Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tản
mạn ngày Tết
Chủ đề:
Câu chuyện ngày Xuân
Tác giả:
Phong Châu
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Năm
nào cũng vậy, nơi mình ở. Cứ đến những ngày cận tết cho mãi đến
sau tết, thời tiết lạnh giá vẫn chưa chịu ra đi khiến không khí
xuân thiếu phần khởi sắc như trong những bài văn, bài thơ, bài
hát qua những lời ca tụng mùa xuân nắng ấm chan hòa, hoa màu muôn
sắc và người người đang hớn hở đón mừng xuân. Không biết có phải
mình đã luống cái tuổi xuân từ lâu nên nhìn sự vật chung quanh có
phần ảm đạm hay không? Chắc là vậy...
Mấy tuần nay đã thấy không khí tết diễn
ra nhiều nơi trên màn ảnh truyền hình, trên youtube, trên
facebook, trên radio và trên nhiều phương tiện truyền thông khác
nữa. Nhiều nhất vẫn là hình ảnh trước tết tại Việt Nam từ thành
thị cho đến thôn quê do những kênh truyền thông cá nhân ghi nhận.
Tại hải ngoại, cảnh chưng bày, mua bán, sắm tết tại những thành
phố có đông người Việt cũng không sao bằng với Việt Nam dù là với
một thị trấn nhỏ miền quê.
Mình đã “ăn tết” tại Việt Nam từ thuở
tấm bé cho đến lúc phải “cất bước ra đi... mang theo niềm nhớ”
(hình như đây là lời của một bài hát... xin mượn). Lúc tị nạn ở
nước Cờ Hoa, nếu tính luôn tết “Quý Mão” này thì mình cũng đã xơi
tái được 31 mùa xuân ở hải ngoại. Vậy tết ở Việt Nam thì sao? Tết
ở hải ngoại thì sao? Khó mà nói cho hết! Thôi thì nhân ngày xuân
về tết đến, xin kể câu chuyện mồng một tết lúc còn ở quê nhà,
thời mà đi học phải kè kè bình mực xanh và cây bút lá tre cùng
cây thước kẻ.
Mình được sinh ra trên mảnh đất Hoàng Triều Cương Thổ của triều
nhà Nguyễn (nghe oai chưa!) vào cái thuở “đất rộng người lưa
thưa”, sống dưới rừng thông gió hú bốn mùa và với cả cọp beo
thường lảng vảng từ Cầu Quẹo lên tới Dankia – Suối Vàng – Suối
Bạc... Miệt dưới thì mấy bác “30” cũng thường ghé thăm khu vực
thác Cam Ly để nghe tiếng thác reo ì ầm quanh năm khiến mấy em
con nít như mình nghe các cụ già như ông bà ngoại, các cụ trẻ như
bố mẹ mình kể... mà rợn cả tóc mai (không rợn tóc gáy). Về phía
nam chút nữa như thác Prenn, Gougah, Ponggour thì khỏi phải nói,
còn rừng rú hoang vu nguyên thủy. Tóm lại đó là hình ảnh Đà Lạt
của thập niên “40” vào thế kỷ hai chục. Qua đến thập niên “50”
trở đi thì dân Đà Lạt mới từ từ đẩy mấy chú cọp bác beo vô tuốt
trong bưng. Rồi dân số Đà Thành gia tăng sau cuộc di cư của người
miền Bắc vô Nam để trốn các đồng chí đồng rận búa liềm. Đà Lạt
lại có các khu định cư mới, ở miệt Bắc có các ấp Thánh Mẫu, Kim
Thạch, còn ở miệt Nam thì có ấp Nam Thiên, Du Sinh... Xa chút nữa
có Tùng Nghĩa – Phi Nôm nằm trên quốc lộ 20 chạy đi về hướng Sài
Gòn hoa lệ...
Hồi còn bé tí tẹo mình cũng như bao thằng nhóc tì khác, thấy gần
đến tết là vui trong cái bụng lắm (nói theo tiếng của người
K’ho... cái bụng...) vì: Thứ nhất là được nghỉ học đến cả hai
tuần, khỏi phải học bài làm bài gì cả. Thứ hai được dự trại tất
niên do trường tổ chức (thời trung học) vui lắm với những màn thi
đua văn nghệ, thể thao, bích báo và được ngủ lều dưới cái lạnh
“teo gân” của Đà Lạt... Hồi đó các nhóc tì Đà Lạt ưa nói lạnh
“teo gân” để chỉ cái lạnh rừng rú hoang dã. Thứ ba là được ông bà
bu mua cho bộ quần áo và một đôi sandal mới cáu cạnh để diện ba
ngày tết. Thứ tư là mấy ngày tết được ăn thức ăn ngon và nhiều.
Thứ năm là được lì xì vào sáng mồng một. Còn nhiều cái vui linh
tinh khác nữa xin giấu bớt.
Nếu kể “vòng vo” chắc là tốn giấy hao
mực (xin lỗi, sợ mệt hai ngón tay) nên chỉ xin kể câu chuyện của
ngày mồng một tết mà thôi. Số là mình có một người bác dâu (vợ
của bác ruột) ở đường Phan Đình Phùng, gần ngã ba chùa Linh Sơn
rất thương mình vì bác không có con trai – chỉ có sáu trự con gái
– thích cái tính lanh lợi vui vẻ của mình nên bác thường nhắc nhở
mỗi khi gần tết “sáng mồng một mi ghé nhà bác để xông đất nghen”.
Mình tuân lệnh răm rắp không dám ý kiến ý cò chi cả. Hơn nữa mình
cũng thấy có lợi (được tiền lì xì) nên trong suốt thời gian dài,
cả chục năm trời ròng rã, cứ sáng mồng một là mình đạp xe đạp mất
ba cây số để đến “xông đất” nhà bác.
Khi bước chân vô nhà là phải vòng tay
cúi đầu chào hai bác, sau đó chào mấy bà chị kèm theo nụ cười
trên môi và mặt phải lộ vẻ vui mừng, không được nhăn nhăn nhó nhó
và nói năng lắm lúc “vô trật tự” như những ngày thường. Bác khen
ngoan rồi móc túi dí vào tay một phong bì màu đỏ chói. Mình cám
ơn và nhét ngay vô túi quần. Có vài bà chị cũng tặng bao lì xì.
Sau đó bác bảo mấy bà chị dọn thức ăn ra bàn và bảo mình ngồi ăn,
có bánh tét, có dưa món, có thịt đông, thịt luộc, chả, xôi, chè
chuối... ôi thôi đủ thứ. Ăn xong thấy một bà chị mở radio hiệu
Philips cho nghe tin tức ngày xuân trong đó có lời chúc tết của
tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, tiếp theo là một lô các bài hát
xuân như bài Xuân Và Tuổi Trẻ, Cánh Bướm Vườn Xuân... của thập
niên 50 (thế kỷ trước), rồi những Đón Xuân, Xuân Đã Về, Hoa Xuân,
Ly Rượu Mừng, Cánh Thiệp Đầu Xuân, Anh Cho Em Mùa Xuân... đặc
biệt là những bài hát nói về mùa xuân của lính như bài Đồn Vắng
Chiều Xuân, Xuân Đầu Tiên, Phiên Gác Đêm Xuân của thập niên 60.
Bài Ly Rượu Mừng của Nhạc sĩ Phạm Đình Chương là bài hát được ưa
chuộng nhất được nghe mỗi dịp xuân về. Bài này sau tháng tư bảy
lăm mấy anh giải phóng cho đi ngồi tù đằng đẵng suốt 43 năm, đến
năm 2018 mới ký giấy cho tháo xích xiềng thả ra để cho trăm triệu
dân “từ bắc xuống nam” cùng nghe. Không hiểu mấy ảnh có biết rằng
trong 43 năm đó, dân Việt đã nghe Ly Rượu Mừng mỗi lần xuân về
khắp hang cùng ngõ cụt hay không?... Có khi mấy ảnh cũng hân hoan
“ngày xuân nâng chén” không chừng...
Khoảng 8 giờ, bác sắm sửa y phục chỉnh
tề bước ra và ra lệnh cho mình và hai bà chị cỡ bằng tuổi mình
xuất hành đi theo bác. Mấy bà chị cũng mặc áo dài có điểm bông
hoa tươm tất, người nào cũng có cái ví cầm tay nho nhỏ. Mình
không biết bác có coi hướng để xuất hành sáng mồng một hay không
nhưng năm nào cũng vậy, một đồng nam và một hai đồng nữ theo chân
bác đi về hướng hướng bắc. Ban đầu cứ tưởng bác dắt lên Núi Bà
xin xăm, ai dè đến ngã ba Mả Thánh bác bèn quẹo vô con đường đất
đi tuốt vào trung tâm mồ mả của cư dân Đà Lạt. Thì ra bác đi thăm
mộ phần của những người thân trong gia đình. Lên đến Mả Thánh mới
thấy cảnh bà con đi thăm mộ phần đông ơi là đông... sau này mình
nghiệm ra đây là một trong những tập tục của đa số người Đà Lạt
lúc bấy giờ. Nhìn cảnh thiên hạ đi viếng mộ mồng một tết mình nhớ
đến hai câu thơ của thi hào Nguyễn Du trong Truyện Kiều tả cảnh
chị em Thúy Kiều đi tảo mộ “trong tiết tháng ba”:
...Ngổn
ngang gò đống kéo lên
Thoi vàng vó rắc
tro tiền giấy bay...
Bác dắt mấy chị em đi thăm và thắp
nhang trên từng ngôi mộ. Mộ nằm rải rác đó đây chứ không cùng một
chỗ, thế mà bác nhớ mộ ông, mộ bà, mộ anh em, con cháu nằm ở đâu,
bác nhắm hướng đi đến là trúng phóc. Hai ba đứa trẻ theo chân bác
sau chừng nửa giờ đã đổ cả mồ hôi thấm ra áo. Gần 10 giờ bác đưa
xuống núi. Nghe ông bà bu mình kể rằng Mả Thánh trước là quả đồi
cao thuộc sở hữu của Hoàng Triều Cương Thổ, vào năm 1936 cụ Võ
Đình Dung bỏ tiền ra mua để cho dân Đà Lạt có nơi chôn cất. Thật
là công đức vô lượng... Giờ thì mấy bác giải phóng đã san bằng từ
lâu, không biết có xây cất gì chưa?
Trên đường về bác lại đưa đến chùa lễ
Phật đầu xuân ở chùa Linh Sơn, gần nhà bác. Nơi đây cũng tấp nập
Phật tử đi lễ đầu xuân trong những bộ áo quần còn vương mùi vải
mới đủ màu sắc, các bà các cô toàn mặc áo dài vì thuở đó phụ nữ
Đà Lạt chưa mặc trang phục Tây phương. Nhớ trước chùa có hai cây
hoàng lan cao cả chục thước tỏa hương thơm ngát. Vô chánh điện
lạy Phật ba cái rồi rút lui, còn bác thì bỏ tiền vào thùng “phước
sương”. Trước sân chùa tấp nập người đi qua đi lại, kẻ vào chánh
điện, người vô phòng khách và có người ra sau nhà bếp, chắc là để
kiếm món ăn chay.
Rời khỏi chùa, tưởng rằng được về nhà
nhưng không, bác đi tiếp trong khi “cái bụng” của mình thấy nao
nao đói. Thôi thì bấm bụng để đi theo bác chứ chẳng dám nói năng
chi hết. Ngặt một nỗi là mình mang một đôi sandal mới nên giày cọ
vào da chân thấy đau và nhìn xuống thấy gót chân có chỗ bị trầy
rướm máu! Thằng bé lại tiếp tục đi cà nhắc theo chân bác không
một lời than tiếng thở. Không biết mấy bà chị có rơi vào tình
trạng “đớn đau” gót chân như mình hay không nhưng mình đoán chừng
các chị cũng có vấn đề nơi hai bàn chân vì mấy đôi giày mới...
Tiếp tục cuộc hành trình sáng mồng một
là theo bác đi thăm người thân. Trước tiên bác đưa đi thăm người
em của bác ở cây số bốn, từ Mả Thánh qua đây rất gần nhưng bác đã
dẫn đi ngược về chùa Linh Sơn rồi mới quay lại hướng Mả Thánh để
đến
[cây] số bốn thăm người em. Điều mình thích ở Đà Lạt là dù
đang đi ngoài trời nóng nực chảy mồ hôi nhưng khi bước chân vào
nhà là thấy mát mẻ khiến người nhẹ nhõm ra ngay. Vào đến nhà ông
cậu, sau các thủ tục cúi đầu vòng tay, mình được cho uống nước
cam hiệu Birley’s rồi ăn mứt dừa, mứt gừng và rỉ rả bốc vài hạt
dưa cho vào miệng cắn bóc vỏ để ăn, lắm khi cắn hạt dưa nát cả vỏ
cũng nhai và nuốt luôn cho tiện... Bác và cậu nói chuyện và chúc
tết lẫn nhau và trước khi bước ra cửa, ông cậu lì xì mỗi đứa một
chiếc phong vì đo đỏ, mình cúi đầu cám ơn và cho phong bì vào túi
ngay. Hai bà chi thì mở ví cho phong bì vào.
Ra đường gặp lại cái nắng xuân râm ran
dễ chịu, chắc là vừa mới trong nhà bước ra. Trong bụng thầm nghĩ
chắc là bác đi về nhà sau hơn ba tiếng đồng hồ. Nhưng không! Bác
không quay về đường Phan Đình Phùng mà bác đưa đồng nam đồng nữ
đi theo đường Hai Bà Trưng đi đến tận cầu Bá Hộ Chúc, leo dốc Bà
Triệu để đến đường Trần Hưng Đạo. Lâu lâu mình phải dừng lại để
nhìn xuống hai gót chân xem nó trầy trụa đến đâu rồi. Trong bụng
không muốn đi theo bác nữa nhưng không biết làm cách nào. Thật là
“tiến thoái lưỡng nan”. Cuối cùng thì cũng phải tiến theo bác mà
thôi!... Đi đến nhà thờ Con Gà bác quẹo vô đường Nhà Chung,
khoảng nửa đường thì bước xuống một con dốc đất gồ ghề để đến nhà
một người bác của mình nằm thỏm trong ấp Xuân An. Ông bác này là
một nhà nho, mặc áo dài vải the thâm màu đen, rất nghiêm nghị.
Mình và hai bà chị ngồi im re cắn hạt dưa để nghe hai bác trò
chuyện chúc tết lẫn nhau để cuối cùng đám nhóc cũng có bao lì xì
dằn túi.
Rời
khỏi nhà ông bác mình mừng muốn chết và trong “cái bụng” thầm
mong cho bác đừng ghé đến nhà ai nữa. Ra đến đường Trần Hưng Đạo,
ngang qua nhà thờ Con Gà vẫn thấy rất đông những người đi lễ nhà
thờ, không kém gì cảnh đông đúc ở sân chùa Linh Sơn. Bác đi xuống
dốc lê Đại Hành trước mặt nhà thờ rồi vòng qua Cầu Ông Đạo, lên
đến phố Hòa Bình, theo đường Hàm Nghi xuống dốc chùa Linh Sơn rồi
quẹo phải về nhà. Lúc đến Cầu Ông Đạo mình thấy vô số tài tử giai
nhân dập dìu du xuân quanh hồ với những tà áo dài xanh đỏ phấp
phới bay trong gió xuân, lên đến khu Hòa Bình thì thấy đám múa
lân rộn rã tiếng trống và những tràng pháo nổ vang ở các góc phố.
Vô nhà nhìn đồng hồ trên tường thấy kim
chỉ hơn hai giờ. Thế là hơn sáu tiếng đồng hồ, bác đưa hai nhóc
gái và một nhóc trai chạy bố show: Mả Thánh, Chùa Linh Sớn, ấp Số
Bốn và ấp Xuân An. Bác mình đã mất từ lâu, nếu bác còn sống mà
đọc được những điều mình viết như vầy thì thế nào cũng ăn vài cái
cốc nhẹ lên đầu.
Tính ra tiền lì xì mình nhận được cũng
đủ tiêu xài trong ba ngày tết. Nay nhớ lại có lẽ mình cũng có cả
chục năm theo bác “du xuân” trong ngày mồng một của những ngày
thuộc thập niên 50–60. Làm sao quên được cái thời hoang sơ của
thành phố Đà Lạt. Phong cảnh hữu tình và người thì dễ thương...
Phong Châu
Cuối năm Nhâm Dần
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by Truc Le chuyển
Đăng ngày Thứ Bảy, January 14, 2023
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang