Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tùy
bút
Chủ đề:
Đà Lạt
Tác giả:
Tony Buổi Sáng
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Lời giới thiệu: Ít nhất tôi đã có 4 năm, từ 1971
đến cuối 1974 hầu như cuối tuần nào tôi cũng có mặt ở Đà Lạt,
nhất là dịp Giáng sinh 24–12 năm nào tôi cũng ở đây. Lúc đó đường
bộ từ Sài Gòn đi Đà Lạt không dễ dàng, do chiến tranh ngày càng
khốc liệt. Chỉ có vài chuyến xe, loại xe đò nhỏ của hãng Minh
Trung chở được 8 người xuôi ngược trên hành trình hơn 300km nhưng
nhiều hôm phải quay về vì đường bị “đắp mô”. Thế nhưng tôi vẫn có
mặt ở Đà Lạt vì tình yêu với thành phố này, một ngôi trường nữ
trung học nổi tiếng và một mối tình riêng đã trở thành kỷ niệm.
Sau năm 1975 cũng có thời gian tôi trở lại Đà Lạt, và chuyến
trở lại Đà Lạt gần nhất với tôi, đó là mùa hè năm 2014, khi dự
trại sáng tác tiểu thuyết do Bộ Công An tổ chức. Tình yêu và sự
thôi thúc để tôi trở lại Đà Lạt đã vơi dần, không phải vì bây giờ
thành phố đó đã không còn hình bóng cũ với những bước chân của
một người đã cùng tôi leo hết những con dốc Đà Lạt để đi tìm màu
sắc của ngàn hoa hay một trời mộng mơ cho mình, mà chính vì thành
phố đẹp tuyệt vời ấy đã bị tàn phá bởi quản lý yếu kém và tư duy
khai thác, phát triển du lịch xuẩn ngốc.
Nhiều năm rồi, và
những ngày vừa qua nổi lên sự kiện Khu du lịch Núi Quỷ và “Kỳ
quan” Vạn lý trường thành với tượng đất nung lính Tần Thủy Hoàng
ở đồi Mộng Mơ đã làm dư luận cà nước, trong đó có rất nhiều người
yêu Đà Lạt giống như tôi hết sức phẫn nộ, đau lòng khi nghĩ về Đà
Lạt, nhớ về Đà Lạt và sống lại với Đà Lạt qua ký ức ngậm ngùi.
Nếu người ta không làm cho Đà Lạt tốt đẹp hơn, quyến rũ hơn với
những thắng cảnh thiên nhiên được tạo hóa ban tặng từ những ngày
đầu thì cũng đừng tàn phá nó bằng sự thiếu hiểu biết và vô cảm
với thiên nhiên.
Nói đến Đà Lạt, không thể không nhớ tới
công sức của người đã khám phá ra thành phố này và sự góp công
sức của bao thế hệ để có được Đà Lạt của ngàn hoa, của ký ức và
của hôm nay. Người có công khám phá ra Đà Lạt thuở nguyên sơ là
Bác sĩ ALEXANDRE YERSIN người Pháp gốc Thụy Sĩ. Tư liệu về ông và sự
đóng góp lớn cho Y khoa, cho dịch bệnh nhất là bệnh sốt rét, cho
phát triển vùng cao nguyên Lang Biang trong đó có TP. Đà Lạt và
nhiều vấn đề khác cho Việt Nam. Chứ không phải như một số người
có quan điểm thiển cận cho rằng Bác sĩ Yersin chỉ làm những gì có ích
cho công việc truyền giáo.
Và xin những ai đang phá nát Đà
Lạt với bất cứ lý do gì hãy suy nghĩ lại bằng tâm thức biết ơn
người đã khám phá ra Đà Lạt, những thế hệ tiếp nối xây dựng, phát
triển thành phố tuyệt đẹp này. Và sau hết, xin đừng vô cảm, bội
bạc với những gì thiên nhiên ban tặng cho Đà Lạt.
Tư liệu
và cuộc đời sự nghiệp của Bác sĩ Yersin rất nhiều, bởi vì ông là nhân
vật nổi tiếng khắp thế giới chứ không riêng ở Việt Nam. Nhưng bài
viết sau đây của tác giả Tony Buổi Sáng đăng trên FB của GS Võ
Văn Thành được nhà báo Thẩm Tuyên dẫn về FB của anh và tôi chia
sẻ trên Facebook của mình vì thấy bài viết mang tính khái quát
cao về Bác sĩ Yersin với những đóng góp của ông cho Việt Nam, trong
đó có Đà Lạt để mọi người suy ngẫm.
(Hình tôi mượn
trên Internet). –khuyết danh
MỘT NGƯỜI VĨ ĐẠI MÀ CHÚNG TA CHỊU ƠN:
BÁC SĨ ALEXANDRE
YERSIN
Hiện nay cà chua, cà rốt, các
loài Hoa phương Tây ở Đà Lạt...; cà phê, Điều, Tiêu... mà Việt
Nam xuất cảng mang về hàng tỷ USD có từ đâu? Chắc ít ai nghĩ đó
là do công lao của Bác sĩ
Yersin!
Dịch hạch là căn bệnh khủng khiếp nhất
trong lịch sử loài người, có thời điểm làm giảm 2/3 dân số châu
Âu và 1/3 dân số Trung Quốc. Chính Bác sĩ Yersin là người đầu
tiên tìm ra vi khuẩn này và các nhà khoa học về sau khống chế nó
hoàn toàn. Yersin cũng là một câu chuyện thú vị khi cả cuộc đời
trưởng thành của ông, đều gắn bó với 2 chữ Việt Nam.
Tốt nghiệp tiến sĩ y khoa với đề tài
bệnh Lao, nhưng Yersin và thầy hướng dẫn của mình là giáo sư Roux
nổi danh với phát minh ra vác xin bạch hầu.
Thành tựu của ông khiến thiên tài Louis
Pasteur chú ý và được nhận vào làm ở viện Pasteur Paris danh giá.
Nhưng máu thám hiểm trong người khiến ông nằng nặc xin nghỉ việc
để đi làm thuỷ thủ tàu viễn dương “dù chưa có kinh nghiệm đi biển
bao giờ”. Ông nói “đời mà không đi, thì còn gì là đời”.
Các lần đi thám hiểm và quay lại Pháp,
ông đều được Louis Pasteur “mời ăn tối và nghe báo cáo”, “thấy
thú vị trước các thông tin mới mẻ do Yersin kể”. Pasteur yêu cầu
ông hãy làm gì thì làm cho trọn vẹn để “vang danh thiên hạ, giúp
nhân loại”. Vâng lời thầy, Yersin xách đồ đạc lên tàu vượt ngàn
hải lý, mặc cho gió bão khôn lường.
Hình ảnh học trò khăn gói xuống thuyền
dọc ngang quả đất sau khi học xong là hình ảnh vô cùng đẹp của
những người có LÝ TƯỞNG SỐNG. Sang Việt Nam, ông làm bác sĩ trên
tàu giữa Sài Gòn, Manila, Hải Phòng rồi sau đó định cư ở Nha
Trang, sau một lần tàu cập bến và ông phải lòng với cảnh sắc nơi
đây.
Đầu thế
kỷ 20, ông tham gia hội đồng sáng lập và là hiệu trưởng đầu tiên
của ĐH Y Khoa Đông Dương (nay là Y Hà Nội), xây dựng toàn bộ giáo
trình sơ khởi và nhận thức y đức cho các thế hệ bác sĩ, quy hoạch
các bệnh viện ở các tỉnh thành khắp Việt Nam theo khoảng cách địa
lý để “ai bị bệnh cũng có chỗ gần nhất mà đến trị kịp thời”.
Nhưng Hà Nội cũng chỉ có thể giữ chân ông được 2 năm.
Ông quay trở lại Nha Trang, thực hiện
chuỗi những ngày làm khoa học và thám hiểm khắp núi rừng Đông
Dương. Ông là người đã tìm ra cao nguyên Lang Biang và quy hoạch
thành phố Đà Lạt, xây dựng viện Pasteur Đà Lạt và phát triển mạnh
hơn cho viện Pasteur Sài Gòn, Hà Nội. Trại ngựa nuôi lấy huyết
thanh sản xuất vác xin của ông nằm ở Suối Dầu là trại ngựa thuốc
lớn nhất châu Á khi đó.
Ông còn cho trồng cây ký ninh để trị
bệnh sốt rét. Ông từng mong muốn Diên Khánh là nơi sản xuất thuốc
men cho cả Đông Dương.
Ông cũng là người mang cây cao su, ca
cao, cà phê (thậm chí ông cho thử nghiệm cây điều từ Brazil và
tiêu đen từ Ấn Độ ở nông trại của mình), đến bây giờ chúng ta đã
có hàng tỷ đô la xuất cảng. Ông thử nghiệm nhiều giống cây ôn đới
như cà rốt, súp lơ, su su, lay–ơn, cẩm tú cầu, xà lách xông, cà
chua... (hầu như tất cả các loại rau củ mang tiếng Pháp đều là do
ông và bạn bè đồng sự ông mang qua). Ông còn nuôi cừu trồng nho ở
Phan Rang, nuôi đà điểu ở Ninh Hoà, thử nghiệm trồng quy mô lớn
cây cà phê ở Lâm Đồng, Dak Lak và Pleiku. Ông cũng là một triệu
phú nhờ trồng cao su xuất [cảng] bán cho hãng lốp xe Michelin và
là cổ đông chính của ngân hàng HSBC. Ông cho rằng “tôi phải kiếm
tiền kiểu khác chứ không tài nào cầm được tiền của các bệnh
nhân”.
Toàn bộ
tiền lời của ông đến nay vẫn còn và vẫn bí mật chuyển đều đặn về
1 quỹ từ thiện và quỹ nghiên cứu khoa học.
Với tầm nhìn vĩ đại, Bác sĩ Yersin
không chỉ làm khoa học mà còn giỏi nhiều thứ. Ngoài việc mang
sang cho chúng ta bao nhiêu giống cây trồng vật nuôi mới lạ, khám
phá và xây dựng Sapa, Đà Lạt, Bà Nà... thành những nơi du lịch
nghỉ dưỡng, ông còn tham gia quy hoạch đô thị khu trung tâm Sài
Gòn, Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng, Hải Phòng, ranh giới các tỉnh...
mà chúng ta ngày nay hay có cụm từ “ngày xưa người Pháp đã quy
hoạch chỗ này là, chỗ kia là...”.
Ông đã giúp người Việt chúng ta có được
nền tảng kinh tế ban đầu từ một nước thuần nông lạc hậu, những
công trình về hạ tầng, giáo dục, y tế. Do chính quyền Pháp khi đó
rất tín cẩn ông, vì ông đi nhiều khám phá nhiều. Hầu như mọi ngóc
ngách ở Lào, Việt Nam và Campuchia đều có dấu chân ông. Núi cao
vực sâu, thú dữ, bệnh tật... không hề làm ông nản bước. Ông luôn
yêu cầu Pháp phải xây dựng nhiều trường học ở các tỉnh của Việt
Nam và ý kiến cho Pháp đầu tư tiền để xây đường sắt Bắc Nam từ ga
Hà Nội đến ga Sài Gòn, hiện chúng ta vẫn còn đang khai thác.
Con đường quốc lộ 1A thời đó là con
đường đất nhỏ xíu (gọi là con đường cái quan) bề rộng chỉ có 2–3
mét từ thời chúa Nguyễn đã được ông “bày vẽ” cho kè đá, rải nhựa,
mở rộng nâng cấp để xe ô tô có thể chạy được. Ông nói phải ưu
tiên làm con đường to nhất, tốt nhất gọi là quốc lộ, chạy ngang
qua hết các tỉnh ven biển để người dân tỉnh nào cũng có thể hưởng
lợi từ giao thông. Đường sắt Phan Rang đi Đà Lạt cũng là ông tư
vấn cho toàn quyền Doumer làm. Các trạm khí tượng từ Sapa đến Mẫu
Sơn, đến Bạch Mã, các ngọn hải đăng ngoài biển mà chúng ta thường
nói “do Pháp xây” là do ông chọn vị trí. Những gì ông có thể nghĩ
ra, ông đã làm tất cả cho người Việt.
Ông sống một mình, giản dị ở Nha Trang
đến cuối đời, một cuộc đầy ắp những chuyến đi thám hiểm và thành
tựu.
Nha Trang
cũng là nơi tiếp cận điện ảnh đầu tiên của nước ta do ông mang về
chiếu. Có lần khi trẻ con vào nhà ông xem phim và nghịch phá
những chậu hoa quý, gia nhân toan ra mắng nhưng ông bảo “thôi
đừng la trẻ nhỏ, nghe lớn tiếng chúng sẽ sợ”. Một lần ông lái xe
hơi trên đường, một người dân bất cẩn lao vào xe ông và bị tai
nạn. Dù lỗi của người đi bộ rành rành nhưng ông chạy xuống giúp
họ băng bó, xin họ tha thứ và kiên quyết trả lại xe cho chính
phủ, đi xe đạp, vì theo ông “dân chúng xứ này chưa quen luật lệ
nên đi lại vô tư, mình đi xe đạp có va chạm thì cũng không gây
thương vong cho họ”. Có lần ông lên Tây Nguyên tìm thuốc, người
dân tộc đã bắt ông, định hành quyết. Nhưng họ nhìn vào mắt ông,
thấy một sự chân thành và thiện lương kỳ lạ, họ lại thả ông ra.
Ông sau đó chữa trị bệnh cho cả buôn làng và gửi thuốc men lên
cho họ đều đặn. Ngôi nhà của ông là trại tế bần khổng lồ cho
người sa cơ lỡ vận, ốm đau, bệnh tật, đói kém... của khắp vùng,
mở cửa suốt ngày suốt đêm. Ông không có vợ con vì dâng hiến phụng
sự cả đời cho khoa học, nhưng người ta kính yêu ông như cha mẹ
ruột.
Trong
khi nhiều trí thức Việt Nam đi Pháp để hưởng thụ sự văn minh có
sẵn của xứ người, ông như cá bơi ngược dòng.
Dù quê hương ông là đất nước Thuỵ Sĩ
giàu có và xinh đẹp, dù tốt nghiệp trường Y Paris và là một trong
những nhà khoa học nổi tiếng nhất thế giới khi ấy, ông vẫn xuống
tàu đi đến một miền đất nghèo xa lạ.
Ông nói “tôi mãi mãi là một công dân
Pháp, nhưng tôi yêu Việt Nam và sẽ phụng sự tính mạng và cuộc đời
tôi cho họ”.
Đám tang ông là đám tang lớn nhất Việt Nam lúc đó. Giây phút cuối
đời, ông nhờ người quản gia dìu ông ra phía cửa sổ, nhìn về phía
biển, nơi ghi dấu một thời dọc ngang tuổi trẻ, rồi trút hơi thở
cuối cùng. Nghe tin ông mất, người dân Nha Trang bỏ hết công ăn
việc làm để lo hậu sự. Tàu bè ngoài biển vội vã cập bến xóm Cồn,
ngưng mọi hoạt động đánh bắt trong nhiều ngày. Những phụ nữ tiểu
thương bán cá đã bỏ hết cá mắm tiền bạc danh lợi mỗi ngày, bỏ cái
nón lá quen thuộc để đeo khăn tang trắng xoá trên đầu, xuống
đường đưa tiễn, khóc hết nước mắt. Người dân Hà Nội, Sài Gòn, Đà
Lạt, các thành phố lớn khác châu Á yêu quý ông, nhất là người
Hongkong, nơi ông đã thành công trong việc giúp hàng triệu người
dân ở đây thoát khỏi nỗi kinh hoàng do dịch cúm. Úc từng mời ông
sang thành lập viện Pasteur cho họ nhưng ông đã từ chối. Hongkong
thì tìm mọi cách giữ ông lại, nhưng ông vẫn khăng khăng quay về
dải đất hình chữ S mà ông trót yêu thương.
Năm 1943, khi ông mất, trí thức toàn
thế giới, đặc biệt giới Y khoa và giới thám hiểm đã bày tỏ sự
thương tiếc vô hạn. Di chúc ông ghi giản dị “Tôi muốn được an
táng ở Suối Dầu, mộ thật nhỏ và nằm úp xuống, đầu quay về phía
biển. Ông Bùi Quang Phương (cộng sự lâu năm) đừng cho ai đem thi
hài tôi đi nước khác. Mọi tài sản xin tặng hết cho Viện Pasteur
và những người cộng sự lâu năm đã làm việc với tôi”.
Nếu bạn đã từng một lần được tiêm
chủng, chích ngừa hay thậm chí ăn cà rốt, uống cà phê, đắp mặt cà
chua (trước đó thì người Việt chúng ta chỉ có cà pháo... để ăn
với mắm tôm) thì hãy biết ơn Bác sĩ Yersin. Công lao của ông với
dân tộc mình, với đất nước mình là không bao giờ kể hết. Các bạn
có thể đọc thêm tư liệu về Bác sĩ Yersin để thấy những tranh cãi
lặt vặt, những suy nghĩ tầm thường đã phí thời gian cuộc đời
mình. Sách giáo khoa nên bổ sung nhiều bài học về ông để các thế
hệ mãi mãi biết ơn. Lòng biết ơn là thước đo của sự văn minh, ở
mỗi cá nhân và cả dân tộc.
Và mỗi người, nếu đọc được những dòng
chữ trên thì hãy học tập ông ở tinh thần PHỤNG SỰ, CỐNG HIẾN.
Không nhỏ hẹp, vun vén cá nhân, cái xe – cái nhà – miếng đất –
bằng cấp – chức vụ – công danh, tiền tài mang về cho vợ cho con
tầm thường nữa. Mạnh dạn vẫy vùng biển rộng trời cao, dấn thân,
xả thân vì MỘT LÝ TƯỞNG SỐNG của riêng mình. Bỏ quê hương đi đến
chỗ phồn vinh thì dễ, quay về làm cho nó giàu sang văn minh thì
mới khó. Mà khó cỡ nào, mình quyết tâm là làm được hết. Cuối đời,
mình tự hào vì đã góp phần vô việc MAKE A BETTER VIETNAM.
Phàm làm người, ai càng sớm tìm được lý
tưởng sống, thì càng có một cuộc đời ý nghĩa, trọn vẹn, không hối
tiếc.
TONY BUỔI SÁNG
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: phong cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by psxh chuyển
Đăng ngày Thứ Bảy,
September 5, 2020
Ban kỹ thuật
Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang