Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tạp
Ghi
Chủ đề:
lính điện tử
Tác giả:
Trương Dưỡng
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Năm 1970, mỗi Sư Đoàn đều thành lập 1 Biệt
Đội Tác Chiến Điện Tử. Nhằm mục
đích gài các thiết bị điện tử
(gọi là Sensor) trong khu vực trách nhiệm; để kịp thời phát hiện
sự di chuyển, sự xâm nhập của địch; bằng sự gây chấn động
(Seismic Device) bởi các bước chân; nhiễu loạn điện từ (Magnetic
field); hoặc Nghe được âm thanh (Acoustic Device), Nhìn bằng tia
hồng ngoại tuyến (Infra–Red).
Khi địch di chuyển sẽ tạo ra chấn động
nhỏ trên mặt đất, vũ khí đi ngang qua máy sẽ gây ra sự nhiễu loạn
từ trường, địch nói chuyện hoặc tiếng động gần nơi đặt máy sẽ
được chuyển tín hiệu về đài kiểm báo. Tầm hoạt động trong vòng 25
cây số với ăng ten Định Hướng, nếu đài kiểm báo đặt trên đỉnh
núi, thì tầm hoạt động rất xa. Các máy Điện tử như Minicid thường
được chôn trên đường xâm nhập, mỗi máy cách nhau khoảng 100
thước, để thâu nhận tiếng động do bước chân của địch. Có những
loại máy được thả xuống từ phi cơ, máy này hình dạng giống như
trái bom tên là Asid, bề dài khoảng nửa thước, sau đuôi có cần
“Ăng ten” màu xanh lá cây. Khi phóng xuống máy sẽ ngập sâu dưới
đất chỉ ló đầu antenna lên thôi.
Ở đường mòn Hồ chí Minh, người ta thả
máy Asid và những máy phát hiện kim khí đi ngang qua (gây nhiễu
loạn từ trường), loại máy này hình dạng và màu sắc giống như viên
đá nhỏ. Máy Acousboy, Acoustic (?), được treo giấu ngụy trang
trên những cành cây, thân cây để thu nhận âm thanh. Hàng rào điện
tử Mac Namara dọc theo vùng giới tuyến được thiết bị bằng những
loại máy trên.
Có lần tại một vùng địch thường di
chuyển, ở phía Tây Đồi 50 (La Sơn) 5 cây số, cách phi trường Phú
Bài–Huế khoảng 14 cây số về hướng Nam, Đại úy Hà Thúc Mẫn, khóa
20 ĐL, Tiểu đoàn phó 4/54, chỉ huy lực lượng Action Force phối
hợp với Lữ Đoàn 2/101 Không Kỵ Hoa Kỳ, Mẫn đã tổ chức phục kích
bằng mìn định hướng Claymore. Anh đề nghị toán TCĐT đặt máy điện
tử Minicid (sensor) và mìn Claymore dọc theo đường (mà tin tức
tình báo nói địch thường hay di chuyển). Khi VC đi ngang qua, đài
kiểm báo phát hiện tín hiệu, Mẫn ra lệnh bấm nổ (bằng remote
control) hàng loạt mấy chục quả mìn. Ngay sau đó đơn vị đổ bộ
bằng 6 trực thăng vào lục soát và thu lượm được thành quả vô cùng
rực rỡ, hơn 30 vũ khí đủ loại nằm rải rác dọc theo bãi phục kích
bằng mìn định hướng này.
BĐ/TCĐT gồm có 11 Sĩ quan, 50 Hạ sĩ
quan và 10 binh sĩ:
Biệt Đội trưởng: Đại úy Trương Dưỡng
Biệt đội Phó: Trung úy Trương Ngọc Ẩn
Các Trưởng Toán TCĐT: Trung úy Lâm Vỹ,
Thiếu úy An, Tường, Tám, Ân, Trốn, Liên, Việt, và Chuẩn úy Chinh.
Kế Toán Trưởng: Thượng sĩ Cầu
Thường Vụ: Thượng sĩ nhứt Khánh
Thủ Kho: Trung sĩ Hùng
Thư ký: Hạ sĩ Nguyễn văn Hòa
Biệt đội trực thuộc Đại tá Nguyễn Thu
Lương, Trưởng P3.
Sau khi thành lập xong Biệt đội, tôi và
3 Sĩ quan Trưởng toán là An, Ân, và Liên được đi thụ huấn chuyên
môn tại Trường Truyền Tin ở Vũng Tàu. Khóa này quy tụ hầu hết
Biệt đội trưởng của các Sư Đoàn. Mỗi ngày chúng tôi ăn cơm chung
với Nghiêm và Vinh “Con” ở doanh trại TĐ6ND.
Có lần nhằm ngày thi cuối khóa, Phạm
Cảng, Tiểu đoàn phó Thủy Quân Lục Chiến, là bạn cùng Đại đội F
khi còn trong trường Võ Bị Đà Lạt, lấy xe Jeep chở tôi ra Bãi
Trước nhậu tôm càng tới gần say hắn mới chịu đưa về lại trường
Truyền Tin để thi Tổng Kết cuối khóa. Lúc ấy tôi đã ngà ngà, đầu
óc còn nhớ loáng thoáng. Thi xong trở ra cổng, thấy vị Tiểu đoàn
phó TQLC (Cảng làm Tiểu đoàn trưởng sớm nhất trong 25 bạn cùng
khóa ở TQLC) đang ngồi ngủ gục trên tay lái xe Jeep! Cảng chờ tôi
ra để chở đi nhậu tiếp.
Lúc ở trường Đà Lạt, mỗi sáng thứ hai
chào cờ, tôi đi kiếm, Cảng cầm cờ đại đội. 2 đứa cùng cao 1 thước
72 như nhau, có lẽ vì “Cờ kiếm hợp nhất”, nên khi ra trường lâu
ngày gặp lại, ý hợp tâm đầu, nhậu hoài không chán. Sau khi qua
Mỹ, mặc dù ở xa Florida, Cảng vẫn làm bài luận Anh Văn (essay)
nói về sự phấn đấu, khắc phục dầu thể xác bị thương tật của tôi,
làm cô giáo Mỹ hỏi thăm lia lịa.
Ngày mãn khóa, tôi lên đọc đôi lời phi
lộ, có lẽ vì họ nể nang đơn vị Nhảy Dù, nên cho đậu Thủ khoa của
khóa Biệt Đội Tác Chiến Điện Tử đầu tiên này. Về Sài Gòn, tôi mời
mấy anh Biệt Đội Trưởng tới nhà ăn cơm canh chua cá Bông Lau. Mọi
người đều tỏ ý khen tài nấu ăn của bà xã.
Biệt đội theo Bộ Tư Lệnh Sư đoàn tới
đóng quân ở căn cứ Trảng Lớn, Tây Ninh, để chuẩn bị mở cuộc hành
quân quy mô tấn công vào đầu não của Trung Ương Cục Miền Nam tại
bên kia biên giới Việt–Miên.
Lúc ấy Lonol nổi dậy cướp chánh quyền.
Tại làng Mi–mốt, lính Khmer tập trung dân Việt Nam giết hại,
thanh niên thì đập đầu thả trôi sông, thiếu nữ thì hãm hiếp xong
bắt làm người hầu như nô lệ. Có một thanh niên sau khi bị đập
đầu, thảy xuống nước được một lúc thì tỉnh lại. Nhờ làm nghề chài
lưới, nên anh lặn rất giỏi; anh dùng hơi tàn cố lội vào bờ bên
kia và chạy trốn về biên giới Việt Nam. Gặp lúc TĐ1ND đang hành
quân phía Bắc trại biên phòng Kà–tum, anh tới xin họ đem quân đi
giải cứu mấy ngàn đồng bào, sắp bị lính Khmer “Cáp duồn” sát hại
hết! Tiểu đoàn vội báo về BCH/LĐIND. Nhằm lúc Trung tướng Đỗ Cao
Trí đang họp với Đại tá Lữ Đoàn Trưởng và có sự hiện diện tướng
Đống, Đại tá Lương, Trưởng Phòng 3 SĐND. Mọi người đều đề nghị
tướng Trí tìm cách cứu giúp đồng bào mình.
Lúc ấy chưa có lệnh qua Miên, nên tướng
Trí chỉ thị TĐ2ND lập tức lợi dụng đêm tối, lấy trực thăng của VN
tại QĐIII chở quân (vì trực thăng Mỹ không dám thi hành khi chưa
có lệnh Tổng thống của họ). Khi 2 đại đội đầu tiên của TĐ2ND vừa
đáp xuống sân banh Mi–mốt, thì Trung tướng Trí cũng đáp trực
thăng xuống theo, làm Thiếu tá TĐP/TĐ2ND giật mình, sợ ông bị
nguy hiểm, nên báo cáo về LĐIND.
Tướng Đống thấy Trung tướng Trí vì nóng
lòng muốn cứu đồng bào mình mà không nề nguy hiểm, ông vội đốc
thúc các đơn vị lên tiếp ứng. Ông cùng Đại tá Lương cũng bay trực
thăng tới với Tướng Trí tại mặt trận luôn. Lính Khmer là loại ô
hợp, chỉ một thời gian ngắn đã bị bắt gọn. Lập tức LĐIND cho 1
Tiểu đoàn tiến từ Thiện Ngôn lên Smac, lo giữ đường cho xe vận
tải chở hằng ngàn đồng bào ta về bên này biên giới, để tránh bị
họ sát hại một cách quá dã man (điều đáng nói là Mi–mốt cũng gần
căn cứ địa an toàn của Tướng Trần văn Trà ở cục R, nhưng vì không
muốn mất lòng lính Khmer, nên VC nhắm mắt rút đầu để cho đồng bào
bị Cáp duồn, miễn sao cho họ được yên thân thôi). Vài tháng sau,
Tổng thống VNCH ra lệnh tấn công qua biên giới Việt Nam–Campuchia
phối hợp với Đồng Minh (sau khi đã được Tổng thống Nixon cho
phép).
LĐIND
được lệnh nhảy vào giải tỏa Kam Pong Cham, phối hợp với Tướng
Intam, Tổng Trấn kiêm Tư Lệnh Đệ Nhất Quân Khu, Kiêm Phó Chủ Tịch
Quốc Hội. Các Tiểu đoàn Dù tung quân ra đánh chiếm Peam Chikong,
Pretotung, và Trà Ơn (năm 1970). Có một bà lão kể cho Đại tá
Lương nghe là chính tên đầy tớ giúp việc cho bà đã rủ lính Miên
tới hãm hiếp con gái và bắt làm người hầu cơm nước, thật là nhục
nhã vô cùng!
Giống như cuộc đấu tố ngoài Bắc, trong chiến dịch ngụy tạo là Cải
Cách Ruộng Đất, nông dân vùng lên! Các tá điền tố điền chủ, học
trò tố thầy. Chính Trường Chinh, Tổng Bí Thư đảng CS đã đích thân
đứng ra tố cha mình, để dâng công với đảng! (Đảng viên CS cha mẹ
còn tố huống gì người dân xa lạ).
Trận này sào huyệt an toàn của Việt
cộng bị phá tan tành; dùng chiến thuật diều hâu di động chớp
nhoáng, khiến địch chạy phân tán tứ tung, không nơi trú ẩn, các
Tiểu đoàn Dù tịch thu rất nhiều chiến lợi phẩm; trong đó có đủ
thứ kho chứa quân trang, quân dụng, và hàng ngàn vũ khí, nhiều
chưa từng thấy trong cuộc chiến chống du kích tại Miền Nam Việt
Nam. Đây là một trận địa chiến quy mô, tập hợp các đơn vị thiện
chiến nhứt Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và Đồng Minh.
Sư Đoàn chia nhiều mũi dùi, tiến vô
vùng địch tại bên kia biên giới. Những mục tiêu quan yếu như Lò
Gò, Xóm Giữa, Smac, Krek, Snoul, Chup, Mimot, Damber... lần lượt
bị các Tiểu đoàn Dù và đơn vị Bạn (BĐQ, BB...) tấn chiếm. Tin tức
tịch thu chiến lợi phẩm được báo về tới tấp. Những vùng lâu nay
gọi là bất khả xâm phạm, bây giờ đã trở thành bình địa bởi pháo
binh, B52, Khu trục, và cuối cùng các Tiểu đoàn Nhảy Dù, TQLC,
Biệt Động Quân, SĐ25BB vào làm chủ tình hình. Trận này mất một vị
Tướng có tài đánh trận địa chiến. Cố Đại tướng Đỗ Cao Trí đã bị
tai nạn phi cơ, trực thăng chở ông vừa cất cánh tại phi trường
Trảng Lớn, đã bị nổ. Dân chúng ở Mi–mốt nhớ ơn vị tướng anh hùng,
cứu hàng vạn nhân mạng, nên đã tạc tượng thờ Tướng Đỗ Cao Trí tại
Đồn Điền Mi–mốt.
TRƯƠNG DƯỠNG
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by cathy chuyển
Đăng ngày Thứ Ba, June 25, 2024
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang