
dâu “đấu tố” bố mẹ chồng, con rể “đấu tố” bố mẹ vợ, vợ “đấu tố”
chồng, anh em “đấu tố” lẫn nhau, trò “đấu tố” thầy, kẻ hàm ơn
“đấu tố” người đã làm ơn, láng giềng hàng xóm “đấu tố” lẫn nhau!
(Cũng có trường hợp cha mẹ bấm bụng khuyên con cái “đấu tố” mình
để mong cứu mạng cho con cái). Thật là một tấn bi kịch hãi hùng!
Những người bị quy là địa chủ ngay lập
tức bị tước mọi quyền làm người, bị hạ nhục, bị chà đạp, ngay lập
tức phải thay đổi cách xưng hô trước nông dân, phải cúi đầu lễ
phép “thưa các ông, các bà nông dân”, phải xưng “con” trước mặt
nông dân, dù đó chỉ là một đứa trẻ con. Còn nông dân thì tha hồ
gọi người kia là “thằng kia”, “mụ kia”, “con kia”, là “mày”,
“chúng bay” và tự xưng là “tao”, “chúng tao”, thậm chí có thể
chửi mắng, xỉ vả. Chẳng ai dám làm trái lại cái “lệ mới” đó – đội
tuyên bố phải đối xử như thế mới “nâng cao uy thế nông dân”, mới
“đánh gục giai cấp địa chủ” được! Không làm thế là “bênh địa
chủ”, “mất lập trường giai cấp”, thậm chí “có liên quan với địa
chủ”! Ngay cả đứa bé con cũng có thể mắng mỏ, sỉ nhục người lớn
đã bị quy là địa chủ. Những người này, dù là thứ bậc thế nào
trong họ tộc cũng đều bị bà con họ tộc xa lánh, để không “bị liên
quan”. Còn khi hành quyết người bị án tử hình thì những người
thân thích, ruột thịt của người ấy, từ già cả cho đến trẻ con,
đều bắt buộc phải có mặt để chứng kiến tận mắt cảnh tượng đó!
Đúng là sự khủng bố tinh thần cực kỳ vô nhân đạo!
Một tình trạng thương tâm nữa là nhiều
gia đình ở nông thôn (và cả ở thành phố có liên hệ với nông thôn)
đã tan vỡ, con cái bơ vơ, vì khi một trong hai người có gia đình
bị quy (hoặc bị kích lên) thành phần địa chủ, bị gán tội phản
động, thì bên kia, tức là vợ hay chồng, sợ liên lụy phải bỏ nhau.
Nhiều người đi lập gia đình khác, có con hoặc chưa có con với
chồng hay vợ mới. Đến sau này thấy sai, người bị bắt đi tù nay
được trở về, thế là bao nhiêu chuyện rắc rối xảy ra đến nỗi Bộ tư
pháp VNDCCH phải ra thông tư ngày 19/4/1956 để “giải quyết những
vụ vợ chồng bỏ nhau”. Thật là mỉa mai, người ta cho rằng có thể
hàn gắn được tình cảm yêu thương trong gia đình đã bị thương tổn
nặng nề bằng một tờ thông tư vô hồn của Bộ tư pháp! Tình yêu của
nam nữ cũng bị xâm phạm nghiêm trọng giống hệt như thế – để giữ
lập trường giai cấp ai cũng phải cắt đứt với người yêu thuộc
thành phần địa chủ, phản động!
Đây cũng là một nét về đạo đức nữa cần
phải nói đến. Chưa bao giờ sự giả dối trắng trợn được đề cao như
trong CCRĐ. Chẳng cần phải nói tới việc các “anh đội”, “chị đội”
báo cáo láo cho đoàn, vì nó quá thường, mà cái cần vạch ra ở đây
chính là người ta ép buộc, khuyến khích người nông dân nói dối,
làm láo. Dần dà rồi người nông dân cũng thấy cần phải nói dối,
làm láo để “qua khỏi cái đận CCRĐ”, họ cũng “tố bậy”, “tố điêu”
dù trong thâm tâm biết mình đang nói dối, vu khống. Cũng có người
cố giữ lương tâm trong sạch, nhưng thường họ phải trả giá đắt cho
điều đó. Cho nên cơn dịch dối trá cứ lan tràn. Đội cũng dạy thêm
cho nông dân quen làm những việc giả dối, chẳng hạn như dặn họ:
khi thấy trên màn ảnh xuất hiện hình địa chủ thì phải hô “đả
đảo”, hay vừa hô vừa ném đá vào hình địa chủ để tỏ lòng uất hận
của mình. Thế là nông dân cũng làm theo. Tất nhiên, cũng không
loại trừ cái hiện tượng gọi là “tâm lý đám đông”, khi người ta
hành động như trong một cơn lên đồng tập thể. Chẳng hạn, mỗi lần
chiếu phim “Bạch Mao Nữ” của Trung cộng, thì có nhiều người khóc
nức nở, và khi xuất hiện hình địa chủ là bên dưới ào ào ném đá
vào màn ảnh. Chính vì thế, các diễn viên kịch thường từ chối lên
sân khấu đóng vai địa chủ vì sợ vỡ đầu sứt trán.
Chủ trương của UBCCRĐTW là trong các
cuộc đấu địa chủ, nhất là địa chủ cường hào ác bá đều phải chuẩn
bị rất chu đáo để ra “đấu trường” không được vấp váp. Thế là
trước ngày đấu, mọi “rễ”, “chuỗi”, dân quân, công an, toà án, chủ
tịch đoàn... đều phải “diễn tập” như thật, ai lên “đấu” trước, ai
lên “đấu” sau, “tố” thế nào, xỉa xói ra sao, nói gì, khi nào
người “tố” phải cảm động khóc lóc, khi nào người dân phải hô “đả
đảo” (khi người bị “tố” không nhận tội...), lúc nào thì bắt địa
chủ quỳ (quỳ là biểu hiện của sự “bị đánh gục”!), lúc nào thì
“hoan hô” (khi toà tuyên án tử hình, tịch thu tài sản...).
Chủ tịch đoàn những cuộc đấu lớn đều là
“rễ”, “chuỗi”, cốt cán mới đào tạo trong vài tháng, nói năng
ngượng nghịu, lúng ta lúng túng, điều khiển thế nào nổi, nên khi
ra “đấu trường”, thường “anh đội”, “chị đội” phải ngồi sau lưng
nhắc, như người nhắc tuồng (souffleur) ở rạp hát! Cũng có khi
nhắc mãi không được, chủ tịch đoàn cuống lên, thì “anh đội” giật
micro và điều khiển luôn. Tóm lại, một sự diễn kịch, một trò giả
dối lố bịch, trắng trợn, mà không hề không biết ngượng! Nhưng cái
nguy hại chính là sự giả dối đó cứ thấm dần vào tiềm thức cán bộ
và người dân, tạo nên một nếp sống giả dối vô đạo đức của nhiều
người!
Thứ tư.
Tội phá huỷ truyền thống tâm linh và văn hoá của dân tộc.
Bằng cuộc CCRĐ, ĐCS cố tình triệt hạ
các tôn giáo và truyền thống tâm linh của dân tộc. Trước CCRĐ,
các nhà thờ Thiên chúa giáo, các tu viện, nhà cô nhi... đều có
ruộng đất riêng, các chùa có ruộng hậu do tín chủ cúng cho chùa,
các nhà thờ họ có ruộng họ, các đình có ruộng làng... để lo việc
sửa sang, tu bổ nhà thờ, chùa, đình, cúng tế hàng năm, việc từ
thiện, v.v. và để nuôi sống các linh mục, tu sĩ, tăng ni và những
người chuyên lo việc trông nom, thờ phụng... Nhờ thế hoạt động
tôn giáo, tâm linh, từ thiện được tiến hành bình thường không có
trở ngại. Nhưng với chính sách CCRĐ của ĐCS, tất cả các ruộng đất
đó đều nhất loạt bị coi là ruộng đất phong kiến và bị trưng thu
để chia cho nông dân.
Với cái đòn độc địa đó, tất cả các nhà
thờ, tu viện, nhà cô nhi, chùa chiền, điện thờ, miếu mạo, nhà thờ
họ, đình... đều trở nên điêu đứng và dần dần tàn tạ. Riêng đối
với nhà thờ Thiên chúa giáo, do phong trào giáo dân ồ ạt di cư
vào Nam, nên về sau Đảng đã phải để lại cho các nhà thờ một ít
ruộng đất. Người ta công nhiên dùng các cơ sở thờ cúng vào việc
họp hành, đóng quân, làm hội trường, làm kho hợp tác xã mua bán,
kho hợp tác xã sản xuất, v.v. Có nơi thậm chí người ta cho các
tượng Phật trôi sông. Nhiều nơi bà con tín đồ bí mật cứu các
tượng Phật, đem chôn, đem giấu hầm kín, sau này phần lớn các
tượng gỗ đều mục nát, thế nhưng cũng có ít tượng còn giữ được,
vào thập niên 80 bà con mới đưa lại vào chùa. Tóm lại, cuộc sống
tâm linh hoàn toàn bị xoá bỏ. Chữ “thiện”, chữ “nhân” một thời
gian dài chẳng ai dám nói đến, vì giữa lúc cái ác tràn đầy mà nói
đến chữ “thiện”, chữ “nhân” thì có thể bị coi là biểu hiện sự
phản đối!
Trong lúc đó, người ta lại đề cao bạo lực, cổ vũ đấu tranh giai
cấp, khuyến khích điều ác, điều bất nhân, điều vô đạo. Một điều
rất quái dị trong CCRĐ mà ĐCS lại coi là tự nhiên hoặc là cần
thiết: người ta thường xuyên huy động các cháu thiếu niên từ 9–10
tuổi trở lên tham gia CCRĐ. Bắt chúng mang trống ếch đi cổ động,
đi “đả đảo”, “hoan hô”, tham dự các cuộc đấu tố, các phiên toà
CCRĐ, các buổi hành quyết công khai. Nhiều cháu, nhất là các cháu
gái, vốn có tâm lý hiền lành bị bắt buộc phải tham gia, đã không
chịu nổi, run sợ, khiếp đảm, có cháu ngất xỉu trước cảnh hãi
hùng, súng bắn, máu đổ... Còn các cháu vốn có tâm lý hung dữ thì
lại thích thú hoan hô, thậm chí sau khi “được” tham dự những cảnh
tượng đó, có nơi chúng lại bày trò chơi “đấu tố”, bắt con cái địa
chủ quỳ để con cái nông dân lên đấu, cũng xỉa xói vào mặt, cũng
xỉ vả, vạch tội... Chẳng biết có ai xúi giục không, nhưng nhiều
nơi đã xảy ra những “trò chơi” quái đản đó! Khi cái thiện bị nén
xuống mà cái ác được cổ vũ, thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên là
đạo đức bị suy đồi, băng hoại dưới chế độ của những người cộng
sản. Tôi còn nhớ trong thời kỳ “cởi trói”, đã được đọc truyện
ngắn “Bước Qua Lời Nguyền” của Tạ Duyên Anh đăng trên tuần báo
“Văn Nghệ” (1989) ở Hà Nội, truyện đó phản ánh phần nào tấn bi
kịch của giới trẻ nông thôn đã lớn lên trong và sau cuộc CCRĐ đầy
kinh hoàng.
Không những CCRĐ đánh một đòn rất mạnh vào nền đạo lý và truyền
thống nhân bản, mà nền văn hoá dân tộc cũng vì nó mà bị tổn hại
rất nặng nề. Nhiều miếu đền uy nghiêm bề thế, nhiều bia đá là
những di tích văn hoá lâu đời của dân tộc đã bị huỷ hoại trong
CCRĐ. ĐCS giấu kín những chuyện này, nhưng cũng có thể nêu ra vài
trường hợp. Mong rằng các bạn xa gần, trong và ngoài nước sưu tầm
và bổ sung thêm.
Chẳng hạn, cụ Nguyễn Mai (1876–1954) là
hậu duệ đời thứ 14 của dòng họ Nguyễn Tiên Điền, gọi thi hào
Nguyễn Du (1765–1820) đời thứ 11 là bác. Đầu năm 1954, lúc 78
tuổi cụ bị đội và đoàn CCRĐ quy là địa chủ (vì có vài mẫu cho
phát canh để sống) lại bị “kích” lên thành phần phong kiến cường
hào (vì cụ từng đỗ cử nhân khoa Canh Tý (1900) lúc 24 tuổi, lại
đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1904) lúc 28 tuổi), mà thật ra cụ
không hề nhận chức tước, phẩm hàm gì, chỉ cam phận sống thanh
nhàn ẩn dật.
Cụ bị đấu ba đêm liền, bị kết án 15 năm tù khổ sai, bị giam ở
trại Đâng, tỉnh Hà Tĩnh, là nơi nước rất độc, nên ngay mùa thu
năm ấy, cụ bị phù thũng chết trong trại tù, vùi xác ở ven rừng.
Cụ Nghè Nguyễn Mai từ trần trong uất
hận là nỗi đau lớn, nhưng nỗi đau còn lớn hơn nữa cho dân tộc là
do cụ bị quy oan như vậy, mà đội CCRĐ đã phá huỷ nhiều đền đài,
bia, miếu thờ của các danh nhân họ Nguyễn Tiên Điền và nghiêm
trọng hơn nữa đã đốt cháy ngôi nhà năm gian chứa đầy thư tịch quý
giá của dòng họ Nguyễn Tiên Điền, trong đó có di cảo của thi hào
Nguyễn Du. Một sự mất mát lớn lao về văn hoá không có gì bù lại
được! (Xem sách “Bể Dâu Trong Dòng Họ Nguyễn Du” của Đặng Cao
Ruyện, NXB Miền Đông Hoa Kỳ, 2002, tr. 200, 201).
Còn một chuyện này nữa: Trong cuộc hội
nghị cán bộ do TW Đảng triệu tập sau khi có nghị quyết sửa sai
trong CCRĐ hồi tháng 09/1956, tôi được nghe ông Cù Huy Cận, lúc
đó là thứ trưởng Bộ văn hoá, nói ở cuộc họp tổ là tấm bia đá của
Lê Lợi đã bị đội CCRĐ phá huỷ. Bộ văn hoá phải cấp tốc thuê làm
bia khác giống hệt bia cũ rồi đặt vào chỗ cũ và phải tuyệt đối
giữ bí mật để không ai biết là bia mới! Tôi không có điều kiện
kiểm chứng, nhưng chẳng lẽ ông thứ trưởng văn hoá lại nói sai!
Như trên tôi đã viết, tuy là chuyện
CCRĐ đã qua từ lâu rồi, nhưng ngày nay, vẫn cần phải nói đến, vì
ngày nay tập đoàn lãnh đạo ĐCS đang cố viết lại lịch sử, đang cho
bọn bồi bút xuyên tạc lịch sử để chạy tội cho ông Hồ Chí Minh và
cho ĐCSVN trong CCRĐ và cả trong nhiều việc khác nữa.
Cần phải nói công bằng là trước năm
1950, ông Hồ và ĐCSVN không nói đến CCRĐ, chỉ nói đến giảm tô, mà
cũng chỉ trên giấy tờ và rất coi nhẹ việc thực hiện. Chỉ từ năm
1952, vấn đề giảm tô và CCRĐ mới đặt ra một cách gắt gao. Như vậy
có thể nói là việc CCRĐ là do sức ép của Stalin và Mao Trạch
Đông. Nhưng khi ông Hồ đã nhận làm CCRĐ là ông và ĐCSVN đã làm
một cách tin tưởng và tích cực. Cũng có thể do yếu tố tâm lý của
một người trước đây đã từng bị Stalin và Quốc tế Cộng sản coi là
hữu khuynh, thậm chí bị nghi ngờ, không giao việc trong thời hạn
dài, nay lại bị nhận xét là coi nhẹ nhiệm vụ phản phong, thì ông
càng phải cố tỏ rõ tinh thần mẫn cán, kiên quyết của mình.
Quả là hồi đó, ông Hồ và ĐCSVN cũng
thật tình rất tin tưởng vào Stalin và Mao Trạch Đông. Chẳng thế
mà ông đã công khai nói trước hội nghị cán bộ (1950) tại chiến
khu Việt Bắc để chuẩn bị cho đại hội 2 của ĐCS sẽ họp năm sau là:
“Các cô các chú nên biết rằng: ai đó thì có thể sai, chứ đồng chí
Stalin và đồng chí Mao Trạch Đông thì không thể nào sai được”.
Chính tôi có mặt trong cuộc hội nghị đó, tôi nghe rõ, nhiều người
khác cũng nghe rõ như thế, có điều bây giờ họ không muốn hay
không dám nhắc lại mà thôi.
Đến đại hội 2 của Đảng (tháng 03/1951),
ông Hồ lại cũng nói đúng như thế, và cụ Nguyễn Văn Trấn cũng đã
kể lại chuyện đó trong sách của cụ “Viết Cho Mẹ Và Quốc Hội”. Cho
nên ông Hồ làm CCRĐ rõ ràng với sự tin tưởng và tích cực. Vì thế,
không phải ngẫu nhiên mà cụ Vũ Đình Huỳnh, người gần gũi ông nhất
thời gian đó sau này đã “khẳng định người chịu trách nhiệm chính
trong sự gây ra những sai lầm trong CCRĐ là ông Hồ Chí Minh, chứ
không phải ông Trường Chinh, như đã có sự ngộ nhận kéo dài nhiều
năm. Trường Chinh là con dê tế thần cho sai lầm của ông Hồ”
(xem
“Đêm Giữa Ban Ngày” của nhà văn Vũ Thư Hiên).
Theo tôi, đúng là ông Hồ phải chịu
trách nhiệm chính, như cụ Vũ đã nói, nhưng Trường Chinh chẳng
phải là “con dê tế thần” với cái nghĩa “oan dương” đâu, vì ông ta
vừa là Tổng bí thư, vừa là chủ nhiệm UBCCRĐTW, ông ta là người
điều hành mọi việc CCRĐ hồi đó, cho nên, nếu Trường Chinh không
phải là thủ phạm số một thì cũng phải là thủ phạm số hai. Cái ý
của cụ Vũ, theo tôi hiểu, là TW Đảng trong hội nghị lần thứ 10
(09/1956) đã không đả động gì đến Hồ Chí Minh, đã không dám nói
đến trách nhiệm của ông Hồ (vì thi hành kỷ luật Chủ tịch Đảng,
Chủ tịch nước thì... ôi thôi, ĐCS còn gì nữa!) mà chỉ đưa Trường
Chinh và các ông khác ra “chịu trận” mà thôi.
Sau này, trong giới thân cận với giai
cấp cầm quyền, có những người hay tung ra những câu chuyện về Hồ
Chí Minh không tán thành chủ trương CCRĐ, không tán thành việc xử
tử bà Nguyễn Thị Năm, không tán thành làm Chỉnh đốn tổ chức trong
CCRĐ, v.v. Nhưng, xét cho cùng, loại chuyện đó chỉ là những huyền
thoại không hơn không kém. Những huyền thoại ấy nhằm đánh lừa
những người không biết tình hình thực tế hồi thập niên 50 ở miền
Bắc và những thế hệ trẻ hậu sinh, nhằm chạy tội cho ông Hồ để vớt
vát cái gọi là “tư tưởng Hồ Chí Minh” làm phao cứu mạng cho tập
đoàn thống trị cộng sản.
Hoàng Tùng, nguyên tổng biên tập báo
Nhân Dân, nguyên bí thư TW ĐCSVN, nhiều năm làm tuyên huấn, v.v.
là một trong số những “chuyên gia” sáng tác huyền thoại kiểu đó.
Trong hồi ký “Những Kỷ Niệm Về Bác Hồ”, ông ta có kể lại về thái
độ của ông Hồ đối với án tử hình bà Nguyễn Thị Năm như sau: “Họp
Bộ chính trị Bác nói: ‘Tôi đồng ý người có tội thì phải xử thôi,
nhưng tôi cho là không phải đạo nếu phát súng đầu tiên lại nổ vào
người đàn bà, mà người ấy cũng giúp đỡ cho cách mạng. Người Pháp
nói không nên đánh đàn bà, dù chỉ đánh bằng một cành hoa’. Sau cố
vấn Trung cộng La Quý Ba đề nghị mãi, Bác nói: ‘Thôi tôi theo đa
số, chứ tôi vẫn cứ cho là không phải’. Và họ cứ thế làm”
(xem
đoạn trích, đăng trên tờ “Diễn Đàn Forum” ở Paris, số
123/11/2002, tr.15).
Khi kể chuyện này, Hoàng Tùng đã cố lờ
đi mấy điều thực tế lịch sử rất quan trọng:
1. Vào thời điểm nửa đầu thập niên 50,
uy thế của ông Hồ trong Đảng là tuyệt đối, một lời của ông đã nói
ra thì không một ai, kể cả các ông trong BCT, dám làm trái ý ông
hết;
2. Tất cả
các ông trong BCT TW, không trừ một ai hết, đều răm rắp giữ đúng
tư cách một người học trò khiêm tốn, không bao giờ được phép
quyết định những chủ trương lớn mà không có ý kiến ông, huống hồ
là việc làm trái ý ông. Hồi 1952–1953 thì không thể nào có chuyện
“Thôi tôi theo đa số” và “Và họ cứ thế làm” được! Nếu thật sự ý
thức được là “không nên đánh đàn bà, dù chỉ đánh bằng một cành
hoa”, mà ông Hồ chỉ lắc đầu một cái thôi, chứ không cần phải nói
nhiều lời như Hoàng Tùng kể, thì chắc chắn là ông đã cứu được bà
Nguyễn Thị Năm! Mà không chỉ một mình bà Năm! Thêm nữa, cái chữ
“họ” trong câu của Hoàng Tùng “Và họ cứ thế làm” rất mập mờ:
“‘họ’ là ai? Các ông trong BCT hay các cố vấn?” Các ông trong BCT
thì chắc chắn là không. Còn các ông cố vấn có thể họ trái ý với
ông Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng của Việt Nam, nhưng họ không thể
bắt ép ông được, họ chỉ là cố vấn, chứ không có quyền biểu quyết,
quyết định. Những cơ quan nào đã từng làm việc với cố vấn Trung
cộng hồi đó đều biết cái nguyên tắc đó. Cho nên có thể khẳng định
rằng: Trong vụ án Nguyễn Thị Năm, đúng là ông Hồ đã không cứu bà
Năm. Cũng như sau này, trong vụ án Xét lại – chống Đảng, ông đã
không cứu ông Vũ Đình Huỳnh. Dù rằng ông biết rõ về họ.
Hơn nữa, một câu hỏi hoàn toàn chính
đáng được đặt ra: trong suốt ba–bốn năm đằng đẵng lẽ nào ông Hồ
và BCT không hề hay biết gì hết đến những thảm hoạ của người dân
ở nông thôn mà họ cai trị hay sao. “Lẽ nào ông Hồ, Trường Chinh
và các ông khác trong BCT không biết rằng ở quê hương mình những
người đồng hương của họ đang khốn khổ ra sao. Lẽ nào trong giới
thân cận của ông Hồ và các Ủy Viên BCT không có một ai dám phản
ánh tình trạng bi đát của người dân cho họ biết hay sao”. Câu trả
lời dứt khoát là: các ông ấy đều có biết, nhưng các ông đều im
lặng! Im lặng đến nỗi ông Vũ Đình Huỳnh một lần đang ốm cũng cố
chống gậy lên Chủ tịch phủ gặp ông Hồ và nói toạc vào mặt ông:
“Máu đồng bào, đồng chí đã đổ mà Bác ngồi yên được à. Chúng ta
tuy không có học, chúng ta dốt, chúng ta phải vừa làm vừa xây
dựng chính quyền, vì dốt nát chúng ta mắc mọi sai lầm, nhưng
chúng ta không có quyền để tay chúng ta nhuốm máu đồng bào, đồng
chí!” (Xem “Đêm Giữa
Ban Ngày”).
Hoàng Tùng cũng đã lờ tịt cái thực tế
lịch sử phũ phàng này: Trong suốt thời gian CCRĐ, ông Hồ, với tư
cách là Chủ tịch nước, chưa hề ký một lệnh ân xá nào cho một ai
bị án tử hình. Chỉ từ sau Đại hội lần thứ 20 ĐCS Liên Xô và nhất
là sau hội nghị cán bộ cao cấp và trung cấp của Đảng (từ 28/4 đến
03/5/1956), do phản ứng rất mạnh của cán bộ thì mới có lệnh tạm
thời chưa thi hành các án tử hình. Nhưng, than ôi, lúc đó thì...
CCRĐ về cơ bản đã gần xong rồi! Lúc đó các đoàn và UBCCRĐTW đang
bắt tay làm báo cáo tổng kết để chuẩn bị cho hội nghị TW Đảng
kiểm điểm CCRĐ (tháng 09/1956).
Ngay cả việc Chỉnh đốn tổ chức trong
CCRĐ, Hoàng Tùng cũng cố tình đổ lỗi cho cố vấn Trung cộng là
chính, chứ không phải lỗi của ông Hồ và ĐCSVN. Ông Tùng viết:
“Thuyết của họ là không dựa vào tổ chức cũ mà tổ chức lại một số
tổ chức của Đảng, họ phủ nhận hết các tổ chức khác, như chính
quyền, các đoàn thể. Ai lãnh đạo cách mạng tháng tám thành công,
ai lãnh đạo cuộc kháng chiến từ năm 1945 đến năm 1953. Thế mà họ
thẳng tay bỏ hết, trong đó có mấy ngàn người bị xử tử. Mục đích
của họ không phải là CCRĐ mà là đánh vào Đảng ta. May mà dến năm
1956 ta kịp dừng lại (bao nhiêu đầu rơi, máu đổ và CCRĐ cũng đã
gần xong, thế mà bảo là ‘kịp’! – Người viết), nếu không thì tan
nát hết”. Một đoạn khác: “Đánh thuế công thương nghiệp, cải tạo
tư sản cũng là do Trung cộng đề ra. Hậu quả là hơn một triệu
người di cư vào Nam. Ta đổ tội cho Pháp, Mỹ, điều đó chỉ đúng
phần nào, còn là do ta vội, làm ẩu, đánh tràn hết. Không phải địa
chủ mà phú nông, thậm chí trung nông cũng đánh. Đảng viên tốt
cũng bị đánh. Kết quả của những chính sách, cải cách lúc đó là
như thế” (xem tờ “Diễn Đàn Forum” nói trên).
Đúng là các cố vấn Trung cộng chỉ biết
có kinh nghiệm CCRĐ ở Hoa Nam, khi Hồng quân tiến xuống phía Nam,
hầu như không có cơ sở tổ chức của ĐCS, nên có nhiều người không
phải cộng sản cũng đã đứng ra lập tổ chức, lập chính quyền, vì
thế khi làm CCRĐ thì ĐCS Trung cộng cố tình nhân cơ hội ấy quét
sạch các tổ chức đó đi lập những tổ chức mới của họ. Còn ở miền
Bắc Việt Nam, tình hình hoàn toàn khác hẳn. Không thể làm rập
khuôn theo kinh nghiệm Hoa Nam được. Tôi cũng chẳng thích gì các
cố vấn Trung cộng, nhưng tôi nghĩ rằng cần phải xét vấn đề khách
quan theo đúng sự thật lịch sử, chứ không thể đổ lỗi, đổ tội tùm
lum cho họ tất cả được. Ông Hồ và BCT TW ĐLĐVN sống và làm việc ở
Việt Nam, có phải là trẻ con đâu mà bảo các ông cố vấn Trung cộng
xúi gì là làm nấy. Chẳng qua chỉ vì khi đã say men “lập trường
giai cấp đấu tranh”, say men Marxisme–Leninisme, Stalinisme,
Maoisme... trong cuộc lên đồng tập thể, thì chính các ông lãnh tụ
cộng sản Việt Nam cũng “hăng hái” không kém gì người ta. Tôi còn
nhớ, có lần đọc bài nói chuyện của ông Hồ với cán bộ CCRĐ đăng
trên tờ nội san “Cải cách Ruộng đất”
(tạp chí lưu hành trong nội
bộ), trong đó ông giải thích rất mộc mạc chủ trương không được
dựa vào tổ chức cũ như sau: “Tổ chức cũ là ‘tổ kén’, các cô, các
chú không được dựa vào...”. Lại cũng cái lối dùng hình ảnh như
việc uốn tre đã nói trên! Năm 1962, khi nói chuyện về Tuyển tập
Hồ Chí Minh với anh Nguyễn Kiến Giang, lúc đó là phó giám đốc Nhà
xuất bản Sự Thật, anh kể rằng: “Làm tuyển tập đó chúng tôi mệt
lắm, phải rà soát lại cả, bao nhiêu bài nói của ông cụ trong CCRĐ
phải loại bỏ hay thu gọn lại”. Tôi hỏi anh có nhớ bài ông cụ nói
“Tổ chức cũ là ‘tổ kén’ không” Anh trả lời: “Có chứ! Bài đó phải
loại bỏ. Cán bộ đảng viên nông thôn người ta đang oán giận đùng
đùng, đưa vào tuyển tập thế nào được!”. Nếu ông Hồ không tán
thành chủ trương của các cố vấn đối với tổ chức cũ ở nông thôn
thì có ai bắt ông phải nói thế đâu.
Tôi kể lại những chuyện đó chỉ để đi
đến kết luận này: ĐCSVN chớ nên đổ lỗi, đổ tội cho ai cả, mà cần
thấy hết cái trách nhiệm lớn lao của mình trong CCRĐ. Chừng nào
ĐCSVN chưa sám hối được về những tội ác đã gây ra, thì người dân
chớ có hy vọng là Đảng sẽ sửa đổi, sẽ đổi mới và sẽ không tái
diễn lại những tội ác trước đây.
Cũng xin mọi người đừng quên: CCRĐ
không phải là thảm hoạ đầu tiên, cũng chẳng phải là thảm hoạ cuối
cùng mà tập đoàn thống trị cộng sản Việt Nam đã gây ra cho dân
tộc ta! Tôi không kể những thảm hoạ trước CCRĐ, mà chỉ nói ngay
liền sau CCRĐ là vụ án Nhân Văn – Giai Phẩm, vụ án Xét lại –
chống Đảng, rồi Cải tạo công thương nghiệp, đánh đổ tư sản ở miền
Bắc, rồi cái nghị quyết số 49/NQ/TVQH của Thường vụ Quốc hội do
Trường Chinh ký ngày 20/6/1961, nhốt hàng chục vạn người vô tội ở
miền Bắc vào các trại tập trung khủng khiếp, rồi Tết Mậu Thân,
v.v. và v.v. Nếu kể hết thì ta thấy cả một chuỗi dài tội ác khủng
khiếp đã qua và đang tiếp tục mãi cho đến tận ngày nay. Cố nhiên,
ngày nay người ta dùng thủ đoạn tinh vi hơn, nhưng bản chất tội
ác vẫn thế.
Tội ác mới gần đây nhất là vụ án Lê Chí Quang, xử một nhà yêu
nước chân thành, một chí sĩ đáng kính dù chỉ mới ngoài ba mươi
tuổi! Cái “tội” của anh là đã dũng cảm dấn thân vì nước, đã dám
kêu gọi đám cầm quyền hiện nay hãy cảnh giác kẻo mang tội bán
nước cho Bắc triều, đã dám đứng chân vào “Hội
Nhân Dân Chống Tham Nhũng”
những mong trừ được quốc nạn cho dân tộc. Tập đoàn thống trị cộng
sản Việt Nam đã trắng trợn bày trò xử án để tống người thanh niên
yêu nước vào tù, người thanh niên đã từng tuyên bố đanh thép chí
hướng của anh trong bài tiểu luận nổi tiếng “Hãy
Cảnh Giác Với Bắc Triều”:
“Tôi
viết bài này khi đang bị kìm kẹp trong vòng nghiệt ngã của các
lực lượng bảo thủ và tay sai cho Bắc Triều. Biết rằng, bài viết
này không làm cho hào quang lấp lánh trên đầu tôi mà trái lại,
càng đẩy tôi sâu thêm vào vòng nguy hiểm. Ngay như đối với một
công thần của cách mạng, mà họ còn ngang nhiên tuyên bố xanh rờn:
‘... Sẵn sàng hy sinh Hoàng Minh Chính để bảo vệ chế độ’. Huống
chi tôi chỉ là con tốt đen dễ dàng bị biến thành vật tế thần cho
bàn thờ Bắc Triều. Dẫu sao trước hiểm hoạ khôn lường của tồn vong
đất nước, tôi đâu dám nề hà xả thân, bởi tôi tâm niệm câu nói của
Hàn Phi Tử:
‘Nước mất, mà không biết là bất tri.
Biết mà không lo liệu, là bất trung.
Lo
liệu, mà không liều chết là bất dũng.’
Chỉ mong sao tấc lòng nhỏ mọn này, được
lương tri dân tộc trong và ngoài nước soi thấu, và hết lòng, hết
sức chỉ giáo.”
(01/10/2001).
Rất mong rằng trong dịp nhớ lại thảm
hoạ CCRĐ, “lương tri dân tộc trong và ngoài nước”, nhất là lương
tri giới trẻ nhận thức rõ rằng chế độ độc tài đảng trị mà còn thì
những thảm hoạ tương tự vẫn sẽ còn tiếp tục, vì tập đoàn thống
trị cộng sản không tôn trọng con người, không tôn trọng sinh mạng
và quyền tự do của con người, không tôn trọng luật pháp mà chỉ
coi trọng quyền lực của họ là tối thượng mà thôi. Nhắc lại thảm
hoạ CCRĐ, chúng tôi rất mong mọi người, nhất là giới trẻ noi
gương Lê Chí Quang, thêm quyết tâm tranh đấu sớm xoá bỏ chế độ
độc tài nhằm chuyển hoá đất nước ta thành một xã hội dân chủ đích
thực, tạo điều kiện cho sự phát triển và phồn vinh của Tổ quốc
chúng ta.
15/12/2002
Nguyễn Minh Cần
Tác giả chú thích:
Những chữ viết tắt trong bài:
[acronyms used in this article]
BCT: Bộ Chính Trị
[Politburo]
BCT TW: Bộ Chính Trị Trung ương
[Central Politburo]
BCT TW ĐLĐVN: Bộ Chính Trị Trung ương Đảng
Lao Động Việt Nam [Central
Committee Politburo of the Communist Party of Vietnam]
CCRĐ: Cải Cách Ruộng Đất
[Land Reform]
ĐCSVN: Đảng Cộng Sản Việt Nam
[Communist Party of Vietnam]
TW ĐCSVN:
Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam
[Central Committee of the Communist
Party of Vietnam]
UBCCRĐTW: Ủy Ban Cải Cách Ruộng Đất Trung Ương
[Central Land Reform
Committee]
VNDCCH:
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa
[Democratic Republic of Vietnam].
Phụ
Lục
Bản Anh ngữ
Dịch: tkd
Perhaps
some of you might blame me: talking about something so sad at the
beginning of the year. Please forgive me! But this is something
that cannot go unmentioned! It is just as horrifying as the
events of the Tet Offensive (1968). Yet, we still have to
reluctantly mention the Tet Offensive during the Tet holiday!
It is necessary to mention the
countless tragedies, the national disasters that have passed and
are currently ongoing under the ruling regime of the Communist
Party of Vietnam (CPV), so that patriots can commemorate and
honor the innocent souls who have fallen, to remember the
countless victims who endured torture and suffered endlessly, to
recall the atrocities committed by an authoritarian party in the
past and present, and for everyone to forge the determination to
struggle for the democratization of our country. This is truly a
crucial task! Furthermore, today the ruling conglomerate is
attempting to distort history, trying every means to make our
nation forget their heinous crimes, especially so that the new
generations grow up unaware of these crimes and the true
identities of the criminals!
The issue I want to talk about today is
the Land Reform Campaign (CCRĐ) full of horror in Northern
Vietnam, a terrible catastrophe unprecedented in the nation’s
history. The Land Reform Campaign actually began in 1953, exactly
50 years ago, and ended in 1956. However, its aftermath and
consequences have persisted to this day. Back then, the Land
Reform Campaign was like a fierce storm that descended upon
Northern Vietnam, causing immense devastation, upheaval beyond
imagination, countless tragedies, and immense suffering for the
innocent people.
Where did that terrifying storm come
from that swept into this land of sorrow? It all started during
Ho Chi Minh’s secret trip from the Viet Bac base (at the end of
1950) to Moscow (early 1951), where he met with Stalin and Mao
Zedong (who was present in Moscow at the time). Both of them
commented that the Vietnamese Party underestimated the task of
counter–revolution (meaning they were too lenient), and they
ordered the execution of a counter–revolutionary land reform to
“nurture revolutionary enthusiasm among the peasant laborers,”
specifically implementing the Land Reform Campaign in the
so–called “liberated” regions.
Upon returning to Vietnam, Ho Chi Minh,
along with the Central Committee (later the Politburo) of the
Communist Party, spent two years secretly and actively preparing
for the Land Reform Campaign. They prepared ideologically, in
terms of policies, strategies, and organization. According to
Stalin’s directive, China would assist Vietnam, so Ho Chi Minh
invited Chinese advisory delegations to Northern Vietnam – with
the chief advisor being La Quy Ba, who was also Beijing’s
ambassador to the Democratic Republic of Vietnam (DRV). Vi Quoc
Thanh led the military advisory delegation, and heading the Land
Reform Campaign advisory delegation was Qiu Xiaoguang, who was
the deputy secretary of the Guangxi Provincial Party Committee.
This is not to mention various other
advisors, such as political instructors, police advisors,
organizational advisors, and propaganda advisors...
In 1952, to prepare ideologically for
party officials, party members, and the military, the Central
Political Bureau (CPB) of the Party carried out a “rectification
campaign” within the Party and a “rectification of the armed
forces” within the military, following the model of the Chinese
Communist Party’s “rectification campaign,” differing only
slightly in name. In terms of organization preparation, the CPB
established the Central Committee for Land Reform (CCLRCC),
chaired by Truong Chinh, the General Secretary of the Viet Minh
League for Independence (VLVN), with two vice chairs, Hoang Quoc
Viet and Le Van Luong, both members of the CPB. The standing
member was Ho Viet Thang, a member of the Party Central
Committee. Under the CCLRCC were Land Reform Campaign (CCLR)
teams, and under these teams were CCLR squads. A formidable force
was assembled to conduct a “campaign” against the feudal regime!
The Communist Party views the Land
Reform Campaign (CCRĐ) as “a revolutionary cataclysm,” thus it
was necessary to “unleash the masses” to carry it out, meaning to
do so with utmost intensity, ruthlessness, without compromise or
mercy, even if actions were overly extreme or excessive. Many
communist leaders often emphasize that the Communist Party, being
a revolutionary party, must carry out the Land Reform Campaign in
a “revolutionary spirit,” as “a revolutionary cataclysm!” They
disdainfully criticize peaceful land reforms in many countries as
feudalistic reforms, bourgeois and counter–revolutionary: because
in those countries, the government sets a maximum limit of land
ownership for landlords, and excess land is purchased by the
state to redistribute to those with less or no land.
As for explaining the somewhat
difficult–to–understand phrase “unleash the masses,” Ho Chi Minh
used a simple analogy: when bending a bamboo stick, you have to
bend it a little too much and hold it for a while, then release
it for it to straighten properly. It seems he also enjoyed this
humorous way of explaining, not realizing that the spirit of
“bending it a little too much” would later become a great
calamity for the people!
The teams, the squads of the Land
Reform Campaign (CCRĐ), were sent out to the countryside. They
roamed almost unchecked, feeling they wielded absolute power over
life and death. Their superiors “unleashed” them, and they
themselves also “unleashed”... Thus, there’s a saying among the
people: “first the teams, second the heavens,” and these “team
leaders” especially liked hearing that! I remember one time,
Major General Vuong Thua Vu, chairman of the City Administration
Committee in Hanoi, visited his home in To Village (Thanh Oai),
on the outskirts of Hanoi. He was detained by a CCRĐ team along
with his bodyguard and his car, despite all his pleas. Later,
through a chance incident, the Hanoi authorities found out and
only then released him. Even a high–ranking figure of the regime
could be treated like this, showing how the common people were
oppressed!
In
1952, the Central Committee of the Vietnamese Workers’ Party
(VLVN), which had adopted its new name in 1951, decided to pilot
the Land Reform Campaign (CCRĐ) in six communes of Dai Tu
district, Thai Nguyen province. During this trial, a shocking
event occurred: the CCRĐ court sentenced Nguyen Thi Nam, also
known as Cat Thanh Long, to death. She was a person who had
previously hidden, fed, and supported leaders such as Truong
Chinh, Hoang Quoc Viet, Le Duc Tho, Pham Van Dong, Le Thanh Nghi,
Le Gian... During the Golden Week, her family had donated 100
taels of gold to the new government. She had been active in the
Women’s Union and had a son who served as a regiment commander in
the army. Despite this, she was labeled as a ruthless landlord
and sentenced to death by the CCRĐ team, approved by the Central
Committee for Land Reform and endorsed by the Central Committee
of the VLVN! The communist leaders in the Central Committee and
the heads of government who had once been sheltered, fed, and
gifted gold by her, now serving as President, General Secretary,
CPB Member, Prime Minister, and Deputy Prime Minister, coldly
endorsed such a death sentence! The first shot of the Land Reform
Campaign was fired at the head of a patriotic woman who had once
helped the communists! That shot itself spoke volumes about the
communist leaders! It foreshadowed immense tragedies for the
entire nation!
In 1953, which marked the beginning of
the implementation of the Land Reform Campaign (CCRĐ), the
Communist Party of Vietnam (ĐCS) prepared the entire strategy,
policies, and “legalization” of party policies through
resolutions of the National Assembly, decrees and resolutions of
the Government, and circulars from various ministries. Based on
official documents of the Communist Party, I would like to record
the painful historical milestones of our nation during this
bloody and tearful Land Reform Campaign:
– Late January 1953: The fourth plenum
of the Central Committee of the Vietnamese Workers’ Party (ĐLĐVN)
convened to approve the draft party guidelines on land policies.
At the conference, Ho Chi Minh presented a report outlining the
task of thoroughly reducing landlords and advancing towards the
Land Reform Campaign (CCRĐ).
Early March 1953: The Government
Council convened to discuss Deputy Prime Minister Pham Van Dong’s
report on the purpose, principles, and plans for mobilizing the
masses. The Government Council passed documents regarding land
policies and mobilizing the masses, effectively “legislating” the
resolutions of the Party Central Committee.
March 1–5, 1953: Nhan Dan newspaper
published an article “Rectifying party branches” by Le Van Luong,
Politburo member of the VLVN, and head of the Central
Organization Committee directly responsible for organizing the
Rectification Campaign within the Land Reform Campaign. On March
16, 1953, the DRV Government issued a directive on rectifying
grassroots authorities through mobilizing the masses. These were
guidelines to integrate the organizational rectification into the
Land Reform Campaign, with the spirit of “not relying on
(actually hitting – the writer) old organizations but
establishing new ones” in the countryside.
– April 12, 1953: The DRV Government
issued three decrees:
1. Decree outlining land policies,
including the confiscation, public auction, and redistribution of
land to farmers;
2. Decree stipulating the establishment
of People’s Courts in areas where mass mobilization was
initiated;
3.
Decree specifying measures to punish landlords in areas where the
Land Reform Campaign (CCRĐ) was carried out.
June 1, 1953: Nhan Dan newspaper
published an article about the Land Reform Program (CCRĐ).
– June 1953: The Vietnamese Workers’
Party (ĐLĐVN) organized what was called a “political
rectification campaign” to elevate class consciousness among
party members in the struggle of the Land Reform Campaign (CCRĐ).
November 14, 1953: The fifth plenum of
the Central Committee and the national conference of the ĐLĐVN
convened to decide on proceeding with the Land Reform Campaign.
Ho Chi Minh emphasized in his speech at the conference the
necessity to “unleash and mobilize the masses to carry out the
Land Reform Campaign”.
December 1–4, 1953: The third session
of the First National Assembly, where President Ho Chi Minh
presented the report “Current Situation and Tasks of the Land
Reform Campaign”. On December 4, 1953, the National Assembly
unanimously passed the Land Reform Law. Subsequently, President
Ho Chi Minh issued a decree promulgating the Land Reform Law
passed by the National Assembly.
From then on, the Land Reform Campaign
(CCRĐ) began, with the first phase conducted in 47 communes of
Thai Nguyen province and 6 communes of Thanh Hoa province, then
spreading throughout the northern region, excluding mountainous
areas. The fifth phase was the final phase, mostly taking place
in the Red River Delta communes and areas previously occupied by
the French. Fortunately for the people in the mountainous
regions, the Vietnamese Workers’ Party (ĐLĐVN) policy dictated
that after completing the CCRĐ in the delta regions, reforms
would only be conducted in the mountainous areas. Due to intense
public outrage, numerous peasant uprisings erupted in Quynh Luu,
Phat Diem, prompting the ĐLĐVN to implement what was called
“democratic reforms” in the mountainous regions, meaning they
aimed to eliminate local feudal forces (known as “phìa tạo”)
without excessive violence to avoid causing the population to
flee to China or Laos. In Vinh Linh district, Quang Tri province,
located near the demarcation line and bordering the Republic of
Vietnam, the approach was more stringent to prevent adverse
effects on the South.
– September 1956: The 10th Congress of
the Vietnam Workers’ Party (VWP) reviewed the situation of the
Land Reform Campaign (CCRĐ). Influenced by the 20th Congress of
the Communist Party of the Soviet Union, which exposed Stalin’s
crimes, and due to dissatisfaction among the people, as well as
strong reactions from party cadres, the VWP had to admit serious
errors in the Land Reform Campaign and proposed corrections. At
this congress, disciplinary actions were taken as follows: Trường
Chinh was removed from the position of General Secretary and
remained as a member of the Central Committee (BCT); Hoàng Quốc
Việt and Lê Văn Lương were also removed from the Central
Committee; Hồ Viết Thắng was expelled from the VWP Central
Committee. Hồ Chí Minh continued to serve as Chairman while Lê
Duẩn became the Secretary of the Central Committee, serving as
its standing member.
– October 29, 1956: A large rally was
held at the Hanoi Opera House, where General Võ Nguyên Giáp, on
behalf of Chairman Hồ Chí Minh and the VWP Central Committee,
officially acknowledged the serious mistakes in the Land Reform
Campaign. It should be clarified that some people inaccurately
claimed the rally took place at Hàng Đẫy Stadium and that Hồ Chí
Minh attended and wept before the people. I know for certain that
the event was organized at the Hanoi Opera House. At that time,
we were told, “It was inconvenient for Uncle to come,” but we all
understood that Hồ Chí Minh wanted to put General Giáp forward to
bear the responsibility in his place, so there was no instance of
Hồ Chí Minh crying before the people.
In exile, there have been some
documents discussing the atrocities and abuses during the Land
Reform Campaign (CCRĐ). The earliest comprehensive work on this
topic was “From Colonialism to Communism” by Hoàng Văn Chí,
published in 1964 in English. However, within the country, there
hasn’t been a serious academic work or a novel specifically
addressing the topic of CCRĐ. Why is that? It’s easy to
understand that after being forced to admit the mistakes of the
Land Reform Campaign, the Central Committee of the Party issued
an absolute verbal order prohibiting any discussion of this
topic. The first person to “violate” this sacred taboo was the
writer Hà Minh Tuân – he lightly touched upon this forbidden
topic in his work “Into Life”. Immediately, Nguyễn Chí Thanh
loudly proclaimed it as “feudal ideology raising its head”, and
he was persecuted throughout the country. Since then, everyone
remained silent, “protecting their own hats” (a common phrase at
that time meaning to protect one’s own head). Only much later did
a few writers cautiously approach this topic. Hopefully, in the
future, more domestic writers and researchers will overcome the
fear of “ancestral transmission” and dare to seriously and
comprehensively address this painful topic.
If discussing the atrocities of the
Land Reform Campaign, in my opinion, it’s important to highlight
the following main types:
Firstly, the crime of indiscriminate
slaughter of innocent civilians – crimes against humanity.
The peaceful and simple Vietnamese
farmers who were earning their livelihood and wholeheartedly
contributing to the resistance against the French suddenly faced
a deadly blow from the Communist Party. The Communist Party
claimed that the Land Reform Campaign was a revolutionary
movement to fulfill the eternal dream of farmers: “those who till
the land shall own the land,” but in reality, it was not so. In
reality, the farmers were struck down! The most dynamic and
successful peasants in the countryside were labeled as landlords,
rich peasants, and even cruel tyrants, completely cutting off
their means of survival. A whole cadre of rural officials who had
endured hardships while leading the resistance and engaging in
production were suddenly branded as reactionary, spies, traitors,
and were severely punished; many were brutally shot and killed.
Even many middle and poor peasants were “stirred up” to become
landlords to meet the arbitrary quota of 5% landlords (compared
to the village population!), and they had to endure the fate that
the Communist Party reserved for landlords. This strange 5% quota
was accompanied by other absurd “conclusions”: where there were
landlords, there must be cruel tyrants! Thus, the people suffered
and died unjustly! Countless hidden injustices cannot be fully
recounted. The motto “better wrong than missing out,” combined
with the competition to “achieve achievements in fighting the
feudal regime,” led to a situation of “stirring up the elements”
and “rushing to achieve results,” trying to find more landlords,
reactionaries, and executing many cruel tyrants... all to earn
praise, medals, and climb higher positions... which multiplied
the suffering of the people many times over! These are just a few
examples.
My
friend who worked on the Land Reform Campaign (CCRĐ) in Zone 4
recounted: In Zone 4, everyone knew the names Chu Van Bien, the
Party Secretary of the Zone, and Dang Thi, the Deputy Party
Secretary, notorious figures known for their harsh methods in the
Land Reform Campaign. They were both heads of the CCRĐ
delegation. In local folklore, there was even a verse that went,
“Famous for killing, that guy Chu Bien.”
My friend told a story about Dang Thi
signing two death sentences on the handlebars (guidon) of a
bicycle! Here’s how the story goes:
A team was assigned to carry out the
Land Reform Campaign in a poor commune in Nghe An, the homeland
of Ho Chi Minh and Ho Viet Thang. They searched extensively but
couldn’t identify anyone as a landlord (anyone who has been to
this province knows the general poverty of the people here). Dang
Thi “adjusted his mindset,” instructing that there must be 5%
landlords as advised by the Chinese advisors. Worried about their
performance, they calculated that they needed to find five
landlords from the entire village population.
Thinking they had completed the task,
they reported back to Dang Thi. To their surprise, when Dang Thi
glanced over, he didn’t see the list “on the table.” Annoyed, Thí
then gave the team a stern warning.
“Having landlords but not shooting any
of them, huh?” and threw the whole document into the team
leader’s face.
Finally, the team managed to identify
“two landlords to shoot,” hastily ran to report to the
delegation. On the way, they met Dang Thi riding a bicycle. The
team leader handed over the report and the list of two to be
shot. Thi, still in a hurry and sitting on the bike saddle,
didn’t bother to read through the content, placed the “request to
shoot two people” on the handlebar of the bicycle, quickly opened
the bag, took out a pen and signed it straight away. Thi then
pedaled away.
A colleague working at the Vietnam Academy of Science who
participated in the Land Reform Campaign recounted this tragic
story: The team, where his friend had legs, returned to a poor
village in Thai Binh, unable to find enough landlords and
couldn’t find any cruel landlords to shoot either. They were very
worried. So they put a duck herder on the list to be shot! It’s
the same in every village. Those who “herd ducks” (raise
ducklings) are never liked by the villagers because they lead the
ducklings to eat the villagers’ rice. Yet they often speak loudly
and argue back, causing trouble. Thus, “all elements of the crime
were present,” including the offense of being “hated bitterly by
the villagers.” The landlords exploited the rice of the farmers,
and since they couldn’t shoot the ducks, their owners had to bear
the consequences! Everyone was cheerful. My friend knew it was
wrong but dared not speak out once the Party’s “meat grinder” had
started rolling!
Until now, no one knows how many people
were falsely accused, falsely imprisoned, and falsely killed
because the Communist Party has kept it a secret. The numbers
that many people mention are just estimates. At the end of 1956,
when I was entrusted by the Hanoi City Party Committee to rectify
the errors of the Land Reform Campaign in the suburbs of Hanoi.
Due to the importance of this task in the capital, General Vo
Nguyen Giap was assigned by the Central Committee to assist in
correcting the errors in Hanoi. Therefore, I occasionally went to
Mr. Giap’s house to work. Sometimes we also discussed general
issues together. One day I asked him directly: how many people
were wrongly accused in the Land Reform Campaign? Giap said
twenty thousand. At that time, I didn’t dare to ask more
specifically – how many were wrongly killed, because I knew I had
touched on the Party’s most taboo issue. Until now, I don’t know
if the number Giap told me is true or not, but that day he
answered me promptly, without hesitation, so I somewhat believed
it. As for the number of people executed in the Land Reform
Campaign and the Rectification Movement, I estimate it to be
around five to six thousand people. This doesn’t include many
others who died for various reasons, such as suicide before
trial, deaths during investigations or in detention centers in
communes, deaths in prisons, deaths of landlords’ family members
due to siege–induced starvation, etc. At the mass rally on the
evening of October 29, 1956, General Vo Nguyen Giap mentioned
that only twelve thousand cadres and party members had been
released! Whether that number is accurate, who can really know!
In conclusion, the exact numbers of people who perished in the
Land Reform Campaign have yet to be determined. Nevertheless, the
estimated figures already indicate that this was an enormous
crime. This crime is indeed a crime against humanity.
As for “rectification”, it was mainly a
“smoke screen” to somewhat alleviate the intense injustice felt
by the people and to avoid unfavorable uprisings against the
Party. We have personally been involved in rectification work, so
we know quite well. Many mistakes cannot be “rectified”. Shooting
and killing people, inflicting physical torment, causing
psychological damage (many people went insane, lost their minds,
or became mentally disturbed), tearing families apart... only
Heaven can rectify such things! Even for seemingly less difficult
issues to rectify, they often prove impossible to fix. For
example, when families were wrongly accused of being landlords
and their homes were confiscated and divided among several
peasant households, if later found innocent, they were supposed
to return the homes to the original owners. However, upon
learning they had to return the homes, many peasant families
would tear down walls, doors, roofs, strip everything bare, and
hide or destroy it all, essentially demolishing the house beyond
recognition. So the returned homes were nowhere near intact as
before. As for other “real consequences” once distributed, how
could those be rectified? The rice and crops were consumed or
sold (or claimed to be), agricultural tools were dispersed or
reported damaged beyond use, so what could be returned to people?
Not to mention the emotional relationships that were damaged
between spouses, siblings, relatives, teachers and students,
neighbors; those couldn’t be repaired beyond vague advice. The
only effective aspect of rectification was granting freedom to
those wrongly imprisoned. Restoring positions to some officials
who had been unjustly accused has also been attempted, but it’s
complicated due to the complex relationships between new and old
officials.
I
would like to add that during the 10th Congress of the Communist
Party of Vietnam in September 1956, the Party was forced to admit
serious mistakes in the Rectification of Conduct in Revolutionary
Activities (CCRĐ). They partly blamed lower levels for incorrect
implementation, but the Party Central Committee (TW Đảng) did not
rigorously self–criticize; they still considered “the Party line
fundamentally correct”, attributing failures only to “incorrect
organizational implementation”. They insisted: despite errors in
the CCRĐ, “fundamentally, significant victories were still
achieved”. This reveals their deception, rationalization, and
insincere remorse. In such a situation, how could the Party
rectify its mistakes?
The so–called disciplinary measures
against the leaders of the CCRĐ were also just a farce, a “show
of severity with a light touch” to deceive public opinion. Trường
Chinh lost his position as General Secretary but remained a
member of the Politburo (Ủy Viên BCT), moving to the position of
Chairman of the National Assembly, still in charge of ideological
work. He and Tố Hữu orchestrated the severe repression of
outstanding intellectuals who yearned for freedom under the Nhân
Văn – Giai Phẩm affair, leading to the imprisonment and
suppression of many talented artists for decades, dealing a heavy
blow to the literary scene in the North that remained stunted for
many decades.
Hoàng Quốc Việt (one of the most notorious figures not only in
the CCRĐ but also in many previous incidents, for example, the
H122 incident during the resistance against the French, where he
was responsible for handling the case, resulting in the
imprisonment of many military officers and the wrongful death of
many) was removed from the Politburo (BCT) but then appointed as
the Director of the Supreme People’s Procuracy, a position with
authority over life and death.
Lê Văn Lương, responsible for the
Rectification of Party organizations which led to the wrongful
killing and imprisonment of many party members in communes, was
expelled from the Politburo but later reinstated as the Secretary
of the Hanoi Party Committee. Meanwhile, Hồ Viết Thắng, who was
expelled from the Central Committee, was later appointed as a
Standing Member of the State Planning Committee!
On the contrary, those outside the
Party who dare to express their opinions frankly to the Communist
Party of Vietnam (ĐCS), even in a gentle manner, like the case of
Lawyer Nguyễn Mạnh Tường delivering a lecture at the Fatherland
Front conference criticizing the Rectification campaign and
proposing reasonable suggestions, were harshly suppressed by the
Party, driving them to utter despair until death! And one might
ask, has the Party ever truly repented for its mistakes and
crimes?
Far
from repenting, up to this day, the ĐCS still claims that the
Rectification campaign achieved great success: “fulfilling the
millennium dream” of farmers – returning land to the tillers.
This is a blatant deception. Because the land distributed to
farmers included a significant portion belonging to those
wrongfully accused, which had to be returned after corrections
were made. For the remaining land still in the hands of farmers,
in 1957–1958, the ĐCS began coercing them into collective
cooperatives, meaning they no longer owned their land!
Furthermore, ultimately, “returning land to the tillers” was not
the primary concern or ultimate goal of the Party.
Therefore, when amending the
Constitution after the reunification of the country, through a
new provision in the Constitution, the Party subtly nationalized
all land throughout the country! How then can it be said that the
Party “returned land to the tillers”! Indeed, the farmers
suffered so much in the end, gaining nothing but grief and
sorrow!
Secondly, the crime of destroying the cherished traditions of our
nation spanning thousands of years.
The tradition of harmony, compassion,
and mutual support in Vietnamese rural areas, built over
thousands of years, was shattered by the Communist Party within
just three to four years of the Rectification campaign. Anyone
who lived in rural Vietnam before the revolution, before the
Rectification campaign, could feel the spirit of “mutual support”
and “helping each other in times of need,” which was quite strong
in interpersonal relationships. Of course, no one denies that
there were exploiters in villages, but this collective spirit was
prevalent in our rural areas. With the policy of “class
differentiation,” the Communist Party categorized rural residents
into poor peasants, middle peasants (with sub–categories of weak,
moderate, and strong middle peasants), rich peasants (including
ordinary rich peasants and landlords – this was an initiative of
the enforcers to easily “incite” them to become landlords,
although not officially classified as such), and landlords
(including types such as patriotic and anti–French resistance
landlords, ordinary landlords, ruthless and villainous landlords,
and reactionary landlords). The categorization seemed very
“scientific,” but in practice, it was all subjective and driven
by the needs of the “team” (when they needed to meet quotas of
landlords to be arrested, including villains and reactionaries to
be executed, they would “incite” them to fit the criteria), and
by the subjective desires of the “team leaders” (sometimes these
desires were very arbitrary, such as if they perceived defiance
from the accused, they would “incite” them out of spite). In
principle, to determine one’s class status, they had to be
“tortured” and “accused,” and their social status had to be
“lined up.” The method of instigating and pressuring people to
inform on each other was widespread in the Rectification
campaign, leading to division and mutual animosity among the
people.
There
were also many people initially unwilling to “accuse” anyone
because they didn’t want to go against their conscience. However,
those who refused to “accuse” were viewed by the Rectification
teams as not resolute enough, having “connections,” etc.
Eventually, everyone participated in accusing each other to save
their own lives. This was the majority.
But there were also quite a few
individuals who, out of personal grudges or to seek personal
gain, falsely accused others, made up stories, to climb up and
become “roots” and “backbones,” to become officials, in order to
receive more “benefits.” Often, these people were poor due to
laziness, alcohol, gambling, or were outright ruffians. Yet, the
teams often regarded them as poor peasants to rely on, to
manipulate, to utilize... to fulfill the team’s tasks. Another
strange thing to mention is: every accusation by peasants
required no evidence whatsoever; moreover, all their accusations
were treated as evidence and recorded in criminal records! No
need for any verification at all! The prevailing “theory” back
then was “trust the masses,” “what the peasant laborers say is
correct.” So, no one could argue against it anymore!
Therefore, when the Rectification teams
needed to “target” the secretaries or chairmen of the Resistance
Committees in previously occupied areas, now deemed defunct
organizations, if someone “accused” them of being members of the
Nationalist Party, they would immediately be “listed” as
“Nationalist Party secretaries.” Such an accusation could lead to
a death sentence! A peasant “accused” someone who was “prompted”
to be a landlord as saying, “During the resistance, when enemy
planes came, I saw him looking up at the sky and pointing at
something,” and immediately he was branded as a “spy,” sealing
his fate! It may be difficult for the younger generation,
especially those living in advanced democratic countries, to
believe such stories could have happened. Unfortunately, this
bitter truth did occur in our country’s history!
In summary, the Rectification Campaign
severely divided the rural community internally, turning villages
and neighborhoods upside down! When the Party Central Committee
declared rectification, the rural situation became extremely
chaotic: incidents of brawls, stabbings, revenge between those
falsely accused and those who made false accusations, between
those whose properties were confiscated and those who benefited
from “fruits,” between old officials convicted of
counterrevolutionary activities and new officials “promoted”
during the Rectification Campaign... The precious legacy left by
our ancestors of solidarity and harmony among the rural people in
the North was destroyed from the days of the Rectification
Campaign. Surely, this must be considered a crime.
Thirdly. The crime of destroying the
moral principles and norms of the nation.
In the history of the Vietnamese
people, never has morality been so grotesquely twisted as during
the Rectification Campaign.
The Rectification teams spared no
effort to “find landlords,” “find reactionaries,” “find hidden
enemies.” They forced children to “accuse” their parents,
daughters–in–law to “accuse” their fathers–in–law, sons–in–law to
“accuse” their mothers–in–law, wives to “accuse” their husbands,
siblings to “accuse” each other, students to “accuse” their
teachers, beneficiaries to “accuse” their benefactors, neighbors
to “accuse” each other! (There were even cases where parents
reluctantly advised their children to “accuse” them in hopes of
saving their lives). It was truly a terrifying tragedy!
Those accused of being landlords were
immediately stripped of all human rights, humiliated, and
trampled upon. They had to change how they addressed peasants,
bowing respectfully and saying “to the farmers,” referring to
themselves as “child” in front of peasants, even if they were
just young children. Meanwhile, peasants freely called them “that
guy,” “that woman,” “you,” “they,” and referred to themselves as
“me,” “us,” even resorting to insults and mockery. No one dared
to defy this “new order”—the teams proclaimed that only by
treating peasants in this manner could they “elevate the status
of peasants” and “overthrow the landlord class”! Failure to
comply meant “defending the landlords,” “losing class stance,”
even being “associated with landlords”! Even a child could insult
and humiliate those accused of being landlords. These
individuals, regardless of their rank within their clan, were
ostracized by their extended families to avoid being
“associated.” When executing someone sentenced to death, their
loved ones, from the elderly to young children, were forced to
witness the scene firsthand! It was truly an inhumane form of
psychological terrorism!
Another heartbreaking situation is that
many families in rural areas (and also in cities connected to
rural areas) have broken apart. When one of the spouses is
categorized (or elevated) as a landlord, accused of being a
reactionary, the other spouse, whether the wife or husband,
fearing implication, often chooses to separate. Many people have
started new families, with or without children, with new spouses.
Later on, realizing the mistake, those who were imprisoned and
have now returned create so many complications that the Ministry
of Justice of the DRVN had to issue a decree on April 19, 1956,
to “resolve divorce cases.” It’s truly ironic that they believed
they could mend the deeply wounded family bonds with a soulless
decree from the Ministry of Justice! Romantic relationships
between men and women were similarly severely violated—to
maintain their class stance, everyone had to sever ties with
loved ones who were classified as landlords or reactionaries!
This also reflects a moral aspect that
needs to be addressed. Never before has blatant deceit been so
highly regarded as during the CCRĐ. There’s no need to mention
how “team leaders” falsified reports to their units, as that was
all too common. What needs to be highlighted here is how people
were coerced and encouraged to lie and deceive. Gradually, even
the farmers felt compelled to lie and deceive to “get through the
CCRĐ ordeal.” They also “accused falsely,” even though deep down
they knew they were lying and fabricating accusations. Some tried
to maintain their integrity, but they often paid a high price for
it. Thus, the epidemic of deceit spread unchecked. The teams also
taught farmers to become accustomed to deception, for instance,
instructing them that when they saw a landlord’s image on screen,
they must shout “down with landlords” or throw stones at the
image to express their resentment. And so, the farmers followed
suit. Of course, this phenomenon also involves the “mob
mentality,” where people act as if caught up in a collective
frenzy. For example, every time the Chinese film “The
White–Haired Girl” was screened, many people would cry loudly,
and when the image of a landlord appeared, they would angrily
throw stones at the screen. Because of this, theater actors often
refused to take the stage to play the role of a landlord for fear
of being injured or worse.
The policy of the Central Committee of
the CCRĐ is that in the struggle against the ruthless landlords,
especially the most tyrannical ones, thorough preparations must
be made to ensure the “arena” is flawless. Thus, before the
showdown, every “root,” “chain,” people’s militia, police,
courts, delegation chairman... all must “rehearse” realistically.
Who goes “into battle” first, who goes later, how accusations are
made, what accusations are leveled, how to provoke, what to say,
when the accused should display emotional distress and weep, when
the people must shout “down with landlords” (when the accused
refuses to confess...), when to force the landlord to kneel
(kneeling symbolizing “being defeated”!), when to “cheer” (when
the court sentences to death, confiscates property...).
Delegation chairmen for major battles
are often “roots,” “chains,” newly trained cadres within a few
months, awkward in speech, hesitant in command. So when they
enter the “arena,” the “team leaders” often sit behind them,
prompting like prompters in a theater! Sometimes, despite
reminders, if the delegation chairman falters, the “team leader”
grabs the microphone and takes control. In summary, it’s a drama,
a farcical and blatant deception, without any sense of shame! But
the real danger is that this deceit seeps into the subconscious
of officials and the people, creating a deceitful and unethical
way of life for many.
Fourthly. The crime of destroying the
spiritual traditions and culture of the nation.
Through the CCRĐ campaign, the
Communist Party intentionally suppressed the religions and
spiritual traditions of the people. Before CCRĐ, churches,
monasteries, orphanages... all had their own fields, temples had
post–fields provided by believers for temple offerings, ancestral
temples had clan fields... to maintain and renovate the churches,
temples, ancestral temples, perform annual rituals, charitable
activities, etc., and to support priests, monks, nuns, and those
dedicated to caretaking and worship. Thanks to this, religious
activities, spirituality, and charitable work proceeded normally
without hindrance. However, with the CCRĐ policy of the Communist
Party, all these lands were categorically considered feudal lands
and were confiscated to be redistributed among farmers.
With that decisive blow, all churches,
monasteries, orphanages, temples, shrines, memorial houses,
ancestral temples, clan halls... all became desolate and
gradually declined. Regarding Catholic churches, due to the mass
exodus of believers to the South, the Party later had to leave
some land for the churches. They openly used religious facilities
for meetings, barracks, as cooperatives for trading, cooperative
production units, etc. In some places, Buddha statues were even
thrown into rivers. Many devout followers secretly rescued Buddha
statues, burying them or hiding them in secret chambers. Later,
most wooden statues were decayed, but a few were preserved and
returned to the temples in the 1980s. In summary, spiritual life
was completely eradicated. The words “kindness” and “humanity”
were not spoken for a long time, because mentioning “kindness”
and “humanity” amid rampant evil could be seen as an act of
opposition!
Meanwhile, violence was glorified, class struggle was encouraged,
injustice, inhumanity, and irreligiosity were promoted. A very
peculiar aspect of the CCRĐ, which the Communist Party considered
natural or necessary, was the frequent mobilization of children
from the age of 9–10 and up to participate in CCRĐ activities.
They were forced to carry frog drums to cheer, to participate in
“đả đảo” protests, to “hoan hô” (cheer), and to attend CCRĐ
trials and public executions. Many children, especially girls who
were naturally gentle, were forced to participate, unable to bear
it, trembling with fear and horror, some even fainting at the
terrifying scenes of gunfire and bloodshed. Meanwhile, children
with more aggressive tendencies enjoyed cheering, and some even
played games after “participating” in such scenes, forcing the
landlord’s children to kneel while the children of farmers
“fought,” taunting, insulting, and accusing them. It’s unclear if
anyone incited them, but such bizarre “games” occurred in many
places! When good was suppressed and evil was encouraged, it’s
not surprising that morality deteriorated and decayed under the
regime of the communists. I still remember during the
“liberalization” era, reading Tạ Duyên Anh’s short story “Bước
Qua Lời Nguyền” (Stepping Beyond the Curse) published in the
literary weekly “Văn Nghệ” (1989) in Hanoi, which partly
reflected the tragic plight of rural youth who grew up during and
after the horrifying CCRĐ period.
Not only did the CCRĐ strike a severe
blow to the ethical principles and humanistic traditions, but
also the national culture suffered significant damage because of
it. Many revered temples and shrines, as well as ancient cultural
artifacts such as stone steles, were destroyed during the CCRĐ.
The Communist Party concealed these incidents, but a few cases
can still be brought to light. I hope that those near and far,
both within and outside the country, will gather and contribute
additional information.
For instance, Mr. Nguyễn Mai
(1876–1954), the 14th generation descendant of the Nguyễn Tiên
Điền lineage and a descendant of the poet Nguyễn Du (1765–1820),
was referred to as an elder relative (bác). At the beginning of
1954, at the age of 78, he was classified as a landlord by the
CCRĐ teams and units (due to owning a few plots for cultivating
vegetables to sustain his livelihood), and additionally accused
of being a staunch feudal supporter (because he had obtained a
Bachelor’s degree in the Canh Tý year (1900) at the age of 24,
and later a Doctorate in the Giáp Thìn year (1904) at the age of
28). In reality, he never held any official title or position,
choosing instead to live a peaceful and secluded life.
He was detained and subjected to three
consecutive nights of trials, sentenced to 15 years of hard labor
imprisonment, and incarcerated at Đâng camp in Hà Tĩnh province,
an area with harsh conditions. Therefore, in that autumn season,
he succumbed to illness and passed away in prison, his body
buried on the forest edge.
The passing of Mr. Nghè Nguyễn Mai in
resentment is a great sorrow, but an even greater sorrow for the
nation is the unjust treatment he endured. The CCRĐ teams
destroyed many temples, stone steles, and shrines of the Nguyễn
Tiên Điền lineage. More gravely, they burned down a
five–compartment house full of precious documents of the Nguyễn
Tiên Điền lineage, including manuscripts of the poet Nguyễn Du.
Such a significant cultural loss cannot be compensated for!
(Refer to the book “Bể Dâu Trong Dòng Họ Nguyễn Du” by Đặng Cao
Ruyện, Publisher Miền Đông Hoa Kỳ, 2002, pp. 200–201).
There’s another story: During a
conference of officials summoned by the Party Central Committee
after the resolution to rectify the mistakes in the CCRĐ in
September 1956, I heard Mr. Cù Huy Cận, who was then the Deputy
Minister of Culture, mention in a team meeting that the stone
stele of Lê Lợi had been destroyed by the CCRĐ teams. The
Ministry of Culture urgently had to commission a new identical
stele and place it back in the original spot, ensuring absolute
secrecy so that no one would know it was a new stele! I couldn’t
verify this myself, but would the Deputy Minister of Culture lie?
As I have written before, even though
the CCRĐ issue is long past, it still needs to be discussed today
because the current leadership of the Communist Party is trying
to rewrite history. They employ writers to distort history to
absolve Ho Chi Minh and the Communist Party of Vietnam of their
responsibilities during the CCRĐ and many other matters.
It must be said fairly that before
1950, Mr. Hồ and the Communist Party of Vietnam (CPV) did not
mention the CCRĐ, only talked about land reform, and even then
only on paper and with little seriousness in implementation. It
was only from 1952 that the issues of land reform and the CCRĐ
were rigorously raised. Therefore, it can be said that the CCRĐ
was pressured by Stalin and Mao Zedong. However, when Mr. Hồ
accepted to carry out the CCRĐ, he and the CPV did so with trust
and enthusiasm. It could also be due to the psychological factor
of someone who had previously been viewed skeptically by Stalin
and the international Communist movement, even suspected and not
entrusted with long–term tasks, now being criticized for taking
lightly the task of revolutionary land reform, Mr. Hồ had to
demonstrate his steadfastness and determination.
Indeed, at that time, Mr. Hồ and the
CPV sincerely trusted Stalin and Mao Zedong. Otherwise, why would
he openly state at the Party cadre conference in 1950 in the Viet
Bac base area, in preparation for the second congress of the CPV
the following year, “You should know that: someone might be
wrong, but Comrade Stalin and Comrade Mao Zedong cannot be
wrong.” I was present at that conference, I heard it clearly, and
so did many others, but now they may not want to or dare not
mention it again.
At the 2nd Party Congress (March 1951),
Mr. Hồ reiterated exactly that, and Mr. Nguyễn Văn Trấn also
recounted this in his book “Writing for Mother and the National
Assembly”. Therefore, Mr. Hồ carried out the CCRĐ with clear
trust and enthusiasm. That’s why it’s not coincidental that Mr.
Vũ Đình Huỳnh, who was closest to him at that time, later
“asserted that the person primarily responsible for the mistakes
in the CCRĐ was Mr. Hồ Chí Minh, not Mr. Trường Chinh, as there
has been a mistaken belief for many years. Trường Chinh was a
scapegoat for Mr. Hồ’s mistakes” (see “Night in Broad Daylight”
by writer Vũ Thư Hiên).
In my opinion, it’s true that Mr. Hồ
should bear primary responsibility, as Mr. Vũ said, but Trường
Chinh is not a “scapegoat” in the sense of being unjustly accused
because he was both General Secretary and Chairman of the Central
Committee for Land Reform, overseeing all CCRĐ affairs at the
time. Therefore, if Trường Chinh is not the number one culprit,
he is certainly the number two. The point Mr. Vũ made, as I
understand it, is that during the 10th Party Conference
(September 1956), the Party did not touch on Hồ Chí Minh, did not
dare to mention his responsibility (because disciplining the
Party Chairman and State President... oh my, what else was left
for the CPV!) but instead put forward Trường Chinh and others to
“take the fall”.
Later on, among the close circles of
the ruling class, there were those who liked to spread stories
about Hồ Chí Minh not endorsing the CCRĐ policy, not supporting
the execution of Mrs. Nguyễn Thị Năm, not agreeing to the
restructuring of organizations within the CCRĐ, etc. However, in
the final analysis, those are just myths, no more and no less.
Those myths aim to deceive those who do not know the real
situation in the northern regions during the 1950s and subsequent
generations, aiming to absolve Hồ of guilt and uphold the
so–called “Hồ Chí Minh thought” as a lifebuoy for the communist
ruling group.
Hoàng Tùng, former editor–in–chief of Nhân Dân newspaper, former
General Secretary of the Communist Party of Vietnam, who worked
for many years in propaganda, etc., is one of those “experts” who
created legends of that kind. In his memoir “Memories of Uncle
Ho,” he recounted Ho Chi Minh’s attitude towards the execution of
Mrs. Nguyễn Thị Năm as follows: “At a Politburo meeting, Uncle Ho
said: ‘I agree that those who are guilty must be punished, but I
believe it’s not right if the first shot is fired at a woman,
especially when she also supported the revolution. The French say
one shouldn’t strike a woman, even if it’s just with a flower
branch.” After repeated suggestions from Chinese advisor La Quý
Ba, Uncle Ho said: ‘Alright, I’ll go with the majority, but I
still think it’s not right.’ And they proceeded accordingly.”
(See “Diễn Đàn Forum” in Paris, Number 123/11/2002, Page 15).
When telling this story, Hoàng Tùng
deliberately overlooked several very important historical facts:
1. In the first half of the 1950s, Ho
Chi Minh’s authority within the Party was absolute. Once he
spoke, nobody, including members of the Politburo, dared to
oppose him entirely.
2. All members of the Central
Committee, without exception, adhered strictly to their roles as
humble students, never daring to decide major policies without
his opinion, let alone against his will. During 1952–1953, there
could not have been a scenario of “I’ll go along with the
majority” and “And they proceeded accordingly”! If he truly had
the awareness that “one shouldn’t hit a woman, not even with a
flower branch,” a single shake of his head would have sufficed,
without the need for extensive words as Hoàng Tùng recounted.
Certainly, he would have saved Nguyen Thi Năm, not just her
alone! Furthermore, the term “they” in Hoàng Tùng’s phrase “And
they proceeded accordingly” is ambiguous: “They” refers to whom?
Members of the Politburo or advisors? Members of the Politburo
certainly not. As for advisors, they could indeed oppose the
President, the Party Chairman of Vietnam, but they couldn’t
compel him; they are only advisors without voting or
decision–making rights. Any agencies that worked with Communist
Chinese advisors back then understood this principle. Therefore,
it can be affirmed that in the case of Nguyen Thi Năm, Ho Chi
Minh indeed did not save her. Similarly, in later cases like the
Re–examination – Anti–Party case, he did not save Vũ Đình Huỳnh,
despite his clear knowledge of them.
Furthermore, a completely legitimate
question arises: over the span of three to four years, how could
Ho Chi Minh and the Central Committee not have known anything
about the calamities befalling the rural populace under their
governance? “Could it be that Ho Chi Minh, Trường Chinh, and
others in the Central Committee were unaware of the suffering of
their fellow countrymen in their homeland? Could it be that
within Ho Chi Minh’s inner circle and among the Central Committee
members, nobody dared to reflect the dire situation of the people
to them?” The resolute answer is: they all knew, but they all
remained silent! Silent to the extent that Vu Dinh Huynh, while
ill, once summoned the strength to confront President Ho, raising
a stick and boldly saying to his face: “The blood of our
compatriots, comrades, has been shed, and yet you sit idly by. We
may lack education, we may be ignorant, we must simultaneously
govern and build the government, and due to our ignorance, we
make many mistakes. But we have no right to let our hands be
stained with the blood of our compatriots, comrades!” (See “Night
in Broad Daylight”).
Hoàng Tùng also conveniently ignored
this harsh historical reality: Throughout the duration of the
Democratic Republic of Vietnam (DRV), Ho Chi Minh, as President,
never signed a pardon for anyone sentenced to death. Only after
the 20th Congress of the Communist Party of the Soviet Union and
particularly after the high–level Party conference (from April 28
to May 3, 1956), due to strong reactions from officials, was
there a temporary suspension of death sentences not yet carried
out. However, alas, by then... the DRV was nearing its end! At
that time, delegations and the Central Executive Committee of the
DRV were already preparing reports for the Party’s Central
Committee’s review conference (September 1956).
Even in the matter of restructuring
organizations within the DRV, Hoàng Tùng intentionally shifts
blame onto Communist Chinese advisors rather than attributing it
to Ho Chi Minh and the Communist Party of Vietnam (CPV). Tùng
writes: “Their theory did not rely on reforming existing
organizations but on completely restructuring some Party
organizations. They denied all other organizations, such as the
government and various associations. They disregarded those who
led the successful August Revolution and those who led the
resistance from 1945 to 1953. They ruthlessly dismissed everyone,
including several thousand people executed. Their purpose was not
the DRV’s reorganization but to strike at our Party. Luckily, by
1956, we managed to halt it (despite the severed heads, spilled
blood, and the DRV nearing its end, they claim it was ‘timely’! –
the author notes), otherwise everything would have been
completely destroyed.” Another passage states: “Taxing commerce
and industry, and reforming the old bourgeoisie were also
initiatives put forward by the Communist Chinese. The consequence
was over a million people migrating to the South. We blamed
France, America, which was partly true, but mostly it was our
rush, recklessness, and all–out assaults. It wasn’t just
landlords but also wealthy peasants, even middle peasants who
were targeted. Good Party members were also attacked. The outcome
of those policies and reforms at that time was as such.”
It’s true that the Chinese advisors
only had experience with land reform in Guangdong. When the Viet
Minh advanced southwards, there were hardly any organized
structures of the Communist Party, so many non–communists also
stepped forward to establish organizations and local governments.
Therefore, during land reform, the Chinese Communist Party
intentionally seized the opportunity to sweep away these existing
organizations and establish their own new ones. In northern
Vietnam, the situation was entirely different. It couldn’t be
molded according to the Guangdong experience. I don’t
particularly like the Chinese advisors, but I think we need to
objectively consider historical truth, rather than attributing
blame and accusations to them indiscriminately. Ho Chi Minh and
the Central Committee lived and worked in Vietnam, not children
to be influenced by whatever the Chinese advisors incited. It was
simply because they were intoxicated by the “class struggle”
position, intoxicated by Marxism–Leninism, Stalinism, Maoism...
during the collective hysteria, they were just as enthusiastic as
anyone else. I remember once reading Ho’s conversation with the
DRV officials in the “Land Reform” magazine (internal
circulation), where he modestly explained his position not to
rely on old organizations: “The old organization is a ‘rigid
frame,’ the sisters and brothers should not rely on it...” It was
a metaphor similar to the bamboo bending example mentioned
earlier! In 1962, discussing the “Selected Works of Ho Chi Minh”
with Nguyen Kien Giang, who was then the deputy director of the
Truth Publishing House, he recounted: “Compiling that collection
was exhausting; we had to review everything, how many speeches by
the old man in the DRV had to be eliminated or condensed.” I
asked if he remembered the old man’s speech “The old organization
is a ‘rigid frame?’” He replied, “Yes! That speech had to be
removed. How could we include it when rural party members were so
furious!” If Ho Chi Minh didn’t agree with the advisors’ policy
towards old organizations in rural areas, who could make him say
that?
I
recount these stories only to arrive at this conclusion: the CPV
should not blame or accuse anyone, but must recognize their
immense responsibility during the DRV. Until the CPV sincerely
repents for the atrocities committed, the people should not hope
that the Party will reform, innovate, and avoid repeating past
mistakes.
Let’s not forget: the Land Reform was not the first catastrophe,
nor the last that the communist ruling group has inflicted upon
our nation! I won’t recount the horrors before the Land Reform,
but immediately after were the cases of Nhân Văn – Giai Phẩm, the
Re–examination – Anti–Party case, then the industrial and
commercial reform, the overthrow of capitalists in the North, and
Resolution No. 49/NQ/TVQH signed by Trường Chinh on June 20,
1961, which unjustly imprisoned tens of thousands of innocent
people in horrific concentration camps in the North, and then
came the Tet Mau Than incident, and so on. If we were to list
them all, we would see a long chain of heinous crimes that have
occurred and continue until today. Of course, nowadays, more
sophisticated tactics are used, but the essence of the crimes
remains the same.
The most recent crime is the case of Lê
Chí Quang, where they prosecuted a sincere patriot, a revered
intellectual who was barely over thirty years old! His “crime”
was his courage in dedicating himself to the country, daring to
warn against the current ruling clique potentially selling out to
the Northern dynasty, and standing firm in the “People’s
Anti–Corruption Association” in hopes of alleviating the national
disaster for our people. The communist ruling group shamelessly
staged his trial to imprison this patriotic youth, who had
declared his staunch determination in his famous essay “Beware of
the Northern Dynasty”.
“I write this article while being
oppressed under the crushing weight of reactionary forces and
North Dynasty lackeys. Knowing that this writing won’t bring
glory to my name but instead pushes me deeper into danger. Just
like with a loyal servant of the revolution, they shamelessly
declare: ‘... Ready to sacrifice Hoàng Minh Chính to protect the
regime.’ How much more could I, a mere pawn, easily be turned
into a sacrificial offering for the Northern Dynasty altar?
Nevertheless, faced with the immense peril threatening our
nation’s survival, I dare not shrink back, for I hold dear the
words of Han Fei Zi:
‘Not knowing when the nation is lost is
ignorance.
Knowing but not worrying is
disloyalty.
Worrying but not taking
action is cowardice.’
I only hope that this humble sentiment
resonates with the wisdom of our people at home and abroad, and
that I can wholeheartedly contribute and guide.” (01/10/2001).
We earnestly hope that on the occasion
of remembering the Land Reform Catastrophe, “the wisdom of our
people at home and abroad,” especially the intellectual youth,
clearly realize that under the dictatorship of the communist
ruling group, similar catastrophes will continue to occur. This
is because the communist ruling group does not respect human
beings, does not respect human life and freedom, does not respect
the rule of law, but only values their own supreme power.
Recalling the Land Reform Catastrophe, we sincerely hope that
everyone, especially the youth following in the footsteps of Lê
Chí Quang, will be more determined to fight early to eliminate
the dictatorship regime in order to transform our country into a
true democratic society, creating conditions for the development
and prosperity of our homeland.
tkd dịch
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by lý trung tin chuyển
Đăng ngày Thứ Bảy, June 29,
2024
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang