Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tùy
Bút
Chủ đề:
Muà TẠ ƠN
Tác giả:
Nguyễn Văn Thông
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Vài
tuần trước lễ Tạ Ơn, thằng con lớp ba mang niềm vui về cho chúng
tôi. Nó viết một câu chuyện rằng, trong dịp lễ Thanksgiving cả
nước Mỹ sẽ ăn gà tây nướng. Hằng triệu con gà tây sẽ bị ăn thịt.
Nó buồn lắm vì thương gà tây bị giết. Nó bàn với thằng bạn Da Đỏ
tìm cách cứu gà tây. Buổi tối trước ngày Thanksgiving chúng nó đi
rình mở lồng để giải thoát những con gà tây bị nhốt, và đền bù
cho chủ bằng những quả pumpkin (bí vàng) và corns (bắp ngô)!
Câu chuyện của nó được cô giáo soạn
thành một kịch ngắn diễn cho cả trường coi trong buổi văn nghệ
mừng Thanksgiving. Dĩ nhiên tác giả của câu chuyện được đóng vai
chính.
Đã 30
năm, kỷ niệm ấy còn gợi niềm vui trong chúng tôi, đặc biệt những
năm con vắng nhà trong dịp lễ. Năm nào chúng tôi cũng chờ mong
các con – những cánh chim tìm về tổ ấm. Nhưng chúng tôi cũng biết
rằng các con đã có tổ ấm của riêng chúng, có bao nhiêu hoàn cảnh
ngoài ý muốn. Thế nên kỷ niệm bao giờ cũng là kho tàng để nâng
niu. Không thiếu những năm xưa, các con mang bạn về nhà ăn lễ Tạ
Ơn. Ngoài các món truyền thống là gà tây đút lò, khoai tây
nghiền, cranberry sauce... các món Việt bao giờ cũng làm những
đứa bạn Mỹ của các con say mê và cám ơn luôn miệng, ao ước được
trở lại vào năm sau!
Nhưng chúng tôi lại không chuộng thịt
gà tây cho mấy. Đã cố gắng thay đổi gia vị, cách ướp, và cách nấu
nướng nhưng chúng tôi vẫn không thấy hợp miệng cho lắm. Cho tới
một năm, gia đình anh chị bạn mời chúng tôi ăn mừng lễ, và bảo
đảm món gà tây nhà anh chị làm sẽ ngon khỏi chê! Với cảm nghĩ
được mời ăn Lễ Tạ Ơn cách đặc biệt, chúng tôi thêm phần háo hức
buổi sáng thức dậy chuẩn bị đi nhà thờ dự Lễ Tạ Ơn.
Chúng tôi chưng diện áo quần để đến nhà
thờ. Hôm nay lễ chung với cộng đoàn Mỹ. Một năm thỉnh thoảng mới
có thánh lễ chung với họ, đặc biệt là lễ Tạ Ơn. Cho nên sự chuẩn
bị cũng đặc biệt ở mọi mặt. Tham dự thánh lễ, chúng tôi cảm nhận
được nhiều hơn ý nghĩa và cảm xúc của ngày lễ mang lại.
Có nhiều bài thánh ca tạ ơn có thể hát
trong dịp này nhưng tôi chọn bài Tán Tụng Hồng Ân của Hải Linh và
Vũ Đình Trác quen thuộc cho cả cộng đoàn Việt hát chung có ca
đoàn làm nòng cốt. Bài hát này còn giữ mãi kỷ niệm của chúng tôi.
Hơn 40 năm trước, mỗi lần hát đến câu “Chúa cho con trời mới, đất
mới, đường đời con đổi mới” niềm cảm xúc của cuộc thảm nạn 1975,
cuộc sống trên quê hương điêu tàn sau đó, và cuộc vượt thoát tìm
tự do tràn về lòng tôi đến mức nghẹn ngào. Con gái chúng tôi khi
mới biết ngồi, chưa biết nói, vốn rất thích nghe nhạc, mỗi lần
nghe đến câu đó là òa khóc. Thật lạ lùng về mối thần giao cách
cảm trong tình ruột rà, máu mủ. Về sau, mỗi khi cháu ngồi đàn cho
ca đoàn hát bài này, tôi thường trộm nhìn xem niềm cảm xúc của
con mình ra sao. Cũng xin cảm ơn tác giả của bài hát đã gói ghém
những tâm tình, cảm xúc của chúng tôi trong đó.
Chúng tôi chở tâm tình ấy và bao tâm
tình của ngày lễ đến nhà bạn. Cuối tháng 11, mới vào thu mà thời
tiết Boston đã co ro lạnh, cây bên đường trụi lá đứng run rẩy
trong gió thoảng. Dù là ngày nắng sáng, da trời trong xanh phản
chiếu trên mặt hồ lấp lánh, gió vẫn quyệt vào mặt những mơn trớn
lạnh buốt. Có sự thay đổi thời tiết còn lớn hơn nữa vào mùa này
là ngày ngắn đêm dài. Nắng có sáng đẹp đến đâu thì cũng mau tắt.
Trời bắt đầu nhá nhem vào khoảng 4–5 giờ chiều. Nhiều khi một
đoạn đường, lúc đi trời còn sáng, lúc quay về đã tối dù chỉ cách
nhau chưa tới nửa giờ.
Nhưng trong cái lạnh có đầm ấm, trong
vội vã có gần gũi nương tựa. Anh chị bạn chúng tôi đang eo xèo
bếp núc ở một góc sân đậu xe. Mấy đứa bé lo bày bàn và trang
hoàng trong nhà. May quá, chúng tôi đến kịp để quan sát học hỏi
cách làm món chính, món gà tây. Con gà tây khoảng 20 lbs đã được
chị bạn ướp trước một ngày. Ướp thế nào, các món gia vị ra sao là
phần của các cô trao đổi với nhau. Niềm vinh dự của tôi là được
anh bạn chia công tác dùng chỉ gai bố giúp khâu bụng con gà vào
sau khi anh đã bỏ các đồ nhồi thơm phức vào nó. Bây giờ chúng tôi
lấy dây cột nó lại, dùng một khúc cây làm đòn khiêng chuẩn bị thả
nó vào một nồi lớn đun nửa nồi dầu ăn đặt trên chiếc bếp kiềng
nấu bằng gas. Chiếc đòn quả có công dụng tránh cho chúng tôi được
những bọt dầu sôi bắn lên.
Thì ra người Mỹ đút lò nướng còn anh
chị bạn chúng tôi deep fry (chiên ngập) cả con. Nhờ chiên, lớp da
giòn sốp chứ không giòn cứng, trong khi lớp thịt bên trong mềm và
giữ được nhiều nước gia vị thơm ngon, đấy là chưa kể thứ gia vị
hợp với khẩu vị của người mình. Lớp da nâu bóng và mùi thơm bốc
lên nghi ngút làm những cặp mắt già và trẻ đều long lanh và cặp
môi lóng lánh.
Bàn tiệc từ khăn bàn, chén bát đến chậu
hoa được các cháu trang hoàng đúng ý nghĩa với màu sắc của Lễ Tạ
Ơn. Chậu hoa là những trái bí nhỏ đủ hình thù và màu sắc, cả
những trái bắp hạt tím, vàng, trắng của người Da Đỏ. Con gà tây
chiên được đặt trên khay giữa bàn. Các món ăn với gà gồm khoai
tây nghiền, bắp, nước sốt, thạch cranberry... để bên cạnh rồi mới
đến các món thịt bò nướng, hầm, và cá hấp. Mấy đĩa rau dòm thật
khiêm tốn.
Đã
đến lúc nhập tiệc. Anh bạn sau lời chào mừng là đẩy cho tôi nói
vài lời về Lễ Tạ Ơn. Anh bảo tôi ở nhà thờ nhiều thì phần này là
phần của tôi. Anh chỉ đi chùa năm có một lần nên... bù trất! Tôi
vội vàng làm phận sự cho nhanh để mọi người và nhất là các cháu
được thoải mái hoạt động. Mắt chúng nó đã đảo quanh bàn tiệc mấy
vòng rồi. Tuy nhiên nói ít thì nói, tôi cũng không thể quên nhắc
mọi người có tâm tình tạ ơn đối với Chúa trời đất, gia đình và xã
hội về bao ơn huệ và sự che chở. Cuối cùng là nhớ tới những người
kém may mắn mà chúng ta phải chia sẻ, giúp đỡ trong đó có cả bà
con bên Việt Nam.
Bây giờ là lúc mọi người thoải mái hoạt
động hết công xuất – tay, mắt, miệng kết hợp nhịp nhàng, nhất là
từ sáng sớm tới giờ chưa có gì bỏ bụng. Tiếng cười nói xen với
tiếng muỗng dĩa y như ngày Tết. Rồi tốc độ sinh hoạt cũng tới lúc
chậm lại, đã đến lúc anh bạn đằng hắng lên tiếng:
– Nè xấp nhỏ tụi con, mình ăn bữa Tạ Ơn
sắp no bụng rồi, nhưng còn món tráng miệng nữa nghe. Mà trước khi
ăn món tráng miệng, tới lần tụi con sẽ nói mình cảm ơn điều gì
trong ngày Lễ Tạ Ơn hôm nay đó.
Con Út mẫu giáo trả lời liền:
– Con ăn gà tây no bụng rồi, con không
ăn bánh cái gì đâu!
Mọi người cười nắc nẻ. Nhưng rồi các
cháu lớn bắt đầu lần lượt nói lời cảm ơn về một điều gì đó như
các cháu đã được dạy ở trường. Con cảm ơn Mẹ nấu cơm... Cảm ơn Ba
chở con đi chơi banh... Cảm ơn Anh... Cảm ơn Chị... Cảm ơn Em...
Rồi các cháu bé bắt đầu tranh nhau làm theo... Bầu khí thật tuyệt
vời. Đơn giản thôi nhưng sẽ là những ấn tượng khởi đầu về lòng
biết ơn cho cả cuộc đời. Bữa tiệc Tạ Ơn hôm nay đẹp thua gì ở
những bức danh hoạ về Lễ Tạ Ơn trong sách vở. Anh chị bạn chúng
tôi thật tuyệt.
Sau khi con nít kéo nhau tới phòng
khách coi chương trình ngày lễ trên TV, rồi từng nhóm chơi trò
chơi thì người lớn vẫn còn chuyện trò quanh bàn ăn bây giờ chỉ có
những đĩa trái cây và trà nóng. Trong câu chuyện bỗng có người
nói chuyện gà tây, hỏi có ai biết dịp Lễ Tạ Ơn nước Mỹ ăn bao
nhiêu gà tây không. Chẳng ai nói được con số chính xác. Mấy cậu
trẻ nhanh nhẹn móc điện thoại ra tra Google. Chỉ riêng ở Mỹ, hơn
300 triệu dân tiêu thụ 46 triệu con gà tây trong lễ Tạ Ơn. Nghĩa
là 46 triệu con bị giết để dân Mỹ “tạ ơn”.
Anh bạn nhìn tôi. Không biết anh nghĩ
gì nhưng trong tôi thấy có vấn đề lớn rồi đây, thực tiễn va chạm
tôn giáo. Giết là hành vi tàn ác. Dùng ác để làm thiện làm sao
được? Ở đây ta giết gà, heo, bò, cá... để tạ ơn, để ăn Tết, vậy
trong trường hợp mạng sống con người được dùng cho một mục đích
“tốt” nào đó thì sao, có được không? Nếu được thì ai là người có
quyền quyết định, ai là người phải hy sinh trong xã hội văn minh
dân chủ trọng nhân quyền không cộng sản, không độc tài hay phong
kiến này?
Một
ai đó nói:
–
Chắc mình phải ăn chay quá!
Người khác lại nói:
– Bộ ăn chay không sát sinh sao? Rau củ
quả đều có sự sống. Ăn nó là giết nó, là sát sinh rồi! Không
những rau củ quả có sự sống mà hàng hà vi sinh vật bám vào nó
cũng bị sát sinh luôn!
– Chết cha! Vậy là mình không được ăn
gì cả! Uống thôi được không?
– Không được, vì trong nước có hàng tỉ
sự sống!
Hai
giây im lặng, rồi một giọng nổi lên:
– Vậy mình đun sôi lên trước khi uống.
Chắc ăn!
Mọi
người cười ồ, giải thoát được bầu không khí đang ứ đọng. Nhưng
vấn đề vẫn còn đấy. Anh bạn thỉnh thoảng lại nhìn tôi như dòm
chừng xem đã đến lúc có thể đẩy khối đá về phía tôi được chưa.
Tôi đành phải lên tiếng.
Nói chung con người vốn có niềm tin,
tin nơi mình, nơi người thân, tin xã hội, và tin thần linh. Tin
thần linh là bắt đầu một niềm tin tôn giáo. Ở bước này đối tượng
của niềm tin tôn giáo có sự khác nhau tùy theo truyền thống gia
đình, dân tộc, xã hội, văn hoá, giáo dục. Có những người tự mình
tìm niềm tin cho mình. Mà đã tin là sống theo điều mình tin, khó
thay đổi và dễ va chạm trừ khi mình cởi mở, tôn trọng lắng nghe
để thấy những điều tâm linh quí giá có khi rất gần gũi không xa
với niềm tin của mình.
Dân tộc mình trước khi biết đến các tôn
giáo của thế giới thì đã tôn kính tổ tiên, thờ kính trời đất. Các
tôn giáo mà dân tộc Việt Nam tiếp nhận dễ dàng từ bắc xuống nam,
từ đông sang tây là vì các tôn giáo ấy có cùng một căn bản niềm
tin với chúng ta. Điều khác biệt là các tôn giáo ấy được đào sâu
hơn, khúc chiết ngọn ngành hơn.
Tôi có niềm tin Ki–tô giáo thì phần
khác biệt lớn là sự mạc khải. Dựa vào Thánh Kinh và lịch sử,
chúng tôi tin Thiên Chúa là Ông Trời, Đấng Tạo Hoá của muôn loài
muôn vật. Thiên Chúa mạc khải hay tỏ bày cho con người được biết
tình yêu của Ngài qua chương trình tạo dựng và cứu chuộc nhân
loại.
Riêng ở
phần tạo dựng thì sách Sáng Thế ghi rằng, sau khi tạo dựng vũ trụ
và muôn vật, “Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh của
Ngài, có nam có nữ.” Ngài chúc phúc cho họ rằng
“Các con hãy sinh
sôi nảy nở đầy mặt đất và thống trị nó. Hãy làm bá chủ cá biển,
chim trời, gia súc, dã thú và mọi giống vật trên mặt đất.” Thiên
Chúa còn phán: “Đây Ta cũng ban cho các con cây cỏ, hoa trái làm
lương thực.” (Sáng Thế 1:26–29).
Qua dòng thời gian, có nhiều cách cắt
nghĩa Thánh Kinh. Riêng giáo hội Công Giáo có sự thống nhất về
giáo lý. Và như thế, Ki–tô giáo tin rằng, trong muôn vật được tạo
dựng, chỉ có con người được mang hình ảnh của Thiên Chúa và được
trao quyền cai quản muôn vật. Muôn vật ấy dù Thiên Chúa nói là
tốt đẹp nhưng không có vinh dự như con người mà là để phục vụ và
theo quyền thống trị của con người.
Tuy nhiên quyền thống trị ấy không có
nghĩa là tàn sát hay huỷ hoại. Mỗi sinh vật trở nên hoàn hảo
trong sự phục vụ. Hoa cỏ cho dưỡng khí và vẻ đẹp, cây trái làm
lương thực, loài sinh vật này phát triển để phục vụ sinh vật khác
kể cả làm lương thực bằng thịt máu của chúng. Con người là chủ tể
được muôn vật phục vụ nhưng con người lại có bổn phận cai quản
cộng tác với Đấng Tạo Hoá sao cho muôn vật được hài hoà, phong
phú. Đến lượt con người thì cũng phục vụ: tôn kính Thiên Chúa và
yêu người để hoàn tất công trình tạo dựng của Ngài.
Vậy cho nên, trong niềm tin và văn hoá
Ki–tô giáo, việc ăn mừng Lễ Tạ Ơn là dịp để phát huy ý thức và
tâm tình biết ơn Trời, Đất, và Người. Gà tây được dọn trên bàn
tiệc trong ngày đại lễ hẳn là vinh dự hơn là chết già ở góc rừng.
Hoa được cắt trưng trên bàn thờ, trái cây được ăn làm chất bổ
dưỡng cho con người, và con người có sức sống để phục vụ lẫn nhau
xây dựng và làm đẹp thế giới, tôn vinh Đấng Tạo Hoá – Thiên Chúa
của vũ trụ.
Cảm ơn anh chị bạn chúng tôi, các em và các cháu về bữa tiệc Tạ
Ơn hoàn hảo.
November 19, 2023
Nguyễn Văn Thông
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by Nguyễn Văn Thông chuyển
Đăng ngày Thứ Tư, November 22,
2023
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang