Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Truyện Phiếm
Chủ đề:
MA VÀNG
Tác giả: Ông Năm
Người chép lại: Tràm Cà Mau

CA HÁT VỚI MA

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

Mãi đến bây giờ, khi ngồi kể lại chuyện này, tôi vẫn không tin đã gặp ma. Con “Ma–Tìm–Vàng” ở thành phố Yreka tại miền Bắc tiểu bang California. Thành phố cổ lỗ này được mọc lên vào năm 1851, khi cơn sốt tìm vàng cháy bỏng miền đất cơ hội của Mỹ, và dân tìm vàng ùn ùn đổ về đây. Cho đến ngày nay, dân số cũng chỉ có khoảng bảy ngàn người.

Khi tôi tỉnh dậy trong bệnh viện của thành phố Yreka, và kể cho cô y tá nghe chuyện gì đã xảy ra đêm qua, thì cô tái mặt và tỏ vẻ e dè sợ sệt. Cô nói rằng, tôi đã gặp con “Ma–Tìm–Vàng”. Cứ đúng ba năm, con ma xuất hiện môt lần, và ám hại du khách. Cảnh sát phải khiêng xác vào bệnh viện, may mắn thì không can gì, xui thì liệt nửa người, méo miệng, xui hơn thì về nghĩa địa nằm.

Trước khi về hưu chừng sáu tháng, tôi lùng tìm một chiếc xe thùng, đặt mua từ Âu Châu, loại “Eurovan Camper”. Xe nhỏ, gọn, bốn bánh thôi, nhưng bên trong trang bị đầy đủ cho vài ba người có thể ăn ở được khi đi du lịch xa nhà. Có giường ngủ, bếp nấu, bàn ăn, ghế ngồi, tủ lạnh, máy điều hoà nhiệt độ mát và ấm, có cả phòng tắm và bồn cầu vệ sinh. Thứ xe mà hãng sản xuất quảng cáo là “Một ông, một bà, một chó, một xe, và chẳng có việc làm.”

Tôi lái xe ra đi, thời gian giang hồ vặt này là vô hạn định. Đi cho đến khi hết vui, hoặc hết đi tiếp nổi, thì quay về nhà. Khởi đi từ vịnh San Francisco lên hướng bắc, định qua tiểu bang Oregon, Washington, rồi băng dọc miền Tây Canada, và đi thẳng đến Alaska. Nơi nào phong cảnh đẹp, vui thì đến, ở lại một vài hôm. Nơi nào có bạn bè thì ghé thăm, hàn huyên, nói chuyện, ngâm thơ, uống trà, nhấp rượu. Không có thời khoá biểu, không có mục tiêu định sẵn. Cứ nhởn nhơ, thong thả, đi không cần đến, và đến không cần gấp.

Một người bạn nói rằng, đi chơi như thế này thì cũng đã thú vị, nhưng nếu rủ thêm được một bà nào đó cùng đi theo, thì cuộc hành trình sẽ vui hơn gấp nhiều lần, và đỡ cô đơn. Tôi trả lời rằng, anh nói đúng. Mấy ngày đầu thì có lẽ vui vẻ và lãng mạn lắm. Nhưng chừng một tuần sau, thì sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu, vì bị chỉ huy, rằng “phải đi nơi này, không đi nơi kia, phải ăn tiệm này, không ăn tiệm kia, và bị nạt nộ, bị gắt gỏng, đủ điều, đủ thứ”. Ngoại trừ gặp được một người bạn gái hết sức dịu dàng, biết điều và nhường nhịn. Anh bạn tôi cười và nói đùa rằng, nếu mình không đụng vào sợi dây lưng quần của họ, thì họ lấy quyền gì mà gắt gỏng la mắng, chỉ huy mình?

Thành phố cổ tích Yreka nằm trên lộ trình. Không thể bỏ qua được. Tôi rẽ vào phố khi nắng đã nghiêng chênh chếch về hướng tây. Thả xe chạy chầm chậm, tôi đi quanh từ đường này qua đường khác. Nhà cửa thấp, xưa cũ cả hơn trăm năm, sơn màu loè loẹt. Ở ngõ vào thành phố, có bức tượng đồng to lớn, hình một ông râu ria xồm xoàm, đội nón rộng vành, mặc quần treo, đi giày ống, tay áo xắn cao. Ngồi chồm hổm trên phiến đá lớn, kiểu “ngồi nước lụt” của các anh chị cán bộ cộng sản, hai tay ông cầm cái sàng to, đang đãi vàng. Bên cạnh ông là một con lừa đồng, lưng và hông nó chất đầy và treo tòn ten đủ các thứ lỉnh kỉnh. Đây là biểu tượng của những kẻ đầu tiên đến khai phá và lập nên thành phố này.

Tôi vào khu phố cổ, cũng là phố chính. Đậu xe lại trên đường Miner. Có cảm giác như đi về quá khứ hơn trăm năm cũ. Hình ảnh giống như trong những phim xưa, phim đen trắng mập mờ cà giật, xem nhức mắt. Tôi lội bộ loanh quanh khắp khu phố, chỉ có bảy phút là đã hết nơi đi.

Tôi ghé vào bảo tàng viện “quặng vàng” để xem. Cái “viện” này, không rộng hơn cái phòng ngủ của tôi bao nhiêu. Nhưng tôi thích thú khi thấy và biết được các thứ vàng nguyên thủy, như vàng bụi, vàng cốm, vàng hạt đậu, vàng cục, vàng miếng, đủ các loại hình thể nhỏ to, có xù xì, có trơn láng... Miếng vàng nguyên thuỷ to nhất, với hình thể giống như cục phân chó bị đạp dẹp. Tôi thầm nghĩ, sau năm 1975, vớ được một mớ vàng này, thì dư sức đóng tiền cho toàn gia đình cả hơn chục người đi vượt biên.

Vào một quán cà phê, bên trong trang hoàng bằng các dụng cụ tìm và đãi vàng ngày xưa. Tôi ngồi gác chân lên ghế nhâm nhi từng ngụm đắng, và cứ tưởng tượng như mình là một kẻ phóng đãng giang hồ đi tìm vàng ngày xưa. Cứ tưởng tượng cho vui, không tốn thêm một xu.

Dù trong xe có đủ thức ăn sẵn, nhưng tôi cũng đi quanh tìm một quán đặc biệt, để thưởng thức cái cảm giác và hương vị đi về quá khứ gần trăm năm rưỡi xa xưa. Món bánh mì với thịt bò nướng than theo kiểu cũ, ăn ngon, đậm đà. Tôi kêu thêm mấy ly rượu, ngồi nhâm nhi, nhìn tranh cao bồi treo trên tường, nghe nhạc rè rè từ chiếc máy hát quay tay. Tôi thầm nghĩ, mình may mắn, đến Mỹ vào thời sau này, đã văn minh, đầy đủ tiện nghi, lại có an toàn. Nếu đến đây vào trăm năm trước, thì không chừng đã bị mấy tay cao bồi bắn nát thây từ lâu rồi.

Tôi để trí não mơ mộng, ngồi lì uống bia tì–tì cho đến khi chủ quán lịch sự nhỏ nhẹ cho biết đã đến giờ đóng cửa. Tôi loạng quạng đi ra, quên mất phương hướng, không nhớ mình đã đậu xe nơi đâu, đường nào. Nhưng cứ yên tâm, vì cái phố nhỏ như thế này, thì đâu cần chi nhớ chỗ, đi quanh thế nào cũng tìm ra xe. Tôi quành hai vòng, khi đi qua viện bảo tàng về quặng vàng, dưới bóng đèn vàng vọt lờ mờ, tôi thấy một ông gìa ngồi trên băng đá, tay ôm đàn, hát nhạc đồng quê với giọng khàn khàn.

Ông già này râu ria tua tủa như chổi chà, tưởng như chưa bao giờ cắt tỉa, đội nón rộng vành, mang quần vải dày có dây treo, đi giày ống, cổ quàng cái khăn có thắt xéo. Giữa đêm muộn, đường xá vắng hoe, sao ông cụ ngồi đàn hát một mình, có tâm sự chi buồn chăng? Hay là cũng đã say xỉn rồi? Tôi tò mò đứng lại nghe tiếng đàn đánh nhịp cho câu hát. Tiếng hát buồn rười rượi với giọng khàn giữa đêm khuya:

– “Nhớ thương em làm tan nát tim anh. Đau đớn lòng anh. Nhớ thương con, con còn thơ dại. Thôi em nín đi, nín đi, đừng khóc nữa. Anh hôn em đây. Anh lên đường. Anh ra đi, chỉ một thời gian ngắn thôi. Rán sức đào, xới, tìm. Nhẫn nại, chăm làm. Rồi sẽ trở về. Ôi vàng California, vàng California. Anh sẽ về. Anh sẽ về. Rồi em sung sướng như công nương. Anh mua cho em váy xoè màu huyết dụ, mua cho em nón rộng có gắn lông công, đôi giày cao gót số tám...”

Tứng từng tưng, tứng từng tưng. Tiếng đàn đệm nhịp dập dồn. Ông cụ hát gào tiếp:

– “Ta lội sông đãi vàng, ta xẻ núi moi vàng. Ta đội nắng lửa trên lưng. Chôn chân trong tuyết cóng. Vàng ơi là vàng ơi. Vàng ở khắp nơi, mà sao tìm mãi không ra, đãi mãi không thấy. Vàng ơi, vàng ơi. Vợ con thương nhớ ơi, ở nơi xa xôi nước mắt có ướt đẫm khăn buồn mỗi đêm, mỗi đêm...”

Tưng tưng tứng từng tưng.

Ông cụ khoát tay về hướng tôi, nói:

– “này, bằng hữu từ đâu đến? Có phải đi đào vàng không? Hà hà, giấc mơ đẹp tuyệt vời, nhưng e rồi cũng tan thành mây khói mà thôi. Hãy ngồi xuống đây, uống cùng ta một vài chén rượu giao hữu, cho ấm tình tương ngộ hôm nay.”

Trăng lưỡi liềm lờ mờ chênh chếch trên trời cao. Tôi thấy hứng chí, bèn ngồi xuống bên cạnh ông cụ, đưa tay đón chén rượu, nốc một hơi uống cạn. Cả hai cùng cười, tình thân đến rất mau qua chén rượu. Sao mới gặp mà tôi thấy như đã thân tình từ tiền kiếp.

Ông cụ nói tiếp:

– “Hát với tôi, chúng ta cùng hát cho tàn đêm nay mới thôi. Hát cho khản cổ, hát cho hết hơi, hát cho nguôi buồn nhớ, cho xoá bớt dĩ vãng đau đớn, nhọc nhằn, gian khổ.”

Tôi cười nói:

– “Thưa ông anh, hát thì hát, nhưng buồn đau thì không. Tội chi mà buồn. Cứ vui hoài. Được cũng vui, mà mất cũng vui, có thì vui nhiều, mà không cũng cứ vui. Ray rứt khổ đau không giải quyết được gì cả.”

Tôi gân cổ lên hát theo ông già, ông hát câu nào, tôi hát theo câu đó. Tay ông vẫn liên tục đệm đàn rào rào và vỗ mặt đàn rầm rầm làm nhịp. Ông liên tục hát những khúc nhạc đồng quê ngày xưa, thời của những kẻ đi tìm vàng. Vang vang âm điệu xót xa của vợ chồng khi phân ly, của ngày tháng lao lực nhọc nhằn, của nỗi tuyệt vọng cùng cực. Cứ hát hết một bài, thì uống mấy hớp rượu trong bình bằng da.

Ông cụ hỏi tôi từ đâu đến đây. Tôi cho biết từ San Francisco tới. Ông cụ cười khà khà, nói:

– “Trước khi có cơn sốt tìm vàng vào năm 1849, thì San Francisco chỉ là một làng nhỏ hẻo lánh, chừng vài trăm dân cư. Thế mà hai năm sau. Dân tìm vàng ùn ùn đổ đến, nhà cửa xây cất thêm không kịp. Trung bình mỗi ngày, có ba chục căn nhà mới. Một thửa đất xây nhà, trước đó giá chỉ 16 đô–la thôi, mà chưa được hai năm sau, tăng lên đến 46 ngàn đô–la. Không tin nổi. Lúc đó, mỗi ngày, cũng trung bình có hai vụ giết người. Hừ, San Francisco của anh! Ở làm chi nơi ấy? Không biết bây giờ giá cả nhà cửa ra sao. Coi bộ anh không phải là dân Tàu? Di cư đến Mỹ từ bao giờ? Đến đây tìm vàng?”

– “Đúng, tôi không phải Tàu, gốc Việt Nam. Đến Mỹ đã ba mươi năm. Tôi không tìm vàng, mà lại đi tìm tự do.”

– “Trốn tù vượt ngục đi tìm tự do? Tôi không biết Việt Nam là xứ nào, ở đâu trên thế giới. Ông bạn phạm tội gì mà bị kêu án tù?”

– “Không có tội gì cả. Cũng đã được tha ra khỏi nhà tù. Nhưng chế độ quá sức cay nghiệt, tàn ác. Đời sống bất ổn, đầy lo âu. Không thấy ánh tương lai, và sống mà không bằng chết, nên chúng tôi liều mạng ra đi. Gian nan và nguy hiểm, cực khổ vô cùng, không kể xiết. Tôi đi ra biển, gần hai tuần lênh đênh với sóng gió, bão tố, đói khát. Có hàng trăm ngàn đồng bào tôi đã chết giữa biển khơi.”

Ông cụ nhổ toẹt một bãi nước bọt xuống đất, nói với giọng mai mỉa:

– “Hai tuần trên biển, có đáng là bao mà kêu ca! Không bằng chút xíu xiu của bạn bè tôi, khi đi thuyền từ miền Đông qua miền Tây nước Mỹ để tìm vàng. Mua vé tàu thủy từ New York, đi xuống hướng Nam Cực, vòng qua Argentina, rồi đi ngược lên hướng Bắc, để đến San Francisco. Anh biết phải đi bao lâu không? Trung bình là sáu tháng, mà có khi đi cả một năm trời mới tới nơi. Anh biết thời tiết trên biển vùng đó rồi chứ? Bão tố triền miên, sóng gió dữ dằn. Rất nhiều thuyền bè bị giông tố nhận chìm, có đi mà không có đến. Sáu tháng đến một năm lênh đênh trên biển cho sóng gió vùi dập, ngất ngư, ói ra mật.

Khiếp nhất là tình trạng ở không, tháng này qua tháng kia chẳng có việc chi làm cho quên thời gian, quên buồn chán, sầu khổ. Chỉ có nằm mà mơ mộng đến vàng là an ủi mà thôi. Ăn uống thiếu thốn. Ăn toàn thức ăn đã hư thối, bột đã mốc, đầy giòi bọ. Không có chất tươi. Nước uống tồn trữ quá lâu, đã có mùi hôi, tanh nhớt. Từ đó mà sinh dịch tả, hành khách chết vô số, xác vất xuống biển. Đi thì đông, mà đến thì còn chẳng bao nhiêu. Ôi, mãnh lực của vàng. Nó giết chết vô số người mơ mộng giàu có.”

Tôi băn khoăn hỏi:

– “Thế thì sao không đi qua kinh đào Panama, có mau hơn không?”

Ông cụ đáp:

– “Ông bạn không biết chi cả. Hỏi câu ngớ ngẩn. Thời đó làm chi có con kinh đào này? Nhưng cũng có rất đông đảo kẻ tìm vàng, muốn rút ngắn thời gian hải hành gian khổ, đi thuyền xuống Panama, rồi dùng đường bộ, băng từ Đại Tây Dương để đến bờ Thái Bình Dương đón thuyền lên San Francisco. Những người này tưởng là khôn ngoan, mà không qua được mệnh trời. Đoạn đường bộ băng qua Panama tuy ngắn, nhưng họ không chịu đựng được khí thiêng nước độc của rừng nhiệt đới, muỗi mòng, sâu, vắt. Họ bị sốt rét, dịch tả mà chết rất nhiều trước khi đến được bờ Thái Bình Dương.

Những kẻ may mắn còn sống sót, thì gặp vấn nạn khan hiếm thuyền bè chịu chở họ từ đó đi lên San Francisco. Họ phải nằm lại mà chờ. Đông đảo người cắm trại chờ, sinh ra ô uế, thiếu vệ sinh, lại chết vì bệnh. Nhiều khi chờ đến hàng ba hoặc bốn tháng, mới có thuyền ghé lại, chịu chở cho họ đi với giá cả vô cùng cắt cổ. Từ Panama đến San Francisco phải trả đến 500 hoặc 1,000 đô–la cho một người vào thời đó. Số tiền khổng lồ. Phải cắn răng mà đi. Ai không có tiền thì nằm chờ mãi. Những khi thuyền đã quá chật, trả bao nhiêu họ cũng không cho đi. Và vô số người khác, nóng lòng, không chờ được, dùng thuyền không đủ tiêu chuẩn ra khơi, chết chìm giữa biển. Bọn anh vượt biển, đâu có gian nan đến thế nhỉ?”

Tôi nghe mà cảm thương, nhưng cũng bực mình. Đáp rằng:

– “Gian khổ như thế thì quả khủng khiếp. Nhưng người ta đi tìm vàng, tìm giàu có. Ra đi hiên ngang, chính thức, không ai cấm cản bắt bớ. Còn chúng tôi, đi tìm tự do, ý nghĩa cao cả và thiêng liêng hơn nhiều. Không có thuyền nào của chúng tôi đủ tiêu chuẩn ra khơi cả. Và nỗi nguy nan nhất là bị lùng bắt trên bờ, nên ra đi lén lút. Bị bắn giết bởi công an xứ tôi. Không đủ xăng dầu, không đủ nước uống và thực phẩm, máy móc đơn sơ. Lại bị bọn Thái Lan cướp bóc, ủi chìm thuyền, hãm hiếp, bắt cóc đàn bà con gái về bán cho các nhà thổ. Thời gian vượt biển khó khăn không lâu, nhưng đầy gian nguy lo lắng.”

Ông cụ hỏi:

– “Tại sao nhà nước các anh đối xử hà khắc với dân chúng vậy? Họ có cùng một màu da, tổ tiên, dòng máu hay không? Tại sao?”

Tôi lúng túng, không biết phải trả lời ra sao. Chỉ lắc đầu, và lòng buồn khủng khiếp khi nghĩ rằng, có lẽ trong lịch sử, chưa có giai đoạn nào nhân dân bị ức chế, áp bức, kềm kẹp bằng giai đoạn vừa qua. Đời sống bị xáo trộn, bất ổn cùng cực. Tàn tệ hơn cả chục lần khi Tàu đô hộ, Tây cai trị.

Tôi thở dài nói tiếp:

– “Nhiều người trong chúng tôi, đi đường bộ, băng qua đất Kampuchia, để vào Thái Lan, chịu không biết bao nhiêu gian nguy, hiểm trở, và chết chóc cận kề gang tấc.”

Ông cụ cười gằn:

– “này nhé, tôi kể cho anh nghe kinh nghiệm bản thân về cuộc hành trình đường bộ băng qua hai ngàn dặm, tức hơn ba ngàn cây số đường mòn, từ miền Đông qua miền Tây nước Mỹ. Qua đồi, qua núi, vượt sông vượt suối, đi bộ giữa núi rừng khô khan, giữa sa mạc cháy bỏng, giữa giông tố mưa gió, đi cả sáu tháng ròng rã may ra mới tới nơi. Chết chóc không biết bao nhiêu mà kể.”

Tôi ngắt lời:

– “Tại sao người ta rủ nhau đi tìm vàng đông đảo thế? Tin tức từ đâu? Sao không đi bằng tàu thủy, mà đi bộ cho khổ?”

Ông cụ thở dài, nhìn lên trời cao, lắc đầu nói:

– “Ban đầu, có người tên là James Marshall, tìm ra một hạt vàng dưới suối, nhỏ bằng nửa hạt đậu tại miền Bắc Sacramento của California. Tin đó loan truyền ra, người ta xuống suối đãi được khá nhiều vàng vụn. Rồi nhiều người bắt chước, bỏ cả công ăn việc làm, đi đãi vàng. Dân chúng các vùng lân cận kéo về nơi này tìm vàng. Đến nỗi đồn điền của nhà cự phú nông nghiệp Sutter có hơn bốn trăm nhân công cũng không còn một ngoe. Nông trại phải bỏ hoang. Bị dân tìm vàng giẵm nát hoa màu, phá tan chiến luỹ lấy gỗ dựng chòi, đốt làm củi. Nghe đâu sau này ông Sutter sạt nghiệp, đi ăn xin.

Người ta đồn rằng, vàng nằm lềnh khênh trên mặt đất như cát sạn, tha hồ mà xúc, hốt, không đóng một xu thuế, không giới hạn. Cứ tự do mà khai thác. Ban đầu dân miền Đông nước Mỹ hoang mang, không biết thật hay giả, nhưng khi Tổng Thống Mỹ thời đó là James Polk xác nhận là có vàng ở California, thì báo chí thổi phồng thêm. Như một cơn sốt, như một bệnh dịch. Thiên hạ bàn tán ồn ào. Bàn trong khi làm việc ở sở, trên cánh đồng, trong tiệm ăn, quán cà phê, giữa đường, trên phố, cả trong khi đi lễ nhà thờ, và cả trong mâm cơm gia đình. Cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè, láng giềng, đều cũng náo nức luận bàn về vàng California. Ai ai cũng mơ mộng ra đi, chỉ chịu khó một hai năm thôi, là có vốn lớn làm ăn, thoát khỏi nghèo khó. Công chức bỏ việc, lính tráng trả lại súng ống quân trang, thợ thuyền bỏ nhà máy, thương gia bỏ tiệm, nông dân bỏ ruộng đồng. Thiên hạ gom góp tiền bạc để mua xe, mua ngựa, bò, trang bị đi về miền Tây hốt vàng. Cơn sốt tìm vàng này lan ra cả thế giới, dân cư từ các xứ Anh, Đức, Pháp, Mễ, Chi–lê, Tàu, v.v. cũng tìm đủ mọi cách để đến California hốt vàng.”

Tôi thắc mắc:

– “Có thật người ta tìm được nhiều vàng không?”

– “Có. Những người đầu tiên tìm ra được khá nhiều vàng. Mỗi ngày có thể kiếm được khoảng 25 đô–la, tương đương với tiền công một tháng khi ở quê nhà. Nhưng, xui thay, chừng đó tiền cũng chỉ vừa đủ mua một bữa ăn thôi. Vì thức ăn hiếm hoi, đắt đỏ, tại vì mọi người đều bỏ việc đi tìm vàng.”

Tôi cắt ngang lời ông:

– “Nếu thế, thì mình mở tiệm ăn bán cho người tìm vàng, cũng mau giàu mà đỡ nhọc nhằn hơn không?”

– “Đúng, đúng. Giá như anh ở thời đó, với ý tưởng này thôi, cũng đủ thành giàu có triệu phú rồi đó.”

– “Có ai phất lên thành giàu có nhờ cung ứng dịnh vụ cho người tìm vàng không?”

Ông cụ dài giọng:

– “Nhiều. Nhiều vô số. Kẻ đầu tiên là ông Sam Brannan, một lái buôn, thổi phồng chuyện có vàng ở Sacramento. Ông thu mua tất cả cuốc xẻng, búa rìu, dĩa kim loại có thể dùng để đãi vàng. Rồi ông chạy khắp rong thành phố San Francisco, dong cao một bình vàng vụn, hô hoán ầm lên rằng, vàng đã tìm ra, tha hồ mà hốt. Thiên hạ ùn ùn đi mua cuốc xẻng, dĩa kim loại để đi đãi vàng. Giá một cái dĩa kim loại trước đây vài xu thôi, mà chỉ trong hai ngày, tăng lên đến 15 đô–la. Hơn tiền công lao động nửa tháng. Ông này đánh hơi được nhiều món hàng hoá cần thiết khác, mua đi bán lại cho dân tìm vàng, trở thành giàu nứt vách. Một quả trứng thôi, giá cũng 50 xu, bằng nửa ngày lương.

Một người tài công có thuyền phà chở khách sang sông trên đường mòn từ Đông sang Tây, chém với giá cắt cổ, 16 đô–la để đưa một con bò qua sông. Phà chở đầy, lím mạn, sợ lắm. Qua sông mà hồn viá lên mây, mọi người liên tục cầu nguyện. Sách vở ghi lại rằng, một mùa hè, một chiếc phà này có thể kiếm được đến 65 ngàn đô–la. Không phải bịa, hoặc phóng đại đâu.

Ông Levi Strauss, vào năm 1853, biết dân đào vàng ngâm mình dưới nước, lê lết trên đất đá, cọ xát nhiều. Ông này lấy vải bố dày, may thành quần bán cho dân đào vàng, rất được ưa chuộng vì bền, chắc, tốt, và sau này thành nổi tiếng khắp thế giới với danh hiệu quần Jean Levis.

Ông John Stubaker chuyên đóng xe cút kít, đã mở xưởng sản xuất xe thùng bốn bánh, bán cho người tìm vàng, để băng đại lục, cũng trở nên giàu có, và sau này trở thành cơ xưởng sản xuất xe hơi nổi tiếng.

Hai ông Williams Fargo và Henry Wells thấy dân tìm vàng gặp nhiều khó khăn bất trắc trong việc tàng trữ và vận chuyển vàng và tiền bạc. Bị bọn bất lương cướp bóc, trộm cắp, và hại đến tính mạng nữa. Hai ông này nghĩ ra lối làm ăn lương thiện, chuyên chở an toàn, gởi tiền bạc bảo đảm, được uy tín cao. Họ chuyển luôn cả thư từ. Nhờ đó mà giàu có, trở thành ngân hàng nổi tiếng Wells Fargo có khắp nước Mỹ ngày nay.”

Ngưng một chốc, ông cụ ho khan, rồi tợp ngụm rượu. Nói tiếp:

– “Không phải chỉ bọn con buôn thực tế kiếm ra tiền làm giàu, mà cả những văn nhân, thi sĩ cũng hốt được vô số tiền. Như ông Brett Harte chuyên viết về chuyện của những kẻ đi tìm vàng, về bọn cướp bóc vô lại, chuyện của các giới đĩ điếm. Sách bán chạy như tôm tươi, thu tiền vào như nước.

Có cả ngàn chuyện khác, như tiếu lâm mà có thực, những người này đã nhìn ra các khía cạnh khác trong thế giới tìm vàng mà trở thành giàu có. Họ không hề đụng đến cái cuốc, cái xuổng, hoặc cong lưng, nhúng chân xuống nước đãi vàng.”

Tôi cầm bầu rượu, tu thêm mấy hớp. Đêm lạnh, chất rượu mạnh như đốt ấm thân thể. Ông cụ lại dạo đàn, tôi tiếp tục hát theo ông. Một lúc sau, bỗng ông cụ đặt đàn xuống, ôm mặt khóc hu hu, rồi nói:

– “Nghĩ đến đoạn đường bộ gian khổ đã đi qua, mà cầm lòng không được, phải phát khóc. Tuổi già, trái tim thành mềm yếu như đàn bà, nên mau nước mắt.”

Cụ gạt nước mắt, và kể tiếp rằng, chính cụ đã khởi hành từ Philadelphia năm 1850, đi trên con đường mòn từ miền Đông qua miền Tây dể tìm vàng. Tôi nghĩ rằng, có lẽ cụ say nên lẫn lộn. Nhưng chuyện của cụ mạch lạc và chính xác như những điều tôi đã biết qua sách vở. Cụ nói:

– “Ngày đó, từ miền Đông qua miền Tây chưa có đường sá, cầu cống, đò phà, quán xá, làng mạc. Tôi đã đi bộ hai ngàn dặm, trên con đường mòn băng núi đá, đồi đất, bụi bờ, rừng cao, đèo sâu, sông suối. Nhiều sa mạc mênh mông, cháy bỏng, không nước, không cây cỏ.

Vào đầu tháng tư năm đó, tôi theo đoàn người tìm vàng ùn ùn từ Bắc xuống, gặp những đoàn khác từ hướng Nam đi lên từ nam lên. Chúng tôi đổ về thành phố Saint Louis của tiểu bang Missouri. Tôi chất lên tàu hơi nước đi trên sông Missouri nào là xe–gòn, dụng cụ, hành lý, đủ thứ. Tàu đi về hường tây. Nhưng đi được hai trăm dặm, thì phải xuống bộ, vì không còn đường sông đi về hướng tây nữa. Các thành phố, các làng ven bờ sông, bùng lên ồn ào, đông đúc chật chội. Đường sá đầy người, la, lừa, bò, ngựa. Và tiếng thợ rèn đập búa đinh tai nhức óc từ sáng đến khuya, họ đang sửa bánh xe gòn, bịt móng chân thú vật. Hàng ngàn trại vải được mọc lên trên các cánh đồng hoang ven làng. Hàng trăm tiệm bán hàng thành lập, để cung cấp các nhu cầu thiết yếu cho dân tìm vàng.

Phải đi trong mùa hè và Thu, vì phải chờ cho cỏ mọc đủ lớn dọc đường, để làm thức ăn cho thú kéo xe. Đi sớm, thì không đủ cỏ, và chết dọc đường là chắc. Đi muộn, tuyết xuống, mùa đông không có cỏ, cũng chết. Để dự trù cho cuộc hành trình dài trên sáu tháng đó, mỗi người phải đem theo tối thiểu là 200 cân Anh bột mì, 150 cân thịt heo ba rọi, 10 cân cà phê, 20 cân đường và 10 cân muối. Như thế, cứ một gia đình khoảng bốn người ra đi, thì phải dem theo cả ngàn cân thực phẩm cho cuộc hành trình 2000 dặm đi bộ chậm chạp gian khổ đó.”

Cụ già ho một tràng dài. Tôi ngồi im lặng một lúc. Sau đó tôi khơi lại câu chuyện:

– “Thế thì người ta đi xe loại gì, và dùng thứ gia súc nào để kéo xe để có thể đi xa như vậy?”

Cụ nói:

– “Chúng tôi đi xe 'gòn' loại nhỏ, có mui trùm bằng vải quét sơn. Do bò kéo. Hai bánh sau to, hai bánh trước nhỏ, để dễ di chuyển, xoay xở. Chỉ có bò mới thích hợp với cuộc hành trình ngàn dặm gian khổ như thế này mà thôi. Bởi vì bò không cần cỏ tươi, tạp ăn, ngoan, dễ sai khiến, mạnh, có sức kéo lớn, có thể băng qua sình lầy, qua bờ bụi, vượt sông, chịu được điền kiện khí hậu khắt khe. Hơn nữa giá bò không cao. Còn ngựa, lừa, la, thì không đủ sức để làm cuộc hành trình gian khổ lâu dài như vậy.”

Tôi ngắt lời:

– “Thú vật còn không chịu được gian khổ, thì con người làm sao chịu nỗi?”

Cụ thở dài tiếp:

– “Bởi thế nên con người mới chết chóc dọc đường không biết cơ man nào mà kể. Khi ngày khởi hành thuận tiện, thì từng đoàn xe nối đuôi nhau san sát. Có lẽ xa lộ kẹt xe ngày nay, còn khá hơn thời đó. Người ta tưởng như một thành phố xe bò di động từ đầu chân trời cho đến cuối chân trời, không dứt, từ ngày này qua ngày khác.

Khi ra đi, mang theo nhiều hành trang quá, xe nào cũng chất chật cứng, cao nghệu. Lại đèo thêm nhiều thùng nước trước và sau xe. Cho nên chỉ mới khởi hành được vài ba dặm, thì người ta đã phải quăng bớt đồ đạc, thức ăn, cho nhẹ mà đi. Do đó, trên nhiều dặm đường, có la liệt ngổn ngang đồ đạc quăng bớt. Người trong các thành phố kế cận, nhặt được cả nhiều xe đầy nhóc bột mì, thịt nguội, và nhiều vật dụng linh tinh khác.

Tệ nhất là nhiều người cả đời chưa hề biết đánh xe bò, xe ngựa bao giờ, nên điều khiển súc vật loạng quạng, thúc ngựa, bò đâm đầu vào cây, vào bờ bụi và lao xuống hố nữa. Phí của. Vỡ mộng làm giàu.

Xe nào cũng muốn tiến tới phía trước để bớt hít bụi mù do xe cuồn lên. Phải bịt mũi, miệng, đeo kính che mắt mà đi. Chiều xuống, khi cắm trại, tình trạng còn bết bát tệ hại hơn. Ai cũng giành chỗ tốt nghỉ ngơi. Chen chúc nhau cắm trại. Vì quá đông người, quá chật chội, nên tình trạng vệ sinh rất tồi tệ. Nhiều xe đào hố xí để giải quyết tiêu tiểu bên cạnh trại của đám khác. Gây bệnh tật, và chết chóc.

Nếu đi một hai ngày, có lẽ thấy vui, lãng mạn, chứ sáu bảy tháng như thế, thì là một nỗi chán ngán ghê gớm. Phải có nghị lực, kiên nhẫn để chịu đựng. Nhưng viễn tượng hốt vàng trước mắt, lôi kéo, cuốn hút, làm quên bớt nỗi gian nan.

Những xe đi trước, xài phí cỏ hoang cho súc vật ăn, làm các đoàn đi sau thiếu cỏ, phải đánh bò ra xa cả nhiều dặm đề tìm cỏ. Một thời gian sau, dọc đường mòn không còn củi để đốt nấu ăn. Khó khăn lắm mới tìm ra củi. Mỗi chiều khi bắt đầu cắm trại, thì phải đi gom cây lá vụn để nhóm lửa. Vất vả lắm, vì ai cũng tìm củi như mình. Rồi phải dùng phân bò khô mà nấu.

Làm bánh mì cũng không phải dễ. Khó mà không nhồi luôn côn trùng, bụi bặm vào bánh. Nướng bánh cho chín, là một việc đại khó khăn, bánh bên ngoài thì cháy đen mà bên trong thì còn sống nhão nhẹt. Ăn bánh mì với thịt heo ba chỉ ngày này qua ngày khác, ăn sáng, ăn trưa, ăn tối, cũng chỉ món đó, ăn mấy tháng dài liên tiếp, ngấy tận óc, mà phải nuốt, để có sức. Nhiều lúc không đủ củi đun, phải ăn thịt heo ba chỉ chưa nướng chín. Khi nào kiếm ra được con chim cút, hoặc thịt bò rừng là sung sướng hạnh phúc lắm.

Chỉ nghĩ lại thôi, cũng đủ khiếp đảm. Trầm mình trong sa mạc nắng như đốt, nhiệt độ gần một trăm độ F, từ ngày này qua ngày kia, mồ hôi nhễ nhại, bụi bám đầy da thịt, ngứa ngáy, không được tắm rửa trong mấy tháng ròng rã, không thay áo quần cả nhiều tháng. Hôi hám như súc vật chết. Đến nỗi người da đỏ không dám đến gần vì mùi quá thúi. Họ cho rằng, người da trắng là một chủng loại dã man, ăn ở thiếu vệ sinh, hôi hám. Khi bọn họ mắng nhau rằng “Mầy là đồ da trắng” thì kẻ bị mắng, cảm thấy bị xúc phạm tột độ, nặng nề.

Khi đi, không ai nghĩ được nước là cần thiết nhất, vì tưởng có thể lấy thêm dọc đường. Nhưng không phải vậy, vì có những sa mạc mênh mông nóng như lửa, khô cằn, cho nên phải uống cả những thứ nước hư thối, đã biến vị, bởi vậy cho nên đau bụng, kiết lỵ, thổ tả, thành bệnh mãn tính. Đã lao lực quá độ, yếu sức sẵn, và cứ bị một trận tiêu chảy, là có thể đi luôn. Nhiều người đang khoẻ mạnh, chỉ vài giờ sau là chết. Bệnh tiêu chảy giết chết bọn chúng tôi nhiều nhất. Những năm thời tiết xấu, có đoàn chết mất hai phần ba nhân số.

Tất cả đều phải đi bộ, rất hiếm người được ngồi trên xe. Đi ròng rã nhiều tháng dài, dưới nắng, mưa, gió bụi. Đi cho rã chân ra. Xe bò cứ từ từ mà đi. Nếu có ai mệt quá, ngã qụy bất thần vào bánh xe, thì cũng không thắng kịp. Xe cán càn lên, và chết là chắc. Có kẻ bị cán nát đầu kêu rôm rốp, thật khiếp.

Nhiều người bị sấm sét đánh chết, cháy xém, nhiều người bị thương la liệt vì những cơn mưa đá hạt to bằng trái cam từ trời cao ném xuống. Mưa gió quật ướt loi ngoi, lạnh lẽo, vì không nơi trú ẩn khi qua đồng trống. Trong xe cũng bị dột, thấm, làm hư hỏng thức ăn, đồ đạc.

Dọc con đường mòn, rải rác phơi xương, sọ người và cả phần tay chân lổn ngổn, có khi thấy đầu lâu tóc còn cài cây lược. Đó là phần còn lại của những người chết, được vùi nông, vùi qua loa để kẻ còn sống tiếp tục lên đường. Vì huyệt cạn, nên thú rừng đào bới, ăn xác chết. Có kẻ đau yếu, chưa chết, cũng đem chôn luôn, và có khi bỏ lại bên vệ đường, vì thế nào họ cũng chết. Không thể ngồi lại mà khóc than. Không còn sức để chờ, để đào cái hố đủ sâu, vì kẻ chết, thế nào cũng chết, kẻ sống, phải lo giữ mạng sống, không có thì giờ để khóc lóc, để uỷ mị, để chần chờ. Có lần, tôi được cắt cử ở lại để chờ người bạn bị bệnh chết, trong khi chờ đợi, tôi đào huyệt sẵn để tiết kiệm thời giờ, chôn xong thì vội vã chạy theo đoàn.

Mỗi ngày, phải thức dậy khi trời còn tối om, để ăn sáng, quàng ách súc vật, chuẩn bị lên đường khi tờ mờ. Đi, đi mãi, buổi trưa tạm dừng lại chừng một giờ để ăn trưa, nghỉ ngơi, rồi tiếp tục cho đến khoảng sáu giờ chiều, thì dừng lại cắm trại. Đậu xe vòng quanh để dồn gia súc vào giữa. Không phải vì sợ dân Da Đỏ tấn công.

Ròng rã trong sáu tháng, năm giờ sáng là phải thức dậy lên đường, đi mười giờ liên tiếp, cực nhọc lắm mà mỗi ngày đi chỉ được chừng 15 dặm thôi. Nhiều đoạn đường rất dài, hoàn toàn khô khan, không có nước, người ta đã khát cháy họng, lưỡi xám xì, khô dòn áo quần, thân thể, có kẻ đã lăn đùng ra chết khô.

Nhiều kẻ bán–buôn đánh hơi được, cho xe chở nước đi ngược đường mòn, đón đoàn người đi tìm vàng đang khát cháy cổ, và lên cơn sốt vì thiếu nước. Họ bán một ly nước 1 đô, hoặc 10 đô, có khi lên đến 100 đô nữa. Cũng phải mua mà uống để sống còn, để hy vọng đến California tìm vàng. Những kẻ hết tiền, đành chịu chết khát dọc đường.

Không phải chỉ nước mới đắt. Bột mì khi ra đi, mua một thùng tô–nô (khoảng 200 lít) giá chỉ 4 đồng, mà trên đường đi, giá tăng lên 1 đồng một lon sữa bò nhỏ. Thứ gì cũng đắt khủng khiếp. Một lon đường 1.50 đô, lon cà phê 1 đô.”

Nghe ông cụ kể đoạn đường gian khổ băng qua nước Mỹ mà tôi ớn lạnh, nghẹt thở. Tôi van ông:

– “Thôi, thôi ông anh ơi, đừng kể nữa, nghe mà ớn quá. Thì ra, California này được xây dựng bằng mồ hôi, xương, máu, thịt, của tiền nhân đi tìm vàng. Chúng tôi từ xa xôi đến đây, hưởng dụng các phương tiện có sẵn, do công khó nhọc nhằn của những người đi trước. Không là bà con, dòng họ, tổ tiên, mà nước Mỹ đã mở rộng vòng tay bao dung đón chúng tôi. Trong khi người anh em cùng tổ tiên miền Bắc thì truy sát, đày đọa, ruồng rẫy, áp bức, khắc nghiệt. Biết thế, thì tôi khoan về hưu đã, đem hết sức tàn của mình ra làm việc, phụng sự, để đền đáp phần nào ân nghĩa bao la này.”

Ông cụ đưa bình rượu cho tôi bảo uống thêm đi. Ông nói:

– “Đừng suy nghĩ gì cả. Ở xứ này mà anh không gian lận thuế, thì cũng đã là trả lại phần nào ân nghĩa cho xứ sở rồi.”

Sau vài hớp rượu, tôi lại tò mò hỏi thêm:

– “Đi băng qua nước Mỹ, các ông không sợ bị dân Da Đỏ tấn công sao? Hồi nhỏ xem chiếu bóng, thấy dân Da Đỏ hay giết hại người vô tội. Mỗi khi thấy Da Đỏ bị đánh bật lui, thì bọn con nít chúng tôi vỗ tay reo mừng hớn hở. Phim cao bồi cho chúng tôi có cảm tưởng người Da Đỏ tàn ác, dã man, khát máu.”

Ông cụ nổi giận, to tiếng:

– “Bậy bạ. Các anh không hiểu gì cả. Đúng là khi ra đi, chúng tôi rất ngại bị người Da Đỏ tấn công. Nhưng trái lại, dân Da Đỏ rất tốt, giúp đỡ tận tình khi người tìm vàng có tai họa. Họ giúp kéo xe sa lầy ra khỏi vũng bùn, cứu người chết đuối, lùa súc vật chạy lạc. Giao thiệp giữa Da Trắng và Da Đỏ rất thuận thảo. Họ trao đổi thuốc lá, súng đạn, áo quần, để lấy thức ăn hoặc ngựa.

Và chính người Da Trắng tấn công và giết chóc người Da Đỏ trước. Vào năm 1854, một con bò của đoàn người đi lạc vào một bộ lạc Siuox, họ không biết, bắt giết và ăn thịt. Bọn tìm vàng đến báo cáo với Trung úy Grattan đóng ở đồn Laramie gần đó. Ông này đem theo 28 binh sĩ đến để trừng phạt Da Đỏ. Người Da Đỏ biết lỗi, vì tưởng lầm bò hoang, xin lỗi, và đề nghị đền lại bằng một con ngựa, giá cũng đã có lời cho bọn Da Trắng. Nhưng Trung úy Grattan không chịu, ra lệnh bắn giết dân Da Đỏ. Vị Trưởng Tộc Da Đỏ ra lệnh đừng đánh lại, và nói rằng khi đã trả thù xong, thì bọn lính sẽ bỏ đi. Nhưng Trung úy Grattan tiếp tục bắn, giết chết vị Trưởng Tộc. Dân Da Đỏ phải chống cự lại, bắn nhau, kết quả có 21 trong 29 người lính đến trừng phạt bị giết chết.

Chiến tranh bùng nổ từ đó. Kéo dài trong mấy chục năm sau. Chỉ vì một con bò lạc, sự lầm lẫn của thổ dân, và sự tàn ác của Trung úy Grattan, mà biết bao nhiên người vô tội mất mạng. Có nhiều cuộc tàn sát người Da Đỏ xảy ra trong những năm sau đó. Cuối cùng, người Da Đỏ hết chịu nỗi, phải vùng dậy chiến đấu quyết liệt hơn để sống còn.

Cũng chỉ trong vài năm đầu, những đoàn viễn hành đã tàn phá cả đồng cỏ, đốt hết cây củi trên đường đi, và tận diệt lũ bò rừng. Đến nỗi, trên vùng thảo nguyên dài hai trăm dặm, dọc đường mòn, ngổn ngang xương bò rừng, thịt bò rừng hư thối. Nhìn vào thật bất mãn. Làm cho nhiều bộ lạc Da Đỏ lâm vào cảnh thiếu thức ăn, đói khó.

“Đó, lỗi ở bọn Da Trắng chúng tôi.”

Mệt, say, và trong lòng buồn quá, tôi đứng dậy, cáo từ, xin ra về. Ông cụ nắm áo tôi kéo lại, nói:

– “Khoan đã. Bầu rượu chưa cạn. Dễ chi trong đời anh có được mấy đêm vui như hôm nay. Ngồi xuống đây đã nào.”

Nghe ông cụ nói thế, tôi lại hừng chí lên, và ngồi xuống, cầm cây đàn của ông mà đánh tưng tưng, lắc lư gào to, hát lời vu vơ. Ông cụ cũng vỗ tay làm nhịp, và hát theo đuôi. Đêm vắng phố nhỏ tịch mịch, lời hát của chúng tôi vang vang rất rõ ràng. Hát khan cả cổ, tôi cầm bầu rượu mà tu liên tiếp mấy hơi. Tôi hỏi:

– “Ông anh có còn sức để kể tiếp câu chuyện tìm vàng không?”

Ông cụ tằng hắng, và nói:

– “Tôi đến California vào năm 1850 thì vàng khơi khơi trên mặt đất đã cạn kiệt. Cách đãi vàng bằng tay không còn hiệu quả nữa vì vàng hiếm hoi, người ta phải dùng kỹ thuật tân tiến hơn mới khai thác được. Phải có nhiều người, cùng lập thành tổ hợp. Đắp đập, ngăn sông, chuyển dòng nước để tìm vàng dưới đáy sông. Đào sạt núi, sập đồi. Rồi cũng hết vàng. Họ không đủ tiền để đầu tư lớn.

Những công ty lớn có đủ kỹ thuật và dụng cụ khai thác vàng vô cùng hữu hiệu, họ dùng kỹ thuật vòi xịt nước vào sườn đồi, sườn núi. Vòi xịt mạnh đến có thể giết chết người đứng cách xa chừng 30 thước tây. Kỹ thuật dùng vòi xịt nước tàn phá thiên nhiên rất khủng khiếp. Sông ngòi, núi đồi California biến hình, thay dạng, không còn chút gì hình thể của thời xưa. Phải mất ba mươi năm sau mới có đạo luật cấm sử dụng kỹ thuật xịt vòi nước xói đất tìm vàng. Bí lối, chúng tôi chỉ còn con đường duy nhất là đi làm cu–li cho các công ty lớn đó.

Cái không khí thân thiện nồng nàn tình bằng hữu và rộng rãi ban đầu mất dần, thay vào là cáu kỉnh, dữ dằn với nhau. Vỡ mộng làm giàu và thất vọng, người ta đâm ra cờ bạc, phóng túng. Đánh bài may ra có thể gặp vận hên, vớ được một mẻ lớn mà không phải cực nhọc, ngâm mình lặn lội bờ sông. Nhưng kinh nghiệm xưa nay, chẳng có ai vì hoàn cảnh tuyệt vọng, dùng con đường bài bạc để giải quyết khó khăn, mà không lún sâu vào vũng lầy của nợ nần, lừa gạt, cướp bóc, và có khi đưa đến tự tử nữa. Cướp bóc bị tù tội, bị treo cổ. Một tử tội viết lời nhắn lại cho kẻ tìm vàng rằng:

– “Nhân dịp này, tôi muốn viết đôi hàng cho những người hy vọng tìm ra vàng để trở thàng giàu có rằng: Tôi và bạn Charley của tôi, bị kết án treo cổ vào 5 giờ chiều nay vì tội cướp...”

Hai tay ông cụ bưng mặt, im lặng một lúc, cụ tiếp lời:

– “Tôi cũng là một trong những người vỡ mộng, ra đi thì hứa hẹn với vợ con đủ điều. Đến đây, cố gắng hết sức, làm việc không ngơi nghỉ, không kể ngày đêm, không ngại cực nhọc. Mỗi ngày hơn mười tiếng đồng hồ, gập cong người trên dòng nước, nắng như lửa đốt trên lưng, lạnh cóng tay, cóng chân, dầm mình trong sông buốt giá. Cực nhọc mấy năm dài mà không nên cơm cháo gì, càng ngày nợ nần càng thêm chồng chất. Nhưng rồi tự bảo, cứ nấn ná thêm một thời gian nữa, không chừng sẽ gặp vận may. Và cứ nấn ná mãi, kéo dài thêm thời gian, cho đến khi quá lâu, không thể quay trở về quê quán với hai bàn tay không và thêm một số nợ nần chưa trả nổi. Tôi không dám liên lạc với gia đình nữa, và ở lại luôn nơi đây. Làm việc vất vả, cũng chỉ là vắt mũi bỏ miệng. Rồi chết trong nghèo khó và bệnh hoạn vào năm 1875, khi vừa đúng 50 tuổi.”

Nói đến đây, ông cụ ôm mặt khóc hu hu. Tôi nghĩ ông cụ say, nên nói sảng. Tôi dỗ dành, bảo đừng khóc nữa, vì ông còn sống, và tôi cũng còn sống, còn biết uống rượu, ca hát. Tôi rút khăn giấy chậm nước mắt cho cụ, và dúi cây đàn vào tay ông, bảo ông hát cho quên buồn. Ông lại gảy đàn, tiếng đàn vang vọng rầu rĩ giữa đêm khuya. Rồi chúng tôi hát lớn như hai gã điên trong tiếng đàn đệm, tiếng vỗ thùng đàn rầm rầm. Mùi rượu nồng nàn toả ra từ hai cái miệng đang gào hát.

Sau một hồi ca hát vu vơ, ông cụ và tôi uống cạn không còn một giọt cái bầu rượu bằng da mà ông đeo bên hông. Ông cụ móc trong bao da ra một viên sạn nhỏ màu vàng lờ mờ, và bảo tôi:

– “Giữ hạt vàng này làm kỷ niệm buổi sơ giao. Hẹn gặp nhau bên kia thế giới”

Tôi lúng túng vì không có món quà nào trao đổi, bèn kéo chiếc nhẫn khoen vàng từ ngón tay ra, dúi cho ông cụ và nói nhỏ:

– “Cũng để làm kỷ niệm”

Trăng tàn, trời lạnh buốt, xa xa vẳng tiếng gà gáy. Ông cụ đứng dậy, phủi mông, vác đàn lên vai, và không biết từ đâu, một con ngựa lững thững đi đến. Ông không bắt tay từ giã, nhảy lên ngựa rồi thong thả đi về hướng xa lộ. Tiếng vó ngựa lóc cóc gõ trên đường nghe mồn một. Bóng ông mờ dần, khuất trong đêm. Tôi thấy hoa mắt, chóng mặt, đau thắt trong bụng, tay chân tê cóng, và gục xuống bất tỉnh nằm dài trên đường.

Sau này tôi được cho biết rằng, buổi sáng cảnh sát tìm thấy tôi nằm gục bên hè đường trước viện bảo tàng vàng. Tim đã ngừng đập, được đưa vào bệnh viện cấp cứu, và sống lại.

Nằm bệnh viện hai hôm, tôi thấy sức khỏe gần như đã hoàn toàn hồi phục, được xuất viện vào khoảng gần trưa. Tôi đi tìm xe và phân vân không biết có nên đi tiếp hay tạm quay về. Khi tôi đến nơi đậu xe, thì thấy người ta đang định câu xe của tôi đi, vì đậu quá lâu ngoài đường, nơi phố chính. Trên kiếng xe, có nhiều giấy phạt chồng chất lên nhau. Tôi vội vã ngăn cản người câu xe. Cho ông biết, tôi bị tai nạn vừa ra khỏi bệnh viện. Tôi kể sơ cho ông nghe câu chuyện đêm trước, ông trợn tròn mắt và nói:

– “Anh đã gặp con “Ma–Tìm–Vàng” đấy. May mắn lắm mới không đi đong cái mạng cùi”.

Tôi cười mỉa mai, và leo lên xe mở máy chạy ra hướng xa lộ. Khi đến công viên có bức tượng của người đang đãi vàng bằng đồng, bên con ngựa, tôi giật mình thắng xe dừng lại, thấy hình tượng này có nét hao hao giống với cụ già mà tôi đã cùng hát và uống rượu đêm hôm trước. Tấp xe vào lề đường, tôi đi thẳng đến gần sát bên tượng. Trán đổ mồ hôi khi tay tôi đụng vào đáy túi quần. Có cái gì cồm cộm. Tôi lôi ra một viên vàng cốm bằng nửa hạt đậu, lóng lánh phản chiếu ánh nắng.

Tôi sực nhớ viên vàng mà cụ già trao cho làm kỷ niệm. Thế mà tôi cứ tưởng nhậu say, làm tôi thấy ảo giác. Tôi giật mình, ớn lạnh nhìn vào cái dĩa đãi vàng của bức tượng, thấy có chiếc khâu nhẫn vàng. Tôi cầm lên, nhìn vào mặt trong của cái khâu, có chữ khắc tên tôi rất rõ ràng. Tôi nhìn kỹ hơn vào bức tượng, đúng là khuôn mặt, dáng điệu của ông cụ đã cùng tôi ca hát. Hốt hoảng, tôi ném trả lại viên vàng vụn vào cái dĩa đãi vàng của bức tượng, một tiếng ‘keng’ vang vọng. Tôi chạy mau ra xe, mở máy vọt đi thật mau. Cố quên đi những gì đã xảy ra hai hôm vừa qua. Nhưng trong tai tôi, như còn nghe mồn một các bài hát của cụ già. Tôi nghĩ rằng, chắc tôi chớm bệnh thần kinh, thấy ảo giác, chứ bây giờ là thế kỷ 21 rồi, làm chi mà có ma quỷ./.

Tháng 6/2010
Tràm Cà Mau kể chuyện



Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet eMail by Batkhuat Nguyen chuyển

 

Đăng ngày Thứ  Bảy, April 22, 2023
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang