Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tùy
Bút
Chủ đề:
tha la xóm đạo
Tác giả:
Thanh Khâm
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Tháng 5 năm 1968...
Tôi
có ghé qua Tha La Xóm Đạo, và ở lại đây mất 6 tuần lễ. Mục đích
dừng chân lâu ngày như vậy để phụ trách tái lập cây cầu sắt ở Tha
La đã bị Việt cộng phá hoại. Mục đích tái thiết cầu sắt Tha La để
góp phần vào công cuộc hành quân bình định và mở rộng an ninh cho
khu vực thuộc quận Trảng Bàng, Củ Chi, Hậu Nghĩa. Lúc đó, cũng là
lần Tổng công kích đợt 2 của Việt cộng, vào khoảng giữa tháng 5,
năm Mậu Thân 1968. Do đó đơn vị tôi rất bận rộn công tác yểm trợ
hành quân trong vùng đất này.
Trong những ngày ghé thăm Tha La làm
tôi chợt nhớ lại bài thơ Tha La Xóm Ðạo của Vũ Anh Khanh. Những
phút giây rảnh rỗi ở chốn này, tôi chợt nhớ lại bài thơ Tha La,
một bài thơ kỷ niệm của tuổi học trò mà tôi từng ưa thích. Do đó,
hôm đặt chân đến vùng đất Tha La, cũng gợi cho tôi nhớ lại bài
thơ này. Nên tôi đã đọc đi đọc lại bài thơ với hy vọng để tìm lại
những cảm hứng tương tự như tác giả. Tôi đã thuộc lòng bài thơ
này từ lâu mà mãi đến hôm nay vẫn còn nhớ. Giờ này có cơ hội ghé
qua Tha La rất lấy làm vui thích, khi nhớ lại kỷ niệm xưa và ngâm
nga đọc lại bài thơ này với một cảm giác đầy thi vị.
Khi viết bài kỷ niệm này, tôi xin phép
mượn trọn bài thơ của nhà thơ Vũ Anh Khanh để làm đề tài chính
trong câu chuyện hôm nay. Ngày tôi đến Tha La, nơi đó vẫn còn xóm
đạo, nhưng có vẻ hơi khác, có lẽ có một chút biến đổi do thời
gian và thời cuộc, so với mô tả trong thơ của tác giả, nên trong
lòng cũng hoài nghi tự hỏi:
– Không biết có phải là Tha La này của
Vũ Anh Khanh đã viết trong thơ hay không? Mặc dù tôi có cái cảm
nghĩ như nửa nghi nửa thật, nhưng không hiểu sao tự trong lòng
vẫn có cảm giác lâng lâng khoan khoái vô hạn, nên tôi cất giọng
khe khẽ ngâm nga với đoạn đầu của bài thơ:
Ðây Tha La Xóm Đạo
Có trái ngọt cây lành
Tôi về thăm một
dạo
Giữa mùa nắng vàng hanh
Ngậm ngùi Tha La bảo:
Ðây rừng xanh, rừng xanh
Bụi đùn quanh
ngõ vắng
Khói đùn quanh nóc tranh
Gió đùn quanh mây trắng
Và lửa loạn xây
thành...
Viễn khách ơi, người hãy dừng
chân cho hỏi
Nắng hạ vàng ngàn hoa gạo
rưng rưng.
Nhìn hoa rơi lòng khách vẫn bâng khuâng
Tha La hỏi, khách buồn nơi đây vắng
Không, tôi buồn vì mây trời đây trắng
Và
khách buồn vì tiếng gió đang hờn
Khách
rùng mình nghe gió nổi từng cơn
Gió vun
vút gió rợn rùng gió rít
Bỗng đâu đây
vẳng véo von tiếng địch
Thôi hết rồi còn
chi nữa Tha La
Bao người đi thề chẳng
trở lại nhà
Nay đã chết giữa chiến
trường ly loạn
Tiếng địch càng cao, não
nùng ai oán
Buồn trưa trưa lây lất buồn
trưa trưa.
–(Thơ Tha La Xóm Đạo, Vũ Anh Khanh)
Bài thơ này Vũ Anh Khanh viết rất dài,
có 8 đoạn tất cả, tôi sẽ lần lượt nhắc lại một số đoạn tiếp theo
sau của bài thơ Tha La Xóm Đạo này. Trong khi tôi kể lại những sự
việc cùng những biến cố đã xảy ra trên vùng đất Tha La, cùng
những vùng sát cận Tha La, mà ngày hôm nay, có những chuyện đã đi
vào lịch sử liên quan với cuộc chiến Việt Nam.
Nhắc tới Vũ Anh Khanh, tác giả của bài
thơ trên đây, khiến tôi nhớ lại bài viết của Xuân Vũ trong một
bài báo đã đăng trên tạp chí Phương Ðông ở Boston tiểu bang
Massachusetts, vùng Ðông Bắc Hoa Kỳ năm 2002, có kể qua về Vũ Anh
Khanh đã đi tập kết ra Bắc, nhưng anh không sống nổi với chế độ
cộng sản Bắc Việt, nên anh bỏ trốn về Nam. Anh vượt sông Bến Hải,
bị lính cộng sản Bắc Việt bắn chết, mất tích trên sông Bến Hải.
Giờ này ngồi nhớ lại, trong khi ghi
chép những kỷ niệm của một thời đã qua, khiến tôi hình dung lại
trong những ngày tôi có dịp ghé qua Tha La. Cũng một phần vì ngày
hôm nay, nhơn lúc đọc những tin tức trên mạng có liên quan với
những tin tức thời sự về chất độc da cam, do CSVN đang thưa kiện
Chánh phủ Mỹ, trong tháng 6 năm 2007 ở New York, Hoa Kỳ. Tính đến
hôm nay cũng đã trải qua gần 40 năm, khi đơn vị tôi từng có dịp
sử dụng loại thuốc khai quang trên những vùng đất sát cạnh xóm
đạo Tha La năm xưa, như vùng Hố Bò, Bời Lời, Khiêm Hanh, Suối Ông
Hùng, Trị Tâm, Ca Tum, Xa Mát... hoặc vùng Trà Cú, Ba Thu, Mỏ Vẹt
sát cận biên giới Việt Miên, v.v.
Qua những sự kiện này, khiến tôi liên
tưởng đến những ngày mà đơn vị tôi được lệnh tái lập giao thông
trên đoạn đường Liên Tỉnh lộ 10, từ ngã ba Tân Mỹ (Ðức Huệ) đến
xã An Ninh, Lộc Giang, qua cầu sắt Tha La nối vào Quốc lộ 1, kế
cận thị xã Trảng Bàng. Trên đoạn đường này, cầu sắt Tha La là
điểm trọng yếu. Cây cầu này đã bị Việt cộng phá hủy nặng nề. Ðơn
vị tôi có nhiệm vụ phải tái lập giao thông trên con đường từ ngã
ba Tân Mỹ, Ðức Huệ đi về khu Lộc Giang, Tha La, Trảng Bàng. Ðó là
cả một công trình xây dựng để tái thiết rất khó khăn trong khu
vực này, do cây cầu sắt Tha La đòi hỏi tốn công sức và vật liệu
cũng như thời gian tái thiết. Vì con đường Tỉnh lộ số 10 này, đã
trải qua một thời kỳ do Việt cộng phá hoại theo kiểu tiêu thổ,
ngăn sông cấm chợ; như đào đường, đắp mô, gài mìn bẫy... Việt
cộng đã đào bới mặt lộ, gánh đá bỏ đi một nơi khác, con đường
không còn nền móng. Nền đường bị đào, bị cắt ngang trông giống
hình những phím đàn dương cầm (touch piano). Do đó việc tái lập
rất gian lao và vất vả.
Thêm vào dọc theo khu vực sửa đường,
Việt cộng đã gài đầy mìn bẫy, hầm chông lẫn bom đạn chưa nổ hết
đem gài lại... Ðã thế còn có Việt cộng ẩn núp bắn sẻ, rình mò bắn
lén, gây khó khăn cho người tái thiết.
Ðơn vị tôi đã ở lại Tha La mất 6 tuần
lễ. Tuy rất gian nan và vất vả, nhưng cũng là một dịp may cho
tôi, được nhìn thấy tận nơi, để nhớ lại những hình ảnh mà nhà thơ
Vũ Anh Khanh đã mô tả về Tha La Xóm Đạo :
Bao năm qua khói loạn phủ mịt mù
Người nước Việt ra đi vì nước Việt
Tha
La vắng vì Tha La đã biết
Thương giống
nòi đau đất nước lầm than
Ngày hiu
quạnh, ờ ơ hơ tiếng hát
Buồn như gió
lướt
Lạnh dài như khúc nhạc
Tiếng hát rằng
Tha La giận mùa thu
Tha La hận quốc thù
Tha La hờn quốc biến
Tha La buồn tiếng kiếm
Não nùng chưa
Tha La nguyện hy sinh.
O ơ hơ có một đám chiên lành
Quỳ cạnh Chúa một chiều xưa lửa dậy
Quỳ
cạnh Chúa đám chiên lành run rẩy
Lạy Ðức
Thánh Cha
Lạy Ðức Thánh Mẹ
Lạy Ðức Thánh Thần
Chúng con về cõi tục
để làm dân
Rồi cởi trả áo tu
Rồi xếp kinh cầu nguyện
Rồi nhẹ bước về
trần
Viễn khách ơi người hãy dừng chân
Nghe Tha La kể, nhưng mà thôi khách nhé.
Ðất đã chuyển rung lòng bao thế hệ
Trời Tha La vần vũ đám mây tang
Vui gì
đâu mà tâm sự
Buồn làm chi cho bẽ bàng
Ơ ơ hơ tiếng hát
Rung lành lạnh ngâm
trầm đôi khúc nhạc
Buồn tênh tênh, não
lòng lắm khách ơi
Tha La thương người
viễn khách quá đi thôi
Khách ngoảnh mặt
nghẹn ngào trông nắng đổ
Nghe gió thổi
như trùng dương sóng vỗ.
Ðây Tha La Xóm Đạo chốn ven rừng
Có trái ngọt cây lành im bóng lá
Con
đường đỏ bụi phủ mờ gót lạ
Ngày êm êm
lòng viễn khách bơ vơ
Về chi đây khách
hỡi có ai chờ
Ai đưa đón? Xin thưa tôi
lạc bước
Không là duyên, không là bèo
kiếp trước
Không ai chờ, ai đưa đón tôi
đâu
Rồi quạnh hiu khách lặng lẽ cúi đầu
Tìm cánh hoa lạc loài bên vệ cỏ
Ngàn
cánh hoa bay ngẩn ngơ trong gió
Gạo rưng
rưng, nghìn hoa máu rưng rưng.
Buồn xưa xưa lây lất buồn xưa xưa
Lòng viễn khách bỗng dưng tê tái lạnh
Khách rùng mình ngẩn ngơ trời hiu quạnh
Thôi hết rồi còn chi nữa Tha La
Ðây mông
mênh xóm đạo với rừng già
Nắng lổ đổ
rụng trên đầu viễn khách
Khách bước nhẹ
trên con đường đỏ quạch
Gặp cụ già đang
ngóng gió bâng khuâng
Ðang đón mây xa
khách bỗng ngại ngùng
Kính thưa cụ vì
sao Tha La vắng
Cụ ngạo nghễ cười rung
rung râu trắng
Nhẹ bảo chàng em chẳng
biết gì ư?
O ơ hơ có một đám chiên lành
Quỳ cạnh Chúa một chiều xưa lửa dậy.
–(Thơ Tha La Xóm Đạo, Vũ Anh Khanh)
Tha La ngày tôi đến thăm, là một làng
theo đạo Công giáo. Ðám chiên lành rất nghèo, nhưng vui sống
trong những mái nhà tranh đạm bạc. Ðời sống có lúc không yên.
Thường khi gánh chịu giữa hai lằn đạn. Súng đạn rất vô tình. Bên
kia bờ sông cách một khoảng dài, hướng về khu Ba Thu, cũng là mật
khu của Việt cộng, nằm giáp ranh đất Miên, thuộc khu Mỏ Vẹt. Ðoạn
sông Vàm Cỏ Ðông từ Gò Dầu Hạ chảy về, ngang qua xóm đạo Tha La
và xã Gia Bình, rồi đến với đất xã Lộc Giang, rồi đến Ðức Huệ,
Trà Cú, Ðức Hòa. Xuyên suốt hai bờ sông, vùng này là vùng bom đạn
và mìn bẫy dẫy đầy. Thời đó, Tha La không có đêm nào mà không
thấy ánh hỏa châu soi sáng. Tha La tuy sát cận thị xã Trảng Bàng,
nhưng Tha La vẫn thấy buồn cô đơn... Tha La nằm đó, một xóm đạo
với rừng già. Thị xã Trảng Bàng ở phía Nam, xã Gia Bình ở phía
Bắc. Phía Tây giáp tả ngạn sông Vàm Cỏ Ðông, phía Ðông giáp Quốc
lộ 1, đi từ Trảng Bàng đến Gò Dầu Hạ. Ngồi trên xe đò có thể nhìn
thấy Tha La Xóm Đạo nằm về phía trái, ẩn khuất sau một bìa rừng
chạy dài theo quốc lộ. Xa hơn hướng quốc lộ, về hướng Ðông là mật
khu Hố Bò, Bời Lời, mật khu của Việt cộng, và đồn điền cao su.
Cầu sắt Tha La bắc ngang qua con rạch chảy ra sông Vàm Cỏ Ðông.
Con rạch này chảy vào nối liền với kinh Thầy Cai ở Củ Chi, để
giúp cho việc dẫn thủy nhập điền, và khai phèn xả mặn, giúp cho
các cánh đồng dọc theo kinh Thầy Cai và vùng Ðức Lập, Bàu Trai,
Tân Mỹ, Ðức Huệ...
Những ngày tạm trú ở Tha La, ngoài công
việc chính là tái lập giao thông trên Liên tỉnh lộ 10, đơn vị tôi
còn làm những công tác dân sự vụ. Như anh em trong đơn vị có đạo
Công giáo vào giúp nhà thờ sở tại, sửa chữa trạm y tế, sửa chữa
các bàn ghế học trò của trường học tại xã Tha La. Gửi biếu thực
phẩm thuốc men cho đồng bào thiếu thốn. Trong khu vực này hoặc
các khu kế cận với Tha La, đơn vị thường đóng góp công sức để làm
những công việc lợi ích cho đồng bào sở tại.
Thời đó, các đơn vị Công binh Hoa Kỳ
như Tiểu đoàn 65 Công binh Hoa Kỳ thuộc Sư đoàn 25 Bộ binh Hoa
kỳ, đóng tại căn cứ Củ Chi, thường hay làm những công tác dân sự
vụ, giúp cho các quận các xã và các ấp, khi dân chúng địa phương
cần đến. Trong thời gian đơn vị tôi, Tiểu Ðoàn 25 Công Binh biệt
phái Sư Ðoàn 25 Bộ Binh VNCH và Tiểu đoàn 65 Công Binh Hoa Kỳ
giúp cho công việc hành quân bình định tỉnh Hậu Nghĩa, lúc đó có
Ðại tá Mã sanh Nhơn là tỉnh trưởng Tỉnh Hậu Nghĩa, tỉnh này gồm
có 4 quận như Ðức Hòa, Ðức Huệ, Củ Chi và Trảng Bàng.
Ngoài ra, trong thời gian ở Tha La, đơn
vị tôi cũng đã phối hợp với Tiểu đoàn 65 Công binh Hoa Kỳ hành
quân khai hoang, vùng Hố Bò, Bời Lời, Chà Rầy, Khiêm Hanh, và Trị
Tâm. Việc khai hoang thường dùng xe ủi đất loại “Rome Plow”. Nhờ
thời gian khai hoang này mà các đơn vị hành quân đã tìm ra các
đường hầm, địa đạo của Cộng sản trong vùng hành quân khai quang.
Mà về sau này Cộng sản đem ra khoe với cái tên là Ðịa đạo Củ Chi!
Tôi chưa có dịp xem qua địa đạo Củ Chi
do người cộng sản Việt Nam trình diễn sau ngày 30/4/1975. Tôi tự
nghĩ cái huyền thoại về hang động Củ Chi, CSVN chắc hẳn phải cải
trang, phải vẽ vời, tô son trét phấn cho ra vẻ có hào quang, để
tuyên truyền về người du kích cộng sản có tinh thần cao trong
chiến đấu. Ðồng thời cũng để đề cao cái đất Củ Chi là tường đồng
vách sắt? Như vậy để đánh bóng cái địa đạo hầu lôi cuốn để gạt du
khách đến xem. Mục đích để quảng cáo cái hào quang chiến đấu
“Chống Mỹ cứu nước” của người du kích CSVN ở Củ Chi?
Riêng tôi là người từng chứng kiến tận
chỗ, tận nơi tại vùng Hố Bò, Bời Lời, Khiêm Hanh, Chà Rầy, Suối
Ông Hùng, Trị Tâm, Phú Hòa Ðông, Paris Tân Qui, Ðức Hòa, Ðức Huệ,
v.v. Lần ấy đơn vị Hoa Kỳ đã tìm ra một số địa đạo gần sát trung
tâm huấn luyện Trung Lập và khu Chà Rầy nằm phía Bắc Củ Chi.
Trong suốt thời gian hành quân khai hoang, các địa đạo bị phát
hiện do đơn vị tôi và đơn vị Mỹ đã tìm thấy. Có những đường hầm
dài, cũng có tổ chức, có nơi chứa lương thực, máy móc, tuy thế
cũng chẳng có gì gọi là qui mô to tát đáng kể, đáng nói. Tương tự
như các loại hang ổ, rất thô sơ vì đào bằng tay, và đào lén lút
để ngụy trang, che giấu... để tránh phát hiện. Dĩ nhiên, chắc
chắn làm sao đẹp như loại đường hầm được tái tạo với tư tưởng của
kẻ tự cho là chiến thắng để trình diễn? Nếu đem so sánh các đường
hầm và hang động của Bin Laden ở Tora Bora, Afghanistan, thì địa
đạo Củ Chi có thấm vào đâu?
Sau này, tôi có những người bạn người
Mỹ đã từng phục vụ đơn vị Công binh Hoa Kỳ, có thời gian từng trú
đóng tại Củ Chi và Trị Tâm năm 1968–1969. Họ đã từng khám phá
thấy qua tận mắt trước đây những địa đạo của du kích cộng sản ở
trong vùng Củ Chi, Hố Bò, Bời Lời, Chà Rầy, v.v. Về sau này vào
năm 1986, họ có trở lại thăm Việt Nam như khách du lịch. Họ đã có
đi xem qua địa đạo Củ Chi để biết và so sánh với sự thật năm xưa
mà họ đã có dịp tận mắt khám phá ra sao!
Khi trở về Mỹ, tôi có gặp hai anh cùng
làm chung một sở làm ở hãng Boston Scientific Corporation ở
Quincy và Boston thuộc tiểu bang Massachusetts với tôi. Trong khi
trao đổi qua câu chuyện về Việt Nam, anh ta có khoe là có đi xem
qua địa đạo ở Củ Chi, trong chuyến du lịch Việt Nam. Tôi có hỏi:
– Anh có ý nghĩ và cảm tưởng gì sau khi
xem ở nơi đó? Hai anh chỉ mỉm cười và nhún vai, có vẻ chê bai hơn
là khen tặng. Vì nó không thật, như hai anh đã từng thấy trước
đây trong thời gian đơn vị của hai anh từng tham chiến trên các
vùng đất Củ Chi. Hai anh còn trả lời tôi một cách khôi hài:
– Thật ra Củ Chi mà anh đã xem qua cũng
như là “Không Có Chi”. Anh nói tiếng Việt rất rành như người
Việt, rất vui tính và hay thích pha trò.
Những ngày tôi ở Tha La là những ngày
tham gia hành quân phối hợp với đơn vị Công binh Hoa Kỳ trong
vùng này. Vì thời đó đơn vị tôi được Tiểu đoàn 65 Công binh Hoa
Kỳ huấn luyện thực tập tại chỗ, tức huấn luyện tại nơi hành quân
(OJT – On Job Training). Nhờ những dịp này, tôi có cơ hội ghé qua
Tha La và nghe thấy những gì xảy ra trong khu vực trách nhiệm của
các đơn vị hành quân phối hợp với các đơn vị Việt–Mỹ.
Hồi tưởng lại những ngày qua, liên
tưởng với những gì đã xảy ra trong vùng sát cận Tha La. Thực hư
và hư thật của con người tạo ra, biết sao mà đo lường lòng dạ con
người trong cuộc chiến và sau cuộc chiến. Nhất là về phía của
Việt cộng đã tự biên tự diễn những trò ma giáo, do đầu óc công
thần ngạo mạn của con người, tự xưng mình là kẻ chiến thắng,
nhưng thực chất chỉ là thời cơ? Xét ra cũng chẳng có gì gọi là
mưu trí sáng tạo, là tài tình, nói theo kiểu khoa học kỹ thuật
của cộng sản cả. Còn những cái đã có đem ra trình diễn, chỉ là
trò ảo thuật, do những tiểu xảo mánh khóe của kẻ thất phu, để gạt
gẫm đánh lừa thiên hạ mà thôi. Nhưng những người biết rõ sự thật,
khi xem qua họ chỉ mỉm cười, bỏ đi mà thôi.
Nhân cơ hội này, nghĩ ra cũng nên nhắc
lại những ngày tháng hành quân trong khu vực sát cận Tha La, tôi
cũng có dịp biết qua việc sử dụng chất hóa học để khai hoang
(Orange Agent) mà CSVN dịch là chất độc hóa học màu da cam. Do tư
tưởng lệch lạc, nên CSVN dịch hai chữ Orange Agent theo dã tâm để
kết án chứ không đúng nghĩa của chữ. Vì đơn vị tôi cũng có dịp
từng sử dụng qua hóa chất này, trong công tác khai quang, khi
hành quân trong khu vực Phú Hòa Ðông và Paris Tân Qui, Ðức Hòa,
Trà Cú, Ðức Huệ, Ba Thu, Trị Tâm, v.v.
Ngày xưa đơn vị tôi từng sử dụng thuốc
khai quang, là loại thuốc bột thường được chứa trong loại thùng
phuy 55 gallons, gần tương đương 200 lít. Khi đơn vị tôi đem sử
dụng thuốc khai quang, phải pha trộn với dầu hôi, có nơi gọi là
dầu lửa, hoặc dùng dầu cặn, dầu diesel. Ngày xưa chúng tôi trộn
với tỷ lệ, 1 ký–lô thuốc bột khai quang với 1 can (Jerrican) loại
thùng 20 lít, chứa dầu hôi hay dầu cặn. Sau khi pha trộn đều, cho
vào bình xịt bằng tay, giống như loại bình xịt thuốc diệt muỗi.
Chúng tôi sử dụng hóa chất này như một loại thuốc diệt cỏ
(herbicide). Khi thi hành công tác này phải có bao tay và khẩu
trang bảo vệ an toàn. Mục đích làm cho cây cỏ mất đi chất xanh,
chất diệp lục tố trong lá, sẽ bị khô héo đi, và đổi màu, sau đó
72 giờ, dùng lửa đốt cho cháy. Về hiệu quả diệt cỏ, chỉ sau một
mùa mưa, cây cỏ sẽ xanh lại, và chất độc dioxin trong thuốc khai
quang cũng tan biến dần đi, do nước mưa của một mùa rửa sạch, vì
tỷ lệ dioxin chỉ có 1/100 trong thuốc khai quang, không nhiều,
như kết quả do phân tích khoa học đã chứng minh.
Ðối với những vùng rừng cây cao to lớn,
hay vùng cỏ rậm rạp, mà việc sử dụng bình xịt tay, không thỏa mãn
nổi yêu cầu, thường phải dùng máy bay đi rải thuốc khai quang.
Như tôi thường thấy đơn vị khai quang của Mỹ ở Củ Chi, đã dùng
máy bay loại C123 hoặc C130 đi rải thuốc khai quang. Sau thời
gian rải thuốc khai quang 72 giờ, thường dùng xăng đặc pha chế để
đốt cháy. Thường dùng cách tắm lửa (Flame bath) hoặc bom Napalm
đốt cháy. Dùng Flame bath tôi thấy nhiều hơn là dùng bom Napalm,
Mỗi lần đi ném Flame bath, thường dùng 30 thùng phuy loại 55
gallons, chứa đầy chất Thickerner–M1 (xăng đặc) pha với dầu lửa
hoặc dầu cặn hoặc dầu Diesel... Mỗi thùng đều có gắn một ngòi nổ
(VT fuse = Variable Time fuse) có bộ phận điều chỉnh thời nổ, khi
sử dụng phải điều chỉnh thời nổ trước với việc xác định độ cao,
tức còn cách mặt đất từ 100 feet đến 150 feet, mới cho nổ. Mục
đích làm cho tung tóe chất xăng dầu đã pha chế đổ ra, trải khắp
trên vùng khai hoang, đồng thời cũng đốt cháy lan rộng ra luôn
khu vực đã rải thuốc khai quang trước đó 72 giờ. Tại Củ Chi, phần
lớn do máy bay C130 đảm trách công việc này, đã bay vào vùng đã
rải thuốc khai quang, ném Flame Bath và đốt cháy. Ðó là trường
hợp những vùng rừng chồi cây nhỏ và cỏ tranh, cỏ đế, hay lau,
sậy, v.v.
Nếu
rừng rậm có nhiều cây to, dùng thuốc khai quang không có kết quả
tốt, thường sử dụng xe ủi loại Rome Plow. Loại xe ủi đất gắn lưỡi
xẻng như lưỡi cày để cắt những cây to. Khi ủi quang xong, chờ một
thời gian cho cây khô héo. Sau đó phải dùng Flame bath để đốt
cháy. Xe Rome Plow là một loại xe ủi đất loại lớn (Bulldozer của
hãng Caterpillar là loại D7 hay của hãng Allis Chalmers loại
HD16) được biến cải bằng cách thay lưỡi xẻng, hình giống lưỡi cày
kiểu La Mã (Rome Plow Blade) để ủi cắt các cây to ở những vùng
rừng rậm. Thân xe ủi còn được trang bị thêm khung sắt bao che
buồng máy và buồng tài xế. Mục đích tránh nguy hiểm cho tài xế,
và hư hỏng xe, khi cây cối bị ủi ngã đập vào xe...
Công tác khai quang (Defoliation)hoặc
(Land Clearing) ở trong vùng Hố Bò, Bời Lời, Chà Rầy, Khiêm Hanh,
Trị Tâm do Công Binh Hoa Kỳ đảm trách. Họ có một Ðại đội chuyên
về khai quang (Land Clearing Company) có đầy đủ phương tiện tối
tân hiện đại. Khi khai quang trong rừng rậm có trực thăng (LOH)
hướng dẫn và trực thăng võ trang Cobra bảo vệ, cùng với lực lượng
Bộ binh và Thiết giáp yểm trợ sát cận.
Về phía VNCH, có Liên Ðoàn 30 Công Binh
Chiến đấu (Combat Engineer Group) đồn trú tại Hốc Môn, cũng có
Ðại đội 318 Khai Quang, được trang bị xe ủi đất loại Rome Plow do
Hoa kỳ giao lại trong thời kỳ Việt Nam hóa chiến tranh. Ðã từng
khai quang vùng Thiện Ngôn, Xa Mát, Ca Tum, Tây Ninh. Nhưng không
có đủ phương tiên hiện đại như dùng trực thăng để hướng dẫn lúc
làm công tác ủi quang, như đơn vị Mỹ từng làm ở Hố Bò, Bời Lời,
Củ Chi.
Các
đơn vị khai quang dùng thuốc khai quang không riêng gì Agent
Orange mà còn có loại như Agent Purple, màu tím, Agent White, màu
trắng, Agent Green, màu xanh, v.v. Thường được phân phối ra đơn
vị sử dụng, chứa trong thùng phuy 55 gallons, bên ngoài thùng sơn
màu khác nhau tùy theo mỗi loại, để cho các chuyên viên phân biệt
khi sử dụng.
Căn cứ vào tài liệu khoa học, theo Tiến sĩ Mai Thanh Truyết, tiến
sĩ Hóa học ở Ðại học Besancon, Pháp, đã cho biết khi trả lời
trong cuộc phỏng vấn của Trường Giang:
– Cho đến nay nhiều người vẫn lầm lẫn
dioxin là Chất Ðộc Màu Da Cam. Tôi xin thưa, cụ thể là dioxin có
thành phần hóa học là 2, 3, 7, 8 tetrachlorodibenzo – para –
dioxin, hay gọi chung là 2, 3, 7, 8, TCDD. Trong thời gian chiến
tranh từ năm 1962 đến 1971, người Mỹ đã phun xịt những Chất Ðộc
Màu Da Cam và một số chất khác.
Trong chất độc màu da cam đó, nó gồm có
hỗn hợp 50% của 2 loại hóa chất sau đây 2, 4–D hay là
dichlorophenoxy – acetic và 2, 4. 5–T là trichlorophenoxyacetic.
Trong quá trình sản xuất chất 2, 4, 5–T, đó là một chất thuốc
diệt cỏ dại đã sử dụng ở Hoa Kỳ, trong quá trình sản xuất, dioxin
là một phế phẩm và cái hàm lượng của dioxin chỉ là 1/100 trong
cái quá trình sản xuất đó. (Trích theo bài phỏng vấn Tiến sĩ hóa
học Mai Thanh Truyết của Trường Giang, tuesday, 17 September,
2002, ở Chương 39, trang 381, quyển Câu Chuyện Da Cam/Dioxin Việt
Nam, xuất bản do Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Việt Nam (VAST).
Theo kinh nghiệm sử dụng, tất cả những
chất hóa học khai quang đều có đặc tính chung là diệt chất diệp
lục tố trong lá cây hay cỏ, bị khô héo đi, sau khi xịt thuốc khai
quang vài ba ngày. Theo tôi được biết qua căn cứ vào các tài liệu
khoa học kỹ thuật, sách vở và báo chí, khi nói về độc tố dioxin,
không phải chỉ có thuốc khai quang mới có nhiều Dioxin như thế,
mà còn có trong các môi trường khác, như cháy rừng, mùi khói xăng
dầu, mùi khói thuốc lá, đốt củi, đốt than cũng có Dioxin. Kể cả
trong thịt cá, sưã cũng vẫn có dioxin. Các loại thuốc trừ sâu sử
dụng trong nông nghiệp cũng có dioxin, như DDT và
PCB.(Polychlorynatic byphenil) Như đã tìm thấy có dioxin trong kỹ
nghệ sản xuất xi–măng, cụ thể như trường hợp nhà máy xi–măng Hà
Tiên đã phóng ra trên 30 tấn PCB, hiện chưa biết xử lý thế nào
(theo Câu chuyện Da Cam/Dioxin Việt Nam, trang 383, xuất bản do
VAST.)
Cũng do
đọc tin tức trên mạng, nhân khi đọc tin CSVN đòi tiền thiệt hại
cho các nạn nhân cho là bị nhiễm Dioxin gây bệnh do thuốc khai
quang của Mỹ cách đây gần 40 năm, để bắt chẹt phía Mỹ trách nhiệm
về hậu quả của thuốc khai quang có độc tố dioxin gây ra. Còn về
tác hại do Dioxin của các loại thuốc trừ sâu mà CSVN đã sử dụng
trong nông nghiệp sau thời gian chiến tranh thì không kể vào?
Hoặc những thực phẩm hoặc trái cây nhập từ Tầu? Khi đọc tin về
một nhà khoa học CSVN, như theo tin báo Lao Ðộng tại Việt Nam
viết. Tiến sĩ Nguyễn quốc Tuấn, trưởng phòng Môi Trường Bộ Khoa
học–Công nghệ của CSVN, cho biết cam trồng ở tỉnh Hà Giang, Bắc
Việt Nam, cũng có chứa chất 2,4–D, và trái cây nhập từ Trung cộng
cũng có chất 2,4–D và thêm chất 2,4,5–T, như vậy ở đâu cũng có
chất dioxin bám vào.
Còn báo Thanh Niên tại Việt Nam lại
đăng bài giải thích của Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm lại đính
chính, rất buồn cười, khi nói chỉ có chất 2,4–D chứ không có chất
2,4,5–T, ngụ ý bảo là không có chất 2,4,5–T là không có dioxin?
Báo Thanh Niên ở Việt Nam không phân biệt rõ ràng, về vấn đề này
(Theo tài liệu về Orange Agent trong
http://www.nguoiviet.online.com)
Như vậy, dù trái cây ở Bắc Việt Nam hay
nhập từ Trung cộng đều có phải do nhiễm chất thuốc khai quang đem
phun rải tại miền Nam do quân đội Mỹ sử dụng cách đây hơn 40 năm
hay không? Không chỉ riêng miền Nam Việt Nam mới có chất dioxin
do thuốc khai quang? Vì thực tế ở đâu cũng có dioxin, chứ không
riêng gì ở miền Nam Việt Nam mới có? Làm sao phân biệt dioxin nào
do chất khai quang của Mỹ rải? Vì thời gian phun xịt thuốc khai
quang của Mỹ tính đến nay đã gần 40 năm qua. Khó mà hiểu được
xuất xứ chất dioxin này do lòng dạ con người?
Trên thực tế, CSVN không có một việc
làm nào hay hành động nào mà không lồng vấn đề chánh trị vào để
tuyên truyền hoặc bắt chẹt nhau? Tại sao CSVN không nêu lên vấn
đề để xin cứu trợ nhân đạo cho các nạn nhân bị nhiễm dioxin hơn
là đi thưa kiện ồn ào như thế? Chưa chắc đã thắng kiện, vì sự
thật chứng minh về tác hại của dioxin không rõ ràng xuất xứ.
Nhưng trường hợp thuốc khai quang mà tôi có dịp sử dụng qua, cũng
như đã thấy sử dụng trong những ngày tháng hành quân trên vùng
đất ở Củ Chi Trảng Bàng, Tha La... trong cuộc chiến tại Việt Nam,
theo tôi biết chỉ cần 2 hoặc 3 mùa mưa là dioxin đã được rửa sạch
và cỏ dại vẫn lên xanh như lúc chưa xịt thuốc.
Ðiều này cũng chứng minh theo suy luận
của các khoa học gia, chẳng hạn theo TS Mai Thanh Truyết đã cho
biết:
– Tôi
nghĩ với lượng dioxin trên trong môi trường Việt Nam trong thời
kỳ đó cho đến hôm nay, nó không còn tác dụng gì. Thêm nữa, cái
thời gian bán hủy của dioxin là khoảng từ 7 năm tới 10 năm. Kể từ
năm 70 tới bây giờ, suốt hơn 30 năm, tôi nghĩ sự hiện diện của
dioxin trong đất chỉ là huyền thoại. Tôi nghĩ thực chất của vấn
đề này nó nằm trên lãnh vực chính trị nhiều hơn là khoa học.
(Trích câu trả lời phỏng vấn của TS Mai Thanh Truyết, trong cuộc
phỏng vấn do Trường Giang, ngày 17 tháng 9 năm 2002, trang 383 và
384, chương 39, sách Câu Chuyện Da Cam/Dioxin Việt Nam, xuất bản
do VAST, năm 2008).
Chuyện tuy cũ, chuyện đã trải qua gần
non nửa thế kỷ, mà hôm nay vẫn còn âm ỷ trong lòng dạ con người,
để làm rầm rộ lên do sự sách động bởi tâm địa gian xảo của con
người. Khó mà lường kết quả của sự việc như vậy.
Cũng vì đó, mà tâm trạng của tôi khi
đọc bài nói về thuốc khai quang và sách Câu Chuyện Da Cam/Dioxin
Việt Nam, làm tôi nhớ đến Tha La. Khiến tôi hồi tưởng những ngày
gian khổ đã qua trên vùng đất này. Ðặc biệt trên vùng đất Củ Chi,
Hố Bò, Bời Lời, Trị Tâm, Suối Ðá, Thiện Ngôn, KaTum, Xa Mát và
Tống Lê Chân, v.v. Những địa danh đó đã thu gọn vào đời lính của
tôi bằng những ngày tôi ghé qua vùng đất Tha La, làm tôi liên
tưởng đến một quá khứ đầy vinh nhục trong cuộc đời. Ôi bao hình
ảnh ngày xưa, giờ này như diễn lại trong tâm trí tôi, khiến tôi
vẫn còn nhớ từng nơi từng chỗ mà tôi đã đi qua. Dù đến nay đã quá
lâu, nhưng vẫn làm tôi nhớ lại những kỷ niệm đó cũng gần 40 năm
qua, vẫn chưa phai mờ mỗi khi nhắc lại vùng đất Tha La.
Tất cả một chuỗi dài hồi tưởng về những
ngày đã qua trong đời lính. Trong đó có hình ảnh của vùng đất Tha
La, Trảng Bàng Củ Chi, Hố Bò, Bời Lời... Tất cả là những kỷ niệm
buồn đã đi vào đời. Ðời của con người từng gánh chịu gian khổ và
chứng kiến biết bao chuyện xuyên suốt 20 năm đời lính. Rồi kế
tiếp 10 năm tù tội, bị CSVN giam giữ tại các trại cải tạo tập
trung trên rừng rú của đất Bắc Việt Nam. May mắn còn sống sót, ra
tù, sống tiếp đến đời lưu vong xa xứ, cùng với những ngày đầy
trăn trở, bùi ngùi nơi xứ lạ quê người.
Mọi chuyện tưởng đâu đã đi vào quên
lãng, vì những nỗi đau của quá khứ đầy đen tối bất hạnh đó. Nay
nhơn lúc đọc những bản tin thời sự, sách báo, khiến tôi nhớ lại
quá khứ của một thời, cũng là một hội chứng dai dẳng, khiến tôi
nhớ lại những hình ảnh trên vùng đất Tha La đầy tang tóc và máu
lửa của cuộc chiến năm xưa. Như vậy nỗi nhớ vẫn chưa nguôi, vì
cơn đau chưa dứt?
Kể từ ngày cởi bỏ áo lính do thời cuộc
gây nên, tôi không có dịp về thăm Tha La và thăm lại Trảng Bàng,
để có dịp thưởng thức những món ăn đầy hương vị của vùng đất này,
như bánh canh và cháo lòng Trảng Bàng mà tôi có dịp thưởng thức
qua trong những ngày tôi đến với Tha La. Cũng để nhớ lại những kỷ
niệm trong thời kỳ chiến tranh tàn khốc trên quê hương do Việt
cộng gây ra.
Giờ viết ghi lại những ngày tháng mà tôi đã ghé qua Tha La, bỗng
dưng những hình ảnh năm xưa như gợi về. Ngẫm nghĩ lại trong cuộc
đời con người thường sống bằng những nguyện ước cho tương lai khi
còn trẻ tuổi, nhưng lúc về già, thường sống bằng những kỷ niệm.
Như những kỷ niệm của thời trai trẻ, đôi khi cũng làm nhớ lại
những hình ảnh của một thời, làm tâm tư mình rung động hoặc xao
xuyến trước những hư thực của cuộc đời đầy man trá và lừa đảo, do
bản chất hung bạo của con người. Những cảnh tượng, những hình ảnh
đã xảy ra năm xưa trên vùng đất Tha La, giờ này nhớ lại thấy lòng
quá xót xa như dao cắt và quá ngậm ngùi, ray rứt, như những lời
thơ của bài thơ Tha La Xóm Ðạo:
Ðất đã chuyển rung lòng bao thế hệ
Trời Tha La vần vũ đám mây tang
Vui gì
đâu mà tâm sự
Buồn làm chi cho bẽ bàng.
Ò ơ hơ tiếng hát...
Lá vàng cao, vàng rụng lá rừng bay
Giờ khách đi Tha La nhắn câu này
Khi hết
giặc khách hãy về thăm khách nhé
Hãy về
thăm xóm đạo
Có trái ngọt cây lành
Tha La dâng ngàn hoa gạo
Về suối mát
rừng xanh
Thăm đám chiên lành thương áo
trắng
Nghe trời nổi gió nhớ quanh quanh.
–(Tha La Xóm Đạo, thơ Vũ Anh Khanh)
Nhà thơ Vũ Anh Khanh đã một lần ra đi,
rồi đi vĩnh viễn không bao giờ trở lại với Tha La. Riêng viễn
khách cũng đã từ giã vùng đất năm xưa để ra đi. Dù đã hết giặc,
nhưng vì lòng người vẫn còn ngăn cách, nên khách không thể về
thăm Tha La xóm đạo năm xưa được. Ðành xin hẹn lại, sẽ về thăm
Tha La khi một ngày nào đó quê hương sớm thật sự hài hòa giữa con
người với con người. Con người biết thương con người. Không còn
cảnh con người hành hạ đánh đập con người do lừa dối nhau để
thống trị. Không biết đến bao giờ quê hương mình mới chấm dứt
cảnh bạo tàn này? Hy vọng khi đó khách sẽ về thăm Tha La và Trảng
Bàng như ngày nào./.
Austin, mùa hè 2007
Thanh Khâm
Nguồn:
Sài môn Thi đàn
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by tkd sưu tầm
Đăng ngày Thứ Hai, January 8,
2024
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang