Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tùy Bút
Chủ đề:
đời lính
Tác giả: Trương văn Út tức Út Bạch Lan (Khóa 22/TVBQGVN)

MỘT ĐỜI BINH NGHIỆP 2 MÀU MŨ

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

Ta từ chinh chiến về ngang
Súng, Ba–lô làm bạn, nghĩa trang là nhà.



Buổi xế chiều ngày 15 tháng 10 năm 1970 là một buổi chiều chia ly ngậm ngùi với những lời giã từ không thành lời...! Bầu trời Nha Trang quang đãng, với sóng biển hiền hòa hết đợt này đến đợt khác tiếp tục đổ xô vỗ vào bờ cát trắng chạy dài từ Biệt Điện đến Xóm Bóng, cơn gió viễn dương từ biển khơi thổi bay phất phới lá cờ Vàng Việt Nam Cộng Hòa trước sân trại Hải Quân Tây Kết trong nền trời hãy còn xanh lơ, mặc cho ráng chiều xen lẫn chút ánh tà huy hứa hẹn lại thêm một hoàng hôn đẹp làm sao miền thùy dương cát trắng! Phía sau là trại Hoàng Diệu, Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù–Lực Lượng Đặc Biệt là một trong những đơn vị cảm tử, thiện chiến tinh nhuệ hàng đầu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Theo lệnh thuyên chuyển đơn vị, chiếc Hải Quân Dương Vận Hạm 505 (thường gọi là tàu há mồm) rúc lên 3 hồi còi rồi tách bến lùi dần ra biển khơi, chở mang theo Đại Đội 5 Tiểu Đoàn 81 Biệt Cách Dù (ĐĐ5/TĐ81BCD) và Đại Đội 6 Tiểu Đoàn 81 Biệt Cách Dù (ĐĐ6/TĐ81BCD) cùng với toàn bộ thân nhân, gia đình binh sĩ rời Nha Trang xuôi về Nam. Cuộc giã từ không hẹn ngày gặp lại xiết bao nỗi buồn, trên bãi biển vẫn còn lố nhố người quen, lạ ngóng trông theo con tàu khuất dần về hướng chân trời, trên đường Duy Tân vẫn còn một dọc dải quân xa jeep, dodge, gmc và không biết vẫn có bao nhiêu bàn tay hãy còn lưu luyến ve vẩy tiễn đưa...! Thôi... “thế là thôi, là thế đó”...

Giã biệt người mai tôi về biển rộng
Con ốc sầu chở gió cát lang thang...!
Trong hồn tôi còn chút gì rung động
Một lần thôi gom hết tạ ơn đời
...

Và không phải chỉ một lần thôi...! Tôi muốn thầm nhắn gởi nhiều hơn nữa để tạ ơn và giã từ Nha Trang thành phố miền duyên hải với quán cơm bình dân Chợ Đầm, Bar số 1 2 3 4 5, phở Chút, phở gà Số 1, quán cơm Thanh Phong, nhà hàng Nautique, Hotel NT, café Thu, quán rượu bar Mỹ, Tháp Bà Hòn Chồng Cầu Đá... và những lưu tình với bao người thân thương, quí mến...! Xin vẫy tay tạm biệt Thiếu tá Nguyễn Văn Lân (K17ĐL) Tiểu Đoàn Phó, người đã có công lót những viên gạch đầu đời binh nghiệp cho tôi, Đại úy Bùi Ngọc Bích (K11/TĐ) Chỉ Huy Hậu Cứ, người đã tận tình giúp đỡ chăm sóc cho vợ con tôi và gia đình binh sĩ trong khi chúng tôi đang hành quân... Xin vẫy tay tạm biệt với tất cả quân nhân của Tiểu Đoàn 81BCD, những người còn ở lại đang đứng trên bờ biển cát trắng Nha Trang mang vô vàn ân tình, kỷ niệm quãng đời chinh chiến... Xin giã từ, tạm biệt Nha Trang và “Huynh Đệ Chi Binh” vì sau này chúng tôi còn gặp lại nhau trên những chiến trận khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam thời cận đại như: An Lộc, Kontum, Quảng Trị, Thường Đức... mà những nhà biên soạn Quân Sử Thế Giới cũng phải hao tốn công sức tu chỉnh, so sánh và xếp hạng cuộc Chiến Tranh Quốc–Cộng Việt Nam là: “Cuộc chiến khốc liệt và dài nhất trong Lịch Sử Thế Giới cận đại”!... và chỉ mới buổi sáng hôm nay, trên sân cờ Tiểu Đoàn, khi tôi (ĐĐT/ĐĐ5) và Đại úy Nguyễn Chí Thanh (K12TĐ/ĐĐT/ĐĐ6) trao trả Hiệu Kỳ đơn vị cho Thiếu tá Trần Phương Quế (K10ĐL/TĐT), tôi thoáng thấy vẻ mặt ông đăm chiêu và nét buồn vương ánh mắt phảng phất u ẩn nỗi niềm của bậc phụ huynh đang phải cảnh từ ly, chia tay như sắp mất đi 2 “đứa con” trong 6 “thằng con” mà ông đã thương mến nuôi dưỡng, dạy dỗ, huấn luyện với tất cả tâm huyết trộn lẫn mồ hôi, nước mắt của chính bản thân mình... để rồi chúng lao vào cuộc chiến bắn giết, cố giành phần chiến thắng trên những mặt trận khốc liệt mà bởi trí tài được kham khổ, tôi luyện tinh nhuệ... ngõ hầu tránh được tối đa sự tổn thất tử vong của binh sĩ một cách đáng tiếc...!

Vì máu của người Chiến sĩ trên chiến trường không phải bị hy sinh phí phạm do bởi sự khiếm khuyết tài năng của những “Đại Bàng, Mặt Trời” khạc ra lửa, mửa ra khói... lãnh đạo và chỉ huy. Ông trao lại hai Hiệu Kỳ cho Thiếu tướng Tư Lệnh Nguyễn Văn Phú trong khi Ban Quân Nhạc Bộ Tư Lệnh trổi lên khúc nhạc tạm biệt và tất cả đơn vị trên sân cờ như rơi vào trạng thái tâm tư lắng đọng nghẹn ngào, nỗi buồn như bâng khuâng lãng đãng trên hàng cây phất phơ gió thổi, người người yên lặng không một ai cất nên lời và ôi:

Đẹp làm sao trong giây phút phân kỳ
Trong ánh mắt đã say màu quên lãng
...!

Ô! “cảnh biệt ly sao buồn vậy!” như Kiếm Sĩ Samurai Nhật Bản cổ xưa đứng yên trên bậc thềm rêu xanh của ngôi Kim Các Tự trong buổi chiều tà, tịch nhiên tâm chìm vào cõi hư không, asãrakatthena là anatta lặng nghe tiếng chày kình vọng chuông thời công phu buổi chiều rơi rớt lá thu phong và vạt nắng yếu khuất dần sau đỉnh núi!

Trên con “tàu há mồm” chất chứa gần 800 nhân mạng gồm: Sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ và thân nhân gia đình của 2 Đại Đội 5 và 6 Tiểu Đoàn 81 Biệt Cách Dù trên thủy lộ xuôi Nam.

Như thường lệ, hằng năm cứ vào khoảng tháng 11, các phái đoàn Quân Binh Chủng của QLVNCH đến truờng Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt (VBQGĐL) để thuyết trình về cơ cấu tổ chức, cơ cấu nhân sự, phương tiện và kỹ thuật hành quân tác chiến cho các sinh viên sĩ quan sắp sửa tốt nghiệp. Tôi có tâm trạng cũng tương tự như các bạn cùng khóa tuy đang ngồi trong Hội Trường mà đầu óc cứ suy nghĩ vẩn vơ... và “hoạch định” chọn lựa phương hướng, binh chủng để phục vụ tương lai:

– Nếu muốn tiến thân “Trong làng miếu ra tài lương đống” thì chọn: Công Binh, Quân Nhu, Quân Cảnh, Quân cụ...

– Nếu muốn tiến thân “Biên thùy rạch mũi can tương” thì chọn: Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, Lực Lượng Đặc Biệt, Biệt Cách Dù, và các Sư Đoàn Bộ Binh Tinh Nhuệ...

– Nếu muốn “Hối tàng nơi bồng tất” thì chọn: An Ninh Quân Đội, Đơn Vị 101, Cảnh Sát Đặc Biệt, Biệt Phái Ngoại Ngạch...

– Nếu muốn “Viễn Du Hải Hành” ra khơi biết mặt trùng dương thì chọn Hải Quân, và

– Nếu muốn “Bảo Quốc Trấn Không” với những “chuyến bay đêm” thì chọn Quân Chủng Không Quân...

Và quả thật có quá nhiều “cái” muốn thỏa chí, thỏa tình của bầy “Lý Ngư vượt Vũ Môn” trông chờ:

Trống trường thành lung lay bóng nguyệt
Khói cam tuyền mờ mịt thức mây...
–(Chinh Phụ Ngâm–Đoàn Thị Điểm)

Những sinh viên sĩ quan từ khi nhập trường cho đến khi tốt nghiệp đều “Ôm” trong lòng một hay nhiều mơ ước lý tưởng để được phục vụ, chiến đấu, tiến thân trên đường “Binh Nghiệp” lành ít, dữ nhiều... Việt Nam nơi chốn quê hương không có một ngày bình yên khói lửa, bom đạn ngừng cày xới nhà cửa, ruộng vườn tan hoang và thân người ngã gục vùi nông sâu dưới lớp rễ, lá cây rừng ẩm ướt, rã mục hoặc được chôn cất tử tế đàng hoàng với mớ hương vàng leo lét tỏa khói hương tống tiễn linh hồn tử sĩ buổi chiều mùa đông rét mướt lê thê mưa bụi lất phất bay ở Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa...!

Sao có nhiều cái “Muốn” quá vậy? Một SVSQĐL khi nhập trường cho đến khi tốt nghiệp đều “Ôm” một giấc mộng như nhau:

Làm sao bách thế lưu phương,
Trước là Sĩ sau là Khanh Tướng
”.

Do vậy nên khi tốt nghiệp, đa số SVSQĐL cũng có cùng một quan niệm giống nhau là: “Hoặc xanh cỏ, hoặc đỏ ngực” một chọn lựa Sinh–Tử như “định mệnh an bài” không thể tránh khỏi và không có ai “chiêu an” để thoát cảnh chẳng xanh cỏ mà cũng chẳng đỏ ngực, chỉ có chiến trường “điểm danh” giờ phút của tháng ngày đen tối nào đó không xa mà rất gần bỗng trở thành phế binh đui mù, què cụt... báo cô cho gia đình, vợ con và thân nhân kéo lê lết một đời tàn tật, lây lất trên vỉa hè đường phố hay trong những mái gia đình như ổ chuột ẩn chìm trong xóm lao động nghèo khổ...!

Từ sau năm 1954 toàn thể Quân Dân miền Nam phải dốc toàn lực chiến đấu để Bảo Quốc – An Dân và Quân Đội có ảnh hưởng đến sinh hoạt dân sinh rất đa phần, nhà nhà ai cũng có người ở trong quân ngũ, ra ngõ là thấy gặp Lính và những phương tiện của giới quân nhân đang luân lưu trong dòng sống hiện tiền. Vậy mà đã có mấy ai tiên liệu nghĩ được là: Cơn đại họa tai ương của Mệnh Nước – Vận Nhà đổ sập xuống như cơn thịnh nộ sóng thần, bão lũ giáng xuống toàn thể miền Nam làm cho cả tập thể Quân Nhân như chúng tôi phút chốc phải vất súng đạn, cởi bỏ quân phục cùng nhau lũ lượt rủ nhau vào tù hoặc trốn tránh quân thù để sống những tháng năm dài bất tận thiên thu trong nỗi uất nghẹn của người bại trận và cũng chẳng có ai cao kiến nghĩ rằng: Bỗng một buổi sáng, chiều ngày nào đó bản thân đơn độc hoặc với gia đình hay cả dòng người thôn xóm, làng mạc, thị dân thành phố lũ lượt túa chạy tất tả để chen chân lên phi cơ, tàu thuyền hay đường bộ... bỏ lại ông bà, cha mẹ, vợ con và người thân để vượt thoát ra khỏi nước làm người tỵ nạn trên xứ người rồi bắt đầu gây dựng lại đời sống mới để không hổ thẹn làm tha nhân cầu thực...

Vào cuối tháng 11 năm 1967, Phái đoàn LLĐB đến thuyết trình: Cơ cấu tổ chức và nhân sự... sao mà quá nhiêu khê không giống như ND, BĐQ, TQLC, SĐBB... cái gì đâu là A Team, B Team, C Team, CIDG, Mike Force, Delta, Nha Kỹ Thuật 81BCD... xem một đoạn phim chiếu lại nào là anh hùng Yđê, Ystiêng, Ysàriêng, Thạch Khương, Thạch Phen... gì đâu xa lạ quá!!! Nói thì nói vậy, chứ tôi đã bị “mê hoặc” bởi “cái” binh chủng tinh nhuệ, thiện chiến, xuất chúng và cảm tử xem nhẹ mạng sống như Kinh Kha vượt qua bờ sông Dịch để hành thích Tần vương trong Lịch Sử “Ba Tàu” xa xưa. Chúng tôi đây đương thời “trai thế hệ” học giỏi, đẹp trai hơn “Tuấn chàng trai nước Việt” bỏ Cours de dance, Vũ Trường Ca Nhạc, Ciné, Café Pagode, Brodard, Hầm Gió, Pole North... và những cuộc vui ồn ào, tưng bừng, náo nhiệt kín hở trong thành phố Sài Gòn xô bồ, xa hoa bình yên... và chỉ cách 20km đường chim bay vùng ngoại ô ven đô, đêm đêm ánh hỏa châu treo lơ lửng, soi sáng chiến trường cùng tiếng bom nổ của pháo đài bay chiến lược B52 trải thảm và tiếng đại bác bắn yểm trợ của quân ta từ xa vang dội về thành phố, hằng đêm và hằng đêm như sinh hoạt thường nhiên đến vô tình...!

Chúng tôi ý thức rồi “xếp bút nghiên” lên đường nhập ngũ, “Cư An–Tư Nguy” chiến đấu bảo vệ dân chúng được bình an sinh sống và sự toàn vẹn bờ cõi nước nhà... chắc chắn chính danh và lý tưởng tốt đẹp hơn tráng sĩ Tàu chỉ vì ân tình, nghĩa lụy với thái tử Đan nước Yên có dự mưu và thói tính cường bạo, máu lạnh, ai nỡ chặt đi đôi bàn tay của ca nhi mỹ nữ hầu rượu qua đêm mà làm quà trao tặng “tráng sĩ” Kinh Kha để tự hào với hậu thế là thể hiện thói “Văn Hóa Trung Hoa!!!”

Khi còn ở Trung Học, tôi nói dối với Ba tôi xin cho tiền để mua sách toán đề thi của Giáo sư Nguyễn Văn Phú và Đàm Quang Hưng, thực ra để có tiền đi xem 3 xuất Ciné cuốn phim “Les canons de Navarone”. Trong phim diễn tả lại cuộc xâm nhập của 1 toán Ranger của Liên Đoàn 2 LLĐB Mỹ (tài tử Gregory Peck đóng vai thiếu tá trưởng toán) nhằm phá hủy những cỗ đại pháo tối tân của quân Đức Quốc Xã (Gun Battery) tại Pointe Du Hoc chỉ cách nơi đổ bộ trên bờ biển Normandie 1 cây số bên trong đất liền. Nếu nhiệm vụ của toán này thất bại thì không có một chiếc tàu đổ bộ nào của quân đội Đồng Minh cặp bãi Omaha và Utah Beach.

Trung tuần tháng 12 năm 1967, hai tuần lễ trước ngày mãn khóa của chúng tôi, một phái đoàn thứ hai của BTL/LLĐB đến trường để chọn lựa những tân thiếu úy cho đơn vị, chỉ có 27 SVSQ/K22ĐL được tham dự và tôi được Đại úy Bác sĩ Trần Văn Út làm trưởng phái đoàn phỏng vấn:

– Chào Bác sĩ.
– Ngồi xuống đi. Tên anh là Trương Văn Út hả?
– Dạ vâng.
– Tại sao anh thích LLĐB?
– Dạ, tôi không biết...!
– Tại sao cha anh họ Trần mà anh là họ Trương?
– Dạ, tôi cũng không biết nữa...!

Những câu hỏi thật “đồng ấu Giáo Khoa Thư” lãng xẹt... đụng chạm đến ngạo khí “Lương Sơn hảo hớn” của tôi, khiến tôi gần như muốn nổi dóa, định đứng dậy chào rồi bước đi ra. Nhưng:

Bác sĩ nhìn em bác sĩ cười,
Em nhìn bác sĩ mộng hoa tươi...!!!
Sau này màu mũ xanh như lá
Bốn phương tám hướng mặc tung hoành
”...!!!

Sau cùng của buổi tuyển chọn “anh hùng”, ông thượng sĩ phòng TQT xướng danh tân sĩ quan được trúng tuyển:

Kính thưa quí vị,

Những ai có tên trong danh sách này xin ngồi lại, không có tên xin trở về doanh trại...

Cám ơn
.”

Chỉ có 8 người còn được ngồi lại trong phòng, trong số đó có tên tôi, thật ra danh sách này đã có từ BTL trước khi phái đoàn tuyển chọn (select team) đến trường. Người anh cột chèo chú bác ruột của tôi là Bác sĩ Ngô Vi Dương đang kiêm Y sĩ trưởng BTL/LLĐB. Như thế là 8 tân thiếu úy K22 VBĐL trình diện Phòng Tổng Quản Trị BTL/LLĐB ở Nha Trang sau 15 ngày nghỉ phép gồm có những bằng hữu như:

– Trần Văn Ni vác hành trang trình diện BTL/SĐ1BB vì an ninh lý lịch.
– Xường, Chân, Xinh... trình diện BCH C4.
– Út, Chẩn, Tiễn... trình diện BCH/TĐ81BCD.
– Đặng Văn Lợi... trình diện BCH/TĐ Mike Force.

Năm 1968 tại Nha Trang, trong doanh trại của đơn vị LLĐB/81BCD chỉ còn lại tôi, Chẩn, Tiễn và Lợi hưởng được những ngày cuối năm của Tết Mậu Thân với tiếng pháo giao thừa xen lẫn tiếng súng AK, B40, Beta... của VC nổ giòn tấn công, tôi bị thương phải nằm bệnh viện BTL hết 3 ngày đêm. Đơn vị của Chấn và Tiễn được bốc thả xuống Khe Sanh rồi những Anh Hùng LLĐB/81BCD trẻ tuổi đương độ “khí phách ngang trời” thây phơi chiến địa, họ không bao giờ trở về với bông mai vàng vẫn còn óng ánh trên vai áo trận giặt ủi hồ thẳng nếp, pháo đã thôi nổ chỉ còn những tiếng súng giao tranh nổ xé trời ngày đêm và tiếng cánh quạt trực thăng Gunship chém gió phành phạch với hỏa lực không kích khủng khiếp bằng những tràng đại liên nổ khan xen lẫn âm vang tiếng nổ dậy trời của hỏa tiễn có tầm tàn sát, công phá kinh hoàng... thân thể của những cán binh VC đã bấy lâu chui rúc, lẫn trốn sâu trong xóm làng, rừng rậm, gầy còm thiếu dinh dưỡng với làn da tái xanh nhợt nhạt được bọn “đồ tể lãnh đạo” giảo quyệt, trí trá tuyên truyền nhồi sọ khích động tinh thần yêu nước quân “Giải Phóng Miền Nam” cho xác người cán binh hữu tình, hữu hạn phải hứng chịu bom đạn nổ tan tành như xác pháo rờn rợn đất trời... Có cha mẹ, vợ con, thân nhân nào của người cán binh VC lại có thể cầm lòng yên bình chấp nhận... trước hậu quả bi thảm mà cán binh VC phải trân mình hứng chịu được không? Chắc chắn rồi sẽ có ngày xoay lại vòng nạn oan khiên: Tất cả bọn “Cung Đình Đỏ” phải bị lôi ra pháp trường xử tử. Quân “giải phóng” đã được bom đạn thật sự giải phóng và tống tiễn về với thần chết và cảnh giới u minh... để lại thành phố có nhiều nơi đổ nát ghim đầy dấu đạn và vết máu vương vãi lấm lem, quanh đây có nhiều vành khăn tang trắng chít vội lên những mái đầu xanh mà chỉ mới vài tuần lễ trước đây còn rộn rã tiếng cười... nhà ai vẫn còn ít nhiều hoa mai vàng nở muộn trên cành lung linh trước gió Xuân hãy còn ngay ngáy mùi máu tươi và thuốc súng pha lẫn trong ánh nắng ấm áp của Tết Mậu Thân tang tóc...!

Có “cái” đơn vị nào kỳ cục bằng đơn vị này?... thiếu úy “sữa” vừa mới ra trường, trình diện xong thì nhận lệnh đi gác hòm cho vị ĐĐT của mình là Đại úy Nghi ĐĐT/ĐĐ3 vừa mới tử trận ở Kontum thời điểm 2 tuần lễ trước Tết và bây giờ lại một lần nữa phải đi gác hòm cho Cố Trung tá Lê Như Tú TĐT/TĐ91BCD vừa ngã gục trong đêm giao thừa Tết Mậu Thân trên phố Độc Lập, Nha Trang!... Với những dòng nước mắt tưởng nhớ hai người bạn cùng Khóa mà chỉ mới cách đây một tuần hãy còn ngồi “Tiếu Ngạo Giang Hồ” khẩu khí ồn ào, vung vít tưng bừng dzô... dzô... nhậu beer tới bến với những rổ ốc bưu sống hấp lá gừng chấm nước mắm cay như xé lưỡi ở quán số 5 ven bờ biển...

Số mệnh an bài nghiệt ngã chưa chịu dừng lại ở đây... 2 tháng sau, ở mặt trận Cây Quéo, Cây Thị trong đợt “Tổng Công Kích Đợt 2”, tôi ôm xác bạn Huỳnh Kim Tiễn bị lãnh trái pháo không giật làm văng mất đầu, chúng tôi lục lạo tìm kiếm mãi mà không thấy thủ cấp của Tiễn đâu cả...! Tôi vẫn luôn nhớ và hình dung gương mặt hiền hậu, hài hòa, thân thiện và trí thông minh của người bạn thân cùng Khóa còn lại với tôi đã đền xong nợ nước.

Thời gian trôi qua như một giấc mơ... Sau hơn 2 năm tôi phục vụ ở TĐ91BCD (sau này đổi thành TĐ81BCD vì “Mặt Trời, Đại Bàng” luận bởi số 9+1=10 là số “bù” xúi quẩy, xui xẻo nên Anh Hùng trong đơn vị bị chết như rạ! Nay cải số 81 là 9 là thành số Tốt)... Từ đó đến về sau đơn vị đã trải qua đến 6 vị ĐĐT lẫm liệt chỉ huy tuần tự: Trần Hoạt Thành, Nguyễn Đăng Lâu, Huỳnh Văn Thanh, Ngô Tùng Lam, Nguyễn Văn Lân, Phạm Châu Tài và là đơn vị tinh nhuệ, thiện chiến hàng đầu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã gieo rắc kinh hoàng cho Bắc Quân trên khắp mặt trận tàn khốc suốt 21 năm cuộc chiến Quốc–Cộng phân tranh... Một binh chủng như thế, một đơn vị như thế có xứng đáng để người đời ca ngợi: “Kinh Luân Khởi Tâm Thượng, Binh Giáp Tàng Hung Trung”... không?!!!

Ngồi trên mũi boong tàu Dương Vận Hạm 505 đang xuôi Nam, điểm đến là Quân Cảng Bạch Đằng. Nào ai biết ngày mai rồi sẽ ra sao khi đời quân nhân chỉ biết tuân phục, chấp hành lệnh lạc từ bên trên chỉ xuống! Bên cạnh tôi là Đại úy Nguyễn Chí Thanh (ĐĐT/ĐĐ6/TĐ81BCND), Trung úy Hồng Quang Bảo (ĐĐP), Trung úy Nguyễn Văn Thinh (ĐĐP) của tôi, bên dưới lòng tàu lố nhố nam phụ lão ấu chen chúc nhau với hành lý là những thùng rương gỗ tạp, valy, túi sách... lẫn lộn với ba–lô, nón sắt, súng đạn, cùng 2 chiếc xe jeep của 2 Đại Đội... Trong tâm trí mỗi người chắc hẳn có nhiều suy tư riêng, tự hỏi sẽ sinh hoạt như thế nào trong khu trại gia binh mới luôn là nơi đất lạ quê người... Những quân nhân và gia đình sinh quán ở Nha Trang phần đông đều mang nỗi buồn mênh mang xa xứ! Những người gốc Sài Gòn, Gia Định, miền Đông, miền Tây mừng rỡ vì suy tính sẽ có dịp về thăm cận kề gia đình người thân yêu...! Không biết trong số hàng quan, quân này có ai bi quan tự hỏi: “Biết đâu ngày mai hay ngày mốt còn nhìn thấy được chiếc mũ Green Beret đội lệch ngạo nghễ trên mái đầu ngẩng cao này không, một binh chủng đi đông về ít, đi ít về không... hoặc đi luôn không thèm về nữa...?!” Ngày xưa, trước khi Kinh Kha sang sông Dịch được Thái Tử Đan khoản đãi yến tiệc linh đình với cung tần mỹ nữ... Ngày nay chúng tôi được “bốc” rồi “thả” vội vàng vào vùng tử địa để tử chiến với quân thù mà bóng dáng tử thần cứ lởn vởn chực chờ gặt lấy linh hồn phất phơ bay theo tiếng súng cường tập của Bắc Quân, “Kinh Kha Biệt Cách Dù” sang bờ Dịch thủy không kèn không trống, chỉ có chút ít thời gian ôm vợ con, hôn từ giã với câu hỏi đầy lo lắng: “Em và con có còn đủ gạo ăn tháng này hay không...”?! Rồi với ba–lô, súng đạn lên đường hành quân đột kích và nếu “anh” trở về bằng trực thăng chở xác chờ ban Chung Sự tẩn liệm với “hòm gỗ cài hoa” phủ màu cờ lặng lẽ, có nhiều tiếng khóc trên đường ra nghĩa trang...!

Tôi quay sang hỏi Đại úy Thanh:

– Anh đang nghĩ gì vậy?

Trước khi về TĐ81BCD, anh là Trung úy Toán trưởng Biệt Hải, xâm nhập bờ biển Hải Phòng năm 1966 bằng tàu đánh cá cải trang của Hải Quân QLVNCH, toán bị “bể”, được cứu thoát với cánh tay phải của anh lặt lìa, cũng may nhờ Quân Y của Đệ Thất Hạm Đội Mỹ cứu chữa tuy giữ được nguyên vẹn cánh tay, nhưng thương tật quá nặng nên không hoạt động được bình thường!!! Vẫn cái giọng nói, cười khàn đục của anh và cánh tay thương tật vung vẫy:

– Mẹ...! Từ Biệt Hải... tự ái không thèm giải ngũ, về Biệt Cách Dù bây giờ lại về Trinh Sát Dù... Thôi cũng được! Chứ đưa tao về “Biệt Ly” là tao “Biệt Kinh Kỳ”... ngay!!!

Trung úy Thinh hỏi:

– “Biệt Ly” là cái gì vậy đại úy?

– Là ĐĐT Chung Sự Nghĩa Trang Biên Hòa chứ còn con mẹ gì nữa...!!!

Thanh đưa tay móc bi đông, mở nắp hớp vài hớp khề khà... rồi chuyển sang cho tôi, tôi cũng làm một hớp và trời đất ơi “Ông Già Đi Bộ” (Jonhny Walker) chính hiệu “Huê kỳ”... Tôi chuyền giao tiếp cho Hồng Quang Bảo, rồi cho Thinh... Bảo tư lự chẳng nói năng gì, nhìn bâng quơ vào khoảng trời xanh vô tận... Chắc anh đang nghĩ đến dòng họ nhà Hồng Quang của anh đang ở Đài Loan cùng với gia đình nhà họ Tống gốc “Thziên Trziều” Bắc Phương “dzĩ đại” chăng...?!!!

Thinh nắm lấy tay tôi xiết chặt ân tình:

– Trung úy, có tôi bên cạnh đây!

Rồi thời gian cũng qua mau như là một giấc mơ...

– ĐĐ5/81BCD... cải danh là ĐĐ2TSND.
– ĐĐ6/81BCD... cải danh là ĐĐ3TSND.

Mang cái tên mới là Trinh Sát Nhảy Dù. Nhưng gốc nguyên thủy xương thịt máu huyết bản thân là Đơn Vị 81 Biệt Cách Dù.

Chiến Dịch Hành Quân Lam Sơn 719 Hạ Lào (1971): Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vượt biên giới tấn công vào căn cứ hậu cần của Việt cộng đồn trú tại quốc gia Lào: Đại úy Nguyễn Chí Thanh tử trận, xác không lấy được đã làm thêm xanh tươi cho cây rừng chằng chịt ở nơi ma thiêng nước độc xa lạ nào đó bên Lào, không phải quê cha đất tổ của anh...! Anh không bị thuyên chuyển về “Biệt Ly” mà là “Biệt Xứ”, Biệt Hải, Biệt Cách hay Biệt gì... gì... đi nữa... thì nay cũng lần chia tay “Vĩnh Biệt” anh rồi!... Và tiếp nối Hồng Quang Bảo cũng theo anh, xác được đồng đội gói ghém nhiều lần trong cái poncho rách tả tơi, mà vợ con, gia đình, thân nhân ruột thịt của anh không nhìn mặt được lần cuối...! Có lẽ giờ đây thân xác các anh đã rã mục hòa lẫn vào thớ đất phì nhiêu màu mỡ của núi đồi phía Tây Khe Sanh, Lao Bảo, trên dãy Trường Sơn trùng điệp màu tím thẫm chạy dài vùng Hạ Lào khi hoàng hôn buông phủ...

Mùa Hè Đỏ Lửa (1972) với Mặt trận Tây Nguyên, An Lộc và cứ điểm đồi Charlie... LĐ 81 BCD triệt xuất vùng Tam Biên, ĐĐ2TSND được điều động thả xuống để đương đầu với Sư Đoàn Thép 320 của Cộng sản Bắc Việt (CSBV) cùng với đại pháo 130ly, hỏa tiễn 122, Tank T54... hơn 50,000 quân CSBV vây kín trùng trùng... Nguyễn Văn Thinh nay làm ĐĐT/ĐĐ111 của TĐ11ND (Song Kiếm Trấn Ải). Khi cộng quân tràn ngập đồi Charlie, Thinh như một “Rambo, Dũng Sĩ Thời Đại, Triệu Tử Long, Trần Bình Trọng” tân thời đơn độc với giày Saut, quần trận, áo thun ba lỗ, đầu chít khăn viễn thám, ngực quấn đầy dây đạn, hai tay ôm khẩu đại liên M60 đứng sừng sững trên giao thông hào, miệng không ngớt quát tháo: “ĐM chúng mày lên đây... lên đây...” Tay bóp cò súng bắn rải đạn như mưa, quạt sang trái, sang phải vào lũ Bắc quân xiết chặt vòng vây... và rồi Thinh đổ gục xuống, thân xác bị đâm chém hằng trăm nhát mã tấu thù hận và ghim đầy lỗ đạn của lũ quỉ dữ trầm luân khát máu tươi từ thời đại sơ khai hỗn độn...!

Sau chiến trận, tôi có dịp trở lại Nha Trang đến thăm Mẹ của Thinh, lặng nhìn khung ảnh của Thinh an vị trên bàn thờ ám khói hương và làm sao để trả lời những vấn chuyện về cái chết của Thinh cho người mẹ già, thân thể gầy còm mòn mỏi với thời gian chịu đựng cơn đau thấu tâm can vì mất đứa con trai yêu thương, được suôn sẽ câu chuyện buồn tang tóc...! Tôi chỉ biết nghẹn ngào trả lời:

– Thinh vẫn còn ở lại Charlie với Đại tá Nguyễn Đình Bảo...!

Với Trận Hạ Lào Lam Sơn 719... ĐĐ3TSND tức ĐĐ6/81BCD kể như bị tử thần xóa sổ binh nghiệp!!!

“Kontum Kiêu Hùng, Quảng Trị Vùng Lên”, ĐĐ2TSND tức ĐĐ5/81BCD xa luân chiến, thân xác còn đó, nhưng thịt xương rã rời, máu huyết tan loãng, mãnh hổ thấm thương thân đầy vết đạn thù và vẫn phải bị “bốc” đi “thả” xuống những mặt trận khốc liệt hung hiểm, đường đi vào cõi chết để tìm sống, những “Kinh Kha thời đại” Chiến Sĩ Biệt Cách Dù...! Tôi không thể nhớ hết và làm sao để có thể nhớ hết được khi thời gian quá ngắn mà trang Chiến Sử thì quá dài... Đã có bao nhiêu đồng đội thân thương của mình cùng chung một chuyến “tàu há mồm” xuôi Nam, giã biệt trại Hoàng Diệu... đã nằm xuống trên khắp mặt chiến địa mà nay tôi vẫn còn đây! Họ nằm xuống cỏ xanh phủ lợp để tôi được “đỏ ngực” chăng? “Đỏ ngực” vì được gắn “huy chương” đầy ngực hay đỏ ngực vì tim tôi rỉ máu đau thương với Bạn Đồng Đội ngã xuống... và bao nhiêu tháng năm qua nữa vết hằn thôi ray rứt tâm tư mỗi khi tưởng nhớ đến “Họ”?! Ở đây, thời gian này với những dòng chữ “tâm bút”:

Thiên niên sự trầm hương vàng một nén
Vạn cổ hề trà, rượu trắng ba chung...
Đây “Mũ Đỏ Út Bạch Lan”
Lòng thành tâm cúng Bạn
Có linh thiêng vi vu về đây
Cùng ta “knock” rượu, uống cạn mấy chung trà
Đường chinh chiến đã xa rồi như mộng ảo
Ta còn đây ngồi nhớ Bạn biết dường bao...!
Gõ một tiếng chuông
Cho buổi chiều vô minh tan nát...
Tụng một thời Kinh
Để tiễn đưa hương linh Bạn viễn trình...
Sạpê Satta Avêra Hontu Sukhita Hontu
Avijjã Paramam Malam Anicca Dukkha Anatta...
Chày kình một tiếng
Cho cõi trời sắc không vỡ vụn...!!!

Và:

Vốn xưa là hạt là sương
Thì nay như khói vô thường bay đi
Ta chưa luyến ái điều gì
Ví như mấy bụi trần vi cuộc này
...

Tôi: “Thành Kính Truy Điệu Đồng Đội Tử Sĩ Đã Vị Quốc Vong Thân” vì vốn dĩ xưa nay Việt Nam chinh chiến dường bao “Nam Nhi Chinh Chiến Kỷ Nhân Hồi”...!!!

Thượng sĩ nhất, thượng sĩ, trung sĩ nhất, trung sĩ, hạ sĩ nhất, hạ sĩ... Họ gọi chung là hạ sĩ quan là những quân nhân ưu tú nhất của QLVNCH, “Họ” là những bậc thầy của tôi ngày mới ra trường, chính Họ đã hướng dẫn, chỉ bảo, trao truyền kinh nghiệm chiến trường cho tôi trong những bước chân đầu đời binh nghiệp... Nhớ một lần trực thăng vận vào mục tiêu A–shau, A–lưới... chân vừa chạm đất là chạm địch ngay, Hạ sĩ nhất Minh mang máy PRC25 nắm cổ áo tôi vật ngã xuống đất và hét:

– ĐM... thiếu úy Đà Lạt gì mà ngu thấy mẹ... cứ la xung phong... xung phong là đưa ngực cho nó phạng... chết mẹ hết ráo còn lấy ai xung phong...!!!

Họ là những người lính già thâm niên với tích lũy “bề dầy” kinh nghiệm chiến trường và tinh quái như “cáo” già trước cạm bẫy tử sinh trận mạc... và rồi họ cũng ngã xuống chiến địa...! Nhưng “cái” tinh anh không bao giờ chết. Họ chỉ nhạt nhòa đâu đó trên Quê Hương và tận cùng đáy lòng sâu kín trong tâm thức của tôi. Họ ẩn hiện mờ mờ nhân ảnh, chinh nhân ơi! Có bao giờ anh trở về bình yên? “Anh không chết đâu... anh! Anh chỉ vừa bỏ cuộc hôm qua...!”

ĐĐ5/81 BCD và ĐĐ2 Trinh Sát ND, chỉ là Một...

Trương văn Út tức Út Bạch Lan
(Khóa 22/TVBQGVN)



Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet eMail by cathy chuyển

 

Đăng ngày Thứ  Sáu, May 31, 2024
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang