Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Truyện
ngắn
Chủ đề:
những giọt mưa
Tác giả:
Nguyên Nhung
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Khi cánh
cửa gỗ bên hông nhà thờ mở ra, người đàn bà khoảng trung niên dìu
một cụ già ngót nghét tám mươi bước vào. Ngọc bỗng nhìn ra nét gì
rất quen thuộc trên khuôn mặt dịu hiền của bà cụ. Nàng thảng thốt
nhận ra bà cụ chính là mẹ Khôi, hơn ba mươi năm qua, sau ngày
miền Nam bị thất trận, đã nhiều lần Ngọc tìm đến căn nhà quen
thuộc cuả Khôi để hỏi thăm, nhưng căn nhà ấy đã không còn ai quen
biết.
Dường
như trong những ngày hỗn độn ấy, gia đình Khôi đã chạy thoát sang
bên kia, từ đấy, không một lần nào nữa, Ngọc còn được bước vào
căn nhà ấy, căn nhà mà đã có một thời, Khôi đưa Ngọc về thăm mẹ,
với tư cách nàng dâu tương lai cuả cụ.
Sau buổi lễ, hình như suốt buổi lễ Ngọc
đã không rời mắt nhìn bà cụ. Lễ tan, khi mọi người lục tục ra về
thì Ngọc vội vã chạy đến hàng ghế quỳ phía trước. Bà cụ ngồi nhắm
mắt cầu nguyện, vẫn vẻ im lìm chịu đựng cố hữu năm xưa. Ngọc
không thể nào quên được dáng ngồi của bà mẹ Khôi cách đây trên ba
mươi năm, trước di ảnh đứa con yêu dấu, khi Khôi hy sinh sau một
phi vụ tiếp tế cho chiến trường vùng cao.
Người phụ nữ ngồi bên cụ có chút ngạc
nhiên khi thấy hàng ghế quỳ phiá sau, hình như có người đang đợi
hỏi điều gì. Khi bà cụ mở mắt ra, bàn tay nhăn nheo chỉ còn gân
xương cầm xâu chuỗi nhét vào túi áo trong, người con dìu mẹ đứng
dậy thì Ngọc bước tới. Giọng nàng run run:
– “Thưa bác, bác có phải là mẹ của anh
Khôi?”
Bà cụ
gật gật đầu, đôi mắt hấp háy có vẻ ngỡ ngàng vì lâu lắm rồi cụ
lại nghe có người nhắc tới anh con trai đã tử trận hồi còn trẻ:
– “Phải, phải, nhưng cô là ai, nghe
giọng thì rất quen, có phải Ngọc không?”
Ngọc nắm chặt lấy tay bà cụ, áp vào
ngực mình:
–
“Vâng, thưa bác, con là Ngọc, Ngọc của Khôi đây.”
Trong giây phút xúc động đó, không hiểu
tại sao Ngọc lại nói như thế, hình như hơn ba mươi năm qua, đối
với Ngọc phút giây này, kỷ niệm đau sót và thân thiết của ngày
xưa vẫn còn y nguyên khiến nàng nghẹn ngào. Bà cụ cũng siết chặt
lấy tay nàng, như sợ sẽ không còn bao nhiêu thời gian để tìm gặp
lại những hình ảnh thân quen trong quá khứ. Cụ hướng về người đàn
bà có nét mặt giống Khôi, đang đứng im lặng bên cạnh, nói với
Ngọc:
– “Chị
Khanh, chị của Khôi đấy”, rồi hỏi con gái:
– “Chị còn nhớ Ngọc, bạn Khôi ngày xưa
không? Tội nghiệp quá, bác không ngờ còn gặp lại con...”
Giọng cụ nghèn nghẹn, có lẽ cụ rất xúc
động khi gặp lại người con gái năm xưa của con cụ, và nếu người
con trai cụ còn sống thì nàng đã là con dâu cuả cụ. Âu tất cả là
sự sắp xếp cuả định mệnh, chiến tranh lúc nào cũng chờ chực đổ
xuống sự bất hạnh cho mọi người, mà Khôi, đứa con yêu dấu cuả cụ
đã mất đi trong lúc tuổi thanh niên đẹp đẽ nhất.
Ngọc kể cho cụ và chị Khanh nghe về
những ngày sau năm bảy mươi lăm, khi nàng trở lại căn nhà cũ để
tìm thì cụ đã không còn ở đó nữa. Vài năm sau Ngọc lập gia đình,
rồi vượt biển tìm tự do với chồng con, may sao sang được bến bờ
tự do. Chuyện bình thường như mọi câu chuyện vẫn thường xảy ra
trong cuộc đời, cái chết xảy ra mỗi con ngươì thì trước hay sau
cũng phải đến, nhưng dù sao, đã hơn ba mươi năm qua, những lúc
ngồi nhớ lại chuyện cũ, Ngọc thấy trong tâm trí nàng, hình ảnh
Khôi dường như vẫn ẩn hiện đâu đó. Và dẫu biết là Khôi không bao
giờ còn hiện hữu trong cuộc đời, chỉ là chiếc bóng mờ trong tâm
khảm của người sống, nhưng riêng Ngọc, dường như mối tình và hình
ảnh của chàng, vẫn mơ hồ như là một kỷ niệm sâu sắc mà dẫu muốn
quên Ngọc vẫn không quên nổi.
Khi ba người chia tay trước sân nhà
thờ, Ngọc cẩn thận ghi lại điện thoại và địa chỉ của mẹ Khôi, vì
Ngọc cảm thấy bà cụ rất cần sự thăm hỏi của mình sau bao nhiêu
năm không gặp. Hình như với cụ, hình ảnh Ngọc hôm nay, tuy không
còn là hình ảnh của người con gái hay mặc chiếc áo màu thiên
thanh năm xưa mà con trai cụ đã thương yêu, nhưng trong lòng
người mẹ, dường như có chút ủi an là con mình vẫn có người nhớ
tới. Khi về, Ngọc nghe cụ nói, giọng vẫn chân tình như năm xưa:
– “Sắp đến ngày giỗ của Khôi, con đến
nhé, đến cầu nguyện cho anh. Bao nhiêu năm qua bác vẫn nhớ màu áo
thiên thanh của con.”
Ngọc nghẹn ngào, nhìn vào đôi mắt hiền
từ trên khuôn mặt nhăn nheo của mẹ Khôi, giọng xúc động:
– “Vâng, con sẽ tới, sẽ mặc màu áo
thiên thanh mà anh ấy thích.”
* * *
Ngọc gặp Khôi trong một chuyến bay từ
Cần Thơ về Sài Gòn, nhân một chuyến xuống thăm người anh có gia
đình đang trú đóng ở phi trường Trà Nóc. Đúng ra thì máy bay của
Khôi không phải là máy bay chở hành khách, vì C–130 chỉ để vận
chuyển hàng hoá, súng đạn, lương thực cho quân đội từ nơi này đến
nơi khác. Nhưng đặc biệt hôm đó, ngoài một số hàng hoá quân đội,
máy bay còn chở thêm một số thương binh bị thương nặng về Tổng Y
Viện Cộng Hoà, có một người hành khách bất đắc dĩ đi trên chuyến
bay đó là Ngọc, ông anh nhờ người bạn cùng khóa cho quá giang về
Sài Gòn.
Khôi
là một trong hai phi công điều khiển chiếc C–130 hôm đó. Ngọc vẫn
không quên đôi mắt nheo nheo nghịch ngợm của chàng khi gặp Ngọc
lần đầu tiên, ánh mắt chàng phi công trẻ như xoáy vào cô gái có
nét mặt hiền hậu, mặc chiếc áo dài màu thiên thanh, mái tóc đen
xoã xuống đôi bờ vai, hình ảnh nàng rạng rỡ và tươi thắm.
Hôm ấy khoảng xế trưa, lại có cơn bão
rớt nên đất trời như đã sang thu, mưa bay nhè nhẹ, gió hơi lành
lạnh, không gian buồn buồn khiến Ngọc nhớ mãi vì chuyến bay hôm
ấy đã khắc sâu vào tâm trí của Ngọc.
Ngọc thật là ngơ ngác, lạc lõng khi
ngồi trong lòng chiếc phi cơ khổng lồ, phiá sau có những kiện
hàng bằng gỗ và chiếc cửa sau phi cơ đóng lại. Ngọc ngỡ ngàng
thấy cửa hông mở ra, mấy chiếc xe Hồng Thập Tự ào chạy tới, vài
người lính quân y đang lăng xăng, vội vã đẩy những người thương
binh nằm trên băng ca, nồng nặc mùi ê–te và bông băng trắng
toát. Ngọc nghe những tiếng rên la đau đớn của mấy người thương
binh, có người đầu quấn băng trắng toát, có người trên bụng còn
chằng chịt những bông băng và thuốc sát trùng, có người lủng lẳng
chai nước biển, và người vợ lính đi theo hình như đang âu lo chờ
giành giật mạng sống cuả chồng trên tay tử thần.
Giữa một trời bão mưa ảm đạm, với một
khung cảnh đầy chết chóc và đau đớn, Ngọc sợ hãi ngồi nép mình
trên chiếc ghế vải đặt sát phòng lái. Chưa bao giờ Ngọc nhìn thấy
chiến tranh rõ ràng bằng lúc đó, tự nhiên nước mắt Ngọc cứ ứa ra.
Tiếng rên la đau đớn của những người lính mang đầy thương tích từ
chiến trường trở về, đang thoi thóp cầm cự trước cái chết, đang
chống chỏi từng giây từng phút với tử thần. Khôi từ trong phòng
lái bước ra, kiểm soát một lần chót trước khi phi cơ cất cánh,
nhác thấy vẻ sợ hãi trên khuôn mặt tái mét của Ngọc, chàng cúi
xuống dịu dàng nói:
– “Chịu nổi không cô bé? Tụi này phải
chuyển anh em thương bệnh binh về Tổng Y Viện Cộng Hoà, vận
chuyển bằng xe e không kịp. Chiến tranh là vậy đó cô bé ạ, nhìn
mãi cũng quen đi, chỉ hơn hai mươi phút là tới Sài Gòn, chẳng
biết ai còn ai mất.”
Ngọc lặng im nhìn Khôi với cái nhìn
biết ơn mà không nói được lời nào. Chưa bao giờ Ngọc nhìn thấy
chiến tranh và sự tàn phá của nó bằng lúc này, trên thân thể đầy
thương tích của những người lính trở về từ chiến trường, và đôi
mắt bất lực của người vợ đi theo chồng trên chuyến bay hôm đó.
Thỉnh thoảng, lại có tiếng kêu rú lên từ những thân người nằm
trên băng ca đặt dọc theo thân phi cơ, khiến Ngọc càng hãi hùng
nhắm chặt đôi mắt lại. Đúng là chuyến bay đau khổ nhất cho cô bé
học trò, lần đầu tiên được nhìn rõ sự tàn phá của bom đạn trên
thân xác người lính, mà hằng ngày đọc báo, xem truyền hình Ngọc
vẫn không hề tưởng tượng nổi.
Khi máy bay đáp xuống phi trường Tân
Sơn Nhất, trời vẫn mưa tầm tã, mưa xối xả, sân bay như mờ mịt
trong màn mưa trắng xoá. Cửa phi cơ mở ra, Ngọc lại nhìn thấy
những chiếc xe Hồng thập tự vội vã chạy tới, những người lính
quân y lại hối hả chuyển những thương binh từ phi cơ sang xe cứu
thương dưới màn mưa, hụ còi inh ỏi chạy ra khỏi phi trường. Lúc
lên lúc xuống, Ngọc vẫn nghe tiếng rên siếc đau đớn cuả những
người lính bị thương nặng, có khi chỉ là sự im lìm cuả một thân
xác nằm bất động, để Ngọc có cảm tưởng rằng người lính ấy đã trút
hơi thở cuối cùng trong chuyến bay ngày hôm đó.
Ôi! Chiến tranh. Từ đấy trong tâm hồn
Ngọc vốn đa cảm và hay buồn vu vơ, vẫn thỉnh thoảng nhìn thấy nỗi
bất hạnh và hạnh phúc luôn kề cận bên nhau, và sau này khi trở
thành người yêu của Khôi, Ngọc vẫn mơ hồ thấy số mệnh đã gắn bó
với nàng vào sự đau khổ, bằng sự ra đi cuả Khôi quá bất ngờ mà
dẫu có lo sợ, Ngọc vẫn không sao giữ lại được.
Khi Khôi tế nhị khoác chiếc áo mưa màu
xanh Không Quân lên vai Ngọc, tự nhiên nàng cảm thấy ấm áp, thẹn
thùng nhoẻn một nụ cười như một lời cảm ơn. Về sau, Khôi kể lại
rằng nụ cười của Ngọc hôm ấy sao có sức thu hút chàng thật lạ
lùng, nụ cười như chia sẻ được nỗi bất an mà hàng ngày chàng phải
đối mặt.
Chiều
hôm đó Khôi đưa Ngọc về, trên chiếc xe Vespa của chàng phi công
độc thân, nay có thêm một tà áo xanh bay phấp phới. Trước khi về,
Khôi ghé qua Câu Lạc Bộ Sĩ Quan gặp vài người bạn, Ngọc nhìn thấy
những đôi mắt nghịch ngợm của mấy chàng phi công trẻ đang hướng
về phiá Khôi, có tiếng huýt sáo, có câu đuà cợt khiến Ngọc đỏ
bừng đôi má. Hình như trong khoảnh khắc quý hiếm của cuộc sống,
và sau những chuyến bay vào vùng lửa đạn, những phi công trẻ đã
tự tìm cho mình những giây phút thật hồn nhiên, vui tươi với bạn
bè, hầu quên đi những vất vả, hiểm nguy trong đời bay bổng.
Ngọc yêu không khí của người lính, cho
nên khi chấp nhận làm người yêu cuả Khôi là nàng cũng chấp nhận
luôn những thắc thỏm lo âu, những mất mát có thể xảy đến cho
những người trai thời loạn. Cũng như Khôi vẫn yêu thích màu áo
xanh cuả nàng, màu áo thiên thanh mà chàng nói là màu áo của định
mệnh, màu của bầu trời và sự hy vọng. Bởi vậy, mỗi lần hai đứa đi
chơi với nhau, Ngọc luôn luôn mặc chiếc áo màu thiên thanh, dù
cuộc đời có bao nhiêu màu sắc đẹp đẽ, rực rỡ hơn.
* * *
Cuộc tình của Khôi và Ngọc kéo dài suốt
hai năm, chưa một lần hờn giận. Sau những giờ phút bay bổng, Khôi
dành trọn vẹn cho Ngọc những giây phút còn lại. Hai đứa đi bát
phố, xem ciné, đi chơi với bạn bè, Khôi hay đưa Ngọc đi lễ chiều
thứ bảy, nếu hôm đó chàng không bận công tác. Ngọc vẫn nhớ những
chiều hai đứa ngồi bên nhau trong ngôi giáo đường, đấy là những
phút giây đầm ấm và thánh thiện nhất của đôi lứa yêu nhau, khi
Khôi thì thầm bên tai Ngọc những ước vọng ở tương lai. Khôi bảo
Ngọc là chàng vẫn muốn Ngọc mặc màu áo xanh trong ngày cưới, dẫu
cô dâu nào cũng muốn mặc màu áo hồng hạnh phúc. Ngọc hiểu rằng
chiếc áo màu thiên thanh trong ngày gặp gỡ đầu tiên, đã khắc một
dấu ấn sâu đậm trong lòng Khôi. Nó cũng tạo cho Ngọc một niềm
tin, vì mai sau dẫu cuộc đời có nhiều thay đổi, có bao nhiêu màu
sắc thì tâm hồn Khôi vẫn mãi trong sáng như màu áo xanh chàng yêu
thích.
Khôi
hay đưa Ngọc về thăm mẹ mình. Năm đó mẹ Khôi khoảng hơn năm mươi
tuổi, tính tình hiền lành, tâm hồn trẻ trung, ưa văn chương và
đọc sách, cho nên sự hiểu biết và tính cách tôn trọng sự riêng tư
đối với con cái như mẹ Khôi, hiếm thấy được trong những gia đình
Việt Nam. Mẹ Khôi quý mến ngay người bạn gái của con mình, lúc
nào cũng đơn giản trong chiếc áo lụa xanh, với khuôn mặt đơn sơ
ít trang điểm.
Nếu định mệnh không đẩy Khôi phải rời
xa Ngọc, nếu chuyến bay tiếp tế cho chiến trường ngày hôm ấy
không bị bắn rơi trong núi rừng vùng Lai Khê, Khôi và Ngọc đã
thành hôn vào mùa Đông năm đó, khi Khôi bước vào tuổi hai mươi
sáu. Ngọc không thể ngờ lần gặp nhau cuối cùng của hai đứa, cũng
một chiều thứ bảy, Khôi đưa Ngọc đi nhà thờ về rồi vội vã đi
ngay, với câu dặn dò “nhớ cầu nguyện cho anh nghe bé!”
Ngọc nhớ mãi nụ cười rạng rỡ của Khôi,
tuy vội vã chàng vẫn giơ ngón tay lên môi, gửi cho nàng một nụ
hôn gió, trước khi chiếc xe Vespa khuất ngoài đầu ngõ. Lần cuối
cùng hai người nhìn thấy nhau, bởi vì chuyến bay đó là phi vụ
cuối cùng, Khôi đã mãi mãi không bao giờ trở về, khiến nhiều
tháng ngày sau đó, mỗi lần nhớ đến Khôi, Ngọc vẫn thảng thốt như
nhìn thấy nụ cười, ánh mắt và nụ hôn gió kia chưa hề tan biến
trong lòng Ngọc. Lòng nàng chìm ngập trong nỗi buồn về một câu
hỏi cái có cái không trong cuộc đời, vừa thấy đó mà mất đó, như
ảo ảnh, Khôi như chưa hề đi hẳn ra khỏi đời nàng, mãi mãi về sau.
Ngay cả nhiều năm sau đó, Ngọc lấy chồng, đâu phải nàng không yêu
thương người bạn đời, nhưng trong sâu thẳm của tâm hồn, dường như
dĩ vãng vẫn giữ lại hình ảnh Khôi, trong một khoảnh khắc nào đó
mà nàng nghĩ tới.
Khôi mất tích mãi đến bảy ngày sau
người ta mới mang về cho gia đình một nhúm thịt xương rã rời,
không biết trong chiếc quan tài phủ cờ ấy còn lại gì, vì không ai
có đủ can đảm để mở nắp áo quan cho gia đình xem. Ngọc đã khóc
ngất đi khi gặp mẹ Khôi bên chiếc quan tài của con. Ôi! Tro bụi
lại trở về tro bụi, người mẹ can đảm ấy đã chịu đựng nỗi đau đớn
khi mất con như khi chịu nỗi đau đớn ngày con chào đời.
Ngọc vẫn không quên nổi khung cảnh ảm
đạm cuả buổi sáng hôm vĩnh biệt Khôi lần cuối cùng. Trời mưa lưa
thưa, dường như định mệnh cứ đeo đuổi hai người với những cơn
mưa, ngày đầu gặp nhau cho đến ngày cuối cùng chia biệt, vẫn là
những giọt mưa, như những giọt nước mắt của định mệnh. Hình ảnh
bà mẹ đau khổ và câm lặng đứng bên bờ huyệt, đăm đắm nhìn chiếc
quan tài của đứa con yêu từ từ hạ xuống lòng đất, vẫn ám ảnh Ngọc
nhiều năm tháng còn lại. Bạn bè Khôi đứng nghiêm chào lần cuối
người bạn cùng phi đoàn, Ngọc biết có những giọt nước mắt không
chảy ra, chỉ là những con mắt hoe đỏ mà sự im lặng còn bằng vạn
lời nói, và tiếng thổn thức nho nhỏ của chị em Khôi và Ngọc. Bất
ngờ trong phút ấy, một người bạn thân của Khôi gỡ chiếc cánh bay
trên ngực, ném xuống lòng huyệt thay cho một cánh hoa vĩnh biệt.
Đúng một tháng sau, Ngọc nghe tin anh ấy cũng hy sinh, máy bay bị
rớt trong một phi vụ tiếp tế cho chiến trường. Phải chăng giữa
hai người đã có lời hẹn hò nơi cõi bên kia?
Những ngày sau cái chết cuả Khôi, Ngọc
vẫn lui tới thăm viếng mẹ chàng, tưởng như thế là sẽ ủi an được
nỗi lòng của người mẹ. Trong thời gian này, Ngọc mới biết rằng
nàng còn yếu đuối hơn người mẹ quả cảm ấy, vì nỗi buồn lúc nào
cũng ướt sũng như mưa, bởi Ngọc ít khi giấu được sự xúc động.
Chính khi đó mẹ Khôi lại là người an ủi nàng, dẫu có lần Ngọc len
lén nhìn thế ngồi bất động cuả bà mẹ lặng hàng giờ trước di ảnh
người con trai, mắt nhắm nghiền, đôi vai gầy guộc và những tiếng
thì thầm như đang nói nốt một câu chuyện dở dang. Nỗi đau xót ấy
chắc chỉ có ở những người mẹ bỗng nhiên mất đi đứa con, núm ruột
của mình, máu mủ của mình, nhất là đứa con đã trưởng thành trong
binh lửa, mới cảm thấy sự mất mát ấy đau xót như thế nào.
* * *
Anh dễ thương cuả em,
Chắc không ai nỡ trách em khi dùng lại
mấy chữ “dễ thương” năm xưa để dành cho một người nằm xuống. Và
cũng không còn chữ nào ý nghiã hơn để bày tỏ sự thương tiếc triền
miên, dẫu nay đã hơn ba mươi năm, chúng ta không thuộc về nhau,
nhưng trong quá khứ, trong một khoảng không gian và thời gian của
tuổi trẻ, em đã có anh.
Chiều nay, em mặc chiếc áo màu thiên
thanh vì biết ngày xưa anh yêu màu áo xanh, chiếc áo màu thiên
thanh em đã mặc vào ngày đầu chúng mình gặp nhau. Cho nên em vẫn
muốn, màu áo xanh hôm nay tuy không còn thích hợp với tuổi tác
của em hiện tại. Chỉ ở một chỗ nào rất riêng trong cuộc sống đời
thường, em vẫn tưởng như tình yêu ấy, vượt cả không gian và thời
gian, để tưởng nhớ anh, để cảm ơn mẹ anh đã cam chịu nỗi mất mát
đớn đau ấy suốt bao nhiêu năm đằng đẵng.
Hôm nay ngày giỗ anh, nơi đất khách quê
người, một lần nữa chúng mình gặp lại nhau, dù âm dương cách trở,
dù định mệnh tàn nhẫn đã đẩy anh ra khỏi đời em vào chuyến bay
cuối cùng hôm ấy. Em vẫn không thể nào quên, khi gặp lại mẹ anh,
có lẽ nỗi đau cuả em cũng phần nào nguôi ngoai và mờ nhạt đi với
cuộc sống hiện tại, vì người ta không thể sống mãi cho dĩ vãng.
Nhưng đối với mẹ anh, em hiểu, không bao giờ sự vắng mặt của anh
lại có thể làm bà quên rằng, mình đã có một đứa con đã mất đi vào
tuổi thanh xuân, đã hy sinh cho tổ quốc, và trong lòng người mẹ,
vẫn trọn vẹn còn ôm mang hình ảnh đứa con của mình.
Anh dễ thương,
Hãy ngủ đi một giấc thật dài trong sự
luyến nhớ của mọi người. Chiến tranh đã tước đoạt anh từ tay một
người tình, một người mẹ nhưng chắc hẳn, anh sẽ không bị lãng
quên trong lòng người ở lại, với bạn bè, với người tình năm xưa,
và nhất là với người mẹ yêu quý của mình. Mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi
tháng năm, dù giờ đây đã héo hắt vì tuổi già sức yếu, với mẹ anh,
anh vẫn là người con trai yêu quý mà không bao giờ bà quên được
cho đến ngày nhắm mắt, xuôi tay.
Hôm nay ngày giỗ anh, trong thánh lễ
cầu nguyện em vẫn mơ hồ có cảm giác như ngày xưa chúng mình ngồi
bên nhau trong ngôi thánh đường ở quê nhà. Những chiều thứ bảy
nhìn ra khoảng sân giáo đường, nơi góc sân ngát mùi hoa sứ, có
những con chim sẻ ríu rít trên mái tối nhà thờ, có anh thì thầm
với em bao ước vọng tương lai. Không có gì hết. Em ngỡ ngàng khi
nhìn ra cuộc đời không có gì hết sau cái chết của anh. Chỉ còn
lại những ngôi sao nhấp nháy mỗi đêm dài, dường như bao nhiêu
tháng năm vẫn còn đó, những áng mây trắng lướt thướt vắt ngang
mảnh trăng khuyết vẫn còn đó, anh vẫn chưa mang về cho em, như
lời hò hẹn trước giờ ly biệt từ những tháng năm mình còn rất trẻ.
Cuộc chiến đã qua đi hơn ba mươi năm,
người ta có còn nhớ đến nhau như em đang nhớ về anh không anh
nhỉ? Nếu người chết hiểu được những gì dành lại cho mình sau khi
nằm xuống, thì anh hãy thênh thang đi về cõi hư vô với một tấm
lòng thanh thản, anh nhé! Dĩ vãng chỉ còn là những hình ảnh mịt
mờ trong lòng mỗi người, cuộc sống hôm nay không trọn vẹn những
gì mình mơ ước, nhưng tình yêu cuả chúng ta đã trở thành bất tử,
ở một góc riêng, mà không ai có quyền đạp chân lên nó. Lạy Chuá,
xin hãy ủ ấm linh hồn anh trong tình yêu cuả Chuá, như ngày xưa
lúc ra đi, anh đã mang theo một mối tình và hình ảnh chiếc áo màu
thiên thanh về bên kia thế giới.
* Bài được viết theo lời kể của mẹ anh Khôi, người phi công đã hy
sinh trong cuộc chiến đau khổ VN.
Nguyên Nhung
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by van chuong vu chuyển
Đăng ngày Thứ Ba, September 17,
2024
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang