Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Truyện
ngắn
Chủ đề:
cuộc đổi đời tàn khốc
Tác giả:
Phạm Tín An Ninh
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Lời thưa của tác giả: Tác giả thành thật xin tạ lỗi, nếu bài viết có chạm đến vết thương của một số người, mà thời gian hơn 35 năm chưa hẳn đã lành được. Viết truyện này, tác giả chỉ muốn nói lên một góc khuất trong giai đoạn lịch sử bi thương nhất của dân tộc, với lòng thương cảm và tội nghiệp cho những người đàn bà sau cuộc đổi đời nghiệt ngã, và trân trọng ngợi ca lòng vị tha, bao dung của những người chồng bất hạnh, mà Hồ Ngọc, nhân vật trong truyện, là một điễn hình. –ptan
*****
Tôi đến thăm Cali vào những ngày mưa, mưa tầm tã. Đài phát
thanh Little Saigon, trong chương trình dự báo thời tiết, cho
biết cả tiểu bang Cali đang bị ảnh hưởng
[bởi] một cơn bão nhiệt
đới. Nằm nhà người bạn cùng đơn vị xưa ở thành phố Garden Grove,
trong khu Little Saigon, cả ngày hai thằng thi nhau kể chuyện
chiến trường, chuyện bạn bè, tù tội, làm cho những cơn mưa như
càng dài ra thêm. Anh bạn rủ tôi ra Hội Trường Nhật Báo Viễn Đông
tham dự buổi ra mắt sách của một nhà văn nữ. Anh tỏ ra am tường
về mọi thứ chuyện, bảo ở hải ngoại thời buổi này văn chương chữ
nghĩa rẻ như bèo, mà nhà văn nhà thơ thì cứ mọc lên như nấm. Đúng
là người Việt nam nào cũng có đầy thơ văn trong bụng. Nhưng nhà
văn hôm nay là người quen, một cô bạn học cũ, sau này anh bất ngờ
gặp lại khi cô đang làm phóng viên chiến trường, nên tới để cho
cô ấy vui. Chúng tôi đến trễ, may mà còn mấy chiếc ghế trống phía
sau để không phải đứng. Trên sân khấu, một diễn giả, dường như
cũng là một nhà văn lão thành có tiếng tăm, đang giới thiệu tác
giả và tác phẩm. Lại thêm một tác phẩm nữa về chiến tranh! Cuộc
chiến chấm dứt đã hơn 30 năm, nhưng bao nhiêu nỗi oan khiên dường
như vẫn còn nguyên trong lòng người tha phương, như những vết
thương không bao giờ lành được.
Người MC rất khéo léo, khi muốn tạo một
không khí gây nhiều cảm xúc trước khi nhân vật chính, nhà văn nữ,
lên trình diện và tâm tình vài lời cùng cử tọa, nên chương trình
được nối tiếp bằng tiết mục ngâm thơ. Bài thơ Ta Về của nhà thơ
Tô Thùy Yên được diễn ngâm bằng giọng rất truyền cảm của nữ sĩ
Bích Loan. Cá nhân tôi cũng rất thích bài thơ Ta Về này. Bài thơ
hay mà tác giả lại là người bạn cùng tù mà tôi rất quý, nên lắng
tai chú ý nghe. Cả hội trường im lặng khi tiếng sáo cất lên cao
vút. Anh MC vừa giới thiệu đó là tiếng sáo của Hồ Ngọc, tiếng sáo
điêu luyện, nổi tiếng của miền Nam Cali. Lời giới thiệu này quả
không cường điệu chút nào. Tiếng sáo trầm bổng, réo rắt, thiết
tha, như vừa du hồn tôi vào một cõi hư vô nào đó. Rõ ràng tiếng
sáo đã làm cho bài thơ gây cảm xúc tột cùng trong lòng người
nghe, mà hầu hết đều từng mang tâm trạng của những kẻ “ta về”.
Tôi đứng lên, nhìn về hướng sân khấu. Hồ Ngọc, người cao lớn, đầu
cúi xuống, các ngón tay như đang múa trên cây sáo nhỏ, tôi chỉ
nhìn thấy mái tóc hoa râm bồng bềnh.
Tôi thích thổi sáo từ nhỏ, khi mê tiếng
sáo Nguyễn Đình Nghĩa trong chương trình Tao Đàn của Tô Kiều Ngân
trên đài phát thanh Sài Gòn, vào những đêm khuya thuở trước. Sau
tháng 4/1975, qua bao nhiêu vật đổi sao dời, dường như đây là lần
đầu tiên tôi được nghe lại một tiếng sáo hay và buồn như thế.
Tiết mục ngâm thơ chấm dứt, tiếng vỗ tay như muốn vỡ cả hội
trường. Tôi cúi mình đi vòng về phía sau sân khấu, tò mò nôn nóng
muốn biết Hồ Ngọc và cũng muốn được bắt tay ca ngợi anh một
tiếng. Vừa đúng lúc Hồ Ngọc đang cầm chai nước lọc đưa lên miệng,
thì cả hai chúng tôi đều nhận ra nhau. Anh chưa kịp uống một hớp
nước, kêu tên tôi và ôm chầm lấy tôi.
Hồ Ngọc, là nghệ danh của Hồ Ngọc Phú
Hội, người bạn thân của tôi từ thời thơ ấu. Hai thằng ở cùng
làng. Nhà ông bà nội tôi cách nhà Hội chỉ một vạc ruộng, con
mương và đặc biệt là những hàng tre cao, mà buổi tối những đàn cò
trắng thường kéo nhau về ngủ ở đây, gây chút rộn rã cho một vùng
không gian tĩnh mịch và tạo những nét chấm phá trên nền xám đen
của khung trời sắp tối như một bức tranh thủy mặc. Vào mùa đông,
những buổi chiều gió mưa tầm tã, tôi thường đứng bên cửa sổ nhà
ông bà nội, nhìn ra hàng tre với những cái đọt cao vút theo gió
chao qua đảo lại mà thấy tội nghiệp và lo lắng cho những chú cò
trên ấy.
Cha
tôi và cha của Hội là hai người bạn cùng trường thời Pháp thuộc.
Sau này cả hai ông đều làm thầy giáo. Cha tôi bị Việt Minh bắt
đưa ra Liên Khu 5. Hai năm sau ông được thả về với cơn bệnh sốt
sét, đành phải nghỉ dạy, nên gởi tôi theo học với cha của Hội, mà
trong làng và cả bọn học trò chúng tôi thường gọi ông là thầy
giáo Tám. Ông là một vị thầy nổi tiếng dạy giỏi, nhưng rất nghiêm
khắc. Đám học trò nhỏ của Thầy sau này vào đại học khá nhiều, và
một số rất thành công trong nhiều sự nghiệp. Trong lớp hình như
đứa nào cũng từng bị đánh đòn hoặc bị phạt ở lại quét sân trường,
trồng cây vào những ngày thứ bảy chủ nhật, ngoại trừ tôi. Có lần
làm sai mấy bài toán tôi suýt bị tát tai, nhưng rồi Thầy kịp dừng
tay lại. Có lẽ Thầy ngại làm buồn lòng cha tôi, hơn nữa lúc ấy
tôi mồ côi mẹ, nên ông cũng động lòng thương. Đứa học trò bị đòn
nhiều nhất lại chính là Hội, đứa con trai lớn của Thầy, mặc dù
Hội học khá giỏi, nhất là môn toán. Thầy đánh con mình để làm
gương. Lúc ấy, tôi nghĩ thầm như thế và thấy rất thương Hội và
tội nghiệp cho Hội. Ngược lại với Thầy, mẹ của Hội lại là một
người đàn bà phúc hậu, hiền lành, và rất cưng chiều con.
Những ngày nghỉ, tôi thường đến nhà Hội
chơi, nhưng không dám bước vào ngôi nhà trên vì sợ gặp Thầy. Bọn
tôi thường chơi phía sau vườn, mẹ Hội làm vài thứ bánh mang ra
cho hai đứa chúng tôi ăn. Có lần hai thằng rủ nhau đi tìm những
tổ sáo, mang về nuôi hai con sáo con, giấu nó phía sau hè. Mẹ Hội
giúp tìm thức ăn và chăm sóc hai chú sáo. Hội tập cho những con
sáo con biết bay và biết nói. Khi hai con sáo lớn lên, nó bay
theo chúng tôi, đậu trên vai, theo bọn tôi tới trường, hót líu
lo, và bập bẹ vài tiếng: chào anh! chào chị! Cả đám học trò bu
quanh, thèm thuồng. Có thằng còn theo năn nỉ, cho quà chúng tôi
chỉ để được sờ hay ôm con sáo. Hội còn dạy cho tôi làm bẫy phía
sau bờ mương, bên hàng tre, để bắt được mấy con cuốc khi tìm theo
tiếng “gọi hè” của nó. Một lần, mang con cuốc về nhà nội, bất ngờ
gặp cha tôi. Ông bảo con cuốc còn được gọi là Đỗ Quyên hay Từ
Quy, theo tích xưa là hóa thân của Vua Thục Đế bên Tàu, mất nước
nên đã khóc đến chảy máu mắt, chết đi hóa thành con cuốc kêu lên
những tiếng khắc khoải não nùng. Nghe cha tôi kể lại chuyện xưa,
Hội cảm động quá, bảo tôi đem con cuốc thả lại chỗ cũ, và từ đó
không bao giờ chúng tôi bẫy những con cuốc nữa. Từ nhỏ, tôi đã
phục Hội có tính nhân từ và nhiều tài, dạy cho tôi nhiều chuyện
hay, mặc dù Hội nhỏ hơn tôi đến 2 tuổi.
Khi hết bậc tiểu học, tôi phải rời quê
vào Nha Trang, vì ở đây mới có trường trung học. Nhưng chỉ vài
năm sau, chúng tôi lại gặp nhau ở thành phố này. Hội ở trọ nhà
một người quen trên đường Âu Cơ, khu Xóm Mới. Thỉnh thoảng vào
những ngày cuối tuần, tôi đạp xe đến thăm. Có khi hai thằng rủ
nhau đi “cọp” xe lửa về thăm quê và lũ bạn nhỏ ngày xưa.
Lần đầu tiên tôi gặp Hội ở nhà trọ,
đúng vào lúc anh ta đang tập thổi sáo. Hội mang ra khoe tôi cây
sáo trúc rất đẹp, được giữ cẩn thận trong một cái hộp bao bằng
vải nhung đen. Cây sáo được ông thầy người Huế tặng cho Hội, “một
cậu học trò có năng khiếu, sẽ tạo cho chiếc sáo này có một linh
hồn”. Ông Thầy bảo như thế. Mặc dù lúc ấy, tiếng sáo của Hội chưa
có gì đặc sắc.
Sau khi xong trung học, tôi rời Nha
Trang vào Sài Gòn học thêm một vài năm, rồi xếp bút nghiên vào
lính. Ra trường, được bổ sung về một đơn vị tác chiến lưu động ở
Cao Nguyên. Năm tháng sống chết với đồng đội, núi rừng, nên chúng
tôi không có dịp gặp nhau. Sau này, trong một lần bị thương, xuất
viện được vài ngày phép trước khi ra đơn vị, tôi về thăm quê nội
và ghé lại thăm cha mẹ Hội. Lúc này thầy Tám không còn dạy học
nữa, mà ở nhà làm chủ, cho thuê các loại nông cơ: máy cày, máy
gặt. Thầy đón tiếp niềm nở, tôi không còn thấy sợ như ngày xưa.
Thầy cho biết là Hội cũng đã vào lính và đang phục vụ tận dưới
Vùng 4 đồng bằng sông nước. Cả năm cũng chỉ về phép một đôi lần
ngắn ngủi. Thấy mẹ Hội bồng một đứa bé gái chừng một, hai tuổi,
tôi lấy làm lạ, hỏi bà, và được biết đó là đứa con đầu lòng của
Hội. Khuôn mặt đứa bé trông giống ông nội như đúc. Không hiểu tại
sao lúc ấy tôi không hỏi gì về vợ của Hội, và tại sao bà nội lại
phải nuôi đứa cháu sơ sinh.
Rồi từ đó cho đến ngày 30/4/1975, tôi
cũng không gặp lại Hội. Cho mãi hơn 8 năm sau, khi tôi trở về từ
những trại tù, và chính quyền CS không cho tạm cư cùng với vợ con
ở thị trấn Ninh Hòa (quê vợ), bắt buộc phải về “quản chế” nơi
sinh quán, tôi mới gặp lại Hội. Hội bị tù ở trại A30 trong Nam,
và được thả về trước tôi 1 năm. Anh ở một mình trong căn nhà
tranh nhỏ, vốn là cái kho chứa vật dụng nông nghiệp hư hỏng lâu
năm của cha anh, nằm ngay trên vùng đất của ngôi trường mà ngày
xưa thầy Tám dạy học. Hội kiếm sống qua ngày bằng việc làm vườn
trồng rau và sửa chữa xe đạp cho khách qua đường. Chúng tôi lại
trở thành đôi bạn như ngày xưa. Có điều bây giờ gần như cả hai
thằng phải sống bên lề xã hội. Cứ vài ngày phải đi làm thủy lợi,
sửa chữa các con đường trong xã. Tối đến phải ra trình diện công
an trước khi đi ngủ.
Lúc này, cha tôi đã chết trong một trại
tù khác trong Nam, còn thầy Tám, cha của Hội, bị kết tội “phá
hoại công cụ sản xuất” khi ông không chịu giao nạp cho chính
quyền những chiếc máy nông cơ của ông, và phá tháo ra từng mảnh
nhỏ, chôn giấu rải rác khắp trong vườn, nên bị cưỡng bách làm
việc đo đạc cho một hợp tác xã nông nghiệp, mà tên chủ nhiệm lại
chính là một thằng học trò rất dốt của ông ngày xưa, học đâu chỉ
tới lớp nhì rồi nghỉ. Trước 1975, hắn ta là lính hải thuyền đào
ngũ, do tội ăn cắp chất nổ, không dám trở về đơn vị, trốn ngoài
một hòn đảo nhỏ, sống bằng nghề làm rẫy và đánh cá, rồi bị móc
nối theo giặc. Sau tháng 4/1975, nhờ tài nịnh hót, chỉ điểm mà từ
một tên du kích, hắn ta trở thành chủ nhiệm HTX
[hợp tác xã]
có tiếng hống hách và tàn ác nhất huyện. (Sau này lên đến chức
trưởng ban thương nghiệp huyện, bị tù vì tham nhũng và đã chết
sau vài năm được thả ra).
Một hôm, vợ chồng tôi đến thăm, bất ngờ
gặp vợ và hai đứa con trai rất dễ thương của Hội. Hội cho biết là
vợ con sống ở Nha Trang, chỉ lâu lâu ra thăm một lần. Vợ Hội là
một người đàn bà đẹp, có nét đài các, dù trải qua cảnh đời cơ
cực, nhưng nhan sắc không mấy tàn phai. Thấy vợ chồng con cái
đoàn tụ, hạnh phúc, tôi mừng cho Hội. Chúng tôi cùng làm thịt con
gà do vợ Hội mang về, hái rau thơm trồng sẵn sau vườn, ăn một bữa
cơm chung “thịnh soạn”. Chỉ hai hôm sau, vợ con Hội lại trở về
thành phố. Sau khi đưa vợ con lên xe đò, Hội theo chúng tôi về
nhà ông bà nội tôi, nơi tôi đang “tạm trú”. Thấy anh không vào
nhà ngay, mà đứng nhìn trời buồn bã, vợ tôi đùa:
– Mới đưa người đẹp đi mà lại nhớ rồi
hay sao đây?
Hội cười, nhưng nét buồn vẫn còn nguyên trên mặt. Buổi trưa hôm
ấy, 3 chúng tôi ngồi uống trà tâm tình dưới gốc cây xoài già, nơi
ngày xưa tôi và cô Út thường ngồi đọc truyện cho bà nội tôi nghe.
Khi vợ tôi hỏi vì sao mà vợ Hội không ở lại với anh nhiều hơn,
Hội buồn bã trả lời:
– Bà phải về trông con, vì bà còn một
đứa con gái nhỏ ở nhà. Nhưng nó không phải là con của tôi.
Bất ngờ nghe qua điều này, vợ chồng tôi
biết đây là một câu chuyện buồn. Thấy chúng tôi trầm ngâm im
lặng, Hội kể cho chúng tôi nghe về cuộc tình đẹp, nhưng trắc trở
trong hôn nhân và những biến cố đau buồn của vợ chồng anh.
Trước khi vào lính, nhờ trình độ Anh
văn khá và lý lịch tốt, Hội được nhận vào làm thông dịch viên cho
Cơ quan Mỹ phụ trách Chiến Dịch Phượng Hoàng tại một tỉnh Cao
Nguyên. Với công việc này, anh có nhiều dịp gặp gỡ ông Phó ty
Cảnh sát, và được ông nhờ anh, cứ 3 buổi tối trong tuần, đến nhà
dạy kèm cho cô con gái môn Anh văn và toán. Cô bé đang học lớp đệ
ngũ.
Hội cao
lớn, đẹp trai, lại đàn hát hay, nhưng không phải vì thế mà chỉ
mới 2 tuần cô học trò nhỏ đã “ái mộ” ông thầy. Sau này cô bé cho
biết cô mê ông thầy chính vì tiếng sáo, “tiếng sáo ru hồn người
ta”, lời cô bé nói.
Cô bé rất xinh, có cái tên hơi kiếm
hiệp “Hà Thị Triệu Minh”. Có thể ngày xưa phụ thân cô thích đọc
chuyện chưởng và ái mộ nhân vật Triệu Minh? Dường như khi biết
yêu thì các cô con gái “trổ mã”, lớn nhanh hơn và đẹp ra nhiều
hơn. Chỉ một năm sau, khi lên lớp đệ tứ, Triệu Minh là hoa khôi
trong đám nữ sinh trong tỉnh.
Những ngày nghỉ học, cô học trò Triệu
Minh nói dối mẹ, đi học nhóm, làm báo tường, tập hát với các bạn
cùng lớp, nhưng thực ra là hẹn hò và dung dăng dung dẻ với ông
gia sư trẻ. Trong thành phố này, góc núi, bờ sông, khu vườn, khe
đá nào thơ mộng đều có in dấu chân, nghe lời tình tự, chứng kiến
lời thề non hẹn biển của hai người. Và tất nhiên ở những nơi ấy
cũng còn cả dư âm “tiếng sáo ru hồn người ta” nữa.
Khi cuộc tình của hai người đến thời kỳ
say đắm nhất, cũng là lúc ông Phó Ty được các thám tử báo cáo
tình hình. Có đứa con gái cưng xinh nhất tỉnh, không thể nào ông
chịu để làm người tình với một chàng lãng tử, mà lương thông dịch
chỉ ba cọc ba đồng. Ông bèn nhốt cô con gái trong nhà, mỗi lần đi
học đều có người hộ tống. Ông xách súng đi tìm Hội, và bắn tiếng
là sẽ không để yên, nếu Hội không chấm dứt với Triệu Minh và rời
khỏi Cao Nguyên.
Triệu Minh biết rõ tính khí của cha
mình, nên nhờ một cô bạn thân tìm Hội, trao cho anh mảnh giấy,
bảo Hội phải ra đi ngay và hẹn thề sẽ tìm gặp lại ở một nơi nào
đó sau này, không ai biết. Mọi liên lạc đều qua trung gian của cô
bạn học chí thân này. Nghe lời Triệu Minh, Hội xin chấm dứt ngay
hợp đồng làm việc, theo máy bay Mỹ rời khỏi Cao Nguyên và sau đó
xin vào trường Thủ Đức, mà trước đây Hội tạm thời được hoãn động
viên nhờ Cơ quan DAO can thiệp. Ra trường, Hội xin về phục vụ tại
Tiểu Khu An Xuyên, tỉnh cực nam của đất nước và xa cách muôn
trùng với Cao Nguyên. Trong suốt thời gian này, hai người vẫn
liên lạc nhau, qua cô bạn trung gian. Mỗi tuần Hội đều nhận được
một lá thư ướt đẫm nước mắt của Triệu Minh. Cuối cùng, Triệu Minh
giữ lời thệ ước, sau khi thi đỗ tú tài, vờ vào Sài Gòn xin vào
đại học, rồi trốn cha mẹ, xuống Cà Mau sống với Hội.
Sau khi sinh đứa con gái đầu lòng,
Triệu Minh viết thư thú tội với cha mẹ, bảo là mình đã chọn đúng
người chồng xứng đáng để yêu thương và sẽ cùng nhau tự lực xây
dựng hạnh phúc gia đình, không hề xin mẹ cha bất cứ điều gì ngoài
sự cảm thông và bao dung tha thứ.
Triệu Minh nghĩ là dù sao ván cũng đã
đóng thuyền, hơn nữa mình cũng đã sinh cho cha mẹ một đứa cháu
ngoại, chắc chắn ông bà sẽ động lòng thương và chấp nhận cuộc hôn
nhân. Nhưng cô đã lầm. Ông bà xuống tận nơi, xỉ vả Hội và Triệu
Minh một trận, bắt phải tìm người cho đứa bé sơ sinh và Triệu
Minh theo ông bà trở lại Cao Nguyên. Triệu Minh nhanh trí, cầu
cứu cô bạn thân đến nhận trách nhiệm bồng đứa con cho bà cô ruột
hiếm muộn ở Sài Gòn, nhưng kỳ thực là giao cho mẹ của Hội, từ quê
vào đóng vai cô của người bạn quý này. Đó là lý do vì sao cô con
gái đầu lòng của Hội sống ở nhà ông bà nội từ lúc sơ sinh, cho
mãi đến sau này. Con bé không muốn về với cha mẹ nữa.
Cuộc tình lại một lần nữa chia ly.
Triệu Minh bị bắt buộc lên xe về Cao Nguyên cùng cha mẹ. Một thời
gian sau, có lẽ vì đau buồn quá, Triệu Minh trải qua một cơn bệnh
thập tử nhất sinh. Gia đình phải đưa vào Sài Gòn điều trị, nhưng
bệnh tình ngày thêm trầm trọng, Triệu Minh ngày một tàn tạ hơn.
Cô đòi được gặp Hội một lần. Lời thỉnh cầu được ba cô chấp nhận,
như là ân huệ cuối cùng cho một tử tội. Không ngờ sau khi gặp lại
Hội, Triệu Minh bỗng khỏe lại. Chẳng hiểu vì động lòng trước mãnh
lực của tình yêu hay là lo lắng sự sống còn của cô con gái, ông
Phó Ty hứa sẽ cho làm đám cưới sau khi Triệu Minh bình phục. “Câu
chuyện thật của tôi mà nghe sao giống như những chuyện tình buồn
trong tiểu thuyết!” Lời Hội nói.
Lần này, ông bà giữ lời hứa. Nhưng
người từ chối lại là ông thầy Tám, cha của Hội. Ông vừa tự ái vừa
phẫn nộ cung cách hành xử của cha mẹ Triệu Minh. Cuối cùng, vì
thương con trai mình, và lòng thủy chung của Triệu Minh, ông chấp
nhận cuộc hôn nhân, nhưng cả hai ông bà đều không có mặt trong
ngày đám cưới. Đại diện họ nhà trai hôm ấy lại chính là cha mẹ
của cô bạn quý của Triệu Minh.
Sau đám cưới, cha của Triệu Minh dự
định nhờ vào sự quen biết, xin kéo Hội về ngành Cảnh Sát và làm
việc với ông. Lúc này ông không còn làm Phó ty mà đã nhận một
nhiệm vụ khác và chuyển xuống làm việc ở thành phố Nha Trang.
Nhưng Hội nhất quyết khước từ. Hơn nữa, nhờ có trình độ Anh văn
và một số kinh nghiệm trong thời gian làm việc trong Chiến Dịch
Phượng Hoàng, Hội vừa được chọn theo học một khóa tình báo ở Cây
Mai. Sau khi mãn khóa được điều về một cơ quan tình báo ở Quân
Đoàn 4, làm việc tại tỉnh lỵ Cần Thơ. Trong một căn nhà nhỏ thuê
bên bờ sông thơ mộng, vợ chồng Hội thực sự sống những ngày hạnh
phúc. Hai đứa con trai khôi ngô lần lượt ra đời ở đó.
Cuối năm 1974, cha của Triệu Minh lại
được chuyển ra Vùng 1 nhận một chức vụ mới. Ông đi trước một
mình, để gia đình vẫn ở lại Nha Trang, ông sẽ thu xếp đi sau.
Nhưng chỉ hơn 3 tháng sau, ngày 10 tháng 3/1975, Ban Mê Thuột mất
vào tay giặc, các tỉnh Kontum, Pleiku, có lệnh di tản, tái phối
trí chiến thuật. Rồi tướng Ngô Quang Trưởng đau đớn nhận lệnh bỏ
cả Vùng 1 trong tức tưởi. Cha của Triệu Minh liên lạc vợ con cho
biết ông đang tìm phương tiện di tản, bảo cả nhà chờ ông. Nhưng
rồi họ không bao giờ còn gặp lại ông nữa. Ông được ghi nhận đã
mất tích. Sau ngày mất nước, Hội đưa vợ và hai con từ Cần Thơ về
Nha Trang, tạm sống chung với gia đình vợ. Hội vào tù khi cả nhà
được tin cha Triệu Minh đã chết ở bờ biển Thuận An, do mấy anh
cảnh sát cộng sự với ông cho biết, nhưng không ai biết xác thân
ông bị vùi lấp ở đâu cùng với mấy ngàn người bất hạnh khác.
Khi tổ chức vươt biển cùng mấy người
bạn tù, tôi có báo cho Hội biết và vì chiếc ghe quá nhỏ nên Hội
chỉ có thể đi một mình, hay nhiều lắm là với một đứa con. Sau
nhiều ngày suy nghĩ, cuối cùng Hội đã từ chối. Anh bảo là dù sao,
anh cũng không thể bỏ vợ con ở lại được.
Sau gần 1 năm ở các trại tị nạn
Singapore rồi Bataan/Phi Luật Tân, gia đình tôi được sang định cư
ở Na–Uy. Khoảng 2 năm sau, tôi bất ngờ nhận lá thư từ đảo
Palawan, phía sau trên bì thư, ghi tên người gởi là Hà Thị Triệu
Minh. Cái tên dễ nhớ. Nội dung chỉ báo là mẹ con đã vượt biển và
đến được Palawan, đang chờ thanh lọc, cần sự giúp đỡ của chúng
tôi trong thời gian mẹ con phải sống ở đảo. Biết chính xác đây là
vợ con Hội, tôi băn khoăn không biết vì sao Hội lại không viết
thư cho tôi mà lại là vợ. Hay là vì một bất hạnh nào đó mà Hội
không đến được đất liền. Trong thư không hề nghe nói tới Hội.
Tôi liền ra ngân hàng gởi 300 đô la và
viết lá thư ngắn, mừng mẹ con Triệu Minh đến đảo và hỏi có Hội
cùng đi không, tại sao không thấy nhắc đến trong thư? Hơn một
tháng sau tôi nhận thư hồi âm. Trong gần hai trang giấy, Triệu
Minh kể không biết bao nhiêu tội của Hội. Nào là ngoại tình với
vợ của người ta, trở lại với cô bồ cũ, lấy tiền bạc từ mồ hôi
nước mắt của vợ con để bài bạc, nhậu nhẹt say sưa cả ngày, không
hề có trách nhiệm gì với mấy đứa con nên ở lại không chịu cùng
đi!
Tôi khá
ngạc nhiên, vì biết tính nết Hội từ thời ấu thơ cho đến hết trung
học, và gần gũi Hội cả 1 năm sau khi hai đứa ở tù về. Cho dù nếu
có buồn phiền hay bất mãn cuộc đời đến đâu, Hội sẽ không làm như
thế. Từ nhỏ, Hội là một người được sự giáo dục của cha, một vị
thầy giáo nghiêm khắc. Sau này, dù trong hoàn cảnh nào, Hội vẫn
luôn trọng danh dự và giữ tư cách của mình. Tôi liên lạc với đám
bạn thân còn ở Việt Nam. Tất cả đều nói về Hội với những điều
ngược lại. Họ còn bảo “nếu có một người không bao giờ đi tu mà
thành Phật, thì đó chính là thằng Hội”. Tôi gởi thêm cho Triệu
Minh một số tiền nữa, vì nghĩ tới hai đứa con của Hội, nhưng
không nhận được hồi âm. Sau này tôi được tin Hội đã sang Mỹ theo
diện HO–10, nhưng không ai biết Hội ở đâu.
Mấy năm sau, vào một mùa hè, vợ chồng
tôi sang Florida dự đám cưới con trai của anh bạn chí thân, cùng
đơn vị lúc xưa và sau tháng 4/1975 lại là bạn cùng tù. Chị vợ của
anh là một trong hai cô con gái của ông bà chủ nhà ở một quận lỵ,
mà trước kia, lúc còn là hai thằng lính trẻ, chúng tôi đã đóng
quân trong vườn nhà. Chúng tôi thân thiết và thương mến nhau còn
hơn cả anh em, nên khi được anh chị báo tin làm đám cưới cho con,
nhân cơ hội này, muốn họp mặt bạn bè của hai người sau bao nhiêu
năm lưu lạc, vợ chồng tôi bay sang Florida ngay. Đích thân anh
chị đón chúng tôi ở phi trường. Anh em bao nhiêu năm gặp lại
nhau, chúng tôi ôm lấy nhau mà nước mắt trào ra lúc nào không
biết. Về nhà, khách khứa đã khá đông. Bên phía đàn ông, hầu hết
những người bạn cùng đơn vị cũ, còn cánh đàn bà, đa số là bạn học
của chị vợ. Đang giới thiệu, bắt tay hỏi chào vui vẻ, tôi nghe
chị vợ nói với mấy cô bạn:
– Bây giờ, bọn mày ở nhà chơi, tao ra
phi trường đón con nhỏ Triệu Minh.
Nghe hai tiếng Triệu Minh, tôi và bà xã
giật mình nhìn nhau. Cái tên vừa hiếm hoi dễ nhớ, vừa còn lại
trong ký ức chúng tôi, với đôi điều khó hiểu. Cả vợ chồng tôi tò
mò, nôn nao chờ đợi trong hơn 30 phút. Quả nhiên, người khách đàn
bà vừa bước vô nhà chính là Hà Thị Triệu Minh, tuy bây giờ ốm hơn
và nhan sắc có tàn phai. Để chắc chắn, tôi hỏi nhỏ chị bạn:
– Có phải Triệu Minh này trước có ông
già làm lớn bên Cảnh sát?
– Đúng rồi, dường như nó có chồng ở Nha
Trang với ông đó, nhưng thằng chồng nó bồ bịch lôi thôi quá nên
nó bỏ lâu rồi!
Nghe chị nói, tôi có chút bực mình,
nhưng chỉ cau mày, không nói. Chị dắt Triệu Minh đến. Cô không
nhận ra chúng tôi. Sau khi được chúng tôi giới thiệu về mình,
Triệu Minh nắm tay mừng rỡ, nhưng trong đôi mắt vẫn u buồn và có
điều gì đó không mấy tự nhiên.
Triệu Minh cám ơn chúng tôi đã gởi biếu
tiền cho mẹ con cô khi còn ở đảo Palawan. Cô cho biết mẹ con đang
định cư ở thành phố Salt Lake City, thuộc tiểu bang Utah, đứa con
đầu vừa mới vào đại học. Chúng tôi chúc mừng cô và hỏi tin tức về
Hội, cô khựng lại giây lát rồi cúi xuống, trả lời:
– Nghĩ tình cha của mấy đứa nhỏ, em bảo
lãnh anh ấy về ở với mẹ con em, nhưng cũng với cái tánh trai gái
rượu chè, chẳng lo lắng gì cho con, nên em tống ra khỏi nhà. Nghe
nói bây giờ đang ở đâu đó dưới Cali!
Tôi ngỏ ý xin địa chỉ hay là số điện
thoại của Hội, nhưng cô ta bảo đã không còn liên lạc từ lâu lắm.
Và đó cũng là lần cuối cùng chúng tôi gặp Triêu Minh.
*****
Hôm nay, gần 20 năm sau, tôi bất ngờ
gặp lại Hội. Không ngờ bây giờ tiếng sáo của Hội hay đến mê hồn
người như vậy. Buổi ra mắt sách chưa chấm dứt, Hội bảo tôi ra xe
để Hội đưa về nhà. Anh em xa cách bao nhiêu năm, giờ gặp lại sẽ
có biết bao nhiêu điều để nói. Tôi dắt tay Hội đến giới thiệu với
người bạn, và bảo Hội cho anh ta địa chỉ để nhờ anh đến đón tôi
trước 8 giờ tối, vì Hội cho biết phải đi làm ca đêm.
Hội ở trong một garage thuê của một
người quen ở thành phố Anaheim. Cái garage được sửa sang lại, đủ
để một cái giường nhỏ và một cái bàn. Tất cả phần còn lại, là một
phòng thu âm nhỏ, với một số máy móc. Hội bảo đây là nơi thu âm
tiếng sáo của Hội đệm cho những giọng ngâm, giọng ca của bạn bè
văn nghệ. Đặc biệt có nhiều ca sĩ nổi danh từng ra vô cái garage
chật hẹp, nghèo hèn này.
Thấy trên tường có tấm ảnh của một cô
gái phóng lớn, trông đẹp và quí phái. Mới nhìn, tôi tưởng 1 cô ca
sĩ nào đó, nên hỏi Hội. Anh cười không trả lời mà hỏi lại tôi:
– Bạn không còn nhớ là ai đó hay sao?
Thấy tôi chau mày suy nghĩ, Hội bảo:
– Là Triệu Minh đó, lúc còn con gái,
trước khi tụi này làm đám cưới!
Tôi à lên một tiếng rồi cười trêu Hội:
– Coi bộ vẫn còn yêu nàng hay sao mà
treo ảnh nàng trang trọng thế?
Hỏi câu ấy, tôi không ngờ vô tình chạm
tới vết thương trong lòng Hội. Anh tắt mất nụ cười, buồn bã:
– Sau khi mình vào tù hơn 1 năm thì
Triệu Minh có con với tên thiếu tá công an VC ở Nha Trang. Cha mẹ
mình biết rõ điều này. Mặc dù Minh cho biết là trong một chuyến
đi buôn cà phê, cô ta bị bắt và cả một bọn công an gài bẫy để
phải uống thuốc mê cho gã thiếu tá trưởng đồn cưỡng hiếp, vì hắn
ta quá mê mệt trước nhan sắc của nàng. Trước hoàn cảnh này, ba mẹ
mình dù rất đau lòng nhưng cũng đành phải im lặng, khóc thầm.
Những tưởng đến đó cũng đủ làm cho mọi người thấm thía tận cùng
đau đớn, nhưng rồi tên thiếu tá công an không từ bỏ dục vọng. Hắn
ta càng mê Triệu Minh hơn. Quyết định ly hôn với bà vợ quê mùa
còn ngoài Hà Nội, và chiếm đoạt Minh vĩnh viễn cho mình. Hắn ta
bỏ một số tiền lớn cho Triệu Minh mở sạp buôn khá lớn ở chợ Đầm.
Vừa dùng quyền lực gian manh, vừa tung tiền tham nhũng được, sau
một thời gian quỳ mọp dưới chân nàng, hắn ta gần đạt được mục
đích. Ba mẹ mình biết được điều này. Mẹ mình thì hiền lành chỉ
khóc, nhưng Ba mình thì đến thẳng nhà đòi bắt 2 thằng cháu nội và
dứt khoát từ Minh, không chấp nhận nàng là con dâu nữa. Riêng đứa
con gái lớn được cha mẹ mình nuôi từ lúc mới sinh, từ chối về với
mẹ mà xin được ở luôn với ông bà nội nó. Đúng thời điểm bi đát
ấy, thì mình được ra tù. Khi được ba mình kể lại mọi điều, lòng
mình đau đớn lắm, nhưng dù sao cũng còn mấy đứa con chung, và
nhất là trong lòng mình vẫn còn in đậm hình ảnh của Triệu Minh
trong những ngày nàng sống chết để được làm vợ mình. Mình xin cha
mẹ mình tha thứ cho nàng, nếu từ nay nàng dứt khoát rời bỏ tên
công an vô lại. Tranh luận thật nhiều, cuối cùng vì hai đứa cháu
nội, ông đồng ý cho mình gặp lại Triệu Minh, nhưng nàng không
được phép đến nhà ông. Chính vì vậy mà ông cho mình ra ở căn nhà
kho, mà ngày xưa vợ chồng bạn có đến thăm.
Tôi nôn nao, ngắt lời Hội:
– Rồi sau đó Minh có dứt khoát với hắn
ta không?
Hội
buồn bã trả lời:
– Minh nói là không hề yêu hắn ta, ban
đầu còn thù ghét hắn, nhưng dần dà từ tội nghiệp rồi đến thương
hại khi thấy hắn ta quá si mê mình. Hắn bảo sẵn sàng bỏ đảng, bỏ
ngành, bỏ mọi chức tước để chỉ được nàng. Hơn nữa dù sao hắn ta
với nàng cũng đã có một đứa con gái. Minh thường bảo cái trợt
chân ấy đã đưa cuộc đời nàng đi đến một ngã rẽ quá xa, khó mà
đứng lên lại được. Hắn còn đòi được gặp mình để xin mình ký giấy
ly dị, giao Minh cho hắn. Hắn bảo đảm sẽ lo cho Minh và cả mấy
đứa con của mình được sung sướng.
– Rồi bạn có gặp hắn ta?
– Không! Dù cái tì vết quá lớn, nhưng
mình không thể để mất Minh. Mình sẵn sàng bỏ qua hết mọi chuyện,
làm khai sinh cho đứa con gái riêng của Minh là con ruột của
mình, khuyên Minh nên trả tiền bạc tài sản lại cho hắn ta, và trả
hắn ta về cho vợ con của hắn, đang khốn khổ ở Hà Nội. Nhưng khi
Minh đến gặp hắn để nói lại điều này, hắn trở giọng hăm dọa, bảo
là sẽ cho đàn em bắt mình vào tù trở lại, hay sẽ tìm cách thủ
tiêu mình, làm Minh càng thêm lo sợ tai ương sẽ ụp xuống trên đầu
mình. Sau đó lòng mình luôn bất an, không tin là trong hoàn cảnh
khó khăn, Triệu Minh có thể dễ dàng trút bỏ mọi sợ hãi và cám dỗ
tiền bạc để về sống với mình, bây giờ chỉ còn hai bàn tay trắng,
nên mình đi chạy vạy vay mượn bà con bè bạn ít tiền, hùn hạp làm
đìa nuôi tôm để vợ chồng cùng làm ăn, sinh sống. Nhưng đúng vào
lúc đó, thì Minh và gia đình nàng xảy ra tai họa. Bà vợ Bắc kỳ
của tên thiếu tá công an từ ngoài Hà Nội vào, dẫn theo một đám xã
hội đen, chuyên đâm thuê chém mướn, đến tận sạp buôn của Minh đập
phá, đánh đập Minh tàn nhẫn, lột cả áo quần và cắt hết tóc. Đã
vậy còn lôi về nhà mẹ Minh hành hung, và bắt buộc trong vòng 1
tuần, tất cả mọi người phải biến khỏi thành phố này, đi đến một
nơi nào đó thật xa, không ai được biết, nếu không sẽ lãnh tai
họa. Triệu Minh bán gấp nhà cửa và tất cả đồ đạc, cùng cả nhà
chạy vào nhà bà dì ở Rạch Giá và tìm mối vượt biển sau đó. Hơn 1
tuần sau, mình dắt đứa con gái lớn vào thăm, ngôi nhà đã đổi chủ,
và chẳng biết mẹ con Minh và gia đình nàng đã đi đâu.
Tôi thắc mắc:
– Như vậy tại sao sau này Triệu Minh
lại đối xử tàn tệ và đi nói xấu về bạn?
– Ban đầu chính mình cũng không hiểu.
Dần dà mình nghĩ là Triệu Minh tìm mọi cách để làm mình phải xa
lánh mẹ con Minh. Có thể từ mặc cảm tội lỗi, nhưng muốn giữ thể
diện với bạn bè, và nhất là với các đứa con ngày càng khôn lớn,
nên nàng đã đổ hết bao nhiêu tội lỗi lên đầu mình. Khi nàng và
gia đình vượt biển đến được đảo Palawan, đúng vào thời kỳ Cao Ủy
Tị Nạn LHQ đóng cửa các trại, tất cả đều phải qua thanh lọc. Mẹ
con Minh và cả gia đình đều bị từ chối vì chẳng có giấy tờ gì
chứng minh là vợ con của sĩ quan VNCH, lúc ấy Minh mới viết lá
thư gởi về cầu cứu mình. Cha mẹ mình và tất cả bạn bè ai cũng can
ngăn, nhưng mình đã âm thầm làm bản sao Giấy Ra Trại và gởi gấp
cho nàng. Nhờ có tấm giấy này của mình mà cả nhà mới được đến Mỹ.
– Vậy tại sao khi bạn đi HO đến Mỹ, lại
không ở với mẹ con nàng. Chính cô ta bảo là đã tống bạn ra khỏi
nhà?
Hội cười
hiền lành, như chẳng có điều gì phiền muộn:
– Thực ra cô ấy không hề xô đuổi mình.
Lo lắng và chăm sóc mình, nhưng luôn tìm cách lẩn tránh mình. Xa
lạ đến lạnh lùng. Nhiều lần mình nghe tiếng nàng khóc. Và không
biết 3 đứa con, hai đứa của mình và một đứa con riêng của cô ta,
bị ảnh hưởng thế nào, nhìn mình như một người xa lạ. Trong nhà
không bao giờ nghe được tiếng cười. Mình có cảm giác như địa
ngục. Hơn 3 tháng, dù với tất cả nhẫn nhịn, chiều chuộng, cuối
cùng mình đành phải bất lực ra đi, với hy vọng trả lại niềm vui
và không khí gia đình cho mấy mẹ con nàng. Trong 3 tháng ấy, chỉ
có cậu em của cô ta thường gần gũi tâm sự với mình. Chính cậu ta
đã kể lại tất cả những gì đã xảy ra. Hôm tiễn mình lên xe về đất
Cali này, cậu đã trao lại cho mình một số tiền và lá thư của
Triệu Minh nhờ chuyển cho mình. Lá thư chỉ là tấm giấy nhỏ, ghi
vỏn vẹn 1 dòng: “Xin hãy tha thứ cho em, và xem như Triệu Minh đã
chết từ lâu rồi, không còn trên trần gian này nữa”. Và đến nay
cậu ấy là người duy nhất giữ liên lạc với mình, luôn tỏ ra kính
mến mình.
–
Sau này, Hội có dịp nào gặp lại Triệu Minh hay hai đứa con trai
của Hội?
– Có
một lần, khi thằng con trai lớn làm đám cưới, mình có nhận được
thiệp báo tin và thiệp mời. Mình cũng vui mừng lắm, dù đọc trong
thiệp báo tin, không thấy có tên mình, mà chỉ có tên mẹ nó. Mình
vội vàng đi mua một bộ đồ veston mới, mượn trước một số lương, để
bay lên mừng con, và cũng có dịp gặp lại Triệu Minh. Nhưng buổi
tối trước ngày đi, thằng con lại gọi phôn (ông cậu cho nó số
phôn), bảo là mình không nên lên, vì cái thư mời là do cậu nó bảo
nó gởi, chứ không có ý kiến của mẹ. Nếu mình muốn đi, thì phải
gọi xin phép mẹ nó. Nhưng rồi nó lại hạ giọng: “Con không có chút
hy vọng gì là má sẽ OK!” Cuối cùng đành phải bỏ chiếc vé máy bay.
Mình buồn, nhưng không trách Triệu Minh.
Rồi mới đây, bất ngờ lại gặp thằng em
của nó. Nghe nói cũng tốt nghiệp kỹ sư hàng không và đang làm cho
hãng Continental. Nó sắp cưới vợ, nên rủ con vợ tương lai đi chơi
một vòng ở Las Vegas, rồi sau đó ghé lại Little Saigon mua một ít
nữ trang và vật dụng dành cho ngày cưới. Nó gọi phôn hẹn gặp mình
phía trước Phước Lộc Thọ. Mình mừng lắm, quên hết mọi chuyện, chỉ
mong gặp lại thằng con ruột thịt, để xem bây giờ mặt mũi nó ra
sao. Tôi lái xe đến gặp nó và vị hôn thê. Cô dâu chào bắt tay tôi
vui vẻ, nhưng thằng con thì nhìn tôi dửng dưng xa lạ. Tôi thoáng
buồn nhưng kịp trấn tĩnh, vì nghĩ là từ lúc mới sinh ra cho đến
bây giờ, nó có sống với tôi bao lâu đâu. Mời hai đứa đi ăn, nó từ
chối, bảo chỉ cần uống nước. Chúng tôi ngồi tạm trong cái quán
nhỏ bên trong Phước Lộc Thọ. Nó bảo là tụi nó sẽ làm đám cưới vào
hai tuần tới tại Maryland. Trước khi đi cậu nó cho số phôn của
tôi và dặn nó nhớ tìm gặp tôi khi ghé lại Little Saigon. Uống
nước xong, nó đứng dậy móc bóp cho tôi tờ giấy 100 đô la. Con bồ
của nó nói một tràng tiếng Mỹ, tôi hiểu là “tại sao lâu ngày mày
gặp lại daddy của mày mà mày chỉ cho có 100?” Nó móc bóp lấy thêm
tờ 50 đưa cho tôi. Tôi ngượng ngùng, định từ chối, nhưng rồi sợ
nó buồn, hơn nữa nghĩ tới đứa con gái lớn, là chị ruột của nó,
đang sống thiếu thốn ở nhà ông bà nội bên Việt Nam, tôi nhét vào
túi áo, nói cám ơn hai đứa. Sau đó tôi bảo nó chờ vài phút, rồi
chạy đến tiệm hoa gần đó mua một bó huệ trắng. Quay lại, tôi xúc
động nói với hai đứa: “Nhà ba ở rất gần đây, chạy xe chỉ chừng
bảy, tám phút. Ông nội con vừa mất, hôm nay là 49 ngày. Lúc con
còn nhỏ, ông nội rất thương con. Bây giờ hai đứa con có mặt ở đây
lại sắp làm đám cưới, ba muốn hai con ghé lại thắp cho ông nội
cây nhang. Ở nơi chín suối, chắc ông vui lắm”. Con bồ nhìn nó gật
đầu, nhưng tôi rất bất ngờ và hụt hẫng khi nghe nó nói: “Để lần
khác, hôm nay con không có nhiều thì giờ!”
Kể xong câu chuyện khá dài, Hội vẫn
dửng dưng nhìn lên trần nhà như đang tìm kiếm một vật gì, trong
lúc lòng tôi đau như dao cắt. Để cho Hội trầm ngâm một lúc, tôi
lên tiếng:
–
Tôi tội nghiệp bạn, nhưng không hiểu được bạn. Tại sao trước một
nỗi đau như thế mà nhìn bạn vẫn thấy bạn thản nhiên, có khi còn
cười nữa, cứ như không?
Hội nắm tay tôi, xuống giọng:
– Mình đã quen rồi. Hơn nữa cả dân tộc
đều tan tác bi thương qua cuộc thăng trầm quá lớn ấy, nỗi đau của
mỗi một chúng ta đâu còn có nghĩa gì. Tất cả chỉ đáng thương hơn
là đáng trách!
Tôi nhìn Hội, lắc đầu:
– Nhưng ít nhất, bạn cũng phải giải
thích, nói lên sự thực, để mấy đứa con của bạn nó hiểu chứ. Chẳng
lẽ cứ để các cháu cứ nghĩ xấu về bạn, thờ ơ, đối xử tệ bạc với
cha của nó mãi như vậy hay sao?
Im lặng một lúc, Hội lên tiếng:
– Thôi, chuyện đã như vậy rồi. Vả lại
dù sao mẹ chúng nó cũng đã chịu đựng bao nhiêu khổ cực đắng cay
để nuôi nấng bọn nó từ thuở còn tấm bé, đến bây giờ đã thành đạt,
nên người. Đó chẳng phải là điều mà những người cha bất hạnh như
bọn mình mong ước hay sao? Tốt nhất là hãy để chúng nó luôn nghĩ
tốt và hết lòng kính trọng, yêu thương mẹ nó!
Nhớ tới lời mấy thằng bạn còn ở quê
nhà, tôi buột miệng:
– Hèn gì đám bạn bè bảo là bạn không hề
đi tu mà đã đắc đạo rồi.
Hội nở một nụ cười, nhưng không trọn,
rồi như mới nhớ ra điều gì, anh kể tiếp:
– Còn đứa con gái riêng của Triệu Minh
với tên công an. Trên khai sinh mình lại là cha của nó, nên dù
lương ba cọc ba đồng, mình đã phải trả tiền trợ cấp hằng tháng để
nuôi nó cho đến 21 tuổi. Cách nay vài tháng, Triệu Minh có dắt
đứa con gái riêng này về Việt Nam để gặp lại cha ruột của nó.
Nghe nói hắn ta cũng đã tìm cách móc nối tổ chức vượt biển sau
ngày Triệu Minh đến đảo Palawan, nhưng rồi bị bắt vào tù, mất hết
đảng tịch và bị sa thải khỏi ngành công an. Sau đó làm nhân viên
bảo vệ cho một khách sạn nào đó ngoài Hội An, Đà Nẵng, hiện đang
bị bệnh rất nặng. Ung thư phổi thời kỳ cuối.
– Như vậy Triệu Minh vẫn còn nghĩ đến
hắn ta?
Trầm
ngâm một lúc, Hội lên tiếng:
– Cô ta làm thế cũng phải. Dù gì cũng
là tình phụ tử mà. Hơn nữa cũng vì nàng mà hắn ta mới ra nông
nỗi. Sau đó cô ta có về quê mình thăm đứa con gái đầu lòng. Từ
lúc mới sinh cho đến bây giờ nó vẫn ở nhà ông bà nội. Nối nghiệp
ông nội: dạy học và đã có chồng con. Nó là đứa con duy nhất hiểu
rõ chuyện của mình với mẹ nó, nên thường viết thư, gọi điện thoại
hỏi han an ủi mình. Mấy lần nó phản đối mẹ nó và có ý định nói
hết sự thực cho hai đứa em nó biết, nhưng mẹ nó năn nỉ và chính
mình cũng can ngăn. Tôi bảo nó nên hiểu và thương mẹ nó. “Vì một
mình phải nuôi dạy các con lớn lên ở quê người, mẹ cần sự kính
trọng và vâng lời của các em con, mà đành phải đổ hết tội lên đầu
ba. Ba nghĩ làm như vậy, chắc mẹ con cũng đau lòng ghê lắm. Người
cần yêu thương và an ủi, chính là mẹ của con, chứ không phải là
ba”.
Tôi tò mò
hỏi:
– Vậy mẹ
nó có tâm sự gì với nó về bạn hay không?
– Cháu có bảo là mẹ nó cũng ân hận lắm.
Bà cũng nhớ tôi và mặc cảm tội lỗi quá lớn, khi ít nhiều gì cũng
đã phản bội tôi mà còn phải nói với mọi người và nhất là với các
con những điều xấu xa không đúng về tôi. Bà thường nhờ con gái
chở bà ra nghĩa trang thắp hương trước mộ cha mẹ tôi và ngồi khóc
sụt sùi. Nhiều lần bà có ý định đi tìm tôi, xin tha lỗi và trở
lại với nhau, nhất là sau khi các con đã lớn và ra sống riêng, bà
cô đơn một mình. Nhưng rồi bà không đủ can đảm, khi nghĩ là tất
cả mọi thứ đều đã vượt quá xa giới hạn của nó rồi. Bà bảo: “Chiếc
bình cổ đã vỡ tan tành, không thể nào có thể hàn gắn từ những
mảnh vụn, mà một số cũng đã mất mát rơi rớt theo thời gian”. Bà
có ý định về lại Việt Nam, sau khi cô con gái út lấy chồng. Sẽ
quy y, tu ở một ngôi chùa trên Cao Nguyên. Nơi mà ngày xưa, lúc
gặp phong ba trắc trở trong tình yêu với mình, bà đã đến đó để
cầu xin và thệ ước.
Tôi hơi bất ngờ và thoáng một chút ngậm
ngùi:
– Dù sao
cũng tội nghiệp! Tất cả cũng chỉ là hệ lụy từ một cuộc chiến phi
lý mà đám người thắng trận lại là một lũ bất lương. Tôi nghĩ bạn
nên tìm gặp nàng, nói một câu thứ tha cho nhẹ lòng. Không phải
nhẹ lòng cho riêng nàng mà cho chính cả bạn nữa. Và nếu được, thì
sống lại với nhau, coi như đôi bạn trong tuổi già.
Hội cúi xuống, đôi mắt dường như nhắm
lại. Suy nghĩ một lúc rồi hạ giọng:
– Mình đã nhờ đứa con gái nói với nàng
điều ấy. Nhưng nàng chưa muốn gặp mình, chỉ xin cám ơn và khuyên
mình hãy cố quên đi tất cả. Nàng bảo: “Đời là bể khổ. Giờ đã cuối
đời thì vướng bận thêm nữa mà làm gì”. Cả đứa con gái của mình
cũng đồng tình. Cháu bảo “con thấy như thế vẫn hay hơn, chứ mỗi
ngày ba má nhìn thấy nhau, dễ nhớ lại chuyện xưa rồi cũng chỉ
buồn khổ hơn thôi!”
Nghe Hội nhắc tới cô con gái còn ở quê
nhà, tôi hỏi:
– Sao bạn không bảo lãnh gia đình cháu gái lớn sang Mỹ sống với
bạn cho vui?
Hội lắc đầu:
–
Vợ chồng nó không muốn. Dường như nó ngại phải chọn ở với cha hay
với mẹ. Vậy cũng hay. Chứ sang đây nó thấy mình cơ cực lại buồn
thêm. Còn mình, khi nào rảnh rỗi, chạy đến viện dưỡng lão săn
sóc, giúp đỡ cho mấy ông bà cụ đã quá già mà chẳng có con cái
chăm nom, mình cũng thấy vui.
Tôi định nói một câu để khen và an ủi,
thì Hội vội xem qua đồng hồ rồi kéo tôi đứng dậy. Đúng lúc cả hai
thằng đang đối diện với bức ảnh lớn của Triệu Minh treo trên
vách. Tôi hỏi lại Hội một câu đã hỏi lúc mới vào nhà:
– Nghĩa là bạn vẫn còn yêu Triệu Minh?
– Đúng, mình vẫn thiết tha yêu Triệu
Minh, nhưng mà Triệu Minh ngày xưa, cái thời nàng và mình mới yêu
nhau, và nhất là vì yêu mình mà dám bỏ tất cả. Cuộc tình đó đẹp
quá đi chứ, phải không? Đến bây giờ, nhiều đêm mình vẫn nằm mơ
thấy nàng. Chỉ những giấc mơ ấy thôi cũng đủ cho mình thấy hạnh
phúc và quên hết mọi biến cố sau này.
– Bây giờ bạn đã có cô bạn gái nào, và
có tính kiếm một cô vợ khác để có nhau trong tuổi già?
– Có chứ, mình đang có cô bạn, Bích
Loan vừa ngâm thơ với mình chiều nay đó. Giọng ngâm của cô hay
lắm. Trước kia là cô giáo ở Pleiku. Nhưng tụi mình chỉ xem như là
bạn cho vui, chứ trong lòng mình không còn có tình yêu, trái tim
của mình không còn biết rung động kể từ sau cuộc tình với Triệu
Minh.
Bỗng nhớ
tới một điều, tôi hỏi Hội:
– Và dường như nhờ tình yêu ấy mà tiếng
sáo của bạn mới tuyệt vời?
Hội cười, đưa tay lên vách lựa lấy một
cây sao trúc đưa lên miệng thổi một đoạn trong bài Love Story.
Khi chấm dứt, Hội hỏi tôi:
– Bạn có còn nhớ ra cây sáo trúc này
không?
Tôi lắc
đầu. Hội chìa cây sáo ra trước mặt tôi:
– Chính là cây sáo cũ, mà ngày mình còn
đi học ở Nha Trang, ông thầy người Huế đã tặng mình, khi bảo mình
là “đứa học trò có năng khiếu sẽ tạo cho chiếc sáo này có một
linh hồn”.
Tôi
gật đầu đắc ý, định khen Hội một lời, nhưng dường như Hội đã đọc
được ý nghĩ đó, anh xua tay:
– Không, ông Thầy nói không đúng hẳn.
Có thể là mình có chút năng khiếu, nhưng năng khiếu không thể tạo
được linh hồn.
Thấy tôi ngớ ra chưa kịp hiểu, Hội tiếp
lời:
– Chính
hình ảnh của Triệu Minh, cùng với tất cả những hạnh phúc, đắng
cay ấy đã làm nên linh hồn cho cây sáo!
Tôi cầm săm soi cây sáo đã khá cũ, đưa
lại cho Hội rồi buột miệng:
– Không ngờ qua biết bao thăng trầm,
bạn vẫn còn giữ được cây sáo... mà lại không giữ được Triệu Minh.
Vừa nói xong, biết mình lỡ lời, định
nói một câu xin lỗi thì điện thoại reo. Người bạn báo đã đến chờ
phía trước. Tôi đứng lên nắm tay Hội, nhắc lại một kỷ niệm xưa,
lúc hai thằng còn nhỏ. Chuyện Hội đã bảo tôi đem thả con cuốc
chúng tôi vừa vui mừng bẫy được, sau khi nghe cha tôi bảo con
cuốc ấy là hóa thân của Vua Thục Đế, vì mất nước mà khóc đến chảy
máu mắt, chết đi hóa thành chim, cất lên những tiếng kêu khắc
khoải, não nùng.
Hội ôm chặt vai tôi:
– Không ngờ bây giờ bọn mình cũng là
hai con quốc quốc.
Chia tay Hội, mở cửa bước ra ngoài.
Đang giữa mùa hè mà sao những ngọn gió làm tôi buốt lạnh. Và
dường như trời cũng vừa mới đổ thêm xuống một cơn mưa.
Phạm Tín An Ninh
(Riêng tặng bạn tôi – Hồ Ngọc)
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by cathy chuyển
Đăng ngày Chúa Nhật, January 19, 2025
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang