Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Giới
thiệu sách
Chủ đề:
Tưởng nhớ CSTV QLVNCH
Ngày QL–19T–6/2023
Tác giả:
Uyên Vũ
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
SAN JOSE, California (NV) – Nhắc đến địa danh Pleime có lẽ
không ai sinh trưởng thời VNCH là không biết, vì tại nơi đó một
trận chiến mang tầm chiến lược kéo dài suốt 38 ngày đã xảy ra.
Địa danh Pleime còn đi vào thơ ca, âm nhạc như câu hát:
“Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở
lại.
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt
anh về.
Anh trở lại có thể bằng chiến
thắng Pleime,
Hay Đức Cơ, Đồng Xoài,
Bình Giã...”
trong ca khúc “Kỷ Vật Cho Em” của Phạm Duy phổ nhạc từ thơ Linh
Phương.
Riêng
“Lá Thư Pleime” là một bài thơ cũng gắn với địa danh Pleime nhưng
có số phận kỳ lạ hơn. Bài thơ này vốn là lá thư bình thường do
Thiếu úy Nhảy Dù Lê Anh Thái viết tại cứ địa Pleime, thư viết đã
xong nhưng chưa kịp gửi đến người bạn thì Thiếu úy Thái phải
chuyển quân đến Quảng Trị để tái chiếm Cổ Thành. Thiếu úy Lê Anh
Thái tử trận tại đó vào ngày 8 Tháng Bảy, 1972.
Khi đơn vị đưa linh cữu Thiếu úy Thái
về lại gia đình, thì thân sinh ông là ông Lê Văn Tuyến tìm được
lá thư vừa mộc mạc hồn nhiên vừa thấm đẫm mùi khói súng chiến
trường của con trai mình. Xúc động nghẹn ngào, ông Tuyến liền
chuyển tâm tư con trai thành một bài thơ mang tên “Thư Pleime”.
Vốn là một thi sĩ và soạn giả khá nổi
tiếng với bút hiệu Anh Tuyến, ông đã đặt mình vào thân phận con
trai, để sáng tác vài chục bài thơ khác mang nặng tâm tư tình cảm
của tuổi trẻ miền Nam lúc ấy như phố thị Sài Gòn, chiến trường,
rồi tình yêu, tuổi trẻ, các băn khoăn trước cuộc đời.
Kèm theo đó là tâm tư của ông khóc con
trai và một người con nuôi khác của ông là Thiếu úy La Vĩnh Khâm,
phục vụ chung một đơn vị với Thiếu úy Thái tại Tiểu Đoàn 1 Pháo
Binh Nhảy Dù, và cũng tử trận tại Cổ Thành Quảng Trị, sau Thiếu
úy Thái đúng một tuần. Thi sĩ Anh Tuyến gom lại in thành tập thơ
với nhan đề “Theo Cánh Gió Bay”.
Sau 47 năm, tập thơ ấy vừa tái xuất bản
và ra mắt cộng đồng người Việt vào trưa Chủ Nhật, 30 Tháng Sáu,
2019, tại Câu Lạc Bộ Mây Bốn Phương, thành phố San Jose, Bắc
California.
Cố Trung úy
Lê Anh Thái.
(Hình: Gia đình cung cấp)
“Theo Cánh Gió Bay” vốn là một ý trong
bài “Thư Pleime” nguyên văn như sau:
“Tao được thơ mày cả tháng nay
Hành quân liên tiếp suốt đêm ngày
Lưng
không rời giáp, tay rời súng
Liên lạc
thì không có máy bay
Tao vẫn luôn luôn nhớ tụi mày
Nhớ Sài Gòn đẹp nắng vàng hây
Nhớ đường
Lê Lợi ngập hoa nắng
Nhớ ngõ Tam Đa tà
áo bay
Pleime
suốt tháng mưa dầm dề
Mày ơi, thèm quá
khói cà phê
Thèm tô phở tái thơm chanh
ớt
Thèm rót bọt đầy một cốc bia
Sài Gòn mày vẫn xem phim chưởng?
Băng nhựa còn thu nhạc Khánh Ly?
Những
chiều thứ bảy còn đi nhót?
Hay lén ông
già nhậu whisky?
Hôm qua thằng Tiến dẫn quân ngang
Giữa rừng gặp bạn mừng hơn vàng
Ôm nhau,
hai đứa cười ha hả
Râu tóc bù xù như cái
bang
Mày nghĩ,
đã lâu không được tắm
Hành quân liên
tiếp giữa rừng già
Ăn thì gạo sấy nhai
qua bữa
Tối ngủ nằm sương lạnh cắt da
Hôm qua địch pháo giữa ban ngày
Tao bị thương xoàng ở bả vai
Mảnh đạn
còn ghim trong thớ thịt
Mày đừng có nói
mẹ tao hay
Mẹ
tao chỉ muốn tao quanh quẩn
Lính kiểng
châu thành, lính phất phơ
Mày nghĩ, tụi
mình như cánh gió
Ai đi nhốt gió được
bao giờ?
Những
đêm biên cảnh sống xa nhà
Cũng thấy đôi
lần nhớ xót xa
Cũng có đôi lần tao muốn
khóc
Muốn về thăm mẹ... thế nhưng mà...
Thôi nhé, thư sau tao viết tiếp
Trực thăng đã đáp trong vòng đai
Tản
thương lính đã đưa lên đủ
Tao viết thơ
này vội gởi ngay.”
(Thiếu úy Lê Anh Thái)
Vợ cố Trung
úy Lê Anh Thái bế cô
Lê Anh Ngọc Thùy
bên quan tài.
(Hình: Gia đình cung cấp)
Cách đây vài tháng, trên mạng xã hội và
nhiều trang blog đột nhiên xuất hiện bài thơ “Lá Thư Pleime” kèm
theo tấm hình Thiếu úy Lê Anh Thái oai hùng trong bộ quân phục
đứng bên cạnh khẩu trọng pháo. Khi tuần báo Saigon Nhỏ chọn đăng
bài thơ và tấm hình rất đẹp đó thì liền nhận được email của một
độc giả là ông Lê Anh Thượng, em ruột Thiếu úy Lê Anh Thái, ông
Thượng cũng là một cựu sĩ quan VNCH hiện sống tại Seattle, tiểu
bang Washington.
Trong email, ông Lê Anh Thượng có nói
rõ lại hoàn cảnh ra đời của bài thơ, ông ngỏ ý tìm và xin chuộc
lại từ ai đó còn giữ tập thơ xưa, vì ngoài việc là một di vật,
tập “Theo Cánh Gió Bay” “còn là những vần thơ kỷ niệm của một
thời hoa niên, tuổi trẻ đi học, vào đời, tình yêu, đời lính của
những người trai miền Nam VNCH thập niên 1960”
(nguyên văn).
Ông Lê Anh Thượng cho biết mở đầu tập
thơ này là bốn câu trong bài “Khóc Con”:
“Lê Anh Thái, La Vĩnh Khâm
Hai đứa theo nhau cách một tuần
Mũ Đỏ
đoàn quân còn dũng tiến
Hỡi ơi sao gãy
cánh thiên thần...”
(Anh Tuyến)
Cũng theo ông Lê Anh Thượng, Thiếu úy
La Vĩnh Khâm là người đã bị lính bắn tỉa Cộng Sản Bắc Việt bắn
chết khi Thiếu úy Khâm cùng niên trưởng Út Bạch Lan (Trương Văn
Út) đứng trên trận địa để bàn tính chọn điểm chấm bắn pháo binh
mà Út Bạch Lan có kể lại trong một bài viết. Khi hai anh em tử
trận, cả hai được vinh thăng trung úy. Được biết cố Trung úy Lê
Anh Thái đã được trao tặng năm Anh Dũng Bội Tinh, nhiều bội tinh
khác và sau khi đền nợ nước được chính phủ truy tặng Bảo Quốc
Huân Chương.
Sau đó, ông Lê Anh Thượng gửi cho tuần báo Saigon Nhỏ thêm vài
bài thơ và gần đây, thật bất ngờ, ông gửi thiệp mời đến dự buổi
ra mắt tập thơ “Theo Cánh Gió Bay” tại San Jose. Vì không thể
tham dự được, chúng tôi đành kiếu lỗi nhưng vẫn để ý theo dõi sự
kiện này.
Nhờ
mạng xã hội, chúng tôi tình cờ thấy được tấm hình cũ, trong hình
là người thiếu phụ mới 19 tuổi, đầu đội khăn sô, ôm trong lòng
đứa con gái mới hai tháng đứng trước quan tài có bức chân dung cố
Trung úy Lê Anh Thái.
Quang cảnh
buổi ra mắt sách.
(Hình: Gia đình cung
cấp)
Cũng qua
mạng xã hội, chúng tôi làm quen được với cô con gái duy nhất ấy
của cố Trung úy Thái là cô Lê Anh Ngọc Thùy, hiện đang định cư
tại San Jose. Cô đang tất bật chuẩn bị cho việc ra mắt tập thơ
của ông Anh Tuyến (tức ông nội cô).
Được biết, toàn bộ số tiền bán tập thơ
này đã được trao lại hết cho nhóm Văn Thơ Lạc Việt để gửi về Việt
Nam cứu trợ các anh thương phế binh VNCH. Buổi ra mắt tập thơ
cũng trùng vào ngày giỗ 47 năm của cố Trung úy Thái.
Kết thúc buổi ra mắt, qua điện thoại,
cô Thùy cho chúng tôi biết: Buổi ra mắt tập thơ thành công vượt
mong đợi, hội trường 120 chỗ chật cứng người tham dự, trong số đó
có nhiều cựu chiến binh binh chủng Nhảy Dù, một số đồng đội cũ
của cha cô, đặc biệt có Trung tá Mũ Đỏ Bùi Đức Lạc, tác giả cuốn
“Cơn Uất Hạ Lào”.
Tập thơ này tuy không đầy đủ như ấn bản
ban đầu nhưng cũng dày khoảng 80 trang với vài chục bài thơ.
Những tập thơ bản gốc cùng với bản kẽm gia đình cô cũng phải hủy
bỏ không dám chứa trong nhà. Mãi gần đây, có một người bà con đã
gửi tặng lại một tập thơ họ còn lưu giữ được (tuy đã bị mối mọt
và rách mất một số trang) suốt hơn 44 năm cất giấu.
Cô Thùy cho biết với tình trạng bị o ép
trong nước, người lưu giữ tập thơ không dám phổ biến, còn tại Mỹ
gia đình cô có thể làm điều đó cách long trọng. Có được việc này,
theo cô trước hết là do công của ông bà Nguyễn Cao Thái (còn gọi
là Thái NC), một người yêu văn thơ quân đội thời VNCH, chính ông
Thái đã gợi ý cho cô để xuất bản tập thơ này. Buổi ra mắt cũng
không thể thành công nếu không có sự hỗ trợ của nhóm Văn Thơ Lạc
Việt, ông Liêm bên nhà xuất bản Clover Leaves, Câu Lạc Bộ Mây Bốn
Phương và nhiều người khác.
Từ Seattle, ông Lê Anh Thượng cho biết
ông đã đến San Jose tham dự buổi ra mắt tập thơ và là diễn giả
chính, vì hơn ai hết ông hiểu rõ người cha của mình. Trong tập
thơ đáng chú ý còn là bài thơ “Thương Ca Cho Thùy” mà thi sĩ Anh
Tuyến viết cho đứa cháu mồ côi là cô bé Thùy.
Cũng theo ông Thượng, khi thi sĩ Anh
Tuyến xuất bản tập thơ năm 1972, số tiền bán đã được cha ông
trích ra 50% mang đến Bộ Tư Lệnh Nhảy Dù trao tặng cho cô nhi quả
phụ của Gia Đình Mũ Đỏ, 50% còn lại được ông Anh Tuyến gửi vào
ngân hàng, để dành cho cô Thùy, nhưng đến biến cố 30 Tháng Tư,
1975, khi cộng quân cưỡng chiếm miền Nam số tiền đó bị mất sạch.
Đúng như tựa đề tác phẩm, việc tái xuất
bản tập thơ hệt như cánh gió mà cố Trung úy Nhảy Dù Lê Anh Thái
đã nương theo, bay từ trận địa Pleime, qua Cổ Thành Quảng Trị và
đáp đến cộng đồng người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ. (Uyên Vũ)
Thương ca cho Thùy (trích đoạn)
Cha nó là lính chiến
Đi trận đã chết rồi
Mẹ nó còn thơ dại
Mới mười chín tuổi đời
Lấy gì nuôi con
côi?
Tuổi tôi đã năm mươi
Phong sương đã mấy độ
Nước mắt cạn khô
rồi...
...
Cha
nó là lính chiến
Tuổi hãy còn thư sinh
Nó rất yêu hòa bình
Nhưng đã cầm tay
súng
Nó rất ghét chiến tranh
Nhưng đã vào cuộc chiến!
Nó chết tóc còn
xanh
Nó chết, đời đang đẹp
Nó chết vì Tổ Quốc
Nó chết vì hòa
bình...
(Anh
Tuyến, 1972)
Thi sĩ, soạn giả Anh Tuyến, tên thật là Lê Văn Tuyến, sinh năm
1923 tại Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Là thành viên của Văn Bút
VNCH và Văn Bút Quốc Tế. Ông bắt đầu viết năm 20 tuổi (1943) và
gây chấn động trong văn đoàn với vở kịch dã sử “Thâm Cung”, tác
phẩm này đã được công diễn tại Long Xuyên, Chợ Mới, Lấp Vò, Cần
Thơ, Sa Đéc vào những năm 1945–1947 để giúp đồng bào miền Bắc
trong nạn đói năm 1945. Năm 1961, tập thơ “Tổ Ấm” của ông đoạt
giải “Văn Chương Thi Ca Toàn Quốc”.
Năm 1970, ông cùng một số văn thi sĩ
đại diện Văn Bút VNCH tham dự Đại Hội Văn Chương Châu Á tại Nhật
Bản, Nam Hàn và Đài Bắc. Thi sĩ Anh Tuyến được một số tác phẩm
khảo cứu văn học chọn đưa vào sách như một tác gia tiêu biểu. Năm
1966, ông gia nhập làng sân khấu cải lương và viết kịch bản cho
đoàn Thanh Minh–Thanh Nga với nhiều vở tuồng nổi tiếng, ông còn
soạn nhiều vở kịch xã hội, kịch thơ và kịch vui khác (in tại bìa
sau tập thơ “Theo Cánh Gió Bay” vừa tái
bản).
Uyên Vũ
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by MĐ Bùi Quang Thống chuyển
Đăng ngày Thứ Sáu,
May 26, 2023
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang