Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tạp
Ghi
Chủ đề:
30T4Đ
& giới nghệ sĩ
Tác giả:
Phạm Văn Duyệt
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Tháng Tư lại
về, nỗi buồn len lén con tim. Thương lắm người vì ngày này mà
chịu nhiều khổ nạn tai ương, tủi nhục ngút ngàn, biết bao gia
đình ly tán chia lìa, ngậm ngùi chua xót.
Giết chóc, tử hình, giam cầm, “cải
tạo”...
Tịch thu tài sản, nhà cửa, ruộng
vườn, sách báo Mỹ–Ngụy...
Vượt ngục,
vượt trại, vượt biên, vượt biển...
Đất
nước lâm cảnh bi hài... kể sao cho xiết.
Không chỉ một vài năm mà gần tròn nửa thế kỷ!
Nhiều nạn nhân bị đày ải, trù dập, bắt
bớ, hành hạ... suốt thời gian dài. Bài viết này xin ghi lại những
tình cảnh “ngất ngư”, tơi tả của một số văn nghệ sĩ sau ngày tang
thương cuối Tháng Tư Đen.
1. PHAN NHẬT NAM (1943–...)
Nhà Văn nổi tiếng của Việt Nam Cộng
Hòa. Xuất bản hơn mười tác phẩm viết về chiến tranh. Sau 1975, sách
Ông bị đốt trên đường phố Sài Gòn. Những lúc biệt giam trong ngục
tối, Ông có làm nhiều bài thơ.
Hữu Thỉnh, Chủ Tịch Hội Nhà Văn từng
mời về Hà Nội dự đại hội nhưng Ông từ chối.
* Những ngày trong tù: Theo Nhà Văn Đào
Vũ Anh Hùng (“Phan Nhật Nam Dựa Lưng Nỗi Chết”, batkhuat.net): Họ
Phan bị đưa ra Bắc từ 1976, trải qua những trại tù kinh khiếp nằm
sâu trong rừng núi thượng du hùm thiêng nước độc chết người.
Nhưng anh vẫn phập phồng dưới nắng lửa mưa dầm, vây quanh bởi
những cặp mắt nham hiểm rình mò cú vọ của một bầy lang sói. Bị
chúng đánh đập, cùm xiềng, giam vào hầm đá biệt lập tối tăm lạnh
lẽo, chịu đựng đói khát suốt nhiều ngày đêm khổ nhục, tình trạng
sức khỏe xuống thê thảm, thân hình tiều tụy, suy nhược khó mà
nhận ra. Chân run không đứng vững, đầu váng mắt hoa, phổi hư,
răng mục nguyên hàm, tóc rụng từng mảng, bệnh trĩ nội xuất huyết
hậu môn.
Cuối
cùng anh đã sống sót như một phép mầu. Còn nghị lực, vững vàng ý
chí, không quên mình là Hướng Đạo Sinh “vui vẻ trong mọi khó
khăn”, lính Nhảy Dù “cố gắng”.
Nam bị liệt vào thành phần tù chính trị
ngoan cố. Chúng đã dành cho anh án tử hình, hoặc nhẹ nhất cũng
khổ sai chung thân vì tính cương ngạnh, vô phương cải tạo.
Thế mà vẫn phải chịu khổ dịch lao tác
mỗi ngày. Phá rừng, xẻ núi, cong lưng đập đá, oằn người bấu những
ngón chân bật máu đẩy từng xe đá hoặc kéo vần khối gỗ nặng nề
vượt hai cây số đường đèo trơn trượt... Mỗi buổi sáng cúi xuống,
nhấc lên, khuân 670 tảng bùn nước nặng khoảng 10 kí–lô hoặc 6, 7
tấn cho một thân hình ốm yếu. Trời đông hàn phải trần truồng ngâm
mình dưới dòng sông giá buốt đẩy từng bè củi, lội ngược con nước
về trại cách xa 4km trong cái lạnh cắt da 7°C.
* Ngày trở về: Năm 1988 được thả ra.
Phan Nhật Nam xuôi quốc lộ 1 quay lại Sài Gòn.
Đến Đà Nẵng vào buổi trưa thì tàu dừng.
Dưới sân ga có những tiếng la to: Hoan hô Tướng Lê Minh Đảo! Hoan
hô lính Việt Nam Cộng Hòa!
Hoan hô...! Hoan hô...!
Nam kể lại:
Một người trong toán phục vụ có lẽ do
thấy tôi tương đối trẻ so với đám tù, thân mật hỏi:
– Chú cấp bực gì mà giờ này mới về?
– Đại úy.
Đại úy. Trời ơi! Đại úy người ta về từ
mười năm trước. Mà Đại úy đơn vị chi?
– Nhảy Dù.
Vậy chú là Nhà Văn Phan... Chú muốn ăn
uống chi... Con đem tới...
Tôi uống hết một két 12 chai bia cho
đến chiều tàu tới ga Hàm Tân. Được tháo cùm tay, chân bước xiêu
ngã trên sân ga, nhìn xung quanh chập chờn...
* Nhà Văn khí khái:
Thoạt đầu bị giam tại Long Giao. Nam
viết vào bản tự khai: “Trong đời, tôi mang theo một điều ân hận
là có ông bố hành nghề cộng sản”.
Suốt thời gian ở tù, anh chỉ gặp lại
cha một lần sau hơn 20 năm người Bắc kẻ Nam. Anh chua xót kể lại:
“Bố đến bắt tay tôi, tự xưng tên, gọi
tôi bằng anh. Bố hỏi tôi học tập thế nào. Bố nói là có đọc văn
tôi. Tôi ngồi yên nghe bố nói. Sau cùng, bố đứng dậy, móc trong
xách ra một gói nhỏ bảo là đường và thuốc lá, trao cho tôi,
khuyên tôi cố học tập tốt để sớm được khoan hồng. Tôi nhìn vào
mắt bố, lòng thấy dửng dưng”. Rồi cha con giã biệt để lại nghịch
cảnh phân chia, ngăn cách đôi bờ... không thể nào hàn gắn nổi.
Cũng theo Đào Vũ Anh Hùng: “Tuy biết
thân phận như một người ngã ngựa, song Phan Nhật Nam vẫn hiên
ngang bước vào lò luyện ngục với nụ cười khinh mạn, nhận chịu
những ngón đòn thù đê tiện và cực kỳ độc ác. Để chứng tỏ đảm lược
một chiến sĩ Nhảy Dù, hào khí của người lính quốc gia hay phong
thái bất khuất của nhà văn hữu hạng miền Nam. Anh bác khước mọi
lời dụ dỗ hoặc làm tờ tự khai tự thú theo ý muốn của cộng sản,
chối bỏ đặc ân từ ảnh hưởng chức vụ người cha. Hơn thế nữa, vợ
anh bị cấm thăm nuôi chồng, phải dùng tên giả, gởi cho người khác
nhờ chuyển đến Nam lén lút. Tất cả chỉ vì cái mộng trở lại cầm
bút viết văn để nói lên thực trạng hệ thống lao tù và bản chất
tàn độc mất hết nhân tính của người cộng sản”.
* Chuyện trưa 30/4/1975 (“Chung
quanh... bụi rác và nỗi đau”, Phan Nhật Nam, Đại Học Sư Phạm Sài
Gòn): Trưa 30/4/1975, anh vào cư xá sĩ quan Bắc Hải, nay đặt dưới
quyền chỉ huy của Chuẩn tướng Hồ Trung Hậu, Ông đang trải tấm bản
đồ trên mui xe jeep, bàn thảo với viên sĩ quan Nhảy Dù có nhiệm
vụ bảo vệ an ninh khu vực. Khi biết lệnh đầu hàng của Dương văn
Minh, Ông hất tung bản đồ, gầm lên lời nguyền rủa. Nhưng viên
Thiếu úy trả lời quyết liệt: “Tôi không đầu hàng, tôi với trung
đội sẽ ra bến tàu tiếp tục chiến đấu”. Thiếu úy Thái tập họp đơn
vị, hô nghiêm, xếp hàng, ban lệnh di chuyển. Trung đội rời cư xá
theo lối cổng Tô Hiến Thành, rẽ vào Nguyễn Tri Phương, đi về phía
Chợ Cá Trần Quốc Toản hướng bến tàu Bạch Đằng. Nhưng họ không ra
tới chỗ đó. Ngang bùng binh Ngã Sáu Chợ Lớn, họ xếp thành vòng
tròn, đưa súng lên trời, đồng hô lớn: Việt Nam Cộng Hòa Muôn Năm!
Và những trái lựu đạn tiếp nhau bừng bực nổ sau lời chào vĩnh
quyết cùng đất nước miền Nam.
2. DUYÊN ANH (1935–1997)
Viết văn, làm thơ, soạn nhạc. Nhà Văn
có nhiều tác phẩm xuất bản nhất, gần 100 cuốn. Được đông đảo độc
giả mến mộ. Sách bị cấm lưu hành trong nước.
Rất nhiều tác giả viết về Duyên Anh.
Xin cùng nghiền ngẫm một số tư liệu đó:
* Tính khí của Duyên Anh: Nhà Văn Đỗ
Bình (“Đắng Cay của Một Đời Tù”, daihocsuphamsaigon.org) nhận
xét: “Sự nổi tiếng trong văn chương quá nhanh, đời sống sung túc
dư giả, tiền bạc rủng rỉnh khiến anh tự mãn, trở thành ngạo mạn
ngông cuồng, xem thường kẻ khác, thể hiện qua những bài viết có
chất cay nghiệt.”
* Tư tưởng chống Cộng: Trong cuộc phỏng
vấn của Hưng Việt đăng trên Tạp Chí Văn Chương Da Màu, nhà văn
Nguyễn Vy Khanh nhận định: “Duyên Anh rõ ràng là kẻ thù của chế
độ cộng sản. Ông là nhà văn, mà là nhà văn nổi tiếng, được ưa
thích, nhất là giới trẻ. Ông lại di cư năm 1954 và trong tác phẩm
của Ông nhiều lần lý luận chống chủ nghĩa cũng như con người cộng
sản.”
* Trò
chuyện với Vũ Trung Hiền:
Sau khi ra tù, Duyên Anh hay tìm gặp
bạn bè. Một bữa, tại quán cà phê đường Trương Minh Giảng Sài Gòn,
Duyên Anh tâm sự với Hiền:
– Mỗi tuần anh phải đến đó 2 lần để
“làm việc”.
–
Anh làm việc với cơ quan nào?
– Làm việc chó gì đâu. Anh dùng chữ của
tụi nó. Đây là cách để chúng kiểm soát anh thôi.
– Vậy thì mỗi lần vào đó anh làm những
gì?
– Cũng nhẹ
nhàng lắm. Kiểu mạn đàm thân mật, có cà phê, thuốc lá, trà nóng.
Những thằng công an văn hóa này, đa số từ Bắc vào, đều thuộc loại
trình độ đại học, tương đối lịch sự. Chúng đọc các tác phẩm của
anh kỹ lắm. Đại khái chúng muốn biết anh làm gì, đi chỗ nào, giao
du với ai. Nhưng cái điều chính chúng nhắm là thuyết phục anh hợp
tác.
– Hợp tác
như thế nào?
–
Chúng muốn anh viết lại. Viết toàn truyện cho tuổi thơ thôi.
Chúng bảo cả ngoài Bắc lẫn trong Nam không có thằng nào viết về
tuổi thơ cự phách như anh. Chúng còn nói, việc bắt giam những nhà
văn miền Nam hồi 1976 là một sai lầm lớn.
– Họ bốc anh như vậy chắc là có dụng ý
gì rồi, đời nào anh hợp tác, phải không?
– Hợp tác thế nào được với chúng. Ở cái
đất này thêm ngày nào, mình chết dần chết mòn ngày ấy. Anh đang
chờ cơ hội để dzọt đây.
– Nhưng anh sẽ không nói gì để họ nghi
ngờ anh có ý định ấy chứ?
– Dĩ nhiên rồi. Trước mặt chúng, anh
bảo chỉ ước ao được về lại quê Thái Bình, sống với bố anh, chứ
chẳng còn tham vọng gì nữa cả.
Sau một thời gian trốn tránh, sống lây
lất, Duyên Anh vượt biên qua Mã Lai, ở đó 7 tháng rồi trở thành
dân tị nạn tại Pháp từ tháng 10/1983. Tiếp tục viết, xuất bản
cuốn Một Người Nga ở Sài Gòn.
* Ý Kiến Thân Hữu:
Phạm Kim Vinh: chính nghĩa của người
Việt Quốc Gia gắn liền với tên tuổi và uy tín Duyên Anh. Những
bài thơ tù và tác phẩm chống Cộng sâu sắc của Anh chuyển sang
Pháp ngữ đã làm rung động trời Âu, được giới điện ảnh quay thành
phim và phổ biến rộng rãi khắp nơi trên thế giới.
Trần Đình Thục: Với 2 tác phẩm “Nhà
Tù” và “Trại Tập Trung”, Duyên Anh đã nói lên sự tàn ác của cộng
sản trong việc kềm kẹp, đàn áp văn nghệ sĩ và cuộc sống khốn khổ
cùng cực của các tù nhân “cải tạo”.
Tiếp theo đó, với “Sỏi Đá Ngậm Ngùi”,
“Một Người Tên Trần Văn Bá”, “Quán Trọ Trước Cổng Thiên Đường”,
“Đồi Fanta” và Tập “Thơ Tù”, Duyên Anh đã trực tiếp tấn công vào
chế độ cộng sản, như một cách trả lời cho họ về những năm tháng
bị giam cầm, đoạ đày.
Mai Nguyễn: Duyên Anh là một nghệ sĩ
tuyệt vời trong văn chương, trong âm nhạc, trong thơ, và trên tất
cả, anh là bạn thiết của tuổi trẻ, người chiến sĩ can trường
chống chủ nghĩa phi nhân cộng sản.
Kim Việt Hùng: Nghe tin anh kẹt lại,
độc giả nhiều người đã không tránh khỏi lo ngại, biết rằng rồi
đây anh sẽ khốn khổ cho những gì anh viết về cộng sản. Chính tôi
cũng đã lắm lần tự hỏi: “Duyên Anh sẽ trả lời sao với Việt cộng
khi anh từng hơn một lần mô tả lá cờ đỏ của chúng giống như quần
lót đàn bà cuối tháng?”.
3. MAI THẢO (1927–1998)
Nhà văn thành danh. Xuất bản hơn 50 tác
phẩm và một tập thơ.
* Phiên họp kín: Mai Thảo kể “buổi họp”
diễn ra trong phòng âm u của ngôi nhà trên đường Tự Do, Sài Gòn.
Đó là buổi họp đầu tiên và cuối cùng cực kỳ nghiêm trọng giữa Nhã
Ca và 5 người con nhằm đi tới biểu quyết: Có đồng ý cho bác Mai
Thảo tạm trú một thời gian, giữa lúc bác đang bị chính quyền cộng
sản săn lùng ráo riết?
Mỗi lần nhớ lại hình ảnh 5 bàn tay nhỏ
xíu cùng hăng hái, dứt khoát giơ lên trong tình cảnh tai hoạ có
thể ập xuống bất cứ lúc nào, trên mái đầu những trẻ thơ này, tôi
không khỏi bùi ngùi và cảm phục.
Nghe qua chuyện này, Du Tử Lê nói: Tôi
vẫn nghĩ không thể tự nhiên cùng lúc có được 5 bàn tay bé xíu giơ
lên, trong một quyết định đầy nguy nan như thế, khi mà người cha
của chúng còn đang dật dờ trôi dạt từ nhà tù này tới nhà tù khác.
Khi mà chính người mẹ cũng từng chịu cảnh tù đày gần 2 năm. Hiện
vẫn còn bị theo dõi ngày đêm.
* Gian Nan Trốn Thoát: Sau đây là phần
lược dịch của Ngô Thế Vinh từ nguyên bản sách “Artists in Exile,
American Odyssey”, Jane Katz, 1983:
Người Mỹ rút khỏi Sài Gòn năm 1975. Do
các bài viết chống Cộng trước đó, tôi bị liệt kê trong danh sách
những nhà văn có nguy hại cho chế độ. Hầu hết số nhà văn ấy đều
bị bắt đi tù, nhiều người chết tại đó vì không đủ ăn hoặc thiếu
thuốc men.
Tôi
thì may mắn hơn, được dân chúng chăm sóc và che chở. Không có
tình thương yêu của họ, tôi đã không thể sống còn ở Việt Nam.
Cộng sản ra thông báo là bất cứ ai hỗ
trợ những nhà văn có tên trong sổ đen sẽ bị bắt giữ. Hệ thống an
ninh của họ rất chu đáo. Họ chỉ định những người hàng xóm canh
chừng nhau và báo cáo lên chính quyền địa phương. Nhưng cũng có
nhiều người liều mạng để bảo vệ cho tôi. Họ che giấu tôi trong 8
căn nhà khác nhau suốt 2 năm. Tôi sống dưới hầm tối, bất cứ ánh
sáng hay sinh hoạt nào bị hàng xóm phát hiện sẽ gây hiểm nguy cho
gia chủ. Cộng sản lục soát một số nhà nhưng họ đã không tìm ra
tôi.
Tôi sống
như một con vật trong bóng tối. Có những đêm hoàn toàn mất ngủ,
những ngày giống nhau buồn chán. Một người bạn đem đến cỗ mạt
chược và tôi chơi cùng một lúc cả hai phe. Đôi khi quá tuyệt
vọng, tôi phải bí mật tìm cách ra ngoài trong bóng đêm. Tôi sâu
sắc cảm thấy nhà văn là thuộc về xã hội và quần chúng. Với những
người đã cùng nhau hợp tác cứu sống tôi, tôi thấy mình phải can
đảm để xứng đáng trước sự trợ giúp mà tôi nhận được.
* Ra Đi: Cuối năm 1977, một tổ chức tư
nhân giúp người vượt biên liên lạc với tôi và bảo cứ chờ họ ở nơi
đang ẩn lánh.
Vào một đêm tối trời, có người mặc áo đen đi xe Honda, đậu trên
gốc cây sau căn nhà, hướng dẫn tôi ngồi lên xe và lặng lẽ chạy ra
phía bờ sông Sài Gòn, nơi thuyền nhỏ đánh cá đang chờ. Tôi được
bảo nên đóng vai chèo ghe, giả bộ như ngư dân. Sau 2, 3 giờ thì
chuyển sang thuyền máy trên biển. Tôi nhìn thành phố Sài Gòn lần
chót và bật khóc vì hiểu rằng mình chẳng còn bao giờ thấy nữa.
Người dân miền Nam hết sức gắn bó với thành phố mang tên Sài Gòn.
Trên biển cả, tôi có cảm giác được
phóng thả. Tôi đã là một con người tự do.
Đó là một đêm tối đen không trăng. Vừa
ra tới biển khơi nhưng lại có cơn bão thổi tới làm vật vã con tàu
nhỏ, buộc chúng tôi phải quay lại bờ. Trở về nơi ẩn náu. Vài ngày
sau được tin cha tôi chết ở tuổi 82. Các anh tôi khuyên không nên
về nhà vì có thể bị bắt. May thay là tôi đã âm thầm tới thăm được
mộ cha, đọc lời cầu nguyện tỏ lòng tưởng nhớ và điều ấy đã làm
dịu phần nào nỗi đau mất mát.
Rồi chiếc xe máy khác đến trong đêm
tối, chuyến đào thoát thứ hai nguy hiểm hơn lần trước. Thuyền
đánh cả nhỏ đưa tôi tới một cái chòi. Tôi phải núp ở đó suốt 2
ngày trong vùng sình lầy có cây che khuất. Cuối cùng thì một
chiếc ghe đưa tôi ra khơi rồi chuyển qua tàu đánh cá lớn hơn. Tôi
bước lên con tàu với sức chứa 20 người nhưng số thuyền nhân là
58, bao gồm những người tị nạn chính trị, sinh viên, học sinh,
ông bà già, trẻ thơ.
Trải qua 6 ngày đêm, mọi người đói
khát, một số ngã bệnh. Tới được Mã Lai nhưng họ không muốn tiếp
nhận, tỏ ra thiếu thân thiện, do đã có quá nhiều tàu tị nạn dạt
vào đây. Cố cặp bến thì họ đẩy ra xa. Cuối cùng một ngư phủ Mã ra
dấu cho chúng tôi cứ ủi vào bãi. Nếu tàu bị vỡ hư hại thì họ phải
đón nhận. Chúng tôi làm như vậy và có hiệu quả. Viên chức Liên
Hiệp Quốc tới giúp đỡ. Tôi được yêu cầu viết bài đọc trên đài
phát thanh và giữ chức chủ tịch trại.
4, 5. NHÃ CA (1939...) và TRẦN DẠ TỪ
(1940...)
Nhã
Ca viết nhiều, xuất bản hơn 40 tác phẩm. Là nhà văn miền Nam đầu
tiên có sách được dịch ra Anh và Pháp ngữ, với hai cuốn: “Đêm
Nghe Tiếng Đại Bác” và “Đoàn Nữ Binh Mùa Thu”.
Đoạt giải Văn Chương Toàn Quốc 2 năm
liền: 1965, 1966.
Nhã và Từ viết bài Tâm lý chiến cho Đài
Tự Do của Mỹ nhằm tuyên truyền chiêu hồi, lay chuyển tinh thần và
tư tưởng bộ đội cộng sản. Nhã ở tù gần 2 năm, còn Từ tới 12 năm.
* Tuổi Trẻ Tài Cao của Trần Dạ Từ:
Nhà Báo Hồ Văn Đồng tiết lộ: Năm 1955,
Đài Phát Thanh Pháp Á tổ chức giải thơ. Thắng hạng nhất là một
học sinh 15 tuổi, khi tới Đài mặc quần sọt. Ban Giám Khảo phải
mời chú thiếu niên ra thử tài đủ kiểu, xét xem chú có phải là tác
giả bài thơ đoạt giải hay không. Thi sĩ Hồ Đình Phương, thư ký
hội đồng lập biên bản, ký bảo lãnh rồi mới chịu phát cho Từ mấy
ngàn bạc. Đến năm sau, vẫn thiếu niên ấy lại đoạt giải nhất về
truyện ngắn của tuần báo Nhân Loại.
Nhờ tài năng xuất chúng, nên mới 22
tuổi mà Từ đã là Tổng Thư Ký nhật báo Dân Việt của Công giáo. Tuy
học hành bằng cấp không cao, tiếng Tây tiếng Mỹ bập bẹ, vậy mà
trong bộ biên tập do anh điều khiển, nhiều người là đại khoa
bảng.
* “Đường
Sữa Trong Tù”, Phạm Thị Hoài, 5/8/2013:
Sau mấy tháng bị giam trong cat–so vì
ngoan cố không chịu nhận tội và không tố giác người tù, sức khỏe
bà suy yếu, một cán bộ Sở Bảo Vệ Văn Hóa Chính Trị sai nhân viên
đem đến cho Nhã ly sữa do chính con bà gởi vào. Sáng nào ông ta
cũng hộ tống bà từ phòng giam nữ, đi qua những dãy phòng giam tập
thể khác đến lớp học về nọc độc của văn hóa Mỹ–Ngụy và chính sách
nhân đạo của cách mạng. Theo sau là một nhân viên cung kính bưng
ly sữa. Bà không chịu nổi đám rước sữa trình diễn lòng nhân đạo
hay đòn phép ân huệ ấy. Người ta ép bà uống, vì: “chúng tôi muốn
tạo điều kiện giúp chị mau phục hồi, trở về với các cháu”. Tay
cán bộ nói: “Như chị Nhã Ca kìa, trong những buổi lên lớp vừa
qua, tôi đã phân tích rõ những cuốn sách phản động của chị ấy.
Vậy mà các anh quay lại coi, cách mạng đã đối xử với chị như thế
nào”.
Bà Nhã
Ca kể: nhiều người từ bàn trên đã quay lại và hầu như tất cả đều
tủm tỉm cười, không phải với bà mà với ly sữa để trước mặt bà.
Tên cán bộ còn nói: “cách mạng muốn
giết chị, không cần phí một viên đạn. Bắt chị vào đây chỉ là thi
hành chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng. Muốn giết, đã giết
rồi”.
Trong
tù, Nguyễn Mạnh Côn kể lại với Hồ Văn Đồng: “Moa nói với họ là
bao nhiêu nhân vật quan trọng ở miền Nam, đâu có người nào cách
mạng bắt đi tù cả chồng lẫn vợ như trường hợp Trần Dạ Từ và Nhã
Ca. Nhốt bà mẹ của 6 đứa con nhỏ, có đứa còn chập chững tập đi.
Nói thật, bà ta chỉ là một người viết văn bình thường, chẳng hiểu
biết gì về chính trị. Nếu sách bà ta có chống Cộng, ấy là do tôi
mà có. Thả bà ta về, rồi muốn tôi làm trâu, làm ngựa gì cũng
được”.
* Những
Ngày Giờ Cuối (Hồi Ký Nhã Ca):
Đại diện Sở Ngoại Vụ nói với Nhã: Những
năm vừa qua, anh chị đã chịu nhiều khổ cực. Nhất là chị và các
cháu đôi lúc từng bị đối xử bất công. Trong thời kỳ quá độ, mọi
lãnh vực đều có những sai lầm đáng tiếc. Chúng tôi mong anh chị
nhìn về tương lai và bỏ qua điều này.
Dạo ấy hai vợ chồng vô cùng bận rộn đi
thăm viếng từ giã bạn bè. Nhã chợt nghĩ: Mới đêm nào, nhớ chiếc
xe tù vào Chí Hòa cùng anh em. Thoáng chốc mười hai năm. Bây giờ
tôi đứng ngoài, phía sau lưới sắt, khuôn mặt anh Hoàng Hải Thủy,
anh Doãn Quốc Sỹ xạm xanh một màu chì. Bên cạnh tôi, mái tóc chị
Thủy bạc phơ, đôi mắt chị Sỹ đang sắp trào lệ.
Nhịn ăn nuôi chồng. Các chị đều gầy
mòn, ốm yếu. Giỏ thăm tù nhẹ hều. Vậy mà hai chị, chả hiểu sức ở
đâu ra, vẫn đang mạnh mẽ dán người vào lưới sắt, như muốn phá
tung rào chắn để nhào vào vòng tay thân yêu.
* Việc viết trước và sau 1975:
Nhã Ca nói với Tina Hà Giang (“Nhã Ca,
O Xưa và một buổi tối tràn đầy ký ức”), BBC News, 19/2/2023:
– “Khác nhau nhiều lắm. Trước 1975, tôi
viết sách, sáng tác thơ, có khi làm báo nữa. Sau 1975, bản thân
tôi và chồng bị bỏ tù, mất nhà cửa, xe cộ, tài sản, con cái bị
đuổi học vì tội chúng tôi làm báo, viết văn. Viết sao được. Khi
ra khỏi tù, bị quản thúc, theo dõi, tôi đã không viết gì. Chỗ ở
bị khám xét, một tờ giấy có viết chữ, dù là giấy gói xôi cũng bị
lấy đi”. Nhưng tôi vẫn giữ trong lòng, và khi ra hải ngoại, tôi
đã viết.
*
“Hồi ký của một người mất ngày tháng”:
Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng nhận định:
Phải là người có ý chí mạnh mẽ mới có thể đứng vững được trước
những sóng gió của cơn hồng thủy 30 Tháng Tư 1975 đổ ập xuống Sài
Gòn.
Nói về kỷ
niệm mà chị nhớ hoài là thời kỳ trong nhà tù nhỏ và nhà tù lớn ở
Việt Nam. Nhã Ca kể có lần được theo xe tù đi thăm Nhà Trưng Bày
Tội Ác Mỹ–Ngụy, thấy sách của mình được bày trang trọng bên cạnh
Lê Xuyên, Hoàng Anh Tuấn, Trần Việt Sơn...
Ở nước ngoài, Nhã Ca ra mắt sách “Hoa
Phượng, Đừng Đổ Nữa” kể lại câu chuyện của một nhóm bạn nữ sinh
Trưng Vương khi Sài Gòn đã mất tên.
Bà nói: Sau Tháng Tư 1975, cộng sản
biến cả nước thành nhà tù. Thành phố, đường sá bị đổi tên. Nhà
nhà bị cướp bóc. Người người bị đày ải. Ngày ngày, tài sản của
Sài Gòn bị ăn cướp, đêm đêm cư dân bị đẩy lên xe bít bùng đưa vào
rừng sâu. Nhà báo, nhà giáo, nhà văn, nhà thơ và nhà nghệ sĩ Sài
Gòn, hàng loạt bị bắt vào nhà tù.
6. HOÀNG HẢI THỦY (1933–2020)
Lấy nhiều bút hiệu: Hoàng Hải Thủy,
Công Tử Hà Đông, Con Trai Bà Cả Đọi... Sang Mỹ năm 1994 theo diện
tù chính trị. “Viết để sống và sống để viết” suốt 66 năm trời, từ
1951 đến 2017. Sáng tác nhiều thể loại: truyện, làm báo, dịch
sách, hồi ký, tạp ghi... Được coi là ngòi bút phóng tác và phiếm
luận hàng đầu của Việt Nam.
* Trước 1954: đi lính với cấp bậc trung
sĩ, coi tù ở Phú Quốc. Từng viết thư giùm một tù binh cộng sản
gởi vào đất liền cho vợ. Hơn 20 năm sau, anh này về làm chủ nhiệm
báo Giải Phóng. Gặp lại Thủy, anh bảo chôn hết tên Hoàng Hải Thủy
đi rồi viết cho cách mạng.
– Bút hiệu gắn liền với đời sống của
tôi. Hoặc tôi viết ký Hoàng Hải Thủy hoặc tôi không bao giờ viết
nữa.
Đó là câu
trả lời quyết liệt của Thủy trong bữa tiệc rượu tái ngộ cố nhân.
* “Nhớ Về Nhà Văn Hoàng Hải Thủy”,
Nguyễn Văn Tới, Gia Đình Khóa 1 Cựu Sinh Viên sĩ quan Học Viện
CSQG:
Từng ở
tù và là học trò Anh Văn của Thủy tại Chí Hòa: “Sống gần Bố Thủy
mới biết Ông là người dễ mến, dễ gần, thẳng tính, vui vẻ, hòa
đồng, không kênh kiệu, không nói xấu ai, sống rất chân thật với
mọi người và có bản chất một văn nghệ sĩ chân chính, giữ được khí
tiết của người viết văn”.
* Trả lời nhà báo ETC (Etcetera), Việt
weekly, 30/9/2005:
– Qua tới Mỹ Ông còn kiêng kỵ gì nữa
không?
–
Không, không kiêng kỵ gì cả. Tôi muốn viết gì cũng được. Tất
nhiên là viết theo lẽ phải. Đã tới đây, tôi còn sợ gì nữa. Tôi
viết văn thơ, phê bình những chuyện chướng tai gai mắt, chỉ trích
bất cứ ai ca tụng cộng sản hay đòi bỏ qua tội ác của chúng hoặc
về cộng tác với họ. Theo tôi, chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ. Ở
nước ta, bọn cộng sản không còn là cộng sản nữa, nhưng tôi vẫn
gọi là cộng sản vì họ cứ giữ nguyên những sự ác ôn, ngu xuẩn, bạo
tàn... Trước sau, cộng sản vẫn là chế độ xấu, phải chống đến
cùng.
* Ông
chống Cộng để làm gì?
Lê Thị Huệ, chủ bút Gió O blog đưa ra
câu hỏi:
–
Hoàng Hải Thủy là nhà văn đắt giá. Ông đã từng và đang là nhà văn
mà các báo Việt Nam lấy làm may mắn khi Ông nhận lời gởi bài. Lý
do là Ông có nhiều độc giả. Họ phải trả nhuận bút thì mới có bài
của Ông. Bây giờ ở trên blog Hoàng Hải Thủy.wordpress, Ông chống
Cộng và chống nhiều thứ kịch liệt. Ông nghĩ gì khi làm những
chuyện như thế ở thời điểm này? Để làm gì?
– Vì tôi thấy mình có bổn phận phải làm
những việc đó.
* Thương Nhớ Sài Gòn:
Trong bài “Nhà Văn Hoàng Hải Thủy Vĩnh
biệt Rừng Phong” (Việt Báo, 8/12/2020), tác giá Vương Trùng Dương
thuật lại: Ngày mới đến Mỹ, Hoàng Hải Thủy nói: “Tôi mang Sài Gòn
trong trái tim tôi”. Tôi muốn nói tôi yêu Sài Gòn. Tôi sống đến
40 năm trong lòng thành phố Sài Gòn thương yêu. Tôi đã vui buồn,
đau khổ với Sài Gòn.
Đi xa, Ông viết nhiều bài nói lên nỗi
nhớ Sài Gòn da diết, nhớ Sài Gòn hơn Hà Nội vì nơi đó đã tạo nên
sự nghiệp cầm bút của Ông và nhớ cả tháng ngày đen tối nhất cuộc
đời qua 8 năm tù tội. Ông nhớ thương Sài Gòn đến vỡ tim, xé gan,
cháy lòng, đứt ruột như nhớ thương người đàn bà mình yêu và từng
sống hạnh phúc bên nàng mà nay phải xa cách.
* “Người Tù Trí Siêu Lê Mạnh Thát”,
Hoàng Hải Thủy, 28/2/2008:
Tháng ba năm 1984, anh Cao Hữu Đính,
nguyên là Tổng Thư Ký Liên Ban Tôn Giáo chống độc tài Ngô Đình
Diệm có cho tôi biết:
– Lại có chiến dịch khủng bố Phật Giáo
đồ, Tuệ Sĩ, Trí Siêu bị bắt hôm qua.
Buổi sáng Hòa Thượng Trí Thủ được mời
tới trụ sở Mặt Trận Tổ Quốc. Tại đây, Hòa Thượng được cho nghe
cuộn băng ghi tiếng nói của một tăng sinh can tội phản động, cung
khai Tuệ Sĩ, Trí Siêu là những người trong ban lãnh đạo tổ chức.
Khi trở về chùa, hay tin Tuệ Sĩ, Trí
Siêu bị bắt, Ngài ứa nước mắt. Khoảng 7 ngày sau thì đột ngột tạ
thế.
Tháng
2/1984, một tối lúc 11:00g đêm, đang loay hoay rị mọ chiếc radio
cũ rích thì tình cờ tôi bắt được bản tin: “Các văn nghệ sĩ Quốc
Gia VNCH có cái tội là không tích cực chống Cộng, nhưng sau 1975
họ có cái hay là không người nào cộng tác với cộng sản. Trong năm
1983, chúng ta đã được đọc văn thơ chống Cộng của Hoàng Hải Thủy,
Hoàng Cầm, Nguyễn Chí Thiện”.
Tôi bồi hồi xúc động với những cảm giác
vui, lo, kiêu hãnh, sợ hãi lẫn lộn. Tôi được kể tên trước Hoàng
Cầm, nhà thơ mà tôi ái mộ. Hết giờ phát thanh, tôi tức tốc xuống
gác, nói với vợ tôi:
– Em nghe rõ tên anh chứ? Chắc chúng nó
sẽ bắt anh thôi, chúng không để yên anh đâu.
Một buổi sáng, anh Nguyễn Văn Đạt,
nguyên Trung tá Tỉnh trưởng Bình Định đến cho hay, anh nghe đài
và biết tôi sắp bị bắt. Dừng chiếc xe đạp bên cửa, anh nói lời từ
biệt với vợ tôi:
– Chị đừng buồn. Làm vợ một người chồng
có tài, chị phải chịu cái tai của anh ấy.
Hai giờ sáng rạng ngày 2/5/1984, công
an thành Hồ đem xe bông rước tôi vào Phan Đăng Lưu. Một năm sau
thì chuyển qua Chí Hòa cùng nhóm Biệt Kích Cầm Bút, rồi gặp và
trở thành bạn tù thân nhất của Trí Siêu, người từng tốt nghiệp Y
Khoa ở Mỹ. Anh về nước năm 1974, tu trong chùa Già Lam cho đến
tháng 3/1984 thì bị bắt, bị kết án tử hình cùng với Thầy Tuệ Sĩ.
Đây là cộng sản đã tính trước. Họ biết rằng thế nào hàng giáo sĩ
và tín đồ cũng lên tiếng phản đối, nên họ chơi đòn “giơ cao, đánh
khẽ”. Cứ tuyên thật nặng, đợi xin khoan hồng là sẽ hạ giảm thời
hạn. Như vậy họ có cái lợi, vừa nhân đạo, vừa giáng được những
cái án nặng lên đầu hai can phạm.
Quả vậy, vụ Già Lam mau chóng đưa ra
xét xử lại chỉ sau hơn một tháng. Hai Thầy được giảm xuống 20 năm
tù. Tới 1988 tôi chuyển lên Z30A. Một năm sau hết án. Ngày ra về
có Trí Siêu tiễn chân sau 5 năm chung sống.
Ở Chí Hòa, Trí Siêu nói về Tổng Thống
Ngô Đình Diệm:
– Bao nhiêu năm từng lê gót nơi quê
người là cái gì? Chỉ có ăn mày mới lê gót, người đàng hoàng ai mà
lê gót.
Thầy
còn nói về Chủ Tịch Hồ khoe thời ở hang Pắc Bó ngồi dịch Lịch sử
Đảng cộng sản Liên Xô.
– Lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô thì
Sịt–ta–lin nó cho viết láo. Vậy mà cũng cong lưng ngồi dịch. Chí
Minh cái gì, Chí Ngu thì có!
7. CUNG TRẦM TƯỞNG (1932–2022)
Tốt nghiệp Kỹ sư Không Lưu Khí Tượng,
Pháp.
Cao Học Khí Tượng Học, Mỹ.
Nổi tiếng từ những bài thơ tình lãng
mạn sáng tác khi du học. Nghe Cung Trầm Tưởng là nhiều người nhớ
đến Mùa Thu Paris:
Lên Xe Tiễn Em Đi,
Chưa Bao Giờ Buồn Thế,
Trời Mùa Đông
Paris,
Suốt Đời Làm Chia Ly...
Trung tá Không Quân. Lao tù 10 năm,
thêm 3 năm quản chế.
* Làm Thơ vì Căm Phẫn: những ngày biệt
giam trong conex, Ông tự ví mình như con thú bị vây hãm bởi lũ
thợ săn hung ác:
Ta như con thú bị vây
Khổ sai trong cũi chúng bày chúng chơi.
Dù bị đe dọa trước sự chết chóc, cộng
sản cấm, Ông vẫn viết:
Ta cất cho ta một pháo đài
Giăng vòng gai kẽm, lập vành đai
Sáng
nghe, chiều ngóng, đêm phòng ngự
Dõi
tiếng chân ai, rảo lén ngoài.
Ở tù không có giấy bút, nhưng Ông vẫn
làm thơ, đọc cùng bạn bè nghe, nhờ họ ghi nhớ trong đầu để sau
này ra tù phổ biến cho đời.
Họ Cung là biểu tượng của lịch sử Việt
Nam trong giai đoạn đau thương nhất, nỗi oan khiên không bao giờ
xoá nhoà khỏi tâm khảm người Việt. Chiến sĩ văn hóa Cung Trầm
Tưởng hy sinh gần hết cuộc đời để viết lên dòng sử thi, lưu lại
cho thế hệ hậu sinh những chứng tích hùng hồn về lịch sử Việt Nam
trong giai đoạn khốn cùng, đó là bản cáo trạng trung thực nhất về
chế độ cộng sản.
* Thơ phản kháng giải trừ tuyệt vọng:
Những dòng thơ phản kháng quyết liệt của Cung mà Giáo Sư Nguyễn
Ngọc Diễm và đồng đội gọi là nộ thi:
Cái đau vì nắng rần rần
Vì thâm thù mới mười lần gớm hơn
Mồ hôi
tuột cán cuốc trơn
Nắm cho chặt rồi căm
hờn này nhe!
Nhà Thơ chia sẻ nỗi thống khổ của đồng bào:
Đêm kinh tế mới ngủ bờ
Về thành phố cũ ngủ nhờ sân ga
Ngủ công
viên, ngủ tha ma
Xoá tên hộ khẩu ngủ nhà
vạn gian.
Trong bài “Bảy bước chân Cung Trầm Tưởng qua Một Hành Trình Thơ”
(Dương Hoàng Mai, 20/10/2013, tiengquehuong), tác giả bày tỏ niềm
kinh ngạc: “Người ta phải rùng mình khi nghĩ đến thân phận chàng
lãng tử hào hoa đang ở nơi đầy ánh sáng văn minh của kinh thành
Paris hoa lệ, bỗng chốc phải rơi vào thời vượn cổ hoang sơ, man
rợ đến mức lý trí và sức sống con người có thể bị bóp chết uất
nghẹn.
Nhưng
kỳ diệu thay, ở nơi đó tâm hồn thi sĩ lại bừng sáng như ngọn lửa
luyện ngục”.
Bắc Đẩu Võ Ý, người bạn trải qua bao trại tù với thi nhân đã nói:
liều thuốc cần thiết giúp chúng tôi vượt qua tuyệt vọng chính là
vần thơ phản kháng của Cung Trầm Tưởng.
* Bài Ca Níu Quan Tài:
Theo Trung tá Võ Ý (“Cung Trầm Tưởng:
Một Hành Trình Thơ 1948–2008”, nguoiviet.com): “Năm 1985 khi vừa
ra khỏi tù, Cung Trầm Tưởng âm thầm viết ‘Bài Ca Níu Quan Tài’
rồi cất giấu tại tầng 3 chung cư ngay trung tâm Sài Gòn.”
Thiếu tá Lâm Tùng Nguyên, Trưởng Phòng
Quân Báo Sư Đoàn 4 Không Quân đã nhận lời học thuộc lòng cả ngàn
câu thơ trong vòng một tháng trước khi gia đình anh qua Mỹ theo
diện ODP. Bài Ca Níu Quan Tài xuất bản tại Mỹ năm 1989.
Theo Võ Ý, Thơ Tù của Họ Cung, di sản
văn hóa dân tộc được đồng đội cưu mang trong tình nghĩa như thế.
Đủ thấy ý chí bất khuất của người lính Cộng Hòa. Tinh thần anh
dũng vô biên ấy được Nhà Thơ biểu tượng qua hình ảnh cây Vầu,
loại cây cùng họ tre trúc, đứng thẳng trên triền dốc núi cao, bất
kể mưa nắng dãi dầu, vẫn đong đầy khí phách hiên ngang như chiến
sĩ miền Nam trước kẻ thù gian ác:
Lòng ta đứng vững như vầu
Thân cao lóng thẳng dưới bầu trời xanh
Sum suê cây hút nhựa lành
Nguồn sâu đất
dưới hóa thành lá trên
Cực hình thú ác
gây nên
May bằng nửa tép đứng bên vầu
già
Mỗi ngày vầu mỗi cứng ra
Đổi thay lá mới, đậm đà lóng tươi
Vầu
đanh như thép sáng ngời
Nắng mưa thì
cũng chọn đời đứng ngay.
* Hình Ảnh Nhà Thơ Trong Tù: xin lắng
nghe Cung Trầm Tưởng vẽ ra vóc dáng tàn tạ của Ông cũng như bạn
tù ở Hoàng Liên Sơn:
Áo tù thẫm máu đôi vai
Bàn chân nứa chém, vành tai gió lùa
Ngó
tay bỗng thấy già nua
Cứa em thân xác
mấy mùa thu qua
Môi căn má hóp thịt da
Ngô vơi miệng chén canh pha nước bùn
Đêm
nằm ruột rỗng vai run
Đầu kề tiếng súng
chân đùn bóng đêm.
8. LÊ DINH (1934–2020)
Hoạt động âm nhạc ròng rã hơn 60 năm.
Một trong 3 thành viên của Nhóm Lê Minh Bằng. Sáng tác gần 100 ca
khúc. Cộng thêm chừng 60 bài hát viết chung với một số nhạc sĩ
khác.
Vượt
biên nhiều lần thất bại. Bị bắt giam. Sau cùng cũng tới được
Canada. Chủ Nhiệm Nguyệt san Nghệ Thuật, Giám Đốc Đài Phát Thanh
Tiếng Nói Việt Nam tại Montreal.
Mang nặng nỗi sầu không nguôi khi mất
Minh Kỳ và xa Anh Bằng. Cõi lòng buồn đau cho cả dân tộc bất
hạnh.
* Nhận
Xét Về Nền Âm Nhạc Việt Nam trước và sau 1975:
Năm 2015, Nhà Văn Điệp Mỹ Linh thực
hiện cuộc phỏng vấn với Lê Dinh:
Xin Anh cho biết về những sáng tác
của Anh sau năm 1975:
– Từ ngày cộng sản cưỡng chiếm miền
Nam, tôi ngưng viết nhạc ra giấy, nhưng có nảy nở ý tưởng và sáng
tác trong trí vài ca khúc, mở đầu cho Mười Bài Hận Ca. Đến 1978,
vượt biên tới Đài Loan thì hoàn tất, trong đó có vài bài được thu
thanh.
Anh
nghĩ thế nào về nền âm nhạc Việt Nam?
– “Từ 1954 đến 1975, nền âm nhạc phát
triển mạnh ở miền Nam tự do phóng khoáng và một nửa bị chôn vùi
trong chốn ngục tù miền Bắc. Rất đông nhạc sĩ ngoài Bắc di cư vào
Nam, kết hợp với số nhạc sĩ trong đó, tạo thành lực lượng sáng
tác vững chãi, nhân bản và lãng mạn nhất.
Trong khi đó miền Bắc với chính sách
bịt miệng và láo khoét, cho nên các nhạc sĩ viết toàn những bài
đề cao cộng sản và ca tụng bác Hồ một cách gàn dở, vô duyên, lố
bịch, bưng bô... không thể lọt tai thính giả được.
Từ 1975 đến nay, nền âm nhạc của cả
nước là một sự tuột dốc thảm hại. Nhiều bài ca quá buồn cười,
giống như lời đối thoại trong vở tuồng cải lương rạp hát, như bài
Chồng Xa do Cẩm Ly hát: ‘Dậy đi mua đồ nấu canh chua về cho ba
mày bữa cơm trưa’.
Trong khi đó nhạc miền Nam trước 1975
nhiều bài sao nghe mà tha thiết quá, du dương, dễ nhớ, dễ thuộc,
dễ thương. Dù cho cả đời hay 100 năm cũng khó quên.
Ca sĩ trong nước hát nhạc xã hội chủ
nghĩa, một số đông chỉ biết la hét toáng lên, khiến người nghe
không hiểu họ hát gì. Họ hay uốn éo chữ cuối câu hoặc giữa câu
nghe rất khó chịu. Việc ‘láy’ này người viết nhạc chỉ dùng khi
thật cần thiết thôi. Nếu tác giả không để thêm nốt láy thì ca sĩ
đừng nên tự động uốn éo, õng ẹo. Lả lướt như vậy không đúng chỗ,
nghe không được.
Lý do ca sĩ trong nước bây giờ hát khó
nghe vì cách viết lời ca của đa số nhạc sĩ ‘lớp ba trường làng’.
Chỗ nốt cao thì để chữ dấu huyền hay dấu hỏi, còn chỗ nốt thấp
thì để dấu sắc hay dấu ngã. Viết lời như thế thì chỉ có ‘giết’ ca
sĩ, bởi họ không thể nào truyền đạt cho thính giả hiểu mình hát
cái gì.
Chính
vì vậy mà nhạc miền Nam dù cộng sản cố tiêu diệt, nhưng vẫn tồn
tại và ngày càng được ưa chuộng ở khắp mọi nơi: trong nhà ra quán
cà phê, đường phố công viên, đại nhạc hội...
Thời VNCH, nhạc sĩ viết ca khúc nhạc ra
nhạc, lời ra lời, âm điệu bài hát nghe như tiếng suối reo, như
tiếng sáo diều êm ái, diễn đạt được tâm trạng của nhạc sĩ. Lời ca
bóng bẩy, trau chuốt, không dùng sáo ngữ và không nghịch với nốt
nhạc, cho nên ca sĩ dễ hát, dễ diễn tả.
Trong khi đó, đa số những bài hát bây
giờ, nhạc thì đâm lên đâm xuống vô trật tự, không căn bản, như
lấy vật gì nhọn chích vào tai chúng ta, nhạc mà thiếu hẳn tiết
tấu của một dòng nhạc, không theo luật lệ sáng tác.”
* Vài bài viết của Lê Dinh:
Việt cộng (10/1/2012):
Hai tiếng này, cho đến ngày nay, nó trở
thành thuật ngữ xấu xa, kinh tởm nhất trong số những danh từ để
ám chỉ hạng người mà ai ai cũng oán ghét, hận thù và muốn xa
lánh.
Trước
1975, ở thôn quê miền Nam, khi nghe “Việt cộng về” hay “Mấy ông
về” là bà con gồng gánh, già trẻ lớn bé chạy trối chết về phía
thành phố để trốn lánh Việt cộng.
Chắc chẳng mấy ai quên Mùa Hè Đỏ Lửa
1972, trước làn sóng xâm lăng của cộng sản, hàng trăm ngàn đồng
bào Huế, Quảng Trị liều mạng bán sống bán chết rời bỏ nhà cửa
ruộng vườn để vào Đà Nẵng tìm nơi tạm trú an toàn dưới sự chăm
sóc bảo vệ của chính quyền miền Nam.
Phải Lên Tiếng, Đừng Im Tiếng:
Lê Dinh không chấp nhận thái độ của
những người hay mượn câu “Nghĩa tử là nghĩa tận” để đừng nhắc nhở
nói gì về Nguyễn Cao Kỳ nữa, dành cho lịch sử phán xét. Nhạc sĩ
nêu câu hỏi: Lịch sử là ai vậy? Chừng nào phán xét? Tại sao xã
hội không phán xét bây giờ để lấy đó làm bài học dạy cho con cháu
chúng ta cách sống ở đời, ăn ở cư xử với nhau sao cho phải phép,
không đàng điếm, lừa thầy phản bạn, không khiếp nhược bợ đỡ kẻ
thù, không hèn hạ tìm miếng đỉnh chung.
9. NGUYỄN VĂN ĐÔNG (1932–2018)
Sáng tác hơn 100 nhạc phẩm. Nổi tiếng
nhất là Chiều Mưa Biên Giới. Quái Kiệt Trần Văn Trạch đã trình
diễn ở Pháp rất thành công, đưa tên tuổi Nguyễn Văn Đông vang
danh.
Chiều
mưa biên giới anh đi về đâu?
Sao còn
đứng ngóng nơi giang đầu
Kìa rừng chiều
âm u rét mướt
Mà người về vui trong gió
buốt
Người về bơ vơ...
* Đời Sống Sau 1975: Là sĩ quan cao
cấp, Ông phải ở tù 10 năm. Đến 1985 được trả về với lý do: “đương
sự bị bệnh sắp chết, cho đem về chôn cất”.
Trở lại nhà, thân xác Ông quá tàn tạ,
không khác chi một phế nhân, chỉ còn là bộ xương thoi thóp. Trong
tình cảnh thê lương đó, ắt hẳn là khó thoát khỏi lưỡi hái tử
thần. Vì vậy mà Ông và gia đình đành đoạn xin rút lại hồ sơ đi
diện H.O. Ông cho biết là không muốn cúi mình xin xỏ, năn nỉ, ỉ
ôi, đi lên đi xuống, rồi nghe hạch hỏi tra vấn, làm mất hết khí
phách của người sĩ quan quân lực Cộng Hòa.
Cũng không ai ngờ được Ông còn sống
thêm hơn 30 năm nữa. Nhiều người cho rằng chính nhờ sự tận tụy
chăm sóc hết tình hết nghĩa của Bà Vợ mà Ông chiến thắng tất cả
những căn bệnh quái ác thập tử nhất sinh.
Là mẫu người cương trực tiết tháo, luôn
giữ tư cách, sĩ diện và chính khí của anh lính VNCH. Hơn thế nữa,
Ông còn là nhạc sĩ tài hoa được hằng triệu người ái mộ tôn vinh.
Từ cái tâm niệm thanh cao ấy mà suốt mấy chục năm Ông không mảy
may trở lại với hoạt động nghệ thuật, sống lặng lẽ, không hội họp
hay hợp tác với Việt cộng, viện cớ sức khỏe yếu. Cho nên bị xếp
vào thành phần thiếu thiện chí hay hạng người lạc lõng.
Ông cũng từ chổi sinh hoạt văn nghệ với
Phạm Duy khi nhạc sĩ này mới về nước. Khước từ lời mời phát biểu
trên đài truyền hình của chính quyền.
* “Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông – Những Gì
Còn Lại”, Tuấn Khanh, Người Việt News, 26/2/2024:
Ngày 2/3/2018 tại Sài Gòn, đám tang
nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông xuất hiện cảnh tượng đầy xúc động. Khi lễ
di quan diễn ra, nhiều người đàn ông mặc thường phục, không ai
bảo ai, bất ngờ đưa tay lên chào theo kiểu nhà binh. Động tác rất
quen thuộc khiến đám người xa lạ xích lại gần nhau. Có những chế
độ đã mất nhưng lòng người vẫn mãi hoài niệm tiếc thương.
Thấp thoáng trong những hàng người, đâu
đây nhiều khuôn mặt nghiêm trang, lặng lẽ đưa tay chào, không cần
hiệu lệnh, hầu hết họ là cựu quân nhân đến tiễn biệt Ngài Đại tá
Chánh Văn Phòng của Tổng Tham Mưu Phó quân lực VNCH về nơi an
nghỉ cuối cùng.
Vài ngày sau đám tang, nhiều tờ báo bị
khiển trách vì đã có lời lẽ trân trọng thái quá với một “sĩ quan
ngụy”.
Nhà văn
Hà Thúc Sinh cho hay: Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông mang bệnh ghẻ nhầy
nhụa, cả mảng lưng lở loét. Thêm nữa, nhiều căn chứng hành hạ
liên tục: bao tử, thấp khớp, huyết áp... Bạn tù khiêng Ông ra hố
nước để tắm rửa. Ông nằm sấp trên mặt đất, không còn đứng nổi, cố
múc nước rồi quơ quào một mình.
Nhà văn Chu Tất Tiến kể lại: Trong tù,
anh Đông nằm trên miếng ván nhỏ gắn bánh xe do bạn tù làm cho, để
anh lấy tay đẩy ván trôi đi, y như người què cụt sắp chết.
Vào lúc thập tử nhất sinh, anh em phụ
nhau đưa lên trạm xá, được ít bữa thì y tá đuổi về vì không có
thuốc chữa trị, với thâm ý là lỡ chết cũng khỏi mang trách nhiệm.
* “Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông và Những
Điều Chưa Nói Hết”, Trịnh Thanh Thủy, Việt Báo, 2/3/2018:
Tác giả kể lại cuộc gặp gỡ trò chuyện
với nhạc sĩ vào tháng 12/2011:
“Nhà Ông nho nhỏ trên đường Nguyễn
Trọng Tuyển, Phú Nhuận, có chiếc xe bánh mì giò chả do phu nhân
Nguyệt Thu đứng bán. Bây giờ căn nhà đã thành tiệm thực phẩm và
bánh mì Nhiên Hương khang trang hơn trước.
Dạo đó, nhạc sĩ nhấn mạnh rằng, sau 36
năm, đây là lần đầu tiên Ông tiếp người lạ. Từ 30/4/1975, Ông
không tiếp xúc ai hết, kể cả giới truyền thông, báo chí, nghệ sĩ,
ca sĩ ngày xưa từng quen biết hay khán thính giả ái mộ và thương
mến Ông. Nhờ có sự giới thiệu của Cô Bích Huyền, Ông mới tiếp
tôi. Ông có nói thêm rằng sở dĩ không tiếp xúc hay cho ai phỏng
vấn vì e ngại, dè dặt trong việc tiếp cận và Ông muốn sống yên
thân, đừng ai nói hoặc nhắc tới Ông nữa. Ông sợ sự liên hệ hoặc
tin đồn không đúng lan rộng, làm bất lợi cho Ông, để tránh những
rắc rối phiền phức sau này, gây lôi thôi trong cuộc sống hằng
ngày.
Về đến
Mỹ, tôi bắt đầu viết thì Ông gởi điện thư, bảo thôi đừng viết vì
Ông muốn mọi người quên Ông đi, Ông không tha thiết gì nữa, nên
đừng nhắc đến tên Ông.
Tuân theo ý nguyện đó, tôi xếp lại và
thầm cảm thương cho người nhạc sĩ tài hoa chịu điều bất hạnh.
Có lẽ Ông nghĩ đúng, biết đâu những hệ
lụy của cái tài danh sẽ mang đến cho Ông nhiều thảm hoạ hơn là
thứ tiếng tăm hư ảo của người đời”.
10. TRÚC PHƯƠNG (1933–1995)
Người cao, lưng hơi khòm, cận thị nặng,
lãng tai, hen suyễn... Vào cuối thập niên 1950, lên Sài Gòn học
lớp nhạc của Trịnh Hưng, cùng với Thanh Thúy, Đỗ Lễ. Sáng tác
chừng 50 bài, hầu hết đều rất thành công. Được mệnh danh là “Ông
Hoàng” của dòng nhạc Bolero.
* Mối Tình Đơn Phương của Trúc Phương
(“Danh Ca Thanh Thúy và Những Mối Tình Đơn Phương”, Trúc Giang,
thanhthuy.me, 2/1/2021):
Trúc Phương yêu Thanh Thúy bằng mối
tình trọn vẹn, nhưng hai người có duyên mà không có nợ.
Thanh Thúy viết: Đường đời chia chúng
tôi làm hai ngả. Anh và tôi không hẹn nhưng gặp nhau trên con
đường sống cho kiếp tằm nhả tơ. Anh trút tâm sự qua cung đàn, còn
tôi, qua tiếng hát. Trong thập niên 60, tên tuổi anh và tôi gắn
liền nhau: Nhạc Trúc Phương – Tiếng Hát Thanh Thúy.
Tâm trạng, nỗi lòng của người mang tình
yêu đơn phương bàng bạc vang vọng qua nhiều bản nhạc phảng phất
bóng dáng Thanh Thúy. Với Trúc Phương, duyên nợ bẽ bàng, nhưng
mối giao cảm vẫn còn cao đẹp. Hình ảnh Thanh Thúy ấp ủ trọn vẹn
trong tim Trúc Phương.
Thanh Thúy nói thêm: Như một định mệnh,
tôi vào đời ca hát đúng vào thời điểm anh say mê sáng tác và tình
cờ tôi trở thành sứ giả đem tâm sự của anh đến mọi người.
Từ khi nhạc phẩm “Nửa Đêm Ngoài Phố” ra
đời, tên tuổi của anh vang danh khắp nơi. Với thể điệu Rumba quen
thuộc, thể hiện nỗi buồn khôn nguôi của một lữ khách đa tình, cứ
mãi đi tìm một người không hẹn đến.
Xin hãy cho tâm hồn mình lắng đọng cùng
tác giả:
Buồn
vào hồn không tên
Thức giấc nửa đêm nhớ
chuyện xưa vào đời
Đường phố vắng đêm
nao quen một người
Mà yêu thương trót
trao nhau trọn lời...
Để rồi làm sao quên?
Biết tên người quen, biết nẻo đi đường về
Và biết có đêm nao ta hẹn hò
Để tâm tư
những đêm ngủ không yên...
* Vượt Biên:
Sau 1975, Trúc Phương vượt biên 3 lần
nhưng đều bất thành. Nhà cửa bị tịch thu, gia đình ly tán, chẳng
còn tài sản gì. Trở thành trắng tay, tù tội, mang nhiều chứng
bệnh không tiền chữa trị.
Nhạc sĩ kể trên Asia 55 về tình cảnh
những ngày bi thảm:
Sau biến cố đổi đời, tôi sống cái kiểu
rày đây mai đó, “bèo dạt hoa trôi”. Nếu mà nói đói thì cũng không
đói ngày nào, nhưng nói no thì chẳng ngày nào gọi là no. Tôi
không có một mái nhà, vợ con thì cũng tan nát rồi. Tôi sống nhờ
bạn bè. Nhưng khốn nỗi, hoàn cảnh của họ cũng bi đát, khổ cực,
không ai đùm bọc ai được... Hơn nữa vấn đề an ninh lúc đó rất khe
khắt, không ai dám chứa chấp vì tôi không có giấy tờ gì trong
người. Tôi nghĩ ra được một cách là tìm nơi nào có khách vãng lai
rồi chui vào đó ngủ với họ để tránh bị kiểm tra giấy tờ.
Ban ngày lê la thành phố, đêm ra xa
cảng miền Tây thuê chiếc chiếu 1 đồng. Suốt năm tôi ngủ ở đó hết
9 tháng. Khổ lắm. Hôm nào có tiền đi xe lam ra sớm, khoảng chừng
5 giờ, thuê chiếc chiếu trải được ở chỗ lịch sự, tương đối vệ
sinh một chút. Còn bữa nào ra trễ thì họ chiếm hết những chỗ sạch
sẽ mất rồi, tôi đành ngủ gần nơi “có những thằng cha đi tiểu vỉa
hè”.
Nghe câu
chuyện quá bi đát của Trúc Phương, nhiều bạn bè nghệ sĩ đã mau
chóng gởi tiền bạc về giúp Ông trong cơn hoạn nạn.
Nhưng rồi cuối cùng Trúc Phương cũng
đành rủ áo ra đi, giã từ cuộc đời trần ai gió bụi, để lại tiếc
thương ngậm ngùi cho nhiều người. Ở nơi xa xôi nào đó tận trời
Tây, Thanh Thúy nghẹn ngào gởi tới người bạn văn nghệ thâm giao
những lời lẽ chân thành:
“Anh Trúc Phương, ngôi sao sáng của vòm
trời âm nhạc Việt Nam vừa vụt tắt. Tin Anh qua đời đến với tôi
khá đột ngột. Tôi vô cùng buồn bã và bàng hoàng xúc động trước sự
mất mát lớn lao này. Chỉ còn biết cầu nguyện cho Anh. Xin Anh hãy
yên nghỉ Anh nhé!”
* Kỷ Niệm với Trúc Phương: Lê Nguyên,
sinh viên Đại Học Mỹ Thuật Sài Gòn kể lại: Vào năm 1988, tôi đi
vẽ trang trí cho Nhà Hàng Đại Dương, gần Nhà Thờ Dòng Chúa Cứu
Thế Kỳ Đồng.
Trúc Phương quen anh Chín Củi, thầu khoán, người cưu mang Nhạc sĩ
trong thời gian này. Chỗ đó có quán cơm bụi giá rẻ. Một chiều thứ
bảy, cả bọn tôi được anh dẫn ra ăn cơm bình dân và lai rai rượu
thuốc. Nhạc sĩ cũng góp mặt.
Bất chợt có 2 gã hành khất, một cụt
chân, một mù cả đôi mắt, đội mưa bước vào. Một người đàn guitar
thùng, người kia hát “Mưa Nửa Đêm”.
Lúc đó ánh mắt Trúc Phương tối sầm lại.
Anh lẩm nhẩm: “Nhạc của mình biến thành nhạc ăn mày rồi”.
Anh Chín liền đứng dậy kéo tay 2 người
hành khất:
–
Lại đây mấy chú em, ngồi xuống cùng ăn cơm, nhâm nhi với chúng
tôi cho vui.
Liền đó, Nhạc sĩ buột miệng:
– Hai chú mày có biết đang hát nhạc của
ai không?
– Dạ
nhạc Trúc Phương.
Anh bỗng cười buồn, đôi mắt ngấn lệ:
– Trúc Phương là anh. Chính tác giả
đây!
Hai chàng
hát rong sửng sốt. Anh cụt chân vội quỳ sụp xuống:
– Ôi em xin bái kiến Đại Huynh. Bao lâu
rồi hát nhạc Sư Phụ, mãi đến hôm nay mới được diện kiến bậc nhân
tài.
Trúc
Phương cầm lấy cây đàn:
– Để anh hát tặng mấy chú ca khúc này
nhé!
Đêm chưa ngủ nghe ngoài trời đổ
mưa từng hạt rơi
Gác nhỏ đèn le lói bóng
dáng in trên tường loang
Anh gác tay tôi
để nghe chuyện xưa cũ
Gói trọn trong nỗi
nhớ
Tôi muốn
hỏi có phải vì đời chưa trọn vòng tay?
Có phải vì tâm tư giấu kín trang thư còn đây?
Nên những khi mưa nửa đêm làm xao xuyến
Giấc ngủ chưa đến tìm...
Anh hát say sưa giữa quán cơm nghèo.
Những người lao động hôm đó ngồi lặng lẽ vây quanh anh. Có người
giơ tay dụi nước mắt tuôn trào!
Phạm Văn Duyệt
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by phạm văn duyệt chuyển
Đăng ngày Thứ Hai, April 1,
2024
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang