Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tự Truyện
Chủ đề: chiến trận sở nước–vĩnh hảo
Ngày QL/19/6/2024 – LIX/59

Tác giả: Nguyễn Tấn Hợi

TRẬN SỞ NƯỚC VĨNH HẢO, BÌNH THUẬN

Kỷ niệm Ngày Quân Lực VNCH thứ 59 (LIX)

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 


Tôi Nguyễn Tấn Hợi, cựu Trung úy, Đại đội trưởng Ðại Ðội 4/Tiểu Ðoàn 248/ÐP thuộc Liên Ðoàn 925 ĐP/BT, do Ðại tá Lại Văn Khuy làm Liên Ðoàn trưởng, phụ trách an ninh lãnh thổ 4 quận miền Bắc tỉnh Bình Thuận. Liên Ðoàn có 3 tiểu đoàn ĐP tác chiến: TÐ 248 ở Tuy Phong, TÐ 212 đóng tại Lương Sơn và TÐ 229 phụ trách vùng Hải Ninh.

Riêng TÐ 248/ÐP đóng tại Tuy Phong là quận cực Bắc Bình Thuận, từ Mũi Cà Ná vào đến Bầu Ðá giáp ranh quận Hòa Ða, trên một lãnh thổ phức tạp, đầy núi non, bãi biển, nhiều đảo và những cánh đồng mênh mông. TÐ có 4 đại đội tác chiến và 1 đại đội chỉ huy công vụ: ÐÐ1–Trung úy Hàm, ÐÐ2–Trung úy Qúy, ÐÐ3–Trung úy Ðức, và ÐÐ4 là tôi. ÐÐT/Chỉ Huy Công Vụ lúc bấy giờ là Trung úy Thức, trưởng Ban 3 là Ðại úy Tuân, phụ tá là Thiếu úy Thiện, trưởng Ban Truyền Tin là Trung úy Hải. BCH TÐ đóng tại cầu Ðại Hòa thuộc Quận Tuy Phong. Thiếu tá Nguyễn Văn Xuân, thuộc binh chủng LLDB về thay thế Thiếu tá Lê Văn Trung, là Tiểu đoàn trưởng cuối cùng.

Ngoài ra TÐ còn có Ðại úy Nguyễn Văn Ngọc, nguyên trưởng Phòng 2/TK Bình Thuận, không biết sao bị thuyên chuyển tới chốn này để ngồi chơi xơi nước. Sau tháng 5/1975, Ðại úy Ngọc bị tù tận miền Bắc và về Nam vẫn ở tù tại trại Z30 Hàm Tân gần 13 năm, giống như Phó tỉnh trưởng BT – Phạm Ngọc Cửu.

Ngày 15/4/1975, Ðại Ðội 4/248 ÐP nhận được lệnh trở về BCH/TÐ 248, trong lúc đang tăng phái hành quân cho TÐ 212 ở Lương Sơn, đóng tại đập Ðồng Mới, vì lý do áp lực địch tại khu vực này quá mạnh. Là một đơn vị tăng phái hành quân, Ðại đội của tôi lại đóng bên kia sông Lũy, nên chỉ tự lo lấy thân thôi, dù cách BCH của Liên Ðoàn 925 ÐP tại Lương Sơn khoảng vài cây số. Nói chung là không có được một sự tiếp viện nào ngoại trừ pháo binh và không quân yểm trợ khi cần thiết.

Sáng hôm đó, tôi rút ÐÐ qua sông và ở trên Quốc lộ 1 chờ phương tiện di chuyển. Chi khu Phan Lý Chàm có tăng cường cho 2 xe GMC chở quân. Tôi nghĩ cũng là chở một đại đội với quân số cùng trang bị đầy đủ mà chỉ có 2 xe thì làm sao chuyển hết? Tôi có hỏi thì được trả lời, rán mà sắp xếp sẽ có xe thêm. Lúc này thì cuộc chiến đã nóng bỏng rồi. Lệnh mà thôi, có bao nhiêu sử dụng bấy nhiêu.

Ðợt đầu tôi đem 2 trung đội và một tiểu đội viễn thám. Nói về tiểu đội viễn thám này tuy chỉ có 12 người nhưng có tầm vóc tác chiến bằng một trung đội. Chuyến đi phục kích và bảo vệ BCH/ÐÐ được trang bị súng đạn, truyền tin cũng như một trung đội, còn lại 2 trung đội tôi giao cho đại đội phó là Trung úy Ðạt để chờ di chuyển về sau.

Trên đường di chuyển về Tuy Phong tới Bầu Ðá ranh giới của Quận Hòa Ða và Quận Tuy Phong vắng vẻ thì bị phục kích. Tôi ở chiếc xe đầu và ngồi kế bên tài xế, khi súng nổ tôi thấy những trái B40 bay qua đầu xe, tài xế đạp thắng, tôi bèn rút cây Colt 45 ra và ra lệnh cho tài xế cứ chạy, cứ giữ vững tay lái, bằng một động tác cực nhanh tôi hất chân gas của tài xế để tự tôi đạp gas chạy hết tốc độ. Ðạn B40 vẫn tiếp tục băng qua đầu xe, tất cả binh sĩ trên xe đều nổ súng bắn trả. Nhờ ơn trên phù hộ, 2 chiếc GMC đã thoát được phục kích và chạy về BCH/TÐ, xe dừng tôi kiểm soát lại thì không có một ai chết hay bị thương, riêng cái bao đựng cây ăng ten bảy đoạn thì lủng hết không còn sử dụng được.

Sau khi nhận bổ sung đạn dược và lương khô, ÐÐ tôi, lại được lệnh tiếp tục di chuyển ra Cà Ná. Ðiều này cũng lạ, tôi tự nhủ, như vậy 3 đại đội kia đâu? Tại sao phải chờ tôi về để đem ra Cà Ná trong lúc chiến trường Phan Rang, đang dầu sôi lửa bỏng? Ðiều này đã làm cho tôi có suy nghĩ: “Ðã tăng phái ÐÐ tôi cho TÐ 212 đem tôi ra đóng quân tại đập Ðồng Mới, là một nơi đồng không mông quạnh chỉ có cây với những bãi đất khô cằn, không một ngọn cỏ mọc, rồi bây giờ họ chờ cho bằng được tôi về rồi thảy ra tuyến đầu. Còn 3 vị ÐÐT kia đâu rồi mà phải chờ tôi di chuyển ra Cà Ná?” Tuy nhiên lệnh là lệnh tôi phải thi hành, tôi tiếp tục thẳng tiến, nhìn lại những người lính thân yêu mà tội nghiệp cho họ, linh tính và sự suy nghĩ của một cấp chỉ huy chiến trường, tôi tự nhủ rằng có thể kỳ này ra đi là không có ngày trở lại. Nhưng thân phận của Người Lính VNCH là thế đó, không thế lực gởi gắm, không tiền bạc lo lót, thì tác chiến muôn năm là cái chắc, lon lá huy chương, chức vụ văn phòng, bốn bên liên hợp, này này nọ nọ, người lính nghèo đâu có bao giờ mơ ước, thậm chí trại gia binh cũng tước đoạt để cấp cho phe đảng... Nghĩ tới niềm đau và nước mắt như vậy, song vẫn cứ đi, tôi ra lệnh cho xe khởi hành.

Trung úy Thức ÐÐ/CHCV, hiện ở Texas–Hoa Kỳ, có kể cho tôi nghe qua điện thoại: Tại BCH/TÐ, Thiếu tá Xuân và Trung úy Hải Truyền Tin cho biết là phải đi họp ở Phan Rí hay tại BCH Tuy Phong, và đã đem tất cả máy truyền tin theo (?), cho nên Thức không có máy để liên lạc được với tôi đành chịu. Khi tình thế thật nguy ngập, Thức cùng với Thiếu úy Thiện chạy về Chi khu Tuy Phong vì nơi đây còn vợ và 3 đứa con của Thức. Thức cõng 1 đứa, Thiện cõng 1 đứa và vợ Thức dẫn 1 đứa chạy ra biển để tìm ghe di tản. Khi đến nơi thì chỉ có Thức và Thiện là quân nhân nên được cho ra tàu, còn vợ và 3 con ở lại; gạt nước mắt, vợ Thức dẫn 3 đứa con trở lại, kể từ đó mất liên lạc không còn biết tin tức gì nữa. Nghĩ cũng thật đau thương cho cuộc đời của những người lính, trong khi đó vợ và con của những quan quyền, thời nào, cũng hưởng được mọi sung sướng, cho tới lúc tàn cuộc cũng may mắn hạnh phúc như thuở nào.

Trở lại trận chiến. Cà Ná là ranh giới của TK Bình Thuận và TK Ninh Thuận, qua khỏi bảng chia ranh giới chừng vài chục thước là có quán Cà Ná Quán, nơi đây xe chở hành khách từ Sài Gòn ra thường hay ghé vào quán này ăn cơm trưa. Sở dĩ tôi biết là vì đã từng đóng quân ở đây. Vùng này có một ngọn núi đối diện với Cà Ná Quán, kế bên là Dinh Cô, muốn lên phải leo 99 bậc thang xây bằng đá. Từ tấm bảng chia ranh giới về hướng Phan Thiết, một bên là núi, một bên là biển, mà hiểm trở nhất là cây cầu có tên là cầu Ðá Chẹt.

Cầu này nằm trên Quốc lộ 1, giữa một bên núi cao, một bên biển thấp, nối tiếp có thêm mấy cây cầu nhỏ, thật hiểm trở vô cùng. Nhiều lúc tôi đã có những suy nghĩ là phải triệt hạ mấy cây cầu này để làm chậm bớt sự di chuyển của quân CSBV, vì cầu sập muốn đi qua, Công Binh của quân CS phải cần có thời gian tái tạo, nhưng rồi còn người dân họ muốn đi tìm tự do thì sao? Nghĩ thì nghĩ vậy nhưng rồi mất đi như một ảo tưởng. Vì tình hình biến chuyển quá nhanh, nên sau khi liên lạc nhận lệnh từ BCH/TÐ, Ðại đội tôi bỏ Cà Ná rút về xóm Vĩnh Hảo, nhưng nhận thấy đây không phải là vị trí phòng thủ, nên tôi lại di chuyển tiếp tới Sở Nước–Suối Vĩnh Hảo. Ðối diện về phía bên kia QL1, có một hòn núi không cao lắm, nguyên là căn cứ pháo binh của Mỹ. Tôi chọn đóng quân ở đây, vì nó là một vị trí phòng thủ thiên nhiên rất lý tưởng. Hơn nữa, nếu nguy cấp, ĐĐ có thể rút ra phía sau núi, gần sát bờ biển. Chuyện đã đến nước này rồi, thân phải lo thân, không những mình tôi mà toàn bộ số lính thân yêu đã theo tôi trong suốt đoạn đường gian khổ.

Khoảng 10:00g sáng ngày 16/4/1975, tôi đang ở trên ngọn núi đối diện Sở Nước Suối Vĩnh Hảo, đặt ống dòm tôi thấy đoàn xe bụi mù mịt. Ngó lại mấy cây cầu, phải chi trước đó tôi đã có nói là phải tính toán nó đi, thì giờ đây, dĩ nhiên chận đứng được đoàn xe này rồi. Việc này chính tôi có đề nghị với BCH/TÐ và nơi đã trình lên Chi khu cùng Tiểu khu, nhưng không thẩm quyền nào quyết định nổi, vì lúc đó Mặt Trận Phan Rang còn đang tiếp diễn, làm sao có thể phá cầu, trên đường rút lui của đoàn quân?

Rồi tới lúc nguy ngập, tôi lại xin lệnh phá Cầu Ðá Chẹt nhưng cũng không được chấp thuận. Sau này gặp lại cựu Trung úy Thức, anh cho biết là BCH/TĐ có xuống BCH Tuy Phong để bàn thảo chuyện này, nhưng không thấy thực hiện gì hết. Tới khi tôi liên lạc về BCH/TÐ, báo cáo, là đã nhìn thấy xuất hiện đoàn xe bụi tung mù trời, gần xóm Vĩnh Hảo, cách chỗ tôi đóng quân chừng 5–6 cây số và cách BCH/TÐ khoảng hơn 10 cây số và xin phi vụ giội bom đoàn xe trên. Lúc đó, tuy đã được Trung Tâm Hỏa Lực chấp thuận, nhưng vì tình hình chiến trường đang sôi động khắp nơi, nhất là tại các mặt trận Phan Rang, Phan Thiết và Xuân Lộc. Hơn nữa, phi trường Phan Rang thì đã mất, chỉ còn phi trường Biên Hòa. Tôi cố liên lạc về BCH/TÐ, kể cả BCH Tuy Phong nhưng không nơi nào trả lời, vì đã di tản ra chiến hạm Hải Quân 503 trước khi đoàn xe CS tới, vì vậy mới gặp Thiếu tá Quận trưởng Tuy Phong là Hà Văn Thành ở trên tàu.

Thật sự lúc đó, đơn vị của tôi chưa hề chạm địch, nên khi liên lạc được phi vụ, khoảng 10:00g sáng. Tôi đã liên lạc với phi công và báo cáo mục tiêu xin oanh kích nhưng không hiểu vì lý do gì, hai chiếc F–5 lại thả hai trái bom xuống vị trí đóng quân của tôi, rồi bay mất về hướng Nam. Cũng may, bom lạc ra ngoài nên không có ai bị thương vong. Ðây có lẽ vì áp lực phòng không lúc đó rất nặng, nên phải bay cao ngoài tầm pháo của địch, vì tôi vẫn còn nghe họ gọi danh hiệu của tôi lúc đó là Bản Thế theo đặc lệnh truyền tin, song tôi không dám lên tiếng, vì sợ lại bị KQ thả bom lầm như trước.

Lúc này ÐÐ chỉ còn 2/3 quân số, vì khi rời Lương Sơn, tôi đã giao cho ÐÐP chỉ huy 2 trung đội còn lại, trong lúc chờ phương tiện. Ðây cũng là điều may mắn đã xui khiến Chi khu Phan Lý Chàm cung cấp không đủ xe để di chuyển toàn đại đội về Tuy Phong. Nếu không, tại trận phục kích ở Bầu Ðá, có nhiều xe thế nào cũng dính. Ngoài ra nếu đủ quân số, phải rải quân rộng, chắc chắn sẽ bị ăn bom của KQ bỏ lầm.

Lúc này tại Tuy Phong chỉ còn có một mình ÐĐ4 (–) của TÐ248 ÐP mà thôi, chính tôi cũng không biết sẽ đi về đâu vì mọi liên lạc với BCH/TÐ và Chi khu coi như bị cắt đứt. Ðứng trên núi cao, qua ống dòm tôi thấy trên Quốc lộ 1, dân chúng chạy lánh nạn đầy đường, bằng đủ loại phương tiện, kể cả xe đạp. Thấy vậy, tôi xuống dọ hỏi, mới biết đó là dân chúng Vĩnh Hảo, khi thấy đoàn xe của VC tới, nên rủ nhau bỏ nhà di tản. Họ còn cho biết đoàn xe của bộ đội Cộng Sản rất dài, trong số này có nhiều xe GMC tịch thu của TK. Ninh Thuận bỏ lại, khi mặt trận Phan Rang tan vỡ, hiện đang ngừng ngay trước chợ.

Tôi có nghĩ là sẽ rút về Phan Thiết nhưng làm sao được, vì phải di chuyển cả một chặng đường xa xôi, mà tôi là tuyến đầu. Bởi vậy, tôi đem 2 trung đội xuống nằm ở sát chân núi, trước mặt là 1 giao thông hào, dùng thoát nước mưa để khỏi hư mặt lộ. Nhờ nó, mà đơn vị đã rút an toàn ra bờ biển, bởi vì xe hay chiến xa cũng không vượt qua được cái giao thông hào. Tôi để lại Tiểu Ðội Viễn Thám, nằm kích ở lưng chừng núi có gì yểm trợ, vì ở trên cao không sợ lạc đạn. Tới đường cùng rồi, những nghẹn ngào uất ức không làm sao giải tỏa được. Tôi xuống chận dân để hỏi tình hình tiếp, vì lúc đó đoàn xe còn đứng chưa di chuyển và được trả lời là có 1 chiếc xe Jeep sắp sửa chạy trước để đến đây, tôi nghĩ đoàn xe chưa đi, tôi đặt ống dòm nhìn thì thấy vẫn yên tĩnh, nếu 1 chiếc xe thì tôi lượm liền, chứ 1 đoàn quân thì vô vọng, tính cho cùng thì cũng chỉ trứng chọi với đá.

Nói thực lính ÐPQ chúng tôi làm gì có kinh nghiệm đánh chiến xa, chính bản thân tôi là đại đội trưởng cũng chưa có kinh nghiệm đánh chiến xa ngoài lý thuyết, nhưng rất có kinh nghiệm về bộ chiến.

Tôi ra lịnh 1 chính, 1 yểm trợ, dù tôi biết rằng sau lưng tôi không có ai, chỉ có cây cối, đồi núi chim muông và những loài thú lạc lõng trong tiếng bom nổ. Thân tự lo thân, tôi chuẩn bị để tiêu diệt chiếc xe Jeep này, nằm chờ, chờ đến khi trong tầm nhìn thì không có chiếc xe Jeep nào hết mà là 1 đoàn xe, chạy đầu là chiếc PT76 thì phải. Việc gì đến đã đến, không thèm sự đợi chờ một người yêu không đáng yêu. Súng nổ, vẫn cứ nổ, đoàn xe dừng lại, súng vẫn cứ nổ, tôi thấy chung quanh mình toàn là lửa với lửa.

Tôi ra lệnh cho tất cả theo đường thông thủy, từ đó an toàn có cây cối và đá bảo vệ, che kín, lâu lâu dùng súng cối bắn ra Quốc lộ, chúng cứ bắn vào, nhờ thế mà tôi đã hướng dẫn đơn vị ra tới bờ biển. Chính tôi ra lệnh bỏ tất cả quân trang mang theo cho nhẹ, chỉ súng đạn, lương khô, đi theo con đường thông thủy đâu phải chuyện dễ.

Nói tới vùng biển từ Cửa Xuất tới Long Hương (Chi khu Tuy Phong) tôi nằm ở giữa, đến khi ra được tới bờ biển thì đã gần tối rồi. Chạy dọc bờ biển có đủ loại cây mọc, nào cây Ma Vương thấp có gai nhưng trái ăn rất ngon, thêm những bụi rù rì mọc từng đám nhưng có khoảng cách, đây chính là sự an toàn cho cho đơn vị, tôi ra lệnh đào hầm trong những bụi rù rì và hy vọng Tàu Hải Quân chạy qua...

 

 

Nhờ còn có máy và các loại đặc lệnh truyền tin, nên tôi đã gọi cầu cứu khắp nơi, nhưng chẳng một ai hồi đáp. Không lẽ số phận tôi sinh ra làm bia đỡ đạn, còn những lính tráng khác của mình nữa cũng chung số phận sao? Những người mà bao năm sương gió, khổ cực, đã theo tôi trong suốt đoạn đường chinh chiến.

Trời càng về đêm, càng âm u thê lương không thể tả, những khuôn mặt lính mệt mỏi, cay đắng xen lẫn ngậm ngùi, cho số phận của con người VN bất hạnh, nhưng không một oán hờn gì cả, nếu có chỉ trong lòng. Tôi cảm nghĩ tất cả lính của tôi cũng có những cảm nghĩ gì đó, nhưng mà có một điều tôi cam đoan rằng là có tôi, tôi là cấp chỉ huy không bỏ họ, bằng mọi giá phải đưa họ đi dù chỉ là phương trời vô vọng. Họ thấy an tâm, dù sao ở giữa cõi trời đất mênh mông, thê lương còn có tôi. Tôi rất tự hào điều này. Tất cả như bất động giữa đồng vắng; trong lúc đó, biển cả vẫn phẫn nộ, nổi sóng; không biết biển cả nổi sóng phẫn nộ vì thương hại giùm cho những người lính bất hạnh, nên cùng hòa nhịp cho kẻ khốn cùng; đã tới được bờ biển và gọi cấp cứu, không biết bao nhiêu lần nhưng đều vô vọng. Trong lúc đó, có nhiều toán du kích di chuyển về hướng Long Hương, quận Tuy Phong nhưng tôi ra lệnh không nổ súng. Xa xa vọng lại, những tiếng nổ long trời, tôi đoán là những kho hậu cứ của Chi khu Tuy Phong bị nổ.

Lúc đó không biết đã mấy giờ rồi nhưng trời tối đen như mực, sóng biển vẫn phẫn nộ, đập vào bãi cát như có vẻ tức giận một điều gì? Cái đồng hồ của tôi trong lúc di chuyển theo đường thông thủy đã bị vướng mất, đó cũng là một kỷ niệm, bởi vì nó đã theo tôi suốt đoạn đường chinh chiến, mất một cái đồng hồ đã sử dụng tới 7 năm thì không tiếc, mà mất một vật kỷ niệm mới ngậm ngùi.

Sau khi đào hầm hố xong, tôi suy nghĩ đêm đã xuống rồi, rút băng qua QL1 để về Phan Thiết thì chỉ là vô vọng, không lương thực, mà đạn dược thì thiếu thốn, có đi thì cũng chả biết đi về đâu. Tôi vẫn gọi, đến nước này thì cũng bước đường cùng, nhưng có sự thân yêu, dầu sao cũng còn số lính của tôi, tới giờ chót vẫn nghe lệnh tôi, đó cũng là một an ủi cuối cùng.

Giữa lúc tuyệt vọng não nề, thì gặp được tiếng trả lời, tôi không rõ tại vì tôi không có tần số đó, sau này tôi mới biết là họ đã rà vì nghe tôi gọi quá chừng. Xưng danh là Giang Ðoàn 27 từ Phan Rang vô, nhưng họ bảo tôi nếu có ai xác nhận anh là Bản Thể là tôi vô bốc anh liền. Kể cũng thật may, lúc đó tôi nhận được tiếng của Thiếu tá Hà Văn Thành, đã xác nhận tôi là Bản Thể tức là danh hiệu của đại đội trưởng lúc đó theo đặc lệnh truyền tin. Nhờ vậy chúng tôi được cứu sống.

Trong lúc đợi chờ tàu HQ vào vớt, tôi có dặn lính khi gác thì nằm xuống, đêm tối như mực, không thể nào đứng gác mà thấy được, tại vì ở bờ biển mà, chỉ có nằm xuống mới thấy dạng người ở ngoài biển vào thôi. Cùng lúc, nhìn về hướng Chi khu Tuy Phong tiếng nổ vẫn không dứt. Mông lung suy tư và chờ đợi, lúc này phải nói là tâm tôi rối bời, không biết Hải Quân hứa vào “bốc” chúng tôi có hay không, hay là chờ chết, chỉ đến sáng mai thôi, bình minh vừa ló dạng đem bao nhiêu nguồn vui cho mọi người là lức tôi chỉ chờ chết. Chết với tôi lúc đó thì cũng không có một ý niệm nào, mà lúc đó tôi rất căng thẳng. Nói là hầm trú ẩn chứ đó chỉ là một cái hố đào sâu che cái poncho cho tôi ngồi ở dưới rọi đèn pin gọi các nơi. Gọi Hải Quân tôi chấm tọa độ và Hải Quân hứa sẽ vào bốc ra, chờ và chờ.

Tôi không nhớ rõ thời gian chắc có lẽ là nửa đêm thì phải, sương biển đã thấm lạnh đôi vai người lính, thực ra đời lính chiến tôi có đụng chạm những chuyện như thế này tuy vậy còn có những đơn vị bạn yểm trợ, sương lạnh bờ vai cũng chỉ là những đêm đóng trên những ngọn đồi dọc theo QL1 có đủ thời gian ngồi nhìn trăng lên mà lòng cảm thấy một cái gì lý thú trong gian khổ. Còn cái này thì hết biết rồi. Tôi dặn lính gác rất là cẩn thận bởi vì từ ngoài biển khơi có người vào là phe ta.

Có 1 người lính chạy tới báo tôi biết là có 2 người từ ngoài biển đi vô và yêu cầu gặp tôi. Tôi bước tới, 2 người mới tới trong đêm vắng của biển cả, tôi thấy họ mặc đồ gì lạ quá, 2 người hỏi tôi có phải anh là đại đội trưởng không thì tôi nói là tôi. Rồi 2 người 1 phải 1 trái xốc nách tôi nhảy xuống biển và đi luôn, tôi nghe 1 trong 2 người nói anh ngước mặt lên để khỏi bị nước vô mũi, miệng, tôi đưa anh đi, tôi độ chừng chắc cũng nửa tiếng đồng hồ thì bước lên trên một vùng đá san hô, lúc đó tôi mới hiểu là chiếc tàu họ đem vào vì đêm tối đã cỡi trên rặng san hô rồi. Họ bảo vì đêm tối không thấy rặng san hô. Họ báo cho biết là họ chỉ được lệnh “bốc” tôi ra thôi, tôi năn nỉ xin vui lòng cứu những đồng đội của tôi nữa, sau này khi vào Vũng Tàu tôi có gặp 2 vị trung úy đó nhưng đã quên tên, xin cảm ơn 2 vị.

Cuối cùng 2 vị trung úy đồng ý cho lính tôi ra nhưng phải lội ra chứ không bốc được vì lúc đó tàu còn nằm trên rặng san hô. Tôi mượn máy truyền tin gọi vào bờ và ra lệnh cứ lội ra trước mặt gần lắm, tàu đã bị mắc rặng rồi, toàn bộ súng đạn, máy truyền tin cứ đội lên đầu đi ra đến khi nào bắt đầu lội là thả hết xuống biển, tuyệt nhiên không để lại một cái gì ở bờ biển hết. Lại một lần nữa, ơn trên phù hộ cuối cùng toàn bộ đơn vị tôi cũng ra được. Hóa ra đó là Duyên Ðoàn 27 đóng tại Phan Rang, và sau đó đưa chúng tôi ra chiếc Duyên Vận Hạm 503 đang nằm ở gần Vịnh Cà Ná.

Mờ sáng là đơn vị tôi đã lên chiếc Duyên Hải Vận 503, lúc đó tôi có gặp Thiếu tá Thành – quận trưởng Quận Tuy Phong, tôi có đôi lời cảm ơn cứu tử. Nếu không có Thiếu tá Thành xác nhận thì tôi cũng không bao giờ ra được chiếc HQ–503 mà mấy vị trung úy HQ đã phải lặn lội dưới nước biển trong đêm khuya để mang tôi ra ngoài tàu. Ðó cũng là một ý niệm tình huynh đệ chi binh. Trong khi tôi đã ở với các ông không biết bao nhiêu lâu, buồn có vui có, đủ mọi chuyện trên đời tuy tôi không kể ra đây. Nhưng với 2 vị Trung úy HQ, tôi đâu có ở với 2 vị Hải Quân đó mà chỉ gặp nhau bằng liên lạc truyền tin mà họ đã “bốc” tôi rồi, như vậy LÐ 925/ÐP và TÐ 248/ÐP nghĩ coi thế nào?

Ðứng trên chiếc Duyên Hải Vận 503, khoảng 10:00g sáng, con tàu đang bấp bênh trên biển với những cuộn sóng thật dữ dội, tôi nhìn vào đất liền thấy những mảnh kiếng chiếu ra nhiều vô kể như sao lấp lánh trên dải Ngân Hà trong bầu trời đêm. Vì Cửa Xuất không phải là cảng cặp bến cho loại tàu lớn như chiếc HQ–503, nên tôi thấy các vị sĩ quan Hải Quân trên tàu, đã chận những chiếc ghe đánh cá lúc đó, cho họ dầu và nhờ chạy vào bờ bốc lính ra. Những hành động trân quý này, thật đúng tình huynh đệ chi binh của QLVNCH.

Khi công tác cứu vớt lính còn đang tiếp diễn, thì những đạn pháo từ trong bờ bắn ra, bởi vì chiếc HQ–503 ở rất gần Vịnh Cà Ná. Ðó là đạn 130ly bắn trực xạ của CS, những trái đầu tiên bay qua tàu và rớt ở xa, tôi nghe chiếc loa trước pháo đài chỉ huy kêu cầu cứu, rồi những trái sau có lẽ là trúng pháo tháp chỉ huy đầu tiên và sau đó là trên boong, trên tàu lúc này thì ít người thôi, nếu lúc đó có vào khoảng vài trăm người thì thương vong rất là nhiều, dầu tôi là Bộ Binh nhưng không biết chỗ nào để ẩn núp, đành chịu trận, những tiếng nổ thật chát chúa như muốn bể tung đầu. Bỗng dưng tôi thấy 1 nắp hầm bật lên, tôi và số ít chạy xuống lòng tàu, lúc này tàu lắc dữ lắm. Tôi chạy ra trước mũi rồi lại chạy lên boong trong tư thế vừa đứng vừa ngã nghiêng, vì con tàu đã bị thương. Rồi nó lắc lư dữ dội, có lẽ tàu ở sóng ngang nên khi sóng đập vào mạn hông là tàu nghiêng, hết đập là tàu đứng, cứ thế tôi phải vịn vào lan can tàu để rồi cùng lắc lư với nó, nhìn ra ngoài khơi thấy có 5 cột khói bốc cao (lúc đó chiếc HQ–503 gọi cấp cứu), cứ thế hải pháo bắn vào bờ như một bầy kên kên, quà quạ.

Trong tình huống như thế, mà lính của tôi còn lo lắng cho cấp chỉ huy của mình, khi đưa cho tôi 2 cái bi đông không, có dây đeo, để tôi tròng vào cổ làm phao khi tàu chìm. Nhưng “phước bất trùng lai,” đây là lần thứ 3, ơn trên phù hộ. Tiếng súng bắn từ bờ biển đã im bặt vì hải pháo bắn vào rất dữ dội, nên VC chịu không nổi đã rút hết.

Tàu bị thủng ở bên hông nhưng nhờ có 5 chiến hạm khác tới cứu, hai chiếc dìu bên hông nên dần dần chiếc HQ–503 trở lại bình thường và bơm nước ra và cột tàu để kè chiếc bị thương đi trong đêm tối. Mệt mỏi ê chề, tôi đã thiếp đi, đến khi tỉnh dậy đã thấy gần đất liền và tàu cặp bến Vũng Tàu vào khoảng 10:00g sáng.

Ðầu tiên là 9 chiếc băng ca phủ drap trắng. Xin 1 phút mặc niệm cho hương hồn những vị đã vì Tổ quốc vong thân. Khi đơn vị chúng tôi lên bờ thì đã có Quân Cảnh túc trực tại chỗ để thu súng đạn.

Súng đạn gì nữa, đã bỏ hết dưới biển rồi, duy nhất một kỷ vật luôn luôn mang theo trong người là tấm thẻ bài cũng đã yên vị trong lòng biển cả mênh mông, còn tấm kia đưa cho bà xã cất giữ, phòng khi có mệnh hệ gì còn có nó để nhận xác, và giờ đây tấm thẻ bài kỷ vật này tôi còn đang giữ khi đi định cư ở Mỹ.

Quân Cảnh hướng dẫn đơn vị tôi lên chiếc GMC và chạy. Khi đến nơi họ cho biết đây là Trung Tâm Huấn Luyện Vạn Kiếp, nơi đây họ báo rằng TK Bình Thuận chưa mất và phải tìm đường trở về. Lạ quá, lúc đó là buổi sáng ngày 18/4/1975 đúng là Bình Thuận chưa mất, mà mất vào ngày 19/4/1975 trong khi tôi ở tuyến đầu. Tôi có trình bày là không thể nào về lại Bình Thuận được vì ngày tôi đi là Cà Ná đã mất rồi. Tôi ở lại trong TTHL Vạn Kiếp nhưng hình như là khu tiếp tân. Cuối cùng họ bảo tôi xem có ai để nhận dạng tôi hay không? Thật ra thì lúc ấy chưa có ai ở Bình Thuận vào cả mà chỉ có đơn vị của tôi và một số ít sĩ quan và binh sĩ của TÐ tôi và CK Tuy Phong đã lên chiếc HQ–503 ngày trước như đã kể trên thôi.

Ðến đây thì tôi nhớ lại lúc trước nguyên tôi là đại đội phó của Ðại úy Lộc khi tôi mới là thiếu úy, đến khi lên trung úy anh Lộc khuyên tôi còn trẻ nên đi học khóa đại đội trưởng và cũng chính anh Lộc đã lập văn thư cho tôi, sau đó anh Lộc cho tôi biết anh đổi về TTHL Vạn Kiếp, nhờ vậy nên tôi báo cho họ là trước kia đại đội trưởng của tôi là Ðại úy Lộc, ở Sông Mao có vợ là chị Thu xin họ thông báo tên tôi và khoảng chừng nửa giờ sau anh Lộc chạy ra nhận, vậy là ơn trên phù hộ một lần nữa, mọi thủ tục giấy tờ, và lính tráng nhận phần ăn cũng đều do anh Lộc, rồi từ đó các đơn vị Bình Thuận cũng đến.

Nhân đây, mặc dù anh đã là người thiên cổ ở trại tù ngoài Bắc, xin một chút hoài niệm về anh, vì anh đã giúp đỡ tôi tận tình, để nhớ đến người xưa là đại đội trưởng của tôi, xin chân thành cảm ơn anh, cầu nguyện hương hồn anh siêu thoát, xin ơn trên phù hộ cho chị và mấy cháu.

Giờ đây đã hơn 30 năm, tuy không nhớ hết từng chi tiết, nhưng khúc phim trận đánh Sở Nước Suối Vĩnh Hảo vẫn như đang diễn ra từng khúc. Tôi không phải nhà văn, chỉ nhớ đâu viết đó, viết lách thì mông lung, không thứ tự thiếu đầu đuôi tuy nhiên có nhiều điều vẫn nhớ nhất là, khi nằm trong trại tù Quân Khu 7 ở Long Khánh vào khoảng trưa ngày 30/4/1975, lính CS đem lại một cái radio bảo để nghe Dương Văn Minh đọc lệnh đầu hàng. Nhớ lúc kho đạn nổ trước ngày bầu cử Quốc Hội của CS, nhớ nhà máy xay lúa bị cháy trơ xương, chỉ còn cái trục quay là không cháy nổi, nhớ những nhà tiền chế sau cơn nổ, sườn nhà cong như sợi dây kẽm, nhớ mặc bộ đồ tù có sọc y như tù binh Mỹ bị nhốt ở Hỏa Lò Hà Nội, nhớ những bao đựng quần áo phát cho những con người phải nói là “cá đã vào rọ” mà tôi đọc được là “Nhân dân Trung Quốc thân tặng tù binh Việt Nam.”

Không biết nhân dân Trung Quốc có biết điều này không, đó là anh tặng tôi để che thân thể, nhưng chắc gì nhân dân Trung Quốc đã đủ ấm no đâu, mà phải lo cho những người ở đâu đâu; nhân đạo ư! Không. Cộng sản làm gì có nhân đạo. Ðoạn hồi ký này tôi viết ra, song ở trong đây, tâm tư tôi không có gì là hằn học cả, mà chỉ muốn nói lên những suy tư đã ở trong tôi hơn 30 năm. Ðiều này không có nghĩa là tôi muốn khơi dậy một quá khứ. Mà tôi chỉ muốn cho mọi người biết rằng trong những giờ phút cuối cùng ở đầu phía Bắc tỉnh Bình Thuận, vẫn còn ít nhất 1 đơn vị đang chiến đấu chống lại đoàn xe CSBV và tìm đường triệt thoái để bảo toàn cho mạng sống của những người lính đã can trường chiến đấu cũng như cha ông và đồng đội tôi đã đổ nhiều xương máu, chống lại miền Bắc hiếu chiến để gìn giữ miền Nam Việt Nam tự do.

Ðây là trận đánh có tên trong Quân Sử VNCH: Trận Sở Nước–Vĩnh Hảo (Bình Thuận).

Ðây là trận đánh có Ðại Bàng Chỉ Huy, đó là tôi: Trung úy Nguyễn Tấn Hợi ÐÐT/ÐÐ4/TÐ248 ÐP thuộc Liên Ðoàn 925 ÐP/BBT. Ngoài ra còn có Ðại Bàng Lớn là Thiếu tá Hà Văn Thành, quận trưởng kiêm CKT. Chi khu Tuy Phong–BT, được Duyên Đoàn 27 và HQ–503 cứu vớt, ngày nay chúng tôi không còn sống. Ðó là sự thật của lịch sử, không ai bóp méo được.

Trung úy Nguyễn Tấn Hợi



 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet eMail by tony nguyen chuyển

 

Đăng ngày Chúa Nhật, June 9, 2024
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang