Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Truyện
ngắn
Chủ đề:
TẾT
Tác giả:
BP
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Bạn
ta,
Hôm nay,
17/1/2020, nhằm ngày 23 tháng chạp, ngày ông Táo về trời.
Khoảng
thời gian này, cách đây... lâu lắm, là lúc ông Cụ tôi dắt mấy
thằng con đi hớt tóc. Cũng không xa xôi gì, tiệm nằm bên kia
đường, song song với con đường nhà tôi. Tiệm nhỏ, chỉ có 2
người: ông thợ chánh (cũng là ông chủ) và một ông phụ. Ông chủ
khoảng 40 ngoài, lé kim, miệng lúc nào cũng cười, anh thợ phụ
thì trẻ hơn nhiều nhưng chỉ được vài năm là đổi anh khác (“đi
quân dịch là thương nòi giống”). Lúc đó, các anh lớn đi hớt tóc
riêng, chỉ có 3 đứa nhỏ: anh tôi, tôi và đứa em là theo Bố đi
gặp người “cầm đầu thiên hạ”!
Trừ những lúc khách đông, thường thì
anh em tôi chỉ chờ môt tí là leo lên “đoạn lầu đài”. Hớt xong,
nhìn từ sau, không biết đứa nào là anh, đứa nào em bởi vì tất cả
đều đơ-zèm-cùi-bắp giống nhau, tuy không quá quê như kiểu “muỗng
dừa” nhưng cũng trụi lủi từ dưới lên! Không uốn, sấy, gội, ép gì
cả. Chú “cua” hết tụi nó dùm. Ông Cụ tôi dặn thế, trước khi giao
mấy thằng con cho sát “thủ” (đầu), sang quán kế bên làm cái
xây-chừng! Nhờ “cua... ngắn” nên lúc nhỏ, anh em tôi không biết
rợn... tóc gáy là gì!
Rất nhiều lần như thế nhưng tôi chỉ
nhớ những lần hớt-tóc-ăn-Tết thuở “ngày xưa còn bé”. Có lẽ do
cái thời tiết mát mẻ, cái không gian nhộn nhịp, cùng những khuôn
mặt hớn hở, những ánh mắt reo vui, những bước chân rộn rã, những
bài hát “radio” chào xuân, v.v. Ngần ấy tiếng động, ngần ấy hình
ảnh của những ngày cận Tết ấy, đã làm đứa bé lớp Tư, lớp Ba năm
xưa còn nhớ đến bây giờ.
Hớt tóc ăn Tết, mặc đồ mới mừng Xuân:
những “tập tục” dễ thương đó đã biến mất khi tôi vào lycée. Khi
tiếng đã “bể”, khi mặt đã có vài hạt mụn len lén cắm dùi, khi
lòng đã thấy chút xôn xao theo những tà áo tan trường. Thì đó là
lúc tôi tránh mấy kiểu “ăn Tết... bé bé” đó! Thay vì 23, 24 Tết
thì tôi hớt tóc 1 tuần trước, cho bớt... “ngố”. Thay vì mặc đồ
mới thì tôi chọn những bộ “cũ”, những bộ ít trình làng trước đó.
Miễn sao không bị “rầy” đầu năm là được. Đã thế, khi gặp bạn bè,
đứa nào nghe Má mặc đồ mới, đi hớt tóc, là bị tôi chọc quê dài
dài. Cứ y như tôi muốn làm... “cách mạng”, muốn “đoạn tuyệt” với
cái quá khứ
“thuở bé tôi đeo chiếc khánh vàng
Quần
đào xẻ đũng, áo hàng lam
Chân đi hài đỏ
tay thu pháo
Rộn cả nhà lên tiếng hát
vang”
như
người Lan Sơn ngày trước. Và muốn người khác cũng “vùng” theo
(cho “đoàn kết chết chùm”)!
Lycée không được phép nhưng lên đại
học là tôi bắt đầu để tóc dài, hơi hơi thôi, vì không dám chọc
giận ông bà Cụ. Không biết bạn ta thì sao, chứ tiệm tôi đi hớt
không có “catalogue... monologue” gì cả! Anh thợ cứ theo lời “tả
cảnh, tả tình” của khách mà xuống tay: “đừng ngắn quá, cắt ít ít
chỗ này, tỉa mỏng mỏng chỗ kia”.
Bây giờ thì cũng vậy. Có lần, nghe
theo lời khuyên trong tiệm: “khuôn mặt” vous “vuông (Lá trúc che
ngang mặt chữ điền?) như thế này, thì nên cắt kiểu này”. Nhưng
lần trở lại sau đó thì tôi: “vous cắt như tôi nói”. Chả nhẽ lại
bảo là “Kỳ rồi tôi nghe lời vous, về nhà: chả ai... khen; vào sở
lại bị chọc quê mới đi ăn đám cưới hả?”
Ở đây, tuy ít nhiêu khê như cánh phụ
nữ, nhưng đàn ông cũng có nhiều kiểu cắt: mi-longues, dành cho
tóc mềm... thu ba gợn sóng; under cut subtiles (dài ngắn khác
nhau giữa hai bên và phía trên); courtes contrastés (trụi lủi
hai bên, phồng lên ở giữa), v.v. Khác với phụ nữ có nhiều kiểu
không hợp với lứa tuổi 50, mấy ông không phải... mặc cảm “Năm
anh 20, Em mới sinh ra đời” gì cả, thích kiểu nào thì chơi kiểu
đó. Nhưng nên hỏi thăm trước vì có nhiều kiểu phải bỏ thời giờ
để săn sóc (sấy tóc, xịt keo...!)
Tây-kỳ (vùng 4) như tôi thì nói “hớt
tóc”. Ông Nguyên Sa cũng Tây-kỳ nhưng “tây” ông là tây-đầm. Ông
Trần Bích Lan sang Tây du học năm 1948. Ông đi từ Hà Nội, nhưng
khi hồi hương (12/1955) thì lại chọn Sài Gòn: “Thủ đô yêu dấu
nước Nam Tự Do” (Văn Phụng). Người Bắc như ông Nguyên Sa thì
không nói... “hớt”, mà là cắt: cắt tóc ăn Tết. Đó cũng là tên
một bài thơ Xuân của ông.
Theo như tác giả kể lại trong hồi ký
thì thi sĩ chưa bao giờ sáng tác thơ Xuân (do chưa có “hứng”).
Sau 1963, trước tình trạng khủng hoảng chính trị: đảo chánh,
chỉnh lý, biến động miền Trung, thêm “chinh chiến đã mang đi bạn
bè”, chán ngán, phẫn nộ, ông hay lui tới với nhóm tạp chí văn
nghệ Trình Bày, đúng hơn là ông chơi thân với chủ nhiệm Thế
Nguyên (dân “nằm vùng”, sau 75, “sáng mắt”, lẳng lặng rút
chân!). Trong những câu chuyện với “anh em Trình Bày”, trở lại
trong Nguyên Sa thời “Paris có gì lạ không em”, thời của những
đêm hội thoại về Camus, về Sartre, thời của đam mê “Nga buồn như
con chó ốm”, v.v. Những kỷ niệm đẹp bị lồng vào một “sự thật phũ
phàng”. Bất mãn với xã hội, thêm cái không khí thiên tả của
Trình Bày cho tí dầu vào lửa (tôi nghĩ vậy), đã khiến con người
chống Cộng Nguyên Sa (từng bị tù CS năm 48) lên tiếng. Phẫn nộ
lên tiếng. Đau đớn lên tiếng. Qua “Cắt-tóc -ăn -Tết”, một trong
những sáng tác đánh dấu một đoạn đời quan trọng của Nguyên Sa
(“lạc lõng” giữa một xã hội quay cuồng). Bài thơ được trao cho
người bạn Thế Nguyên để đăng trên tập san Xuân Trình Bày. Với
Nguyên Sa, bài thơ Xuân đầu tiên này mở đường cho những bài thơ
Xuân (kế tiếp) lưu vong, 10 năm sau đó (Tháng giêng và anh, Âm
bản, Thơ xuân áo vàng...)
Cắt Tóc Ăn Tết
Cắt cho ta, hãy cắt cho ta
Cắt cho ta sợi dài
Cắt cho ta sợi ngắn
Cắt cái sợi ăn gian
Cắt cái sợi nói dối
Sợi ăn cắp trên đầu
Sợi vu oan dưới gáy
Sợi bè phái đâm ngang
Sợi ghen tuông
đứng dọc
Sợi xích chiến xa, sợi dây
thòng lọng
Sợi hưu chiến mỏng manh, sợi
hận thù buộc chặt
Sợi nấp trong hầm
Sợi ngồi trong hố
Sợi đau xót như dây
dù chẳng mở
Sợi treo cổ tình yêu, sợi
trói tay hy vọng
Cắt cho ta,
Cắt cho ta, hãy cắt cho ta
Sợi Hà Nội khóc trong mưa
Sợi Sài Gòn
buồn trong nắng
Sợi dạy học chán phè
Sợi làm thơ thiểu não
Sợi đặc như dùi
cui
Sợi rỗng như khẩu hiệu
Sợi nhọn như lưỡi lê
Sợi cứng như dây
thép gai
Sợi dầy như hỏa lực
Cắt cho ta,
Sợi mệt mỏi sau những tháng ngày hoan hô đả đảo
Sợi cháy đen như rừng núi Chu-prong
Sợi
thở dài trong đêm cúp điện tối om
Sợi
sát vào nhau đánh sáp lá cà
Sợi cắt non
sông thành Bắc Nam, thành khu chiến
Sợi
lên thẳng trực thăng
Sợi xuống ngầm địa
hạ
Sợi đặt chông
Sợi gài mìn
Sợi bóp cò liên thanh
Sợi kéo xe đại bác
Sợi xót xa trên mặt
nhăn tuổi trẻ
Sợi trên trán thơ ngây
nằm im phục kích
Cắt cho ta,
Cắt cho ta, hãy cắt cho ta
Sợi bạc, sợi vàng, sợi tiền, sợi gạo
Sợi nhục, sợi lo, sợi đau, sợi chán
Sợi
phản trắc đui mù, sợi đam mê cuồng vọng
Sợi chảy xuống má cha
Sợi vắt ngang
trán mẹ
Sợi cắt đứt tim chồng
Sợi chặt đôi ruột vợ
Sợi nhố nhăng như
cuộc đời
Sợi ngu si như lịch sử
Sợi đợi những ngón tay đi qua
Sợi đợi
những ngón tay chẳng đến
Cắt cho ta,
Hãy cắt cho ta
Hãy cắt cho ta
Hãy cắt cho anh
Hãy cắt cho em
Hãy cắt cho vợ
Hãy cắt cho chồng
Hãy cắt cho con
Cho buổi tối quạnh hiu, cho mối tình sắp cũ
Cho đồng bào, cho người thân, người sơ
Cho ruột thịt
Cho cả những thằng sa
đích phê bình văn nghệ rẻ tiền
Cho cả
những thằng xẻo thịt non sông
Cho cả
những thằng băm vằm tổ quốc
Cho chính bản thân ta bơi trong tội
lỗi
Hãy cắt
tóc
Hãy cắt tóc và nhìn
Mặt quê hương đổi mới
Nguyên Sa
Ông Nguyên Sa viết bài này ở tuổi 30
(32, 33 tuổi), cái tuổi sung mãn nhất của người đàn ông. Nhưng,
do hoàn cảnh chiến tranh, do bị “đì” xuống miền Tây dạy học, ông
đâm ra chán nản, “hận đời đen bạc”. Nên đi cắt tóc ăn Tết mà chỉ
thấy ông kêu cắt những “sợi bè phái, sợi ăn gian, sợi xích chiến
xa, sợi dây thòng lọng, sợi thằng xẻo thịt non sông, đứa băm vằm
tổ quốc...”, toàn những cay cùng đắng những chán cùng nản. Chả
thấy sợi nào “rớt xuống... đùi làm sóng lênh đênh” cả. Cắt. Cắt
hết. Để ông được nhìn khuôn mặt Mới (khác) của quê hương.
Ngược lại với Nguyên Sa, ở tuổi 20,
30, những tháng năm xa xưa đó, thế hệ anh em, bè bạn chúng ta
đã: tóc tuy xanh nhưng lòng thì rất bạc, khi nhìn khuôn mặt
“mới” của quê hương sau ngày bị giải phóng (khỏi “thiên đường”)!
Do cái:
độc
tài, đảng trị
cái tù tội, chia ly
cái ngu ngốc lên ngôi
cái đói nghèo xã
hội
cái buộc tội văn minh
cái thiêu hủy văn hóa
cái tham nhũng
trắng trợn
cái cướp bóc nhà cửa, v.v.
Cần chi phải “bạch đầu bi hướng thiên”
như người tráng sĩ của cụ Nguyễn Du.
45 năm nay, tôi không còn thiết tha
đến chuyện “hớt tóc ăn Tết” nữa. Với tôi, Tết là sum họp gia
đình, là bàn thờ trang trọng, là rộn ràng phố xá, là hớn hở mặt
người, là tiếng cười em bé, là khúc hát xuân hoan, là lũy tre
xanh, là cơn gió mát, là vạt áo bay, là mai nở rộ... Cái không
gian đó: “ở đây” không có đã đành, mà ở quê nhà cũng chẳng biết
tìm đâu! Còn chăng chỉ là những mối sầu, bên nớ lẫn bên ni.
Những “mối sầu như tóc bạc, cứ cắt lại dài ra”
(Phan Khôi).
Tết ơi, sầu đến bao giờ?!
BP
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
|
Hình nền: Xuân trên non-Rặng An-pơ, Thụy Sĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by th chuyển
Đăng ngày Thứ Bảy,
January 18, 2020
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang