Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Hồi
ký
Chủ đề:
30–T4Đ
Tác giả:
Phạm Tín An Ninh
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Trước
những ngày Tháng Tư buồn, tôi lại nhận thêm một tin buồn: Đồng môn
Võ Văn Khoa vừa vĩnh viễn ra đi. Với tôi, anh Khoa không những là
bạn cùng Khóa 18 Thủ Đức mà sau này, vì gốc giáo chức, nên theo nhu
cầu của Bộ Quốc Gia Giáo Dục, anh được biệt phái về dạy ở trường Võ
Tánh Nha Trang, ngôi trường trung học nổi tiếng ở quê tôi mà trước
kia tôi đã từng theo học. Do đó chúng tôi nặng thêm mối thâm tình.
Ngay từ những ngày còn trẻ, anh đã nghiên cứu, tu tập và viết nhiều
sách về Thiền Học, cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Anh sống thanh đạm,
chân thành, đạo hạnh, luôn hết lòng giúp đỡ tha nhân. Sau khi sang
Mỹ một thời gian, anh trút bỏ mọi phiền não thế gian, xuất gia đi
tu, trở thành Thiền Sư Di Như nổi tiếng của một Thiền Viện ở Las
Vegas, do chính anh sáng lập và giảng dạy. Nhờ vào trình độ và đức
độ, anh đã quy tụ đông đảo môn đệ. Vì vậy trên trang cáo phó được
viết: “Sư Thầy Di Như Võ Văn Khoa viên tịch.”
Tuy biệt phái về làm nghề dạy học, nhưng
trong hồ sơ lý lịch, anh vẫn còn mang cấp bậc đại úy và phục vụ
nhiều năm trong ngành Chiến Tranh Chính Trị, từng đóng góp cho việc
hình thành và giảng dạy cho Trường Đại Học CTCT Đà Lạt, nên sau khi
cộng sản chiếm Nha Trang, đầu tháng 4/75, anh bị tù đày nhiều năm.
Ra tù, anh trở về Nha Trang, làm nghề sửa xe đạp ở một góc đường,
ngay phía sau ngôi trường cũ mà anh từng dạy học. Thời buổi ấy gần
như gia tài mỗi người chỉ còn mỗi chiếc xe đạp. Cùng cảnh thất cơ lỡ
vận, nên anh thường nhắn các cựu giáo chức đồng nghiệp và học sinh
của mình, khi nào xe bị hư, cứ mang đến để anh sửa miễn phí.
Tang lễ được tăng đoàn tổ chức rất trang
trọng tại Peek Funeral Home, Westminster, California. Số người đến
viếng và tiễn đưa anh khá đông. Ngoài một số giáo chức đồng nghiệp,
những cựu đồng môn Khóa 18 Thủ Đức, số đông đảo còn lại là những
đồng đạo của anh. Chúng tôi được sự đón tiếp nồng hậu của gia đình
và đặc biệt của tăng đoàn, mà hầu hết là những học trò, môn đệ của
anh. Nhìn cung cách của họ, chúng tôi hiểu được lòng tôn kính và hết
mực tiếc thương mà họ dành cho vị Sư Thầy của mình. Cùng với những
đồng môn Khóa 18 Thủ Đức, đứng trước linh cữu, đưa tay lên chào vĩnh
biệt anh, bỗng tôi thấy lòng mình chùng xuống, bâng khuâng. Cả buổi
trưa hôm ấy, tôi mênh mang nhớ tới bạn bè, đồng môn, đồng đội cũ.
Hình dung từng khuôn mặt của những thằng bạn thân thiết đã hy sinh
trên các chiến trường, hay chết đau đớn tức tưởi trong các trại tù,
và một số đông đã phải bỏ quê ra đi, đang sống lặng lẽ đâu đó trên
xứ người, mỗi người mỗi cảnh, nhưng có cùng một nỗi đau chung, khi
giấc mơ trở về lại trên quê hương ngày một héo hắt, mỏi mòn. Có
thằng đã tự vẫn.
Ký ức bắt đầu đưa tôi trở về ngọn đồi Tăng Nhơn Phú, nơi từng tọa
lạc một quân trường nổi tiếng đã có mặt từ những năm đầu thập niên
1950, đào tạo hầu hết những sĩ quan trừ bị, có rất nhiều vị đã trở
thành những tướng lãnh lẫm liệt một thời, có vị đã tuẫn tiết vào giờ
thứ 25 để giữ tròn tiết tháo: Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Lê
Nguyên Vỹ...
Khóa
18 chúng tôi ra trường ngày 18/3/1965 với 1219 tân sĩ quan, vốn xuất
thân từ nhiều thành phần khác nhau, và được phân phối về đủ các
quân, binh chủng, các ngành chuyên môn, các quân trường, đặc biệt
còn được biệt phái về một số cơ quan hành chánh, các cấp bộ, nha,
sở. Hôm nay, trong những đồng môn Khóa 18 đến tiễn biệt anh Võ Văn
Khoa, tôi được gặp lại một số anh em thân quen, từng phục vụ ở những
đơn vị khác nhau như thế. Anh Nguyễn Văn Lân: trước khi nhập ngũ là
giáo sư của một Collège Français, ra trường về làm việc ở Bộ Ngoại
Giao; bạn Đào Minh Hùng: Thiếu tá của Liên Đoàn 81 BCND, một đơn vị
nổi danh ở các chiến trường đẫm máu nhất; bạn Nguyễn Nhật Minh:
Thiếu tá Trưởng Ty ANQĐ Lâm Đồng; bạn Vũ Ngọc Bích: Thiếu tá của Cục
Mãi Dịch, các anh Nguyễn Ngọc Kỳ, Bùi Trọng Nghĩa, Nguyễn Thế Hùng:
CTCT, bạn Lê Trường Xuân: Biệt Động Quân, Nguyễn Thanh Thế, Trần
Minh: Bộ Binh, Đỗ Văn Đạt: HCTC, và đặc biệt có bốn người bạn cùng
Trung đội 14/Đại đội 4 SVSQ với tôi: anh Nguyễn Xuân Hồng: giảng
viên Trường Sinh Ngữ Quân Đội, về sau trở thành Mục Sư Tin Lành và
phục vụ tại Nha Tuyên Úy; Phạm Duy Cường: CTCT, Nguyễn Văn Long:
Thiết Giáp và Nguyễn Hồng Tâm: SĐ5BB, người trẻ tuổi nhất của Đại
Đội 4.
Gặp lại
nhau, cũng là dịp để điểm danh, xem ai còn ai mất, cùng ngậm ngùi
cho phần số của mỗi người.
Riêng Đại Đội 4 và Trung Đội 14 SVSQ của
chúng tôi cũng có nhiều điều đặc biệt khó quên. (Đại Đội 4 là hậu
thân của Đại Đội 10 trong giai đoạn 1.) Cán bộ đại đội trưởng là
Trung úy Phan Tấn Mỹ, tốt nghiệp Khóa 13 Võ Bị Đà Lạt, từ binh chủng
TQLC thuyên chuyển về Trường, sau khi mãn một khóa học ở Hoa Kỳ. Ông
là nhà thơ được nhiều người biết đến dưới bút hiệu Ý Yên (cũng là
tên của quê hương ông ở miền Bắc). Ông có cung cách và tâm hồn của
một thi sĩ hơn là một ông quan nhà binh. Biết SVSQ nào làm thơ, ông
thường gọi lên văn phòng đại đội uống trà bàn chuyện thơ văn. Đi bộ
cùng SVSQ ra bãi tập, thỉnh thoảng ông hứng chí đọc lên mấy câu thơ
ông vừa nghĩ ra hay sáng tác. Chẳng bao giờ phạt ai và mỗi khi có
SVSQ nào bị Quân Cảnh 301 bắt, ông liền chạy đến nhận về. Trung đội
trưởng Trung đội 14 của bọn tôi là Thiếu úy Trần Bá Linh, Khóa 12
Thủ Đức. Ông là bào đệ của Thiếu tướng Trần Bá Di, rất thẳng thắn,
kiệm lời, có thái độ bất cần, chẳng biết “ngán” ai, nên bọn tôi cũng
dễ thở mà cũng có lắm khi hồi hộp, lo âu.
Ba tuần trước ngày mãn khóa, một số trong
đại đội đã biết mình được bổ nhậm hay biệt phái về đơn vị, cơ quan
nào. Đặc biệt có hai đồng môn đầu tiên nhận lệnh về Trường Võ Bị Đà
Lạt làm giáo sư Văn Hóa Vụ. Hai anh lại là bạn đồng nghiệp trước khi
nhập ngũ, là giáo sư ở Đại Học Khoa Học. Trong cuộc thực tập cuối
khóa, hành quân cấp đại đội suốt ba ngày đêm ở một bãi tập bên bờ
sông Đồng Nai, khi diễn tập bài đại đội tấn công đêm lên đồi, một
trong hai anh bị một quả đạn (chiếu sáng) súng cối 60ly không nổ rơi
trúng, ghim sâu vào lưng, làm tử thương tại chỗ. Tôi là một trong số
những đồng môn được chỉ định về Tổng Y Viên Cộng Hòa, luân phiên
đứng gác bên quan tài anh ba ngày trong “Nhà Vĩnh Biệt”, chứng kiến
nỗi đau buồn, than khóc thống thiết của gia đình, đặc biệt vị hôn
thê của anh, và nghe lời chia buồn, tiễn biệt của đồng nghiệp bạn bè
và những sinh viên từng học với anh. Trong các bài điếu văn, ai cũng
ca ngợi và thương tiếc anh, một vị giáo sư tài ba đức độ. Tôi ngậm
ngùi, tiếc cho một người có tài mà yểu mệnh. Và đó là người bạn đồng
môn, cùng khóa của tôi đã hy sinh đầu tiên, trước ngày tốt nghiệp.
Người còn lại, anh Phùng Văn Bộ, ngay sau khi dự đám tang đưa tiễn
bạn mình và lễ mãn khóa, đã một mình cô đơn lên trình diện Trường Võ
Bị. (Cũng có thể có vài anh ở đại đội khác cùng được bổ nhậm về
Trường Võ Bị mà tôi không biết.)
Một đồng môn khác cũng đã âm thầm chia tay
trong trường hợp không vui. Khi cuộc hành quân thực tập chưa kết
thúc, anh được gọi tên, lên xe về trình diện Trung tá Đào Duy Ân,
Tham Mưu Trưởng. Ngày mãn khóa, anh không có mặt. Chúng tôi rất buồn
và ngạc nhiên khi biết người bạn đồng môn hiền lành, dễ mến này đã
bị đưa ra đơn vị với cấp bậc binh nhì. Năm 1973, trong một lần đến
QYV Nguyễn Huệ, Nha Trang thăm một sĩ quan cùng đơn vị bị thương
nặng đang điều trị ở đây, bất ngờ tôi gặp lại anh, khi ấy anh là y
tá với cấp bậc Hạ sĩ 1. Hai thằng nhìn nhau, bắt tay rồi ôm lấy nhau
trong sự ngỡ ngàng. Anh vẫn sống độc thân trong căn phòng nhỏ thuê ở
gần QYV. Buổi chiều, tôi lái xe đưa anh về căn phòng trọ này để anh
thay áo quần dân sự, sau đó chúng tôi ra một cái quán bên bờ biển
uống rượu tâm tình, nhưng tôi ngại không dám hỏi lý do vì sao anh bị
ra trường non với cấp bậc binh nhì như thế. Ăn uống xong, thay vì về
nhà, anh nhờ tôi đưa anh đến một ngôi trường gần đó. Anh dạy Anh văn
cho một lớp đêm ở đây. Lúc còn trong quân trường, anh nằm giường kế
bên tôi, là người gốc Quảng Bình, một con chiên ngoan đạo, rất tư
cách, vui vẻ hiền lành, mọi người đều quý mến, nên lúc anh gặp tai
ương, dù không biết lý do gì, ai cũng ngạc nhiên và tội nghiệp anh.
Người tử trận đầu tiên của Trung Đội 14
chúng tôi là bạn Dương Văn Chánh. Chánh là một trong số rất ít được
chọn về Binh Chủng Nhảy Dù. Có lẽ vì Chánh là em vợ của Tướng Trương
Quang Ân, lúc ấy đang là Trung tá, Chiến Đoàn Trưởng Chiến Đoàn 2
ND. Sau khi tốt nghiệp khóa Căn Bản Nhảy Dù, Chánh được bổ sung cho
Tiểu Đoàn 7 ND, và bị thương ngay trong trận đánh đầu đời, trận Đồng
Xoài, vào cuối tháng 6/1965. Một trận chiến đẫm máu khi lần đầu tiên
Cộng quân đã sử dụng một lực lượng đến cấp sư đoàn. Và sau đó, đến
tháng 12/1965, anh lại bị tử thương cùng 80 đồng đội thuộc Đại Đội
72 ND, khi chiếc C–123 của Không Lực Hoa Kỳ chuyên chở đơn vị Nhảy
Dù của anh đến khu vực hành quân, bị rơi trên một đỉnh núi, ở vùng
Tây Bắc Tuy Hòa (Phú Yên). Trước khi nhập ngũ, Chánh học ở Luật
Khoa. Da đen, giọng nói khàn khàn, ít nói, trông tướng tá hơi
“ngầu”, nhưng rất hiền hậu, dễ thương.
Dù là sĩ quan trừ bị, nhưng Khóa 18 của
chúng tôi đã đóng góp rất nhiều chiến công và xương máu cho cuộc
chiến bất hạnh này. Bạn bè tôi không chỉ đã hy sinh trên chiến
trường, mà còn chết oan khiên trong các trại tù man rợ của cộng sản,
và có người đã chết trên xứ người bởi vì hệ lụy từ cuộc chiến bất
hạnh, mà “bên thắng cuộc” lại là bọn người gian ác bị mê hoặc bởi
một chủ thuyết man rợ.
Tôi nhớ tới Trần Công Lâm, một thằng bạn
cùng Trung Đội 14, nó nằm giường trên, tôi giường dưới, nên hai
thằng trở thành đôi bạn thân thiết nhất. Quê ở tận Nha Trang, nên
những ngày cuối tuần về phép, tôi thường theo về nhà nó ở khu Bình
Triệu, cùng đi chơi với cô vị hôn thê, sau này là vợ của nó. Lâm có
ông anh là thượng sĩ, nhân viên Phòng Nhất của Bộ Tư Lênh Lực Lượng
Đặc Biệt đồn trú tại Nha Trang, ngay trên quê tôi. Nó bảo đã nói
chuyện với ông anh và ông cam kết là hai thằng bọn tôi sẽ được chọn
về binh chủng này trước ngày mãn khóa. Thấy tôi có vẻ hoài nghi, nó
bảo, dù chỉ mang cấp bậc thượng sĩ, nhưng ông anh khá thân thiết và
là cánh tay mặt của ông trưởng phòng, nên chuyện chọn hai thằng về
LLĐB chỉ là chuyện nhỏ. Thực tình, lúc ấy bọn tôi cũng không am hiểu
mấy về binh chủng này, chỉ thấy bộ đồng phục rằn ri, cái bê–rê màu
xanh và huy hiệu con cọp nhảy qua cánh dù, trông rất oai phong, nên
thích vậy thôi.
Gần ngày mãn khóa, tôi đã thấy trên tủ áo của nó có cả bộ quân phục
và bê–rê xanh LLĐB. Nhưng khi ra hội trường để được gọi về các binh
chủng, cả hai thằng đều không có tên. Giờ chót chỉ còn chỗ ở các Sư
Đoàn Bộ Binh. Tôi bảo nó theo tôi về Sư Đoàn 23, vì quê tôi nằm
trong vùng hoạt động của đại đơn vị này. Lần này thì Lâm theo tôi,
bỏ Sài Gòn ra tận núi rừng miền Trung xa tít. (Sau này nó cho biết,
đúng thời gian chọn tân sĩ quan về binh chủng thì ông anh của nó
chẳng may bị tai nạn phải vào quân y viện, nên hai thằng bọn tôi bị
lọt sổ.) Ngoài Trần Công Lâm ra tôi còn rủ thêm Nguyễn Văn Túc. Túc
không cùng Đại Đội nhưng là bạn học cùng lớp Đệ Nhất C với tôi lúc
trước ở trường Võ Tánh, và trước khi vào lính hai thằng rủ nhau về
quê tôi dạy ở một trường trung học tư thục đệ nhất cấp vừa mới mở,
mà ông hiệu trưởng là bạn của cha tôi.
Khi ra đơn vị, theo yêu cầu của chúng tôi,
cả ba thằng được bổ nhậm về cùng một tiểu đoàn. Lâm về Đại Đội 1,
Túc về Đại Đội 2, còn tôi về Đại Đội 3. Khi ấy, tiểu đoàn tôi có lẽ
là một tiểu đoàn đánh đấm có hạng, nên được chọn làm đơn vị lưu
động, có trách nhiệm tiếp ứng cho cả Khu 23 Chiến Thuật. Vì vậy có
khi buổi sáng còn ở núi rừng Quảng Đức, Lâm Đồng, buổi chiều đã có
mặt ở vùng biển Tuy Hòa, Phan Thiết. Về đơn vị đã hơn ba năm mà bọn
tôi chưa hề biết hậu cứ tiểu đoàn nằm ở đâu trên Ban Mê Thuột. Thời
gian ấy chiến trường chưa sôi động lắm, chúng tôi chỉ thường đụng độ
với các đơn vị địa phương của địch. Chỉ có ở Quảng Đức và Phú Yên
thỉnh thoảng có sự xuất hiện của lực lượng chính quy mới xâm nhập từ
miền Bắc. Làm trung đội trưởng hơn hai năm, đánh đấm vài trận, được
mấy cái huy chương, thì cả ba thằng lần lượt được lên nắm đại đội.
Sau đó tôi được ông tiểu đoàn trưởng kéo về làm Ban 3, còn Lâm về
làm Đai Đội Trưởng Đại Đội Chỉ Huy kiêm Trưởng ban Truyền Tin, thay
cho người tiền nhiệm thuyên chuyển đi nơi khác. Lúc ấy, Lâm hiền
lành như con gái, mấy lần ông tiểu đoàn trưởng bảo Lâm: “cậu ra
trường hơn hai năm rồi mà trông cứ như một thư sinh, làm sao lính nó
ngán được!” Có lẽ với lý do này, nên ông gởi Lâm theo học Khóa Rừng
Núi Sình Lầy rồi sau này lại học thêm khóa Viễn Thám. Riêng Túc, sau
khi lên trung úy một thời gian, đang là một đại đội trưởng có hạng
thì được lệnh giải ngũ vì cận thị quá nặng. Túc được nhận vào làm
tại Nha Bưu Điện và được sang Singapore học một khóa chuyên môn để
về dạy ở Trường Bưu Điện Sài Gòn.
Cùng lúc tôi được chuyển về Bộ Chỉ Huy
Trung Đoàn thì Trần Công Lâm nhận lệnh theo học Khóa Căn Bản Truyền
Tin tại Vũng Tàu. Nhưng chưa tới ngày mãn khóa tôi thấy Lâm đã về
lại đơn vị. Trước khi trình diện ông trung đoàn trưởng, Lâm khoe
“thành tích” với tôi:
–Học và làm cái nghề Truyền Tin này coi bộ
nhức đầu quá, nên tao nản, cứ dù về nhà thăm vợ và thằng cu mới
sinh, nên bị ông chỉ huy trưởng Trường ký cho mười ngày trọng cấm và
trả về đơn vị. Mày trình với ông trung đoàn trưởng cho tao ra tiểu
đoàn khác, về lại tiểu đoàn cũ khó làm việc!
Lâm về Tiểu Đoàn 4 làm đại đội trưởng một
thời gian. Khi anh đại đội trưởng ĐĐ Trinh Sát có lệnh thuyên chuyển
đi đơn vị mới, tôi tìm gặp Lâm:
– Mày có muốn về nắm Đại Đội Trinh Sát
không, tao sẽ “nổ” với ông trung đoàn trưởng, vì mày có bằng RNSL và
cả bằng Viễn Thám. Về Trinh Sát có cơ hội thi thố tài năng, thử lửa
ra sao, để không ai còn dám gọi mầy là “Lâm Con Gái” nữa!
Lâm vỗ vai tôi cười khoái chí.
Không ngờ, chỉ sau một thời gian, Trần
Công Lâm trở thành một đại đội trưởng Trinh Sát lừng danh của cả
Quân Đoàn. Bây giờ, chuyện xông pha trận mạc đối với Lâm còn dễ hơn
chuyện dắt đào đi chơi ngoài phố. Nơi nào không giải quyết được
chiến trường, Lâm tình nguyện nhảy vào, và lúc nào cũng xuống mục
tiêu trước tiên với một toán Viễn Thám. Một lần, một tiểu đoàn trực
thuộc cùng chi đoàn TQV và pháo đội PB 105ly tăng phái, di chuyển
đến vùng hành quân, bị một lực lượng Cộng quân hùng hậu đào giao
thông hào, ngụy trang hai bên đường phục kích. Đơn vị phản công kịp
thời, các sĩ quan Kỵ Binh dạn dày kinh nghiệm, cho thiết vận xa
M–113 vừa tác xạ vừa cày nát đè bẹp các giao thông hào của địch, lực
lượng Bộ Binh bung ra, vừa bảo vệ Pháo Binh vừa đánh cận chiến và
tung lựu đạn xuống phòng tuyến địch, Pháo Binh hạ nòng trực xạ vào
các cao điểm nghi ngờ địch tập trung. Địch chết khá nhiều, một số bị
ta bắt sống, khai thác cấp thời, biết được vị trí bộ chỉ huy của
địch nằm cách nơi chạm súng khoảng hơn hai cây số, và chỉ được bảo
vệ bằng một đại đội với quân số chưa tới 50 người. Đại Đội Trinh Sát
của Lâm đang ứng chiến bên cạnh Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn, được trực
thăng Hoa Kỳ bốc thả xuống ngay sát bên hông địch, sau một tràng TOT
của Pháo Binh cùng với sự yểm trợ của bốn chiếc Cobra, địch không
ngóc đầu lên được. Với hỏa lực phi pháo và lối đánh thần tốc của
Lâm, địch không kịp trở tay, cả bộ chỉ huy địch đều bị giết và một
số bị bắt sống, trong đó có tên chính ủy và cả tên trung đoàn
trưởng, ta tịch thu nhiều tài liệu quan trọng cùng mấy triệu đồng
tiền VNCH (toàn giấy 1,000 mới toanh đựng trong các thùng gỗ), nhưng
khi giao cho Ty Ngân Khố giám định, hóa ra đều là tiền giả được in
từ Trung Cộng.)
Một lần khác, được tin tình báo cho biết, một đơn vị địch vừa mới
xâm nhập vào vùng núi giữa ranh giới ba tỉnh Lâm Đồng – Ninh Thuận –
Bình Thuận, Lâm tình nguyện dắt một toán viễn thám, được cải trang
thành những bộ đội mang theo AK–47 và B–40 (chiến lợi phẩm tịch thu
của địch) xâm nhập. Một tiểu đoàn được lệnh ứng chiến, cùng với Đại
Đội Trinh Sát (–) của Lâm, do anh đại đội phó chỉ huy, để khi nào
nhận hiệu lệnh của Lâm sẽ nhảy vào tiếp ứng. Nhưng đến khuya, Lâm
cùng toán viễn thám trở ra an toàn, còn bắt theo ba tên địch, trong
đó có môt phụ nữ. Sau khi khai thác, biết chính xác địa điểm ém quân
của địch, Lâm báo về TTHQ, chúng tôi liên lạc cố vấn Mỹ xin mấy phi
tuần cất cánh từ Căn cứ Cam Ranh đến đánh bom ngay khuya hôm ấy. Sau
đó cũng chính Lâm, chỉ huy Đại Đội Trinh Sát nhảy vào kiểm soát
chiến trường và truy kích địch. Đơn vị lại tạo thêm một chiến thắng
lớn, gần cả trăm xác địch bỏ lại, rất nhiều vũ khí các loại bị ta
tịch thu, trên mười tên bị thương bị ta bắt.
Lâm ngày một đam mê chiến trận. Chiến
trường như là những tảng nam châm cực mạnh cuốn hút lấy Lâm. Đại đội
nghỉ vài hôm là Lâm xin đi hành quân. Hành quân mà chưa đụng địch,
Lâm không về và đề nghị tái tiếp tế để bốc đi nơi khác. Thuộc cấp
cũng mệt vì Lâm, nhưng tất cả đều nể phục Lâm. Chính Lâm đã biến Đại
Đội Trinh Sát này trở thành đơn vị thiện chiến, lừng lẫy một thời.
Khi một lực lượng chiến xa Hoa Kỳ đến hoạt
động trong Mật Khu Lê Hồng Phong, một mật khu có địa thế khá rộng
lớn và hiểm trở của Cộng quân tại Bình Thuận, đã xin đích danh Đại
Đội Trinh Sát của Lâm biệt phái để phối họp, tùng thiết. Vị chỉ huy
lực lượng chiến xa này đã hết lòng ca ngợi Lâm và đề nghị ân thưởng
huy chương Hoa Kỳ cho Lâm.
Trong hơn ba năm làm đại đội trưởng, Đại
Đội Trinh Sát của Lâm đã tạo rất nhiều chiến thắng, mà tổn thất rất
ít. Số vũ khí và tù binh thu bắt được còn hơn cả số lượng chiến lợi
phẩm và tù binh của các tiểu đoàn trực thuộc. Lâm trở thành người
hùng của Sư Đoàn, được thăng cấp đại úy tại mặt trận, tưởng thưởng
khoảng 4, 5 ADBT với nhành dương liễu và nhiều ADBT với ngôi sao
vàng, bạc, 1 huy chương của Hoa Kỳ, 1 của Đại Hàn và tất nhiên có cả
Chiến Thương Bội Tinh. Qua bao nhiêu lần thoát chết trong đường tơ
kẽ tóc, Lâm khoe với tôi là nhờ đạn tránh nó. Mùa Hè 1972, Lâm ra
nắm Tiểu Đoàn 3/44, đơn vị đầu đời của Lâm và tôi. Lâm đã góp rất
nhiều chiến công để có được một “Kontum Kiêu Hùng.” Tháng 6/1973,
Lâm được chọn làm “chiến sĩ xuất sắc của Quân Đoàn” để về dự tiệc
khao quân trong Dinh Độc Lập nhân ngày Quân Lực 19/6, nhưng chưa đến
ngày đi thì tử trận. Lâm đã hy sinh tại phía Bắc Kontum, khi cùng
toán thám báo đi thám sát địa thế đóng quân trên một cao điểm. Do
một thằng em vướng phải mìn Claymore của một đơn vị bạn triệt thoái
trước đây, không kịp thu hồi. Thằng em thì chỉ bị thương mà ông thầy
thì lãnh đủ. Cái chết thật xót xa, đáng tiếc đối với một người từng
tạo nên nhiều chiến thắng lẫy lừng, và biết bao lần vào sinh ra tử
như Lâm.
Ngày Lâm
chết, tôi không có mặt ở đơn vị, vì đang nghỉ phép đặc biệt ở Nha
Trang. Tôi ghé vào Trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế, tìm Nguyễn Tấn Hưng,
một người bạn cùng khóa, cùng Trung Đội 14 SVSQ, rất thân thiết với
Lâm và tôi, được bổ nhậm về quân trường này, và khi ấy đang là
Trưởng Phòng Điều Hành. Hưng đón tôi vào văn phòng rồi đóng cửa lại.
Hai thằng ôm mặt khóc.
Tôi nhớ tới một người bạn cùng khóa khác,
Phù Văn Vũ, cũng về Sư Đoàn 23, cùng
trung đoàn nhưng ở tiểu đoàn khác. Thỉnh thoảng, những ngày nghỉ
quân, chúng tôi gặp nhau, rủ đi uống rượu. Sau khi lên trung úy, và
bị thương trong một trận đánh ở Lâm Đồng, Vũ được theo học một khóa
CTCT ở Sài Gòn. Mãn khóa được về Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn làm Sĩ quan
Tâm Lý Chiến. Vũ có nét lai Tây, cao lớn, thuộc hàng “bô” trai, tính
tình vui vẻ dễ thương, nên ai cũng quý. Và cũng là một cao thủ
“nhậu”. Trong những cuộc so tài uống rượu, Vũ luôn chiếm giải quán
quân. Lúc ấy trong toán cố vấn Mỹ có Thiếu tá Davis rất chịu chơi,
cung cấp đủ thứ whisky, nên rượu không bao giờ cạn. Là dân Sài Gòn
chính hiệu, gia đình mấy đời ở gần khu cầu chữ Y, thỉnh thoảng chị
Vũ dắt con ra thăm và làm nhiều món ngon cho chồng đãi bạn bè. Chị
vừa đẹp vừa hiền lành bặt thiệp, nên ai cũng quý. Lúc ấy vợ chồng có
hai đứa con, một gái một trai, khoảng 8, 7 tuổi, xinh xắn, lễ phép,
dễ thương. Lên đại úy một thời gian, Vũ xin ra tiểu đoàn để giữ chức
vụ tiểu đoàn phó. Mấy tháng sau đi học Bô Binh Cao Cấp rồi thuyên
chuyển về Vùng 3. Chúng tôi mất liên lạc nhau từ đó.
Sau tháng 4/75, khi có thông báo của cộng
sản (Ủy Ban Quân Quản Sài Gòn) kêu gọi đi “trình diện học tập cải
tạo”, tôi đến địa điểm Trường Đại Học Kiến Trúc. Khi xếp hàng chờ
ghi danh làm thủ tục, thấy phía đằng trước có một người chống hai
cái nạng gỗ. Khi anh ta quay mặt lại, tôi nhận ra Phù Văn Vũ. Trong
cảnh sa cơ cá chậu chim lồng này mà gặp được một người bạn thân thì
mừng vui lắm. Hai thằng dặn nhau phải luôn đi chung. Đặc biệt Vũ rất
cần tôi phụ giúp băng bó, chữa trị vết thương. Bọn tôi bị đưa tới
trại tù An Dưỡng (Biên Hòa), may mắn ở cùng một nhà, một tổ. Vết
thương khá lớn ở chân phải của Vũ vẫn còn mưng mủ, tôi trở thành “y
tá” riêng cho Vũ, rửa vết thương và băng bó mỗi ngày. Theo lời Vũ
kể, vào cuối tháng 3/75, lúc ấy đang làm tiểu đoàn trưởng thuộc Sư
Đoàn 25 BB, Vũ bị thương nặng ở đầu gối chân phải do đạn pháo của
địch. Ngày 1 tháng 5, đang điều trị ở TYV Cộng Hòa thì bị VC đuổi
ra. Về nhà may mà bà xã săn sóc thuốc men chu đáo nên mới khá được
như hôm nay.
Vì
phải chống nạng, nên Vũ không phải đi lao động, (khi ấy bọn tôi phải
đi tháo gỡ kẽm gai và mìn trong hàng rào phi trường Biên Hòa), chỉ ở
nhà quét dọn nhà ở, nhà bếp và hội trường. Không đủ thuốc men, nên
vết thương kéo dài, cho mãi đến tháng 6/1976, khi lên tàu sông Hương
ra Bắc, vẫn chưa lành hẵn.
Khi xuống tàu để lên bến Hải Phòng, thấy
tôi đi chung và xách ba-lô cho Vũ, một tên bộ đội kéo tách chúng tôi
ra, giữ Vũ lại và bảo tôi phải đi xuống trước, mặc dù tôi đã năn nỉ
xin được đi chung để giúp đỡ Vũ trong tình trạng vết thương chưa
lành và đi đứng khó khăn, nhưng hắn không cho mà còn nạt nộ.
Tôi bị đưa về Trại 3 (Hang Dơi) nằm cực
bắc Yên Bái thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn lúc ấy. Sau một thời gian,
trong một lần đi xuống kho tổng trại ở Nghĩa Lộ để vác gạo về cho
trại, thấy một người chống nạng, chăn bầy bò bên đường, tôi nhận ra
Vũ với đôi chân thấp cao, khập khiễng. Bất ngờ gặp lại nhau, cả hai
thằng đều mừng mà ứa nước mắt. Vũ cho biết đang ở Trại 8, và vì phải
chống nạng nên được cho chăn bò của trại. Khi tên vệ binh thúc tôi
phải đi, Vũ kịp đưa cho tôi một gói nhỏ. Tôi bỏ nhanh vào túi áo.
Khi dừng lại nghỉ trưa trên ngọn đèo cao, mở ra tôi thấy một cái
bánh nướng làm bằng bột sắn (khoai mì), tôi vừa ăn vừa lau nước mắt.
Trại 3 của tôi cách Trại 8 của Vũ khoảng
hơn hai mươi cây số, đặc biệt phải đi qua một cái đèo rất cao. Mỗi
lần đi vác gạo, bọn tù chúng tôi khốn khổ bởi cái đèo này. Không
biết tên gì, nhưng bọn tôi gọi đó là “Đèo Bá Thở.” Ba tháng sau,
trong chuyến đi vác gạo kế tiếp, tôi lại được gặp Vũ, lần này thì cả
hai thằng mừng rỡ, nhưng đứng cách nhau khá xa, chỉ kịp gọi tên và
vẫy tay chào. Rồi ba tháng sau nữa, cũng trong một chuyến đi lấy
gạo, khi gần đến khu Trại 8, thấy bầy bò từ xa, tôi háo hức để được
gặp lại Vũ, nhưng khi người chăn bò đưa tay chào các bạn tù, tôi
ngạc nhiên vì không phải Vũ, mà lại là một người khác, khá già, râu
tóc bạc phơ. Anh cho biết là Vũ đã chết trước đó hơn một tháng, do
bệnh kiết lỵ mà không có thuốc chữa. Tôi bỗng thấy đau nhói trong
lòng, và bâng khuâng nghĩ tới vợ con Vũ, bởi lúc ngồi trên tàu Sông
Hương ra Bắc, Vũ đã buồn bã nói với tôi, các con còn quá nhỏ, ngày
Vũ đi vào tù, nhà không còn tiền và cũng chẳng có tài sản gì đáng
giá, rồi không biết vợ con sẽ phải sống ra sao. Khi ấy tôi chỉ còn
biết lấy hoàn cảnh tương tự của chính mình để an ủi Vũ.
Một hôm vào khoảng đầu năm 2007, trong một
dịp sang Cali, tôi bất ngờ gặp lại một người bạn tù khá thân. Anh
đang hợp tác trong tổ chức nhân đạo của cựu tù Thiếu tá Nguyễn Đạc
Thành, nhằm tìm kiếm mồ mả, hài cốt của những anh em chết ở các trại
tù miền Bắc. Tôi hỏi ngay đến Phù Văn Vũ, và quá đỗi ngạc nhiên khi
anh bạn cho biết đã tìm ra được mộ của Vũ và cũng đã liên lạc với vợ
con Vũ để về Việt Nam bốc mộ. Anh bạn còn cho tôi xem tập hồ sơ, có
cả hình ảnh của Vũ lúc còn trong quân ngũ, và hình của ngôi mộ hoang
phế trong núi rừng Việt Bắc với tấm bia xám xịt còn lờ mờ mấy chữ:
Phù Văn Vũ chết ngày 23/8/1977 (chỉ sau một năm chuyển ra Bắc). Vợ
con Vũ đã may mắn được sang định cư ở Hoa Kỳ theo diện HO và đang
sinh sống ở Tiểu Bang N. Carolina. Trong hồ sơ có ghi số điện thoại
con trai lớn của Vũ. Tôi liên lạc hỏi thăm và nói chuyện mấy lần.
Sau đó, vì chị Vũ không được khỏe, nên cháu Nguyễn Ngọc Thị Hương,
cô con dâu trưởng của Vũ đã theo tổ chức này về VN phối họp cùng cô
con gái lớn của Vũ (còn ở lại VN) bốc mộ Vũ vào ngày 26/2/2007 và
mang tro cốt về cải táng tại Hoa Kỳ.
Tôi nhớ tới Trần Ngọc Thăng, thằng bạn
cùng Khóa 18 khác và cũng là bạn học cùng truờng ở Nha Trang lúc
trước. Ra trường, Thăng tình nguyện về Biệt Động Quân. Khoảng ba năm
sau tôi bất ngờ gặp nó mang ba–lô về trình diện trung đoàn tôi tại
Sông Mao. Đúng lúc các đơn vị đang nghỉ dưỡng quân, tôi gọi tất cả
đám bạn cùng Khóa 18 về Câu Lạc Bộ đón mừng nó. Khi ấy cả bọn tôi
đều đã lên trung úy, chỉ duy nhất có Thăng còn mang thiếu úy. Hỏi ra
mới biết chàng ta từ quân lao mới chuyển ra Đơn Vị 2 Quản Trị và
được bổ sung về đơn vị tôi. Thăng bảo, mới vừa lên làm đại đội
trưởng BĐQ thì đụng độ với ông tiểu đoàn phó khi ông chửi thề và tát
tai một anh chuẩn úy mới ra trường, trung đội trưởng của Thăng. Đang
cãi nhau thì bất ngờ bị ông đá thúc vào ống chân thách thức, nên sẵn
súng trên tay Thăng bắn một phát vào bàn chân ông. Bị 30 ngày trọng
cấm và ra Tòa Án Quân Sự lãnh tám tháng tù. Không biết có phải vì lý
do này mà suốt thời gian ở đơn vị, ngoài những bạn cùng khóa, Thăng
không chơi với ai. Tình nguyện về làm đại đội phó Trinh Sát. Hơn một
năm sau được thăng cấp trung úy, Thăng xin ra nắm đại đội ở Tiểu
Đoàn 2. Đầu năm 1973, khi đang làm tiểu đoàn phó TĐ3 cho Trần Công
Lâm, Thăng được bổ nhậm làm tiểu đoàn trưởng TĐ 2/44 trong một
trường hợp khá đặc biệt. Thời gian còn làm đại đội trưởng, hành quân
ở khu vực Di Linh – Đức Trọng, Thăng quen biết một nữ sinh sắc tộc
Thái Trắng, khá xinh, nhưng mãi đến đầu năm 1974 hai người mới làm
đám cưới và một đứa con trai ra đời trong những ngày cuối tháng Tư
buồn. Trong lúc Thăng bị tù ngoài Bắc, ở nhà vợ Thăng treo cổ tự
vẫn, đứa con trai được giao lại cho bà nội nuôi nấng. Theo người nhà
kể lại, khi chết, vợ Thăng mặc chiếc áo dài trắng thuở còn đi học và
có để lại một lá thư, nhưng bị công an tịch thu nên không ai biết vợ
Thăng đã viết những gì trong đó. Ra tù vài năm, Thăng đưa mẹ, hai cô
em gái và đứa con trai vượt biển. Đến Mỹ, định cư ở San Jose, Thăng
nhờ mẹ chăm sóc đứa con thơ để vừa đi làm vừa đi học. Mỗi lần nói
chuyện trong điện thoại, tôi đều ca ngợi Thăng có chí, nó cười bảo:
“tao vùi đầu vào sách vở là chỉ để được quên, không muốn có chút thì
giờ nào để phải hồi tưởng hay suy nghĩ điều gì”. Cuối cùng nó cũng
lấy được bằng Cao Học Tâm Lý (Master of Psychology) và tìm được việc
làm lương cao, ổn định. Bạn bè ai cũng khen và mừng cho nó. Bao
nhiêu tình thương Thăng dồn hết cho mẹ và đứa con trai. Nó bảo mẹ nó
đã một đời tảo tần nuôi nấng cưu mang mấy anh em nó từ lúc còn tấm
bé, di cư từ Bắc vào Nam năm 1954. Do lời khuyên nhủ của mẹ, Thăng
tục huyền. Cô vợ nhỏ hơn nó khá nhiều tuổi, quen nhau lúc cả hai
cùng là sinh viên ở một trường đại học Mỹ, cũng là ái nữ của một cựu
thiếu tá ở Sư Đoàn 7 BB. Vẫn cái tính như ngày xưa, Thăng sống khép
kín, ít giao tiếp với bạn bè, nhưng với vợ chồng tôi, Thăng luôn
dành một tình cảm đặc biệt. Mỗi lần sang Mỹ, chúng tôi đều ghé lại
thăm, và vợ chồng Thăng luôn giữ lại nhà vài hôm. Vợ Thăng cũng rất
hiền lành, vui vẻ và hiếu khách. Đầu năm 2007, mẹ già ngã bệnh, vợ
chồng Thăng đã hết lòng lo chữa chạy, nhưng vì tuổi già sức yếu,
không chống chọi nổi bệnh tình, bà đã quy tiên. Biết Thăng rất đau
lòng, từ Bắc Âu tôi bay sang với Thăng, và chạnh lòng khi nhìn thấy
Thăng tiều tụy, chán chường. Trong dịp này, tôi lại biết thêm một
nỗi buồn khác, cũng rất to lớn của Thăng. Đứa con trai duy nhất mà
Thăng hết mực cưng chiều yêu quý, như muốn làm vui lòng người vợ bất
hạnh ở dưới suối vàng, đã bỏ học và có con với một cô bạn gái cùng
lớp trong high school, khi cả hai còn ở tuổi vị thành niên. Thăng
giấu tôi chuyện này. Chỉ thỉnh thoảng than với tôi là không còn
thiết tha gì nữa và hối tiếc là ngày xưa không được chết trên chiến
trường. Tôi vừa an ủi vừa đùa, bảo Thăng đã học nhiều năm về Tâm Lý,
sao không “lấy sở tồn ra làm sở dụng.”
Bỗng một hôm được tin Thăng chết. Chết một
cách đau đớn. Thăng dối vợ, bảo đi thuê hộ khách sạn cho một người
bạn từ tiểu bang khác tới. Nhưng thực ra Thăng đi thuê phòng trong
một khách sạn nhỏ ở gần nhà, rồi ở đó dùng súng bắn vào đầu mình tự
sát, sau khi viết mấy lá thư để lại trên bàn. Tôi nhận được lá thư
Thăng viết cho tôi, do Cảnh sát giao lại. Nét chữ ngay ngắn, đẹp đẽ,
chứng tỏ Thăng rất bình tĩnh trước khi tự kết liễu đời mình:
“Xin lỗi mày, tao đi trước mà không kịp
chia tay với mày. Bọn mình rồi sẽ như những con chim đã đến lúc phải
bay về với núi rừng thuở trước. Thôi thì tao đi trước để dọn chỗ cho
bọn mày, những thằng bạn thân thiết, đã từng sống chết với nhau. Chỉ
có một điều tao tiếc và ân hận là đã không đựợc chết một cách oai
hùng ở chiến trường như thằng Lâm, thằng Bê, anh Tài, anh Đức...”
Đọc xong, thấy đau đớn trong lòng tựa hồ
như đang có nhiều vết chém, vậy mà không hiểu vì sao tôi không khóc
được.
Tháng Tư
này, nhân dịp tiễn đưa đồng môn Võ Văn Khoa về miền miên viễn, nhớ
tới bạn bè, bỗng tôi nghĩ thật nhiều đến ba cái chết của ba người
bạn cùng khóa, cùng một đơn vị, và một thời rất thân thiết. Ba cái
chết trong ba thời điểm và hoàn cảnh khác nhau. Một thằng đánh giặc
nổi danh rồi chết tại chiến trường, một thằng luôn yêu đời, vui vẻ
hiền lành bị chết trong tù với đôi chân tàn phế, và một thằng từng
ngang dọc một thời, sống bất cần, ba chìm bảy nổi, vượt thoát thành
công, đỗ đạt trên xứ người, cuối cùng bắn vào đầu mình tự vẫn. Ba
cái chết khác nhau, nhưng chỉ có một nguyên nhân duy nhất: hậu quả
của một cuộc chiến bất hạnh, và chúng tôi lại là những chiến binh
bất hạnh nhất.
Trong nỗi xót xa, tôi thầm cầu mong không còn phải chứng kiến những
tranh chấp, bất đồng, hơn thua giữa những người anh em từng một thời
xuất thân từ một mái quân trường hay cùng chiến đấu, sống chết bên
nhau trên các chiến trường lửa đạn. Chẳng lẽ cả một đời binh nghiệp,
cuối cùng chúng ta chẳng còn giữ lại được điều gì, ngay cả cái tình
đồng môn, huynh đệ? Tôi cũng thật đau lòng khi biết có những người
đã vội quên mình từng một thời là lính, sống thản nhiên vô tâm trước
nỗi đau của quê hương đất nước, và quên cả món nợ máu xương mà mình
chưa trả được một chút gì cho đồng đội anh em.
Tôi bỗng chạnh lòng khi nhớ tới một đoạn
đã đọc được từ khá lâu trong “Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh”, tác
phẩm viết về chiến tranh nổi tiếng của nhà văn Erich Maria Remarque:
“... Rồi mọi người sẽ không hiểu được chúng tôi... Chúng tôi sẽ trở
thành một thứ thừa thãi ngay cả đối với chính mình, chúng tôi sẽ
ngày càng già đi, một số có thể hội nhập được với cuộc sống mới, một
số khác sẽ nhẫn nhục mà sống, và hầu hết là sống trong nỗi bàng
hoàng đau đớn. Ngày tháng sẽ trôi đi và cuối cùng chúng tôi sẽ rơi
vào tàn lụi”.
Không! Chúng tôi, dù là những người lính trừ bị, nhưng đã hiến cả
đời mình cho quân đội, cho Tổ Quốc, luôn ngẩng cao đầu hãnh diện đã
góp phần bảo vệ quê hương và phát huy giá trị tự do nhân bản. Chúng
tôi đã từng sống chết hết lòng với đồng đội anh em, và chiến đấu
bằng tất cả danh dự cùng cả trái tim mình.
Cuộc chiến bất hạnh khi người bạn đồng
minh đành đoạn quay lưng, để phải kết thúc trong đớn đau, tức tưởi:
“phía man rợ đã thắng”, lời của chính bà Dương Thu Hương, một nhà
văn, một cán binh cộng sản đã từng xác tín. Và một chế độ được dựng
lên bởi một đảng cướp man rợ, độc tài, sống hèn mạt, phè phỡn trên
nỗi thống khổ oán than của dân tộc cùng sự điêu linh của đất nước,
sẽ không thể tồn tại lâu dài. Lịch sử dân tộc nhất định sẽ có ngày
viết lại những chiến công vinh quang hiển hách, và cả những hy sinh,
đau đớn, khổ nhục mà thế hệ chúng tôi đã từng đạt được, trải qua,
trong một giai đoạn bất hạnh và đau thương nhất của dân tộc.
Phạm Tín An Ninh
(Mùa Quốc Hận 2019)
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
Dù T–10
SĐND–QLVNCH
dùng trong thời chiến
|
Hình nền: Lũy Tre Làng. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by ptan chuyển
Đăng ngày Thứ Ba,
September 17, 2019
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang