Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tạp
ghi
Chủ đề:
Chuyến bay đêm
Tác giả:
K.Q. Phan Văn
Phúc 65F
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Biệt
đội 219 chúng tôi được biệt phái, tăng cường cho tuyến đầu lửa
đạn, đóng trong căn cứ Không Quân Phú Bài (Nha Kỹ Thuật – Lôi hổ
gọi là Căn Cứ Hành Quân Tiền Phương 1 – FOB 1 trong phi trường
Phú Bài).
Sáng
sớm, chúng tôi được lệnh chở Thiếu tá Hải, phi đoàn phó từ Nha
Trang ra nhận phi lệnh khẩn cấp. Ra đến Huế vào phòng họp của Bộ
tư lệnh tiền phương (Quân Đoàn I) tôi cảm thấy lạnh người vì
không khí nghiêm trọng của buổi họp. Bay theo Thiếu tá Hảo có
Trung úy Hiệp, người bạn phi hành cùng phi đoàn, gốc từ binh
chủng Biệt Động Quân chuyển qua. Chưa kịp chào hỏi, hai chúng tôi
được chỉ định vào hàng ghế đầu ngồi nghe thuyết trình. Hai ông
“trung úy nhí” được ngồi cùng với bao vị tướng tá, không khỏi mất
bình tĩnh.
Trước khi ban lệnh hành quân, vị Tư lệnh Bộ tư lệnh hành quân
tiền phương kêu gọi tinh thần can đảm và sự hy sinh tuyệt đối của
hai chúng tôi vì chuyến bay này lành ít dữ nhiều. Bộ Tổng Tham
Mưu Quân đội VNCH đã hoạch định nhiều kế hoạch, nhưng tất cả đều
khó thực hiện, cuối cùng chọn giải pháp sử dụng Phi đoàn 219 trực
thăng, bay đêm thả người (quân biệt kích Lôi Hổ) vào Cổ thành
Quảng Trị, đã bị địch chiếm đóng từ cuối tháng Tư năm 1972 (Mùa
Hè Đỏ Lửa). Chúng tôi được chọn vì từ hai binh chủng chiến đấu
chuyển sang: (tôi) Nhảy Dù và (Hiệp) Biệt Động Quân. Chúng tôi đã
từng trải qua thời gian “trận điạ”. Lệnh ban cho chúng tôi cũng
vắn tắt “Các anh chỉ biết nhiệm vụ thả người và rải máy móc điện
tử, đáp cạnh Cổ thành Quảng Trị, không cần biết lý do. Rất có
thể, các anh sẽ bị bắn rơi trong phi vụ này vì hỏa lực phòng
không của địch rất mạnh. Nhưng tôi hy vọng và tin tưởng vào tài
năng, kinh nghiệm bay bổng của hai anh. Nếu chẳng may bị bắn rơi,
hãy giả làm người dân chạy loạn, nên tôi yêu cầu các anh mặc
thường phục và tất cả giấy tờ tùy thân gửi lại cho đơn vị trưởng.
Nếu có mệnh hệ nào, chính phủ sẽ bảo bọc gia đình các anh sau
này. Tôi kêu gọi tinh thần dũng cảm, sẵn sàng hy sinh trong thời
điểm quan trọng này.”
Nhận lệnh hành quân, tuyệt đối phải thi
hành một nhiệm vụ đầy nguy hiểm. Nhìn vào tấm bản đồ hành quân,
từ sông Mỹ Chánh trở ra, Việt Cộng (chính quy Bắc Việt) đã chiếm
được hoàn toàn, và mạng lưới phòng không dầy đặc của địch. Để
tránh hỏa lực phòng không của địch, không để chúng phát hiện kịp,
chỉ một cách duy nhất là chúng tôi phải bay đêm, tắt hết đèn và
bay thật thấp, thật nhanh. Một chuyến bay hoàn toàn không được an
toàn (an phi), ban đêm tắt đèn bay, dễ lạc nhau nếu bay xa, nếu
bay gần dễ chặt vào đuôi trực thăng bay trước, và bay dưới cao độ
thấp dễ chặt vào cây cối.
Chúng tôi tin tưởng vào phương thức bay
của mình, chỉ sợ đáp nhằm lên đầu Việt Cộng... Trong phi vụ này,
ông Phi đoàn phó cắt Hiệp bay đầu chở người, tôi bay chiếc thứ
hai chở máy móc truyền tin điện tử, rải dọc theo phi trình (lộ
trình bay) từ phòng tuyến VNCH sông Mỹ Chánh ra đến Cổ thành
Quảng Trị, và bảo vệ cho Hiệp đáp xuống thả người.
Tự ái nghề nghiệp lúc đó đã khiến tôi
có thái độ hơi bất mãn, lẽ ra tôi phải bay đầu (lead/dẫn đầu) vì
về phi đoàn trước ông bạn Hiệp. Ông phó tinh ý nhận thấy, kéo tôi
ra nói nhỏ, giải thích. “Anh nên biết trong phi vụ này, chiếc bay
sau mới là chiếc quan trọng, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, khó khăn
hơn nhiều. Tôi tin tưởng và xin anh phải cố gắng, bám thật sát
Hiệp và yểm trợ cho anh ta tối đa trong mọi tình huống, nhất là
không bao giờ bỏ rơi bạn bè.”
Nghe qua lời nhắn nhủ, giải thích của
cấp chỉ huy đáng kính, tôi cảm thấy mát lòng,
hối hận, thương bạn
nhiều hơn và tự hứa là sẵn sàng hy sinh theo bạn nếu gặp chuyện
chẳng may trong đêm nay. (điều đáng buồn là Hiệp bị rớt máy bay,
chết sau đó vài tháng.)
Chúng tôi tính độ dạt của gió, tốc độ,
hướng bay, thời gian rồi vẽ phóng đồ phi vụ, chờ đêm đến sẽ cất
cánh từ phi trường Tây Lộc (Huế), bay thẳng ra Hương Điền (Bộ tư
lệnh Sư đoàn TQLC), sau đó chuyển hướng ra Cổ thành Quảng Trị.
Bãi đáp là một nghĩa trang cạnh Cổ thành.
Chúng tôi phải ra phố mua sắm quần áo
civil, dạo quanh phố như một tay cao bồi (Cowboy) Texas trước sự
ngạc nhiên của nhiều người. Riêng tôi phải gọi về Đà Nẵng mang ra
áo dưới phi hành mà tôi luôn trang bị đầy đủ dụng cụ mưu sinh
thoát hiểm, nhất là khẩu Browning và mấy quả lựu đạn mini (nhỏ
như quả ổi nhỏ). Tôi rất cần và thích loại lựu đạn (mini) này vì
một lần thoát chết khi còn phục vụ trong Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù. Năm
1968, Tiểu doàn đang đóng quân ở Tây Ninh. Thiếu tá Nguyễn Đình
Bảo Tiểu đoàn phó ra lênh cho Đại dội 91 ra nằm tuyến án ngữ cho
Đại đội 92 di chuyển qua một khoảng đất trống bên phải, rất nguy
hiểm. Tôi cùng người lính mang máy truyền tin, thêm hai người
lính nữa nằm dưới một hố bom B–52, hướng vào bìa rừng đối diện
quân bạn lúc trời xâm xẩm tối. Tôi nghe máy báo cáo “thằng 2 sắp
ra” (Đại đội 92), rồi trông thấy một toán lính đi ra, nhưng không
đội nón sắt. Tôi gọi máy hỏi Đại úy Trương Dưỡng, Đại đội trưởng
Đại đội 91. Ông Dưỡng gọi máy qua Đại đội 92 để khiển trách,
nhưng không ngờ đó là toán quân Việt Cộng, chúng mặc áo rằn ri
như Nhảy Dù nhưng không có nón sắt.
Chúng tôi tưởng chúng là quân bạn nên
cứ để chúng tiến lại gần, và khi gần đến nơi, đám VC bắt đầu khai
hỏa loạn xạ vào vị trí đơn vị Dù (thuộc Đại đội 91). May tôi đang
nằm trong hốm bom nên không sao, đạn bay vào Ban chỉ huy Đại đội
91 ở phiá sau, làm nhiều người bị thương. Tôi lấy tay vạt đám cỏ
tranh, trông thấy VC dàn hàng ngang, vừa bắn vừa hô to “hàng
sống, chống chết”. Tôi báo tất cả bốn tên, ra lệnh cho binh sĩ
chuẩn bị lựu đạn, chia hướng rồi chờ tôi ra lệnh ném cùng lúc,
khi đám VC chỉ còn cách hơn 10 thước. Loạt lựu đạn nổ tung, chúng
tôi chạy bán sống bán chết, ban đêm bị thất lạc người lính mang
máy truyền tin, bị VC đuổi theo. Lính mình bị thương súng ống bỏ
đầy đường rút lui, mãi gần sáng tôi mới mò về đến Bộ chỉ huy Tiểu
đoàn. Nếu không có loạt lựu đạn đó, chắc tôi bị VC đạp lên đầu,
bắn tan xác rồi, đó cũng là một kinh nghiệm đau thương.
Trở lại phi vụ bay đêm, chuẩn bị phi
hành đoàn và những thứ khác. Hai chúng tôi mỗi người một tâm
trạng, Hiệp dường như có một đau buồn nào đó, lúc nào cũng lầm lì
ít nói. Tôi chọn được Hoành làm hoa tiêu phụ và Định làm cơ phi,
hai phi hành viên trong phi đoàn tôi rất mến là Thiếu úy Dương
Văn Hoành, đã là một hoa tiêu chính, một phi công ưu tú về mọi
phương diện, lúc nào cũng bình tĩnh coi mọi chuyện như pha, Hoành
sẽ giúp tôi được an tâm phần nào. Đặc biệt Hoành đã bị rơi máy
bay tại phi trường Phú Bài, chết cháy cả bảy người, mỗi mình
Hoành sống sót... một chuyện thần kỳ. Trung sĩ Định cơ phi rất
lanh lẹ và gan lì, chúng tôi thường rủ nhau bay chung phi hành
đoàn, cũng như Lương Ngọc Ánh đang sinh sống ở Houston với Dương
Văn Hoành.
Đêm về, giờ
quyết tử đã đến, chúng tôi đã sẵn sàng cất cánh. Trong ánh sáng
mờ của phi trường Tây Lộc, xuất hiện một đoàn xe hộ tống một xe
bít bùng chạy thẳng đến chiếc trực thăng của Hiệp đang đậu. Bốn
người lính Lôi Hổ dìu hai tên (VC) bị bịt mắt lên trực thăng, cả
hai tên VC đều mặc quân phục VC (chính quy Bắc Việt), mang ba lô,
súng tiểu liên AK–47 đầy đủ. Trực thăng của tôi được chất đầy máy
móc truyền tin điện tử (có lẽ máy dò điện tử, có thể được thả
xuống từ phi cơ hay lính Lôi Hổ đem vào đặt trên đường mòn HCM.
Khi xuống tới đất, máy sẽ được kích hỏa phát sóng về một đài tiếp
nhận (có thể ở căn cứ Không Quân Hoa Kỳ Phanom Nakhon bên
Thailand, báo cáo tọa độ vị trí của máy, sau đó khi có đơn vị Bắc
Việt di chuyển ngang qua khu vực, máy sẽ báo về trung tâm tiếp
nhận, quân số địch di chuyển trên đường hoặc chiến xa T–54, xe
vận tải Molotova, và Không Quân Hoa Kỳ sẽ phản ứng cấp tốc).
Nhìn hai tên VC tôi rất ngạc nhiên, cả
ngày tôi cố tìm hiểu, đánh tan mọi sự nguy hiểm sắp xảy ra bằng
sự quyết tâm, sẵn sàng phục vụ cho đại cuộc, nghĩ rằng có lẽ mình
cũng phục vụ trong một điệp vụ tối mật nào đó, để chuẩn bị tái
chiếm Cổ thành Quảng Trị, nhưng lại tiếp tay “thả cọp về rừng”
hay sao? “điều này càng chứng minh rõ ràng hơn khi trực thăng đáp
xuống, hai tên VC không chịu xuống, phải nhờ bốn quân nhân Lôi Hổ
đạp chúng xuống trong khi tiếng súng bắn ra như mưa”.
Mọi thắc mắc đang còn dồn dập thì chúng
tôi phải cất cánh nhanh chóng, tìm mọi cách để tránh né tử thần.
Chúng tôi bay trong bóng đêm lướt qua đầu địch bất ngờ làm chúng
trở tay không kịp, chỉ bắn đuổi theo, đạn lửa bay đầy trời phiá
sau. Đúng hướng, đúng giờ ấn định, Thiếu úy Hoành báo lệnh đáp,
Hiệp quẹo gắt đáp khẩn cấp, tôi bay vòng trên đầu yểm trợ, tiếng
súng địch nổ lẻ tẻ khu vực lân cận. Tôi ra lệnh cho bốn khẩu đại
liên cùng khai hỏa nhưng cẩn thận nhìn rõ trực thăng bạn vì trời
tối khó quan sát và không được mở đèn. Hai tên VC đeo cứng trên
hai càng trực thăng không chịu nhảy ra, tôi ra lệnh đạp họ xuống
càng nhanh càng tốt, tuy nhiên chúng tôi không được phép bắn bỏ.
Xong hai tên VC, tôi bay vòng yểm trợ cho Hiệp cất cánh. Chúng
tôi lấy cao độ rồi quay về hướng nam, cảm thấy con đường về thật
dài. Đáp xuống phi trường Tây Lộc, chúng tôi có cảm tưởng như
chết đi được sống lại. Phi trường lúc đó đầy người, chẳng bù cho
lúc ở trong vùng địch chúng tôi rất cô đơn, lẻ loi. Nếu chẳng may
bị bắn rơi, chắc không ai dám đi cứu chúng tôi.
Qua hai sự kiện rõ ràng, chỉ vì hai tên
VC mà cả bộ TTM, Tướng vùng đích thân chỉ huy và sẵn sàng hy sinh
bao nhiêu sinh mạng nhân viên phi hành như thế sao? Có những điều
sai trái mà những người lính thấp hèn như chúng tôi phải gánh
chịu. Nhưng trong phi vụ này, mãi đến bây giờ tôi vẫn chưa được
giải thích rõ ràng.
Phải chăng có sự lừa đảo hay có một sự
đi đêm nào đó của một bàn tay lông lá mà nỗi buồn nhược tiểu của
đất nước chúng ta phải gánh chịu. Lịch sử đã cho thấy đất nước
chúng ta đã bị bán đứng quá rõ ràng, quá tàn nhẫn. Rất nhiều quân
nhân trong chúng ta có thừa can đảm và sẵn sàng hy sinh cho Tổ
quốc, nhưng cũng có những hy sinh vô nghĩa, đi ngược lại sự chiến
đấu sống còn của cả một dân tộc.
Cầu xin những ai có thẩm quyền hãy giải
thích tường tận cho riêng tôi không phải “ân hận” hoặc phải “oán
hận” trước khi nhắm mắt, chân thành cảm ơn.
Trong hai phi hành đoàn (tham dự phi vụ
cảm tử), đã lâu quá tôi không nhớ hết những ai trong số 8 người.
Tôi chỉ nhớ Hiệp đã chết, và Định hình như đã chết sau này. Hoành
cũng đã đi tù, sang Hoa Kỳ diện H.O., định cư tại Houston. Những
ai còn nhớ, biết rõ hơn cho tôi được biết. Rất cám ơn.
Dallas, 2 tháng Mười Hai, 2010
Kingbee Phan Văn Phúc
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by Đoàn Hữu Định chuyển
Đăng ngày Thứ Năm, July 13,
2023
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang