Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tạp
ghi
Chủ đề:
Bản Quyền
Tác giả:
Phạm Văn Duyệt
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Hằng chục năm qua từng xảy
ra nhiều trường hợp tranh chấp tác quyền sở hữu âm nhạc và thơ văn
trong giới văn nghệ sĩ Việt Nam. Có lắm ý kiến đưa ra để bênh vực
hay chống đối một trong hai phía. Vài vụ việc đã giải quyết xong
xuôi, nhưng cho đến nay, sau thời gian dài, vẫn còn không ít tác
phẩm chưa phân định rõ ràng ai là tác giả.
Bài này xin điểm qua một số chuyện rắc rối
đáng tiếc đó, với mong ước mang đến quý độc giả năm mười phút thư
giãn đọc lại hoặc cùng ngâm nga ca hát những tác phẩm thơ nhạc vốn
được rất nhiều người ưa thích suốt bao năm trời.
1. NỖI LÒNG NGƯỜI ĐI
Ca khúc Nỗi Lòng Người Đi được biết đến
với tên Nhạc sĩ Anh Bằng suốt bao nhiêu năm. Bỗng dưng có một nhạc
công tự xưng danh là tác giả.
Phần dưới đây lượt thuật ý kiến của đôi
bên:
* Trước tiên
là trả lời của nhà báo Nguyễn Thụy Kha (“Nỗi Lòng Người Đi hay Tôi
Xa Hà Nội?”, Mặc Lâm, phóng viên RFA ngày 1/11/2014):
“Tôi lâu nay vẫn nghĩ bài này là của Anh
Bằng, tất nhiên tôi hơi lạ là vì cái ‘air’ nhạc của ông ấy không
phải là cái ‘air’ như thế. Tôi cũng rất tình cờ, anh Chân đến tìm
gặp tôi trình bày các lý do sáng tác bài này với cô người yêu tên
Nguyễn Thu Hằng. Tôi xem cái âm nhạc của anh Chân, anh viết nhịp 3/8
thì tôi thấy rằng cậu tuổi 18 viết kiểu này nó có vẻ hợp lý hơn vì
năm 1954 ông Anh Bằng đã 29 tuổi rồi, lúc ấy chưa nổi tiếng, ở Hà
Nội chả biết Trần An Bường (Anh Bằng) là ai cả. Tôi thấy rất hợp lý
vì anh Chân nói với tôi từng chi tiết, tại sao viết như thế này, tại
sao viết như thế kia, thế nhưng nó có khó khăn là sau đó giải phóng
thủ đô cho nên các tài liệu của anh Chân buộc lòng phải hủy vì tình
hình Hà Nội lúc ấy không phải là dễ dàng”.
“Anh Chân công tác ở giàn nhạc giao hưởng
và tất cả mọi người nơi đây đều biết bài này là của anh từ năm 1954,
họ vẫn hát với nhau mà...”
* Nhạc sĩ Anh Bằng thì rất tức giận khi có
kẻ cho ông là ăn cắp nhạc người khác. Ông giải thích với SBTN tại
sao tới 1965 ông mới tung bài này ra thị trường âm nhạc mặc dù ông
đã bắt đầu sáng tác 10 năm về trước:
“Khi lên tàu di cư vào Nam năm 54, tôi đã
có cảm hứng viết nhạc phẩm này, nhưng đâu phải viết một lần là xong,
mà phải mất tới nhiều năm, sửa chữa nhiều lần và đến 65 mới cho phổ
biến.
Thật ra lúc
đó tôi 28 tuổi, nhưng chả lẽ câu hát viết ‘Tôi xa Hà Nội năm lên hăm
tám’ thì nốt nhạc không xuôi tai, cho nên phải đổi lại thành ‘năm
lên mười tám’ vừa xuôi tai vừa nghe lãng mạn hơn. Có thể nói tôi
thích bài này từ lời ca cho đến nét nhạc.”
– Bà Đặng Thị Thu Phương, Phó Quản Lý Đặc
Trách Ngoại Vụ Trung Tâm Bản Quyền Âm Nhạc Việt Nam (VCPMC: Vietnam
Centre for Protection of Music Copyright) phát biểu: “Cơ quan mình
có yêu cầu các bên đưa ra chứng cứ thực tại vì chứng cứ thực chính
là material mà họ có thể show được. Bên Anh Bằng thì có đầy đủ chứng
cứ về nhạc phẩm của mình, còn phía kia thì không. Bên nào có chứng
cứ xác thực nhất thì mình căn cứ vào đấy để bảo vệ quyền lợi của họ
vì đây là quyền nhân thân cơ bản của nhạc sĩ, cho nên phải dựa vào
tính minh bạch, không thiên vị ai cả.”
– Ông Phan Phương, người phụ trách mảng
tác giả và tác phẩm của Trung Tâm cho biết: “Tôi phát hiện sự song
trùng của hai bài ấy và cảm thấy tất cả những bài do ông Thụy Kha
viết về ông Chân chỉ là hư cấu, có nghĩa như chúng ta viết văn thì
có thể tưởng tượng được cái này hay cái khác. Đây không phải là
phóng sự điều tra vì không có chứng cứ đầy đủ. Trong luật sở hữu trí
tuệ, cứ anh nào có bằng chứng thì anh ấy thắng.”
Thời gian gần đây, tác giả Thảo Ngọc có
bài viết “Nhà Nước Việt Nam đã Chính Thức Công Nhận Nỗi Lòng Người
Đi là của Anh Bằng.” (Thảo Ngọc, Việt Luận 20/8/2020):
Báo Sức Khỏe và Đời Sống ngày 24/2/2013
nêu ra câu hỏi “Tác giả thật của Nỗi Lòng Người Đi?”: “Nhạc sĩ Thụy
Kha cố dàn dựng câu chuyện nhằm định hướng dư luận rằng Nỗi Lòng
Người Đi là của một thanh niên Hà Nội đi theo cách mạng tên là Khúc
Ngọc Chân, chứ nhạc phẩm trác tuyệt và lẫy lừng như thế, không thể
là của tay nhạc sĩ di cư vào Nam năm 54 theo địch, sau đó lại chạy
sang xứ tư bản giãy chết được.”
Ngày 15/10/14, báo Thể Thao và Văn Hóa hỏi
Ngọc Chân: “Tại Sao đến tận bây giờ (2012) ông mới nhận Nỗi Lòng
Người Đi là của mình? Ông sáng tác ca khúc đó trong hoàn cảnh nào và
liệu có còn nhạc bản ngày xưa hay không?
– Bản nhạc ngày xưa sao mà giữ được. Ca
khúc tôi sáng tác ngày đó chỉ có hai người biết với nhau là tôi với
cô người yêu thôi. Chúng tôi đã có những ngày đầu yêu thương bên bờ
Hồ Gươm thơ mộng. Nhưng vài tháng sau, gia đình cô bất ngờ xuống Hải
Phòng chờ di cư vào Nam... Vì lúc đó sợ bị mất việc nên không dám
nói mình là tác giả ca khúc này...
Xin ông đưa ra bằng chứng xác đáng Nỗi
Lòng Người Đi là của ông.
– Người yêu của tôi đã mất, do vậy tôi
không tranh chấp quyền tác giả.
Ngoài mồm thì nói không tranh tác quyền,
nhưng theo VCPMC thì vào cuối tháng 4/2014, Ngọc Chân có gởi tới
Trung Tâm để nhờ cơ quan này chấp nhận ông là tác giả bài hát. Tuy
nhiên tại đây nói rằng, do phát hiện sự ‘song trùng’ với Nỗi Lòng
Người Đi của Anh Bằng, nên đã yêu cầu hai bên cung cấp chứng cứ bằng
văn bản, nhưng ông Chân không có. Còn Anh Bằng có bằng chứng là bản
nguyên thủy in năm 1967 ở Sài Gòn.”
Về phía Anh Bằng, ngày 16/10/2014, nhạc sĩ
đã trả lời phỏng vấn của nhà báo Phạm Trần trên SBTN về những cáo
buộc vô căn cứ của Thụy Kha khi nói rằng: “còn về ca từ, Anh Bằng đã
khéo léo gắn vào đó tên nhà thơ tình Nguyễn Bính.”
– “Cảm ơn anh quan tâm đến ca khúc của tôi
đang bị cướp đoạt trắng trợn. Anh đã xem bản nhạc phát hành năm 67
chỉ có tên Anh Bằng và ca khúc Nỗi Lòng Người Đi. Tuyệt đối không có
tên Nguyễn Bính bên cạnh như kẻ gian manh, xảo quyệt, vô lương tâm,
vô liêm sỉ bịa đặt.”
Nhạc sĩ Lê Dinh nói thêm: Ngày 24/9/2014
cô Đặng Thị Thu Phương gởi Anh Bằng lá thư: “Sau khi thẩm định,
Trung Tâm quyết định ngừng bảo vệ, quản lý và khai thác ca khúc Tôi
Xa Hà Nội vì không cung cấp chứng cứ bằng văn bản và chỉ công nhận
tính hợp pháp cho Nỗi Lòng Người Đi của Anh Bằng.”
Thêm một chi tiết thú vị, Lộc Vàng là ca
sĩ đầu tiên hát bài này trên sân khấu Nhà Hát Lớn Thành Phố Hà Nội
ngày 12/9/1968. Nguyễn Văn Lộc biết Nỗi Lòng Người Đi là do nghe lén
Đài Sài Gòn. Ông thích quá, chép lại và đưa ra trong Nhóm cùng hát.
Vì say sưa trình diễn những bản nhạc vàng hôm đó mà cả Nhóm phải trả
giá mười mấy năm tù cho mỗi người với cái tội “truyền bá văn hóa đồi
trụy”. Khi được tha về thì nhà cửa không còn, gia đình tan nát, vợ
con lạc lõng bơ vơ.
Một bài khác của Anh Bằng cũng bị chôm tác
quyền. Đó là Ca khúc “Đêm Không Ngủ”, Anh Bằng sáng tác năm 1964.
Nhưng sau 1975 bị đổi thành “Bao Đêm Không Ngủ” với tên tác giả là
Vinh Sử. Hiện nay vẫn còn nhiều người nhầm lẫn về tình tiết này.
2. TÔI ĐƯA EM SANG SÔNG
* Nhà Văn Trần Trung Đạo (“Hãy để Em Sang
Sông”, Hậu Duệ Việt Nam Cộng Hòa Hải Ngoại, m.facebook.com) thuật
lại lời nhạc sĩ Nhật Ngân kể với Trường Kỳ về bài hát Tôi Đưa Em
Sang Sông:
“Năm
1960 lúc vừa 18 tuổi, ông đã hoàn thành nhạc phẩm Tôi Đưa Em Sang
Sông. Trong thời gian đầu, bản nhạc mau chóng được giới học sinh,
sinh viên Đà Nẵng ưa thích, chép tay truyền cho nhau hát. Sau đó ông
gởi vào Sài Gòn nhờ nhạc sĩ Y Vân phổ biến giùm, với sự sửa đổi vài
chữ cho hợp đường lối Bộ Thông Tin dạo đó không chấp nhận những nhạc
phẩm ủy mị, ướt át.
Câu:
‘Rồi thời gian lặng lẽ trôi,
đời tôi là cánh mây trôi bốn phương trời.
Và đời em là cánh hoa thì bao người ước mơ,
đưa đón trông chờ’
được Y Vân đối thành:
‘Rồi thời gian lặng lẽ trôi,
đời tôi là chiến binh đi khắp bốn phương trời.
Mà đời em là ước mơ đẹp muôn ngàn ý thơ,
như ngóng trông chờ’
cho phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh của
đất nước.
Câu kết
bản chính là:
‘Nàng đã thay một lối về,
thay cả bàn tay
đón đưa’
đổi
thành:
‘Nàng đã
thay một lối về,
thay cả người trong gió
mưa.’
Thuở ấy,
tác giả còn chưa có tên tuổi nên cần nhờ tới một nhạc sĩ nổi tiếng
đứng chung để Tôi Đưa Em Sang Sông đến với quần chúng dễ dàng hơn.
Vì vậy mà khi phát hành, bìa nhạc ghi hai tác giả: Trần Nhật Ngân và
Y Vũ.”
Trong khi
đó, Y Vũ viết trên internet: “Tôi lớn lên ở đất Sài Gòn náo nhiệt.
Những ngày tháng thơ ngây tại trường trung học Hàn Thuyên không bao
giờ phai mờ trong trí, bởi nơi đó tôi đã để trái tim mình rung động
trước cô bạn cùng lớp tên Thanh. Tình yêu học trò trong sáng lắm,
chỉ cảm nhận qua ánh mắt nụ cười chứ đâu có dám ngồi gần hoặc nắm
tay, những khi tan trường sánh bước bên nhau cũng không biết nói câu
gì...
Thanh là
con nhà khá giả, chủ cây xăng ngã bảy Lý Thái Tổ. Còn tôi chỉ có
chiếc ‘xế nổ’ hiệu Roumie ngày ngày đi học. Mỗi chiều thay ba mẹ
trông coi, Thanh lại nhắc tôi ra đổ xăng... chùa. Nhưng ngày vui qua
mau. Thanh biến mất khỏi đời tôi vì một đám cưới ép gả với chàng bác
sĩ. Hụt hẫng, chơi vơi, tôi nếm trải mùi vị ‘thất tình’. Tỉnh cơn
say vào 2 giờ sáng, tôi ôm guitar và thế là Tôi Đưa Em Sang Sông ra
đời.”
Cũng tháng
11/2017, nhạc sĩ Y Vũ phát biểu: Tôi xin khẳng định bài này chỉ do
một mình tôi viết. Anh Y Vân có dạy hai người học trò Nhật Ngân và
Anh Thy. Khi thất tình, tôi viết Tôi Đưa Em Sang Sông, mấy ngày sau
trình anh duyệt. Anh đề nghị ngay bây giờ mày có thể ghi thêm tên
Nhật Ngân vào cho hai đứa cùng nổi tiếng. Bài này hay, sẽ nổi đó.
Tôi rất vô tư, đâu nghĩ cái chuyện mấy chục năm sau lại như thế. Tôi
bảo anh muốn thì em để vào.
Sau đó Y Vũ có đưa người dẫn chương trình
“Hát Câu Chuyện Tình” trong nước đọc “bản thảo” bài hát ký ngày
5/6/1962.
Nhật
Ngân mất năm 2012. Sinh thời, trong các buổi trả lời báo chí, truyền
thanh, truyền hình, anh đều xác quyết anh viết nhạc phẩm đó năm
1960. Còn Y Vũ, qua các lời kể, dù thừa nhận có biết, có nghe những
tranh luận, nhưng không hề phản đối về thời điểm 1960 do Nhật Ngân
đưa ra. Nghĩa là ông đồng tình bản nhạc ra đời năm 1960 chứ không
phải 1962. Như vậy bản của Nhật Ngân mới thực sự là bản gốc.
Y Vũ tiết lộ: “Bản gốc ca khúc này do bà
cụ tôi cất giữ. Bà kẹp bản gốc Lòng Mẹ của Y Vân và Tôi Đưa Em Sang
Sông trong ngăn tủ cùng với giấy khai sinh của tôi và vài giấy tờ
quan trọng khác. Mãi đến khi bà mất, tôi mới kiếm được những tư liệu
này.”
Y Vân qua
đời tháng 11/1992. Mẹ của hai Ông cũng ra đi sau đó 10 tháng. Tính
đến 2017 là đã 24 năm trời Y Vũ tìm ra bản thảo, vậy tại sao ông
không công bổ khi Nhật Ngân còn sống để hai mặt một lời cho dứt
khoát? Điều gì khiến ông dè dặt?
Người có thẩm quyền nhất để nói ai là tác
giả Tôi Đưa Em Sang Sông chính là Y Vân vì cả Nhật Ngân và Y Vũ đều
đồng ý ông đã ghép chung tên hai nhạc sĩ vào nhạc phẩm này.
Y Vũ ở gần anh mình một thời gian dài, từ
đầu thập niên 60 đến 1992, hơn 30 năm, tại sao ông không yêu cầu anh
xác định giùm bí mật, khuất tất xung quanh nhạc phẩm nếu ông là “tác
giả duy nhất”?
Nhà Văn Trần Trung Đạo đã khách quan nhận xét rằng “Y Vân thêm tên
em mình vào bài ca mà ông biết sẽ nổi tiếng có lẽ dễ thuyết phục hơn
là thêm một người 18 tuổi, vô danh, còn đang học nhạc ở ngoài Đà
Nẵng vào nhạc phẩm của em mình. Kết luận này thật vô cùng hữu lý!”
Một điểm nữa, chuyện tình của Y Vũ phần
lớn chỉ diễn ra bên cây xăng Lý Thái Tổ, “chưa một lần nắm tay nhau”
thì làm gì có “bàn tay nâng niu ân cần” như trong Tôi Đưa Em Sang
Sông.
* Nhà Thơ
Luân Hoán có bài viết ngày 27/1/2021 (“Nhật Ngân, Người Đưa Em Sang
Sông”, phanchutrinhdanang.com): Trong những năm 1958–1959, một bài
nhạc chợt đến khung trời trung học Đà Nẵng bằng những giọng ca học
sinh hay–hát–hơn–là–hát–hay. Tôi mau chóng tâm đắc với lời ca tiếng
nhạc của Tôi Đưa Em Sang Sông, dù chỉ mới thuộc nằm lòng mấy câu:
“Tôi đưa em sang sông
Chiều xưa mưa rơi âm thầm
Để thấm ướt chiếc
áo xanh
Và đẫm ướt mái tóc em...
Nếu tôi đừng đưa em
Thì chắc đôi mình không quen
Đừng bước
chung một lối mòn
Có đâu chiều nay tôi
buồn...”
Những
câu chữ mang nhịp đập của trái tim lẫn hơi thở của đời sống, đủ thu
hút sự thưởng ngoạn của nhiều người, nhất là tuổi trẻ đang yêu. Bài
ca được chép tay, truyền miệng trong đám học trò Đà Nẵng.
Trả lời nhà báo Nguyễn Ngọc Chấn, Nhật
Ngân cho biết: “cũng vì yêu nhạc, thích hát và lông bông tối ngày,
nên việc học của tôi không khá, cuối khóa đủ điểm lên lớp là may.
Năm đệ nhị (lớp 11), cô người yêu thấy tôi suốt ngày đàn hát, lêu
bêu mơ mộng như người đi trên mây, thì làm sao chấp nhận lập gia
đình với cậu học trò rách. Thế rồi nàng báo tin lên xe hoa về nhà
chồng. Tôi liên tưởng đến những buổi trưa, đưa nàng qua sông, buồn
quá, viết thành ca khúc này.”
* Cao Đắc Tuấn, người rất am tường về nền
âm nhạc miền Nam nhấn mạnh rằng “Nhật Ngân là tác giả duy nhất của
Tôi Đưa Em Sang Sông” (danlambao 14/12/2017): Ông đã tài tình nêu
lên nhiều chi tiết hợp lý để chứng minh Nhật Ngân một mình sáng tác
Tôi Đưa Em Sang Sông.
– Nơi chốn gặp gỡ và chia ly của đôi nhân
tình: đó là trường Phan Chu Trinh Đà Nẵng. Bởi vì, trong bài “Vẫn Mơ
Về Đà Nẵng”, là phần tiếp theo của Tôi Đưa Em Sang Sông, Nhật Ngân
viết: “Phan Chu Trinh đón đưa chiều tan trường”.
– Một câu trong Tôi Đưa Em Sang Sông: “Sợ
bến đất lấm gót chân. Sợ bến gió buốt trái tim”. Khung cảnh đó có
phải là Tư Thục Hàn Thuyên phố Cao Thắng hay ngã bảy Lý Thái Tổ mà Y
Vũ kể về mối tình của ông không? Cao Đắc Tuấn từng sống ở Sài Gòn
thập niên 60 nhưng không nhớ có con sông nào thơ mộng với “bến đất”
hay “bến gió”. Ông còn cho rằng Sài Gòn thật khó có cảnh “gió buốt
tim”, khi mà nhiệt độ trung bình là 25 đến 27°C. Ngược lại, tại Đà
Nẵng là 18°C vào cuối tháng 11 đến tháng 2. Gió bên sông ở nhiệt độ
đó dư sức làm buốt tim.
– Dựa vào bản đồ trên google, trường Phan
Chu Trinh cách sông Hàn chừng 700 mét, đủ ngắn để “hai người” bách
bộ song đôi “chung một lối về” hoặc “bước chung một lối mòn”.
– Thêm nữa, bài hát có câu: “Để thấm ướt
chiếc áo xanh, và đẫm ướt mái tóc em”. Nữ sinh Phan Chu Trinh mặc áo
dài màu thiên thanh vào mỗi Thứ Hai hằng tuần để chào cờ và màu
trắng vào những ngày khác. Nhật Ngân viết “màu xanh” thay vì “màu
trắng” có thể bởi lý do hợp vần, vần bằng (không dấu) nghe xuôi tai
hơn vần trắc (dấu sắc).
3. KỶ VẬT CHO EM
Linh Phương, tác giả bài thơ Để Trả Lời
Một Câu Hỏi, là sĩ quan binh chủng thủy quân lục chiến, biệt kích,
biệt động quân. Tham dự hầu hết các mặt trận khủng khiếp: Dakto, Khe
Sanh, A Shau, A Lưới, Cồn Tiên, Tây Ninh, U Minh, Prey Veng, Tonle,
Bassas, Kompongcham, Tchepone, Đồi 30–31... Xuất bản 9 tập thơ.
Xin hãy nghe thi sĩ nói về “hoàn cảnh sáng
tác bài thơ – bài hát Kỷ Vật Cho Em” (https://nhacvangonline.com,
24/9/2019):
“Xuất
xứ bài thơ đăng trên nhật báo Độc Lập năm 1970 với tựa Để Trả Lời
Một Câu Hỏi. Khi Phạm Duy phổ thành ca khúc chỉ ghi duy nhất tên
ông, một người bạn của tôi đưa vấn đề tác quyền lên báo: ‘Tác giả Kỷ
Vật Cho Em sẽ kiện nhạc sĩ Phạm Duy ra tòa’. Còn Linh Phương lên
tiếng: Phạm Duy đã ‘cầm nhầm’ bài thơ của tôi để phổ nhạc mà không
cần biết đến tôi là ai. Liền sau đó, Phạm Duy viết thư xin lỗi, cháu
ông là Phạm Duy Nghĩa đưa tôi tới phòng trà ca nhạc Đêm Màu Hồng gặp
nhạc sĩ. Tại đây, chúng tôi đã có sự thông cảm với nhau về bài thơ
Kỷ Vật Cho Em và ông trả cho tôi $50,000, tương đương giá trị 5
lượng vàng thời bấy giờ. Khi tái bản, Ông mới cho đề: Thơ Linh
Phương – Nhạc Phạm Duy.”
Theo Trần Truy Phong và cựu Trung tá Bùi
Đức Lạc (T. Vấn & bạn hữu, Văn Việt 3/1/2021)), Chuẩn Nghị (Chuẩn úy
Nguyễn Đức Nghị, khóa 26 sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, hy sinh năm 1969)
là tác giả bài thơ.
Còn trong Hồi Ký Linh Phương, thi sĩ cho
biết đã có nhiều người tự nhận là tác giả như Bửu Đức, thường mặc
quân phục Nhảy Dù, mang cấp bậc thiếu tá, cụt một chân. Ông thường
đến phòng trà Ritz, nhận mình là tác giả Kỷ Vật Cho Em, rồi cất
tiếng hát bản nhạc này. Ông ca rất hay khiến ai nghe cũng phải rơi
lệ:
...Em hỏi
anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả
lời, xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở về
có thể bằng chiến thắng Pleime,
Hay Đức Cơ,
Đồng Xoài, Bình Giã
Anh trở về anh trở về hàng cây nghiêng ngả
Anh trở về có khi là hòm gỗ cài hoa,
Anh
trở về trên chiếc băng ca
Trên trực thăng
sơn màu tang trắng
Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về
Anh
trở về chiều hoang trốn nắng
Poncho buồn
liệm kín hồn anh
Anh trở về bờ tóc em xanh
Chít khăn sô trên
đầu vội vã...
Em ơi!
Thế rồi dòng đời nổi trôi, miền Nam mất
vào tay giặc. Thân phận Linh Phương không tránh khỏi cảnh bèo dạt
mây trôi, chứng kiến lắm chuyện đau thương, ngang trái bẽ bàng. Xin
cùng nghe ông qua Tâm Sự Cuối Năm (Linh Phương,
https://nguoncoi.wordpress.com): “Thỉnh thoảng lại có những cú phone
chưa hề quen thăm hỏi, tỏ lòng ái mộ rồi đích thân hát hoặc mở dĩa
CD qua điện thoại di động bản Kỷ Vật Cho Em cho tôi nghe. Nhiều
người gặp, biết tôi là tác giả, họ rất mừng, vì cho đến bây giờ mới
trông thấy được nhà thơ bằng xương bằng thịt mà họ hằng yêu mến. Tôi
vô cùng cảm động về những người bạn xa lạ đó, về những tình cảm suốt
mấy mươi năm trôi qua vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của họ, như mới
hôm qua đây thôi. Đó là niềm vui sau cuộc bể dâu đời người tôi đã
nếm trải.
Ngược
lại, buồn tận cùng cũng không ít. Cứ nhớ là đau thốn ruột gan trước
sự biến thiên của tạo hóa, trước tình người, tình đời đổi thay.
Những lúc lên núi lăn đá xuống, ngồi đập nhiều tảng to thành những
viên nhỏ 4x6, tròng kiếng cận bị dăm nát hết. Tôi gầy gò, ốm yếu,
chẳng được vai u thịt bắp nên cố gắng cách mấy cũng không đủ chỉ
tiêu nửa mét khối đá trong ngày, bạn bè phải làm tiếp giùm. Bàn tay
tôi rướm máu, nước mắt chảy lưng tròng. Nhớ khi người ta gọi ra hỏi
lý lịch, không hiểu nghĩ sao mà họ quăng cặp còng vào mặt, tôi né
tránh sang một bên. Tức giận, họ lấy cây đập trên đầu tôi một trận
đòn thù với câu nói: ‘Mày đừng khinh tụi tao là lũ chăn trâu’. Sau
đó còng hai tay tôi ngược ra phía sau lưng suốt tháng trời muốn liệt
cả người. Cũng không quên lúc bị chĩa súng vào mặt: ‘Tao biết mày là
thằng tâm lý chiến làm thơ cho thằng Phạm Duy phổ nhạc chống phá tụi
tao.’”
“Sau 1975,
đúng hơn là 1978, tôi từ Côn Đảo lang bạt kỳ hồ về Cà Mau, ba chìm
bảy nổi, bị người ta ‘đánh’ tơi tả, không còn chỗ dung thân, dạt về
Kiên Giang cho đến bây giờ. Có những lúc tôi ứa nước mắt tự hỏi: tại
sao người ta không sống với nhau bằng tấm lòng để xử thế tử tế hơn.”
Khi được thả về, hằng ngày Linh Phương bắt
gặp những ánh mắt cử chỉ lạnh lùng, lánh xa, tâm trạng không còn gì
u uẩn bằng như đoạn thơ trầm buồn dưới đây:
Người lạ, người quen nỡ hững hờ
Gặp anh họ ngoảnh mặt làm ngơ
Em ơi! Tình
đời như thế đó
Ngậm ngùi, thân phận kẻ sa
cơ!
(thơ Phạm Văn
Duyệt)
Linh
Phương chua chát kể chuyện tái ngộ Phạm Duy sau 1975: “Một bữa cùng
Thu Hiền, Nguyễn Hòa, hai nhà thơ Chính Văn và Vũ Trọng Quang đến
thăm Phạm Duy ở Phú Nhuận, chuyện vãn với ông về ký ức một thời của
Kỷ Vật Cho Em. Nhưng hình như ông cố lảng tránh cái quá khứ đó khi
trở về sống thực thụ ở Việt Nam. Ông rất ngại nhắc lại những gì đã
qua, những bài ông sáng tác trong cuộc chiến tranh. Thậm chí nếu
chối bỏ được ông cũng không từ nan, bởi đó là sự tất yếu của chính
ông để bảo vệ một cái gì đó trong cuộc sống và phần đời còn lại của
mình. Ôi! Sao lại như thế nhỉ?
Tôi cảm thấy thất vọng về nhạc sĩ Phạm Duy
của ngày nào với Phạm Duy ngày hôm nay. Từ giây phút gặp nhau tại
phòng trà Đêm Màu Hồng cách nay 35 năm, bao nhiêu hồ hởi của một
Linh Phương trẻ trung và một Phạm Duy sôi nổi ở tuổi trung niên đã
không còn nữa. Trong tâm hồn tôi vừa bồi hồi xen lẫn nuối tiếc như
mình vừa đánh mất một cái gì thật là mơ hồ. Cũng từ giây phút này, ở
tôi có hai nhạc sĩ Phạm Duy cùng lúc: một Phạm Duy tồn tại và một
Phạm Duy đã chết. Âu đó cũng là cuộc bể dâu đời người qua bao nhiêu
thăng trầm của quê hương đất nước.”
Hết Phạm Duy rồi lại tới chuyện Quang Lê.
Nhà báo Hoàng Châu thuật lời Linh Phương (Vì sao ca sĩ Quang Lê “nổi
nóng” với nhà thơ Linh Phương, amnhac.fm, 16/10/11): Trưa 10/10/11,
Quang Lê gọi điện nhờ tôi xác nhận là chủ nhân bài hát “Xin Em Đừng
Khóc Vu Quy”. Quang Lê nói: “Bài này từng được Thanh Tuyền hát lâu
rồi, trước 1975, cháu còn giữ băng nhạc. Một lần nữa tôi nói bài này
không phải của tôi. Quang Lê vẫn bảo: ‘Chú chính là tác giả vì băng
nhạc đề tên Linh Phương đàng hoàng.’ Lâu quá, chú già rồi nên bây
giờ quên thôi. Cháu làm giấy cam kết xảy ra chuyện gì cho chú, cháu
hoàn toàn chịu trách nhiệm. Tôi trả lời dứt khoát: ‘Nếu là của tôi
nhưng tôi không nhớ chính xác thì cũng không nhận bừa. Tôi chỉ nhận
khi nào tôi nhớ rõ ràng. Lương tâm không cho phép tôi nhận vơ là của
mình’.
Lúc này,
có lẽ Quang Lê đã nổi nóng, sau khi năn nỉ tôi khá lâu, nên giọng
không còn giữ được bình tĩnh: ‘Bài hát này cháu thích nhất, chú
không nhận cháu phải rút ra không hát được. Cháu tốn với chương
trình này biết bao nhiêu tiền rồi. Có chút vậy mà chú không dám
nhận. Thì thôi’! Chữ thì thôi, và cách phát âm của ca sĩ, tôi nghe
sao nặng ghê người!”
Trong hồi ký, Linh
Phương còn kể rằng thời học sinh, ông đã tham gia biểu tình chống
đối, bị bắt, nhưng được xác nhận “không phải là việt cộng” nên cho
về. Sau này ông rất ân hận vì ngày ấy mình bị lợi dụng, tuổi trẻ
bồng bột thiếu suy nghĩ chín chắn.
4. HOA BIỂN
Theo Đông Kha (“Cuộc Đời Ngắn Ngủi của
Nhạc sĩ Anh Thy, tác giả Hoa Biển – Cô Bạn Học”, Đông Kha, bienxua,
wordpress.com): Anh Thy tên thật Phạm Văn Khổn. Vào cuối thập niên
50, Y Vân cho Khổn vào học lớp nhạc dạy riêng anh em trong nhà cùng
với Nhật Ngân, Y Vũ.
Vì thương mến Khổn, coi như em nuôi nên
Trần Thiện Thanh đặt cho bút danh Anh Thy, đọc trại thành Y Thanh
(với Y: Y Vân, Thanh: Trần Thiện Thanh).
Sau khi gia nhập lính biển từ 1964. Trải
qua một thời ngang dọc giữa đại dương bao la, lênh đênh trên biển đã
gây nên nguồn cảm hứng để ông đam mê dòng nhạc hải quân, sáng tác 10
bài về biển cả. Có lắm bài rất thịnh hành như Lính Mà Em, Hoa Biển,
Cô Bạn Học, Mộng Hải Hành...
Năm 1973, trong chuyến công tác cùng một
số đồng đội, từ Cam Ranh ra Quy Nhơn bằng xe dodge, chẳng may gặp
tai nạn. Anh Thy bị chấn thương đầu, do phát hiện trễ nên không cứu
chữa kịp. Lúc đó hãy còn quá trẻ, mới 30 tuổi đời. Hiện nay tro cốt
ông được cải táng tại Chùa Hoằng Pháp, Hóc Môn.
Trước 1975, báo chí có nhiều bài viết về
Anh Thy:
+ Nhạc
sĩ Anh Thy – Người Lính Biển (Người Quảng Trị, dongnhacvang.com):
Một đêm Sài Gòn mưa bay tháng chạp 1964,
tôi gặp Anh Thy lần đầu trong hậu trường phòng trà Hòa Bình. Bộ đồ
trắng bó chéo, chiếc mũ chóp màu khiến Anh Thy dễ thương lạ lùng.
Thấy tôi nhìn vào chữ V xanh bên tay áo, sau cái bắt tay làm quen,
Anh Thy cười:
–
Tôi nghèo cấp bậc lắm, xin bạn bỏ qua cho.
Nghe Anh Thy tâm sự, mới hiểu Anh viết
nhạc từ ngày còn học đệ nhị Trường Nguyễn Thượng Hiền, vì sao Anh
Thy chọn biển cả làm môi trường hoạt động, vì sao Anh Thy thích bộ
quần áo người đi biển – dù làm lính biển thì nghèo lắm.
Một năm sau, trong quán nước không mấy cao
sang, bất ngờ tôi gặp lại Anh Thy mà bấy giờ đã nổi tiếng, không còn
là người viết nhạc đang lên như hồi mới quen. Anh Thy nổi tiếng vì
bài Hoa Biển. Mười hai tháng xa cách, Anh Thy vẫn như ngày nào. Vẫn
bộ quần áo người lính biển, vẫn màu da ngăm đen, có lẽ vì gió biển,
vì nắng trùng dương. Anh khẽ hát cho tôi nghe Hoa Biển – dù tôi từng
nghe nhiều lần qua giọng ca Minh Hiếu – nhưng dẫu sao nghe chính tác
giả trình bày vẫn là điều thích thú. Tiếng hát Anh Thy ấm lạ, nghe
rờn rợn lôi cuốn như muốn lạnh xương sống:
Ngày xưa em anh hay hờn dỗi,
Giận anh khi anh chưa kịp tới
Cho anh nhiều
lời, cho anh bồi hồi em cúi mặt làm ngơ
Không nghe kể chuyện, bao nhiêu chuyện tình đẹp nhất trên trần đời.
Tại em khi xưa yêu hoa màu trắng
Tại em suy tư bên bờ vắng
Nên đêm vượt
trùng anh mong tìm gặp hoa trắng về tặng em
Cho anh thì thầm, em ơi tình mình trắng như hoa đại dương.
Trùng khơi nổi gió lênh đênh triền sóng
thấy lung linh rừng hoa
Màu hoa thật trắng,
ôi hoa nở thắm ngất ngây lòng thêm
Vượt bao
hải lý chưa nghe vừa ý lắc lư con tàu đi
Chỉ thấy bọt nước, tan theo ngọn sóng dáng hoa kia mịt mùng.
Biển khơi không mang hoa màu trắng
Tàu anh xa xôi chưa tìm bến
Nên em còn hờn,
nên em còn buồn sao chưa thấy anh sang
Em
ơi giận hờn, xin như hoa sóng tan trong đại dương.
+ Đôi Nét về Bản Hoa Biển
(http://hqvnch/media/hoabien/html):
Trong thời gian dài, nhiều người lầm tưởng
Hoa Biển là tác phẩm của Trần Thiện Thanh, hoặc Trần Thiện Thanh
viết chung với Anh Thy. Chính DVD Asia 50 cũng giới thiệu nhạc phẩm
này là do Trần Thiện Thanh và Anh Thy cùng sáng tác.
Tác giả Nguyễn Nhật Tân (Sydney), bạn thân
Anh Thy, đã cung cấp một số tư liệu giá trị để chứng minh Hoa Biển
là do chính Anh Thy sáng tác:
– Hoa Biển lần đầu phát hành vào năm 1965
do tác giả giữ bản quyền và lần hai cùng năm do nhà phát hành Mỹ
Hạnh đều ghi rõ tác giả duy nhất là Anh Thy.
– Trang cuối bản Hoa Biển có thủ bút và
chữ ký của Anh Thy gởi tặng người bạn thân Nghiêm Hữu Dũng (hiện ở
Sài Gòn).
– Trong
danh sách ấn phẩm xuất bản năm 1967 của nhà tổng phát hành Minh Phát
ghi Hoa Biển là của Anh Thy.
– Nhiều bài phóng sự cũng nói Hoa Biển là
của Anh Thy.
+
Nhạc sĩ Anh Thy và sự nhầm lẫn xung quanh bài hát Hoa Biển
(nhacvangbolero.com): Nhà Thơ Vũ Thất, trưởng ban văn nghệ hải quân,
nơi nhiệm sở của Anh Thy, mô tả hình dáng ông: “Anh Thy người cân
đối, cao ráo, khuôn mặt điểm vài nét anh hoa phát tiết, miệng rộng
môi dày, cười hở hai hàm răng đều đặn...”. Vì mất sớm nên tên tuổi
không được nhắc nhở nhiều, dẫn đến một số nhầm lẫn về sáng tác của
ông. Thậm chí nhiều người tưởng Anh Thy cũng là bút danh của Trần
Thiện Thanh.
Ông
có hơn 30 bài hát, trong đó Hoa Biển nổi tiếng nhất. Rất nhiều nghệ
sĩ hát, nhưng nhạc bản này thường được biết đến qua giọng ca Nhật
Trường. Chính vì vậy mà có sự nhầm lẫn về tác giả.
Trong thi tập Lướt Sóng, Vũ Thất có bài
Hoa Biển. Ông kể: “Thời gian đó tàu tôi về Mỹ Tho phối hợp hành quân
với các giang đoàn. Một bữa nghỉ bến, tôi đang ngồi viết truyện ngắn
thì Anh Thy bước đến trước bàn, chân chập lại, tay đưa lên chào. Anh
xưng tên. Chúng tôi thăm hỏi nhau thân mật. Được một lúc, Anh Thy
tươi cười mở quyển Lướt Sóng, chỉ bài thơ rồi nói: ‘Thật là may mắn
gặp ông Thầy đúng lúc. Em viết bản nhạc khá lâu mà không đặt ra lời.
Nay gặp cái tựa bài thơ của ông Thầy em chịu quá. Xin phép cho em
‘chôm’ cái tựa Hoa Biển để làm tựa cho bản nhạc.’
Tôi vồn vã: Khỏi cần chôm cái tựa. Hân
hạnh tặng Anh Thy nguyên bài thơ để phổ nhạc:
Em ơi! Sóng nước cuồng say mộng
Mang dáng em về ngập biển trăng
Chợt thấy
đời anh là chiến hạm
Đêm buồn lặng lẽ với
sao băng
Ngọn hải
đăng nào lây lất xa
Chim cô đơn cuối dãy
Ngân Hà
Hải trình ai vẽ đường thương nhớ
Em nhớ đâu mà anh thiết tha
Em có gì nên nói nữa không?
Biển xanh, bọt trắng với mây hồng
Hải âu,
hoang đảo bao lần kể
Chả lẽ bây giờ nói...
ước mong!...”
Một
nhạc phẩm dễ thương của Anh Thy – “Đừng Gọi Anh Bằng Chú”, được
nhiều thanh niên nam nữ đang tuổi yêu đương hát thuộc nằm lòng trong
bao năm qua. Bỗng dưng năm 2017, Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn lại ghi
tên tác giả là Diên An. May thay, nhạc sĩ này đã mau chóng phủ nhận
sự nhầm lẫn đáng tiếc đó.
5. BẠC TRẮNG LỬA HỒNG
Nhà báo Đông Kha (“Hoàn cảnh sáng tác ca
khúc Bạc Trắng Lửa Hồng – Nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân và ý nghĩa bút
hiệu Thy Lynh”, Đông Kha, nhacxua blog) cho biết: năm 12 tuổi,
Trương Hoàng Xuân làm thơ ký tên Nam Lynh (phiên âm từ tên Tây của
ông là Nalis). Ông yêu một nữ sinh tên Thy nhưng cuộc tình tan vỡ.
Về sau sáng tác Bạc Trắng Lửa Hồng, ông
lấy bút hiệu Thy Lynh. Ông nói: Ngày xưa khi thử vàng bạc thật hay
giả, dân gian thường lấy lửa hơ nóng, “bạc trắng” trong bài hát hàm
ý tình yêu và sự chung thủy, còn “lửa hồng” là những thử thách của
cuộc đời.
Tình
nghĩa đôi mình chỉ thế thôi sao?
Gặp gỡ chi
rồi thoáng tựa chiêm bao
Tình anh như áng
mây cao
Tình em như ánh trăng sao
Cớ sao mình chẳng được gần nhau
Cuộc sống kim tiền chia cách đôi ta
Bạc trắng lửa hồng nẻo đời thêm xa
Đường
anh sương gió bao la
Đường em thêu gấm,
thêu hoa
Đớn đau này muôn kiếp không
nhòa...
Sau khi
hoàn thành, Trương Hoàng Xuân gởi Khánh Băng xem, nhờ chỉnh sửa và
phổ biến giúp.
Đâu ngờ cả nửa thế kỷ sau lại xảy ra lôi thôi. Hãy nghe lời lẽ chân
thành của Ông qua bài viết: “Tìm gặp tác giả Thề Không Phản Bội Quê
Hương ở Sài Gòn”, (Tuấn Khanh blog):
Năm 1960, 21 tuổi, tôi tốt nghiệp sư phạm,
dạy ở Bình Tuy. 1968 nhập ngũ. 1972 biệt phái về trường Nguyễn An
Ninh, Sài Gòn.
“Ra trường đi dạy, tiền lương đủ nuôi gia đình nên chuyện sáng tác
chỉ là phần kiếm thêm cho vui. Nhiều khi ghé ra quán Kim Sơn, Khánh
Băng thấy tôi, ngoắc lại và móc túi đưa mấy ngàn, nói là phần của
tôi trong bài gì đó. Tôi nghe rồi nhét túi chứ cũng không để ý.”
Tuấn Khanh hỏi ông về chuyện bài Bạc Trắng
Lửa Hồng nay đang bị phía thừa kế nhạc sĩ Khánh Băng tranh chấp, ông
lắc đầu buồn vời vợi: “bài hát đó thuở đầu tôi sáng tác giai điệu,
rồi đưa Khánh Băng xem, vì thích quá nên Khánh Băng đề nghị là người
viết lời cho toàn bộ giai điệu do ông viết ra. Trên các văn bản
trước 1975 có ghi rõ tên hai người, thế nhưng sau 1975, nhiều thứ
được tìm lại, lấy lại, và có khi tác giả cũng đã qua đời, không có
ai giải thích, nên thường xảy ra tranh chấp.
Tôi có viết giấy không đòi bản quyền nữa,
vì thấy phiền quá. Hơn nữa Khánh Băng là bạn, mà nó thì cũng mất
rồi.”
Trương
Hoàng Xuân đi quân dịch năm 1960. Thụ huấn tại Trung Tâm Huấn Luyện
Quang Trung. Ông kể: “lúc tập luyện, tôi thấy có nhiều cành hoa dại
rất đẹp mọc quanh quân trường. Tranh thủ khi sĩ quan huấn luyện
không để ý, tôi liền quơ ngay vào túi áo, để dành đó tối về ép trong
thư gởi người yêu tên Hoàng Ngọc Quyên. Thuở ấy, sợ bị phát hiện và
sợ bị phạt vô cùng, cho nên đầu bài hát mới có từ ‘hái trộm’ đó mà.
Tiếc là một số ca sĩ không thấu hiểu hết ý nghĩa nên hát sai lời, từ
‘hái trộm hoa rừng’ thành ‘hái cụm hoa rừng’ làm mất đi cái hay của
bài hát.”
Hơn 60
năm rồi, bản tình ca này vẫn còn được ưa chuộng. Không gì bằng để
hồn lắng đọng nghe đôi trai gái tình tứ bên nhau hát những lời êm ái
du dương của vị nhạc sĩ hiền từ này:
Hái trộm hoa rừng về trao một người ngày
xưa anh đã hứa
Màu hoa kỷ niệm tuy đã tàn
úa, tâm tư vẫn dạt dào
Năm xưa lối này vẫn
thường dìu em đi
Tàn cây năm trước anh khắc
tên em
Còn xanh lá cành, ghi dấu kỷ niệm
những ngày còn bên nhau
Ghế lạnh đá buồn, để em đợi chờ chiều xa
xưa năm ấy
Vì anh lỗi hẹn cho em hờn dỗi,
cho mi em nhạt nhòa
Anh ra đi rồi mới nhận
được tin nhau
Hằng trăm thư viết anh gởi
cho em
Đời trai chiến trận, em biết lỗi hẹn
có phải tại anh đâu
Tiền đồn heo hút
Tinh tú quây quần nghe anh kể chuyện đời lính
Khi nao lỗi hẹn, em anh dỗi hờn làm lòng anh thêm xao xuyến
Ngày đi anh chẳng được gặp em
Nhưng hứa sẽ tìm về tặng em đóa hoa yêu
Đã
bao lâu rồi cành hoa úa tàn mà ước mơ chưa tàn
Biết chuyện chúng mình,
Tình không nhạt nhòa mà xui cho ngăn cách
Chiều nay trở lại, trong tay mình nói: ta yêu nhau trọn đời
Anh đi em chờ, gối mộng dệt đêm thâu
Cành xưa anh viết anh khắc tên em
Chiều nay
kết nhụy cho thắm men tình những người còn đi xa.
Năm 1971, bài Thề Không Phản Bội Quê Hương
của ông trở thành một trong mười ca khúc được nhiều nơi trình diễn.
Sau 1975, các trung tâm âm nhạc, hội đoàn hải ngoại hát lại với tâm
tình hết sức xúc động.
Một cánh tay đưa lên
Hằng ngàn cánh tay đưa lên
Hằng vạn cánh
tay đưa lên
Quyết đấu tranh cho một nền hòa
bình công chính
Đập phá tan mưu toan, đầu
hàng cái quân xâm lăng
Hòa bình phải trong
vinh quang
Đền công lao bao máu xương hùng
anh
Nào đứng lên
bên nhau
Nào cùng sát vai bên nhau
Thề nguyền với vung tay cao
Quyết đấu tranh
đến khi nào đạt thành mong ước
Vận nước trong tay ta
Là quyền của quân dân ta
Tình đoàn kết quê
hương ta
Chận âm mưu chia cắt thêm sơn hà
Quyết chiến! Thề quyết chiến! Quyết chiến!
Quyết không hề phản bội quê hương.
Nhờ tránh ra ngoài và ít người biết mặt,
nên sau 1975 ông may mắn chưa bị “điểm danh”. Nhưng rồi cũng bị phát
hiện là tác giả bài hát của Cục Chính Huấn này cùng nhiều ca khúc
nhạc vàng nổi tiếng khác.
Năm 1978, trong đợt “học tập tinh thần
cách mạng” dành cho học sinh trường Nguyễn An Ninh, một cán bộ nhấn
mạnh về sự len lỏi của trí thức phản động, còn cất giữ tư duy tàn dư
chế độ cũ, quý danh ông được kể ra: “chẳng hạn như cái tên Trương
Hoàng Xuân vẫn im lặng luồn sâu đứng cầm phấn dạy học là điều không
thể chấp nhận được.” Nhạc sĩ lòng buồn rười rượi khi nhận giấy buộc
thôi việc. Cỡi xe đạp lang thang quanh Sài Gòn cho đỡ buồn, gặp
người bạn biết ông đang khốn đốn vì phải nuôi vợ và 6 con thơ, người
bạn giúp ông vào làm chung, huấn luyện đội văn nghệ bưu điện cho đến
năm 2000 thì nghỉ hưu.
Trước 1975, Ông sáng tác chừng 20 ca khúc.
Nhiều bài nổi tiếng như Hái Hoa Rừng Cho Em, Xé Thư Tình, Những Ngày
Hoa Mộng... Do bất hòa với phu nhân nên hai người không còn sống
chung đã hơn 15 năm. Ông cũng ngừng sáng tác vì hết nguồn cảm hứng.
Hơn 80 tuổi, đêm ngày âm thầm côi cút trong con hẻm vùng Phú Nhuận.
6. THƠ TTKh
Theo wiki, tháng 9/1937, tuần báo Tiểu
thuyết Thứ Bảy đăng truyện ngắn “Hoa Ti gôn” của nhà văn Thanh Châu.
Hai tháng sau, tòa soạn nhận được phong bì dán kín do thiếu nữ trạc
20 tuổi, vóc dáng bé nhỏ, thùy mị, nét u buồn mang đến gởi cho chủ
bút. Trong đó có bài thơ “Hai Sắc Hoa Ti gôn”, dưới ký tên TTKh:
Một mùa thu trước, mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn
Nhuộm ánh
nắng tà qua mái tóc
Tôi chờ người đến với
yêu đương
Người
ấy thường hay vuốt tóc tôi
Thở dài trong
lúc thấy tôi vui
Bảo rằng: “hoa dáng như
tim vỡ
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi!”...
Hai tháng sau, TTKh gởi thêm “Bài Thơ Thứ
Nhất”:
Thuở trước
lòng tôi phơi phới quá
Hồn thơ nguyên vẹn
một làn hương
Nhưng nhà nghệ sĩ từ đâu lại
Trao đến cho tôi một vết thương
Tai ác ngờ đâu gió lạ qua
Làm kinh giấc mộng những ngày hoa
Thổi tan
âm điệu du dương trước
Và tiễn người đi bến
cát xa...
Tháng
10/1938, TTKh gởi “Bài Thơ Cuối Cùng”:
Năm lại năm qua cứ muốn yên
Mà phương ngoài gió chẳng làm quên
Và Người
vỡ lỡ duyên thầm kín
Lại chính là anh, anh
của em
Tôi biết
làm sao được hỡi trời
Giận anh bao nỡ nhớ
không thôi
Mưa buồn mưa hắt trong lòng ướt
Sợ quá đi anh, có một người...
Riêng bài “Đan Áo Cho Chồng” đăng trên
Thời Đàm năm 1938:
Tháng ngày miễn cưỡng em đan
Kéo dài một chiếc áo len cho chồng
Như con
chim nhốt trong lồng
Tháng ngày mong đợi
ánh hồng năm nao
Ngoài trời mưa gió xôn xao,
Ai đem khóa
chết chim vào lồng nghiêm
Ai đem lễ giáo
giam em
Sống hờ trọn kiếp trong duyên trái
đời...
Chỉ 4 bài
thơ rồi bặt vô âm tín, TTKh im hơi lặng tiếng, không còn đăng thơ
nữa. Sự vắng bóng kỳ lạ đó khiến nhiều người cất công kiếm tìm.
Thỉnh thoảng có người tung tin về tên tuổi “Người Thơ”. Nhưng cuối
cùng vẫn bán tín bán nghi, chưa người nào khẳng định được TTKh là
ai.
* “Đi Tìm Tác
giả Bí ẩn TTKh” (Trần Đình Thu, thanhnien.vn, 25/10/2005): từ những
nguồn thông tin khác nhau, nhà báo Trần Đình Thu nêu ra nhiều cái
tên được cho là TTKh: Thi sĩ Nguyễn Bính, Thi sĩ Thâm Tâm, Trần Thị
Khánh (em họ nhà thơ Tế Hanh), Nhà Thơ J.Leiba, Thi sĩ Thẩm Thệ Hà
(Tạ Thành Kỉnh). Danh sách này có 3 tên ký tự TTKh: Thâm Tâm Khánh,
Trần Thị Khánh, Tạ Thành Kỉnh).
* “Tác giả bài thơ Hai Sắc Hoa Ti gôn là
người Phủ Lý?” (Ngọc Trang – Diệu Bình, Hà Nam online 4/6/2017):
TTKh là Phạm Thị Lý, sinh năm 1922, học nữ Đồng Khánh Hà Nội. Bà
Viên Thị Thuận, từng cùng đi với Bà Lý tới tòa báo.
Năm 1994 bỗng rộ lên cái tin tưởng chừng
kết thúc được nghi án văn học này. Có người cho rằng Trần Thị Vân
Chung (Nhà Thơ Vân Nương), bạn học với Ông Thanh Châu, chính là TTKh
chứ không còn ai khác. Nhưng Bà Vân Chung đã cực lực bác bỏ tin đồn
này (Thanh Niên 4/12/1994): “Đạo lý và lương tâm đã không cho phép
tôi nhận ẩu, vì, mạo danh một nữ sĩ nổi tiếng, cũng như đạo văn, là
tội xấu xa nhất trong văn giới. Cho nên một lần nữa, tôi phủ nhận
tôi là TTKh!”
Suốt hơn 80 năm dài đằng đẵng, có lắm người tự nhận TTKh, một số từ
chối vinh hạnh ấy, vài người được gán ghép là TTKh. Cuối cùng, nhiều
bậc thức giả đành thốt lên lời an ủi: thôi thà không tìm ra TTKh, ít
ra Nhà Thơ này cũng để lại trong văn học sử nước nhà một hình ảnh
đẹp đẽ biết dường nào. Thay vì đâu đó vẫn còn nhiều người không hề
làm thơ, hay ưa khoe khoang, vỗ ngực xưng danh mình là thi sĩ, có kẻ
cậy nhờ hay thuê mướn người khác làm thơ rồi tự đứng tên là tác giả,
để nở mặt nở mày cùng thiên hạ. Phải chăng họ học đòi cho bằng được
cái khẩu khí của Cụ Nguyễn Công Trứ thuở nào:
Đã mang tiếng đứng trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông
Để kết thúc bài này, xin đọc thêm 3 câu
chuyện dưới đây:
a) Nhà Thơ Hàn Tự Phong: một bữa nọ, Vị Thống Đốc sắp mãn nhiệm tới
thăm cộng đồng Việt Nam, để vận động cho việc tái tranh cử. Trong
hội trường đủ mặt bá quan văn võ. Riêng một ông trung niên ăn mặc
nổi bật hơn cả, veston, cravat, giày da bóng láng, xách cặp
samsonite, miệng ngậm ống hút xì gà. Quan khách hầu hết giữ vẻ trang
nghiêm tĩnh lặng. Riêng ông có dáng dấp sang trọng này, miệng cười
toe toét, hết đi tới rồi đi lui, chụp hình lia lịa. Ông vồn vã lại
gần bắt tay viên Thống Đốc và những nhân vật trong phái đoàn. Đoạn
mở khóa cặp da lấy ra xấp business cards mang tên Nhà Thơ Hàn Tự
Phong, trao cho từng người tham dự. Trước khi ra về, ông không quên
để một ít trên bàn tiếp tân.
Cả cộng đồng ai cũng ngẩn ngơ. Hỏi nhau
Hàn Tự Phong là ai? Gần như tất cả mỉm cười lắc đầu. May có bác cao
niên cho biết từng gặp ông này chuyên đi bỏ mối rau quả tại các chợ.
Mọi người chưa ai từng có dịp đọc thơ của ông.
b) Vợ chồng chủ nhà hàng xuất bản sách:
một nhà hàng khá đông khách. Đặc biệt là nơi gặp gỡ của nhiều người
cầm bút. Ngày nào cũng nghe tiếng “chào nhà văn, chào thi sĩ, hello
nhạc sĩ...”. Riết rồi quen tai. Một ngày cuối tuần, vợ chồng chủ
nhân đi dự đám cưới con gái người bạn. Hằng chục quan khách ăn diện
chỉnh tề ra vẻ quý phái học thức. Trong đó tới mười vị được xếp ngồi
bàn đầu, toàn là giới văn nghệ. Còn vợ chồng chủ nhà hàng chỉ an tọa
ở bàn nhì, chung với nhiều thành phần khác tương đối ít tiếng tăm
hơn. Cho nên không khí chuyện trò chẳng rôm rả bằng.
Ra về tới nhà, cả hai ông bà thấy mình còn
thua sút nhiều người. Họ bàn cách thay đổi thế đứng trong xã hội cho
đời lên hương, ra đường được xưng tụng cao sang hơn.
Ông chồng mới tính chuyện xuất bản tác
phẩm đầu tay mang tên cả hai vợ chồng. Thế rồi vừa coi sóc thương
vụ, vừa sáng tác thơ văn. Chả mấy chốc họ gom đủ bài cho tập sách
300 trang, bao gồm thơ văn truyện ký.
Ngày phát hành tổ chức trong hội trường
lớn mấy trăm chỗ. Một số văn thi hữu phát biểu trịnh trọng ca ngợi
tài năng thiên phú của tác giả. Hai ông bà hết sức hài lòng hả dạ.
Trong khi đó, cả mấy trăm người đứng sắp
hàng nhận sách và xin chữ ký của chủ nhân. Hai ông bà bận rộn quá,
cúi chào không kịp. Người ngoài thầm nghĩ sách chắc hay nên đông đảo
chen chúc muốn mua về đọc. Họ đâu biết ông bà xuất tiền trước cho
nhiều người quen thân hoặc xóm giềng để lấy sách, quan khách bạn bè
thấy thế chắc phải nể phục tác phẩm mình thuộc hạng best seller.
Cuối buổi ra mắt, 500 cuốn hết sạch, nhưng
chỉ thu được $600 từ người mua. Còn 480 cuốn nhờ đám thân thuộc mang
về cất kho. Thời gian sau không thấy ai đặt mua, ông bà đem hiến
tặng các thư viện, một số làm quà thưởng cho các học sinh đạt thành
quả xuất sắc.
Tiền in ấn, quảng cáo và ra mắt sách tiêu tốn hơn hai chục ngàn chỉ
để được mang danh hiệu nhà văn!
c) Chôm Tập Thơ của người khác: Ở trong
tù, rất nhiều người làm thơ. Cụ Trần Văn Hương có “Lao Trung Lãnh
Vận”, với bài Ngồi Rù được nhiều người truyền tụng:
Suốt ngày ăn ngủ, ngủ rồi ăn
Chẳng thấy chuyện gì chuyện khó khăn
Nằm
khểnh sờ môi, râu tủa tủa,
Ngồi rù gãi
háng, dái lăn tăn
Làm sang phe phẩy tay còn
quạt,
Đi tắm trần truồng mổng thiếu chăn
Ăn, ngủ, ỉa xong đầy đủ cả
Muốn chi chi
nữa, biết mần răng.
Năm 1979, vừa ra tù, Thi sĩ Nguyễn Chí
Thiện đã liều mạng chạy vào Tòa Đại Sứ Anh ở Hà Nội để nhờ gởi gắm
Thi Phẩm “Hoa Địa Ngục” ra nước ngoài. Ông liền bị bắt và chịu thêm
nhiều năm tù đày khắc nghiệt.
Chúng ta hãnh diện tinh thần yêu nước của
hai nhà trí thức lớn.
Ngược lại, “cộng sản Việt Nam dùng bất cứ
phương tiện nào dù xấu xa, vô nhân, vô đạo, vô luân nhất để đạt đến
mục tiêu, họ ngang nhiên mạo nhận một cách trơ trẽn tác phẩm của
người khác là do Hồ sáng tác.”
Giáo Sư Lê Hữu Mục chứng minh hùng hồn
khúc chiết Nhật Ký Trong Tù là của một đảng viên Trung Hoa Quốc Dân
Đảng, chứ không phải do Hồ sáng tác. Đám văn nô cộng sản đành ngậm
miệng chịu thua, không thể nào biện bạch được cho sự gian manh của
lãnh tụ.
Cuối
cùng, Tiến sĩ Lê Hữu Mục đã giúp đánh đổ thần thoại Hồ chí Minh, chỉ
là kẻ ăn cắp thơ người khác. Nhờ vậy mà UNESCO mau chóng hủy bỏ vụ
tôn vinh Hồ là nhà văn hóa lớn quốc tế. Vì Hồ không biết làm thơ,
cũng chẳng phải là nhà văn hóa gì cả.
Phạm Văn Duyệt
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by Phạm Văn Duyệt chuyển
Đăng ngày Thứ Bảy Phục Sinh,
April 15,
2023
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang